Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 12


Chương 12
Cuộc chuyện trò giữa Hoàng Phương Liên với Anh Thi tưởng chưa thể kết thúc được, bởi Anh Thi cứ lưu luyến...

Nhưng Hoàng Phương Liên xin phép tạm biệt để theo đoàn đi du lịch phương Nam như kế hoạch từ trước. Đoàn gồm các nhà báo, nhà giáo, nhà thơ và một bác sĩ là Hoàng Phương Liên muốn đến thăm Cà Mau, thăm Đất Mũi.

Giữa thành phố Cà Mau xanh tươi và lộng gió, Hoàng Phương Liên được người quen ở đây cho biết:

- Muốn đến Đất Mũi chỉ có đường sông nước. Sóng lớn, gió mạnh. Muốn đi và về trong ngày thì có tàu thủy hoặc canô cao tốc. Nhưng trước nay đã có nhiều người phải bỏ lỡ cuộc hành trình vì không chịu nổi cơn


say sóng...

Đã đến Cà Mau mà không ra tận Đất Mũi thì tiếc lắm. Nhiều thành viên trong đoàn cùng chung ý nghĩ. Trở ngại ở đây thuần túy là vấn đề sức khỏe, nhất là các du khách nữ. Nhưng sáng sớm hôm sau người ta thấy Hoàng Phương Liên và các chị cùng đi trong đoàn có mặt trên bến tàu sớm hơn những người đàn ông con trai.

 

Đoàn khách lên ca nô thì thấy đôi nam nữ thanh niên đang ngồi chụm đầu vào nhau thủ thỉ bên tay lái. Khi chàng trai đứng lên làm những thao tác kỹ thuật để chuẩn bị rời bến, những người khách kịp hiểu anh ta sẽ cầm lái, và kia là bạn gái của anh ta.

Chiếc canô chạy như lướt trên mặt sông dậy sóng, nhắm hướng Đất Mũi. Máy nổ dòn, chân vịt rạch nước phun trào trắng xóa, lao tới. Mũi canô nghểnh ngược lên trời như con chim bói cá bay giữa trời mây nước, lúc đổ xuống như trượt thác, bụng canô đập mạnh xuống mặt nước ầm ầm như sấm dậy, và gây xốc như thể đang ngồi trên xe tải chạy đường dài lắm ổ gà, ổ trâu... Hai bên bờ là những vạt rừng đước xanh ngút ngàn nối tiếp nhau phơi những bộ rễ vững chắc như bàn chân của người khổng lồ đứng dầm trong nước - trấn ngự ven bờ mặc cho sóng xô gió táp. Chỗ thì sông thu hẹp lại như một con kênh, chỗ thì sông rộng ra như đầm phá, như biển hồ... Đoạn sông nào không có rừng đước thì nhà cửa phố xá thủy tạ chen chúc san sát liền kề nhau, những cửa hàng cửa hiệu nườm nượp bán mua không thiếu một thứ gì. Những thương hiệu cao sang và mĩ lệ như ở các đô thị lớn, bên những thương hiệu mộc mạc bình dị mang đậm bản sắc vùng sông nước Cà Mau. Hết khúc sông chảy vào lòng thành phố đến huyện Cái Nước, huyện Năm Căn, rồi thị trấn Năm Căn. Chàng trẻ tuổi cầm lái cho canô chạy chậm dần rồi ghé vào một bến đỗ, thuyền bè ra vào tấp nập, phía bên trên người bán kẻ mua, đó là chợ Năm Căn. Cô bạn gái lưu luyến chia tay anh rồi bước lên bến. Anh lại cho canô chạy với tốc độ ban đầu. Chạy qua cửa Bảy Háp, rồi qua sông Cửa Lớn, chạy đến Bãi Bồi đến khu du lịch Đất Mũi. Con đường sông nước đầy sóng gió dài hơn một trăm hai mươi cây số bình thường canô cao tốc phải chạy hai tiếng rưỡi, nhưng người lái canô hôm nay lái như một nghệ sĩ biểu diễn, phóng siêu tốc với thời lượng hai tiếng đã đưa cả đoàn chạm chân vào Đất Mũi. Trên bản đồ Việt Nam, Hoàng Phương Liên thấy Cà Mau như một bán đảo có hình dáng tựa con thuyền đang rẽ sóng. Ba mặt của “chiếc thuyền” này đều tiếp giáp với biển dài ngót hai trăm rưỡi cây số. Giờ đây đứng giữa vùng đất rừng sông biển mênh mông với con nước đỏ ngầu đặc quện phù sa, thật khó hình dung cái mũi nhọn của “con thuyền” trên thực địa nó rộng và dài đến thế! Do bởi quỹ thời gian eo hẹp nên đoàn khách đến Đất Mũi lúc chín giờ - quá muộn để được ngắm mặt trời mọc và ra về lúc bốn giờ chiều - quá sớm để được ngắm mặt trời lặn - dẫu biết rằng chỉ ở chót mũi Cà Mau - nơi duy nhất trên đất nước Việt Nam con người ta mới nhìn thấy được mặt trời mọc ở biển phía Đông và mặt trời lặn ở biển phía Tây.

Nhìn thấy một rừng chông lộ thiên tua tủa ken dày giữa rừng xanh với những mũi nhọn hoắt màu nâu thẫm chĩa thẳng lên trời - đó là rễ của cây mắm. Hoàng Phương Liên cảm thấy thú vị với ý nghĩ: Dân tộc ta biết dùng tre vót chông để diệt thù, bằng hầm bẫy và bằng những vạt chông lộ thiên. Nhưng quả thật so với bàn tay con người thì những mũi chông thiên nhiên này đều đặn hơn, và cách bày biện xếp đặt cũng chặt chẽ, khéo léo hơn!

Trái mắm chín rụng xuống theo sóng biển bập bềnh trôi dạt khắp nơi, khi gặp được cơ duyên với vũng phù sa nào đó, nó liền bám chặt vào, bật mầm ra, và bộ rễ nhọn tựa bàn chông mọc ngược vút thẳng lên khỏi mặt đất chừng mười lăm đến hai mươi phân, quyết níu giữ không cho phù sa theo sóng nước trôi ra biển cả nữa. Hết thế hệ này đến thế hệ khác những cây mắm thi nhau mọc kín hết các bãi bồi. Khi bộ rễ mắm như những chiếc cọc giữ nền móng ổn định rồi, cây đước mới bắt đầu vươn tới với chòm rễ to sù như những bàn chân của người khổng lồ bấu chặt xuống đất, níu giữ và nén cho đất cứng dần lên, tầng tầng lớp lớp... Ở đây, mắm là cây tiên phong. Đước là người bạn đồng minh chung thủy của cây mắm. Theo ước tính mỗi năm phù sa sông Cửu Long theo dòng hải lưu bồi thêm cho Đất Mũi và được rễ cây mắm neo giữ lại từ tám mươi đến một trăm mét chiều dài đất mới. Đặc biệt mặt tiếp giáp với Vịnh Thái Lan dài bốn mươi hai cây số là vị trí được bồi lắng neo giữ nhiều hơn cả. Hoàng Phương Liên cũng từng thăm những bãi bồi bao la bát ngát của tỉnh Bạc Liêu, nhưng ở Bạc Liêu có nơi bồi nơi lở, và Nhà nước đã chi bạc tỷ để làm kè chống lở.

Rừng biết đi ra biển là cách nói mộc mạc đầy hình tượng của người dân nơi đây để chỉ những cánh rừng màu mỡ tự nhiên và lớn nhanh như thổi này. Mỗi bước chân chạm vào Đất Mũi, Hoàng Phương Liên lại dấy lên ý nghĩ: Tổ quốc muôn đời biết ơn cây mắm. Ý nghĩ ấy bắt đầu hình thành trong Hoàng Phương Liên khi từ cột mốc tọa độ quốc gia Mũi Cà Mau 8037’ vĩ độ Bắc 104043’ kinh độ Đông (được thiết lập từ tháng 1 năm 1995). Hoàng Phương Liên đi ra phía biển ngang qua những rừng mắm bạt ngàn, rồi bước đi trên những bãi bồi phù sa trẻ ướt rượt. Buổi trưa vùng trời cận xích đạo tháng Tư nắng như đổ lửa, Hoàng Phương Liên đứng ở mép nước ngắm sững sờ những con sóng cần mẫn miệt mài chở phù sa đặc quện về tiếp tục bồi đắp cho đất nước Việt Nam ngày một dài rộng hơn ra... Từ lâu, khi chưa được nhìn thấy những bãi bồi tươi rói mang hơi thở ngọt lành và nồng ấm này của dòng sông Cửu Long, Hoàng Phương Liên đã nhiều lần chiêm nghiệm về nó - mỗi khi thưởng thức vị ngon ngọt của các loại trái cây phương Nam. Giờ đây được dầm chân trong phù sa Đất Mũi, Hoàng Phương Liên cảm thấy mình như đang ngấm một chất men say, váng vất và nồng nàn, ngất ngây và khinh khoái. Hoàng Phương Liên tự hỏi có nơi nào trên hành tinh này thiên nhiên kỳ diệu như ở đất nước Việt Nam ta? Con cháu muôn đời nhớ ơn cây mắm! Hoàng Phương Liên lại nói một mình khi cúi nhặt một nắm đất ướt gói vào khăn tay mang về Huế, mang theo nỗi nhớ phù sa Đất Mũi - vùng đất mà mỗi năm tháng đi qua được lớn thêm tuổi, nhưng vóc dáng hình hài thì ngày một trẻ hơn ra, cao lớn thêm lên bởi cộng đồng cư dân hết sức chăm chỉ hiền hòa, còn thiên nhiên thì hào phóng, ưu ái, chiều đãi...

Lượt về, chàng trẻ tuổi lái canô mà lúc ăn cơm ở Đất Mũi Hoàng Phương Liên mới được biết tên anh là Diệp Minh Tân - lại cho canô đáp vào bến đỗ chợ Năm Căn. Buổi sáng cả đoàn du khách không ai biết rõ động cơ nào làm cho chàng trai trẻ lái canô với tốc độ chóng mặt như vậy, thì buổi trưa bên bàn ăn trong nhà hàng Thủy tạ Đất Mũi mọi người đều hiểu anh ta muốn tỏ rõ tài nghệ của mình trước người đẹp, vì niềm vui sướng được kết hợp công việc đưa đón du khách vừa đưa người đẹp từ thành phố về quê hương thăm nhà. Nhà ở ngay chợ. Giờ đây Diệp Minh Tân quay trở lại đón nàng. Anh biết không thể bỏ đi ngay khi ghé vào nhà bố mẹ vợ tương lai, nên vừa tắt máy xong anh quay lại nói với đoàn du khách:

- Các cô các chú có thể lên bờ chơi khoảng ba
mươi phút.

Được lời như cởi tấm lòng. Ai cũng nhanh chóng lên bờ, bước đi trên vùng đất Năm Căn. Nghe nói ngày xưa cả vùng rộng lớn huyện lỵ, thị tứ và cả vành đai nông nghiệp mênh mông kia mà chỉ vỏn vẹn có năm ngôi nhà, nói chính xác hơn là năm căn nhà lá của những người đến khai hoang đầu tiên. Hoàng Phương Liên đi vào chợ. Lúc này chợ đã vãn, chỉ còn rải rác mấy hàng cá, rau, tôm khô... Một vài ngôi nhà được xây ở bên chợ, nên chủ hàng bày bán hàng hóa ngay thềm nhà, và còn cho người ngồi ké bên. Hoàng Phương Liên dừng lại ở hàng tôm khô, nhưng không mua tôm, mà hỏi mua những chiếc bánh gatô nhỏ, tròn, như những chiếc bánh thuẫn - vừa mới ra lò, còn thơm nức mùi trứng với đường trên tay bà má Năm Căn ngồi bên. Vừa trả tiền Hoàng Phương Liên nghĩ không mua cho chủ hàng lại mua của người ngồi ké như thế này, có làm mất lòng chăng? Hoàng Phương Liên buột miệng hỏi bao nhiêu tiền một cân tôm khô loại tốt nhất, cũng vừa lúc bà hàng đồ khô nở nụ cười tươi
rói hỏi:

- Hình như cô không phải người ở miệt trong này?

- Dạ, cháu ở Huế.

- Ở Huế... hay lắm! Đẹp lắm!...

Nói đoạn, bà hàng đồ khô lục tìm những món hàng tốt nhất cất trong bao lớn, đưa cho khách xem tận tay.

Bà bán bánh gatô nhìn vào trong nhà nói:

- Má con Nhung đâu không mau ra mà gặp đồng hương nè! - Quay qua với Hoàng Phương Liên, bà nói: - Con gái của bả... cũng người Huế đấy!

- Con gái... người Huế? - Hoàng Phương Liên đưa mắt ngờ vực nhìn hai bà má Năm Căn, rồi đọng cái nhìn lên mắt bà má đang gói buộc hàng khô trao cho mình. Bà má hàng khô vừa cất tiền vào túi nói:

- Con gái con trai con dâu con rể tôi… đều người Huế.

Bà má gatô nói:

- Cả hai vợ chồng đều làm con nuôi của bả, nên bả không biết ai là con dâu, ai là con rể...

Hoàng Phương Liên chợt hiểu ra, định nói một lời nào đó thì từ trong nhà bước ra một thiếu phụ đẹp nuột nà, tóc búi cao, thân hình hơi đẫy đà một chút, khuôn mặt trái xoan, da trắng mịn hồng, cái nhìn đằm thắm và thân thuộc. Thiếu phụ bước tới gần Hoàng Phương Liên, nhìn Hoàng Phương Liên không chớp mắt rồi thốt kêu lên giọng Huế pha Nam Bộ:

- Dì... dì Uyển Diễm con của chú Hường phải không?

Hoàng Phương Liên giật mình:

- Chị... chị là...?

- Là chị Sinh. - Chị Sẹo con của bác Bát đây! Chị nhận ra em ngay vì càng lớn em càng giống chú, nhất là đôi mắt… 

Hoàng Phương Liên ngỡ ngàng chưa kịp có phản ứng gì thì “chị Sinh - chị Sẹo” nhào tới ôm Hoàng Phương Liên mà khóc nức nở, làm cho cả chợ trưa ai cũng ngỡ ngàng.

- Em không nhận ra chị là phải. - Chị Sinh nói trong tiếng nấc vừa quệt nước mắt: - vì ngày trước mặt chị
đầy sẹo...

“... Và bây giờ chị đẹp như một bà tiên...” Hoàng Phương Liên muốn thốt ra câu ấy, nhưng câu nói cứ nằm bên trong cổ họng.

Vừa kéo Hoàng Phương Liên bước vào nhà, chị
Sinh nói:

- Nhờ phẫu thuật thẩm mỹ mà chị được như vầy! Chuyện dài lắm em ạ! Em vào nhà chị nghỉ ngơi đã!

- Nhưng... mọi người đang đợi em. - Hoàng Phương Liên nói vừa nhìn đồng hồ tay thấy chỉ còn hơn năm phút là đến giờ canô rời bến.

Hoàng Phương Liên vừa bước vào gian giữa thì người trẻ tuổi lái canô và cô bạn gái của anh bước ra đón. Chàng trẻ tuổi lái canô Diệp Minh Tân nói:

- Mời cô vào nhà xơi nước nghỉ một lát!

Thì ra má của Nhung là chị Sinh, Nhung là vị hôn thê của Diệp Minh Tân. Anh Trân chồng chị Sinh già hơn trước nhiều, nhưng vẫn dễ nhận ra hơn chị Sinh, nhất là khi anh cười - những chiếc răng cửa to và trắng lóa, nước da đen bóng, đôi mắt đen hấp háy.

- Má bán đồ khô ngoài sạp là má nuôi của anh chị, nhưng chẳng khác gì má đẻ. Anh chị hiếm muộn chạy chữa mãi mới sinh được bé Nhung, kia là bạn trai của cháu. Để má giới thiệu cho các con hay: Đây là em họ của má, dì ở ngoài Huế, dì được ăn học nhiều, không khổ
như má...

Chị Sinh khóc, anh Trân cũng rưng rưng nước mắt. Hoàng Phương Liên đón ly nước dừa từ tay cô bé được giới thiệu là cháu gái của mình, đón nhận làn gió trực diện từ chiếc quạt mà Diệp Minh Tân vừa điều chỉnh. Bà má bỏ cả sạp hàng bước vào giục chị Sinh anh Trân và bé Nhung làm món bún nem. Diệp Minh Tân đến trước mặt Hoàng Phương Liên hơi khum người xuống nói:

- Thưa cô, để con ra bến mời các cô bác vào hết đây ngồi nghỉ chơi một lát rồi cùng ra về.

- Phải đó! Chạy mau ra mời các cô các bác vào đây
đi con!

Má nuôi của anh chị Trân Sinh nói, đoạn bà quay trở ra chợ. Một lát sau bà đem về mấy xâu nem chua với một rổ bún. Đưa vào bếp cho chị Sinh và bé Nhung xong bà quay trở ra ngồi trên ghế tựa vừa vén mớ tóc bạc bay bay trong gió nói:

- Dạo đó con gái má em Lý làm cán sự điều dưỡng ở thẩm mỹ viện Phúc Toàn. Anh Trân làm con nuôi của má trước đó, theo hẹn lên Sài Gòn đón vợ, ghé vào chỗ làm của em Lý. Bà Phúc Toàn phúc đức đúng như tên hiệu của bà ấy, thấy vợ Trân thương tật, động lòng thương nên giữ lại điều trị...

Chị Sinh bưng thêm khay nước trà nóng lên đặt ở bàn, rồi tiếp đến bưng những ly nước dừa mà anh Trân vừa chiết xong. Chị ngồi xuống bên Hoàng Phương Liên nói tiếp lời má:

- Bà Phúc Toàn phúc đức giữ chị lại làm phẫu thuật thẩm mỹ. Như em biết đó, lúc ở cử mẹ chị vào ý để chị rơi úp mặt vào trách than hồng, nghe nói cha chị đã rước nhiều thầy lang nổi tiếng khắp vùng điều trị cho chị mới sống được, nhưng mặt thì chằng chịt sẹo. Khi lớn lên soi gương thấy mặt mình tựa quỷ sứ, chị khóc lóc vật vã oán trách cha mẹ sao không để cho chị chết đi, còn hơn sống như thế này!... Bà Phúc Toàn lấy da ở đùi non ghép vào mặt chị sau khi gọt bỏ lớp sẹo lồi. Mấy tháng sau lại gọt bỏ, lại cấy ghép. Làm như thế đến lần thứ tư... mất một năm rưỡi. Khi cô Lý đưa gương cho chị soi, chị không nhận ra mình nữa! Có lẽ mẹ chị đẻ chị ra không được đẹp như thế này. Nay nhờ bà Phúc Toàn mà chị chẳng những hết xấu xí tật nguyền, lại còn đẹp thêm lên, chị như người được sống lại, từ đó anh Trân... hay ghen!...

Những thành viên trong đoàn đã được mời vào hết trong nhà. Bàn ăn cũng vừa dọn xong. Anh Trân, bà má, chị Sinh, Diệp Minh Tân và bé Nhung cứ tíu tít mời mọc. Đoàn du khách nói vừa mới ăn cơm trưa ở Đất Mũi. Nhưng bà má cứ xoắn xuýt bưng dọn gọi mời. Nể tình má, mọi người lại vào bàn. Câu chuyện của anh Trân chị Sinh lại tiếp tục nhưng xoay qua một chiều hướng khác. Anh Trân kể, lần anh rã ngũ ngụy quân về sống ở địa phương không nổi, anh phải trốn vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Sài Gòn Gia Định... làm thuê làm mướn kiếm sống qua này. Ở lâu ngày một chỗ dễ bị lộ, anh lại vất vưởng hàng tháng trời về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Anh bốc vác hàng trên bến Năm Căn vào các sạp hàng trong chợ. Bà má theo dõi thấy anh hiền lành chăm chỉ thật thà. Thăm hỏi, biết rõ hoàn cảnh, má thương, má cho vào tá túc trong nhà. Rồi nhận làm con nuôi, vì ba má hiếm muộn chỉ sinh một mình cô Lý. Dạo ấy chồng má còn sống, ông nói:

- Từ rày kêu con Lý là con Ba, kêu thằng Trân là thằng Hai nghen bà!...

Anh trở thành con trai trưởng của ba má từ đó.

Hoàng Phương Liên nhớ lúc lên sáu, bảy tuổi thường nghe mọi người trong nhà gọi ba của chị Sinh là bác Bát - theo giọng Huế - Hoàng Phương Liên thấy lạ, vì sao một người được gọi bằng bác đến hai lần nối tiếp nhau. Nhưng khi lớn lên vài tuổi nghe chị Thiêm, anh Triếp và các anh chị trong thôn xóm gọi là bác Bát, chú Bát... - vì quê Hoàng Phương Liên ở giáp tỉnh Quảng Trị, nên một số người nói giọng Quảng Trị, phát âm chuẩn chữ “Bát”. Khi Hoàng Phương Liên trở thành cô nữ sinh trung học thì hiểu được rằng “Bát” là cái tước, còn tên của bác là Nguyễn Khoa Thêm, bác Bát Thêm, bên cạnh còn có bác Hương Nhơn, bác Cửu Diệu, ông Lý Tuyên... Đó là các chức tước từ thời quân chủ còn sót lại, như cha của Hoàng Phương Liên là Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Khoa vậy. Được biết thời đó nếu không được vua ban - vì có công lao giúp nước - thì ở quê người ta cũng cố kiếm lấy cái chức cái tước - dẫu phải mua bằng lúa, bằng vàng, bằng tiền... để được gọi một tiếng, khỏi phải gọi tên tục, là hãnh diện lắm rồi. Tuy ở sát nhà Hoàng Phương Liên nhưng bác Bát Thêm không phải là anh ruột của cha Hoàng Phương Liên. Ông anh ruột là bác Thị ở cách nhà Hoàng Phương Liên hai lô đất. Đó là đất bác Bát Thêm và đất nhà bác Hương Nhơn. Chỉ có hai anh em ruột là Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Khoa, và bác Thị Nguyễn Khoa là hai quan chức về hưu non ẩn cư ở quê nhà, còn bà con dòng họ Nguyễn Khoa ở đây hầu hết làm ruộng. Riêng nhà bác Bát không làm ruộng, bác Bát gái buôn thịt heo. Nghe nói bác gái lớn hơn bác trai đến mười hai tuổi. Về sau bác trai có thêm người vợ bé là dì Vò. Dì Vò đẹp sắc sảo, được chồng yêu chiều nhiều nên hay lấn lướt hỗn láo với bác Bát gái. Dì Vò một lần sinh khó đã chết khi thai nhi vẫn còn trong bụng, để lại một đàn con nhỏ cho bác Bát gái nuôi. Bác Bát gái hiền lành, ít nói, một mình tần tảo mua bán nuôi chồng với bảy đứa con, bây giờ phải nuôi thêm bốn đứa con của dì Vò nữa, tổng cộng là mười một người. Bác càng lao động cật lực hơn, thức khuya dậy sớm hơn. Ba giờ sáng bác chạy tới lò mổ lấy hàng về chợ bán. Hôm nào không bán hết, bác đến nài bán cho mẹ Hoàng Phương Liên. Thịt heo luộc của bác bao giờ cũng ngon lành, thơm phức. Cân bán thịt xong bác không quên thêm một miếng gan một miếng huyết luộc “cho bé Uyển Diễm”, có khi bác còn gọi Uyển Diễm là “bé Cưng” như cách cả nhà bác gọi chị Mười - con gái của bác vậy. Sau chị Mười, hai bác còn có hai người con nữa, nhưng chị Mười được cưng chiều hơn hai em nên được gọi là bé Cưng. Cũng vậy, bác biết sau Hoàng Phương Liên còn hai em nữa nhưng cha mẹ đều cưng chiều Hoàng Phương Liên nhất nên bác mới gọi là “bé Cưng”. Em dâu của bác là mợ Hành cũng bán thịt ở chợ, vừa là chủ lò mổ thỉnh thoảng gửi cái đuôi heo luộc cho “bé Cưng” mỗi lúc gặp mẹ của Hoàng Phương Liên đi chợ. Những chiếc đuôi heo luộc trắng dòn, những miếng gan huyết thơm nức béo bùi thường được mẹ thái mỏng ra cho riêng “bé Uyển Diễm”. Ở nhà bác Bát có một người nữa được cưng chiều không thua gì cưng chiều chị Mười đó là chị Sinh - con gái đầu lòng của hai bác. Vì mặt chị đầy sẹo nên lúc nhỏ hai bác gọi là chị Sẹo. Lớn lên mới gọi là chị Sinh.

Hai mươi tuổi chị Sinh được mẹ truyền nghề và cho vốn buôn bán, lời lãi cất giữ riêng. Một mình bác Bát gái cứ lặng lẽ đòn gánh đè vai làm lụng nuôi chồng với mười một người con của hai dòng. Ở chợ gặp quán hàng nào ngon chị Sinh thích thì ăn, về nhà cơm ngày ba bữa có bác gái và các em của chị lo chu đáo. Chị thường rời nhà vào buổi chiều, xuống lò mổ ở chợ Ưu Điềm cách nhà hơn ba cây số, ở lại đêm. Ba giờ sáng dậy lấy thịt, quay lại con đường cũ, ngang qua nhà khoảng năm giờ sáng. Các em của chị đã dậy từ trước lo nấu cơm nước, bới vào hộp cho chị xong, đợi chị vừa đến nơi thì đưa cơm ngay để chị kịp chạy băng qua cồn cát lên chợ Phò Trạch huyện lỵ Phong Điền, bán vào lúc bảy giờ sáng. Nếu khách chợ chưa đông thì chị tranh thủ ăn cơm trước bảy giờ. Đã thành thông lệ cứ vào khoảng năm giờ, khi cả nhà Hoàng Phương Liên đang ngon giấc sáng, nhất là vào mùa đông - năm giờ trời hãy còn tối lắm, đã nghe tiếng chị Sinh nheo nhéo ngoài đường. Các em chị - người em gái đảm đang nhất là chị Chậm, rồi anh Dục, anh Năm... nhanh chóng đưa hộp cơm ra cho chị. Có lúc chị lên sớm, mới có bốn giờ rưỡi đã nghe chị quát tháo ầm ĩ ngoài đường vì các em chuẩn bị cơm chưa xong. Buổi trưa, chị đi chợ về lúc nào là nghe tiếng lúc ấy. Chị luôn to tiếng quát nạt mắng nhiếc đàn em, có lúc quát nạt luôn cả bác trai, bác gái. Chị vốn nói tiếng to, những lúc quát mắng tiếng càng to hơn. Ở bên nhà Hoàng Phương Liên không ai muốn nghe cũng phải nghe. Ranh giới giữa hai thửa vườn nhà là một hàng rào hóp ken dày. Nhưng ở giữa hàng rào - chỗ mọc lên cây mít, có một lối đi tắt. Rễ mít nổi gồ lên thành những u, những khúc. Hoàng Phương Liên thường qua chơi với chị Mười anh Dục anh Năm anh Chín... bằng con đường đó. Gia đình bác Bát và gia đình Hoàng Phương Liên - trừ cha của Hoàng Phương Liên, ai cũng qua về hai nhà bằng con đường đó. Cha của Hoàng Phương Liên những lúc có việc cần qua nhà bác Bát luôn đi lối cổng chính. Có một người nữa - anh Tín, anh lớn của Hoàng Phương Liên thường đi học xa thỉnh thoảng mới về. Một lần anh về không thấy Hoàng Phương Liên, nghe mọi người trong nhà nói Hoàng Phương Liên đang chơi với chị Mười bên nhà bác Bát, anh Tín đi bằng lối cổng chính qua gọi Hoàng Phương Liên xong liền bỏ về trước. Hoàng Phương Liên tranh thủ chơi thêm một chút nữa rồi mới chạy về. Anh Tín đứng đợi ở sân bắt Hoàng Phương Liên đứng nghiêm và hỏi:

- Vì sao không đi về bằng cổng chính mà đi tắt?

Hoàng Phương Liên lấm lét nhìn anh không trả lời. Anh Tín bắt hứa lần sau không được đi tắt nữa. Hoàng Phương Liên vâng dạ lí nhí khi đôi mắt anh Tín long lên. Nhưng khi anh Tín đi học xa nhà Hoàng Phương Liên lại qua về nhà bác Bát bằng con đường tắt xuyên hàng rào hóp, nơi có gốc mít mọc lâu năm rễ nổi sần sùi. Đó cũng là con đường chị Sinh qua về thường xuyên mỗi ngày ít nhất một lần sau lúc ngủ trưa dậy khoảng ba giờ chiều. Đến sáu giờ cơm nấu xong, các em của chị đi gọi, đi mời, có khi chính bác Bát đi gọi chị mới về ăn cơm. Bác Bát một phần vị nể gia đình Hoàng Phương Liên nên không bao giờ đứng bên nhà cất tiếng gọi con, mà bao giờ cũng cẩn trọng tự mình đi, hoặc cho các thành viên trong nhà qua tận nơi gọi chị Sinh. Lắm khi gọi mời mấy lần mà chị Sinh vẫn chưa chịu về, vì đang mải mê câu chuyện, hoặc chưa thấy đói, vì chị mới ăn quà xong. Chị Sinh chưa về thì cả nhà chưa được ăn, trừ bác Bát ăn mâm riêng. Bác gái và đàn con bụng đói meo, cơm với thức ăn nguội dần hết vẫn cứ đợi chị Sinh. Nhiều lúc anh Dục đứng tiu nghỉu đợi chị một lúc lâu mới cất tiếng nài nỉ:

- Về đi chị! Về ăn cơm kẻo em đói lắm rồi!

Chị quay lại gắt:

- Mệ nội cái thằng Xeng tê! Mi về ăn hết cả đi, tau chưa muốn ăn!

Câu chửi trên có thể tạm dịch như thế này: Bà nội cái thằng xanh non này! Cái thằng trẻ ranh này!...

Thấy chị giận, anh Dục sợ quá lấm lét rút lui. Sức vóc con trai mười ba, mười bốn tuổi đang cần ăn để lớn, hẳn là anh Dục cảm thấy xót lòng xót dạ bứt rứt khó chịu lắm, nhưng không dám mon men đến gần mâm cơm. Anh đi quét nhà, vun vồng hoa, vồng cải ở vườn trước, sửa lại cái choái đậu, choái khoai tía, dưa leo... để quên đói, mắt luôn để ý phía hàng rào hóp. Khi thấy chị Sinh xuất hiện trên lối đi tắt, anh Dục liền quẳng cuốc, chạy vào chái bếp múc nước trong lu rửa tay chân. Chị Chậm đang gánh nước dưới sông lên đổ vào lu nhân tiện lấy gáo dừa múc dội từ trên cánh tay xuống cho anh Dục, có lúc chị bảo cúi xuống chị dội lên đầu một gáo cho mát. Anh Dục làm theo, đoạn đứng lên lau mặt, vuốt tóc ra phía sau, rồi thận trọng ngồi xếp bằng bên mâm cơm dọn trên chiếc chiếu lát trải giữa nhà. Mâm cơm có miếng gì ngon, vật thực gì lạ, hai bác đều để dành riêng cho chị Sinh. Chị có quyền ban phát lại cho các em, hoặc không. Cả đàn em biết cha mẹ hết lòng cưng chiều chị Sinh, và bắt các em phải một mực phục tùng chị Sinh nên không ai có ý kiến gì. Nếu có thành viên nào làm trái ý chị Sinh - kể cả bác gái thì bác Bát trai cũng không tha. Với các con thì bác Bát trai thường ra hình phạt bằng roi vọt, với bác gái là những lời quở mắng. Chị Sinh ngày càng ý thức vị trí của mình trong gia đình, đôi lúc chị còn tỏ ra quyền hành hơn cả bác Bát trai. Người ngoài ai cũng biết nguyên nhân của sự cưng chiều này nên rất thông cảm với hai bác. Nghe nói khi chưa bị bổ úp mặt vào chảo lửa chị Sinh rất đẹp. Những đứa con đẹp thường khó nuôi. Sau khi chạy chữa hết thầy hết thuốc chị sống qua được nhưng lớp sẹo nọ chồng lên lớp sẹo kia chằng chịt trên mặt. Khi lớn lên những lúc soi gương chải tóc cái ý nghĩ sống như thế này thà chết còn hơn luôn bám riết chị, thỉnh thoảng chị vật mình khóc rống lên, hoặc nỉ non kể lể thống thiết nỗi khổ của riêng mình... Những lúc ấy mọi thành viên trong gia đình bác Bát đều lặng đi, có lúc hai bác cùng khóc theo con. Bà con dòng họ láng giềng ai cũng hiểu gia cảnh của hai bác, không hẹn mà ai cũng tỏ ra niềm nở ngọt nhạt trìu mến với chị Sinh. Chỉ có một người tuy bề ngoài một điều chị, hai điều chị, chị... nhưng thỉnh thoảng vẫn cợt nhả, bông lơn trêu đùa trước mặt chị, còn sau lưng thì bình phẩm sắc đẹp và phẩm hạnh của chị với những lời tinh quái - đó là anh Dương Triếp. Anh Dương Triếp thường nói với mọi người chung quanh:

- Vào phúc cho ai ban đêm đi đường gặp phải o Sinh! Nói thiệt chớ tụi mình gặp mãi, nhìn mãi quen mắt rồi mà đôi khi còn thấy sợ, thấy rợn da gà, nữa là người mới gặp lần đầu!

- Sẹo dọc sẹo ngang rứa nhưng mà giàu lắm đó! Tháng mô chị ấy cũng sắm một hai lượng vàng... Lâu ngày e không có chỗ mà cất vàng...

- Có anh nào không câu nệ mà cưới chị Sinh làm vợ thì sướng lắm, sẽ được gia đình vợ cưng chiều, muốn chi cũng được hết... Hai bác ấy cũng đang tìm nơi kén chồng cho chị ấy!

- Ông mệ nội tui ơi! Đừng để cho người ta kén tui làm chồng o nớ!...

Giọng anh Dương Triếp lại vang lên, tiếp đến là những tràng cười hô hố. Đôi lúc đang cười anh Dương Triếp nín bặt, vì chị Sinh từ hàng rào hóp đã đột ngột xuất hiện trên sân nhà Hoàng Phương Liên.

Hôm nay chị Sinh mặc quần sa tanh trắng, áo lụa Hoàng Hoa, cổ đeo kiềng vàng, đôi bông tai mặt ngọc bích viền vàng tây, một chiếc neo thấp thoáng trong ống tay áo, mấy chiếc nhẫn vàng nạm hạt lấp lánh... Thường ngày đồ nữ trang chị vẫn đeo như vậy, hôm nay chỉ khác là thay vì sợi dây chuyền bằng vàng y, chị đeo cây kiềng vàng to và nặng ước chừng hai lượng. Áo quần chị bao giờ cũng sạch sẽ, mới tinh và thoang thoảng mùi nước hoa. Từ đầu tóc chị luôn tỏa ra mùi dầu bông sứ. Thỉnh thoảng chị tiện tay ngắt một bông hoa lý ở hàng rào, hoặc một nhúm bông mộc ở hiên nhà Hoàng Phương Liên dắt lên búi tóc, làm cho mùi hương từ chị càng nồng nàn hơn, không phân biệt được đâu là mùi hương từ các loài hoa tươi vừa được hái, đâu là hương mỹ phẩm. Lúc này cũng vậy, chị tràn vào nhà Hoàng Phương Liên với mùi hương tổng hợp và nụ cười trên môi. Anh Dương Triếp khẽ lùi lại kéo ghế mời chị ngồi, rồi vờ hít hít khi đi qua đi lại trước mặt chị và nói “thơm quá!” Chị nguýt dài anh Dương Triếp một cái rồi sà đến bên mấy chị lớn và hai bà mẹ của Hoàng Phương Liên để nói đủ thứ chuyện. Nhờ có chị Sinh mà hàng ngày gia đình Hoàng Phương Liên có thể biết được tin tức làng trên xã dưới, giá cả các mặt hàng ở chợ, biết luôn cả số lượng quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa đồn trú ở quận lỵ Phò Trạch Phong Điền. Chị Sinh nói quân lính đông nên thực phẩm bán rất nhanh, rất dễ. Lại nữa, thịt heo Ưu Điềm ngon nổi tiếng nên ai cũng tìm mua. Những người lính đi chợ mua bán dễ dàng lắm, không hề phân các loại thịt. Mình cứ hô chung một giá, họ cân tất cả lên xong rồi, cân gióng rổ - gọi là trừ bì, rồi tính tiền. Bán trong nháy mắt là xong một gánh thịt. Tiền bạc cũng dễ dàng!

- Chặng ni tui hay đi chợ về sớm là rứa! - Chị Sinh nói.

Quả đúng vậy, thời gian này thấy chị Sinh thường bán xong hết cả hàng và về rất sớm. Trước đây thỉnh thoảng bán còn hàng, buổi chiều chị dồn vào gánh hàng của bác Bát gái nhờ bác đi bán dạo. Cũng thời gian này thấy chị sắm vàng ngọc nữ trang nhiều hơn. Món nào mới mua chị đeo vài hôm rồi cất đi, thay món mới. Còn áo xống vải vóc thì chị luôn dùng thứ hàng đắt tiền nhất, mới nhất, may ở những cửa hiệu danh tiếng…

Đoàn du khách khen món bún nem của bà má Năm Căn tuyệt ngon, nhất là món nước mắm. Má nói món nước mắm nem bao giờ cũng do chính tay má tự pha chế lấy má mới vừa ý. Má than phiền nem với bún còn nhiều ê hề mà các anh các chị du khách Huế không chịu ăn nhiều cho má! Mọi người nói vì mới ăn cơm ở Đất Mũi chứ không thì sẽ ăn hết chỗ nem ấy, bún với nước mắm ấy. Má cười hể hả giục con cháu lấy trái cây tráng miệng, giục làm những ly nước rau má thật tươi mát… Chị Sinh không ngớt lời thăm hỏi bà con làng xóm quê nhà ai còn ai mất. Rồi chính chị nhắc lại việc anh Dương Triếp đã chết do phía cách mạng giết dạo đó. Lấy khăn lau mắt chị
Sinh nói:

- Chị không hiểu tại làm sao lại có thể như thế được?! Triếp là cộng sản, Triếp là đảng viên lâu năm... Về sau Triếp có được minh oan không?

- Ôi, chuyện đời phức tạp lắm, không thể nói hết trong một lúc được. Có những nỗi oan không bao giờ được minh. - Hoàng Phương Liên nói.

Câu chuyện của chị Sinh trở lại hồi được phẫu thuật thẩm mỹ:

- Như chị đã nói, phẫu thuật đến lần thứ tư rồi chị vẫn phải ở lại mỹ viện để bà Phúc Toàn theo dõi. Thành ra hơn một năm rưỡi chị với cô Lý sống cạnh nhau, thương nhau như ruột thịt. Thỉnh thoảng má lên thăm, mang theo khô cá, khô mực, khô tôm... với nhiều trái cây miệt vườn. Má cũng làm món bún nem mời bà Phúc Toàn, bà Phúc Toàn khen ngon. Anh Trân rất muốn lên thăm chị nhưng ba má sợ dọc đường anh bị địch bắt, nên không dám để anh đi. Chị mang ơn bà Phúc Toàn khác nào ơn cải tử hoàn sinh. Giá mà chị trở thành người hầu hạ bà suốt đời cũng không trả nổi ơn này! Vậy mà em biết không, bà còn cho tiền chị. Lúc chị ra viện, bà còn sắm sửa cho bao thứ. Cô Lý cũng được bà trả lương cao. Thẩm mỹ viện Phúc Toàn có uy tín nhất nên rất đông khách, phần lớn là phu nhân của các sĩ quan cấp tướng cấp tá, các ca sĩ. Nghe nói bà Ngô Đình Nhu cũng có lần ghé thăm mỹ viện, còn ông Ngô Đình Nhu với bà Phúc Toàn là chỗ thân tình. Bà Phúc Toàn đẹp lắm, đẹp tự nhiên, không son phấn. Bà nói giọng Huế pha chút giọng Nam. Bà không chồng không con. Sau tổng tấn công Mậu Thân 1968 bà bị chính quyền ông Thiệu bắt và bị thủ tiêu. Cô Lý nhà này cũng bị bắt, bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1973 cô được trao trả về nằm bệnh cả năm trong cứ. Cả nhà lên thăm, thấy cô còn sống sót mà trở về ai cũng mừng, không như bà Phúc Toàn... - Nói đến đây chị Sinh lại đưa tay gạt nước mắt: - Bây giờ cô Lý lấy chồng làm to, cả hai vợ chồng đang ở Sài Gòn...

Đoàn du khách Huế lại tiếp tục cuộc hành trình trở về bến thuyền thành phố Cà Mau. Ai cũng bàn tán mãi về gia đình bà má Năm Căn. Cô cháu nội má chốc lại mỉm cười. Tiếng nổ của động cơ canô và tiếng nước xé dưới chân vịt lấn át đi những lời bình phẩm. Ai cũng xuýt xoa cớ làm sao tại rẻo đất xa xôi này của Tổ quốc mà bác sĩ Hoàng Phương Liên bất ngờ gặp được người quen? Hơn thế nữa lại là người chị em họ nhà ở cạnh nhau... Hoàng Phương Liên từ khi trở lại canô cứ mãi nghĩ về chị Sinh, anh Trân... Dạo đó chị Sinh thường lấy hàng xong khoảng ba giờ rưỡi hoặc bốn giờ. Đường từ chỗ lò mổ lên đến nhà hơn ba cây số. Tuy thôn làng hiền hòa không có kẻ gian, nhưng thân gái đi đêm một mình ngang qua những quãng đồng ruộng không một nếp nhà, không một bóng người chị Sinh cũng thấy sợ. Thỉnh thoảng chị không đi đường thẳng mà đi đường vòng, tránh quãng đồng vắng, ngang qua xóm Thượng rồi về lại thôn Niêm. Đi như vậy vừa xa, vừa phải qua lại hai chiếc cầu tre lắt lẻo... khó đi hơn, nhưng ấm áp hơn, vì được tiếp cận với xóm làng. Tuy trên đường cũng vẫn một mình chị, nhưng ngang qua những kiệt, những ngõ, những ngôi nhà im lìm với ngọn đèn chong leo lét mọi người đang yên giấc ngủ bên trong. Cũng có nhà dậy sớm nổi lửa nấu cơm, mùi lửa rơm thơm ngậy bay ra quấn quýt cùng gió sớm, chị Sinh cảm thấy ấm lòng. Có một chàng trai ở xóm Thiềm - phía trên xóm Thượng - theo dõi và nắm bắt rất chắc quy luật đi về của chị Sinh, đó là anh Trân. Đã ngoài ba mươi tuổi, thân hình cao lớn, cân đối, da ngăm đen, tóc xanh, mắt ướt, mũi cao, khuôn miệng sinh động... nhưng anh chưa hề được cô gái nào để mắt tới. Anh hiểu có lẽ là vì anh nghèo hèn. Nghèo thì đã rõ rồi, còn hèn? Có lẽ vì họ tộc anh nhỏ, bà con thân thuộc anh chẳng có, cha anh như thế nào anh cũng không biết, trong khi ở làng anh gồm các thôn Niêm, Thiềm, Thượng, Bàu Chùa, Ba, Tư... có mấy đại tộc ngự trị. Con cháu các đại tộc này lần lượt kết hôn với nhau cả. Càng về sau anh càng thấy rõ không có “phần” của mình ở làng này. Nhưng anh tin rằng một lúc nào đó anh sẽ lấy được vợ, không ở làng này thì làng khác, chỉ cần anh dành dụm được ít tiền. Nhưng quanh năm anh cày thuê cuốc mướn, mẹ anh mò cua bắt ốc nhặt củi mãi không thể dành dụm được... Anh để ý tới Sinh. Sinh tuy sẹo đầy mặt, nhưng thân hình cân đối khỏe mạnh, tay chân thon thả, mái tóc đen dày... Nhưng nếu anh lấy Sinh làm vợ thì thôn trên xóm dưới sẽ chê cười anh thậm tệ! Mà chắc gì Sinh đã chịu lấy anh? Cái đại tộc ấy con gái chẳng cô nào đẹp lắm, nhưng mỗi lần con trai các họ tộc khác đến cầu hôn thường gặp nhiều khó khăn. Có điều lạ là con trai các họ tộc khác phần lớn đều nhằm các cô gái của đại tộc ấy, năm lần bảy lượt thất bại mới xoay qua hướng khác. Những nhà có con gái thường kêu con trai của đại tộc ấy mà gả, thậm chí còn nói là “cho không”, miễn là được nhà trai của đại tộc đó đồng ý... Nghĩ vậy rồi Trân thấy anh là cái thá gì mà mơ tưởng hão huyền! Nhưng cái ý tưởng muốn gá nghĩa với Sinh cứ vương vấn mãi trong anh, như cái mạng nhện giăng mắc trên mái nhà tranh ba gian hai chái của mẹ con anh. Anh nằm ngửa trên giường, dang rộng hai tay, nhắm mắt mơ màng. Mẹ anh đang phơi trở lá mồng Năm trên sân. Các thứ lá tía tô, kinh giới, ngải cứu, ích mẫu, bồ công anh... mọc trong vườn và bụi bờ quanh nhà. Năm nào cũng vậy, mẹ anh hái băm nhỏ phơi lúc đúng Ngọ, để dành nấu uống quanh năm. Có lẽ nhờ vậy mà cả hai mẹ con chẳng hề đau yếu gì. Buổi sáng anh vâng lời mẹ bắt con vịt trong chuồng làm thịt để cho ráo nước. Mẹ nấu nướng một lúc gần trưa bưng đồ lễ ra cúng. Cúng xong hai mẹ con ngồi ăn với nhau. Anh ăn một chén xôi, một tô cháo, một đĩa thịt vịt, một chén chè đậu đỏ. Ăn xong lấy quạt mo phe phẩy mấy cái rồi buông tay nằm. Giờ này chắc chắn Sinh đang ăn mồng Năm ở chợ Phò Trạch, chứ không chịu bỏ mất bữa chợ để ở nhà lo nấu cúng như mọi người đâu. Con người lạ lùng, quanh năm đòn gánh đè vai, đường dài thăm thẳm mà đôi chân mới dẻo dai làm sao! Anh nằm thiu thiu ngủ và anh mơ thấy Sinh đi lấy hàng về ngang qua xóm nhà anh. Anh đang vun mấy luống khoai ở mép cồn cát, vội đứng lên đi nhanh về phía Sinh, đòi gánh đỡ Sinh một đoạn. Lạ thay, vừa mới ban ngày đó lại thoắt ban đêm. Trăng sáng lắm, đường thôn cát trắng lắm. Anh gánh chạy nhanh, Sinh chạy theo, thở hổn hển. Bóng anh và bóng Sinh thỉnh thoảng chập vào nhau. Anh bước chậm lại, Sinh cũng chậm lại. Sinh cười, đôi hàm răng đều đặn sáng lóa dưới trăng. Anh nói anh thương Sinh, Sinh lại cười rồi xấu hổ bỏ chạy. Anh gánh chạy đuổi theo, mồ hôi vã như tắm. Anh choàng thức giấc, mới biết đấy chỉ là mơ. Anh tiếc rẻ ngồi dậy. Nhìn bóng chiều ngả trước sân anh đoán chắc bây giờ khoảng ba giờ chiều. Anh mong cho mau chiều và mau tối. Anh chạy ra trằm tắm. Nước mát làm anh thấy sảng khoái. Anh chọn bộ áo quần tươm tất nhất, mặc gọn gàng. Soi gương chải tóc, rồi đi ra phía cầu Mụ Dé. Qua phía thôn Niêm - đoạn bắt đầu quãng đồng trống dẫn về chợ Ưu Điềm. Chợt thấy bóng Sinh từ xa. Anh bước nhanh tới. Đôi gióng gánh nhẹ tênh trên vai Sinh. Đôi tay dài đánh đường xa vẻ khoan thai, dáng đi nhanh nhẹn. Hôm nay Sinh mặc quần sa tanh đen láng mướt, áo dài lụa trắng, tóc búi trễ, quai nón nhung màu xanh nước biển, chiếc nón trắng mới tinh ẩn hiện những bài thơ... Anh cất bước nhanh hơn, lên ngang hàng với Sinh, anh cất giọng hồ hởi:

- Chào o Sinh!

- Ờ... Anh đi mô rứa?

- Tui đi thăm vạt ruộng, thấy Sinh nên...

- Thấy tui thì răng? - Sinh gặng hỏi rồi bật cười thành tiếng trước điệu bộ lúng túng của Trân.

Trân bước dồn lên hỏi:

- Hôm nay Sinh bán hàng có nhanh không?

- Ồ, nhanh lắm! Hôm mô gặp lính đi chợ bán dễ và được giá lắm!

Trân ỡm ờ:

- O Sinh làm giàu nhiều rứa để của mô cho hết?

Sinh cười:

- Giàu chi? Đủ ăn đủ tiêu thôi!

- Ăn tiêu chừng mực thôi, để dành lại sau còn lấy chồng chứ?

- Hứ?! Chồng? Ai người ta thèm lấy tui?

- Răng lại không?... O Sinh không biết chớ có người thương o thật lòng...

- Thương? Thương tui? Cha mẹ ơi, họ đang trêu chọc con đây này...

Sinh bưng mặt khóc rồi hai tay nắm chặt hai tao gióng cúi đầu chạy.

Trân đứng nhìn theo gọi to:

- O Sinh làm chi rứa? Tui có lời chi phiền o... xin o thông cảm, bỏ lỗi cho… 

Sinh kéo vạt áo dài lên lau mắt rồi cắm cúi chạy một mạch về thấu chợ Ưu Điềm. Chỗ lò mổ cậu mợ của Sinh cùng mấy khách hàng khác đang tính toán ngã giá mấy con heo thịt làm hàng sáng sớm mai…

Đêm ấy trong căn nhà quen thuộc của cậu mợ lần đầu tiên Sinh trằn trọc không ngủ. Trân nói như rứa là nghĩa làm sao? Tuy Trân con nhà nghèo, mẹ góa con côi, nhưng khỏe mạnh, đẹp trai. Còn mình xấu xí, tật nguyền, lại đã hai mươi lăm tuổi. Con gái đẹp mà đến tuổi này còn khó kiếm được chồng nữa là mình! Hay là hắn thấy mình già nua xấu xí tật nguyền nên hắn cố ý trêu chọc? Được rồi, để đó coi hắn giở trò chi? Sinh này sẽ thẳng cánh phang đòn gánh vào mặt chứ! Chưa kể là cha Sinh mà biết được ông sẽ qua bên xóm Thiềm ông đốt nhà của mẹ con
hắn chứ!...

Đêm về sáng, trăng mồng Năm leo lét trên lùm tre xóm Thượng. Từ đằng xa Sinh đã thấy một bóng người đàn ông mặc sơ mi trắng dong dỏng cao đứng giữa đường. Tim Sinh đập mạnh, vì đó là Trân. Anh đứng đó đợi Sinh. Bóng trắng bước nhanh về phía Sinh cất tiếng:

- Ngồi nghỉ một chút đi!

- Không nghỉ. Đi kẻo muộn.

- Không muộn mô, mới bốn giờ. Ngồi nghỉ một chặp rồi tôi gánh giúp cho.

Sinh ngoan ngoãn đặt gánh, ngồi xuống. Trân ngồi xuống bên, lấy nón lá của Sinh quạt cho Sinh, rồi rút chiếc khăn tay đưa cho Sinh bảo hãy lau mồ hôi.

- Tui có khăn. - Sinh nói, đoạn lục túi kéo chiếc khăn thêu trắng muốt ra lau mặt, lau cổ, lau tai... xong trải khăn lên đầu để sương khỏi lấm tóc, và để ráo mồ hôi.

Nhưng Trân đã lấy chiếc khăn trên đầu Sinh xuống, áp vào mũi hít hít...

Sinh nguýt Trân một cái và nói:

- Điên à? - Nói xong Sinh giật chiếc khăn lại.

Hai người giằng co. Trân nắm lấy tay Sinh, giọng
dịu dàng:

- Tôi yêu Sinh mà Sinh không biết.

- Yêu tui? Anh dám yêu tui?

- Thì... cứ yêu. Nếu Sinh cho phép thì tôi nói với mẹ tôi bưng trầu cau tới...

- Đừng! Đừng tới! Ba mạ tui không gả tui cho anh mô...

Trân đã tiên liệu điều đó nên không lấy làm ngạc nhiên:

- Nếu gia đình không đồng ý thì mình cứ... yêu nhau... có được không? Trân đánh bạo nói.

- Yêu ư? Mặt tui đầy sẹo, anh yêu tui làm chi?

- Đó là rủi ro lúc nhỏ. Tôi biết Sinh đẹp, đẹp nhất nhà, đẹp hơn bất cứ người con gái nào khác ở làng này.

- Ai nói mà anh biết tui đẹp?

- Tôi nhìn mạ nhìn ba, nhìn em gái Sinh và nhìn vóc dáng Sinh… chắc chắn Sinh sẽ đẻ ra những đứa con
tuyệt đẹp.

- Đừng nói nữa! Trời ơi, làm răng tui sinh con?

- Phụ nữ ai rồi cũng phải sinh con.

- Nhưng tui không ưng anh...

Sinh nói và e thẹn cúi xuống cắn chéo áo. Cử chỉ thật đẹp, làm Trân xao xuyến. Anh khẽ đưa tay lên vén mấy sợi tóc lòa xòa trước trán Sinh, anh nói:

- Sinh để tôi gánh một đoạn. - Nói rồi Trân đặt gánh lên vai ung dung rảo bước.

Đi hết đường xóm Thượng, Trân trở vai vừa bảo Sinh bước lên cầu tre đi qua thôn Niêm trước, rồi anh mới bước lên cầu. Sinh đứng đợi. Khi cả hai đã qua hết cầu,
Sinh hỏi:

- Vì răng không cùng đi qua?

- Sinh không thấy nhịp gần cuối cầu bị vênh à? Nếu cả hai người cùng đi, không khéo có người bị... Tôi thì không nói làm gì, còn Sinh...

- Chao ôi, những lúc tui đi một mình... có ai lo cho tui?

- Sinh không biết đó, nhiều đêm tôi thức giấc cứ lo Sinh... có làm sao...

Sinh im lặng bước dồn lên phía trước.

Đi hết xóm ngoài của thôn Niêm, Trân mới trao gánh cho Sinh, nói lời tạm biệt rồi lội ngang hói, băng qua xóm Thiềm bằng con đường tắt. Mấy con chó ở xóm nhà chú Phạ bên này rồi xóm nhà ông Cử ở bên kia sủa rân vang...

Từ đó mỗi chiều mỗi đêm Trân thường đợi để đưa đón Sinh, gánh giúp Sinh một quãng đường. Một hôm Sinh nói:

- Chỉ ban đêm thôi. Buổi chiều anh đừng đón gặp tui mà người ta ngó thấy.

 

Trân đồng ý. Đêm đó anh cầm theo một tấm ni lông để trải bên vệ đường cho Sinh ngồi nghỉ duỗi chân thoải mái. Càng ngày Sinh càng thấy Trân thật tốt bụng, thật da diết với Sinh. Nhưng nghĩ đến việc để cho mẹ Trân mang cau trầu đến dạm hỏi mình thì Sinh không muốn. Dòng họ Sinh to lớn, các ông chú ông bác đều làm quan to, còn Sinh vì tật nguyền mà phải “vớ lấy” một anh chàng nghèo rớt mồng tơi, mẹ góa con côi, hèn mọn nhất làng... Không! Không được! Ý nghĩ này đã làm Sinh giãy nảy lên mỗi khi Trân ngỏ ý xin cưới. Tuy vậy họ vẫn tiếp tục gặp nhau và tình yêu ngày một thắm thiết.

Nhà một mẹ một con, theo luật Trân không phải đi quân dịch, nhưng Thôn trưởng Xã trưởng phát lệnh gọi Trân tham gia lính nghĩa quân - một cách gọi khác, gọi mới của tổ chức dân vệ trước đó. Trân hiểu được rằng anh không có quyền chọn lựa. Đã gọi là phải đi chứ tránh đâu cho thoát?! Sau mười lăm ngày tập trung huấn luyện anh được trang bị cây súng trường, bộ đồng phục nghĩa quân màu đen, thắt lưng bằng da nâu, giày đinh, bít tất đen với trái lựu đạn màu cỏ úa. Trong bộ quân phục này trông Trân khác hẳn: thân hình cân đối, cao lớn, hiên ngang, rắn rỏi. Trân và Sinh gặp lại nhau sau hơn hai tuần xa cách. Trân đã kể hết sự nhọc nhằn trong huấn luyện, về nỗi nhớ mẹ, nhớ Sinh... Trong lùm cây song mã trên trảng cát, Sinh đã tự nguyện trao tặng Trân cái quý giá nhất của đời người con gái. Hai người lại nằm ngửa mặt ngắm sao trời, Sinh nói:

- Dòng họ tôi từ thời vua chúa tới nay đi phía mô cũng làm to. Chừ đây giải phóng về, nhiều người theo giải phóng. Anh theo cộng hòa, theo ông Thiệu có tiện không?

- Sao Sinh không nói trước điều đó với tôi?

- Làm trai thì phải biết chứ! Vì răng phải đợi nói?

- Thôi, đã lỡ rồi... Tính sau! - Trân lẩm nhẩm nói với Sinh mà như nói với chính mình.

Những cuộc chạm súng nổ ra. Nhiều đêm Trân phải ngủ tập trung, không về làng được để đưa đón Sinh.

Một hôm Hoàng Phương Liên đang ở nhà thì nghe thấy tiếng chị Sinh khóc nức nở, khóc tức tưởi. Giờ này đáng ra chị Sinh phải đi về lò mổ ngủ lại đợi sáng sớm mai lấy thịt đem đi chợ bán, cớ sao còn ở nhà mà khóc?

Mẹ Hoàng Phương Liên lật đật đi bằng con đường băng ngang hàng rào hóp - chỗ gốc mít, qua nhà chị Sinh thăm hỏi. Một lát sau mẹ Hoàng Phương Liên về nói:

- Sinh nó nói nó có mang với thằng Trân.

Nghe xong cả nhà chưng hửng, cái anh chàng đó trông lầm lì thế mà quá trời! Bây giờ tính sao?

Mẹ đích Hoàng Phương Liên hỏi. Mẹ đẻ Hoàng Phương Liên trả lời:

- Chưa ai biết tính cách chi cả! Sinh khóc vật vã. Cả nhà câm nín. Bác Bát trai cứ vò đầu bứt tai... Không chừng sẽ kêu thằng Trân tới mà cho không!

- Liệu hắn có đồng ý không? - Mẹ đích Hoàng Phương Liên hoài nghi.

- Cũng chưa biết chừng thật!...

Mẹ đẻ Hoàng Phương Liên nói, rồi tiếp tục nghe ngóng.

Câu chuyện chị Sinh khóc lóc nói rằng mình có thai với anh Trân rồi cũng qua. Tuổi trẻ ăn chưa no lo chưa thấu Hoàng Phương Liên nghe đó quên đó. Cho đến một hôm mẹ chị Sinh ngồi chơi nói chuyện với mẹ Hoàng Phương Liên khi bà đang nhặt lúa trong thúng gạo. Mẹ chị Sinh cũng nhặt giúp. Mẹ Hoàng Phương Liên hỏi:

- Rứa chuyện con Sinh với thằng Trân... tới mô rồi?

- Có thấy chi mô! Tự dưng nó khóc rống lên kêu rằng mình có mang. Tui với ông nhà tui đã bàn với nhau thôi thì con mình tật nguyền, nó lỡ dại có đứa con mà nuôi. Nhưng chờ hoài chờ mãi không thấy chi hết! Hôm tê tui ngó thấy nó có kinh nguyệt. Rứa đó thím! Tự dưng hô hoán lên rằng mình chửa hoang! Có con gái ai trên đời như kiểu con gái của tui?

Mẹ Hoàng Phương Liên cười, vừa đưa tay phẩy một mớ gạo cho tràn ra ở mép thúng nói:

- Vì cả đời chưa hề... Bây chừ mới... hề một lần, nên cứ tưởng là... mang rồi đó!

Hoàng Phương Liên nhìn mẹ đầy ngờ vực.

Một thời gian sau anh Trân rã ngũ bỏ nhà trốn đi. Mấy tháng sau chị Sinh cũng trốn đi. Sau mấy mươi năm giờ đây Hoàng Phương Liên mới biết rõ ngọn ngành. Trân nghe lời Sinh đem vũ khí về giao nộp cho quân giải phóng do Sinh móc nối. Quân giải phóng hỏi:

- Anh hãy tham gia chiến đấu cùng chúng tôi chứ?

Trân thành thật:

- Em xin các anh! Em không thể cầm súng cho bên nào hết! Trước đây em bị ép, nhưng em chưa hề bắn ai.

- Biết rồi.

- Bây giờ em cũng không muốn bắn ai.

- Vớ vẩn! Không bắn vào đồng bào mình, nhưng giặc Mỹ đến xâm lược quê hương đất nước mình thì mình phải bắn chứ?

- Em xin các anh!

- Thôi được, về suy nghĩ lại. - Cán bộ giải phóng bảo với Trân.

Nhưng Trân đã không có thời gian để suy nghĩ. Đêm hôm đó Trân đón Sinh lúc ba giờ sáng, rồi hai người cùng gánh hàng l 4d4 ên tuốt chợ Phò Trạch huyện lỵ Phong Điền. Sinh đưa Trân vào một quán ăn, gọi một tô bún bò giò heo cho Trân ăn xong, Sinh móc túi đưa cho Trân một nắm tiền và một địa chỉ người quen của Sinh tại Huế. Trân lên xe đò đi Huế. Nhưng vào đến Huế, Trân nghĩ nếu ở Huế thế nào anh cũng bị bắt vì tội đào ngũ, nên anh lại mua vé đi tiếp vào miệt trong. Anh đi biệt mù. Sinh ở nhà đợi mỏi con mắt. Gần nửa năm sau, khi Sinh không còn chút hy vọng nào, thì bất ngờ nhận được thư Trân. Anh hẹn gặp chị ở Sài Gòn. Sinh nhận được thư là chuẩn bị đi ngay. Trước khi đi Sinh đến thăm mẹ Trân. Bà dặn Sinh và Trân hãy chung sống với nhau, đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau, mẹ có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng, mẹ đã có làng xóm, các con không phải lo cho mẹ. Mẹ lần trong bao gối lấy ra đôi bông tai đưa cho Sinh. Sinh không nhận nói rằng mẹ giữ để phòng thân, nhưng mẹ bắt buộc nên
Sinh phải nhận. Đôi bông ấy Sinh còn giữ mãi cho đến ngày nay...

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83723


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận