Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 13


Chương 13
Thông qua Tổ chức, Anh Thi đã đi Sài Gòn gặp cô Minh Lý - người đồng chí thân thiết của mẹ, người đã gửi nhật ký của mẹ cho Cục Lưu trữ.

Cô Minh Lý đang là bác sĩ công tác tại Khoa Ngoại bệnh viện 115. Chồng cô là một cán bộ lãnh đạo của thành phố, nhà ở trên đường An Dương Vương, Quận 5. Tuy đã hẹn trước qua thư, qua điện thoại, nhưng khi gặp nhau cô Minh Lý đã không kìm lòng được, cô kêu thét lên rồi ôm chầm
lấy Anh Thi mà khóc nức nở, cô Minh Lý nói qua màn nước mắt:

- Giống như bà Phúc Toàn đang sống dậy ấy...
Ôi chao!

Anh Thi cũng khóc. Nghẹn ngào nức nở và đầm đìa nước mắt khi chỉ vài giờ sau khi gặp cô Minh Lý, Anh Thi đã được dẫn đến nghĩa trang liệt sĩ thành phố bên ngôi mộ có bia đề: Liệt sĩ Hoàng Hoa Đoan Thuận 1925 - 1968.

Cô Minh Lý xin nghỉ phép một tuần ở nhà tiếp đãi Anh Thi. Chồng cô Minh Lý cũng tranh thủ nghỉ mấy buổi để cùng vợ con tiếp đón chuyện trò với Anh Thi. Trong chương trình có đi về Năm Căn thăm má và thăm anh Trân chị Sinh là anh chị nuôi của Minh Lý nhưng đã coi nhau như ruột thịt. Bất ngờ má cô Minh Lý từ Năm Căn lên Sài Gòn thăm con cháu mang theo sò huyết, tôm cua... Má cũng xúc động khi đột ngột được nhìn thấy một phiên bản của bà Phúc Toàn. Bà mếu máo níu chéo khăn rằn chặm nước mắt nói với Anh Thi:

- Bà chưa từng gặp ở đâu một con người tốt như má con, đẹp như má con!...

Càng được nghe mọi người kể chuyện Anh Thi càng thương mẹ xót xa. Trước đó Đoan Thuận đi Pháp học với một mệnh lệnh: Chỉ lo học cho giỏi, tốt nghiệp xong thì về Sài Gòn và không cần phải biết ai đã chi phí cho mình ăn học. Đoan Thuận được một khoản tài trợ giấu mặt và được một học bổng do đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi. Giả sử không có khoản viện trợ, mà chỉ riêng học bổng này cũng đủ cho Đoan Thuận. Đoan Thuận suy đoán rằng khoản tài trợ cho Đoan Thuận là của một người Pháp thân với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Suốt bảy năm trên đất khách quê người Đoan Thuận không hề nhận được một tín hiệu gì về phía Nhà nước ta. Không một dòng thư, không một cuộc điện thoại, không một lời thăm hỏi. Những ngày đầu trở lại Sài Gòn, Đoan Thuận một thân một mình xoay xở. Nhờ khéo dành dụm trước đó nên Đoan Thuận mở thẩm mỹ viện trên đại lộ Lê Lợi không gặp trở ngại gì. Tên hiệu của mỹ viện là Phúc Toàn, nên mọi người đều gọi Đoan Thuận là bà Phúc Toàn. Trong giới thượng lưu mà Đoan Thuận giao du không ai có thể ngờ rằng quý bà Phúc Toàn trí thức sang trọng và diễm lệ nhường kia là Việt Minh Cộng sản. Nhưng với riêng ông cố vấn Ngô Đình Nhu, Đoan Thuận đánh bài ngửa, rằng có một thời gian Đoan Thuận đi theo Việt Minh làm y tá.

Ngô Đình Nhu nói:

- Thời ấy ai mà không tham gia chống thực dân Pháp? Hiện ở Sài Gòn có nhiều người từng đi theo Việt Minh đánh giặc Pháp, bây giờ trở về học hành làm việc bình thường. Có người là nhà giáo, có người quân nhân, công, tư chức, thương gia... Hiện tại Phủ Tổng thống có ông cố vấn - là người bạn gần gũi tin cậy của tôi - cũng đã từng là Việt Minh, giữ chức Thị ủy...

Trước khi chưa xảy ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, thì cũng qua tiếp xúc với Ngô Đình Nhu, Đoan Thuận được biết trong đám thuộc hạ được anh em Ngô Đình Nhu tin cậy nhất có một viên tướng dòng dõi hoàng gia Nguyễn Phước tộc. Có thể nói từ khi đem lòng yêu Bửu Toàn tự nhiên Đoan Thuận có thiện cảm với hết thảy những người trong hoàng gia Nguyễn Phước tộc. Đoan Thuận biết với danh xưng vị tướng này thì anh ta là hàng con cháu của một trong chín vị chúa của triều Nguyễn, chứ không phải hàng hậu duệ của nhà vua như Nguyễn Phúc Bửu Toàn. Giữa đất khách quê người một thân một mình với nỗi nhớ da diết về Bửu Toàn và đứa con gái bé bỏng khôn nguôi - chỉ một thoáng hơi hướng, một dấu tích nhỏ của dòng họ ông cũng làm Đoan Thuận xao xuyến, và lòng những mong một lúc nào đó sẽ có dịp gặp gỡ tiếp xúc với viên tướng này. Không ngờ trong cuộc đảo chánh viên tướng đã lộ nguyên hình là kẻ phản bội! Những ngày kế tiếp Sài Gòn như một chảo lửa. Không khí sục sôi vì các phe phái tranh giành quyền lực. Điều đáng ghê tởm hơn cả là viên tướng trẻ một thời cúc cung tận tụy ôm chân anh em nhà họ Ngô - giờ đây nhờ khéo tráo trở, khéo lật lọng nên được phe đảo chánh cho giữ cái chức gọi là Phó chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng. Không biết các quan chức quân sự giữ vai trò chủ chốt trong đảo chánh, và cao hơn nữa là người Mỹ - có nhìn thấy bản chất phản trắc của viên tướng này? Một con người đã từng được đặc cách sủng ái, được Ngô triều tin cậy bậc nhất, trong phút chốc quay đầu làm kẻ phản bội, dây máu chia phần... Một nhân cách như vậy có đáng để giao trọng trách không? Bửu Toàn ơi, tại sao trong dòng họ của ngài lại có một con người như thế? Đoan Thuận cay đắng nghĩ về nhân tình thế thái rồi nghĩ phận mình. Trông chờ Tổ chức đến mỏi mòn, nhiều lúc Đoan Thuận nghĩ hình như Tổ chức đã “quên” Đoan Thuận, nếu không muốn nói là “bỏ rơi”. Thời gian gần đây qua theo dõi những cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Huế, đặc biệt là trong giới sinh viên học sinh, Đoan Thuận thầm hỏi con gái mình có tham gia những cuộc xuống đường đó không? Rồi Đoan Thuận tự tìm lấy câu trả lời rằng “có”. Bởi vì nó là con của Đoan Thuận đẻ ra, lại được kết hợp với khí chất trung liệt, dũng cảm và giàu lòng yêu nước của Bửu Toàn. Bửu Toàn, hẳn là ngài đã hết lòng thương yêu nuôi dạy đứa con của chúng ta trở thành một thiếu nữ rất đỗi thông minh, xinh đẹp, tài hoa và dũng cảm? Ngày đêm Đoan Thuận thầm cầu nguyện cho Anh Thi gặp nhiều thuận lợi trên đường đời. Đoan Thuận rất yên tâm khi biết bên cạnh người cha tuyệt vời Bửu Toàn, Anh Thi còn có anh trai Vĩnh Tuấn nhân hậu và mẹ Nguyễn Khoa Diệu Anh dịu dàng. Tuy gần đây trong lòng Đoan Thuận thỉnh thoảng cộm lên nỗi lo lắng rằng một mai Anh Thi trưởng thành sẽ xây dựng gia đình. Chồng Anh Thi là ai? Đến nay Hoa Kỳ là một cường quốc về kinh tế, đứng đầu về công nghệ, và chu trình khủng hoảng thừa đã đẩy các tập đoàn sản xuất vũ khí gây sức ép cho chính phủ Hoa Kỳ đi tổ chức các cuộc chiến tranh xâm lược để tìm chỗ tiêu thụ số vũ khí ấy. Than ôi, đất nước bốn ngàn năm văn hiến trở thành cái túi cho bọn chúng trút bom đạn xuống! Và các thế hệ thanh niên Việt Nam bị bắt lính. Nếu gian hùng xảo quyệt thì tồn tại và đi lên như viên tướng trẻ hậu duệ của hoàng gia Nguyễn Phước tộc kia, nếu thật thà chân chất thì biến thành bia đỡ đạn cho bọn chỉ huy! Rồi mồ anh xanh, khăn trên đầu vợ con anh màu trắng. Liệu con gái mình - Anh Thi có lâm vào hoàn cảnh này không? Ý nghĩ này cùng với niềm thương nỗi nhớ về xứ Huế khôn nguôi dằn vặt Đoan Thuận ghê gớm, nhưng Đoan Thuận không biết chia sẻ cùng ai. Cho đến nay, người cộng sự, người làm công và là người bạn thân nhất của Đoan Thuận là cô tá viên điều dưỡng Minh Lý. Cả đại gia đình của Minh Lý ở tận Năm Căn cũng coi Đoan Thuận là chỗ gần gũi thân tình. Mọi việc vui buồn thành bại của gia đình đều thổ lộ, chia sẻ với Đoan Thuận. Về phía Đoan Thuận cũng hết sức chân thành cởi mở, việc gì giúp đỡ được cho các thành viên gia đình Minh Lý Đoan Thuận đều cố gắng làm hết khả năng mình. Nhưng một mảng bí mật trong lý lịch thì Đoan Thuận vẫn cất giữ. Trước nay Minh Lý chỉ biết Đoan Thuận đi du học về rồi mở mỹ viện. Cha mẹ anh em không còn ai. Thời tuổi trẻ, khi còn ở Huế Đoan Thuận đã một lần yêu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn hai người không thể chung sống với nhau được. Mối tình bất tử ấy đeo đẳng làm trái tim Đoan Thuận luôn trĩu nặng. Đoan Thuận khước từ hết thảy mọi người đàn ông con trai chỉ để sống, làm việc và tôn thờ người đàn ông lý tưởng


của mình...

Như mọi lần, từ phòng phẫu thuật bước ra, Đoan Thuận trút bỏ găng tay, mạng che và áo choàng, rồi đi thẳng lên phòng riêng của mình. Cửa phòng khóa? Khi nào đi ra ngoài Đoan Thuận mới khóa, khi ở nhà Đoan Thuận chỉ khép hờ hoặc để ngỏ. Thỉnh thoảng Minh Lý vẫn khóa cho Đoan Thuận như thế này khi thuốc men, tiền bạc giấy tờ ngổn ngang chưa cất đặt xong mà phải đi làm việc, rồi Minh Lý cất chìa khóa phòng vào chỗ quy định phía sau bức tượng nữ thần sắc đẹp đặt ở góc phòng ngoài. Đoan Thuận đến bên tượng, thò tay lấy chiếc chìa khóa - vừa cố nhớ ra rằng hôm nay chẳng hề có thuốc men tiền bạc giấy tờ gì ngổn ngang trước lúc Đoan Thuận bước ra khỏi phòng cả. Ngồi trước gương chải lại tóc, Đoan Thuận thấy trên bàn trang điểm một phong thư nhỏ. Đoan Thuận cầm lên, dòng chữ nắn nót: "Gửi cô Hoàng Hoa Đoan Thuận. Một nét chữ vừa chân phương lại vừa bay bướm, kiểu chữ to, nghiêng, gây ấn tượng cho người mới nhìn thấy lần đầu và nhắc cho người dễ nhận ra những lần sau... Nét chữ cách đây gần mười năm, nét chữ rất thân thuộc! Ai đặt bức thư này vào đây? Trong nhà ngoài Đoan Thuận, chỉ có Minh Lý là người có quyền đóng mở cửa phòng này. Và điều quan trọng là chính Minh Lý đã khóa cửa phòng này sau khi đặt bức thư lên bàn trang điểm. Vậy giữa Minh Lý với tác giả bức thư này có gì liên quan? Đoan Thuận cứ băn khoăn đặt nhiều câu hỏi mà chưa chịu mở bức thư trong bàn tay run run nắm chặt. Đoan Thuận muốn gọi Minh Lý ngay để sáng tỏ mọi điều, nhưng toàn thân Đoan Thuận như đang rung lên. Đoan Thuận đưa một bàn tay trấn lên ngực. Tổ chức đã chủ động bắt liên lạc với cô! Đoan Thuận mở bức thư:

Thời gian qua tuy anh em bè bạn không liên lạc với Đoan Thuận, nhưng qua thăm hỏi biết được Đoan Thuận luôn mạnh khỏe, vui tươi và làm việc tốt, nên anh em bè bạn rất mừng. Về phía anh em thời gian qua tuy trong gia đình có mất mát, khó khăn, nhưng tinh thần vẫn luôn vững chãi. Rất mong từ nay thường xuyên biết được tin tức của nhau. Có gì cần biết thêm người mang thư này sẽ nói rõ. Đó là một người bạn rất tốt của chúng tôi.

Thân mến

Nguyễn Phúc Hồng Danh

 

Người mang thư này... Đó là một người bạn rất tốt của chúng tôi. Minh Lý? Minh Lý?!

Đoan Thuận bật dậy như một chiếc lò xo. Đoan Thuận không dùng chuông để gọi Minh Lý như mọi khi, mà Đoan Thuận lao ra, mở cửa phòng, chạy xuống cầu thang với bức thư nắm chặt. Nhưng Minh Lý đã đứng đợi sẵn ở cầu thang tự lúc nào. Đoan Thuận dừng lại ở đầu cầu thang. Minh Lý bước vội lên mấy bậc đứng đối diện với Đoan Thuận đang mở to mắt nhìn thẳng vào Minh Lý. Minh Lý đọc được cái nhìn ấy cùng với bức thư đang rung lên trong tay Đoan Thuận: Thế này là thế nào?!...

Minh Lý hơi nhích bước một chút, đầu hơi cúi, hai tay đan vào nhau nói như người mắc lỗi:

- Em, chính em đã đặt bức thư này lên bàn trang điểm của cô.

- Tôi cũng đoán vậy. - Đoan Thuận nói, giọng rời rạc, khô khốc, gần như lạc đi.

Minh Lý biết Đoan Thuận đang cố nén niềm xúc động, cả sự bàng hoàng và một chút ngỡ ngàng? Minh Lý giọng lí nhí:

- Em xin lỗi cô... Em đã làm cho cô bất ngờ...

Đoan Thuận đứng lặng im, tay cầm bức thư và cả tay kia nữa cùng buông thõng, bất động. Rồi đôi dòng nước nóng hổi tuôn trào ra khỏi mắt. Đoan Thuận cứ để cho nước mắt tự do rơi khi cô ôm chầm lấy Minh Lý và nói thều thào qua hơi thở:

- Em không có lỗi gì cả! Cô cám ơn em! Thực sự cám ơn em!...

Cả hai người cứ giữ nguyên tư thế như vậy, chừng một phút trôi qua, Đoan Thuận đẩy nhẹ Minh Lý ra, nhìn trân vào mắt Minh Lý hỏi:

- Vì sao... ở cận kề bên nhau mà em nỡ để cho tôi phải đợi chờ lâu đến thế?!

- Thưa cô... Thưa đồng chí kính mến, tôi chỉ biết hành động theo chỉ đạo của Tổ chức, mong đồng chí thông cảm! - Thông cảm... Ở cuối câu giọng Minh Lý như bị rung lên.

Một lần nữa Đoan Thuận cố lấy lại bình tĩnh, đứng thẳng người, tay nắm chặt vai Minh Lý, tay kia vì có bức thư nên nắm hơi lơi nhẹ một chút, nói trong hơi thở
dồn dập:

- Được rồi! Tốt rồi! Rất cám ơn!

Nói xong Đoan Thuận trở vào phòng riêng của mình vừa đưa tay gạt nước mắt.

Khi đã trở thành bạn chiến đấu của nhau trong thành phố bị địch chiếm đóng Đoan Thuận có dịp chia sẻ với Minh Lý nhiều hơn. Hằng đêm hai người đóng chặt cửa nghe Đài tiếng nói Việt Nam đến hết giờ phát sóng mới thôi. Nghe đài xong cả hai đều phấn chấn lắm. Lúc bấy giờ Minh Lý làm Bí thư Quận Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, còn Đoan Thuận phụ trách Trí vận kiêm nhiệm Binh, Địch vận. Người ít, việc nhiều, nên ai cũng chịu trách nhiệm chính một việc và kiêm nhiệm nhiều việc. Đoan Thuận thường giao du với các giáo sư, bác sĩ, các ông bà nghị sĩ tham gia các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi dân sinh dân chủ... Đặc biệt với các sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, với các bà vợ của đám sĩ quan này thường lui tới mỹ viện Phúc Toàn để chăm sóc sắc đẹp. Chuẩn bị tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, ngoài nhiệm vụ chính Đoan Thuận còn nhận vận chuyển và cất giấu vũ khí ngay trong nhà mình. Chẳng biết bằng cách nào mà cô “điều động” được một chiếc xe Jeep của Quân lực Việt Nam Cộng hòa chở máy móc dụng cụ giải phẫu thẩm mỹ tối tân cùng với các loại mỹ phẩm thượng hạng từ nước ngoài mới gửi về cho cô. Lái xe là một thượng sĩ, áp tải hàng là một viên trung úy - cả hai đều là thuộc hạ của tướng ba sao mà Đoan Thuận quen biết. Những kiện hàng được cẩn thận vận chuyển vào tận kho hàng của mỹ viện. Đoan Thuận đích thân kiểm kê xong, người và xe vội vã ra về. Một ngày trước hôm nổ súng mở đầu chiến dịch tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, các kiện hàng trên được khui ra, toàn là súng đạn! Cuối năm 1967, nghe Đài tiếng nói Việt Nam biết Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Tết Nguyên đán Mậu Thân sẽ chậm hơn một ngày so với lịch cũ - trên cơ sở những cứ liệu khoa học của Nha khí tượng Việt Nam. Như vậy là ngày mồng một Tết Mậu Thân nhằm ngày 30 tháng 1 năm 1968 (nếu theo lịch cũ là ngày 29 tháng 1 năm 1968). Hai cô cháu âm thầm chuẩn bị ăn Tết theo lịch miền Bắc, đồng thời triển khai một số công việc cụ thể chuẩn bị cho chiến dịch mới giữa lúc nửa nước phía Nam ăn Tết theo lịch cũ. Một trong những công việc của Đoan Thuận là sắm thêm “máy móc thiết bị dụng cụ cho mỹ viện” được chuyên chở bằng xe Jeep như đã nói trên. Gần đến Tết cũng qua viên tướng cho mượn xe Jeep này, Đoan Thuận nghe lỏm và biết y được lệnh dẫn quân đi yểm hộ cho vùng Bắc Tây Nguyên, vì nghe đâu người Mỹ đã nắm được kế hoạch tấn công mùa xuân 1968 của đối phương, mà các miền biên viễn như Tây Nguyên, đường Chín - Khe Sanh... là những trọng điểm cộng quân có thể đánh vào dịp Tết Nguyên đán. Như vậy là quân giải phóng sẽ tấn công vào các miền biên viễn, còn ở nội đô chúng ta chuẩn bị để làm gì? Cả hai cô cháu hỏi nhau, nhưng không ai tìm thấy câu trả lời. Hỏi cán bộ trực tuyến cũng chẳng biết gì hơn. Mãi tới chiều ngày 28 tháng 1 năm 1968, cả Đoan Thuận và Minh Lý đều nhận được lệnh: Triển khai kế hoạch đúng giờ G, ngày... Minh Lý chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp tác chiến. Đoan Thuận vận động đội ngũ trí thức ủng hộ cách mạng. Vận động ngụy quân ngụy quyền đầu hàng. Rồi sự việc diễn ra như trào dâng thác đổ, phấn khởi vào cùng. Mở radio nghe biết hầu hết các tỉnh thành phố thị xã thị trấn trên toàn miền Nam đều đồng loạt tiến công và nổi dậy, mà trọng điểm là Huế và Sài Gòn. Vui quá! Vất vả, gian khổ mà lòng cứ như hoa nở cờ bay. Lần đầu tiên quân cách mạng đánh vào các cơ quan đầu não của địch, tiến công và làm chủ nhiều ngày các thành phố thị xã thị trấn. Như vậy là giải quyết luôn chứ còn gì nữa? Hai cô cháu phấp phỏng mừng vui reo hò chia sẻ cùng nhau nhưng vẫn tiếp tục phòng thủ thế hợp pháp. Rồi kẻ địch phản kích rất mạnh. Và cuối cùng quân giải phóng rút ra khỏi thành phố. Nhưng phút chót bất ngờ Minh Lý gặp hai thương binh bị lạc trên đường Cao Thắng. Giữa vòng vây địch Minh Lý đã mưu trí dũng cảm đưa được hai anh về đến mỹ viện Phúc Toàn. Anh bị thương ở đùi không nặng lắm, nhưng vết thương đã bị nhiễm trùng. Còn anh kia viên đạn găm vào phổi, lại mất máu nhiều, khả năng sống được là rất ít! Đoan Thuận với Minh Lý sau hơn mười ba tiếng đồng hồ vật lộn với tử thần, hai ca mổ thành công.

Sau hơn một tuần tận lực cứu chữa, sức khỏe của cả hai anh đều khá dần lên. Đến ngày thứ mười, người bị thương ở đùi đã đứng lên đi lại được. Vết thương ở phổi đang lành. Chuẩn bị đưa hai anh rời khỏi mỹ viện là hết sức kỳ công! Quần áo dài, đầu tóc giả, bóp đầm, khăn quàng, kính đeo mắt, đồ nữ trang... Anh Chiến người thấp, nhỏ nhắn, da trắng, khuôn mặt tròn, miệng cười có cái răng khểnh rất duyên - nên sau khi ăn diện và trang điểm trông chẳng khác gì một quý phu nhân! Còn anh Chi thì ngược lại, người cao, to, da đen, râu tóc rậm rạp, tưởng khó có cách gì làm cho ra “người nữ” được! Buổi sáng sau khi thay băng ở ngực cho anh xong Đoan Thuận giục anh cạo râu - hẳn nhiên là anh Chiến cũng phải cạo râu. Với tài trang điểm khéo léo và cách hóa trang tài tình, Đoan Thuận đã làm cho Minh Lý giật mình khi từ trong phòng bước ra anh Chi bây giờ là một quý bà tha thướt trong tà áo dài muosseline màu huyết dụ. Những lọn tóc dài buông thõng ôm khuôn mặt thanh tú với chiếc sống mũi dọc dừa, làn da nâu bóng, đôi mắt long lanh sâu thẳm ẩn dưới đôi mày sắc, đôi môi chín mọng gợi cảm, chiếc bóp đầm cùng màu với áo dài. Đưa hai anh và cô Đoan Thuận xuống gara. Chiếc Mercedes đời mới màu da cam. Anh Chiến ngồi bên tay lái của Đoan Thuận, còn anh Chi ngồi một mình phía sau. Đoan Thuận chạy từ đường Lê Lợi ra đường Lê Văn Duyệt, nhắm hướng Tây Ninh... Sau giải phóng một thời gian anh Chiến tìm về chỗ cũ thăm nhưng không gặp. Anh phải cất công hỏi thăm và tìm mãi mới gặp được Minh Lý. Anh cho biết hôm đó xe chạy qua bao nhiêu trạm kiểm soát, ngang qua nhiều đồn bốt địch. Chỗ thì bọn địch chỉ đưa mắt ngó vào xe không hỏi han gì, chỗ thì soát giấy tờ. Đoan Thuận xuống trình giấy và giới thiệu các quý bà ngồi trên xe là phu nhân của các quan chức lên Sài Gòn giải phẫu thẩm mỹ... Xe cứ chạy mải miết. Vừa chạy Đoan Thuận vừa trao đổi bàn bạc và dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chủ động đối phó, không loại trừ phương án nổ súng. Càng đến gần vùng xôi đậu - tức là vùng ngày Quốc gia đêm Cộng sản, hoặc cả ngày và đêm Cộng sản với Quốc qia xen lẫn nhau như một đĩa xôi đậu - thì sự kiểm soát càng gắt gao hơn! Nhưng Đoan Thuận đã vận dụng tất cả khả năng ngoại giao tuyệt vời của mình để đi được trót lọt cho đến một điểm an toàn. Hai anh được cơ sở đón rồi đưa về căn cứ địa tiếp tục điều trị. Như đã nói, vì là vùng xôi đậu nên có nhiều tề điệp, đặc biệt là sau tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 bọn địch đã tập trung đánh phá rất ác liệt! Cho đến nay vẫn chưa xác định được việc Đoan Thuận bị bắt trên đường trở lại thành phố là do tề điệp vùng xôi đậu chỉ điểm, hay do những cơ sở ở đô thành vừa bị địch đánh vỡ, có người không chịu đựng nổi đòn tra tấn nên đã
khai báo...

- Lúc bấy giờ đã chiều muộn, - Minh Lý nhớ lại: - tôi đang bồn chồn lo lắng vì mãi chưa thấy cô Đoan Thuận lái xe trở về. Ở trên lầu tôi nghe tiếng chuông điện rồi tiếng la hét gọi cửa. Nhìn xuống thấy bọn cảnh sát trên xe bước xuống cùng với bọn dưới đường lố nhố súng ống. Biết có chuyện chẳng lành. Tôi hốt hoảng chạy vào phòng của cô, nhìn thấy hộp nữ trang mà ban sáng cô lấy ra để đeo cho anh Chi và anh Chiến chưa được cất vào chỗ cũ. Trên bàn viết là quyển sổ tay dày, bìa cũ mà cô thường ghi chép. Tôi vớ đại hai món nói trên cùng với chùm chìa khóa của mình dận vào dưới đáy sọt rác, rồi vội chạy xuống lầu khi bọn địch đã phá cửa ập vào. Chúng không hỏi han gì nhiều. Áp sát vào bắt người và lục soát xáo tung hết toàn bộ cơ ngơi tài sản của cô Đoan Thuận! Một tuần sau cô Đoan Thuận bị chúng giết ở khu biệt giam.

Lúc bấy giờ ở trong tù Minh Lý không hay biết gì. Má và chị Sinh đã đến xin đưa xác cô về chôn. Về sau này theo lời kể của những người biết chuyện, trên cơ sở đó Tổ chức nhận định do có sự mâu thuẫn tố giác nhau về mối quan hệ giữa các phe phái trong nội bộ địch với người bị bắt, nên trong thời gian chúng tập trung khảo cung cô, có kẻ đã lén thủ tiêu cô. Nghe má và chị Sinh kể thì chúng đã bắn cô, vì trên thân thể cô có hai vết đạn. Má và chị Sinh đều không biết rõ tên tuổi quê quán của cô, nên trên tấm bia mộ lúc bấy giờ má và chị Sinh ghi: Bà Phúc Toàn mất tháng 3 năm 1968.

Mấy hôm sau má và chị Sinh vào nhà lao Chí Hòa thăm, Minh Lý mới hay biết cô Đoan Thuận đã hy sinh. Minh Lý bảo má và chị Sinh tìm đến chủ cho thuê nhà để lấy lại những thứ của cô Đoan Thuận. Máy móc đồ dùng hành nghề của cô Đoan Thuận vẫn còn đó, nhưng má và chị Sinh có biết làm gì với những thứ ấy? Người đã không còn nữa thì của nả sắt thép còn để mà làm gì?! Cuốn sổ và hộp nữ trang giấu dưới đáy sọt rác may sao bà chủ cho thuê nhà tìm thấy và cất giữ cho. Hình như cô Đoan Thuận có một ít tiền vàng để trong tủ, nhưng bọn địch đã cạy phá lấy đi hết trước khi chủ nhà tới nhận lại cơ ngơi của mình. Cuốn sổ và hộp nữ trang được má đưa về Năm Căn cất giữ cho đến sau ngày giải phóng Minh Lý trở về, mở ra mới biết đó là quyển nhật ký của cô Đoan Thuận. Còn hộp nữ trang gồm các chuỗi ngọc trai, sợi dây chuyền bằng vàng tây, hai chiếc nhẫn mặt ngọc. Má bảo bà chủ nhà chỉ trao lại cho má với chị Sinh ngần ấy thứ.

- Thôi, mấy món nữ trang chị Sinh giữ lấy mà dùng. - Minh Lý nói. - Em chỉ giữ quyển nhật ký.

Đọc nhật ký của cô Đoan Thuận bao giờ Minh Lý cũng khóc thương day dứt. Về sau chồng của Minh Lý bàn với vợ là hãy gửi nhật ký của cô Đoan Thuận cho Cục Lưu trữ.

- Thế còn mối quan hệ với Ngô Đình Nhu? - Anh Thi mở to đôi mắt đỏ hoe và còn ngấn nước hỏi.

- Đó là cả một câu chuyện dài…

Minh Lý trả lời.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83724


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận