Những Câu Chuyện Giáng Sinh Ý Nghĩa Chương 5

Chương 5
ÔNG KHỔNG LỒ VÀ EM BÉ TÍ HON

Ngày xửa ngày xưa, có một ông khổng lồ. Ông có một tòa nhà lớn bao quanh là một khu vườn rộng với cỏ hoa bốn mùa tươi tốt. Đặc biệt là những cây đào mùa xuân hoa nở trắng, mùa thu trái chín hồng. Từng đàn chim nhỏ tíu tít bay về líu lo những khúc hát thanh bình. Cứ mỗi chiều tan học, các em nhỏ lại rủ nhau đến khu vườn để vui đùa, tung tăng chạy nhảy.

Thế rồi một hôm, ông khổng lồ có việc phải đi vắng lâu, khi về, ông bắt gặp lũ trẻ nghịch ngợm đu mình trên cành đào ở giữa vườn làm gãy mất một cành có nhiều nụ nhất. Tiếc quá, ông nổi giận hét lên một tiếng kinh khủng, làm các em hoảng sợ bỏ chạy. Ông lại tự tay xây một bức tường cao vây cả khu vườn lại, bên ngoài ông viết thêm mấy chữ thật to: CẤM VÀO ! Từ đó, các em nhỏ không còn dám bén mảng đến chơi ở khu vườn xinh đẹp ấy nữa...



Mùa thu, mùa đông, rồi mùa xuân nối gót, khắp nơi trăm hoa đua nở, chim hót líu lo, chỉ trừ có cảnh vườn ở đây là mùa đông vẫn ngự trị, dứt khoát không chịu ra đi. Thiếu những bóng dáng dễ thương, thiếu tiếng nói cười, thiếu cả những bước chân tung tăng của các trẻ thơ, hoa đào đã không chịu nở, đàn chim đã không chịu bay về.

Bên khuôn cửa sổ, ông khổng lồ ngồi co ro nhìn ra khu vườn giá lạnh hoang vắng, ông chép miệng: “Sao mùa xuân lại không thấy đến đây nhỉ ?” Quả thật, mùa xuân đã không đến, mùa hè cũng đi vắng, và mùa thu thì chỉ chịu đến thăm các vùng quanh đây. Ở đó, trái cây đã chín mọng đỏ, còn nơi đây thì cành đào vẫn tuyết trắng trơ trụi !

Một buổi sáng, bỗng ông khổng lồ giật mình thức giấc vì có tiếng chim hót vui tươi bên cửa sổ khiến ông lặng cả người. Lâu lắm rồi, ông đã không còn được nghe những khúc hát của loài chim. Ồ, mà hình như đâu đây lại còn có một mùi hương xuân thơm ngát. Ông bất giác nhìn ra vườn. Ô kìa, từ một lõ nhỏ vỡ ra ở chân tường, từng em nhỏ đang chui vào khu vườn, mắt lấm lét đề phòng. Thế rồi, yên tâm rằng ông khổng lồ không có mặt, chúng bắt đầu trèo lên ngồi vắt vẻo trên các cành đào, làm cho tuyết rơi xuống từng mảng lớn...

Thật không ngờ, những chồi non liền nhú ra, nụ liền nở hoa, hoa liền kết trái, tất cả đều nhanh như một phép lạ thần kỳ. Ở một góc vườn, lại có một em bé tí hon đang cố nhón chân trèo lên một cành đào thấp nhất mãi mà không được, cậu đành đứng khóc thút thít một mình. Lòng ông khổng lồ bấy lâu nay đã khép kín giá lạnh như băng tuyết, giờ đây, trước cảnh vật rộn ràng, và nhất là trước hình dáng bé nhỏ dễ thương ấy, tâm hồn ông như ấm lại và mở toang bao dung. Ông đã hiểu vì sao mùa xuân chẳng chịu đến thăm khu vườn của ông. 

Vừa ân hận vừa sung sướng, ông khổng lồ mở bung cửa nhà, chạy ào ra vườn làm cho lũ trẻ kinh hoàng ù té chạy nấp vào các gốc cây, hồi hộp chờ đợi một cơn thịnh nộ. Tức thì, mùa đông quay trở lại ngay, tuyết gió lại vi vu, các bông hoa và chồi non co mình lại. Chỉ riêng có em bé tí hon ở giữa vườn là vẫn đứng đó, mắt nhòa lệ vì tủi thân.

Ông khổng lồ nhẹ bước tới, bế xốc em bé rồi nhẹ nhàng nâng cho em ngồi vắt vẻo lên một cành đào. Tức thì hoa lại nở rộ, chim lại hót vang. Em bé sung sướng vòng đôi tay nhỏ bé ôm lấy khuôn mặt ông khổng lồ ngang tầm mặt của em mà hôn nhẹ lên đôi má già nua đang ràn rụa nước mắt vì xúc động. Các em bé chung quanh thấy vậy thì lại rủ nhau ùa đến, mang theo của mùa xuân vui tươi rộn rã... 

Ông khổng lồ giang rộng tay, dịu dàng tuyên bố: “Các cháu ơi, từ nay khu vườn này sẽ là của các cháu mãi mãi !” Bức tường cao bị chính tay ông phá đổ trong phút chốc. Mọi người qua lại đều ngạc nhiên khi thấy một ông khổng lồ đang đùa vui hồn nhiên với một bầy trẻ tí hon ngay giữa khu vườn có hoa đào nở ra trắng xóa...

Từ đó, chiều nào các em học xong ở trường, cũng vội chạy a đến vây quanh ông khổng lồ vui tính. Chợt một hôm, ông chú ý hỏi thăm lũ trẻ về em bé mà ông đã bồng lên dạo nọ, các em đều trả lời không biết, mà cũng chẳng thấy em đến chơi một lần nào nữa...

Năm tháng dần trôi qua, em bé tí hon dễ thương ấy vẫn bặt tăm, còn ông khổng lồ thì già hẳn đi, râu tóc bạc phơ. Khi ngồi kể truyện cổ tích cho lũ trẻ, ông vẫn không quên nhắc tới cậu bé lạ lùng nọ... 

Thế rồi, vào một buổi sáng cuối đông, ông khổng lồ lại ngồi nhìn xem cảnh khu vườn qua khung cửa sổ. Bỗng, ông mở to đôi mắt ngạc nhiên, vì ở chính giữa vườn, riêng mình cây đào đã sớm nở hoa xanh lá một cách kỳ diệu. Và ông đã trông thấy em bé tí hon mà ông hằng thương nhớ đang đứng dưới gốc cây, cố vói lên cành đào thấp nhất y như năm nào.

Ông khổng lồ mừng rỡ đến bật khóc, quên cả tuổi già, chạy vội ra, bế xốc em lên. Bỗng, ông cũng chợt nhìn thấy nơi lòng đôi bàn tay nhỏ nhắn của em có hai vết thương tròn còn rươi rướm máu, lại còn hai vết thương ở hai bàn chân tí hon của em nữa ! Bàn tay ông đang đỡ lấy bên hông em cũng thấy máu thắm đang nhỏ ra từng giọt, từng giọt. Ông vừa giận dữ vừa xót xa kêu lên: “Sao lại thế này ? Ai đã làm cho cháu bé của ta bị thương như thế này ? Ai ? Ai vậy cháu ? Nói mau cho ông biết đi !”

Em bé nhìn vào đôi mắt trợn to của ông khổng lồ một lúc rồi dịu dàng nói: “Ông ơi, đó chính là những VẾT THƯƠNG DO TÌNH YÊU đã gây nên ông ạ !” Ông khổng lồ vụng về quỳ gối xuống tròn xoe mắt hỏi em: “Cháu bé ơi, thế cháu là Ai vậy ?” Em bé không đáp, chỉ mỉm cười hiền hòa.

Mãi một lúc sau, em mới thỏ thẻ: “Ông ơi, ông cho phép cháu được chơi trong khu vườn của ông một lần này nữa thôi nhé. Ngày mai, cháu đã phải về Nhà của Cha cháu. Ở Nhà cháu cũng có một khu vườn đẹp lắm. Có dịp, cháu sẽ mời ông lên chơi Nhà cháu để đáp lễ. Cháu tin rằng ông sẽ thấy hạnh phúc, và ông sẽ ở lại mãi mãi trong khu vườn Nhà cháu. Ông nhận lời mời của cháu, ông nhé !”

Và buổi chiều hôm sau, khi mùa đông vừa kịp nhường bước cho xuân đến, khi tan học về, các em nhỏ lại ghé chơi khu vườn như thường lệ thì thấy ông khổng lồ đã ngủ yên nghỉ vĩnh viễn ngay dưới gốc cây đào. Đôi môi ông tươi thắm một nụ cười như đang say ngủ trong một giấc mơ tuyệt vời. Hoa đào nở sớm đã rụng xuống phủ lên trên thân mình ông và cả một vùng chung quanh trắng xóa... 

Phóng tác theo một truyện ngắn 
của văn hào OSCAR WILDE.

Nguồn: truyen8.mobi/t119155-nhung-cau-chuyen-giang-sinh-y-nghia-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận