Nghe Mùi Kết Thúc Chương 1


Chương 1
Ta sống trong thời gian – nó ôm ấp và nhào nặn ta – thế mà tôi chưa bao giờ thấy mình hiểu rõ lắm về nó.

Tặng Pat

Một

Tôi nhớ, chẳng theo thứ tự cụ thể nào:

- Nơi mặt trong cổ tay sáng ánh lên:

- Hơi nước bốc lên từ bồn rửa bát ướt khi cái chảo rán được kỳ cọ quẳng vào theo một lổi rất nhộn;

- Những dọn tinh dịch xoáy tròn theo quanh lỗ thoát nước, trước khi bị xả trôi xuống dọc theo một tòa nhà cao;

- Một dòng sông chảy ngược vô lý, sóng và bọt sông được rọi sáng dưới dăm sáu ngọn đèn pin săn lùng;

- Một dòng sông khác, rộng và xám xịt, hướng dòng chảy bị gió cuồng kích động mặt nước che đi mất;



- Nước bồn tắm lạnh ngắt từ lâu sau cánh cửa khóa trái

Thứ cuối cùng này tôi cũng không thực sự nhìn thấy, nhưng những gì cuối cùng nhớ được có phải bao giờ cũng chính là những gì bạn thấy tận mắt đâu.

Ta sống trong thời gian – nó ôm ấp và nhào nặn ta – thế mà tôi chưa bao giờ thấy mình hiểu rõ lắm về nó. Mà tôi cũng không viện dẫn tới những lý thuyết về chuyện nó cong hay lặp lại, hoặc tồn tại ở nơi khác trong các phiên bản song song. Không, tôi đang nói tới thứ thời gian bình thường, hằng ngày, mà đồng hồ treo tường và đồng hồ đeo tay vẫn cho ta thấy nó đang đều đặn chạy: tích tắc, túc tắc. Còn có thứ gì khác đáng tin hơn cái kim giây? Mà nó chỉ cần đến khoái cảm hay đau đớn nhỏ nhất để dạy ta về tính dẻo của thời gian thôi. Có những thứ cảm xúc đẩy nó nhanh lên, lại có những cảm xúc khác kìm nó chậm lại; cũng có những lúc dường như nó biến mất – cho tới thời điểm tận cùng khi nó thực sự mất tích, không bao giờ trở lại. Tôi không thích thú thời đi học của mình là mấy, và cũng chẳng thấy nhớ nhung gì. Nhưng trường là nơi mọi chuyện bắt đầu, nên tôi cần trở lại một chút và sự việc đã trở thành giai thoại, trở lại với vài ký ức nhập nhòe đã bị thời gian bóp méo thành điều xác tín. Nếu không còn chắc chắn về các sự kiện thực được nữa, thì ít ra tôi cũng thành thực với những cảm tưởng mà các sự kiện đó bỏ lại. Tôi chỉ có thể làm được đến thế là cùng.


Chúng tôi có ba thằng, và giờ có thêm cậu ấy là đứa thứ tư. Tụi chẳng kỳ vọng thêm thắt ai vào con số chặt chẽ này: hội nhóm với cặp đôi là chuyện xưa rồi, và cũng đã đến lúc chúng tôi bắt đầu mơ tưởng tới việc thoát khỏi trường bước vào đời. Tên cậu ấy là Adrian Finn, một cậu trai cao, bẽn lẽn, lúc đầu thường nhìn xuống và khư khư giữ lấy suy tư cho riêng mình. Một hai ngày đầu, chúng tôi ít chú ý đến cậu: ở trường chúng tôi đến lễ đón học sinh mới còn không có, nữa là cái chuyện ngược lại, trò dọa nạt phủ đầu của học sinh cũ. Chúng tôi chỉ ghi nhận sự hiện diện của cậu ấy và đợi.

Mức độ quan tâm của các thầy dành cho cậu ấy lớn hơn của chúng tôi. Họ phỉa xem xét trí thông minh và ý thức lỷ luật của cậu ấy, liệu xem trước kia cậu ấy đã được dạy dỗ tốt đến mức nào, xem cậu ấy có thể hiện “tố chất học thuật” hay không. Vào buổi sáng thứ ba kỳ học mùa thu năm ấy, chúng tôi có giờ học lịch sử với thầy Joe Hunt Già, nhã nhặn nhưng giễu cợt trong bộ comple đày đủ lệ bộ, một ông thầy có hệ thống kiểm soát dựa vào việc giữ sao cho dự buồn tẻ chỉ ở mức chấp nhận vừa đủ chứ không đến độ quá đà.

“ Chắc các trò còn nhớ được rằng tôi đã yêu cầu các trò đọc trước về triều đại Henry VIII.” Colin, Alex và tôi liếc nhau, hi vọng câu hỏi sẽ không bị bất ngờ quăng ra, như con mồi của ngư ông, để rồi đậu lên đầu của một trong mấy thằng tôi. “Ai muốn trình bày về đặc điểm của thời kỳ này?” Ông tự rút ra kết luận từ những ánh mắt tránh né của chúng tôi. “Nào, có lẽ là Marshall chăng. Cậu sẽ mô tả triều đại Henry VIII như thế nào?”

Nỗi nhẹ nhõm của chúng tôi còn lớn hơn cả sự tò mò, bời Marshall là cái thằng chẳng-biết-gì mà lại thận trọng, nó còn chẳng có khả năng bịa đặt của bọn dốt nát thực thụ. Nó tìm kiếm tính phức tạp có khả năng ẩn ngầm đâu đó trong câu hỏi trước khi định vị câu trả lời.

“Có sự bất ổn, thưa thầy.”

Bùng lên một cơn cười nhịn không nổi; đến thầy Hunt cũng suýt mỉm cười.

“Có thể nào trò vui lòng phát triển các chi tiết hơn chăng?”

Marshall chậm rãi gật đầu đồng ý, nghĩ lâu hơn một chút, và quyết định rằng đây không phải lúc để mà thận trọng. “Trò muốn nói là có một sự bất ổn kinh khủng, thưa thầy.”

“Thế còn Finn. Trò có rành thời kỳ này không?”

Cu cậu mới vào ngồi ở hàng ghế phía trên, bên trái tôi. Cậu ta chẳng có phản ứng rõ rệt nào trước những lời ngốc nghếch của Marshall.

“Trò sợ là không hẳn, thưa thầy. Nhưng có một dòng tư tưởng mà theo đó điều ta có thể thực sự nói về bất cứ sự kiện lịch sử nào - thậm chí cả việc thế chiến I bùng nổ, ví dụ thế – là ‘có chuyện gì đó đã xảy ra’.”

“Thật thế sao? Chà, điều này có thể làm tôi thất nghiệp đấy chứ, phải không nhỉ?” Sau lác đác những tiếng cười nịnh nọt, Joe Hunt Già tha thứ cho cái sự lười nhác sau kỳ nghỉ hè của lũ chúng tôi và nhồi cho một bài về ù tai về vị vua đồ tể đa thê ¹.

1. Henry VIII (1491-1547) được coi là một trong những vị vua lôi cuốn nhất từng ngự trị trên ngai vàng nước Anh, có công tách giáo hội Anh ra khỏi Giáo hội Công giáo La Mã. Ông có sáu đời vợ, hai trong số đó bị chặt đầu, một người qua đời sau khi sinh hạ hoàng tử, hai người bị hủy hôn.

Lúc nghỉ giữa giờ, tôi đi tìm Finn. “Tôi là Tony Webster.” Cậu ấy nhìn tôi nghi ngại. “Đối đáp với thầy Hunt khá lắm.” Cậu ấy như thể không hiểu tôi đang có ý nói đến chuyện gì. “Về chuyện gì đó xảy ra ấy mà.”

“Ờ. Đúng. Tôi khá là thất vọng vì ông ấy chẳng muốn tiếp tục.”

Tôi không ngờ cậu ấy còn nói vậy.

Có một chi tiết khác mà tôi còn nhớ: ba thằng tụi tôi, như một biểu tượng gắn bó, thường đeo đồng hồ quay mặt vào cổ tay trong. Chỉ là một trò màu mè điệu bộ, tất nhiên, nhưng có thể còn có cái gì đó hơn thế nữa. Trò đấy tạo cảm giác như thời gian như thời gian là thứ đó thật riêng tư, thậm chí còn là một thứ bí mật. Chúng tôi những tưởng Adrian sẽ lưu ý cử chỉ ấy và hùa theo; nhưng cậu ấy đã không làm vậy.

Cùng hôm ấy muộn hơn - hay cũng có khi là một hôm khác – chúng tôi có liền hai tiết tiếng Anh của thầy Phil Dixon, một thầy trẻ mới xong cao học Cambridge về. Thầy này thích văn học đương đại, và sẵn sàng tung ra những đánh đố bất ngờ. “’Sinh, Giao cấu và Tử’.” – T.S.Eliot nói tất cả chỏ có vậy thôi. Có bình luận nào không?” Từng có lần thầy so sánh một nhân vật của Shakespeare với Kirk Douglas trong phim Spartacus. Và tôi nhớ khi chúng tôi tranh luận về thơ của Ted Hughes(Ted Hughes 1930-1998 nhà thơ người Anh hay dùng muông thú và thiện nhiên hoang dã làm ẩn dụ trong tác phẩm), thầy ngả đàu rất chi học giả và thì thầm, “Tất nhiên, chúng ta đều băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy ra khi ông ta cạn mất vốn muông thú nhỉ.” Đoi khi, thầy gọi chúng tôi là “Quý ông”. Chúng tôi quý thầy, rất tự nhiên như thế.

Chiều hôm ấy, thầy đưa ra một bài thơ không đề, không ngày sáng tác lẫn tên tác giả, cho chúng tôi mười phút để ngâm cứu, rồi bắt chúng tôi trả lời.

“Chúng ta có thể bắt đầu với trò được chứ, Finn? Thật đơn giản nhé, theo trò bài thơ này nói về điều gì?”

Adrian từ bạn cậu nhìn lên. “Eros và Thanatos, thưa thầy.”

“Hừm, tiếp đi.”

“Tình dục và cái chết,” Finn tiếp tục, như thể không chỉ có bọn đầu đất ngồi hàng ghế sau cùng mới chẳng hiểu tiếng Hi Lạp gì sất. “Hoặc tình yêu và cái chết, nếu thầy thích thế hơn. Nguyên lý tình dục, trong mọi trường hợp, đều trở nên mâu thuẫn với nguyên lý chết chóc. Và những gì phát sinh từ mâu thuẩn đó. Thưa thầy.”

Hẳn trông tôi bị choáng hơn mức Dixon cho là lành mạnh.

“Webster, trò giải thích rõ thêm xem nào.”

“Trò chỉ nghĩ đó là bài thơ về một con chim cú, thưa thầy.”

Đây là một tỏng những điểm khác biệt giữa ba thằng tôi và người bạn mới. Chúng tôi về cơ bản chỉ làm trò tườu, trừ những lúc nghiêm túc. Cậu ấy về cơ bản là nghiêm túc, trừ những lức làm trò tườu. Phải mất một thời gian chúng tôi mới nhận rõ được điều này.


Adrian tự cho phép mình nhập bọn với chúng tôi, mà chẳng hệ công nhận đấy là điều cậu ấy mong mỏi. Có lẽ cậu ấy không mong mỏi thật. Mà chẳng cố chỉnh đốn quan điểm cho phù hợp với chúng tôi. Trong những buổi cầu kinh sáng có thể nghe thấy cậu ấy tham gia hát đáp¹ trong khi Alex và tôi chỉ mấp máy các từ, còn Colin thì thích chiêu trò châm biếm kiểu nhiệt tình gầm gừ cửa một kẻ cuồng tín giả hiệu. Ba chúng tôi coi các môn thể thao ở trường là một thứ kế hoạch phát xít ngầm nhằm đàn áp nhu cầu tình dục của chúng tôi; Adrian thì tham gia câu lạc bộ đấu kiếm và chơi nhảy cao. Chúng tôi đàn gảy tai trâu tới mức thù địch; cậu ấy còn mang kèn Clarinet đến trường. Khi Colin kể tội gia đình, tôi giễu cợt hệ thống chính trị, và Alex đưa ra những nhận định chống đối rất triết học về bản chất thực tại được lĩnh hội, Adrian lại không bày tỏ ý kiến của cậu ấy - dù sao thì lúc đầu cũng là như vậy. Cậu ấy gây ấn tượng là có tin vào nhiều điều. Chúng tôi cũng làm vậy – có điều bọn tôi chỉ muốn tin vào những thứ của riêng mình hơn là những điều người ta quyết định cho mình. Thế nên cái đó chúng tôi coi như là thứ chủ nghĩa hoài nghi thanh lọc của chúng tôi.

Ngôi trường ở trung tâm London, và ngày ngày chúng tôi tới đó từ các khu ngoại ô khác nhau, đi qua hết hệ thống kiểm tra này sang hệ thống kiểm tra khác. Hồi ấy, mọi thứ đều giản dị hơn: ít tiền hơn, không có các thiết bị điện tử, thời trang ít chi phối, không bạn gái. Không có điều gì làm chúng tôi sao lãng nghĩa vụ nhân bản và hiếu thuận ấy là học hành, vượt qua các kỳ thi, dùng các bằng cấp đó để tìm việc, rồi thì xây dựng lối sống đủ đầy thân thiện hơn lối sống của bố mẹ, họ sẽ đồng tình, mặc dù vẫn âm thầm so sánh nó với đời họ trước kia, từng đơn giản hơn, và cũng vì vậy mà cao cấp hơn. Dĩ nhiên chưa từng có điều nào trong số đó được nói ra: chủ nghĩa Darwin xã hội quý phái của tầng lớp trung lưu Anh quốc vẫn cứ là bất thành văn như vậy.

“Phụ huynh ấy, là một lũ chiết tiệt khốn nạn.” Colin thanh thở vào một bữa trưa thứ hai đầu tuần. “Lúc còn nhỏ thì mày nghĩ họ cũng hay ho, rồi mày nhận ra họ cũng chỉ như…..”

“Henry VIII, hả Col?” Adrian gợi ý. Chúng tôi bắt đầu quen với kiểu châm biếm của cậu ấy; cũng như việc chúng có thể quay lại phản thùng chính chúng tôi. Khi trêu chọc, hoặc lôi chúng tôi nghiêm túc trở lại, cậu ấy sẽ gọi tôi la Anthony, Alex là Alexander, và Colin không thể kéo dài thì bị ngắn lại thành Col .

“Chẳng phiền nếu bố tao có đến nửa tá bà vợ.”

“Và giàu đến mức không thể tin nổi.”

“Và được Holbein vẽ chân dung.” (Hans Holbein: họa sỹ người Đức thời Phực hưng, rất nổi tiếng với tranh chân dung.)

“Và bảo Giáo hoàng cút xéo.”

“Có lý do đặc biệt nào để gọi họ là CTKN không?” Alex hỏi Colin.

“Tao chỉ muốn tụi mình đi tới khu vui chơi giải trí. Thế mà họ nói họ sẽ làm vườn cả mấy ngày cuối tuần.”

Đúng: chiết tiệt khốn nạn. Trừ Adrian, kẻ luôn nghe các bản tuyên án của chúng tôi, nhưng chẳng mấy khi tham gia vào. Cho dù, đối với chúng tôi, cậu ấy dường như có nhiều lý do hơn để làm thế. Mẹ Adrian bỏ đi đã nhiều năm, để cho bố cậu ấy phải xoay xở cậu ấy với đứa em gái. Chuyện này xảy ra rất trước khi cụm từ “gia đình khuyết¹” được sử dụng; hồi ấy chỉ là một “tổ ấm tan vỡ”, và Adrian là đứa duy nhất chúng tôi quen có gia đình như vậy. (1:nguyên bản dùng cụm từ “single –parent family, nghĩa là gia đình chỉ có mọt bố hoặc mẹ). Điều đó lẽ ra đã phải khiến cậu ấy chất chứa một khối giận dữ sâu thẳm, thế nhưng cách nào đó chuyệ đấy lại không như vậy; cậu ấy nói mình yêu mẹ và kính trọng bố. Ba thằng chúng tôi lén điều tra và đi dến một giả thiết: chìa khóa cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấy là không có gia đình nào cả – hoặc ít nhất là, không phải một gia đình nào sống chung bên nhau. Phân tích xong xuôi rồi chúng tôi còn ghen tỵ với Adrian hơn nữa.

Hồi ấy, chúng tôi tưởng tượng mình đang bị giam cầm trong một thứ trại giam, chờ cho tới lúc được thả vào đời. Và khi cái thời khắc đó đến, đời chúng tôi – và ngay bản thân thời gian nữa – sẽ tăng tốc. Làm thế nào chúng tôi có thể biết được rằng đời chúng tôi dù sao thì cũng đã bắt đầu mất rồi, rằng có lợi thế đã đạt được, có tổn thương từng nhức nhối? Hơn nữa việc giải phóng chúng tôi chẳng qua cũng chỉ là để thả vào một trại giam lớn hơn, mà những đường ranh giới có thể lúc đầu không dễ nhận thấy.

Trong khi ấy, chúng tôi đói – sách, đói – tình dục, ủng hộ chế độ trọng hiền tài, theo chủ nghĩa vô chính phủ. Với chúng tôi mọi hệ thống chính trị và xã hội đều là sa đọa, thậm chí chúng tôi còn khước từ xem xét bất kỳ phương án nào ngoài trạng thái hỗn độn khoái lạc chủ nghĩa. Tuy nhiên, Adrian đã thúc đẩy chúng tôi tin vào việc áp dụng tư duy trong cuộc sống, vào quan điểm nguyên tắc phải dẫn lối cho hành động. Trước kia, Alex được xem như là triết gia trong mấy đứa tôi. Cậu ấy đọc những thứ hai thằng kia không đọc, và ví dụ có thể bỗng dưng tuyên bố, “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” (Câu nói của triết gia Ludwig Wittgenstein được tác giả viết hơi khác đi “Whereof we canot speak, thereof must we remain silient”). Colin và tôi sẽ im lặng cân nhắc ý này một lúc, rồi cười ngoác, rồi tiếp tục nói chuyện. Nhưng giờ đây việc có thêm Adrian đã đẩy Alex bật ra khỏi vị trí của cậu ấy – hoặc đúng hơn là cho chúng tôi một lựa chọn triết gia khác. Nếu Alex đã đọc Russell và Wittgenstein thì Adrian đã đọc Camus và Neitzsche. Tôi đã đọc George Orwell và Aldous Huxley; Colin đã đọc Baudeclaire và Dostoevsky. Đây mới chỉ là một cách biếm họa hời hợt.

Vâng, tất nhiên chúng tôi ra vẻ ta đây – thì tuổi trẻ còn để làm gì khác nữa đâu? Chúng tôi dùng những thuật ngữ như “Thế giới quan.” (Weltanschauung: tiếng Đức trong nguyên bản) với “Giông tố và thôi thúc” (tức phong trào “Sturm und Drang” ở Đức cuối thế kỷ 18) , thích thú nói “Điều đó là hiển nhiên tự thân một cách triết học”, và quả quyết với nhau rằng nhiệm vụ đầu tiên của trí tưởng tượng là có xu hướng vi phạm chuẩn mực. Bố mẹ chúng tôi nhìn mọi thứ rất khác, họ vẽ lên hình ảnh con cái là những kẻ ngây thơ vô tội bỗng dưng bị rơi vào ảnh hưởng độc địa. Vậy là mẹ của Colin quy kết tôi là “Thiên thần bóng tối” của cậu ấy; bố tôi trách Alex khi bắt gặp tôi đang đọc Tuyên ngôn Cộng sản ; Colin bị bố mẹ Alex chỉ mặt tóm được cậu ấy với cuốn tiểu thuyết trinh thám thuộc dòng máu lạnh của Mỹ. Và nhiều nữa. Cũng như vậy với chuyện tình dục. Bố mẹ chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể suy đồi lẫn nhau để rồi trở thành những gì họ sợ nhất: một thằng thủ dâm hết thuốc chữa, một gã đồng tính quyến rũ, một kẻ dâm đãng làm gái ễnh bụng rất vô tư. Về phần chúng tôi họ khiếp hãi cái kiểu gần gũi của tình bạn niên thiếu, kiểu cư xử như thú săn mồi của những người lạ trên những chuyến tàu, hay quyến rũ nhầm loại gái. Những nỗi lo của họ thật là vượt quá xa kinh nghiệm của chúng tôi.

Một chiều, thầy Joe Hunt Già, như thể tiếp tục vụ thách thức của Adrian lúc trước, yêu cầu chúng tôi tranh luận về nguyên nhân thế chiến thứ nhất: đặc biệt là trách nhiệm của kẻ ám sát ngài Đại Công tước Áo Franz Ferdinand trong việc khởi đầu mọi chuyện. Hồi đó, đa số chúng tôi theo thuyết tuyệt đối. Chúng tôi thích Có đấu với Không, Ca ngợi đấu với trách cứ, Có tội đấu với Vô tội – hoặc, ở trường hợp Marshall, Bất ổn đấu với Bất ổn Kinh khủng. Chúng tôi thích trò chơi kết thúc có thắng có thua, không được hòa. Và với một số người, tay súng Serbia đó, tên y là gì tôi quên mất từ lâu rồi, có một trăm phần trăm trách nhiệm cá nhân: nếu bỏ hắn ra khỏi phương trình, cuộc chiến hẳn đã chẳng bao giờ xảy ra. Những người khác ủng hộ quan điểm một trăm phần trăm trách nhiệm nằm ở các lực lượng lịch sử, những lực lượng đã đặt các dân tộc đối nghịch nhau vào một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi: “Châu Âu khi ấy là một thùng thuốc súng chỉ chực nổ tung”, vân vân và vân vân. Những đứa đậm chất vô chính phủ hơn, như Colin, biện luận rằng mọi thứ tùy thuộc vào may rủi, rằng thế giới tồn tại trong một trạng thái hỗn độn liên tu bất tận, và chỉ có khẳ năng kể chuyện sơ khai nào đó, bản thân nó, không nghi ngờ gì, chính là một thứ sống sót từ tôn giáo, áp đặt ý nghĩa lên những gì có thể đã hoặc không xảy ra, theo lối hồi cố.

Thầy Hunt gật một cái nhanh trước cố gắng ngấm phá hoại mọi thứ của Colin, như thể sự thiếu lòng tin theo kiểu chết chóc là một thứ phụ phẩm tự nhiên của tuối thiếu niên, là cái gì đó đã không còn hợp với tuổi nó nữa rồi. Giáo viên và phụ huynh thường nhắc nhở chúng tôi đến phát bực cả lên rằng họ cũng từng có một thời tuổi trẻ, và vì vậy mà có thể nói với đầy đủ thẩm quyền. Đó chẳng qua cũng chỉ là một giai đoạn, họ nhấn mạnh. Chúng bay sẽ lớn lên thoát khỏi đó; cuộc sống sẽ dậy chúng bay đới thực và thái độ sống thực tế. Nhưng hồi ấy chúng tôi từ chối thừa nhận rằng họ từng giống chúng tôi bất cứ điều gì, và chúng tôi biết rằng mình nắm bắt được cuộc sống – và sự thật, và luân lý, và nghệ thuật – còn rõ ràng hơn rất nhiều các vị già đời đã chịu thỏa hiệp kia.

“Finn, trò vẫn yên lặng. Chính trò là người làm cho quả bóng bắt đầu lăn. Trò, như hồi ấy, là tay súng Serbia của chúng ta.” Thầy Hunt dừng cho lời bóng gió của mình kịp gây tác dụng. “Trò có vui lòng cho chúng ta thụ hưởng từ những suy tư của trò được chăng?”

“Trò không biết, thưa thầy.”

“Trò không biết điều gì?”

“Vâng thì, theo một nghĩa, trò không thể biết điều trò không biết. Điều đó là hiển nhiên tự thân một cách triết học.” Cậu ấy tạo ra một trong những nhịp nghỉ nhỏ đấy, trong đó chúng tôi lại tự vấn cậu ấy có dấn thân vào một trò giễu cợt tinh vi hay một sự nghiêm túc cao độ vượt lên trên tất cả chúng tôi chăng. “Thực ra, chẳng phải cả vụ việc gán trách nhiệm này chính là một kiểu trốn tránh hay sao? Chúng ta muốn đổ lỗi cho một cá nhân để mọi người khác đều được vô tội. Hoặc chúng ta đổ tội cho một quá trình lịch sử như một cách giải tội cho các cá nhân. Hoặc tất cả đều hỗn loạn vô chính phủ, và hậu quả vẫn sẽ y như vậy. Trò thấy có vẻ như có – đã có – một chuỗi trách nhiệm cá nhân, mà tất cả đều cần thiết, nhưng chẳng mấy chốc trở thành một chuỗi nơi ai cũng có thể dễ dàng đổ lỗi cho mọi người khác. Nhưng tất nhiên, mong muốn quy trách nhiệm của trò có thể là một suy nghĩ riêng theo kiểu của trò hơn là một phân tích công bằng về điều đã xảy ra. Đó là một trong những vấn đề trọng tâm của lịch sử, phải không, thưa thầy? Câu hỏi về diễn giải chủ quan đối với diễn giải khách quan, sự thật là chúng ta cần phải biết lịch sử của nhà sử học thì mới hiểu được cái phiên bản đang được đặt trước mặt ta kia.”

Có một khoảng lặng. Mà không, cậu ấy không hề làm trò tườu, không một chút nào.

Thầy Joe Hunt Già nhìn xuống đồng hồ đeo tay và mỉm cười. “Finn, năm năm nữa tôi về hưu. Và tôi sẽ rất vui lòng giới thiệu nếu trò muốn tiếp quản.” Và thầy cũng chẳng hệ đùa đâu.

Một sáng tập trung toàn trường, thầy hiệu trưởng với cái giọng ảm đạm vẫn được để dành cho các vụ đuổi học và các trận thể thao thua thảm, đã thông báo rằng thầy mang tin buồn, ấy là Robson lớp khoa học khối sáu đã qua đời cuối tuần qua. Trên nền rì rầm những tiếng thì thào hoang mang, thầy bảo với chúng tôi rằng Robson đã bị lìa cành khi đang độ tuổi hoa, rằng cái chết của cậu ấy là một mất mát đối với cả trường, và rằng tất cả cả chúng tôi sẽ dự tượng trưng đám tang cậu ta. Tức là thầy nói mọi chuyện, trừ chuyện chúng tôi muốn biết: như thế nào, vì sao, và có phải hóa ra đó là một vụ án mạng hay không, do kẻ nào.

Mời các bạn theo dõi tiếp!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/56818


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận