Vì sao Từ Huy tạc chân dung Đoan Thuận trên nhóm tượng đài? Phải công nhận rằng chân dung đẹp và sống động đến mức làm Ngô Trần phải giật mình khi vừa chợt nhìn lên... Thông thường người nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc, phải yêu mến, trân trọng đối tượng lắm mới chọn đối tượng làm mẫu cho tác phẩm quan trọng, tác phẩm để đời của mình.
Khi Ngô Trần còn đang tại chức tuy giữa Từ Huy và Ngô Trần chưa hề có điều gì xích mích, nhưng chưa bao giờ là chỗ gần gũi thân tình, dẫu thời gian đó Từ Huy vẫn chịu sự chỉ đạo của Ngô Trần. Còn bây giờ ai trong các anh cũng chỉ là người nghệ sĩ thuần túy. Ngô Trần thỉnh thoảng viết một ca khúc, còn Từ Huy thì mải mê với sự nghiệp điêu khắc. Từ đáy lòng Ngô Trần dấy lên một niềm biết ơn vào hạn đối với Từ Huy, vì anh đã có công làm sống dậy vẻ thanh tân yêu kiều và đầy khí phách ở Đoan Thuận - người phụ nữ mà Ngô Trần đã một thời đắm say, mãi mãi đắm say, nhưng mãi mãi chỉ là tình yêu đơn phương! Cái tình đơn phương ấy tưởng đã chôn vùi theo thời gian, nào ngờ giờ đây sống dậy mãnh liệt trong Ngô Trần. Cho hay tuổi tác chồng chất, thân xác con người sẽ già đi, nhưng tình yêu thì cứ mãi xanh tươi. Ngô Trần nghiệm ra điều đó từ chính bản thân mình, dẫu rằng trước đây ông đã đọc, đã nghe nói, nhưng ông không tin rằng tình có thể xanh trong một thể chất già nua, ốm yếu. Cái tình ấy, nói chính xác hơn là cái “màu xanh” ấy thúc đẩy Ngô Trần chủ động tìm gặp họa sĩ Từ Huy không một chút ngần ngại.
- Đoan Thuận là biểu tượng của sắc đẹp, tuổi trẻ và lòng yêu nước thiết tha... Anh Từ Huy chọn để làm mẫu tượng đài là quá đúng đắn.
Ngô Trần dè dặt nói. Từ Huy nghĩ trước đây Ngô Trần không ưa gì Từ Huy, bởi vì Từ Huy không biết ton hót, nịnh bợ, lòn cúi, bè phái. Nhưng hôm nay Ngô Trần đã đến đây để chúc mừng thành công của Từ Huy, có thể coi là một dấu hiệu vui. Từ Huy chiết trà thơm vào tách sứ rồi đưa mời Ngô Trần. Ngô Trần nói lời cám ơn, bưng lên nhấp một ngụm nhỏ rồi giữ nguyên tách trà trong tay, đôi mắt nhìn chăm về phía trước, nơi có đặt mấy tượng tròn thấp thoáng dưới tán cây. Từ Huy nói:
- Điều đáng mừng nhất là anh Ngô Trần đã hiểu anh em hơn, quan tâm anh em, tìm tới thăm như thế này... tôi cho rằng đó là thành công đáng ghi nhận nhất.
Ngô Trần vẻ chân thành:
- Chẳng giấu gì anh Từ Huy, từ khi tôi nghỉ hưu, không có điều kiện theo dõi hết tình hình sáng tác của anh em. Hôm dự lễ khánh thành tượng đài Chiến thắng về, tôi cảm phục và xúc động thật sự vì tài năng của anh. Hơn thế nữa, Đoan Thuận là người mà... tôi yêu với tất cả tâm hồn...
- Anh Ngô Trần đã... yêu Đoan Thuận? Vào thời gian nào? - Từ Huy không giấu ngạc nhiên mở to mắt hỏi.
- Từ khi ở trạm quân y, tôi là bác sĩ, Đoan Thuận
- Vậy anh Ngô Trần có biết sau trận địch ném bom vào trạm quân y Đoan Thuận đi về đâu?
- Đó là điều mà hôm nay tôi rất muốn hỏi anh.
Từ Huy thất vọng, giọng trầm hẳn xuống, buồn bã:
- Tôi nào có biết gì hơn, chỉ nghe những người thân của Đoan Thuận kể lại, tôi chỉ nắm bắt được mỗi khi
một ít.
- Xin lỗi, cho tôi tò mò một chút, là quan hệ giữa anh Từ Huy với gia đình Đoan Thuận?
- À... Đoan Thuận là bác bên vợ của tôi. Vợ tôi lớn lên ở miền Bắc. Sau giải phóng 1975 mới về Huế tìm gặp mẹ và các em, còn ba thì đã mất. Gặp được người bác ruột của mình còn sống đến tận ngày nay để mà thương nhớ mong chờ Đoan Thuận... Nơi chúng ta đang ngồi nói chuyện với nhau đây là vườn nhà một thời Đoan Thuận từng sống. Cho đến nay, chưa có một nguồn tin chính thức về sự mất còn của Đoan Thuận, nên bác ông không thờ cúng, không hương khói, và giữ nguyên trạng căn phòng của Đoan Thuận ngày ra đi.
Nét mặt Ngô Trần trũng buồn:
- Tôi được biết Đoan Thuận đã có con, nuôi con ở chiến khu một thời gian, rồi đem con về Huế gửi cho gia đình nuôi. Vậy đứa bé... con gái của Đoan Thuận ngày xưa?
Từ Huy mỉm cười, mắt lấp lánh, vừa rót thêm nước vào tách trà cho Ngô Trần nói:
- Chắc chắn anh không lạ gì về người mà tôi sắp nói tới, chỉ có điều anh chưa biết đó là con gái của Đoan Thuận - mà về vai vế tôi phải gọi bằng chị, đó là Anh Thi.
- Tiến sĩ Anh Thi, Chủ nhiệm Khoa Báo chí - người đẹp của Huế?
- Vâng, và kia là tượng Anh Thi mà một học trò của tôi vừa làm xong.
Theo hướng tay trỏ của Từ Huy, Ngô Trần chợt vỡ lẽ. Thì ra đấy không phải là chân dung của Đoan Thuận như Ngô Trần suýt nhầm lẫn lúc bưng tách trà uống vừa nhìn xuyên qua những tán cây.
- Anh Thi có xây dựng gia đình không? - Ngô Trần hỏi với tất cả sự quan tâm.
Từ Huy nói:
- Cuộc đời Anh Thi bình dị và khá suôn sẻ, chứ không vất vả, rắc rối như mẹ. Chồng của Anh Thi là một nhà báo danh tiếng. Họ có một con trai, một con gái. Thời gian gần đây Anh Thi thường cùng chồng viết chung bài báo. Thỉnh thoảng Anh Thi còn viết một vài truyện ngắn...
đọc được.
Những thông tin vắn tắt của Từ Huy cho Ngô Trần được hiểu thêm những gì liên quan đến Đoan Thuận. Chỉ có điều trước đây ông rất muốn được đối mặt, được nhìn thấy rõ, được đối thoại - kẻ tình địch không đội trời chung - cha của đứa bé! Người mà Đoan Thuận yêu bằng tất cả những gì quý báu nhất trên đời cộng lại, bằng tất cả tâm lực, trí lực, bằng mạng sống của chính mình... Người đó giờ đây đang ở trong ngôi nhà kia, cách chỗ Ngô Trần khoảng vài chục bước chân, nhưng Ngô Trần hoàn toàn không muốn gặp, không cần thiết nữa. Bởi vì Hoàng thân Bửu Toàn không xa lạ gì trong đội ngũ trí thức Huế, bản thân Ngô Trần đã nhiều lần được gặp gỡ, được nhìn thấy, và lần gần đây nhất là đêm hôm khánh thành tượng đài Chiến thắng. Cũng chính giây phút bất ngờ được nhìn thấy Đoan Thuận xinh tươi, rực rỡ, sống động trên tượng đài Chiến thắng, bỗng Ngô Trần chợt nhớ một lần, cái nhan sắc rạng ngời ấy rung lên khi nói lời cự tuyệt dứt khoát với Ngô Trần:
- Kể cả khi tái sinh làm người ở kiếp khác, tôi cũng không có khả năng để yêu một người đàn ông nào khác, - ngoài cha đẻ đứa con gái bé bỏng duy nhất của tôi!
Rời vườn tượng của Từ Huy, Ngô Trần ra về lòng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Nhưng Từ Huy thì lại bồn chồn day dứt đứng ngồi không yên. Anh quyết định đi tìm Anh Thi và Vĩnh Tuấn để thông báo ngay về việc Đoan Thuận chỉ bị thương nhẹ sau trận bom ấy.
Nghe xong Anh Thi ngồi lặng lẽ, mặc cho nước mắt tuôn trào. Vĩnh Tuấn nói:
- Sau giải phóng anh vừa từ Sài Gòn ra Huế tình cờ bắt gặp trò mèo mỡ giữa thằng cha Ngô Trần này với vợ chú Vĩnh Cơ, anh không kìm nén được nên chửi toáng lên, vừa nhắc cho thằng cha biết anh là người thương binh mà dạo nọ hắn muốn cưa đứt chân cho xong chuyện, hắn bất ngờ bị vạch mặt nên sau đó chân anh mới không bị cưa, còn gặp được dì Đoan Thuận và sống cho đến tận
ngày nay...
Anh Thi trách khéo:
- Hóa ra giữa thành phố này có một người biết được số phận mẹ em sau trận bom đó như thế nào...
Từ Huy nhăn nhở:
- Ông Ngô Trần chắc cũng không biết gì nhiều. Chính ông tìm đến gặp Từ Huy để hỏi tin tức của dì Đoan Thuận.
- Nhưng có thêm một người được gặp mẹ, biết về mẹ, dù rất ít, em cũng muốn tiếp cận. - Anh Thi nói.
Vĩnh Tuấn dịu giọng:
- Nếu muốn thì em có thể đi gặp Ngô Trần để hỏi thêm về mẹ.
Từ Huy tán đồng:
- Đúng thế, chỉ nên để một mình chị Anh Thi đi gặp Ngô Trần, anh Vĩnh Tuấn không nên xuất hiện.
Ba anh em bàn bạc mãi, cuối cùng Anh Thi đi gặp Ngô Trần.
Đúng như họa sĩ Từ Huy nhận định, Ngô Trần chẳng biết gì hơn. Ông nói:
- Bom dội trúng vào trạm quân y, Đoan Thuận bị thương không nặng, chủ yếu ở phần mềm, nhưng bị mất máu nhiều nên sức khỏe không hồi phục ngay được. Giữa lúc đó chúng tôi nhận được quyết định chuyển hết thương binh về tuyến sau, trong danh sách có cả Đoan Thuận. Năm 1954 khi hòa bình lập lại, tôi về Hà Nội cố ý đi tìm Đoan Thuận nhưng không gặp. Có người bảo từng gặp Đoan Thuận đi dạo chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm, có người gặp Đoan Thuận ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang... Có người còn cho cả địa chỉ trên phố Hàng Đào. Tôi tìm đến nhưng người ta trả lời không biết, vì nhà đã thay chủ. Tôi tìm đến chủ cũ hỏi thăm nhưng hình như người ta không muốn nói nhiều. Họ chỉ cho biết có một tiểu thư ở Huế ra Hà Nội chơi một thời gian rồi đi, họ không quan tâm.
Trời đất! Vậy là mẹ đi dạo phố phường Hà Nội dưới sự kiểm soát của chính phủ bảo hộ Pháp - trong cái lốt của một tiểu thư đến từ Kinh đô Huế? Rồi sau đó mẹ đi về đâu? Đây là câu hỏi gây thắc thỏm se thắt lòng đứa con luôn khắc khoải về mẹ, để cuối cùng Anh Thi quyết định đi tìm Tổ chức để có câu trả lời rõ ràng về mẹ. Nhưng chuyện ấy về sau, còn lúc này cô chưa muốn từ giã Ngô Trần ngay, cô muốn biết thêm về mẹ.
Ngô Trần cho biết: Đoan Thuận thoát ly gia đình tham gia cách mạng, tại chiến khu Hòa Mỹ, cô được bố trí làm hộ lý trong một trạm y tế dã chiến. Một thời gian sau cô mới biết mình mang bầu. Cô khai với Tổ chức rằng trước lúc thoát ly, cô và người yêu đã gần gũi nhau một lần. Rồi Đoan Thuận sinh con. Vừa nuôi con vừa làm việc trong điều kiện khó khăn vất vả của chiến khu. Sau khi đem con về Huế gửi cho gia đình nuôi, Đoan Thuận được bố trí ra Hà Tĩnh học lớp y tá. Chính Ngô Trần là một trong những thầy dạy lớp này. Ông cho biết Đoan Thuận là một học viên xuất sắc toàn diện tốt nghiệp hạng ưu. Trạm quân y xin Đoan Thuận ở lại làm việc. Ngô Trần thú nhận lần đầu tiên nhìn thấy Đoan Thuận ông như bị va phải một tiếng sét. Thất thần và chếnh choáng bởi cái phong thái hết sức đặc biệt, một sắc đẹp hiếm có. Tất cả những cái đó hòa quyện lại làm nên một sức hấp dẫn kỳ lạ ở Đoan Thuận...
Được biết thêm một thông tin nào dù rất nhỏ về mẹ, Anh Thi càng thấy cuộc đời mẹ quá bí ẩn. Rồi cô càng suy diễn nhiều về mẹ. Trí tưởng tượng của cô có lúc đi rất xa. Cô nghĩ: Hôm người đàn bà ăn mặc sang trọng dẫn bé gái mới hơn hai tuổi đi trên chiếc xe hơi đời mới, bóng lộn, đến phủ Vinh Quốc Phong với một lá thư của Đoan Thuận nhờ ngài Bửu Toàn nuôi giúp đứa con thơ cho mình, để mình yên tâm vào chiến dịch mới... Có thể lúc đó Đoan Thuận cũng có mặt. Đoan Thuận nấp ở đâu đó rất gần để quan sát quá trình bàn giao đứa bé. Rồi sau đó có thể Đoan Thuận đã bí mật về lại ngôi biệt thự trên đường Chương Đức, bởi Đoan Thuận vẫn còn giữ nguyên bộ chìa khóa. Đoan Thuận đã mở cửa bước vào lúc mọi người đi vắng hết, để một mình lặng lẽ tìm lại những kỷ niệm ngọt ngào và say đắm... Mẹ ơi, mẹ có thể chọn cách ra đi mãi mãi để không thể gặp lại ba, còn con - đứa con gái rất đỗi thương yêu của mẹ vì sao mẹ lại lìa xa mãi như thế này?!... Anh Thi cất lên tiếng kêu mẹ thống thiết và đặt một câu hỏi chưa bao giờ tìm được trả lời! Cuối cùng, cô đã quyết định đi Hà Nội tìm gặp Tổ chức để có câu trả lời về mẹ.
Mất bao công tìm kiếm, cuối cùng Anh Thi được biết những dòng lý lịch vắn tắt về mẹ: Hoàng Hoa Đoan Thuận - bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Một quyển nhật ký với vài đồ dùng cá nhân của Đoan Thuận do một học trò cũ - người trợ lý thân tín - vừa là đồng chí cất giữ mãi tận Năm Căn - Cà Mau, đến khi ra tù một thời gian mới đem gửi cho Tổ chức. Tổ chức đưa về Cục Lưu trữ.
Anh Thi không thể nào diễn tả được cảm giác của mình khi bất ngờ được người cán bộ Tổ chức trao cho quyển nhật ký của mẹ. Là một quyển sổ tay màu xám, giấy carô - chắc chắn một thời trắng mịn - giờ đây thời gian nhuộm một lớp màu vàng nhạt. Mẹ dùng nhiều loại mực khác nhau. Thời gian đầu là mực nước, về sau là loại bút bic, khi thì xanh sóng biển, khi thì xanh lá cây, có lúc màu đen rồi màu đỏ tươi. Màu mực đỏ tía đề NHẬT KÝ ĐOAN THUẬN trên trang bìa không phải nét chữ của mẹ và tươi mới hơn, so với các màu mực bên trong viết mỗi khi một ít, qua nhiều đoạn đời khác nhau. Thậm chí có hai trang nhật ký liền kề nhau nhưng thời gian cách nhau rất xa, chưa kể một số trang bị mất. Anh Thi nhận biết dễ dàng vì mạch văn bị đứt nửa chừng. Có phải vì đụng chạm một ai đó, hoặc một vấn đề tối kỵ nào đó, nên Tổ chức đã xé bỏ trước khi giao tập nhật ký vào tay Anh Thi? Hình như ngay từ buổi ban đầu - từ cuộc chia tay đau đớn với đứa con gái bé bỏng là mẹ đã bắt đầu viết nhật ký “để cho con”. Anh Thi thầm trách Tổ chức đã để món quà mẹ dành cho con trong ngăn lưu trữ quá lâu. Kể cả khi được con trình bày ý nguyện rồi, người ta cũng đắn đo cân nhắc mãi mới trao nhật ký cho con. Nhưng dẫu sao giờ đây con đang cầm nhật ký trên tay, muôn vàn cám ơn mẹ, cám ơn Cục Lưu trữ, cám ơn Tổ chức, cám ơn những người đồng chí đồng bào đã giữ gìn kỷ vật của mẹ trong thời binh lửa.
Có quãng thời gian dài hơn sáu năm mẹ không ghi lại một dòng một chữ. Phải chăng thời gian đó mẹ không được phép đối diện với lý lịch của mình? Không thư từ liên hệ với ai? Thời gian đó mẹ sống cuộc đời của người khác? Ở những chỗ khác, câu nhật ký được lặp lại nhiều lần là: Tình yêu nào khi cách xa mà không đau đớn? Làm sao mẹ sống qua được hở Anh Thi ơi? Phải chăng ngoài tình yêu đối với ba Bửu Toàn, ở đây còn có tình mẹ con. Chính mẹ đã chọn sự chia ly ấy để rồi chính mẹ phải đau đớn. Cuộc đời người đàn bà hai lần đứt ruột vì chia ly. Lần thứ nhất phải xa người đàn ông mà mình yêu quý hơn cả mạng sống của chính mình. Lần thứ hai phải chia ly với con nhỏ mới chập chững biết đi, biết gọi những âm tiết đầu tiên “Ba”, “Ma”... hẳn là mẹ phải cố gắng nhiều mới thắng vượt được, mới sống qua được.
Từng lời, từng chữ, từng sự kiện... Khi mạch lạc khúc chiết, lúc vắn tắt gãy gọn, nhưng con gái mẹ đã có thể hình dung công việc, bối cảnh chính trị xã hội vào từng thời điểm, cả những nỗi niềm không nói hết nhưng con gái đã cảm nhận được một cách sâu sắc. Đặc biệt những tên đất tên người được nhắc trong nhật ký nhiều lúc tưởng như không ăn nhập gì với nhau, cả những sự kiện tưởng chẳng liên quan gì với nhau... Nhưng tất cả giờ đây đã trở thành thiêng liêng, trở nên báu vật, trở thành liên quan đối với con mẹ ạ! Anh Thi thủ thỉ trò chuyện với mẹ trong yên lặng.
Ngày... tháng... năm 1948
Từ chiến khu về. Đường đêm trăng mờ. Sương dày đặc. Bọc con trong chăn mỏng địu lên vai. Dọc đường các đồng chí đòi cõng con giúp mình một đoạn, nhưng mình không muốn, mình tranh thủ cận kề con được phút nào hay phút ấy, vì mình sắp phải xa con. Ba lô đồ dùng của con và của mình nhờ các đồng chí mang giúp. Mình sợ nhất là bị ngã đau con nên từng bước chân đi mình hết sức thận trọng, vì thế mà tốc độ chậm. Các đồng chí đi một lúc lại đứng chờ. Thông cảm với tâm trạng người mẹ sắp phải xa con nên không ai tỏ ra khó chịu về sự chậm chạp của mình, lại còn sốt sắng động viên, vỗ về, an ủi... cuối cùng cũng đến được trạm.
Có thể nói qua địa phương nào cũng được Ủy ban Hành chính kháng chiến đón tiếp bố trí chỗ ăn ở cho hai mẹ con chu đáo. Điều hết sức bất ngờ thú vị là khi đến thôn Niêm, làng Ưu Điềm, xã Phong Dinh, huyện Phong Điền liền được một thanh niên chừng hai mươi tuổi và một thiếu nữ chừng mười lăm tuổi đón lấy hai mẹ con, rồi dẫn tới một tòa nhà xây dựng theo kiểu Tây, sang trọng và xinh đẹp. Chàng trai tên là Dương Triếp cho biết chủ nhà là một quan chức về hưu non ở tuổi ngoài ba mươi (sao mà giống Bửu Toàn đến thế!). Dương Triếp là con nuôi của quan chức này, ông là Hồng Lô Tự Khanh, ở quê thường gọi là ông Hường (thay vì gọi là ông Hồng). Cô gái là Nguyễn Khoa Thị Thiêm vừa được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc, còn Dương Triếp là đảng viên trẻ vừa kết thúc thời kỳ dự bị. Cả hai xem ra là hạt nhân tích cực năng nổ của phong trào. Điều bất ngờ nữa là ông Hồng Lô Tự Khanh này nhận ra mình ngay từ phút đầu, nhưng ông giữ ý, không nói. Đến lúc sắp tạm biệt gia đình ông để theo đò vào Huế, ông mới nói:
- Tôi nhận ra bà, vì tuy đi tham gia kháng chiến gian khổ nhiều, nhưng bà vẫn xinh đẹp như ngày trước. Khi ngài Bửu Toàn giữ chức Chánh văn phòng Tòa Khâm sứ Trung kỳ thì tôi là Phó của ngài. Khi ngài chuyển vào Hội An, tôi thay thế vị trí của ngài. Một thời gian sau chúng tôi nghe tin ngài bỏ việc, rồi ngài về Huế. Lúc này tôi cũng đau yếu luôn nên xin về hưu non và chuẩn bị đưa cả nhà về nghỉ ngơi trên quê cha đất tổ, không có dịp đến thăm ngài Bửu Toàn. Về sau chúng tôi nghe tin ngài đã đau khổ buồn phiền nhiều khi bà bỏ đi... Dịp này, chúng tôi hân hạnh được đón bà và cháu bé tại tệ xá của mình, có gì sơ suất xin bà bỏ qua cho...
Ôi chao thật là những con người tốt bụng và trang nhã. Hai ngày qua mẹ con mình được tiếp đãi, cưng chiều, như thể con gái đi lấy chồng xa lâu ngày nay bồng con về thăm cha mẹ. Ông bà Hường và người nhà đã chăm sóc cưng chiều hai mẹ con như trứng mỏng.
Cũng hai ngày qua Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm tích cực đi lo phương tiện cho hai mẹ con vào Huế. Được biết ông Hường về hưu nhưng hàng tháng vẫn mang theo tùy tùng đi Huế lãnh lương hưu lúc về mua những vật dụng cần thiết đủ dùng trong tháng. Vì thế, tuy ở vùng quê hẻo lánh nhưng trong nhà ông Hường không thiếu một vật dụng sinh hoạt nào của đô thị. Chỉ thiếu điện. Buổi tối thắp măng sông, thắp đèn dầu hỏa và nến. Một vườn cây trái và những bồn hoa, cây cảnh làm mình nhớ ngôi nhà trên đường Chương Đức. Mình được giới thiệu với mọi người là bà con từ trong Huế ra thăm ông Hường. Trước mặt nhà ông Hường là một con hói nước sâu, nghe nói đầy rong rêu và cá phát lát, cá tràu... Bên kia con hói là một trảng cát mênh mông. Mỗi ngôi nhà đều có bến lên xuống hói để lấy nước dùng cho mọi sinh hoạt và tưới cây trong vườn. Đường xuống bến nhà ông Hường có cây mưng to cao, cành lá um tùm xanh mướt. Buổi trưa tiếng chim bồ chao trên vòm mưng hòa với tiếng chúc miều, cà cưỡng, chim khách, chim sâu... trong vườn cây nhà ông Hường - làm huyên náo cả một vùng, hệt như trên chiến khu.
Buổi chiều người chủ đò chèo đò từ trong Huế ra, ông tên là Chua, chở theo một cô con gái nhỏ chừng năm tuổi tên là bé Khế. Ông bà Hường giục người nhà hái những quả thanh trà hườm chín và những trái cam trái quýt mọng nước đưa xuống đò cho hai mẹ con. Đò đi một ngày đêm thì đến Bao Vinh. Dương Triếp và Thiêm đưa hai mẹ con vào ở một ngôi nhà trên phố Bao Vinh. Chủ nhà là bác Đãnh, có cô con gái trạc tuổi Thiêm tên là Kỳ Nam. Nửa ngày sau có người thiếu phụ ăn mặc sang trọng đi chiếc xe hơi cũng sang trọng sịch đỗ trước hiên nhà.
- Có xe đến đón rồi!
Dương Triếp thông báo và nhanh tay gói gém đồ dùng của bé giúp mình.
Mình khóc suốt trên chặng đường về không có con. Lại ở nhà ông bà Hường. Bà Hường biết mình đau đớn vì xa con nên lựa lời an ủi:
- Mẹ đi ra trận mạc không thể mang theo con được. Con phải được ở chỗ bình yên để còn phải học hành, lớn lên con sẽ hiểu mẹ và thương mẹ. Cầu xin trời phật cho cô được tai qua nạn khỏi, kháng chiến mau thành công để cô về gặp lại con.
Nhật ký mẹ nói hai lần ghé lại thôn Niêm làng Ưu Điềm. Cả hai lần đều ở nhà ông bà Hường, lần thứ hai không qua đêm mà chỉ ở buổi trưa đợi tối có giao liên đến đưa đi. Tuy thời gian ở ngắn ngủi, nhưng nhìn lại gian phòng mà hai mẹ con từng qua đêm, hành lang, góc sân... nơi con từng đứng chơi, lòng mẹ nhớ con day dứt. Ông bà Hường thấu hiểu nỗi lòng người mẹ phải xa con nên đã lựa lời an ủi. Nhật ký mẹ viết: “... Bà Hường tự tay nấu canh bông lý, nấu chè hột sen, ông Hường hái những trái chín đầu mùa trong vườn đưa cho, giục người nhà làm mấy thứ bánh ngọt để mình mang theo lên chiến khu. Ông Hường nói:
- Phải xa con nhỏ thì đau lòng lắm, nhưng muốn làm cách mạng thì phải hy sinh chứ!
Bà Hường nói:
- Gửi con về bên nội nuôi là quá yên lòng rồi. Chịu khó đợi kháng chiến thành công rồi về gặp con cô ạ.
Còn Dương Triếp với Nguyễn Khoa Thị Thiêm một lần nữa hết lòng chăm sóc mình...”
Gấp nhật ký của mẹ lại, Anh Thi muốn đi ngay về thôn Niêm làng Ưu Điềm. Rồi cô đã thực hiện - hôm sau vào buổi sáng sớm tự lái xe Honda chạy trên Quốc lộ I. Bốn năm trước trong một lần đưa sinh viên đi dã ngoại, Anh Thi đã về xã này, nhưng sau khi làm việc với lãnh đạo xã rồi đưa sinh viên đi tham quan làng Cổ Phước Tích ở đầu xã xong, liền trở lại Huế chứ không hề đến thôn Niêm làng Ưu Điềm. Lần này trở lại, đi sâu vào các thôn làng trong xã, Anh Thi không gặp khó khăn gì khi hỏi thăm nhà ông bà Hường với Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm. Nhưng người xưa nay đã không còn, chỉ còn lại đất xưa và người mới.
Đó là một trong năm thôn của làng Ưu Điềm. Tên xưa gọi là thôn Năm, nhưng vì húy kỵ một vị chức sắc trong làng nên bà con gọi chệch thành thôn Niêm, rồi trở thành tên gọi chính thức tự bao giờ không ai hay. Trong tất cả các văn bản hành chánh của thời cuối triều Nguyễn, thời Ủy ban Hành chánh kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ đệ nhất, đệ nhị cộng hòa, rồi thời giải phóng thống nhất đất nước nó đều có tên là thôn Niêm. Dòng sông Ô Lâu xanh thẳm hiền hòa chảy giữa hai triền đất Thừa Thiên - Quảng Trị, tưới mát cánh đồng đôi bờ phía sau lưng thôn Niêm. Tất cả các ngôi nhà thôn Niêm hướng mặt về phía Nam, nhìn qua một trảng cát trắng mênh mông bạt ngàn. Giữa cát và khu dân cư là một con hói - một loại sông nhỏ tự nhiên và được thường xuyên nạo vét nên nước trong, phù sa màu đen thẩm. Cá ở đây thường có vảy đen hơn, bóng hơn cá ở những con sông con hói khác. Trên trảng cát mênh mông trồng rừng thưa. Đất làm nhà ở thôn Niêm có chỗ màu gan gà, có chỗ đất cát pha, có chỗ toàn đất sét. Cả đất ruộng và đất vườn hằng năm được bồi đắp phù sa của sông Ô Lâu và con hói này mà nên tốt. Lúa mẩy hạt, rau xanh, cá ngon và béo ngậy. Người dân thôn Niêm cày cuốc trồng trỉa trên đất thịt, nếu muốn thì lên trảng cát, lựa những chỗ có mạch nước đi qua mà canh tác trồng trỉa thêm. Sức bao nhiêu làm bấy nhiêu không hạn chế. Thường người ta trồng trên đất cát dưa hấu, thuốc lá, sắn, khoai, môn, thơm, dưa hường và cây mè... Ngôi nhà ông Hường được mẹ miêu tả trong nhật ký giờ chỉ còn lại hai cột trụ cổng. Cái lối vào có hai hàng chè the được xén tỉa công phu giờ đây trơ trụi. Ngôi nhà xây kiểu Tây làm mẹ nhớ ngôi nhà trên đường Chương Đức giờ chỉ còn cái nền, mà phía trên nó người ta làm một cái nhà nhỏ hơn nhiều, ba gian, vách không tô trát, cửa nẻo tuềnh toàng, các cửa sổ trống hoang. Kể cả khi cửa chính không đóng, những đứa trẻ con vẫn có thể ra vào bằng các cửa sổ trống này. Ông bà Hường đã qua đời từ lâu. Các con họ đi làm việc ở thành phố, nhà đất ở quê bỏ cho những người bà con họ hàng ai cần thì sử dụng. Ông bà Hường không sống đến ngày nay, đã đành. Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm cũng không còn, thậm chí Dương Triếp còn chết trước ông bà Hường một thời gian dài. Hỏi về Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm, được biết họ trở thành vợ chồng cuối những năm 1950. Người đang làm nhà ở cùng vợ con trên nền móng nhà cũ của ông bà Hường là Nguyễn Khoa Nguyện, cháu gọi Nguyễn Khoa Thị Thiêm bằng cô ruột. Nguyễn Khoa Nguyện nói:
- Khi đứa con út của o Thiêm không may bị chết ở tuổi mười tám, o phát điên phát khùng. Nó tên là Ghi - đứa con thương yêu nhất của o. Hai đứa lớn là Thịnh và Tuấn đi làm ăn xa tận Đắk Lắk về đưa mẹ lên trên đó ở cùng, mấy năm sau o Thiêm mất. Còn dượng Triếp mất tại đây khi o Thiêm có mang cu Ghi gần đến ngày sinh. Lúc đó cháu còn nhỏ lắm, chưa biết chi, về sau nghe nói lại.
Anh Thi trở về Huế, may mắn tìm gặp được những người con của ông bà Hường đang là cán bộ của ngành giáo dục, ngành văn hóa thông tin. Đặc biệt có một người con gái chỉ lớn hơn Anh Thi đúng một tuổi, là cán bộ nòng cốt, hạt nhân trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh một thuở mà Anh Thi rất ngưỡng mộ. Là chỗ quen biết mấy chục năm nay, nhưng Anh Thi đâu có ngờ rằng lúc lên hai tuổi mình đã được “gặp” con người danh tiếng này ngay tại ngôi nhà của bà ở một miền quê cách Huế hơn bốn mươi cây số về phía Bắc - đó là Nguyễn Khoa Uyển Diễm mà tên thường gọi trong hoạt động cách mạng là Hoàng Phương Liên. Chuyện gần đây nhất là có một cán bộ lão thành cách mạng về hưu từ lâu sống yên ổn, mạnh khỏe, bỗng một hôm ngã bệnh, không ăn không ngủ được, chốc chốc lại nói năng mê sảng gọi tên Hoàng Phương Liên và xin được tha thứ. Người nghe rõ nhất những lời mê sảng này là bà vợ đáng kính của ông. Người hoảng hốt lo lắng nhất cũng chính là bà vợ, bởi theo bà được biết xưa nay ông là một người chồng người cha mẫu mực, không hề có vấn đề gì về đàn bà con gái. Bà cố lục lại trí nhớ, hình như trong những câu chuyện về đời hoạt động cách mạng của ông có nhắc đến tên một người na ná như thế. Biết bao chuyện ông kể với vào vàn tên đất tên người làm sao bà nhớ hết được? Khi bác sĩ đến thăm bệnh, bà dặn con cháu trong nhà đừng nói gì về cái câu mê sảng gọi Hoàng Phương Liên, vì sợ người ta suy diễn, đồn đại bất lợi. Nhưng khi Bí thư Tỉnh ủy đến thăm, bà vợ đã không ngần ngại thuật hết mọi chuyện, vừa lo lắng hỏi Bí thư có biết gì về Hoàng Phương Liên?
Đúng lúc đó người bệnh lại cất lên lời mê sảng gọi Hoàng Phương Liên xin hãy tha thứ! Còn nói: “Đây là một căn bệnh nguy hiểm gây hậu quả lớn”. Bí thư Tỉnh ủy suy nghĩ một lát, rồi chợt giật mình nhớ lại tất cả. Vì chính ông và những người đã một thời ca ngợi Hoàng Phương Liên không tiếc lời về những cống hiến của cô, về phẩm hạnh cao quý của cô, nhưng về sau nhân một đợt chấn chỉnh bộ máy hành chánh, sắp xếp nhân sự, cơ cấu cấp ủy, vì nghe lời gièm pha nịnh hót mà các ông đã loại bỏ Hoàng Phương Liên không một chút nương tay, để rộng chỗ cho kẻ bất tài leo dần lên ghế quyền lực...
Điều này các ông rất muốn giấu, nhưng từ sau khi vị cán bộ lão thành cách mạng ấy khỏi bệnh, mọi việc dần dần sáng tỏ ra, vì chính ông ta đã thành khẩn tự kiểm điểm mình trước Tổ chức, trước quần chúng. Nhưng mọi việc đã quá muộn rồi, chỉ còn là một bài học kinh nghiệm thuần túy cho những ai thật sự coi căn bệnh quan liêu, cửa quyền, bè phái là một căn bệnh nguy hiểm gây tổn thất lớn cho quốc gia, cho dân tộc... Anh Thi tìm gặp Hoàng Phương Liên phải đi vào một con hẻm ngoằn nghèo lởm chởm đá dăm ở khu Lịch Đợi. Nguyễn Khoa Uyển Diễm tức Hoàng Phương Liên không giấu xúc động khi nghe Anh Thi nói về lai lịch của mình, về nhật ký của người mẹ muôn vàn kính yêu mà Anh Thi chưa một lần được gặp mặt kể từ cuộc chia ly năm lên hai tuổi, người mẹ đã một lần ẳm Anh Thi đến nghỉ lại nhà Hoàng Phương Liên. Khi nghe nói nhật ký của Đoan Thuận nhắc nhiều đến cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình mình thuở ấy, với hai người trẻ tuổi là hạt nhân tích cực của phong trào cách mạng địa phương là Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm..., Hoàng Phương Liên không cầm được nước mắt. Đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Hoàng Phương Liên nói:
- Năm 1956 tôi mười một tuổi, trong chiến dịch tố cộng của nền đệ nhất cộng hòa, một hôm tôi theo người lớn đến chỗ họp thôn do chính quyền sở tại tổ chức vào buổi tối. Địa điểm họp thôn thường thay đổi. Khi thì mượn sân nhà này, khi thì mượn sân nhà khác, khi thì sân trường mẫu giáo. Hôm đó họp thôn trong sân nhà bác Cháu. Trăng sáng vằng vặc. Cổng nhà bác Cháu có hai cây chim chim đứng song song làm trụ cổng và cao to như hai cây dừa. Lá chim chim như lá sắn. Sờ vào thớ lá thì cảm thấy rin rít như lá thuốc hút. Ban ngày lũ trẻ chúng tôi thường nhặt lá chim chim già khô rụng giả vờ làm thuốc lá, rồi đem chơi bán buôn đồ hàng. Nơi bóng tre viền sân nhà bác Cháu có một đụn rơm. Chúng tôi thường bày “hàng” bán mua ở chân đụn rơm đó. Nhìn từ trong nhà bác Cháu thì đụn rơm phía bên trái. Phía bên phải là một luống mía Tây thân cao to. Buổi sáng mặt trời thường rọi thẳng vào khóm mía. Phía đụn rơm có vòm tre che nên râm mát suốt cả ngày. Buổi tối mọi người ngồi họp trong sân, chỗ chơi của chúng tôi ban ngày bây giờ bị chiếm làm chỗ ngồi cho rất nhiều người, trong đó có chị tôi thay mặt gia đình đi họp. Ở giữa sân có chiếc bàn thấp, bên trên để ngọn đèn dầu hỏa to, tỏa sáng rộng. Người cán bộ quận về dự họp ngồi giữa, hai cán bộ xã thôn ngồi hai bên. Trên bàn có mấy loại giấy tờ, bút mực... Họ nói gì với nhau rồi nói với dân nhiều lắm, lâu lắm. Lưng tựa vào đống rơm tôi đã bắt đầu buồn ngủ, lúc này chỉ muốn xoải chân tay, nhắm mắt ngủ. Nhưng rồi tôi lại cố mở to mắt, đưa tay dụi mắt, cố chống lại cơn buồn ngủ, cố đợi buổi họp kết thúc để ra về cùng với chị. Rồi cuộc họp kết thúc khi người cán bộ quận đứng lên nói:
- Buổi họp đến đây là xong, mời bà con về nghỉ, riêng mời anh Nguyễn Khoa Xước ở lại...
Mọi người chuẩn bị ra về. Có tiếng réo gọi Nguyễn Khoa Xước. Lại có tiếng nói:
- Vừa lúc nãy thấy anh Xước ở đây, anh ngồi chỗ luống mía kia...
Năm 1967, đang dự lớp tập huấn để chuẩn bị cho tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 tôi bị sốt rét nằm cấp cứu ở bệnh xá Trường Sơn. Anh Nguyễn Khoa Xước tìm tới thăm với một con gà vừa mua được ở bản làng đồng bào dân tộc Pa Kô. Anh cho biết đêm hôm đó sau khi nghe gọi tên bắt ở lại, anh biết là nguy hiểm đến nơi rồi! Chiến dịch tố cộng đã điểm danh người đảng viên đầu tiên ở thôn Niêm. Anh nhanh chân lách qua hàng rào mía nhà bác Cháu, lẩn vào bóng đêm, chạy thục mạng, vượt qua con hói, thoát thân qua trảng cát... Anh tự đào hầm để ở, đi mót khoai sống để nhai, uống nước khe, ăn con chim, con chuột... để sống qua ngày, rồi dò dẫm tìm đường đi về phía núi xanh, lên dãy Trường Sơn. Đi hàng tháng trời thì anh gặp được đồng bào dân tộc Pa Kô. Họ tìm thấy anh đói lả người bên suối. Họ cứu sống anh, đùm bọc anh. Anh sống với họ. Anh đóng khố, đi săn thú rừng, làm rẫy, học nói tiếng Pa Kô, Cà Tu, Tà Ôi... Mãi mấy năm sau anh mới gặp được Tổ chức. Anh vẫn ở lại bản làng làm cán bộ của bản. Gần đây anh may mắn gặp được người phụ nữ Kinh quê ở Phong Bình, gia đình bị địch giết hết, chị gặp anh và thương anh...
Mười sáu tuổi tôi học ở Huế. Nghỉ hè và nghỉ lễ tôi về thăm gia đình. Đêm nào thôn xã làng xóm cũng inh ỏi tiếng chó sủa, tiếng mõ, tiếng súng... Khi thì nghĩa quân của chính quyền Sài Gòn đi tìm bắt Việt cộng. Khi thì những cán bộ cộng sản - thường gọi là cán bộ giải phóng từ trên núi về phát động đồng bào phá ấp chiến lược, diệt ác ôn, vận động nghĩa quân, bảo an, dân vệ... (các sắc lính địa phương của chính quyền Sài Gòn) rã ngũ, ôm súng trở về với nhân dân. Những người bà con anh em trong thôn xóm bỗng chốc phân thành hai tuyến địch - ta. Có khi trong cùng một gia đình cũng phân thành hai tuyến như thế. Ai tránh con đường đăng lính cộng hòa, tránh đi quân dịch vì phải lo phụng dưỡng cha mẹ già, hoặc con thơ vợ yếu thì ở lại địa phương, cầm súng canh gác xóm làng, trở thành các sắc lính nói trên. Bên cạnh đó có tổ trưởng, liên gia, thôn trưởng, Xã trưởng... điều hành bộ máy hành chánh cơ sở. Khi cán bộ giải phóng về phát động phong trào diệt ác ôn thì nhằm vào các chức danh vừa kể. Hễ ai có thái độ hống hách với dân thì gọi là ác ôn đầu sỏ. Các cấp cơ sở đều có ác ôn. Mọi người dân đều có bổn phận tham gia phong trào tìm diệt ác ôn, trừ Việt gian, vận động binh lính ngụy mang súng trở về. Sau khi vận động mà họ không chịu quy hàng cũng sẽ bị quy là ác ôn, và sẽ bị “nhân dân” xử. Tôi được Tổ chức thử thách rồi đưa vào hoạt động cách mạng từ đó. Tôi gây dựng cơ sở trong bạn bè và người quen ở Huế. Cơ sở ngày càng phát triển. Tôi được cán bộ trên nhiều lần khen ngợi. Tôi thường kiếm cớ về quê thăm gia đình, thực chất là để nhận chỉ thị và mang tài liệu vào thành phố. Gia đình tôi không ai biết việc tôi làm. Tôi thường mang bộ mặt ngây thơ khờ dại vào tư bên những người thân. Tôi luôn học giỏi, nên những người thân luôn tin tưởng và tự hào về điều đó. Một buổi tối nọ tôi háo hức đi theo chị gái đến dự phiên họp thôn tại trường mẫu giáo do cán bộ giải phóng trên núi về chủ trì (địa điểm họp này cách sân nhà bác Cháu chừng ba chục mét). Lúc họp xong, một cán bộ nói:
- Bà con ra về. Mời anh Dương Triếp ở lại.
Tôi đi về với chị, kể lại nội dung cuộc họp cho cha mẹ nghe. Nghe xong cả cha mẹ và chị tôi cùng nhận định: Anh Dương Triếp là đảng viên đảng Cộng sản. Dịp này cán bộ trên về đương nhiên phải cần đến anh Dương Triếp. Anh Dương Triếp lại trở nên quan trọng đối với phong trào địa phương như ngày nào...
Buổi sáng tôi đi với người chị đến nhà anh Dương Triếp. Từ ngoài sân thấy chị Thiêm bụng to kềnh càng, đứng chống lưng uể oải, mắt đỏ hoe nói:
- Họ dắt anh về nhà rồi họ xuống nhà bếp, lục phía trên nóc chuồng heo có sợi dây mây đưa ra trói anh Triếp rồi dẫn đi...
Một số bà con trong thôn cũng vừa tới, nghe chị Thiêm nói mà kinh hoàng, run sợ. Một vị cao niên đằng hắng rồi cất giọng trầm, từ tốn:
- Vùng ta hiện nay ngày Quốc gia đêm Việt cộng. Họ đưa anh Triếp đi hoạt động, có khi phải giả vờ làm như rứa để che mắt phía Quốc gia...
Chị Thiêm lắc đầu mếu máo:
- Chắc không được như rứa mô ông ơi! Con cũng là đảng viên. Họ có muốn giả vờ giả vịt chi thì cũng phải nói riêng một tiếng cho vợ con biết để yên lòng chứ?!
Bằng trực giác và sự nhạy cảm của người vợ, chị Thiêm linh cảm chồng mình đang gặp sự chẳng lành. Trời nắng chang chang, bụng chửa vượt mặt, chị thay chồng một mình chèo thuyền ngược con hói đi vào trằm, đem theo đôi gàu gánh nước. Tìm chỗ neo thuyền xong múc nước lưng gàu, gánh lên tưới cho rẫy thuốc lá. Tưới xong thì mặt trời lên cao, chị chưa về ngay mà đi lang thang khắp rừng rú - trên trảng cát mênh mông trồng cây trâm bầu, cây tran, cây dẻ... Suốt ba ngày qua ngày nào chị cũng đi như thế. Khi mặt trời đứng bóng, nắng xối nóng rực đỉnh đầu và cát làm bỏng rát lòng bàn chân, chị mới lần mò xuống bến, chèo thuyền về nhà, bên ba đứa con thơ đang mong chờ mạ. Bé Cẩm là chị cả, mười một tuổi, nấu cơm chín rồi xới cho Thịnh và Tuấn ăn trước, còn Cẩm thì chờ mạ. Cả ba đứa đều ngóng xuống bến chờ thuyền mẹ, mắt rưng rưng. Chị Thiêm về vừa lau mồ hôi, vừa ôm các con khóc. Rồi một hôm chị Thiêm chèo thuyền về không chỉ một mình như mọi hôm, mà trên thuyền còn có anh Dương Triếp! Bà con chạy tới rất đông, chị nức nở nghẹn ngào kể:
- Người ta giết anh xong rồi lấp xác lòi một chân ra ngoài...
Mọi người nâng xác anh Dương Triếp đưa vào nhà tắm rửa, thay áo xống cho anh. Đã hơn bốn ngày qua nên xác anh trương phình. Thịt bắt đầu thối rữa ở chỗ những vết dao đâm nơi ngực, nơi lưng... Bà con dùng rượu trắng tưới khắp người anh. Chị Thiêm với bé Cẩm cu Thịnh cu Tuấn khóc vật vã, khóc lăn lóc. Các bà các chị người têm trầu, người nấu nước, người nấu cơm luộc trứng để cúng cho anh Dương Triếp. Nhiều người bỏ hết cả việc đồng ruộng chỉ đến để an ủi chị Thiêm, lau mặt mũi cho cu Thịnh cu Tuấn...
Mấy ông chú ông bác và các anh thanh niên vừa khâm liệm cho anh Dương Triếp xong ngồi nghỉ bên bàn, bưng nước uống nói:
- Đang đêm tối họ giết rồi vùi xác vội vàng, không kín, may mà chuột bọ không gặm cẳng chân...
Nguyễn Khoa Thế nói:
- Không phải vì vội mà vùi lấp không kín. Người ta cố làm như rứa để... người đi tìm dễ nhìn thấy.
Mọi người im lặng gật gù, thấy lời của Nguyễn Khoa Thế có lý.
Nhiều người rỉ tai nhau, hỏi nhau một câu cố ý không để chị Thiêm nghe:
- Không biết bằng cách chi mà một mình o Thiêm bụng mang dạ chửa như rứa lại đưa được xác chồng mình trên trảng cát xuống trằm, lên ghe, mà chở về?
- Chắc là lôi kéo, ôm, bồng, vác đủ kiểu hết! Thương quá rồi tự dưng có đủ sức mạnh...
- Trời đất! Tui thật không hiểu nổi o Thiêm! Chừ người chết thì chết rồi, một tay o ba đứa con dại, đứa trong bụng nữa là bốn! Ôi chao!...
Tôi phải trở lại Huế để kịp học nên không dự hết lễ tang anh Dương Triếp. Chừng hai tuần sau có hẹn nên tôi lại về quê. Buổi chiều có anh cán bộ giải phóng tới. Anh này chính là người chủ trì cuộc họp dân tối hôm bắt anh Dương Triếp. Cha mẹ tôi mời anh ngồi uống nước nói chuyện rồi hỏi:
- Vì sao các anh bắt giết Dương Triếp? Nó có tội
tình chi?
- Ông bà không biết đó thôi. - Người cán bộ trả lời: - Nó rất bướng! Nó là tên chỉ điểm. Việc cậu Tín cô Lan ở ngoài Bắc gửi thư về thăm ông bà mà bọn địch ở đây biết được là do thằng Triếp...
Cha mẹ tôi im lặng.
Khi người cán bộ ấy đi rồi tôi không nén được bức xúc, đứng giữa nhà nói như hét:
- Nếu quả thật anh Triếp có như vậy thì con cũng không đồng ý xử anh Triếp theo kiểu đó! Mà chắc chi đã đúng như vậy? Đã cho điều tra truy xét đến cùng chưa? Cả anh Triếp và chị Thiêm đều là đảng viên, dễ dàng chi mà để đối phương mua chuộc hay khống chế! Mạng sống của một con người là to lắm chứ, quan trọng lắm chứ! Vì sao? Vì sao?...
Cha tôi trừng mắt. Mẹ tôi hét lên. Chị tôi chạy tới lấy tay bưng bịt miệng tôi lại.
Mẹ tôi nói:
- Con có muốn sống nữa hay không?
Cha tôi nói:
- Đi! Đi vào Huế lo mà học hành! Đừng có ít bữa lại chạy về nói... tầm bậy... tầm bạ...
Chị tôi nói tiếp lời cha tôi:
- Cứ nhìn thấy gương anh Dương Triếp thì biết!...
Đúng! Cứ nhìn gương anh Dương Triếp mà suy ra mọi điều. Gia đình tôi bị chính phủ Quốc qia xếp vào loại “thân cộng”, vậy nên đương nhiên - như những gia đình “thân cộng” khác, gia đình tôi là nơi để các cán bộ giải phóng đi về, ăn ở, lui tới... Nhưng gia đình tôi hiện không có ai là đảng viên (các anh chị đi học ở miền Bắc đã vào Đảng hay chưa, tôi chưa được biết) và như vậy, gia đình tôi không phải trăm phần trăm cộng sản như gia đình anh chị Thiêm Triếp. Anh Dương Triếp mà... như vậy, thì những người như chúng tôi có là cái gì?! Vậy nên cha mẹ tôi, chị tôi lo lắng là đúng.
Tôi không trở vào Huế ngay như lệnh của cha tôi, mà ở lại đêm đợi anh cán bộ Tổ chức về gặp như hẹn. Đêm chúng tôi đến điểm hẹn gặp nhau trong vườn nhà bác Thị. Khi nhận nhiệm vụ xong, tôi hỏi anh về việc Dương Triếp. Anh cán bộ Tổ chức nói:
- Việc đó do cấp huyện giải quyết. Anh chưa nghe báo cáo. Anh là cán bộ chuyên ngành của Bộ tăng cường cho khu Trị Thiên Huế. Anh thấy tốt nhất là em chỉ nên biết công việc em làm mà thôi. Cố gắng hoàn thành thật tốt. Đừng chủ quan, đừng sơ hở! Cho anh gửi lời thăm các cơ sở của em.
Tôi trở về Huế mà lòng càng trĩu nặng hơn về việc anh Dương Triếp. Còn nhớ hôm ấy người cán bộ giải phóng nói với cha mẹ tôi:
- Ông bà còn nhớ không, ngày hôm đó Dương Triếp tới nhà ông bà, con cũng tới để kìm chân hắn, đợi đến tối mới hành động. Có lúc hắn ra vườn sau định tìm cách tẩu thoát, con liền bám sát theo, khống chế hắn...
Đúng! Tôi còn nhớ hôm ấy như thường lệ anh Dương Triếp dẫn cu Thịnh đến thăm chơi. Anh ngồi ở đôn sứ nói chuyện với cha tôi. Còn cha tôi thì ngồi bên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun đặt cạnh giường. Cu Thịnh quanh quẩn bên. Cha tôi cho cu Thịnh bánh kẹo hoặc trái cây gì đó. Cu Thịnh vừa ăn vừa lon ton chạy theo cha khi Dương Triếp xuống bếp, qua nhà ngang tự tay rót nước uống, rồi lên lại nhà trên ngồi ở đôn sứ. Mẹ tôi ngồi ở nhà ngang nói chuyện với anh cán bộ giải phóng... Tôi không biết chuyện anh Dương Triếp ra vườn sau với ý định thoát thân mà không thoát được, như người cán bộ giải phóng nói. Tôi nghĩ tới anh Nguyễn Khoa Xước. Anh Dương Triếp có nhiều cơ hội thuận lợi thoát thân hơn anh Nguyễn Khoa Xước ngày xưa lắm. Anh Nguyễn Khoa Xước chỉ có nhiều lắm là một phút sau lúc nghe gọi tên. Còn anh Dương Triếp cũng có hẳn một phút như anh Nguyễn Khoa Xước, và còn có hơn anh Nguyễn Khoa Xước cả một buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều... thậm chí đầu buổi tối - lúc chưa vào cuộc họp thôn, bóng tối bao trùm lên thôn xóm - là điều kiện tốt cho anh thoát thân, sao anh không thoát? Phải chăng anh chỉ hơi có linh cảm? Anh còn nửa tin nửa ngờ? Thậm chí anh nghĩ mình không có tội chi vì sao phải sợ? Hoặc nếu có thế nào thì cũng không đến nỗi, vì vợ chồng anh là đảng viên. Chị Thiêm cho tôi biết có lần cán bộ giải phóng gặp chị Thiêm thăm dò móc nối hai vợ chồng sau bao năm đứt liên lạc với Tổ chức. Chị Thiêm hứa “để thủng thẳng” mới nhận nhiệm vụ, vì các con còn quá nhỏ, chị đang có mang gần đến ngày sinh, anh Triếp một mình lo cho cả nhà, cả hai vợ chồng cùng hoạt động trong hoàn cảnh này sẽ rất khó... Phải chăng lời hứa có ý trì hoãn của chị Thiêm là cơ hội tốt để cho những kẻ có tư thù đặt điều vu khống anh chị? Ý nghĩ này có thể là không đúng lắm, nhưng cứ ám ảnh giày xéo vò xé trái tim tôi từ ấy không nguôi...
Bà con làng xóm ai cũng âm thầm thương tiếc anh Dương Triếp, lặng lẽ lui tới với mẹ con chị Thiêm, giúp đỡ, an ủi… nhưng tuyệt nhiên không ai dám hé một lời bình luận hay oán trách gì phía giải phóng. Ai cũng hết sức giữ mồm giữ miệng. Trong gia đình tôi có những lúc cửa đóng then cài, đêm hôm khuya khoắt, biết không có ai nhìn trộm nghe trộm mới nhìn trước ngó sau nói với nhau những lời thương tiếc anh Dương Triếp, nhất là cái tính thẳng thắn bộc trực, cái tính siêng năng chăm chỉ làm lụng, cái tính tự trọng và lễ phép của anh. Anh Dương Triếp không bao giờ thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Những ngày này mẹ tôi trong bữa cơm chiều thường uống vài chén rượu thuốc xong là cứ kể chuyện anh Dương Triếp liên miên. Cái sự anh Dương Triếp rời bỏ làng quê đến ở nhà tôi như thế nào trước đó thỉnh thoảng tôi được nghe kể, thời gian này được nghe nhiều lần, khúc chiết hơn, rành mạch hơn, nên tôi có thể sắp xếp sự kiện đó theo trình tự - dẫu rằng ngày đó mẹ chưa sinh ra tôi trên đời. Còn chị Thiêm nghe nói khi hai bác còn sống chị rất được cưng chiều, vì chị là đứa con gái út thông minh xinh đẹp nhất nhà. Cha mẹ mất đi chị Thiêm sống với người anh trai là anh Nguyễn Khoa Thế.
...Trước đây mấy phút Dương Triếp còn ngờ ngợ không hiểu tại sao bỗng dưng anh Thế trở nên gần gũi thân tình với Dương Triếp. Ít ra là trong ba bốn hôm trở lại đây. Bây giờ nghe anh Thế nói chuyện xong Dương Triếp cảm thấy bủn rủn rụng rời. Dương Triếp bấu chặt hai bàn tay vào nhau, đầu hơi cúi, môi mím chặt cố giữ cho anh Thế không nhìn thấy đôi môi mình đang rung lên, đôi hàm răng đang va đập vào nhau lộp cộp... Lời của anh Thế như còn văng vẳng bên tai:
- Nói rằng làm công chức mà phải về hưu non khi tuổi mới ngoài ba mươi, của cải không có chi, lại còn đông con lắm vợ... Cái không có của họ cũng bằng mười, bằng trăm cái có của mình! Chừ nghe thấy giặc giã nên không dám để của cải trong nhà mà phải đem ra chôn ngoài bụi bờ, đêm hôm khuya khoắt. Đó không phải là hũ vàng thì là cái chi?! Ta nghĩ, một mình ta làm cũng xong, nhưng con chó Bubi dữ quá! Triếp hợp tác với ta, làm xong việc này, sau đó ta chia hai...
Dương Triếp nghe như có một luồng khí lạnh chạy rần rật dọc sống lưng từ trên xuống dưới, lại từ dưới lên trên. Anh ngồi bất động như tượng, không biết bao nhiêu giây phút trôi qua.
- Răng? Trả lời đi chứ! Ta biết chú mi chơi thân với hai đứa em ta. Thằng Chiến thì biếng nhác mà được mạ ta cưng, con Thiêm cũng được mạ ta quá cưng mà đôi khi hỗn với ta, nhưng ta không chấp. Sau này chú mi thương được nó thì ta cũng thuận. Nhưng chừ đây chú mi đang nghèo, dịp này… chú mi hãy cùng ta làm cho tốt…
- Em… em không dám! Em sợ...
- Chú mi sợ chi? Đã có ta đây...
- Cả đời... Cha em dặn…
- Thôi, đừng đem cha mạ ra đây! Cha mạ chú chết hết rồi. Sướng không muốn lại muốn khổ! Cứ lấy rồi đưa đi cất chỗ khác, ai biết được mà sợ?
- Nhưng ông bà Hường luôn đối tốt với em, em không nỡ. Với lại cha em luôn dạy bảo em…
- Thôi đủ rồi! - Thế cắt ngang lời Dương Triếp. - Ta chờ trong hai hôm phải trả lời cho ta biết!
- Dạ…
Nói xong Thế khạc nhổ búng điếu thuốc lá to sụ bằng ngón tay cái vào gốc mưng, rồi phủi đũng quần bỏ đi thẳng. Dương Triếp đứng ngẩn ngơ một lát rồi đi vào nhà.
Ông bà Hường ngồi ăn cơm ở chiếc bàn tròn. Mấy anh chị em ngồi ăn với nhau ở chiếc bàn nhỏ thấp hơn bên cạnh. Dì Tư ngồi dỗ cu Khôi ăn bằng chiếc thìa bạc nhỏ, chốc cu Khôi lại phun ra, dì Tư tém vội rồi ăn chỗ thừa của con.
- Triếp đi mô rồi không ngồi ăn cơm luôn? - Bà Hường hỏi.
Dương Triếp từ dưới bếp lên đưa tay đón cu Khôi nói:
- Chị đưa em dỗ Khôi ăn, chị tranh thủ ăn trước đi, em sẽ ăn sau.
Bà Hường buông đũa bước tới gần dì Tư quắc mắt:
- Không ai ăn trước ăn sau chi hết! Cu Tín ngồi xích vào lấy chỗ cho anh Triếp! Còn cu Khôi gần sáu tuổi rồi, đã có em rồi phải tự xúc lấy mà ăn! Dì nó chỉ được cái tập hư cho con mà thôi! Không khéo rồi con Phục cũng hư như thằng Khôi!
Dương Triếp răm rắp ngồi vào bàn cầm đũa. Dì Tư cũng len lét đặt cu Khôi lên chiếc ghế nhỏ, đẩy chén cơm tới trước mặt cu cậu. Bà Hường đi về bàn của mình
bưng lấy một đĩa bong bóng xào nấm với tôm, tới đặt thêm lên bàn ăn này. Bà Hường dợm bước quay lại bàn của mình, bỗng bước chân bà ghìm lại, bà nhìn vào mặt Dương Triếp hỏi:
- Thằng Triếp tuồng như bị đau?
- Dạ... con hơi đau đầu.
- Ăn xong ra hái nắm lá sả, lá bưởi, lá mãng cầu nấu lên mà xông. Nhớ bỏ vào một chút muối sống!
- Dạ!
Ông Hường xong bữa, đứng lên, đi mở tủ lấy hai viên thuốc cảm tới đưa cho Dương Triếp. Dương Triếp đặt vội chén cơm, đỡ lấy hai viên thuốc trong tay ông Hường rồi nắm chặt tay lại, mắt rưng rưng.
- Ủa, cái thằng! Có đứa mô nói chi làm con buồn à? Lan, Xuân, Tín, đứa mô hỗn với anh Triếp?
Lan, Xuân, Tín quay mắt nhìn cha rồi nhìn anh Dương Triếp ngơ ngác. Cu Khôi xúc một muỗng cơm chồm qua đổ vào chén của Dương Triếp nói:
- Cậu Triếp ăn đi! Ăn đi!
- Ừ, để rồi cậu ăn... - Dương Triếp nói và đưa tay giữ lấy chén kẻo sợ cu Khôi gạt đổ, ngước nhìn ông Hường.
- Thưa ông, các em rất ngoan, không em mô hỗn với con cả... con... con...
Buổi tối sau khi giúp dì Tư dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, nhắc các em Lan, Xuân, Tín vào bàn ngồi học, dì Tư về buồng cho bé Phục bú, Dương Triếp bồng cu Khôi áp lên vai đi lui đi tới trong nhà một lúc. Cu Khôi ngủ, Dương Triếp đặt em nằm ngay ngắn ở buồng của mình rồi bước ra chỗ ông bà Hường đang ngồi uống nước trên
sập gụ.
Dương Triếp kể lại chuyện Nguyễn Khoa Thế đã nói với anh sáng nay. Nghe chuyện xong, ông Hường lặng đi vì hoảng sợ và bất ngờ vì thế thái nhân tình! Nghĩ mà trách cái đứa cháu họ bạc nghĩa bao nhiêu, lại thương cảm tấm lòng ngay thẳng của Dương Triếp bấy nhiêu! Ngược lại với chồng, bà Hường vốn nhanh nhạy sắc sảo, vừa nghe xong trong đầu bà đã hình thành ngay một kế hoạch đối phó hòng lật mặt kẻ gian xảo - dẫu đó là con cháu của chồng. Bà lấy giọng từ tốn nói với Dương Triếp:
- Trước hết ông bà cám ơn con đã có lòng trung nghĩa mà báo tin này cho ông bà biết. Nếu con là kẻ tham lam thì con đã về hùa với thằng khốn đó lấy hết chỗ vàng ấy của ông bà rồi. Một mình thằng Thế hắn biết không làm nổi nên mới cậy nhờ con làm tay trong... Chừ bà nói với con thế này: con cứ giả vờ như đồng ý đồng tình với hắn, khi đào trộm con biểu hắn thò tay vào lấy chứ con đừng. Về phía bà, bà sẽ lấy vàng ra khỏi hũ, sau đó bà cho phẩm vào đầy hũ. Bàn tay hắn nhúng phẩm là chứng cớ để sáng ra nhà chức trách gông cổ hắn lại...
Mặt Dương Triếp trở nên xanh tái, xanh hơn cả khi nghe Nguyễn Khoa Thế rủ rê vào cuộc. Dương Triếp
run giọng:
- Thưa bà, ông bà khỏi mất của là tốt rồi. Còn việc bà vừa bảo... con lạy bà, xin bà tha cho con, con không thể...
Ở cuối câu Dương Triếp như hụt hơi, như muốn
bật khóc.
Ông Hường nhìn Dương Triếp đầy lòng biết ơn và thương cảm, ông dịu dàng nói:
- Triếp nói phải đó. Nội trong đêm nay, đợi cho mọi người ngủ yên, tôi với mình đào vàng lên đem cất chỗ khác. Còn Triếp đừng để nó dính dáng vào việc này nữa mình ạ!
- Con cám ơn ông! Thưa ông bà, con xuống coi cu Khôi ngủ ngoan không... - Nói xong Dương Triếp rút lui như chạy trốn.
Ba hôm sau một mình Nguyễn Khoa Thế bò vào sau khi đã đánh bã thuốc làm chết con chó Bubi bằng món cá tràu kho với trái mác. Con chó ăn xong chỗ cá thì nằm ngay đơ, mắt nhắm nghiền, bọt mép sủi trắng hếu. Nguyễn Khoa Thế nhẹ tay bưng chậu bông lan để qua một bên. Hố chôn vàng trống không, đất lấp xuống vẫn còn tơi xốp, chứng tỏ vừa được dời đi. Lẽ nào thằng Triếp?! Một nỗi căm giận ngùn ngụt bốc lên choán tràn cả tâm trí Nguyễn Khoa Thế. Ước gì có thể dùng rựa bén chặt cho thằng Triếp một lát đứt đôi! Rõ là đồ ngu! Quá ngu! Nguyễn Khoa Thế lẩm bẩm chửi rủa Dương Triếp không tiếc lời khi bò ra khỏi hàng rào hóp nhà ông Hường. Miệng Nguyễn Khoa Thế giờ đây cũng phun đầy bọt trắng xóa như miệng con Bubi - dẫu rằng Nguyễn Khoa Thế không hề ăn trái mác. Nguyễn Khoa Thế về tới nhà vào buồng đắp chiếu nằm, sáng hôm sau không dậy nổi. Vợ Thế hỏi chi Thế cũng không nói.
Mấy hôm nay Dương Triếp tránh mặt Nguyễn Khoa Thế. Nguyễn Khoa Thế ra hạn định cho Dương Triếp hai hôm. Bây giờ đã là hôm thứ ba, không nghe Dương Triếp nói gì hẳn anh Thế tự hiểu là thằng em này không dám, như em đã nói ngay từ đầu với anh. Mẹ chết sớm cha nuôi dạy hai chị em. Cha luôn bảo các con rằng chớ lấy cái gì của người về làm của mình, rằng đói cho sạch rách cho thơm... Nay không còn cha nữa, nhưng lời cha Dương Triếp luôn ghi nhớ. Buổi tối ngày thứ ba con chó Bubi bỗng dưng chết sủi bọt mép, và chỗ chôn giấu vàng bị xô lệch chậu hoa, đất bị đào bới. Sáng sớm hôm sau ông bà Hường gọi Dương Triếp ra chỉ cho Dương Triếp thấy, rồi khẳng định chính Nguyễn Khoa Thế đã làm việc đó. Bà Hường rưng rưng mắt nói:
- Quả thật con đã làm một điều ơn phước đối với ông bà. Này đây ông bà tặng con đôi nhẫn để làm quà. Con giữ lấy...
- Con cám ơn ông bà! Xin bà cất đi, con không quen giữ vàng bạc. Con ở với ông bà cơm ngày ba bữa, áo quần đủ ấm, ông bà thương con như vậy là quý hơn vàng
bạc rồi...
Nài nỉ mãi, Dương Triếp nhất định không nhận đôi nhẫn nên bà Hường đành cất đi.
Dương Triếp xếp lại các chậu hoa cho ngay ngắn, vun đất vào các khóm dạ hạp, vặt cỏ và cạo rêu trên các chân tường sân chơi mé tây, xong ra bến tắm rửa. Lúc trở về tiện tay xách hai thùng nước đưa vào đổ thêm cho đầy bể cạn, rồi tay dắt cu Khôi đến ngồi trên ghế tựa, cầm lấy cuốn Truyện Kiều, rồi cuốn Nhị Độ Mai. Cu Khôi ngồi lên con ngựa gỗ phi nhanh nhanh chốc lại phá lên cười khanh khách, rồi với tay qua níu áo Dương Triếp gọi “Cậu Triếp! Cậu Triếp!”
Dương Triếp nắm tay cu Khôi, áp trang sách đọc dở lên ngực, mắt mơ màng. Nghe nói mẹ Dương Triếp qua đời khi Dương Triếp mới lọt lòng, còn chị Thỉu thì bằng tuổi cu Khôi bây giờ. Lúc đó cha gọi em là cu Chắt. Chị Thỉu phải bồng em đi bú nhờ hàng xóm khi cha bận việc ở lò rèn. Buổi tối về cha nấu cháo gạo lấy nước pha muối với đường cho cu Chắt uống. Cu Chắt lớn lên bên cha và chị. Bà con hàng xóm thường thay nhau bồng cu Chắt, nói thằng cu Chắt khôi ngô tuấn tú hơn tất cả những đứa trẻ trong làng! Khi cu Chắt lên bảy tuổi cha gửi cu Chắt đi học ở nhà thầy Khóa. Chị Thỉu mười hai tuổi đã gánh những lưỡi cuốc, bàn cào, dao, kéo, rựa... theo các o các chị đi bán ở chợ. Ban đầu bán chợ gần về sau bán chợ xa hàng mới được giá. Mười lăm tuổi chị Thỉu đi đò dọc từ Hiền Lương theo sông Bồ ra sông Ô Lâu, lên bán hàng ở chợ Hôm Ưu Điềm được giá lắm. Ai cũng tìm mua hàng của Thỉu. Không những người Ưu Điềm mua, mà cả những bạn hàng bên Văn Quỹ, Hòa Viện cũng bơi đò sang sông Ô Lâu đi chợ Ưu Điềm mua những lưỡi cuốc, bàn cào, lưỡi liềm, lưỡi hái, dao rựa bén... Thỉu đưa từ Hiền Lương ra. Thấy Thỉu còn nhỏ mà đảm đang, ăn nói hiền lành, dịu dàng, lễ phép, thật thà, bà con ở đây ai cũng cố mua và rủ rê mọi người chung quanh mua cho mau hết hàng của Thỉu. Bán hàng xong Thỉu thường xuống đò để ngủ, đợi sáng mai rời bến. Chủ đò có cô con gái bằng tuổi Thỉu, tên là Huê. Huê thường theo cha đem hàng từ trong Huế ra bán ở Hiền Lương và bán ở Ưu Điềm, gồm vải lụa, diêm, dầu hỏa, dầu ăn... rồi mua khoai, đậu, mè, thuốc lá về trong Huế. Người dân thôn Niêm làng Ưu Điềm thường trồng khoai trên đất vừa nhổ mạ xong gọi là khoai đất má, và trồng khoai trên đất hết vụ thu hoạch thuốc lá gọi là khoai đất thuốc. Khoai đất má củ nhỏ, vỏ mỏng, tơi mịn, ngọt ngào; khoai đất thuốc củ to, vỏ dày, nhiều bột, chắc nịch, ngọt ngào, béo ngậy. Mua bán lâu ngày quen biết nhiều bà con nên Huê và Thỉu nhiều khi không về đò ngủ mà vào làng nghỉ lại, ăn khoai, ăn cơm độn sắn, thức đêm nghe hò giã gạo, có khi còn róc choại, bó chổi với chị em ở thôn Niêm, xóm Thiềm. Huê lanh lợi, Thỉu chân chất hiền lành. Về sau Huê đi lấy chồng, một mình Thỉu theo đò ra vào chợ Hôm Ưu Điềm. Thôn Niêm nhìn qua trảng cát có con hói nước chảy lặng lờ viền theo thôn xóm. Nơi tiếp giáp trảng cát lâu ngày phù sa con hói đọng lại, cát trầm xuống, trộn lẫn với phù sa làm cây cỏ mọc lên một vùng xanh tươi. Vùng này bà con gọi là vùng trầm, gọi chệch đi thành vùng trằm. Chếch về phía trái có một vùng “trằm” như thế gọi là Trằm Thiềm. Có mấy gia đình định cư ở đây, nổi bật là gia đình mụ Dé ở đầu dốc nơi có mố cầu bắc qua thôn Niêm, rồi đến nhà ông Hồ - một nông dân trồng lúa trên ruộng Trằm và trồng thuốc lá với khoai lang trên trảng cát. Ông Hồ có biệt tài nghe được tiếng nói của người âm, nên ở làng Ưu Điềm ai mắc mớ việc gì với người âm, chỉ cần một thẻ hương với chiếc áo của người trong cuộc buộc vào thẻ hương ấy, ông Hồ đứng ra giữa trời vái vài cái, rồi ghé tai vào hương buộc áo ấy để nghe, là ra duyên cớ... Ông Hồ chỉ làm giúp, không hề nhận một chút thù lao của ai bao giờ. Kế nhà ông Hồ là nhà ông Ích, vợ ông Ích là bà Sa - cưới nhau đã nhiều năm mà không có con. Đất rộng, nhà dài, vườn trồng nhiều cây ăn quả, ăn củ mà không có con thì buồn lắm! Cách nhà ông Ích bà Sa một quảng đất trống chừng trăm mét là gia đình anh Cử - hai vợ chồng trẻ mới cưới nhau. Về sau này họ mới sinh con đông đúc. Còn bây giờ thì son rỗi lắm. Họ coi Thỉu như em gái, thường rủ Thỉu về nhà chơi. Thỉu thường theo vợ anh Cử vợ anh Ích về xóm Thiềm ngủ lại đêm. Nếu hàng bán không hết thì sáng mai hai chị dẫn đường qua thôn Niêm bán nốt. Đàn con ông Hồ thường theo o Thỉu đi chơi, được o Thỉu cho quà, o Thỉu rửa mặt mũi tắm rửa. O Thỉu nói ở nhà o Thỉu có một em trai kém o Thỉu năm tuổi đã biết thụt bệ rèn giúp cha, biết nuôi con gà con vịt, biết thổi cơm khi Thỉu vắng nhà. Nó là thằng Chắt. Nó đi học nhà ông đồ trong làng, viết chữ đẹp được ông đồ khen.
Bẵng đi thời gian chừng hai tháng không thấy Thỉu gánh hàng ra bán, bà con ở chợ hỏi nhau không biết khi mô thì o Thỉu lại đem cuốc cào dao rựa, liềm hái ra bán? Đặc biệt đàn con ông bà Hồ cứ nhắc o Thỉu luôn, còn Sa cảm thấy lo lắng, nhưng không biết hỏi ai. Sa đã coi Thỉu như em gái mình, quý Thỉu từ nết ăn nết ở, lời nói, việc làm... Sa tự trách mình đã không hỏi cho cặn kẻ nơi Thỉu ở, để giờ đây có thể tìm tới thăm.
- O nớ đã nói quê o ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền...
- Ừ... nhưng mà làng Hiền Lương chắc cũng to rộng như làng mình, hỏi một o Thỉu, liệu có ai biết?
- Nhưng mình định đi tìm o Thỉu để làm chi?
- Tui không biết để làm chi, nhưng vắng o Thỉu lâu ngày tui thấy nhớ, tui lo... chắc tui phải đi tìm o Thỉu, mình lo coi ngó nhà cửa...
- Mình định đi mô? Đàn bà đi xa một mình răng được?
- Tui với mình ai cũng bốn chục tuổi rồi chứ con nít con thơ chi mà đi ra ngoài sợ người ta dỗ dành?
Tui thương tui lo cho o Thỉu lắm, mình cứ ở nhà để tui đi mấy hôm...
Bà Sa nói như dỗ dành chồng rồi chuẩn bị vài bộ quần áo với ít tiền, về chợ Hôm Ưu Điềm tìm đò dọc vào sông Bồ rồi về ngả Hiền Lương. “Đường nơi miệng, nhà nơi miệng, chứ ở nơi mô?” Bà Sa nói vậy và hơn nửa ngày đường vừa đi đò vừa đi bộ, bà tìm được tới làng Hiền Lương. Tới Hiền Lương hỏi o Thỉu con ông thợ rèn có cậu em kém Thỉu năm tuổi ai cũng biết, có người nhanh nhảu nói:
- Cha o nớ mới chết, tội nghiệp hai chị em!
Bà Sa giật mình. Tìm đến nơi, quả đúng như tin được nghe ở đầu làng. Cha Thỉu chết vì bệnh, không ai rèn cuốc cào dao rựa liềm hái cho Thỉu đi bán nữa. Nhà mái tranh vách đất xiêu vẹo. Mảnh vườn nhỏ đất cằn trồng mấy luống khoai lang, đàn gà vịt đang vờn nhau kiếm ăn bên vũng nước đọng gần chái bếp vương vãi những cánh bèo băm nhỏ trộn tấm cám. Thỉu bất ngờ thấy Sa bước vào nhà mình, Thỉu ôm chầm lấy Sa khóc ngất. Trên bàn thờ nén hương vẫn đang ngún cháy. Một cậu bé đang ngồi lận vành một chiếc rổ sưa. Thỉu nói:
- Đây là chị Sa ở xóm Thiềm mà chị thường kể với em, còn đây là Chắt, em trai của em… - Sa không cầm được nước mắt khi nhìn vành khăn tang trên đầu hai chị em Thỉu. Sa nghỉ lại đêm. Hai chị em Thỉu bàn bạc nhau mãi trước lời mời gọi của Sa:
- Anh chị không có con, nhà buồn lắm, hai em ra ở với anh chị cho vui.
- Nhưng… chị em em biết làm gì? Thà ở đây hai chị em nuôi con gà con vịt, trồng ngọn rau…
Thỉu nói.
- Nhưng chị đã biết em, không thể để chị em em sống thui thủi không có người lớn bên cạnh. Cứ ra xóm Thiềm ở với anh chị, coi như em út trong nhà, anh chị và bà con làng xóm ngoài đó từ lâu đã thân thiết với em, em còn ngại chi?
Cu Chắt nghe nói ra Ưu Điềm thì thích lắm. Từ lâu Chắt rất muốn được đi đây đi đó như chị Thỉu nhưng chưa có dịp. Giờ đây nghe chị Sa nói thế, Chắt hào hứng:
- Nếu anh chị coi chúng em như em út trong nhà thì em thích lắm. Chúng em sẽ ở với anh chị, em biết đan lát, chăn nuôi, biết thụt bệ rèn...
- Ở chỗ chị không ai biết nghề rèn. Nhà chị cũng có gà vịt heo bò... Em cứ ra đó làm được chi thì làm. Nghe nói em đang đi học, ra đó rồi anh chị kiếm chỗ cho em học.
Cu Chắt phấn chấn bàn với chị Thỉu bắt hết vịt gà đưa ra chợ bán, thu vén cửa nhà gửi cho bà con hàng xóm, rồi theo chị Sa xuống đò dọc ra Ưu Điềm, lên thôn Niêm xóm Thiềm ở với gia đình chị Sa.
Ý muốn của cu Chắt trở thành quyết định. Thỉu làm theo ý em.
Tiền bán gà vịt được một món khá, Thỉu cất làm vốn.
Hai chị em khăn gói lên đường.
Chắt tỏ ra thích thú khi đi qua những xóm làng trù phú, những khúc sông nước xanh ngăn ngắt in bóng hai bờ tre. Đến chợ Hôm Ưu Điềm, Thỉu mua sắm cho em thêm mấy bộ áo quần guốc dép rồi theo chị Sa lên xóm Thiềm.
Ông Ích thấy vợ về cùng chị em Thỉu thì vui mừng chạy ra đón. Ích ngắm cu Chắt sững sờ. Sao lại có một cậu con trai đẹp đến thế! Thỉu là một cô gái đẹp nết đẹp người, nhưng không ngờ em trai Thỉu còn đẹp gấp bội. Người làng rèn Hiền Lương sao lại có cung cách, nét mặt đẹp như con quan con vua vậy không biết?! Ông Ích lật đật rót nước mời chị em Thỉu uống rồi hỏi vợ có cần đi mua thêm thứ gì về nấu cơm khách không? Sa nói:
- Từ nay Thỉu và Chắt là em trai em gái của vợ chồng mình. Hai em không phải là khách. Vợ chồng mình ăn chi, các em ăn nấy. Tui với em Thỉu rồi sẽ lo việc nhà. Mình tìm thầy cho em Chắt đi học...
Ông Ích ngờ ngợ nhìn vợ:
- Em Chắt đã mười bốn mười lăm tuổi rồi, tui biết tìm thầy tìm trường cách chi?
Chắt nhanh nhảu:
- Ở trong đó em học chữ Hán, chữ Quốc ngữ với thầy Khóa một buổi. Buổi chiều em ở nhà...
- Ở đây người giỏi chữ Hán chỉ có ông Lý Tuyên, còn chữ Tây với chữ Quốc ngữ chỉ có quan Hường... Cả hai vị ấy đều không có thu nhận học trò, họ chỉ dạy con cháu của họ trong nhà thôi.
- Thì mình... xin vào... làm con cháu họ. - Bà Sa nói.
Ông Ích suy nghĩ một lúc rồi nói với vợ:
- Ông Lý Tuyên đông con trai, con dâu... rồi sẽ đông cháu chắt, nhà họ lắm ruộng nhiều trâu, họ sẽ bắt cu Chắt đi giữ trâu mất! Nhà quan Hường ít con, con trai càng hiếm, quan nổi tiếng đức độ khoan hòa, được ở gần quan thì học được nhiều điều, nhưng làm răng gần được?
Vấn thuốc hút suy nghĩ một hồi lâu, ông Ích nở nụ cười rạng rỡ, gãy tàn thuốc, lại nói tiếp:
- Tui có cách rồi... Nhờ anh Hồ.
Vợ Ích chưa hiểu ý chồng, mở to mắt dò hỏi, Ích giải thích:
- Cả cái làng ni ai mà không chịu ơn anh Hồ từng “say vía” giúp? Con ông Hường cứ nay nóng mình mai cảm sốt, thuốc thang không khỏi, cứ phải chạy qua đây nhờ anh Hồ luôn, khi thì bị kẻ khuất mặt quở, khi thì được kẻ khuất mặt quá yêu mà vuốt ve nựng nịu ban ngày, đến đêm đứa bé giật mình khóc quấy, nóng sốt...
Sa mừng rỡ:
- Phải đó! Mình nghĩ ra cách thiệt hay, thôi mình đi qua nói chuyện với anh Hồ đi.
- Chưa được, anh Hồ đi tát đìa đứng bóng mới về.
Buổi chiều, ông Hồ “say vía” cầm xâu cá phát lát, cá diếc, lội băng con hói cho nhanh qua thôn Niêm, vào nhà ông Hường biếu xâu cá vừa bắt được ở đìa. Bà Hường nói:
- Tội nghiệp quá! Cá tát đìa được thì để cho các cháu ăn, sao lại đem cho? Thôi thì tôi xin nhận cái tấm lòng của ông, còn thì... tôi gửi chút tiền, ông cầm lấy về mua quà cho các cháu.
Ông Hồ không muốn nhận nhưng cứ đứng sững khi bà Hường nhét tờ giấy bạc vào túi. Bà Hường bảo người nhà rót nước mời ông Hồ uống, sắp bánh ngọt mời ông Hồ ăn. Ông Hồ cầm lấy ly nước nói hơi run giọng:
- Chúng tôi muốn nhờ quan Hường một việc, nhờ bà nói giúp cho...
- Việc chi ông nói tôi nghe thử. Bà Hường dịu
dàng bảo.
Ông Hồ trần tình việc chị em cu Chắt. Bà Hường nghe xong lấy làm cảm động nói:
- Như ông biết đó, tôi hiếm muộn, được hai gái một trai, nuôi các cháu nên vóc nên dạc như hiện nay một phần cũng nhờ ơn trên, nhờ xóm láng giềng, nhờ ông thỉnh thoảng giúp đỡ để biết ý của kẻ khuất mặt mà lo liệu... Dì nó nhà tôi cũng đã sinh cho nhà tôi một cu cậu với một con cưng, nhưng ốm đau luôn, cũng nhiều lần nhờ ông giúp. Ơn ông nhiều, chỉ mong ông cần chi thì giúp đỡ. Nay ông cần nhờ, nhưng không phải cho ông mà cho con cái người khác, tôi nghe ra cũng cảm kích lắm. Ngặt nỗi nhà tôi có bao giờ dạy học trò đâu, làm sao lại nhận lời ông được? Các con tôi cũng phải tới nhà ông chú Nguyễn Khoa Hiệt để học quốc ngữ. Sao ông không hỏi nhờ chỗ hai ông chú Lượng chú Hiệt?
- Thưa bà, hai ông dạy các cô cậu nhà là bậc cha chú trong họ dạy các cháu, chứ không thấy hai ông thu nhận học trò bên ngoài. Với lại...
Ông Hồ ra về. Mấy ngày liền không thấy trở lại. Bà Hường đem chuyện nói với chồng. Ông Hường nói:
- Phải chi mình có tiền của như ngày xưa thì nuôi cháu ấy làm con nuôi cũng tốt...
- Tôi cũng nghĩ rứa. Ngặt nỗi nhà mình chỉ có tiếng mà không có miếng.
- Bà con ở quê nhà mộc mạc, thấy gia đình mình mang cái cốt cách thành phố về, với cái vẻ quý phái của mình... làm bà con tưởng nhà mình sang trọng và ắt hẳn giàu có, chứ ngày còn ở thành phố ai chẳng biết tôi làm phó một thời gian dài, mới lên chức Chánh văn phòng Tòa Khâm sứ chưa được bao lâu thì mắc bệnh suyễn - mới ngoài ba mươi tuổi đã phải xin nghỉ việc để về quê tĩnh dưỡng, lương hưu non chẳng đáng là bao, con cái thì còn nhỏ... Tôi cám ơn mình ngày trước biết dành dụm, bây giờ mới có cái ăn,
cái để...
- Dạo đó hàng tháng tôi cố sắm lấy một lượng vàng, có tháng năm chỉ, tôi cũng sắm, nên chừ đây mới có chút đỉnh để trong nhà...
Câu chuyện của ông bà Hường bị gián đoạn khi ông Hồ, ông Ích dẫn theo một thiếu niên tuấn tú đến nhà. Ông Hồ nói:
- Bẩm quan, bẩm bà, nhà chúng con có dư giật chi mà tính chuyện rước thầy dạy học. Biết quan với bà phúc đức, em này vừa mới mất cha... Muốn xin vào cửa của quan với bà để được quan dạy bảo...
Cậu thiếu niên cúi đầu chào ông bà Hường một lần nữa, ông Hường nhìn cậu từ đầu đến chân thầm nhủ: cậu bé xinh đẹp sáng sủa thế mà sớm chịu cảnh côi cút,
thật tội!
Ông Hường cất giọng từ tốn:
- Tôi cũng vừa nghe nhà tôi nói qua trường hợp của cháu. Rất tiếc, chúng tôi bây giờ khó khăn... nên không dám cưu mang. Nuôi cháu làm người giúp việc thì chúng tôi không có khả năng. Nuôi làm con thì sợ e những lúc thiếu thốn cháu sẽ trách chúng tôi.
- Bẩm quan! Được quan cho ở với quan thì cực mấy con cũng chịu. - Cậu thiếu niên đột ngột mạnh dạn đề xuất nguyện vọng.
Ông Hường không giấu ngạc nhiên nhìn cậu với ánh mắt dịu dàng và trìu mến nói:
- Con mới gặp ta chốc lát, đã hiểu ta thế nào đâu mà con nói vậy?
- Mấy hôm nay con đã nghe nói nhiều về quan. Quan chỉ cần cho con ăn cơm uống nước. Việc nhà có gì quan sai bảo con làm, khi mô con rảnh việc, quan cho con học chữ.
- Như vậy cũng tốt. Mà nói con hay, ta đã thôi không làm việc cửa quan nữa. Cái tước Hường Lô Tự Khanh. để cho hay vậy thôi, con nên gọi ta bằng ông sẽ tiện hơn.
- Dạ!
Cu Chắt ở với ông bà Hường được ông Hường đổi tên là Triếp. Dương Triếp. Thông minh, nhanh nhẹn, lễ phép, siêng năng... làm cho không những ông bà Hường mà các con của ông bà đều yêu quý Dương Triếp. Ông Hường có người thiếp cỡ tuổi chị Thỉu nên Dương Triếp coi bà này như chị ruột của mình - dì Tư. Còn đứa con trai của người thiếp này vừa lên ba tuổi chập chững biết đi cứ chạy theo gọi cậu Triếp cậu Triếp, chứ không gọi bằng anh như Xuân, Lan, Tín. Buổi tối Xuân, Lan, Tín ngồi học, anh Triếp ngồi bên học theo, đọc theo, thuộc nhanh hơn tính toán giỏi hơn, làm cho Xuân, Lan, Tín rất thán phục
anh Triếp...
Ông cố nội sinh ra ba ông nội. Ông nội của Xuân, Lan, Tín là đồ nho ở thành phố. Hai ông nội bác chuyên nghề nông ở trên đất của cha ông. Khi ông Hường cáo quan về dưỡng bệnh thì mua nhà đất ở liền kề nhà các anh con của hai ông bác. Các ông này lớn tuổi hơn nên con cái khá đông đúc và đã trưởng thành, là những chàng trai cô gái giỏi ruộng đồng vườn tược. Ở trên đất hương hỏa có gia đình bác Ngọc sinh được năm người con. Hai chị lớn vừa đến tuổi cập kê đã đi lấy chồng. Còn Nguyễn Khoa Thế chuẩn bị đi hỏi vợ. Nguyễn Khoa Chiến bằng tuổi Dương Triếp. Nguyễn Khoa Thị Thiêm, em gái út vừa lên mười hai tuổi, đẹp sắc sảo.
Nguyễn Khoa Thế mặt rổ vì bị bệnh đậu mùa từ nhỏ, tay tước lá thuốc, búng cái cọng ra xa rồi bứt bứt, rựt rựt lá thuốc, vẻ bức xúc đoạn hét to:
- Thiêm! Xuống bếp đem lửa lên cho anh hút thuốc!
Cô bé mặc chiếc áo dài màu huyết dụ chạy xuống bếp cầm lên con cúi bằng rơm, đi tới phía người anh cả vẻ rụt rè sợ sệt. Chiến ngồi chẻ lạt gần đó thấy thái độ anh Thế cũng đâm ngại ngần. Có việc chi làm anh bực dọc? Anh mỗi lần giận đánh em Thiêm đánh luôn cả Chiến... Nhiều lúc mẹ khóc vì tính thâm trầm độc đoán dữ dằn của anh Thế. Từ ngày mẹ đau nằm một chỗ, anh thì chưa cưới vợ nên nhà neo lắm. Em Thiêm đã phải lo cơm nước cho cả nhà, rau cám cho heo gà...
Thế mồi lửa xong, Thiêm đem con cúi xuống bếp. Thế rít mấy hơi thuốc rồi búng tàn thuốc ra sân nói:
- Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ. Ông Hường tiếng làm quan to mà con cháu chẳng được nhờ cái chi!
Chiến nghe nói đến người chú họ của mình thì xót, tìm cách phân bua cho chú:
- Chú đau yếu nên phải về hưu non, trên ban cho cái tước nghe nói có ăn nhờ chi cái tước nớ mô. Nói rứa chớ chú không giúp nhiều thì cũng giúp ít. Em nhớ chú đã san sẻ cho bà con nhiều lần. Nhà mình cũng có phần. Khi cha còn sống cha nói chú của ít lòng nhiều. Chú nghèo vì thanh liêm.
- Nghèo! Nghèo người ta bằng mấy lần giàu mình! Nghèo mà nuôi cái thằng cha căng chú kiết ở mô tìm tới! Cái thằng chết cha chết mạ ở mô tận trong Hiền Lương tìm ra đây, chú đem về nuôi cho ăn trắng mặc trơn lại còn dạy chữ cho nữa! Thấy hắn cả ngày rong rượt trong nhà ra vườn, nhổ cỏ tưới cây thì ít mà chọc tổ chim với hái trái cây rồi giỡn với mấy con chó... Cái mặt cứ nghênh nghếch, làm như công tử con nhà giàu, làm như thể hắn là thằng Tín con của chú thím Hường không bằng!
Thiêm đứng sau phiên liếp nghe anh Thế nói về anh Triếp như vậy biết rằng anh mình rất không ưa anh Triếp. Chiến lại càng hiểu hơn. Chiến thấy Triếp cũng thật thà khiêm tốn. Tuy Triếp có tự do chơi đùa trong vườn nhà chú Hường, nhưng Triếp không hề nghênh nghếch mặt với ai hết, lại chẳng bao giờ dám tự coi mình như Tín. Tuy bằng tuổi nhau nhưng Triếp đã chủ động gọi Chiến bằng anh xưng em. Triếp đã nhiều lần lén hái cam quýt ổi trong vườn đưa cho Thiêm cho Chiến. Từ ngày có Triếp, Thiêm và Chiến thường tới chơi nhà chú thím. Thím Hường nói: “Không cha thì tríu chú, không mẹ thì tríu vú, dì...” Chiến với Thiêm thường trắn tríu với chú, không như anh Thế.
Chiến cũng biết anh Thế không thích thím Hường. Từ đó hai anh em Chiến Thiêm càng thân thiết với Triếp bao nhiêu thì anh Thế lại ghét Triếp bấy nhiêu.
Rồi anh Thế cưới vợ, vợ anh Thế cũng hùa theo chồng nói xỏ xiên Triếp. Một hôm nhà chú thím Hường cúng đất, xong thím bảo Triếp bưng xôi chè bánh trái ra cho bác gái và mấy anh chị. Mẹ đau nằm trong buồng nghe thím Hường bưng đồ ăn ra cho, vội trở mình ngồi dậy, bới lại tóc, thì nghe Thế nói:
- Của chú thím tui, khi mô tụi tui ưng thì tới xin ăn, không khiến cậu phải đem tới...
- Nhưng bà Hường sai tui...
- Đó! Cậu thấy chưa? Tiếng là làm con nuôi, nhưng cậu chỉ như đứa ở trong nhà, một đứa đầu sai làm việc không lương!
- Em... em muốn được ở với ông bà, em không cần lương.
- Cậu không cần lương? Ngó bộ cậu ở tớ suốt đời rồi ra về hai bàn tay trắng à?
- Ông bà không có của, ông bà không có ý định nuôi người, nhưng vì em muốn...
- Không có của? Ở đó mà nghe họ nói không có của! Rồi có lúc ta nói cho mà biết...
Nghe thấy giọng anh Thế có phần bớt xẵng và xoay mũi nhọn về phía ông bà Hường, Triếp nhẹ đẩy mâm thức ăn vào giữa bàn rồi ra về.
Thiêm bưng chè vào buồng cho mẹ. Vợ chồng anh Thế ngồi bóc bánh ít đen, bánh ít trắng ăn, anh Chiến bưng lấy đĩa xôi ra ngồi ở bậu cửa vừa ăn vừa ngó trời đất.
Từ đó thỉnh thoảng Triếp đến nhà chơi với Chiến với Thiêm. Vợ chồng Thế không tỏ ra thích hay không thích Triếp. Rồi cách mạng tháng Tám nổ ra. Cả Thế và Triếp đều hăng hái tham gia. Sau đó cả hai cùng được kết nạp Đảng một ngày. Nhưng qua thời kỳ dự bị Triếp được xét chuyển chính thức, còn Thế chi bộ bảo để lại một thời gian tiếp tục thử thách, vì Thế không có tinh thần cầu tiến, không chịu học hỏi, hay đố kỵ và chỉ lo vun vén cá nhân. Chiến đang hoạt động ở tổ Nông hội, còn Thiêm là hạt nhân tích cực của phong trào thanh niên phản đế. Thiêm vừa bước vào tuổi mười lăm, đang được xét kết nạp Đoàn...
Thế âm thầm rời cuộc họp, lòng buồn rười rượi
tự nhủ:
- Cái thằng ở đâu tới ngụ cư đất này mà rốt cuộc cái chi cũng đến phần hắn! Còn ta cứ chịu thua thiệt...
Lòng Thế như có con gì cắn xé mỗi khi nhớ lại lời của các đồng chí trong cuộc họp chi bộ vừa qua. Tại sao ai cũng có nhận xét tốt, ai cũng tỏ lòng yêu quý thằng đó ra mặt?! Được rồi! Mi còn ở lại xứ này thì ta với mi còn nhiều dịp... Để coi mi còn được cưng chiều bao lâu nữa?!...
Hình như Tổ chức muốn “trêu ngươi” trước những lời dằn dỗi thách đố lặng lẽ của Thế. Dương Triếp ngày một tiến bộ, được giao hết nhiệm vụ quan trọng này đến nhiệm vụ quan trọng khác. Đã vậy rồi, đứa em gái của mình, cái con Thiêm ấy ngày càng dính chặt vào với hắn! Đôi lúc Thế rất phẫn nộ, nhưng cố dằn lòng vì biết mình đang ở thời kỳ thử thách gay gắt. Hơn sáu tháng sau Thế cũng được xét chuyển thành đảng viên chính thức. Được phân về sinh hoạt tổ Đảng gồm Nguyễn Khoa Thâm, Nguyễn Đăng Cử, Nguyễn Khoa Thế và Dương Triếp do Nguyễn Đăng Cử làm tổ trưởng. Năm 1953 kết nạp thêm Nguyễn Khoa Thị Thiêm và Hồ Thị Chồ. Năm 1954 các cốt cán đi tập kết ra miền Bắc đã kịp chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thành lập một chi bộ Đảng nằm vùng, không có đại hội. Trên chỉ định Nguyễn Đăng Cử làm bí thư. Dương Triếp là phó bí thư. Trong chiến dịch tố cộng đảng viên Hồ Thị Chồ bị địch tra tấn rất dã man, bắt khai tên tuổi các đảng viên. Hồ Thị Chồ nhất định không khai nên bị tra tấn đến tàn phế, dở sống dở chết. Hồ Thị Chồ là cán bộ phụ nữ, có chồng là Nguyễn Khoa Sẻ, cán bộ tập kết. Tuy không có bằng chứng để bắt giam hoặc tra tấn nhưng hầu hết các đảng viên nêu trên đều tham gia lớp học tố cộng đợt đầu. Học xong thì làm bản thu hoạch và tự kiểm điểm. Các anh các chị nói bản thân mình là nông dân, cả đời chỉ biết đồng ruộng. Việt Minh Cộng sản tới bảo đi họp thì họp, bảo nấu cơm tiếp tế cho bộ đội thì nấu, bảo vá áo cho chiến sĩ thì vá, bảo khiêng thương binh thì khiêng... làm sao dám cãi lời họ? Ai dám không làm? Họ đi rồi thì bà con ai nấy tất bật với ruộng đồng, chỉ mong được yên thân. Nay dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, chúng tôi cũng chỉ mong được yên ổn làm ăn.
Có thể nói từ năm 1954-1964 tổ chức cơ sở Đảng ở đây hoàn toàn tê liệt. Cho đến một ngày có cán bộ từ trên núi về, từ ngoài Bắc vào, ban đêm thường đi vào thôn xóm gọi bà con dậy tập trung nghe cán bộ nói, rồi cùng với cán bộ ra phá ấp chiến lược. Trước khi rút đi cán bộ cài đặt các chức danh như thôn trưởng, cán bộ thanh niên, cán bộ phụ nữ, cán bộ nông hội. Số đảng viên cũ thì khiêm tốn lặng lẽ và tế nhị lắm, không xốc nổi như đám thanh niên mới lớn là con em của chính họ. Cụ thể Nguyễn Đăng Cử có hai con một trai một gái cho vào đội du kích. Nguyễn Khoa Thế một con trai, Nguyễn Khoa Thâm một... Hồ Thị Chồ một... Riêng Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm cưới nhau muộn, con cái còn nhỏ dại nên chưa có đứa nào tham gia.
Trước nay Nguyễn Đăng Cử thường cào vớt rong ở trằm Thiềm, chất đống dọc bờ hói, rồi gánh lên trảng cát ủ chân cho thuốc lá - sau khi đã bón thúc phân chuồng. Hôm nay Nguyễn Đăng Cử vác cào dong ghe vào tận trằm Niêm. Vừa ngoặc vào góc rú cấm một đoạn, Cử đã thấy đằng kia Dương Triếp đang lay hoay với cây cào dài nặng trĩu rong. Cử chèo nhanh, tay thoăn thoắt. Một lát sau ghe anh đã cặp kè bên ghe Dương Triếp. Dương Triếp ngước lên nở nụ cười tươi với Cử rồi gác cào rong nặng trĩu lên mui ghe, đoạn đưa cả hai cánh tay trần lực lưỡng màu nâu sáng với hai bàn tay đỏ lựng - vuột mớ rong bùng nhùng ra khỏi bàn cào, xong luồn một bàn tay vào giữa cuộn rong, chừng gần một phút sau kéo ra con cá phát lát thân dày cộp, đen thui, to bè, áng chừng bằng bề ngang của bàn tay Cử. Con cá giãy giụa trong tay Dương Triếp, tay kia anh với lấy sợi chạc hóp để sẵn trên mui ghe xâu con cá từ mang ra miệng, rồi ngoắc dây lại, đem qua bên ghe Cử, treo vào cọc chèo.
- Chú làm chi rứa? - Cử hỏi.
- Đem về để chị Cử nấu canh khế cho mấy cháu ăn.
- Bậy nào! Để cho mấy đứa nhà chú. - Cử nói.
- Mấy hôm nay em vớt được phát lát, thia tho luôn, cả cá diếc nữa. Em biết phía bên trằm Thiềm anh không có cá phát lát to con thân dày như thế này, nó là cá cộ...
- Đúng là phát lát cộ, thân dày, vừa đen thui như cá tràu! Chỉ trằm Niêm mới có. Thôi chú đã gửi cho mấy đứa thì tôi xin... cám ơn chú. Này... đồng chí...
- Hử?... Anh... Đồng chí nói đi!
- Cán bộ nói hơn mười năm không sinh hoạt Đảng là tình trạng chung của các vùng miền ở trong thế kìm kẹp. Giữ vững được khí tiết, bảo toàn được lực lượng mà nằm chờ được cho tới nay là tốt. Nghe nói có nơi sau một thời gian ngắn bắt liên lạc được với Tổ chức, liền được khôi phục Đảng tịch. Nghe rứa tôi phấn khởi lắm. Nhưng còn lo là đồng chí cán bộ huyện Ủy này mới được đề bạt, từ trước chưa biết anh em mình. Tôi chủ động đề nghị củng cố Tổ chức cơ sở Đảng trước đây, thì anh ta có vẻ dè dặt, anh ta nói bổn phận của “các cụ” bây giờ là động viên con em, giúp đỡ cho con em hăng hái hoạt động. Cái hơi hưởng vậy có vẻ như xếp anh em mình vào diện già cả, nghỉ ngơi, và tích cực chăm lo bồi dưỡng đám trẻ...
- Cũng không phải hoàn toàn như vậy. - Dương Triếp thận trọng nói. - Thấy gần đây “ai” về cũng tìm gặp Thế.
- Đúng! - Cử tán đồng với nhận xét của Dương Triếp. - Cán bộ lấy chỗ Thế làm nơi trú đóng, trao đổi, hội ý, liên lạc... Nhất cử nhất động đều dựa vào Thế... Hôm vừa rồi triệu tập tôi lên gặp cũng do Thế đi báo.
- Họ đã có lời như vậy thì mình cứ ở đó mà giúp đỡ, động viên con em hăng hái tham gia. Con anh lớn, con em đang nhỏ, em bận nuôi con, không giao việc càng khỏe...
Cái từ “đồng chí” sau bao năm bị đóng kín, lúc này bật ra để gọi nhau Cử rất xúc động... Nhưng giờ đây Dương Triếp lại trở về với lối xưng hô cũ, khiêm nhường và lễ độ rất mực của anh ta... Cử còn nhớ ngày hai chị em Dương Triếp từ Hiền Lương mới ra, gặp nhau ở xóm Thiềm, Cử lúc bấy giờ đã xây dựng gia đình, còn Dương Triếp là cậu thiếu niên mới lớn, xinh tươi, khỏe mạnh, lễ độ, vui vẻ, chan hòa, cả xóm nhà anh Hồ, anh Ích và Cử đều xem Dương Triếp như cậu em rất đỗi thân quý. Về sau trở thành đồng chí của nhau, đã thân lại càng thân hơn. Giờ đây hoàn cảnh làm cho hai người ở trong thế kẹt, gặp nhau chỉ để giải tỏa những trăn trở bức xúc dồn nén trong lòng. Cử vấn thuốc mồi lửa cho điếu cháy đều rồi trao cho Dương Triếp, xong vấn cho mình, đoạn ngồi thòng chân xuống nước giọng từ tốn:
- Nói vậy chứ... không khỏe được mô! Tụi mình là đảng viên, phong trào mới nhen nhóm lại, mình đứng ngoài thế nào được?!
- Nhưng không đứng ngoài thì người ta có cho mình “đứng trong” đâu? Đáng ra cán bộ trên về bám cơ sở thì trước hết phải dựa vào những cốt cán kỳ cựu... Chẳng lẽ cả chi bộ chỉ còn lại một Thế là đủ tư cách đảng viên,
còn chúng ta thoái hóa, biến chất, thiếu năng lực hết cả
rồi sao?!
Dương Triếp nói và nở nụ cười mai mỉa. Nụ cười ấy chợt tắt giữa chừng khi mắt Dương Triếp bắt gặp nhóm ba bốn người đang đi ven trằm Niêm từ phía trong ra. Đó là những người ở thôn Niêm đi bứt choại, bẻ chổi rành. Choại tươi rất nặng, chổi rành tương đối nhẹ hơn. Ai cũng gánh nặng kĩu kịt trên vai. Họ càng đi đến gần, Dương Triếp và Cử nhìn thấy rõ vợ Thế đi tay không, vai không gánh gồng chi hết. Bên cạnh có một thanh niên đang gánh, bước đi thong thả. Cả Dương Triếp và Cử nhanh chóng nhận ra đó là Đoàn Văn Hoạt. Thời gian gần đây cán bộ trên về, nằm ở hai xóm Phú An - Đức Tích, cho người ra thôn Niêm nghe ngóng tình hình, nếu không có địch thì buổi chiều hoặc buổi tối cán bộ ra. Người làm nhiệm vụ trinh sát, tiền trạm thời gian này là Đoàn Văn Hoạt. Bà con chung quanh không có cái nhìn “nghiệp vụ” như Dương Triếp và Cử, nên thời gian gần đây có lời bàn tán cho rằng Đoàn Văn Hoạt thấy Ngần - con gái nhỏ của Thế xinh tươi quá nên cứ muốn lăn vào. Quả thật nhà Thế có hai con gái là Trong và Ngần cô nào cũng sắc nước hương trời. Trong mới mười bảy tuổi đã có đám khá giả nhất làng đến xin dạm hỏi và đã gả. Ngần mới mười bốn tuổi, rất giống o Thiêm và đẹp hơn o Thiêm, đẹp hơn cả chị Trong. Chàng trai nào cũng ngấp nghé muốn được làm thân. Trong dòng họ với nhau thì các anh các cậu đều tỏ lòng yêu mến và luôn chiều chuộng Ngần. Khác dòng họ thì tìm đủ mọi cách để được gần. Các chàng trai họ Nguyễn Khoa lúc này được các chàng ngoại tộc quan tâm săn đón mục đích để được làm thân với Ngần. Những người có vợ rồi thì lấm lét mơ mộng thèm muốn hai chị em con nhà Thế lắm, nhưng không làm chi được. Hoạt may mắn được giao nhiệm vụ hàng ngày đi từ Phú An - Đức Tích ra thôn Niêm nghe ngóng mọi động tĩnh. Đến nhà Thế, Hoạt được Ngần nấu cơm cho ăn, rót nước cho uống, được chuyện trò. Có khi Hoạt còn phái Ngần đi cảnh giới rồi về báo cáo tình hình cho Hoạt. Đôi má bầu bĩnh trắng ngần, đôi mắt đen long lanh, cái miệng nhỏ xinh với đôi môi hồng, đôi hàm răng trắng đều đặn... Ngần hăng say báo cáo mọi động tĩnh vừa nghe ngóng được trong xóm cho Hoạt nghe, Hoạt sung sướng lịm người... Càng về sau này Hoạt thấy mình đã cướp thời cơ làm được một việc cực kỳ có lợi. Khi cán bộ về nằm vùng ở Đức Tích, đến lân la hỏi chuyện bà con hầu hết là người già phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông con trai thế hệ trước thì thoát ly gia đình hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp, thế hệ sau thì bị bắt đi quân dịch cho chính quyền Sài Gòn. Hoạt lọt sổ quân dịch là nhờ tay Xã trưởng bao che khai man Hoạt bị bệnh lao. Hai mươi năm trước mẹ Hoạt là cô gái xóm rú có nhan sắc mặn mà, cách vài hôm lại gánh trái thơm, dưa hường, dưa hấu xuống bán chợ Hôm Ưu Điềm. Một lính bảo an ở đồn Ưu Điềm sau nhiều lần đón đường, gạ gẫm cô không được, bữa nọ y đã kéo cô vào xóm Vìn thôn Bàu gần chợ cưỡng hiếp cô. Ngày cô gái hoảng sợ nhận ra mình đã mang thai thì có người đàn ông hiếm muộn cùng xóm nhận cái thai ấy là của mình. Cô gái không muốn làm buồn lòng cha mẹ, muốn giấu kín sự việc nên đã nhận lời về chung sống với người đàn ông hiếm muộn lại vừa mới góa vợ. Hoạt mang họ của ông. Mấy năm sau người đàn ông này qua đời. Tên lính Bảo an ngày xưa giải ngũ về làng, thừa kế tài sản của cha, làm một đại điền chủ, được chính quyền Sài Gòn phong cho chức Xã trưởng, lương bổng không nhiều nhưng đầy quyền lực. Nhà của Xã trưởng còn là nơi tụ họp ăn uống, đánh bạc và các trò giải trí khác của các nhân viên hành chánh cấp quận, cấp tỉnh. Biết được hòn máu lưu lạc của mình đang lớn lên từng ngày tại xóm Rú Phú An, một hôm lấy cớ đưa các quan trên đi kinh lý điền dã, Xã trưởng đã gặp đúng con trai của mình với người con gái nhan sắc ngày xưa bây giờ đã luống tuổi nhưng trông vẫn ưa nhìn. Nhưng điều quan trọng là Hoạt giống hệt cha. Y run rẩy khi nhìn thấy chân dung mình hơn hai mươi năm về trước. Từ đó Xã trưởng âm thầm lén lút giúp đỡ mẹ con Đoàn Văn Hoạt. Từ khi cách mạng giải phóng về, Xã trưởng không dám bén mảng lên thôn Niêm, không dám vào xóm Rú Phú An nữa, nhưng vẫn không mất liên lạc với đứa con trai - mà theo ông là khôn ngoan, lanh lợi, đầy bản lĩnh - giống ông. Chứ không như cậu công tử nhà ông chẳng chịu học hành, chỉ biết ăn chơi phá tán. Cứ cách vài hôm mẹ của Hoạt đi chợ bán rau trái hái trong vườn. Xã trưởng thường cho người giúp việc tin cậy ra chợ giả vờ mua rau trái, đưa cho mẹ Hoạt một phong bì, bên trong đựng tiền và một bức thư ngắn người cha gửi cho con trai.
Thể theo lời dặn của cha, đọc thư xong thì đốt thư ngay. Nhiều khi cả tuần không thấy mẹ Hoạt ra chợ, Xã trưởng sốt ruột lắm. Cẩn thận hơn, về sau tiền giao tận tay, còn thư gửi cho con ông vấn vào điếu thuốc lá. Ở chợ về mẹ Hoạt khi thì ngậm điếu thuốc mà không hút, khi thì dắt điếu thuốc trên mép tai. Cán bộ nằm vùng thấy ở xóm Rú có chàng thanh niên con nhà bần nông, mồ côi cha, sống với mẹ trong nếp nhà gỗ rộng rãi thoáng mát. Vốn được người cha họ Đoàn cưng chiều, nên khi còn sống ông đã cõng Hoạt đi tìm thầy học. Trước khi chết ông trăn trối với vợ cho con tiếp tục đi học. Nên mặc cho các bạn cùng lứa thất học, Hoạt có bằng tiểu học rồi mới ở nhà giúp mẹ làm ruộng rẫy. Cán bộ trên về thấy Hoạt có tư chất thông minh, viết chữ đẹp, lanh lợi nên vừa ý lắm. Cán bộ hỏi ở thôn Niêm ai là người tốt nhất, đáng tin cậy nhất, Hoạt liệt kê một số người, đứng đầu là Thế. Cán bộ đã thẩm tra thông tin này như thế nào Hoạt không được biết, chỉ thấy càng ngày Thế càng gắn bó với cán bộ, có thể nói ông là hạt nhân tích cực của phong trào ở thôn Niêm. Điều đó có nghĩa là nhận định ban đầu của Hoạt rất đúng đắn. Vừa được việc chung lại lợi việc riêng! Hoạt phấn chấn lắm. Để tránh bất lợi về chính trị, Hoạt nhắn với Xã trưởng là từ nay thôi đừng gửi thư gửi tiền cho mẹ con anh ta nữa. Người cha đã lặng lẽ thực hiện đúng yêu cầu của con trai.
Vào đến sân nhà Thế, Hoạt đặt gánh choại xuống rồi rút khăn lau mồ hôi. Vợ Thế vào nhà cất liềm, cất nón rồi đi xuống bếp, bưng nồi nước chè xanh đang sôi đượm trên bộ táo kiềng hừng hực lửa, rót đầy bình, xong bưng lên nhà. Hoạt đang ngồi ở bộ bàn tiếp khách đặt ngay ngắn trước gian thờ. Vợ Thế rót nước mời Hoạt rồi trở lại gian bếp, cùng lúc Thế từ ngoài ngõ lật đật bước vào nhà.
Hoạt và Thế đang chụm đầu nhỏ to bàn bạc trao đổi bên những ly thủy tinh sóng sánh và thơm lừng mùi nước chè xanh quyện với mùi gừng tươi thì Ngần rón rén đi vào. Cất nón xong, Ngần khẽ đi vòng ra phía sau lưng cha mình đứng đợi cho cha và Hoạt ngưng câu chuyện để báo cáo tình hình mà Ngần vừa đi một vòng quanh thôn nắm bắt.
Hoạt chăm chú ngắm khuôn mặt xinh tươi rạng rỡ của Ngần, vừa nghe Hoạt vừa gật gật đầu khen: “Rất tốt! Rất tốt!"
Khi Ngần dưới bếp bước lên với đôi má đỏ lựng vì hơi lửa, thấy Hoạt đang chuẩn bị đi, Ngần nói:
- Sắp có cơm rồi, anh đợi ăn cơm xong hẵng đi!
Thế gạt ngang:
- Cơm nước chi! Để anh đi cho kịp việc!
Nắng đã bắt đầu gay gắt. Hoạt men theo mép nước trằm mà đi cho đỡ nóng. Hoạt sải bước rất dài, có lúc chạy, chốc lại nhìn kim đồng hồ.
Vừa về tới đầu xóm đã thấy cán bộ ra đón. Hoạt lễ phép chào rồi cùng cán bộ rảo bước về nhà. Vừa đi vừa tranh thủ báo cáo. Bước vào nhà thấy cơm đã dọn sẵn trên bàn. Mẹ Hoạt đang lay hoay trong bếp. Bà chưa bao giờ cùng ngồi ăn với cán bộ, bởi bà hiểu lúc ăn cơm cán bộ thường tiếp tục trao đổi bàn bạc công việc với con trai mình. Bà thường xuống khe rửa ráy giặt giũ vừa làm nhiệm vụ cảnh giới mà cán bộ giao phó.
Cơm trưa nay có món cá mại lẫn cá hỏn kho mặn với trái ớt tươi xé nhỏ đỏ lòm, món dưa môn chấm nước mắm gừng, canh dưa hường nấu với cá tràu lẫn tôm thịt, cơm gạo đỏ thơm dẻo... Hai thầy trò ăn rất ngon miệng. Cơm xong, uống một ly nước chè xanh thật sảng khoái.
Cán bộ bước sang chái tây kéo từ ba lô của mình ra một đai lưng bằng vải bố, trên đai cài sẵn một dao găm, một lựu đạn và một cây súng K54. Gọi Hoạt vào, cán bộ trao đai lưng bảo cài chồng lên lưng quần, xong phủ áo sơ mi ra ngoài. Hoạt ngỡ ngàng xúc động răm rắp làm theo chỉ dẫn.
- Đây là vũ khí cách mạng giao cho đồng chí để giết giặc! - Cán bộ dõng dạc nói.
Hoạt chỉ biết vâng dạ lí nhí chứ không thốt được lời nào, bởi quá mừng rỡ vì bất ngờ được trang bị vũ khí đồng bộ, đầy đủ, và tuyệt vời hơn hết là khẩu K54
mới toanh.
Rót đầy các bi đông nước đặt vào túi ba lô cho cán bộ và cho mình xong, Hoạt được lệnh lên đường.
Hoạt không quên cầm theo cây cạc bin đã lên đạn sẵn dựng ở góc nhà kia. Nó đã theo Hoạt như hình với bóng kể từ khi được nhận nhiệm vụ, được phát súng và được học bắn. Hôm cán bộ dạy cho cách sử dụng súng CKC, cạc bin, chứ chưa hề có súng ngắn K54, cán bộ cho mượn cây súng ngắn K59 của cán bộ để học bắn, học xong giao trả lại liền, nghĩ đời mình biết khi nào mang được cây súng ngắn cho oai vệ như cán bộ. Nào ngờ hôm nay bất ngờ được trang bị cây súng K54, Hoạt cứ tưởng mình nằm mơ.
Đầu giờ chiều Hoạt cùng với cán bộ trở lại nhà Thế với những vũ khí mới được trang bị, tuy không phô ra ngoài mà lấp ló dưới vạt áo sơ mi màu xanh lá cây. Người đầu tiên nhìn thấy Hoạt có đầy đủ dáng vẻ của một cán bộ giải phóng là Ngần. Phong cách tư thế của anh giờ đây hoàn toàn giống y hệt những cán bộ mà Ngần được gặp, giống hệt người cán bộ Huyện ủy đang đi cùng với anh. Ngần chợt dấy lên ý nghĩ đó khi vừa trông thấy Hoạt và lặng lẽ ngắm Hoạt. Ngần tất bật pha nước chè xanh bưng lên, nhắc mẹ chiều nay đi chợ nhớ mua thêm thức ăn để nấu cơm cho cán bộ. Ngần còn dúi cho mẹ tờ giấy bạc hai chục, nhờ mẹ mua cho mấy cục pin với hộp sữa tối nay mang cho anh ấy.
Đêm hôm đó cán bộ triệu tập dân tới họp. Sau cuộc họp bắt theo Dương Triếp. Chính Hoạt cũng lấy làm ngạc nhiên trước sự việc này. Đúng thôi, vì anh mới tham gia cách mạng, những việc lớn lao như thế làm sao anh được phép biết. Chỉ đến khi cán bộ đưa dây bảo anh trói Dương Triếp thì anh trói. Sau đó bảo dẫn đi thì dẫn đi. Nhưng điều khó khăn và bất ngờ hơn cả là khi tới chỗ một bãi cát rộng, cây mọc thưa thớt, cán bộ gọi anh đến bên, chỉ thị cho anh dùng con dao ban chiều vừa được trang bị đâm Dương Triếp từ phía sau. Cán bộ nói nếu hắn chưa gục thì cứ tiếp tục nhiều nhát. Mới được nghe chỉ thị Hoạt cảm thấy rờn rợn, nhưng dưới ánh sáng yếu ớt của con trăng thượng tuần đôi mắt của người chỉ thị rực lên, nói đúng hơn là long lên, tia nhìn phóng ra nhọn hoắt như những mũi dao. Đoàn Văn Hoạt cảm thấy như có những con kiến bò trên đầu, trên cổ, trên vai, trên ngực mình... Hoạt đưa tay lên khẽ gãi ở vành tai, rồi tiện tay đưa thẳng lên cao, hai chân chụm lại, ngọng rắn rỏi:
- Vâng, xin chấp hành mệnh lệnh của cán bộ!
Nói rồi tuốt dao ra khỏi thắt lưng lao tới làm ngay.
- Hự!... Hực!... Ối!...
Cái thân người gục xuống, kéo theo cả con dao làm Hoạt chao nghiêng theo. Hoạt rút vội dao ra, gượm đứng thẳng. Máu phun thành vòi, ướt cả bàn tay, cánh tay, ướt cả ngực áo và cả mặt Hoạt. Ánh trăng mờ không nhìn thấy rõ, nhưng Hoạt cảm nhận rất chính xác các vị trí dính máu trên cơ thể mình, vì máu ấm nóng, phun chạm vào đâu biết ngay đến đấy.
Cán bộ dùng chân dép hất cát lên thi thể nằm sấp. Hoạt cúi xuống vốc cát bằng cả hai tay ném vào, lùa vào, xô mạnh vào. Ba bên bốn bề đều được lấp cát.
- Được rồi! - Cán bộ nói. Hoạt ngừng tay ngẩng lên, mồ hôi chan ướt mặt. Vầng trăng bị mây che khuất hay sao mà lúc này Hoạt không trông thấy gì hết! Phải gần một phút sau mắt Hoạt mới hết tối sầm, mới lại nhìn thấy các phương hướng và lầm lũi bước theo cán bộ. Vào tới xóm Phú An thì kim dạ quang đồng hồ trên tay mỗi người đều chỉ 1 giờ 15.
Một giấc ngủ ngắn và đầy mộng mị không rõ hình thù. Sáng sớm Hoạt ra khe tắm, giặt quần áo. Khi trở vào thấy mẹ đã nấu chín cơm. Hoạt giúp mẹ dọn cơm lên bàn rồi đi mời cán bộ. Cán bộ cũng thức dậy từ lúc nào đang ngồi ghi chép vào cuốn sổ tay, thấy Hoạt, cán bộ tươi
cười hỏi:
- Ngủ tốt chứ?
- Dạ... dạ tốt.
- Hay! Hay lắm! Hôm nay Huyện ủy thông báo với đồng chí một tin quan trọng...
Hoạt khựng lại trong giây lát, bất ngờ cảm động vì hai tiếng “đồng chí” vừa buột ra trên môi của thượng cấp với vẻ trang trọng khác thường. Hoạt bước tới gần hơn. Thượng cấp bảo Hoạt ngồi xuống rồi nói:
- Như đã có lần tôi nói với đồng chí, là thông qua công việc mà chọn những phần tử ưu tú để đưa vào đứng trong hàng ngũ của Đảng tiên phong. Thời gian qua theo dõi thử thách thấy đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay Huyện ủy thấy thời cơ đã chín f9c muồi, Huyện ủy quyết định kết nạp đồng chí vào Đảng. Đáng lý ra phải làm nhiều thủ tục, nhưng có những trường hợp đặc biệt cho phép bỏ qua một số nguyên tắc để kết nạp, kịp động viên phong trào...
Cán bộ đang nói, nhưng Hoạt không còn nghe thấy hết để hiểu hết những điều cán bộ nói. Hoạt cảm thấy như mình đang bồng bềnh lơ lửng, thực thực hư hư... Trên tay Hoạt lúc này là một tờ giấy trắng kẻ carô chìm vừa được bứt ra từ cuốn sổ tay của cán bộ, với cây bút của cán bộ vừa đưa cho và quyển Điều lệ Đảng Nhân dân Cách mạng nhỏ bằng ba ngón tay...
Lễ kết nạp đảng viên mới được thiết kế trước gian thờ nhà Hoạt. Tấm màn lụa nền đỏ hoa vàng lá xanh buông xuống, cán bộ bảo Hoạt đứng nghiêm nhìn tấm màn đó và tưởng tượng ở đấy có treo lá cờ đỏ búa liềm vàng rồi dõng dạc đọc lời tuyên thệ.
Sau lễ kết nạp Hoạt được bổ nhiệm ngay chức Xã đội trưởng. Tuy đã được học thuộc lòng nhưng lúc tuyên thệ Hoạt cứ lắp bắp lúng túng. Bởi ngay chính giây phút đó, Hoạt nghĩ đến người cha ruột thịt của mình. Tính từ lần gặp nhau cuối cùng đến nay vừa tròn bốn tháng. Cũng thời gian đó sau khi có lời của Hoạt, người cha ruột thịt dẫu nhớ thương con cũng bấm bụng làm ngơ, không thư từ, không thăm hỏi, không quà cáp - như ý muốn của con để cho con vui lòng. Hoạt là của trời cho, là món quà bất ngờ đối với người cha ruột thịt của mình. Cái bí mật này nếu mà rò rỉ ra thì chẳng bao giờ Hoạt được cán bộ cách mạng tin dùng, còn dám mơ chi việc kết nạp anh vào Đảng. Hoạt nghĩ vậy rồi cảm thấy như có một luồng khí lạnh chạy khắp cơ thể. Hoạt kịp thời lấy lại sự thăng bằng vừa tự nhủ: phải giấu kín cái “vùng lõm” này của lý lịch là nhiệm vụ quan trọng số một của đời ta kể từ giờ phút này!
Đầu giờ chiều, trước lúc lên đường đến các thôn miệt dưới của xã Phong Dinh gồm thôn Ba, thôn Tư, thôn Bàu, thôn Chùa..., cán bộ đã thông báo cho Xã đội trưởng biết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài, là diệt ác ôn, phá thế kèm kẹp để tạo điều kiện cho nhân dân đồng loạt nổi dậy. Trấn áp, bắt đưa đi học tập cải tạo những phần tử chậm tiến. Bồi dưỡng những hạt giống đỏ, làm hạt nhân tích cực gây dựng phong trào... Khi nghe phân tích tình hình Hoạt mới biết tội của Dương Triếp là mật vụ chỉ điểm. Vừa thoạt nghe, trong Hoạt lập tức dấy lên một câu hỏi: Dương Triếp quanh năm suốt tháng một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời, anh ta không mấy khi rời khỏi thôn xóm mình - theo lời Ngần thì vài ba năm dượng Triếp o Thiêm mới vào Hiền Lương viếng mộ cha mẹ một lần - vậy anh ta làm gì, gặp ai, gặp lúc nào để mà chỉ điểm? Thắc mắc trong lòng vậy thôi, chứ Hoạt không dám hỏi. Còn cái danh sách ác ôn ở xã Phong Dinh mà cán bộ vừa điểm qua cho thấy có cả người cha đẻ của Hoạt. Người cha địa chủ Xã trưởng được liệt vào thành phần ác ôn đầu sỏ cần phải tiêu diệt gấp: Tô Xướng!