Làng tôi dựa vào dãy núi cao quanh năm mây quấn. Nghe kể ngày xưa trai tráng làng tôi theo Bok Thơm(1) làm nên nghiệp lớn, sau đó không màng danh lợi, thủ lĩnh làng tôi là AĐinh đã dẫn dân làng ngược dòng sông Ba đi miết. Đến chân núi Ngok Linh, AĐinh đứng che tay lên mắt nhìn ra bốn hướng chỉ thấy ngút ngàn rừng xanh. Bập nhát iếc(2)xuống lật lên thấy có màu sậm như được ngào bằng mật, cho vào miệng nếm thấy có vị mặn của muối, vị bùi của gạo; trong rừng có nhiều loại cây trái, chim thú nhiều vô kể. Thủ lĩnh AĐinh cắm phập cây mác xuống giữa khu đất bằng phẳng nhất và nói: "Làm nhà rông chỗ này!"
Đích thân AĐinh chỉ huy trai tráng vào rừng tìm những cây gỗ trắc trăm tuổi về làm cột, tìm những cây lồ ô dài nhất rừng về làm nóc, vào tít thung sâu Đak Rấp tìm lá sặt về phơi đúng ba nắng, hai sương cho vàng như rơm, dẻo như lạt để lợp mái. Làm đúng một trăm ngày nhà rông mới xong. Lúc đó dân làng mới làm nhà ở xung quanh như đàn gà con quây quần xung quanh gà mẹ.
Nhờ đất đai màu mỡ, dân làng tôi chỉ cần đặt hom mì, chờ ngày đất dưới gốc vồng lên, nứt nẻ chân chim, nhấc lên là mỗi gốc mì cả gùi nặng củ; trỉa hạt lúa, hạt bắp xuống lỗ là yên bụng, con trai thì vào rừng săn bắn, con gái thì trồng bông dệt váy áo, kho lúa cũ ăn chưa hết kho lúa mới đã tìm về. Mỗi năm vào ngày hội, trai gái làng tôi rực rỡ như bầy chim trĩ nhảy múa tưng bừng trong tiếng cồng tiếng chiêng ngân xa đến tận mấy ngày đường.
Trải qua bao đời làng tôi chỉ du canh chứ không du cư. Vài năm một lần chuyển rẫy để đất rừng xanh trở lại. Vì vậy đến đời tôi những cái rẫy chỉ quẩn quanh chân núi Ngok Linh, ngôi nhà rông vẫn sừng sững trên nền đất cũ.
Một năm giặc lên dồn dân làng tôi về ấp Đak Lung. Không được. Giặc đốt làng. Khói lửa ngập trời, tro bụi tứ tung. Dân làng tôi kéo nhau lên ngồi chật nhà rông thét : "Còn nhà rông thì không đi đâu cả !". Thằng chỉ huy gầm gừ dụ dỗ : "Ở trong ấp cũng có nhà rông, lợp bằng tôn Mỹ đẹp lắm!". Dân làng quát thẳng vào mặt nó: "Đẹp cũng không bằng nhà rông này. Nhà rông tao có Yàng ở đó! "Thằng chỉ huy lồng lộn như con thú đói, gí ngọn đuốc ngần ngật cháy vào mái nhà rông. Nhưng ngọn đuốc trong tay nó cháy gần hết mà mái nhà rông chỉ sém bằng tàu lá chuối. Mặt nó tái nhợt, tay nó run bắn. Nó hoảng hồn quẳng đuốc bỏ chạy. Giặc rút đi, dân làng làm lại nhà rồi con gái thì vót chông rào làng, con trai thì vào rừng tìm Giải phóng.
Trận càn thứ hai lên làng, giặc đông hơn, có cả xe tăng mang theo cha tôi. Trong một trận phục kích, giặc bắt được cha tôi đang gùi đạn cho bộ đội. Cha tôi bị trói vào cột nhà rông, bắn chết. Đêm, mẹ cùng mấy người ra lấy xác, vướng lựu đạn giặc cài lại, tôi mồ côi từ khi còn ẵm ngửa.
Giải phóng, tôi về tỉnh học trường nội trú. Mỗi kì nghỉ hè về thăm làng, cái tôi nhìn thấy đầu tiên là mái nhà rông cao vút khi còn cách cả nửa ngày đường. Mười một năm học phổ thông, năm nào tôi cũng về để được ngồi bên bếp lửa nhà rông ăn cơm lam với thịt thú rừng và nghe già A Theo kể chuyện. Năm thứ mười hai tôi cũng về. Nhưng những thú vui năm trước không còn quyến rũ tôi được nữa. Ngồi trong nhà rông một tai tôi lơ đãng nghe già A Theo kể chuyện, một tai tôi ngóng ra ngoài để nghe văng vẳng tiếng hát gọi tình. Già A Theo hấp háy mắt bảo tôi: "Ờ mày hai chục mùa rẫy rồi còn gì. Con chim bay mãi cũng phải đậu, con thú đi mãi cũng phải dừng. Mày về làng bắt vợ đi thôi ! "Tôi cười: "Con còn học nữa già ạ. Bắt vợ rồi nó trói chân trói tay làm sao học? ".
Nói vậy chứ tôi cũng theo trai làng mang ting-ning tìm đến những nhà có củi chất đầy gầm sàn để hát gọi tình. Con gái làng tôi hễ đến tuổi lấy chồng thì vào rừng chặt đủ một trăm bó củi đẹp, thẳng nhất, cháy nỏ nhất. Những bó củi ấy ngầm bảo cho chàng trai nào đó biết rằng, cô gái ấy chân đã đủ dẻo để đi hết rừng xa rừng gần, bàn tay đã đủ khéo để trỉa lúa, trồng bông dệt vải...Con trai làng tôi đến tuổi bắt vợ thì lo làm rẫy cho giỏi, làm bẫy săn được nhiều con thú về treo đầu trong nhà rông, con thú càng dữ chàng trai càng được nhiều người nể phục. Nhìn vào cái rẫy tốt và những chiếc đầu thú treo trong nhà rông biết được chàng trai đã có đủ giỏi giang để làm ra nhiều thóc lúa, có thừa dũng cảm để bảo vệ người yêu, bảo vệ buôn làng.
Tôi đi một chập rồi chán, bởi chẳng đứa nào chịu hát có tôi bên cạnh, nên quay về nhà rông ngủ. Thấy già A Theo vẫn ngồi một mình bên bếp lửa, tôi hỏi: "Già không về ngủ à ?"."Có về cũng không ngủ được. Chúng nó hát dưới sàn suốt đêm". Lúc này tôi mới nhớ ra, Y Linh, con gái già A Theo cũng đã đến tuổi lấy chồng. Năm Y Linh mười tuổi thì mẹ chết sau một trận ốm dài, Già A Theo ở vậy nuôi con. "Con muốn nghe tiếng hát gọi tình như thế nào già ạ". "Thì về".
Tôi và già A Theo về đến sân thì tiếng hát của chàng trai nào đó chợt im bặt. Mãi sau khi bếp lửa nhà già A Theo gần tàn, tôi đã liu diu ngủ thì tiếng ting-ning mới lại ngập ngừng và tiếng hát mới lại cất lên, kể lể:
"Ơ...Em đã ngủ chưa? Em đã ngủ chưa?
Bao nhiêu lời hay anh đã nói hết
Giọng anh đã khàn như giọng của người già
Sao em không đáp ? Sao em không đáp?"
"Thằng A Don đó"- Già A Theo khều tôi- "Nó hát từ đầu mùa trăng nhưng con Y Linh chưa trả lời". Cũng phải thôi. Y Linh đẹp nhất làng, phải có chàng trai nào xứng chứ.
A Don vẫn cứ hát, hát đến khi trăng lặn và gà rừng đã gáy te te mà Y Linh vẫn im tiếng. Bất chợt, giọng A Don chuyển sang dứt kkhoát pha lẫn tủi hờn, tiếng ting-ning phừng phừng giận dỗi:
"Em có ưng bụng làm vợ anh không ?
Hay là em chê cái rẫy anh ít
Hay là em khinh đầu thú anh chưa nhiều
Thì nói một câu. Nói một câu thôi..."
Buồng của Y Linh có tiếng lịch kịch, và giọng con gái trong văn vắt cất lên chứng tỏ Y Linh chưa hề ngủ:
"Ơ...Em đã nghe tỏ lời anh rồi
Củi của em đang đợi người mang về nhà rông
Vẩy rượu lên và đốt
Sưởi làng mình. Sưởi tình mình
Nhưng lòng anh em còn chưa tỏ
Thôi đợi đến đêm ngủ nhà rông
em sẽ trả lời anh..."
Tục lệ làng tôi là như thế. Nhà rông ngày thường chỉ có con trai trong đội du kích ngủ, nhưng mỗi năm có một đêm những chàng trai chưa vợ, những cô gái chưa chồng được phép ngủ chung ở nhà rông. Trong đêm ấy những cặp trai gái đã hẹn nhau ở những đêm hát gọi tình sẽ tìm đến nằm cạnh bên nhau. Họ sẽ thoải mái giãi bày tâm sự, để hiểu nhau hơn, để quen với hơi thở của nhau. Khi không còn gì phải nói nữa, họ trao vòng tay cầu hôn với lời thề như dao khắc vào đá núi: Sẽ sống bên nhau trọn đời, không bao giờ bỏ nhau.
Trong những ngày chờ đợi đêm ngủ nhà rông năm ấy, làng tôi xảy ra một chuyện. Một buổi ADít chạy từ trên rẫy về nói không kịp thở: "Ơ, làng lên mà xem. Bên cái rẫy cũ của ta, chỗ làng Kon Bình ấy cây xanh như rừng, lúa vàng cả thung, bò đi nghiêng núi ". Kon Bình là làng của người Mường từ vùng ngập lòng hồ thủy điện sông Đà vào đây chục năm nay. Làng tôi đồng ý cho làng Mường định cư trên vùng rẫy cũ, rồi chẳng ai để ý họ sống ra sao. Nghe ADít nói thế, làng tôi ùa sang Kon Bình xem thử thế nào. Người Mường không giấu điều gì. Họ bảo ở ngoài kia đất dốc, thời tiết lại khắc nghiệt, làm ruộng khó lắm. Vào đây khí hậu ôn hòa, đất đai bằng phẳng, mầu mỡ, chỉ cần đắp đập dẫn nước từ suối lên là lúa tốt quanh năm. Đất quanh nhà họ trồng cà phê, bời lời và đủ các loại cây ăn quả.
Thế là cái chân trai gái làng tôi lười đi rẫy.. Họp làng, thằng ADít dám đứng lên cãi lại già A Theo: "Người Mường họ giỏi hơn ta. Họ chỉ cần làm ruộng quanh làng thế mà họ có nhà to, quần áo đẹp. Họ sung sướng hơn ta nhiều...". Lần đầu tiên già A Theo bị cãi nên già giận lắm. Già quát: "Chúng mày chưa bị khổ nên chưa biết thế này là sướng. Ngày xưa làng ta cũng làm rẫy quanh làng. Nhưng bây giờ người đẻ nhiều hơn, cái rẫy xa hơn.". "Già nói thế là lạc hậu rồi. Sướng rồi lại phải sướng hơn chứ. Trai gái Mường làm ruộng cạnh nhà nên có thời gian về phố huyện chơi. Con gái làng ta nhìn thấy trai Mường đi xe máy mắt sáng rỡ như mắt mèo rừng..."
Cuộc cãi vã diễn ra căng thẳng giữa người già và người trẻ mãi không thôi. Cuối cùng già A Theo bảo tôi: "ADân, mày nói xem ai đúng?". Chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh thế này. Nói người già đúng thì mất lòng người trẻ. Nói người già sai thì tôi không dám, nên cứ nói theo suy nghĩ của mình: "Tôi thấy người già nói đúng nhưng ta cũng nên học cách làm của người Mường. Làng ta chưa sung sướng bằng làng Kon Bình là tại làng ta đi hết mặt trời chưa lên tới rẫy, hạt lúa chưa nẩy chưa về đến làng. Trẻ con làng ta lớn chừng nào cái gùi sau lưng lớn bằng chừng ấy. Học được chữ nào lại đánh rơi ngoài đường, không còn đủ để đọc sách nên không biết làm cho bò đẻ nhiều, không biết cách làm cho cây sai quả. Huyện cho vay tiền thì bỏ vào ống lồ ô đem cất, cho vay bò thì để bò chết. Ta học theo cách làm của người Mường thì trẻ con làng ta mới ở nhà để học. Vài năm nữa làng ta cũng giàu như Kon Bình thôi..."
Tôi vừa dứt lời đám thanh niên vỗ tay rào rào, còn già A Theo nắm lấy vai tôi lắc mạnh: "Mày đi học mười mấy năm có khác, không phí cơm nhà nước".
Từ hôm ấy tôi được mọi người trong làng tôn trọng, được phép uống chung "căn " rượu với già làng, được tùy ý nhảy vào đội cồng chiêng khua loạn xạ, sai cả nhịp cũng không ai nói gì. Đêm ngủ nhà rông năm ấy tôi cùng trai gái trong làng nhảy múa và uống rượu cần đến độ say kềnh ché. Trước khi bị cơn say kéo chìm vào giấc ngủ tôi còn kịp nhìn thấy A Don lắc lư cái đầu cọp mới săn được cùng vẻ mặt hân hoan, kiêu hãnh. Đêm nay Y Linh sẽ tìm đến cạnh A Don. Chiếc vòng kia sẽ được đeo vào cổ tay tròn mịn như ngà...
...Tôi khát. Lạ thay, uống bao nhiêu nước cũng không hết, cơn khát ngày càng dữ dội. Điệu này chỉ còn cách nhảy xuống suối Đak Min mới được. Tôi co chân. Ơ, sao thế này? Chân tôi như bị đeo đá cứng ngắc. Tôi vùng vẫy. Tôi la hét...Và tôi tỉnh giấc. Vừa mới hé mắt tôi đã phải nhắm ngay lại. Một ánh trăng lọt qua mái nhà rông tia đúng mặt tôi. Tôi nằm im, cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Có lẽ khuya lắm rồi. Mọi người đã ngủ hết, chỉ nghe có tiếng gió mơn man và tiếng nai gọi bầy túc toác mơ hồ. Thoảng trong hơi bếp có mùi lá rừng vương mùi tóc khét nắng. Tôi cựa mình. Một hơi thở dài như gió lào phả vào gáy tôi bỏng rãy. Một cái gì rất mềm rất ấm chà siết bên sườn. Tôi đưa tay quờ ngang và...sững sờ. Một thân hình con gái nóng hực như than đang run bắn dưới tay tôi. Hoảng hốt tôi chồm dậy. Trời ơi! Y Linh! Ánh trăng soi đúng khuôn mặt ngơ ngác khiến Y Linh đẹp lên bội phần. Một cái gì đó trong tôi trỗi dậy bất ngờ như một cơn lũ quét. Nhưng tôi đã kịp ghìm ngay lại bằng câu hỏi kìm trong cổ họng: "Kìa, sao Y Linh không đến với A Don?". Y Linh mở to đôi mắt nhìn tôi: "Em thích ADân hơn!". "Ơ, không được. Tôi không biết làm rẫy, chẳng biết đi săn. Tôi chưa có đầu thú nào...". "Nhưng ADân có nhiều chữ. Có chữ là có tất cả mà". Không, không thể được. Như thế là không phải với A Don! Tôi chạy trốn Y Linh bằng cách nhảy bổ đến ché rượu uống dở giữa nhà rít căng ừng ực. Và tôi lại say...
Và cơn khát lại dựng tôi dậy. Tôi bước chuệnh choạng ra hiên nhà rông tìm nước. Mấy chục quả bầu ngả nghiêng trên giá không còn giọt nước nào. Trong đêm thanh vắng tôi nghe có tiếng tóc tách xa xa. Phải rồi, đó là máng nước đầu làng. Máng nước ấy là một mạch nước ngầm chảy ra từ lòng núi. Cả làng tôi sống nhờ vào nó. Các cô gái đêm đêm ra đây tắm và gùi nước về dùng. Người già bảo, nhờ tắm nước giếng này mà da gái làng tôi mát mịn hơn gái làng khác.
Trong đêm, tiếng máng nước xối rõ hơn thôi thúc tôi đi. Khi tôi đứng được trong cái hủm, cúi xuống vốc nước thì trời bỗng tối sầm. Ngẩng lên, tôi há hốc mồm, không tin vào mắt mình. Trên đầu tôi, Y Linh khỏa thân đứng như tạc vào nền trời vàng hượm, cổ ngửa lên nhìn trăng khiến cho cặp vú vểnh ngược lên như cặp sừng trâu một tuổi, mái tóc với những sợi xoăn dài thả lửng lơ trong trăng gió đại ngàn.
Sau giây phút thẫn thờ ngây độn, tôi đã bước lên.
Tôi không nhớ rõ đã nói với Y Linh những gì, chỉ nhớ sau đó chúng tôi đổ ập vào nhau như hai thân chuối bị dao lia ngang gốc. Tôi như con gấu đói tìm mật trên đôi môi ngọt lử hơi men, tôi như con hổ khát tìm nước mát trên vòm ngực lấm tấm ánh trăng. Gió reo. Lá reo. Lồng ngực Y Linh và tôi lẩy tung lên như nhịp chày đôi thì thụp. Những con thú ra máng uống nước đêm ấy đã phải chồn chân đợi vì hai kẻ đến trước mãi không chịu rời nhau. Khi những mầm cỏ xung quanh chúng tôi nát bấy, nhàu nhò tỏa ra một thứ hương nồng nẫu cũng là lúc tôi không kìm được lòng, dấn tới. Y linh không chống cự, chỉ nói một câu hụt hơi như gió thoảng: "A Dân. Đừng bắt em chùm khăn sớm mà...". Tôi khựng lại như hòn đá đang đà lăn dốc gặp một gốc cây to sừng sững chắn ngang. Luật làng đã định, khi người con gái trót trao thân cho người con trai thì ngay sáng ngày hôm sau người con gái ấy phải ngồi bên bếp lửa, khăn phủ kín đầu, cúi xuống báo cho cha mẹ biết. Lập tức người con trai sẽ bị đưa đến. Một, chàng trai sẽ phải nhận lời làm đám cưới ngay tức khắc. Hai, chàng trai sẽ chịu phạt bằng trâu, bằng muối. Luật là thế. Từ xưa đến nay đã có mấy người "phủ khăn", nhưng chỉ có đám cưới, chưa có ai bị phạt. Tôi không muốn là người đầu tiên bị phạt nhưng tôi còn muốn học nữa, học nữa... "A Dân dám không?!". Y Linh nhìn tôi rất lạ. Hỏi mà như không hỏi. Ngăn chặn mà như khiêu khích. Đầu tôi nhộn nhạo những ý nghĩ va đập vào nhau. Hưởng lạc và trách nhiệm. Chiếm đoạt và trả giá...
"A Dân dám không?!", câu hỏi cuả Y Linh đêm ấy không được trả lời. Năm năm. Những tháng ngày công sở và Đại học tại chức ngoài Hà Nội đã quay tôi không kịp nhớ. Bây giờ, sau khi đi hết miền ngược miền xuôi, ăn đủ thức đặc sản biển rừng, hưởng đủ mọi lạc thú trên đời tôi mới nhận thấy mình vẫn thiếu một cái gì đó sâu thẳm trong lòng khó gọi thành tên. Và tôi về làng. Trong đầu tôi cứ lởn vởn câu hỏi của Y Linh ngày trước.
Già A Theo đón tôi ở chân cầu thang bằng câu hỏi sững sờ:
- A Dân. Mày quên tao chưa?
Tôi đáp lại những lời trách móc ấy bằng những câu trả lời lí nhí trong cổ họng, không đầu không cuối. Gầm sàn vẫn còn đó những bó củi nằm im lìm trong bóng tối. Tôi hồi hộp bước lên nhà.
- Mày ăn cơm chưa?
- Con ăn ở thị trấn hồi chiều. Nhưng có cơm lam vẫn ăn được nữa.
Già A Theo ém một hơi thở dài trong lồng ngực hom hem. Trong buồng có tiếng trở mình. Tôi đợi. Đợi mãi mà không thấy Y Linh ra chào. Y Linh giận tôi? Ngày tôi đi chẳng hứa hẹn gì. Y Linh dặn tôi "Em không đọc được thư, chỉ cần A Dân nhớ em nhiều nhiều là được."
- Đêm mày ngủ đây.
- Ơ, không. Con muốn ra ngủ nhà rông.
- Vậy thì mình mày ngủ thôi.
Tôi háo hức đi về giữa làng. Vẫn mái nhà rông cao ngất ngư như trước. Nhưng sao thế này? Sân nhà rông cỏ may mọc cao tận gối. Vừa thò đầu vào trong tôi đã muốn quay ra. Trong nhà nóng hầm hập như lò than, vo ve tiếng muỗi, mùi ẩm mốc xộc vào mũi tôi cay xé. Ngỡ ngàng, tôi đưa tay lên mái và đứng thần người. Không phải mái lá sặt mà là mái tôn thẳng đuột. Cảm giác bức bách khiến tôi bước xuống cầu thang toan đi tắm thì gặp già A Theo ôm cái chăn to xụ chặn lại:
- Làm gì còn máng nước nào. Bây giờ người ta ăn nước giếng khơi thôi.
Tôi hẫng một cái như vừa bước hụt. Cái máng nước, cái máng nước mà đêm trăng năm ấy tôi đã phải dúi đầu vào nhờ nước lạnh dập tắt ngọn lửa đang cháy phừng phực khiến cho tiếng cười của Y Linh cứ khúc khích mãi theo tôi về phố.
Già A Theo buồn. Tôi cũng không dám hỏi. Hai người một già một trẻ ngồi bó gối im lìm như hai tượng gỗ canh cửa nhà rông. Khuya lắm, có một lũ trai làng đi chơi về. Trong trăng lu tôi nhìn thấy một đứa vác trên vai một cái đài cát-xét và đeo một cái bình ắc-quy bên hông lủng lẳng. Tưởng chúng vào nhà rông ngủ. Nhưng không, chúng đi thẳng. Già A Theo nhìn đăm đắm theo chúng buột một tiếng thở dài.
Hai người cứ ngồi như thế cho đến khi trong nhà rông chuyển lạnh, những mái tôn co mình tấm tức thì tôi mới mò mẫm vào nhà nhóm lửa. Vẫn là già A Theo, nhưng hôm nay giọng kể của già không âm trầm như vọng ra từ vách núi, mà lại xao xác như lá rụng cuối mùa khô.
- Cái năm mày vừa đi khỏi thì con đường lớn đã mở tới suối Đak Min. Cái cầu treo Kon Bình được bắc. Khách lên làng ta nhiều lắm. Người Tây cũng nhiều. Người mình cũng nhiều. Người ta trả tiền để được uống rượu cần, xem múa xoang, được nghe đánh cồng, đánh chiêng. Làng ta quanh năm là hội. Trước kia một năm mới có một đêm ngủ nhà rông, cứ có khách lên là ngủ để quay phim chụp ảnh. Loạn! Loạn thật rồi! Người già cấm. Lũ thanh niên nói chúng tao chỉ giỏi nhìn trời đoán mưa đoán nắng, nhìn cây đoán gió đoán trăng thôi, còn làm giàu thì thua chúng nó. Chúng nó nhầm. Ta chỉ cần ngửi cái hơi biết con thú lành con thú dữ, nhìn cái mặt biết bụng người tốt người xấu, chúng tao biết trồng cây nào chặt cây nào. Nhưng chúng nó đâu có nghe. Chúng nó chê làm ruộng thì chậm có tiền. Con Y Linh đi múa xoang về đưa tiền cho tao, tao bảo làng mình từ trước tới giờ có múa lấy tiền bao giờ đâu. Nó bảo tao lạc hậu. Ruộng nhà tao cỏ cao hơn lúa, con Y Linh cũng không thèm làm...Già A Theo bỗng hộc lên một tiếng như hổ mẹ nhìn con mắc bẫy: - Nó không nghe lời tao nên phải phủ khăn sáng sớm!
- Trời ơi!...Thằng nào?
- Cái thằng Tây mắt hau háu như mắt cú ấy...Đau lắm A Dân ơi! Nó không chịu cưới con Y Linh. Nó xin nộp phạt. Làng phạt nó một trâu. Nó nói không có trâu. Nó chịu phạt tiền. Nhiều lắm. Đủ để làng uống rượu thịt ba ngày không hết...
Già A Theo bưng mặt khóc. Tiếng khóc không thoát ra được cổ họng già nua, cứ rin rít tựa gió mài qua cật nứa.
Tôi úp mặt xuống sàn, cảm thấy nhà rông run bần bật.
Trời ơi ! Cơn gió nào đã càn qua khiến làng tôi tơi tả thế này?
Tôi khóc. Khóc như con thú đi hoang lâu ngày trở về mất tổ.
Già A Theo vỗ nhẹ nhẹ lên đầu tôi, dỗ dành bằng cái giọng nghẹn ngào, đứt đoạn.
Một năm...Cơn lốc xoáy đúng vào làng mình. Lốc cào tung mái nhà rông ném lên trời lả tả. Nhà rông hơ hoác như một bộ xương voi. Rừng co lại rồi không tìm ra lá sặt. Người già bảo cố tìm cho ra để thay mái. Người trẻ bảo thay thì mất công, mất khách, mất tiền. Những tấm tôn được mua về. Những cây lồ ô bao đời ngậm khói nhà rông cứng bóng như sừng bị đinh đóng vào ròng ròng máu ứa. Khách lên làng cứ thưa dần. Thưa dần. Chẳng ai ngủ lại nhà rông. Đội du kích mang súng về ngủ ở nhà...Chẳng còn ai. Chỉ có tôi...Tôi thiếp đi. Tôi thấy mình lạc vào hang đá sâu. Hun hút. Âm u. Lạnh. Lạnh quá! Vòm hang đâu? Tôi ngửa mặt. Vách hang xám xịt màu tôn...Tong! Một giọt nước từ nhũ đá rớt xuống mặt tôi tê buốt...Tôi choàng tỉnh. Bếp lửa nguội ngơ nguội ngắt tự bao giờ. Già A Theo đâu? Tôi nhảy bổ ra ngoài. Trời he hé sáng. Già A Theo ngồi bó gối trước hiên, mắt đăm đắm nhìn lên đỉnh núi mây sớm lênh đênh. Trong đôi mắt già có một lớp sương giá phủ mờ, đọng vũng rồi ngoằn ngoèo chảy theo những vết nhăn. Trông già lúc này như củ khổ sâm trên đỉnh núi Ngok Linh trăm năm hút linh khí núi rừng, giờ bị nhổ bật lên khỏi đất. Sương giá quẩn la đà bám vào lông mày già trắng xoá. Mái nhà rông sương vẫn rây râm ri. Sân nhà rông cỏ đã đầm đìa. Từ mí nhà rông sương đang giọt giọt xuống cỏ hoang. Thon thót...
Tháng 5-2001
1. tức Nguyễn Hu.
2. dụng cụ dùng cuốc đất.