Hội quán Kỳ Ngộ, nơi tập trung những người “mê” cờ tướng. Tại sao chữ “mê” phải đặt trong dấu ngoặc kép? Bởi vì “mê” có nhiều tầng nghĩa; mê một thứ mà phức tạp vậy sao?
Có chứ! Chúng ta cần phân biệt giữa những cái mê. Xem bản chất thật sự đằng sau cái mê đó là gì?
Thí dụ:
Bạn là chủ một quán cà phê cờ tướng; người ta hỏi bạn rằng: “Lý do anh mở quán là gì?” Bạn sẽ trả lời như thế nào? Có rất nhiều cách để trả lời. Đơn cử một câu trả lời sau:
“Tôi mở vì mê cờ tướng.”
“Ồ! Chỉ đơn giản vậy thôi sao?”
Câu trả lời của bạn đúng; vì bạn là một fan cờ. Nhưng là sai, khi xét về mục đích thật sự bạn mở quán. Bạn là một người kinh doanh, bạn biết cách làm ra tiền dựa trên đam mê của mình; dù cho đam mê đó chỉ xếp vai trò thứ yếu, đứng sau niềm đam mê thực sự; đó là: “Trở thành một tỷ phú.” Nếu đặt lên bàn cân; một bên là cờ, còn một bên là tiền; và hãy thành thật với chính bản thân, bạn sẽ thấy được dục vọng thực sự của mình.
Cũng từ lập luận đó, mở rộng ra khái niệm “kỳ thủ”. Một kỳ thủ chính hiệu sẽ như thế nào? Người đó chơi cờ vì nghệ thuật, hay chơi cờ độ để kiếm tiền; cao hơn nữa là dùng cờ để làm một ý tưởng kinh doanh? Tất cả, quy về “mục đích”, ngay cả khái niệm “mục đích” cũng trừu tượng như chính bản thân nó. Định nghĩa về “kỳ thủ” từ đó chia ra nhiều cấp độ, giới hạn vào thế giới quan của mỗi cá nhân. Người thì cho rằng: “Chơi cờ để thanh lọc tâm hồn, để làm sáng lên cái tinh hoa đạo học.” Có quan điểm khác nói: “Có thực mới vực được đạo, chơi cờ là để kiếm miếng ăn; tài năng của con người phải được trả công xứng đáng; đừng bao giờ lãng phí công sức hoạt động của trí não vào những cuộc cờ mất thời gian, không đem lại lợi ích thiết thực.” Người kia không chịu nói: “Quân tử hám danh, tiểu nhân hám lợi. Đánh cờ vì tiền là tiểu nhân.” Người kia hầm hầm đáp lại: “Đức Phật qua sông cũng phải dùng tiền; sống xa rời thực tế, ảo mộng trên mây. Có vị quân tử nào sống trên đời này mà không cần dùng đến tiền không? Nói tôi nghe thử!” Thấy hai người tranh cãi gay gắt, một người khác chen vào nói: “Thôi! Thôi! Quý vị nghe đây! Đánh cờ là để giải trí, để kết bạn. Thay vì mất thời giờ chứng minh “ý nghĩa thực sự của việc chơi cờ” thì hãy ngồi lại đánh với nhau một vài ván. Quan điểm chỉ những ý niệm tương đối; ví như những gì tôi đang nói đây cũng là một quan điểm cụ thể; chỉ cá nhân tôi hiểu, cá nhân tôi có niềm tin vào đó. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước… triết lý của anh có thể phù hợp với con người và hoàn cảnh sống của anh. Nhưng nếu đem nó áp dụng cho người khác, và bắt họ phải theo anh; thì chẳng khác gì việc họ là chim mà lại đem đi nhận xuống nước, họ là cá mà đem đặt trên cạn. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Nói một hồi chính bản thân tôi cũng rơi vào cảnh: Gậy ông đập lưng ông. Hãy quên những gì tôi đang nói với quý vị, mà hãy tập trung lắng nghe chính khối óc, và con tim của quý vị đang muốn nói với quý vị điều gì.”
Người vừa nói lên những triết lý đó là một người đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi. Tên của ông ta là Sơn, Phạm Hữu Sơn. Ông mang phong thái của một trí thức. Ấn tượng ông Sơn để lại trong mắt mọi người là thân hình gầy guộc như tre, như hạc. Mái tóc hoa râm được cắt tỉa gọn gàng; ông bị cận nặng nên lúc nào cũng mang một cặp mắt kính dày cộm. Cách ăn mặc của ông rất giản dị: quần tây dành cho người có tuổi, áo sơ mi sẫm màu đóng thùng; đôi giày sandal và một chiếc mũ bê rê nâu vàng kẽ sọc.
Vừa trông thấy hắn, ông mừng rỡ; dơ tay làm hiệu, vẫy gọi:
- Chú ở đây Khanh ơi!
Hắn tiến lại bàn ông Sơn đang ngồi. Kéo ghế ngồi phía đối diện.
- Chú đến lâu chưa? – Hắn hỏi, thái độ rất điềm tĩnh.
- Cũng lâu rồi Khanh! Con dạo này bận quá hay sao mà thấy ít ghé quán. Nói thật, không có con đánh cờ, chú cũng thấy hơi buồn. – Ông Sơn ngồi bắt chéo chân, hai tay cũng đang chéo đặt trước bụng. Ông có thói quen, khi nói chuyện thường tỏ ra nghiêm túc, chăm chú; ánh mắt luôn hướng thẳng vào người đối diện.
- Chú có thể chơi với người khác mà. – Hắn nói, cũng nhìn sâu vào mắt ông.
- Nhưng chơi với Khanh chú thích hơn.
- Chú cho con biết lý do được chứ?
- Nói ra dài dòng lắm con à! Để chú tóm lại như vậy cho con dễ hiểu: Chơi với con mặc dù hơi đau não nhưng cảm thấy thời gian bỏ ra không hề hoang phí; cờ cũng giống như cuộc sống này vậy. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Ở đời thiếu bạn tri âm, như cây thiếu nắng như trầm thiếu hương. Cách chơi cờ của con rất hợp với chú, có thể nói: là nhân duyên.
- Con hiểu rồi. – Nói xong, hắn đứng lên lấy một bàn cờ mang lại.
- Hôm nay, chú rất có hứng. Hy vọng sẽ có những nước sáng tạo, đẹp mắt. – Ông Sơn cười hiền hậu.
Những quân cờ được nhanh chóng được đặt vào vị trí xuất phát trên bàn cờ. Hắn đưa tay mời ông đi trước.
- Kính lão đắc thọ, mời chú!
- Gừng càng già càng cay, lớp trẻ hãy tung chiêu trước đi! – Ông Sơn đáp lại.
Hắn không đưa đẩy nữa, quyết đoán tiên thủ; đưa pháo vào lộ 5 dàn thành thế pháo đầu. Ông sơn đi hậu, liền đó mã tám tấn bảy hình thành thế trận bình phong mã cổ điển. Sau 8 nước cờ đầu tiên, ông Sơn bỗng giật mình. Thầm nghĩ: “Đúng thật, cậu Khanh này là một tay cao cờ. Cậu ta sẵn sàng bỏ hai tiên để tranh vị. Ban đầu, mình còn nghĩ cậu ta dùng hình pháo đầu mã đội, không ngờ mới đó mà đã chuyển quân sang hết bên cánh yếu của mình; hình thành thế trận uyên ương pháo nức tiếng của thập liên bá. Hiện tại, các quân cờ của cậu ấy đều nằm ở những vị trí rất thuận lợi cả công lẫn thủ. Chỉ với một nước pháo năm thoái một, đã có thể biến hóa từ pháo đầu mã đội về ngọa tâm pháo song tiên, bình phong mã, uyên ương, hồ điệp pháo. Xem ra ván này lại thua cậu ấy rồi.”
Ông Sơn là một cao thủ cờ tướng của làng cờ tỉnh Lâm Đồng, kỳ đàn nức tiếng thơm với danh hiệu: Quân tử cờ Phạm Hữu Sơn; một trong tứ đại thiên vương của vùng Cao Nguyên gió lộng. Người đứng đầu là Hoàng Anh Khanh, cũng chính là chàng trai 35 tuổi, rất đẹp trai, thông minh kiệt xuất. Người đang “giao lưu” cùng ông. Hoàng Anh Khanh nỗi lên mới gần đây, trong một “sự kiện” khiến rất nhiều người hâm mộ cờ tướng phải vỗ tay, trầm trồ thán phục. Trước Anh Khanh, kỳ đài do Quách Anh Tuấn nắm giữ; sau Quách Anh Tuấn là những tay cờ quái kiệt khác; với những thế cờ thâm sâu bí hiểm. Những người này không ai dám chấp 2 tiên, dù cho người đó có là kiện tướng quốc gia. Hoàng Anh Khanh ra mắt hội quán với tư cách là một kẻ “tập tểnh” bước vào nghề. Hắn quan sát tất cả những trận đấu, những lần công đài được tổ chức để trao giải cho những ai dành chiến thắng. Hắn kiên nhẫn chờ đợi, thường đến quán uống cà phê và xem người khác đánh cờ mà không nói, hay chỉ chọt một câu nào. Ai ai cũng nghĩ: “Lại một tên mê cờ mà thiếu năng lực đây mà.” Rồi người ta cũng mặc kệ hắn. Cho đến khi, hội quán tổ chức giải đấu. Hôm đó, mọi người đến xem rất đông; có cả bình luận viên là kiện tướng quốc gia Trần Bình Sơn được mời về tham dự. Lần thi đấu đó, không ai xa lạ; Quách Anh Tuấn lại tiếp tục nắm giữ ngôi bá chủ. Đến khi Quách Anh Tuấn lên nhận giải, hắn đứng lên giữa chỗ đông người nói lớn:
- Đánh cờ còn thua tập sự mà dám nhận danh hiệu đài chủ ư?
Mọi ánh mắt ngạc nhiên hướng về hắn. Không gian im ắng lại; Quách Anh Tuấn co mày không hiểu hắn muốn gì đây?
- Này, tôi thi đấu đàng hoàng nhé! Ở đây toàn là những kỳ thủ có danh tiếng. Sao anh lại nói như vậy, tôi đánh thua tập sự hồi nào? – Quách Anh Tuấn bực mình nói.
- Đánh thua tôi, không phải thua tập sự là gì? – Hắn nói cứ như thật.
- Anh làm ơn nói có sách mách có chứng. Tôi đánh cờ với anh hồi nào? Hạng nhãi nhép như anh tôi quan tâm hay sao? Đừng có mà nói bậy để bôi xấu tôi. Anh muốn gì? – Quách Anh Tuấn hầm hầm.
- Vậy thì chứng minh đi! – Hắn thách thức.
- Tôi không phải là thứ dễ bị khích bác đâu. Vả lại, muốn đánh cờ với tôi phải có giá để trả đấy! – Quách Anh Tuấn nói, thái độ làm cao.
- Cược xem.
- Cược gì nào?
- Nếu tôi thắng, tiền thưởng ngày hôm nay của anh sẽ trả cà phê cho tất cả những người đang có mặt nơi đây.
- Còn nếu anh thua? – Quách Anh Tuấn nhướng mày hỏi.
- Tôi sẽ cúi xuống liếm giày cho anh. – Hắn nói rất nghiêm túc.
Cả hội quán cười ồ. Quách Anh Tuấn nhận lời thách đấu. Trọng tài là kiện tướng quốc gia Trần Bình Sơn. Mọi người có mặt uống cà phê, được xem trận cờ “lịch sử” thông qua một bàn cờ trường thuật do kỳ sư Lê Tài truyền tải và bình luận.
“Thật khủng khiếp”, “Thật hắn không phải là người rồi”, “Quá siêu!”, “E rằng Ba Kiết Nhân cũng không phải là đối thủ của hắn đâu”, “Sao hắn không đi thi giải quốc tế nhỉ?”...
Mọi người xôn xao, bàn tán sau cuộc cờ kinh điển, có một không hai. Mà phần thắng nằm về Hoàng Anh Khanh một cách hết sức đơn giản, không phải tốn công gì nhiều. Sau chiến thắng oanh liệt đó, Quách Anh Tuấn cúi rạp đầu, chắp tay bái phục. Kiện tướng Trần Bình Sơn cũng xanh xám mặt mày, nói: “Ôi! Thiên tài, chỉ có thiên tài mới làm được điều đó.” Về phần hắn, sau chiến thắng là một thái độ lạnh lùng; có cười cũng chỉ cười nửa miệng.
Đã ba tháng trôi qua kể từ lần công đài đó, Hoàng Anh Khanh hiện tại đang tiếp cờ với ông; quân tử cờ Phạm Hữu Sơn. Ván cờ kết thúc, với kết quả không nằm ngoài dự đoán của ông Sơn. Đặt lại những quân cờ vào bàn, ông nói:
- Con đánh hay lắm! Sao không đi thi, con mà đi thì chắc chắn sẽ thành danh đấy.
- Con sẽ suy nghĩ lại, xem có cần phải như chú nói không.
- Sao lại phải suy nghĩ gì nữa, chú ủng hộ con.
- Cám ơn chú! Chú đánh thêm ván nữa chứ?
- Thôi! Hôm nay, chú dừng ở đây. Chú chờ để gặp con là muốn nói với con chuyện này.
- Chuyện gì vậy chú?
- Không biết tối thứ bảy con có rảnh không?
Hắn nghĩ ngợi giây lát, rồi nói:
- Có đấy chú. Chú muốn con giúp việc gì sao?
- Không, chú chỉ muốn mời con về nhà chú dùng bữa tối với gia đình thôi. Nhà chú tuy nghèo, canh dưa đạm bạc. Nhưng chú hứa với con, con sẽ không phải thất vọng về cung cách phục vụ của gia chủ đâu. – Ông Sơn nói với thái độ chân thành.
- Được, con nhận lời.
Ông Sơn vui vẻ, đặt tay lên vai hắn. Ánh mắt ông cho thấy: một sự tin yêu và quý trọng rất lớn dành cho Hoàng Anh Khanh.