Ngược Chiều Cái Chết Truyện ngắn 2


Truyện ngắn 2
Rơ mah tenl, con người của rừng núi

Tôi đi công tác chuyến này không phải để lấy đề tài liệu thực tế, vì thực tế theo tôi, nó luôn ở quanh ta, cả khi thức lẫn khi ngủ. Nhưng đối với người viết văn thì cần phải đi, nhất là trở lại vùng đất cũ của mình. Theo chỗ thủ trưởng của tôi thì, mỗi nhà văn phải có miền quê thứ hai, rằng phải "cắm sâu" dưới cơ sở- có như vậy mới nắm bắt được những vấn đề nóng hổi của cuộc sống.

Tôi trở lại PLei Ku để thực hiện những ý định đó. Quả là nếu không có chuyến đi lý thú này, chẳng biết bao giờ tôi mới được gặp lại những người bạn cũ như anh Rơ Mah Tenl của tôi đang nằm say khướt trên chiếc giường nhỏ, làm nhảm "hồi ký" lại những chặng đường khốc liệt mà anh đã qua. Dưới con mắt của nhiều người thì Rơ Mah Tenl đã hư hỏng- quả là anh đã hư hỏng theo một nghĩa nào đó. Người ta nói rằng, sau ngày giải phóng quê hương, về đến làng, Rơ Mah Tenl đã hút một hơi hết ghè rượu cần, sau khi gặp cô vợ của anh bấy lâu xa cách, cô ta địu đứa con không phải con anh, nhìn anh như nhìn người lạ. Chính vì vậy mà anh không còn đủ ý chí ở lại để giải quyết những gì cần giải quyết. Và anh đã say rượu từ hôm đó tới bây giờ- tám năm liền, không lúc nào người ta thấy anh tỉnh táo! Nói thế thì hơi quá. Nhưng rượu đã khiến anh ngã thực sự nếu không có cô gái trẻ của làng Plei Dit đột nhiện xuất hiện ngày mồng 1 tháng 5 vừa rồi ở hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh.

Căn nhà nhỏ nhưng gọn ghẽ lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng của hoạ sĩ Siêu Yơng, bạn chúng tôi, đã tạo cho không khí cuộc gặp gỡ của tôi và Rơ Mah Tenl hoàn toàn thoải mái. Anh Siêu Yơng đã cắp giá vẽ xuống buôn làng và cho phép tôi được ở trong thời gian anh vắng nhà.

Rơ Mah Tenl cựa mình gọi tôi, gọi Y Bơ Ring, người bạn thân của tôi đến mừng tôi lâu ngày trở về "quê cũ". Nhưng giờ này Y Bơ Rinh đã về nhà anh. Rơ Mah Tenl giật mình nhận ra sự quá chén của mình, và anh lặng thinh uống cạn li nước lọc trên bàn, rồi nhìn tôi, nói:

 

- Ngủ thôi, em. Mày làm thơ đấy à?

Tôi mắc màn cho anh. Một chặp sau anh cất tiếng ngáy.

 

*

*     *

 

Tôi quyết định đêm nay không ngủ để tận hưởng không khí trong lành của cao nguyên lâu ngày về lại. Ngôi nhà gỗ mới tỏa hương thơm khiến ta dễ chịu. Tôi hình dung ra nét mặt rạng rỡ của Siêu Yơng khi anh nhận quyết định về ngôi nhà này. Những cây cà phê mới trồng rủ bóng mát đẫm sương xuống khu vườn, trong tương lai sẽ nuôi anh và sẽ  tỏa bóng mát xuống đời sống kinh tế còn hạn hẹp của anh. Tôi ngâm nga hút thuốc và lật lại những ký họa trong cặp gài trên tường của Siêu Yơng, gặp lại những khuôn mặt quen thuộc của nhiều bạn bè hồi còn trên rừng đánh Mỹ. Những ấn tượng của Siêu Yơng, khi gặp lại, tôi vẫn không thể không nhớ gương mặt hơi vuông, rắn rỏi và đôi mắt sâu nhìn thẳng của Rơ Mah Tenl, người bạn mà tất cả chúng tôi đều quý mến. Tôi vẫn thường nghĩ Rơ Mah Tenl là một trí thức điển hình cho lớp trí thức mới của người JơRai. Rằng kể cả các anh mà tôi kể trên, những người cùng trang lứa, cùng có những năm tháng lầm than và cũng đều đã trưởng thành. Tôi nhớ rất rõ cái đêm mùng  một tết Mậu Thân (1968) ấy, tiểu đoàn chúng tôi vào đến chiến trường, trong đó có cả Rơ Mah Tenl. Anh về Nam với danh nghĩa là một nhà ngôn ngữ học, nhưng thời buổi chiến tranh, việc cầm súng cần thiết hơn việc nghiên cứu sự biến dạng của một từ hay mội ngữ âm qua quá trình phát triển của một chuỗi từ nào đó. Anh cũng nhận thấy điều đó và đã vui vẻ cầm súng đi chiến đấu cùng chúng tôi. Có thể nói anh là nhà ngôn ngữ đầu tiên tôi được gặp. Trước đó, tôi nghĩ các nhà ngôn ngữ cũng như các nhà văn là người sống khác hẳn với những người thường. Tôi luôn nghĩ, họ không giống như mọi đồng chí, đồng đội mà tôi sống chung thường ngày. Nhưng đến khi ở với Rơ Mah Tenl, tôi để ý thấy anh vào làng cũng ăn bốc với đồng bào và thậm chí không né tránh những món ăn mà chúng tôi cho là không hợp vệ sinh. Rồi khi về đơn vị, lại thấy anh ăn ở luôn gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Anh  gọn gàng hơn chúng tôi nhiều. Tôi hoàn toàn bị anh chinh phục không phải chỉ bằng những câu chuyện cổ, những bài hát cổ kể về sự tích các dòng họ của người JơRai, mà còn bằng cách phân tích tỉ mỉ sự phân chia các tộc người Tây Nguyên qua hai hệ ngôn ngữ Môn Khơ Me và Malayôpôlinêxia. Con người bình dị và có nhiều kiến thức ấy vốn mơ ước làm được một cuốn sách về quá trình hình thành các tộc người qua ngôn ngữ của các dân tộc Tây Nguyên. Anh cũng thường mong muốn hoàn thành cuốn từ điển Việt- JơRai với cách biểu hiện thông dụng nhất. Ấy vậy mà chính anh đã hăng hái cầm súng đi đánh địch cùng tổ chúng tôi. Chúng tôi bôi nhọ khắp người, mặc quần đùi, đeo thủ pháo, cắp AK báng gấp, luồn qua những khu ấp chiến lược dày đặc rào kẽm gai và lính gác. Cuộc tấn công vào thị xã Plei Ku của ta năm ấy như là một cuộc thử sức chiến lược với kẻ thù. Chúng tôi đánh xong kho xăng địch trên một mỏm đồi gần thị xã thì các hướng bạn cùng lúc tấn công. Tôi và anh cùng với đồng chí huyện đội phó Rơ Lan Thương cắp AK chuyển hướng xuống phía sau thị xã, theo dọc con suối. Tình cờ chúng tôi gặp một chi đội thiết giáp địch đang chuyển quân. Trời đã gần sáng, ba anh em bấm nhau chui xuống gầm cầu Hội Phú chờ cho hết đêm đó, nốt ngày hôm sau, và khi đêm xuống, chúng tôi lại mò lên tìm đường vào ấp Plei-O-Ngo, bắt liên lạc với cơ sở. Đồng chí huyện đội phó Rơ Lan Thương đã xin được cho chúng tôi đủ khố, gùi, rựa và các thứ bỏ trong gùi như chuối, mía, sắn, khoai để đi hợp pháp giữa ban ngày. Chúng tôi nhằm hướng A Yun Pa, đi hơn một tuần liền mới về tới căn cứ. Tôi và Rơ Mah Tenl bị gai xấu hổ và muỗi cắn nổi mẩn khắp người. Rơ Lan Thương gần như không xây xát gì. Người chúng tôi bị mưng mủ khắp nơi, phải vào điều trị tại bệnh xá tỉnh đội. Chính thời gian nằm bệnh xá ấy chúng tôi được gặp hoạ sĩ Siêu Yơng, rồi anh đã ghi hình ảnh chúng tôi trong tập ký hoạ này...

- Mày không ngủ à, em?

Rơ Mah Tenl thò đầu ra khỏi màn hỏi tôi. Tôi không trả lời. Nếu tôi trả lời, anh sẽ vùng dậy ngay và những ấm ức trong anh lại bùng lên như không phải mấy ngày nay chúng tôi đã có nhiều thời gian kể lể những biến động riêng tư của từng người, mà là giống như anh em mới gặp nhau vậy...

- Chô cha- Anh tiếp.- Mày ở Trung ương về, người ta trọng. Còn anh, anh là thằng lung tung. Mai mốt ra Hà Nội, kể chuyện Rơ Mah Tenl cho bạn bè nghe, chắc chúng nó ớn anh lắm?

- Thôi mà!- Tôi nói.- Anh nên ngủ đi!

- Ngủ gì? Mày chê tao à? Mày khinh dân tộc tao à?

Tôi im lặng vì đã thuộc tính anh.

- Mày có vợ, có con, có hạnh phúc gia đình, hạnh phúc nghề nghiệp, còn anh...

Tiếng anh lặng dần đi.

Tôi nói:

- Thì anh cũng sắp cưới vợ trẻ toanh còn gì?

Anh xỏ ngược dép, bước lẹt xẹt tới ngưỡng cửa thì dừng lại. Rồi anh lại vào cái ghế bên bàn vẽ của Siêu Yơng, ngồi ngật ngưỡng, rồi nói:

- Bây giờ vợ anh nó đã biết lỗi... nhưng cứ nhìn thấy đứa con nó mà anh buồn chán, không sao chấp nhận nổi.

 

- Lẽ ra anh phải bình tĩnh, như những năm trong rừng anh đã bình tĩnh ngồi một chỗ cả năm  trời  làm cuốn từ điển ý.

- Chỉ có tuổi trẻ và tình cảm với quê hương hồi đó mới làm nổi, nhất là cứ nghĩ tới vợ mình ngày về sẽ cầm cuốn sách của mình trên tay...

- Bây giờ anh chưa già.- Tôi nói.- Thời gian đang còn nhiều.

- Chưa già nhưng không còn trẻ nữa.- Anh tiếp.- Anh đã hư hỏng rồi. Mà chắc gì H'Loanh nó đã yêu anh.

- Điều ấy chỉ có hai người biết. - Tôi nói.

- Anh biết quá đi chớ,  anh chồm tới bên tôi. Nó không yêu anh mày  đâu. Nó chỉ yêu chức phó giám đốc thôi.

Tôi làm thinh nhìn Rơ Mah Tenl đang gi gi vết nước loang trên mặt bàn. Bây giờ sao anh dễ thương quá! Tôi hình dung ra khuôn mặt trẻ trung, đôi mắt to và dáng người đậm của H'Loanh, cô gái JơRai có giọng hát khỏe bung ra từ phía hậu trường sân khấu. Cô không hề làm dáng, tay cầm micrô, đứng chếch một bên sân khấu và hát. Người ta chỉ thấy khuôn ngực của cô phập phồng, đôi lúc như dâng lên, uyển chuyển và ánh mắt cô như bừng cháy. Cô hát thật bình tĩnh và nồng nhiệt. Người nghe không chỉ bị cuốn hút vì lời ca mà còn vì sức sống mạnh mẽ của người hát truyền sang. Nó như có cái gì đấy còn nguyên sơ đến hoang dã, lại như không phải hoàn toàn thế, nó bình dị và rõ ràng. Những tràng vỗ tay kéo dài và cô gái đứng ngẩn người trên sân khấu như là không hiểu...

- Anh không ưng nó nữa.- Rơ Mah Tenl tiếp.- Thà về với vợ cũ còn hơn...

Tôi vẫn tiếp tục lặng thinh nhìn anh.

- Ngày mới về quê mình đã hiểu sai vợ mình, em ạ,- Anh nói như là chỉ nói với chính mình.- Mình hiểu sai cô ấy và hiểu sai cả mình nữa.

- Anh còn uống nhiều rượu thì còn nhiều cái sai lắm.- Tôi nói.

- Trước anh uống ít. Anh thú lỗi.- Bây giờ đâm hư hỏng, nó quen rồi.

Và anh gườm gườm nhìn tôi, tiếp:

- Vợ anh đi du kích, em ạ.  Rơ Lan H'Phich ấy mà. Cô ấy đi du kích như trước nay cô ấy vẫn là du kích. Đã là du kích thì phải có công tác với bộ đội. Mà bộ đội gặp du kích thì em biết rồi. Con gái ở gần con trai, chung hầm, chung lán ngày này, đêm khác sao giữ được? Hôm mới rồi anh về làng tìm gặp Rơ Lan H'Phích, nó trách anh. "Con tui là con bộ đội”,  nó nói. “Không phải con cái Mỹ nguỵ đâu mà anh lo sợ, mà anh coi thường...". Anh như chạm phải hòn núi lớn chận ngang đường. "Con bộ đội, con cách mạng”.  Nó nói thẳng vào mặt anh. “Bây giờ tui sống nhờ buôn làng, nhờ bàn tay làm ruộng, làm vườn. Ba nó hy sinh rồi. Anh coi khinh tui, được thôi. Nhưng sao anh dám coi khinh con nít. Sao anh coi khinh con liệt sĩ? Không có ba nó, anh Châu ấy, nếu không gặp anh Châu chắc tui chết rồi, cũng chẳng còn để nhìn thấy anh giận dữ nữa! Nói thiệt với anh, tui địu con trước ngực, gùi gạo, gùi đạn sau lưng, đi hết rừng này núi nọ, con tui lớn lên nhờ cơm cách mạng. Bây giờ anh về, sao anh nỡ có tư tưởng ghét bỏ nó? Mắt anh nhìn tui như kẻ thù, tùy anh. Nhưng anh nhìn nó vậy mà coi được à? Hồi ấy tui nhớ thương anh. tui kể hoài về anh cho anh Châu nghe, anh Châu làm thinh. Chúng tui ưng nhau không phải để làm vợ làm chồng. Tui thương anh Châu có vợ đẹp, nó phải để vợ ngoài Bắc vào đây. Anh Châu cho tui coi ảnh vợ đàng hoàng. Bây giờ anh về, anh không thương tui, không thương con anh Châu. Tui sống với con tui vậy. Tui không sợ...".

- Còn H'Loanh, em ạ, - Rơ Mah Tenl tiếp.- H'Loanh lớn lên và được đi học ở Sài Gòn. Giải phóng rồi nó về quê, làng Plei Dịt, nơi cha mẹ nó bị bom Mỹ, nơi anh trai nó đóng khổ cởi trần, đeo gùi, cưỡi Hon-đa vào thị xã phóng như thằng rồ để nắm tình hình địch, bắt cơ sở cách mạng, nó đâu có hay. Nó chỉ biết cái ngày giặc Mỹ càn, bắt nó lên máy bay cùng dì nó vô Plei Ku rồi vô Sài Gòn để học, để tập thành người Sài Gòn. Nó hát hay thế... Trước ngày giải phóng có một ông bầu đã nuôi nó, dạy hát cho nó, dạy cho nó biết cách giả ngô nghê như còn nguyên sơ chất rừng rú để câu khách.

- Nhưng bây giờ cô ấy đâu phải là diễn viên tồi?- Tôi nói.

- Hôm gặp H'Loanh ở hội diễn về, biết anh là người Gia Rai, lại là phó giám đốc... Nó tìm đến hoan hỉ. Anh cũng mừng rỡ quá. Anh và H'Loanh ưng nhau ngay liền như hai mối điện chập vào nhau. Nó cứ quay tròn quanh anh. Nhưng đến lúc đoàn của nó về thì nó không theo về nữa. Nó nói với mọi người. Anh Rơ Mah Tenl là phó giám đốc đã ưng H'Loanh. H'Loanh được ở lại


thị xã.

- Thì sao?- Tôi hỏi. - Anh không ưng cô ấy là gì?

- Đúng, anh ưng nó. Nhưng em ạ. H'Loanh nói với anh thế này: "Anh là phó giám đốc nhà văn hóa, anh ưng em, em ở thành phố quen rồi. Anh xin cho em về thị xã nghe". "Không phải dễ đâu", anh nói. "Không dễ thì em ưng anh làm gì?" Cô H'Loanh nói với anh thế đấy. Thà anh về với H'Phích, vợ anh, nó biết trước biết sau, nó sống chân thật như chính cuộc đời đã tạo nên nó.

- Hoàn cảnh cũng tạo nên cả tính cách H'Loanh nữa chứ.- Tôi nói.

- Nhưng hoàn cảnh cũng tạo nên anh, sao em không nghĩ thế? Hoàn cảnh tạo nên chúng ta, mỗi con người đều có hoàn cảnh nhưng cũng không nên dựa vào hai từ ấy mà sống khác với lương tâm mình. Bây giờ trên dưới bốn mươi tuổi rồi, hỏi còn trẻ trung gì? Anh đã bảo với H'Loanh: "Phó giám đốc cũng chỉ là một con người, mà đã là con người thì phải biết làm những gì cho đúng với nghĩa của từ đó".

- Anh nói cao siêu quá, người ta hiểu sao hết được? - Tôi nói.

- Sao không hiểu? - Anh đột nhiên đứng dậy.- Mày đã lăn lộn sống chết ở đây bao nhiêu năm mà còn không hiểu con người ở đây, mày còn nghĩ kém cho người Tây Nguyên thế, hỏi còn mong sao được ở người khác?

- Thôi anh đi ngủ đi! - Tôi nói gay gắt.

- Không ngủ gì hết, anh đi kêu Y Bơ Ring lại đây uống nữa. Uống rồi hát, rồi nhảy múa, không ngủ gì hết!

Và anh so lại dép, sửa lại nút áo toan bước đi. Tôi níu tay anh lại.

- Rơ Mah Tenl! Anh không bình tâm được nữa à?

Anh lừ lừ nhìn tôi, một lúc sau, buông tay, thả người xuống cái ghế phía đầu bàn. Nhìn anh tội nghiệp như một cậu bé bị người lớn phạt. Anh lảm nhảm nhắc lại thời thơ bé... Vâng, ngày anh ra đi chỉ là chú bé con trên dưới mười tuổi. Chú bé nhỏ thó, đen đủi là con một du kích đường 19. Ông sống với dân làng Plei Mai như là sống trong huyền thoại. Thằng bé con ông như cái giẻ rách suốt ngày nắng gió trên lưng ông, còn ông thì trên lưng ngựa. Khi nó lớn lên lại cứng cỏi và tháo vát ngoài sự mong mỏi của ông. Rồi ông địu con cưỡi ngựa vào thị xã “bán” cho người bạn dạy học nơi trường nội trú do một người Tây cai quản. Sự bán chác mãi sau này người ta mới hiểu. Cậu bé có cái bề ngoài còi cọc ấy được nuôi dưỡng, được ăn học tử tế như con cái nhà quyền quý của vùng rừng núi hoang sơ này. Cậu lớn vổng lên và cậu chăm chỉ học khiến ông thày người Tây đôi ba lần gạ gẫm đưa cậu về hẳn trong nhà nuôi. Cậu học tiếng Tây, đọc sách Tây như người Tây chỉ trong vòng ba năm. "Gió không thổi bay nổi những ngọn núi khổng lồ nơi quê hương cậu”- Lúc nào Rơ Mah Tenl cũng nhớ lời cha dặn bạn mình khi trao cậu cho ông. “Nhưng gió băng qua những nóc rừng già, ào lên như bão". Mãi sau này cậu mới hiểu được câu nói ấy. Rồi người ta cũng trao cậu cho ông thầy người Tây thật. Cuộc sống sang trọng lúc đầu cậu còn ngượng nghịu với chân coi chuồng gà chọi. Cậu không biết rằng chính cậu cũng là một thứ trang điểm, một cách chơi cảnh của những người Tây cai quản trong vùng. Cậu không nghĩ được rằng, ngày cậu về làng không phải bằng tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi của cha trên lưng con ngựa già, mà cậu được diện đồ Tây, ngồi lọt thỏm trong ghế nệm của chiếc xe đít vịt của ông quận trưởng. Người ta đưa cậu về quê để chào hỏi bà con, mai mốt đưa cậu sang Tây. Có cái gì đấy vừa như thèm khát, vừa như ghê rợn trong lòng cậu bé. Cậu nhớ những ngày mới vào trường, bọn con nít nhà giàu nhìn cậu, coi cậu như một con chồn hôi. Nhiều đứa đâu có dám nhìn cậu. Nhưng chỉ hơn hai tuần học thì ông thầy  người Tây có giọng nói trầm ấy, có đôi mắt sâu giấu dưới chân lông mày rậm ấy, có cái trán và cái cổ đỏ au nhiều những vết nhăn nheo và cái cằm lẹm ấy, có cái mũi dài ấy đã chú ý đến cậu. Ông ta đón cậu ngoài cổng trường vào đúng sáng thứ hai của tuần thứ ba năm học mới. Chiếc xe con đưa cậu về một biệt thự có nhiều cây trái. Cậu ngơ ngác nhìn những chùm phong lan và những lồng gà. Cậu càng ngơ ngác hơn khi nhìn thấy bà vợ của ông thày người Tây mặc váy màu vàng với những vòng tay lóng lánh. Bà ta đưa cậu vào buồng tắm và vặn vòi nước nóng đầu tiên xối lên người cậu như là một sự chào mời. Bồn tắm sặc mùi nước hoa và mùi xà phòng thơm gắt. Cậu mạnh dạn nhảy vô bồn như một chú chuột con. Bà vợ ông thày người Tây  thích thú nhìn cậu, cười tràn nước mắt. Rồi bà chỉ cho cậu cách mở vòi, khóa vòi và bà đã cởi luôn cả váy áo nhảy vào bồn tắm chung với cậu. Tiếng cười của bà ta khiến ông chồng cũng bật cửa nhào vô. Họ tắm với nhau. Họ đùa cợt với nhau. Và cậu bé đen đủi ấy phải kỳ lưng cho họ. Những ngày sau đó cậu đến trường bằng chiếc xe con của ông thày người Tây khiến những đứa bạn vốn coi cậu như con chồn hôi bây giờ không dám ho hoe, doạ dẫm. Những ngày ông thày Tây đi vắng, cậu vẫn phải tắm chung với bà đầm như là một hình phạt. Bà ta nằm ngửa trong bồn, bắt cậu kỳ cọ những chỗ đáng ra con người nên giấu kỹ. Bàn tay nhỏ bé của cậu không còn sót nơi nào trên thân thể trắng đến rợn người, nung núc đến rợn người! Bà ta còn vạch những bộ phận sâu kín nhất của người đàn bà dạy cho cậu biết tên những thứ đó mà ở trường học, dù là trường của người Tây cũng không thày nào bày vẽ. Buổi tối những ngày lễ nào đó của người Tây, người ta gọi các nhân vật có máu mặt quanh vùng về, tổ chức uống rượu cần, đánh chinh chiêng, đốt lửa nướng thịt rừng và nhảy múa, ca hát. Người ta hát cả tiếng Gia Rai và tiếng Pháp. Người ta thi nhau múa những điệu dân vũ cổ xưa của người bản xứ. Mùi thịt nai nướng cùng với mùi rượu cần, bia lon, bơ, thịt hộp tràn đầy. Trong ba đứa bé được người Tây đưa đến, thằng Nay Lot và Ksor-Sóc thì rõ ràng Rơ Mah Tenl có vẻ vụng về nhất. Cái bề ngoài chậm chạp vụng về của cậu rất nhanh được xóa đi nhờ những lon bia, một thứ nước lửa. Và vì vậy cậu không phải là thằng bé ít được tôn trọng. Vợ chồng ông thày của cậu đã không chịu thua kém những người thày của hai đứa kia. Cậu nói tiếng Pháp hơn hẳn chúng khiến cho những ông Tây bà đầm của các vùng lân cận cứ phải đến, chuốc bia, vít cần rượu chúc mừng cậu... Mặc dù vậy cậu vẫn không một chút nào tiếp nhận được cái vinh quang bước đầu người ta dành cho. Còn hai đứa bạn thì nhìn cậu với vẻ thèm khát, ghen tị không sao cưỡng nổi. Tuổi thơ đã khiến cậu làm những việc mà bây giờ nhiều lúc nhớ lại, cậu cảm thấy khôi hài. Những bài dân ca Gia Rai, những bài dân ca Pháp và những lời "phi lộ" của cậu khiến người nghe cứ há hốc mồm. Những lời tán dương khiến cậu nói hăng, nói nhiều. Cậu kể chuyện cổ tích của dân tộc cậu cho người ta nghe bằng tiếng Pháp. Cậu hát cả những bài ca du kích mà cha cậu đặt lời khiến các ông Tây bà đầm trố mắt. Nhưng rồi cậu vẫn được khen ngợi! Có những bài dân ca tưởng như ở lứa tuổi cậu không thể nào thuộc hết, vậy mà cậu còn dịch sang tiếng Pháp, hát bằng tiếng Pháp cho người ta nghe. Những vòng quay của chiếc máy thu băng của ông thày Tây luôn khiến cậu ngạc nhiên. Ông ta dạy cậu hát những bài dân ca Pháp bằng chính cái máy có hình vuông nhỏ bé ấy. Những vòng quay của sợi dây nâu luồn trong máy ánh lên một cách thần kỳ! Cậu còn được uống nước đá, thứ đá người ta lấy ra từ trong cái buồng còn lạnh toát và người ta còn giải thích cho cậu hay rằng, ở bên nước Mẹ còn nhiều điều kỳ lạ hơn. Con người có thể sống dưới nước bằng cái nhà của mình. Rằng nước đá có thể chữa cho người ta khỏi đủ thứ bệnh trên đời. Người ta pha cà phê cho cậu uống chung với thứ đá lạnh ấy như là một sự ưu tiên đặc biệt để chữa căn bệnh thèm ngủ ngày của cậu. Người ta bật lửa không phải bằng hộp diêm, hộp quẹt như cha cậu thường bỏ trong túi mà là ngay trên tường nhà với những vòng dây thép uốn cong. Những đoạn dây xanh đỏ nối với những cái hộp trắng gắn trên tường, mỗi lần thò ngón tay ấn vào là những ngọn đèn bừng lên đủ màu. Lửa mà có lửa xanh, lửa đỏ! Người ta kéo sợi dây thòng từ trên mái nhà xuống nơi nhà cầu, lập tức nước ào xuống xối sạnh những thứ ô uế mà bụng người ta từng thải ra. Người ta xoay cái hộp vuông có núm trên tường khiến cho con quay gió giữa trần nhà quay nhanh, quay chậm tùy thích. Và người ta kể rằng, tất cả những thứ đó đều được chế ra từ nước suối quê hương cậu. Cậu không tin. Nhưng những điều đó đôi lúc cậu cũng nghĩ, có thể đúng như vậy! Người ta còn nói rằng chính những cái "xe bay" bay trên trời cũng do con người chế ra từ nước. Theo họ cái gì cũng cần có nước. Vậy mà nước đối với cậu xưa nay chỉ là đồ uống, là nơi tắm giặt, giỡn đùa. Cậu ưng những trận mưa đầu mùa, nước tràn ngập khắp các khe núi. Cậu ưng ưỡn ngực chạy ngược chiều mưa xiên. Những lúc nhớ cha nhớ làng, cậu thường đứng thẫn thờ bên song cửa sổ thầm hát những bài hát cha cậu đặt lời trong chòi rẫy. Cái chòi rẫy và tiếng đàn tơ rưng nước, tiếng kèn sừng trâu mỗi lần cha thổi vang động khắp núi rừng. Cậu thèm ăn xâu thịt nướng bếp than và ngồi dưới thảm cỏ hoặc nằm ngửa trên thân một cây đổ giữa rẫy nhìn trời. Cậu khao khát nghe tiếng hú. Cậu phát cuồng lên mỗi lần nhớ tới những cuộc đi săn với bầy chó lao vào rừng như những mũi tên sủa vang. Tiếng người đi săn hùi chó. Những lưỡi dao loang loáng giơ lên chặt cây bắc giàn săn. Những mũi lao bay ra từ một giàn săn cao như những tia chớp chụp xuống con mồi. Tiếng beo éc kéo dài và những con heo rừng lớn lao hồng hộc, trên mình mang những cây lao ngập mũi. Cậu chợt giật mình tỉnh dậy khi mơ thấy tiếng chày giã gạo thì thụp đâu đó, tiếng củi trong bếp nổ tí tách và trong ánh sáng lờ mờ của ngọn lửa ngún khói, cậu nghe rõ tiếng cha cậu hát, những lời hát chỉ để cho chính ông nghe. Tiếng hát trầm đục nặng nề gợi lại thời trai trẻ của ông, thời dân làng Plei Mai từ vùng núi Chư Pơ Rông dời về lập làng sinh sống. Trong bài ca có nhắc tới một người đàn bà tay đeo đầy vòng, cổ đeo đầy vòng và cả chân cũng xúng xính những vòng đồng xinh đẹp. Đôi môi cô gái lúc nào cũng như có hoa Kao- thứ hoa màu hồng thắm, dịu dàng và tươi tắn. Cô gái đưa những ngón tay lên đầu và uốn mình múa những điệu múa mềm như ngọn lửa. Cô dệt vải, vải thơm, dệt hoa, hoa tươi, lá tốt. Cậu thường thấy trong mơ giữa những giấc ngủ chập chờn ánh chớp lóe lên chiếu sáng, những tia tơ nhện chăng đầy khe suối. Những trái pô pang óng ánh lớp vỏ ngoài như có bàn tay kỳ diệu vuốt nhẹ lớp lông tơ sáng chói. Cậu thấy những con ngựa gầy giương bờm hí vang đồng cỏ. Sau cơn mưa con gà trống rũ lông trước cửa chòi canh và ngợp trong những bụi cỏ sau nhà, cậu thấy những chú cào cào nhảy tanh tách, tiếng con tắc kè điểm từng tiếng một đâu đó. Và đêm đêm, cậu thẫn thờ đứng trên sân thượng căn lều lắng nghe như cố chắt lọc trong cái lặng phắc của không gian rùng rợn đêm rừng, bỏ qua những tiếng nổ cầm canh của súng đạn mà tìm nghe tiếng chinh chiêng. Cậu thầm trách cha đã đem cậu bán cho kẻ xa lạ như bán một con gà, con heo. Cuộc trao đổi ấy như có hẹn trước khiến cậu ngỡ ngàng. Và bàn tay mập ú của người vợ ông thầy cậu lại vuốt ve nhẹ nhàng lên mái tóc đỏ hoe của cậu như cậu đã từng vuốt lông con chó săn bé nhỏ của cha dưới chân cầu thang chòi rẫy với những cây nấm đủ màu. Cậu chợt ngửng lên và giật mình bắt gặp đôi mắt nâu dịu dàng và khuôn mặt trắng đến rợn người của "mẹ nuôi" người Tây. "Con đang nghĩ cái gì trong đầu con đó Rơ Mah Tenl?" Bà ta nói tiếng Gia Rai. "Bi thâu ố!"(1)- Cậu trả lời. Bỗng dưng bà "mẹ nuôi" dang rộng cánh tay trần trắng nõn ôm gì cậu bé vào lòng. Bộ ngực đầy ứ của bà ta dày vò cậu. Cậu giãy giụa điên cuồng bất lực. Và liền sau đ 52a9 ó, cậu phải chịu đựng một trận mưa hôn cuồng nhiệt của bà ta. Tiếng nấc từ trong ngực bà ta dồn lên và những giọt nước mắt bất thường rơi xuống mặt cậu. "Cho tôi được làm một người mẹ như những người mẹ khác"- Bà ta nói, không phải nói với cậu mà là nói với một đấng quyền lực nào đó. Cậu kinh ngạc nhìn lên và nhận thấy không phải bà ta thương yêu cậu giả dối. "Lạy chúa!" , bà ta nói. Rồi bà ta vuốt tóc cậu, gục mặt vào lòng cậu không nói một lời nào. Cậu ngồi thụt lùi còn bà ta chợt chạnh lòng bỏ ra ngoài, một lúc sau tới quỳ chân trước mặt cậu cầu nguyện lầm rầm. Cậu chợt rùng mình nhớ một lần sau bữa điểm tâm, ông chồng bà ta nói: "Vinh quanh của chúng ta thuộc vào sự trưởng thành của thằng mọi con"- "Nó khá hơn tất cả những đứa bé vùng này”- bà ta nói. “Nhưng nó phải được học, không thể nôn nóng được!"- "Ồ tất nhiên”, ông chồng nói.  “Người Pháp chúng ta không có truyền thống nóng vội, nhất là với các nước thuộc địa phương Đông"- "Cầu Chúa cho tôi được làm mẹ nó như những người mẹ chân chính...". Rồi không hiểu sao lúc ấy cậu lại nhớ cha cậu thường quỳ gối bên ghè rượu hát về thân phận vợ mình. Đầu ông gục vào ghè rượu, cần rượu vọt lên, vung ra những giọt nước trắng nhờn. Mái tóc màu khói của cha rối tinh rũ xuống. Ông tức tưởi hát, nhắc lại mối tình trắc trở của mình. Người vợ ông, cô gái Gia Rai xinh đẹp nhất vùng. Nhưng cái thời xinh đẹp của cô ông đâu có được bén mảng tới. Cô phải làm vợ bé thứ ba cho chủ làng Pui Bục. Đó là một lão già kỳ dị với cái mắt lé và chòm râu mọc không đều. Thân hình hắn nhỏ thó nhưng rắn chắc. Hắn có giọng hát trầm và thuộc nhiều bài hát cổ không ai bì kịp. Nhưng Rơ Mah H'Đênh lấy hắn không phải vì tình yêu mà vì hai chị cô đã lấy hắn và đã qua đời. H'Đài, chị cả của H'Đênh chết vì ăn phải cây nấm độc. H'Lin lấy hắn thay chị rồi chết sau khi sinh hai đứa con sinh đôi. Thế là H'Đênh phải ưng hắn, nuôi con cho các chị như tục nối dây người xưa truyền lại...

Rơ Mah Tenl thấy rất rõ cha cậu lặng lẽ hát và gục ngã dưới chân ghè rượu. Cô gái ấy như búp măng non mới nhú chiều chiều xuống suối lấy nước. Cái tẩu thuốc làm bằng ngà voi, to và dài của lão chồng cô luôn ghếch lên phía cửa sau căn nhà sàn để dõi theo bước chân buồn bã của cô vợ trẻ. Dưới suối có một chàng trai đang ngâm mình chờ cô. Chàng khỏa cho nước đục trêu chọc, nhiều lúc còn té nước lên bậc xuống suối khiến cô bước trơn, trượt ngã dúi. Những người làng thấy vậy đều để trong bụng, không nói gì. Họ biết rõ hai đứa ưng nhau. Cái bóng của cô gái gùi những trái bầu đựng nước khuất dần trên dốc còn chàng trai lặng lẽ lên bờ, đóng khố, gài rựa, cầm lao đi lên, miệng thổi kèn lá cây vơ vẩn. Thỉnh thoảng chàng rướn mình hú vang rừng khiến lão chủ làng tức sôi ruột. Lão biết hết những gì diễn ra cứ vào buổi chiều. Lão còn đếm được trong đầu con vợ trẻ của lão nghĩ gì. Nhưng lão vẫn ngồi hút thuốc để cho kỷ niệm về những ngày sống với hai chị H'Đênh hiện lên, khiến lão càng tức giận. Những nét mặt hiền lành, chịu đựng vào những lúc chờ nghe xem ý hắn muốn gì để lo chân chạy, tay làm. Những nét mặt thảng thốt khi nhận biết lão phật lòng, khiến lão thích thú. Rồi một hôm lão cầm con rựa mới mài tới bên H'Đênh đang phồng môi thổi lửa, nói lời ngon ngọt:

- Chiều tối nay mình ra chòi rẫy ngủ, có trăng đẹp...

H'Đênh ngửng lên nhìn chồng:

-Mình ra chòi rẫy uống rượu.- Hắn nói.

Cô lặng lẽ thu xếp hai tấm đồ hoa và những thứ cần thiết cho chồng. Cô đeo gùi, tay cầm ống đinh yơng vừa đi vừa thổi. Thằng chồng già của cô cầm rựa theo sau. Họ bước lặng lẽ. Còn chàng trai khi biết họ đã ra đi thì hú lên như con thú lạc đàn. Tiếng hú dội vào rừng sâu, truyền tới tai cả hai người. H'Đênh sững lại nghe còn Pui Bục thì gằm mặt tức giật. Bóng trăng bò lan từ ngoài rẫy vào rừng loang lổ. Cái chòi canh chập chờn trước mắt cô. Cô rùng mình dừng lại nghe tiếng hú lần nữa và đột nhiên cô cảm thấy như có một ánh chớp lóe lên phía sau gáy và cô rụt cổ lại. Con rựa của Pui Bục vừa vung lên, nhoáng qua vai cô. Cô ré lên như chưa bao giờ ré lên khủng khiếp thế. Cô biết chuyện gì vừa xảy ra và cô hất tung chiếc gùi, chạy như con thú bị thương vào rừng. Cô lao qua những mảng tối sáng và ánh chớp của con rựa phía sau cô vẫn nhoáng nhoàng cùng với tiếng thở hừng hực và tiếng rít trong họng của Pui Bục. Cô xé rừng chạy. Những nhát rựa rượt theo bổ xuống người cô, đầu cô, xé toạc tấm áo của cô. Cây rừng cũng xé tan tấm váy hoa của H'Đênh. Cô vẫn chạy và tiếng thở hồng hộc phía sau vẫn kiên trì đuổi theo, áp sát cô hơn. Cô vọt qua một thân cây đổ chắn ngang ngực và cô nghe rõ tiếng ngã của thằng chồng già cùng tiếng con rựa phập vào thân cây, rồi tiếng rên rỉ của hắn.

- Tôi chết rồi H'Đênh! - Hắn nói phía bên kia cây.

H'Đênh sững người lại, tựa vào thân một cây to thở.

- Tôi đứt hết hai ngón tay rồi H'Đênh! - Hắn nói qua hơi thở.

Và sau đó là tiếng rên, tiếng khóc của con thú!

Cô dòm qua kẽ hở phía dưới thân cây đổ. Một cái xác người nằm co quắp, con rựa văng sang một bên. Cô lao qua chụp nhanh con rựa và chợt thấy đầu tê cứng. Cô tựa lưng vào thân cây. Thằng chồng già của cô ngồi thu mình dưới gốc cây, ôm bàn tay bị thương. H'Đênh cảm thấy cái đầu cô dần dần nở to ra và hai tai cô đang xòe rộng giống tai voi. Cô chợt đưa tay lên đầu, giật mình chạm vào những món tóc bết máu. Và một vành tai cô đã không còn, miếng trái tai treo toòng teng trước vai. Máu! Chỗ nào cũng máu. Trên vai, trên đầu, sau lưng cô, chỗ nào cũng bị đầu mấu con rựa bổ vào. Cô run người định lao tới chém nát mặt thằng chồng già. Trong khoảnh khắc, hắn đã lao thẳng đầu vào bụng cô, ghì chặt cô dưới gốc cây. Bàn tay hắn bóp cổ H'Đênh nhưng cũng trong khoảnh khắc, ngón tay hắn thọc vào miệng cô. Cô nghiến răng và ngón tay ấy bị đứt trong miệng H'Đênh. Một tiếng ré nghe rợn người. Thằng chồng già của H'Đênh ngã vật xuống. Hắn quỳ gối lê chân van lạy cô. Hai khuôn mặt đầm đìa nước mắt của hai bà chị tội nghiệp của H'Đênh hiện lên và tiếng khóc van của họ sao mà thảm. Họ gục mặt xuống khóc bên xác thằng chồng già, cha của những đứa con họ. H'Đênh cầm rựa toan bước đi, nhưng chân cô không bước thêm được nữa.

- H'Đênh!- Tiếng thằng Pui Bục.- Tôi muốn giết H'Đênh.

- H'Đênh ơi, đừng giết chồng các chị- Khuôn mặt hai bà chị lại hiện lên- Đừng giết chồng các chị và cha của các cháu.

- H'Đênh! Em bước đi đi!

Trong đầu cô có tiếng u-u-o-o. Cái đầu tê cứng bướng bỉnh đang nở phình ra. Muôn ngàn trái cây đen ngòm như những tảng đá rớt xuống người. Cô gượng đứng lên, nhưng không nổi.

 Pui Bục nằm vật dưới gốc cây...

- Sao mày ưng làm vợ thằng K Pá Lới?- Hắn mấp máy môi. Còn H'Đênh thì không đủ sức gượng dậy. Cô ngất xỉu bên cạnh hắn.

H'Đênh tỉnh dậy khi thằng chồng già đã quấn hai vòng dây khố vào cổ cô. Cô vùng dậy nhưng không được. Hai cánh tay hắn như hai sừng trâu xiết vai cô xuống. Hắn ngồi trên bụng cô, nghiến răng:

- Tôi giết H'Đênh đây!- Hắn rít.

- Giết đi! Giết đi!

- Tôi không ưng thấy thằng K Pá Lới làm chồng mày.

- Giết đi! Giết đi!

Bỗng hai cánh tay hắn rã ra, buông xuống bụng cô. Hắn ngã nhào xuống không phải vì sự chống cự của cô gái mà có một mũi lao từ sau gốc cây bay tới, cắm vào lưng hắn.

Chàng trai ẵm cô gái đi xuống triền sông. Họ đi và đó là hạnh phúc của họ. Những vết thương của cô gái được chàng trai đắp lá. Những ngày tiếp theo của đôi trai gái ấy là những ngày tràn đầy hạnh phúc. Họ lên rừng và gặp dân làng Plei Mai, gặp Việt Minh.

Sau đó năm năm- K Pá Lới- người du kích ấy và H’Đênh đã sinh được cậu bé Rơ Mah Tenl . Mẹ cậu không may lại chết sau ba tháng nuôi con vì dịch bệnh.

 

*

*     *

 

Rơ Mah Tenl cất tiếng hát, giọng anh rè rè. Tôi dìu anh vào giường. Mới khi chiều, sau cuộc họp tổng kết hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh về, anh kể với tôi cuộc trao giải thưởng cho những diễn viên xuất sắc. H'Loanh được huy chương bạc. Cô nhận phần thưởng từ tay anh trao như là nhận sự chia tay hờ hững. Anh biết rằng đó là lỗi tại anh. Cũng ngay sau đó, khi bước vào nhà Siêu Yơng, vừa chạm môi vào ly rượu anh đã có cái dáng của người say. Chúng tôi vui vẻ, còn anh cứ tách dần ra. Anh bạn lớn tuổi nhất trong số chúng tôi là Y Bơ Rinh vừa được nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đã nhảy múa những điệu dân vũ mà thời trai trẻ các chàng trai và các cô gái Bah Nar, Gia Rai thường múa trong các dịp hội hè. Rơ Mah Tenl đã gạt Y Bơ Rinh ra, không cho anh múa và Y Bơ Rinh đã chiều người bạn có nhiều khúc mắc như là một sự ưu tiên không điều kiện. Rơ Mah Tenl đặt ly rượu trên bàn, đầu hơi nghiêng nhìn khắp lượt chúng tôi, rồi nói:

- Làm cái gì mà múa may ở đây? Không có múa may gì hết! Ngày xưa cha chúng ta làm cách mạng không phô như chúng ta bây giờ. Cha tôi bán tôi cho kẻ thù không phải để sau này tôi làm gì tùy thích, không phải tôi muốn ở trong nhà thằng Tây ấy đến bao giờ tùy thích. Tôi cũng không thể thích đi theo nó sang nước nó để rồi sau này trở thành tay sai cho giặc...

- Thế hồi ấy vì sao anh lại thoát khỏi tay vợ chồng ông thầy người Tây thực dân ấy? - Y Bơ Rinh ngồi xuống  bên anh, hỏi.

- Người ta cho xe tới đón tôi, bảo tôi về quê để chào bà con rồi sang Pháp học.

- Và sau đó anh trốn? - Tôi hỏi.

- Hồi ấy tôi biết gì mà trốn? Tôi lại bị người ta trói dẫn vào rừng cùng với bác Kơ Sor KNin, ông giáo, bạn cha tôi, người nhận mua tôi cho người Tây, và là phó chủ tịch mình bây giờ đó.- Anh khoái trá cười.

- Rồi anh ra tập kết?- Tôi hỏi.

- Chớ sao.- Anh trả lời.

Chúng tôi lại trở về không chí chan hòa, vui vẻ, nói đủ thứ chuyện từ ngày xa nhau. Theo sáng kiến của Y Bơ Ring mỗi đứa phải kể chuyện "mối tình đầu" của mình cho vui ngày sum họp. Tất nhiên là tôi và Y Bơ Rinh sốt sắng kể trước. Đến lượt Rơ Mah Tenl, anh huơ huơ ly rượu đề nghị cụng ly, rồi nói:

- Ngày ra Bắc, cấp trên cho mình đi học nước ngoài, mình không ưng. Mình cứ bị cái cảm giác sợ hãi sau khi xem một bộ phim nào đó, tuyết phủ đầy rừng núi. Những con người sống trên tuyết thật dễ sợ. Đối với mình lúc ấy, ra nước ngoài là thế, là sống trong tuyết lạnh.

- Thế anh học trong nước?- Tôi hỏi.

- Ừ, mình học văn hóa không đến nỗi tồi. Lại có cái vốn tiếng Pháp, mình được bạn bè coi là ngôi sao sáng triển vọng. Thầy dạy mình là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng. Ông theo sát mình từ những năm đầu bước vào trường đại học. Ông rất nghiêm khắc đồng thời cũng rất ưu ái mình. Thậm chí ông đã tạo điều kiện cho mình và cô Thuận, giáo viên cấp ba một trường ngoại vi thị trấn Phủ Lý, học trò cũ của thầy, yêu nhau. Những năm tháng giặc Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt nhất, mình làm luận văn và thường lặn lội về Phủ Lý bằng cái xe đạp "con trâu" của mình. Thực ra mà nói, Thuận chủ động yêu mình trước. Hồi cô ấy còn học sư phạm năm cuối, chúng mình gặp nhau ở thư viện quốc gia. Rồi đi sơ tán, rồi lại về Hà Nội, có thể nói tuần nào hai đứa cũng gặp nhau. Thuận thích nghe mình kể chuyện miền Nam, nơi mà mình đã  lớn lên như một tên nô lệ, dân tộc mình sống lang thang... Mình cũng chỉ biết nói thế, vậy mà cô ấy khóc. Hai đứa đang ngồi trên ghế đá bờ hồ... cô ấy ngả đầu vào lòng mình khóc. Mình sợ quá vùng bỏ chạy! Tại sao lại yếu đuối thế? Mình tự hỏi. Người đoàn viên thanh niên lao động mà mới nghe kể chuyện đã khóc! Rồi chúng mình lại làm lành với nhau. Làm lành với nhau để rồi lại giận dỗi nhau như thế. Đi chơi với nhau, giữa ban ngày ai lại cứ đòi nắm tay? Mình nói phải giữ tốt tác phong, đi gần nhau, nói chuyện đứng đắn, đàng hoàng! Và thế là cô Thuận lại giận mình...

Chúng tôi cùng phá lên cười, anh cao hứng, kể tiếp:

- Cô Thuận về nhận công tác tại Phủ Lý. Mình đưa cô ấy về tận nhà. Cứ ở gần nhau là thắc mắc nhau. Mà xa nhau thì lại nhớ, lại thương, lại tìm đến với nhau. Có lẽ đó là tình yêu. Mình cứ nghĩ rằng ra trường thì hai đứa sẽ cưới nhau thôi. Nhưng cuối cùng chính mình đã làm hỏng cuộc đời mình. Hôm tổng kết năm học cuối cùng xong, mình lao ngay về Phủ Lý. Trời rét tím người nhưng mình đâu có để ý. Khi gần tới nơi thì gặp chị Lý dạy cùng trường với Thuận đi họp về. Chuyện trò huyên thuyên không biết thế nào, có một câu chị Lý bảo với mình thế này: Anh Tenl ạ, cái Thuận nó bảo nó rất yêu anh. Nhưng thỉnh thoảng nó lại than "giá mà anh Tenl trắng trắng tý nhỉ!..."

Mình phanh kít xe đạp lại, nhảy xuống đường. Chị Lý cũng dừng xe. Mình hỏi:

- Thật thế không?

- Thì nó cũng ước ao chính đáng,- Chị Lý nói.- Nó vẫn mê anh lắm. Không phải nói thế là thay lòng đổi dạ đâu.

Minh quay xe nói với chị Lý:

- Dân tộc tôi thế, không phải tôi sợ đen mà không lấy được vợ đâu.

Thế là mình đạp xe quay về Hà Nội. Chị Lý mải mốt đạp theo, gọi mình nhưng mình không quay lại! "Làm cái gì quay lại”  mình nghĩ. “Một lời nói là rõ trong lòng rồi. Người ta không tính toán thì ai nói thế?..." Mình về Hà Nội, cứ nghĩ thế nào mai mốt cô Thuận cũng lên. Nhưng một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, không thấy lên, cũng không có tin tức gì. "Người ta không ưng ta thật”, mình lại nghĩ. “Vậy thì thôi nhé!"

- Một thời gian sau mình gặp H'Phich, anh tiếp. Cô ấy là chiến sĩ thi đua của quân khu. Một du kích Gia Rai diệt Mỹ xuất sắc, được ra Bắc tham quan và an dưỡng. Chúng mình gặp nhau ở cuộc họp mặt đồng hương. Mình dẫn H'Phich đi xem Hà Nội và chúng mình đã ưng nhau. Mình xin cấp trên cho cưới trước khi về miền Nam. H'Phich bảo để về tới niềm Nam sẽ cưới và mình đồng ý. Chúng mình được cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cùng vào một chuyến. Đến trạm K3 thì cùng được phân về huyện Sáu quê nhà. H'Phich trở lại với nhiệm vụ du kích của H'Phich. Mình trở lên tỉnh đội học tập chính trị, quân sự thêm một thời gian. Cưới nhau rồi xa nhau...

- Mình quyết định rồi,- Anh đột nhiên vỗ mạnh vào vai tôi.- Em ạ. Chúng ta được ăn học rồi trở về lại quê hương núi rừng của chúng ta. Anh phải về với H'Phich và phải làm đúng cái việc của mình, như bạn bè và các thầy cô ở Hà Nội bấy lâu vẫn trông chờ.

Tôi bắt tay anh và chúng tôi cùng nhảy múa. Sự việc là như thế. Rồi ngày mai ra sao, đối với Rơ Mah Tenl, chưa bao giờ anh nói mà không thực hiện đúng như lời nói của mình.

 

Plei Ku- 1984

 



1. Bí thâu ô- Tiếng Gia Rai: Không biết!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86873


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận