Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 2


Chương 2
Vĩnh Tuấn đã tròn mười ba tuổi, cao lớn khỏe mạnh. Bà Diệu Anh mãn nguyện khi nhìn thấy con trai đã trở thành một thiếu niên chững chạc tuấn tú.

Vĩnh Tuấn học trường trung học Khải Định, thỉnh thoảng đạp xe đến thăm ba, chuyện trò vui vẻ với ba xong đạp xe về phủ Vinh Quốc Phong. Buổi tối Vĩnh Tuấn ngủ ở phòng của ông nội. Phòng đọc sách ngày xưa của ông nội giờ trở thành phòng học của Vĩnh Tuấn. Chiếc giường ngày xưa ông nội nằm thành giường nằm của Vĩnh Tuấn. Ba và chú Bửu Tín luôn nhắc bảo Vĩnh Tuấn phải lo chăm chỉ học hành và sớm thể hiện vai trò đích tôn của mình, là phải thường xuyên lau chùi đồ thờ tự, quét dọn nơi thờ tự, coi sóc phòng phủ, cũng như tập dần việc quản lý nhà đất, cây trái, hoa cảnh trong vườn.

Bửu Toàn vui mừng khi nhìn thấy con trai, học giỏi, biết vâng lời và hiếu thảo. Ngôi nhà trên đường Chương Đức đã trở nên thân thuộc như là ngôi nhà thứ hai của Vĩnh Tuấn. Phan Tấn đã tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm trợ giảng từ hơn một năm nay. Thỉnh thoảng Vĩnh Tuấn đến gặp lúc Phan Tấn ở nhà, hai anh em chuyện trò vui đùa hoặc chơi thể thao với nhau, làm cho Bửu Toàn cảm thấy lòng bớt cô quạnh. Ông chợt có ý nghĩ lạ lùng là cách đây không lâu trong nhà luôn rộn tiếng nói tiếng cười của hai cô thiếu nữ, bây giờ nhà lại có hai cậu con trai... Sự xuất hiện từng cặp người trẻ tuổi bên cạnh cuộc đời ông như một định mệnh.

Từ ngày thực dân Pháp đánh chiếm Huế, các lực lượng vũ trang Huế rút dần lên chiến khu, Bửu Toàn cũng như một số nhân sĩ trí thức cùng một số cán bộ Việt Minh trước nay chưa ra hoạt động công khai giờ đây đều nằm im tại chỗ để chờ đợi thời cơ.

Một chiều mùa hè Vĩnh Tuấn đang đi lại trong vườn ngắm những trái cây bắt đầu chín và nghe tiếng của các loài chim đang chuyền cành hót những khúc thánh thót, bỗng thấy một chiếc ô tô đời mới bóng lộn sịch đỗ trước cổng phủ. Một người đàn bà chừng ngoài ba mươi tuổi


ăn mặc sang trọng từ trên xe bước xuống, tay dắt một
bé gái khoảng hai tuổi đi vào cổng hỏi thăm Hoàng thân Bửu Toàn.

Vĩnh Tuấn lễ phép:

- Thưa bà, giờ này ba tôi không có ở nhà. Quý bà cần nhắn gì để tôi sẽ bẩm lại với ba tôi...

Người đàn bà mở xắc da lấy một phong thư trao vào tay Vĩnh Tuấn, rồi cầm tay đứa bé lên nói:

- Tôi để cháu bé ở lại đây với phong thư này. Hoàng thân Bửu Toàn đọc thư sẽ rõ tất cả.

Vĩnh Tuấn hết sức bối rối, chưa biết phải làm gì với đứa bé và phong thư. Cậu đang định mở lời nói một câu gì đó thì người đàn bà sang trọng đã vội vã ra xe rồi đi mất hút. Vĩnh Tuấn đuổi theo bà mấy bước rồi chững lại.

Diệu Anh đang ở vườn sau, thấy có khách lạ, bà lật đật men lối nhà ngang chạy vào khu tiền sảnh của phủ thờ, chỉ kịp nhìn thấy đứa bé mếu máo chực khóc khi người đàn bà vội vã bỏ đi, Vĩnh Tuấn chậm chạp bối rối đuổi theo sau... Diệu Anh chợt dự cảm có một điều quan trọng gì đó đang xảy ra dưới mái phòng phủ này. Bà vội vàng chạy tới ôm lấy đứa bé vuốt ve và dỗ dành cho nó khỏi khóc, rồi giục Vĩnh Tuấn đi tìm ba về cho ba đọc thư.

Vĩnh Tuấn vâng lời mẹ vội lấy xe đạp đi tìm ba. Khi Vĩnh Tuấn lên đến chợ Vĩ Dạ thì gặp ba đang trên đường về phủ.

Bửu Toàn cầm phong thư mà đôi tay run lẩy bẩy, đôi mắt nhòa lệ khi nhận ra nét chữ của Đoan Thuận.

Chiến khu, ngày ...  tháng ...  năm 1948

Kính gửi Hoàng thân Bửu Toàn.

Sắp sửa vào chiến dịch mới. Tôi sợ lần ra đi này có thể không trở về, nên tôi đành phải gửi con tôi nhờ ngài nuôi dạy giúp. Tôi sinh con vào ngày 25 tháng 5 năm 1946 tại vùng kháng chiến nên chưa có điều kiện làm giấy khai sinh. Tên gọi thường ngày của bé là NHỚ.

Tôi vào cùng biết ơn ngài, và luôn cầu mong ngài được bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Đoan Thuận.

Gấp vội phong thư, Bửu Toàn bước tới đón lấy đứa bé trên tay bà Diệu Anh, rồi ông ôm siết đứa bé vào lòng. Linh cảm mách bảo với Bửu Toàn rằng đấy là đứa con ruột thịt của ông. Ông cảm thấy như được sống lại. Ông bấm vào đầu ngón tay tự hỏi đây là thực hay mơ, rồi ông hôn đứa bé từ đầu đến chân. Đứa bé vừa ngơ ngác rụt rè lại vừa sợ hãi nên cứ co rúm người lại. Diệu Anh lật đật chạy vào phòng trong rồi trở ra với chiếc khăn bông mềm, mấy thứ trái cây và bánh ngọt, Diệu Anh nói:

- Ba đặt bé ngồi lên chiếc đôn sứ này để em lau mặt cho bé.

Bửu Toàn làm theo lời Diệu Anh, đặt đứa bé ngồi trên chiếc đôn sứ rồi ông quỳ xuống bên ngắm nghía bé, trong lúc Diệu Anh lau mặt mũi tay chân cho bé xong, đưa bánh và trái cây bảo bé ăn.

Cô bé cầm chiếc bánh thuẫn cắn từng miếng nhỏ, nhai cẩn thận, rồi đòi uống nước. Hình như cảm thấy mọi người chung quanh đều sẵn sàng thân thiện với bé, nên khi ăn bánh xong bé tụt xuống khỏi đôn sứ, bước đi mấy bước vừa nở nụ cười phô những chiếc răng sữa trắng muốt và đều tăm tắp. Bửu Toàn cảm thấy lòng se thắt lại khi nhận ra vành môi ấy, nụ cười ấy và cả đôi hàm răng trắng nhỏ kia... Tất cả là của Đoan Thuận. Một Đoan Thuận thứ hai vừa tái sinh trong cuộc đời ông. Ông cúi xuống bồng đứa bé lên rồi ôm chặt nó vào lòng, ông cảm thấy tim mình vẫn còn đập mạnh, tay chân vẫn còn run rẩy vì chưa hết xúc động bàng hoàng... Bà Diệu Anh đến bên dịu dàng nói:

- Nếu ba Vĩnh Tuấn không chê em vụng thì hãy để cho em được chăm sóc bé. Phụ nữ vẫn quen việc chăm bẵm trẻ con hơn...

Bửu Toàn nhìn thấy vẻ dịu dàng chân thành và có chút gì nhẫn nhục trong lời nói của Diệu Anh, ông cảm thấy xao lòng, nói:

- Nếu mẹ Vĩnh Tuấn thương yêu chăm sóc được bé thì không gì tốt bằng. Anh vào cùng biết ơn...

- Ơn với nghĩa chi!

Diệu Anh nói rồi đi vào phòng của Vĩnh Tuấn - cũng là phòng trước đây của Ân Thụy Thái Vương - thu xếp một chỗ tươm tất trên bộ ngựa gõ cho bé rồi bà nói với Vĩnh Tuấn:

- Cho em bé nằm nghỉ ở đây. Đến tối mẹ đưa em về ngủ chỗ mẹ nhé!

Diệu Anh làm vậy là muốn để cho Bửu Toàn ở đấy mà bồng bế âu yếm đứa bé cho đến lúc nào ông trở về ngôi nhà trên đường Chương Đức, bà mới thay ông làm việc đó. Không ngờ nghe mẹ bảo xong Vĩnh Tuấn nói:

- Mẹ ạ, con muốn em bé ở lại đây với con, ba cũng ở đây với con. Cả ba, cả con và em bé cùng nằm trên bộ ngựa gõ hoặc cùng nằm trên giường ông nội, ba nhé,
mẹ nhé?

Diệu Anh không đáp, đưa mắt nhìn lướt qua Bửu Toàn, khi Bửu Toàn mỉm cười bồng em bé đi vào chỗ mà Diệu Anh vừa thu xếp.

Ăn cơm tối xong một lát em bé dụi mắt tỏ vẻ muốn ngủ, Diệu Anh bồng về phòng riêng của mình. Bửu Toàn dặn Vĩnh Tuấn mấy việc rồi lái xe về ngôi nhà trên đường Chương Đức. Gần như suốt đêm ông không ngủ được. Ông chưa hết bàng hoàng, ông không tin đó là sự thật! Ông đọc phong thư của Đoan Thuận không biết bao nhiêu lần, ông chong đèn suốt đêm nằm mở mắt nhìn lên trần nhà. Khi phong thư của Đoan Thuận đã bị nước mắt ông làm nhòe, ông vội lấy khăn thấm khô. Nhưng càng thấm lại càng nhòe, vì nước mắt ông vẫn tiếp tục rơi. Khi ấy ông mới tin đó là sự thật. Ông hình dung Đoan Thuận đi tham gia cách mạng như thế nào. Khi biết mang thai tâm trạng của Đoan Thuận ra sao? Vui mừng hay lo lắng? Rồi Đoan Thuận một mình tự xoay xở lấy để chờ ngày đứa con ra đời. Sinh con và nuôi con trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ ở vùng kháng chiến, rồi muốn được tiếp tục tham gia công tác chắc chắn Đoan Thuận phải gửi con vào nhà dân nhờ dân nuôi giúp. Khi đứa con đã hơn hai tuổi, nếu không chuẩn bị bước vào chiến dịch mới và sợ sẽ hy sinh trong chiến dịch đó, bỏ lại con thơ không ai nuôi - chắc gì Đoan Thuận đã chịu gửi con về cho ông? Tính cách của Đoan Thuận thì ông đã quá rõ. Đứa con này là một báu vật thiêng liêng vào giá đối với cô, đời nào cô chịu rời con ra? Nhưng tình thế buộc cô phải rời xa con, tìm chỗ gửi gắm con thơ trước khi vào trận. Gửi con về cho Bửu Toàn là một quyết định đúng đắn. Nhưng chiến khu là chiến khu nào? Đứa bé đã đi một đoạn đường dài cỡ nào trước khi đến được phủ Vinh Quốc Phong? Bửu Toàn hình dung ra một đường dây liên lạc hết sức chặt chẽ, rất đồng bộ từ chỗ Đoan Thuận về đến nhà ông. Bao nhiêu người đã chuyền tay nhau ẵm bồng gìn giữ chăm sóc để đưa đứa con đến tận tay ông. Người đàn bà ăn mặc sang trọng đi trên chiếc ô tô đời mới, bóng lộn, hẳn là một cơ sở nội thành hết sức khôn khéo đã trinh sát mục tiêu rất kỹ trước khi xuất hiện cùng với đứa bé và phong thư của Đoan Thuận rồi ra đi vội vàng.

Buổi sáng Bửu Toàn trở lại phủ Vinh Quốc Phong rất sớm. Diệu Anh trao đứa bé cho Bửu Toàn rồi đi chợ mua mấy bộ áo váy và giày dép cho bé. Diệu Anh không quên mua mấy món đồ chơi và quà bánh rồi lật đật về nhà, ướm thử áo xống và giày dép, trao đồ chơi và bánh trái cho bé rồi đi làm thức ăn xong trước giờ dạy chừng ba mươi phút, bà lật đật đạp xe tới trường.

Kể từ hôm ấy Diệu Anh lúc nào cũng bận rộn tíu tít nhưng lúc nào cũng cảm thấy một niềm vui. Niềm vui ấy cứ lớn dần lên, lan rộng mãi không thôi... Diệu Anh xưng với bé bằng mẹ và gọi bé bằng một cụm từ thân yêu là "Con gái của mẹ". Trong lúc Diệu Anh bận làm việc thì Vĩnh Tuấn trông em và chơi với em thật ngoan. Vĩnh Tuấn càng vui hơn và yêu quý em hơn vì từ khi có em, ba thỉnh thoảng ở lại đêm với Vĩnh Tuấn. Em chơi với ba đầu hôm rồi sau đó về phòng ngủ với mẹ. Sáng sớm mai mẹ để em ở nhà với chị giúp việc rồi đi chợ. Cũng có khi mẹ đi dạy sớm, trưa về ghé chợ mua thức ăn, rồi mẹ và chị giúp việc vừa nấu cơm vừa trông coi em và dọn dẹp nhà cửa. Đến bữa cơm lúc nào mẹ cũng tự tay cho em ăn chứ chưa bao giờ để việc đó cho chị giúp việc.

Bửu Toàn đã chọn một cái tên vừa ý để làm khai sinh cho em bé. Hôm cầm tờ khai sinh về Bửu Toàn đặt lên bàn học của Vĩnh Tuấn. Diệu Anh đến bên đọc lướt qua và tay chân bà chợt run rẩy: Anh Thi, con gái của ông Nguyễn Phúc Bửu Toàn và bà Nguyễn Khoa Diệu Anh.

Trời đất quay cuồng như muốn sụp đổ. Diệu Anh quỳ sụp dưới chân bé Anh Thi khóc rưng rức. Ông trời đã bất ngờ ban tặng cho bà một niềm hạnh phúc lớn lao. Cùng một lúc bà có được đứa con gái đẹp như thiên thần và sự tin cậy của người chồng tưởng đã mất vĩnh viễn. Nhìn thấy mẹ khóc, bé Anh Thi lo lắng không biết vì sao, bé đưa bàn tay nhỏ xinh bụ bẫm vỗ nhè nhẹ lên vai, lên tóc mẹ vừa hỏi han dỗ dành:

- Ai làm gì mẹ? Ai đánh mẹ thế? Mẹ nín đi, đừng
khóc nữa!...

 

Nói rồi bé kéo vạt áo đầm màu hoàng yến lên lau nước mắt cho mẹ. Diệu Anh ôm chầm lấy con, nước mắt làm ướt hết cả vạt áo đầm mẹ mới mua cho bé hôm trước.

Ban đầu Bửu Toàn định đặt tên cho con gái là Anh Thư khi nghĩ đến tính cách của Đoan Thuận. Nhưng sau đó ông quyết định đặt tên con là Anh Thi, vì ông tin rằng rồi đây sắc đẹp của Anh Thi sẽ không thua kém gì Tây Thi một thuở.

Dưới mái rêu phong của phủ Vinh Quốc Phong lại rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ và những lời dạy bảo dịu hiền ngọt ngào của người lớn.

Tuy ở hậu cứ nhưng các lực lượng vũ trang vẫn luôn tổ chức những trận đánh bất ngờ vào đồn bốt địch làm cho giặc Pháp ngày đêm lo lắng và tăng cường bố phòng nghiêm ngặt hơn. Bộ tư lệnh lực lượng Pháp ở miền Trung đặt tại Huế. Tổ chức mật thám Liên bang Đông Dương Trung Kỳ cũng đặt tại Huế. Lực lượng quân sự cũng như lực lượng mật thám điệp viên ở Huế dày đặc, ngày đêm tổ chức đánh phá các cơ sở cách mạng. Trong điều kiện đó những cán bộ nằm vùng cũng như các gia đình cơ sở có con em đi kháng chiến lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Bửu Toàn và Phan Tấn không thoát khỏi tình cảnh đó. Lúc nào hai người cũng tự đặt ra cho mình những giả thiết và tình huống bất ngờ xảy ra để chủ động lên phương án đối phó. Và không hẹn, nhưng mỗi lần nghe súng nổ, nghe có trận đánh nhau ở đâu đó là niềm tin trong lòng được củng cố, hôm ấy cả nhà đều vui và âm thầm làm những bữa liên hoan nhẹ chúc nhau giữ bền lòng son dạ sắt với cách mạng, với kháng chiến
cứu nước.

Năm 1949 vùng nông thôn giải phóng đã được mở rộng. Các khu du kích và căn cứ du kích của các huyện trong tỉnh đã áp sát thành phố, ngày đêm quân du kích tăng cường các trận đánh theo chiến thuật du kích, trên các trục lộ giao thông, đặc biệt là trên Quốc lộ I làm cho bọn địch ăn không ngon, ngủ không yên. Tháng 2 năm 1949, địch cho hơn ba ngàn quân tấn công chiến khu Dương Hòa. Hai bên đánh nhau quyết liệt. Bọn Pháp muốn biến chiến khu Dương Hòa thành vùng trắng nhưng thất bại. Sau khi quân địch rút, chiến khu Dương Hòa được củng cố mạnh hơn.

Biết vùng kháng chiến thiếu thốn nhiều thứ, nhân dân Huế đã âm thầm quyên góp tiền bạc, văn phòng phẩm, thức ăn, thuốc men... bí mật tìm đường gửi lên chiến khu cho cán bộ và bộ đội.

Đúng như Bửu Toàn dự đoán, hai người con trai của mệ Hy là Tôn Thất Hoan và Tôn Thất Hỷ sau khi bị đưa sang Pháp, chúng bố trí hai anh làm lính thợ. Sau thế chiến thứ hai, những người lính này lần lượt được trở về quê hương. Riêng Tôn Thất Hoan còn tìm cách ở lại hoạt động trong phong trào Công đoàn ở Tân Ghi nê, sau đó bị Pháp bắt và trục xuất về nước, nhưng lại không cho sống tự do với gia đình, mà hàng ngày bọn mật thám luôn rình rập anh. Lại có tin bọn Pháp sắp chuyển Tôn Thất Hoan cùng với một số người có lý lịch tương tự như anh đến sống tập trung ở một vùng khác để chúng dễ bề quản thúc. Lần này không đợi Tôn Thất Hy chạy đi cửa nọ cửa kia để lo cho con trai, mà Bửu Toàn đã chủ động tìm bắt liên lạc với Ủy ban Hành chánh Kháng chiến và giới thiệu Tôn Thất Hoan ra vùng giải phóng để lên chiến khu. Vì Bửu Toàn biết, với tay thợ bậc cao lại có kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, chắc chắn Tôn Thất Hoan sẽ giúp ích cho kháng chiến.

Trong một lần bí mật đi quyên góp để ủng hộ kháng chiến, Phan Tấn gặp Sa đang mang trái cây trong vườn ông bà Bửu Tín đi bán ở chợ Đông Ba. Sa đưa một túi quýt cho Phan Tấn và nói:

- Em không có gì, chỉ ủng hộ một ít trái cây cho
kháng chiến.

Phan Tấn cất túi trái cây, nói lời cảm ơn rồi đi ngay. Về sau, khi đã trở nên thân thiết Phan Tấn mới biết mình nhỏ hơn Sa một tuổi, và rất đỗi thương cảm khi biết quá khứ đau buồn và bất hạnh của Sa. Còn bây giờ thì chưa. Bây giờ Phan Tấn rời khỏi chợ Đông Ba rồi mà lòng còn bâng khuâng nhớ khuôn mặt, ánh mắt, làn da... tất cả những cái đó làm nên một vẻ đẹp mặn mà đằm thắm trẻ trung hết sức đáng yêu của cô hàng trái cây.

Hôm trên đường lên chiến khu, túi trái cây được một nữ cán bộ mở ra để phân phát cho mọi người. Tôn Thất Hoan nhận ra những trái quýt giống Ý Đại Lợi trong vườn phủ Vinh Quốc Phong do vợ chồng Bửu Tín và cô Sa chăm bón.

Tháng 7 năm 1949, mặc dầu biết đưa Bảo Đại trở về Huế là việc hết sức khó khăn, nhưng thực dân Pháp vẫn cố làm cho bằng được. Chúng tổ chức đón tiếp Hoàng đế Quốc trưởng "hồi loan" bằng một buổi lễ được huy động theo kiểu quân đội và cảnh sát bố trí dày đặc từ ngoại ô nơi giáp cửa ngõ thành phố rồi đi vào thành phố. Trước đó chúng cho người đến từng nhà dân để vận động đi đón Bảo Đại, cứ mỗi người dân thành phố đi đón thì được tặng một chiếc nón với bốn đồng bạc, mỗi người dân ở thôn quê thì được tặng một chiếc nón với mười sáu đồng bạc. Trong điều kiện đời sống nông thôn còn nghèo khổ thì số tiền ấy đủ cho một người sống qua vài tuần, nhưng nhân dân không chịu đi. Bọn cảnh sát và binh lính phải gí mũi súng và lưỡi lê vào từng người, áp giải họ ra đường để đón tiếp Hoàng đế Quốc trưởng! Cuộc đón tiếp kiểu nào rồi cuối cùng cũng qua. Nhưng điều quan trọng là sau khi trở lại cung điện của mình, ngay đêm đầu tiên Bảo Đại đã được chào đón bằng một loạt đạn súng cối của lực lượng vũ trang thành phố giọt vào gần long sàng! Bảo Đại sợ quá phải chui ngay xuống hầm để ẩn nấp. Và ngày hôm sau, xe thiết giáp của quân đội Pháp phải đến chở Hoàng đế Quốc trưởng thoát khỏi cung điện của mình, đưa lên Đà Lạt.

Tất cả những sự kiện này được Bửu Toàn viết thành một bài báo rất súc tích. Khi viết xong Bửu Toàn đưa cho độc giả đầu tiên là Phan Tấn đọc. Đọc xong bài báo Phan Tấn cứ chép miệng khen hay quá! Hay quá! Bửu Toàn hỏi:

- Hay là hay ở chỗ nào? Như thế nào?

Phan Tấn thưa:

- Dạ con thấy hay nhất ở chỗ đọc xong bài báo mọi người dẫu ở xa Huế bao nhiêu cũng biết được thực
dân Pháp đã sử dụng con bài Bảo Đại như thế nào, và Bảo Đại đã dại dột tự biến mình thành một công cụ rẻ mạt trong tay người Pháp. Thảm hại nhất là cuộc trốn chạy khỏi Kinh thành Huế trên chiếc xe bọc thép của quân
đội Pháp...

Thời gian này, bằng nhiều biện pháp riêng, Bửu Toàn cũng như luật sư Kim Hồng Ân và một số nhân sĩ trí thức khác vẫn thường xuyên có báo chí tiến bộ Pháp để đọc, kể cả báo của các đảng cộng sản. Bài báo trên được Bửu Toàn gửi đăng trên tờ Cahier du Communisme - tạm dịch là "Sổ tay Cộng sản". Về sau một tờ báo của Cục Thông tin Phong trào Cộng sản thế giới đăng lại. Qua đó nhiều người biết sự kiện Bảo Đại hồi loan, và biết tên tuổi của cây bút không chuyên Bửu Toàn từ lần ấy.

Nhân sự kiện này, giữa năm 1950, khi Mặt trận Liên Việt chuẩn bị ra tờ báo Quyết Thắng, Bửu Toàn được cơ cấu vào Ban chủ nhiệm.

Ngoài những tờ báo in từ chiến khu được bí mật đưa vào thành phố, thời gian này người dân Huế còn được đọc một tờ báo in ngay giữa lòng Kinh đô Huế. Xưởng in lụa ở tầng hầm nhà quan Thị Vấn trên đường La Citadelle được khai thác công suất tối đa. Anh Viết, con trai của quan Thị lại phải một mình lo đảm nhiệm việc ấn loát này. Và ngôi biệt thự trên đường Chương Đức trở thành trụ sở của báo, là tòa soạn, nơi ở và làm việc của Ban chủ nhiệm báo ngay trước mũi kẻ thù mà chúng không hề hay biết!

Mùa hè năm 1951, Vĩnh Tuấn trốn nhà gia nhập Vệ Quốc Đoàn khi vừa thi đỗ bằng Thành chung. Bà Diệu Anh khóc hết nước mắt. Bửu Toàn an ủi:

- Ông trời đã sắp đặt hết cả rồi. Để chuẩn bị cho Vĩnh Tuấn ra đi thì ông trời đã đưa bé Anh Thi đến cho bà mấy năm nay rồi còn gì? Vả lại Vĩnh Tuấn cũng đã tròn mười sáu tuổi. Ngày xưa ở tuổi ấy đức Hoàng đế Duy Tân đã cùng với các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp...

Diệu Anh nghe Bửu Toàn nói rồi lấy khăn lau nước mắt, ngồi im lặng suy nghĩ miên man.

Bé Anh Thi ngồi trong lòng Diệu Anh vụt nhoài người lên đưa bàn tay bụ bẫm nhỏ xíu sờ soạng lên mặt, lên miệng bà Diệu Anh nói:

- Mẹ à, anh Vĩnh Tuấn nói anh đi rồi anh sẽ về, sẽ mua cho con một con gà tu huýt thổi kêu ở đằng đuôi...

- Ừ, anh đi rồi anh sẽ về. - Diệu Anh cúi xuống vuốt tóc rồi nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của Anh Thi, nói: - Con phải chịu khó ăn nhiều vào cho mau lớn để ngày về anh Vĩnh Tuấn khen con ngoan nhé!

- Dạ...

Trong lúc nhà Bửu Toàn có những biến động về nhân số và sự kiện thì gia đình Bửu Tín luôn bao trùm một không khí nặng nề buồn thảm vì nỗi mất con. Càng về sau càng không có mấy hy vọng có thể tìm thấy lại được Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi.

Một số quan chức của triều đình về vườn, bất đắc chí thường tụ tập đánh tài bàn, mạt chược, tổ tôm, uống rượu, làm thơ, thỉnh thoảng nói kháy, chửi đổng. Riêng ông Tri phủ Bửu Tín không giống đám người kia. Ông trở nên thầm lặng, ít nói, không muốn giao du. Ông đòi ăn chay, tụng kinh niệm Phật, đọc sách báo và suốt ngày đêm chuyên tâm cầu nguyện cho Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi được tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ. Và ông thầm cầu mong có một phép màu nhiệm nào đó cho ông được gặp lại Liên Chi một lần...

Niềm mong ước của người mẹ - của Diệu Anh đã trở thành hiện thực. Tháng 7 năm 1954, khi hòa bình lập lại Vĩnh Tuấn trở về gặp ba, gặp mẹ và em gái. Nhưng còn một người nữa mà Bửu Toàn mỏi mắt chờ mong mãi không thấy về! Ngôi biệt thự trên đường Chương Đức bao năm nay vẫn được lau chùi, quét dọn tu sửa và xén tỉa cây cảnh để chờ Đoan Thuận và mong cô được bình an trở về gặp lại ông. Lúc đó ông sẽ không câu nệ gì nữa, ông sẽ bất chấp dư luận, ông sẽ đánh đổi tất cả để được sống với Đoan Thuận. Ông sẽ bù đắp những thiếu thốn mất mát khát khao mà suốt cả một đời cô đã thao thức vì ông...

Nhưng càng mong càng thấy biền biệt. Có thể Đoan Thuận đã hy sinh trong chiến dịch 1948 - ngày mà cô nhờ các tổ chức cơ sở móc nối để đưa con gái về giao tận
tay ông.

- Không phải vậy! - Vĩnh Tuấn khẳng định: - Năm 1953 con vẫn còn gặp dì ấy trong một trạm quân y.

Bửu Toàn trố mắt ngạc nhiên nhìn Vĩnh Tuấn. Ông giục con trai kể lại cuộc gặp gỡ đó cho ông nghe. Vĩnh Tuấn nói:

- Sau trận đánh ở cứ điểm làng Han tại mặt trận Yên Khương địch chết như rạ, chắc ba đã nghe? Hồi đó con bị thương ở chân phải. Sau khi sơ cứu xong con được đưa về tuyến sau điều trị. Tại một trạm quân y ở Hà Tĩnh có một bác sĩ sau khi thăm khám vết thương của con xong, ông ta quay người lại nói với một đồng sự của ông ta rằng với tình trạng vết thương như thế này thì cách tốt nhất là nên cưa đứt chân. Ông ta nói bằng tiếng Pháp. Nghe xong con hoảng quá, con cố chống tay ngồi dậy dù toàn thân rất đau nhức. Con cũng nói tiếng Pháp với ông ta rằng chân của tôi chỉ bị thương ở phần mềm. Do ở tiền phương thiếu phương tiện và thuốc men điều trị nên mới phải đưa về đây để các bác sĩ điều trị cho tôi. Theo tôi nghĩ vết thương này chưa đến nỗi phải cưa chân. Nghe con nói xong, ông ta tháo đôi kính cận trố mắt nhìn con thau láu một hồi rồi khoát tay bước lên phía trước. Vị bác sĩ cùng đi bước theo sau. Mười lăm phút sau người ta đưa con vào phòng mổ vết thương, làm thuốc, tiêm thuốc... Xong mọi việc, cô y tá đặt con lên xe đẩy đưa trở về giường bệnh. Khi cô y tá bước ra khỏi phòng bệnh, vừa đi vừa tháo khẩu trang, con kịp nhận ra đó là dì Đoan Thuận. Con còn nhớ rõ khuôn mặt của dì hôm về dự đám tang ông nội, đặc biệt là đôi mắt, về sau này con gặp lại đôi mắt ấy ở bé Anh Thi. Con bất thần gọi to:

- Dì Đoan Thuận!

Dì Đoan Thuận giật thót khi bất ngờ người bệnh gọi tên mình quá to, liền quay lại, đi đến bên con hỏi:

- Đồng chí là...

- Dì không nhận ra c 677d on sao? Con là Vĩnh Tuấn - con trai của ba Bửu Toàn đây!

Dì Đoan Thuận mặt biến sắc, đôi môi mấp máy, hai tay run, đứng như chết lặng trong giây lát rồi cúi xuống nắm chặt bàn tay con, run giọng nói:

- Thật là quá may mắn dì được gặp Vĩnh Tuấn ở đây. Vĩnh Tuấn có biết tin gì về bé Nhớ?

Con kể cho dì nghe bé Nhớ đã được đưa đến nhà như thế nào. Ba và mẹ đã thương yêu bé như thế nào. Và tên khai sinh của bé là Anh Thi. Nói rồi con nhờ dì lục tìm ba lô của con để con đưa cho dì coi tấm hình của em Anh Thi mới chụp mấy hôm trước lúc con trốn nhà tham gia kháng chiến. Có thể nói bức ảnh là món quà quý giá nhất đối với dì Đoan Thuận. Dì đã ôm hôn bức ảnh rồi ghì chặt vào lòng như thể dì đang ôm bé Anh Thi bằng xương bằng thịt vậy.

 

Từ đó hàng ngày dì tranh thủ thời gian để được ở bên con nhiều hơn, chăm sóc con từng li từng tí. Và dì rất muốn nghe con kể nhiều hơn nữa về bé Anh Thi, về ba, về mẹ. Thế rồi khi vết thương đã ổn, con phải trở về đơn vị. Con và dì Đoan Thuận trao địa chỉ cho nhau. Buổi chia tay hôm đó con với dì lưu luyến nhau lắm. Dì Đoan Thuận như không thể rời xa con! Lúc đó con có cảm tưởng dì coi con như là bé Anh Thi vậy. Nhưng khi trở về đơn vị con đã mấy lần viết thư cho dì mà không thấy hồi âm.
Có người nói ngay sau lúc con xuất viện, trạm quân y đó phải dời đi chỗ khác vì bị máy bay địch ném bom. Chẳng hiểu trận ném bom đó có tổn thất nhiều không. Dì Đoan Thuận có mệnh hệ gì không mà con mong ngóng mãi vẫn bặt tin...

Nghe đến đây Bửu Toàn đưa tay trấn lên ngực. Còn Diệu Anh đứng dậy đi vào bàn thờ thắp hương lên bàn Phật rồi chắp tay cúi đầu cầu nguyện trong lặng im. Bé Anh Thi vẫn vào tư chạy nhảy tung tăng đuổi theo một con chuồn chuồn ớt màu đỏ lựng đang chập chờn dưới thềm hoa.

Vĩnh Tuấn trở về không có con tu huýt gà bằng đất thổi kêu ở đằng đuôi để tặng cho em gái như lời anh hứa hơn ba năm về trước. Nhưng suốt ngày anh loay hoay sửa chiếc lồng chim để nhốt con khướu, làm con búp bê bằng những cánh hoa hồng hoa cúc ép khô, chuốt đôi đũa tre nhỏ xinh thật bóng, đan chiếc quạt nan nhỏ vừa tay cầm của Anh Thi, lấy chiếc bẹ cau làm thuyền cho Anh Thi thả chơi vào bể non bộ...

Ngày tháng dần trôi, hai anh em cứ lớn dần lên mà mẹ Đoan Thuận của em vẫn không thấy trở về.

Tuy yêu mến và biết ơn người cha dượng đã nuôi mình ăn học và tìm nơi gả chồng cho mình hết sức tử tế, nhưng càng về sau này Hương Thảo càng ít đi lại thăm viếng Hoàng thân Bửu Toàn. Từ sự kiện Đoan Thuận bỏ nhà ra đi, rồi mấy năm sau nghe nói Hoàng thân có thêm một đứa con gái với bà Diệu Anh, Hương Thảo rất lấy làm khó chịu. Bởi vì hơn ai hết Hương Thảo là người biết rất rõ từ sau cái chết của bà Mộc Lan, Hoàng thân Bửu Toàn chỉ biết dồn tình thương yêu vào việc nuôi dạy hai chị em Hương Thảo và Đoan Thuận. Sau này khi Đoan Thuận đã lớn, cô đem lòng yêu Bửu Toàn và đã tìm đủ mọi cách để biểu lộ tình cảm với ông, để chinh phục ông nhưng không có kết quả. Có thể nói đấy là một thành trì kiên cố, bất khả xâm phạm! Vậy mà Hoàng thân đã chính thức quay lại với người đàn bà mà ông ly dị từ lâu? Nếu quả thật như vậy thì cũng... thuận lẽ đời thôi! Bởi vì bà Diệu Anh là người vợ đầu tiên được đôi bên gia đình ưng thuận và là người đã sinh ra cho Bửu Toàn một cậu con trai. Hương Thảo tự an ủi mình như vậy. Rồi một hôm, Hương Thảo tình cờ gặp bà Diệu Anh dắt cô con gái đi chợ Gia Lạc. Hôm ấy mồng năm Tết Nguyên đán Canh Dần 1950, Hương Thảo đang chọn mua cho cô con gái Kim Hồng Mai, những con giống xinh xắn bằng bột lọc nhuộm phẩm màu rực rỡ, nào là chim, gà, rùa, sư tử, rồng, phụng, ông lão câu cá, nàng tiên... thì bất ngờ một cô bé mặc áo đầm đỏ sà xuống, kéo tay người mẹ vừa líu lo đòi mua món này món khác... Còn nhớ ngày còn học trường Khải Định, Hương Thảo đã tìm gặp để biết mặt bà Diệu Anh, nhưng bà Diệu Anh chưa biết Hương Thảo. Còn đứa bé gái Hương Thảo nghe nói những ngày gần đây, bây giờ được tận mắt nhìn thấy quả là xinh xắn, dễ thương và được mẹ yêu chiều quá mức.

- Con thích cô tiên kia... - Cô bé vòi vĩnh.

- Nhưng mà hết cô tiên rồi. Thôi con chơi mấy thứ này cũng đẹp, nào ông thọ, nào con rồng, con cá... - Bà Diệu Anh dỗ con.

- Nhưng con thích cô tiên...

- Đây, cô tặng cháu cô tiên này. - Hương Thảo nói rồi đặt cô tiên vào bàn tay nhỏ xíu của bé Anh Thi.

Bà Diệu Anh ngỡ ngàng trong lúc bé Anh Thi ngước đôi mắt tròn đen ngơ ngác lên, đôi môi chúm chím nở nụ cười. Bà Diệu Anh nói:

- Thật quý hóa quá! Rất cám ơn cô!

Quay sang bé Anh Thi, bà Diệu Anh giục:

- Con hãy nhận và cám ơn cô đi con!

Bé Anh Thi từ từ nắm cô tiên trong bàn tay nhỏ xíu của mình, đôi rèm mi dày khẽ chớp rồi ngước lên nói:

- Cháu cám ơn cô ạ!

Trời đất! Một cái nhìn rất quen thân, vì đó là con gái của Bửu Toàn? Hương Thảo tự hỏi và đang dùng dằng muốn kéo dài giây phút này ra thì bất ngờ một thiếu niên từ góc chợ đằng kia chạy tới kéo tay bà Diệu Anh hối hả:

- Mẹ ơi, đằng kia có con tu huýt gà thổi kêu ở đằng đuôi, mẹ tới mua cho hai anh em con đi!

- Ở đâu hở anh Vĩnh Tuấn? - Cô bé níu lấy tay anh
trai hỏi.

- Ở đằng kia kìa... - Cậu con trai lại giục mẹ đi mua.

- Ừ, để mẹ đi! - Nói đoạn bà Diệu Anh khẽ gật chào Hương Thảo rồi ba mẹ con dắt díu nhau đi.

 

Vĩnh Tuấn chưa bao giờ gặp Hương Thảo, nhưng Hương Thảo đã nhìn thấy Vĩnh Tuấn một lần khi cậu đi cùng với ba mình vào hội chợ. Và Hương Thảo cũng đã được nghe Đoan Thuận nói về cậu bé này hôm Đoan Thuận về dự lễ tang Ân Thụy Thái Vương. Hương Thảo chỉ tới ngôi nhà trên đường Chương Đức để nói lời chia buồn với ba Bửu Toàn và thắp hương lên bàn thờ vọng đặt ở đấy mà thôi. Hôm ấy trên đường từ chợ Gia Lạc trở về nhà, hình ảnh ba mẹ con bà Diệu Anh cứ đọng mãi trong tâm trí Hương Thảo. Đó là một gia đình hạnh phúc. Dẫu sao thì má cũng đã mất lâu rồi và không sinh cho ba được đứa con nào. Hương Thảo tự an ủi mình và lý giải để biện hộ cho Bửu Toàn. Ba còn trẻ, không lẽ lại cứ giam mình trong nỗi buồn thương, nhớ tiếc mãi má của Hương Thảo? Ba phải sống nốt cuộc đời của ba chứ! Nhưng tại sao ba lại vội vàng quay về với bà Diệu Anh đến thế? Phải chăng đó là lý do làm cho ba cứ một mực khước từ tình cảm của Đoan Thuận? Nhiều người cho rằng Đoan Thuận đã một thân một mình qua Pháp sinh sống. Nhưng nếu quả thật như vậy sao Đoan Thuận không hề có một lời một chữ cho Hương Thảo biết? Cũng có lời đồn đoán rằng Đoan Thuận đã cặp với một chàng sĩ quan trường Thanh niên Tiền tuyến cùng đi lên chiến khu kháng chiến... Tất cả đều vào căn cứ. Bởi vì những việc lớn như thế sao Đoan Thuận không hề tỏ ra một dấu hiệu nào cho Hương Thảo biết, kể cả với Hoàng thân Bửu Toàn? Cứ nhìn thấy vẻ mặt âu sầu thảng thốt của ông khi bươn chải đi tìm Đoan Thuận khắp nơi cũng đủ biết ông đau khổ tuyệt vọng biết nhường nào! Nhiều lúc Hương Thảo trào nước mắt khi nghĩ rằng vì quá đau đớn tuyệt vọng mà em gái mình đã tìm đến một cái chết không để lại tăm tích! Giả thiết này trước đó đã nhiều lần bị bác bỏ - nhất là Bửu Toàn và luật sư Kim Hồng Ân cho rằng con người ta một khi muốn tìm đến cái chết thì không dại gì mà phải mang theo hành lý, đồ dùng. Nhưng Hương Thảo nghĩ với một tính cách cực đoan quyết liệt như Đoan Thuận thì điều đó có thể xảy ra. Đoan Thuận muốn ra khỏi nhà của Bửu Toàn không để lại một lời một chữ nào. Đó cũng là một cách trừng phạt ông!

Tuy không hy vọng nhiều lắm về việc Đoan Thuận trở thành người kháng chiến, nhưng khi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp kết thúc, một số người đi kháng chiến lần lượt trở về, Hương Thảo cứ ngóng trông và thầm cầu mong trong số đó có Đoan Thuận. Vì thế thời gian này Hương Thảo thường ghé qua chỗ Bửu Toàn để nghe ngóng tin tức Đoan Thuận, nhưng lúc nào cũng gặp ánh mắt buồn phiền thất vọng của Bửu Toàn. Hoặc gặp lúc không có Bửu Toàn ở nhà, Phan Tấn nói:

- Ông con ngày nào cũng ra ngẩn vào ngơ, có lúc leo lên thượng thành đứng trông về bốn phía, lúc đi bộ một vòng ra quảng trường Phu Văn Lâu - Thương Bạc rồi trở về, nét mặt buồn lắm!

Chiều nay Hương Thảo đi với chồng và con gái Kim Hồng Mai đến thăm ông. Trong lúc Kim Hồng Mai mải chơi hái hoa bắt bướm với chú Phan Tấn ngoài sân, Hương Thảo đi vào phòng em gái, ngắm sững sờ chân dung Đoan Thuận xinh tươi phơi phới đang nhìn Hương Thảo và khẽ mỉm cười... Một lúc sau Hương Thảo bước ra đến bên chồng, đôi mắt đẫm lệ. Bác sĩ Kim Hồng Văn đang tranh luận với Bửu Toàn về vấn đề nhân quyền và dân quyền, vấn đề dân tộc tự quyết... Ông ngừng lại, rút khăn tay lau mắt cho vợ rồi cả ba hơi cúi đầu im lặng một hồi lâu. Như không thể chịu đựng hơn được nữa, Hương Thảo nấc lên:

- Làm sao mà mọi người đều có tin tức hết, chỉ trừ em con? Làm sao mà ai cũng đã trở về, em con không về?
Ba ơi!...

Bửu Toàn cố kìm nén cơn xúc động nói:

- Anh chị trông chờ em Đoan Thuận như thế nào, lòng ba đã biết. Ba cũng đang sống trong niềm hy vọng mong manh, ngày đêm mỏi mắt chờ mong...

Càng về sau Hương Thảo càng thấy không có hy vọng gì về sự trở về của Đoan Thuận. Nghĩ mà giận, giận lại càng thương người em gái số kiếp long đong này. Nhớ có lần Đoan Thuận đã nói: "... Đôi lúc em hận má. Lẽ ra má không nên lấy ba. Bởi vì cuộc hôn nhân này chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng má, nhưng lại giáng bất hạnh xuống đầu bao nhiêu người! Chị cứ thử tính mà coi! Nếu má không bỏ chồng con để chạy theo quan ngài Hoàng thân đẹp trai lịch lãm hào hoa phong nhã Bửu Toàn thì giờ đây quan ngài ấy đã thuộc về em! Lẽ ra má phải nhường người đàn ông ấy cho con gái mình. Khi lần đầu tiên gặp Hoàng thân, má không còn trẻ nữa, mà con gái má thì sắp lớn. Lẽ ra má phải tỉnh táo để nhận ra điều đó... Đôi lúc em cũng rất giận ba. Là người Tây học nhưng ba không dám bước qua lễ giáo phong kiến phương Đông, cái thứ lễ giáo trói buộc con người ta một cách phi lý. Mà cái lễ giáo này ngay người đặt ra nó - chính bản thân họ có thực hiện đâu?...” Phải chăng vì quá đau khổ và tuyệt vọng nên Đoan Thuận đã bỏ đi biệt xứ để cố quên một tình yêu ngang trái? Cố quên Bửu Toàn? Hoặc Đoan Thuận đã liều mình tìm đến cái chết để nhẹ thân? Một cái chết không để lại tăm tích? Ôi chao! Em ơi, Đoan Thuận ơi, sao em nông nổi ra vậy?! Còn Bửu Toàn? Quan ngài đã làm gì trước sự mất mát này? Nói rằng ngài vẫn thương yêu trông chờ Đoan Thuận, nhưng cùng lúc ngài cũng chăm lo chánh thất của ngài ở phòng phủ Vinh Quốc Phong! Ở đó ngài có một người vợ vốn dòng tộc danh tiếng, ngài có con trai, con gái... đủ hết. Chỉ có em tôi là khổ, khổ vì ngài!

Hương Thảo nghĩ vậy rồi quay quắt tìm đến chỗ Bửu Toàn. Nhưng Bửu Toàn không có ở nhà, Phan Tấn thưa:

- Ông con đi từ sáng sớm chưa thấy về. Có thể là đến nhà mấy người bạn, cũng có thể về phủ Vinh Quốc Phong.

Chào tạm biệt Phan Tấn xong, Hương Thảo mạnh dạn quyết định tìm về phủ Vinh Quốc Phong để những muốn tận mắt nhìn thấy cái ngôi chánh thất của quan ngài Bửu Toàn nó êm đềm hạnh phúc ra làm sao!

Nhìn thấy khuôn viên phủ được bao quanh bởi một bức tường thành bằng gạch trát vữa lâu ngày bám đầy rêu xám, Hương Thảo bùi ngùi chạnh nhớ màu xám của bức tường thành bao bọc ngôi nhà trong phố cổ Hội An. Nhưng khi bước chân vào bên trong phủ, cảm giác bùi ngùi ấy liền biến mất, nhường chỗ cho sự thán phục trước sự bày biện tuyệt vời của hoa trái cây cảnh, cùng sự phân cách rạch ròi khu phủ thờ và các khu nhà ở. Không mấy khó khăn Hương Thảo đã tìm ra được ngôi nhà của tôn trưởng. Tiếp Hương Thảo là một chàng thanh niên trên hai mươi tuổi, đi bộ đội về đang học tiếp để thi lấy bằng Tú tài. Rắn rỏi và chững chạc, có vài nét phảng phất giống Bửu Toàn. Anh tự giới thiệu tên là Vĩnh Tuấn, cho biết Hoàng thân Bửu Toàn hiện không có ở nhà.

Sau khi mời Hương Thảo ngồi lên chiếc đôn sứ cạnh bàn nhỏ đặt ở chái Tây với tách trà nóng, Vĩnh Tuấn nói:

- Tuy chưa được gặp, nhưng qua tìm hiểu tôi được biết dì Đoan Thuận còn có một người chị tên là Hương Thảo. Vậy ra... đây là quý bà Hương Thảo?

- Dì Đoan Thuận? Cậu gọi Đoan Thuận bằng dì ư?

- Thưa bà, xưa nay theo lẽ thông thường, người đàn bà nào cùng với cha mình đẻ ra cho mình những đứa em trai em gái thì mình phải gọi người ấy bằng dì chứ ạ?

- Đẻ ra những đứa em trai em gái? Cậu nói gì tôi không hiểu?! Nhưng tôi hỏi cậu, trước tiên cậu có biết Đoan Thuận là con của ai không?

- Thưa bà, điều đó bà khỏi cần phải giới thiệu. Làm sao tôi lại không biết người đàn bà đã làm cho mẹ tôi đau khổ? Người đàn bà đã làm tan nát gia đình tôi, đã giật cha tôi ra khỏi tay mẹ tôi...

Hương Thảo run rẩy phải bíu những ngón tay vào mép bàn để giữ nguyên tư thế ngồi. Vĩnh Tuấn như không hề quan tâm đến điều đó, vẫn tiếp tục nói:

- Nhưng rất may là người đàn bà đó đã không hề có con với cha tôi! Xét về mọi phương diện bà ấy không xứng đáng sinh ra những đứa con cho dòng họ này! Nhưng dì Đoan Thuận, dì đã sinh ra cho tôi một cô em gái rất thông minh, rất xinh đẹp. Tôi và mọi thành viên trong gia tộc rất biết ơn dì ấy. Đặc biệt với riêng tôi còn có mối thiện cảm với dì Đoan Thuận khi tôi bất ngờ được gặp dì trong một trạm quân y ở khu Bốn...

Hương Thảo không còn quan tâm đến việc người ta đang xúc phạm mẹ mình, cũng như về chuyện con cái của Đoan Thuận, Hương Thảo đứng phắt dậy, hơi chồm người về phía trước, nói như ngột thở:

- Cậu... cậu... đã gặp Đoan Thuận?!

- Vâng, tôi đi bộ đội. Tôi được gặp dì Đoan Thuận khi tôi bị thương, còn dì là y tá...

Đất dưới chân như sụp xuống, Hương Thảo vịn vào mép bàn lần bước rồi vin tựa vào chiếc cột nhà đứng thở dốc. Trời đất! Vậy là dự đoán Đoan Thuận đi tham gia kháng chiến quả không sai, nhưng...

- Cậu nói Đoan Thuận đã sinh con? Vậy con của Đoan Thuận đang ở đâu?

- Ồ, hóa ra bà không biết gì cả. Mà không biết là phải. Ngay cả bé Anh Thi chắc cũng không còn nhớ ra người mẹ đẻ của mình, bởi vì mẹ tôi đã trực tiếp nuôi dưỡng em khi em vừa được hai tuổi. Đó là một bí mật của gia đình tôi. Nhưng bà là chị ruột của dì Đoan Thuận nên tôi thấy cũng nên nói cho bà biết. Và rất mong bà giữ kín cho, vì em gái tôi còn đi học, còn lớn lên... Trước đây là vì sự an nguy của em tôi, nhất là lúc em mới được đưa từ chiến khu về...

“Bé Anh Thi”... “đưa từ chiến khu về“... Trời đất!... Vậy hóa ra cô bé xinh xắn mà Hương Thảo gặp ở chợ Gia Lạc năm nào là con gái của Đoan Thuận? Thảo nào... đôi mắt... Đúng rồi, đôi mắt rất đẹp, rất quen thân!... Ôi, con của Đoan Thuận...

Hương Thảo lần bước đến trước mặt Vĩnh Tuấn nói như cầu xin:

- Cậu làm ơn cho tôi được gặp con gái của Đoan Thuận, cho dì cháu tôi được nhận mặt nhau!

 

- Thưa bà, rất tiếc là giờ này bé Anh Thi đang đi cùng với mẹ tôi về giỗ bên ngoại, chả là hôm nay ngày húy của ông ngoại tôi. Nhưng nếu em gái tôi ở nhà, liệu có tiện không?... - Nói đến đây Vĩnh Tuấn ngừng lại suy nghĩ một lát rồi: - Thôi được, vì dì Đoan Thuận tôi sẽ cố gắng làm những gì liên quan đến dì ấy. Tôi sẽ chuẩn bị tinh thần cho em gái tôi. Có được thêm một bà dì nữa chắc chắn Anh Thi sẽ rất hạnh phúc, nhưng xin bà đừng giải thích gì về gốc tích mối quan hệ này, để cho em gái tôi được
hồn nhiên lớn lên trong không khí bình an trong trẻo và hạnh phúc...

- Tôi biết. Rất cám ơn cậu. Tôi sẽ làm theo lời cậu bảo. Giờ đây xin cậu cho biết thêm về dì Đoan Thuận...

- Tôi may mắn được ở cạnh dì trong lúc cuộc kháng chiến bước vào thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất. Chúng tôi tạm biệt nhau khi tôi lành vết thương phải trở lại đơn vị chiến đấu...

Hương Thảo quá bất ngờ xúc động trước những điều Vĩnh Tuấn kể, nước mắt thấm ướt cả vạt áo dài màu
mận chín.

Hương Thảo khóc sưng vù cả đôi mắt khi bước ra khỏi phủ Vinh Quốc Phong. Một cảm giác vừa đau buồn vừa phấn chấn chiếm lĩnh cả tâm hồn Hương Thảo. Bất ngờ được biết tin tức của Đoan Thuận. Thật là vượt quá mong ước. Nhưng lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Vĩnh Tuấn nhìn thấy Đoan Thuận là vào mùa thu năm 1953. Bao nhiêu lâu rồi mà không thấy Đoan Thuận trở về. Đoan Thuận đã hy sinh? Hay Đoan Thuận đi với đoàn quân tập kết ra miền Bắc, đợi sau hai năm sẽ có hiệp thương tổng tuyển cử theo tinh thần của Hiệp định Genève 1954, khi ấy Đoan Thuận mới trở về? Còn đứa bé, theo như lời Vĩnh Tuấn kể, từ đầu mùa hè năm 1948 Đoan Thuận vì sợ mình hy sinh trong chiến dịch bỏ lại con thơ nên đã tìm cách gửi con về cho Bửu Toàn. Nhưng nếu còn sống, tại sao hòa bình rồi Đoan Thuận không tìm về với con? Như vậy khả năng Đoan Thuận còn sống sót tập kết ra Bắc là rất ít! Phải chăng Đoan Thuận chỉ sống một đoạn đời ngắn ngủi thôi nhưng đã sống trọn vẹn, sống hạnh phúc? Một cuộc đời, một hướng đi, một tình yêu... Tất cả đều do Đoan Thuận tự quyết lấy cho chính mình và Đoan Thuận đã thỏa mãn? Kể cả khi quyết định gửi đứa bé trở về mái nhà của cha ông nó - Đoan Thuận đã tính toán rất kỹ. Là chị em ruột, từ trước nay không có việc gì không nói cho nhau biết, thế nhưng việc này Đoan Thuận không hề tiết lộ một chút gì với Hương Thảo. Ngày Đoan Thuận ra đi, Hương Thảo vừa mới sinh bé Kim Hồng Mai, còn nhớ buổi sáng hôm ấy Bửu Toàn hớt hải chạy tới nhà hỏi Đoan Thuận có đến thăm chị và cháu không?... Vậy là bé Anh Thi nhỏ hơn Kim Hồng Mai một tuổi. Chúng là chị em mà chưa bao giờ được nhìn thấy nhau. Kim Hồng Mai cũng chỉ mới được nhìn thấy dì Đoan Thuận qua những bức ảnh. Hương Thảo nghĩ - mặc dầu mình khẩn khoản xin Vĩnh Tuấn cho được gặp thăm bé Anh Thi và đã được Vĩnh Tuấn hứa, rồi dì cháu sẽ được gặp nhau, nhưng Hương Thảo sẽ không để cho Kim Hồng Mai gặp Anh Thi. Cũng như Hương Thảo chỉ đưa con đi lại thăm ông Bửu Toàn tại nhà riêng của ông trên đường Chương Đức, chứ không bao giờ đến phủ Vinh Quốc Phong. Khi con trẻ lớn lên, nó không cần phải biết ông Bửu Toàn còn có một gia đình ở phủ Vinh Quốc Phong, lại càng không nên để nó gặp Anh Thi... Nghĩ đến đây Hương Thảo cảm thấy lòng đau nhói. Vì chính Hoàng thân Bửu Toàn cũng không bao giờ nói cho Hương Thảo biết một chút gì về Đoan Thuận, về bé Anh Thi kia mà? “Đó là bí mật của gia đình tôi...” Lời của Vĩnh Tuấn như còn văng vẳng bên tai: "Dì Đoan Thuận đã sinh ra cho tôi một cô em gái rất thông minh rất xinh đẹp. Tôi và mọi thành viên trong gia tộc rất biết ơn dì ấy...”

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83481


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận