Ngỡ đã là yêu Chương 14


Chương 14
Địa ngục vẫn còn là dưỡng đường so với những gì diễn ra ở đây.

Ở Janin, lẽ phải dường như đã gãy hết răng và từ chối mọi thứ răng giả có thể giúp nó mỉm cười. Vả lại cũng chẳng có ai ở đây mỉm cười cả. Những gương mặt vui vẻ ngày xưa đã biến mất kể từ khi vải liệm và cờ rủ thịnh hành.

- Còn nữa cơ, chú vẫn chưa chứng kiến hết đâu, - Jamil nói như thể anh đọc được suy nghĩ của tôi. - Địa ngục vẫn còn là dưỡng đường so với những gì diễn ra ở đây.

Thế nhưng tôi cũng đã chứng kiến nhiều chuyện lúc đi từ phía bên kia Bức tường sang: những thôn xóm bị vây ráp, mỗi đường nối lại có một trạm kiểm soát; đường xá ngổn ngang những xác ô tô bị đốt cháy hay bị máy bay do thám không người lái thả bom; từng toán người đau khổ chờ đến lượt bị lục soát, bị xô đẩy và thường xuyên bị chèn nén; những tên lính trơn mặt non choẹt mất kiên nhẫn đánh nện loạn lên; những phụ nữ chỉ biết phản kháng bằng cách giơ cánh tay bầm tím của mình lên đỡ những cú đập bằng báng súng; những chiếc xe Jeep cày nát các thảo nguyên, một vài chiếc khác áp giải tù binh Do Thái đến nơi họ làm việc, chẳng hạn như đến các bãi mìn...

- Cách đây một tuần, - Jamil nói thêm, - nơi đây như ngày tận thế. Chú từng thấy những chiếc xe tăng đàn áp các vụ nổi dậy chưa Amine? Thế đấy, ở Janin, những chiếc xe tăng xả đạn vào các cậu bé ném đá vào chúng. Goliath chà đạp David(1) ở mỗi góc phố.

Trước đó, tôi không thể ngờ được tình trạng chia rẽ lại tiến triển nhanh đến thế, hy vọng lại quá mong manh đến thế. Không phải tôi không biết những dã tâm hủy diệt tinh thần của bên này hay bên kia, không phải tôi không biết thái độ ngoan cố mà các bên tham chiến thể hiện, để chối từ thương lượng và chỉ biết lắng nghe nỗi hận thù trong họ đòi giết chóc; nhưng tận mắt nhìn cái cảnh tượng quá đáng này vẫn cứ làm tôi đau lòng. Ở Tel-Aviv, tôi như sống trên một hành tinh khác. Những thiên kiến trong tôi đã khiến tôi không thấy được điểm cốt yếu của cái thảm kịch đang gặm mòn đất nước mình; những vinh dự mà người ta trao cho tôi đã che mất những nỗi kinh hoàng thực sự đang biến vùng đất được ban phước của Đấng Tối cao thành một bãi rác thải hỗn độn, nơi những giá trị cơ bản của Nhân loại bị thối rữa, gan ruột phơi bày, nơi hương khói bốc mùi khó chịu như những hứa hẹn bị hủy bỏ, nơi bóng ma của những nhà tiên tri gắng ngoảnh mặt trước mỗi lời nguyện cầu tan biến trong tiếng lên đạn lách cách hay tiếng thét gào ra lệnh.

- Chúng ta không thể đi xa hơn nữa, - Jamil cảnh báo. - Thực sự thì chúng ta đang đứng trên giới tuyến rồi. Trường bắn được tính từ cái sân trong bị tàn phá ở bên trái kia.

Anh chỉ cho tôi một đống đá vụn sạm đen.

- Thứ Sáu tuần trước hai kẻ phản bội đã bị Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo xử tử. Xác chúng bị phơi ở đó. Chúng trương lên như màng ruột già vậy.

Tôi nhìn quanh mình. Có vẻ như khu phố đã được di tản. Chỉ có một nhóm phóng viên nước ngoài đang quay phim những đống đổ nát trong sự canh gác chặt chẽ của những hướng dẫn viên có trang bị vũ khí. Một chiếc ô tô không biết từ đâu xuất hiện, tua tủa những khẩu AK-47 chìa ra, lao thẳng về phía trước và mất dạng ở một chỗ ngoặt, tiếng lốp kin kít thật kinh khủng; làn bụi nó để lại phía sau phải một lúc lâu sau mới tan hết.

Tiếng súng vang lên cách đó không xa, tiếp đến là bầu không khí im lặng đến nghẹt thở.

Jamil cho xe lùi lại phía sau đến tận một bùng binh, chăm chú quan sát một con phố yên ắng, cân nhắc thiệt hơn và quyết định không mạo hiểm vô ích.

- Không phải dấu hiệu tốt đâu, - anh nói, - không tốt chút nào cả. Anh không thấy bóng dáng dân quân al-Aqsa. Bình thường thì ở đây phải có ba hay bốn người để chỉ đường cho chúng ta. Nếu không có ai thì nghĩa là một cái bẫy đã được dựng lên đâu đó.

- Anh trai anh ở đâu?

- Cách nhà thờ này khoảng vài trăm mét. Chú thấy những mái nhà tan hoang phía bên phải chứ, anh ấy ở ngay phía sau. Nhưng để vào tới đó, chúng ta phải đi qua khu phố, và ở đó thì đầy rẫy những tay súng bắn tỉa hoạt động riêng lẻ. Khó khăn nhất đã qua, nhưng nguy hiểm vẫn chưa hết. Lính của Sharon chiếm đóng một phần lớn thành phố và chốt chặn những cửa ngõ chính. Thậm chí chúng sẽ không để chúng ta lại gần vì e những chiếc xe bị gài mìn. Còn dân quân của chúng ta, họ đang hết sức căng thẳng nên họ sẽ bắn trước cả khi hỏi giấy tờ. Chúng ta đã chọn phải ngày xấu để đến Khalil rồi.

- Anh tính làm gì bây giờ?

Jamil liếm cặp môi nhợt nhạt.

- Anh không biết. Anh không lường trước được chuyện này.

Chúng tôi quay lại đến bùng binh, gặp hai chiếc xe của Hội Chữ thập đỏ, bám theo họ từ xa. Một quả trái phá nổ tung ở đằng xa, rồi lại thêm một quả khác. Trên bầu trời đầy khói bụi, hai chiếc trực thăng bay vòng vòng, chuẩn bị nhả rốc két. Chúng tôi tiến lên theo hai chiếc xe cứu thương, hết sức cẩn trọng. Những khối nhà bị xe tăng và xe ủi san bằng, nếu không thì cũng bị thuốc nổ thổi tung. Thay vào chỗ đó là khấp khuỷu những miếng đất bỏ hoang kinh khủng, chất đầy những đống sụt lở và sắt vụn hoen gỉ, ở đó, hàng đàn chuột cống cư ngụ trong lúc chờ củng cố đế chế của chúng. Những dãy đổ nát vẫn như đang kể chuyện về những khu phố xưa giờ đang bị dồn vào im lặng, bằng cách phô ra những mặt tiền què cụt của các khu phố ấy, phô ra những hình vẽ tường như những đường rạch còn sâu hơn cả những kẽ nứt. Và khắp nơi, giữa những mảnh vỡ vụn, giữa những vỏ xe ô tô bị xe tăng cán nát, giữa những hàng giậu lỗ chỗ mảnh đạn, giữa những vườn hoa nhỏ còn sót lại - khắp nơi, là cảm giác phải sống lại những nỗi kinh hoàng mà người ta cứ ngỡ đã tiêu tan, cùng với niềm tin gần như chắc chắn rằng những bất hòa đã trở nên dai dẳng đến mức sẽ không kẻ bị ám ảnh nào muốn vùng thoát ra.

Hai chiếc xe cứu thương đi ra từ một trại đầy những bóng ma hoảng hốt.

- Những người thoát nạn, - Jamil giải thích. - Những ngôi nhà bị san phẳng ấy là nhà của họ. Giờ họ dồn về đây.

Tôi không nói gì cả; tôi thấy hoảng sợ. Tay tôi run lên lúc lấy bao thuốc lá ra.

- Cho anh một điếu!

Hai chiếc xe cứu thương dừng lại trước một tòa nhà, ở đó những người mẹ đang sốt ruột chờ đợi, bọn trẻ nép trong áo váy họ. Những người lái xe nhảy xuống đất, mở cửa xe để lộ ra những thứ thực phẩm và bắt đầu việc phân phát thật nhanh, khiến tình cảnh chen lấn nhau bắt đầu xảy ra.

Jamil đã tìm được một loạt các con đường tắt, cứ mỗi lần nghe tiếng súng nổ hay thấy một dáng người đáng ngờ khiến chúng tôi lạnh toát sống lưng là chúng tôi lại quay trở lại.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được những khu phố tương đối yên ổn. Những dân quân mặc quần áo vải thô và những người khác đội mũ trùm đầu đang điên cuồng chạy ngược xuôi. Jamil giải thích rằng anh phải để xe lại trong một ga ra và rằng kể từ lúc này trở đi, chúng tôi sẽ phải phó thác đời mình cho sức lực của đôi cẳng chân.

Chúng tôi chạy qua những ngõ hẻm tưởng chừng bất tận và nhung nhúc những con người trong cơn giận dữ trước khi thấy thấp thoáng căn nhà ổ chuột của Khalil.

Jamil gõ cửa nhiều lần; nhưng không có tiếng trả lời.

Một người láng giềng cho chúng tôi hay gia đình Khalil đã rời đến Nabulus cách đây vài tiếng đồng hồ.

- Thật xui xẻo! - Jamil thốt lên. - Anh ấy có nói chính xác là ở đâu tại Nabulus không?

- Anh ấy không để lại địa chỉ liên lạc... Anh ấy có biết anh sẽ tới không?

- Tôi không thể liên lạc được với anh ấy! - Jamil nói, tức giận vì đã đi cả chặng đường như vậy rồi chẳng được tích sự gì. - Janin bị cắt lìa khỏi thế giới... Liệu tôi có thể biết tại sao anh ấy đến Nabulus được không?

- Ồ, anh ấy đi, thế thôi. Anh muốn anh ấy làm quái gì ở đây chứ. Chúng tôi không có nước máy, không có điện; chúng tôi cũng chẳng có gì để ăn nữa và không thể ngủ nổi bất kể ngày hay đêm. Tôi ấy à, nếu cũng có một người thân thích lo được cho tôi ở đâu đó thì hẳn là tôi cũng làm điều tương tự.

Jamil xin tôi một điếu thuốc khác.

- Thật xui xẻo! - anh nổi quạu. - Tôi chẳng quen ai ở Nabulus cả.

Người láng giềng mời chúng tôi vào nhà anh ta nghỉ ngơi.

- Không cần đâu, cảm ơn anh, - tôi nói. - Chúng tôi đang vội.

Jamil cố suy nghĩ, nhưng nỗi thất vọng khiến những suy nghĩ của anh trở nên lộn xộn. Anh ngồi xổm trước cửa nhà anh trai mình, căng thẳng hút điếu thuốc, quai hàm bạnh ra.

Rồi anh đứng phắt dậy.

- Chúng ta làm gì đây? - anh hỏi. - Anh không thể đi sang các vùng lân cận được. Anh phải quay về Ramallah để trả ô tô cho chủ xe.

Tôi cũng vậy, tôi cũng rất bối rối. Khalil là điểm mốc duy nhất của tôi. Theo những tin tức mới nhất thì Adel lưu trú ở nhà anh. Tôi đã hy vọng anh sẽ dẫn tôi đến gặp Adel.

Chúng tôi là anh em họ, Khalil, Jamil và tôi. Tôi không biết rõ Khalil lắm, anh hơn tôi mười tuổi, nhưng tôi và Jamil, thuở thiếu thời, chúng tôi chơi rất thân với nhau. Thời gian qua chúng tôi không gặp nhau nhiều, vì nghề nghiệp của chúng tôi khác biệt nhau, tôi thì làm bác sĩ phẫu thuật ở Tel-Aviv, anh thì làm tài xế ở Ramallah, vậy nhưng khi có việc phải đi qua chỗ tôi ở, anh không khi nào quên ghé nhà tôi chơi. Jamil là một người cha trung hậu, tình cảm và vô tư. Anh rất yêu quý tôi và vẫn giữ lại một tình cảm trìu mến bất diệt từ tình bạn thuở xa xưa. Khi tôi báo sẽ đến thăm anh, ngay lập tức anh đã xin chủ cho nghỉ phép một ngày để dành thời gian cho tôi. Anh biết chuyện của Sihem. Yasser đã kể cho anh nghe chuyến đi rầy rà của tôi đến Bethléem và cho anh biết những mối nghi ngờ đang đổ dồn vào tôi rằng tôi bị các cơ quan tình báo Isral giật dây. Jamil không muốn nghe gì cả. Anh dọa sẽ không thèm nói chuyện với tôi nữa nếu tôi đến ở nhà ai đó khác ngoài nhà anh.

Tôi ở Ramallah hai đêm vì tay thợ cơ khí không sửa nổi xe cho tôi. Jamil đã phải nài nỉ một người anh em họ khác cho chúng tôi mượn xe và hứa sẽ trả anh ta trước buổi tối. Anh tính để tôi lại nhà anh trai Khalil của anh và trở về ngay sau đó.

- Ở đây có khách sạn không? - tôi hỏi người hàng xóm.

- Có chứ, nhưng với tất cả đám nhà báo kia thì khách sạn nào cũng hết chỗ. Nếu các anh muốn đợi Khalil ở nhà tôi thì cũng được, tôi không thấy phiền gì. Lúc nào cũng có một chiếc giường dành cho khách ở nhà một tín đồ ngoan đạo.

- Cảm ơn anh, - tôi nói, - chúng tôi tự xoay xở được.

Chúng tôi tìm được một phòng trống trong một chỗ như kiểu nhà trọ, không xa nhà Khalil là mấy. Gã lễ tân yêu cầu tôi thanh toán trước khi đi cùng tôi lên tầng ba để chỉ cho tôi một căn phòng hẹp bên trong có kê một chiếc giường ọp ẹp, một chiếc bàn ngủ thô sơ và một cái ghế bằng kim loại. Gã chỉ cho tôi nhà tắm nằm cuối hành lang, một lối thoát hiểm để dùng khi cần rồi bỏ mặc tôi lại cho số phận định đoạt. Jamil ngồi dưới phòng đợi. Tôi đặt túi xuống ghế và mở cửa sổ nhìn ra trung tâm thành phố. Từ rất xa, những nhóm trẻ con đang ném đá vào những chiếc xe tăng Isral trước khi chạy tán loạn dưới làn mưa đạn bọn lính bắn ra; những quả lựu đạn cay dội thứ khói trắng nhờ của nó xuống những con hẻm ngập ngụa bụi; một toán người đang tụ tập quanh một cơ thể vừa bị quật ngã... Tôi đóng cửa sổ lại và xuống gặp Jamil ở tầng trệt. Hai phóng viên ngực áo phanh ra đang nằm ngủ trên một chiếc tràng kỷ, đồ nghề đeo quanh người. Gã lễ tân cho chúng tôi biết có một quầy bar nhỏ trong cùng bên phải nếu chúng tôi muốn uống hay ăn qua loa gì đó. Jamil xin phép tôi quay trở lại Ramallah.

- Anh sẽ tạt lại nhà Khalil và đưa cho người hàng xóm địa chỉ khách sạn để anh ta có thể liên hệ với chú khi anh trai anh quay về.

- Được ạ. Em sẽ không rời khách sạn. Vả lại, em cũng không biết có thể đi đâu được ở cái chốn này.

- Chú có lý đấy, chú cứ ở yên trong phòng mình đến khi nào người ta tới tìm chú. Chắc chắn hôm nay hoặc muộn nhất là ngày mai Khalil sẽ về. Anh ấy chẳng bao giờ để nhà mình trong tình trạng không người ở cả.

Anh ôm chặt lấy tôi.

- Cẩn trọng nhé, Amine.

Sau khi Jamil đi, tôi đến quầy bar hút vài điếu thuốc bên một tách cà phê. Những thiếu niên trang bị vũ khí, đầu quấn khăn xanh lá và mặc áo chống đạn, cũng tới đó. Chúng ngồi vào một góc, một nhóm phóng viên Pháp đi tới gặp chúng. Gã dân quân trẻ tuổi nhất giải thích với tôi rằng đây là một cuộc phỏng vấn và lịch sự mời tôi đi ra.

Tôi trở lại phòng mình và lại mở cánh cửa sổ nhìn ra những cảnh tượng chiến tranh hỗn độn. Tim tôi thắt lại trước cảnh tượng đập vào mắt mình... Janin... Đó từng là thành phố tuổi thơ tôi. Đất đai của thị tộc chỉ nằm cách đây khoảng ba mươi cây số, tôi vẫn thường đi cùng bố tôi mỗi khi ông vào thành phố bán tranh cho những gã con buôn mù nghệ thuật. Hồi ấy, dường như với tôi, Janin bí hiểm không khác gì Babylone, và tôi vẫn thích thú coi những chiếc chiếu nơi đây như những tấm thảm bay. Rồi, khi tuổi dậy thì đến khiến tôi quan tâm hơn đến dáng đi uyển chuyển của đám phụ nữ, tôi đã học cách đi tới đây một mình như một người lớn. Janin, đó từng là thành phố mơ ước của những thiên thần táo tợn, với những kiểu cách dân quê bắt chước thị thành, với vẻ hỗn độn nhắc người ta nhớ tới một phiên chợ Ả rập vào một ngày lễ chay ramadan, với những cửa hàng mang dáng vẻ hang động của Ali Baba, nơi những đồ lặt vặt cố góp phần làm giảm đi cái vẻ thiếu thốn, với những con hẻm ngát hương nơi những cậu bé tinh nghịch khiến người ta liên tưởng đến các vị hoàng tử chân trần; và với cả vẻ đẹp như tranh vẽ từng hút hồn những kẻ hành hương từ kiếp trước, với mùi thơm của bánh mì mà tôi chưa từng gặp ở nơi nào khác và với vẻ thân thiện bất biến bất chấp đói nghèo... Đâu rồi những nét chấm phá làm nên vẻ duyên dáng và dấu ấn của thành phố, khiến vẻ thẹn thùng của các cô gái cũng đầy quyến rũ ngang với vẻ táo tợn của họ, khiến các cụ già trở nên đáng kính bất chấp tính cách kỳ quặc? Sự ngự trị của những điều trái mắt ngang tai đã hủy hoại đến cả mọi niềm vui con trẻ. Tất cả ngập ngụa trong bầu không khí u ám độc hại. Người ta cứ ngỡ đang đứng bên bờ địa ngục, bị lãng quên, bị những linh hồn biến dạng ám ảnh. Người ta cứ ngỡ mình đã suy sụp, thân tàn ma dại, đắm chìm trong những thăng trầm tựa như những con mòng bị mắc kẹt trong dòng dầu chảy, mặt mũi nát bươm, ánh nhìn quằn quại hướng về đêm tối, bất hạnh đến mức ngay cả ánh mặt trời vĩ đại của As-Samirah cũng không thể soi tường.

Janin chỉ còn là một thành phố khổ nạn, một đống đổ nát khổng lồ; một thành phố hoàn toàn vô giá trị với vẻ khó hiểu không khác gì nụ cười của những tên tử vì đạo có ảnh chân dung được dán mỗi góc phố. Tan nát trước nhiều đợt đột kích của quân đội Isral, bị bêu đầu lần này đến lần khác rồi lại được hồi sinh để kéo dài lạc thú, Janin vẫn chưa thoát khỏi những lời nguyền, đang đến hồi kiệt sức và thiếu vắng những câu thần chú nhiệm màu...

Có tiếng gõ cửa.

Tôi tỉnh giấc. Căn phòng chìm trong bóng tối. Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ sáu giờ chiều.

- Ông Jaafari, có người muốn gặp ông, - người ta thông báo cho tôi từ phía sau cánh cửa.

Một thằng bé đang đợi tôi ở quầy lễ tân, bó mình trong bộ áo quần sặc sỡ. Nó vào độ mười tám tuổi, nhưng lại cố tỏ ra mình già dặn hơn. Khuôn mặt với những đường nét thanh tú của nó lún phún râu không cạo để nuôi thành hẳn bộ râu.

- Tôi tên là Abu Damar, - thằng bé tự giới thiệu ra vẻ thông thái. - Đó là bí danh của tôi. Tôi là người đáng tin cậy. Khalil cử tôi đến đón ông.

Rồi nó ôm ghì lấy tôi theo cách của các chiến binh Hồi giáo.

Tôi theo nó đi qua một khu phố náo nhiệt nơi vỉa hè mất dạng dưới những lớp vụn gạch đá. Các nhóm quân Isral hẳn chỉ mới rời khỏi đây bởi vẫn thấy lòng đường toang hoác hằn lên vết bánh xe tăng như kẻ tử tù vẫn hằn những dấu vết của nỗi khổ đau dai dẳng. Một lũ trẻ con đuổi theo chúng tôi trong tiếng ồn ào lộn xộn rồi vừa gào thét vừa lao vào một con hẻm.

Thằng bé dẫn đường đi quá nhanh so với tôi; nên đôi lúc nó buộc phải dừng lại để đợi.

- Không phải đường này, - tôi cảnh báo nó.

- Sắp tối rồi, - nó giải thích. - Buổi tối có nhiều khu vực bị giới nghiêm. Nên không được khinh suất. Ở Janin chúng tôi rất có kỷ luật. Mọi chỉ thị đều tuân thủ quy tắc. Nếu không thì khó mà trụ được.

Rồi thằng bé quay về phía tôi nói thêm:

- Chừng nào ông còn đi với tôi thì chừng ấy ông còn an toàn. Tôi là thổ địa ở đây. Trong một hay hai năm tới cũng vẫn là tôi có quyền ra lệnh.

Chúng tôi tới một ngõ cụt tối thui. Một dáng người mang vũ khí đứng gác trước một cửa nhỏ. Thằng bé đẩy tôi về phía người đó.

- Bác sĩ của chúng ta đây, - nó nói, tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Tốt lắm, nhóc ạ, - gã lính canh trả lời. - Giờ thì về nhà đi và đừng nhớ đến bọn tao nữa.

Thằng bé hơi bối rối trước giọng nói dứt khoát của gã lính canh. Nó chào chúng tôi và vội vã mất hút trong bóng tối.

Gã lính canh mời tôi đi theo gã vào một sân trong kiểu Tây Ban Nha, ở đó có hai gã cảnh vệ khác vừa đánh bóng xong súng ống của mình dưới ánh đuốc. Một gã đàn ông cao lớn bó mình trong chiếc áo vest lính dù đang đứng trên ngưỡng cửa dẫn vào một căn phòng ngổn ngang những chiếc giường dã chiến và túi ngủ. Đó là tên chỉ huy. Khuôn mặt lấm chấm tàn nhang và đôi mắt trắng dã của hắn không lấy gì làm vui mừng khi gặp tôi.

- Ông muốn trả thù à bác sĩ? - hắn sát lại gần tôi hỏi.

Bị bất ngờ, tôi phải mất một lúc mới hồi tỉnh được.

- Gì cơ?

- Ông nghe rõ rồi đấy, - hắn vừa vặc lại vừa dẫn tôi vào một căn phòng khuất. - Chính Shin Beth đã cử ông đến giẫm chân lên tổ kiến lửa để buộc chúng tôi phải ló mặt khỏi hang và tự nộp mình cho chúng.

- Sai rồi.

- Câm miệng ngay, - hắn đe dọa rồi đẩy tôi vào tường. - Bọn tao đã để mắt tới mày từ lâu rồi. Chuyến đi đến Bethléem của mày thật đình đám đấy. Thực ra thì mày muốn gì hả? Thích bị cắt cổ ở một rãnh nước ven đường hay thích bị treo cổ trên một quảng trường?

Gã đàn ông này khiến tôi bất giác hãi hùng.

Hắn gí nòng súng vào mạn sườn tôi ép tôi phải quỳ xuống. Một gã cảnh vệ từ đâu xuất hiện kéo tay tôi ra sau lưng và còng lại, không chút bạo lực, như thể đang thao diễn. Tôi sửng sốt trước diễn tiến tình hình và việc tôi dễ rơi vào bẫy đến độ khó lòng tin nổi những gì đang xảy đến với mình.

Gã đàn ông ngồi xổm để nhìn tôi kỹ hơn:

- Ga cuối rồi, bác sĩ ạ. Mọi người đều xuống cả. Đáng lẽ mày không nên dẫn xác đến đây mới phải, bởi ở đây chúng tao không kiên nhẫn nổi với mấy thứ giòi bọ nên chúng tao sẽ không để chúng làm thối rữa cuộc sống của mình đâu.

- Tôi tới gặp Khalil. Đó là anh họ tôi.

- Khalil đã chuồn ngay khi nó biết mày tới rồi. Nó đâu có điên. Mày có lường được cảnh hỗn loạn mày gây ra ở Bethléem không? Tại mày mà imam của Nhà Thờ Lớn đã buộc phải chuyển chỗ ở. Bọn tao phải hoãn mọi hoạt động ở đó lại để xem liệu đường dây có bị lộ không. Tao không biết tại sao Abu Moukaoum lại chấp nhận gặp mày, nhưng đó quả là một sáng kiến tồi. Cả ông ta cũng phải chuyển chỗ ở sau đó. Bây giờ mày lại tới Janin để lặp lại chuyện đó à?

- Tôi không bị ai giật dây hết cả.

- Nào nào... Chúng bắt mày ngay sau vụ khủng bố vợ mày gây ra, ba ngày tiếp đó, chúng thả mày không hề theo dõi cũng chẳng kiện cáo. Chúng cũng chẳng xin lỗi về những phiền hà chúng gây cho mày. Tại sao chứ? Vì mày có đôi mắt đẹp à? Cứ cho là thế đi, đáng lẽ bọn tao cũng định tin như thế, nhưng rõ là không phải vậy. Chẳng bao giờ có chuyện con tin rơi vào tay Shin Beth rồi được thả dễ dàng như thế mà lại không bán linh hồn cho quỷ dữ.

- Các ông nhầm rồi...

Hắn tóm lấy hàm tôi và ấn mạnh để giữ miệng tôi mở ra.

- Ngài bác sĩ quở chúng ta cơ đấy. Vợ ngài ấy chết vì chúng ta. Bà ấy từng có cuộc sống dễ chịu trong cái lồng sơn son thếp vàng của mình, phải không nào? Bà ấy ăn ngon, ngủ yên, hưởng mọi lạc thú. Bà ấy nào thiếu thốn gì. Thế mà một nhóm bệnh hoạn cướp bà ấy khỏi cuộc sống hạnh phúc để đưa bà ấy - mày từng nói thế nào nhỉ - đến chốn lửa đạn. Ngài bác sĩ sống gần chiến tranh, có điều ngài không muốn nghe nhắc đến chiến tranh. Ngài nghĩ rằng lại càng không phải vợ ngài sẽ bận tâm tới chuyện đó... Nhưng kìa, ngài đã nhầm, bác sĩ ạ.

- Tôi được thả vì tôi không liên quan gì đến vụ khủng bố cả. Không ai mộ tuyển tôi hết. Tôi chỉ muốn hiểu chuyện gì đã xảy ra thôi. Vì thế mà tôi đi tìm Adel.

- Nhưng mọi chuyện lại rất rõ ràng. Chúng ta đang trong thời kỳ chiến tranh. Người thì đứng lên cầm súng; nhưng có những kẻ chỉ ăn không ngồi rồi. Lại có những kẻ khác đục nước béo cò nhân danh hai tiếng Sự nghiệp. Đời là thế đấy. Nhưng chừng nào ai ở yên vị trí người đấy thì chừng đó mọi chuyện còn chưa nghiêm trọng. Khó khăn nảy sinh khi những kẻ đang sống yên vui hạnh phúc gây đau khổ cho những người trong cảnh khốn cùng... Vợ mày đã chọn đứng về một phe. Hạnh phúc mà mày mang lại cho bà ấy bốc mùi thối rữa. Nó làm bà ấy ghê tởm, mày có biết không? Bà ấy không muốn có nó. Bà ấy không thể tiếp tục hưởng thụ trong khi dân tộc mình chết gí dưới ách Do Thái. Mày có cần phải nhìn tận mắt không hay chính mày đã từ chối đối mặt với thực tế?

Hắn lại đứng dậy, run lên vì giận dữ, hắn dùng đầu gối đẩy gí tôi vào tường và bỏ đi sau khi đã khóa hai lần cửa.

Vài tiếng sau tôi bị chúng quẳng vào cốp một chiếc ô tô trong tình trạng mồm bị nhét giẻ, mắt bị bịt lại. Với tôi thế là hết. Chúng sẽ đưa tôi đến một khu đất hoang vu nào đó và khử tôi. Nhưng điều khiến tôi khó chịu, là thái độ phục tùng ngoan ngoãn của mình. Một con cừu hẳn còn biết tự vệ tốt hơn. Khi sập xuống cũng là lúc chiếc nắp cốp xe lấy đi nốt chút ít trân trọng tôi dành cho bản thân mình và khai trừ tôi khỏi phần còn lại của thế giới. Qua cả một chặng đường như vậy, làm nên cả một sự nghiệp kỳ lạ như vậy, để cuối cùng kết thúc trong cốp một chiếc ô tô như một gói đồ tầm thường! Sao tôi lại buông xuôi đến thế được nhỉ? Sao tôi lại có thể để người ta đối xử với mình như vậy mà không mảy may phản ứng chứ? Một cảm giác điên giận bất lực gợi lại trong tôi quá khứ xa xăm. Tôi nhớ một sáng nọ, trong lúc đưa tôi đi khám nha sĩ trên chiếc xe bò, ông tôi đã đánh xe trệch khỏi đường mòn và hất ngã một người dắt la. Người này đã đứng dậy và không ngớt chửi mắng ông tôi. Tôi chờ xem đến lượt ông nổi trận lôi đình, giống như cơn giận thường khiến những kẻ ngoan cố trong thị tộc run sợ, nhưng tôi vô cùng buồn bã khi nhận thấy vị nhân m 4f3 ã phi thường của mình, người mà tôi vốn kính nể đến mức luôn tưởng như đó là thần thánh, lại chỉ bối rối xin lỗi rồi lượm lên chiếc keffieh mà người kia đã giật ra khỏi tay ông và ném xuống đất. Tôi rầu rĩ đến mức cái răng sâu thôi làm tôi đau đớn. Khi ấy tôi bảy hay tám tuổi gì đó. Tôi không muốn tin rằng ông tôi lại có thể chấp nhận để người khác hạ nhục mình như vậy. Căm phẫn và bất lực, nên mỗi tiếng kêu gào của tay dắt la lại khiến tôi cúi đầu thấp thêm một chút. Tôi chỉ có thể đứng nhìn thần tượng của mình héo hắt như viên thuyền trưởng nhìn con tàu của mình đắm... Cũng chính nỗi u buồn ấy lại xâm chiếm tôi đúng khoảnh khắc chiếc nắp cốp ô tô ập xuống. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi cứ cắn răng chịu những điều lăng nhục đến mức thờ ơ với cả cái số phận đang chờ mình; tôi chẳng còn là gì nữa.

Hết chương 14. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26841


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận