Cũng như những miền quê khác mà vú đã đi qua, trên đường về gần tới nhà vú đã nhìn thấy nhiều cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên khắp các cổng chào, các nẻo đường, các trụ sở Việt Minh... Nhiều người quen nhận ra vú từ xa tay bắt mặt mừng. Ở một ngã ba vú gặp các bà bạn cũ đi chợ về nói rằng tiếc quá, bác Ngần chỉ cần về sớm hai hôm là có thể được tham gia cuộc mét tin của toàn huyện. Trên bãi đồi đất đỏ au kia có hàng vạn người từ khắp nơi trong huyện đổ về dự, nhất là dân vùng Núi Đỏ hầu như đi dự gần hết. Các bà nói:
- Bây giờ hết vua rồi. Cũng hết Tây hết Nhật rồi. Bây giờ chỉ có người Việt Nam mình với nhau mà thôi. Bây giờ người Việt làm chủ nước Việt Nam dân chủ. Tri huyện đã nộp ấn tín xin đầu hàng Việt Minh rồi...
- A... Con bé này là đứa nào vậy? - Một bà nhổ quết nước trầu xong, dùng mấy ngón tay chùi quết trầu ở mép rồi dùng chính những ngón tay đó vê vào má vào cằm Liên Chi mà hỏi.
Vú Ngần đáp:
- À, cái Tũn tôi nhặt được trên đường đi ấy mà!
- Tội nghiệp! - Một bà nói: - Chắc là cha mẹ bị giặc Tây giặc Nhật bắn chết rồi phải không con? Trên bến đò Vạn phải không con?
Rồi không đợi vú Ngần và Liên Chi trả lời, một bà khác vuốt má Liên Chi nói:
- Con cái nhà ai mà mặt mày sáng sủa xinh xắn quá! - Bà ngắm nghía Liên Chi một lát rồi nói tiếp: - Bây giờ cách mạng đổi đời rồi. Nhiều cô cậu ở đây đổi tên đổi tuổi hay ra phết! Con bé này bác cũng nên chọn một cái tên đèm đẹp mà đặt cho nó.
- Ừ... tôi sẽ gọi nó là... là cái Liên.
- Liên... ừ, tên hay đấy! Thôi bác về nhá! Thằng Cún nhà bác chắc là mừng lắm!
Vừa nói bà vừa xoa tay nắn vai Liên Chi.
Vú Ngần mừng vì mới sáng nay, trước khi về tới làng vú đã bảo Liên Chi đưa vú tháo chiếc kiềng vàng giấu vào trong yếm của vú. Còn tông tích thì mấy hôm nay Liên Chi đã thuộc lòng. Nếu có ai hỏi hãy nói rằng vú nhặt được em ở bến đò quan. Em bị lạc mất cha mẹ. Em tên là Tũn. Không ngờ về đến đây mọi người chê tên ấy xấu, đòi vú phải đặt tên lại cho em. Đi qua những xóm làng phố chợ mấy hôm nay vú đã thấy tận mắt sự thay đổi kỳ lạ. Những con người nghèo hèn khốn khổ lại đứng lên cầm súng cầm giáo mác gậy gộc đánh đuổi giặc Pháp giặc Nhật, đánh vào huyện đường, Phủ đường, bắt sống Tri huyện, Tri phủ... Ông Tri phủ Thiệu Hóa nhà ta nếu như không bận về Huế chịu tang mà còn ở lại Phủ đường chắc gì đã thoát khỏi sự truy nã bắt bớ này? Nhưng điều lạ lùng là người ta còn đổi cả tên gọi xấu xí thành ra tên mới hay ho nữa chứ! Thôi từ nay vú cứ gọi hẳn là bé Liên Chi cho tiện.
Vú Ngần đưa Liên Chi vào một ngôi nhà lợp lá cọ, bên trong có cột kèo bằng gỗ. Không thấy người lớn đâu, chỉ một cậu bé gầy guộc cỡ tuổi Liên Chi đang nghịch đất. Cậu dùng những cái tim tre câu con cun cút trong những chiếc lỗ nhỏ xíu như lỗ đinh miên man trên mảnh sân sau đầy rêu đất.
- Thằng Cún Lộc! Lộc của u!
Nghe tiếng gọi, cậu bé - thằng Cún Lộc bỏ cuộc chơi, hớt hãi chạy về phía vú Ngần.
- U về! U về! Cậu bé reo lên, đưa hai bàn tay túm lấy vạt áo tứ thân của mẹ.
Vú Ngần đặt khăn gói trên chiếc chõng tre, rồi ngồi sụp xuống ôm đứa con trai vào lòng mà hôn hít lên khắp mặt mày tay chân ngực bụng... của nó. Nước mắt rưng rưng, vú hỏi:
- Thầy đi đâu rồi hở con?
- Thầy đi cằn! - Cậu bé đáp.
- Chị Phúc đi đâu?
- Chị Phúc đi củn.
Vú cười. Liên Chi ngồi xuống ôm đầu gối của vú.
- Lộc này, con chào chị Liên Chi đi.
- Em chào chị Niên Tri.
Vú dịu dàng bảo:
- Con hãy nói lại cho đúng: Chị Liên Chi.
Nhưng cậu bé cứ “Niên Tri”.
Liên Chi cảm thấy lạ lùng. Không ngờ vú Ngần có một người con trai nhỏ bằng Liên Chi - thằng Cún Lộc của u. Cún Lộc có cái nhìn hiền lành dịu dàng như vú. Lộc phải lủi thủi ở nhà một mình, chơi một mình tội nghiệp quá đi thôi! Trong lúc đó vú lại đến ở với Liên Chi, ngày đêm chăm sóc Liên Chi. Có thể nói từ nhỏ tới giờ Liên Chi đã quen có vú Ngần rồi, như thể vú Ngần sinh ra trên đời là để cho Liên Chi vậy. Không ngờ ở đây cũng có một người con trai thương yêu vú, vui mừng khi gặp vú như thế. Liên Chi hỏi:
- Lúc nãy em bảo thầy và chị đi đâu vậy hả vú?
- À... ấy là em nói thầy đi cày. Chắc là cày ở ruộng khoai. Còn chị Phúc đi củi chắc cũng sắp về rồi.
- Thầy có bới cơm theo để ăn trưa không hả con?
- Có ạ! - Lộc đáp. - Thầy có bới theo. Thầy nói tún
mới viền.
- Em vừa nói gì vậy hả vú?
- À, em bảo thầy đi tối mới về. - Nói đoạn vú nắm tay Liên Chi: - Con vào đây, vú tắm rửa cho cả hai đứa rồi nghỉ ngơi để vú đi nấu cơm.
Vú Ngần múc nước trong vại đổ ra chiếc thau đồng cũ trước đây bà Phủ cho đem về để tắm cho Cún Lộc. Vú cởi áo xống cho cả hai đứa trẻ tắm chung. Mặc dầu nắng gió gian khổ trên đường đi nhưng Liên Chi vẫn cứ trắng mịn hồng bên một cu Lộc gầy nhoằng, đen nhẻm. Song mắt đứa nào cũng sáng, miệng cười đứa nào cũng xinh. Khi mặc áo quần cho hai đứa, cu Lộc tò mò ngắm chiếc áo dài đầy những bông hoa sặc sỡ của Liên Chi, rụt rè hỏi:
- Tại sao con phải gọi bạn này là chị Liên Chi?
Vú Ngần nhìn con trai một lúc rồi lựa lời giảng giải:
- Là vì các con bằng tuổi nhau, nhưng con đẻ tháng Mười năm Sửu, còn Liên Chi...
- Con đẻ tháng Mười một. - Liên Chi nhanh nhảu nói.
- Vậy Liên Chi đẻ sau con, Liên Chi phải gọi con
bằng anh...
- Không phải đâu con. Liên Chi tính tháng Tây, còn u con mình tính tháng ta. Thực ra hai con đẻ cùng một tháng, nhưng con đẻ sau chị Liên Chi hai ngày, con phải gọi chị. - Nói rồi vú Ngần nhớ lại những ngày xưa ấy gia đình vú khổ lắm. Khi cái Phúc, con gái đầu lòng của vú lên năm tuổi gặp lúc mùa màng thất bát, dân tình đói khổ. Những tưởng trời chỉ cho có một cái Phúc mà thôi, ai ngờ lại có mang. Vợ chồng mừng rỡ khôn xiết, cầu mong sao cho lần này sinh được con trai. Nhưng vừa mừng lại vừa lo. Sưu cao thuế nặng, ruộng không có. Chỉ mảnh vườn nhỏ đất bạc màu, trồng cây gì cũng còi cọc không lên nổi. Quanh năm cả hai vợ chồng cày thuê cuốc mướn khắp làng không lo đủ ba miệng ăn, bây giờ nếu sinh thêm một đứa nữa không biết lấy gì để nuôi con nuôi mình. Đang lúc vợ chồng ngày đêm lo lắng chưa biết tính sao thì bất ngờ có tin quan Tri phủ bên Thiệu Hóa đang tìm người ở vú vì bà Phủ sắp sinh. Có người mách nên quan bà tìm đến tận nơi, thấy gia cảnh khó khăn, bà cho ít tiền rồi đem Ngần đi khám bác sĩ Tây. Bảo rằng sức khỏe tốt, thai nhi khỏe. Khi Ngần sinh con được một tháng thì bà Phủ cho người đem tiền và quà đến thăm hỏi, dặn rằng khi đứa bé được hai tháng tuổi thì Ngần hãy đến nuôi con cho bà Phủ. Âu cũng là trong khó khăn gặp được điều may mắn. Nếu bà Phủ nhất quyết đòi đến chăm con của bà ngay từ tháng thứ nhất, có khi cũng phải thuận, và chừng đó sẽ tội nghiệp cho cún Lộc biết bao! Nhưng bà Phủ nhân đức đã không làm thế. Hai tháng tuổi cu Lộc có thể bắt đầu uống nước cháo loãng pha với những hộp sữa bò mà bà Phủ gửi cho. Nhưng quan trọng hơn hết là vợ chồng Ngần có được một số tiền sửa lấy mái nhà cho kín gió, sắm được con trâu để đi cày ruộng thuê, có được cơm ăn ngày hai bữa, nuôi cái Phúc no đủ. Cứ ba tháng ông bà Phủ lại cho Ngần về thăm nhà một lần. Theo hợp đồng khi bé Liên Chi tròn ba tuổi là Ngần có thể nghỉ việc. Nhưng nghĩ đến ân tình của bà Phủ nên Ngần muốn ở tiếp. Hàng nửa năm Ngần lại về thăm, mang theo tiền cho chồng con. Nay vì nghĩa tình của bà Phủ đối xử với gia đình Ngần rất tốt, nên Ngần phải thương yêu chăm sóc bé Liên Chi trong cơn hoạn nạn.
Cơm nấu xong thì Phúc về với đôi gánh củi nặng trĩu trên vai. Đặt gánh củi xuống sân, mồ hôi ướt đầm lưng và vai áo, khuôn mặt xinh đẹp của cô bé mười bốn tuổi sáng bừng lên khi bất ngờ được nhìn thấy mẹ, và kia một bé gái cỡ bằng tuổi Cún Lộc đang quấn quýt bên mẹ, Phúc hiểu ngay cô bé là ai. Phúc chạy ùa vào nhà ôm chầm lấy mẹ, kêu lên mừng rỡ:
- U đã về! U đã về!... - Rồi quay qua với Liên Chi, Phúc bồng cô bé lên hỏi: - Có phải đây là bé Liên Chi mà u đã nuôi dưỡng từ bấy đến nay?
- Đúng rồi. Từ giờ trở đi Liên Chi là em gái của con.
- Em gái của con? - Phúc ngước lên hỏi.
Bà Ngần vắn tắt kể lại sự việc cho Phúc nghe. Nghe xong Phúc rơm rớm nước mắt, ôm chặt bé Liên Chi vào lòng nói:
- Tội nghiệp em! Vậy là trong phút chốc em bỗng dưng xa lìa hết cả cha mẹ, người thân... Từ nay em cứ ở đây với thầy u của chị. Chị sẽ xem em như em gái ruột của mình. À, em Liên Chi và em Lộc đứa nào lớn tuổi hơn hả u?
- Cún Lộc đẻ sau Liên Chi hai ngày phải làm em chứ còn gì nữa!
Bà Ngần đáp xong liền nghĩ: - Ngay từ đầu phải định ngôi thứ cho rõ ràng như thế. Người ta là con nhà quan, vì sa cơ mà phải về ở với mình, nhưng không thể để cho các con của mình mày tao mi tớ với người ta được! Cái Phúc lớn hơn sáu tuổi làm chị đã đành, còn cu Lộc nhất thiết phải gọi Liên Chi bằng chị, dẫu rằng hai đứa bằng
tuổi nhau.
Trong lúc cô bé Phúc và mẹ với Liên Chi cu Lộc cứ xoắn xuýt lấy nhau thì người cha vác cày trở về. Ông Thọ đặt cây cày bên hè nhà bước vào, ánh mắt sáng ngời nụ cười tươi rói nở trên môi, lưng áo gụ bạc màu ướt đẫm
mồ hôi.
- Thầy em đã về! - Bà Ngần bước ra đón chồng, tay cầm chiếc quạt nan quạt lấy quạt để vào lưng vào vai ông.
Người chồng nói:
- Tôi định cày xong thửa ruộng mới về. Nhưng nghe mấy bà xóm bên nói u nó về nên...
Liên Chi thấy người đàn ông da nâu, đôi tay rám nắng, khuôn mặt chữ điền, cái nhìn hiền lành đang hướng về phía Liên Chi và khẽ mỉm cười.
Bà Ngần trao bát nước chè xanh vào tay chồng, khi ông đã ngồi xuống chõng tre và cởi chiếc áo đẫm mồ hôi. Chị Phúc kéo Liên Chi lại gần ông Thọ, vừa quạt cho ông và quạt cho Liên Chi. Phúc nói cho cha mình hay những việc xảy ra ở nhà quan Phủ, ở Phủ đường rồi thưa:
- Em Liên Chi từ nay về ở với nhà ta thầy nhé!
Ông Thọ đưa bàn tay thô nhám vuốt mớ tóc nhỏ của Liên Chi và nói:
- Bây giờ vật đổi sao dời rồi. Hãy cứ ở đây với vợ chồng ta. Ta sẽ coi như con cái trong nhà.
Bà Ngần thoáng một chút thảng thốt khi nghe chồng mình bạo mồm nói sẽ coi Liên Chi là con cái trong nhà. Nhưng rồi bà kịp nghĩ lại. Đúng như lời ông Thọ nói - Bây giờ vật đổi sao dời rồi, bé Liên Chi đâu còn là cô chủ nhỏ mà hàng ngày bà phải hầu hạ nâng niu chiều chuộng, mà là một cô bé bơ vơ không nơi nương tựa, không có người che chở nuôi dưỡng. Gia đình ông bà lúc này là nơi duy nhất có thể bao bọc che chở nuôi dưỡng Liên Chi. Cầu mong sao cho không ai nhòm ngó về sự có mặt của cô con gái quan phủ trong nhà ông bà, cầu mong sao cho ai cũng tin rằng đó là cô bé lạc cha mẹ trên bến đò quan mà bà Ngần nhặt được đem về nuôi. Bà Ngần vừa đong thêm lon gạo đổ vào nồi đồng nhỏ đặt lên bếp nấu thêm phần cơm của chồng - vừa giục con gái soạn mâm ăn.
Trong lúc hai mẹ con đang tất bật chuẩn bị cơm, cu Lộc đem Liên Chi ra vườn dạy cho Liên Chi cách câu con cun cút trong những chiếc lỗ nhỏ như lỗ đinh miên man trên mặt đất.
Ông Thọ lặng lẽ bắc ghế đẩu với tay lên giàn bếp đưa xuống một bọc lá chuối khô, mở ra bên trong là những tấm bánh dầy khô to bằng hai bàn tay bị ám khói vàng khè xếp chồng lên nhau, ông chọn lấy hai tấm rồi gói lại cẩn thận để vào chỗ cũ. Ông cất ghế rồi đem hai tấm bánh dầy khô ra vại nước, múc một gáo giội sơ qua rồi đem vào đặt lên thớt dùng dao cau thái từng lát mỏng.
Bà Ngần xách rổ ra vườn sau hái rau đay. Liên Chi bỏ cuộc chơi bắt cun cút với Lộc, chạy theo hỏi:
- Vú hái lá này làm gì hả vú?
Liên Chi vừa dứt lời thì cu Lộc chạy tới nói:
- Chị Niên Tri phải gọi là rau đay chứ, đây không phải lá. Rau đay dùng để nấu canh ăn ngon lắm u nhỉ?
- Ừ.
- Sao chị Niên Tri không gọi u mà gọi vú hả u?
- Ờ... Ờ... Vì chị chưa quen. Thôi thì gọi bằng gì
cũng được, miễn là chị em chúng con yêu thương đùm bọc nhau.
Bà Ngần nói, đôi mắt trở nên xa xăm. Liên Chi bắt chước vú hái rau đay, rồi cùng vú rửa rau trong chiếc chậu gốm.
Khi vợ và các con đang lo món rau nấu canh thì ông Thọ đem những lát bánh vừa thái xong xếp lên nồi cơm mới cạn.
Thấy chị Phúc đang soạn mâm bát Liên Chi cũng làm theo. Chị Phúc nắm bàn tay nhỏ nhắn của Liên Chi khẽ đẩy ra, nói:
- Em chưa quen làm để chị làm cho.
Ông Thọ nói:
- Cứ để cho em làm. Từ nay chị Phúc phải bảo cho em tập làm những việc nhỏ cho quen...
Bữa cơm được dọn ra gồm món tép rang chị Phúc đi đánh giậm hôm qua, món canh rau đay và một đĩa cà muối. Liên Chi ăn một cách ngon lành. Chốc chị Phúc lại chọn những con tép to, đỏ au, bỏ vào bát cho Liên Chi, cho cu Lộc. Chị ép cu Lộc và Liên Chi ăn thêm mỗi đứa một bát nữa. Cả hai đều vâng lời chị, thi đua ăn mau hết bát nữa. Cuối bữa, ông Thọ chia vào bát mỗi người những lát bánh dầy khô thái mỏng, hấp cơm lên mềm và dẻo. Đây là lần đầu tiên Liên Chi được ăn món bánh này, và cũng lần đầu tiên cô bé ăn nhiều cơm, nhiều bánh đến thế. Liên Chi cảm thấy món bánh dầy khô hấp lên ngon hơn bất cứ món cao lương mỹ vị nào mà trước đây ông bà Phủ nài ép Liên Chi ăn mỗi bữa.
Cùng thời khắc đó tại Huế trong một ngôi nhà cổ kính ở thôn Nam Phổ, bữa cơm gia đình ông bà Bửu Tín quanh chiếc bàn ăn gồm có ông bà và cu cậu Vĩnh Cơ, cu út Vĩnh Bảo. Bà Bửu Tín nước mắt ràn rụa, mấy lần bưng bát cơm lên rồi đặt xuống, cố nén tiếng nấc, nhưng tiếng nấc cứ bật ra khỏi cổ họng. Bửu Tín cũng đau lòng lắm, nhưng cố nuốt nỗi đau, dỗ dành vợ:
- Thôi mình đừng khóc như thế, sẽ hóa bệnh mất! Gắng mà ăn uống chút đỉnh để còn lấy sức nuôi hai đứa con này nữa chứ. Việc của bé Liên Chi coi như phú cho trời đất. Anh tin rằng một con người có tấm lòng nhân hậu như vú Ngần, chắc chắn sẽ không bỏ rơi con gái của chúng ta đâu!
Nghe đến đây bà không cầm được nước mắt, khóc
òa lên:
- Nhưng vú Ngần lấy gì nuôi con chúng ta? Vú còn những đứa con của vú nữa chứ! Với lại người ta có để cho vú yên không? Có để cho Liên Chi yên không? Lại nữa, mình không nghe nói đang đêm Phủ đường bị tấn công đó à? Cả hai phe đều nã đạn vào nhau tại Phủ đường, liệu hòn đạn mũi tên có?... Ôi chao, mình ơi, làm sao em sống nổi trong tình cảnh này?! Bé Liên Chi ơi, từ nay mẹ mất con rồi! Con ơi là con ơi!... Ông trời bày chi chuyện trớ trêu độc địa, dạo đó nếu bé Liên Chi không đau ốm thì có lý nào chúng ta để cho con một mình ở lại với vú Ngần?!... Ôi chao con ơi là con ơi, làm sao mẹ sống được khi không biết con sống chết phương nào...
Tuy Bửu Tín làm ra vẻ cứng rắn nói vậy, nhưng khi nói xong cũng buông đũa ngồi thừ người, nước mắt chảy ròng trên đôi gò má nhăn nheo vì thương nhớ và đau khổ. Ông không ngờ ngày về Huế chịu tang cha cũng là ngày ông rời bỏ quan trường, rời bỏ Phủ đường Thiệu Hóa, rời bỏ đứa con gái đầu lòng yêu quý của vợ chồng ông. Mọi việc sau đó chuyển biến nhanh quá, mà đỉnh cao là Việt Minh cướp chính quyền, Hoàng đế Bảo Đại phải thoái vị. Đến cái ngai vàng cùng ấn tín và gươm báu của các tiên đế để lại mà Hoàng thượng cũng không giữ được nữa là, huống hồ cái chức Tri phủ của ông! Ông mất trắng mọi thứ cùng một lúc - đành vậy, nhưng còn đứa con? Trời đất ơi, ông có tội tình gì mà ông trời nỡ trừng phạt bằng cách bắt vợ chồng ông phải xa lìa đứa con gái đầu lòng yêu quý? Giờ đây tình thế như thế này làm sao ông dám trở lại nơi đó tìm con? Ông đã vài lần bí mật phái người thân tín tìm đường về Thanh Hóa - Thiệu Hóa để hỏi thăm, nhưng một đi không thấy về, hai đi không thấy về!...
Vĩnh Cơ và Vĩnh Bảo thấy ba mẹ khóc cũng òa lên khóc. Cả nhà khóc nức nở. Hai bà vú từ đâu bất thần chạy ập vào ôm lấy hai cu cậu, rồi cùng khóc nấc lên.
Bửu Tín ngạc nhiên nhìn vú Bảo và vú Cơ hỏi:
- Ô kìa, tôi tưởng hai chị đã về đến nhà rồi kia mà? Sao mãi còn ở đây?
Vú Cơ nói trong nước mắt:
- Thưa ông bà, chúng con thương ông bà và hai cậu lắm, nên chúng con đi không đứt...
Vú Bảo nói:
- Như ông bà biết đó, con của con chết khi mới lọt lòng. Chồng của con trước đó đã đi theo người đàn bà khác. Con chỉ biết nương nhờ cửa của ông bà và thương yêu cậu Cơ, cậu Bảo, con không còn ai nữa trên đời...
Bửu Tín nói:
- Nhưng mà các chị cũng phải hiểu cho vợ chồng tôi chứ. Bây giờ tôi không còn đi làm việc nữa, không có lương bổng gì hết, nếu giữ các chị lại, chúng tôi biết lấy gì để trả lương cho các chị?
- Chúng con không đòi trả lương. Chúng con chỉ muốn được ở lại với ông bà... - Cả hai cùng thốt lên.
Bà Phủ lau nước mắt dịu dàng nói:
- Như các chị biết đó, chúng tôi là con thứ được các cụ cho ngôi nhà này và ít vật dụng cần thiết. Từ khi nhà tôi ra làm Tri phủ Thiệu Hóa thì ở nhờ sau lưng Phủ đường. Tài sản bới theo ra ngoài đó giờ đây coi như mất trắng. Các chị đối với chúng tôi có tình có nghĩa như vậy, chúng tôi rất lấy làm cảm kích. Vú Cơ quê ở Quảng Trị, nếu ngại một thân một mình không đi được thì tôi sẽ tìm cách gửi gắm cho vú trở lại quê gặp chồng con. Vú Bảo còn trẻ, có thể gặp một đám tử tế rồi xây dựng gia đình trở lại.
Nghe bà Phủ nói xong hai bà vú lại ôm nhau khóc.
Hai hôm sau ông bà Bửu Tín nhờ chú Quyền nguyên là lính lệ quê gốc Triệu Phong đưa giúp vú Cơ về quê. Bà Bửu Tín gom góp ít tiền trao tay cho hai người. Chú Quyền nói:
- Con sẽ không bao giờ quên ông bà. Con hứa sẽ đưa vú Cơ về đến nơi đến chốn. Có nơi nào trong phủ Triệu Phong mà con không thuộc. Nay con về quê làm ruộng với cha mạ của con...
Vú Cơ và người lính lệ còn sót lại lưu luyến giã biệt vợ chồng Bửu Tín. Riêng vú Bảo vẫn ở lại trong nhà.
Bà Bửu Tín tay bồng Vĩnh Bảo tay dắt Vĩnh Cơ đến bên nói:
- Các con nghe lời mẹ dặn đây, từ nay các con không gọi là vú Bảo nữa, mà gọi bằng chị. Chị tên là Sa, các con gọi là chị Sa nhé!
- Dạ vâng ạ!
Vĩnh Cơ ngoan ngoãn vâng lời mẹ, còn Vĩnh Bảo cứ mải chơi với con chó bằng cao su đỏ tươi mềm mại vắt qua vẫy lại trên tay, cu cậu như không hề nghe thấy lời của mẹ.
Tuy đã làm mẹ, và đứa con nếu còn sống thì giờ đây đã lên hai tuổi - lớn gần bằng Vĩnh Bảo, nhưng tuổi đời Sa mới vừa tròn mười tám. Sa hiểu rằng bà Bửu Tín muốn thay đổi cách xưng hô giữa Sa với các con bà, không phải vì từ nay Sa được coi như người chị lớn của hai em, mà còn vì một lẽ như bà nói là “có thể gặp một đám tử tế rồi xây dựng gia đình trở lại...”. Sa không phải là người đã mất hết người thân, Sa còn cha mẹ, nhưng Sa không muốn trở về sống với người cha người mẹ vì thua bạc mà đem Sa gá cho một tay chủ nợ khi Sa mới mười lăm tuổi. Thân phận Sa lúc đó không ra đứa ở, không ra vợ lẽ, không ra nàng hầu! Khi biết Sa mang thai, vợ chồng tên chủ nợ liền đem Sa gá cho một người đàn ông khác. Một thời gian không lâu sau đó người đàn ông này lấy hết chỗ nữ trang vốn liếng ít ỏi của Sa rồi bỏ đi biệt tích. Sa sinh con non tháng nên đứa bé không sống được. Giữa lúc Sa đau đớn tuyệt vọng tột cùng thì gặp bà Phủ. Sa nuôi Vĩnh Bảo và thương Vĩnh Bảo như con. Nhưng giờ đây bà Phủ bảo Sa làm chị làm em với Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo cũng không sao, vì bà Phủ muốn chấm dứt cuộc đời làm vú của Sa, Sa biết vậy. Ông bà cho Sa thôi việc với lý do từ nay ông bà không còn có thể trả lương cho Sa. Nhưng đối với Sa điều đó giờ đây không quan trọng lắm. Tiền lương bao lâu nay ông bà trả cho Sa, Sa đã dành dụm được một khoản kha khá, nhưng chưa hề tiêu dùng vào việc gì. Nay dẫu ông bà không trả lương, Sa cũng ở lại với gia đình ông bà một thời gian, bởi vì ông bà đối với Sa còn tốt hơn cha mẹ. Nghĩ vậy rồi Sa đứng lên đón lấy Vĩnh Bảo trên tay bà Phủ và dắt ra vườn sau chơi - nơi những người làm vườn đang chiết cành, nhổ cỏ, vun gốc cho các loài cây ăn trái như cam, quýt, mãng cầu, mận, đào, thanh trà và bưởi.
Đau buồn về việc Đoan Thuận, thời gian này Bửu Toàn chỉ còn niềm vui niềm an ủi duy nhất là những buổi họp mặt anh em đoàn thể để nghe thông báo tình hình và giao nhận công tác.
Với danh nghĩa quân đồng minh đến Việt Nam để tước vũ khí của quân đội Nhật, hơn năm ngàn quân của Tưởng Giới Thạch tràn vào Kinh đô Huế. Thói cách hợm hĩnh và sự ăn chơi trác táng của đội quân ô hợp này đã gây rất nhiều phiền toái cho dân chúng Huế. Nhiều tệ nạn xã hội bắt đầu phát triển, trong đó có những người đàn bà buôn hương bán phấn mà một số quân Tàu Tưởng muốn tác hợp hôn nhân để tính kế ở lại lâu dài, nên dân chúng đã có lời khuyên thẳng thừng:
"Có con mà gả cho Ngô"
Ăn nói hồ đồ không kể mẹ cha...
Cái thứ ăn nói hồ đồ không kể mẹ cha thì gả cho chúng nó làm gì?!...
Thế nhưng dựa vào sự hỗ trợ của các tướng lĩnh Tưởng Gới Th bd2 ạch, các đảng phái như Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội đang hoạt động tích cực, ra sức chống phá Việt Minh dưới mọi hình thức, giữa lúc thực dân Pháp đang muốn thực hiện âm mưu trở lại xâm lược Việt Nam. Từ Kinh đô Huế ngày 25 tháng 11 năm 1945 người dân lắng nghe Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung trích dẫn lời của Lê Nin: Giành chính quyền càng dễ bao nhiêu, giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu! Nhiệm vụ trước mắt là phải “củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”. Trước đó, hơn sáu trăm quân Pháp đổ bộ đánh chiếm thành phố Sài Gòn, và ngày 26 tháng 9 năm 1945 - chỉ hai mươi bốn ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi nhân dân trong cả nước cùng đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong không khí hừng hực quyết tâm đánh Pháp xâm lược, tuổi trẻ Huế nao nức xếp bút nghiên lên đường Nam tiến, thì một lần nữa Phan Tấn nén lòng mình lại không đăng ký tòng quân. Rồi anh tham gia đội tự vệ khu phố và tích cực luyện tập suốt ngày đêm. Mỗi đội viên tự vệ đều được trang bị vũ khí, nhưng không đồng bộ. Người thì được một thanh gươm, người được cái mã tấu, người được đại đao, người súng trường, người lựu đạn... Phan Tấn được trang bị một quả lựu đạn. Tiếp đó, Phan Tấn tham gia đội cảm tử quân của trường Kỹ nghệ thực hành, sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với thực dân Pháp. Phan Tấn tham gia quân tự vệ thì Bửu Toàn có nhìn thấy, có biết. Còn việc tham gia đội cảm tử quân thì Phan Tấn giấu không cho Bửu Toàn biết. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12 năm 1946 thành phố Huế biến thành một trận địa với những tiếng nổ long trời lở đất của đạn pháo ta và các loại súng đạn hiện đại của Mỹ trang bị cho giặc Pháp - vừa đến chiếm đóng ở các cứ điểm quan trọng, trong đó có trường Thiên Hựu và trường Khải Định. Quân ta đánh phá nhiều mục tiêu quan trọng của địch, các đội cảm tử quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm, và có tin không may một cỗ pháo của ta do không điều chỉnh đúng cự ly đã giọt nhầm vài quả đạn vào một đơn vị bộ binh xung kích trên bờ sông An Cựu... Bửu Toàn lo lắng đi tìm Phan Tấn.