Ngày Của Kiến Chương 216-220

Chương 216-220
NHỮNG VẬT TỔ ĐƯỢC THIẾT LẬP

Một ngày kia, đang đi dạo trong rừng Fontainebleau, một người đi câu được chứng kiến một cảnh tượng gây bối rối. Trên một hòn đảo nhỏ nằm giữa hai nhánh một con suối, ông thấy những bức tượng nhỏ xíu bằng đất sét. Chắc chắn chúng được tạc bằng các dụng cụ li ti vì trên mình chúng chi chít những vết dao phết siêu nhỏ.

Những bức tượng ấy lên tới con số hàng trăm, tất cả đều tuyệt đối giống nhau. Có thể nói nom chúng gần giống những cái lọ đựng muối tinh xảo.

Ngoài đi câu ra, người dạo chơi kia còn có đam mê khác: khảo cổ học.

Các vật tổ quay theo mọi hướng này khiến ông nghĩ đến những bức tượng trên đảo Phục sinh.

Ông ng hĩ lẽ nào mình đang đứng trên đảo Phục sinh của một dân tộc tí hon xưa kia từng sống trong khu rừng này? Lẽ nào ông đang chứng kiến những vết dấu cuối cùng của một nền văn minh cổ đại, nền văn minh mà ở đó người dân không lớn hơn một con chim ruồi là bao? Những người lùn dị dạng ư? Hay những con yêu tinh?

Người đi câu kiêm nhà khảo cổ học không khám phá hòn đảo đủ kỹ. Nếu không, hẳn ông đã nhận ra hàng đống côn trùng đủ loại đang hối hả chạm râu vào nhau để kể lể đủ các kiểu chuyện.

Và như vậy, hẳn ông sẽ hiểu đâu là tác giả thực sự của những bức tượng đất sét kia.

217. BỆNH UNG THƯ

103 đã thực hiện lời hứa thứ nhất: những người sống dưới đô thị của nó đã được cứu. Juliette Ramirez xin nó hãy thực hiện lời hứa thứ hai: tiết lộ bí mật về bệnh ung thư.

Con kiến lại quay về chỗ cái chuông của cỗ máy “Đá Hoa thị” và phát ra một bức thông điệp dài tỏa mùi.

 

Pheromon sinh học do các Ngón Tay sử dụng

Kiến tiết dãi: 103

Chủ đề: “Thứ mà các bạn gọi là ‘ung thư’

 

Nếu các bạn, những con người, các bạn không loại trừ được bệnh ung thư, đó là vì khoa học của các bạn đã quá lạc hậu. Cách phân tích của các bạn về những gì liên quan đến bệnh ung thư đã khiến các bạn mù quáng. Các bạn chỉ nhìn thế giới theo một cách duy nhất: cách của các bạn. Bởi các bạn là tù nhân của chính quá khứ các bạn. Sau nhiều thử nghiệm, các bạn đã chữa khỏi một số căn bệnh. Vì thế, các bạn kết luận rằng chỉ thử nghiệm mới có thể chữa được mọi căn bệnh. Tôi thấy điều này qua các bộ phim tài liệu khoa học của các bạn chiếu trên ti vi. Để hiểu một hiện tượng, các bạn đo đạc hiện tượng ấy, các bạn xếp nó vào một ngăn hồ sơ, các bạn ghi nó vào danh mục và các bạn cắt xén nó thành những mẩu càng lúc càng nhỏ đi. Các bạn có cảm giác rằng càng chặt nhỏ ra, các bạn càng gần hơn với sự thật.

Thế nhưng không phải cứ cắt một con ve sầu thành những mẩu nhỏ là các bạn hiểu tại sao nó lại hát được. Không phải cứ dùng kính lúp kiểm tra các tế bào của một cánh hoa cúc là các bạn hiểu tại sao bông hoa ấy lại đẹp đến thế.

Để hiểu các yếu tố bao quanh chúng ta, cần phải biết đặt mình vào vị trí, vào tính tổng thể của các yếu tố ấy. Và đặc biệt là lúc chúng còn sống động. Nếu muốn hiểu con ve sầu, bạn hãy cố gắng cảm nhận trong vòng mười phút những gì một con ve sầu có thể thấy và trải nghiệm.

Nếu muốn hiểu bông hoa cúc, bạn hãy cố gắng cảm giác mình cũng là một bông hoa. Hãy đặt mình vào vị trí của những thứ khác thay vì cắt chúng thành nhiều mẩu và quan sát chúng từ cái tháp ngà kiến thức của bạn.

Không phát minh nào trong số những phát minh vĩ đại của các bạn lại được tìm ra bởi các nhà khoa học bình thường vận áo blu trắng. Tôi đã xem một bộ phim về những phát minh vĩ đại của các bạn trên ti vi. Đó chỉ là những tai nạn khi thao tác, chẳng hạn như nồi niêu bị hơi làm tung nắp đậy, trẻ con bị chó cắn, táo rơi xuống từ một cái cây, các sản phẩm vô tình bị trộn lẫn.

Để giải quyết vấn đề ung thư, lẽ ra các bạn phải hỏi ý kiến nhà thơ, triết gia, nhà văn, họa sĩ mới đúng. Nói tóm lại là những con người có trực giác và cảm hứng. Chứ không phải những con người chỉ biết học thuộc lòng kinh nghiệm của các bậc tiền bối.

Khoa học cổ điển của các bạn đã lạc hậu rồi.

Quá khứ ngăn cản các bạn hiểu ra hiện tại. Thành công xưa cũ ngăn cản các bạn thành công vào lúc này. Vinh quang xa xưa là đối thủ tệ hại nhất của các bạn. Tôi đã thấy các nhà bác học của các bạn trên ti vi. Họ chỉ làm mỗi việc là nhắc đi nhắc lại những giáo điều và trường học của các bạn chỉ làm mỗi việc là kìm chế trí tưởng tượng bằng những cuốn sách thực nghiệm vĩnh viễn không thay đổi. Hơn nữa, các bạn còn bắt sinh viên của mình trải qua hàng loạt kỳ thi để các bạn được yên tâm là họ không liều lĩnh sửa đổi những cuốn sách ấy.

Đây là lý do tại sao các bạn không chữa khỏi căn bệnh ung thư. Đối với các bạn, mọi thứ đều giống nhau. Khi chữa được tiêu chảy bằng một cách nào đó, người ta cũng sẽ chữa được ung thư bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự.

Thế nhưng, bệnh ung thư đáng được ta quan tâm hơn nữa. Đó là một thực thể trọn vẹn.

Tôi sẽ cho các bạn giải pháp. Tôi sẽ cho các bạn biết loài kiến chúng tôi, cái loài mà các bạn dễ nghiền nát vô cùng ấy, làm thế nào để giải quyết bệnh ung thư.

Chúng tôi đã nhận ra được rằng trong số các bạn có một vài cá nhân hiếm hoi bị mắc bệnh ung thư mà không chết vì bệnh đó. Thế nên thay vì nghiên cứu vô số người chết vì bệnh đó, chúng tôi đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu những người kia, những người hiếm hoi mắc bệnh nhưng đột nhiên lại khỏi bệnh mà không rõ nguyên do. Chúng tôi đã tìm hiểu mẫu số chung nhỏ nhất giữa những người ấy là gì. Chúng tôi đã tìm hiểu suốt một thời gian dài, rất dài. Và chúng tôi khám phá ra đâu là điểm chung của phần lớn những “người kỳ diệu” này: khả năng giao tiếp với xung quanh của họ mạnh hơn nhiều khả năng giao tiếp với xung quanh của loài kiến.

Từ đó nảy sinh một trực giác: thế lỡ ung thư là vấn đề về giao tiếp thì sao? Và nếu là giao tiếp thì giao tiếp với ai? Dĩ nhiên là giao tiếp với những thực thể khác.

Chúng tôi đã tìm hiểu bên trong cơ thể các bệnh nhân: không có bất kỳ thực thể nào sờ vào được. Không phải bào tử, không phải vi trùng, không phải sâu giòi. Thế là một con kiến nảy ra ý tưởng thiên tài: phân tích nhịp truyền bệnh. Và chúng tôi nhận thấy nhịp ấy là một loại ngôn ngữ! Căn bệnh tiến triển theo một thứ sóng mà ta có thể phân tích như một dạng ngôn ngữ.

Vậy là chúng tôi có được ngôn ngữ nhưng lại không có bộ phận phát ngôn ngữ ấy. Nhưng không quan trọng. Chúng tôi đã giải mã ngôn ngữ. Tóm lại nó có nghĩa là: “Bạn là ai, tôi đang ở đâu?”

Chúng tôi đã hiểu. Các cá nhân bị mắc ung thư thực tế là những người vô tình tập hợp lại trong mình các thực thể ngoài Trái đất không sờ vào được. Các thực thể ngoài Trái đất ấy hẳn chỉ là một thứ sóng giao tiếp... Khi đến Trái đất, thứ sóng này hẳn chỉ là một ý tưởng nhằm nói rằng: sao chép lại mọi thứ quanh đây. Và vì hạ cánh trong những cơ thể sống nên thứ sóng ngoài Trái đất mới sao chép lại các tế bào quanh nó để phát đi những thông điệp kiểu như “Xin chào, bạn là ai, chúng tôi không có ý thù địch, hành tinh của bạn tên là gì?”.

Chính điều này lại giết chết chúng tôi: những câu chào đón, những thắc mắc từ phía các du khách lạc đường.

Và cũng chính điều này đã giết chết các bạn.

Để cứu Arthur Ramirez, các bạn phải làm ra một cỗ máy “Đá Hoa thị” giống cái máy đang giúp các bạn giao tiếp với loài kiến nhưng lần này lại được dành để dịch ngôn ngữ ung thư. Hãy nghiên cứu nhịp điệu của nó, sóng của nó, hãy sao chép lại chúng, điều khiển chúng để đến lượt các bạn phát đi được một câu trả lời. Dĩ nhiên các bạn không buộc phải tin điều tôi nói. Nhưng các bạn chẳng mất gì khi thử phương pháp này.

Jacques Méliès, Laetitia Wells và vợ chồng Ramirez rất bối rối trước lời đề xuất kỳ cục ấy. Đối thoại với bệnh ung thư ư?... Thế nhưng Arthur, thầy của bầy yêu tinh, lại chỉ còn sống được vài ngày nữa và trong những điều kiện hết sức tệ hại. Dĩ nhiên mọi thứ trong họ đều cho rằng đề xuất của con kiến thật phi lý. Con kiến này chẳng có lý do gì để dạy họ về y học cả. Lập luận của nó dù sao cũng thật điên rồ. Nhưng Arthur sắp chết. Thế tại sao lại không thử khai thác con đường thoạt tiên có vẻ phi lý tột cùng kia? Họ sẽ thấy con đường đó dẫn họ tới đâu!

218. NHỮNG CUỘC TIẾP XÚC

Thứ Ba, 14h30. Theo lời mời gặp gỡ được ấn định rất lâu trước đó, đội trưởng Jacques Méliès được ngài Raphal Hisaud, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu Khoa học đón tiếp. Anh giới thiệu với ông ta bà Juliette Ramirez, cô Laetitia Wells và một cái chai bên trong có một con kiến đang di chuyển. Cuộc tiếp xúc dự kiến kéo dài hai mươi phút nhưng cuối cùng lại kéo dài tám tiếng rưỡi. Và thêm tám tiếng nữa vào ngày hôm sau.

 

Thứ Năm, 19h23. Tổng thống Cộng hòa Pháp, ngài Régis Malrout, tiếp đón ngài Raphal Hisaud, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu Khoa học, trong phòng khách của mình. Thực đơn có nước cam vắt, bánh sừng bò, trứng rán và cuộc trò chuyện về một bức thông điệp mà ngài Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu Khoa học đánh giá là quan trọng hàng đầu.

Ngài tổng thống nghiêng người cúi xuống mấy chiếc bánh sừng bò:

- Ông yêu cầu tôi gì cơ? Tranh luận với một con kiến á? Không, không, ngh ìn lần không! Ngay cả khi nó đã cứu sống mười bảy mạng người bị nhốt dưới một tổ kiến như lời ông khẳng định. Ông có hiểu rõ lời mình nói ra không? Vụ họ Wells này khiến ông lú đầu mất rồi! Được rồi, tôi chấp nhận quên đi nội dung cuộc trò chuyện này còn ông, đừng bao giờ nhắc đến con kiến ấy với tôi nữa, đừng bao giờ nữa!

- Nhưng đó không phải một con kiến bình thường! Đó là 103. Một con kiến từng nói chuyện với con người. Đó cũng là con kiến đại diện cho liên bang kiến lớn nhất vùng. Một liên bang hùng mạnh gồm một trăm tám mươi triệu cá thể!

- Một trăm tám mươi triệu cái gì cơ? Thề là ông điên mất rồi! Kiến à! Côn trùng à! Lũ vật mà ta có thể dùng các Ngón Tay nghiền nát ấy à... Đừng bị mấy cái trò ảo thuật của những kẻ cà chớn lừa phỉnh chứ Hisaud. Sẽ chẳng có ai tin chuyện của ông đâu. Cử tri sẽ nghĩ rằng chúng ta đang tìm cách ru ngủ họ bằng mấy câu chuyện chán chết để bắt họ phải đóng thêm các loại thuế mới. Đó là chưa kể phản ứng của đảng đối lập... Tôi đã nghe thấy những lời cười nhạo rồi!

- Ta còn biết rất ít về loài kiến! ngài Bộ trưởng Hisaud phản đối. Nếu nói chuyện với chúng như với những cá thể thông minh, chắc chắn chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng có rất nhiều điều để dạy chúng ta.

- Ông muốn nói đến mấy cái lý thuyết gàn dở về bệnh ung thư ấy à? Tôi đã đọc nó trên mấy tờ báo lá cải. Ông không định thuyết phục tôi tin rằng ông coi đó là chuyện nghiêm túc đấy chứ, Hisaud?

- Kiến là loài động vật phổ biến nhất Trái đất, chắc chắn chúng có mặt trong số những loài phát triển và lâu đời nhất. Trong suốt một trăm triệu năm, chúng đã kịp học được nhiều điều mà chúng ta không biết. Chúng ta, những con người, chúng ta mới hiện diện trên Trái đất từ ba triệu năm nay. Và nền văn minh hiện đại của chúng ta tính ra cũng mới chỉ tồn tại được có năm nghìn năm. Chắc chắn chúng ta phải học hỏi ở cái xã hội giàu kinh nghiệm kia. Nó cho phép chúng ta tưởng tượng ra xã hội mình một trăm triệu năm tới.

- Tôi có nghe nói đến rồi nhưng điều đó thật ngu ngốc. Đó là những... con kiến! Lẽ ra ông nên nói với tôi về những con chó, tôi còn có thể hiểu được. Một phần ba cử tri của chúng ta nuôi chó chứ không nuôi kiến!

- Chúng ta chỉ phải...

- Đủ rồi đấy. Ông bạn già ơi hãy tỉnh táo lại đi! Tôi sẽ không làm tổng thống đầu tiên trên thế giới nói chuyện với kiến đâu. Tôi không thích những gì mà cả hành tinh vẫn thích bàn tán về tôi. Cả nội các của tôi lẫn bản thân tôi đều không muốn trở thành trò cười vì lũ vật này. Tôi không muốn nghe nói đến kiến nữa.

Ngài tổng thống xúc mạnh một nĩa trứng rán và cho vào miệng.

Ngài Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu vẫn không chịu thôi.

- Không, tôi sẽ còn tiếp tục nói với ông về chúng. Cho tới khi ông chịu thay đổi ý kiến. Những người ấy đã đến gặp tôi. Họ đã giải thích mọi chuyện bằng những ngôn từ giản đơn và tôi hiểu tất cả. Hiện chúng ta có được cơ hội bỏ qua hàng thế kỷ để nhảy vọt về tương lai. Tôi sẽ không để tuột khỏi tay cơ hội đó đâu.

- Đúng là chuyện tầm phào!

- Ngài nghe này, một ngày nào đó tôi sẽ chết, cả ngài cũng thế. Và vì cả hai chúng ta cùng thừa nhận là rồi mình cũng sẽ biến mất, vậy tại sao chúng ta lại không để lại một dấu vết độc đáo, khác biệt, dấu vết về sự hiện diện của chúng ta trên Trái đất này? Tại sao chúng ta lại không ký kết những thỏa thuận kinh tế, văn hóa và thậm chí là... quân sự với loài kiến? Suy cho cùng đó là loài vật thứ hai hùng mạnh nhất trên Trái đất.

Tổng thống Malrout nuốt một lát bánh mì nướng và ho sù sụ.

- Thế tại sao chúng ta lại không khánh thành luôn một đại sứ quán Pháp ở một tổ kiến nào đó ấy và ông sẽ làm luôn đại sứ!

Ngài Bộ trưởng không cười.

- Phải, tôi cũng có nghĩ đến chuyện này.

- Thật không thể tin nổi, ông thật không thể tin nổi! ngài tổng thống giơ hai tay lên trời và thốt lên.

- Ngài đừng quên đó là loài kiến. Hãy nghĩ đến chúng như nghĩ đến những sinh vật ngoài Trái đất. Chúng không phải sinh vật ngoài Trái đất mà là sinh vật trên Trái đất. Khuyết điểm duy nhất của chúng là quá nhỏ bé và lúc nào cũng chiếm chỗ trên hành tinh này. Thế nên chúng ta không còn nhận ra chúng có gì kỳ diệu nữa.

Tổng thống Malrout nhìn chằm chằm vào mắt ông:

- Ông định đề nghị tôi gì đây?

- Chính thức gặp mặt 103, Hisaud trả lời không chút ngại ngần.

- Đó là ai?

- Là một con kiến rất hiểu chúng ta và có thể được dùng như một thông dịch viên trong trường hợp cần thiết. Ông hãy mời nó đến điện Elysée, để ăn trưa không chính thức chẳng hạn - nó chỉ ăn một giọt mật thôi. Ông nói gì với nó không quan trọng, điều quan trọng là nguyên thủ quốc gia chúng ta đã nói với nó. Bà Ramirez sẽ mang cho ông máy phiên dịch pheromon. Nên ông sẽ không phải lo gì về vấn đề kỹ thuật cả.

Ngài tổng thống đi đi lại lại trong phòng rồi ngắm nghía mấy khu vườn một hồi lâu. Dường như ông đang cân nhắc xem nên đồng ý hay nên phản đối.

- Không được. Nhất định là không được! Tôi thà bỏ lỡ cơ hội để lại dấu ấn của mình còn hơn là liều mình trở thành trò cười. Một vị tổng thống nói chuyện với loài kiến ư... Thật đúng là bôi bác quá đáng!

- Nhưng...

- Thôi đi. Ông đã lạm dụng lòng kiên nhẫn của tôi khi bắt tôi phải nghe mấy cái chuyện sâu kiến của ông đấy. Câu trả lời là không được, tuyệt đối không được. Tạm biệt Hisaud!

219. LỜI BÌNH

Mặt trời đã lên đến đỉnh. Một khoảng rừng thưa rộng lớn trải dài khắp rừng Fontainebleau. Những tấm mạng do đám nhện hoang dại dệt lên biến thành các tấm khăn ánh sáng. Trời rất nóng.

Các sinh vật nhỏ li ti rền rĩ dưới những cành cây. Chân trời rực đỏ. Đám dương xỉ im lìm. Ánh sáng ngập tràn mọi vật. Thứ nắng chói chang và trong vắt ấy khiến cảnh tượng một cuộc phiêu lưu giữa vô vàn cuộc phiêu lưu khác trở nên khô rang.

Và ở phía bên kia các vì sao, ở nơi tận cùng bầu trời, dải thiên hà chầm chậm quay, thờ ơ với những gì đang diễn ra trong lớp bụi các hành tinh của nó.

Thế nhưng trong một ngôi làng nhỏ của loài kiến Trái đất lại đang diễn ra Lễ hội Phục sinh cuối mùa. Tám mươi kiến công chúa Bel-o-kan bay lên để cứu triều đại mình.

Hai con người đi qua nhìn thấy chúng.

- Ôi mẹ ơi mẹ có thấy lũ ruồi kia không!

- Không phải ruồi đâu con. Đó là các kiến chúa đấy. Con hãy nhớ lại bộ phim tài liệu con đã xem trên ti vi đi. Đây là lễ hội bay giao phối của chúng, chúng sẽ bay lên và gặp con đực trên đó. Tiếp theo, một số con có lẽ sẽ bay đi xa và thành lập ra các đế chế.

Lũ kiến công chúa bay cao lên trời. Bay cao lên, vẫn bay cao lên nữa, để tránh bọn chim sẻ ngô. Lũ kiến đực bay lên gặp chúng. Rồi tất cả cùng nhau bay lên, bay lên, bay lên. Khoảng rừng thưa ấy hút lấy chúng rồi dần dần, chúng tan đi trong những tia nắng chói chang của vầng thái dương. Nóng, trong, sáng. Tất cả trở nên trắng xóa, trắng đến lóa mắt.

**** HẾT ****

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t40123-ngay-cua-kien-chuong-216-220.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận