Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 14


Chương 14
Viên sĩ quan cận vệ của Ngô Đình Nhu thận trọng đặt lẵng hoa trên chiếc bàn nhỏ rồi cúi chào Đoan Thuận một lần nữa trước khi rút lui.

Đợi cho tiếng bước chân của viên sĩ quan đi xuống cuối cầu thang Đoan Thuận mới tới bên cửa sổ vén rèm nhìn xuống. Viên sĩ quan bước lên chiếc xe Jeep đậu ở lề đường, mở máy phóng đi. Đoan Thuận bước tới cầm chiếc carte de visite cài ở lẵng hoa lên xem:

Ngô Đình Nhu

Cố vấn chính trị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Mặt sau carte cũng nội dung ấy viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Không một dòng chữ viết tay nào trên


tấm carte.

Đoan Thuận còn nhớ lần gặp nhau đầu tiên ở Dinh Độc lập. Trước đó theo yêu cầu nên đã nhiều lần Đoan Thuận phái kỹ thuật viên của mình là Minh Lý vào dinh chăm sóc sắc đẹp cho bà cố vấn Ngô Đình Nhu. Qua Minh Lý, Đoan Thuận biết tại đó có hẳn một phòng rộng dành riêng cho việc chăm sóc sắc đẹp của bà cố vấn. Cũng có một phòng với quy mô tương tự - dùng để chăm sóc sức khỏe các thành viên trong đại gia đình. Mỗi lần bà cố vấn sinh con không phải đến bệnh viện. Các bác sĩ giỏi thường được điều động tới làm việc. Ngoài ra có mấy cô người Hoa chuyên làm tóc, trang điểm, làm móng chân, móng tay và chuẩn bị giày dép cho bà cố vấn. Thư ký riêng của bà cố vấn kiêm nhiệm điều khiển đám thuộc hạ này, Minh Lý cũng nằm trong số đó. Theo lịch bố trí tuần đều đặn hai lần Minh Lý đến massage chăm sóc da mặt và toàn thân cho bà cố vấn. Việc gì, khiếm khuyết nào trên thân thể thẩm mỹ viện cũng có thể khắc phục được, nhưng chiều cao khiêm tốn của bà cố vấn thì thẩm mỹ viện đành bó tay. Những hiệu giày dép nổi tiếng ở Paris, Italia và Việt Nam thường tặng bà cố vấn những đôi giày sang trọng tuyệt đẹp và có thể cải thiện chiều cao của bà một cách nghệ thuật. Đặc biệt tại Sài Gòn đích thân các chủ hãng mang giày tới dâng tặng bà cố vấn sau khi đã làm việc cụ thể với thư ký của bà. Tương tự vậy, đích thân bà chủ hiệu làm tóc, làm móng tay móng chân danh tiếng đến trực tiếp chăm sóc bà, cũng thế các chủ hiệu may thời trang đích thân đo, cắt may, và giữ số đo lại trong sổ vàng, đợi những khi bà cố vấn muốn may gì thì chỉ cho người đưa vải tới. Riêng thẩm mỹ viện Phúc Toàn nổi tiếng nhất về kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp trên toàn cõi Việt Nam Cộng hòa nên đã được bà cố vấn gọi đến phục dịch bao lâu nay, nhưng trước sau cũng chỉ cô kỹ thuật viên Minh Lý với tay nghề khá điêu luyện, còn bà chủ mỹ viện mặt mày ra sao cho đến nay bà cố vấn vẫn chưa được biết, nên bà cố vấn đã viết một bức thư ngắn gửi Minh Lý đem về mời bà Phúc Toàn đến Dinh Độc lập - đến chỗ bà cố vấn. Đoan Thuận đã đến. Bà cố vấn tỏ ra vui vẻ ân cần bắt tay Đoan Thuận nói:

- Rất vui được gặp bà! Mong rằng từ nay tôi được bà đích thân chăm sóc.

Đoan Thuận điềm đạm và thẳng thắn:

- Thưa bà cố vấn, nếu bà cố vấn cần một phẫu thuật thẩm mỹ nào đó thì tôi sẽ xin làm hết khả năng của mình. Còn các phần việc khác tôi đã giao cho các kỹ thuật viên lành nghề.

- Tôi biết. Mong rằng một lúc nào đó tôi sẽ nhờ đến đôi bàn tay tài hoa của bà. Hôm nay chúng ta chỉ
làm quen...

Đoan Thuận biết người đàn bà kiêu hãnh này cần gì phải hạ mình muốn làm quen với ai! Bởi chung quanh bà luôn có nhiều người tranh giành nhau xin được làm quen với bà. Chỉ một trường hợp ngoại lệ đã khêu gợi tính tò mò ở bà ta, hoặc là do lòng tự tôn của bà bị thương tổn nên mới có cuộc gặp gỡ này? Ý nghĩ vừa lướt qua, Đoan Thuận chưa kịp bày tỏ một động thái nào, thì một người đàn ông cao, gầy trong bộ veston màu xám nhạt bước vào. Bà cố vấn nhanh nhảu giới thiệu:

- Đây là bà Phúc Toàn - bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, còn đây là ông cố vấn Ngô Đình Nhu - nhà tôi.

Đoan Thuận đứng lên khẽ cúi đầu lễ phép:

- Kính chào ngài cố vấn!

- Chào bà. Rất hân hạnh được gặp bà! Mời bà ngồi!

Thư ký của bà cố vấn mang bánh ngọt, trái cây và những chai nước suối Vĩnh Hảo dọn lên bàn.

Ngô Đình Nhu ghim miếng bánh gâteau trao vào tay Đoan Thuận nói:

- Tôi thật bất ngờ khi nghe bà nói giọng Huế.

 

- Thưa ông bà, tôi sinh ra và lớn lên tại miền Trung, ở qua nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng thời gian sống ở Huế nhiều hơn cả...

Nói câu này xong Đoan Thuận chợt nghĩ - nói như vậy cũng đúng. Mình đã sống ở Huế “nhiều” hơn, nhưng không phải là dài hơn thời gian sống ở những vùng miền khác, nhưng đó là thời gian quan trọng nhất của đời người, là tuổi trẻ, học đường, tình yêu, những định hướng tương lai... Có thể nói đó là tất cả.

- Tôi thời gian ở Huế không lâu lắm. - Ngô Đình Nhu nói: - Nhưng tôi thích nói giọng Huế hơn, dẫu rằng tôi có thể nói giọng Hà Nội.

- Như vậy là mình gặp được người đồng hương rồi đấy nhé!

Bà cố vấn nói như reo với một cử chỉ làm thân hết sức tế nhị và mềm mỏng, cùng với nụ cười tươi đẹp như hoa phù dung nở vào buổi sớm mai.

Câu chuyện bây giờ xoay quanh Huế, về thời tiết, khí hậu, tập quán, món ăn, phong cảnh... Hai vợ chồng tỏ ra cởi mở thân tình chứ không xa cách kênh kiệu như Đoan Thuận hình dung trước đó. Đoan Thuận nghĩ người đàn bà này có nụ cười hóa giải được những ganh ghét đố kỵ. Được biết ông cố vấn lớn hơn vợ những mười bảy tuổi, nhưng khi hai người ở cạnh nhau trông thật đẹp đôi.

- Xin hỏi bà Phúc Toàn, ông nhà hiện đang làm việc
ở đâu?

- Cám ơn ngài cố vấn, tôi đã quá tuổi xây dựng gia đình và vẫn sống... độc thân.

- Xin lỗi, vậy phải gọi là quý cô mới đúng.

 

- Phải đấy! - Bà cố vấn phụ họa theo chồng. - Trông bà còn trẻ quá, đẹp quá! Khi gọi bà Phúc Toàn, nghe ra... quá nghiêm nghị.

- Xin cám ơn ông bà, người ta vẫn gọi tôi như vậy, quen rồi.

- Ở phương Tây xu thế thời nay phụ nữ không muốn xây dựng gia đình. - Bà cố vấn nói.

- Nhất là các nhà khoa học. - Ông cố vấn tiếp lời vợ rồi tự tay rót thêm trà vào tách của Đoan Thuận.

Đoan Thuận nâng tách trà nhấp một ngụm nhỏ rồi từ tốn đặt xuống:

- Tôi cám ơn ông bà cố vấn và xin phép cáo từ.

- Ồ! - Chúng tôi phải cám ơn bà Phúc Toàn mới đúng chứ. Thật không dám làm mất nhiều thời gian của nhà khoa học. Xin đa tạ! - Ngô Đình Nhu nói.

- Không dám! - Đoan Thuận cúi chào một lần nữa rồi quay gót.

Từ ấy đến nay đã ngót ba tuần. Ba tuần sáu lần đều đặn kỹ thuật viên đến chăm sóc sắc đẹp cho bà cố vấn, rồi đưa về những chiếc phong bì dày. Việc trả công như vậy thật đã quá ưu ái rồi - Đoan Thuận nghĩ. Đoan Thuận thấy Ngô Đình Nhu có ngoại hình khá trang nhã, chỉ kém Bửu Toàn mà thôi. Ý nghĩ này làm Đoan Thuận thẫn thờ đờ đẫn cả người. Từ lâu đã hình thành một thói quen bất di bất dịch hễ nhìn thấy người đàn ông khả kính nào lập tức trong Đoan Thuận dấy lên một sự so sánh, và tất thảy không có ai đẹp bằng Bửu Toàn, không có ai tốt hơn, không có ai hay hơn... Lần này cũng thế. Đoan Thuận so sánh Ngô Đình Nhu với Bửu Toàn. Ngô Đình Nhu lớn hơn Bửu Toàn ba tuổi, cùng sinh ra và lớn lên ở Huế, có thể nói họ cùng thời với nhau. Có thể họ quen biết nhau. Nhưng ngày đó cô bé Đoan Thuận có bao giờ được ngồi nói chuyện ngang ngửa với Bửu Toàn để mà nghe Bửu Toàn nhắc đến những nhân vật này nọ... Đoan Thuận nghĩ lẵng hoa của Ngô Đình Nhu hôm nay có hàm ý là muốn làm thân. Đoan Thuận nói điều này với người tá viên điều dưỡng thân tín của mình. Minh Lý cũng đồng ý với trực giác nhạy cảm này của bà chủ.

Hai hôm sau Đoan Thuận không khỏi bất ngờ khi chính Minh Lý lật đật chạy từ dưới lầu lên báo rằng quý khách đã tới. Đoan Thuận vội vã chạy xuống đón. Ngô Đình Nhu trong bộ veston màu xám nhạt, cà vạt lụa màu lam điểm những bông hoa chìm lấm tấm màu trắng. Đầu tóc dày và hơi bồng bềnh được chải lệch gọn gàng để lộ vầng trán cao, đôi mày cương nghị, đôi mắt như hai ngọn lá với những đường chân vịt mờ ở đuôi mắt, vành môi đầy đặn và hơi ngả màu thâm, cái mỉm cười nhũn nhặn khi bắt tay Đoan Thuận càng làm tăng vẻ bí ẩn...

- Mời ngài ngồi!

Đợi Ngô Đình Nhu ngồi vào ghế xong rồi Đoan Thuận mới ngồi và sai người pha trà nóng. Chờ cho Minh Lý ra khỏi phòng cùng với chiếc khay nhỏ trên tay, Ngô Đình Nhu mới nhìn lướt Đoan Thuận và nói:

- Trong chiếc blouse trắng bà Phúc Toàn thật đẹp! Đẹp hơn cả khi bà mặc áo dài.

Đoan Thuận không ngờ mở đầu câu chuyện của vị chính khách số một này lại bắt đầu bằng chú ý trang phục phụ nữ. Hôm ở Dinh Độc lập Đoan Thuận chưa nhìn thấy hết Ngô Đình Nhu, hôm nay mới có dịp ngắm kỹ. Nếu Bửu Toàn có phong thái của một vương gia triều Nguyễn theo đòi Tây học, thì Ngô Đình Nhu có bề ngoài chải chuốt kiểu phương Tây và có chút gì nghệ sĩ, lại vừa bí ẩn, gợi cảm.

- Xin cám ơn ngài cố vấn đã... có lời!

- Ồ, không phải tôi nói xã giao đâu. Quả thật hôm gặp bà ở Dinh Độc lập, khi bà ra về rồi suýt nữa tôi thốt lời ngợi khen phục trang của bà trước mặt nhà tôi...

- Ấy chết! Bà cố vấn đang được mệnh danh là người lancer mode([1]) nhất Việt Nam mà!

- Lancer mode! Nhưng không phải mode nào cũng đẹp. Tôi thừa nhận nhà tôi có nhiều áo dài đẹp, nhưng khi gặp bà Phúc Toàn tôi mới thấy nhà tôi không phải là người phụ nữ mặc áo dài đẹp nhất. Vong linh Chúa Nguyễn Phúc Khoát - người thiết kế kiểu áo dài cho phụ nữ Việt Nam - hẳn sẽ rất hài lòng khi thấy phục trang của bà Phúc Toàn...

- Thưa ngài cố vấn, ngài bận trăm công nghìn việc mà vẫn dành chút thì giờ quý báu nhận xét trang phục của chị em phụ nữ chúng tôi. Chúng tôi thật hãnh diện và tôi chợt nghĩ hóa ra những chính trị gia không phải hoàn toàn
khô khan.

Ngô Đình Nhu nở nụ cười tươi rồi rút thuốc lá hỏi:

- Xin phép bà, cho tôi được hút thuốc?

- Xin mời ngài cứ tự nhiên!

Đoan Thuận nói rồi với tay lấy một lọ thủy tinh nhỏ - vốn là vỏ một loại kem dưỡng da - Đoan Thuận thấy đẹp nên giữ lại.

Ngô Đình Nhu rít một hơi dài, trầm ngâm nhìn khói thuốc vờn qua mặt mình rồi dúi điếu thuốc cháy nửa chừng vào chiếc lọ hỏi:

- Bà Phúc Toàn về nước mở mỹ viện được bao lâu rồi?

- Thưa, đến nay cũng đã gần hai năm.

- Bà học ở Sorbonne à?

- Dạ không, tôi học ở Toulouse, chuyên khoa ngoại chỉnh hình. Sau đó tôi chuyên sâu về thẩm mỹ.

- Hay lắm! Tôi có nhận xét thế này: Hình như các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ không mấy ai đã qua giải phẫu cho chính mình, mà phần lớn các vị đã sẵn có vẻ đẹp tự nhiên, sự hoàn thiện của cơ thể do tạo hóa ban tặng. Cũng vậy, những cô bán mỹ phẩm, cô nào da cũng đẹp. Họ giới thiệu các mặt hàng cho người mua và đề cao giá trị, tính hiệu quả của mỹ phẩm mà bản thân họ chưa bao giờ
dùng đến...

Đoan Thuận không ngờ con người tài hoa sắc sảo, thâm trầm, chỉ dưới quyền một người trên quyền hàng chục triệu người, một con người làm cho hàng vạn người khiếp sợ, vậy mà khi nói những vấn đề rất đời thường lại tỏ ra nhũn nhặn, tinh tế... Nghĩ đến đây rồi Đoan Thuận chợt nghĩ: Nếu không như thế thì làm sao tiếp xúc được với một phụ nữ chuyên ngành chăm sóc sắc đẹp? Cho hay con người này lão luyện hơn người anh Tổng thống của mình về tất cả các phương diện!

Sau cuộc tiếp xúc Đoan Thuận bày tỏ điều đó với Minh Lý và cùng một nhận xét như nhau. Điều đó càng thấy rõ hơn trong những cuộc tiếp xúc về sau. Cũng về sau Minh Lý nhận xét rằng xem ra tình thân giữa hai người đã nảy nở. Trong những lần nói chuyện Đoan Thuận thu nhặt được một số thông tin về đời tư của người này, rồi Đoan Thuận chủ tâm tìm hiểu từ những nguồn khác, có thể là chưa chính xác lắm, nhưng chân dung Ngô Đình Nhu đã khắc họa trong Đoan Thuận khá hoàn chỉnh: Là con thứ bảy trong một gia đình có chín anh chị em. Một gia đình truyền thống Nho phong và theo Thiên chúa giáo La Mã. Từ nhỏ đã có thói ham mê đọc sách. Đọc, học và cầu nguyện đó là lịch làm việc 365 ngày đêm của chàng. Thông minh, chăm chỉ, học hành xuất sắc. Du học ở Paris, bằng cấp tốt nghiệp rất danh giá. Tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp rồi mới học trường Bác cổ Paris. Ra trường về Việt Nam làm việc ở Văn khố phủ Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội rồi văn khố Tòa Khâm sứ Trung kỳ tại Huế, Văn khố Nam triều. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm làm Giám đốc Thư viện Quốc gia kiêm Cục Lưu trữ Trung ương. Thời kỳ còn làm Văn khố phủ Toàn quyền Đông Dương Ngô Đình Nhu thường lui tới chơi nhà một số trí thức ở Hà Nội. Cùng là người Huế và cùng tuổi với nhau có Tôn Thất Bình. Anh này không đi du học như Ngô Đình Nhu nhưng là một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, có uy tín, sáng lập viên và là Hiệu trưởng trường Trung học Thăng Long, là con rể của Chủ bút tạp chí Nam Phong Thượng thư Bộ lại Phạm Quỳnh. Ngô Đình Nhu cũng nhiều lần đến chơi nói chuyện với vợ chồng luật sư Trần Văn Chương, không để ý gì đến con cái của họ. Trong một lần dự buổi tiếp tân do bà luật sư mời, Ngô Đình Nhu mới được giới thiệu đầy đủ các thành viên gia đình, biết con gái lớn của ông bà Trần Văn Chương là Lệ Ngọc và vị hôn phu của cô ta. Lệ Ngọc còn có một cô em gái - mà ngay lần gặp đầu tiên ấy đã làm thức dậy cái tố chất đàn ông bao lâu tưởng đã ngủ vùi trong con người Ngô Đình Nhu do học hành thi cử, do mải mê nghiên cứu, nghiền ngẫm... Là người con gái mà chỉ riêng cái tên thôi đã hàm chứa bao ý nghĩa và hết sức quyến rũ: Lệ Xuân - Một mùa xuân tuyệt đẹp! Ngô Đình Nhu chếnh choáng như va phải một tiếng sét. Trên ba mươi tuổi lần đầu tiên trong đời chàng tìm thấy cảm giác này khi đứng trước một người con gái. Nàng trẻ quá, xinh tươi mơn mởn như một bông hồng vừa chớm nở. Nàng phục trang hết sức sang trọng, lộng lẫy, khiêu vũ mê say trước những lời mời mọc đầy khao khát và những lời khen tặng đầy thán phục của các thanh niên Hà Nội - hầu hết là con nhà giàu sang quyền quý, không giống như chàng, con mọt sách của một gia đình Huế sống theo nếp cũ. Chàng không hề biết một thú ăn chơi nào, không biết khiêu vũ. Chàng ngồi ngắm Lệ Xuân mà lòng dào dạt mê say. Chàng nhớ cách đây không lâu các anh chàng đã khuyên chàng cầu hôn tiểu thư nhà cụ Án. Chàng cứ mặc cho gia đình sắp đặt và nghĩ rằng rồi đây sẽ phải vâng lệnh song thân và các anh chị mà cưới cô tiểu thư kia. Nào ngờ giờ đây một tình yêu đích thực đã đến với chàng. Người thiếu nữ đẹp lộng lẫy kiêu sa và rất thời trang này sẽ là vợ chàng?

Thế rồi họ cưới nhau hai năm trước Cách mạng tháng Tám. Hôn lễ cử hành trọng thể tại nhà thờ lớn Hà Nội và tại biệt thự của ông bà luật sư Trần Văn Chương.

Giờ đây khi ôn lại những kỷ niệm cũ Ngô Đình Nhu không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại một ngày trước lúc rời bỏ nhiệm sở để tìm đường trốn qua Lào rồi về miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Nhu đã nhân lúc đi dạo ngắm Hà Nội lần chót rẽ qua phố Hàng Da, nhìn vào ngôi nhà số 16 cửa đóng im lìm, rồi nhìn qua ngôi nhà số 5 bên kia đường cổng khép hờ. Chàng rảo bước sang đường rồi mạnh dạn đẩy cổng bước vào. Còn nhớ hôm nào vợ Tôn Thất Bình có mang bụng to kềnh càng tay dắt díu đàn con thơ, đứa lớn nhất chừng hơn mười tuổi, - gạt nước
mắt nói:

- Nhà tôi vừa đi dạy học về đang ngồi ăn cơm trưa, bỗng có hai thanh niên tới xưng là Việt Minh nói mời ông đi theo chúng tôi”. Nhà tôi vội buông đũa đứng lên, chỉnh lại trang phục, chải lại đầu tóc, lấy chiếc áo jackét khoác vội vào. Hớn hở ra đi tưởng là người ta mời mình ra làm việc. Nhưng mấy ngày sau Việt Minh tới lục soát rồi niêm phong ngôi nhà chúng tôi đang ở bên kia đường. Vậy là đã rõ!...

Giờ đây trước mắt chàng - người vợ yêu dấu xinh tươi của bạn chàng là Tôn Thất Bình đang hốc hác tiều tụy bên đàn con thơ năm đứa với một bé gái chừng ba bốn tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt trên tay vì thiếu sữa. Đại tiểu thư vốn nổi tiếng đài các, đoan trang, sang trọng và kiều diễm đang khản giọng ru hời dỗ con, vừa bón những thìa nước cháo loãng cho đứa con gái chưa từng được nhìn thấy mặt cha...

Trên đường về Ngô Đình Nhu lại nghĩ đến Tôn Thất Bình rồi nghĩ đến nhạc phụ của anh ta, nguyên chủ bút báo Nam Phong, có thời gian làm Thượng thư kiêm Ngự tiền văn phòng, chín năm làm Thượng thư Bộ Học, gần ba năm làm Thượng thư Bộ Lại đã về nằm đọc sách ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông An Cựu.

 

Gần đây Ngô Đình Nhu đọc được bản phúc trình tối mật đề ngày 8 tháng 1 năm 1945 của Khâm sứ Trung kỳ Hallewyn gửi cho Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux và Đại tướng Tư lệnh Mordant cho biết Phạm Quỳnh đã nhân danh Thượng thư đầu triều đòi chính phủ Pháp trong một thời gian ngắn phải phục hồi chủ quyền của vương triều Nguyễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là cả Bắc, Trung và Nam kỳ, tiến tới thành lập một quốc gia Việt Nam thống nhất, chấm dứt chế độ thuộc địa. Bức thư của Khâm sứ có đoạn viết: “... Tôi xin lưu ý một điều là tuy bề ngoài vị đại thần đầu triều này tỏ ra nhã nhặn ôn hòa với người Pháp, nhưng ông ta đích thực là một phần tử đáng gờm trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam...” Và dạo tháng 6 năm 1945 Ngô Đình Nhu đọc bài báo Phạm Quỳnh trả lời phỏng vấn nhà báo Nguyễn Vạn An trong đó có câu: “...tôi đã lỡ lầm mà ra làm quan, vì trước khi dấn thân vào hoạn lộ tôi vẫn tưởng tôi sẽ làm được rất nhiều việc mà trước đây tôi chỉ có thể gửi gắm qua những bài báo, những quyển sách...”

Những điều Phạm Thượng Chi gửi gắm qua những bài báo, những quyển sách xuất bản công khai bằng Quốc ngữ và bằng tiếng Pháp bất kỳ ai đọc được cũng dễ dàng nhận thấy bằng tài năng văn chương của mình, tác giả đã làm cho thiên hạ biết dân tộc Việt Nam là con cháu của rồng tiên, đã anh dũng kiên cường đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Đất nước có bốn ngàn năm văn hiến này đẹp từ con người, ngôn ngữ, phong tục, tập quán... lại được thiên nhiên ưu đãi - ở vào vị trí địa lý tuyệt vời, bốn mùa cảnh vật xinh tươi, hoa thơm cỏ biếc, trái ngọt... Sản vật trên rừng dưới biển đều vào cùng phong phú... Có thể nói đằng sau những bài viết đó cho thấy tác giả là một con người tự tôn dân tộc, một niềm dấu yêu đất nước quê hương...

Công bằng mà nói Phạm Thượng Chi chẳng những thông thái, uyên bác mà còn tỏ ra là một con người khá có duyên ăn nói, nên được Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ưng ý. Bởi thế mà khi ông đang giữ chức Thượng thư Bộ Học, còn anh thứ của chàng giữ chức Thượng thư Bộ Lại - đọc thấy ý của Hoàng thượng muốn hoán vị hai chức Thượng thư này, nên anh trai chàng ngán ngẩm liền đệ đơn xin từ chức, rồi về ở ẩn tại Phủ Cam một thời gian, sau đó vào Nam ở với người anh tu hành. Vào thời điểm đó vì quá thương anh thứ nên chàng đã mất cảm tình với Phạm Thượng Chi. Anh thứ chàng ảnh hưởng sâu sắc Khổng giáo và Thiên Chúa giáo. Khi người cha Thượng thư Bộ Lễ kiêm Nhiếp chính đại thần vua Thành Thái xin cáo quan về hưu, anh em chàng chưa học xong, thậm chí có đứa còn dại khờ chưa hiểu biết gì, ví như cậu áp út. Còn người anh thứ của chàng lúc bấy giờ là một thiếu niên mới lớn. Anh thứ đến ở với người cha đỡ đầu là Thượng thư Nguyễn Hữu Bài và đi học trường Quốc học Huế. Đỗ tú tài xong anh thứ thi vào trường Hậu Bổ. Năm 1921 thi tốt nghiệp anh thứ đỗ thủ khoa trong số hai mươi sinh viên ra trường liền được bổ làm Tri huyện. Năm 1929 anh vừa tròn hai mươi tám tuổi đã được thăng chức Tuần vũ Ninh Thuận. Tài hoa, thanh liêm, chính trực... nhưng cả đời cứ lận đận. Ngay cả chuyện tình cảm nam nữ lứa đôi cũng thế. Thời kỳ ở nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, cô con gái lớn của Thượng thư kết hôn với anh cả Ngô Đình Khôi, còn cô thứ đem lòng yêu anh thứ, anh thứ cũng thầm yêu cô, nhưng anh cứ mải lo học hành, lại nhút nhát, không dám thổ lộ. Cô ấy đợi hoài không thấy nói gì nên đã đi tu. Anh thứ cả một đời thật thà khiêm nhường là thế, làm sao biết lấy lòng một vị Hoàng đế được former([2]) theo mô hình Pháp? Một vị Hoàng đế chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ... Nhưng suy cho cùng đó là ý muốn của người Pháp. Họ cần một Bảo Đại như thế.

Cũng nghe chuyện Ngô Đình Nhu, Đoan Thuận cảm thấy vào cùng thương cảm Tôn Thất Bình và những đứa con còn nhỏ dại của anh ta. Đại tiểu thư quen sống trên nhung lụa ấy trong phút chốc bị ném xuống bùn đen với hai bàn tay trắng sẽ làm thế nào để gồng gánh cái thực tế nghiệt ngã bi thảm và nặng hơn núi Thái Sơn kia? Còn đàn con thơ sáu đứa - nếu sống qua được sẽ lớn lên như thế nào?... Đó là những câu hỏi mà những ngày gần đây luôn giằng xé trái tim Đoan Thuận. Là bạn của Ngô Đình Nhu ắt cùng thế hệ với Bửu Toàn, lại là người cùng họ tộc, biết đâu Tôn Thất Bình là một trong những người bạn của Bửu Toàn thời niên thiếu ở Huế, cùng học với nhau một trường? Tiếc rằng Đoan Thuận nghe biết chuyện của Tôn Thất Bình quá muộn, nếu biết sớm hơn - thì năm 1953 Đoan Thuận đã tìm đến thăm gia đình anh ở Hà Nội. Nhưng Đoan Thuận giấu kín niềm tiếc rẻ này trong lòng. Lòng thương cảm đối với Tôn Thất Bình (một phần vì cùng họ tộc với Bửu Toàn chăng?), Đoan Thuận đã bày tỏ chân thành cùng Ngô Đình Nhu, nên về sau, qua Ngô Đình Nhu Đoan Thuận biết thêm một số nét về Tôn Thất Bình: Xuất thân từ một gia đình nhà Nho nghèo ở Huế, cha là một nhà Nho luôn lấy chữ “tâm” và chữ “dân” làm đầu, đỗ đạt được bổ làm Tri huyện, nhưng ông cụ cáo quan về nghỉ ở tuổi bốn mươi vì không tuân phục thượng cấp và người Pháp. Tôn Thất Bình lúc bấy giờ mới mười chín tuổi đang học ở Hà Nội, vừa dạy một số giờ ở trường Gia Long, sau đó cùng với bảy vị khác sáng lập ra trường Thăng Long rồi thay phiên nhau làm Hiệu trưởng. Vừa dạy học vừa làm Chủ bút tờ La Patrie Annamite (Tổ quốc An Nam) và là tác giả của nhiều bài báo rất sắc sảo. Tôn Thất Bình còn là đồng Chủ tịch Hội Ánh Sáng (một chủ tịch Hội nữa là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Ngày Nay). Hội Ánh Sáng phát động phong trào chống nhà ổ chuột và vận động thành lập nhiều Chi hội trong nước. Hội xây dựng khu nhà Ánh Sáng tại bãi Phúc Xá làm kiểu mẫu cho nhiều người làm theo. Hai kiến trúc sư của Hội là Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp là tác giả của kiểu nhà Ánh Sáng sử dụng vật liệu toàn là tranh tre nứa lá, nhưng đủ ánh sáng, mát mẻ, hợp vệ sinh, người nghèo có thể làm được để thay thế nhà ổ chuột. Tôn Thất Bình còn làm Phó chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ (Chủ tịch Hộ 2df0 i là Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban tổ chức lớp học là Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban dạy học là Vương Kiêm Toàn, Trưởng và Phó ban biên soạn giáo trình cho lớp học của người lớn tuổi là Vũ Đình Hòe và Hoàng Đạo Thúy). Hội phân công nhau đi diễn thuyết nhiều nơi và viết bài chống nạn mù chữ, khuyến khích, cổ động học Quốc ngữ. Tôn Thất Bình không chỉ là ngòi bút sắc sảo về những chủ đề này mà anh còn là một nhà hùng biện tài năng, diễn thuyết rất có duyên, rất lôi cuốn, công chúng vào cùng yêu mến.

Bốn ngày, chính xác hơn là bảy mươi hai giờ trước lúc nổ ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, Đoan Thuận có một cuộc gặp gỡ chuyện trò với Ngô Đình Nhu. Đoan Thuận không ngờ đó là lần cuối cùng Đoan Thuận được tiếp xúc với một con người - mà như Đoan Thuận từng có nhận xét, rằng nếu không làm chính trị thì người đàn ông này sẽ rất thú vị trong vai trò một nhà văn hóa,
tư tưởng.

Đến nay thì không những người Mỹ mà ai cũng thấy rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm điều hành bộ máy quốc gia bằng cái đầu của người em trai mình là ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Vợ Ngô Đình Nhu là một người đàn bà đàng điếm, lại ham mê tiền bạc vào độ và đầy khát vọng quyền lực. Những người anh em khác của Tổng thống thì mỗi người trấn một phương quyền lực. Tất cả những cái đó đã góp phần làm khuynh loát bộ máy công quyền! Tình hình ngày một xấu hơn, nhất là những biểu hiện của sự kỳ thị tôn giáo xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, cụ thể là cuộc đàn áp Phật giáo đã dấy lên trong dân chúng làn sóng bất bình chống đối ngày một dâng cao, lửa hận thù bốc lên ngùn ngụt, và cộng sản đang triệt để lợi dụng điều này để gây thanh thế và phát huy ảnh hưởng của họ. Trong điều kiện đó, người Mỹ buộc phải chọn một giải pháp tình thế mà họ cho là tối ưu nhất - loại bỏ Ngô Đình Nhu ra khỏi tầm ảnh hưởng của Ngô Đình Diệm! Có nghĩa là Ngô Đình Nhu phải bước ra khỏi Phủ Tổng thống! Hẳn nhiên là phu nhân và các con cũng theo cùng. Người Mỹ cũng đã dọn sẵn một nơi đến cho Ngô Đình Nhu, đó là nước Mỹ...

Lời của tướng X nói với Đoan Thuận mấy hôm trước, giờ đây bất ngờ được Ngô Đình Nhu bộc bạch:

 

- Làm sao tách rời tôi ra khỏi anh Tổng thống được? Không có tôi thì anh tôi xoay xở ra sao? Người Mỹ định gây áp lực cắt viện trợ nếu như Ngô Tổng thống không thỏa hiệp được với Mỹ về vấn đề này. Ngô Tổng thống không nhượng bộ trước áp lực này của Mỹ không phải vì cá nhân tôi. Người Mỹ bây giờ ra mặt ngã giá, nhưng chúng tôi nhất quyết bằng mọi giá phải bảo vệ chủ quyền, không để họ can thiệp quá sâu vào nội bộ chúng ta. Hẳn nhiên ngay từ buổi ban đầu chúng tôi đã ý thức được rằng người Mỹ với bản chất thực dụng, luôn coi trọng quyền lợi vật chất, họ cần, nói chính xác hơn là họ thèm khát nửa dải đất hình chữ S từ vĩ tuyến 17 trở vào - để thiết lập nền cộng hòa non trẻ, hòng làm rào chắn làn sóng đỏ ở phương Bắc, chứ không phải họ cần anh thứ tôi! Nhưng đến nay anh tôi là Tổng thống dân cử, chính phủ Việt Nam Cộng hòa là chính phủ hợp hiến. Kinh nghiệm của cuộc đảo chánh bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960 cho thấy Mỹ đã tính toán sai một bước. Giờ đây, nếu Mỹ lại đứng phía sau tổ chức một cuộc đảo chánh thực sự - thì cái khó thứ nhất là Mỹ chưa tìm được người để có thể làm Tổng thống... Vậy nên, trước mắt Mỹ sẽ chưa dám làm gì, mà đang tỏ thái độ hòa hoãn nhằm làm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng giữa Nhà trắng và Dinh Độc lập. Một vài động thái dễ nhìn thấy nhất là chuyến viếng thăm vừa rồi của Phó Tổng thống Mỹ và phu nhân. Họ thừa biết rằng cử Phó Tổng thống và phu nhân đến Việt Nam Cộng hòa thì người tiếp đãi họ là tôi với nhà tôi chứ không ai khác.

- Nhưng nếu cái người Mỹ bản chất tráo trở và hay lật lọng kia coi cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 như một sự tập dượt, nay họ đã có kinh nghiệm, họ giở trò lật lọng sớm, bất chấp tất cả, thì ngài tính sao? - Đoan Thuận hỏi với tất cả băn khoăn lo lắng.

Ngô Đình Nhu hạ thấp giọng:

- Điều này chúng tôi đã nghĩ đến, nhưng khả năng đó rất ít. Người Mỹ có một đối trọng thường trực đáng gờm đó là người Pháp... Như Đoan Thuận biết đó, khác với người Mỹ, người Pháp mềm dẻo, thủy chung, sẵn sàng đi với đồng minh bè bạn tới cùng...

Đoan Thuận không giấu diếm quan điểm của mình:

- Mất bao nhiêu công sức để đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam, bây giờ vì tự ái với chú Sam mà ngài cố vấn muốn rước con gà trống Gauloire về cày xới vườn mình sao?

- Thì con gà, con ó... đều có mỏ nhọn móng sắc như nhau cả!... Điều quan trọng là ta phải biết phòng thủ.

Ở cuối câu đôi mắt Ngô Đình Nhu trở nên đăm chiêu. Cả hai cùng im lặng. Chừng gần một phút trôi qua, Ngô Đình Nhu đột ngột hỏi:

- Vậy Đoan Thuận muốn... tôi phải làm gì?

Đoan Thuận từ tốn:

- Tôi thấy Ngô Tổng thống và ngài cố vấn là những con người đầy lòng tự tôn dân tộc. Tại sao các ngài không thể cùng ngồi lại với Hà Nội để tìm một giải pháp... Trước hết là để cho máu của dân hai miền Nam Bắc Việt Nam thôi chảy. Cho con gà, con ó không được đặt chân vào vườn đất nhà mình...

- Đó là điều tôi đã nghĩ tới trong những ngày gần đây. - Ngô Đình Nhu chân thành. - Khi cần một giải pháp thỏa hiệp với Hà Nội, thì đó là con đường trung lập. Ngô Tổng thống vẫn ở nguyên vị trí. Lúc bấy giờ chỉ cần một Thủ tướng chính phủ thật giỏi...

Đoan Thuận nói như reo:

- Trong điều kiện đó vị Thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng hòa không thể là ai khác ngoài ngài - Ngô Đình Nhu!... Ngài còn chờ gì nữa mà không liên lạc với Hà Nội?

Nói câu này xong Đoan Thuận chợt giật mình. Tại sao Đoan Thuận dám gạ gẫm những vấn đề như thế với Ngô Đình Nhu? Từ bao lâu nay Đoan Thuận luôn ý tứ giữ gìn, bây giờ bỗng nhiên ra mặt xúi giục kẻ đứng đầu thành trì chống cộng ở Đông Nam Á chủ động liên lạc với cộng sản để tìm giải pháp cho đất nước, cho dân tộc... Đoan Thuận có điên không? Liệu Ngô Đình Nhu có nghĩ rằng giữa Hà Nội với Đoan Thuận có mối liên hệ nào đó? Nếu dự cảm này của Ngô Đình Nhu là có thật, và lúc này đây Ngô Đình Nhu đồng ý với giải pháp mà Đoan Thuận vừa gợi ý, rồi Ngô Đình Nhu muốn thông qua Đoan Thuận liên lạc với Việt cộng, thì Đoan Thuận tính sao? Đoan Thuận vẫn chưa liên lạc được với Tổ chức, nên cũng chưa biết những vấn đề Đoan Thuận thường trao đổi với Ngô Đình Nhu có đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổ chức không? Có gì sai trái không? Ôi, làm sao Đoan Thuận biết được! Bỗng một ý nghĩ chợt dấy lên làm Đoan Thuận cảm thấy hết sức chua xót, là nếu cần, Ngô Đình Nhu chắc chắn sẽ biết liên lạc với Việt cộng bằng cách nào. Còn Đoan Thuận cho đến giây phút này vẫn cứ mãi đợi chờ! Đợi chờ Tổ chức đến khắc khoải, đến chán nản, đến mòn mắt, đỏ con mắt...

- Vấn đề này nếu đưa ra thảo luận chẳng dễ dàng gì. Đấy cũng là phương án mà gần đây tôi đã chủ động đề đạt với anh Tổng thống. Không ngờ Đoan Thuận vì lo lắng cho dân cho nước và cho cá nhân tôi mà có những quan điểm đúng đắn, cùng đồng cảm, chia sẻ...

Giọng nói trầm và ấm áp của Ngô Đình Nhu kéo Đoan Thuận về với thực tại. Đoan Thuận ngước nhìn vầng trán cao rộng, vuông vức, ẩn dưới mái tóc đen dày chải lệch, hơi trễ, với đôi mắt ẩn chứa nhiều suy tư trăn trở của Ngô Đình Nhu.

- Ý của Tổng thống như thế nào? Đoan Thuận hỏi.

- Anh tôi cũng đắn đo cân nhắc trăn trở nhiều lắm... - Một lần nữa Ngô Đình Nhu bộc bạch chân thành: - Nhưng... từ trước đến nay những vấn đề trọng đại như vậy, ý kiến quyết định bao giờ anh tôi cũng dành cho tôi...

Khi Ngô Đình Nhu nói câu này xong Đoan Thuận chợt nhận thấy cái vẻ chải chuốt nghệ sĩ mà buổi ban đầu Đoan Thuận bắt gặp, giây phút này đây gần như hoàn toàn biến mất, thay vào đó là chân dung của một kẻ sĩ
đầy mưu lược, nhưng đầu thai nhầm thế kỷ, một nhà
Nho uyên bác và thâm trầm, nhưng không có đất dung thân! Trong phút chốc trông Ngô Đình Nhu như già đi chục tuổi.



1. Kiểu thời thượng, thời trang nhất Việt Nam, người tạo kiểu mẫu mới.

1. Giáo dục, tạo hình, tạo tác...

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83725


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận