Ngỡ đã là yêu Chương 13


Chương 13
Người ta không trở thành kẻ có tội do sai lầm mà kẻ khác gây ra cho người ta, mà chỉ trở thành kẻ có tội do sai lầm chính mình gây ra.

Ông Jaafari, có tiếng người gọi qua một dãy bất tận những hành lang dưới lòng đất... Ông Jaafari... Tiếng nói như từ đáy hang vọng lên yếu dần đi trong những lời ú ớ của tôi, lặp đi lặp lại một cách khó hiểu, lúc thì nài nỉ, lúc lại hoang mang. Một vực thẳm hút lấy tôi, nghiền nát tôi; tôi chầm chậm quay vòng trong bóng tối. Rồi tiếng nói ấy bắt kịp tôi, cố đưa tôi lên mặt nước... Ông Jaafari... Một lằn sáng quét ngang khung cảnh mù mịt, thiêu cháy đôi mắt tôi như một thanh kiếm được nung nóng.

- Ông Jaafari...

Tôi bật tỉnh, đầu bị kẹp chặt.

Một người đàn ông nghiêng xuống phía tôi, một tay để sau lưng, tay kia cách trán tôi vài centimet. Gương mặt hốc hác như dài thêm ra vì cái cằm nhọn chẳng gợi lên trong tôi điều gì. Tôi cố xem mình đang ở đâu. Tôi đang nằm dài trên một cái giường, cổ họng khô khốc, cơ thể rã rời. Trần nhà phía trên tôi như có nguy cơ vùi chôn tôi vậy. Tôi nhắm mắt lại để kìm giữ cơn choáng váng đang khiến tôi lắc lư qua những đợt tròng trành mê man, tôi cố lấy lại những cảm giác, cố tìm lại những biểu hiện của mình. Chậm rãi, tôi nhận ra được trên bức tường trước mặt có bức tranh rẻ tiền sao chép lại bức Hoa hướng dương của Van Gogh, giấy vẽ đã phai màu, khung cửa sổ buồn bã nhìn ra mái của một xưởng sản xuất...

- Chuyện gì xảy ra vậy? - tôi vừa hỏi vừa tỳ một khuỷu tay xuống để nhích người lên.

- Tôi nghĩ ông đau lắm, thưa ông Jaafari.

Khuỷu tay tôi nhũn ra và tôi lại đổ ập xuống gối.

- Ông nằm ở phòng này từ hai ngày nay rồi, và ông chưa rời khỏi đây lần nào cả.

- Ông là ai?

- Quản lý khách sạn, thưa ông. Cô hầu phòng...

- Ông muốn gì?

- Muốn biết chắc rằng ông ổn.

- Sao lại thế?

- Ông đến chỗ chúng tôi từ hai ngày nay. Ông đã thuê căn phòng này và khóa chặt cửa lại. Một số  khách của chúng tôi cũng làm thế, nhưng...

- Tôi ổn.

Người quản lý đứng thẳng dậy, vẻ khúm núm. Ông ta không biết phải làm gì với câu trả lời của tôi, ông ta đi vòng qua giường và đến mở cửa sổ ra. Một luồng không khí tươi mát ùa vào trong phòng, táp qua người tôi. Tôi hít thở thật sâu đến mức máu dồn lên hai bên thái dương.

Người quản lý phủi bụi cái chăn dưới chân tôi bằng một cử chỉ máy móc. Ông ta nhìn tôi chăm chú, tay nắm lại che miệng húng hắng ho và nói:

- Chúng tôi có một bác sĩ giỏi, ông Jaafari ạ. Nếu ông muốn, chúng tôi có thể gọi ông ấy.

- Tôi là bác sĩ, - tôi vừa buột miệng nói vừa bước ra khỏi giường.

Hai đầu gối tôi va vào nhau; tôi không thể đứng lên được và buông mình ngã xuống mép giường, hai bàn tay úp vào má. Người quản lý khó chịu trước vẻ trần trụi của tôi với độc một chiếc quần lót nhỏ xíu. Ông ta lắp bắp vài điều gì đó mà tôi không nghe rõ và bước lùi rời khỏi phòng.

Các ý nghĩ trong tôi được sắp xếp trở lại, ý nọ nối tiếp ý kia; trí nhớ của tôi hồi phục từ một mớ hỗn độn. Tôi nhớ mình đã phóng như điên rời Kafr Kanna, bị phạt vi cảnh vì vượt quá tốc độ ở quãng Afula và phóng đến tận Tel-Aviv trong tâm trạng thẫn thờ. Màn đêm buông xuống đúng vào lúc tôi vượt qua cửa ngõ thành phố. Tôi dừng lại trước khách sạn đầu tiên tôi gặp trên đường. Làm gì có chuyện tôi lại về nhà để phải gặp những dối trá của cả một đời người. Suốt chặng đường, tôi chỉ nguyền rủa thế giới và chính bản thân mình, cần tăng tốc bị nhấn xuống sát sàn xe, rung lên cùng những tiếng kèn kẹt kinh khủng của mấy cái lốp và vang lên trong tôi như những tiếng gào thét chết chóc của tai ương. Như thể tôi đang ra sức đi xuyên qua bức tường âm thanh, ra sức đập tan điểm đoạn hồi, và ra sức tan biến trong cơn suy sụp của lòng tự ái. Dường như chẳng còn gì có thể níu giữ tôi lại, hòa giải tôi với tương lai. Nhưng tương lai nào chứ? Liệu còn ai sống nổi sau khi bị bội ước, liệu còn ai gượng dậy nổi sau khi bị lăng nhục? Tôi cảm thấy mình chẳng ra gì và nực cười đến mức ý nghĩ quy hàng số phận ngay lập tức khiến tôi kiệt quệ. Khi tiếng chú Abbas vọng được đến tai tôi, tôi rồ ga hết cỡ đến độ phá tan được động cơ xe. Tôi không muốn nghe gì hết, ngoài những tiếng rít lên của bánh xe ở những chỗ rẽ gấp và nỗi đắng cay đang tới tấp gặm nhấm mình như cơn mưa axít. Tôi không tìm được cho mình lời biện hộ nào, tôi cũng không tìm kiếm, không xứng đáng với bất kỳ lời biện hộ nào hết. Tôi phó mặc mình hoàn toàn cho nỗi oán hờn vẫn muốn độc chiếm tôi, muốn tôi phải hóa thân thành nó, để nó ngấm vào đến từng sợi tóc, đến từng kẽ móng tay.

Cái khách sạn thật xập xệ. Tấm biển hiệu gắn đèn neon của nó chao qua chao lại. Tôi thuê một phòng cứ như người ta nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ đau. Sau khi tắm nước nóng, tôi đến ăn tối trong một quán rượu, rồi say mèm tại một quán bar nhớp nhúa. Phải mất hàng tiếng đồng hồ tôi mới tìm được đường về. Khi đã ở trong phòng, tôi chìm vào vực thẳm không lời báo trước.

Tôi phải lần theo tường mới đến được phòng tắm. Tứ chi tôi chỉ phản ứng nổi một nửa. Cơn buồn nôn xâm chiếm tôi, mắt tôi hoa lên, toàn thân rã ra vì đói; tôi cảm giác như mình đang bước đi trên một đám mây. Hai ngày ngủ mê mệt trong căn phòng hôi hám này, không mộng mị không hồi ức; hai đêm ôi người trong những tấm ga giường như vải liệm quấn người chết... Đấng Tối cao ơi! tôi đang trở thành cái gì thế này?

Tấm gương phản chiếu gương mặt tôi đau đớn, càng biến dạng hơn với bộ râu đang dài ra. Những quầng mắt xanh xao làm lộ rõ lòng trắng và khiến hai má thêm hõm sâu. Trông tôi như một kẻ mất trí vừa bước ra khỏi cơn mê sảng.

Tôi uống thỏa cơn khát bằng chính nước ở vòi, uống rất lâu, vùi mình dưới vòi hoa sen và bất động dưới tia nước đến lúc tìm lại được đôi chút cân bằng.

Người quản lý lại đến gại vào cửa phòng tôi để kiểm tra xem liệu tôi có lại quỵ xuống hôn mê vì rượu không. Ông ta thở phào nhẹ nhõm khi nghe tiếng tôi càu nhàu và nhẹ nhàng bỏ đi. Tôi mặc lại đồ, và vẫn trong tình trạng xộc xệch, tôi rời khỏi khách sạn đi ăn cho lại sức.

Tôi thiu thiu ngủ trên chiếc ghế băng trong một công viên nhỏ ngập nắng, đưa giấc trong tiếng lá cây xạc xào.

Lúc tôi thức dậy, màn đêm đã buông xuống. Tôi không biết phải đi đâu, phải làm gì với nỗi cô đơn của mình. Tôi đã quên điện thoại di động ở nhà, cả đồng hồ đeo tay nữa. Bất chợt tôi thấy sợ phải đối diện với chính mình. Tôi không còn tin tưởng nữa vào người đàn ông không thấy gì đến từ nỗi bất hạnh của anh ta. Đồng thời, tôi cũng không cảm thấy mình sẵn sàng chịu đựng ánh mắt của những người khác. Tôi tự nhủ quên di động cũng tốt. Tôi khó lòng hình dung mình có thể nói chuyện với ai đó trong tình trạng hiện giờ. Kim hẳn sẽ trầm trọng hóa vết thương của tôi; Naveed có thể sẽ viện cho tôi cái cớ không cần thiết. Thế nhưng im lặng lại giết chết tôi. Trong cái công viên bị bỏ hoang này, tôi cảm thấy cô độc trên cõi đời này, giống như xác thuyền trôi dạt bị sóng bỏ lại trên một bến bờ chết chóc.

Tôi trở về khách sạn, nhận ra rằng mình đã quên túi đồ dùng cá nhân và thuốc. Chiếc điện thoại đặt trên bàn ngủ nhìn tôi vẻ thách thức. Nhưng gọi ai bây giờ? Mà đã mấy giờ rồi chứ? Căn phòng ngập tràn hơi thở tôi hổn hển. Tôi không được khỏe; tôi cảm giác mình đang trượt đi đâu đó không cưỡng lại được...

Và giờ thì tôi lại ở trong phố. Bất chợt. Tôi không nhớ nổi mình đã rời khách sạn ra sao, không biết mình lê bước khắp khu phố từ bao giờ. Không một khung cửa sổ nào mở ra quanh tôi. Chỉ có tiếng vù vù của một chiếc động cơ phát ra từ xa, rồi màn đêm lại lấy lại uy quyền của mình trước cảnh vật đang say ngủ... Phía đằng kia, gần quầy báo, có một buồng điện thoại. Những bước chân tôi dồn tôi đến đó như bằng vũ lực; bàn tay tôi nhấc máy; những ngón tay tôi quay số. Tôi đang gọi ai chứ? Tôi sẽ phải nói với người đó gì đây? Đầu dây bên kia, chuông đổ, năm, sáu, bảy hồi. Tiếng nhấc máy, và một giọng ngái ngủ gắt gỏng... “A lô? Ai đấy? Có biết đang là mấy giờ không hả? Ngày mai tôi còn phải làm việc...” Tôi nhận ra giọng Yasser. Tôi ngạc nhiên khi người ở đầu dây bên kia là anh. Sao lại là anh ấy nhỉ?

- Amine đây...

Một hồi yên lặng, rồi cái giọng ồ ồ của Yasser dịu lại:

- Amine à? Có gì nghiêm trọng sao?

- Adel đâu? - tôi nghe thấy mình hỏi anh.

- Xem nào, mới có ba giờ sáng thôi mà.

- Adel đâu?

- Cậu muốn tôi phải biết thế nào đây? Chắc là nó ở chỗ mà công việc dẫn nó đến. Đã hàng tuần rồi tôi không gặp nó.

- Anh sẽ nói với em nó ở đâu, hay em phải đến đợi nó ở nhà anh hả?

- Không, - anh kêu lên, - tốt nhất là đừng đến Bethléem. Những gã hôm trước đang tìm cậu. Chúng nói rằng cậu đã chơi chúng, rằng Shin Beth cử cậu tới.

- Adel ở đâu hả Yasser?

Lại thêm một hồi im lặng, lần này lâu hơn lần trước, tiếp đó Yasser buông xuôi, nổi xung:

- Janin... Adel đang ở Janin.

- Đó không phải nơi tốt nhất để đầu tư cho một doanh nghiệp đâu, Yasser ạ. Janin đang có chiến sự.

- Nghe này, tôi cam đoan với cậu rằng theo những tin tức mới nhất thì nó đang ở Janin. Tôi chẳng có lý do nào để nói dối cậu cả. Tôi sẽ cho cậu biết ngay khi nó về, nếu cậu muốn... Liệu tôi có thể biết có chuyện gì không? Con trai tôi, nó có gì để cậu phải gọi vào giờ này chứ?

Tôi gác máy.

Tôi không biết tại sao, nhưng tôi cảm thấy khá hơn một chút.

Người gác đêm không lấy gì làm hài lòng khi bị kéo ra khỏi giường vào lúc ba giờ sáng - khách sạn đóng cửa lúc nửa đêm, và tôi thì quên mã vào. Đó là một gã trai trẻ gầy gò, chắc là một sinh viên đại học thức đêm trông coi giấc ngủ cho người khác để lấy tiền trang trải học phí. Hắn mở cửa cho tôi không chút hứng khởi, tìm chìa khóa phòng tôi và không thấy ở đâu cả.

- Ông có chắc là đã để lại chìa khóa trước khi đi không?

- Sao anh lại muốn tôi phải làm mình vướng víu thêm với một chiếc chìa khóa chứ?

Hắn lại mất hút sau quầy lễ tân, lục lọi trong đống giấy tờ bề bộn và tạp chí nằm rải rác quanh một chiếc máy điện thoại fax và một chiếc máy phô tô, rồi hắn đứng dậy, lắp bắp.

- Lạ thật.

Hắn suy nghĩ để nhớ lại xem chùm chìa khóa dự phòng ở đâu, nhưng hắn không tài nào tỉnh táo hoàn toàn được.

- Thưa ông, ông đã tìm trên người mình chưa?

- Tôi đã nói với anh là không mang theo rồi mà, - tôi vừa nói vừa sờ tay vào túi.

Cánh tay tôi đờ ra: chiếc chìa khóa nằm trong túi tôi. Tôi bối rối rút nó ra. Gã trực đêm nén một tiếng thở dài, rõ ràng là bực tức. Hắn cố kìm nén và chúc tôi ngủ ngon.

Thang máy bị hỏng, tôi leo cầu thang bộ chật hẹp lên tận tầng năm để rồi nhận ra là phòng của mình ở tầng ba và lại leo xuống.

Tôi không bật đèn trong phòng.

Tôi cởi đồ, nằm dài xuống giường mà không thèm dọn dẹp qua, mắt chằm chằm nhìn trần nhà đang dần nuốt gọn lấy tôi như một cái hố đen.

Từ ngày thứ năm, tôi mới nhận ra rằng lý trí đang rời bỏ mình từng chút một. Các phản xạ xảy ra trước cả suy nghĩ và những hành động vụng về khiến chúng trở nên tồi tệ. Ban ngày, tôi nhốt mình trong phòng, ngồi thu lu trên ghế hoặc nằm dài trên giường, mắt đảo lộn tròng như thể tôi đang tìm cách lật tung những ẩn ý trong mình bởi rất nhiều ý tưởng kỳ quặc cứ không ngớt xâm chiếm tôi, tôi nghĩ đến chuyện phó thác việc bán ngôi biệt thự của mình cho một đại lý nhà đất, đặt dấu chấm hết cho quá khứ và sang châu Âu hoặc Hoa Kỳ sống lưu vong. Ban đêm, tôi lang thang như một tên kẻ cướp đi vét những sòng bạc tồi tàn, chắc chắn là tại những nơi tôi chưa bao giờ đặt chân đến trước đây, để không gặp phải ai đó quen biết hay đồng nghiệp cũ. Cảnh tranh tối tranh sáng của những quán bar nồng nặc mùi thuốc lá và đủ các thứ mùi ôi khét ấy khiến tôi có được cảm giác kỳ lạ như mình vô hình. Mặc dù có cả đống những kẻ say mèm lèm bèm và những ả đàn bà với ánh mắt đầy mê hoặc, nhưng chẳng ai chú tâm đến tôi cả. Tôi ngồi trong một góc khuất nơi những cô gái chếnh choáng hơi men hầu như không dám lai vãng, và bình thản nốc rượu cho tới lúc người ta đến bảo tôi là quán đóng cửa. Khi đó, tôi đến ngủ cho dã rượu cũng ở công viên ấy, trên cùng chiếc ghế băng ấy và chỉ trở lại khách sạn khi đã bình minh.

Thế rồi, trong một quán bia, mọi thứ đã vuột khỏi tầm kiểm soát của tôi. Cơn giận dữ tôi kìm nén từ nhiều ngày qua cuối cùng cũng bộc phát. Tôi đã chờ đợi điều đó. Vốn vô cùng nhạy cảm, tôi đã biết rằng sớm hay muộn thì tôi cũng nổ tung. Ngôn từ của tôi đã có vẻ tàn nhẫn, những lời đối đáp của tôi đã có vẻ nhanh nhạy; tôi không kiên nhẫn nổi, tôi phản ứng rất tiêu cực khi ai đó nhìn tôi. Không nghi ngờ gì nữa, tôi đang trở thành một con người khác, vừa khó lường vừa quá khích. Nhưng tối đó, trong quán bia, tôi đã không kìm chế nổi mình. Thoạt tiên, tôi không thích cái chỗ người ta xếp tôi vào. Tôi muốn một chỗ kín đáo, trừ phi không còn bàn trống nữa. Tôi đã cau có, rồi tôi nhượng bộ. Tiếp đó, cô phục vụ cho tôi hay là không còn món gan nướng nữa. Cô ta có vẻ chân thành, nhưng nụ cười của cô ta làm tôi khó chịu.

- Tôi muốn ăn gan nướng, - tôi ngang ngạnh.

- Tôi rất tiếc, nhưng không còn món đó nữa.

- Đấy không phải vấn đề của tôi. Tôi đọc thấy trên thực đơn treo ngoài kia là các vị có món gan nướng và vì thế mà tôi vào đây, chứ không phải vì cái gì khác.

Những tiếng quát tháo của tôi khiến tiếng dao dĩa xung quanh im bặt. Mọi khách hàng đều quay về phía tôi.

- Có gì mà các người nhìn tôi như vậy hả? - tôi gào lên với họ.

Người quản lý vội vàng đi tới. Ông ta tỏ ra hết sức lịch sự để trấn an tôi; vẻ lịch thiệp giả tạo của ông ta khiến những con quỷ trong tôi bị kích động. Tôi đòi người ta phải mang món gan nướng đến cho tôi ngay lập tức. Một đợt sóng phẫn nộ nổi lên trong phòng. Ai đó thẳng thừng gợi ý tống cổ tôi ra ngoài. Đó là một ông có tuổi có vẻ là cảnh sát hay một quân nhân mặc thường phục. Tôi thách ông ta đến tống tôi ra ngoài. Ông ta thuận tình và túm lấy cổ tôi. Cô phục vụ và người quản lý phản đối tên thô bạo ấy. Một chiếc ghế lật nhào đánh rầm một cái, rồi tiếng đồ gỗ cọt kẹt vang lên xen lẫn những tiếng chửi rủa. Cảnh sát ập tới. Sĩ quan cảnh sát là một phụ nữ tóc vàng, bộ ngực đồ sộ, cái mũi khổng lồ và ánh mắt dữ dội. Tên thô bạo giải thích cho bà ta nguyên cớ sự việc. Những lời khai báo của hắn được sự làm chứng của cô phục vụ và phần lớn khách hàng củng cố. Người phụ nữ mặc cảnh phục đưa tôi ra phố, yêu cầu xem giấy tờ của tôi. Tôi từ chối xuất trình giấy tờ.

- Hắn say khướt rồi, - một cảnh sát làu bàu.

- Giữ anh ta lại, - bà sĩ quan quyết định.

Họ đẩy tôi lên một chiếc ô tô và đưa tôi đến đồn cảnh sát gần nhất. Ở đó, họ bắt tôi phải trình giấy tờ, lục khắp các túi trên người tôi và nhốt tôi vào một xà lim nơi có hai tên say đang mải miết ngáy.

Một giờ sau, một cảnh sát tới đón tôi. Anh ta đưa tôi đi lấy lại đồ đạc cá nhân ở chỗ một người trực quầy rồi lại dẫn tôi vào sảnh đón tiếp. Naveed Ronnen đang ở đó, đứng dựa lưng vào quầy, mặt tiu nghỉu.

- Ồ, thần may mắn của tôi, - tôi gào lên, giọng khó chịu.

Naveed ra hiệu cho viên cảnh sát đi chỗ khác.

- Làm thế nào cậu biết tớ bị bỏ tù? Cậu cho người theo dõi tớ à hay quái gì thế?

- Chẳng cái gì cả, Amine ạ, - anh nói giọng chán nản. - Tớ nhẹ nhõm khi thấy cậu vẫn đứng vững. Tớ tưởng đến điều tệ nhất cơ.

- Chẳng hạn là điều gì?

- Một vụ bắt cóc hay tự vẫn. Tớ tìm cậu từ nhiều ngày nhiều đêm nay rồi. Ngay khi Kim cho tớ biết cậu mất tích, tớ đã thông báo đặc điểm nhận dạng và thông tin về người thân thích của cậu cho các đồn cảnh sát và các dịch vụ y tế. Mẹ kiếp, cậu đã ở đâu thế?

- Điều đó đâu quan trọng... Tôi có thể đi được không? - tôi hỏi người sĩ quan đứng sau quầy.

- Ông được tự do, ông Jaafari ạ.

- Cám ơn.

Một cơn gió nóng quét qua phố. Hai cảnh sát đang vừa tranh luận vừa hút thuốc, một người đứng dựa lưng vào bức tường của sở cảnh sát, người kia ngồi trên bậc lên xuống của một chiếc xe hòm chở tù nhân.

Ô tô của Naveed được đỗ sát vào vỉa hè đối diện, đèn bật sáng.

- Cậu định đi đâu đấy? - anh hỏi tôi.

- Đi hâm nóng hai cẳng chân.

- Muộn rồi. Cậu không muốn tớ đưa về nhà hả?

- Khách sạn của tớ cách đây không xa lắm...

- Sao cơ, khách sạn của cậu à? Cậu không tìm được đường về nhà mình nữa sao?

- Tớ rất thoải mái khi ở khách sạn.

Naveed đưa một bàn tay lên ôm má, vẻ bàng hoàng.

- Khách sạn của cậu ở đâu?

- Tớ sẽ đi taxi.

- Cậu không muốn tớ đi cùng cậu sao?

- Không cần đâu. Với lại tớ cần được một mình.

- Tớ có nên hiểu là...

- Chẳng có gì phải hiểu cả, - tôi cắt ngang lời anh. - Tớ cần được một mình, chấm hết, thế thôi. Mọi chuyện rõ ràng đấy chứ.

Naveed đuổi kịp tôi ở góc phố. Anh phải vượt lên trước để chắn ngang đường tôi.

- Những gì cậu đang làm không tốt chút nào, Amine ạ, tớ đảm bảo với cậu đấy. Giá cậu thấy cậu đang đặt mình vào tình cảnh nào.

- Tớ làm chuyện gì xấu xa à? Nói xem tớ đang phạm lỗi ở chỗ nào chứ?... Đồng nghiệp của cậu là một lũ thối tha, nếu cậu muốn biết. Đó là một lũ phân biệt chủng tộc. Là tên kia gây sự, nhưng tớ lại là người bị bắt. Không phải vì tớ bước ra từ một sở cảnh sát thì tớ là người đáng trách. Tớ đã gặp quá nhiều chuyện tối nay rồi. Lúc này tớ chỉ muốn quay lại khách sạn của tớ. Mẹ kiếp, tớ đâu có đòi trăng dưới nước! Muốn được ở một mình thì là tội ác gì chứ?

- Không có tội ác gì cả, - Naveed vừa nói vừa đưa tay lên trước ngực tôi để ngăn tôi tiến lên. - Có điều cậu sẽ tự làm đau mình nếu cứ cô lập mình như vậy. Nhìn xem, cậu cần lấy lại tinh thần. Cậu đang xa rời thực tế đấy. Và cậu đã nhầm khi nghĩ cậu chỉ có một mình. Cậu vẫn còn những người bạn mà cậu có thể tin cậy.

- Tớ có thể tin cậu được không?

Câu hỏi của tôi khiến anh sửng sốt.

Anh dang hai tay và nói:

- Dĩ nhiên rồi.

Tôi nhìn xoáy vào mắt anh. Mắt anh không quay đi chỗ khác, chỉ thấy cơ trên gò má anh giật giật.

- Tớ muốn đi xuyên sang mặt kia của tấm gương, - tôi lẩm bẩm, - xuyên sang phía bên kia của Bức tường.

Anh chau mày, nghiêng người xuống để nhìn tôi gần hơn.

- Sang Palestine sao?

- Ừ.

Anh khẽ bĩu môi, quay lại phía hai cảnh sát đang ngầm theo dõi chúng tôi.

- Tớ tin là cậu đã giải quyết được vấn đề này.

- Tớ cũng tin như vậy.

- Thế cái gì khiến cậu bồn chồn lo lắng?

- Cứ cho đó là vấn đề danh dự đi.

- Danh dự của cậu vẫn vẹn nguyên, Amine ạ. Người ta không trở thành kẻ có tội do sai lầm mà kẻ khác gây ra cho người ta, mà chỉ trở thành kẻ có tội do sai lầm chính mình gây ra.

- Thật khó lòng cam chịu như thế.

- Cậu không bị bắt ép mà.

- Sai lầm của cậu chính là ở chỗ đó.

Naveed tì cằm vào giữa ngón trỏ và ngón cái, lông mày chau lại. Anh khó lòng hình dung ra cảnh tôi ở Palestine, trong tâm trạng trầm uất hiện nay, và anh đang tìm cách gì đó thật khéo léo để ngăn tôi làm việc này.

- Đó không phải ý tưởng hay đâu, - anh nói không chút lập luận.

- Tớ không còn ý tưởng nào khác.

- Chính xác là cậu muốn đến đâu?

- Janin.

- Thành phố ấy đang có lệnh giới nghiêm, - anh cảnh báo tôi.

- Tớ cũng biết vậy... Cậu không trả lời câu hỏi của tớ. Tớ có thể tin cậu được không?

- Tớ nghĩ là chẳng có gì khiến cậu nghe theo lẽ phải được cả.

- Lẽ phải là gì chứ?... Tớ có thể tin cậu được không, có hay không?

Anh vừa bực bội vừa đau khổ.

Tôi lục lọi các túi, tìm thấy một hộp thuốc lá quăn queo, rút ra một điếu và đưa nó lên miệng. Tôi nhận ra bật lửa không còn trên người mình nữa.

- Tớ không có lửa, - Naveed từ chối. - Cậu phải dừng hút thuốc đi.

- Tớ có thể tin cậu được không?

- Tớ không hiểu tại sao. Cậu đến một vùng đất đầy bom mìn nơi tớ chẳng có chút quyền lực nào và vận may của tớ cũng không được phát huy. Tớ không biết cậu đang tìm cách chứng minh cái gì. Ở đó chẳng có gì cho cậu cả. Khắp nơi chỉ có bắn nhau, và những viên đạn lạc còn gây nhiều tổn thất hơn cả những trận chiến được dàn xếp. Tớ cảnh báo cậu, Bethléem chỉ là một bãi tắm mát so với Janin mà thôi.

Anh đã nói hớ, anh định chữa lại - nhưng quá muộn. Câu nói cuối cùng của anh bùng nổ trong tôi như một quả pháo. Yết hầu tôi khô khốc cọ vào cổ họng khi tôi dồn anh:

- Kim đã hứa với tớ không nói gì, và cô ấy luôn giữ lời. Nhưng nếu không phải cô ấy nói, thì làm thế nào cậu biết tớ đã đến Bethléem?

Naveed bối rối, rồi không gì khác nữa. Gương mặt anh không để lộ chút nhượng bộ nào từ sâu thẳm bên trong.

- Vậy cậu sẽ làm gì nếu ở vị trí của tớ? - anh phẫn nộ nói. - Vợ người bạn thân nhất của tớ là một kẻ đánh bom liều chết. Chỉ trong tích tắc cô ta đã đánh úp tất cả, chồng cô ta, láng giềng của cô ta, người thân của cô ta. Cậu muốn biết thế nào và tại sao ư? Đó là quyền của cậu. Nhưng đó cũng là nhiệm vụ của tớ.

Tôi ngạc nhiên quá đỗi.

Tôi chết sững.

- Vậy đó! - tôi nói.

Naveed định tiến lại gần tôi. Tôi giơ hai tay lên để van xin anh cứ đứng yên ở chỗ anh đang đứng, rồi tôi đi vào con hẻm đầu tiên tôi gặp và mất hút trong bóng đêm.

Hết chương 13. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26840


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận