Lần đầu tiên tôi đến Hỏa Lò, cái phố của Hà Nội chỉ có duy nhất một số nhà này, hầu như người Hà Nội nào cũng biết, nhưng nào ai muốn đến thăm. Thực ra tôi cũng chẳng có can hệ gì mà phải đến đấy, vào đúng những ngày cuối năm bận rộn bao nhiêu công việc.
Số là tôi có một ông cậu nghiện ngập cờ bạc bị công an bắt quả tang. Đến thăm bà mợ, thấy ái ngại quá. Một mình chạy ăn cho cả nhà. Rồi lại còn phải tiếp tế cho ông cậu hàng tháng. Thấy mợ tôi gầy tọp đi, tôi cũng mủi lòng.
- Hôm nay mợ để con đi "tiếp tế" cho cậu. Cặp cậu con sẽ phê bình đến nơi đến chốn...
Thế là tôi xách chiếc làn cói với lỉnh kỉnh vài thứ bánh trái thuốc men đến ngồi ở dãy ghế trước cửa Hỏa Lò.
Đã xế trưa rồi mà số người đến thăm tù nhân vẫn còn đông. Ngồi chờ, tôi cứ nghĩ vơ vẩn. Giả sử như cái cổng Hỏa Lò kia tự nhiên vỡ ra, hàng trăm anh chàng áo sọc, đầu trọc lốc ùa ra các đường phố, thì Hà Nội sẽ ra sao nhỉ?
Đang mải mê suy nghĩ, tôi chợt nhận ra một cô gái tay xách chiếc làn nhựa khá nặng, phía trên lại có cả một bó cúc vàng đại đóa như vừa mới hái ngoài vườn, còn đọng đầy sương đêm. Thoạt nhìn cô, tôi đã ngờ ngợ như gặp ở đâu rồi. Một khuôn mặt đẹp, không son phấn mà đôi môi vẫn chúm chím hồng và làn da trắng ngời, mịn màng như thoa một lớp kem mỏng. Chắc cô khoảng chừng hai lăm tuổi, cái tuổi mà vẻ đẹp của người thiếu nữ có dịp bộc lộ hết sức mạnh tiềm ẩn của nó.
Sau khi trao đổi với anh chiến sĩ trực ban ở vọng gác, cô gái đi lại phía tôi và ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
Tôi ý tứ nhìn cô gái. Đôi mắt với hàng mi dài và cong cúi nhìn xuống những bông cúc đại đóa rất lâu, rồi đột ngột những giọt nước mắt trào ra, rơi xuống những cánh hoa vàng rực.
- Sao? Họ không cho cô vào gặp người thân à? - Tôi ái ngại hỏi. Tự nhiên tôi có một nỗi cảm thông pha chút
Cô gái ngước cặp mắt nhìn tôi. Một đôi mắt buồn, ướt nhòa, làm tôi đến thắt lòng. Bây giờ thì tôi đã nhận ra cô rồi. Đôi mắt ấy khiến tôi không thể nhầm lẫn được.
- Xin lỗi. Có phải Cầm không?
Một thoáng sững sờ trong đôi mắt cô. Một lát, cô mới nghẹn ngào:
- Anh Dương, sao anh cũng đến đây?
Tôi vỗ nhẹ vào cái làn cói đặt bên cạnh:
- Đi thăm ông cậu. Ông ấy ở trong kia hai tuần rồi. Không ngờ chúng mình lại gặp nhau ở đây. Thế Cầm đến thăm ai?
Cầm yên lặng. Tôi cảm thấy cô đang cố nén một tiếng thở dài. Hình như cô muốn giấu cái điều đang làm cô đau khổ. Biết ý, tôi lảng câu chuyện:
- Cái Phượng em mình nó cứ nhắc đến Cầm luôn đấy. Hôm hai vợ chồng nó chuyển công tác vào Vũng Tàu, nó có ý đi tìm Cầm mà không biết địa chỉ, tám năm rồi còn gì. Ngày Cầm và Phượng cùng học lớp mười, mình vẫn trêu hai cô như đôi sam ấy, lúc nào cũng cập kè bên nhau...
- Vậy mà cuộc đời lại xô đẩy mỗi đứa đi một ngả. Cái Phượng tuổi Thìn, như rồng gặp nước. Còn em tuổi Mão, lúc nào cũng đầy tai họa.
- Cầm học tử vi từ bao giờ đấy? - Tôi tròn mắt kinh ngạc. Và thêm một câu đùa để xóa tan sự ám ảnh về định mệnh trong lòng cô gái - So với Phượng, Cầm có nhiều điểm mạnh hơn chứ. Trước đây, Phượng nó vẫn thường ghen tị với em đấy. Em xinh đẹp lại hiền dịu. Phượng nó bảo, em là người vợ lý tưởng của các đức ông chồng...
- Lý tưởng hay là ảo tưởng hả anh? - Cầm khẽ nhếch miệng cười. Nụ cười khinh bạc và chua chát như một người từng trải và gặp quá nhiều nỗi bất hạnh trong
cuộc đời.
Tôi nhìn đồng hồ.
- Đã đến giờ gặp ông cậu.
Cầm gật đầu, khẽ đáp một tiếng "dạ". Tôi dúi thêm cho Cầm cuốn tiểu thuyết mang theo, rồi rút tấm thẻ nhà báo, đi vào cổng chính.
Gặp tôi, ông cậu mừng lắm. Ở Hỏa Lò mà ông có vẻ béo đẫy ra. Ông bảo: "Vào Hỏa Lò một lần này là đủ quá rồi. Cậu thề với anh từ nay xin cạch cái món "một trăm hai mươi quân".
Lúc tôi ra chỗ ghế đợi, cũng là lúc đến lượt Cầm vào thăm người thân. Nhưng khác với tôi, cô chỉ được đồng chí công an tiếp ở phòng thường trực. Người thân của cô khác với ông cậu của tôi, không được trực tiếp gặp người nhà. Cái túi đựng đầy đường sữa và quà bánh sẽ chuyển giao qua các đồng chí công an đưa vào cho phạm nhân. Riêng bó hoa cúc vàng thì phải để lại. Luật nhà giam, phạm nhân không được cắm hoa ở trong phòng.
Thấy Cầm ủ rũ từ phòng thường trực bước ra, tôi chạy lại đón.
- Sao? Tưởng Cầm gửi hoa vào trong đó?
- Người phạm pháp không có quyền được thưởng thức hoa anh ạ - Cầm lảng tránh cái nhìn của tôi, đôi môi mím lại tưởng như sắp bật khóc.
Tôi đi với Cầm một đoạn đường nhưng cả hai đều không nói một lời nào. Có cái gì đó ở cô mà tôi vẫn chưa thể hiểu nổi. Tôi tự trách mình, trách cả Phượng em gái tôi, tám năm qua nỡ sống thờ ơ và vô tình quá. Cái ngày em gái tôi chơi với Cầm, quả tình tôi rất mến cô và đôi lúc còn nghĩ ngợi nhiều về cô nữa. Giá như hồi ấy tôi không đi bộ đội... Giá như cái Phượng đừng vô tư quá, nó chịu khó hiểu tôi một chút... Có lẽ...
- Thôi, chúng mình chia tay ở đây anh ạ - Đến chỗ ngã ba, Cầm bỗng đột ngột đưa tay cho tôi bắt. Cử chỉ khá lịch thiệp của cô làm tôi ngỡ ngàng. Tôi biết cô đang tỏ ra mình cứng rắn và bình thản trước cái vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi có phần thương hại của tôi.
- Kìa Cầm. Mình có thể đưa Cầm về nhà chứ?
- Cảm ơn anh. Không cần đâu anh ạ. Em đang có việc...
- Hay Cầm cho mình địa chỉ. Nhất định mình sẽ
đến thăm.
- Đến thăm em, chắc anh sẽ lại buồn hơn thôi...
Cầm thở dài. Tuy vậy cô vẫn ghi cho tôi địa chỉ. Rồi hối hả lên xe như muốn chạy trốn.
Tôi đứng nhìn theo mãi bóng Cầm. Trưa cuối năm nắng hanh vàng thắm càng làm rực lên những bông cúc đại đóa thấp thoáng giữa dòng người.
*
* *
- Hôm gặp anh ở Hỏa Lò, em nghĩ rằng anh sẽ coi khinh em lắm. Đời em cay đắng thế đấy anh ạ. Hình như không trốn được số mệnh... Chúng em lấy nhau sau khi cả hai đứa cùng học thợ hàn ở Liên Xô về. Ngày chúng em tổ chức cưới, Phượng có đưa cả người yêu đến chúc mừng. Căn phòng này chúng em "hoa hồng" lại của một gia đình chuyển công tác vào thành phố Nha Trang. Ở nhà mới được một năm thì nhà em xung phong lên Sông Đà, giữa lúc em có mang cháu Minh. Thợ hàn đường hầm Sông Đà vất vả lắm. Lần lên thăm anh ấy, chui vào đường hầm, suýt nữa thì em ngất xỉu vì ngạt. Hai năm ở Sông Đà, tay nghề nhà em tiến bộ nhanh lắm. Một lần về phép, anh ấy khoe công trường thủy điện sắp cử anh ấy sang Liên Xô học kỹ thuật hàn mới. Thế rồi một tháng sau em bỗng nhận được tin sét đánh: Anh ấy bị tai nạn trong một vụ sập hầm...
Tôi ngước nhìn tấm ảnh đặt trên tấm giá gỗ sát trần nhà phía trước có một bình nhang đầy chật những chân hương cháy đã hết. Người con trai trong ảnh còn rất trẻ, gương mặt hiền từ và đôi mắt hơi đượm buồn.
- Thế còn những bông cúc này? - Tôi hỏi Cầm và đưa tay sửa lại một bông cúc trong chiếc lọ sứ đặt trên bàn. Những bông cúc đại đóa mang đến Hỏa Lò buổi trưa ấy cho đến bây giờ dường như vẫn tươi nguyên, khiến lúc đầu khi mới bước vào phòng tôi cứ ngỡ rằng Cầm đã thay những bông cúc khác.
Đưa tay đỡ lấy vầng trán, Cầm im lặng giây lâu rồi lắc đầu buồn bã:
- Em chỉ sợ làm mất thời gian của anh. Chuyện buồn lắm anh ạ.
- Không sao đâu, Cầm đừng ngại. Lẽ ra mấy năm qua, tôi và Phượng phải cùng chia sẻ với Cầm...
- Tại em cả thôi. Sau ngày chồng em mất, em đã dại dột tự tách mình ra khỏi bạn bè. Có dễ đến hơn một năm trời em không giao tiếp với ai. Hai mẹ con sống như trong một nấm mồ. Cứ tưởng chỉ cần sống với con, sống với những kỷ niệm của anh ấy là mình có thể đủ sức vượt qua tất cả. Nhưng em đã lầm. Ở nhà máy, rồi ở ngoài đường có bao nhiêu anh chàng rắp ranh theo đuổi. Có những anh chàng bỏ vợ. Có những anh lấy cớ đang sắp bỏ vợ. Em còn trẻ và cũng không đến nỗi vô duyên. Nhiều lúc em có cảm giác như mình bị vây bủa. Trong số những người theo đuổi em có một anh chàng ba con. Anh ta hiền và có vẻ chân thật. Anh ta bảo em: "Sớm muộn thì anh cũng li dị vợ. Anh không thể sống với cô ấy". Em bảo: "Nếu anh còn nói với tôi những điều ấy thì từ bây giờ anh đừng gặp tôi nữa". Vậy mà tuần nào anh ta cũng đến. Giá như anh ta sỗ sàng hay tán tỉnh rẻ tiền thì em lại dễ cư xử. Nhiều lần, vừa thấy bóng anh ta ở cửa, em vội nói rằng đi có việc. Vậy mà hôm sau mẹ con vừa ngồi xuống mâm cơm, đã lại thấy mặt anh ta rồi. Người phụ nữ sống một mình khó thế đấy anh ạ. Một cô bạn gái biết chuyện bàn với em: "Phải có một anh chàng "cao thủ" thì mới đuổi nổi cái gã si tình kia. Tao sẽ kiếm cho mày một anh chàng võ sĩ. Phải tống cổ cái anh chàng ba con kia ra khỏi nhà thì mày mới yên thân được". Quả nhiên anh chàng giỏi võ mà bạn em giới thiệu đã làm được cái công việc xua tà. Anh ta còn khá trẻ, cao to, và rất lịch thiệp. Hôm đầu tiên hai người đàn ông chạm trán nhau, anh chàng giỏi võ nói thẳng với anh chàng ba con si tình: Tôi không muốn trong nhà này có hai người đàn ông. Tôi yêu Cầm. Vì thế từ hôm nay anh đừng đến quấy rầy cô ấy nữa.
Nghe Cầm kể tới đây tôi bỗng bật cười:
- Chuyện ly kỳ quá nhỉ. Cứ như trong kiếm hiệp ấy.
- Đuổi được anh chàng si tình rồi, tưởng đã thoát nạn. Nào ngờ em lại rơi vào một tình huống thật khó xử - Cầm tiếp tục câu chuyện - Anh chàng giỏi võ tên Quyết. Anh ta nói với em rằng chưa có vợ, rằng ngay từ lần gặp đầu tiên đã yêu em say đắm. Lần nào đến thăm Quyết cũng mang theo một bó hoa thật tươi. Thấy Quyết để xe dưới sân không khóa, em nhắc, anh ấy bảo: "Nếu có mất, chúng mình sẽ có một kỷ niệm". Những cử chỉ ấy, đối với phụ nữ chúng em, dễ gây ấn tượng lắm. Thế là em bắt đầu yêu. Yêu đến mê mẩn như để bù đắp lại hai năm sống cô đơn trống vắng. Chúng em ra phường đăng ký sau đó ba tháng.
- Vậy là Quyết đã đến đây ở? - Tôi lại ngước nhìn tấm ảnh trên bàn thờ và có cảm giác như chàng trai trong tấm ảnh kia đang nhếch mép cười.
- Sau ngày cưới hai tuần thì hai đứa con và bà mẹ anh ta cùng đến - Cầm chợt đưa chiếc khăn tay lên lau mắt, giọng nghẹn lại - Em không ngờ rằng Quyết đã lừa dối. Anh ta bỏ vợ. Hai đứa trẻ sống với bà nội ở một làng ngoại thành. Trước đó anh ta lái xe cho một cơ quan, nhưng rồi bị sa thải. Biết làm sao được hả anh. Em chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Đành phải coi những đứa trẻ của anh ta như con mình. Mỗi tháng em đong ba mươi cân gạo ngoài gửi xuống cho bà cháu. Nếu như Quyết là một người chồng tốt thì dẫu vất vả hơn nhiều em cũng chẳng phàn nàn. Nhưng chỉ vài tháng sau, anh ta lộ nguyên hình là con người hư hỏng. Nhiều khi anh ta bỏ đi suốt đêm. Anh ta kéo bạn bè về ăn uống, rượu chè. Em phải bán dần đồ đạc trong nhà trả những món nợ của anh ta mà chính em cũng không biết lý do. Thế rồi một đêm công an vào khám nhà thấy một khẩu súng ngắn anh ta giấu dưới
gầm tủ...
Tôi ngồi lặng đi, lòng lẫn lộn một mối thương cảm và sự uất giận. Nhớ lại cái buổi sáng gặp Cầm trước cửa Hỏa Lò, tôi thấy cô vừa đáng yêu vừa đáng trách.
- Thế ra hàng tuần Cầm vẫn đi tiếp tế cho hắn?
- Em thấy mình không thể làm khác được. Hôm ấy là ngày sinh của Quyết... Người ta đang trong tình cảnh như thế, nỡ nào đối xử tàn nhẫn...
- Anh hỏi thật nhé - Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Cầm, mặt nóng bừng bừng như lên cơn sốt - Em có còn yêu Quyết không?
- Một tình yêu ngộ nhận. Nó chết ngay sau khi em biết rằng anh ta đã lừa dối em.
- Vậy thì còn nuối tiếc gì nữa?
- Nhiều người khuyên em, nhân cơ hội anh ta đang mất quyền công dân này hãy làm đơn ly hôn.
- Anh cũng khuyên em như vậy. Luật pháp hoàn toàn ủng hộ em. Nếu hắn ta ra tù, hắn sẽ bám lấy em như một thứ tầm gửi.
Cầm gục đầu trên bàn. Đôi vai rung nhè nhẹ. Lúc sau cô ngẩng lên, đôi mắt ướt giàn giụa.
- Làm thế thì vô nhân đạo quá. Người ta đang rơi xuống vực thẳm. Ai sẽ cứu vớt anh ta? Bảy tháng qua, em như một nạn nhân. Em muốn vùng thoát khỏi cái con người hư hỏng ấy. Em biết tất cả đang ủng hộ em, muốn cứu vớt mẹ con em. Nhưng còn anh ta? Nếu em cũng ruồng rẫy, rũ bỏ nốt, làm sao anh ta còn tin ở cuộc đời?
- Em sẽ tự hủy hoại đời mình bằng cái thứ nhân đạo vớ vẩn ấy thôi - Tôi bực bội xô ghế đứng lên - Anh coi em như Phượng, em gái anh. Tương lai của em vẫn còn ở phía trước. Những người như em xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Và anh đã nói với em những điều mà lẽ ra anh... Nhưng thôi vậy. Tùy em...
Không nhìn Cầm, tôi bước vội ra khỏi phòng, không kịp buộc lại dây giày. Tôi cảm thấy tim mình chợt đau nhói. Nếu còn ngồi lại bên Cầm, chắc rằng tôi sẽ không tự chủ được mình, bởi vì, hình như tôi đã phát hiện ra một vẻ đẹp mà lâu nay tôi cứ ngỡ rằng cuộc sống đầy khó khăn, sóng gió này đã làm nó mai một đi rồi...
*
* *
Suốt từ hôm ấy, không hiểu sao, tôi cứ như người tương tư. Ba mươi tuổi, đã yêu một đôi lần, nhưng tôi là kẻ bất hạnh. Bây giờ tôi đang sống trong một trạng thái khác lạ. Hàng ngày, không có việc gì, tôi vẫn cố đạp xe dạo qua cái phố Hỏa Lò ấy một lần. Trong bốn bức tường cao ngất kia là những tội phạm. Cầu cho mỗi người trong bọn họ mỗi tuần có một người mang hoa để tặng. Nếu họ còn có một trái tim nhân ái, chắc họ sẽ phải đau xót, hối hận về những lầm lỗi và tội ác của mình.
Và kia, có một người xách trên tay chiếc làn nhựa và một bó hoa đi tới. Thoáng nhìn cái dáng thanh thoát mềm mại của cô, tim tôi đập rộn. Cầm đẹp hơn cái lần tôi gặp cô rất nhiều. Tôi toan quay xe để tránh cho cô khỏi mặc cảm và cũng là để trốn chính mình. Nhưng Cầm đã cất tiếng gọi:
- Anh Dương!
Giọng nói nghẹn ngào và xúc động ấy khiến đôi chân tôi như cắm chặt xuống đất.
- Em vừa gửi quà cho anh ta. Cái việc làm nhân đạo vớ vẩn ấy mà - Cầm như đay lại câu nói của tôi hôm nào và mỉm cười đưa cho tôi bó hoa hồng bạch - Còn đây là hoa tặng anh... Em đang định đến thăm anh đấy...
Tôi đón những bông hoa hồng trắng ngát và khẽ nắm bàn tay mềm mại đang run nhè nhẹ. Tự nhiên tôi có một ý liên tưởng, phải chăng Cầm cũng giống như bông hồng trắng kia? Thời gian không thể làm mất đi vẻ tinh khiết nồng nàn.
Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, gương mặt Cầm ửng chín, tưởng như tâm hồn cô đang tỏa ra thứ ánh sáng huyền ảo có sức quyến rũ kỳ lạ.
Có bao nhiêu cặp mắt cùng dồn về phía chúng tôi. Dường như tất cả mọi người đều ngạc nhiên và lạ lùng lắm khi thấy một đôi trai gái tặng hoa cho nhau giữa cái phố mà từ trước đến giờ vốn ảm đạm và đầy những cuộc li biệt.