Trương Lâm cưới vợ đã được năm năm, phúc dầy nên lấy được cô vợ mắn đẻ, nhiều khi mới chỉ đi quệt qua đầu giường vợ đã có bầu- Trương Lâm tự hào nói với bạn bè vậy- năm năm cô vợ sòn son cho ra đời đến ba đứa con trai đều thau tháu, chắc như cơm nắm, cơm đùm, nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, thấy đàn con đang quây quần bên mẹ nó chí chóe trêu nhau, cái mệt trong người Trương Lâm cũng bỗng dưng tan biến đi đâu mất. Trương Lâm rất thích đứng nhìn vợ cho con bú, nhất là vào những buổi chiều nắng nhạt, dưới giàn thiên lý có con chim khách hay về kêu ríu ran, vợ Trương Lâm ngồi xoã tóc vạch áo cho con bú, thỉnh thoảng thị lại cù vào nách làm cho thằng bé phải nhả vú ra nhăn lợi cười khanh khách theo tiếng con chim khách kêu. Cười không qua được cơn háu đói, thằng bé lại tợp nhanh vào bầu vú mẹ như sợ nếu không nhanh sẽ để rơi mất giọt sữa màu ngà nhìn xa giống như giọt sương tuyết đọng đầu múp trái đào tiên. Đã bao lần Trương Lâm đứng ngắm vợ con quên cả đi làm việc nhà. Còn những buổi phải đi đồng xa, cứ đến chiều là Trương Lâm muốn làm quấy quá cho xong sớm để được về nhà đứng ngơ ngẩn nhìn cảnh thanh bình vợ cho con bú dưới giàn thiên lý có tiếng con chim khách kêu.
Gần nhà Trương Lâm là gia đình họ Phạm, có độc mỗi anh con trai là Phạm Duy. Trương Lâm và Phạm Duy chơi thân với nhau từ ngày tóc còn để chỏm, có đồ chơi hay cái ăn, cái uống gì hai đứa đều dùng chung. Thấy hai đứa thân nhau như vậy có người hỏi trêu:
- Cái gì hai đứa cũng dùng chung, thế sau nay lấy vợ thì sao?
Hai đứa nghe hỏi vậy đứng nghệt mặt ra một lúc rồi bỗng Trương Lâm trả lời một câu làm cho ai nấy không nhịn được cười.
- Cũng... chung nốt, khỏi phải cưới hai lần, tốn tiền.
Có lần buổi trưa vắng vẻ, Trương Lâm rủ Phạm Duy ra sông Ngàn Phố tắm, hai đứa lội ra đến giữa dòng thì bỗng đạp phải bãi cát bồi sụp ngay xuống đó liền bị nước cuốn đi. Trong cơn hoảng loạn vậy mà Phạm Duy vẫn cố vùng vẫy và cuối cùng kéo được Trương Lâm vào bờ. Hai đứa được một trận hú vía, uống nước sông no căng cả bụng. Con nít thì chả mấy khi nghĩ đến ơn cứu mạng, nhưng rõ ràng là Phạm Duy như đã sinh ra Trương Lâm lần thứ hai vậy. Năm hai đứa học lên lớp tám trường làng thì Trương Lâm phải bỏ học vì cả cha và mẹ vào rừng không may bị lũ cuốn. Còn lại một mình Phạm Duy tha thủi tới trường trên con đường làng hai đứa vẫn từng đi. Bỏ học lại phải thay cha mẹ gánh vác gia đình nên Trương Lâm lấy vợ sớm để có người cùng chung vai gánh vác. Còn Phạm Duy học hành tấn tới, lên cấp ba rồi thi vào trường Sỹ quan lục quân. Ra trường xét thấy nhà neo người nên được điều về ngay huyện nhà công tác. Khi công việc đã ổn định, cha mẹ giục luôn mà Phạm Duy vẫn chưa chịu lấy vợ, cứ bảo là chưa tìm được người hợp với mình. Có người nhớ đến chuyện xưa, đùa hỏi Phạm Duy:
- Hay là lấy chung một vợ với Trương Lâm?
- Sợ bây giờ thì Trương Lâm nó không chịu đâu, ba thằng con với vợ nó xinh thế làm sao nó chịu chia với tôi được.
Lần lữa mãi rồi cuối cùng Phạm Duy cũng chọn được người vừa ý. Vợ Phạm Duy là giáo viên tiểu học, tóc cũng dầy, dài, óng mượt như tơ. Trước đây cha mẹ giục Phạm Duy lấy vợ thế nào thì giờ giục vợ chồng Phạm Duy sinh con như thế. Mặc cho cha mẹ giục, hai vợ chồng son cứ cười trừ. Nhiều lần vợ Trương Lâm hỏi sao chưa chịu đẻ con thì vợ Phạm Duy nói:
- Thời này đẻ ít, đẻ khi nào mà chả được, từ từ để giữ dáng không chồng chê.
- Nhưng mình nghĩ dáng không bằng con.
- Đàn ông họ tham lắm, thích cả dáng cả con, chưa đẻ con rồi sẽ đẻ con, nhưng có con mà mất dáng là mất tuốt.
Nghe vậy vợ Trương Lâm bán tín bán nghi. Tối đó trên giường, vợ Trương Lâm tâm sự với chồng, Trương Lâm nói:
- Đàn bà không chịu đẻ khác gì cây đu đủ đực, em thử nghĩ mà xem, nếu năm năm qua mình không có ba đứa con này thì cuộc sống nó mới chán làm sao? Ai dám bảo đẻ rồi chồng chê, đẻ rồi chồng mê thì có.
Vợ Trương Lâm hỏi:
- Thật không? Mê nhất khi nào? Mê trọn đời không?
Trương Lâm trả lời:
- Thật, mê nhất khi em cho con bú.
Vợ Trương Lâm hỏi tiếp:
- Chỉ mê mỗi khi ấy thôi à?
Trương Lâm với tay tắt nhanh bóng điện và trả lời gấp gáp:
- Mê cả những lúc này nữa này...
*
* *
Dạo này Phạm Duy bận công tác luôn nên thi thỉnh thoảng mới đáo qua nhà một lần. Vợ Phạm Duy vẫn tóc dài, da trắng, vẫn chưa chịu đẻ con. Thằng út nhà Trương Lâm đã lớn, nó bú khoẻ, lại nghịch, có khi vừa bú vừa đạp. Thương vợ đã mấy lần Trương Lâm bảo vợ cai sữa cho con. Nghe chồng vợ Trương Lâm lấy thuốc đỏ bôi vào đầu núm vú trông như đầu ngón tay cái bị chín mé vậy mà thằng bé vẫn không sợ, cứ ngậm mút chùn chụt, sữa không ra kịp thì nó nhay làm cho vợ Trương Lâm mỗi lần cho con bú là mỗi lần mặt nhăn nhăn nhó nhó trông như đang phải chịu cực hình. Rồi một buổi chiều đi làm về, Trương Lâm thấy vợ đang ngồi băm bèo cho lợn ngay dưới giàn hoa thiên lý, nơi mà từ trước tới nay thị vẫn thường ngồi cho con bú. Thấy lạ Trương Lâm đến gần mới chợt giật mình ngạc nhiên. Thị vừa băm bèo nhưng vừa vạch vú ra kéo xuống luồn qua nách, thằng út ngồi sau lưng mẹ cứ thế mà bú. Thấy cũng hay hay, vẫn như mọi khi Trương Lâm vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn. Vẫn như mọi khi mà tại sao tự nhiên Trương Lâm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Nhưng thiếu điều gì thì Trương Lâm chịu, không nhớ ra. Đang băn khoăn thì bỗng dưng Trương Lâm nghe tiếng con chim khách kêu. Đúng rồi, vẫn cảnh cũ, người cũ nhưng thiếu tiếng con chim khách nên nó thiếu đi sự nên thơ. Cảnh cũ, người cũ nhưng đã có sự thay đổi ít nhiều. Vợ vẫn là vợ, con vẫn là con Trương Lâm nhưng hôm nay cách bú đã khác vì hai trái đào ngày xưa Tiên cho giờ Tiên đã lấy mất, để lại cho vợ Trương Lâm hai trái mướp khô thâm xì, dài thượt. Con chim khách lại không còn nhảy nhót trên giàn thiên lý nhà Trương Lâm mà kêu như mọi khi, nó đã chuyển chỗ chuyền chóc chách chơi sang giàn thiên lý nhà Phạm Duy. Trương Lâm đưa mắt sang sân nhà hàng xóm tìm bóng con chim khách. Đúng là chỉ muốn tìm bóng con chim khách thôi, bên đó hàng xóm, nhìn thấy nhau suốt, còn lạ gì. Nhìn làm gì cái đồ đàn bà không chịu đẻ, trông như cái cây đu đủ đực! Đã nhiều lần trước mặt vợ mình, Trương Lâm đã rủa vợ Phạm Duy câu ấy. Nhưng hôm nay, đúng lúc Trương Lâm đưa mắt sang giàn thiên lý nhà Phạm Duy tìm tiếng con chim khách thì cũng là lúc "cây đu đủ đực” vừa đi dạy về đang gạt chân chống xe dưới giàn hoa thiên lý. Khi dựng xe xong, "cây đu đủ đực” bỏ cặp sách xuống và đưa cả hai tay lên búi lại mái tóc dài, dày đen như đôi mắt của "đu đủ” vậy. Khi thị đưa cả hai tay lên vén tóc không để ý làm cho vạt áo ngắn phía trước cũng bị kéo lên để lộ cái nây thây lẩy, trắng mịn như lòng đĩa sứ. Rồi khi thị ngã ngửa người ra sau lấy hai tay đánh đánh để cho mái tóc rũ tung xuống thật thẳng trước khi vấn lên đã làm cho bộ ngực ngày thường vốn đã thách thức nay lại càng thách thức tợn, gió cứ hây hẩy mà hai nách áo mới đi nắng về chưa kịp khô, cái màu nước thấm đẫm áo ấy cứ như làm tôn thêm vẻ thách thức của bộ ngực. Trương Lâm cứ thế đứng ngây người ra nhìn, quên cả bóng con chim khách, tai quên cả tiếng chóc chách chuyền cành của con chim đã đành, tệ hơn nữa là quên luôn cả tiếng đứa con đang bi bô chào bố.
*
* *
Cuộc sống thì vẫn cứ bình yên trôi nhưng kể từ giây phút ấy, trong con người của Trương Lâm muốn bình yên không thể bình yên được nữa, cứ chiều đến là Trương Lâm muốn về nhà cho sớm hơn cả ngày trước. Vẫn về nhà và vẫn đứng nhìn vợ cho con bú, nhưng tai Trương Lâm thì đang dõi theo tiếng con chim khách, mong sao trong cái âm thanh quen thuộc đó, Trương Lâm nghe lẫn vào một tiếng cạch của chân chống xe xuống nền sân, ngay lập tức dù không muốn tí nào nhưng cái cổ vẫn bắt cái mắt Trương Lâm xoay về hướng đó.
*
* *
Gom góp được ít tiền hưu trí, mùa hè năm đó, bố mẹ Phạm Duy rủ mấy người bạn làm một chuyến du lịch về thăm lại chiến trường xưa. Còn Phạm Duy thì hết huấn luyện lại phải đi phòng chống bão lụt giúp dân nên ít khi có điều kiện ghé qua nhà. "Mình giúp người thì người khác sẽ giúp mình”. Câu này quả đúng với Phạm Duy, anh phải đi giúp dân chống lũ, chống tốc mái, cây đổ thì ở nhà anh được Trương Lâm giúp đỡ chính những việc ấy rất nhiệt tình, nhiều khi trời chưa giông gió, Trương Lâm đã vội chạy sang nhà Phạm Duy chằng chống rồi. Có lần bị vợ gắt:
- Anh cứ sốt sắng quá, làm như bên đó là nhà mình không bằng.
Trương Lâm vội vặc lại:
- Đúng là cái đồ đàn bà ích kỷ, nhỏ nhen, hàng xóm láng giềng, chồng con người ta đi vắng, sang chằng chống trước để khi mưa bão về người ta đỡ sợ, nhà mình có cả đàn ông, cả đàn bà, chằng chống sau cũng đâu có muộn.
Vốn chiều và tin yêu chồng, vợ Trương Lâm không dám nói gì thêm.
Tả thì dài, mà việc thì ngắn. Qua những lần nhiệt tình chằng chống như vậy, cuối cùng Trương Lâm cũng nhận được ở vợ Phạm Duy một cái hẹn. Cứ thế... cứ thế... chín giờ tối nay... qua rào dâm bụt vào lối cửa sau... Được lời như cởi tấm lòng, chiều đó Trương Lâm đi tắm rửa thật sớm, nói với vợ là đi sang nhà người bạn có thể về khuya. Vợ Trương Lâm thật thà tin, trước khi chồng đi thị còn tiễn ra đến cổng và dúi vào tay Trương Lâm mấy trăm ngàn bảo là nếu người ta có mời đi uống rượu thì mình trả tiền cho họ, bạn bè với nhau sống phải biết điều, tin tưởng, có trước có sau, đừng làm gì để người ta khinh mình. Nghe vợ dăn, Trương Lâm thấy cũng thương thương, nhưng lời hẹn của vợ Phạm Duy còn hấp dẫn hơn nhiều, nên Trương Lâm chỉ ậm ự cho qua chuyện rồi bước ra đường. Để tạo ra chứng cứ giả lỡ sau này có bị vợ phát hiện, Trương Lâm cũng ra cái quán cóc đầu làng gọi cút rượu với mấy hạt lạc nhâm nhi. Ngồi uống rượu mà mắt Trương Lâm nhìn đồng hồ liên tục: Quái, cái đồng hồ chết tiệt, hỏng rồi chăng? Sao hôm nay chạy chậm rì rì vậy? Sốt ruột rồi cuối cùng giờ hẹn cũng đến, đúng chín giờ tối, Trương Lâm ngửa cổ dốc hết xị rượu để rồi ngật ngưỡng ra khỏi quán, khi đến trước nhà của Phạm Duy thấy đèn đã tắt, hồi hộp, rạo rực như lần hò hẹn đầu đời, Trương Lâm vòng ra sau nhà Phạm Duy, nhón nhén đến gõ hai tiếng vào cánh cửa sau.
Đoạn kết một:
Cửa mở (.........................) như ruộng cày trau gặp nước, như ếch hết thời nằm mà gặp mưa, như gà trống cựa nhốt lâu ngày sổng chuồng gặp gà mái tơ, Trương Lâm ào ngay vào rồi không nói không rằng, họ quấn vào nhau cho đến ngấu thì thôi... Nhưng khi đang hối hả lần tìm, bỗng dưng tay Trương Lâm chùng lại và một câu hỏi lóe lên trong đầu: Quái lạ, sao lại... câu hỏi chưa đi hết ý của nó trong đầu Trương Lâm thì bỗng dưng Trương Lâm hốt hoảng nhảy phắt ra khỏi giường, tông cửa chạy ra quên cả dép. Trương Lâm hớt hải chạy về đến nhà thì bỗng đứng khựng lại khi thấy một tấm lưng... quen quen quay ra cửa đang cố dỗ cho đứa con út của Trương Lâm khỏi khóc:
Ru em em nín đi nào
Để con chim khách bay vào nhà em
Để rồi cô bắt em xem
Một con chim khách đầu đen... mắt lồi...
Trương Lâm đứng sững như trời trồng. Trước mặt Trương Lâm không phải ai khác mà chính là vợ của Phạm Duy. Trương Lâm thốt lên một câu ai oán: Chết cha tôi rồi... .chỉ tại con ... chim khách ấy mà ... .
Đoạn kết hai:
Cửa mở, đang tàng tàng men rượu cộng với men ái tình đang bốc cao, Trương Lâm nhảy bổ vào (Đoạn này không tả ai cũng biết) như ruộng cày trau gặp nước, họ quấn vào nhau cho đến ngấu thì thôi... Mãi đến khi gà gáy canh hai thì họ mới tạm ngưng để cho trời còn được sáng. Nhìn Trương Lâm nằm ngửa, hai tay gối dưới đầu thỏa mãn, người đàn bà hỏi:
- Mê không anh?
- Mê quá đi chứ, đúng là vừa lạ, vừa chưa sinh con lần nào nên có khác... lâu quá rồi tưởng rằng quên...
Khi Trương Lâm nói đến đó bỗng dưng đèn bật sáng. Trương Lâm không nhìn mà hỏi.
Em bật đèn làm gì?
Để anh em mình nhìn nhau được rõ hơn.
Đến khi đó Trương Lâm mới quay lại nhìn, dụi mắt mấy lần rồi hốt hoảng nhảy đại xuống giường. Tại sao lại thế này, người nằm bên, cùng Trương Lâm ân ái suốt đêm lại chính là vợ của Trương Lâm. Khổ quá đi mất, lỗi... lỗi này là tại con... chim khách.
3-2008
NTH