Người Bên Này Trời Bên Ấy Truyện 17


Truyện 17
Maratông ở Tam Đảo xứ lạnh

Ta có thể không giàu, chỉ cần có bạn giàu.

Điều này liên quan gì đến Tam Đảo?

Tôi đang giục giã một người bạn mua đất ở Tam Đảo, xây lên một cái nhà ở đó, rồi không cần thuê ôsin hay quản gia, tôi sẽ lên, tôi trông nhà cho. Đảm bảo nhà quanh năm không thiếu hơi người, không ẩm mốc, lúc nào cũng khô ráo, sạch như lau như li, vườn có hoa có rau su su quanh năm. Tôi thì được một nơi khí hậu ôn hòa mát mẻ. Bạn thì được một cái nhà ra cái nhà, bất cứ lúc nào muốn lên nghỉ mát đã có ngôi nhà sẵn đấy mời mọc.

Nói vậy thì biết ngay đấy là bạn giàu. Một nhà văn sớm biết xông vào kinh doanh địa ốc. Giờ thì đã có trong tay vài ba miếng đất, vài ba cái nhà. Có thể không phải làm gì nữa, rung đùi ngồi nhấm nháp đến hết đời. Nhưng mà nhà ấy đất ấy khống nghĩa lý gì với tôi. Toàn là nhà ở xứ nóng, đất ở xứ nóng. Miếng đất cách Hà Nội bốn chục cây số thuộc vùng chó ăn đá gà ăn sỏi, mua rồi giữ đấy chờ đất lên giá. Sao không đi thêm bốn chục cây nữa lên Tam Đảo, hẳn hoi là xứ lạnh, tôi chỉ nhiều cảm xúc với xứ lạnh. Vào Huế vài ba ngày sao cũng tìm cách tót lên Bạch Mã. Vào Đà Nẵng thì phải lên Bà Nà. Sài Gòn nữa chứ, anh chị em họ hàng ở đấy cả, dự định vào Sài Gòn một tuần thì chỉ qua ngày thứ ba là phải lên Đà Lạt. Sài Gòn năm giờ sáng trời đất đã tưng bừng cả lên, nắng vàng mắt, muốn ung dung tản bộ một chút thì mồ hôi túa ra đầy mình. Xứ nóng không phải là nơi để tản bộ. Chị bạn giàu hỏi: Vậy mấy năm ông ở Ấn Độ thì sao? ở Úc thì sao? ừ nhỉ, ở Canberra dịp Giáng sinh và năm mới là mùa hè, ông già Noel lặc lè vác cái túi quà to đùng, mồ hôi nhễ nhại. Còn ở New Delhi, mùa hè nóng trên dưới bốn mươi lăm độ xê, sinh viên không có điều hòa nhiệt độ, nghĩ ra một cái mẹo, ngày ngày mang sách đến mấy cái trung tâm bề thế, Trung tâm Văn hóa Nga, Trung tâm Văn hóa Mỹ, Anh, Ý... Tha hồ đọc và học, có khi còn được xem phim, xem kịch, xem ballet miễn phí, suốt ngày hưởng máy lạnh.

Bất kể khi nào có thời gian, tôi lên Sa Pa, Mẫu Sơn, lên Ba Vì, đặc biệt là lên Tam Đảo. Xe máy,tám chục cây số, nhẩn nha hai tiếng đồng hồ. Hà Nội đang nóng như rang, lên đây ban đêm còn phải đắp chăn. Một ngày bốn mùa, lất phất mưa xuân, nắng vàng mật ong rồi mưa rào như mùa hạ, lúc sau lại se se khô lạnh của tiết thu, rồi lại sương mù mùa đông lạnh cóng, thấp choáng những đống lửa trại ca hát của đám thanh niên Hà Nội kéo lên cuối tuần. Sáng sáng tôi đi bộ một vòng quanh thị trấn, lên lên xuống xuống con đường dẫn đến thác Bạc. Chiều chiều lại một vòng, nhưng là chạy việt dã. Đường chạy maratông mùa thu. Chợt nhá tên một bộ phim Nga ngày xưa. Ở đây là maratông bốn mùa trong một ngày. Sáng hỏi cô chủ khách sạn, đất đai ở đây giá cả thế nào? Sao lại thế nào, với bác là mềm, bác lên đi, em tìm cho đất ngon, giá hữu nghị, sổ đỏ.

Tôi, chạy bộ qua một mẹt ngô nướng, sắn nướng, trứng nướng. Hỏi. Vợ chồng chủ mẹt nướng bảo, nhà em có đất, bác có xem em soi đèn pin dắt đi ngay bây giờ. Địa thế tốt, giá mềm, sổ đỏ.

Ngon lành thế, nhưng người bạn giàu lên chơi một vài hôm, ban đầu hào hứng lắm, sẽ mua sẽ mua sẽ mua, sau thì nhạt dần, lờ lớ lơ.

Ta có thể không giàu, chỉ cần có bạn giàu. Nhưng bạn giàu như thế này thì có cũng như không.

*

*     *

Kẻ nói cần phải có bạn giàu là một nguời bạn Mỹ, cũng là nhà văn.

Tối hôm ấy chúng tôi ngồi trong tiệm ăn của Giáo sư. Tiệm ở New Orleans, thành phố bên cửa sông Mississippi đổ vào vịnh Mexico, thành phố của nhạc Jazz, của những khu nhà kiến trúc kiểu Pháp cổ. Tiệm ăn cũng tràn ngặp một không khí Pháp. Tôi bay từ bang Washington miền Tây Bắc xuống. Ông bạn nhà văn bay cừ bang Maryland miền Đông Bác xuống. Giáo sư ở đây. Ba chúng tôi ở ba góc của cái tam giác lật ngược, đỉnh là thành phố miền Nam này.

Giáo sư dạy ở trường đại học trong thành phố. Giáo sư ở đâu cũng không đuợc xếp vào loại nhà giàu. Giáo sư này thì khác. Anh thừa kế một tổ hợp tiệm ăn rải rác khắp nước Mỹ. Bạn bè thân thiết hễ đến thành phố nào có tiệm ăn của anh là có thể làm khách dài dài ở đó. Giáo sư yêu Việt Nam. Anh báo các nước đang phát triển không nên vội vàng ký những văn kiện pháp lý đại loại như công ước Bern về bản quyền. Họ bị thực dân bóc lột hàng trăm năm, thiệt thòi nhiều so với cả thế giới. Bây giờ là lúc những nước giàu phải đền bù một phần bằng cách để cho họ hướng những thành quả kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật. Ông Nhà văn thì nói các nước từng là thuộc địa phải được tự quyết việc sử dụng tài nguyên rừng biển của mình, không lý gì họ phải nghe theo khẩu hiệu bảo vệ môi trường của những nước giàu, không dám dùng cái gì, phải giữ lại rừng biển chim thú cho nước giàu chiêm ngưỡng.

Bữa ăn tối ấy, ông Nhà văn từ miền Đông Bắc xuống nói một câu, chắc hẳn vì cao hứng quá trước sự hào phóng cúa Giáo sư, có lẽ nhiều người quên rồi, tôi thì nhớ.

Ta có thể không giàu, chỉ cần có bạn giàu.

Hoàn toàn nghiêm túc. Nghiêm túc như vậy thì cũng có thể hiểu là đùa.

Một năm sau thì cơn bão Katrina tràn vào thành phố. Thành phố vốn đã thấp hơn mực nước biển, đến mức lăng mộ trong nghĩa trang phải xây cao hơn mặt đất, người chết ở đó được đặt nằm trên cao. Bão lũ ập đến, nước non ngập tràn lênh láng. Tiệm ăn của Giáo sư bàn ghế quầy giá trôi đi hết. Sau khi nước rút, giáo sư lánh nạn lên New York phải quay về, trực tiếp chỉ đạo sửa sang khôi phục. Rồi chỉ mấy tháng sau, anh a lô đánh tiếng cho cả bọn, hãy xuống đây, hãy chìa bàn tay nhân từ của các bạn cho lũ nhà giàu này nắm lấy.

Chuyện ấy xảy ra ở thành phố New Orleans, khí hậu ấm nóng, có phần giống như Sài Gòn ở ta.

Dính dáng gì đến Tam Đảo xứ lạnh này đâu.

Ở Tam Đảo, sáng sáng chiều chiều tôi đều nhận và gửi email. Có lần trao đổi thư điện tử với một độc giả ở Sài Gòn chưa gặp mặt bao giờ. Tam Đảo! Chị reo lên trong email. Reo lên đúng kiểu như thế này:

Tam Đảo!

Sung sướng quá. Anh đang ở Tam Đảo kia à.

Tam Đảo!

Đó cũng là mộc nơi tôi ao ước tới đó nghen.

Tam Đảo!

Chị đang làm cho một tổ chức quốc tế, đi nước ngoài nhiều, vào Nam ra Bắc cũng đã nhiều, nhưng chưa lên Tam Đảo. Ngày hôm qua, chị phóng xe máy vừa đi vừa về 350 cây số để gặp một cô gái bị bán sang Campuchia làm gái mại dâm, nhưng đã bơi qua một con sông rộng trốn được về. Công việc của tổ chức quốc tế. Hôm nay thì chị đang nghe tôi nói về Tam Đảo.

Thế là chị kể. Năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam vừa mới được ký, chị bị bắt giam ở Sài Gòn. Một cô học sinh mười bốn tuổi bị xếp vào diện tù chính trị. Giáp Tết, phía đường lớn Trần Hưng Đạo rùng rùng náo nhiệt. Cô gái thì bị giam ở đây, trong một căn phòng 1,2m X 2m. Mỗi lần có người mới bị đưa vào một căn phòng trong dãy, người các phòng lại xô đến bên cửa sắt, ghé mắt qua ô cửa hình vuông nhỏ xíu, xôn xao thống báo cho nhau. Mới vô mới vô, phòng 3. Mới vô mới vô, phòng 7.

Cô gái ở phòng 5. Cô gõ gõ vào đường ống nước chỗ nhà cầu. Coong coong. Rồi cúi xuống ghé tai sát vào đường ống lạnh toát mà nghe. Râm ran tiếng của tù nhân ở các phòng số lẻ thăm hỏi nhau. Cô gọi vào ống nước. Phòng 5 đây, phòng 7 ơi. Người mới vào trả lời ngay, tôi đây. Giọng Bắc. Tôi là bộ đội miền Bắc, tên là Tam Đảo, chị tên gì? Em còn nhỏ à, em tên... Thằn Lằn. Lúc ấy chị vội nghĩ ra một cái bí danh, nhớ rằng mình mới giả bộ sợ thằn lằn trước mặt đám cai tù. Tam Đảo đây. Anh quê ở Tam Đảo, dãy núi Tam Đảo rất gần Hà Nội, có khi học sinh sinh viên Hà Nội vẫn đạp xe dắt xe leo lên nghỉ hè. Bao giờ thống nhất, ra quê anh chơi, anh sẽ đưa em lên núi. Rau su su trên ấy là rau xứ lạnh, xanh ngăn ngắt, tươi hơn hớn, ngọt lừ lừ, rau su su chỉ cần trồng ở ngay dưới chân núi, xứ nóng, là không ra cái vị Tam Đảo nữa. Giữa mùa hè, em chỉ cần leo lên đến thị trấn là mát rượi, đêm xuống sương lạnh bay như mây, gió rít trên ngọn thông đúng là đỉnh gió hú... Anh đang kể thì coong coong, Tam Đảo ơi, Tam Đảo à, tù nhân ở những phòng xung quanh lao xao gọi. Coong coong. Hỏi han. Bao nhiêu chuyện của người này người khác chen vào. Xôn xao ồn ào quá, cai tù nghe thấy, thế là ào ào ào. Chúng mở nước. Ào ào ào. “Đường truyền điện thoại” bị ngắt.

Rồi một ngày, Tam Đảo bị dẫn đi thẩm vấn. Có người đi luôn không về. Có người về thì bầm giập tơi tả. Nghe tiếng chìa khóa và tiếng cửa sắt rít lên phía phòng 7. Tam Đảo đi. Tam Dảo đi. Mọi người xao xác truyền tin rồi chạy bổ tới gạt ô cửa nhỏ nhìn ra. cô gái nhìn ra. Anh đi khuất. Sau một khoảnh khắc ắng lặng thì đột ngột có tiếng la thét, tiếng gậy gộc, một cuộc xô xát, rồi có tiếng động dữ dội, vách tường dày của nhà tù duờng như rùng lên. Tam Đảo. Anh bị đánh và anh đã lao đầu vào tường tự vẫn.

Bao nhiêu năm rồi, cô gái vẫn băn khoăn tự hỏi ngày ấy Tam Đảo ra sao? Anh có còn sống hay không? Nếu không còn, gia đình anh có biết gì về những ngày cuối cùng của anh không?

 

*    *

Ông bạn nhà văn Mỹ sang chơi, tôi cùng mấy người bạn đưa ông lên Tam Đảo. Khách sạn mới. Mở toang cửa kính cho sương mù tràn vào phòng. Một cặp vợ chồng trẻ làm chủ, ngày trước ông bà nội nấu ăn cho viên kỹ sư người Pháp có cái biệt thự ở ngay trên kia.

Như vậy coi như nhà có dính tí Tây. Họ bảo tôi cứ lên đây ngồi mà viết, cho thuê cả tháng luôn, giá hữu nghị. Mà bác lên đây mua đất luôn đi, chúng em bán cho, cái mảnh đất bên sườn núi đầy thông kia kia, vị trí ngon, giá cả hợp lý, sổ đó.

Ông bạn Mỹ bảo tiền lương của ông đang bị hủy hoại. Lương hưu bị đặt vào chứng khoán. Thị trường chứng khoán sụt giá, thế là hưu tan tành đằng hưu. Mấy triệu giáo sư khắp đất nước chịu chung cảnh ngộ. Ông chưa biết làm sao với nhà mua trả góp, xe mua trả góp, trăm thứ trả góp. Chủ khách sạn bảo, vậy thì ông cứ sang đây, lên cái núi Tam Đảo này, ông quản lý khách sạn cho cháu, khách Mỹ chả đến nườm nượp. Ông sẽ lại ngồi viết được. Mà cháu cũng chẳng bán cái miếng đất bên kia nữa, cháu mở thêm khách sạn cho ông trông.

Tôi đây còn đang gạ chị bạn giàu xây nhà để tôi lên trông không lấy công. Vậy mà chủ khách sạn không mời tôi.

Chiều tối, chúng tôi ngồi uống cà phê trên cao. Dấu tích một biệt thự cổ, chỉ còn lại cái nền đá hộc vả một bức tường lở, người ta tân trang thành tiệm cà phê giả cổ. Cái sân nhỏ không mái, tối sẽ là sàn nhảy, giờ chỉ xếp mấy cái bàn. Chỉ có bàn chúng tôi và một bàn gần đó có người. Phía bên ấy, một đôi trai gái dáng vẻ Hà Nội lên. Anh con trai hoàn toàn mờ nhạt. Anh ta đẹp, nhưng lý do anh mờ nhạt là vì anh ngồi với cô kia. Ngăm ngăm, mọi nét đều sắc như tạc. Mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt to, mày cong rậm. Anh này và cô kia, một nhạt một đậm giống như một Tây một Ấn đặt cạnh nhau. Nhan sắc của cô kia, người Việt gọi là Digan, là Ấn Độ, là săng sắc, ang ác. Tôi thử làm công việc của họa sĩ, tôi xóa cái hình ảnh nhạt, đặt mình vào đó, vẫn là hai người, bên cái bàn cà phê ở Tam Đảo. Hình như số phận là phải như vậy cơ. Rồi đột nhiên một thoáng lăn tăn. Lẽ ra mình mới là người ngồi ở cái chỗ của anh chàng kia.

Đúng lúc ấy thì mưa, lất phất thôi, nhưng hạt mưa khá to. Chúng tôi tự cầm cốc chén di chuyển vào trong nhà. Vào đến nhà thì hết mưa. Anh kia cô kia vẫn ngồi ngoài. Gió u u rền rĩ trên những ngọn thông.

Chập tối, mấy chúng tôi rời tiệm cà phê chạy bộ vòng quanh thị trấn. Đúng tuyến đường đám cầu thủ bóng đá tuyển quốc gia lên đây tập huấn đang chạy. Ở chỗ chợ, rau su su đưa từ chân núi lên giả làm rau Tam Đảo, bán cho khách du lịch không sành. Ngày cuối tuần nhu cầu mua rau xứ lạnh tăng vọt, rau Tam Đảo đáp ứng không kịp. Chúng tôi chạy qua những nền nhà bằng đá, những bức tường; đá đổ vỡ, dấu tích những biệt thự Pháp, bị quân dân phá đi ngày tiêu thổ kháng chiến, cho Pháp quay lại không có chỗ mà ở. Những dấu tích đá rêu phủ. Trời tối dần. Sương bay như mây, che khuất hết cảnh vật. Chạy về qua mấy mẹt đồ nướng, than lửa nghi ngút giữa trời lạnh. Cả nhóm ngồi xuống quây tròn xung quanh bếp lửa ăn ngô nướng sắn nướng. Người đàn ông mũ cối, áo bộ đội ngồi chơi nãy giờ đứng dậy chào người bán hàng rồi nổ máy chiếc xe Minsk cà tàng, lao xuống núi. Anh bán hàng hay chuyện kể luôn, ông này ngàỵ truớc là bộ đội, bị bắt, bị giam ở Sài Gòn rồi đày ra Côn Đảo, được hai năm thì giải phóng miền Nam, lò dò trở về quê, gia đình mừng ơi là mừng vì đã nhận được báo tử, đã lập bàn thờ hai năm rồi.

Tôi vùng ngay dậy, chạy theo, được mấy bước mới nhận ra rằng người đàn ông trạc lục tuần đã xuống núi rất xa. Quay lại, hỏi han thêm đôi câu. Ồ, bác nhận ra ông ấy là người quen hay sao? Sáng mai ông ấỵ lại lên đấy mà. Ông ấy chạy xe ôm, cuối tuần vẫn chở thuê rau su su từ dưới chân núi lên đây cho người ta bán.

Rồi chủ mẹt đồ nướng quay lại đề tài muôn thuở của anh ta. Bác lên đây khảo giá đất rất nhiều lần mà vẫn chưa bằng lòng miếng nào. Thôi, bác mua đất nhà em đi. Vị trí ngon, giá hữu nghị, sổ đỏ.

**** HẾT ****

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51448


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận