Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 15


Chương 15
Đi thăm cô Minh Lý về gần ngót hai tháng rồi mà Anh Thi vẫn chưa vơi được cảm giác bàng hoàng lâng lâng bay bổng rất thực mà lại như mơ.

Nhất là những ngày bên cô Minh Lý tâm trạng Anh Thi lúc nào cũng chao đảo giữa hai thái cực: hạnh phúc và đau khổ, vui mừng và tuyệt vọng, thỏa mãn và bức xúc... Thậm chí, trong niềm thương yêu kính trọng vào cùng vào hạn đối với mẹ thỉnh thoảng lại cộm lên một chút giận hờn. Rồi giận ba, giận anh Vĩnh Tuấn và giận cả chính mình. Từ sau khi có được Anh Thi - đứa con yêu quý mà Đoan Thuận gửi cho - quan ngài Nguyễn Phúc Bửu Toàn cứ ở nhà đợi Đoan Thuận, chứ không hề cất công đi tìm kiếm như buổi ban đầu Đoan Thuận bỏ nhà ra đi... Vì sao ba hành xử như vậy hở ba? Còn anh Vĩnh Tuấn, những ngày anh ở Sài Gòn, cự ly giữa anh với “dì Đoan Thuận” rất gần mà anh không hề hay biết. Những lần anh qua lại trên đại lộ Lê Lợi thênh thang cái biển hiệu mỹ viện Phúc Toàn ít nhất cũng một lần đập vào mắt anh, mà anh không hề có một chút suy nghĩ liên tưởng gì sao? Chưa bao giờ anh có ý định đi tìm gặp “dì Đoan Thuận” hoặc mơ gặp “dì Đoan Thuận” giữa Sài Gòn hoa lệ một thời sao?!...

 

Khi những câu hỏi này được bật nên lời, thì anh Vĩnh Tuấn suy nghĩ một hồi lâu rồi cất giọng chậm rãi, rành mạch, mắt hơi trừng một chút với cô em gái Anh Thi - như thuở nào cô còn bé bỏng vậy:

- Chúng ta ai cũng thương nhớ, mong chờ, day dứt, đau đớn, khắc khoải... không biết dì Đoan Thuận còn hay đã mất, nếu còn thì đang ở đâu? Như thế nào? Ra sao?... Có thể nói mấy chục năm qua không khí gia đình ta chưa có lấy một ngày vui thật sự, vì tâm trạng ấy luôn đè nặng lên tâm thức của mỗi người. Còn dì Đoan Thuận thừa biết tất cả những tình cảm ấy của mỗi một người trong chúng ta dành cho dì, thừa biết chúng ta đang ở đâu, làm gì... Nhưng dì đã chẳng hề coi trọng điều đó. Đối với dì thì những nguyên tắc của Tổ chức là cao nhất! Phương thức sống mà dì chọn lựa là tốt nhất! Dì sống vì lý tưởng mà dì đã chọn, vì ước mơ mà dì đã đạt được, vì nghĩa vụ mà Tổ quốc đã tin tưởng giao phó cho dì... Tất nhiên thiếu dì Đoan Thuận cách mạng vẫn thành công, nhưng chính dì muốn trong bản đại hợp xướng chiến thắng của dân tộc phải có sự góp mặt của dì. Chính dì đã từng nói với ba là dì có thể chết được rồi sau khi ba tiếp nhận tình yêu của dì. Con người khôn ngoan ấy đã không muốn chết bình yên trên chiếc giường của mình, trong ngôi nhà của mình. Con người ấy muốn sống một cuộc đời bằng nhiều cuộc đời cộng lại, nếu không muốn nói là nhân lên! Dì Đoan Thuận là như thế đó! Nếu anh không nhầm thì ngoài hai mươi tuổi ít nhất có một lần dì Đoan Thuận xác định đi vào chỗ chết, nhưng vẫn không chết. Đó là khi dì quyết định gửi em về Huế cho ba nuôi. Lời thư của dì viết cho ba anh đã thuộc lòng, và hẳn là em còn thuộc và nhớ hơn cả anh “... Sắp sửa vào chiến dịch mới. Tôi sợ lần ra đi này có thể không trở về, nên tôi đành phải gửi con tôi cho ngài nuôi dạy giúp...” Đó là mùa hạ năm 1948. Dì xác định mình có thể hy sinh. Nhưng ông trời còn để cho dì sống trên đời hai mươi năm nữa. Dì đã đi du học - như ước nguyện của ba ngày xưa mà vì quá yêu ba, nên dì không rời xa ba để đi học được. Dì học một ngành khoa học để làm đẹp cho bao người đàn bà con gái khác không được đẹp như dì. Cùng lúc, dì trở thành một cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp giữa thủ đô hoa lệ Sài Gòn trong một thời gian dài mà kẻ địch không hề hay biết. Thông minh, từng trải, đầy năng lực và dày dặn kinh nghiệm, hẳn là dì đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, để rồi cùng với đồng chí đồng bào làm nên một tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 lịch sử. Ngày kết thúc chiến dịch, một tay dì đã cứu sống hai thương binh bị thất lạc, rồi sau đó tự tay đưa các anh ra vùng an toàn, khi trở về dì mới bị địch bắt. Dì mãn nguyện lắm rồi, em không biết đó thôi! Em trách anh ở Sài Gòn lâu sao không nhìn thấy biển hiệu Phúc Toàn, và nếu đã nhìn thấy sao không có chút suy nghĩ, liên tưởng, tìm tòi... Nói thật với em, dạo đó - và cả về sau này - thỉnh thoảng nhìn thấy chỗ của các bà các cô lui tới để làm đẹp, là anh vội vã tránh xa ra! Có thể nói đàn bà con gái cứ mãi lo trau chuốt cái dung nhan cho lắm vào, thì đầu óc càng rỗng tuếch!... Hẳn là dì Đoan Thuận hàng ngày đều có đọc báo Sài Gòn, anh luôn ký tên thật dưới các bài báo, lẽ nào dì không nhận ra? Sao dì không chủ động đến tòa soạn tìm anh? Em biết không, khi em lặn lội cả năm trời đi tìm dấu tích của mẹ - từ tập nhật ký của mẹ để lại - cho đến những vùng miền mẹ đã từng qua, anh thương em lắm, vừa thương ba không còn nữa để biết được tin về mẹ. Nhưng bây giờ anh nghĩ khác. Nếu ba còn sống đến ngày nay để biết tất cả những sự ứng xử như thế của dì Đoan Thuận, chắc chắn ba sẽ buồn lắm. Thà ba không biết được những điều đó. Thà ba nửa tin nửa ngờ rằng dì Đoan Thuận đang còn sống ở đâu đó, hoặc đã hy sinh vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Như thế là mẹ em đáng trách sao?

- Cũng có thể nói được như vậy, đối với riêng chúng ta. Dì Đoan Thuận yêu bằng trái tim, nhưng thể hiện tình yêu bằng cái đầu. Có thể nói lúc nào dì cũng lý trí. Dì hy sinh ở tuổi bốn mươi ba. Anh tin rằng dì rất thỏa mãn, nhất là chặng đường hai mươi năm cuối đời của dì thật là oanh liệt! Anh hình dung rằng khi đối mặt với cái chết dì đã mỉm cười ngạo nghễ. Chưa kể rằng trước lúc bị thủ tiêu, chắc chắn dì đã bị bọn địch dùng nhiều thủ đoạn để khảo cung, và anh nghĩ dẫu với thủ đoạn gì - mềm dẻo hay cứng rắn, vỗ về hay đòn vọt, chắc chắn dì đã có những lời đối đáp cực hay với bọn chúng!... Thôi em ạ, đừng khóc mẹ và đừng oán trách ai hết! Chúng ta hãy tự hào và nhân lên niềm tự hào về mẹ!...

Nghe anh trai phân tích và khuyên nhủ Anh Thi dần lấy lại được thăng bằng. Mỗi ngày qua cô càng nghiệm thấy lời anh Vĩnh Tuấn rất đúng. Mẹ của Anh Thi là như thế đó. Nếu có thế giới bên kia thì hẳn là giờ đây ba mẹ đã được gặp nhau. Anh Thi còn nhớ như in sau lần dự đại lễ khánh thành tượng đài Chiến thắng nhìn thấy chân dung mẹ được họa sĩ điêu khắc Từ Huy thể hiện hết sức sống động và chân thực đã làm cho ba cảm động vào cùng. Sau hôm đó cứ cách vài hôm ba lại muốn đi dạo chơi công viên và ngắm tượng. Tháng 3 năm 2000, như mọi lần ba được con rể cùng cháu ngoại đưa đi dạo và ngắm tượng xong về nhà tắm rửa, ăn cơm trưa rồi ngủ và ngủ luôn! Nhẹ nhàng và thanh thản. Bức thư mẹ gửi cho ba mà anh Vĩnh Tuấn đã đọc thuộc lòng ấy được bọc nhựa từ lâu, và luôn nằm trên bàn viết của ba. Nét chữ của mẹ thời điểm viết thư cho ba và lúc viết nhật ký không hề thay đổi: chân phương, rõ ràng, rắn rỏi và một chút bay bướm... Chồng của Anh Thi - nhà báo Triều Linh bảo:

- Nét chữ của Anh Thi khá giống nét chữ của mẹ. Nhìn kỹ mới thấy một chút khác, là nét chữ con gái mẹ mềm hơn...

Anh Thi đồng ý với nhận xét của chồng. Cô nghĩ nét chữ là nết người. Cô may mắn được giống mẹ, nhưng không giống hoàn toàn, cả về hình thể và tính cách. Nếu đổi cuộc đời cô lấy cuộc đời của mẹ - liệu cô có đồng ý? Ngược lại, nếu đổi cuộc đời của mẹ lấy cuộc đời của cô thì mẹ cô có chịu đổi không? Căn cứ vào những gì được biết về mẹ, Anh Thi có thể tìm thấy câu trả lời về phía mẹ, là mẹ không chịu đổi. Còn về phía cô thật không dễ tìm thấy câu trả lời. Bởi vì nếu đặt Anh Thi vào bối cảnh lịch sử chính trị xã hội thời của mẹ, liệu cô có hành động như mẹ? Chỉ có thể hành động như mẹ mới có được cuộc đời như mẹ đã có. Chỉ cần khác đi một chút xíu thôi thì tình thế đã ra khác hoàn toàn.

Anh Thi nói với chồng:

- Có một mong muốn của mẹ là đến thăm gia đình ông Tôn Thất Bình. Mẹ đã không kịp làm điều đó. Vậy em có nên thay mẹ đến thăm?

Triều Linh cân nhắc:

- Đọc nhật ký thấy những mong muốn của mẹ nhiều lắm. Để thực hiện được những mong muốn đó không phải do phía chủ quan của chúng ta mà có thể giải quyết được, lại càng không phải chỉ mỗi mình sức vóc của em và anh cộng lại... Riêng việc đi thăm gia đình Tôn Thất Bình là ý nghĩ bất chợt của mẹ sau lần nói chuyện với Ngô Đình Nhu. Nhưng anh thấy đây là một ý hay. Chúng ta cũng nên tìm hiểu một chút để biết chân tướng của sự việc. Đây là điều mà sức vóc của riêng anh và em có thể làm được. Anh rất vui nếu được cùng với em đi tìm thăm gia đình Tôn Thất Bình.

Anh Thi ngước nhìn chồng với đôi mắt chan chứa niềm hạnh phúc và biết ơn.

Bằng biện pháp nghiệp vụ chỉ sau hai ngày đến Hà Nội nhà báo Triều Linh đã tìm được những thông tin cần thiết cho vợ. Một mặt anh đến Thư viện Quốc gia lục tìm các báo cũ và hỏi thăm bạn bè về những tên tuổi mà Đoan Thuận từng nghe Ngô Đình Nhu nhắc đến khi đề cập Hội Ánh Sáng và Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Triều Linh rất thú vị với chủ trương hành động của hai Hội này. Một Hội là xóa nạn mù chữ, dạy cho dân Việt biết đọc biết viết tiếng Việt, còn Hội kia là xóa bỏ những chỗ ở tối tăm rách nát của dân nghèo, dựng những mái nhà đơn sơ bằng nguyên vật liệu sẵn có - là tranh tre nứa lá nhưng tràn ngập ánh sáng, hợp vệ sinh. Cũng dịp này Triều Linh và Anh Thi mới được biết một thành viên lúc bấy giờ của Hội Ánh Sáng là kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện về sau làm Thứ trưởng Bộ Kiến trúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông cùng với kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp - đồng tác giả của khu nhà Ánh Sáng ở bãi Phúc Xá thời Nguyễn Tường Tam - Tôn Thất Bình đôn đốc xây dựng ngay để làm kiểu mẫu cho dân nghèo - về sau ứng dụng kiểu mẫu này làm các căn nhà vừa ở vừa làm việc cho cán bộ và chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc. Cũng từ những nguồn tin này Triều Linh và Anh Thi biết chính xác rằng Tôn Thất Bình đã không bao giờ trở về. Hai ngôi nhà của nhạc phụ và con rể ở số 5 và số 16 phố Hàng Da bị niêm phong, chỉ chừa một gian phòng mười sáu mét vuông cho gia đình Tôn Thất Bình ở.

Triều Linh và Anh Thi tìm đến địa chỉ nói trên, nhưng rất tiếc, vì mười sáu mét vuông còn lại bây giờ đã có chủ mới. Những người láng giềng lâu năm biết được nhiều chuyện, nói với Triều Linh và Anh Thi:

- Ngót nghét mười con người, gồm bảy mẹ con bà Tôn Thất Bình với một lão bộc trung thành, một người em gái, một người cháu gọi bằng cậu ruột. Từ sau khi thân phụ Tôn Thất Bình cáo quan về ở ẩn, cảnh nhà sa sút nên ông cụ gửi con cháu đến ở nhờ Tôn Thất Bình - giờ đây tất cả gánh nặng ấy chất lên vai đại tiểu thư Phạm Thị Giá - ái nữ của Phạm Quỳnh! Ngần ấy con người ăn ở sinh sống làm lụng trong một không gian mà ngày xưa là phòng riêng của lão bộc... Trong điều kiện đó dù muốn, dù không, chỗ ở ấy cũng biến thành ổ chuột, cũng thiếu ánh sáng, cũng mất vệ sinh!... Và bưng bít cả chữ Quốc ngữ! Bởi lẽ các con của Tôn Thất Bình - bằng lao động tần tảo của mẹ cũng lần lượt được đến trường, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trước ngưỡng cửa các trường


đại học...

Triều Linh và Anh Thi buồn rầu rời khỏi phố Hàng Da. Trước lúc trở về Huế, Triều Linh kịp tiếp được một thông tin hết sức quan trọng là người con trai thứ của Tôn Thất Bình là Tôn Thất Thành làm báo Nhân Dân. Sau giải phóng miền Nam 1975 anh được điều về thường trú tại Sài Gòn như một số cơ quan khác có văn phòng đại diện tại đây. Điều bất ngờ nữa là người con trai lớn của Tôn Thất Bình có một phát minh khoa học cho ngành kiến trúc, đó là cái thước Tôn Đại dùng để thiết kế kết cấu nhà cửa (kết cấu sắt, thép, gỗ, bêtông, nền móng...). Ngành kiến trúc không ai lạ gì công cụ tiện dụng này và tác giả của nó là giáo sư tiến sĩ Tôn Đại (Sao không “Tôn Thất” mà chỉ “Tôn” không thôi? - Anh Thi lại tự đặt câu hỏi).

Bây giờ là mùa thu 2001, Triều Linh bận quá nên không cùng với Anh Thi đi Sài Gòn dự đám cưới con trai cô Minh Lý. Dịp này Anh Thi dự định sẽ tìm gặp Tôn Thất Thành - con trai thứ của Tôn Thất Bình, rồi qua anh tìm về Bạc Liêu thăm bà Tôn Thất Bình nghe nói theo cô út có chồng là “công tử Bạc Liêu”.

Chưa dự tiệc cưới mà Anh Thi đã để tâm nghe ngóng tìm khu chung cư của báo Nhân Dân. Nói lời chúc mừng đôi tân lang và tân giai nhân xong, Anh Thi liền tìm đến khu chung cư này trên đường Lý Chánh Thắng.

- Nhà anh Tôn Thất Thành kia!

Theo sự mách bảo của người cùng phố Anh Thi rảo bước đến trước cửa một căn hộ xuềnh xoàng và dè dặt bấm chuông.

Một người đàn ông cao, gầy ra mở cửa. Anh Thi cúi đầu lễ phép chào, tự giới thiệu mình và xin được gặp anh Tôn Thất Thành.

- Tôi là Tôn Thất Thành. Xin mời cô vào nhà.

 

Tôn Thất Thành bối rối vì sự xuất hiện đột ngột của một người phụ nữ lạ mà quý danh vừa được xưng cùng với ngoại hình đẹp một cách sang trọng và quý phái... Anh gọi vợ pha trà sau khi mời khách ngồi, vừa tự hỏi không biết lý do gì khiến một quý bà như vầy tìm đến anh...

Trong khi Tôn Thất Thành bối rối vì sự xuất hiện không báo trước của Anh Thi thì cô lại kìm nén niềm xúc động trước người con trai bằng xương bằng thịt của Tôn Thất Bình - người mà lúc còn tại thế mẹ cô đã có lòng ngưỡng mộ vừa xót xa cho gia cảnh của ông, lại vừa là người cùng họ tộc với Nguyễn Phúc Bửu Toàn. Anh Thi trịnh trọng và chân thành:

- Thưa anh, em tìm đến thăm anh, nói chính xác hơn là thăm gia đình đấng thân sinh anh - ông Tôn Thất Bình - theo di nguyện của mẹ em...

Chưa biết rõ nội dung, nhưng được nghe lý do của cuộc viếng thăm, Tôn Thất Thành nghĩ chắc đây là người bà con bên nội của anh, vì hoàn cảnh lịch sử mà phải chia ly. Thời gian không chờ đợi ai, nên con cháu hiếu thảo phải làm theo di nguyện của ông bà cha mẹ. Anh thật sự xúc động vì từ trước nay anh chưa hề về thăm quê nội, bà con bên nội có những ai với ai anh cũng chưa được biết. Người phụ nữ đang ngồi trước mắt anh đây vừa mang hơi ấm của cội nguồn quê hương, vừa là huyết thống họ tộc.

- Mẹ em nghe ông cố vấn Ngô Đình Nhu kể chuyện về ba của anh...

Tôn Thất Thành giật mình khi nghe câu nói trên đột ngột bật ra trên đôi môi xinh đẹp lúc này hơi mím lại, vẻ trang nghiêm và thận trọng. Anh chưa kịp tỏ một phản ứng gì, biểu lộ một động thái nào thì Anh Thi đã vắn tắt thông báo tinh thần của cuộc gặp mặt, và xin anh vui lòng tạo điều kiện cho cô được gặp thăm thân mẫu của anh - bà Tôn Thất Bình.

Anh Thi đã đột ngột đưa bất ngờ này đến bất ngờ khác, dồn dập lên Tôn Thất Thành. Anh ngồi lặng đi một lúc rồi cất lời từ tốn:

- Chưa biết vai vế thế nào, nhưng trước mắt chúng ta hãy cứ gọi nhau là anh em... như thế, cho tiện. Việc đầu tiên anh cần thông báo sớm với em là em khỏi cần phải cất công đi Bạc Liêu để thăm mẹ anh, vì mẹ anh đang ở đây. Hôm qua mẹ anh đi với cô út Tôn Nữ Thanh Nhàn lên thăm vợ chồng anh và cháu. Mẹ anh đang nghỉ trên gác, còn cô Nhàn đi chợ...

Chỉ nói được ngần ấy thôi, Tôn Thất Thành không biết nên bắt đầu câu chuyện với Anh Thi như thế nào. Bình thường anh không phải là người kiệm lời. Nhưng lúc này đây anh thấy một cái gì ứ nghẹn trong cổ họng, nước mắt cứ chực trào ra khi nghe Anh Thi nói chẳng hiểu mẹ em muốn tìm thăm gia đình anh sau khi nghe Ngô Đình Nhu nói về ba anh, nên mẹ em bức xúc, muốn biết rõ cơ sự, hay trong đó một phần vì ba anh là hậu duệ của chúa Nguyễn... Ngay cả đối phương mà có liên quan với hoàng gia Nguyễn Phước tộc - mẹ em cũng đặc biệt quan tâm...

- Mẹ em đi làm cách mạng mà tính cách như thế chắc chắn là mẹ em khổ lắm? Phải không? - Tôn Thất Thành buột miệng thốt lên.

- Vâng, mẹ em khổ, rất khổ! Nhưng hình như mẹ em không hề thấy khổ, ngược lại, bà có vẻ thỏa mãn với cung cách bà ứng xử với đời.

 

Anh Thi vừa dứt lời thì ở ngưỡng cửa xuất hiện một phụ nữ. Tôn Thất Thành reo lên:

- Nhàn đây rồi! Để anh giới thiệu: Ba anh bị bắt khi mẹ anh mang thai Nhàn gần đến ngày sinh, còn đây là Anh Thi từ Huế tìm vào thăm...

Chỉ mới thoạt nghe Công Huyền Tôn Nữ, Tôn Nữ Thanh Nhàn liền nghĩ là bà con ở Huế vào thăm. Tôn Nữ Thanh Nhàn để lộ sung sướng cảm động ra mặt. Còn Anh Thi thì ngắm Tôn Nữ Thanh Nhàn sững sờ. Cùng lúc vợ Tôn Thất Thành dìu mẹ chồng từ trên gác đi xuống. Anh Thi lật đật đứng lên chào, vừa nhận thấy Tôn Nữ Thanh Nhàn thừa hưởng của mẹ không những vẻ đẹp sang trọng quý phái, mà cả cái hồn nhiên rạng rỡ và khiêm nhường... Một vẻ đẹp khá đặc biệt, một sự hòa quyện khá lạ lùng. Anh Thi nghĩ: Vế thứ nhất là bản chất, vế thứ hai là do hoàn cảnh tạo nên. Nếu bà Tôn Thất Bình, Tôn Nữ Thanh Nhàn và những người anh người chị của cô không tự nhào nặn mình để thích nghi với hoàn cảnh nghiệt ngã thì làm sao tồn tại đến ngày nay?

Khi mọi người đã ngồi hết bên bàn trà, bà Tôn Thất Bình ngước nhìn Anh Thi bằng đôi mắt đẫm nước:

- Bác vừa nghe vợ Thành nói, bỗng dưng bác đỡ mệt. Vậy chớ ông bà thân sinh của cháu là ai mà có tấm lòng quý báu thương tưởng tới bác vậy?

Anh Thi cũng nén xúc động, trình tự giới thiệu cha, kể chuyện mẹ. Bà Tôn Thất Bình và các con chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng Tôn Nữ Thanh Nhàn, vợ chồng Tôn Thất Thành không kìm nén được cảm xúc vụt kêu lên khe khẽ, nhất là đoạn đời của Nguyễn Phúc Bửu Toàn khi lặng lẽ nuôi Anh Thi và ngóng chờ Đoan Thuận trong mỏi mòn, tuyệt vọng, và khi Anh Thi lần tìm ra dấu tích của mẹ, biết được mẹ đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào... Không đợi Anh Thi dứt lời, bà Tôn Thất Bình nhoài người tới ôm chầm lấy cô mà khóc. Vợ Tôn Thất Thành và Tôn Nữ Thanh Nhàn kéo nhau vào bếp để chuẩn bị bữa cơm. Cả hai người vừa đi vừa lau nước mắt.

Tôn Thất Thành rót thêm trà vào cốc cho mỗi người. Anh nhấp một ngụm nhỏ rồi trịnh trọng nói:

- Trước hết cho anh được thay lời mẹ anh nói lời cám ơn mẹ của em và cám ơn em. Chỉ qua những lời vắn tắt của em, anh đã hình dung ra mẹ em - bà Đoan Thuận là một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của tầng lớp trí thức trẻ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Đó là một người con gái Huế có đủ những phẩm chất quý báu là trí, dũng, thủy chung, trinh liệt và xinh đẹp. Tài hoa và nhan sắc như thế nên trời đất ghen! Nguyễn Du đã từng nói vậy mà! Giờ đây anh em chúng ta phải biết nhân lên niềm tự hào về mẹ của em và những người có cuộc đời như mẹ. Riêng gia đình anh vào cùng biết ơn. Có thể nói em đã bất ngờ mang tới cho gia đình anh một món quà lớn. Từ ngày ba anh mất đi không mấy khi gia đình anh được sống thật với niềm hạnh phúc như thế này. Bên những đau đớn cực nhục mà các thành viên gia đình anh cùng chung vai gánh chịu, tụi anh được một may mắn là có nhiều người bạn của ba anh vẫn còn sống đến ngày nay đã nói cho tụi anh nghe về ba để tự hào về ba. Cũng chính các vị đó chỉ cho tụi anh biết nhân vật Tôn Thất Bằng trong tác phẩm “Sóng gầm” của Nguyên Hồng chính là một mảng chân dung của ba anh. Ba anh cũng như những người hoạt động xã hội thời đó - giữa mạng lưới an ninh mật vụ của thực dân Pháp, họ triệt để lợi dụng những đám đông để đến diễn thuyết, không loại trừ các vũ trường, phòng trà, hộp đêm... - Nói đoạn Tôn Thất Thành đến bên giá sách lục tìm rồi tới trao vào tay Anh Thi "Tuyển tập III Nguyên Hồng" của Nhà xuất bản Văn học. Mở ra ở trang 481 có đánh dấu đỏ của Tôn Thất Thành, Anh Thi chăm chú đọc: “... Thêm một chiếc ô tô nữa đến nhưng không lộng lẫy bằng xe nhà Thy San. Tôn Thất Bằng bước lên thềm. Đó là cái đinh thứ hai của buổi diễn thuyết. Giáo sư tiến sĩ văn khoa kiêm chủ bút báo Quốc gia An Nam bằng tiếng Pháp vừa là nhà hùng biện cừ khôi của giới thượng lưu học giả trí thức phái bảo hoàng, Tôn Thất Bằng hôm nay nhân danh Ủy viên thường trực của đoàn Ánh sáng Hà Nội xuống nói chuyện về tôn chỉ mục đích của đoàn với bà con Hải Phòng. Theo như chương trình đã đăng các báo thì sau Tôn Thất Bằng sẽ đến bà Thy San Ủy viên vận động lâm thời của đoàn Ánh sáng Hải Phòng diễn thuyết. Bà Thy San sẽ nói về cuộc sống khổ cực của người dân nghèo cần lao và nhiệm vụ, sứ mệnh của những ai là người có đầu óc và một trái tim vị tha trước cảnh thương đau của xã hội.

Cũng vẫn ông trán hói, gương mặt bóng nhẫy, quần áo lễ phục đen quay ra đón nhà giáo sư, nhà hoạt động xã hội và nhà hùng biện Tôn Thất Bằng nọ mà luôn nửa tháng nay tên tuổi và tài ba, tiểu sử của y được giới thiệu rất rầm rộ trên các báo đặc biệt là các báo bằng tiếng Pháp, và đã làm bao nhiêu kẻ hâm mộ y mong chờ, đi đâu cũng nhắc nhở tán tụng. Lần này ông trưởng ban tổ chức không những chỉ quýnh lên vì bắt tay, vì cúi đầu, nghiêng người, cười mừng chào đón, mà còn quýnh lên vì được đứng ra giới thiệu một quý khách, một vĩ nhân như Tôn Thất Bằng với một số trí thức, công chức và các bà con hằng tâm hằng sản của vùng đồng chua nước mặn. Tôn Thất Bằng bước lên thềm với đúng hệt bộ điệu của một nhà chính khách quan trọng đến thượng nghị viện hay bữa tiệc ngoại giao nào vậy. Bước giày cũng ngạo nghễ, chậm chậm. Cái nhìn của y khinh khỉnh. Cái miệng bặm bặm. Cái mặt như chỉ chực hất lên truyền phán. Cùng đi với Tôn Thất Bằng, có mấy bộ mặt và bộ điệu cũng bệ vệ lạnh lùng như thế. Đó là một tiến sĩ hai bằng văn khoa và luật khoa, một bác sĩ nội trú vừa ở Pháp về, một nhà báo cũng chuyên viết bằng tiếng Pháp và một kịch sĩ tài ba nổi tiếng của Hà Nội. Khác hẳn lúc bắt tay ban tổ chức, khi những nhà đại trí thức nọ tiến lên và gặp Giáng Hương quay lại, thì cả bọn họ đều cúi đầu chào và cười hết sức lịch sự. Một loạt tiếng Pháp xen lẫn thêm tiếng Anh xổ ra. Giữa những tiếng cười nói đó, giọng nói của Giáng Hương vẫn dội lên giòn lảnh. Cặp mắt, nụ cười của y càng khiêu khích, khinh bạc.

Ba giờ kém năm.

Trưởng ban tổ chức dang tay mời các quan khách vào khai mạc. Cả bọn lộp cộp, ồn ào đi vào phòng ban tổ chức. Một phần thì ngồi vào dãy ghế danh dự ở hàng đầu trước diễn đài. Đám trai gái liền ồ đi theo sau nhưng bị cản lại. Giây phút sau tiếng chuông điện bấm ran. Những ghế đệm bật xuống sầm sập. Mọi người đứng lên. Bài đoàn ca đã nổi dậy.

... Giờ đây anh em đứng lên cùng chung tấm lòng mà cùng hăng hái.

Quyết sao cho dân nghèo mau vùng ra thoát vòng cuộc đời lầm than.

Đó là một bài hát lấy của đoàn Hướng đạo và đoàn Hướng đạo lại lấy bài của Ăng-lê. Trong khi trưởng ban tổ chức và hai nhà diễn thuyết đứng lại trước dãy ghế hàng đầu để chào đoàn ca thì cũng ở lối đi chính giữa ở tầng trên có ba vị quan khách đi vào cái tòa ngồi vẫn dành cho các vị chủ tọa buổi lễ. Tâm trí Chấn bỗng xóc mạnh và nổi cả gai:

- Thằng Đờ-vanh-xy là chủ tọa buổi diễn thuyết này! Phải! Đúng Đờ-vanh-xy, với cái dáng người dỏng cao, mớ tóc bạch kim bồng lên, cặp mắt như diều hâu và cái cười bĩu bĩu ngạo nghễ vào cùng. Đúng Đờ-vanh-xy cách đây bảy năm, một buổi sáng còn mờ đất, đã cùng viên quan tòa, viên cố đạo và viên chánh mật thám Bắc Kỳ đến chủ tọa cuộc... cuộc hành hình anh Cảnh con ở trước đề lao Hải Phòng, dạo đó Đờ-vanh-xy vẫn lấy tư cách là nhà báo, đại di 5f88 n cho nền ngôn luận Đông Dương để chứng kiến một cuộc thực hiện biện pháp tích cực duy trì sự trị an ở thuộc địa, và để nghe những lời nói cuối cùng của một trọng tội bị xử án xem có gì oan khuất cần phải lên tiếng hộ!...

Cái vòm trên tầng gác bọn Đờ-vanh-xy ngồi rực lên, ghế sơn son thiếp vàng, tường quét kim nhũ rủ hai cánh rèm nhung đỏ viền kim tuyến vén vừa độ và buộc bằng hai tua kim tuyến. Giữa cái im phăng phắc vang ngân tiếng hát, cặp mắt của Đờ-vanh-xy đưa lướt xuống tầng dưới từ chỗ Tôn Thất Bằng, Giáng Hương ngồi, đến những tầng trên của các người đi dự. Tuy kém mắt nhưng Chấn cũng biết đích con diều hâu kia đã sà mắt xuống chỗ Chấn và những chỗ có anh chị em công nhân, thanh niên học sinh... Chấn vẫn thản nhiên như không. Khi bản đoàn ca cửa chào vừa dứt, Chấn ngồi xuống ghế, tay đặt lên đầu gối, lưng hơi ngả, nhìn có vẻ chăm chú lên diễn đàn.

Trưởng ban tổ chức tuyên bố chương trình, giới thiệu các quan khách, các diễn giả xong thì Tôn Thất Bằng ra nói. Thanh ngồi sau Chấn. Thanh chỉ nghe cái giọng rin rít của Tôn Thất Bằng được một lúc thì thấy khó chịu vào cùng. Trong khi nói, Tôn Thất Bằng chỉ thỉnh thoảng mới nhìn xuống bản diễn văn. Cặp mắt gằm gằm của y sáng lên một cách say sưa hết đóng đinh lấy đám người nghe ở tầng dưới lại đến người ở tầng giữa, rồi lướt lên các tầng trên. Một tay y đút túi quần, một tay làm điệu bộ, lúc giơ cao, lúc vung ra, lúc chém chém xuống không khí, để chấm cho từng mạch văn, từng nhịp nói.

Cách đây bốn năm, ngày Thanh vừa thôi học, Thanh phải cạy cục mãi mới được đến dự một buổi diễn thuyết của Tôn Thất Bằng nói về “Nền quân chủ thịnh trị ở Anh và ảnh hưởng của nó đến văn học, nghệ thuật, khoa học như thế nào” ở hội quán Trí tri Nam Định, do giáo giới tổ chức nhân dịp Hoàng đế Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương ra xem hội chợ Thành Nam. Buổi ấy Tôn Thất Bằng nói bằng tiếng Pháp. Thanh nghe không hiểu được tất cả nhưng vẫn phục vào cùng. Thanh ngạc nhiên hết sức trước sự hiểu biết của một vị giáo sư mà Thanh thấy sao mà rộng lớn đến thế. Cứ theo như giáo sư nói thì những ai là trí thức, những ai là kẻ hiếu học mà được sống dưới cái chế độ kia, thở hít cái không khí của một nền văn minh cực kỳ huy hoàng kia, thì tha hồ mà phát triển và thi thố tài năng. Về nhà, Thanh càng ngẫm nghĩ đến những điều kỳ lạ mà Tôn Thất Bằng dẫn chứng. Thanh càng tủi nhục cho số phận, cho kiếp sống của mình, càng oán ghét cha ông, tổ tiên, xứ sở, sao mà ngu dốt, mê muội, hèn kém. Thanh đã nghĩ đến những chuyện ở trong sách Quốc văn giáo khoa thư có những người như người Châu Trí phải quét lá đa đốt lửa học khuya, như người Thừa Cung vừa chăn lợn vừa lắng nghe thầy đồ giảng sách trong nhà, hay đã có những người phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để làm đèn, đi chăn trâu lấy mo nang và đất sét phơi khô làm sách bút... Bao nhiêu gương khổ học! Bao nhiêu kẻ nên người... Bao nhiêu sự nghiệp hiển vinh!... Vậy thì Thanh không được đi học ngày hai buổi ở những lớp Thành chung nữa, Thanh sẽ cố xin làm học viên dự thính vào những giờ có những giáo sư như Tôn Thất Bằng dạy. Cùng quá, Thanh cứ chầu ở ngoài cửa mà nghe và ghi chép. Ngày đi học, trưa, tối thứ năm, chủ nhật Thanh đi bán mía, bán bánh, bán gì cũng được miễn là vẫn được đi học...”

Đặt "Tuyển tập Nguyên Hồng" xuống bàn, Anh Thi nhìn Tôn Thất Thành:

- Trong đoạn văn này thấy diễn giả Tôn Thất Bằng được mời mọc, nghênh đón, giới thiệu một cách hết sức long trọng tại hội trường lớn, chứ đâu phải tại phòng trà, hộp đêm?

- Ấy là nói những thành viên khác của Hội Ánh Sáng, của các Chi hội trên cả nước tích cực tuyên truyền trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh... theo như lời của các bậc cao niên kể lại. - Ngừng lại một lát Tôn Thất Thành nói tiếp: - Nếu chỉ đọc một đoạn này thôi thì lấy làm lạ cớ sao diễn giả Tôn Thất Bằng đến với công chúng yêu mến mình bằng bộ mặt khinh khỉnh... Thực chất cái khinh khỉnh chưa kịp trút bỏ ngay được là vì ở cửa ra vào hội trường diễn giả vừa chạm mặt những tên Tây như kiểu Đờ-vanh-xy. Còn trong Hội trường thì Đờ-vanh-xy đang chễm chệ ngồi ghế chủ tọa... Đấy cũng là... hoàn cảnh
chứ, em?

- Vâng, em hiểu. Giờ thì em có thể hình dung về ba của anh được rồi. Còn bác và các anh chị sau khi bác trai bị bắt thì cuộc sống như thế nào?

- Đúng như những gì mà Ngô Đình Nhu đã mô tả. Về sau càng suy sụp hơn. Nhưng vẫn phải sống, mấy anh chị em gồm An, Mỹ, Đại, Thành, Thân và Út Nhàn phải lớn lên.

Năm 1946 cả nhà tản cư về Hà Đông, rồi về Nam Định - nơi phu nhân Phạm Quỳnh - tức là bà ngoại của anh đang ở với vợ chồng chú Đặng Vũ Hỷ - chồng dì Thức em gái kế mẹ anh. Chị Tôn Nữ Mỹ - em gái kế chị cả Tôn Nữ An - bị bệnh lao. Cậu Phạm Khuê - người con thứ ba của ông ngoại, là em trai của mẹ anh bảo phải vào Hà Nội có thuốc và phương tiện mới chữa được. Mẹ anh bồng Nhàn dắt díu cu Thân đưa chị Mỹ về Hà Nội - tức vùng địch tạm chiếm để điều trị. Nhưng về sau chị Mỹ không qua khỏi vì được cứu chữa quá trễ muộn! Anh Tôn Đại với anh, chị Tôn Nữ An vẫn ở lại với bà ngoại. Năm ấy anh bảy tuổi, anh Đại mười tuổi, chị An mười lăm tuổi. Khi Pháp đánh chiếm Nam Định cả nhà lại về Hà Nội. Anh Đại và anh được đi học. Tuy mới mười lăm tuổi, nhưng là đứa con lớn nhất trong gia đình nên chị An phải đi làm ở hiệu thuốc của người bà con - nơi đã cưu mang mấy mẹ con suốt thời gian chị Mỹ bệnh nặng. Năm 1954 hiệu thuốc dọn vào Sài Gòn, không có người tin cậy, lại gọi chị An vào làm. Gia đình anh mang ơn nặng, không còn cách nào khác, nên đầu năm 1955 sau lễ đón Cụ Hồ, Đảng và Chính phủ về Hà Nội rồi chị An mới đi qua đường Hải Phòng vào Nam.

- Cho em hỏi một chút về anh Đại. Với rào chắn của chủ nghĩa lý lịch nặng nề như thế vào thời kỳ đó, vì sao anh Đại được vào đại học để rồi sau đó có phát minh Tôn Đại, và vì sao không là “Tôn Thất”

- Lúc bấy giờ với tinh thần quá khích, người ta rất dị ứng với “Tôn Thất”, nên anh Đại đã tự động gạt bớt một chữ trong tên họ mình khi làm hồ sơ vào đại học. Còn em Tôn Nữ Thanh Nhàn là trong nhà gọi vậy chứ hồ sơ công nhân trước đó, hồ sơ giáo viên sau này của em là Tôn Thị Thanh Nhàn, nhưng không phải do Nhàn mà do người ta gợi ý sửa đổi, thậm chí tự người ta dùng bút gạch bỏ chữ “Nữ” đi... Còn anh Đại vì sao được vào đại học? Là anh Đại gặp may! Khi Đại học Bách Khoa Hà Nội mở khóa đầu tiên không có mấy người dự thi, vì thời điểm đó có rất ít người đỗ tú tài. Anh Đại đang học đệ nhị thì bị ốm nằm ở nhà buồn lắm, bất ngờ nghe nói Đại học Bách Khoa lấy cả học sinh đệ nhị và lớp chín trường kháng chiến vào đại học. Lúc bấy giờ cần người học quá nên tạm bỏ qua lý lịch. Nhưng sau khi tốt nghiệp thì mới bắt đầu siết chặt. Anh học hành xuất sắc nhưng bố trí công tác tại các tỉnh xa heo hút. Ở đó phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Vậy mà ra trường có vài năm, trong điều kiện cực kỳ khó khăn đó anh Đại đã công bố phát minh...

Tôn Thất Thân khi ba bị bắt cu cậu chưa được ba tuổi. Lớn lên Thân bị đánh trượt đại học vì lý lịch. Năm ấy anh Thành bị bệnh lao, nằm Bệnh viện Bạch Mai. Anh bảo Thân đi xin việc làm ngay, việc gì cũng làm. Thân xin được vào lớp giáo viên cấp tốc mười cộng hai. Tức là tốt nghiệp cấp ba hệ mười năm, học thêm hai tháng nghiệp vụ sư phạm rồi đi dạy. Thân dạy văn ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Sau đó có một thầy dạy toán nghỉ, Thân được điều qua dạy toán. Khi Hà Nội mở lớp năng khiếu toán, cần thầy giỏi, người ta rà soát khắp nội ngoại thành nên Thân được chọn. Từ đó Thân chuyên dạy lớp năng khiếu toán cấp hai. Nhiều học sinh về sau du học nước ngoài, thành đạt, nhiều học sinh đi thi toán quốc tế được huy chương vàng. Thân cứ vừa dạy vừa học mãi, học mãi lên. Về sau được điều về Viện Khoa học Giáo dục - vẫn chuyên về toán như hiện nay. Vừa qua, lại được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Tôn Nữ Thanh Nhàn thì khác. Biết phận mình không thể được tuyển chọn nên không hề có ý định thi vào đại học. Những năm đầu thập niên 60, Đoàn Thanh niên Lao động hô hào tổ chức cho thanh niên xung phong đi lập nghiệp “Theo tiếng gọi của Tổ quốc đến nơi Đảng cần”, Nhàn xung phong đi Tây Bắc, đến nông trường Mộc Châu. Cũng như các anh Đại, Thành, Thân, Nhàn phấn đấu rất cao, nhưng mãi vẫn chưa được đứng vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Lao động. Đến hôm chuẩn bị đi Tây Bắc người ta mới làm lễ kết nạp Nhàn. Kết nạp xong liền lên xe đi ngay. Nông trường Mộc Châu chuyên trồng và chế biến trà. Nhưng thời điểm Nhàn đến, nông trường vừa nhận nuôi mười ngàn con cừu do Mông Cổ tặng Việt Nam để nuôi thí nghiệm. Nhàn được phân công làm ở bộ phận chăn nuôi cừu, đội sản xuất này có tên là Tân Cương. Chẳng bao lâu sau vùng Tây Bắc có câu hát “Núi rừng đẹp nhất hoa ban. Nông trường đẹp nhất Thanh Nhàn Tân Cương”. Hồi triển lãm ở Hồ Gươm Hà Nội về hình ảnh thanh niên đi lập nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức, có treo một bức ảnh to, bề ngang cỡ tám tấc, chiều cao khoảng một thước, Nhàn ngồi cười, tay cầm cái gậy để chăn cừu... Lúc bấy giờ có chàng Long kỹ sư nông nghiệp, quê Bạc Liêu, đang làm việc ở Bộ Nông nghiệp, về nông trường này theo dõi nuôi thí nghiệm cừu. Long và Nhàn quen nhau, về sau nên vợ thành chồng. Rồi nông trường mở nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường tiểu học. Người ta xét thấy Nhàn có văn hóa, có đạo đức nên điều Nhàn sang dạy. Cứ thế, Nhàn chuyển qua ngành sư phạm lúc nào không hay. Anh Thành có người bạn làm ở Thành đoàn Hà Nội gặp ông Hồ Trúc ngày trước là Bí thư Trung ương Đoàn hô hào bọn Nhàn ra đi - giờ ông đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục - anh bạn này bảo các ông đem con bỏ chợ, sau này các ông nói, liệu còn ai nghe, ai theo... rồi trình bày trường hợp của Nhàn - lúc bấy giờ đang là giáo viên cấp một ở nông trường Mộc Châu. Ông Thứ trưởng đồng ý giới thiệu Nhàn vào đại học. Nhàn lại tiếp tục phấn đấu không hề mệt mỏi, nên khi theo chồng về quê, được bố trí công tác hợp lý. Về sau giữ chức Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm.

Còn anh... - Tôn Thất Thành ngập ngừng: - Thật tình anh không muốn kể ra. Có thể tóm tắt như sau: Anh ốm yếu - một phần do tuổi nhỏ sớm chịu khổ. Anh mê văn chương nhưng không có ý định vào đại học bằng con đường vòng vèo như Nhàn, như Thân... mà muốn đi thẳng vào cuộc sống luôn. Có cậu bạn thân, nó thương anh quá nên chạy nhờ ông anh họ làm ở trường Đại học Tổng hợp cho cái giấy báo thi ngành Văn. Thế là đi thi, không có giấy khám sức khỏe, không hồ sơ gì cả. Hồi ấy năm 1958, tất cả học sinh dự thi đều bị loại, chỉ có mười tám cán bộ chiến sĩ đỗ. Tất nhiên anh cũng bị trượt, nhưng vinh dự là cùng trượt với anh đợt ấy có nhà thơ Phùng Quán. Có ý kiến cho rằng Phùng Quán trượt thi là vì khi làm bài thi đáng lý ra phải viết về Mác-xim-goóc-ki, ông ta lại viết “Bài ca tháng Mười” của Mai-a-cốp-xki mà ông ta ngưỡng mộ. Anh Thành cùng nhóm bạn học một thời làm báo tường ở trường Chu Văn An rủ nhau ghi tên xin thi vào lớp phóng viên của báo Nhân Dân. Báo này nhờ Thành đoàn Hà Nội tuyển sinh. Hôm họp mặt ở Thành đoàn có hơn bảy mươi thí sinh. Nhà báo Thép Mới thay mặt bổn báo tiếp xúc với các nhà báo tương lai này. Vốn ngưỡng mộ Thép Mới từ trước, nên dịp này những người trẻ tuổi tranh thủ hỏi ông rất nhiều vấn đề. Hội trường sôi nổi lắm. Rồi ông Thép Mới nói:

- Việc đầu tiên là các anh phải phát hành báo Đảng.

Cả hội trường xôn xao. Có ý kiến hỏi cụ thể công việc phát hành báo Đảng như thế nào. Ông Thép Mới trả lời:

- Cơ quan sẽ cho các anh các chị mua xe đạp trả góp, và cấp cho cả Micro portatif nữa để tiện công tác.

Nhiều thí sinh không tin ở tai mình nên cố hỏi lại cho rõ. Bởi lẽ nào một người bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình lại bằng cách đi rao bán báo? Ông Thép Mới lại nghĩ rằng vừa rồi mình lỡ nói tiếng Tây sợ có người không hiểu, ông vội nói lại rằng:

- Cấp cho các anh cái loa cầm tay bằng sắt Tây để các anh rao bán báo cho tiện.

Một lần nữa cả phòng họp lại ồ lên.

Sau mười lăm phút giải lao, lúc vào họp lại, Bí thư Thành đoàn Hà Nội thay mặt ban tuyển sinh nói:

- Các đồng chí nào muốn vào học lớp này thì ghi tên vào đây.

Nhóm của anh ở trường Chu Văn An có tám người thì đều đồng ý ghi tên cả, cộng thêm với bốn thí sinh khác nữa, cả thảy được mười hai người. Bí thư Thành đoàn rao nhắc thêm mấy lần nữa, con số thí sinh vẫn không thay đổi. Bí thư đi hội ý với nhà báo Thép Mới. Một lát sau Bí thư trở lại vị trí nói:

- Đồng chí đại diện báo Nhân Dân cho biết cuộc tuyển sinh đến đây là kết thúc. Bổn báo chỉ nhận mười hai thí sinh đã ghi tên. Mời mười hai đồng chí ở lại làm thủ tục!

 

Có thể nói cả nhóm mười hai người không ai tin vào tai mình. Bất ngờ và thú vị hết sức! Mừng quá, không nói gì được nữa. Mấy hôm sau đích thân Tổng biên tập Hoàng Tùng gặp riêng “nhóm mười hai” hỏi han từng người một. Khi đến phiên, anh tự giới thiệu:

- Tôi - Tôn Thất Thành, Đoàn viên Thanh niên Lao động, cháu gọi Phạm Quỳnh bằng ông ngoại...

Lúc bấy giờ anh mười tám tuổi. Sau một thời gian bán báo, người được gọi về Tòa soạn làm việc đầu tiên là con ông quản lý báo Tin tức của Đảng, tiếp đó người thứ hai là cháu ngoại Phạm Quỳnh.

- Như vậy cho thấy dẫu lý lịch có nặng nề đến đâu, nhưng nếu bản thân anh tốt, anh giỏi, thì Đảng và Nhà nước đâu có để anh hoài phí?

- Tụi anh cũng nghĩ thế. Nhưng để chứng tỏ được mình cho người ta thấy thì anh cũng đã tróc vi trầy vảy...

- Điều đó chỉ có thể hun đúc thêm chí khí, nghị lực, cùng những phẩm chất cao quý khác để làm người mà thôi.

- Em nói như chân lý ấy! - Tôn Thất Thành tán thưởng với nụ cười rạng rỡ nhưng trong dư âm của nó có vị
chua xót.

Anh Thi cố tỏ ra tỉnh táo rắn rỏi vậy nhưng trong lòng cô đang thổn thức vì tình yêu mến và niềm khâm
phục đối với những con người thông minh tài hoa và
nhẫn nhục.

Cơm đã bắt đầu dọn ra. Vợ Thành và Nhàn làm cơm khéo quá. Cả nhà ăn rất ngon và rất vui. Bà Tôn Thất
Bình nói:

- Sắp giỗ ba của Thành rồi. Hôm ấy nếu cháu chưa về Huế thì mời cháu đến, bác và các con của bác sẽ rất vui.

- Thưa bác, giỗ bác trai vào ngày nào ạ?

Bà Tôn Thất Bình không trả lời Anh Thi. Đôi môi bà hơi mấp máy rồi mím chặt. Bát cơm với đôi đũa trên tay bà lơi dần rồi hạ thấp xuống mặt bàn... Tôn Nữ Thanh Nhàn đỡ lời mẹ:

- Từ khi Nhàn lớn lên thấy năm nào mẹ cũng giỗ ba vào ngày ba bị bắt.

- Những năm đầu còn tự đánh lừa mình, nuôi ảo tưởng, hy vọng và chờ đợi... nên không giỗ. - Tôn Thất Thành nói.

Khó có thể hình dung được những nỗi vất vả gian truân mà bà Tôn Thất Bình và các con đã phải thắng vượt để tồn tại, nhưng tất cả những cái đó không nặng nề bằng nỗi đau đớn mà mỗi thành viên gia đình đã phải mang vác quá lâu và không bao giờ được tháo bỏ.

- Trong nhật ký của mẹ cháu, có một lần sau khi nói chuyện với Ngô Đình Nhu mẹ cháu mới biết được rằng vào thời điểm Hiệp định Genève bắt đầu có hiệu lực, đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền, thì ở nửa nước phía Bắc có một lớp người thấy khó sống dưới chế độ cộng sản, họ được liệt kê vào các thành phần mà lúc bấy giờ gọi là năm công, đó là công an, công chức, công giáo, công tử và công đệ tử. Gia đình bác lúc bấy giờ cũng thuộc diện năm công kia. Vì sao dạo tháng 7 năm 1954 bác không đưa cả nhà di cư vào Nam?

Bà Tôn Thất Bình ngẩng lên trả lời Anh Thi:

- Bác và các con của bác không thể đi được, phải ở lại Hà Nội, ở lại miền Bắc để đợi bác trai trở về...

 

- Cái chết của ông Tôn Thất Bình thì không rõ, nhưng cái chết của Chủ bút Nam Phong Tạp chí Phạm Thượng Chi thì đã rõ. Người ta có lời nào với gia đình không?

- Ở Hà Nội được tin thân phụ bị bắt ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại Huế, ngày 25 tháng 8 năm 1945 Hồ Chủ Tịch mới từ Việt Bắc về tới Hà Nội, biết Người đang bận nhiều việc, nhưng sáng thứ Sáu ngày 31 tháng 8 năm 1945 bác đã đi cùng với em gái bác là dì Phạm Thị Thức - vợ chú Đặng Vũ Hỷ đến xin gặp Hồ Chủ Tịch. Mười một giờ Hồ Chủ Tịch đã tiếp hai chị em bác rất tử tế và thông cảm...

Tôn Thất Thành nói:

- Về sau mới biết giờ phút đó Hồ Chủ Tịch vừa mới xem xong lần cuối bản Tuyên ngôn độc lập, vừa bước qua phòng khách là gặp nhiều vị đang ngồi đợi nhưng thư ký đã sắp xếp cho mẹ anh và dì Hỷ được gặp trước...

- Vào thời điểm ấy không những hai chị em bác mà cả Hồ Chủ Tịch cũng không nghĩ rằng người ta sẽ giết hại...

Bà Tôn Thất Bình nén xúc động nói.

Tôn Thất Thành tiếp lời mẹ:

- Về sau này mấy lần nhà thơ Cù Huy Cận kể lại với nhạc sĩ Phạm Tuyên rằng khi nghe tin cụ Phạm bị sát hại, Hồ Chủ Tịch đã rút khăn tay lau mắt và thốt câu: “Đã lỡ mất rồi!...”

 

            H.K.L

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83726


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận