Ngỡ đã là yêu Chương 9


Chương 9
Tôi đã mất tất cả để không được gì hết.

Kim khăng khăng đòi đi cùng tôi đến Bethléem. Đây là điều kiện cô đặt ra để đồng ý cho tôi lao vào những nguy cơ hiển nhiên như vậy. Cô muốn ở bên tôi. Chỉ là để làm tài xế cho anh thôi, cô nói thêm. Cổ tay tôi chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương và tôi vẫn gặp khó khăn khi xách túi hay lái xe.

Tôi cố ngăn cô; cô không chịu nhường bước.

Cô đề nghị với tôi, trước hết, chúng tôi sẽ đến ở tại ngôi nhà nghỉ ông anh Benjamin của cô đã mua ở Jérusalem; sau đó, khi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ quyết định bước tiếp theo tùy diễn biến tình hình. Tôi muốn lên đường ngay lập tức. Cô xin tôi để cô phẫu thuật cho một bệnh nhân đã rồi mới đến gặp Ezra Benhaêm để xin ông một tuần nghỉ phép. Ezra muốn biết nguyên nhân chuyến đi vội vã này. Kim trả lời ông rằng cô cần lấy lại sức. Ezra không cố nài.

Sau ngày thực hiện ca phẫu thuật, chúng tôi nhét hai cái túi du lịch vào trong cốp chiếc Nissan, đi qua nhà tôi lấy mấy món đồ dùng cá nhân và những bức ảnh mới chụp của Sihem rồi lên đường đến Jérusalem.

Chúng tôi chỉ dừng lại một lần duy nhất để ăn trong một quán cơm bụi dọc đường. Trời rất đẹp, giao thông dày đặc nhắc người ta nghĩ đến dòng người ồ ạt đi nghỉ hè.

Chúng tôi đi qua Jérusalem như trong một giấc mơ giữa ban ngày. Tôi đã không thấy thành phố này từ khoảng mười hai năm nay. Không khí náo nhiệt quá mức cùng những quán rượu chật ních người của nó làm sống dậy trong tôi những hồi ức tưởng chừng đã bị quên lãng. Những hình ảnh vụt lóe sáng trong tâm trí tôi, mang sắc trắng chói lòa, lại trở về quay cuồng giữa những mùi hương của thành phố cổ kính. Chính trong cái đô thị ngàn năm tuổi này tôi được thấy mẹ tôi lần cuối cùng. Bà đến nhà thờ để cầu nguyện bên giường người em trai bấy giờ đang hấp hối. Đám tang của cậu tôi quy tụ toàn bộ thị tộc đến dự; một số người trở về từ những vùng xa xôi tới mức các cụ già lẫn chúng với những xứ sở không thực. Mẹ tôi không sống được lâu sau khi mất mát những gì bà coi là lẽ sống thực sự của đời mình - cha tôi là một người chồng hững hờ còn tôi là đứa con trai bà bị tước mất vì những năm tháng học nội trú và vì những chuyến công tác liên miên của tôi.

Ngôi nhà nghỉ của Benjamin nằm ven thành phố Do Thái, giữa những ngôi nhà rộng thấp mái khác với những bức tường rực nóng dưới ánh mặt trời. Có vẻ như ngôi nhà nằm quay lưng lại với thành phố huyền thoại để hướng về những vườn quả chạy dài trên những quả đồi nhỏ đầy sỏi đá. Nơi này thật kín đáo, tách mình ra khỏi thế giới và những nhộn nhạo của nó, chỉ thoáng tiếng bọn trẻ nheo nhéo, mà người ta cũng chẳng nhìn thấy chúng ở đâu. Kim tìm được chìa khóa ở chậu cây thứ ba chỗ lối đi dẫn vào sân trong lộ thiên, như hướng dẫn của anh trai cô giờ sống ở Tel-Aviv. Ngôi nhà nhỏ và thấp, với hành lang nhìn ra một cái sân be bé rợp bóng mát, một giàn nho um tùm phủ kín sân. Một đài phun nước được chạm trổ thành hình đầu sư tử bằng đồng nhô ra trên một rãnh dẫn nước mọc đầy cây ngấy, bên cạnh một chiếc ghế dài bằng sắt rèn được quét sơn màu xanh lá cây loang lổ. Kim chọn cho tôi một phòng liền sát với căn phòng làm việc chất đầy sách và bản thảo. Trong phòng có một chiếc giường hình trụ được trải nệm mỏng, một cái bàn phoóc mi ca và một chiếc ghế đẩu. Một tấm thảm mòn vẹt trơ lõi khó khăn che đi những vết rạn của sàn nhà cổ lỗ sĩ. Tôi quẳng túi của mình lên giường và đợi Kim từ nhà tắm bước ra để báo cho cô biết những ý định của tôi.

- Anh hãy nghỉ ngơi đi đã.

- Anh không mệt. Giờ là buổi trưa, là giờ gặp được ai đó ở nhà bà chị cùng sữa của anh. Không cần thiết phải làm phiền em đâu, anh sẽ đi taxi.

- Em phải đi cùng anh.

- Kim, anh xin em. Nếu có vấn đề gì, anh sẽ gọi di động cho em và chỉ cho em phải đến đâu để đón anh. Anh nghĩ hôm nay thì không gặp phải chuyện gì đâu. Anh chỉ đến thăm người thân của mình và thám thính khu vực thôi.

Kim càu nhàu rồi mới để tôi tự do.

Bethléem đã thay đổi nhiều kể từ lần ghé thăm gần đây nhất của tôi, cách nay đã hơn một thập kỷ. Phình ra bởi những đoàn người tị nạn, những người bỏ xứ ra đi vì quê hương họ đã trở thành những trường tập bắn, thành phố mọc lên hàng loạt nhà ổ chuột lộn xộn xây tạm bợ bằng những viên gạch nén không trát, căn nọ sát căn kia nom như hàng rào chướng ngại vật - phần lớn vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất, nhà thì lợp tôn còn nhà thì lõi sắt đâm ra tua tủa, với những ô cửa sổ kỳ dị và những cửa ra vào thô kệch. Người ta cứ ngỡ như đang ở trong một trại tập trung rộng mênh mông, nơi những kẻ bị đọa đày của trái đất tụ họp để đòi được xá tội, một sự xá tội không muốn lộ ra những quy tắc của nó.

Tì vào những chiếc gậy, đầu quấn khăn keffieh và áo khoác phanh ra để lộ những chiếc gi lê bạc màu, các cụ già hom hem tiều tụy ngồi mơ màng trên ngưỡng cửa các ngôi nhà, người thì ngồi trên ghế đẩu, người thì ngồi trên bậc thềm; dường như họ chỉ lắng nghe những hồi ức của mình, ánh mắt nhìn xa xăm, họ trở thành bất khả xâm phạm trong sự lặng thinh, tuyệt nhiên không bị dao động trước tiếng huyên náo của lũ trẻ nghịch ngợm đang cãi vã nhau inh tai nhức óc xung quanh họ.

Tôi phải hỏi đường nhiều lần trước khi một thằng bé dẫn tôi đến trước một ngôi nhà to với những bức tường bị lở vữa. Nó lịch sự đợi tôi tuồn mấy đồng xu vào tay rồi mới chuồn đi. Tôi gõ lên cánh cửa cũ kỹ bằng gỗ mọt, căng tai nghe. Tiếng giày cũ quẹt lạo xạo trên nền đất, rồi tiếng then cài kêu lách cách và một phụ nữ có gương mặt méo mó mở cửa cho tôi. Tôi phải mất lúc lâu mới nhận ra chị: đó là Leila, người chị cùng sữa của tôi. Chị mới hơn bốn mươi lăm tuổi một chút, nhưng nhìn chị có vẻ như đã sáu mươi vậy. Mái tóc chị bạc trắng, nét mặt uể oải; ai nhìn cũng ngỡ như chị đang trong cơn hấp hối.

Chị nhìn tôi chòng chọc, vẻ đờ đẫn.

- Là Amine đây, - tôi nói.

- Lạy Đức Allah! - chị giật bắn mình, đột ngột bừng tỉnh.

Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Khi siết chị trong tay, tôi cảm thấy từng tiếng, từng tiếng nức nở trào ra từ lồng ngực chị và lan tỏa khắp cơ thể mỏng manh đang không ngừng run rẩy của chị. Chị lùi lại để ngắm tôi, khuôn mặt đẫm nước mắt, chị đọc một đoạn ngắn trong kinh Coran thể hiện lòng biết ơn và lại vùi đầu vào vòng tay tôi.

- Lại đây nào, - chị nói. - Em đến đúng lúc để ăn trưa cùng chị.

- Cám ơn chị, em không đói. Chị ở nhà một mình à?

- Ừ. Yasser phải tối mới về.

- Thế còn bọn trẻ?

- Chúng trưởng thành cả rồi, em biết không? Mấy đứa con gái đã lập gia đình, Adel và Mahmoud cũng đã tự lực cánh sinh được rồi.

Một khoảng im ắng, rồi Leila cúi đầu.

- Chuyện đó hẳn kinh khủng lắm, - chị nói giọng lí nhí.

- Đó là điều tệ hại nhất có thể xảy đến với một người đàn ông, - tôi thú nhận...

- Chị hình dung... Chị đã nghĩ nhiều đến em từ khi xảy ra vụ khủng bố. Chị biết em nhạy cảm và yếu đuối và chị tự hỏi làm sao một người vô cùng nhạy cảm có thể vượt qua được một... một...

- Thảm họa, - tôi nói đỡ chị. - Bởi đó là một thảm họa, và không phải là chuyện. Em đến chỉ để tìm hiểu thêm chuyện đó. Em không hay biết gì về những ý định của Sihem. Nói thẳng ra, là em thậm chí không ngờ Sihem lại nuôi những ý định ấy. Và cái chết thảm thương của cô ấy khiến em vô cùng đau đớn.

- Em không muốn ngồi sao?

- Không... Hãy nói em nghe, cô ấy như thế nào trước khi đi đến hành động?

- Nghĩa là?...

- Cô ấy như thế nào? Cô ấy có vẻ ý thức được về chuyện cô ấy sẽ làm không? Cô ấy có ở trong trạng thái bình thường không hay có điều gì đó khác lạ?...

- Chị không gặp cô ấy.

- Cô ấy ở Bethléem hôm thứ Sáu ngày 27, ngay trước hôm xảy ra vụ khủng bố.

- Chị biết, nhưng cô ấy không ở lại lâu. Chị thì ở nhà đứa con gái đầu lòng để trông nom thằng cháu. Chị biết tin vụ khủng bố lúc ngồi trên ô tô về nhà...

Bỗng nhiên, chị đưa tay lên miệng như để ngăn mình không nói thêm nữa.

- Lạy Đức Allah! tôi đang lải nhải cái gì thế này. - Chị hướng ánh mắt hoảng hốt về phía tôi.

- Tại sao em trở lại Bethléem?

- Em nói với chị rồi đấy.

Chị giơ tay ôm đầu, lảo đảo. Tôi đỡ lấy chị để ngăn chị khỏi quỵ xuống và giúp chị ngồi lên một chiếc ghế nhồi nệm phía sau chị.

  - Amine, em trai ạ, chị nghĩ là chị không được phép nói đến chuyện này. Chị thề với em là chị không biết chính xác đã xảy ra chuyện gì. Nếu Yasser biết chị không giữ mồm giữ miệng, anh ấy sẽ cắt cổ chị. Chị rất ngạc nhiên khi gặp lại em và chị đã buột miệng nói những thứ không phải chuyện của chị. Em có hiểu không, Amine?

- Em sẽ làm như thể không có chuyện gì. Nhưng em cần phải biết vợ em làm gì ở vùng lân cận, cô ấy làm việc cho ai...

- Cảnh sát cử em đến à?

- Em xin nhắc chị Sihem là vợ em.

Leila quay phắt lại. Chị hối hận ghê gớm.

- Chị không ở đó, Amine ạ. Đó là sự thật. Em có thể kiểm tra. Chị ở nhà đứa con gái lớn để trông con cho nó. Có các cô các dì và các chị em họ của em, cùng những bà con thân thuộc mà em hẳn là quen biết. Hôm thứ Sáu, chị không ở nhà.

Thấy chị hoảng sợ, tôi vội vàng trấn an chị.

- Không có gì nghiêm trọng đâu, Leila ạ. Chỉ có em, em của chị thôi; em không mang vũ khí cũng chẳng có còng tay. Em thật đáng trách khi gây rắc rối cho chị, và chị biết rõ điều ấy mà. Em lại càng không đến đây để rước buồn phiền cho mọi người, cho chị và gia đình chị... Em có thể gặp Yasser ở đâu? Em muốn anh ấy là người giải tỏa những thắc mắc của em.

Leila van vỉ tôi không nhắc đến cuộc nói chuyện giữa chúng tôi trước mặt chồng chị. Tôi hứa sẽ làm như vậy. Chị cho tôi địa chỉ xưởng ép nơi Yasser làm việc và tiễn tôi xuống tận phố để nhìn tôi đi.

Tôi kiếm một chiếc taxi trên quảng trường, nhưng không tìm được chiếc nào cả. Sau nửa tiếng, đúng lúc tôi chuẩn bị gọi cho Kim thì một tay lái xe lậu đề nghị đưa tôi đến nơi tôi muốn với giá vài shekel. Đó là một gã trai trẻ lực lưỡng, có đôi mắt biết cười và một chòm râu cằm kỳ cục. Gã mở cửa xe cho tôi bằng thái độ khúm núm rất kịch và gần như đẩy tôi vào chiếc xe cà tàng nát bươm với những ghế ngồi dơ dáy của gã.

Chúng tôi vòng qua quảng trường, rẽ vào một đường đầy ổ gà và rời thị trấn rộng lớn. Sau một hồi vòng vèo tạt ngang rẽ dọc, chúng tôi cũng luồn lách qua được đồng ruộng và đi ra một con đường nằm trên vùng đồi.

- Anh không phải người trong vùng à? - gã lái xe hỏi.

- Không.

- Thăm người thân hay có công chuyện?

- Cả hai.

- Anh từ xa đến à?

- Tôi không biết.

Gã lái xe lắc lắc đầu.

- Anh không phải dạng người thích chuyện phiếm, - gã nói.

- Không phải hôm nay.

- Tôi thấy rồi.

Xe chúng tôi chạy vài cây số trên con đường bụi bặm mà không gặp lấy một mống người nào. Mặt trời tỏa nắng gay gắt trên những ngọn đồi đầy sỏi, ngọn nọ dường như nấp sau ngọn kia để rình rập chúng tôi.

- Tôi thì không thể sống nổi với đống băng dính quanh miệng, - gã lái xe lại nói. - Nếu không được chuyện gẫu, tôi sẽ nổ tung ra mất.

Tôi nín thinh.

Gã khạc đờm và tiếp tục:

- Tôi chưa bao giờ thấy bàn tay nào sạch sẽ và được chăm chút như bàn tay anh. Anh không phải là bác sĩ đấy chứ? Chỉ có bác sĩ mới có đôi bàn tay hoàn hảo đến vậy.

Tôi quay mặt về phía những vườn cây trải dài hút tầm mắt.

Phật ý trước thái độ im lặng của tôi, gã lái xe thở dài rồi gã lục lọi trong hộp đựng đồ của ô tô, lôi từ đó ra một cái băng cát xét và ngay sau đó nhét nó vào đầu đọc.

- Hãy lắng nghe cái này, anh bạn ạ, - gã thốt lên. - Người nào chưa nghe cheikh Marwan giảng kinh thì người đó mới chỉ sống có một nửa đời mình.

Gã xoay một cái núm để vặn cho tiếng to lên. Một thứ tiếng ồn vang lên trong ô tô, được tạo nên từ những tiếng kêu phấn khích và những tràng pháo tay nhiệt liệt. Ai đó - chắc là diễn giả - gõ ngón tay lên micro để làm dịu những tiếng la hét. Tiếng ồn ào lắng xuống, còn vảng vất đôi chỗ, rồi tất cả đều im lặng chăm chú đón nhận giọng nói trong trẻo của imam(1) Marwan.

- Liệu có vẻ huy hoàng nào sánh nổi với gương mặt của Đấng Tối cao, hỡi những người anh em của ta? Liệu ở cõi trần tục đầy rẫy bất trắc này có vẻ huy hoàng nào khác lại có thể khiến chúng ta lãng quên gương mặt Đức Allah? Hãy nói ta biết những vẻ huy hoàng ấy? Vẻ hào nhoáng hão huyền làm mê mẩn những tâm hồn ngây ngô và những kẻ khốn khổ ư? Những điều lừa lọc ư? Những ảo vọng che lấp cái bẫy của trụy lạc và đẩy những kẻ mê muội đi đến chỗ say sưa chết người ư? Hãy nói ta biết những vẻ huy hoàng ấy, hỡi những người anh em của ta?... Và đến ngày tận thế, khi trái đất chỉ còn là cát bụi, khi những ảo tưởng của chúng ta chỉ còn là đống vụn nát tâm hồn, chúng ta sẽ phải trả lời thế nào cho câu hỏi được đặt ra để biết chúng ta đã làm gì với cuộc đời mình? Chúng ta sẽ phải trả lời thế nào khi tất cả chúng ta, người lớn hay trẻ nhỏ, được hỏi: Ngươi đã làm gì với cuộc đời mình, ngươi đã làm gì với những đấng tiên tri của ta và những ân huệ của ta, ngươi đã làm gì với sự cứu rỗi mà ta trao cho ngươi?... Và vào ngày đó, những người anh em ạ, gia tài của các bạn, những người thân tín, những đồng minh, những người ủng hộ các bạn sẽ không hề giúp đỡ các bạn đâu. (Một tiếng kêu trỗi dậy, nhưng nhanh chóng bị giọng nói của cheikh át đi). Thực tế, những người anh em ạ, của cải của một con người không phải thứ anh ta được sở hữu, mà là thứ anh ta bỏ lại phía sau mình. Vậy chúng ta sở hữu gì, hỡi những người anh em? Chúng ta sẽ để lại gì phía sau mình?... Một Tổ quốc?... Tổ quốc nào chứ?... Một lịch sử?... Lịch sử nào chứ?... Những đài tưởng niệm?... Chúng ở đâu?... Qua tổ tiên mình, hãy chỉ cho ta thấy những thứ đó... Ngày ngày, chúng ta không bị sỉ nhục thì cũng bị lôi ra tòa. Ngày ngày, những cỗ xe tăng đàn áp chúng ta, lật đổ những chiếc xe bò của chúng ta, phá sập những ngôi nhà của chúng ta và bắn trái phép vào con cái chúng ta. Ngày ngày, cả thế giới chứng kiến nỗi bất hạnh của chúng ta...

Cánh tay tôi duỗi ra và tôi dùng ngón cái ấn mạnh vào nút nhả băng cát-xét trên đầu đọc. Gã lái xe sửng sốt trước hành động của tôi. Đôi mắt trợn tròn và cái miệng há hốc, gã thốt lên:

- Anh làm gì đấy?

- Tôi không thích mấy bài giảng đạo.

- Gì cơ? - gã uất lên vì phẫn nộ. - Anh không tin vào Đấng Tối cao sao?

- Tôi không tin vào mấy vị thánh của Người.

Gã phanh gấp đến mức hai bánh trước sững lại, ô tô trượt đi khoảng hơn chục mét rồi mới khựng lại chắn ngang giữa đường.

- Mày, mày từ đâu chui ra thế hả? - gã lái xe làu bàu. - Sao mày dám đụng chạm đến cheikh Marwan.

- Tôi có quyền...

- Này, mày chẳng có quyền gì sất! Mày đang ở trên ô tô của tao. Và dù ở đây hay ở bất cứ đâu tao cũng không dung thứ cho một tên khốn kiếp kinh tởm nào đụng cái cẳng thú của hắn đến cheikh Marwan... Bây giờ, mày hãy xuống xe và biến đi cho khuất mắt tao.

- Chúng ta còn chưa đến đích kia mà.

- Với tao thì đến rồi đó. Bến cuối! Hoặc là mày tự xuống xe hoặc là tao sẽ tay không lột da mông mày.

Nói đến đó, gã phun ra một câu rủa, nghiêng người về phía cửa xe chỗ tôi ngồi, vừa mở cửa vừa càu nhàu và tìm cách xô tôi ra ngoài.

- Và đừng phí thì giờ xuất hiện trên đường đi của tao, đồ con hoang ạ, - gã hăm dọa.

Gã đóng sập cửa lại đầy vẻ cà khịa, vụng về lái xe vòng lại và phóng nhanh về Bethléem trong tiếng xe lọc xọc.

Đứng giữa đường, tôi nhìn gã đi xa, miệng há hốc.

Tôi ngồi xuống một phiến đá và đợi xe đi qua. Không thấy có xe nào chạy tới, tôi đứng dậy và đi bộ nhiều cây số cho đến lúc một người đánh xe bò đuổi kịp tôi.

Yasser choáng váng khi thấy tôi đứng trên ngưỡng cửa xưởng ép, ở đó có hai thanh niên đang hối hả quanh một chiếc máy ép, theo dõi những dòng dầu ô liu đậm đặc chảy ồ ạt vào thùng.

- Thế, thế nào nhỉ? - anh vừa nói vừa ôm ghì lấy tôi. - Bác sĩ phẫu thuật của chúng ta, bằng xương bằng thịt nhé. Sao cậu không báo với bọn anh là cậu sẽ tới? Như vậy anh có thể bảo ai đó ra đón cậu lúc cậu đến.

Sự phấn khởi của anh lộ vẻ quá bối rối để có thể tin tưởng được.

Anh xem đồng hồ, quay về phía mấy thanh niên và hét lên với họ là anh phải nghỉ và anh giao cho họ phải hoàn thành công việc. Sau đó anh cầm tay tôi và đẩy tôi về phía một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ đang đỗ cạnh một gốc cây, dưới chân một gò đất.

- Chúng ta về nhà thôi. Leila hẳn sẽ mừng lắm khi gặp lại cậu... Trừ khi cậu đã gặp cô ấy trước.

- Yasser, - tôi nói, - chúng ta đừng vòng vo làm gì. Em không có thời gian cũng như ham thích. Em đến với một mục đích cụ thể, - tôi thẳng thừng vào đề với hy vọng dồn anh vào thế đường cùng. - Em biết Sihem đã ở nhà anh, ở Bethléem, hôm trước ngày xảy ra vụ khủng bố.

- Ai nói với cậu điều đó? - anh phát hoảng đưa ánh mắt khiếp hãi nhìn về phía xưởng ép.

Tôi nói dối và lấy lá thư để trong túi áo sơ mi của mình ra.

- Hôm đó Sihem nói với em.

Gò má anh giật giật. Anh nuốt nước bọt rồi mới ấp úng:

- Cô ấy không ở lại lâu. Chỉ ghé qua chốc lát để chào bọn anh. Leila đến nhà đứa con gái, ở En Kerem, cô ấy thậm chí còn không muốn dùng một tách trà và sau gần mười lăm phút thì ra đi. Cô ấy không đến Bethléem để gặp bọn anh. Thứ Sáu đó, người ta chờ đón cheikh Marwan ở Nhà Thờ Lớn. Vợ cậu muốn được ông ấy ban phước lành. Chỉ sau khi thấy ảnh của cô ấy trên báo bọn anh mới hiểu.

Anh nắm lấy hai vai tôi theo cách của những chiến binh và giãi bày:

- Bọn anh rất tự hào về cô ấy.

Tôi biết anh nói vậy để khỏi mất lòng tôi, hoặc cũng có thể để dỗ dành tôi. Yasser không biết giữ bình tĩnh; chỉ một biến cố nhỏ nhất cũng làm anh luống cuống.

- Tự hào vì cử cô ấy đến chỗ bạo lực à?

- Đến chỗ bạo lực?... - anh giật bắn mình như bị một vết cắn.

- Hay đến chỗ lao dịch, nếu anh thích từ này hơn...

- Anh không thích những cách diễn đạt ấy.

- Được thôi, vậy để em diễn đạt lại câu hỏi của mình nhé: người ta thấy tự hào nỗi gì khi cử một người vào chỗ chết để những người khác sống tự do và hạnh phúc?

Anh giơ tay lên ngang ngực để xin tôi hạ thấp giọng vì chúng tôi đang ở gần chỗ hai cậu thanh niên, ra hiệu cho tôi đi theo anh ra sau chiếc xe tải nhỏ. Bước chân anh cuống cuồng; anh không ngừng bị vấp.

Tôi tiếp tục dồn anh:

- Mà tại sao chứ?

- Tại sao cái gì cơ?

Nỗi sợ của anh, vẻ khốn khổ của anh, bộ đồ cáu bẩn của anh, khuôn mặt cạo râu nham nhở của anh, đôi mắt đầy nhử của anh càng khiến cơn giận cuồng bạo đang lớn dần trong tôi bùng phát. Người tôi run bần bật từ đầu xuống chân.

- Tại sao? - tôi lẩm bẩm, bực bội bởi chính những lời nói của mình, - tại sao lại hy sinh người này vì hạnh phúc của người khác? Và nhìn chung lại chính là những người xuất sắc nhất, can đảm nhất chọn dâng hiến cuộc đời họ để cứu rỗi những kẻ luôn ru rú trong cái hốc của mình. Vậy thì tại sao lại ưu tiên hy sinh những người mẫu mực để cho phép những người kém mẫu mực hơn sống sót? Anh không thấy rằng hành động đó là diệt chủng sao? Trong vài thế hệ nữa, sẽ còn lại gì nếu lúc nào cũng là những người xuất sắc nhất được kêu gọi hy sinh mạng sống để những kẻ nhát gan, những kẻ đạo đức giả, những kẻ bịp bợm và những kẻ vô lại tiếp tục sản sinh như bầy chuột cống?

- Amine, anh không theo kịp cậu nữa, chuyện đó ư? Mọi chuyện vẫn luôn diễn ra như vậy từ thời mông muội đến nay. Người này chết để cứu rỗi người khác. Cậu không tin vào chuyện cứu rỗi người khác sao?

- Không phải khi nó hại đến sự cứu rỗi của tôi. Vậy đấy, các người khiến cuộc sống của tôi tan thành mây khói, phá hủy gia đình tôi, tàn hại sự nghiệp của tôi và nghiền nát những gì tôi đã xây dựng, từng viên đá một, bằng mồ hôi công sức của tôi. Trong chốc lát, những ước mơ của tôi sụp đổ như những lâu đài giấy. Tất cả những gì trong tầm tay tôi đều tan biến. Mẹ kiếp! chỉ còn là hư không... Tôi đã mất tất cả để không được gì hết. Khi nhảy lên vui sướng vì biết rằng người mà tôi yêu thương nhất trần đời đã tự nổ mình trong một nhà hàng đầy trẻ con vì người cô ấy đầy thuốc nổ, các người có nghĩ đến nỗi đau của tôi không? Còn anh, anh muốn làm tôi tin rằng tôi phải thấy mình là người đàn ông hạnh phúc nhất vì vợ tôi là một nữ anh hùng, rằng cô ấy đã dâng hiến đời mình, dâng hiến cuộc sống tiện nghi của mình, tình yêu của mình mà không hề hỏi ý kiến tôi hay chuẩn bị tinh thần cho tôi đối mặt với điều tệ nhất ư? Tôi có vẻ gì, tôi ấy, khi tôi không chịu chấp nhận điều mà mọi người điều biết? Vẻ bị cắm sừng! Tôi có vẻ của một kẻ bị cắm sừng khốn khổ. Người tôi toát lên vẻ lố bịch đến từng kẽ móng tay, đấy tôi có vẻ thế đấy. Vẻ của kẻ bị vợ lừa dối từ đầu chí cuối trong khi anh ta bỏ công bỏ sức như một kẻ mất trí để mang lại cho cô ta cuộc sống dễ chịu nhất có thể.

- Anh nghĩ cậu nhầm người đối thoại rồi. Anh chẳng liên quan gì đến chuyện này cả. Anh không hay biết những ý định của Sihem. Còn lâu anh mới tin nổi cô ấy lại có thể nảy ra một ý tưởng như vậy.

- Anh nói với em là anh tự hào về cô ấy?

- Thế cậu muốn anh nói gì khác nào? Anh không biết là cậu cũng không biết.

-  Anh nghĩ là em sẽ động viên cô ấy làm mình nổi bật bằng cách này nếu em phát hiện ra dù là một chút xíu ý đồ của cô ấy sao?

- Anh thực sự bối rối, Amine ạ. Thứ lỗi cho anh nếu anh... nếu anh... rốt cuộc, anh chẳng hiểu gì nữa cả. Anh... Anh không biết nói gì.

- Trong trường hợp này, anh nên im đi. Bằng cách đó, dù sao anh cũng tránh được nguy cơ nói ra những điều ngốc nghếch.

Hết chương 9. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26835


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận