Đó một lần tôi lỡ nói yêu em
Để xấu hổ suốt một thời trai trẻ...
(Tạ Văn Sỹ)
Dãy núi có hình một con lạc đà cách làng tôi hai mươi cây số.
Trước chuyến đi rừng đầu tiên ấy, anh Vu cấm tôi ba điều: Cấm không được nói đến những từ hổ, beo, hùm, gấu. Cấm không được ăn cái gì của người Mường. Và cấm không được kêu mỏi chân. Từ ngày ăn chực của rừng, làng tôi đã có tám người bị cọp tha. Bảy người không tìm thấy xác, một người chỉ còn cái đầu, mang về làng chôn, cắm nứa quanh mộ dày đặc, thế mà đêm hổ vẫn về phá mộ móc nốt cái đầu lâu. Tôi cũng nghe kể nhiều về phép chài ếm. Làng tôi đã có người dính chài của gái Mường, đành phải lấy và ở luôn trong núi. Hễ về thăm làng là ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, rồi y như có sợi dây thừng vô hình kéo tuột trở vào. Thế nên khi tới nhà mế Sài, mặc dầu khát khô cả họng nhưng tôi chỉ dám đứng nuốt nước bọt dưới gốc cây đu đủ chín vàng mà không dám tơ hào.
Mế Sài làm nghề thầy lang. Trước nhà sàn phơi đầy những nong lá thuốc thơm ngát. Những phiên chợ cuối năm quê tôi có một quầy dành cho mế. Ngày bé tôi thường theo mẹ đến quầy hàng ấy. Bao giờ mế cũng nhúm cho tôi vài lát cam thảo, tôi ngồi ngậm miệng ngọt lừ, hong hóng nghe hai người nói chuyện. Chính mế Sài đã bày cho làng tôi vào xin đất làm nương cứu đói. Mế Sài góa chồng, ở vậy nuôi một cô con gái. Tôi chỉ biết thế nhưng chẳng để ý làm gì.
Anh Vu vào chào mế Sài và mang biếu mế mấy chai tương, món quà mà người Mường rất thích.
Một cô gái hơn tôi vài tuổi, da trắng bóc, tóc dài đen mượt, môi mọng hồng y hai múi quýt, dáng người eo thon trong áo trắng váy đen dài chấm gót chân có điểm hoa văn thổ cẩm. Tôi vụng không biết tả người. Chỉ biết khi cô từ trong nhà bước ra, anh Vu cụp mắt lóng ngóng thế nào đánh rơi chai tương xuống sân vỡ tóe. Mế Sài đón chai tương còn lại từ tay anh Vu nhìn tôi cười hỏi:
- Đứa nào lố?
Anh Vu ấp úng:
- Đấy là em cháu....Nó mới thi đậu cấp ba... Mẹ cháu hứa cho nó đi rừng một chuyến...
Cô gái nhìn tôi một cái rất nhanh rồi nhoẻn miệng cười, hàm răng đều tắp ánh lên. Anh Vu hấp tấp kéo tôi chạy ngược. Cái dốc nhìn từ làng Bùi thấy giống một dòng thác đỏ, bây giờ vụt lớn, hai bên bạt ngàn sim mua. Anh Vu hổn hển:
- Dốc cao lắm đấy! Nhưng có cách cho mày rồi. Cứ vừa đi vừa bứt sim mà ăn là quên hết dốc. Tôi vừa gật vừa hỏi:
- Cái chị con mế Sài tên là gì?
Anh Vu giật bẵng, đỏ mặt nhìn tôi:
- Tao... nghe người ta gọi... nó là Ún Hường.
Anh Vu khe khẽ huýt sáo, khuôn mặt tươi rói. Anh học dốt, mới hết lớp ba đã bỏ. Mẹ tôi sức yếu nên quanh năm nằm lại trong rừng. Anh Vu thành con ngựa thồ những thứ kiếm được trong rừng về nuôi cả nhà. Giờ thì tôi biết sức mạnh nào đã giúp anh Vu gánh gồng trài trại quanh năm suốt tháng không biết mệt.
Anh em tôi mải mê bứt sim. Những quả sim căng tròn tím rịm ngọt đến lịm người, chẳng còn để ý gì đến dốc. Khi ngẩng lên đã thấy vào tới thung lũng. Cái thung lũng làng tôi làm nương gọi là thung Găng. Bốn bề bát ngát. Sắn ngô cao ngập đầu người. Mẹ tôi vui lắm nhưng vẫn nẹt một câu: Cơ khổ! Người ta thích đi Tây đi Tầu, còn mày lại thích chui vào xó rừng này làm gì hở con?
Những ngày trong núi đối với tôi là cả một thế giới cổ tích vừa khám phá. Tôi líu tíu cùng mẹ và anh Vu nhổ cỏ. Những dây vừng đất lá tròn căng bóng bò lan khắp nương. Tôi chạy chỗ này, tôi nhảy chỗ kia. Mẹ tôi mắng yêu: Anh vào đây chỉ tổ quẩn chân người khác. Anh Vu cười buồn, chỗ của mày phải là thành phố. Cố học mà thoát ly. Tôi cãi, em thích rừng hơn. Anh Vu cười, bây giờ nói thế thôi. Thử xem vài năm nữa mày nói thế nào... Đang mải mê, bỗng tôi nghe có tiếng thở hằng hặc trong râm. Tôi quên phắt lời dặn, chạy lại níu anh Vu:
- Em nghe có tiếng con gì như là...hổ!
Anh Vu lừ mắt đe tôi nhưng cũng nghiêng tai, để rồi hai anh em cùng phá lên cười khi thấy từ trong râm chui ra một bầy chó săn, lông con nào con nấy ướt đẫm. Một lát sau có mấy người xách súng chạy qua nương nhà tôi. Một người cất giọng:
- Có thấy thú không?
Tôi lắc đầu, nhưng anh Vu lại chỉ tay lên phía trên:
- Hình như nó chạy hướng này.
Toán thợ săn tất tả chạy ngược lên. Rừng yên ắng trở lại. Gần xế chiều, mẹ tôi về chòi nấu cơm, hai anh em làm tiếp. Đúng lúc ấy có tiếng súng nổ, rồi tiếng tù và rúc rộ. Mắt anh Vu sáng rỡ:
- Hôm nay cho thằng Vân ăn thịt thú rừng mệt nghỉ!
Tối đó chúng tôi ăn quáng quàng rồi xuống mường. Con nai to như con bò được xẻ thịt xâu đều vào dây lạt. Giữa sân, mọi người đang uống rượu. Tôi cùng anh Vu háo hức sà vào. Người chia thịt giúi vào tay tôi hai xâu. Tôi rụt tay lại. Anh em tôi có công gì đâu. Nhưng người chia thịt không để tâm chuyện đó, cứ nói đi nói lại một câu: Có thịt cùng ăn, có việc cùng làm. Tôi cầm hai xâu thịt trên tay chưa biết làm gì thì anh Vu bảo, để đấy, uống rượu đã. Những người Mường đến nhận thịt đều ghé vào uống một hai cần rượu. Anh Vu biết một ít tiếng Mường nên nói cười với họ vui vẻ lắm. Tôi lơ đãng ăn uống, gật chào lấy lệ với tất cả mọi người.
Ún Hường là người đến nhận thịt sau cùng. Không chỉ anh em tôi, mà cả đám trai Mường đột nhiên lặng phắc. Thịt nai nướng quên trên bếp khét mù. Ún Hường nhận hai xâu thịt, nhoẻn miệng cười thay lời cám ơn. Vẫn áo trắng cúc bướm, váy đen trùm gót, khăn thổ cẩm đội hờ, nhưng bây giờ tôi thấy Ún Hường đẹp hơn hồi sáng. Khuôn mặt đầy đặn sáng bừng trước lửa. Anh Vu vồ cần rượu hút rào rào. Tôi quên mất trong miệng vẫn còn miếng thịt nai dai ngoách. Ún nói cười mấy tiếng líu lo rồi rảo bước ra về. Bóng áo trắng thấp thoáng mông lung trên đường đồi trăng đẫm. Anh Vu từ từ đứng dậy bước như kẻ mộng du khiến tôi cũng phải theo anh làm hai cái đuôi lẵng nhẵng. Đến ngõ nhà mế Sài chúng tôi mới giật mình tỉnh ra. Không chỉ có anh em tôi theo gót Ún Hường. Những trai Mường say rượu là đà dạo quanh quả đồi có ngôi nhà sàn trong tiếng chó sủa râm ran.
Đêm ấy, do cả ngày đường xa cộng leo trèo mệt nhọc, tôi ngủ không vẫy tai. Sáng ra mới thấy tư thế nằm của mình y lúc mới leo lên chòi. Mẹ tôi ca cẩm:
- Tối qua thằng Vân thằng Vu xuống mường làm gì mà khuya thế?
Anh Vu ngượng nghịu:
- Chúng con đi ăn thịt nai ấy mà...
Tôi nhìn anh Vu tủm tỉm cười. Anh lừ mắt đe tôi ý bảo liệu hồn, đừng bép xép, rồi chữa ngượng bằng cách vác dao đi trước. Chúng tôi phát thêm nương mới. Mẹ tôi bảo năm nay phải có thêm trăm quảy sắn để mua xe đạp cho tôi. Tôi hùng hổ vác dao quắm tả xung hữu đột hạ gục vô số cây rừng. Cứ hạ xuống đấy, đợi khô thì đốt. Người Mường đã nhường cả thung Găng này cho làng tôi, muốn phát bao nhiêu cũng được, miễn phát đến đâu thì gieo hạt trẩu xen nương. Tôi làm hăng đến nỗi mẹ tôi phải hãm bớt nhiệt tình. Vừa phải thôi, anh hùng rơm ạ. Dành sức về đi học. Tôi hăng tiết, chừng này bỏ gì. Tôi cảm tưởng mình có thể hạ gục tất cả những cánh rừng bằng sức của mình. Lửa rơm mau cháy mau tàn. Mới đến trưa tôi đã phải chống dao nghe lỗ nhĩ thổi phù phù. May mà buổi chiều trời đổ mưa bất thần. Mưa liên tiếp một ngày đêm. Tôi khoan khoái nằm nghe tiếng mưa rớt tinh tang trên cành lá. Mẹ tôi ngồi trong chòi nhìn trời mưa chép miệng tiếc công. Anh Vu thì sáng mắt reo lên:
- Đi tìm nấm!
Chúng tôi lóp ngóp chui vào những bụi bương ướt nhoẹt. Qua một đêm mưa, nấm mối chồi chi chít trên đất như đầu sư. Chúng tôi quơ đầy một bọc, đang tính quay về thì anh Vu vồ được một con cua núi to như cái bát. Anh giơ con cua lên ngang mắt cười ha hả:
- Cua này mà nấu với măng thì ngọt lử ngọt lừ! Đi! Đi kiếm cái măng bương!
Chui rụi một hồi, chúng tôi đã nhìn thấy một đọt măng đang thập thò trong bụi. Anh Vu đưa cho tôi con cua, nhưng tôi không cầm. Tôi gạt gai gỡ vắt, mãi mới chui được vào gần chiếc măng to bằng chiếc phích mới đội đất chui lên. Tôi vít một cái. Tiếng măng oác ngọt vừa cất lên cũng là lúc tay tôi buốt nhói đến rụng rời. Một con rết rừng đen trũi to bằng bắp tay lừ lừ như một đoàn tàu bò ngang mắt tôi rồi leo ngược lên cành bương chúc cổ xuống nhìn tôi thao láo. Nghe tiếng rú, anh Vu hoảng hồn vứt cua lao vào lôi tôi ra ngoài. Anh cuống cuồng giật đứt chun quần ga rô cánh tay tôi rồi xốc về chòi. Mẹ tôi kêu giời kêu đất nhìn tôi co giật tím tái. Anh Vu đứng run cầm cập một hồi rồi vác dao quắm giơ lên:
- Để con chặt!
Mẹ tôi rú lên một tiếng giằng con dao khỏi tay anh Vu:
- Giời ơi là giời! Mày chặt tay mẹ đi này Vu ơi!
Anh Vu lắp bắp:
- Làm sao...làm sao bây giờ?
Mẹ tôi lao ra ngoài trời mưa ngửa cổ hú những tràng dài hốt hoảng. Mấy người chòi khác nghe tiếng đội mưa chạy đến. Họ nhìn vết thương của tôi la quýnh lên:
- Gà! Phải tìm một con gà! Nọc rết kị dãi gà!
Nhưng giữa rừng núi thế này gà kiếm đâu ra? Một người sáng trí la lên:
- Mế Sài! Mang xuống mế Sài!
Tôi mê man nằm trên lưng anh Vu chờ chết. Mọi vật trong mắt quay đảo mờ dần. Tôi thấy những đóa sim mua lướt thướt run rẩy trong mưa lạnh. Tôi thấy ngôi nhà sàn chênh chao, xoay tròn chong chóng. Tôi thấy lạnh như bị dìm vào bể đá. Lát sau lại nóng như chìm trong biển lửa. Tôi cảm thấy rất rõ có một luồng độc tố lan nhanh từ khớp vai lên đến đỉnh đầu. Luồng độc tố đi đến đâu thịt da tôi dại tê đến đấy. Chỉ một lát nữa nó sẽ chạy vào tim. Quả tim mười bốn tuổi của tôi sẽ ngừng vĩnh viễn... Lạ một điều là trong lúc nguy nan thế nhưng tai tôi vẫn nghe thấy tiếng người nói xung quanh. Tiếng mế Sài gắt đuổi anh Vu: Đi ra! Tôi nghe anh Vu dạ khẽ và tiếng bước chân vội vã ra ngoài. Tôi thấy nơi tôi nằm đột ngột tối sầm. Tôi nghe mế Sài gọi Ún Hường. Có tiếng đáp nhỏ nhẹ và khuôn mặt Ún Hường cùng chiếc đèn dầu đỏ bầng trong mắt tôi. Mế Sài ghé tai Ún Hường nói một câu gì đó. Ún Hường giãy nảy: Ứ! Mế Sài nghiêm giọng mắng và lôi Ún Hường vào góc. Tôi nghe tiếng váy áo sột soạt lòa xòa. Tôi nghe tiếng cười khúc khích. Cánh tay bị ga rô của tôi sưng vù không còn cảm giác từ lâu, thế mà lúc này nó lại cảm thấy rất rõ có một sợi tơ mỏng mảnh diệu kì mơn man nhè nhẹ trên vết thương. Mu bàn tay tôi cờn cợn. Buồn buồn. Rồi nhói dứt...Mế Sài chúm hai ngón tay giơ lên ngang mắt reo mừng: Rồi lớ! Tôi không nhìn thấy tay mế cầm gì. Nhưng rõ ràng là mế có cầm một cái gì đó rất mơ hồ. Rồi lại tiếng cười thẹn thò của Ún Hường... Ún Hường chấm một thứ nước gì đó dinh dính như hồ, thoang thoảng thơm như nước hoa bôi vào mu bàn tay tôi, mặt lại đỏ bầng... Rồi tôi nghe tiếng dao mài quèn quẹt vào nhau. Một bàn tay ấm mịn nâng nhẹ cằm tôi. Tôi cố nhướng đôi mắt đã dại đờ để ghi nhận một hình ảnh lạ lùng. Mế Sài bắt chéo hai con dao trên mặt tôi để Ún Hường nghiêng bát cho những giọt nước thánh thót giọt xuống hai lưỡi dao, xuống miệng tôi. Những giọt nước thấm nhanh vào họng. Lan dần lan dần... Tôi cảm thấy những giọt nước có những mùi vị rất khó gọi tên. Nó ngầy ngậy, ngai ngái. Nó mằn mặn, nồng nồng... Mế Sài nhìn tôi cười cười, nói một câu gì đó có nhắc đến tên Hường, khiến bàn tay Ún đang xoa bóp cánh tay vừa tháo ga rô của tôi lơi ra một lúc. Cánh tay tôi nhẹ dần nhẹ dần. Đầu tôi cũng nhẹ dần nhẹ dần. Tôi không biết mình thức hay ngủ. Tôi vẫn nghe thấy tiếng khúc khích bên tai. Tôi vẫn ngửi thấy mùi hương vương vất. Tôi lơ mơ nhớ đến những câu chuyện đồng rừng. Những cô gái đẹp nhất mường mười ba mười bốn tuổi đã được tắm bằng thứ nước nấu từ hoa cỏ. Trầm xông xạ ướp mấy năm liền cho da thịt thơm tho quyến rũ để một ngày, cô gái ấy được đem tiến lang cun... Tôi mơ thấy mình thành một lang cun. Vị lang cun trẻ tuổi cai quản cả một vùng Mường rộng lớn. Mường của tôi đầy chim muông. Tiếng cồng mường tôi ngân nga quanh năm suốt tháng. Mường của tôi rượu tuôn róc rách đêm ngày...
Khi tôi thức giấc thì không thấy Ún Hường đâu. Mẹ và anh Vu ngồi cạnh tôi, nét mặt thoát nạn nhẹ nhõm. Mế Sài xoa đầu tôi cười nhẹ:
- Đêm qua mày mơ gì lố? Lảm nhảm làm nhàm...
Tôi đưa mắt tìm kiếm Ún Hường. Mế Sài hiểu ý tôi:
- Ún đi học rồi lố, thằng Vân à. Dậy được chưa? Dậy ăn cháo.
Tôi ngồi húp chậm rãi bát cháo đậu xanh giải độc. Mồ hôi chảy lạnh khắp người. Vừa húp tôi vừa ngẫm nghĩ. Một ngọn lửa le lói nhen lên trong tôi. Tôi rất muốn nán lại lâu hơn ngôi nhà sàn ấy. Nhưng anh Vu đã điệu tôi về cùng những câu ca cẩm: Cho mày đi chỉ tổ rách việc!
Tôi mười bảy tuổi. Thằng con trai lồ ngồ vừa thi đại học xong, đang nằm dài chờ kết quả. Làng tôi đói to. Nhà nhà nườm nượp vào rừng. Tôi rất muốn theo vào nhưng chưa có cớ. Một ngày, người làng tôi lũ lượt trở về, ánh mắt người nào cũng hoang mang. Mẹ tôi rên rẩm tiếc của. Nương sắn đến kỳ thu hoạch của chúng tôi đang bị dân Mường lên cướp. Tôi không thể hiểu nổi chuyện này. Mới ngày nào họ còn thân thiện với làng tôi như thế. Anh Vu lầm lì nhồi thuốc pháo trộn đinh năm phân và mảnh thủy tinh vào những lon sữa bò làm những quả mìn tự tạo. Anh mài dao lắp giáo. Mấy thanh niên nữa cũng đến nhà tôi căng thẳng họp bàn. Tôi lân la hỏi chuyện nhưng anh Vu gạt đi:
- Mày biết làm gì! Việc của mày là đi học.
Mẹ tôi lo lắng nhìn anh Vu:
- Đừng đánh người ta nhé con ơi! Người ta cũng đói quá nên mới làm liều. Giữ không được thì về, còn người còn của...
Đêm đó tôi nằm trằn trọc. Ngoài sân, tiếng gậy đập vào nhau chan chát. Tiếng đấm đá hừ hự. Anh Vu và thanh niên làng tôi đang tập những đòn tấn công phòng thủ. Họ tập mãi đến hai giờ thì kéo nhau đi. Tôi cũng len lén bám theo. Tôi đi cách anh cùng đám trai làng một quãng. Đường đêm không trăng không sao. Bóng cú lượn chập chờn trong tiếng chuột đồng hoảng hốt. Không biết do lạnh hay do sợ mà tôi rất run. Tôi chỉ bớt run khi thấy ánh điện hầng lên từ một trại gà Cu- ba nằm giữa vùng đồi. Nghe nói người ta thắp điện cả đêm để kích thích gà đẻ ngày hai trứng. Hàng ngàn con gà râm ran cất tiếng gáy trong đêm nghe nôn nao cả người. Đến đường 21 thì anh Vu cùng toán thanh niên phải dừng lại vì có một đoàn xe quân sự phủ bạt kín mít lao ầm ầm về hướng Bắc, đèn pha quét rực trời. Không biết xe chở gì mà đất dưới chân tôi rung chuyển. Lúc đó tôi quên phứt mình là kẻ bám đuôi nên tiến sát đến anh Vu. Anh nhìn tôi tức tối quày quạy đuổi về. Tôi sợ ríu cả chân nghĩ đến đoạn đường đêm phải đi một mình trở lại. May một thanh niên đã nói:
- Để cho thằng Vân đi. Biết đâu được việc. Anh ta ấn vào tay tôi một quả mìn và dặn:
- Khi nào thấy bọn Mường xông lên thì mày đốt và quẳng vào bọn nó, nghe chưa?
Tôi im lặng gật đầu.
Chúng tôi vào nương lúc trời vừa sáng. Mặt trời lên độ nửa con sào đã thấy một đoàn mấy chục người Mường rồng rắn đi lên. Họ tỏa ra ngang thản nhiên nhổ sắn như nương vô chủ. Chúng tôi ào ra ngăn cản. Đá củ đậu bay vèo vèo. Gậy múa vùn vụt. Một vài người trúng đòn kêu rú lên bỏ chạy. Anh Vu thừa thắng dẫn quân đuổi theo. Anh đã sai lầm. Đám người Mường ban đầu không biết thực lực chúng tôi bao người nên còn hoảng chạy. Khi anh Vu đuổi ra chỗ trống thì lộ hết đội hình, họ co cụm lại rồi bắt đầu tiến lên đánh trả. Đã mấy lần anh Vu kêu tôi ném mìn nhưng tay tôi run bắn không châm được. Chúng tôi bị đánh táo tác mỗi người một hướng. Người nhảy vào râm, người chui xuống suối. Tôi và anh Vu bị một toán ba thanh niên Mường vạm vỡ dồn chạy về chòi. Anh Vu trợn mắt muốn nổ con ngươi, cằm nghiến bạnh uất ức nhìn những người Mường ngang nhiên nhổ sắn gánh đi mà không làm gì được. Mãi đến trưa, từ trên chòi cao chúng tôi nhìn thấy có một cô gái Mường vô phúc đang loay hoay đóng gánh, trong khi những thanh niên Mường đã về xa. Anh Vu bật dậy nhảy xuống. Anh giơ tay vả bốp một phát và bắt sống cô gái, trói giật mang về chòi. Đám thanh niên làng tôi dần dần tụ lại. Một vài người bị thương mặt mũi sưng vều. Họ nhìn cô gái Mường bằng những ánh mắt man dã tóe lửa của những con thú.
Đám thanh niên Mường đã lại quay lên. Lần này họ mang theo cả cung nỏ và chó săn. Hai quả mìn nổ đanh xua dạt đám trai Mường hùng hổ lao lên chòi cướp người. Vài trai Mường ôm mặt khóc ầm. Đổi lại, bên tôi cũng có bốn người dính tên. May chưa phải tên thuốc độc. Anh Vu cũng dính một hòn đá ném trúng đầu, máu chảy loang cả áo.
Trời ngả chiều. Cuộc chiến đến độ giằng dai. Đám thanh niên Mường bao vây chòi quyết tâm giải cứu con tin. Thanh niên làng tôi cũng quyết tâm tử thủ. Cô gái bị trói nghiến vào cột chòi khóc lả cả người.
- Thả người của chúng tao ra!
- Chúng tao không thả! Có giỏi thì lên đây!
Trai Mường lại ào lên. Ầm! Tiếng mìn lại nổ. Đám trai Mường nhảy dạt cả ra. Họ gào lên:
- Chơi quân tử! Chơi quân tử! Muốn đánh nhau thì xuống đây!
Không ai dại gì thò chân xuống đất, đám trai Mường sẽ xơi tái chúng tôi ngay.
Tôi hoang mang giữa cuộc chiến bát nháo giành giật miếng ăn, tự sỉ vả mình sao ngu ngốc dấn thân vào vòng rắc rối. Đám người Mường chắc chắn sẽ không bỏ cuộc. Và bên tôi cũng sẽ đánh đến cùng. Rất có thể tôi sẽ làm mồi cho một mũi tên thuốc độc. Tôi run. Cơn run từ trong bụng run ra khiến không thể nào đứng vững.
- Em muốn về! – Tôi nhìn anh Vu cầu khẩn.
Anh Vu nhìn tôi văng một câu rất tục. Anh giơ tay toan vả miệng tôi. Nhưng anh hạ tay xuống. Một tay anh kẹp cổ cô gái, một tay lôi tôi ra cửa chòi gọi lớn:
- Chúng mày để cho em tao về, tao sẽ thả người của chúng mày?
Một trai Mường hất hàm về phía tôi hỏi lại:
- Nó là thằng nào?
- Nó là học trò theo chúng tao đi chơi thôi.
Toán trai Mường tụm đầu vào nhau một thoáng rồi một người nói:
- Được!
Anh Vu dặn nhỏ vào tai tôi:
- Mày về làng bảo chú Hồng gọi thêm người vào đây!
Tôi nhìn anh Vu, nước mắt ứa ra:
- Về đi anh! Đừng đánh nhau nữa...Mẹ dặn rồi mà...
- Cút mau!- Anh Vu vằn mắt quát - Không thể để cho chúng nó cướp không được. Mày có làm đâu mà biết. Bao nhiêu công sức. Nhục như chó!
Anh Vu trợn mắt nhìn tôi nói một câu lạnh buốt:
- Nếu chúng tao không về, nhớ lấy ngày này mà làm giỗ!
Tôi vừa khóc vừa lóng cóng xuống chòi. Đám thanh niên Mường không thèm nhìn tôi. Họ ngửa cổ ngóng lên chờ anh Vu thả người của họ. Nhân cơ hội đó, tôi nhảy vụt vào nương sắn, lần xuống khe tháo thoát.
Tôi ra đến cửa rừng lúc trời đã xế. Tôi đã toan tuông một mạch về làng. Nhưng rồi tôi đứng lại. Anh Vu chắc chắn sẽ không thả cô gái kia đâu. Và đám trai Mương cũng không thể bỏ người. Đêm nay, những thanh niên trong cơn say máu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Một ý nghĩ lóe lên trong óc tôi. Tôi quay gót. Ngôi nhà sàn của mế Sài hiện ra trước mắt. Nghe tôi thuật chuyện, mặt mế Sài thất sắc. Ún Hường kêu lên một tiếng rồi kéo tay tôi chạy ngược vào rừng.
Tôi không nhớ Ún Hường đã nói gì, bởi lúc đó tôi đã đoản hơi sắp gục. Hình ảnh tôi nhớ nhất là Ún Hường tóc sổ bay tung, một tay túm váy, một tay dắt tôi lao ra giữa đám người đang gằm ghè nhau. Tôi thấy anh Vu cụp mắt trên chòi. Tôi thấy đám trai Mường lảng ra. Cô gái được thả xuống ôm Ún Hường khóc ngất.
Sóng gió qua đi như có một phép màu. Dân làng tôi tấp nập vào dỡ sắn. Nương sắn của chúng tôi không còn ai tranh cướp, nhưng lòng tôi bão giông giằng giật. Ngọn lửa nhen nhúm năm tôi mười bốn tuổi giờ gặp gió cháy bùng. Vết cắn của con rết năm nào đã để lại trên mu bàn tay tôi một quầng tròn đỏ tươi như hoa đào, giờ tự dưng râm ran ngứa. Tôi chưa quen gồng gánh nên mẹ bảo tôi ở trong nương nhổ sắn cho mẹ và anh Vu gánh xuống gửi nhà mế Sài, đợi dỡ xong mang xe cải tiến vào chở. Tôi không muốn thế. Tôi nói với mẹ là tôi muốn xuống mường. Mẹ tôi nghe nói thế chỉ cười. Anh Vu nghe tôi nói thế thì quát:
- Tao đi guốc vào bụng mày rồi!
Tôi chẳng vừa, quát lại:
- Tôi cũng đi guốc vào bụng anh rồi!
Anh Vu không thèm đấu đều, lẳng lặng nhổ sắn. Tôi nghĩ anh thách thức tôi. Anh cho tôi là thằng trẻ con. Nhưng tôi mười bảy tuổi, đẹp trai nhất xóm, học giỏi nhất làng. Tôi xứng đáng hơn tất cả những chàng trai đang vây quanh Ún Hường. Tôi đã nghĩ thế và tôi hành động. Một buổi trưa, tôi trốn mẹ và anh Vu xuống núi. Tôi hùng dũng nhảy vào vườn của mế Sài. Tôi giơ tay vặn ngoéo quả đu đủ vừa chín tới. Nào, ai ếm ai chài cứ việc!
- Ai lố?
Tôi giật nảy người. Quả đu đủ rơi lăn lóc. Tôi nghe nói người Mường nuôi ma xó. Ma xó có mặt mọi lúc mọi nơi. Nếu ai lấy một cái gì ma xó sẽ đếm. Lấy một đếm một, lấy hai đếm hai... Tôi vặt một quả đu đủ rồi, sao ma xó không đếm một mà lại hỏi ai đó? Tôi là Vân. Tôi muốn gặp Ún Hường...Tôi đưa tay vặn quả thứ hai. Không nghe tiếng đếm. Cũng không nghe tiếng ai hỏi nữa. Có tiếng chân bước rất êm trên lá. Rồi tiếng Ún Hường cất lên trong veo sau gáy tôi:
- A em Vân! Muốn ăn thì vào nhà.
Vào thì vào! Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào bàn tay với những ngón dài trắng hồng đang gọt đu đủ bằng con dao bạc có cái chuôi bằng sừng hươu rất đẹp. Cứ yểm bùa vào đi, tôi sợ gì đâu? Tôi đưa tay cả quyết nhận miếng đu đủ Hường đưa. Tôi nhìn như thôi miên vào miếng đu đủ. Tôi nhìn thấy rõ những sợi ria của 2b60 tôi loe hoe trên miếng đu đủ vàng hươm. Tôi đang ăn những câu bùa chú vào lòng. Tôi đã thấy phép bùa ứng nghiệm. Bùa chú đã xui khiến tôi, đã trợ lực cho tôi dám ngẩng phắt lên nhìn Ún Hường nói một câu khó nhất:
- Tôi yêu em!
Tôi tin vào sức trẻ, tin vào sự ồ ạt giông bão của mình sẽ càn lướt qua trở ngại. Ún Hường sẽ lúng túng đổ gục trước tôi... Nhưng không. Ún Hường nhìn tôi một cái rất nhanh rồi cúi đâu nói nhỏ:
- Vân có nhổ được một gốc sắn không trầy củ không?
Rồi Hường ngẩng lên cười nhẹ. Cái cười vừa kiêu sa thách đố làm tôi muốn nổi khùng. Tưởng gì! Để được yêu, tôi sẵn sàng rời non lấp suối.
Tôi bắt đầu vào cuộc. Tôi đưa mu bàn tay lên hôn vào vết sẹo đỏ màu hoa đào. Tôi để ý thấy mỗi khi tôi nhớ đến Ún Hường thì vết sẹo ấy lại ửng lên, phát nhiệt. Tôi hùng hục trên nương đến bã bượi mỗi ngày. Đôi tay tôi phồng rộp, vỡ nước bỏng rát. Nhưng tôi chưa nhổ được gốc sắn nào nguyên vẹn. Gốc nào cũng bị trầy xước không ít thì nhiều. Nhưng tôi không phải kẻ dễ dàng nhụt chí. Tôi đã có cách. Tôi xuống khe múc nước. Khe nước um tùm cây dé hoa nở đỏ rực, rập rờn. Tiếng nước chảy cồn cào vô tận. Những con cua đá giương mắt nhìn tôi thách thức. Tiếng chim ú tim đuổi bắt nhau vang vọng từ núi này sang núi khác như muốn trêu ngươi. Tôi mang những ống bương lớn đựng đầy nước suối xối vào gốc sắn ào ào. Tôi khẽ khàng lấy que cời, bới từng li đất. Một ngày...hai ngày... Và cuối cùng tôi đã thành công!
Tôi ngẩng mặt toòng teeng gánh hai gốc sắn xuống núi. Quả mâm xôi chín đỏ như những mâm lễ vật cầu hôn. Hoa sim, hoa mua tím rực hai bên đường như pháo cưới. Tôi đi châng lâng giữa hai ngọn núi, vô vàn tiếng chim hót mê man... Mẹ nhìn tôi không nói. Anh Vu nhìn tôi lắc đầu. Mế Sài bụm miệng cười. Ún Hường Bụm miệng cười. Cái cười ỉum tỉm của Ún Hường khiến tôi vừa sung sướng vừa uất ức. Các người thấy chưa. Không có việc gì là tôi không làm được. Các người hãy nhìn đi. Hai gốc sắn mấy chục củ, củ nào củ ấy đều lành lặn, không mảy may xước sát. Chỉ có quả tim mười bảy đang sưng và đôi vai lần đầu gồng gánh sầy sỡ
Hôm sau, hôm sau nữa, tôi điên cuồng với công việc của mình. Trong cơn mụ mị, tôi thấy tất cả công danh sự nghiệp trước mắt chỉ là thứ phù phiếm hão huyền. Tôi điên rồ ước mình sẽ trượt đại học. Cuộc đời tôi chỉ cần một ngôi nhà sàn trong núi với Ún Hường là đủ. Mặt mũi tôi đen cháy. Bàn tay tôi sần sùi. Đôi vai tôi chợt da đỏ hỏn. Nhưng tất cả những điều ấy có hề hấn gì? Tôi sẽ nhổ một trăm gốc sắn, một ngàn gốc sắn vẹn nguyên để một ngày Ún Hường phải khuất phục trước tấm lòng tôi.
Nhưng tôi càng cố càng vô vọng. Vô vọng đến nỗi một buổi trưa, khi hì hục vác nước dưới khe mang lên xối vào gốc sắn, tôi đã kiệt lực ngã xuống khóc òa. Anh Vu dìu tôi vào chòi. Anh để tôi khóc chán khóc chê rồi mới gắt:
- Mày ngu lắm! Nó nói thế nghĩa là nó đã có người yêu. Gái Mường đã có người yêu thì đừng hòng mà mơ!
- Tôi không tin!- Tôi bật dậy gào vào mặt anh Vu- Anh cũng yêu Ún Hường nên mới nói thế. Anh đừng hòng mà tranh với tôi!
Tôi tưởng anh Vu sẽ giáng cho tôi một cái bạt tai. Nhưng không, anh chùng người xuống bơ thờ:
- Cổ cày vai bừa như tao làm sao dám mơ. Phải là người thế nào con Hường nó mới yêu chứ...
Câu nói của anh Vu khiến tôi tỉnh mộng. Tôi thấy mình vô duyên quá đỗi khi đi giành giật với anh. Nhưng tôi cũng vặc một câu chữa thẹn:
- Thế sao anh không nói cho tôi biết sớm?!
Những ngày sau đó, tôi xấu hổ không dám xuống núi. Tôi cởi trần, lầm lì nhổ bật những gốc sắn vứt quẳng chỏng chơ la liệt. Mẹ tôi phải kêu giời, mày nhổ thế ai mà gánh kịp!
Đúng lúc ấy thì tôi có giấy báo trúng tuyển đại học. Tôi có một lý do chính đáng để rút lui trong danh dự.
Tôi ra thành phố. Tôi cố quên Ún Hường bằng cách lao vào những cuộc tình. Những cuộc tình ào đến, ào đi như những cơn gió không mùi vị, chỉ vương lại một chút buồn buồn, không tiếc nuối. Mỗi lần như thế, tôi hay nghĩ về núi lạc đà và thấy vết sẹo hoa đào trên mu bàn tay đỏ tấy. Không biết bao nhiêu lần tôi định đánh liều một mình tìm về núi lạc đà để xem người được Ún Hường yêu là ai, nhưng không có cớ. Nay tôi đã ba lăm tuổi rồi...
Cái Vi, con đầu của anh Vu có giấy báo trúng tuyển đại học. Ngày vui lớn, anh Vu điện: Chú phải về! Tôi mừng cho anh tôi, một đời lam lũ, nhọc nhằn nhưng chưa một ngày nguôi quên nỗi mặc cảm thấp hèn bằng cách quyết chí các em, các con ăn học. Tôi về đến nhà thì không thấy mẹ tôi đâu. Anh Vu bảo:
- Mẹ đi vào núi rồi!
Mẹ tôi từ ngày lên lão đã theo các vãi chùa làng đi quyên. Những bà mẹ khốn khổ của làng tôi một thời đói kém bây giờ được chút an nhàn, không hiểu sao cứ thích rủ nhau đi vào trong núi. Đi cả tuần mới về. Cứ còm cõm lội bộ quanh năm suốt tháng, thế mà quyên được mấy chục triệu đồng đúc tượng tô chuông.
- Chú vào mế Sài chở mẹ về!
Tôi đờ người giây lát, thoái thác:
- Anh đi đi!
Anh vu gãi gáy:
- Anh... không biết đi xe máy!
Tôi đang đi về phía núi. Dãy núi hình con lạc đà vẫn xanh mơ như ngày tôi thơ bé. Mỗi khi nhìn về nó tôi vẫn thấy dào lên cảm giác bồi hồi. Tôi lướt xe trên con đường đã trở nên xa lạ. Dãy núi đá vôi bây giờ cảm thấy thấp hơn. Trại gà Cu- ba không còn nữa, thay vào đó là một nhà máy chè, ống khói lơ thơ thơm lựng.
Tôi phải hỏi thăm rất lâu mới tìm được lại nhà mế Sài. Vẫn ngôi nhà sàn nhỏ xinh nằm giữa một quả đồi xum xuê hoa trái. Vừa bước chân vào nhà, tim tôi đã nhảy bắn lên bởi một câu hỏi như vọng về từ chốn xa xăm:
- Ai lố?
Giữa vườn cây, dưới những cây xoài trái sai lúc lỉu, một cô bé giống hệt Ún Hường đang nhìn tôi lạ lẫm:
- Chú tìm ai lố?
Trấn tĩnh mấy giây, tôi đã hiểu.
- Chú là người quen của mế Sài và... Ún Hường...
- Bà cháu trong nhà chú ạ! Cháu sang chơi với bà ngoại mà. Nhà cháu bên kia suối.
Con bé giơ tay chỉ. Một ngôi nhà sàn cũng nhỏ xinh nằm giữa một đồi chè xanh mướt mát. Màu xanh của phong túc yên bình.
- Chú vào nhà bà cháu hay sang nhà cháu?
Con bé hồn nhiên quá khiến tôi lúng túng. Tôi không thể đường đột sang nhà cháu được. Tôi bước vào nhà mế Sài. Mế Sài đang ngồi với mấy vãi làng tôi. Mẹ vừa nhìn thấy tôi thì a lên mừng rỡ:
- Thằng Vân! Sao con biết mẹ vào đây?
Mế Sài nhìn tôi hồi lâu ngờ ngợ:
- Có phải cái thằng gính hai gốc sắn lố?
Câu hỏi khơi bùng nỗi xấu hổ vẫn âm ỉ trong tôi. Vết sẹo hình hoa đào lại đỏ và nóng râm ran.
Các bà mẹ làng tôi râm ran nói chuyện. Những câu chuyện của thuở hàn vi mà sao tôi cứ thấy bâng khuâng? Đã mấy lần tôi toan mở miệng hỏi chồng Ún Hường là ai. Nhưng lại thôi. Hỏi làm gì. Phải là người thế nào con Hường nó mới yêu chứ. Câu nói của anh Vu lại văng vẳng trong đầu...
Hà Nội, những ngày cuối Đông 2005