Người Đàn Ông Vận Đồ Đen Chương 5

Chương 5
Tôi nhớ lại những ngón tay trắng nhợt, dài và những chiếc vuốt trên đầu mỗi ngón.

 

 

Trong vòng hai ngày, tôi nghĩ, tôi đã nghĩ đến cả ngàn vấn đề, nhưng điều vướng mắt sau rốt là nếu ba tìm gặp người đàn ông vận đồ đen thì tôi không nghĩ là ba có thể cho kẻ ấy một trận, mà có khi lại là người bỏ chạy.

Tôi nhớ lại những ngón tay trắng nhợt, dài và những chiếc vuốt trên đầu mỗi ngón.

- Gary?

- Con không biết là con đang nhớ lại, - tôi nói.

- Con có đến nơi suối phân dòng không? Chỗ tảng đá lớn ấy?

Những khi ba hỏi thẳng như thế, tôi không bao giờ nói dối. Nhưng lần này, để cứu mạng sống của cả ba lẫn tôi, tôi đáp: "Có, nhưng không xuống dưới đó". Tôi chộp cánh tay của ba bằng cả hai tay và nắm thật chặt. "Đừng ba, hắn là hạng người nguy hiểm". Sự liên tưởng chợt đến, nối tiếp mạch tư duy "Con nghĩ hắn có một cây súng".

Ba nhìn tôi trầm ngâm. "Có lẽ không có người", ba nói, lên giọng ở cuối câu như thể đặt ra câu hỏi. "Có thể con ngủ gật lúc đang câu đấy, con trai ạ, rồi con mơ thấy điều kinh dị, giống như những cơn ác mộng của con về Danny trong mùa đông năm ngoái".

Mùa đông trước, tôi gặp Dan trong những giấc chiêm bao rợn người. Tôi - trong cơn mơ - mở cửa đi vào nhà vệ sinh, hoặc đi sâu vào trong hầm rượu, bỗng thấy Dan đứng đấy nhìn tôi bằng khuôn mặt sưng vù màu đỏ tía; hoảng hồn, tôi tỉnh dậy và la hét, tiếng thét đã đánh thức luôn cả ba mẹ dậy. Dẫu tôi có ngủ gật - thậm chí có thiu thiu ngủ bên bờ suối nhưng tôi không mơ. Tôi chắc chắn mình đã thức giấc trứơc lúc ngưòi đàn ông vận đồ đen đập chết con ong, buộc nó phải rời khỏi chóp mũi, lăn vào lòng tôi. Tôi không mơ thấy hắn theo cách tôi đã mơ thấy Dan, tôi khẳng định điều ấy, mặc dù cuộc gặp gỡ giữa tôi với hắn nếu thuật lại thì giống hệt như những hình ảnh hoang đường trong đầu tôi. Song tôi nghĩ những sự kiện siêu nhiên thì luôn diễn ra theo cách ấy. Còn nếu ba cho rằng gã đàn ông ấy chỉ tồn tại trong đầu tôi thì thực là tốt. Rất tốt đối với ba.

- Con đoán, hắn là thế - tôi nói.

- Ừ, chúng ra nên quay trở lại để tìm cần câu và giỏ của con.

Ba cất bước đi về hướng đó và tôi phải búi chặt lấy cánh tay để kéo ba lại lần nữa, hướng mặt về phía tôi.

- Để lát nữa - tôi nói - được không hở ba? Con muốn gặp mẹ. Con phải tận mắt nhìn thấy mẹ.

Ba suy nghĩ một lúc rồi gật đầu.

- Ừ, ba đồng ý với con. Đầu tiên chúng ta sẽ về nhà và sau đó mới đi tìm cần câu và giỏ.

Và thế là, chúng tôi cùng nhau trở về nông trại. Ba vác chiếc cần câu trên vai, tôi xách giỏ, cả hai vừa đi vừa ăn những khoanh bánh mỳ phết mứt nho đen, trông như một đôi bạn.

- Con có câu được con nào không? - Ba hỏi khi chúng tôi nhìn thấy chuồng ngựa.

- Vâng, thưa ba - tôi nói - Một chú cầu vồng khá lớn. Và một con cá hồi chúa lớn hơn nhiều, tôi nghĩ nhưng không nói ra.

- Thế thôi à? Không còn con nào khác?

- Con đã ngủ gục sau khi bắt được nó. - Đấy không hẳn là câu trả lời và cũng không hẳn là lời nói dối.

- Mong sao con không đánh mất chiếc cần câu. Nó không mất chứ, Gary?

- Không thưa ba - Tôi miễn cưỡng đáp. Nói dối về việc ấy thì sẽ chẳng tốt lành tí nào dù tôi có thể bịa ra một câu trả lời thích đáng. Không, nếu như thế thì rất có thể ba sẽ nẩy ra ý định quay lại tìm gỉo cá, tôi đã đọc được suy nghĩ đó trên nét mặt của ba.

Đằng kia, Candy Bill đã lẻn cửa sau chạy đến, sủa ầm ĩ, ngoáy tít đuôi vào và chạy tới chạy lui theo cách mà giống chó Scot thường biểu hiện khi chúng vui mừng. Không thể đợi thêm nữa, tôi chạy vượt lên ba, chạy vội vào nhà, tay vẫn sách giỏ đựng cá và trong thâm tâm, tôi vẫn tin chắc rằng sẽ thấy mẹ nằm chết trên sàn bếp, mặt sưng phồng và đỏ tía như mặt Dan khi ba vừa bồng anh về từ cánh đồng phía Tây, vừa khóc và vừa gọi tên Chúa.

Nhưng mẹ đang đứng cạnh bếp, khoẻ mạnh và tươi tắn như lúc tôi ra đi, miệng hát khi đang bóc vỏ đậu vào một cái chén. Mẹ nhìn về phía tôi, thoạt tiên ngạc nhiên và lập tức kinh hoàng khi thấy cái nhìn sững sờ và đôi má nhợt nhạt của tôi.

- Gary, gì vậy? Có chuyện gì thế?

Tôi không trả lời, chỉ chạy đến và tới tấp hôn mẹ. Lát sau ba tôi bước vào và nói.

- Đừng lo, em yêu, con không sao đâu. Nó chỉ mơ một giấc mơ hãi hùng bên bờ suối.

- Cầu chúa cho đó là cơn ác mộng cuối cùng - mẹ nói rồi ôm chặt tôi hơn trong lúc Candy Bill nhảy quanh chân chúng tôi, sủa theo kiểu ầm ĩ của nó.

- Con không phải đi với ba nếu con không muốn, Gary, - ba nói, mặc dù trong thâm tâm ba muốn tôi quay trở lại, muốn tôi đối diện với nỗi sợ hãi (như cách nói của con người thời nay). Cách này là phương thuốc hữu hiệu để chữa những căn bệnh do lo sợ đã hằn sâu thành nỗi ám ảnh. Nhưng hai tiếng đồng hồ qua cũng chưa đủ để lau chuyển niềm tin của tôi rằng người đàn ông vận đồ đen là không có thực. Tôi không có khả năng thuyết phục ba về chuyện ấy. Tôi không nghĩ một đứa trẻ chín tuổi nào lại có thể khiến bố nó tin rằng mình đã thấy một con qui? bước ra khỏi khu rừng, trong bộ trang phục màu đen.

- Con sẽ đi, - tôi nói. Tập chung tất cả lòng can đảm để buộc đôi chân cử động, tôi bước ra khỏi nhà đi cùng với ba. Bấy giờ chúng tôi đứng cạnh cái đòn kê bửa củi bên góc sân, không xa đống củi là bao.

- Con mang cái gì sau lưng vậy? - ba hỏi.

Tôi rút nó ra từ từ. Tôi sẽ mang theo nó và hy vọng người đàn ông vận đồ đen có đường ngôi thẳng tắp rẽ lệch về bên trái đầu đã ra đi. Nhưng nếu hắn còn ở đó, tôi muốn có sự chuẩn bị. Chuẩn bị theo kiểu của tôi. Rút từ đằng sau lưng ra, trên tay tôi là cuốn Kinh Thánh của gia đình. Tôi dự định sẽ chỉ mang theo cuốn Tân ước nhỏ mà tôi được thưởng nhờ thuộc lòng gần hết các bài thánh ca trong cuộc thi Tình bằng hữu tuổi trẻ vào tối thứ Ba (tôi được xếp thứ tám, nhưng chỉ trừ bài thứ hai mươi ba, tất cả các bài còn lại đã không còn trong đầu tôi nữa chỉ sau một tuần). Nhưng cuốn Tân ước màu đỏ nhỏ bé ấy dường như không đủ mạnh để cùng bạn đi đối phó với qui? sứ. Đấy là chưa kể lời khai của đức chúa Jesus còn được tôi tô đậm bằng mực đỏ.

Ba nhìn quyển kinh thánh đã cũ, căng lên bởi giấy tờ và tranh ảnh gia đình kẹp trong đó. Tôi nghĩ ba sẽ bảo tôi mạng nó vào nhà. Song ba im lặng, một cái nhìn pha lẫn tình thương với lòng cảm thông thoảng qua mặt ba, ba gật đầu.

- Được - ba nói - Mẹ có biết con mang theo nó không?

- Không, thưa ba.

Ba lại gật đầu.

- Vậy thì chúng ta hy vọng mẹ sẽ không phát hiện ra trước lúc chúng ta quay về. Đi thôi. Và nhớ đừng làm rơi.

Nửa tiếng đồng hồ sau, hoặc lâu hơn, hai chúng tôi đã bước trên bờ, nơi dòng Castle Stream phân dòng. Và sau đó, bước xuống khoảng đất bằng, nơi tôi chạm trán với người đàn ông có đôi mắt đỏ màu da cam. Phía dưới cây cầu, tôi đã nhặt chiếc cần câu tre của mình. Còn giỏ đựng cá thì vẫn ở trên mặt đất bằng. Miệng giỏ được đan bằng liễu gai bị bật ra sau. Chúng tôi đừng nhìn, cả ba và tôi, suốt khoảng thời gian dài không ai nói một lời.

Ngọc mắt mèo! Kim cương! Sa phia! Ngọc bích! Ta ngửi thấy mùi nước chanh của Gary! Đó là bài thơ ngắn, không vần điệu của hắn mà một lần hắn đã từng ngâm rồi ngả người về phía sau, cười như một đứa trẻ, kẻ vừa mới phát hiện ra mình đủ cam đảm để nói trong buồng tắm những từ như cứt, đái. Mảnh đất bằng bên dưới, cây cỏ vẫn xanh tươi dưới ánh mặt trời của những ngày đầu tháng bảy như mọi miền của xứ Maine, ngoại trừ nơi kẻ lạ mặt đã nằm. Ở đó, cỏ đã chết và ngả sang màu vàng theo hình dạng của gã đàn ông.

Tôi giữ cuốn kinh thánh cũ, xộc xệch ngay trước mắt. Hai ngón tay bấu chặt lấy bìa sách đã phai thành màu trắng. Động tác ấy tương tự với Norville, chồng của Mama Sweet, khi nắm chiếc chĩa ba răng bằng gỗ liễu để tìm mạch nước cho một cái giếng của một gia đình nào đó.

- Hãy chờ ở đây, - cuối cùng ba nói, rồi bước xuống bờ dốc, sục giày vào lớp đất mềm màu mỡ và dang tay để giữ thăng bằng. Tôi đứng im tại chỗ, nắm chặt cuốn Kinh Thánh, tim đập thình thịch. Lần này tôi không biết mình có cảm giác bị quan sát hay không; tôi quá sợ để ý thức mọi thứ, ngoại trừ là việc hiểu rõ mình muốn tránh xa mảnh đất và những cánh rừng ấy.

Ba cúi xuống, ngửi nơi cỏ bị chết và nhăn mặt. Tôi biết ba ngửi thấy gì, một mùi tựa diêm sinh. Sau đó ba chộp chiếc giỏ của tôi và vội vàng leo lên bờ. Ba liếc nhanh ra đằng sau để chắc không có gì đuổi theo. Chẳng có gì. Ba đưa chiếc giỏ cho tôi, cái nắp vẫn còn bị buộc vào sợi dây da nhỏ xinh xắn của nó. Tôi nhìn vào bên trong, chẳng có gì ngoài hai nắm cỏ.

- Ba nhớ con nói con đã câu được chú cá hồi cầu vồng - ba nói - nhưng có lẽ con cũng mơ nốt.

Có điều gì trong giọng nói khiến tôi giật mình.

- Không, thưa ba, - tôi đáp. Con đã bắt được một con.

- Nó sẽ chẳng thể nào nhảy ra được nếu đã bị moi ruột và rửa sạch, hoặc giả con đã không làm như thế trước khi bỏ vào giỏ... có phải không, Gary? Ba đã bảo con nhiều lần rồi mà.

- Vâng, thưa ba. Con nhớ, nhưng...

- Như thế, nếu con không tưởng tượng ra con cá, nếu nó đã chết trong giỏ thì hẳn có một loài gì đó tìm đến ăn mất rồi. - ba nói, liếc nhanh qua vai, mặt lạc đi như nghe tiếng động gì đó đang di chuyển trong rừng. Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi thấy những giọt mồ hôi ứa ra trên má ba như thể những viên ngọc lấp lánh. - Đi thôi - ba nói - Chúng ta hãy ra khỏi nơi chết tiệt này.

Tôi đã sẵn sàng nhận mệnh lệnh ấy. Chúng tôi đi ngược lại, dọc theo bờ, đến chiếc cầu, bước rất nhanh và không trò chuyện. Khi chúng tôi đến nơi tìm thấy chiếc cần câu bị đánh rơi, ba quì một chân xuống và xem xét. Một vệt cỏ khác cũng đã chết ở đó và chiếc dép của một quí bà nào đấy cũng bị dém vàng, cong vòng lại như thể bị một luồng nhiệt mạnh thổi qua. Tôi nhìn vào chiếc giỏ trống rỗng của mình một lần nữa.

- Hắn đã quay lại và ăn nốt con cá khác của con. - Tôi nói.

Ba ngước nhìn tôi: - một con cá khác!

- Vâng, thưa ba. Con đã không nói với ba chứ con còn bắt được một con cá chúa. Một con cá rất to. Hắn đói lắm, cái gã ấy. - Tôi muốn kể tiếp nhưng các lời cứ run rẩy trên môi. Cuối cùng, tôi im lặng.

Chúng tôi leo lên cầu và giúp nhau vượt qua lan can. Ba cầm chiếc giỏ của tôi, nhìn vào rồi đi đến thành cầu, quẳng nó xuống. Tôi đến cạnh ba, nhìn nó rơi xuống và trôi đi tựa chiếc thuyền, và chìm đắm dần trong suối khi nước rò vào qua lớp vỏ được đan bằng sợi liễu gai.

- Nó hôi quá, - ba nói, nhưng tránh không nhìn tôi, bằng một giọng nghe là lạ. Đấy là lần duy nhất tôi nghe ba nói kiểu như vậy.

- Vâng, thưa ba.

- Chúng ta sẽ bảo mẹ là không tìm ra nó. Nếu mẹ hỏi. Còn không thì chúng ta hãy lặng im.

- Vâng, thưa ba. Chúng ta sẽ không nói.

Mẹ không hỏi và chúng tôi đã không nói.

Tám mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, và trong suốt khoảng thời gian đó, tôi đã chẳng bao giờ nghĩ đến hoặc chí ít là chợt nhớ về hắn. Giống như hết thảy những người đàn ông đàn bà khác, những người đã từng sống, tôi không thể kể về những giấc mơ của tôi vì tính chất hão huyền của chúgn. Nhưng bây giờ, khi đã già, tôi mơ những giấc mộng đầy ý thức, đại loại là như thế. Sự yếu đuối của tôi sẽ lớn nhanh tựa như làn sóng mà chẳng mấy chốc sẽ xoá đi toà lâu đài cát bị lãng quên của đứa trẻ và ký ức của tôi cũng trỗi dậy, xui tôi nhớ lại vài vần thơ cũ đã xa xôi trong quá khứ: "Hãy để chúng một mình/ Rồi chúng sẽ về nhà/ Ngoáy tít chiếc đuôi". Tôi nhớ những bữa ăn mình đã dự, những trò chơi mình đã chơi, những thiếu nữ mình đã hôn trong phòng thay áo ở trường trung học, khi chúng tôi chơi trò bưu điện, những thằng bạn mình đã giã nhau, cốc rượu đầu tiên mình uống, điếu thuốc đầu tiên mình hút (tôi đã bị sặc vì điếu thuốc quấn bằng râu ngô ấy và hút sau chuồng lợn của nhà Dicky Hammer). Nhưng trong tất cả những kỷ niệm, ký ức về người đàn ông vận đồ đen là mạnh mẽ nhất và sáng bằng chính ánh sáng ám ảnh, kỳ dị riêng của nó. Hắn có thực, hắn là Qui? sứ và ngày ấy, tôi vừa là nạn nhân, vừa là kẻ gặp may. Tôi cảm nhận rất rõ rằng việc trốn thoát bàn tay hắn là nhờ số phận đầy may mắn của tôi - chỉ nhờ vận may, chứ không phải nhờ đến bất cứ sự giúp đỡ nào của chúa, người mà tôi thờ phụng và hát thánh ca trong suốt cả cuộc đời.

Khi tôi nằm đây, trong căn phòng của bệnh viện và trong toà lâu đài cát đã huỷ hoại là chính cơ thể tôi, tôi thầm nhủ mình đừng sợ qui? sứ, bởi lẽ suốt một đời tôi đã sống lương thiện, tử tế, và tôi không có lý do gì phải sợ qui? sứ. Đôi lúc tôi nhớ rằng chính mình, chứ không phải là ba, đã thuyết phục được mẹ đi lễ nhà thờ trở lại vào cuối mùa hè năm ấy. Dĩ nhiên, trong bóng tối, những ý tưởng ấy không đủ sức làm dừng lại hay xoa dịu dòng hồi tưởng nóng bỏng của tôi. Trong bóng tối, lời thầm thì vọng đến rằng đứa trẻ câu cá chín tuổi ấy đã chẳng làm điều gì xấu xa để phải sợ ác qui? tìm đến trừng trị mình. Và trong bóng tối, thỉnh thoảng tôi còn nghe một tiếng suýt xoa rất nhỏ, không phải của loài người: Con cá lớn thật! Bằng chất giọng biểu lộ sự tham lam vô độ, và tất cả chân lý của thế giới đạo đức đổ nhào trước sự khát thèm ấy.

-HẾT-

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t117768-nguoi-dan-ong-van-do-den-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận