Ông ta tự giới thiệu mình, rồi nói, "Tôi biết bà đã từ nhiều năm rồi. Ai cũng nói khi còn trẻ bà rất là xinh đẹp, nhưng tôi lại muốn nói với bà rằng tôi nghĩ hiện giờ bà còn xinh đẹp hơn thời ấy nữa. Tôi yêu thích khuôn mặt bà như nó đang là lúc này hơn là khuôn mặt bà khi còn là thiếu nữ. Một khuôn mặt bị tàn phá."
Tôi thường nghĩ đến hình ảnh mà chỉ riêng mình tôi có thể nhìn thấy bây giờ, nghĩ đến cái hình ảnh mà tôi không bao giờ nói đến. Nó luôn luôn ở đó, vẫn ở trong cùng một sự im lặng đáng ngạc nhiên. Ðó là hình ảnh duy nhất của chính tôi mà tôi yêu mến, hình ảnh duy nhất mà qua đó tôi nhận ra chính mình, qua đó tôi lấy làm vui sướng.
Ngay từ lúc mới khởi đầu của đời sống tôi, mọi sự đều đã là quá trễ. Cũng đã là quá trễ muộn rồi ngay khi tôi được mười tám tuổi. Giữa tuổi mười tám và hai mươi lăm, khuôn mặt tôi đã cuốn trôi theo một chiều hướng mới. Tôi trở nên già nua ở tuổi mười tám. Tôi chẳng biết là việc này có xảy ra giống như vậy đối với mọi người không, tôi không bao giờ hỏi ai về điều đó cả. Nhưng tôi tin rằng tôi đã từng nghe nói về cái cách mà thời gian có thể bất chợt trôi qua nhanh hơn đối với con người, ngay cả khi người ta đang trải qua những giai đoạn trẻ trung và vô cùng quý báu trong đời. Sự lão hóa của tôi rất đột ngột. Tôi đã nhìn thấy nó trải bày ra trên diện mạo tôi từng nét một, làm thay đổi mối liên hệ của chúng, làm cho đôi mắt to hơn, nét mặt buồn bã hơn, cái miệng dứt khoát hơn, và để lại những nếp nhăn hằn sâu trên trán. Nhưng thay vì bị mất tinh thần, tôi đã nhìn diễn tiến này với cùng một sự thích thú mà tôi có thể có được khi đọc một quyển sách. Và tôi biết rằng tôi đúng, tôi biết rằng một ngày nào đó sự lão hóa này sẽ chậm lại và sẽ đi theo nhịp độ bình thường của nó. Những người đã từng biết tôi lúc tôi mười bảy tuổi, khi tôi đến Pháp, đều ngạc nhiên khi họ gặp lại tôi hai năm sau đó, lúc tôi mười chín tuổi. Và kể từ đó tôi đã giữ mãi khuôn mặt ấy, một khuôn mặt mới mà tôi đã có từ ngày đó. Ðó là khuôn mặt của tôi. Dĩ nhiên nó vẫn bị già đi, nhưng tương đối ít già hơn là đáng lẽ nó phải bị. Nó bị ghi dấu bằng những nếp nhăn khô sâu trên làn da nứt nẻ. Nhưng gương mặt tôi đã không bị suy sụp hẳn, như một vài gương mặt xinh đẹp đã từng bị. Nó vẫn giữ được những đường nét cũ, nhưng thực chất của nó đã bị tàn phá. Tôi có một khuôn mặt bị tàn phá.
Thế đấy, tôi mười lăm tuổi rưỡi.
Trên chuyến phà qua sông Cửu Long.
Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông.
Tôi mười lăm tuổi rưỡi, không có tiết mùa nào cả nơi phần đất đó của thế giới, chúng tôi chỉ có một mùa, nóng bức, đơn điệu, chúng tôi ở trong một vòng đai dài nóng bức của trái đất, nơi không có mùa xuân, không có sự phục hồi.
Tôi đang ở trong một trường nội trú tại Sài gòn. Tôi ăn và ngủ ở đó, nhưng theo học trường trung học của người Pháp. Mẹ tôi là một giáo sư và bà muốn con gái của bà có một trình độ học vấn trung học. "Con phải theo học trường trung học." Những gì đã từng là đầy đủ cho bà không còn đủ cho con gái bà nữa. Trường trung học và kế đó là một mảnh bằng kha khá nào đó về toán. Ðó là những điều đã được nói nhai nhãi vào tai tôi từ khi mới bắt đầu cắp sách đến trường. Không bao giờ tôi dám nghĩ đến việc có thể trốn thoát khỏi cái mảnh bàng về toán đó cả, nên tôi vui lòng trao cho bà niềm hy vọng đó. Mỗi ngày tôi nhìn bà hoạch định tương lai cho chính bà và cho con cái. Rồi đến khi bà không thể hoạch định ra một điều gì lớn lao cho những đứa con trai của mình nữa, thì bà liền trù tính những tương lai khác, những tương lai để dùng thay thế, nhưng chúng cũng vẫn phục vụ cho mục đích của chúng, chúng phác họa thời gian nằm phía trước. Tôi nhớ đến những lớp học về kế toán của người anh kế tôi. Ở Trường Hàm Thụ Phổ Thông - đủ các năm học, đủ các trình độ. Tụi con phải ráng theo cho kịp, mẹ tôi vẫn thường nói. Nhưng chuyện học hành chỉ kéo dài được ba ngày, không bào giờ được đến bốn hôm. Không bao giờ. Chúng tôi phải bỏ học Trường Phổ Thông mỗi khi mẹ được bổ nhiệm đến nơi khác. Và lại bắt đầu lần nữa ở nơi kế đó. Mẹ tôi đã tiếp tục như thế trong suốt mười năm. Chẳng có gì tốt đẹp cả. Anh kế tôi trở thành một viên thư ký kế toán ở Sài gòn. Không có một trường kỹ thuật nào ở các thuộc địa cả, và chúng tôi mang ơn điều đó, vì nhờ vậy anh cả tôi mới có được chuyến đi sang Pháp. Anh ở lại Pháp trong nhiều năm để theo học trường kỹ thuật. Nhưng anh đã không duy trì được việc học. Chắc hẳn là mẹ tôi cũng biết chuyện đó. Nhưng bà không có sự lựa chọn nào khác, anh phải được tách rời khỏi hai đứa con kia. Trong suốt nhiều năm anh không còn là một phần tử của gia đình nữa. Chính vào lúc anh đang ở xa, mẹ tôi đã mua miếng đất. Ðó là một việc làm kinh khủng, nhưng đối với chúng tôi, những đứa trẻ con còn ở lại, chuyện đó không đến nỗi khủng khiếp như sự hiện diện của tên giết người, tên giết con nít ban đêm, đêm của gã săn người.
Người ta thường nói với tôi là việc trải qua suốt thời thơ ấu trong ánh mặt trời quá mạnh mẽ đã tạo ra chuyện ấy. Nhưng tôi không bao giờ tin điều đó. Tôi cũng nghe nói là chính sự nghèo khổ đã làm cho chúng tôi trở nên ủ ê. Nhưng không, không phải thế. Vâng, bọn trẻ con ở đây trông giống như những người già nhỏ choắt vì nạn đói kinh niên, điều đó thì đúng. Nhưng đối với chúng tôi thì không, chúng tôi không bị đói khát. Chúng tôi là những đứa bé da trắng, chúng tôi có xấu hổ vì phải bán đi bàn ghế trong nhà, nhưng chúng tôi không đói, chúng tôi có một người giúp việc và chúng tôi được ăn uống. Phải thừa nhận là đôi khi chúng tôi đã phải ăn đến đồ lòng ruột - cò vạc, cá sấu con - nhưng đồ lòng ruột này đã được nấu nướng và được người làm dọn lên, và đôi khi chúng tôi cũng khước từ không ăn và lấy làm thích thú với sự xa hoa trong việc từ chối như thế. Không, điều gì đó đã xảy ra khi tôi mười tám tuổi, đã đưa đến sự định hình gương mặt này. Hẳn là vào lúc ban đêm. Tôi sợ chính tôi, tôi sợ Thượng Ðế. Trong ánh sáng ban ngày, tôi ít sợ hơn, và cái chết dường như ít quan trọng hơn. Nhưng nó luôn luôn ám ảnh tôi. Tôi đã muốn giết - người anh cả của tôi, tôi đã muốn giết anh, để có một lần thắng thế anh, chỉ một lần, và nhìn anh chết. Tôi đã muốn làm vậy để lấy đi khỏi tầm nhìn của mẹ tôi cái đối tượng thương yêu của bà, đứa con trai đó của bà, để trừng phạt bà về việc yêu thương hắn quá nhiều, quá trầm trọng, và trên hết như tôi đã nói với chính mình - để cứu thoát người anh kế, người mà tôi xem như người em trai của tôi, đứa con nhỏ của tôi, cứu thoát anh khỏi việc sống một cuộc đời đã bị người anh cả đè chồng lên, thoát khỏi tấm màn đen phủ che ánh sáng đó, thoát khỏi cái luật lệ được ban phát và đại diện bởi người anh cả, là một con người nhưng đó lại là luật lệ dành cho thú vật, thứ luật lệ lấp đầy từng khoảnh khắc, từng ngày trong đời người anh kế với nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi đã chạm đến tim anh và giết chết anh một ngày nào đó.
Tôi đã viết nhiều về những thành viên trong gia đình tôi, nhưng lúc bấy giờ họ đều còn sống, mẹ tôi và những người anh tôi. Và tôi đã đi vòng quanh họ, đi vòng quanh tất cả những điều này mà không thực sự nắm bắt lấy họ.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!