Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 7

Chương 7
Ngành Giáo dục đang thực hiện giảm biên chế hàng loạt. Lãnh đạo các trường đau đầu về việc sắp xếp giáo viên.

Cái gọi là "diện dôi dư" nghĩa là đưa một số người vào danh sách chờ việc, tạo nên một tâm lý xao động, căng thẳng, nặng nề trong giáo giới. Lại còn chủ trương khuyến khích người về hưu sớm nữa. Tuy không ở trong diện đó, Mai Du cũng làm đơn xin nghỉ hưu trước một năm. "Để có nhiều thời gian chăm cho út Huy thi tốt nghiệp đại học", Mai Du nghĩ vậy. Thêm nữa, bệnh khớp của chị đang bị phát, hai đầu gối đau nhức quá, có khi đang đạp xe đi giữa đường mà phải dừng lại, song chị vẫn cố hết sức đạp kịp tới trường, giờ dạy, giờ họp không bao giờ để muộn lấy một phút. Cuối năm ngoái, chị phải điều trị đông y nội trú ở bệnh viện Hữu Nghị một tháng, vậy mà ở trường không ai hay. Bởi đến tiết dạy, chị lại trút bỏ trang phục bệnh nhân, trốn ra cổng lấy xe đạp đến trường. Có khi, chúng bạn không biết lại còn nhờ Mai Du lên lớp thay. Mãi cho đến ngày 8 tháng 3, mặc chiếc áo dài do ông chồng mang đến bệnh viện để tới trường dự hội cùng chị em, khi Mai Du vui vẻ góp một vần thơ tự trào, mọi người mới vỡ nhẽ.

Mấy đứa con phấn khởi chờ đón sự kiện nghỉ hưu của mẹ như chờ đón một điều tốt lành. Chúng bảo nhau ngầm chuẩn bị tặng mẹ một món quà thật đặc biệt: hãy hỗ trợ tích cực để cho mẹ ra được tác phẩm đầu tay - Tập thơ "Đêm dài". Cậu con cả phân công rành rọt cho các em: "Chuyện xin giấy phép và liên hệ nhà in, anh lo. Huy làm b a và minh họa. Còn Minh lo chữ vi tính và trình bày. Cuối tháng 8 phải xong hết!". Thằng anh hối thúc các em để đến mồng 5 tháng 9 mẹ có quà tặng mọi người. Kỳ tình nó còn muốn "xong xuôi cuốn sách cho mẹ trước ngày mình lên đường mới có thể yên tâm được". Chả là anh chàng sắp đi tu nghiệp dài hạn ở nước ngoài.

Ngày 5 tháng 9-1993, cô giáo Mai Du xúc động dự buổi lễ khai trường cuối cùng trong cuộc đời hơn ba mươi năm dạy học của mình. Khi Mai Du thân tình mang tác phẩm thơ mới xuất bản của mình tặng tận tay từng người, thì một chị bạn cứ nắm vai Mai Du lắc lắc mãi để cắt nghĩa về sự xúc động của mình:

- Mai Du ơi! Mai Du đã nói hộ cho cả lòng mình.


Chỉ năm sau mình cũng nghỉ hưu. Mình rất nhớ trường, nhớ lớp!

- Quy luật mà chị! Không dễ gì, nhưng biết chủ động đến với nó thì chấp nhận được.

Mai Du an ủi, động viên người bạn gái mà cũng như tự nói với lòng mình vậy.

Ba tháng sau, Mai Du cầm sổ hưu. Nhưng vốn sợ hãi cuộc sống trống rỗng, buồn chán, vô vị có thể đến, Mai Du đề ra cho mình một nguyên tắc sống mới: "nghỉ dạy học chứ không phải nghỉ làm việc". Thế là chị nghĩ cách làm gì để cho đời mình còn có ích. Chị đi vào các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan, trường học lân cận để phát hành sách của mình. Thoạt đầu, đó chỉ là việc làm tạm bợ cho đỡ trống rỗi, đỡ nhớ lớp, nhớ trường thôi, nhưng dần dần chị trở nên vui thật sự với công việc mới mẻ này. Bạn đọc chẳng những nhiệt tình chào đón "tập thơ của một nhà giáo" mà còn tìm thấy ở đó những lời tâm sự chân thành, những bài học bổ ích. Sang năm 1994 - năm quốc tế gia đình - nơi nọ, nơi kia mời chị đi nói chuyện về chính thơ của chị. Đề tài mà mọi người nồng nhiệt chào đón và say sưa nghe, chính là "Vai trò người phụ nữ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình". Sau những buổi nói chuyện của Mai Du, ban tổ chức nói lời cảm ơn, hầu như lần nào cũng có chung một ý: "Cám ơn chị Mai Du đã dẫn chúng tôi con đường đi đến hạnh phúc. Chị đã giúp chúng tôi cách giải quyết những bi kịch gia đình trong các mối mâu thuẫn cố hữu giữa mẹ chồng con dâu, chị dâu em chồng và thậm chí cả giữa vợ với chồng nữa, chị đã hướng chị em chúng tôi tới cách sống đẹp và thực sự có hiệu quả trong cương vị làm dâu, làm chị, làm vợ, làm mẹ...

Mai Du tiếp tục làm thơ. Vẫn là những vần thơ ghi lại những cảm xúc chân thành, sâu sắc trước con người, thiên nhiên và cuộc sống, không cầu kỳ trau chuốt câu chữ. Và Mai Du thử viết báo. Thoạt đầu, chỉ là những bài viết không đừng được, hợp đâu gửi đấy. Dần dà, Mai Du đã trở thành một phóng viên cộng tác, một cây bút được yêu mến của một tờ tạp chí có tên tuổi. Chị say mê thật sự với những cuộc phỏng vấn, những chuyến đi tìm tư liệu. Chị viết không biết mệt, nhiều người quen biết, đọc Mai Du cứ ngỡ chị đã chuyển nghề! Phú phấn khởi và rất tự hào về "tay bút" của vợ. Mỗi khi ngồi với những người bạn thân, anh thường bảo: "Đáng lẽ cô ấy phải nghỉ dạy sớm hơn. Giá chuyển sang viết báo, viết văn sớm hơn thì bây giờ... có thể đã nên chuyện rồi!". Anh cổ vũ vợ làm báo bằng một cử chỉ thiết thực: tặng vợ cái máy ghi âm rất hiện đại và xinh xắn.

Mặc dầu viết được, nhưng Mai Du vẫn chỉ coi việc "viết" là phụ, chỉ viết khi hứng thú và thật sự thoải mái mà thôi. "Việc chính của mình bây giờ là phục vụ chồng con" - Mai Du vui vẻ trả lời các bạn và cũng tự bảo mình. Trong mấy tháng út Huy làm bài tốt nghiệp, chị cần cho con biết chừng nào. Có quỹ thời gian rộng, chị có thể chủ động đỡ đần Huy bất cứ việc gì trong khả năng của mình để cho thằng con đừng quá bận bịu mà tổn hại đến sức khỏe. Mai Du càng thêm vui khi những đồng tiền đầu tiên chị có được bằng ngòi bút của mình thật sự có ý nghĩa động viên con kịp thời. Cố gắng hết sức mình để không thua kém các anh và không phụ lòng bố mẹ, sau một thời gian dài chuẩn bị, Huy đã bảo vệ đồ án tốt nghiệp Đại học Kiến trúc với thành tích xuất sắc.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t91429-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận