Omr, người lớn tuổi nhất của thị tộc, vị anh hùng cuối cùng của một thời đại oanh liệt từng nuôi dưỡng những truyện kể trước lúc đi ngủ của chúng tôi thuở xưa... Omr, người ông họ của tôi, người từng lướt qua thời đại như một ngôi sao băng, nhanh đến độ những nguyện vọng của ông không bao giờ theo kịp... Ông ở đó, trong sân nhà trưởng tộc, và ông đang mỉm cười với tôi. Ông hạnh phúc khi được gặp lại tôi. Gương mặt hằn sâu những nếp nhăn của ông run run vì một niềm vui tha thiết tới mức có thể ví đó là niềm vui của một cậu bé được gặp lại cha mình sau thời gian dài biệt tích. Đã nhiều lần, ông, haj, biết đến chiến thắng, danh vọng cùng rất nhiều xứ sở và được cưỡi trên lưng những con ngựa thuần giống huyền thoại băng qua những miền đất trứ danh. Ông từng chiến đấu trong đội quân của Lawrence xứ Ả rập - “gã Ibliss da tái nhợt đến từ xứ sở sương mù để giúp đỡ người Ả rập du cư chống lại đế chế Ottoman và gieo rắc bất hòa giữa những người Hồi giáo” -, ông từng phục vụ trong đội cận vệ hoàng gia của vua Ibn Séoud trước khi phải lòng một người hầu gái rồi cùng bà trốn khỏi bán đảo. Những tháng ngày vất vưởng, rồi tình cảnh sa sút đã hạ gục mối tình của họ. Bị nhân tình bỏ rơi, ông lang thang từ công quốc nọ đến vương quốc kia để làm giàu, cướp bóc chỗ này chỗ kia rồi trở thành kẻ buôn lậu vũ khí ở Sanaa, buôn thảm ở Alexandrie trước khi bị thương nặng vì bảo vệ El Qods năm 1947. Tôi biết ông đi khập khiễng là do viên đạn ở đầu gối, rồi ông phải chống gậy sau một cơn đau tim vào cái ngày ông chứng kiến cảnh những chiếc xe ủi Isral tàn phá những vườn cây của dòng họ để xây lên đó một khu di dân Do Thái. Hôm nay, tôi gặp lại ông giờ đã tàn tạ kinh khủng, gương mặt người chết và ánh mắt héo hắt; ông chỉ còn như một nắm xương bị lãng quên ngồi trong chiếc xe lăn.
Tôi hôn tay ông và quỳ gối dưới chân ông. Ông vừa đưa những ngón tay gầy guộc luồn vào mái tóc tôi vừa gắng lấy lại hơi để nói với tôi rằng việc tôi trở lại nơi chôn rau cắt rốn khiến ông ngập tràn hạnh phúc. Tôi tựa đầu lên ngực ông, như ngày xa xưa, khi còn là một đứa trẻ được nuông chiều, tôi vẫn chạy đến ông khóc lóc vì đòi cái nọ cái kia và bị từ chối.
- Bác sĩ của ta, - giọng ông run run, - bác sĩ của ta...
Faten, cô cháu gái giờ đã ba mươi lăm tuổi của ông đứng kế bên. Hẳn là có gặp trong phố tôi cũng không nhận ra nó. Đã lâu lắm rồi. Tôi từng bỏ rơi nó, cái con bé hoảng sợ ấy, lúc nào cũng tìm cách kiếm chuyện với anh em họ của mình rồi chuồn đi như thể nó bị quỷ ám. Ở Tel-Aviv, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin về nó, rằng nó là một người đen đủi. Những kẻ ác mồm gọi nó là Quả phụ trinh tiết. Faten hết sức không may mắn. Người chồng đầu của nó qua đời ngay trong lúc rước dâu, lễ rước dâu diễn ra ngắn ngủi vì cái chết bất ngờ; người chồng thứ hai của nó bị giết trong một vụ đụng độ với một nhóm tuần tra Isral hai ngày trước lễ cưới. Thế là ngay lập tức, lũ người ác khẩu nghi nó bị phạt đày địa ngục và không còn ai có ý định đến gõ cửa nhà nó nữa. Đó là một phụ nữ béo khỏe và quê kệch, bị gò mình trong những công việc gia đình nặng nhọc và nếp sống khắc khổ của những xóm thôn khép kín. Vòng ôm của nó mạnh mẽ và nụ hôn thành tiếng.
Wissam dỡ túi cho tôi, rồi khi vị trưởng tộc chịu buông tay tôi ra, nó dẫn tôi đi chỉ phòng ngủ cho tôi. Tôi thiếp đi trước cả khi đầu chạm được đến gối. Khoảng chiều tối, nó quay lại đánh thức tôi. Faten và nó đã sắp bàn ăn dưới dàn nho. Họ không tằn tiện chút nào. Vị trưởng tộc ngồi đầu bàn, co mình trong chiếc xe lăn; ánh mắt ông không lúc nào thôi nhìn tôi; ông đang vui ngây ngất. Bốn người chúng tôi ăn tối ngoài trời. Wissam kể chúng tôi nghe những chuyện kỳ quặc ngoài mặt trận đến tận lúc khuya muộn. Omr tươi cười nơi khóe mắt, mặt cúi xuống. Wissam là một người vui tính kỳ lạ; thật khó tin một chàng trai nhút nhát như nó lại có tài kể chuyện cười khiến người ta thích thú đến vậy.
Tôi trở về phòng trong tâm trạng say đắm những câu chuyện nó kể.
Buổi sáng, đúng vào giờ đêm tối đang lùi dần nhường chỗ cho những tia sáng đầu tiên của ngày thì tôi thức dậy. Tôi đã ngủ như một đứa trẻ. Có lẽ tôi đã mơ những giấc mơ đẹp, nhưng tôi lại chẳng nhớ giấc mơ nào cả. Tôi cảm thấy khỏe khoắn, khoan khoái. Faten đã đưa vị trưởng tộc ra sân; tôi thấy ông qua cửa sổ, uy nghi trên ngai báu của mình, giống như một totem đang lại sức. Ông đang đợi mặt trời lên. Faten đã chuẩn bị xong món bánh kẹp. Nó mang bữa sáng vào phòng khách cho tôi; gồm có cà phê sữa, ô liu và trứng luộc, hoa quả theo mùa và những lát bánh mì phết bơ nhúng mật ong. Tôi ăn một mình, Wissam vẫn đang ngủ. Thỉnh thoảng Faten lại tới xem tôi có thiếu gì không. Sau bữa ăn, tôi ra sân gặp Omr. Ông siết chặt tay tôi khi tôi nghiêng người hôn trán ông. Nếu ông không nói gì nhiều, thì đó là để tận hưởng từng khoảnh khắc tôi mang đến cho ông. Faten vào chuồng cho gà ăn. Mỗi lần đi qua trước mặt tôi, nó đều mỉm cười với tôi. Mặc cho chốn quê mùa khắc nghiệt và số phận tàn bạo, nó vẫn vững vàng. Ánh mắt nó khô cằn, hành động thô mạnh, nhưng nụ cười của nó, thật đáng ghen tỵ thay, vẫn giữ được vẻ dịu dàng kín đáo.
- Cháu muốn đi quanh một vòng, - tôi nói với Omr. - Ai mà biết được? Có thể cháu lại tìm được chiếc cúc áo bằng đồng mà cháu đã đánh mất ở đây cách nay hơn bốn mươi năm thì sao.
Omr gật gù mái đầu nhưng lại quên buông tay tôi ra. Đôi mắt già nua hao mòn trong gió cát và những nỗi bất hạnh của ông sáng lên như những món đồ quý bị bụi bẩn.
Tôi đi ngang qua vườn rau, tiến sâu vào khu vực còn lại của vườn cây ăn quả chỉ còn vài cây trơ trụi để tìm những con đường tuổi thơ của mình. Những lối mòn ngày xưa đã biến mất, nhưng bầy dê lại vạch ra những lối mòn khác, có lẽ là ít thơ mộng hơn, nhưng vẫn ngẫu hứng như vậy. Tôi nhìn thấy ngọn đồi mà từ đó tôi vẫn thường đắm mình trong không gian tĩnh mịch. Cái lều nơi cha tôi lấy làm xưởng vẽ giờ đã sụp; một bức vách vẫn trụ lại đó, nhưng phần còn lại chỉ là một đống đổ nát bị những cơn mưa rào quật đổ. Tôi đến trước một bức tường con, sau bức tường ấy, cùng với các anh chị em họ, chúng tôi đã từng chơi trò phục kích những đội quân vô hình. Một mảng tường đã vỡ, gạch vữa rơi đầy trên cỏ dại. Chính ở chỗ này mẹ tôi đã chôn cất con chó con của tôi, chết ngay sau khi ra đời. Tôi đã rầu rĩ đến mức bà cũng òa khóc cùng tôi. Mẹ tôi... một tâm hồn nhân ái đang phai mờ giữa bến bờ ký ức; một tình yêu vĩnh viễn tan biến trong thời đại hỗn loạn. Tôi ngồi xuống một hòn đá lớn và hồi tưởng. Tôi không phải con vua con chúa gì, nhưng tôi như được gặp lại một vị hoàng tử, hai tay dang rộng như cánh chim, lượn bay trên sự nghèo khổ của thế giới như một lời cầu nguyện lượn bay trên những chiến trường, như một lời ca lượn bay trên sự im lặng của những người không thể ca hát được nữa.
Lúc này mặt trời đã đuổi kịp những suy nghĩ của tôi. Tôi đứng dậy và đi lên ngọn đồi nơi vẫn còn một vài cây rậm lá. Tôi leo lên một bờ dốc, trèo tới đỉnh; đó từng là tháp canh của tôi vào thời những cuộc chiến hạnh phúc. Ngày xưa, mỗi lần đứng đây, tôi lại nhìn được xa đến nỗi chỉ cần tập trung một chút thôi là tôi có thể thấy thấp thoáng nơi tận cùng thế giới. Ngày nay, chẳng ai biết vì ý đồ xấu xa nào mà một bức tường thành kinh khủng mọc lên ngang nhiên che mất bầu trời tuổi thơ của tôi, nhơ nhuốc tới độ những con chó thà đái vào bụi cây ngấy còn hơn đái dưới chân bức tường đó.
- Sharon đang đọc ngược kinh Torah, - một giọng nói cất lên sau lưng tôi.
Một cụ già mặc chiếc áo dài bạc màu nhưng sạch sẽ đứng ngay sau lưng tôi. Chống một cây gậy ngắn, nét mặt ủ dột và mái tóc bạc trắng, cụ khinh bỉ nhìn bức tường thành che khuất đường chân trời. Trông cụ như Moêse(1) đứng trước Con Bê vàng.
- Người Do Thái phải trôi giạt vì họ không chịu được những bức tường, - cụ nói mà không để ý đến tôi. - Không phải chuyện ngẫu nhiên nếu họ dựng lên bức tường thành này để than vãn trên đó. Sharon đang đọc ngược kinh Torah. Hắn tin sẽ bảo vệ được Isral khỏi kẻ thù nhưng lại chỉ làm một việc là nhốt đất nước trong một cái khu tập trung khác, không kinh khủng bằng nhưng cũng bất công như vậy...
Cuối cùng cụ quay về phía tôi.
- Xin lỗi vì làm phiền anh. Tôi thấy anh đến bằng lối đường mòn và tôi ngỡ như gặp một người bạn cũ đã xa cách từ một thập kỷ nay và là người tôi rất nhớ. Anh có hình dáng, bước đi và, bây giờ lại gần anh hơn một chút, tôi thấy cả đường nét của người đó nữa. Anh không phải là Amine, con trai của họa sĩ Redouane đấy chứ?
- Chính là tôi đây.
- Tôi đã chắc như thế. Anh giống ông ấy như tạc. Có khoảnh khắc, tôi tưởng như anh là bóng ma của ông ấy.
Cụ chìa bàn tay nhăn nheo cho tôi.
- Tôi là Shlomi Hirsh, nhưng người Ả rập gọi tôi là Zeev Thầy tu. Theo tên một vị thầy tu khổ hạnh thuở xưa. Tôi sống trong ngôi nhà lá, dưới kia, sau vườn cam. Trước đây, tôi làm thương gia buôn bán hàng cho ông nội anh. Từ khi đất đai của ông cụ mất, tôi chuyển sang nghề thầy lang. Ai cũng biết tôi chẳng có quyền lực gì hơn những con gà bị tôi giết đặt trên bàn thờ thờ cúng những điều vô ích, nhưng dường như chẳng ai bận tâm. Người ta vẫn đến xin tôi những điều thần diệu mà tôi không ban phát được. Tôi thề thốt những ngày tốt đẹp sẽ tới để đổi lấy vài đồng shekel khốn khổ; và vì như thế không đủ làm nên hạnh phúc cho tôi nên không khách hàng nào oán trách tôi khi tôi đoán trật cả.
Tôi siết chặt tay cụ.
- Tôi có làm phiền anh không?
- Bây giờ thì không, - tôi trấn an cụ.
- Tốt quá. Thời gian này người ta rất hiếm khi đi dạo ở đây. Do Bức tường. Bức tường này, nó thật ghê tởm, phải không? Sao người ta lại có thể xây lên những điều ghê tởm thế này chứ?
- Những điều ghê tởm không nhất thiết là cơ sở hạ tầng.
- Đúng vậy, nhưng ở đó, thẳng thắn mà nói, người ta lẽ ra có thể tìm ra thứ gì đó khá hơn. Một Bức tường ư? Điều đó có nghĩa gì? Người Do Thái sinh ra đã tự do như cơn gió, khó nắm bắt như sa mạc trên Trái đất. Nếu họ quên ấn định phạm vi tổ quốc mình đến mức suýt bị người ta tước mất, thì đó là vì bấy lâu nay họ tin rằng Miền đất hứa trước hết phải là miền đất mà ở đó, không một tường thành nào cản được ánh mắt họ vươn xa hơn những tiếng kêu thét của họ.
- Còn những tiếng kêu thét của những người khác, họ làm gì với những tiếng kêu thét ấy?
Cụ già cúi đầu.
Cụ lượm một ít đất và miết vụn ra.
- Tất cả những hy sinh dành cho ta, phỏng có ích gì? - Yhwh nói, - chúng khiến ta phát ngấy.
- Isaêe, 1, 11, - tôi nói.
Cụ già cau mày, khâm phục.
- Rất đúng.
- Làm sao kẻ khốn kiếp lại hủy diệt được thành phố bất diệt nơi pháp luật tỏa rạng? - tôi đọc cho cụ. - Công lý sẽ dồn những kẻ sát nhân đến cùng đường.
- Dân tộc ta bị những kẻ mất phương hướng đưa vào khuôn phép, những kẻ đó sẽ khiến hướng đi của ngươi rối loạn.
- Lửa chiến tranh sống được nhờ dân tộc. Không gì tránh nổi người anh em của nó. Nó gọt giũa bên phải rồi đòi hỏi; nó cắn phá bên trái rồi lại muốn thêm, nó cắn da thịt giống nòi mình.
- Và khi rốt cuộc Thầy cũng vượt qua dãy Sion và Jérusalem, tôi sẽ chăm sóc vườn quả trong trái tim kiêu ngạo của vua Assour và trong ánh mắt đẹp đẽ kiêu hãnh của người.
- Và Sharon chỉ còn phải tuân theo nữa thôi, amen! - Chúng tôi phá lên cười.
- Anh khiến tôi ngạc nhiên quá, - cụ thú nhận. - Anh học những câu kinh Isaêe ở đâu vậy?
- Mọi người Do Thái ở Palestine đều mang trong mình chút Ả rập và không một người Ả rập nào ở Isral có thể khẳng định trong mình không mang chút Do Thái.
- Hoàn toàn đồng ý với anh. Thế thì tại sao trong cùng một huyết tộc lại tồn tại nhiều hằn thù đến vậy?
- Đó là bởi lẽ chúng ta không hiểu gì nhiều về những lời tiên tri hay những quy tắc cơ bản của cuộc sống.
Cụ tán thành, vẻ buồn bã.
- Vậy nên làm gì? - cụ hỏi.
- Trước hết phải trả tự do cho Đấng Tối cao. Bấy lâu nay Người bị lòng mộ đạo của chúng ta giữ làm con tin.
Một chiếc ô tô từ trang trại đi tới, để lại phía sau nó một làn bụi dài.
- Chắc là để gặp anh, - cụ già bảo tôi. - Còn đến gặp tôi thì người ta hay cưỡi lừa.
Tôi chìa tay ra cho cụ, chào cụ và xuống khỏi mô đất đi về hướng con đường xe cộ qua lại được.
Trong nhà vị trưởng tộc rất đông người. Bà Najet đích thân đến đây; trước đó bà ở nhà con gái mình ở Tubas và về ngay khi nghe phong thanh tôi trở lại quê hương. Ở tuổi chín mươi, lưng bà không còng đi chút nào. Lúc nào cũng vững vàng trên đôi chân mình, ánh mắt linh hoạt và cử chỉ chính xác. Bà là mẹ của tất cả chúng tôi, là người vợ trẻ nhất và góa phụ duy nhất của trưởng tộc. Mỗi khi mẹ tôi định quở mắng tôi, tôi lại gào tên bà lên để khỏi bị đòn... Bà vùi mặt vào áo tôi khóc. Các anh chị em họ, các chú các bác, những đứa cháu trai cháu gái họ và bà con họ hàng khác kiên nhẫn chờ đến lượt ôm hôn tôi. Không ai trách cứ tôi vì đã đi xa đến vậy và lâu không trở về như vậy. Ai cũng hài lòng được gặp tôi, được ôm hôn tôi; tất cả đều tha thứ cho tôi vì đã lãng quên họ suốt những năm qua, vì thích thú những tòa cao ốc lấp lánh hơn những sườn đồi bụi bặm, những đại lộ rộng lớn hơn những con đường mòn chăn dê, những hào nhoáng hão huyền hơn những điều bình dị của cuộc sống. Thấy mọi người yêu thương mình mà mình chỉ tặng lại họ được một nụ cười, tôi mới hiểu tôi nghèo nàn đến mức nào. Khi quay lưng lại với miền đất lộn xộn và gò bó này, tôi từng nghĩ như thế là mình đã phá bỏ mọi trói buộc. Hồi ấy, tôi không muốn giống người thân của mình, không muốn phải chịu nghèo khổ như họ và nuôi dưỡng mình bằng chủ nghĩa khắc kỷ của họ. Tôi nhớ mình lúc nào cũng chạy lon ton theo cha, người đi khắp nơi với quyết tâm vây bắt bằng được con kỳ lân của mình ở một xứ sở u buồn vì những truyền thuyết, trong tay là tấm toan như cái khiên và bút lông hình ngọn giáo. Mỗi lần bị một gã lái buôn đồ nghệ thuật lắc đầu từ chối, ông lại cùng tôi ẩn mình đi. Khi đó thật kinh khủng. Ông không chịu buông xuôi, luôn tin rằng thế nào mình cũng làm nên được điều kỳ diệu. Những thất bại của ông khiến tôi bực bội, tính kiên định của ông khiến tôi mạnh mẽ thêm. Và thế là để không bị phụ thuộc vào một cái lắc đầu tầm thường, tôi đã chối bỏ những vườn quả của ông tôi, chối bỏ những trò chơi ngày thơ ấu của tôi, thậm chí chối bỏ cả mẹ tôi nữa; dường như với tôi, đó là cách duy nhất để biến số phận mình thành sự nghiệp lừng lẫy bởi mọi con đường khác đều đã mặc nhiên loại bỏ tôi.
Wissam làm thịt ba con cừu để thết đãi chúng tôi một bữa tiệc xứng với ngày trọng đại. Cuộc hội ngộ này thật cảm động; tôi khó nhọc đứng vững trên đôi chân mình. Cả một thời kỳ nhanh chóng ùa về, tuyệt vời như một màn múa súng trên mình ngựa. Mọi người giới thiệu cho tôi biết những đứa trẻ vẻ nhút nhát, những đôi vợ chồng mới cưới, những người bà con tương lai. Hàng xóm láng giềng cùng ghé qua, những chỗ quen biết cũ, bạn bè của bố tôi hay những thằng bạn cũ của tôi. Bữa tiệc cứ kéo dài tưng bừng đến tận tảng sáng suốt mấy ngày liền.
Tới ngày thứ tư, nhà trưởng tộc mới lấy lại được vẻ yên tĩnh. Faten lại tự tay làm mọi việc. Bà Najet và ông họ tôi ngồi cả ngày ngoài sân, ngắm lũ muỗi vo ve trên ruộng rau. Wissam xin phép chúng tôi trở về Janin. Người ta gọi điện ra lệnh cho nó. Nó gói ghém hành lý, ôm hôn các cụ và cô em gái Faten. Trước khi chia tay chúng tôi, nó nói với tôi là nó thật may mắn khi gặp kịp tôi. Tôi không hiểu nghĩa từ kịp; tôi cảm thấy không yên khi nó lên đường - có điều gì đó, trong ánh mắt nó, khiến tôi nhớ đến hình ảnh Sihem ở bến xe và hình ảnh Adel đờ đẫn trong cái sân con đầy sỏi ở Janin.
Tôi không hối tiếc chặng nghỉ chân giữa những người thân này. Sự nồng nhiệt của họ khiến tôi vững lòng, tấm lòng độ lượng của họ khiến tôi yên tâm. Ngày ngày, tôi đi ra trang trại cùng vị trưởng tộc và hajja Najet, đi lên đồi nơi tôi gặp lại cụ già Zeev và những câu chuyện hài hước của cụ về tính cả tin của những người dân quê.
Zeev là một người thật thú vị, hơi điên rồ một chút nhưng rất thông thái, như một vị thánh thoát khỏi mọi điều ràng buộc, thích đón nhận mọi điều như nó vốn vậy, ban đầu thì lộn xộn xong mới tuyển lựa, như người ta đuổi theo đoàn tàu đang chạy với cái cớ là mọi phát hiện đều góp phần làm tâm hồn con người thêm phong phú ngay cả khi con người đó bị cuốn theo những số phận khắc nghiệt. Nếu chuyện đó chỉ phụ thuộc vào cụ, cụ sẵn sàng đánh đổi cây gậy Moêse của mình để lấy cây chổi phù thủy và rất lấy làm vui thích biến những phép thuật thành phương pháp chữa bệnh giống như những điều kỳ diệu mà cụ đã hứa sẽ xảy ra với những con người khốn khổ đến cầu xin lòng bao dung ở cụ, nhầm tưởng cảnh túng quẫn của cụ là ăn chay và cảnh bị gạt ra ngoài lề của cụ là tu hành khổ hạnh. Từ cụ, tôi học được rất nhiều điều về con người và về chính bản thân mình. Khiếu hài hước của cụ giúp giảm bớt gánh nặng của những thăng trầm, phong cách giản dị của cụ giúp tránh xa những tác hại của một cuộc sống nơi người ta thường thất hứa và chà đạp lên hy vọng. Chỉ cần lắng nghe cụ là đủ để trút bỏ những nỗi ưu tư. Khi cụ trình bày những suy nghĩ như thác cuốn của mình về sự giận dữ cũng như thói kiêu ngạo của loài người thì không gì ngăn nổi cụ dừng lại; cụ cuốn theo tất cả vào dòng thác suy tưởng ấy, mà người đầu tiên là tôi. “Mạng sống của một con người có giá trị hơn nhiều so với một sự hy sinh, dù cho sự hy sinh ấy rất cao quý,” cụ bộc bạch và nhìn vào mắt tôi không chút nao núng. “Bởi lẽ, Sự nghiệp vĩ đại nhất, đúng đắn nhất, cao quý nhất trên trái đất này là quyền được sống...” Con người này, quả là rất thú vị. Cụ có biệt tài không để mình bị các sự kiện nhận chìm, không nhượng bộ trước sự phong tỏa của những điều bất hạnh. Vương quốc của cụ ư? Là căn nhà lá nơi cụ đang sống. Yến tiệc của cụ ư? Là bữa ăn cụ chia ngọt sẻ bùi với những người cụ yêu thương. Vinh quang của cụ ư? Là sự tưởng nhớ giản dị trong ký ức của người đời sau.
Chúng tôi chuyện trò trọn hai tiếng đồng hồ trên đỉnh đồi, cùng ngồi trên một hòn đá lớn, lưng quay lại phía Bức tường và cùng nhìn hướng về một vài vườn quả còn sót lại trên mảnh đất quê hương...
Thế rồi bất hạnh đổ ập lên đầu tôi, một chiều tối sau khi tôi từ biệt cụ.
Đám phụ nữ mặc đồ đen đứng đầy sân. Faten đứng cách xa họ, hai tay ôm lấy đầu. Những tiếng nức nở át cả tiếng rên rỉ, cả trang trại ngập trong những điềm xấu. Vài người đàn ông đang bàn chuyện gần chuồng gà; những người bà con, những xóm giềng.
Tôi tìm vị trưởng tộc, nhưng không thấy ông đâu cả.
Ông đã qua đời ư?...
- Ông ở trong phòng, - một người anh em họ nói với tôi. - Hajja đang ở bên ông. Ông đã choáng váng khi nhận tin...
- Tin nào cơ?...
- Wissam... Anh ấy đã hy sinh trên chiến trường, lúc sáng nay. Anh ấy chất đầy thuốc nổ trên ô tô và lao vào một trạm kiểm soát của quân Isral...
Rạng sáng, quân lính đổ đến vườn quả. Chúng đến trên những chiếc xe bọc thép, bao vây nhà trưởng tộc. Một chiếc xe chở theo máy ủi đi ngay sau chúng. Tên sĩ quan đòi gặp trưởng tộc. Omr đang rất đau khổ nên tôi ra thay ông. Tên sĩ quan cho tôi hay là sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết một trạm kiểm soát có dính líu đến Wissam Jaafari và tuân theo mệnh lệnh hắn nhận được từ chỉ huy cấp cao của mình, thì chúng tôi có nửa tiếng đồng hồ để sơ tán và cho phép hắn tiến hành phá hủy ngôi nhà.
- Sao lại thế? - tôi phản đối. - Các ông phá hủy ngôi nhà ư?
- Ông còn hai mươi chín phút nữa, thưa ông.
- Không có chuyện đó đâu. Chúng tôi sẽ không để các ông phá nhà chúng tôi. Chuyện này là thế nào chứ? Những người sống ở đây sẽ đi đâu bây giờ? Có hai cụ già đã gần trăm tuổi đang gắng gượng sống nốt những ngày còn lại. Các ông không có quyền... Đây là nhà trưởng tộc, điểm mốc quan trọng nhất thị tộc. Các ông phải rút khỏi đây, và ngay lập tức.
- Còn hai mươi tám phút nữa, thưa ông.
- Chúng tôi sẽ vào trong nhà. Chúng tôi không rời khỏi đây đâu.
- Đó không phải việc của tôi, - tên sĩ quan nói. - Cái xe ủi của tôi không có mắt đâu. Một khi đã lao vào thì nó sẽ lao vào đến cùng. Các người đã được báo trước.
- Anh lại đây, - Faten vừa nói vừa kéo cánh tay tôi. - Đám người này không có tim cũng như đống máy móc của chúng vậy. Hãy cứu lấy những gì chúng ta có thể và rời khỏi đây.
- Nhưng chúng sẽ phá hủy ngôi nhà, - tôi kêu lên.
- Một ngôi nhà có là gì đâu khi ta đã mất cả đất nước, - cô thở dài.
Đám lính đưa chiếc xe ủi xuống. Những tên khác dùng vũ khí ngăn những người hàng xóm đang bắt đầu kéo tới. Faten giúp vị trưởng tộc ngồi vào xe lăn và đưa ông ra sân. Najet không muốn mang theo gì cả. Bà bảo đó là đồ đạc riêng của ngôi nhà. Cũng như thuở xưa người ta chôn các lãnh chúa cùng tài sản của họ. Ngôi nhà này xứng đáng được giữ những tài sản riêng của nó. Đó là một ký ức vụt tắt cùng những ước mơ và kỷ niệm của nó.
Bọn lính bắt chúng tôi đứng ra xa. Trên một gò đất mấp mô. Omr suy sụp trên xe lăn của mình - tôi nghĩ là ông không hay biết gì về những việc đang diễn ra: ông nhìn không khí náo động quanh mình nhưng không thực sự nhận thấy gì. Hajja Najet giữ vẻ trang nghiêm đứng sau ông, Faten bên trái còn tôi bên phải. Chiếc xe ủi vừa rú lên vừa phụt ra một làn khói dày đặc từ ống khói. Những guồng xích bằng thép của nó quay tít mù hung hăng cày nát đất. Những người hàng xóm đi vòng qua hàng rào an ninh và lặng lẽ đến chỗ chúng tôi. Tên sĩ quan ra lệnh cho một nhóm trong đám người của hắn kiểm tra xem còn ai trong nhà không. Sau khi chắc chắn là ngôi nhà không còn ai, hắn ra hiệu cho tên lái xe ủi. Đúng lúc bức tưởng nhỏ quanh nhà đổ xuống thì một cơn giận bùng lên trong tôi, tôi lao vào cỗ máy. Một tên lính chắn ngang đường tôi; tôi đẩy hắn ngã rồi lao vào con quỷ đang phá hủy những kỷ niệm đời tôi. “Dừng lại,” tôi kêu lên... “Dừng lại,” tên sĩ quan đe dọa tôi. Một tên lính khác chặn tôi lại; hắn dùng báng súng đập tôi một cú vào quai hàm, tôi khuỵu xuống như một bức trướng rũ xuống khi bị tháo.
Tôi ở trên mô đất suốt cả ngày trời nhìn đống đổ nát nằm dưới bầu trời chói lọi, cách đây biết bao năm ánh sáng, đó đã từng là lâu đài của hoàng tử bé chân trần. Cụ cố tôi đã tự tay xây lên, từng viên đá một; nhiều thế hệ đã sinh sống ở đây, đã chứng kiến biết bao sự kiện; biết bao hy vọng được ươm mầm trong những khu vườn này. Thế mà chỉ một chiếc xe ủi, trong một vài phút, là đủ để biến trọn sự vĩnh cửu thành cát bụi.
Khoảng chiều tối, khi mặt trời đang lặn dần sau Bức tường phía dưới 3f5b kia thì một người anh em họ đến tìm tôi.
- Ở đây cũng chẳng làm được gì cả, - anh nói với tôi. - Việc gì xong thì cũng xong rồi.
Hajja Najet đã về lại nhà con gái ở Tubas.
Vị trưởng tộc trú lại nhà một người cháu gọi bằng cụ, trong một xóm không xa vườn quả.
Faten giam mình trong sự câm lặng không thể phá vỡ. Nó ở lại với vị trưởng tộc, trong ngôi nhà ổ chuột của người cháu họ. Nó vẫn luôn săn sóc ông cụ và biết nhiệm vụ này khó khăn thế nào. Không có nó, Omr sẽ không chịu nổi. Những người khác có thể đã chăm sóc ông thời gian đầu, nhưng hẳn là cuối cùng sẽ sao nhãng ông. Chính bởi vậy mà Faten muốn sống trong nhà trưởng tộc. Omr như em bé của nó, của riêng nó vậy. Nhưng từ lúc chiếc xe ủi rút đi, nó cũng mang theo cả tâm hồn của Faten. Giờ còn đó là một người phụ nữ kiệt quệ tinh thần, hoảng hốt và câm lặng; một cái bóng bị lãng quên trong xó xỉnh chờ đêm xuống để lẫn vào với đêm. Một tối, nó đi bộ quay về vườn quả bị tàn phá, tóc xõa sau lưng - nó vốn là người không bao giờ rời chiếc khăn trùm đầu -, và nó ở đó suốt cả đêm, trước đống đổ nát chôn vùi dưới đó phần đời quan trọng của nó. Nó đã từ chối theo tôi về khi tôi đi tìm nó. Không một giọt nước mắt nào chảy ra từ đôi mắt trống rỗng ấy, từ ánh mắt đờ đẫn ấy, ánh mắt không lẫn đi đâu được, ánh mắt mà tôi đã học được cách khiếp sợ. Ngày hôm sau, không thấy dấu vết gì của Faten. Chúng tôi làm đủ mọi cách để tìm; nhưng nó mất hút. Thấy tôi tìm tung cả mấy xóm xung quanh, và vì sợ mọi chuyện trở nên ầm ĩ, đứa cháu gặp riêng tôi thú nhận:
- Chính cháu đã đưa cô ấy đến Janin. Cô ấy đã nằn nì rất nhiều. Dù sao thì cũng chẳng ai làm được gì cả. Mọi chuyện vẫn luôn như thế.
- Cháu đang nói với ta gì vậy?
- Không gì ạ...
- Sao con bé lại đến Janin, đến nhà ai?
Thằng cháu gọi Omr bằng cụ nhún vai.
- Đó là những chuyện mà những người như ông không hiểu được đâu, - nó bỏ đi sau khi nói vậy.
Nhưng đến đây thì tôi hiểu.
Tôi gọi một chiếc taxi và trở lại Janin, bắt gặp Khalil đang ở nhà. Anh ta nghĩ tôi đến thanh toán nợ nần với anh ta. Tôi trấn an anh ta. Tôi chỉ tìm cách gặp Adel. Adel đến ngay sau đó. Tôi thông báo cho nó biết Faten mất tích, nói cho nó hay những nghi ngờ của tôi về lý do của sự biến mất này.
- Tuần này không có người phụ nữ nào gia nhập hàng ngũ của chúng cháu cả, - nó khẳng định.
- Cháu thử tìm bên Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo hay những đội quân khác xem.
- Không phải mất công thế đâu... Rất khó để thống nhất được đâu là lực lượng chiến đấu chính. Vả lại, cũng chẳng có gì để phải tìm hiểu cả. Mỗi người thực hiện cuộc thánh chiến của mình theo cách anh ta hiểu về nó. Nếu Faten ở đâu đó, thì có cố đuổi kịp chị ấy cũng vô ích. Chị ấy đã trưởng thành và hoàn toàn tự do trong việc làm điều chị ấy muốn với mạng sống của mình. Và với cả cách chết của mình. Không có chuyện thiên vị đâu, bác sĩ ạ. Khi đã chấp nhận đứng lên cầm vũ khí, người ta sẽ phải chấp nhận việc người khác cũng làm tương tự. Ai cũng có quyền giành chiến thắng. Người ta không chọn lựa số phận mình, mà chọn lựa cách kết thúc số phận đó. Đó là một cách dân chủ để nhổ vào định mệnh.
- Cậu xin cháu, hãy tìm nó.
Adel lắc đầu, ngao ngán:
- Cậu lại không hiểu gì rồi, ammou ạ. Bây giờ cháu phải đi đây. Cheikh Marwan sẽ tới trong chốc lát. Ông sẽ giảng kinh khoảng một tiếng đồng hồ tại nhà thờ của khu phố. Cậu nên đến nghe ông...
Chính thế đấy, tôi nghĩ: chắc chắn Faten ở Janin để nhận lời ban phước của cheikh.
Nhà thờ chật ních người. Lính cảnh vệ làm thành những hàng rào bảo vệ thánh đường. Tôi ngồi ở góc phố quan sát khu dành cho phụ nữ trong nhà thờ. Những người đến muộn vội vã đi vào phòng cầu nguyện bằng cánh cửa khuất phía sau nhà thờ, người giấu mình trong những chiếc váy đen, người che mặt bằng những tấm khăn choàng đủ màu sắc. Không thấy Faten. Tôi đi vòng qua một khu nhà để lại gần cánh cửa khuất nơi một bà to béo đứng gác. Bà ta hốt hoảng khi thấy tôi ở phía bên này thánh đường, nơi mà ngay cả cảnh vệ cũng không dám ló mặt vì giữ ý.
- Phía của đàn ông ở bên kia, - bà ta nói.
- Tôi biết, bà chị ạ, nhưng tôi cần nói chuyện với cháu họ tôi, Faten Jaafari. Rất khẩn.
- Cheikh đã có mặt ở giảng đài rồi.
- Tôi rất tiếc, bà chị ạ; nhưng tôi cần nói chuyện với cháu họ tôi.
- Tôi phải làm thế nào để gặp cô ấy bây giờ? - bà ta căng thẳng. - Có hàng trăm phụ nữ trong đó, và cheikh sẽ bắt đầu buổi giảng của Người. Dù sao đi nữa tôi cũng không lấy micro của Người đâu. Ông hãy trở lại sau buổi cầu nguyện.
- Bà có biết cô ấy, cô cháu họ tôi không? Cô ấy có đây không?
- Sao cơ? Ông cũng chẳng chắc là cô ấy ở đây hay không, và ông lại đến làm phiền chúng tôi vào lúc thế này. Mời ông đi cho, nếu không tôi sẽ gọi cảnh vệ.
Tôi phải đợi buổi giảng kinh kết thúc.
Tôi quay lại góc phố của mình, ngồi sao cho nhà thờ và khu vực dành cho phụ nữ không bị khuất khỏi tầm nhìn. Giọng nói đầy mê hoặc của imam Marwan vang lên trong loa, nổi bật trong bầu không khí im lặng thần thánh ngự trị khu phố. Đó chính xác là bài diễn văn mà tôi đã được nghe trên chiếc taxi dù ở Bethléem. Thi thoảng lại có những tiếng vỗ tay nồng nhiệt hoan nghênh những lời văn hoa của diễn giả...
Một chiếc ô tô bất chấp tất cả đỗ ngay trước cửa nhà thờ; hai tên cảnh vệ vừa xuống xe vừa khua nhặng bộ đàm của chúng. Có vẻ nghiêm trọng. Một trong hai tên mới đến đưa ngón tay sốt ruột chỉ lên trời. Những người khác bàn tính với nhau rồi mới đi tìm người có trách nhiệm; đó là gã đàn ông mặc vest lính dù, tên cai tù của tôi. Gã đưa ống nhòm lên mắt và quan sát bầu trời trong nhiều phút. Cảnh hỗn loạn xảy ra quanh chính điện. Đám lính cảnh vệ bắt đầu chạy nháo lên; ba trong số bọn chúng đi đến chỗ tôi, vừa chạy vượt qua tôi vừa thở hổn hển... “Nếu không thấy trực thăng thì chắc là máy bay không người lái”, một trong số bọn chúng đưa ra giả thiết. Tôi nhìn chúng hộc tốc chạy ngược lên phố. Một chiếc ô tô khác phanh lại trước nhà thờ. Những người trên xe kêu lên gì đó với gã áo vest lính dù, lùi xe lại phía sau trong tiếng động cơ gào rú đáng lo ngại và đi về phía quảng trường. Buổi giảng kinh bị cắt ngang. Ai đó giành lấy micro và yêu cầu các tín đồ bình tĩnh, bởi có thể đây chỉ là báo động giả. Hai chiếc ô tô bất thần trở lại. Các tín đồ bắt đầu rời khỏi nhà thờ. Tôi nhận thấy họ che mất tầm nhìn khu vực dành cho phụ nữ của tôi. Tôi không thể đi vòng qua tòa nhà mà không có nguy cơ bỏ lỡ dịp gặp Faten đúng lúc đến lượt nó ra khỏi nhà thờ bằng cánh cửa khuất. Tôi quyết định đi qua trước cửa chính, rẽ qua đám đông và đi thẳng sang khu vực dành cho phụ nữ... “Làm ơn tránh sang,” một tên cảnh vệ kêu lên. “Hãy để cheikh đi qua...” Các tín đồ chen lấn để được thấy cheikh gần hơn, để được chạm lướt vào vạt áo kamis của ông ta. Một làn sóng người đẩy tôi vào giữa đám đông hỗn loạn lúc imam xuất hiện trên ngưỡng cửa nhà thờ. Tôi cố thoát ra khỏi đám người lên cơn mê muội đang đè nghiến mình mà không được. Cheikh đã mất hút trong chiếc xe chở mình, vẫy vẫy tay sau tấm cửa kính bọc thép trong khi hai gã cận vệ ngồi xuống hai bên cạnh ông ta... Rồi không thấy gì nữa. Cái gì đó đã xé ngang bầu trời và lóe sáng giữa mặt đường, giống như một tia chớp; cú sốc quật thẳng vào tôi, làm tan tác cái đám ồn ào vẫn vây hãm tôi trong sự điên cuồng của nó. Trong vòng chưa đầy một giây, bầu trời đổ sụp xuống, và con phố, mới một lúc trước còn chìm trong bầu không khí nồng nhiệt, giờ lại trở về trạng thái nháo nhác. Cơ thể của một người đàn ông, hay của một cậu bé sượt qua cơn chao đảo của tôi như một ánh đèn chớp tối đen. Đó là gì vậy?... Một cơn lũ bụi và lửa vừa thình lình chụp lấy tôi, hất tôi qua nghìn cơ thể bay khác. Tôi mơ hồ cảm thấy mình đang rã ra, đang tan vào luồng hơi vụ nổ... Cách tôi vài mét, chiếc xe của cheikh đang bốc cháy. Hai bóng ma đẫm máu đang cố kéo cheikh ra khỏi chiếc xe cháy. Tay trần, họ tháo vỏ chiếc xe bốc lửa, đập vỡ kính, lao vào mấy cửa xe. Tôi không gượng dậy được... Tiếng xe cứu thương... Ai đó cúi xuống tôi, khám tổng thể những vết thương của tôi rồi đi ra xa không quay lại. Tôi thấy người đó ngồi xổm trước một đống thịt cháy, bắt mạch và ra hiệu cho người khiêng cáng. Một người đàn ông khác đến nắm cổ tay tôi rồi để nó rơi xuống... “Người này hỏng rồi...” Trên chiếc xe cứu thương đưa tôi đi, mẹ tôi đang mỉm cười với tôi. Tôi muốn đưa bàn tay về phía khuôn mặt bà; không có gì trong tôi hoạt động. Tôi lạnh, tôi đau đớn, tôi đau khổ. Chiếc xe cứu thương vừa lao vào sân bệnh viện vừa rú lên; các cánh cửa xe mở ra để đưa băng ca xuống; người ta nâng tôi lên rồi đặt tôi trong một hành lang, đặt thẳng xuống đất. Đám y tá vừa bước qua người tôi vừa chạy nháo nhác. Những chiếc cáng được chuyển qua chuyển lại theo một nhịp điệu chóng mặt, trên đó chất những người bị thương và nỗi kinh hoàng. Tôi kiên nhẫn chờ người ta đến chăm sóc tôi. Tôi không hiểu tại sao không ai nán lại chăm sóc tôi; người ta dừng lại, người ta nhìn tôi và người ta bỏ đi; thật không bình thường. Những cơ thể khác được xếp rải rác quanh tôi. Một vài người đã người thân ở bên, đám phụ nữ òa lên khóc và kêu gào. Những người khác không nhận dạng được; người ta không thể nhận ra họ. Chỉ có một cụ già quỳ gối trước mặt tôi. Cụ nhắc đến tên Đức Allah, đặt tay mình lên khuôn mặt tôi, vuốt mắt cho tôi. Rồi đột nhiên, tất cả ánh sáng và tiếng động trên thế giới vụt biến. Một nỗi sợ hãi tột cùng xâm chiếm tôi. Tại sao ông cụ lại vuốt mắt cho tôi?... Chỉ đến khi không thể mở lại mắt được nữa tôi mới hiểu: Vậy đấy; thế là hết, tôi không còn nữa...
Trong cái giật mình cuối cùng, tôi muốn sờ thấy mình một lần nữa; nhưng không một tế bào nào rung lên trong tôi. Chỉ còn tiếng ầm ì khắp không gian vang lên, ù ù bên tai tôi, bủa vây tôi, đưa tôi vào cõi hư vô... Rồi bất chợt, từ vực sâu thăm thẳm, một tia sáng vô cùng nhỏ nhoi... Nó nhấp nháy, tiến lại gần, dần lộ rõ; đó là một đứa trẻ... đang chạy; những bước chạy kỳ diệu của nó đẩy lùi mọi quang cảnh mịt mùng và tăm tối... Chạy đi, giọng cha nó vang lên, chạy đi... Mặt trời miền Bắc thức dậy trên những vườn quả đang mở hội, cây cối bắt đầu nảy lộc, đơm hoa, kết trái. Đứa trẻ chạy dọc theo đám cỏ dại và lao sầm vào Bức tường đang đổ sụp như tấm vách ngăn bằng giấy bồi, mở rộng thêm chân trời và xua mọi tà ma khỏi những cánh đồng trải dài hút tầm mắt khắp cả bình nguyên... Chạy đi... Và đứa trẻ chạy, giữa những tràng cười lanh lảnh và đôi tay dang rộng như cánh chim. Ngôi nhà của trưởng tộc hồi sinh từ đống đổ nát; những viên đá giũ bụi, trở lại vị trí trong một vũ điệu thần kỳ, những bức tường đứng thẳng dậy, xà trên trần nhà lại được phủ ngói; ngôi nhà của ông vươn thẳng dưới ánh mặt trời, đẹp hơn bao giờ hết. Đứa trẻ chạy nhanh hơn cả những đớn đau của nó, nhanh hơn cả số phận, nhanh hơn cả thời gian... Và hãy mơ ước đi, người nghệ sĩ nói với nó, hãy ước rằng con đẹp trai, hạnh phúc và bất tử... Như được giải thoát khỏi những muộn phiền, đứa trẻ vừa lao trên sườn đồi vừa đập hai cánh tay, khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ, ánh mắt rộn rã niềm vui, và nó lao vút lên trời, được giọng nói của cha nó nâng cánh: Người ta có thể lấy đi của con mọi thứ; của cải của con, những năm tháng đẹp nhất đời con, tất cả niềm vui của con, tất cả những gì con xứng đáng được hưởng, thậm chí là khiến cho con sạt nghiệp - nhưng con mãi còn những ước mơ để tái tạo thế giới mà người ta đã tước mất của con.
HẾT
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!