Người Đàn Bà Đợi Mưa Truyện ngắn 12


Truyện ngắn 12
Tiếng t'rưng làng rấp

Du lên cao nguyên, học Sư phạm ở phố núi, ra trường nhận lớp trên rừng là lẽ tất nhiên, đã xác định trước. Thế nhưng hôm nằm chờ phân công ở huyện, cái Hương thậm thụt vào tai Du: "Bồ có muốn nhận lớp ở thị trấn không?". "Sao lại không? Họa là điên mới muốn lên làng!". "Thế thì lên gặp lão Trịnh đi. Ban nãy lão có hỏi tao cái cô gì trăng trắng cao cao đấy". "Ừ thì gặp. Tốt nghiệp hạng ưu, hạnh kiểm ba năm đều tốt, có nhận lớp ở huyện cũng xứng đáng. Có đứa suốt ba năm, học có chín môn thì thi lại tám, đỗ mỗi môn... thể dục, thế mà nghiễm nhiên nhận lớp ngay tại thị xã kia mà!"

Lão Trịnh mặt ngàu mỡ, cặp mắt diều hâu hau háu vào ngực Du: "Em biết làng Rấp chưa? Chưa à? Nó nằm ở độ cao một ngàn mét so với mực nước biển. Là nơi người sinh ít hơn người chết. Là là... Ôi, người như em mà lên đấy thì phí lắm!". Du huỵch toẹt: "Ngửa bài nhé, tôi phải chi bao nhiêu để nhận lớp ngoài này?". Lão Trịnh cười khằng khặc trong cái cổ họng u nần đầy đờm dãi: "Ô, rẻ thôi, rẻ thôi! Chỉ cần hai đồng tiền trên má em là đủ...". Du đứng phắt dậy hất bàn tay thô lậu của lão ra khỏi má như hất một con sâu róm: "Quên đi ".

Du tức tưởi chạy đi gặp Huy. "Quân khốn nạn! Đừng lo em ạ, hết cắm bản mình sẽ cưới." - Huy nói cứng. Là một trong ít giáo viên nam của khoá, lại đẹp trai, Huy thành của hiếm, được hưởng đặc quyền lựa chọn trong số mấy trăm giáo sinh nữ, cuối cùng Huy đã chọn Du trước bao ánh mắt thèm thuồng ghen tỵ.

Sau ba ngày đêm bồn chồn ở huyện, giờ đã đến lúc chia tay. Huy nhận quyết định dạy ở một làng Tang mù khơi nào đó mà chính Du cũng chưa hề nghe nói. Cái Hương không giấu được vẻ hãnh diện khi nhận lớp ngay thị trấn. Nó bảo Du: "Tại mày dại. Cứ lửng lơ con cá vàng, khỏi vào làng đã. Mình chủ động tất cả, lão Trịnh làm quái gì được mình?".

Du lên làng trên chuyến xe chở gạo, muối cứu tế cho làng Rấp. Anh lái xe gắt um lên khi Du xin đi nhờ: "Lên làng Rấp chuyến nào không bể cầu cũng vỡ lốp. Cho con gái đi nhờ xui lắm, không khéo nằm lại giữa rừng.". Nhờ trời chuyến đi không xảy ra chuyện gì.

Đêm đầu tiên, trong ngôi nhà sàn ong ong tiếng muỗi, Du đã khóc. Còn một người nữa không ngủ, đang gõ t'rưng. Tưmp. Tưmp tưmp... Từng tiếng gõ đục trầm, khô khốc vang lên, bay lởn vởn trên nóc nhà rông trốc mái chơ vơ, bay quẩn quanh những nhà sàn siêu vẹo. Người gõ t'rưng là Dổi. Dổi được đi học trường nội trú, giờ về làm trưởng thôn. Nhưng dân làng không nghe Dổi. Họ bảo: "Dổi đi học mười mấy năm về nói toàn những lời trái ý người già.".

" Có hai cô giáo lên đây rồi đấy, nhưng lại bỏ về. Cô cũng không ở được lâu đâu, cô giáo à."." Sao vậy ?". "Trẻ con lên rẫy hết, cô ở lại thì dạy khỉ à!". Dổi đã nói với Du như thế khi cô vừa đặt chân lên làng. Để minh họa cho câu nói của mình, Dổi đưa tay chỉ về dãy núi phía Tây. Trong nắng chiều ong ong nhức nhối, phía ấy khói đốt rừng cuồn cuộn bốc lên khiến cả một khoảng trời u ám. " Ngày xưa giặc đốt mất làng, thế mà dân không chịu bỏ làng. Bây giờ cái đói bắt dân mình bỏ làng mà đi đấy.".

Đáng lẽ Du đã theo xe ra ngay hôm đó, nhưng nghĩ lại, mình về ngay lão Trịnh sẽ có đủ lý do hạnh hoẹ, nên cố chờ Dổi lên rẫy gọi người về nhận gạo sẽ nói một vài lời.

Nhưng, đáp lại đề nghị cho trẻ con về học, người ta nhìn Du thờ ơ: " Đói bụng mới chết, đói chữ không chết được đâu.". Vì thế Du mới mắc kẹt lại đây.

Ban ngày, Dổi đeo dao đi đâu từ sáng sớm, tối mịt mới về. Khi ánh lửa nhà rông vừa le lói cũng là lúc tiếng t'rưng cất lên. Miên man. Đêm đặc quánh, tiếng gõ không có lối thoát cứ luẩn quẩn rồi len lỏi qua khe liếp vào gặm nhấm nỗi cô độc của Du. Đã có lần Du nài nỉ Dổi đừng gõ nữa nhưng nhận được câu trả lời: "Có xe lên, cô giáo về thì khỏi phải nghe.". Du đành nín nhịn chịu đựng và chờ đợi.

Bỗng một hôm Dổi băng về làng vừa chạy vừa hét toáng: "Có cách rồi! Có cách rồi ". Du chưa kịp hỏi, Dổi đã hổn hển : "Lúa nước...Phải trồng lúa nước!". Hôm sau, Dổi tức tốc lên rẫy. Du khắp khởi mừng thầm. Chiều chạng vạng, Dổi lặng lẽ về như chiếc bóng. Đêm ấy tiếng t'rưng của Dổi bùng lên như uất ức, tiếng gõ chát chúa đến vỡ toác ống lồ ô. Du hoang mang chẳng biết có chuyện gì vội chạy lại nhà rông. Dổi ngẩng phắt lên, mắt đỏ ngầu, gào lên tức tưởi: "Trai làng Rấp dư sức lấp con suối Đăk Pia. Vậy mà người già...Người già không nghe. Không ai theo tôi về cả...".

Dổi thôi không mang dao đi nữa, hàng ngày chỉ thơ thẩn trong làng rồi ra bờ suối ngồi nhìn con nước chảy xuôi, ánh mắt xa xăm vời vợi. Đêm lại đêm, tiếng t'rưng vẫn gõ mỏi mòn, vô vọng... Cho đến một hôm từ trên rẫy người ta khiêng về làng một người đàn bà đã chết cùng đứa bé đỏ hỏn bọc trong tấm dồ nhàu nát để chôn chung, khi nắp quan tài chuẩn bị đậy lại thì gần như cùng một lúc, Dổi và Du vùng lao vào giằng lấy đứa bé đã lạnh toát mùi tử khí. Đêm xuống, Du nước mắt đầm đìa ôm cứng lấy cái bọc có đứa bé khóc ọ ẹ mỏng tang như tiếng côn trùng. Còn bên nhà rông, Dổi đã khóc thực sự. Tiếng khóc ồ ồ như thác nước đầu nguồn rót vào lòng thung sâu thẳm. Vừa khóc Dổi vừa gõ t'rưng. Từng tiếng, từng tiếng khua lốc cốc như tiếng mõ não nùng trong đêm dài hun hút. Dổi khóc cho những cuộc du canh cứ nhai chầm chậm những cánh rừng, nhai chầm chậm những người dân làng Rấp. Dân tộc của Dổi chỉ còn ba trăm người thôi!

Rồi mùa mưa sầm sập đổ xuống, cắt đứt con đường duy nhất nối làng Rấp với huyện, chắn ngang ý định ôm đứa bé về xuôi của Du. Trong ngôi làng ngập ngụa cỏ hoang, Du ôm cái hình hài xí xoắn vừa thoát khỏi lưỡi gươm hủ tục, nhìn trời mưa trắng nước, khóc ròng. Nước cơm và cả bầu vú trinh nguyên của Du cũng không lấp nổi tiếng khóc nhọn hoắt như có móng vuốt cào cấu vào thâm u. Không chịu nổi, Dổi đội mưa cắt rừng ra đi. Hai ngày sau Dổi mang về một gùi đầy sữa hộp: " Đợi hết mùa mưa đem đứa bé về trại trẻ mồ côi, cô giáo à.". Nhìn đứa bé tóp tép bầu vú nhựa, cả Dổi và Du nước mắt chan chan. Tuy vậy trong ánh mắt của Dổi đã có lấp lánh những tia hy vọng về một điều kỳ diệu sắp xảy ra.

Nửa năm mưa qua đi. Lòng Du rộn lên khi có tiếng xe vọng ì ầm. Không phải chiếc xe chở gạo cứu tế, mà là nột chiếc xe ba cầu lấm láp chở đầy bộ đội. Làng Rấp xôn xao tiếng cười của lính. Họ ngăn suối Đăk Pia, làm mương dẫn nước vào thung lũng Đăk Van. Tắm mình trong những câu tán tỉnh lúc ý nhị, khi tếu táo, cả bỗ bã... Du quên khuấy ý định bỏ về. Bàn tay quen với ruộng trũng đồng chiêm của Du giờ có dịp ủ mầm ngâm giống. Lúa lên xanh. Trổ đồng. Uốn câu. Dân làng Rấp đã lác đác trở về đứng ngắm đồng lúa lẩm bẩm : "Dổi nói đúng. Lúa ăn nước được! ". Khi thung lũng Đăk Van vàng rực màu lúa chín cũng là lúc dân làng về hết. Khỏi phải nói Dổi vui như thế nào. Thần Núi, Thần Lửa, Thần Nước như nhập cả vào những ống lồ ô của Dổi khiến tiếng t'rưng khi thì rầm rập, gấp gáp như rừng núi chuyển mình với hàng đàn voi đi nghiêng sườn núi; khi lại róc rách hiền hòa như tiếng suối ban mai; lúc lại líu lo lảnh lót như tiếng chim Kơtia gọi mặt trời lên. Ngày hội mừng lúa mới, tiếng t'rưng rộn ràng cao vút hòa cùng tiếng cồng chiêng ngân vang rừng núi. Chim chóc như ngừng hót, suối như ngừng chảy nhường cho tiếng t'rưng bay xa, bay cao chót vót trời mây.

Hơn một năm lên làng, giờ Du mới được làm cô giáo. Những buổi học ban đầu Du mỏi tay hơn mỏi miệng vì học trò chưa hiểu tiếng Kinh. Cô dạy trò học chữ, trò dạy lại cô tiếng dân tộc mình, thành ra lớp học lúc nào cũng râm ran như tổ sẻ. Và Du thật bất ngờ, những chữ đầu tiên học sinh ghép được là một dòng phấn nguệch ngoạc trên bảng: " Cô dáo iêu bộ đội ". Du ngượng chín cả người nhưng nghiêm mặt điều tra. Học sinh đứa nào cũng chối nguây nguẩy: "Mình không viết đâu". Bực mình, Du phạt cả lớp chép câu ấy một trăm lần vào vở. Lũ trẻ dò dẫm chép đến mỏi nhừ cả tay mà vẫn bấm nhau rinh rích cười. Du thở dài. Học sinh của Du đã ngộ nhận một thực tế là tối nào nhà Du cũng chật ních tiếng cười của những chàng lính tuổi mười tám đôi mươi. Họ kéo đến tếu táo một hồi rồi nhấm nháy ra về, để lại chàng sỹ quan đội trưởng ngồi uống nước khan, chẳng dám nói câu nào. Đã một vài lần chàng sỹ quan ấy vò đầu bứt tai định nói cái điều muốn nói, nhưng vấp ngay phải tiếng cười nhẹ nhàng và câu nói nghiêm túc của Du: "Anh muộn mất rồi! Trái tim em đã có chủ", khiến chàng đành lặng lẽ ra về...

Ba năm. Thời gian đủ cho gái trai làng Rấp quen với đồng lúa nước, đủ cho những cánh rừng bỏng trụi kéo da non xanh mướt, bộ đội rút khỏi làng, để lại ánh vàng mênh mông trong mắt Du, mắt Dổi và những người dân làng Rấp.

Làng Rấp hồi sinh. Đêm đêm trai gái rủ nhau ra nhà rông họp, rồi kéo nhau ra bờ suối đầu làng cất tiếng hát véo von. Nhà rông chỉ còn mình Dổi. Tiếng t'rưng man mác thả nổi theo trăng vàng gió núi mênh mang, rồi dần dần cồn cào, da diết như tiếng lòng bị nén chặt muốn vỡ òa ra. Ngày mới lên làng, có lần Du hỏi: "Sao Dổi không bắt vợ đi ?", Dổi đã gắt: "Để lại lên rẫy đẻ à?!". Bây giờ tiếng đàn ấy gọi ai? Con gái làng Rấp ngực căng tròn như trái núi, mắt trong veo như nước suối đầu nguồn, môi nồng hực như rượu cần ủ chín, chả lẽ không có cô gái nào đáp lại tiếng lòng của Dổi hay sao?

Những đêm như thế, tiếng đàn khuya cùng tiếng mang túc toác gọi bầy lúc mau lúc thưa đã khiến cho trái tim Du sắt se rướm máu vì nhớ Huy. Mỗi lần gặp nhau khi ra huyện họp, lần nào Huy cũng nắm chặt tay Du nói mỗi một câu: "Ráng chịu đựng nghe em. Khi nào hết hạn cắm bản mình sẽ cưới". Hạn, hạn là bao lâu? Năm năm ? Mười năm ? Hay hết cả quảng đời thanh xuân của Du ? Cả Du và Huy đều cất lên câu ấy mỗi khi có dịp, nhưng đáp lại vẫn là câu trả lời quen thuộc: "Vẫn chưa có văn bản chính thức nào.".

Mùa khô thứ tư, Huy lên thăm Du đúng dịp làng Rấp tổ chức lễ hội đâm trâu mừng lúa mới. Du xót xa nhìn Huy râu ria lởm khởm, cặp môi thâm tái vì sốt rét. Còn đâu một Huy thư sinh với nước da trắng hồng, cặp môi mọng đỏ khiến bao giáo sinh ao ước bốn năm về trứơc? Nhìn trai gái làng Rấp nắm tay nhau nhảy múa tưng bừng, Huy cũng kéo Du vào vòng xoang cùng hơi thở gấp gáp: "Làng Rấp của em còn khá hơn làng Tang của anh đấy". Vòng xoang cứ nối rộng mãi ra. Chỉ có một người không tham dự. Đó là Dổi. Sau khi phóng mũi lao chính xác, con trâu ngã qụy, máu từ vết thương còn tuôn xối xả, Dổi đã ôm ghè rượu rít căng ừng ực, mắt dõi mông lung lên nóc nhà rông. Uống nhiều thế nhưng Dổi lại không say. Khi hội tan, trai làng lăn ngay ra sàn để ngủ thì Dổi trịnh trọng mời Du và Huy lên nhà rông. Không rào đón gì, Dổi hỏi luôn: "Thầy Huy yêu cô Du nhiều chứ? ". Huy gật. "Cô Du yêu thầy Huy nhiều chứ? ". Du gật. "Vậy thì phải thề! ". Dổi nói và bắt một con gà trống, bảo hai người đặt tay lên đó. Huy thề trước: "Nếu tôi phản bội Du thì tôi sẽ bị cọp ăn, trăn cuốn! ". Đến lượt mình Du chỉ nghiêm trang nói khẽ: "Em hứa sẽ xứng đáng với anh.". Dổi rút xoạt con dao trên vách chặt phập một nhát, cái đầu gà văng ra xa, máu phun tóe vào bát rượu đặt sẵn. Dổi vứt con gà vào bếp lửa cháy rần rần giữa nhà, nâng bát rượu lên ngang mặt: "Ai phản bội sẽ chết như con gà này!", rồi trao bát rượu. Huy không ngần ngại uống một ngụm to rồi trao cho Du. Dổi uống hết phần còn lại rồi lăn ngay ra ngủ với trai làng...

Đêm ấy, làng Rấp vắng tiếng t'rưng.

Trong một ngôi nhà sàn, Huy và Du hổn hển trong hạnh phúc...

Từ đó trở đi, Dổi bỏ thói quen gõ t'rưng. Ban ngày Dổi tất bật với đồng lúa, với vườn cà phê, bời lời mới trồng, tối về lại lao vào họp làng, họp đội dân quân. Có đôi khi tiếng t'rưng ngập ngừng cất lên vài tiếng rồi tắt lịm.

Học sinh đến lớp ngày một đông. Một mình Du không kham nổi cái lớp học cộc lệch về tuổi tác của học sinh, đứa còn thò lò mũi xanh, đứa đã biết cất tiếng hát gọi bạn tình, nên đã đề nghị xin thêm một giáo viên lên làng Rấp. Phòng Giáo dục đã hứa, và Du đang đợi...

 

 

*

 

Hôm nay Dổi đi huyện về. Cả làng Rấp đang ngóng đợi một cuộc họp như mọi lần, nhưng Dổi ở lỳ trong nhà rông, không nói câu nào. Dổi uống rượu. Một mình một ghè rượu. Nửa đêm làng Rấp đã ngủ say thì tiếng t'rưng đột ngột cất lên. Tưmp. Từmp. Tưmp...tiếng gõ trễ nải, không giai điệu. Từng tiếng, từng tiếng là những nốt lặng tròn thả bã bượi theo tiếng gió hú trên đỉnh non ngàn. Cứ thế. Cứ thế. Rồi nhanh dần. Rầm rập. Líu ríu. Tưmp từmp tưmp...tiếng gõ dính liền vào nhau căng cứng đến nghẹt thở, đến đỉnh điểm của tiết tấu, tiếng t'rưng vuốt một tràng sắc lạnh rồi ngưng bặt...

Du đang chập chờn ngủ thì tiếng trống bùng lên. Chiếc trống được bịt bằng da của con trâu trong lễ hội đâm trâu năm ngoái, làng quy ước chỉ khi nào có việc hệ trọng hoặc hội làng mới được dóng lên. Vậy lúc này có việc gì mà Dổi khua trống?

Cả làng Rấp rùng rùng chuyển động. Đuốc cháy ngần ngật. Bước chân thình thịch. Mọi người tụ tập đông kín sân nhà rông. Trên sàn, Dổi cởi trần xoay lưng ra ngoài, hai tay vẫn bươi quào, toàn thân Dổi bắt ánh lửa bóng nhẫy, căng rung như mặt trống. Chừng như không còn sức nữa, Dổi úp mặt vào trống khóc nức lên. Người ta lao xao: "ADổi bị ma nhập rồi !". "Ừ, ma tình"... Có tiếng quát: "Không có việc gì mà nổi trống thì phải phạt. Trưởng thôn cũng phạt! ". Người ta hò hét náo động cả làng. Chợt già làng ADoan nhảy phắt lên sàn nói to: "Dân làng nghe đây. Dân làng có biết vì sao mà Dổi làm thế không? Đó là cái bụng ADổi ưng cô giáo Du. Chính cái mắt của Dổi nói thế, tiếng đàn của Dổi nói thế. Nhưng cô giáo đã có chồng chưa cưới, chính ADổi đã làm lễ ăn thề mà. ADổi này - Già làng đập vào vai Dổi -Phải biết cái nào ăn, cái nào cúng chứ!".

Nhiều tiếng "phải đấy, đúng đấy" vang lên. Lúc này Dổi mới thẫn thờ quay lại, hai tay sõng sượi, mắt nhòe nước, gào lên: "Tôi bi.ê.ê.ết ! Nhưng tôi đau lắm, Giàng ơ.ơ. ơi!". Tiếng hét của Dổi nhọn hoắt tựa mũi tên từ vồng ngực cánh cung lao vút vào đêm tối như muốn cắm phập vào đầu con thú dữ vô hình...

 

*

*     *

 

Du cứ nghĩ người lên tăng cường cho làng Rấp là một cô giáo trẻ mới ra trường. Không ngờ lại là Hương. "Trời ơi! Sao mày lên đây?". "Kỷ luật". "Tội gì?". "Môi giới hối lộ", "Trời đất! Mày môi giới cho ai?". "Lão Trịnh. Vào tù rồi". Nhìn cái bụng lùm lùm của bạn, Du toan hỏi thì Hương đã gắt: "Thôi mày đừng hỏi nữa! Còn được dạy là may lắm rồi.".

Hương xách va ly lẳng lặng lên nhà. Du bám theo sát gót hồi hộp: "Lâu nay mày có gặp Huy không? ". Hương bỗng quay ngoắt lại giận dữ: "Mày vẫn còn yêu nó à?". Du lúng túng thú nhận bằng câu thường nói của Huy: "Ừ, hết hạn cắm bản tụi tao sẽ cưới!".

Chiếc va ly tuột khỏi tay Hương rơi bịch xuống sàn nhà. Hương ôm chầm lấy bạn, nức lên:"Trời ơi! Mày chưa biết gì à? Nó lấy vợ rồi, từ năm ngoái...". Du đẩy bạn ra, mặt tái mét, lắp bắp: "Thật hay...giỡn? Mà Huy... lấy ai? ".

 

Hương nức nở nhìn Du bằng cặp mắt giàn giụa nước: "Mày còn nhớ con Lưu chứ? Lưu lùn ấy. Cái đứa suốt ba năm, học có chín môn thì thi lại tám, đỗ mỗi môn thể dục ấy. Huy cưới nó xong có ngay quyết định về dạy cùng trường vợ... ".

Trời đất chao nghiêng, Du lảo đảo ôm lấy cột nhà sàn, mắt đờ đẫn vô hồn hướng về phía đông.Trên ngôi làng chênh vênh cao một ngàn mét so với biển ở mái tây Trường Sơn, hoàng hôn đang dần buông tím lịm. Tưmp. Từmp tưmp... từ phía nhà rông tiếng t'rưng lại cất lên. Tao tác...

 

 Tháng 10 năm 2000

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88908


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận