Lần nào trở lại Gai Lai công tác tôi cũng tìm gặp Tự Duy và Rơ Chăm H’BLiêng. Vốn Tự Duy và tôi đều là nhạc sĩ và nhạc công “bất đắc dĩ” của đoàn văn công xung kích tỉnh nhà thời chống Mỹ. Còn H’BLiêng là ca sĩ nổi danh được học chính quy bài bản từ miền Bắc bổ sung vào. Chúng tôi thường dựa theo các làn điệu dân ca Bahnar và JRai, đặt lừi mới cho H’BLiêng hát. Tự Duy chơi đàn ghita và đàn goong khá giỏi. Còn tôi thì chỉ có mỗi cái tài là hát theo, đệm đàn theo, ấy vậy mà cũng nên trò...
Bao nhiêu lần gặp nhau là bấy nhiêu lần chúng tôi tổ chức uống rượu cần ở nhà H’BLiêng, rồi cùng nhau thả sức “hồi ký chuyện ngày xưa”, thả sức hát những bài hát do chúng tôi “tối tác”. Chúng tôi hay gọi vui những bài hát một thời của mình, được sáng tác theo kiểu du kích là “tối tác”. Rồi sau mỗi lần thế nào chúng tôi cũng lại hẹn nhau: Bao giờ có dịp cả ba anh em cùng về Yaly, trở lại thăm ngôi làng của H’Piar, một “ca sĩ bất đắc dĩ” nhưng H’Piar nổi tiếng hơn tôi và Tự Duy vì cô có một giọng hát đặc sắc và khỏe, cô có thể “ngân một phát từ đất lên đến trời”, theo cách đánh giá của anh em bộ đội thời bấy giờ. H’Piar đã về làng cùng thằng Rook và thằng Seek, hai đứa con sinh đôi của cô. Đó cũng là kết quả của mối tình ly kỳ của cô với anh Hoàng. Từ sau ngày giải phóng, đội văn nghệ của chúng tôi giải thể, anh Hoàng ra Bắc, chúng tôi cũng mỗi đứa mỗi nơi, chẳng ai liên lạc thường xuyên được với ai, đặc biệt là anh Hoàng, chẳng ai biết anh ở nơi đâu mà tìm!
Thoắt cái, thế mà đã non hai chục năm trời!
H’BLiêng thấy tôi và Tự Duy tới, cô mừng quá đấm thùm thụp vào lưng cả hai anh em rồi mắng yêu tôi:
- Anh Bình lười như con cóc.
Tôi trả miếng:
- Còn H’BLiêng, mày lười như con mèo hen!
Tự Duy cười bảo:
- Con cóc và con mèo thương nhau lắm đấy.
Cả nhóm anh em chúng tôi, may mà có Tự Duy nhỏ bé loắt choắt, nhưng lại tháo vát. Gần hai chục năm bươn chải sau ngày tứ tán, giờ đây anh đã có trong tay tới dăm bảy nghề, cuối cùng trụ lại ở cái nghề chẳng ai nghĩ tới, ấy là sản xuất nước đá. Tuy lò của anh không lớn lắm nhưng cũng vào hạng có tên tuổi ở phố núi này, thành ra, chuyến đi hôm nay của ba anh em được Tự Duy xung phong “bao trọn gói”. Anh có một chiếc xe con, nói vậy cho oai, thực ra đó là một chiếc Đôts bóc mui, khi cần anh úp cái mui tự chế của anh vào, nom bề ngoài thì cà rịch cà tang, nhưng máy móc đồ nghề bên trong còn nghiêm chỉnh lắm. Thêm nữa, nhìn Tự Duy ngồi lọt thỏm trong cái ghế bố, lái cái xe của anh, quả là cái xe mới hoàn chỉnh, đồng bộ làm sao! Tay lái của Tự Duy thì khỏi nói, còn mềm, còn điệu bộ ngoạn mục hơn cả khi anh múa trên phím đàn goong, đàn ghi ta gỗ.
*
* *
Làng PLeiA của H’Piar cách thác Yaly không xa. Đó la một ngôi làng bé nhỏ nhưng khá khang trang. Bà con đã biết cách làm ăn theo kiểu mới, nghĩa là đã định canh, định cư, xây dựng được cho mình một cánh đồng lúa nước. Chúng tôi náo nức đố nhau xem ai chỉ trúng nhà H’Piar trước. H’BLiêng đã thắng. Cô đi thẳng từ chỗ đỗ xe ngoài cổng làng tới ngôi nhà nhỏ xinh nhất. Cửa đóng. Cô không do dự tháo dây buộc cửa và chúng tôi cùng vào theo. Mẹ con H’Piar vẫn sống đơn giản quá: một cái giường đôi, một cái giường một ở hai phía. Gian giữa là bếp lửa, xung quanh vách nhà treo vài thứ dụng cụ làm rẫy, làm ruộng. Vài ché rượu và vài cái gùi chứa đồ dùng xếp trong xó nhà. Trên vách gian giữa treo hai cái đàn goong và cây đinh yơng đã cũ. Nhìn hai cây đàn goong tôi chợt nghĩ, thế là thằng Rook và thằng Seet đã là những chàng trai JRai thực thụ rồi. Liệu các cháu tôi có được học hành gì không? Tôi thầm trách anh Hoàng. Bao nhiêu năm rồi, sao anh không quay vào tìm con? Đành rằng nơi đây là rừng núi xa xôi, nhưng nơi đây anh và chúng tôi có biết bao kỷ niệm đẹp thời trai trẻ. Giờ này anh Hoàng đang ở đâu và cuộc sống của anh thế nào? Sao anh không quay về tìm con?
H’BLiêng và Tự Duy quyết định ra ruộng, ra rẫy tìm mẹ con H’Piar ngay. Tôi lặng lẽ mắc võng chéo trên hai cái giường một của hai thằng cháu nằm, không phải để ngủ, để nghỉ, mà để nhớ lại những năm tháng mấy anh em chúng tôi cùng nhau hoạt động. Cái thời tôi và Duy, một đứa mới từ Bắc vào, một đứa từ đồng bằng mới nhảy núi lên. Hai cậu lính thư sinh cùng bị sốt rét phải nằm nhà, anh em đơn vị đi chiến dịch hết. Nằm nhà buồn, lại đói, thế là chúng tôi rủ nhau khoác gùi vào rừng kiếm cái gì “tư tỏi”. Vào rừng chưa có kinh nghiệm nên chẳng biết kiếm gì, hai đứa tôi gặp rẫy đồng bào, nhìn những trái thu đủ chín ươm đầy quyến rũ, tôi liều lĩnh trèo lên tính hái vài quả về ăn chơi. Không may đúng lúc ấy có tốp du kích đi đâu đó về bắt gặp, họ tóm được quả tang chúng tôi đang ăn cắp, liền giong hai đứa về gần thác nước, nhốt vào hang đá, rồi cho người về đơn vị báo. Anh Hoàng hồi ấy đã là lính cũ, nghe tin liền xin phép thủ trưởng đến cứu chúng tôi. Anh nổi tiếng là người nói tiếng Bahnar như người Bahnar, nói tiếng JRai, như người JRai. Chẳng hiểu anh giải thích thế nào mà du kích không những tha cho chúng tôi về, lại còn cho thêm thu đủ, thêm cả mía và chuối nữa. Rồi anh bảo:
- Chúng mày không học tiếng đồng bào, có ngày chết oan.
Tôi nhớ hôm ấy tôi và Duy sợ đến tái người. Tôi chỉ biết khóc, mong được đồng bào thương. Nhìn Tự Duy bé choắt, da xanh rớt, khóc không thành tiếng, tôi phải nhắc:
- Khóc to to lên... Tao sợ lắm!
Duy run lẩy bẩy, mếu máo bảo tôi:
- Chết mất anh Bình ơi. Làm sao bây giờ?
Rồi gì nữa nhỉ? Hôm ấy anh Hoàng bảo chúng tôi, trước đây anh là lính chủ lực, sau bị thương ở cánh tay phải, không cầm súng được, nên mới xin về đây, không ra Bắc vội. Anh muốn ở lại phấn đâu đạt “nguyện vọng”, tức là vào Đảng, rồi mới về quê. Anh trở thành thần tượng của tôi và Tự Duy từ ấy. Chính H’BLiêng là do anh Hoàng lên tận Mặt trận đưa về, còn H’Piar thì do anh phát hiện từ trong buôn làng rồi rút lên. Tôi và Duy được ghép luôn vào khi anh thấy Duy đánh đàn ghi ta khá giỏi, tôi cũng có chút vốn còm về âm nhạc nhờ hồi còn học phổ thông đã được theo lớp bồi dưỡng sáng tác nghiệp dư ở tỉnh. Đội văn nghệ xung kích của chúng tôi mới đầu chỉ có thế. Rồi trong quá trình hoạt động tuyển thêm vài anh chị em nữa. Anh Hoàng dạy chúng tôi hát bài hát tiếng JRai, tiếng Bahnar và cả hát chèo, hát dân ca ba miền, đặc biệt là hát bài chòi. Ngày thường chúng tôi vừa lo sản xuất, vừa lo tập tành, khi có chiến dịch thì khoác súng, ôm đàn, đeo gùi xuống đơn vị bộ đội, vào ấp, phục vụ theo yêu cầu của anh em bà con. Có chúng tôi bộ đôi, đồng bào dù vất vả nhưng cũng nhiều phấn khởi, nói theo cách nói của chúng tôi hồi bấy giờ. Những bài hát tiếng Bahnar, tiếng JRai do anh Hoàng sáng tác, do cả tôi và Tự Duy sáng tác cứ thế mà được truyền lan khắp vùng.
Chúng tôi hát cuốn cả ấp Kồ, ấp PLeiDịt. Một thời tiếng hát, tiếng đàn của chúng tôi đúng là át cả tiếng bom đạn thù!
Vậy mà sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cái ngày huy hoàng nhất của những người lính chiến thắng từ trên rừng xuống, chúng tôi háo hức biểu diễn, khi ở rạp hát lớn, khi xuống đơn vị, về buôn làng, tuyển thêm diễn viên, sắm thêm nhạc cụ, phông màn. Cứ ngỡ trên đà phát triển ấy, đội chúng tôi sẽ thành đoàn ca múa nhạc có tên tuổi trong khu vực. Anh Hoàng ra sức dàn dựng chương trình. Tôi và Tự Duy hăm hở sáng tác. H’BLiêng và H’Piar hát ngày, hát đêm, hát bất cứ lúc nào khi có khán giả yêu cầu. Tới đâu chúng tôi cũng được bộ đội, đồng bào mến mộ. Vậy mà chỉ được đúng một năm, đang đà sung sức thì có lệnh ngưng hoạt động, giải thể vì chúng tôi không còn phù hợp với nhiệm vụ giai đoạn mới nữa!
Thế là phải xa nhau.
Số anh chị em mới tuyển, được chọn đi học tiếp. Còn số cũ như anh Hoàng, tôi, Tự Duy và H’Piar thì chẳng có bằng cấp gì, tùy ai nấy lo chạy xin việc, hoặc chuyển ngành, hoặc về quê. Buồn chán đến bơ phờ, thậm chí chúng tôi bất mãn ra mặt, nhưng sự thể đã đến nước này, biết làm thế nào?
Những ngày chờ đợi ra quân, chờ đợi chuyển ngành thật rã rời. Mưa suốt ngày mưa. H’BLiêng dù sao cũng có cái bằng trung cấp trong tay, lại lấy được anh chồng làm đến chức phó ty, nên cô theo chồng về ty là ổn. Anh Hoàng và H’Piar bộc lộ tình cảm với nhau ra mặt, không cần giấu giếm như hồi còn ở trong rừng. Hai người công khai ăn ở với nhau trong một căn phòng như vợ chồng. Thì ra họ đã yêu nhau lâu rồi mà tôi đâu có biết. Chúng tôi ủng hộ tình cảm của hai người, nhưng không tán thành lối sống tự do ấy, thành thử chính tình cảm của mấy anh em chúng tôi cũng cứ xa nhau dần!
Một hôm H’Piar tới bảo tôi:
- Anh Bình ạ. Mình yêu anh Hoàng. Anh Hoàng nó cũng ưng mình. Mình muốn cưới nó quá.
Tôi hỏi:
- Ý anh Hoàng thế nào?
- Nó ưng ra miền Bắc rồi cưới. Mình sợ đi xa lắm!
Thực ra anh Hoàng rất muốn chuyển ngành, nhưng vì một lời nói không tế nhị của ông trưởng phòng tổ chức cái cơ quan mà anh xin ra, khiến anh tự ái. Anh quyết về quê. H’Piar đòi theo. Anh đồng ý. Nhưng không hiểu nghĩ thế nào, lúc ra xe, H’Piar lại quay trở về, bỏ mặc anh Hoàng nài nỉ...
Cô vừa khóc vừa nói với tôi:
- Em thương anh Hoàng quá. Nhưng em không dám đi xa... Thôi, em ở đây chờ anh Hoàng ổn định rồi anh Hoàng vào...
Cô chờ anh Hoàng một tháng, hai ba tháng. Rồi biết mình lỡ, đành xin về quê sinh đẻ, nuôi con.
Hồi ấy chúng tôi trách anh Hoàng không còn lời nào nữa!
Và giờ đây tôi vẫn còn trách anh. Tôi không thể hình dung được, con người ta lại có thể dễ dàng quên đi những kỷ niệm máu thịt của chính mình. Nhất là những giọt máu, giọt mồ hôi thời trai trẻ.
*
* *
Tôi ra ngồi sàn cửa ngóng các bạn tôi về. Chiều cao nguyên chập chờn tắt. Gió hây hẩy chạy trên những tán cây ngoài bìa làng, Có tiếng heo éc, tiếng gà mẹ gọi con xao xác, tiếng người cười nói và tiếng mõ bò, tiếng chó sủa. Đâu đó nghe xa xa như có tiếng thác nước chảy. Mùa này Ialy tha hồ gào thét vì nước cạn. Tôi chợt thấy có hứng liền chui vào nhà lấy cây đàn goong ra gẩy. Cái thời anh Hoàng dạy tôi gẩy đàn goong, múa đàn goong đâu rồi? Tôi sững sờ nhận ra cây đàn này vẫn là cây đàn của anh thuở ấy. Anh dùng mũi dao găm khắc tên mình lên thân đàn, chỗ eo thắt vào của quả bầu, nét chữ xiêu xiêu. Thế ra lâu nay H’Piar vẫn còn giữ vật kỷ niệm này của anh, mặc dù dây đàn đã lỏng. Tôi quay vào, treo cây đàn trở về chỗ cũ rồi lững thững ra sân. Bà con dân làng đã bắt đầu lục tục về. Lũ trẻ nít trèo cả lên xe của Duy nghịch. Tôi chợt nghe tiếng hú rồi tiếng gọi của H’Piar:
- Ơ anh Bình! Tưởng anh quên em rồi chớ?
Tôi chạy lại. H’Piar và H’BLiêng ríu rít đặt gùi, ríu rit trò chuyện với nhau. Tôi nắm chặt bàn tay chai sần của H’Piar, nói vui:
- Quên rồi, nhớ mà làm gì? Thế lũ nhóc đâu?
- Chô cha, lớn hung rồi, không còn nhóc nữa đâu.- H’Piar nói.- Nó đưa chú Duy lên thác rồi. Anh có ưng lên thác tắm thì lên đi.
Tôi thích gặp hai cháu, trông thấy chúng ngay vào lúc này, và tôi đứng trên sàn cửa bụm tay hú. Một lúc sau có tiếng hú đáp lại.
H’Piar giật áo tôi, nói:
- Anh Bình trẻ lâu quá đấy!- Giọng cô chùng xuống nhưng rất rõ.- Em già hung rồi!
Quả thật, tôi không thể hình dung H’Piar lại thế này, mặc dù tôi vẫn nghĩ cô sẽ già đi, nhưng không phải già đi để thành một bà già lam lũ đến xót xa thế này. Tôi nói lảng:
- Tối nay anh em mình phải kiếm ghè rượu thật to, phải uống hết cho say đấy nhé.
- Mười ghè cũng có anh Bình ạ- H’Piar nói. Không ai uống cạn được nước Ialy đâu mà anh Bình phải lo.
Cái cách nói, cách diễn đạt tiếng Kinh của H’Piar vẫn y hệt ngày xưa.
H’BLiêng tiếp lời bạn:
- Hôm nay cho anh Bình, anh Duy uống say để hai anh hát lại những bài hát cổ. Anh còn nhớ câu chuyện chàng Rook chàng Seek, hai anh em sinh đôi cùng yêu nàng Ly không?
- Nhớ chớ sao không?
Tôi nói đại. Thực ra bài hơri ấy hồi xưa tôi học được lõm bõm vài đêm nhờ anh Hoàng dẫn vào làng nghe già Rơ Chăm Yỡn hát kể, bây giờ làm sao nhớ hết?
H’Piar vừa chụm lửa vừa nói:
- Hai thằng con em có tên Rook Seek là nhờ hồi sinh cháu xong, em nhớ anh Hoàng quá. Em cứ khóc hoài mỗi lần nhớ anh ấy hát hơri vừa đúng vừa sai, anh Hoàng bịa thêm vào nhiều đoạn tức cười lắm!
Tôi cuốn võng cho rộng chỗ, chợt cảm thấy nao nao buồn. Giá giờ này có anh Hoàng ở đây! Không rõ bao nhiêu năm qua anh sống thế nào? Có lúc nào anh nhớ lại và có dịp hát những bài hát cổ thời trai trẻ anh rất chịu khó sưu tầm? Tôi thoáng thấy H’Piar vơ vội bộ đồ mới từ trong gùi rồi chạy đi đâu đó chắc là để thay. H’Piar vốn là cô gái rất ham ăn diện, thế mà bây giờ cô phải mặc cái váy vải thô, cái áo vải thô. Bao nhiêu năm qua rồi còn gì? Tuổi chúng tôi chưa phải đã già, nhưng không còn trẻ nữa. Không còn trẻ nữa! Chỉ có câu chuyện về nàng Ly và anh em nhà Rook Seek là trẻ mãi thôi. Trẻ từ thời khai thiên lập địa cho đến bây giờ. Rồi sẽ còn trẻ mãi cho đến muôn đời con cháu. H’Piar như là bà mẹ của hai thiên thần ấy. Cô đẻ cho anh Hoàng một lúc hai đứa con trai, đặt tên con theo tên các thiên thần trong truyền thuyết. Bao giờ xuất hiện nàng Ly hiện đại cho hai cháu tôi được yêu, được trổ tài với đất trời? Có tiếng xe máy rú ga rất dữ rồi tắt lịm. Tôi thò đầu ra khỏi cửa và thấy một chàng trai cao lớn đèo một chàng trai cao lớn khác, còn Tự Duy thì kẹt ở giữa. Đúng là thằng Rook và thằng Seek con anh Hoàng đây rồi. Trời ạ, giá tôi có được hai thằng con thế này! Tôi nhảy ào xuống sân, ôm choàng lấy hai cháu. Chúng nó cười cười vỗ vỗ vai tôi rồi chỉ cho tôi biết đứa nào là Rook, đứa nào là Seek.
Đã có vài người gùi rượu tới cho nhà H’Piar tiếp khách. Khách quý của H’Piar cũng là khách quý chung của làng, đó là phong tục. Tối nay uống rượu ở nhà H’Piar, rồi sau đó chuyển lên nhà rông uống nữa. Uống xong rồi múa hát, không phải khách nhà ai mà để cho riêng một mình tiếp đâu.
*
* *
Biết có ca sĩ nổi tiếng thời chống Mỹ H'BLiêng và lũ văn công cũ về, dân làng mừng vui đem rượu cần tới xếp từ trong nhà ra ngoài sân. Lũ thanh niên con gái ai nấy diện bộ đồ đẹp nhất của mình. Cà làng rộn lên như có hội. Tôi không ngờ bà con vẫn nhớ chúng tôi, thương chúng tôi như ngày nào. Thằng Rook và thằng Seek diện quần bò, áo ful rất mốt. Mẹ nó mặc luôn bộ áo váy mới tinh do H'BLiêng vừa tặng. Nhìn ba mẹ con cháu xúng xính áo quần, xúng xính niềm vui, tôi cao hứng đứng trên giường làm sân khấu hát luôn bài
Tôi và Tự Duy như trẻ lại. Chúng tôi kéo tay chàng Rook, chàng Seek của chúng tôi nhào xuống sân làng, cùng uống chung can rượu cần với lũ thanh niên, cùng múa hát với họ. Tôi gia nhập đội ching chiêng, đánh điệu chiêng đón khách. Rồi tôi múa đàn goong, tôi nhảy nhót với người này, la hét với người kia. Tôi uống không tiếc sức mình. Một can, hai can, ba bốn năm can. Rồi tiếp tục hát, tiếp tục nhảy múa, la hét. Tôi không biết tôi say từ lúc nào, đến khi tỉnh mới nhận ra Tự Duy cũng đã say mèm. Thằng Rook và thằng Seek bế hai ông chú hư, quẳng vào giường của chúng khi đêm. Rồi chúng lại tếch đi. Chúng nó mải đi vui hát múa với các nàng Ly của chúng trên nhà rông rồi. Đêm ngoài kia sáng rờ rỡ, vẳng đâu đó có tiếng thác reo dồn, tiếng thác reo tựa hồ tiếng vọng của hồn sông nước từ thời xa xưa truyền lại. Tôi mang mang tỉnh, cảm thấy trên nền của tiếng thác reo là tiếng hát kể âm i, tiếng đinh yơng chập chờn, tiếng búng rộn ràng trên những dây thép của đàn goong. Rồi lại im lặng. Rồi lại bỗng trào lên. Âm thanh đinh yơng cứ mập mờ đâu đó, vừa gần gũi, vừa xa vời rồi trở lại lắng xuống, sâu hun hút của cõi lòng người. Tôi ngóc đầu dậy, cảm thấy mát lịm bàn tay H’Piar khi cô đưa cả cánh tay trần ra đỡ sau gáy rồi đặt bầu nước vào miệng cho tôi uống.
- Chô! Anh Bình hư quá. Uống say gì mà say dữ.
Cô nói và rút tay ra khỏi gáy tôi. Tôi nằm im thin thít, cố lắng nghe tiếng vọng của đinh yơng. H’BLiêng đang thổi đinh yơng đấy! Nó dang khơi dậy trong lòng nó, trong lòng các bạn những kỷ niệm vui buồn thời son trẻ. Thuở xa xưa cũng trên mảnh đất này, nàng Ly cũng thức thâu đêm thổi đinh yơng, thay lời tâm sự cùng anh em nhà Rook Seek. Sao anh em nó cái gì cũng có thể nhường nhau, cái gì cũng lo được cho nhau, thương nhau nhiều hơn đá núi, cùng nhau lên rừng bắt con cọp, xuống thác bắt con cá chình, cùng nhau bắn gãy cánh con chồn bay, con rắn độc, vậy mà tình yêu với nàng Ly thì lại không ai nhường cho ai được cả! “Ơ anh Rook, em ưng chặn dòng nước Sê San lại quá!”, nàng Ly vừa nói xong, chàng Rook đã oằn lưng, vươn sức trai trẻ lên tận núi Nhà Trời. “Rầm” một cái, đỉnh núi chuyển mình khi vai chàng vừa ghé vào. Núi lở, lấp dòng Sê San. “Ơ anh Seek, em ưng khơi lại dòng cho nước Sê San chảy ngược về hướng Tây quá”, nàng Ly lại nói. Thế là chàng Seek oằn lưng, vươn sức trai trẻ lên tận đất Nhà Trời, chỉ một lằn chớp xé ngang chân núi, tiếng núi nứt, đá lở rầm rầm rồi dòng Sê San vừa bị lấp bây giờ uốn mình vươn lên hướng núi phía Tây, chảy ào ào dưới chân dãy núi lớn bao đời khô khát. Bây giờ có nước thật rồi!
Ôi, tình yêu! Tình yêu không phải là cái gì có thể chia sẻ được. Nhưng tình anh em máu mủ cũng không thể tranh giành! Hai anh em chàng Rook và Seek dường như cùng một lúc hóa thành hai hòn núi lớn đứng sừng sững hai bên bờ dòng Sê San, bên này là núi Rook, bên kia là núi Seek, còn nàng Ly thì ngả mình phơi giữa hai đỉnh non cao ấy, thành ra con thác này đây.
- Ơ em Ly
anh lấp dòng Sê San
anh ngăn nước sông lớn lại
vì tình yêu
vì em đấy!
- Ơ em Ly!
anh khơi nước
anh chuyển nước cho chảy ngược dòng
vì tình yêu đấy!
- Thôi thì anh bên này sông hóa thành núi đá!
- Thôi thì em bên này sông cũng hóa thành núi đá!
thế là hai anh canh cho em xõa tóc
đời này sang đời khác
cho bắp vế em trắng không bị gai xước
anh thương thằng Seek
bằng nhau anh thương anh.
- Ơ anh Rook
chúng mình chung nhau nhúm nhau
mình thương nhau nhiều
mình có tài nhiều
sức khỏe anh
sức khỏe em
dời núi
lấp sông
mình cùng yêu nàng Ly
mình không đánh nhau vì nàng Ly
vì tình yêu
em sẽ chết trước thành núi Seek nhé
anh chết sau em thành núi Rook nhé...
Nàng Ly không thể bắt hai người thành chồng mình. Đêm đêm nang nằm bên đống lửa thổi đinh yơng. Âm thanh đinh yơng vọng đến tai Rook, Rook biến thành người ngẩn ngơ, xách ná lên rừng, lên núi phía Tây, hóa thành chàng trai bằng đá. Tiếng đinh yơng vọng tới tai Seek, Seek cũng hóa thành người ngẩn ngơ, xách ná lên đỉnh núi phía Đông, hóa thành chàng trai bằng đá. Rồi nàng Ly nữa, sau khi chuyển được dòng sông chảy ngược lên phia Tây rồi, nàng trút hết váy áo, dang tay, xõa tóc cho nước chảy tràn lên khắp cơ thể mình. Người sau gọi nàng là thác Yaly đấy.
đố ai lên được Chư Rook
đố ai lên được Chư Seek
chỉ có nàng Ly ở giữa hát bài hát mềm
chỉ có nàng Ly là lên được thôi
ơ Rook!
ơ Seek!
trên đỉnh núi có chông thò nhiều à?
có nhiều bẫy đá à?
có nhiều cọp beo?
- không có gì đáng sợ đâu
chúng tôi canh giữ cho nàng Ly đấy
kẻ nào làm nàng Ly mất ngủ
chúng tôi không để yên đâu
chúng tôi không để yên đâu!...
Tôi sững sờ ngừng hát. Đúng là tôi đã ngồi dậy và tôi hát bài hát ấy. Thằng Rook, thằng Seek bằng xương bằng thịt ngồi hai bên tôi đây. Cả Tự Duy, H'BLiêng và H’Piar cũng đang cùng ngồi quanh tôi, quanh ghè r 1010 ượu cần, nghe tôi hát bài hát cổ. Tôi không giải thích nổi vì sao lúc ấy trí nhớ của tôi lại sáng láng làm vậy. Tôi gục đầu vào vai thằng Rook, nó khẽ nghiêng người ngả về phía tôi rồi lặng thinh hút rượu. Tôi ngả đầu sang vai thằng Seek, nó nắm bàn tay tôi vuốt vuốt. Tôi kéo ghì hai cháu tôi vào lòng, ngẫu hứng hát lên:
- Ơ thằng Rook, con của mẹ H’Piar
- Ơ thằng Seek con của mẹ H’Piar
chúng mày phải bắt vợ là các nàng Ly thôi
Mỗi đứa một nang
mai mốt chú về uống rượu
chú hát lại bài hát cổ về chàng Rook và chàng Seek yêu nàng Ly thế nào cho chúng mày nghe
mai mốt con chúng mày lớn lên
chúng mày còn phải hát
phải kể
cho chúng nghe chớ
ơ hai thằng cháu của ta
Đừng để ta giận, ta buồn đấy nhé.
Tôi cảm thấy hẫng một cái, cảm thấy như mình bỗng dưng được nhấc bổng lên. Đúng là tôi bị hai thằng cháu nhấc bổng lên thật. Chúng tung tôi lên, quay tròn quanh bếp lửa, quanh ghè rượu cần, quanh mẹ chúng và H’BLiêng. Còn chú Tự Duy cũng đã say khướt rồi! Say khướt cả lũ rồi! Và trong chớp nhoáng tôi lại thấy tôi bị ném xuống chiếc giường bùng nhùng chăn mền, có một người đàn ông đóng khố, cởi trần, nằm cuộn tròn như con mèo trong mớ dù hoa. Tôi vạch ra xem ai. Té ra anh Hoàng! Tôi suýt ngã bật ngửa, kêu lên, rồi lại nhào tới, ôm ghì lấy anh. Anh cũng đã say mèm như tàu lá chuối hơ lửa! Thì ra anh đã vào đây tìm con mấy tháng nay rồi, khi anh nghe đài, xem báo, biết công trình thủy điện Yaly sắp khởi công. Anh lên Hà Nội, tìm được Ban đại diện của công trình, trình bày hoàn cảnh, không ngờ được các anh thông cảm giúp đỡ tiền nong, mua cả vé máy bay cho vào. Khi chiều, vì muốn anh em chúng tôi được gặp nhau bất ngờ, nên H’Piar và hai cháu bí mật không nói. Mấy hôm nay, chiều nào anh cũng phải lên xã, lên Ban thường trực đền bù cùng các chủ hộ khác lo nhận đất, nhận nhà chính sách cho mẹ con H’Piar, tối mịt mới về. Anh về lúc tôi và Tự Duy đã say mềm, đã ngủ như chết, gọi lay thế nào cũng không được, tức quá, anh uống tít mù luôn! Anh uống, anh say như thể chưa bao giờ được uống, được say. Anh say với niềm vui và cả nỗi buồn của anh suốt mười tám năm rồi!
Mười tám năm dài đằng đẵng với bao nhiêu khắc khoải, nhưng mười tám năm dài làm sao bằng một câu hát của bản trường ca bất tận về nàng Ly, về con thác thiêng tưởng chừng không bao giờ bị khuất phục của những con người ngàn đời sống bên chân núi Chư Rook và Chư Seek. Mười tám năm, đủ làm chúng tôi từ những chàng trai tráng trở thành ông già tóc bạc. Tóc anh Hoàng bạc trắng rồi!...