Người Đàn Bà Đợi Mưa Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Đêm roong chiêng

Phải không biết bao nhiêu lần đắn đo, tính toán, cuối cùng sau gần ba chục năm anh mới quay trở lại đất này. Thời gian ba ngày như kế hoạch đã hết, nhưng anh chưa tìm thấy cái cần tìm.

- Bắt đầu vào rừng đấy sếp ạ. Tay cán bộ kiểm lâm béo chũn chĩn như một con dúi, khom lưng xoa tay trước anh, cất giọng xun xoe.

- Ừ. Anh thờ ơ buông một tiếng thở dài. Trái lại với tâm trạng của anh, cô gái được giới thiệu là hướng dẫn viên du lịch ăn mặc đàng điệu, tóc nâu, môi trầm, áo khoét rộng cổ để lộ cả cái khe hiểm trở dẫn vào bộ ngực núi lửa phập phồng, váy ngắn khoe cặp giò trắng mẫm, bước đi nhún nhảy, luôn miệng reo lên thích thú:

 

- Kìa anh! Vợ chồng nhà khỉ ngủ ngồi trên cây, ngộ không!

Nghe tiếng người, con khỉ đực thức giấc chổng mông sát tấm lưới sắt gãi cành cạch. Cô gái khẽ cau mặt kéo tay anh đi, nhưng được một đoạn lại reo toáng lên như trẻ con:

- Voi, anh ơi, voi!

Anh căng mắt nhìn. Voi thật! Ba bốn con voi đứng im lìm trong bụi cây ven đường. Anh dấn tới một bước, rồi dừng lại thở dài. Voi giả! Gã cán bộ kiểm lâm nháy mắt cười ranh mãnh. Anh bắt đầu cảnh giác, điềm tĩnh đếm những bước chân trên lối mòn ngoằn ngoèo trải sỏi lạo xạo, tối nhờ nhợ như một đường hầm dưới rừng cây. Cô gái đã mấy lần rú lên kinh hoàng khi thấy con trăn đen trũi đong đưa ngay trước mặt, hoặc một con hổ vằn vện to như một con bò ngồi thu lu trong bụi cỏ tranh. Mỗi lần như thế cô lại níu chặt lấy anh, ghé sát tai anh mà hào hển: "Khiếp quá! Khiếp quá!". Thấy anh vẫn điềm tĩnh như không, cô lại dẩu môi lên phụng phịu.

Phải thừa nhận kẻ đã thiết kế khu rừng này rất hiểu về tâm lý học. Khi anh đã chán ngán với những trò giải trí nhạt nhẽo trong khung cảnh giả tạo, liền được thay đổi ngay cảnh sắc. Ánh trăng bỗng òa ra. Anh thở phào như vừa bước ra khỏi nhà giam, giơ tay dụi mắt. Trên nóc nhà rông ngật ngưỡng vầng trăng cong cong như một chiếc sừng trâu vàng đậu chênh chếch giữa những vì sao li ti nhấp nháy. Một tràng vỗ tay rộ lên khiến anh giật mình. Dưới sân, trong hai dãy bàn được ghép bằng những cây lồ ô quan khách đã đứng cả dậy tươi cười. Anh nhớ lại lời úp mở của vị quan đầu ngành hồi chiều: "Tối nay chúng tôi sẽ dành cho anh một sự bất ngờ thú vị!".

Vẫn là tay cán bộ kiểm lâm đã lẽo đẽo theo anh suốt mấy ngày qua giờ kiêm luôn chân dẫn chương trình. Tai anh ù đặc bởi những sáo ngữ đãi đưa. Thở dài, anh lơ đãng nhìn lên nóc nhà rông. Vầng trăng thanh khiết tỏa ánh sáng dìu dịu mê hồn kia mới là cái anh cần lúc này. Đang miên man anh bỗng giật bắn mình bởi tiếng gào rống:

- Đêm roong chiêng(1) bắt đầu! Nổi lửa lên! Mắt anh bỗng tối sầm. Vầng trăng trên nóc nhà rông tắt phụt. Trời ơi! Đến vầng trăng mà họ cũng làm giả được ư? Anh thất vọng vô cùng bởi cú lừa ngoạn mục, cảm thấy trong lòng trống rỗng.

Lửa đã cháy lem lém trên đống củi chất hình chóp nón. Hàng trăm khuôn mặt, cái nào cái nấy chín nhừ như thổ dân da đỏ.

- Tiết mục đầu tiên của đêm roong chiêng: - Con - nai - vàng - ngơ - ngác! Tiếng xướng của tay cán bộ kiểm lâm thét vào loa vọng mãi, âm âm u u như dội vào vách đá. Một con gì vàng, to như chú bê được đẩy ra giữa sân. Có phải nai không, hay lại là giả? Anh căng mắt nhìn nghi hoặc, ngực đập dập dồn. Chỉ đến khi con vật kêu lên một tiếng "tắc... cục" anh mới ngỡ ngàng. Nai thật! Một con nai chửa! Con nai đứng giữa sân, co một chân trước bị thương, cặp mắt bạc đi vì sợ hãi.

- Pinh bùng pinh bùng bùng pinh pinh pinh! Tiếng chiêng đột ngột nổi lên. Dàn chiêng nối đuôi nhau tiến ra sân. Những cái mông quấn khố tua dậm dật. Những cái đầu chít khăn đỏ ngửa lên trời hú hét, lắc lư. Điệu chiêng xa xăm như vọng về từ thời tiền sử. Hùng hùng, bi bi. "Giai điệu hiến tế!". Suýt nữa anh buột miệng kêu lên nhưng đã kìm lại được. Mười mấy năm lăn lộn ở vùng này anh đã thuộc lòng từng điệu chiêng. Điệu chiêng này thường được tấu lên trong những lễ hội đâm trâu. Con trâu quằn quại dưới những mũi lao được bản nhạc chiêng tắm ướt, xoa dịu vết thương, linh hồn trở nên siêu thoát bay lên trời tâu với Yàng cho dân làng những vụ mùa trĩu hạt. Còn con nai hôm nay nó sẽ tâu với Yàng cái gì?

- Hầy! Mấy chục cái miệng bất ngờ gào lên sau một hồi chiêng dồn dập kết thúc bản nhạc làm hiệu lệnh cho bốn thanh niên cũng mặc khố tua nhảy vào đè sấn con nai ra trói, treo lên chiếc xà như một khung thành bóng đá ngay đống lửa. Hai chân trước con nai bị treo lên xà ngang, hai chân sau bị giằng vào cột dọc. Nó nấc lên một tiếng thê thiết: "Tắc... cục"! Cái bụng chửa chang ang chảy xuôi xị, thoi thóp thở. Mẩu đuôi ngắn cũn cỡn ngoáy tít


van vỉ.

- Cắc cắc... tùng!

Anh giật bắn mình khi nghe tiếng trống hiệu vang lên như một phát súng. Một gã đàn ông cũng cởi trần đóng khố, chít khăn đỏ, trên đầu cắm thêm một cánh chít phất phơ, hai tay ve vẩy hai tàu lá gì đó giống tàu đu đủ, bước ra cúi gập người chào quan khách. Rồi như một diễn viên múa, gã bẻ vứt đi hai cuống, chỉ còn hai chiếc lá như hai mặt trời xanh rung rung theo cổ tay uốn éo. Gã hơ hai chiếc lá về phía đống lửa khiến chúng quăn lại mềm xìu. Mùi thơm ngan ngát của một vị thuốc tỏa ra khắp không gian.

- Cắc cắc tùng! Cắc cắc tùng! Gã đàn ông nhảy thách lên như thượng đồng, miệng chu lại, hai tay nghều ngoào như tay vượn bất ngờ vung lên vỗ đánh bốp vào gáy con nai. Con vật nảy người nấc lên "tắc cục"!

- Cắc cắc tùng! Cắc cắc tùng! Cứ mỗi nhịp trống như thế tương ứng với một lần bàn tay cầm lá thuốc của gã đàn ông vuốt mạnh từ cổ con nai xuống mút khấu đuôi, rồi lại hơ vào lửa, rồi lại vuốt.

- Cắc cắc tùng ! Cắc cắc tùng! Nhịp trống càng ngày càng nhanh. Hai tay gã đàn ông liên hồi vuốt, vuốt. Con nai ban đầu còn kêu lên mỗi khi tay gã chạm vào, sau chỉ còn rên lên những tiếng è è trong cổ. Gã làm cái quái quỷ gì thế? Tay cán bộ kiểm lâm đã về ngồi cạnh anh như đoán được ý, ghé tai anh nói nhỏ:

- Sếp nhìn cái đuôi con nai kìa!

Cái đuôi con nai! Trời ơi, không thể tưởng tượng nổi! Vừa nãy nó ngắn cũn, xinh xinh là thế, giờ đã hóa thành một bọng máu căng phình như quả bí đao dựng lông tua tủa. Toàn thân con nai ướt đầm như được vớt lên từ suối. Toàn thân gã đàn ông cũng bóng nhẫy mồ hôi, cái đầu lết bết, khật khừ, bốc khói.

- Cắc cắc cắc cắc cắc cắc cắc! Tiếng dùi nện liên hồi vào tang trống báo hiệu màn độc diễn của gã đàn ông đến hồi kết thúc. Hắn giơ tay nhận một con dao to bản sáng rợn ánh thép. Một thẩu rượu pha lê trong suốt được đặt ngay dưới chỗ con nai bị treo. Gã đàn ông múa con dao trong tay mấy vòng loang loáng rồi đổi thế ngửa lưỡi dao hớt ngược một đường như ánh chớp. Mắt anh tối sầm khi nhìn thẩu rượu phút chốc loang máu đỏ lòm. Đường dao bén ngọt đến nỗi cái đuôi nai không biết đã lìa cơ thể vẫn quẫy rùng rùng như một con thủy quái trong thẩu rượu làm cồn lên những quầng sóng đỏ. Anh nhắm mắt lại để khỏi nhìn cảnh ấy. Nhưng lại phải mở ra. Gã đồ tể lom khom bưng một khay những ly rượu ngầu bọt máu đứng trước mặt anh:

- Mời sếp ly rượu đại bổ dưỡng ạ. Dạ, thưa sếp, bao nhiêu tinh huyết của con nai dồn cả vào đuôi rồi. Rượu này mà uống thì... phải biết! Nói rồi gã liếc cô gái ngồi cạnh anh một cái nhìn dâm đãng. Cô gái đáp lại hắn bằng một cái nhìn tương tự. Anh đón một ly rượu với cử chỉ ngượng ngập đưa lên môi nhắm mắt tợp một ngụm. Một cảm giác gây gây, nhơn nhớt, tanh tanh khiến anh lợm giọng. Anh vội vàng chạy bổ đến cột gưng(1) nơi đặt những ghè rượu, ngậm cần rít một hơi căng ngộp thở để dìm cơn buồn nôn bất chợt trào lên. Đám quan khách mỗi người một ly rượu máu lần lượt đến bên anh chúc tụng. Anh nâng cần đáp lại. Tiếp nước cho những "căn" rượu đầy vơi là bảy cô gái tóc dài da trắng, váy áo thổ cẩm hững hờ, gợi dục, đứng, ngồi, quỳ thành nửa vòng tròn theo kiểu ruộng bậc thang. Trên tay mỗi cô là một chiếc bát sứ Trung Quốc trắng phau. Nước từ cao chảy xuống ghè qua bảy lần tráng bát. Chao ôi, người ta cho anh uống kiểu gì thế này? Vừa lúc đó một ca sĩ nghiệp dư ở đâu nhảy nhói ra sân gào lên hệt tiếng mèo: Em đây muốn ôm ấp anh trọn đời... Ra điều thác lời cô gái Tây Nguyên khát khao cháy bỏng. Láo toét! Các cô gái Tây Nguyên không bao giờ nói thế. Mà không, nói nhưng mà bằng mắt, đôi mắt nâu to rực lửa. Vẳng trong đầu anh là câu nói khinh miệt của Đoàn: "Nhạc của tay Du cả nước hát, nhưng dân Tây Nguyên đ. hát! Mẹ kiếp, đúng là lộn xì ngầu, thời buổi âm nhạc cử trên nền băng vệ sinh KoTex!" Anh lại thấy lợm giọng, xua tay. Bầy sơn nữ giả cầy õng ẹo, lảng dần.

Anh cứ quỳ bên đống lửa ngậm cần, không để ý đến xung quanh.

- Sếp nhìn kìa! Tay cán bộ kiểm lâm cánh mũi phồng hết cỡ, miệng tứa nước miếng nhểu nhảo nhìn con nai béo mũm, bụng nhét một ôm lá sả được quay vàng khươm đang nhỏ mỡ thon thót xuống than hồng, thơm lựng.

Pinh bùng pinh! Tiếng chiêng vẫn điểm nhịp cầm chừng. Tay đồ tể lại bắt đầu biểu diễn. Gã ngồi trên một khúc gỗ tròn cưa ngắn làm ghế, kẹp con dao dài vào đầu gối, ngửa lưỡi lên trên. Hai bàn tay to bè quắp một miếng thịt lớn được khoét ở mông con nai miết xuống lưỡi dao phì phịt. Những miếng thịt bóng mỡ bắt ánh lửa loang loáng bay xuống như sao rụng. Thịt, muối hạt trộn ớt giã đỏ cáy được bày ra lá khộp. Thực khách thi nhau thò tay ăn bốc nhôm nhoam.

Anh cứ uống, tự châm nước vào ghè, không cần giục giã. Món cà đắng được mang ra. Mắt anh sáng lên một chút nhớ câu nói của Đoàn: "Tao nghiện món cà đắng bọn mày ạ. Tao đã mang cả giống về trồng. Vậy mà nó thoái hóa, ăn ngọt mới chán mớ đời". Nó nói trong ngày cánh lính B3 ngày xưa tụ nhau lại bàn sẽ làm một bữa liên hoan toàn rau tàu bay, cà đắng, cơm lam. Nhưng ý định chưa thành.

Pinh bùng pinh, bùng pinh pùng pinh. Dàn chiêng uống nhiều rượu đã bắt đầu lập bập. Thêm một món nữa được mang ra. Nhiều món nữa được mang ra. Anh không hề đụng tới, kể cả món cơm lam tuyệt ngon dành cho khách VIP. Cô hướng dẫn viên du lịch xuýt xoa bóc ống cơm mềm nhụng nhịu nóng như muốn sút những móng tay sơn đỏ choét, nài nỉ:

- Anh ăn đi, ngon tuyệt!

Anh khe khẽ lắc đầu. Ngon ư? Ngon làm sao bằng những nắm cơm của YLyan, những nắm cơm hình núm chiêng? YLyan em đang ở đâu?

"Ngày lính" năm ngoái bọn anh tập trung tại một nhà hàng. Những thằng lính trận năm xưa đã lột xác trở thành nhà văn, nhà báo, quan chức, doanh nhân. Bây giờ quây quần với nhau chỉ với một mục đích "hồi ký". Trong câu chuyện bao giờ cũng nhắc đến tên em đấy chứ. Và Đoàn, Đoàn luôn là người kể đi kể lại hàng trăm lần câu chuyện về em. Thế mà năm nay, "Ngày lính" vắng mặt Đoàn. Hắn đi đâu nhỉ? À, vẫn lang thang nay đây mai đó, nhạc không được hát, thơ không được in, túng và cùn lắm. Vắng nó cũng buồn. Nhưng có nó thì cũng phát bực, toàn nói những câu móc họng. Ờ, cái mảnh đạn ở đầu nó gắp ra chưa nhỉ? Chưa. Mấy tay ở 108 bảo để thì sống, thỉnh thoảng chịu đau một tý, chứ mổ là "đi" luôn. Nói thế thôi chứ nghĩ cũng tội. Ông nào biết số di động của nó phôn cho nó đến nhậu. ơ, ông quên rồi à? Năm ngoái ông Hào bảo cho nó một cái Nokia, nó khinh khỉnh kêu tôi không nuôi được. Bây giờ có giời tìm. Cái thằng, đúng là điên. Chỉ có anh biết Đoàn đi đâu.

Pinh bùng pinh. Bùng... pinh. Tiếng chiêng uể oải cầm chừng. Anh say lắm rồi. Suốt từ sáng tới giờ có chút gì vào bụng đâu. Guồng chân leo hết mấy dốc cổng trời, lần theo những đồi cỏ tranh bạt ngàn xơ xác trắng giữa mùa khô mà tìm. Làng KongH’Cho ngày xưa nằm bên suối Đăkba với ngôi nhà rông cao vút giờ không còn dấu vết ngoài cây pơlang cỗi cằn vắt ruột ra hoa. Dưới nắng tháng ba nhức mắt, những cánh hoa lả tả xoay tròn rụng chầm chậm đỏ tươi như máu ứa. Đi, đi nữa. Chỗ nào ngồi được xe thì ngồi, không thì cuốc bộ. Phải tìm cho ra làng KongH’Cho. Nhưng biết tìm đâu bây giờ? Mấy chục năm bom đạn tác tao rồi cái đói kéo bước chân du cư của dân làng đi mãi, đi mãi. Anh đã lặng hàng giờ trước những ngôi làng anh qua. Sững sờ, cái sững sờ của người quen nhìn sự việc toàn cảnh từ trên cao giờ đối diện với thực tại. Đã bao lần anh vào Nam ra Bắc, dưới cánh bay, Tây Nguyên ngàn ngạt xanh rộng dài ngút ngát, những đồi núi cuộn vồng như cơ bắp của chàng dũng sĩ vươn mình. Vậy mà... Hèn gì "Ngày lính’ năm ngoái, Đoàn, người đến muộn nhất, cái áo gi-lê thổ cẩm te tua, bộ dạng thẫn thờ thông báo: "Tao vừa đi Tây Nguyên về. Căng lắm!" Nói xong Đoàn cầm ly rượu trên tay ngồi lặng phắc, mắt mờ như có khói khiến gần chục thằng mọi lần ồn ĩ vênh vang là thế vậy mà đều len lén cúi đầu. Đoàn nhìn đăm đắm vào vô định rồi lơ đãng ôm đàn, khuôn mặt đăm chiêu, khắc khoải, giọng Đoàn cất lên thẫn thờ như gió thoảng:

Ta không thể quên được một người con gái

Ta không thể quên được một cánh rừng...

Pinh bùng pinh...pinh...pinh. Khuya lắm rồi. Trăng lên. Trăng xuống. Nhưng trăng thật. Bầu trời xám cao vòi või. Tiếng chiêng lẻ tẻ, rời rạc vọng vào thinh không lạnh. Những tay chiêng ngủ gà gật bên đống lửa sắp tàn. Cô hướng dẫn viên choàng vào vai anh tấm dồ thổ cẩm thơm ngát nước hoa. Trông anh như một vị tù trưởng ngất ngư, lảo đảo. Nhòe nhoẹt đêm sương. Lác đác những thực khách ra về còn cố gửi lại một nụ cười cầu thân méo sẹo. Anh ôm ghè hút tiếp. Ơ hay, sao trống chiêng tắt lịm đi thế này? Anh quơ tay với một chiếc chiêng từ tay một người ngủ gục gần đó, giơ lên đấm một nhát.Chiếc chiêng run lên một tiếng "boong" rồi câm bặt. Ha ha! Ai ngủ thì cứ ngủ. Anh phải uống thật say. Say như trong những đêm roong chiêng hơn ba mươi năm trước. Làng Kon H’Cho nhiều rượu lắm, đủ cho cả làng, đủ cho cả đại đội tiền duyên của anh. Uống đi các con! Ăn đi các con! Múa đi các con! Các già làng giục giã. Vòng "xoang" với những cô gái ngực phập phồng mời gọi những chàng lính trẻ. Ai bảo lính tiền duyên là khổ. Những thằng nằm trong rừng sâu mới khổ chứ.

Niềm vui ngắn. Trực thăng, xe tăng và lính biệt kích đã đẩy bạt đại đội của anh vào tút lút rừng sâu. Làng KonH’Cho bị dây thép gai quây kín. Chiến thuật "tát nước bắt cá" của địch đã đẩy đơn vị anh vào cảnh khốn đốn. Hành lang nối chiến dịch bị chặt, đường dây nối với cơ sở bị cắt. Một nhúm muối, một ống cơm muốn mang ra khỏi cổng làng còn bị xét nét thì đừng trông đợi vào tiếp tế. Cả một đơn vị hàng trăm con người ốm đau vật vờ, rệu rã; hàng trăm con người ở với nhau mà vẫn cảm thấy cô đơn. Vào hoàn cảnh ấy mới thấy con người sống cần cộng đồng đến mức nào. Phải làm gì đi chứ, không lẽ khoanh tay chịu chết? Tiếng loa chiêu hàng ông ổng trên đầu. Những tờ truyền đơn rải trắng xóa cả rừng như triệu triệu cánh bướm lả lơi mời mọc. Không, không thể đầu hàng. Sống như thế còn tồi tệ hơn là chết. Vậy thì chỉ còn cách duy nhất: Đột ấp móc nối cơ sở giành lại dân.

Chuyến đột ấp đầu tiên bất thành. Tổ trinh sát ba người, một thằng phải nằm lại để sau đó bị bêu đầu trên cọc gỗ trước cổng làng. Còn hai thằng máu me tơi tả cõng nhau mò mẫm trong rừng suốt cả một đêm, vậy mà sáng ra vẫn thấy đang quanh quẩn gần làng KonH’Cho. Bản năng ham sống đã khiến anh đưa ra một quyết định liều lĩnh. Cõng Đoàn trên lưng, anh nhằm hướng một dải khói bay lên từ vạt nương xanh rì.

Hẳn cha con người đàn ông Bahnar đã được "tẩy não" và nhồi sọ đủ luận điệu về Việt Cộng nên vừa nhác thấy bọn anh lảo đảo rồi đổ vật xuống đầu rẫy, họ đã rú lên kinh hãi bỏ chạy. Khốn nạn rồi con ơi! Chỉ một lát nữa thôi là những tên lính bảo an sẽ xộc tới. Chạy đi ư? Còn sức nữa đâu mà chạy. Thôi thì chết. Nhưng bố mày mà chết thì chúng mày cũng dăm thằng bỏ mạng. Sức cùng lực kiệt, anh rút lựu đạn, ôm bạn, chờ.

Nhưng anh đã chìm hút vào hôn mê. Khi mở mắt, anh ngỡ ngàng khi thấy mình đang nằm giữa cái chòi canh rẫy, bên cạnh Đoàn vẫn sốt run hầm hập. Đầu anh nặng chìm chìm như thể bị cột một hòn đá tảng. Vết thương ở vai đã được đắp lá tê dại đi không còn cảm giác. Cả một khoảng rừng im ắng đến rợn người. Anh quơ tay tìm súng nhưng quơ vào khoảng trống. Gượng hết sức tàn anh nhổm dậy, nhưng cố gắng ấy lại đẩy anh ngã vật xuống sàn, ngất lịm. Trong cơn mê man anh nghe có tiếng suối chảy lơ thơ và tiếng kêu khát của Đoàn. Tiếng suốt vụt cồn thành tiếng thác sôi réo trong đầu. Nước! Nước! Trời ơi, nước! Tiếng cầu xin van vỉ của hai người giữa chập chờn mê tỉnh được đáp ứng bằng ảo giác. Anh cảm thấy mình khô đét như một con cá phơi trên cát bỏng hớp miệng cầu mưa. Bầu trời căng tức. Mây đen nhức nhối. Gió vần vũ thổi. Mưa ào ạt như thác xối. Anh uống đến ngộp thở mà lạ thay cơn khát càng ngày càng cào xé họng. Mình sắp chết! Cái ý nghĩ lởn vởn như một bóng đen trong đầu rồi phút chốc tóe hoa cà hoa cải... Đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng thì một đám mây lành sà xuống. Nàng tiên váy áo sặc sỡ màu thổ cẩm mỉm cười nghiêng hồ lô. Nước cam lồ mát lạnh thấm vào cặp môi nứt toác, xuống cổ rồi râm ran tỏa đi khắp cái cơ thể đang chịu hạn. Anh cố chống cặp mi nặng như cửa sập, và ngỡ ngàng: Một cô gái Bahnar đang nhìn anh bằng cặp mắt nâu to, trong veo y hệt cặp mắt của một chú voọc. Cô reo lên một tiếng khe khẽ, mắt ánh lên một tia mừng rỡ nhưng lại cụp xuống rất nhanh. Cô hấp tấp xếp mấy quả bầu cạnh anh rồi vội vàng khoác gùi lên lưng bỏ đi. Lần tỉnh sau anh lại thấy cô bên cạnh. Cứ như thế, giữa những lần mê tỉnh là bóng cô gái thấp thoáng vào ra cái chòi canh giữa rẫy mì xanh lút đầu người. Anh khỏe dần và nhận ra rằng, mấy ngày qua anh sống được là nhờ những bầu nước cháo có pha thuốc lá rừng. Đến lúc này thì bụng anh lại thèm cơm ghê gớm!

Một ngày dài hơn mọi ngày. Anh nằm đợi chờ tiếng chân cô gái suốt từ sớm. Mãi đến sẩm chiều thì... vèo một cái, cô gái ào lên chòi như một cơn gió rừng hoang dại. Cô cuống quýt hạ gùi. Anh hé mắt và... không dám tin vào mắt mình. Chắc cô gái tưởng anh và Đoàn vẫn mê nên thản nhiên lột áo! Lóng nga lóng ngóng mãi cô mới cởi được chiếc khăn quấn vòng quanh ngực. Suýt nữa thì anh buột miệng kêu lên một tiếng: Trong lần khăn là hai nắm cơm nếp. Và mãi về sau này, khi ngồi trước một món ăn ngon, bao giờ anh cũng nhớ về hình thù hai nắm cơm ấy, hai nắm cơm hình núm chiêng Khi hai nắm cơm được gỡ ra thì lồ lộ một cơ thể thiếu nữ tròn lẳn với cặp ngực nhu nhú đỏ ửng. Anh thở dốc một tiếng khiến cô gái giật bắn mình, cuống cuồng vơ áo và nhanh như một con sóc tón thẳng vào rừng chiều.

Anh ngơ ngẩn nhìn hút vào khoảng rừng xanh thẫm. Hai nắm cơm vẫn còn ấm hơi người có một hương vị lạ lùng. Nó có vị bùi của đất đỏ ba zan, vị ngọt của nước suối đầu nguồn, vị mặn của muối biển; có mùi thơm của nếp rừng quện vương vất với mùi hương ngầy ngậy của thịt da con gái. Nắm cơm ngon không thể tả, khiến hai thằng ăn hết veo mà vẫn thòm thèm. Vài ngày sau nữa, Đoàn tỉnh hẳn. Hai thằng càng khỏe thì ngực cô gái càng đầy lên. Ông già xuất hiện với bộ mặt căng như cánh nỏ bảo rằng: "Gay hung. Lính vây làng kín bưng, khó đấy à. Hôm nào con YLyan không mang cơm được thì chúng mày nhổ mì nướng ăn đỡ". Cả hai thằng hẫng hụt trong lòng hướng mắt về YLyan dò hỏi. YLyan cúi đầu nhìn xuống sàn, chớp mắt nói khẽ: "Tụi lính gác cổng làng nghi rồi. Sáng nay em và pá đi qua, một thằng bảo: Đ. má, con nhỏ sao mà vú to quá vậy?. May mà pá trừng mắt nên nó mới cho qua.". Nói xong câu ấy, mà YLyan đỏ rựng, rồi chẳng hiều vì lẽ gì cô òa khóc nức nở. Hai thằng luống cuống dỗ dành làm sao YLyan cũng không nín. Đoàn cắn môi một hồi lâu rồi bảo: "Mai bọn tôi sẽ đi!". YLyan ngừng bặt, cuống quýt: "Các anh chưa khỏe mà? Đừng sợ...". Ông già nghiêm mặt trách móc cái ý định ngu ngốc của anh khiến anh lúng túng buột miệng "Sao pá tốt thế pá ơi! Pá không sợ à?" Ông già thủng thẳng nói một câu, một câu nói thành thật đến độ anh và Đoàn cũng ứa nước mắt: "Sợ chứ! Nhưng con thú cũng không bỏ bạn lúc bị thương mà!" YLyan thoát vui trở lại và dường như để yên lòng hai người, cô khe khẽ hát một bản dân ca Bahnar, bài hát in vào tâm khảm anh từ đó, bởi những ngày sau bao giờ YLyan cũng hát bài này khi ngồi nhìn các anh ăn. Gần một tháng trôi qua, vết thương của hai người đã gần như lành hẳn. Anh bỗng sợ. Sợ một ngày phải đi.

Ngày ấy đã đến. Mới sáng sớm hai thằng đã ngong ngóng chờ, ruột nóng như lửa đốt. Trưa, không thể chịu nổi, anh leo lên cây bằng lăng dõi mắt tìm. Kia rồi! Anh muốn hét lên cho Đoàn biết, nhưng chưa kịp thì đã tụt ngay xuống đất kêu lạc cả giọng: Đoàn ! Đoàn ! Đoàn ngơ ngác chưa hiểu gì. Và anh cũng không thể nói ngay cho Đoàn biết rằng, anh vừa thấy hai cha con YLyan ở đầu rẫy, nhưng phía sau có một tốp lính rằn ri lặng lẽ bám theo như một bầy sói rình mồi. Cha con YLyan không hề hay biết, vẫn đi thẳng hướng chòi...

- Vé máy bay... em đã mua... rồi! Sếp... cứ vui... sáng mai có xe đưa sếp... Tay cán bộ kiểm lâm nắm tay anh lè nhè. Anh hẩy ra gắt giọng:

- Không... Ta còn phải đi... tìm...

Cô hướng dẫn viên mắt lờ đờ nhìn anh chả chớt:

- Sếp ơi... em... say rồi! Em tìm anh... Anh tìm ai... Cô ta i ỉ hát và quàng lấy vai anh.

- Tôi đi tìm YLyan!

- Ôi, sếp lãng mạn quá trời... Thì sếp đã tìm mấy ngày... còn gì.

Ừ, anh đã đi tìm, đã đến hơn chục cái làng. Những người dân nghe anh hỏi đều lặng lẽ lắc đầu. Cánh lính trẻ đang ì ọp làm ruộng nước, áo quần bê bết bùn đất như trâu đằm, nhưng miệng thì cười trắng xoá: "Bố ơi, bố tìm ai mà ngơ ngác như người mất hồn thế?"

Đi... anh đi. Đi tìm Ylyan...

Anh tháo giày lội qua dòng suối trong vắt trơn nhãy những hòn đá củ đậu dưới đáy để qua làng. Ngôi làng xa nhất đây rồi. Có phải làng KonH’Cho không? Không, đây là làng K’Chót. Thế tên làng trước đây là gì? KonH’Chot hay KonH’Cho gì đó. Không, KonH’Cho thì đúng. Có biết YLyan không? Biết, biết chứ. Đâu rồi? Ơ, nó đi lên rẫy rồi. Cán bộ lại đến bắt nó đi học chứ gì? Nó không đi đâu. Mẹ nó mới đẻ em bé... Không, YLyan lớn cơ. ờ, vậy thì không có đâu. À, lâu lắm rồi thì có. Người già bảo làng mình có YLyan. Nhưng bị giặc giết rồi, cả hai cha con, treo đầu ở cổng làng. Không! Không thể thế được! Anh gầm lên! YLyan không thể chết được! YLyan vẫn sống! Em ở đâu? Dù em có trốn vào hang sâu rừng thẳm thì anh cũng phải tìm cho bằng được. Anh chạy bổ khắp làng tìm kiếm. Làng vắng ngơ vắng ngắt. Mấy con heo gầy trơ xương lông xù như nhím chũi cái mõm dài vào những bãi bùn lẫn phân lõng bõng dưới những gầm nhà sàn xiêu vẹo. Mấy bà già cởi trần da cháy xẹm, vú teo tóp chảy dài xuống bụng, mắt đục lờ lờ nhìn mông lung theo cánh chim trời uể oải bay ngang làng dưới nắng lửa gió Lào bỏng hực. Lòng anh dâng trào cảm giác của người có lỗi... Mày ở đâu đến? Đã ăn chưa? Lên nhà đi, để tao kiếm cái gì ăn đỡ. Rồi tối nay uống rượu. Trời ơi, dân làng đói thế lấy đâu ra rượu? Ô, đói cũng không để khách nhịn rượu đâu! Anh cảm động đến trào nước mắt, lòng xốn xang sống lại những ngày cơ cực. Dân làng đi đâu hết? Đi vào rừng. Vào rừng làm gì? Đốt rừng, làm rẫy. Đốt rừng! Tr 15d4 i ơi! Khô thế này nhỡ cháy thì sao?... Sao mày nói độc miệng thế? Yàng ơi, cháy thật rồi! Quả núi sừng sững trên đầu anh bỗng rùng rùng chuyển động và bất thần phun lửa. Lửa réo ù ù. Lửa sôi cuồn cuộn. Đất lở ùng ục. Đùng đoàng tiếng nổ. Lửa bốc lên cao tận mây. Nham thạch đỏ lừ óng ánh chảy tràn xuống chân núi, vào làng. Chạy đi dân làng ơi! YLyan, em ở đâu? Anh cuống cuồng trong lửa bỏng, da thịt cháy xèo xèo, khét lẹt, khói xộc vào mồm sặc sụa. YLyan! Đoàn người tao tác như ong vỡ tổ, túa ra, tụ lại, rồi đoàn người rồng rắn thành hàng, lầm lũi đi... đi miết. Những khuôn mặt bị lửa táp sém. Những quai gùi lằn vai tiếp tục lang thang. Đừng đi nữa dân làng ơi! YLyan, đừng đi !...

- Ơ, em đây mà.

- Ôi, YLyan đây rồi... Em làm sao không? Sao em bỏ anh, mà đi?

- Ô, em có bỏ đâu? Em vẫn bên anh đấy chứ.

- Ôi YLyan! Đúng là em rồi! Ôm chặt cô gái trong tay anh khóc nức nở. Anh có lỗi với em nhiều quá...

- Anh có lỗi gì đâu?

- Có. Anh không đi tìm em. Tại anh nghĩ em đã có chồng.

- Có chồng làm sao được. Em là của anh mà.

- Không, thằng Đoàn yêu em hơn. Nó đi tìm em suốt.

- Không, em không biết Đoàn nào hết. Em chỉ biết anh thôi.

- Ô, thằng Đoàn bị thương cùng anh, được em cứu sống đấy. Suốt đời anh không thể quên được những nắm cơm của em. Những nắm cơm hình núm chiêng.

 

- Anh lẩm nhẩm gì thế? Cơm nào hình núm chiêng?

- Ơ, sao em quên rồi à?... YLyan, có phải em không?

- Thì em chứ còn ai nữa. Nào, yêu em đi anh! Cô gái thoăn thoắt trút bỏ áo váy, ôm đầu anh ghì chặt vào ngực. Anh vùng vẫy cố thoát ra khỏi hai cánh tay cuồng nhiệt như trăn cuốn, nhưng bất lực. Mờ nhòe mắt anh là khuôn ngực căng đầy trắng nhễ nhại chảy phủ kín mặt mũi, mùi nước hoa đắt tiền trộn với mùi mồ hôi rượu chua lòm khiến anh ngạt thở.

- Ylyan... Sao em bạo thế?

- Thì... em uống rượu đuôi nai mà!

Như một tiếng sét đánh vào miền vô thức khiến anh tỉnh hẳn. Anh bật dậy đẩy cô gái lõa lồ đang ôm cứng lấy anh. Cô gái cúi gằm khuôn mặt phấn son nhòe nhoẹt xuống đống chăn gối nhàu nhò khóc tấm tức. Anh nhận ra mình đã ngủ ở căn phòng nồng nặc mùi rượu trộn lẫn mùi nước hoa trong ngôi nhà rông giả nằm ở ngoại ô phố núi.

Trời chưa sáng hẳn. Dưới sân, đống lửa đêm roong chiêng tắt lụi, lạnh ngắt dưới sương mù. Ứ nghẹn trong lòng anh là một cảm giác buồn. Anh ngồi ôm đầu lặng lẽ như hóa đá. Trên khuôn mặt một thuở phong trần là những dòng nước ngoằn ngoèo như những vệt giời bò ấm nóng. Từ sâu thẳm lòng anh gióng lên một hồi chiêng, điệu chiêng cầu mùa da diết ngân rung âm ỉ như một dòng suối nhạc. Chinh... chiêng... Trong dòng nhạc chiêng mênh mông ấy, YLyan của anh với đôi mắt vàng rực màu lúa chín cất tiếng hát lảnh lót giữa núi rừng, bài dân ca Bahnar quen thuộc anh vẫn lẩm nhẩm hát mỗi khi nhớ về Tây Nguyên. Bơn kăt ba đông xuân lah, char dây bơn đăk, bơ jing kon tơ ring bơn phi tơ noh xim jong hơxi pơ joang... (Anh ơi xuân tươi đã về, trên nương lúa đã chín vàng, mau mau cùng em cắt nhanh, ta mang lúa về cất kho...)

Trong buổi sớm cao nguyên lành lạnh, sau một cơn say và giấc mơ nhọc nhằn, anh cảm thấy mình đang có một nỗi sợ hãi mơ hồ trỗi dậy, lớn dần... Bây giờ anh mới hiểu vì sao Đoàn chọn những buôn làng xa xôi, thế giới bản nhiên của những con người hồn nhiên, phóng túng và đôn hậu đang còn lam lũ làm chốn đi về...

 

Tháng 8-2003



1. Đêm hội chiêng

1. Cột gưng: một dạng cây nêu chôn trước nhà rông của đồng bào Tây Nguyên

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87486


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận