- giờ đây đã được hoàn toàn giải phóng cùng với các thôn khác của làng Ưu Điềm, và một số làng của xã Phong Dinh - mà là tại nhà của Nguyễn Đăng Cử ở xóm Thiềm, Bí thư Huyện ủy tuyên đọc quyết định Đoàn Văn Hoạt được giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phong Dinh. Khi trao quyết định vào tay Hoạt, Bí thư lại nói cái điều mà trước khi tuyên đọc quyết định đã nói - là vì hoàn cảnh không cho phép Đại hội Đảng để bầu cử đúng như Điều lệ, nên phải linh động đề cử đồng chí giữ chức vụ này sau khi đã thông qua sự nhất trí của tập thể Thường vụ Huyện ủy (Thực ra Thường vụ có ba người, mà tuần trước khuyết một, chưa có nguồn bổ sung. Cái gay gắt nhất bao giờ cũng là nguồn cán bộ. Lấy đâu ra?!).
Theo nhận xét đánh giá của Bí thư Huyện ủy: Một năm qua Xã đội trưởng đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Vì địa bàn thiếu cán bộ nên công tác địch vận cũng do Hoạt kiêm nhiệm. Đã kêu gọi nhiều binh lính ngụy rã ngũ, đã tiêu diệt được nhiều ác ôn tề điệp, chỉ tiếc là tên ác ôn đầu sỏ Xã trưởng Tô Xướng khôn ngoan quá, tinh ranh xảo quyệt luồn lách như chạch nên mấy lần tưởng đã xử tử được, nhưng lại chưa...
Các binh lính Việt Nam Cộng hòa rã ngũ thường mang vũ khí về giao nộp cho cách mạng, rồi ở nhà làm ruộng rẫy, có người gia nhập bộ đội địa phương. Duy chỉ một trường hợp vừa rã ngũ trở về làng hôm trước, hôm sau trốn đi biệt tích, đó là Trân ở xóm Thiềm. Trân bỏ xứ đi một thời gian rồi một cô gái ở thôn Niêm cũng trốn nhà ra đi, đó là Sinh. Sinh bị sẹo đầy mặt vì lúc mẹ ở cử đã vào ý để đứa con sơ sinh của mình ngã úp mặt vào chặn lửa than đỏ rực. Sinh được cứu sống, được nuông chiều. Nhà Sinh ở cạnh nhà ông Hường - chung một hàng rào hóp phía bên phải. Hai nhà đi lại gần gũi thân thiết. Ở tuổi thiếu niên Sinh và Dương Triếp lớn lên cạnh nhau, nên thỉnh thoảng Sinh trở thành đối tượng cho Dương Triếp trêu chọc đến phát khóc, còn lòng Dương Triếp thì đã sớm hướng về Thiêm nhà ở phía bên trái vườn nhà ông Hường. Thế nhưng hôm Dương Triếp bị giết, Sinh đã kêu thét lên và bật khóc nức nở - khi hay tin Thiêm vừa tìm thấy xác chồng - rồi một mình đưa xác trở về với cái bụng chửa vượt mặt. Sinh cũng là người không gìn giữ ý tứ chi, một mình mua đồ lễ đến phúng điếu Dương Triếp...
Từ nhà Nguyễn Đăng Cử bước ra, tân Bí thư Đảng ủy xã cùng đi công tác với Bí thư Huyện ủy xuống vùng sâu. Chạng vạng tối hôm đó bị địch phục kích. Bí thư Huyện ủy hy sinh. Bí thư xã bình an vào sự trở về. Sáng sớm ngày hôm sau địch cho xe kéo xác Bí thư Huyện ủy lên phơi trên Quốc lộ I trước mặt trụ sở Hành chánh quận Phong Điền. Buổi trưa vợ của Bí thư Huyện ủy từ xã vùng sâu đi lên Phong Dinh gặp và bàn bạc với Đoàn Văn Hoạt tại nhà Nguyễn Đăng Cử. Sau đó cùng đi qua nhà Nguyễn Khoa Thế ngồi khóc lóc vật vã một lúc, rồi cùng với mấy bà mẹ tuổi trên dưới sáu mươi do Hội Phụ nữ xã Phong Dinh bố trí - đi lên quận xin xác Bí thư đem về chôn. Bọn địch nạt nộ mắng nhiếc sỉ vả một hồi rồi cũng cho đem xác về, với điều kiện xác phải được đưa đi ban ngày, tuyệt đối không được đưa đi ban đêm! Bây giờ cuối buổi chiều rồi, không kịp nữa, nên phải đợi đến sáng mai. Xác phải buộc dây cho xe ô tô kéo lê dọc đường như lúc kéo đến đây...
Những người phụ nữ khóc lóc van xin bớt đi điều kiện sau cùng, vì tính đến sáng mai xác chết đã hơn ba mươi sáu tiếng đồng hồ, trời lại nắng nóng xác đã bắt đầu trương phình lên, nếu làm theo cách đó thì thịt da người chết sẽ bị vỡ nát dọc đường...
Kẻ địch vặc lại:
- Vậy thì khi tên đầu sỏ Việt cộng này ra lệnh đâm chém nhiều người, hắn có tính đến việc máu thịt người ta tuôn chảy đầy mặt đất không? Hắn làm cho bao nhiêu đứa con mất cha, bao người vợ mất chồng, trong số đó có người nguyên là đồng chí của bọn hắn nữa đấy! Dẹp đi, cái giọng điệu của các người! Nếu không đồng ý như vậy thì để cái xác đó, không cho đem về! Để bêu vài hôm nữa rồi cho xe cam nhông xúc đổ!
Những người phụ nữ khóc òa van xin rằng sẽ làm đúng như lệnh.
Sáng sớm mai chiếc xe đò được người quả phụ thuê lái chầm chậm kéo xác Bí thư về đến cầu Phước Tích không thấy địch giám sát nữa, mọi người cùng bế xác Bí thư đặt lên xe, chạy một mạch về nhà để khâm liệm.
Trong thời gian chưa có Bí thư Huyện ủy mới, Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Hoạt chủ động làm việc trên tinh thần của các nghị quyết cũ, chỉ thị cũ. Ngoài ra Hoạt còn linh động cho kết nạp thêm một số đảng viên mới, chỉ đạo sâu sát các Hội, Đoàn, đề ra nhiều hình thức sinh hoạt vui tươi, sinh động và thân mật.
Có thể nói phong trào cách mạng xã Phong Dinh như được thổi một luồng sinh khí mới kể từ ngày có Bí thư mới. Kể từ khi giữ chức Xã đội trưởng, Hoạt mãi bận công tác ít khi về nhà. Thời gian này Hoạt càng bận hơn, chừng vài tuần mới ghé qua nhà một lần, nhỏ to trò chuyện với mẹ một lát rồi đi ngay. Mẹ của Hoạt khi thì đi chợ Hôm Ưu Điềm, khi thì đi chợ quận lị Phò Trạch. Mua được món gì ngon thường ghé qua thôn Niêm gửi ở nhà Nguyễn Khoa Thế, hoặc ghé xóm Thiềm gửi ở nhà Nguyễn Đăng Cử, hoặc nhà vợ chồng ông Ích, chị Thỉu để cho Hoạt ăn uống tẩm bổ sức khỏe. Chị Thỉu đã gá nghĩa với ông Ích sinh được gái đầu lòng là Thắm, bà Sa mừng lắm, giành lấy ẳm bồng chăm sóc cho chị Thỉu rảnh tay. Càng mừng hơn khi bé Thắm lên ba tuổi chị Thỉu lại có mang, sinh ra cu Tích. Sau cái chết của Dương Triếp, chị Thỉu khóc em trai đến cạn nước mắt. Chị đau một trận rất nặng, tưởng không qua khỏi. Bà Sa chạy chữa hết thầy hết thuốc mới cứu được chị Thỉu. Sau khi Bí thư Huyện ủy hy sinh vài hôm, Hoạt ghé nhà ông Ích thăm và động viên chị Thỉu. Có cán bộ cách mạng tới ân cần thăm hỏi, chị Thỉu cảm thấy lòng vơi nhẹ đôi phần đau đớn tủi nhục. Thời gian sau Hoạt thường lui tới ăn ở tại xóm Thiềm. Khi thì nhà ông Cử, khi thì nhà ông Ích. Với chị Thỉu, Hoạt nói:
- Việc đời ai làm nấy chịu. Chú Dương Triếp có thế nào... nhưng o Thỉu, hai bác Ích tốt với cách mạng thì cách mạng vẫn tin tưởng.
Từ đó Hoạt thường xuất hiện ở nhà ông Ích. Tiến xa hơn một bước nữa - một trong những cái hầm bí mật của Hoạt là do gia đình ông Ích làm cho, và chị Thỉu là người hàng ngày cảnh giới, đưa cơm nước xuống hầm cho Hoạt. Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm chức Xã đội trưởng thường làm việc với Xã đội phó Nguyễn Đăng Tri mỗi ngày sau bữa ăn sáng tại nhà riêng của Xã đội phó. Xã đội phó Nguyễn Đăng Tri là con trai đầu của Nguyễn Đăng Cử. Cùng tham gia đội du kích với anh trai còn có Nguyễn Thị Miến mười bảy tuổi, sau Miến có Tam có Hoàng và út Thảo. Nhà ba trai hai gái, ăn như tằm ăn lên! Hai đứa lớn từ ngày tham gia du kích ít có thời gian giúp cha mẹ nên vợ chồng Nguyễn Đăng Cử quần quật làm nuôi đàn con. Vợ nuôi heo nái, heo thịt, nuôi gà. Chồng quần quật trên mấy sào ruộng với rẫy thuốc lá và khoai sắn. Cu Tam mười bốn tuổi đã giúp cha được một số việc, nhưng gần đây cứ năn nỉ đòi đi du kích. Anh của Tam hứa khi nào Tam cao hơn một chút nữa sẽ cho gia nhập du kích, vì bây giờ Tam thấp quá, e rằng mang cây súng CKC sẽ kéo lệt bệt trên mặt đất! Được anh hứa, Tam thích lắm, nên dạo này Tam tỏ ra rất ngoan, không những đối với ba mẹ mà anh Tri chị Miến sai bảo việc gì em cũng tích cực làm, sốt sắng làm và làm tốt, trong đó có việc mỗi buổi sáng vờ đi chơi hái trái muồng chuỗng, bắt con châu chấu, chuồn chuồn để thăm dò coi có địch không. Mỗi người được phân công một mũi. Mũi của Tam là dọc về phía cầu Mụ Dé. Cũng những ngày gần đây Nguyễn Đăng Cử khá phấn khởi khi Bí thư Huyện ủy hứa rằng sắp tới Thường vụ sẽ xét phục hồi Đảng tịch cho anh. Lời hứa được mấy ngày thì Bí thư Huyện ủy hy sinh. Nguyễn Đăng Cử nơm nớp lo lắng và chờ mong. Nguyễn Đăng Cử hỏi Bí thư Đảng ủy Đoàn Văn Hoạt. Hoạt nói:
- Bí thư Huyện ủy hứa vậy nhưng không biết đã đưa vấn đề ra cho tập thể Thường vụ Huyện ủy bàn bạc chưa. Thường vụ có ba, đã mất hai... Bây giờ hãy chờ đợi...
Chờ đợi và chờ đợi. Một hôm địch mở trận càn với quy mô lớn, mà cuộc hành quân thì bí mật tiến hành trong đêm. Xe pháo đậu trên quốc lộ. Quân địch lặng lẽ bò vào làng. Sáng ra thấy địch lố nhố khắp nơi. Vì lực lượng không cân sức nên bộ đội địa phương và du kích không chống càn mà rút xuống hầm bí mật hết. Bà con dân làng ai nấy vào cùng hốt hoảng, vì vừa đậy nắp hầm cho cán bộ, bộ đội xong là địch đã đến sát bên lưng. Nhiều người dân bị bắt, bị tra tấn bắt chỉ chỗ ẩn nấp của cán bộ, bộ đội. Bà con kiên quyết không khai báo, địch càng tra tấn hết sức dã man. Nguyễn Đăng Cử cũng vừa đậy nắp hầm cho hai con mình và hai hầm khác cho năm đồng đội của con xong, vừa về đến nhà đã thấy địch lố nhố ở mép nước con hói trước mặt nhà. Nhìn vào chuồng heo thấy đàn heo mười hai con với con mẹ đang vục mỏm ăn ngon lành máng cháo tấm nếp. Ông Cử vội tháo chuồng xua hết đàn heo ra ngoài cho nó chạy tán loạn, để nếu địch có bắn chết vài ba con thì còn đỡ, chứ để chúng ở hết trong chuồng thì địch sẽ bắt sạch! Đàn heo còn luyến tiếc máng ăn nên chưa chịu rời xa, ông Cử phải dùng sào đánh con mẹ, xua đuổi đàn con chạy tản mác trên trảng cát, chui vào lùm, bụi... xong ông nhanh chóng quay về thì thấy mấy tên địch đang ở trong nhà nạt nộ vợ con ông. Ông Cử lùi lại, chui vào đống rơm, lấy rơm phủ quanh mình, lắng nghe bọn địch hỏi vợ ông rằng chồng và con lớn đi đâu? Vợ Cử đáp: Chồng và đứa lớn đi vào trằm gánh nước tưới thuốc lá xong rồi bẻ thuốc lá, chưa về. Một tên lính hỏi cu Tam hầm cán bộ ở đâu. Cu Tam trả lời không biết. Nghe tiếng cu Tam thét lên, tiếp đến là tiếng thét của vợ Cử, rồi tiếng khóc của hai đứa nhỏ. Cử dằn mình cố nén trong đụn rơm. Khi bọn địch kéo nhau đi hết, Cử nhanh chóng lẻn vào nhà, mới biết cu Tam bị chúng xách tai, đá đít, còn vợ Cử bị đập bằng báng súng, máu đầu chảy lênh láng, nằm ngất xỉu. Cử bồng vợ đặt lên giường, băng bó vết thương cho vợ vừa dỗ đàn con. Ông lo lắng hỏi:
- Mạ mấy đứa thấy trong người ra răng?
- Tui tỉnh là được rồi. Tui có chết cũng không lo, chỉ lo cho mấy đứa…
Vợ Cử trả lời chồng, giọng thều thào, rồi dỏng tai lắng nghe tiếng súng bắn, tiếng la hét của bọn địch trên trảng cát, nơi những lùm cây bụi rậm có hầm bí mật của các con và đồng đội…
Ông Cử cũng hết sức lo lắng, nhưng cố trấn an vợ:
- Mấy lần trước bọn chúng cũng đi càn, cũng xăm xới khắp nơi, mà làm chi trúng được…
Vợ Cử im lặng ôm chặt hai đứa nhỏ. Cử dặn cu Tam nếu bọn địch có trở lại con cứ nói cha vừa đi tưới thuốc lá về, anh con còn bẻ lá thuốc gánh nặng về sau.
Ông Cử vừa dứt lời thì một loạt tiếng nổ của súng máy với lựu đạn hòa lẫn trong tiếng la hét, chửi bới, tiếng kêu đầu hàng từ trên trảng cát sau lưng nhà ông, từ bên thôn Niêm, từ xóm Thượng… Ông không còn phân biệt được những đâu với đâu nữa… Lại hàng loạt tiếng nổ của súng máy, liên thanh, tiếng nổ của lựu đạn, súng ngắn… Ông Cử ôm thái dương ngồi sụp xuống bên cột nhà. Vợ và hai đứa con nhỏ ôm nhau co rúm ở góc giường… Một lát sau bọn địch từ trên máy bay trực thăng dùng loa gọi báo cho dân làng biết nhiều tên Việt cộng đã bị giết. Trong làng cũng dậy tiếng súng tiếng loa phóng thanh hòa với tiếng khóc. Một số hầm bí mật làm trong các khu vườn nhà, trong bếp bị máy dò tìm, rà, quật lên. Một số cán bộ, bộ đội, du kích bị bắn chết trong hầm, một số tung nắp hầm chiến đấu chống trả địch đến viên đạn cuối cùng...
16 giờ xe cam nhông nối đuôi nhau chạy vào làng. Sợ bọn địch kéo xác con em mình lên phơi trên Quốc lộ I, nên các lão ông lão bà khăn đóng áo dài đến quỳ lạy van xin chúng để xác lại, dẫu lúc này chưa biết đích xác là xác chết của những ai với ai. Nhưng là người đã chết, xin các ông để lại đây cho dân làng chôn, kẻo mà kéo đi như thế vừa mất vệ sinh môi trường, vừa nhọc công các ông. Bởi bây giờ trời cũng đã về chiều, chẳng mấy chốc mà trời lại tối, đi hành quân về mang theo cả xác chết thì vất vả lắm… Bọn địch chẳng những không nghe lời cầu xin mà còn quát mắng các bô lão. Một tên cầm máy bộ đàm báo cáo sự việc với chỉ huy. Thì ra bọn này chưa phải là chỉ huy cao nhất của trận càn, chỉ huy cao nhất của chúng đang ở một mũi tiến công khác. Tên cầm máy bộ đàm đợi chỉ huy nghe ngóng và quát tháo trong máy, hạ lệnh không kéo xác Việt cộng về. Tên cầm máy bộ đàm thể theo lời chỉ huy, ra giọng ân nghĩa với lời răn đe:
- Nể lời các người đã có tuổi, chỉ huy chúng tôi cho để xác lại đây. Con em của các người đi làm Việt cộng, chừng ấy đứa bị bắn chết, những đứa còn lại các người hãy lo mà kêu chúng về với chính nghĩa quốc gia...
Nói rồi chúng đi vơ vét những heo gà bị bắn giết bỏ lên xe, chuẩn bị rút quân (hẳn là trong số đó có những con heo sữa của ông Cử). Một số bà mẹ bắt gà vịt nhà mình bỏ thêm lên xe cho chúng. Những ổ gà mái ấp cũng bắt gà mẹ vừa gói theo ổ trứng…
Bọn địch rút hết rồi cả thôn làng vỡ òa trong tiếng kêu khóc đau đớn căm hờn. Xác những người hy sinh được đưa về nhà và khâm liệm trong đêm. Riêng thôn Niêm và hai xóm Thiềm, Thượng bị quật cả thảy năm chiếc hầm, giết chết bảy du kích, trong số đó có một hầm hai người do ông Cử đậy nắp và ngụy trang. May sao hầm ba người ở gần đó mà chúng nó không dò ra. Hầm hai đứa con ông Cử cũng được an toàn. Cán bộ, du kích và nhân dân tất bật suốt cả đêm đến sáng, pháo tầm xa bắt đầu dội về. Khốn nạn! Bọn địch biết mọi người sống ở đây đang tập trung để lo cho người chết nên chúng dập pháo tới tấp, chắc là muốn cho tất thảy mọi người cùng chết hết đây! Mấy lần gánh quan tài ra lại phải gánh vào... Xoay trở nhiều lần đến trưa đứng bóng thì việc mai táng các liệt sĩ cũng xong. Họ là trai chưa vợ gái chưa chồng, nên hầu hết là cha mẹ già khóc và để tang cho con trẻ. Đầu giờ chiều Bí thư Đảng ủy Đoàn Văn Hoạt triệu tập khẩn cấp cuộc họp Đảng ủy xã để nhận định và đánh giá tình hình. Có ba người dự họp, đó là Đảng ủy viên phụ trách mặt trận xã, đã luống tuổi - ông Thụy hiền lành và hơi nghễnh ngãng, một ủy viên phụ trách phụ vận - cô Chiên thường ở chung hầm với Hoạt, và Hoạt.
16 giờ từ cuộc họp bước ra, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch xã, kiêm Xã đội trưởng Đoàn Văn Hoạt lệnh cho anh chị em du kích qua xóm Thiềm ập vào nhà ông Nguyễn Đăng Cử bắt cả nhà trói lại rồi nghe đọc cáo trạng, gồm vợ chồng ông Cử, con trai lớn Nguyễn Đăng Tri đương chức Xã đội phó, con gái Nguyễn Thị Miến - du kích, liên lạc viên Nguyễn Đăng Tam và hai đứa nhỏ Nguyễn Đăng Hoàng tám tuổi, Nguyễn Thị Mơ bốn tuổi.
Bản cáo trạng do Hoạt thảo vội trong cuộc họp, giờ đây Hoạt đọc to cho mọi người có mặt cùng nghe: Gia đình Nguyễn Đăng Cử là tề điệp. Chính Cử đã chỉ điểm cho bọn địch xăm xới trúng các hầm bí mật bằng cách lúc địch đến, Cử đã giả vờ đi rượt đuổi đàn heo mà để lại ám hiệu trên các nắp hầm cho kẻ địch. Bằng chứng là một số hầm trên trảng cát sau lưng nhà Cử bị địch quật lên, các đồng chí của chúng ta đã hy sinh, riêng hầm của con trai và con gái Cử vẫn bình yên.
Có tiếng xì xào trong đám dân chúng vừa kéo đến:
- Rứa những căn hầm ở thôn Niêm bị quật lên thì do ai chỉ điểm? Lại nữa, ông Cử chuyên lo nuôi giấu ai thì chỉ biết hầm của người đó, chứ mần răng mà biết hết hầm của những người khác?
Lời thầm thì to nhỏ của vài cô bác đã được bàn tay nào đó của cô bác khác nắm khẽ vào vai, vào tay, nhắc bảo rằng hãy biết giữ mồm giữ miệng và cùng lúc bị át đi bởi giọng của Hoạt đang cố đọc to bản cáo trạng. Hoạt tiếp:
- Xã đội phó Nguyễn Đăng Tri và nữ du kích Nguyễn Thị Miến hẳn biết rất rõ việc làm của cha mẹ mình, mà không tố cáo, mà im lặng đồng lõa, gây tổn thất lớn lao cho cách mạng. Tội ác này phải được trừng trị kịp thời để làm gương cho kẻ khác...
Tiếng mấy anh chị em Nguyễn Đăng Tri cùng khóc thét lên hòa tiếng kêu oan thảm thiết của ông Cử. Vợ Cử ngửa mặt kêu trời rồi há hốc mồm cấm khẩu gục xuống, đôi mắt mở trừng trừng không nhắm lại được. Hai đứa nhỏ không bị trói lăn vào ôm mẹ khóc tức tưởi. Ba anh chị lớn và người cha bị trói thì cố nhoài người về phía người phụ nữ đang bị cấm khẩu, muốn đưa tay ra để nâng đỡ, để cấp cứu, nhưng bất lực...
Cảnh ấy làm động tâm một số người, nhưng không ai dám mở miệng nói gì. Còn những gia đình có con em vừa bị địch giết đang mang trong lòng nỗi đau đớn căm thù to lớn choán tràn cả bầu trời mặt đất, nỗi đau đớn căm thù bốc cháy ngùn ngụt trong trái tim mệt mỏi rã rời, nỗi đau đớn căm thù nặng tựa núi Thái Sơn không biết làm cách nào cất bỏ vào đâu cho vơi bớt, thì giờ đây đã có ngay chỗ để cất bỏ! Ra thế, kẻ thù không phải ai xa lạ! Hóa ra kẻ thù ở rất gần! Tiếng kêu máu đòi máu giết đòi giết trong bản cáo trạng của Hoạt bất ngờ có tiếng hô “đồng ý” rất to.
Trong nháy mắt, được lệnh của Hoạt, hơn mười du kích mang súng AK đạn lên nòng sẵn xăm xăm rẽ đám đông bước tới kéo các thành viên gia đình ông Cử ra ụ đất ở bìa vườn. Bất ngờ vợ chồng ông Ích chị Thỉu ùa vào, vợ chồng ông Hồ ùa vào, cùng với một số đông bà con cô bác thôn Niêm, xóm Thượng, xóm Thiềm giữ chặt cu Tam, giữ chặt cu Hoàng, bồng xốc bé Mơ lên, cùng run run cất lời van xin:
- Các cháu này còn nhỏ dại quá, xin cách mạng tha cho! Các cháu này còn dại khờ lắm, xin đừng giết!...
Một vài người quỳ mọp xuống trước Hoạt khóc lóc van xin, trong số đó người ta thấy có chị Thỉu là người thời gian gần đây trực tiếp nuôi giấu Hoạt.
Hoạt gạt phăng một cánh tay của ông Hồ đang ôm giữ cu Tam, vừa túm lấy ngực áo cậu ta xách lên nói:
- Ai bảo thằng này còn nhỏ dại? Thằng này được việc lắm đó!
Nói đoạn, Hoạt lôi cu Tam xềnh xệch - mặc cho cu cậu la hét khóc lóc, trì kéo... đến bên vợ Cử đã bất tỉnh. Hoạt buông tay vừa xô dúi cho Tam bổ xuống. Ông Cử, Tri và Miến đang một mực kêu oan đến khản giọng! Hoạt lại nắm tóc Tam giật cho cậu đứng lên rồi xô tới gần hơn bên những người thân xếp thành một hàng dọc dài. Cạnh đó các du kích đang bồng súng đứng chờ. Hoạt ra lệnh nổ súng. Hàng lọat tiếng nổ vang lên. Đạn bay chiu chíu. Các thây người gục ngã mà lời kêu oan vẫn còn thều thào thoát ra trên những đôi môi ứa máu. Ông Cử thét lên lời cuối cùng:
- Thằng Hoạt, chính mi mới là kẻ phản bội!... Mi
Hai hôm sau sự việc mới đến tai Phó bí thư Huyện ủy vừa được quyết định làm Bí thư. Ông gửi công văn hỏa tốc về xã Phong Dinh cho Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Hoạt. Người mang công văn về đến Phú An lúc xế chiều, vào nhà Hoạt, mẹ Hoạt nói mấy hôm nay không thấy Hoạt về. Công văn được chuyển ra thôn Niêm lúc trời vừa sẩm tối. Nhưng chậm mất rồi!
Cả thôn Niêm đang trong nỗi khiếp đảm kinh hoàng như vừa trải qua một cú sét!
Hoạt đã theo đường đất đỏ làng Trạch Phổ, lên làng Mỹ Xuyên, qua làng Phước Tích - gặp người đi đường ai cũng tưởng anh ta đi công tác như mọi khi, nào ngờ anh ta vượt cầu Phước Tích băng lên Quốc lộ I, nơi đây bọn địch đã chực sẵn để… đón. Kể từ hôm ra lệnh giết chết gia đình ông Cử, Hoạt không ngủ hầm gần nhà chị Thỉu do chị Thỉu nuôi giấu nữa. Có lẽ một phần muốn tránh mặt bé Hoàng và bé Mơ giờ đây được bà con xóm Thiềm là mẹ anh Trân, gia đình ông Hồ, gia đình ông Ích, chị Thỉu nuôi dưỡng. Hoạt lên thôn Niêm ở chung hầm với chị Chiên - cán bộ phụ nữ. Buổi sáng Hoạt tìm đường theo địch. Như thường lệ khoảng chín giờ nghe ngóng tình hình thấy yên, cơ sở mới đi ra chỗ hầm bí mật gọi mãi không thấy động tĩnh gì, cơ sở mới mở nắp hầm. Thấy bên trong lặng ngắt và một mùi tanh nồng bốc lên. Cơ sở lần bò xuống, không thấy Hoạt đâu, chỉ thấy Chiên nằm bất động, sờ vào thấy cứng ngắc. Cơ sở hô hoán lên, bà con chạy tới đưa Chiên lên. Cha mẹ Chiên ôm xác con bê bết máu khô đông cứng. Xem qua tử thi thấy Chiên đang có thai chừng tháng thứ ba, bị bắn bằng hai viên đạn súng ngắn vào đầu.
Mọi người chạy ngược xuôi làng trên xóm dưới tìm Hoạt đến quá trưa mới biết tin nửa đêm về sáng có người ở các làng trên nhìn thấy Hoạt đi lên phía Quốc lộ I, tưởng là anh ta đi công tác. Đến xế chiều - tức lúc công văn hỏa tốc của Huyện ủy về đến xóm Phú An thì ở thôn Niêm do cơ sở báo về nguồn tin chính thức: Đoàn Văn Hoạt đã theo địch. Cuộc đón rước Hoạt trên Quốc lộ I gồm một nhóm mấy cán bộ Quận hành chánh Phong Điền, đặc biệt có Xã trưởng xã Phong Dinh - tên ác ôn đầu sỏ mà mấy lần cách mạng phái người đi giết đều không giết được.
Địch dùng xe Jeep chở Hoạt chạy về phía quận lỵ Phò Trạch, trên xe có Xã trưởng - cha đẻ của Hoạt là Tô Xướng.
Khi bà con thôn Niêm, xóm Thượng, xóm Thiềm mải lo khâm liệm chôn cất cô Chiên, mải nguyền rủa tên Hoạt, có một nhóm du kích lẻn vào xóm Phú An tìm tới nhà Hoạt, thì thấy nhà không, cửa trống. Có người nói lúc xế chiều còn thấy mẹ của Hoạt quảy gánh nói là đi chợ Phò Trạch phường, rồi không thấy trở về nữa! Vậy là mẹ con chúng nó hẹn nhau tại trụ sở Quận lỵ Phò Trạch. Nói có khi đúng là bọn địch đang mở tiệc chiêu đãi mẹ con Hoạt tại trụ sở Quận hành chánh Phong Điền ấy chứ, lại có cả Xã trưởng tới dự - càng thêm phần long trọng!
Khi được tin hỏa tốc báo lên, tân Bí thư Huyện ủy căm giận đau xót và sực nhớ một chi tiết mà lần cuối cùng gặp nhau tiền nhiệm của ông đã trao đổi một tin. Là tháng trước vợ Cử đi chợ tình cờ thấy mẹ Hoạt với cô giúp việc nhà tên địa chủ Xã trưởng Phong Dinh Tô Xướng dấm dúi nhau cái gì như là chiếc phong bì. Vợ Cử về nói lại với chồng. Cử suy nghĩ suốt mấy ngày mới đem nói với Bí thư Huyện ủy. Bí thư nói sẽ nghiên cứu, sẽ theo dõi. Trong một cuộc họp Thường vụ, Bí thư có nói ra điều băn khoăn này khi quyết định tiến cử Hoạt giữ thêm trọng trách. Bàn bạc mãi. Cứ nghiên cứu - dẫu là sự nghi ngờ không có chứng cớ rõ rệt, nhưng hãy cứ ghi nhận để theo dõi. Còn phong trào cách mạng đang lúc gặp khó khăn, địch có muôn vàn âm mưu xảo quyệt, cán bộ thì luôn luôn thiếu... Im lặng chờ đợi nhau mãi, cuối cùng vẫn phải để Hoạt giữ thêm trọng trách. Từ ấy tổn thất xảy ra liên tiếp, khôn lường....
Cũng tại xóm Thiềm, có một người mẹ già cô đơn đó là mẹ anh Trân. Anh Trân sau khi rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân về nhà một hôm rồi trốn đi biệt tích. Dư luận cho rằng anh trốn đi với chị Sinh con nhà Bát Thêm ở thôn Niêm, có người dợm hỏi mẹ Trân. Mẹ nói:
- Thời nay trốn đi chỗ mô để mà giữ được cái mạng thì tốt thôi. Còn có ai thương tưởng mà xây dựng với, lại càng tốt. Được o Sinh cũng... là may mắn lắm!
Khi Hoạt và đội du kích xử tử xong gia đình ông Cử liền kéo nhau đi. Một số người lấ 5540 y làm sợ hãi không dám đến gần. Mẹ Trân lặng lẽ bước vào nhà Cử, lục tìm áo xống chăn chiếu rồi bước tới bên các tử thi. Trước hết mở trói cho vợ Cử, giặt khăn ướt lau sạch máu và đất bám đầy lên thân thể, đặt người chết nằm trên chiếu, thay áo xống tươm tất. Một số bà con cùng ào tới làm với mẹ Trân. Lần lượt lau thân mình, thay áo xống rồi chọn những chiếc chiếu, những tấm chăn màn nào còn mới của gia đình đem bó lấy thi thể năm con người bất hạnh. Đoạn, người thì đi mua hương, người thì nấu cơm luộc trứng cắm đũa cúng cho năm người nằm trên bộ phản gỗ trong nhà. Đến khuya một số người ra về, hẹn sáng mai sẽ đến sớm để đào huyệt chôn, riêng mẹ Trân ở lại cả đêm khêu đèn thắp hương. Chị Thỉu, ông bà Ích, ông bà Hồ thì vừa dỗ hai đứa nhỏ, vừa chạy đi chạy về nhà mình để lấy thứ nọ thứ kia tới cúng ma vợ chồng ông Cử và ba người con của họ. Hoàng và Mơ gào khóc thảm thiết hơn nửa ngày, giờ nằm thiếp đi trên giường - cách chỗ nằm của cha mẹ và các anh chị chừng vài bước chân. Buổi sáng sớm - như hẹn, một số bà con mang cuốc xẻng tới hì hục đào năm hố trong sân nhà Cử để chuẩn bị chôn cất. Hai đứa con nhỏ khóc lăn lóc bên xác cha mẹ và các anh chị. Hoàng lăn vào đòi được chôn theo ba, theo mẹ... Mọi người gạt nước mắt lặng lẽ khóc thầm, không chỉ thương những người vừa bị giết mà còn thương hai đứa nhỏ.
Hai ngày sau, khi biết đích xác Hoạt đã chạy theo địch cũng là lúc một mình mẹ Trân sắm mâm lễ vật bưng từ nhà mình qua nhà Cử để làm lễ mở cửa mả cho năm ngôi mộ. Lác đác một số người lặng lẽ đến cúng mộ. Chị Thiêm thắp hương lên năm ngôi mộ xong, đến trước mộ Cử khấn nên lời:
- Cho đến phút lìa đời, cái nguyện vọng được phục hồi Đảng tịch của anh cũng như của anh Dương Triếp nhà tôi đều không được! Lại còn bị gán ghép cho tội danh nhơ nhuốc! Tên Hoạt nay lộ mặt phản bội rồi, còn anh Dương Triếp nhà tôi có kẻ vì tư thù cá nhân mà khai gian, mà tố điêu với cách mạng cho chồng tôi chết oan, đến nay kẻ đó chưa lộ mặt, nhưng tôi biết kẻ đó ở gần đây thôi, không ở đâu xa! Thôi thì cả anh và anh Dương Triếp nhà tôi, một người là Bí thư, một người là Phó bí thư chi bộ... bây chừ gặp nhau dưới đó tìm thêm đồng chí mà ghép tổ sinh hoạt... Hoặc là cố gắng đợi tôi nuôi các cháu, đưa các cháu lên một chặng rồi ta gặp nhau...
Tiếng khóc như xé lòng của chị Thỉu cắt ngang lời khấn của chị Thiêm. Rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Hai đứa con nhỏ của Cử cùng khóc òa theo. Những bà con cô bác đứng vây quanh cũng bật khóc. Tiếng khóc mỗi lúc một to. Hình như tiếng khóc bị nén chặt lâu ngày bây giờ mới có dịp vỡ òa. Họ khóc như chưa bao giờ được khóc. Tiếng khóc vọng đến các thôn làng lân cận, vọng từ xóm Thiềm sang thôn Niêm, dịp Hoàng Phương Liên từ thành phố Huế về quê thăm cha mẹ. Tiếng khóc vọng theo bước chân Hoàng Phương Liên trở lại thành phố ngày hôm đó, tiếng khóc vọng mãi đến bây giờ...
- Đó là những tiếng khóc đã được bật nên lời. Còn những tiếng khóc dồn nén mười năm, hai mươi năm, một phần tư hay một phần ba thế kỷ - thậm chí lâu hơn nữa vẫn chưa được cất nên lời! Chị Hoàng Phương Liên nghĩ sao? Anh Thi đột ngột đặt câu hỏi.
Đôi mắt đẹp của Hoàng Phương Liên chớp nhanh rồi mở to, Hoàng Phương Liên ngửa mặt, cố giữ cho những dòng nước mắt không trào ra. Nhưng đã không được nữa rồi! Nó tràn, nó ngập ngụa và rơi lã chã. Hoàng Phương Liên rút khăn tay lau mắt nói hết sức chân thành:
- Thì bây giờ đang khóc đây!...
Anh Thi nhìn Hoàng Phương Liên sững sờ. Này đây con người danh tiếng lẫy lừng một thời với những thành tích tuyệt vời trong phong trào chống Mỹ cứu nước? Một con người đã chuyển tải hàng tạ vàng ròng từ phố lên núi cho cách mạng mà chưa hề làm rơi rớt ra ngoài một ly! Một con người vào tù ra tội vẫn một mực trung kiên bảo vệ bí mật của cách mạng, nhất định không khai báo một lời nào trước những trận đòn thù. Một con người vừa thống nhất đất nước liền bị xô đẩy ra rìa ngay nhằm lúc người ta lập bè phái để chia chác nhau quyền và lợi. Một con người sống dưới mức nghèo khổ khi thôi giữ các trọng trách về làm người dân thường vừa âm thầm nuôi con của liệt sĩ bị bỏ rơi không ai đoái tưởng!... Chị cũng đã từng làm cho một cán bộ lão thành là ông Phạm Viết mắc bệnh tâm thần hoang tưởng cứ gọi tên Hoàng Phương Liên mà nói lời xin lỗi... Về sau mọi sự vỡ lẽ ra mới biết ông cán bộ ấy về hưu đã nhiều năm, một hôm nhân đi dự khai mạc Festival Huế, ông tình cờ gặp lại người phụ nữ - đồng chí trẻ - mà một thời ông và lớp người như ông rất đỗi ngưỡng mộ và yêu mến vì tài năng và sắc đẹp. Sau khi thống nhất đất nước, một lần chuẩn bị Đại hội Đảng, trong chủ trương về nhân sự phải cơ cấu một phụ nữ vào cấp ủy. Dư luận quần chúng cho rằng ở thành phố này, quê hương này không có ai xứng đáng đặt vào vị trí đó ngoài Hoàng Phương Liên. Nhưng Hoàng Phương Liên đã không kịp cơ cấu, vì một tuần trước hôm tổ chức họp bàn về nhân sự, Hoàng Phương Liên nhận được quyết định ra khỏi Đảng - nói đúng hơn là đình chỉ sinh hoạt Đảng - một cách dùng từ hoa mỹ cố né tránh bớt sự phũ phàng, vì Hoàng Phương Liên ở trong diện những trường hợp kết nạp Đảng sai nguyên tắc, do trong chiến tranh thấy những gương dũng cảm quên mình thì quyết định kết nạp và dễ dàng bỏ qua một số nguyên tắc. Sau giải phóng ổn định Tổ chức xong thì rà soát lại tất cả. Cái nguyên tắc ở đây hầu hết đều là vi phạm những điều cấm kỵ - thuộc về chủ nghĩa lý lịch. Nhưng với riêng trường hợp Hoàng Phương Liên - vào thời điểm hết sức tế nhị này là rất đặc biệt. Ấy là dọn chỗ cho một phụ nữ khác kém tài năng kém đạo đức ngoi lên! Vì sao ông - người đứng đầu Tổ chức lại làm như vậy? Vì người phụ nữ này tuy kém xa Hoàng Phương Liên nhiều phương diện, nhưng rất biết nghe lời. Bởi ông thuộc lớp người muốn cán bộ cấp dưới là những cô cậu dễ sai bảo... Giờ đây đứng ngoài cuộc ông mới tỉnh táo nhận ra điều đó, chứ lúc bấy giờ ông hoàn toàn không hề hay biết. Lúc bấy giờ ông chỉ cảm thấy thích thú dễ chịu khi đám cán bộ cấp dưới luôn cúc cung tận tụy, anh anh em em, chú chú cháu cháu... hết sức ngọt ngào, nhất là trước thềm Đại hội Đảng, đặc biệt là ở các Đại hội cơ sở, trước những đợt xét đề bạt chức danh cán bộ... Ngày ấy hầu như ai cũng muốn lấy lòng ông, chỉ trừ một người, đó là Hoàng Phương Liên. Thuở đó có lúc ông nghĩ hình như Hoàng Phương Liên coi thường ông? Bởi ông thuộc lớp người không được đào tạo có hệ thống. Còn Hoàng Phương Liên là một bác sĩ tốt nghiệp y khoa hạng ưu, xuất thân danh gia vọng tộc. Một dòng họ thời nào cũng sinh văn phát võ đồng hành với vua chúa Nguyễn trên cuộc đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Đôi lúc ông Phạm Viết cho là Hoàng Phương Liên kiêu ngầm. Quần chúng nhân dân thì rất mến mộ Hoàng Phương Liên, nhất là trong các tầng lớp nhân dân đô thị - một phần vì những công lao đóng góp của cô với cách mạng, một phần vì xuất thân của cô... Trong số những người rất đỗi mến mộ đó có Anh Thi.
- Sau khi ông cán bộ lão thành đáng kính nọ khỏi bệnh, ông đã làm gì để chuộc tội với chị hở Hoàng Phương Liên?
Hoàng Phương Liên không ngờ Anh Thi cũng quá hiểu chuyện đời của mình, nên trả lời với cung giọng trầm ấm, thân tình:
- Một khi ông cán bộ Tổ chức nhận ra tư thế tác phong gia trưởng, tình trạng bè phái là một dịch bệnh nguy hiểm làm cho bộ máy công quyền suy nhược, trì trệ, đẩy cả xã hội vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu - đó là điều may mắn! Nhưng rất tiếc sự thấy biết, sự ân hận của ông xảy ra muộn quá! Còn mong cứu vãn gì được nữa, nhất là đối với riêng mình, hết cả một đời của mình rồi! Làm lại không kịp nữa!...
Anh Thi ngồi lặng người đi, cố nén nỗi đau đớn bức xúc, ngước nhìn Hoàng Phương Liên hỏi:
- Thế còn chuyện vàng? Có thật là Nhà nước ta lúc bấy giờ đã đánh chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cả trên mặt trận kinh tế? Nghe nói chính tay chị đã mua một số lượng vàng rất lớn?
- Lúc bấy giờ chính bản thân mình xông xáo tích cực trong việc đó, nhưng không nghĩ là đánh kinh tế, mà chỉ nghĩ đơn giản là cất vàng trong kho tàng trên núi khỏi bị mối mọt gặm nhấm...
Hoàng Phương Liên trả lời Anh Thi rồi nhớ lại một chiều ông cán bộ cách mạng lão thành đáng kính Phạm Viết người cán bộ Tổ chức năm xưa tìm đến thăm Hoàng Phương Liên. Hoàng Phương Liên mời ông ngồi, rót nước chè xanh mời ông uống. Ông đảo mắt nhìn quanh nhà
rồi hỏi:
- Hình như cô không xây dựng gia đình và có một đứa con nuôi?
- Vâng, đó là đứa con của Tâm. Anh còn nhớ Tâm không?
Ông nhìn lên gian bàn thờ đơn sơ mà trang trọng - nơi đặt những bức ảnh thờ, trong đó có ảnh của Tâm, - bức ảnh mà lúc mới bước vào nhà Hoàng Phương Liên ông đã nhìn thấy, ông nói:
- Nhớ chứ! Làm sao không nhớ được? Cậu ấy phục vụ anh một thời gian dài, về sau được điều động nhận nhiệm vụ mới quan trọng hơn. Nhưng công lao cậu Tâm một phần, phần quan trọng nhất chính là cô. Cậu ấy chỉ biết bên trong đựng “tài liệu tuyệt mật”, còn cô mới là người lo cho cái tài liệu ấy. Cho đến nay ngoài cô và một vài vị lãnh đạo còn sống là biết cái tuyệt mật ấy, chứ không mấy ai được rõ...
Hoàng Phương Liên nghĩ bây giờ ông “nói hay” vậy, chứ dạo đó cô thừa biết không phải tự nhiên mà Tâm đang làm công vụ cho ông lại được điều đi vận chuyển vàng lên núi cùng với Hoàng Phương Liên. Cậu Tâm là con của liệt sĩ thời chống Pháp. Mẹ cậu cho cậu đi thoát ly tham gia cách mạng, gửi gắm cậu cho các vị lãnh đạo vốn là chỗ quen biết với người cha liệt sĩ của Tâm. Thấy tính nết Tâm hiền lành cẩn thận nên ông xin cậu về làm công vụ cho ông. Những lúc ông mệt mỏi trở chứng không chịu ăn uống những món Tâm nấu - vì Tâm nấu không ngon, Tâm thường năn nỉ ông như đứa con hiếu thảo năn nỉ đấng sinh thành của mình vậy. Rồi một lần ông chướng tính, nhưng cậu Tâm chẳng những không năn nỉ ông như mọi khi, mà đứng nghiêm nói: “Tôi phục vụ đồng chí là phục vụ cách mạng, chứ không phải làm đứa ở tớ cho đồng chí!” Ông trố mắt ngạc nhiên. Về sau ông mới biết người xúi giục Tâm nói câu đó là một đồng chí thân thiết của ông - Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó Tâm cứ xin đổi qua đơn vị trực tiếp chiến đấu. Dịp có chủ trương đưa một số lượng lớn tiền Việt Nam Cộng hòa xuống phố mua vàng chuyển về hậu cứ, nghe nói cấp ủy họp bàn bạc mãi mới đi đến quyết định người dưới phố không có ai đảm nhiệm công việc này tốt hơn là Hoàng Phương Liên, và người tiếp tay với Hoàng Phương Liên trong việc này không có ai tốt hơn cậu Tâm. Tâm được điều đi nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh như vậy. Thời gian này mẹ Tâm đã nhắm cho cậu một đám được cả người lẫn nết - đó là Lan. Thuận đường công tác, dạo đó lượt đi Tâm thường tranh thủ ghé thăm nhà. Tâm rất vừa ý về Lan. Lan cũng là một cơ sở đắc lực của phong trào cách mạng địa phương. Lượt về Tâm phải mang “tài liệu tuyệt mật” nên không được phép ghé vào đâu hết. Còn nhớ dạo đó từng cọc tiền mới tinh, cứng ngắc, góc cạnh sắc lẻm và mệnh giá lớn - trên vai các chiến sĩ giao liên lần lượt được đưa về Huế. Hoàng Phương Liên đã nâng niu gìn giữ từng đồng xu của Tổ chức giao cho để mua vàng đưa lên núi. Vàng được giao tại một địa điểm gần ngã ba sông Hai Nhánh - nơi hoàn toàn do phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng kiểm soát. Thường vào lúc hai giờ sáng, Hoàng Phương Liên bàn giao hàng đặc biệt xong, cậu Tâm mang đi một mạch đến sáng là về thấu căn cứ địa kháng chiến. Trước đó Hoàng Phương Liên đã thận trọng gói ghém gọn gàng trong chiếc gùi bạt mỗi lần từ ba đến năm cân vàng lá - lẫn trong những gói bột ngọt, bánh kẹo, thuốc men, áo xống... “Tài liệu tuyệt mật ở trong!" Mỗi lần bàn giao chiếc gùi bạt cho Tâm, Hoàng Phương Liên chỉ nói một câu ấy. Và ngày hôm sau các ông trên đã nhận được khối tài liệu tuyệt mật này. Xong lại chuẩn bị cho những đợt chuyển đổi tiền - vàng lần sau. Rồi một hôm, sau khi nhận chiếc gùi bạt từ tay Hoàng Phương Liên với lời dặn dò ân cần - trước khi Tâm chuẩn bị quay bước đi, Tâm cho Hoàng Phương Liên biết mẹ Tâm và cô Lan vừa bị địch bắt sáng nay. Hoàng Phương Liên đã nhờ cơ sở đi thăm nuôi mẹ và người yêu của Tâm hết nhà tù này đến nhà tù khác. Địch tra tấn dã man, mẹ Tâm bị thương bị bệnh nặng, ra tù chừng hai tháng thì mất. Còn Lan ra tù với cái bầu bụng gần đến ngày sinh! Lan nói “con của Tâm”. Tâm cũng nói như vậy và xin phép mẹ, xin phép Tổ chức được làm đám cưới với Lan. Nhưng lúc bấy giờ mẹ Tâm nói Lan bị tên ác ôn cưỡng hiếp một ngày trước khi bị bắt. Còn Tâm vẫn một mực khẳng định đấy là giọt máu của mình. Sự việc chưa bàn tính xong thì Tâm hy sinh đúng vào ngày Lan chuyển dạ cho ra đời một đứa bé trai. Lan đau khổ phát điên, phát khùng, đến nỗi vứt con, bỏ nhà, đến nằm ôm mộ Tâm gào khóc thảm thiết, rồi bỏ đi biệt tích, đến nay sống chết ra sao không ai rõ! Đứa bé được bà con cơ sở thay phiên nhau nuôi mấy tháng đầu, về sau Hoàng Phương Liên đem về nuôi. Ngày giải phóng Hoàng Phương Liên báo cáo với Tổ chức về trường hợp đứa bé, nhưng các vị bảo nó chưa chắc là con của Tâm, vì vậy cháu chẳng được hưởng một chế độ gì hết. Kể cả việc làm khai sinh hộ khẩu cho nó có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ con nhà thường dân cũng đã khó, Hoàng Phương Liên chạy ngược chạy xuôi mãi mới xong. Có người thấy vậy thốt lời trách khéo Hoàng Phương Liên:
- Đã bảo không chắc đứa bé là con cậu Tâm, cớ gì cô phải cưu mang cho khổ thân cô? Kể cả khi nó là con của cậu Tâm đi nữa...
Nhiều lúc Hoàng Phương Liên chỉ cười đáp lại họ. Những con người có trái tim lạnh giá như thế làm sao họ hiểu được! Ví như đứa bé không phải là con của Tâm thì cũng phải có một ai đó nuôi cho nó lớn lên chứ? Nó là một đứa trẻ sơ sinh vào tội kia mà? Huống chi việc Tâm và Lan yêu nhau, họ có quan hệ đến đâu người khác làm sao biết được? Việc Lan bị giặc cưỡng hiếp là điều có thật, nhưng một khi cả Tâm và Lan đều khẳng định thai nhi Lan đang mang trong bụng là con của họ, thì Hoàng Phương Liên tin lời họ. Nên trong khai sinh Hoàng Phương Liên vẫn khai nó là con của Tâm và Lan, Hoàng Phương Liên chỉ là người đỡ đầu. Càng về sau này thì không còn hoài nghi gì nữa, bởi vì cậu bé Tưởng giống Tâm - cha nó như khuôn đúc. Ban đầu Hoàng Phương Liên thờ cúng Tâm vì biết Tâm không còn ai thân thích trên đời, đồng chí của nhau cũng có quyền phụng thờ hương khói cho nhau chứ? Về sau Hoàng Phương Liên thấy việc làm này quả đúng đắn và cần thiết, bởi vì Tâm là cha đẻ của Tưởng - đứa con độc nhất yêu quý mà Hoàng Phương Liên đang nuôi dạy. Và lúc này đây, vị cán bộ cách mạng lão thành đáng kính lại đặt một câu hỏi tương tự khi nhìn thấy cảnh sống đạm bạc của hai cô cháu, khi biết được hơn hai mươi năm qua một mình Hoàng Phương Liên với số tiền lương hưu ít ỏi đã nuôi lớn Tưởng như thế nào. “Chưa chắc đã phải con của Tâm, cô vất vả như vậy còn cưu mang thằng bé làm gì?” Rồi ông nhắc đến Tâm - khi bị thương vì bom trên đường trở về hậu cứ, Tâm đã cố gắng bò qua con suối khô dẫn về cơ quan mình, nằm úp mặt, dùng thân hình đè lên chiếc gùi bạt đựng “tài liệu tuyệt mật” mà trút hơi thở cuối cùng. Người ta tìm thấy Tâm cùng với chiếc gùi bạt còn
nguyên vẹn.
- Toàn bộ số vàng ấy về sau đưa đi đâu hở anh? - Hoàng Phương Liên hỏi.
Vị cán bộ lão thành nói:
- Anh cũng không rõ. Lúc bấy giờ tụi anh chỉ biết nhận rồi chuyển cho trên, trên nữa...
- Vậy tính ra cũng nhiều đó chứ anh nhỉ?
- Nhiều chớ sao không nhiều? - Vị cán bộ lão thành mở to mắt, hơi phồng má, chu môi để nói. - Dồn đi dồn lại bấy nhiêu lần cũng được cả tạ vàng chứ không phải ít!
Giờ đây Hoàng Phương Liên cũng muốn bắt chước vị cán bộ cách mạng lão thành mở to mắt, chu môi phồng má để nói về khối lượng vàng đó cho Anh Thi có thể hình dung được...