Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 3


Chương 3
Bửu Toàn bán ô tô của mình rồi mua ngay ba chiếc xe máy Mobilette.

Một cho Vĩnh Tuấn, một cho Phan Tấn và một cho Hoàng thân Bửu Tín đi làm việc, vì Bửu Toàn vừa xin cho em trai mình đi làm ở Thư
viện tỉnh.

- Thế còn ba, ba đi xe gì? - Vĩnh Tuấn lo lắng hỏi.

- Ba thì con khỏi phải lo. Lúc nào muốn đi đâu ba gọi một cuốc xe, muốn xe gì có xe ấy. Lúc này ba thấy đi xe xích lô rất thú vị, tốc độ vừa đủ cho người ta ngắm cảnh. Cả người điều khiển xe và người đi xe đều có được chỗ ngồi thoải mái, không như xe kéo ngày xưa...

Tờ báo Quyết Thắng tự đình bản vì đã làm xong nhiệm vụ của mình. Được sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, lực lượng cách mạng hoạt động hợp pháp ở thành phố Huế tích cực hoạt động trong phong trào Hòa bình. Ban chủ nhiệm tờ Quyết Thắng được bổ sung thành Ban biên tập của tập san Ngày Mai với nội dung đòi duy trì hòa bình, chống đàn áp, chống khủng bố những người đã tham gia đánh đuổi thực dân Pháp bây giờ trở về đời sống thường dân lo chăm chỉ làm ăn, không màng danh lợi, không quan tâm chính trị... Tập san được phát hành rộng rãi hai tháng một kỳ, trở thành món ăn tinh thần đặc biệt thú vị, và được bạn đọc trong tỉnh trong nước nhiệt liệt hoan nghênh.

Nhận thấy nội dung tập san mang tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh Đảng bộ và Thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thừa Thiên và thành phố Huế, giữa tháng 6 năm 1955, ngụy quyền ra lệnh đình chỉ tập san Ngày Mai khi vừa phát hành xong số 5 và đang chuẩn bị bài vở cho số 6.

Một lần nữa Ban biên tập mà hầu hết là nhân sĩ, trí thức lại rút về thế phòng thủ và chờ đợi thời cơ.

Tỉnh Đảng bộ và Thành Đảng bộ Đảng Cộng sản đã có kế hoạch chuyển vào ngay giữa lòng thành phố từ những ngày Hiệp định Genève bắt đầu có hiệu lực. Những căn hầm bí mật kiên cố được xây dựng ở những địa điểm hết sức bất ngờ đối với kẻ địch, như tại vị trí Siêu thị số một về sau này ở ngã sáu, trên đường Trần Hưng Đạo, đường Chi Lăng... Tuy nhiên, đến giữa năm 1955 nhân kỷ niệm một năm ngày ký kết Hiệp định Genève tại Huế xuất hiện nhiều truyền đơn đòi "Nhà đương cục hai miền Nam Bắc phải hiệp thương tổng tuyển cử tự do" cũng là lúc Chính phủ Sài Gòn bắt đầu mở các chiến dịch tố cộng, đàn áp phong trào đòi hòa bình, đánh phá dữ dội vào các cơ sở của cách mạng. Một số cán bộ đảng viên bị bắt, bị tra tấn và tù đày, một số phải chuyển vùng, một số rút lên hậu cứ trên dãy Trường Sơn. Chúng mở nhiều cuộc truy lùng càn quét lên hậu cứ. Một vài cán bộ phải tự biến mình làm người dân tộc thiểu số, cùng ăn cùng ở cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số trên đỉnh Trường Sơn, một số tìm về với Trung ương... Trong lúc đó có một tổ chức cơ sở Đảng đã hình thành nhiều năm ở ngay giữa lòng đô thị mà kẻ địch không bao giờ ngờ tới. Họ là những luật sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhạc sĩ, quan lại, Hoàng thân và nhà báo danh tiếng... Trong thời kỳ đen tối này, Tổ chức nhận thấy cần phải phát huy hơn nữa thế mạnh hợp pháp của những con người được đối phương vị nể về danh phận cũng như dòng tộc, nhưng một lần nữa Bửu Toàn từ chối không chịu vào Đảng Cộng sản. Bửu Toàn nói:

- Tôi sẽ sống và làm việc như một người cộng sản...

Đây là lần thứ hai luật sư Kim Hồng Ân chứng kiến lời khước từ của Bửu Toàn. Trong suy nghĩ của luật sư Kim Hồng Ân và một số đồng chí khác thì việc Bửu Toàn không gia nhập Đảng là một thiệt thòi cho Đảng. Nhưng biết làm thế nào được? Vì đó là quyền tự do của Bửu Toàn. Mục này Điều lệ Đảng đã ghi rõ.

Nhiều bạn bè của Vĩnh Tuấn ghen tị khi nói với Vĩnh Tuấn rằng anh là người luôn "chớp" lấy thời cơ. Thuở còn là học sinh trường Khải Định anh đã xếp bút nghiên đi tham gia kháng chiến - dẫu rằng lúc đó anh chưa đủ tuổi tòng quân, nhưng nhờ tài khéo ăn nói mà anh được nhập ngũ! Anh trở về kịp mùa tựu trường năm học 1954-1955 để đến năm 1957 anh thi Tú tài toàn phần xong thì cũng vừa lúc Huế có Viện Đại học. Anh là một trong những sinh viên Văn khoa đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Huế, lại học giỏi, luôn được thầy yêu bạn mến. Chàng sinh viên mới vào năm thứ hai đại học đã nổi tiếng khiến một nàng sinh viên trường Luật để ý và chủ động làm thân. Nàng tên là Ngọc Mai - con gái yêu của một quan chức cao cấp và là học trò giỏi của luật sư Kim Hồng Ân. Ông trở thành giảng viên của trường Đại học Luật ngay từ khi mới thành lập.

Đôi lúc Vĩnh Tuấn cũng lấy làm hãnh diện trước những đúc kết của bạn bè về anh. Nhưng Vĩnh Tuấn thấy mình còn quá kém cỏi so với ba. Ba trong mắt Vĩnh Tuấn cứ cao vời vợi. Vĩnh Tuấn nghĩ dẫu suốt đời học hành phấn đấu anh cũng không đuổi kịp ba, nói gì đến việc vượt qua ba, để cho câu nói cửa miệng của người đời "con hơn cha là nhà có phúc" được trọn nghĩa hơn. Vĩnh Tuấn nghĩ có lẽ đến thế hệ anh thì nhà không có phúc nữa rồi!

Thỉnh thoảng các quan chức của Tỉnh đường Thừa Thiên đến phủ Vinh Quốc Phong hầu chuyện Hoàng thân Bửu Toàn, hỏi:

- Vì sao quan ngài để cho cậu Vĩnh Tuấn đi theo


Việt Minh?

Bửu Toàn điềm nhiên trả lời:

- Nào tôi có muốn cho hay không cho mà được? Nó tự ý bỏ nhà trốn đi. Lúc bấy giờ cũng như các trường khác trong thành phố, học sinh trường Khải Định bỏ học giữa chừng đi kháng chiến đâu phải là chuyện gì khác thường?

Bà Diệu Anh ngồi bên nói tiếp ý của Bửu Toàn:

- Lúc ấy nào chúng tôi có thấy ai ngoài Cụ Hồ? Một bên là Cụ Hồ một bên là giặc Pháp, chẳng lẽ chúng tôi lại cho con mình đi theo giặc Pháp à? Phải cho nó theo Cụ Hồ để đánh đuổi giặc Pháp chứ!

Nghe Diệu Anh nói đến đây Bửu Toàn nhớ hồi Vĩnh Tuấn mới trốn nhà ra đi, Diệu Anh đã khóc ròng suốt mấy ngày đêm. Lúc đó Bửu Toàn thầm nghĩ người đàn bà này dành hết tình thương yêu cho con mà không dành cho Tổ quốc một chút tình nào cả (!). Vậy mà bây giờ nói hay thế! Bửu Toàn sợ Diệu Anh sẽ nói tiếp cái ý rằng lúc ấy nào chúng tôi có thấy Ngô Tổng thống của các ông? Trước đó Ngô Tổng thống đã bận làm bạn với Nhật...

Nhưng rất may Diệu Anh không nói cái ý này ra. Chỉ một lời ngắn gọn như chân lý trên đã làm cho các quan chức Ngô triều không còn gì để hạch hỏi nữa.

Tuy Bửu Toàn vẫn đi về hai nơi ba chốn, nhưng các quan chức vẫn lui tới ra vào hầu chuyện với quan ngài. Trong khi đó, tuy cùng khuôn viên và Tri phủ Bửu Tín giờ là viên chức thư viện, nhưng các quan chức Tỉnh đường không mấy khi tới thăm nhà Bửu Tín. Điều này làm cho Bửu Toàn phải cảnh giác. Họ vị nể danh phận của Bửu Toàn hay có vấn đề nghi vấn và đang để tâm theo dõi Bửu Toàn? Một lần nữa ông kiểm tra lại những việc làm của mình xem có sơ hở chỗ nào không để kịp thời ứng phó.

Khách ở nhà Bửu Tín phần lớn là bạn học của Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo và bạn hàng của chị Sa. Vĩnh Cơ đang học Đại học Sư phạm. Vĩnh Bảo học trường Quốc Học Huế. Chị Sa cai quản vườn trái cây. Chị Sa cùng với bà Bửu Tín làm bánh in bột nếp, bột đậu xanh, bánh hột sen, bánh sen tán... đi bỏ mối ở các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... Chị Sa đảm đang, đoan trang và thùy mị. Ai cũng khen ông bà Bửu Tín có được người con gái nuôi đã đẹp người lại đẹp nết. Có người ngỏ ý xa gần đòi làm mai mối, nhưng bà Bửu Tín bảo việc đó tùy chị Sa. Bà hoàn toàn không biết được rằng vì quá mang nặng mặc cảm về quá khứ của mình mà Sa đã khước từ Phan Tấn, dẫu rằng Sa cũng rất yêu Phan Tấn. Khi khước từ Phan Tấn, Sa nói:

- Anh bây giờ khác nào người con trai lớn của bác Bửu Toàn, còn Sa, ai không biết cứ tưởng là con đẻ của ông bà Bửu Tín. Như vậy chúng mình là anh em con bác con chú, làm sao lại có thể?...

Lúc nói câu này mắt Sa ánh lên những tia tinh nghịch ngây thơ làm cho Phan Tấn càng khao khát mê say...

Và Phan Tấn không dễ dàng rời bỏ "mục tiêu" của mình, anh kiên trì bám sát, vận động để Sa trở thành người bạn đồng chí của mình. Phan Tấn giới thiệu Sa với Tổ chức. Từ đó Sa trở thành một cơ sở quan trọng, một liên lạc viên tích cực của các cán bộ lãnh đạo nằm vùng hoạt động trên địa bàn Huế và các vùng ven.

Nhận thấy tình cảm của Phan Tấn đối với Sa quá tha thiết nên Bửu Toàn mạnh dạn đặt vấn đề với vợ chồng em trai mình và với Sa. Vợ chồng Bửu Tín liền thuận theo. Phan Tấn và Sa rất vui mừng. Hai nhà lo tổ chức lễ cưới cho Phan Tấn và Sa tại vườn phủ Vinh Quốc Phong. Một đám cưới tân thời, không nạp lễ, không đưa đón dâu, nhưng ấm cúng và đầy tình người. Bửu Toàn tặng đôi vợ chồng trẻ mấy món nữ trang. Sa và Phan Tấn cảm động rơi nước mắt. Phan Tấn nói:

- Cuộc đời con được như ngày hôm nay là nhờ ông. Cha mẹ con dưới suối vàng cũng đội ơn ông...

Cưới xong Sa vẫn ở lại nhà ông bà Bửu Tín, thỉnh thoảng lên nhà chồng trên đường Chương Đức. Cũng như Bửu Toàn, từ nay Phan Tấn cũng lên về phủ Vinh Quốc Phong như con thoi.

Ngay từ lúc đang học năm thứ ba Đại học Văn khoa Vĩnh Tuấn đã là cộng tác viên thường xuyên của vài tờ báo ở Sài Gòn với những bài viết phản ảnh không khí chính trị xã hội tại thành phố Huế. Mùa hè năm 1962, khi vừa tốt nghiệp, Vĩnh Tuấn nhanh chóng được nhận làm phóng viên thường trú tại Huế cho một tờ nhật báo ở Sài Gòn, ngoài ra anh còn làm cộng tác viên cho vài tờ báo khác. Cũng năm đó Vĩnh Cơ vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì bị bắt lính - trong lúc Vĩnh Bảo đang học năm thứ nhất trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.

Từ đầu năm học này Bửu Toàn nhận dạy Pháp văn cho trung học tư thục Bồ Đề một tuần mười lăm tiết. Ông thường đi dạy bằng xe xích lô. Anh xích lô do Phan Tấn giới thiệu chuyên làm nhiệm vụ chở Bửu Toàn đi dạy và đưa ông đến những nơi cần đến. Ngoài ra anh không cần phải chở thêm khách nào nữa, vì Bửu Toàn trả lương cho anh rất khá.

Khác với cha mình, Vĩnh Tuấn yêu đương rồi lấy vợ khá đơn giản và suôn sẻ. Anh gặp và quen biết Ngọc Mai trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn chung của hai người. Ngọc Mai là con gái của một quan chức có vai vế của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ông làm việc tại Tỉnh đường Thừa Thiên. Vợ chồng ông không có con trai nên nuôi dưỡng, cưng chiều hai cô con gái rất mực. Ngọc Quế - chị của Ngọc Mai đã lấy chồng khi vừa đỗ Tú tài toàn phần. Chồng của Ngọc Quế là một viên tướng trẻ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Còn lại một mình Ngọc Mai khác nào cậu con trai lớn trong gia đình. Mọi việc nhà gần như do một tay Ngọc Mai quyết định. Ngọc Mai học giỏi, tính tình cương nghị, nhưng cô đã bỏ học giữa chừng khi quyết định về làm vợ Vĩnh Tuấn. Đã từ lâu cô nghĩ cái sự học hành của đàn bà con gái đôi khi chỉ như một thứ trang sức. Không có nó không được. Nhưng rất nhiều cô sau khi tốt nghiệp đại học rồi đi lấy chồng, rồi ở nhà làm một bà nội trợ thuần túy chứ có hề đem cái vốn học thức ra giúp ích cho đời đâu? Những ông chồng thời nay cũng cảm thấy hãnh diện khi giới thiệu vợ trước bạn bè, trước công chúng kèm theo những học hàm học vị. Nhưng phần lớn các ông chồng không muốn vợ mang học hàm học vị ấy vào đời. Bởi vì đàn ông bao giờ cũng thích những người đàn bà đẹp và học ít hơn mình một chút, nếu cùng làm một loại công việc thì muốn người nữ đồng nghiệp phải kém tài năng hơn mình một chút... Vậy nên Vĩnh Tuấn vừa lấy xong bằng cử nhân Văn khoa thì Ngọc Mai hãy khoan lấy bằng cử nhân Luật mới hay! Nghĩ vậy rồi Ngọc Mai yên tâm lên xe hoa về nhà chồng. Phủ Vinh Quốc Phong từ ngày có thêm cô dâu mới, cái vẻ thâm nghiêm đường bệ im vắng bớt dần đi, thay vào đó là những chiếc áo màu phấp phới, những đôi giày cao gót để đầy dấu ấn trên lối đi dẫn vào cổng phủ. Những trận cười giòn tan của chị dâu với cô em chồng bé bỏng đuổi bắt nhau dưới bóng cây lưu niên trong vườn, bên những chậu hoa cây cảnh đặt rải rác ở bao lơn, ở hàng hiên và phòng đọc sách. Ông Bửu Toàn cảm thấy vơi đi chút cô quạnh. Còn bà Diệu Anh bấy lâu nay an phận, giờ đây có được con dâu, bà thấy cuộc đời không đến nỗi nào. Đúng như câu nói "gái có công chồng không phụ". Tuy ông Bửu Toàn và bà không nối lại tình xưa nhưng còn một chút nghĩa cũ. Ông đã tin tưởng mà giao Anh Thi vào tay bà nuôi dạy, đến nay trở thành một cô nữ sinh xinh đẹp của trường trung học Đồng Khánh. Anh Thi hiếu hạnh đoan trang và rất xinh đẹp. Anh Thi nổi tiếng không phải chỉ vì học giỏi, được thầy cô giáo khen ngợi và bạn bè yêu mến mà còn vì sắc đẹp của mình. Không có chàng trai Huế nào không nghe danh người đẹp Anh Thi và muốn được diện kiến. Cổng trường Đồng Khánh thường bị nghẽn tắc trong những lần Anh Thi từ lớp học bước ra... Nhiều người bạn của Diệu Anh phải ghen với bà về Anh Thi. Niềm vui càng nhân lên khi Ngọc Mai mang thai rồi cho ra đời một bé trai kháu khỉnh. Ông nội đặt tên cho cháu là Bảo Ngọc Quỳnh. Thời gian này Vĩnh Tuấn chuyên viết mảng phóng sự xã hội. Vĩnh Tuấn thường đi viết ở các tỉnh miền Trung. Nhờ bóng râm của ông bố vợ che chắn mà lý lịch một thời đi lính Vệ quốc của anh được nhà cầm quyền sở tại lờ đi. Ngoài ra, người anh em cột chèo - tướng Nguyễn Chí Thiện cũng là một điểm tựa vững chắc của Vĩnh Tuấn. Về phía Nguyễn Chí Thiện, ông thực lòng yêu mến Vĩnh Tuấn trước hết bởi vì Vĩnh Tuấn có cái bộc trực của anh Hoàng phái, có cái khôn ngoan của anh Việt Minh, cái nhạy bén của người làm báo.

Khi bé Bảo Ngọc Quỳnh lên hai tuổi, Ngọc Mai sinh tiếp một bé nữa, lần này là gái. Bửu Toàn đặt tên cho cháu là Bảo Ngọc Giao. Từ khi có đứa con thứ hai tính tình của Ngọc Mai dần thay đổi. Nhận thấy vị trí quan trọng của mình trong nhà chồng, Ngọc Mai tự cho mình cái quyền điều khiển mẹ chồng, cũng như điều khiển chồng và các con. Ông Bửu Toàn rất lấy làm khó chịu vì điều đó, nhưng ông không muốn nói, nghĩ mình không phải sống đời để mà can dự vào việc riêng của các đôi vợ chồng trẻ. Mặc chúng nó thu xếp với nhau. Còn bà Diệu Anh xưa nay quen hy sinh, nín nhịn, an phận, giờ nhìn thấy con dâu quá tự mãn, quá hãnh tiến, quá hung hăng, bà tự hỏi phải chăng Vĩnh Tuấn yêu thích ngay chính cái tính cách ấy ở Ngọc Mai nên mới nâng niu, chiều chuộng, phụng thờ? Nghĩ lại mình suốt một đời dịu dàng thủy chung yêu chiều chồng con, hy sinh tất cả cho chồng con, mà nào chồng có chung thủy gì với mình? Cuộc đời làm vợ ngắn ngủi, hạnh phúc lứa đôi chỉ như một tia chớp đến với bà rồi sớm lịm tắt đi, còn lại là một chuỗi ngày dài âm thầm nhẫn nhục gửi hết tình thương yêu hy vọng vào con. Ở đời đôi khi tồn tại một nghịch lý như vậy, có khi người đàn ông chịu lép một bề, chịu thủy chung và tôn trọng những bà vợ dữ dằn hung hãn... Tuy vậy Diệu Anh chưa một lần dằn dỗi con dâu một phần vì từ khi Ngọc Mai bắt đầu mang thai đứa con thứ hai thì được ba mẹ cho xây cất nhà riêng trong khuôn viên phòng phủ.

Ở miền Bắc, Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi bây giờ gọi là Nguyễn Thị Liên Chi đang là cô công nhân hai mươi lăm tuổi, năng nổ tháo vát trong công tác duy tu và bảo dưỡng mặt đường đoạn Quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Sáng nay trời nắng gắt, những cơn giông đầu mùa báo hiệu trời thường đổ cơn mưa bất chợt. Anh chị em công nhân hối hả rây đá dăm mịn lên mặt đường vừa rải nhựa bóng và cán láng cho kịp nguội để khách bộ hành và xe cộ đi qua. Một tốp nam nữ thanh niên chừng mười người đang nối đuôi nhau đạp xe đến gần đoạn đường nhựa bốc hơi nóng hầm hập. Họ vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Khi bánh xe đạp trước của họ áp sát vào tấm biển chỉ lộ giới cấm vượt qua đoạn đường đang thi công, thì họ không cho xe qua đường tránh để đi, cả toán dừng lại, vứt xe la liệt trên vệ đường, rồi soạn giấy bút, bảng màu, giá vẽ, dầu cọ...

- Chúng em là sinh viên mỹ thuật từ Hà Nội vào đi thực tế để làm bài tốt nghiệp đây. - Một cậu nói.

 

- A, sinh viên... Nhưng mỹ thuật là gì hở các cô cậu? Một cô bịt kín mặt, tay đeo găng bảo hộ lao động đang cặm cụi bên vựa đá dăm ngước đôi mắt đen tròn lên hỏi.

- À... là cái cách làm đẹp cho đời, là phục vụ cho đời sống tinh thần của con người ấy mà, là vẽ tranh và nặn tượng cho thật đẹp...

- À, biết rồi! Họa sĩ vẽ và nặn tượng chúng mày ơi! - Cô công nhân trẻ kêu lên với các bạn đồng nghiệp
của mình.

- Chúng tôi chưa phải là họa sĩ. - Một sinh viên coi bộ lớn tuổi nhất trong đám nói: - Chúng tôi đang học làm họa sĩ thôi ạ! Các anh chị cho chúng tôi vẽ các anh chị nhé.

- Được, các bạn cứ việc vẽ. Nhưng mà công việc của chúng tôi nặng nhọc, mặt mày đen nhẻm, chân tay
lấm lem...

- Vấn đề là ở chỗ đó. Các anh chị cứ làm việc tự nhiên để mặc chúng tôi...

Họ nói rồi thi nhau ký họa liên tục những nguời công nhân đang hối hả hì hục làm cho xong khúc đường rộng chạy ngang qua một thị tứ.

- Nơi đây ngày xưa là một trong những khu phố sầm uất, nhưng tất cả đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Nay miền Nam vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng nên những con đường nối liền huyết mạch hai miền Nam Bắc phải được duy tu bảo dưỡng thường xuyên để chi viện cho miền Nam...

Anh sinh viên coi bộ lớn tuổi nhất trong nhóm với dáng vẻ điềm đạm chững chạc nói cho các bạn biết về vị trí của con đường nơi họ đang căng giá vẽ.

 

Cô công nhân lúc nãy hỏi mỹ thuật là gì - chừng như đã làm xong phận sự của mình, cô bước tới gần bên đứng xem các sinh viên vẽ. Rồi cô nhẹ nhàng tháo chiếc khăn che mặt bám đầy khói và bụi để lộ một khuôn mặt trái xoan với đôi mắt tròn đen láy, những giọt mồ hôi chảy ròng từ hai bên thái dương, từ đôi gò má ửng màu nâu sáng, và đọng lại ở chiếc cằm xinh xắn... Cô đứng nhìn chăm chú cây cọ trong tay các họa sĩ tương lai. Rồi người sinh viên lớn nhất trong đám đem bức chân dung anh vừa ký họa xong đến trước mặt cô nói:

- Chị nhìn xem có giống chị không?

Cô công nhân nhìn chăm vào bức ký họa rồi reo lên:

- Ồ giống! Giống lắm! Nhưng mà làm sao anh vẽ nhanh thế? Tôi chỉ mới tháo bỏ khăn che mặt ra...

- Nghề nghiệp chuyên môn của người ta mà! - Một nữ công nhân khác cất cao giọng trả lời thay cho anh họa sĩ tương lai rồi nói tiếp: - Cũng giống như chúng mình làm đường ấy, mới hôm nào con đường rải nhựa nằm tít mãi tận đằng kia mà nay đã bò đến đây rồi. Tôi nói thế có đúng không anh họa sĩ?

- Đúng, đúng lắm! - Chàng sinh viên khẳng định rồi quay lại với cô công nhân lúc nãy: - Chị cho tôi biết tên chị để tôi đề tặng bức ký họa.

- Tên tôi à? Ồ... tên tôi xấu lắm!

Cô công nhân trả lời ngúng nguẩy.

- Không đúng đâu! - Cả đám công nhân nữ reo lên: - Tên nó đẹp nhất đội đấy! Cái gì đây... rồi mới đến Nguyễn Thị Liên Chi...

- Thôi thì cứ đề ngắn gọn là tặng Liên Chi nhé?

 

Nói rồi chành sinh viên đề tặng và ký tên dưới
bức tranh.

Trong lúc trò chuyện làm quen thì chàng gọi bằng chị, thế nhưng khi đề tặng thì chàng đề:

Tặng Liên Chi.

Mặt đường Khu IV. Mùa hạ năm 1962 - Từ Huy

- Từ Huy! Tên anh là Từ Huy?

- Vâng!

- Tôi nghe anh nói giọng Thanh Hóa, vậy ra anh là người ở đây sao?

- Vâng, quê tôi ở Yên Định, bên bờ sông Mã.

- Yên Định? Cô công nhân hỏi mà như reo vui: - Tôi cũng ở Yên Định - Định Hưng, nhà ở khu vực Núi Đỏ.

- Vậy hóa ra là người cùng huyện mà lên đây mới biết.

- Anh thuộc tầng lớp trí thức nhàn hạ chỉ biết ăn học, quen biết những người như tôi để làm chi?

- Nhàn hạ gì tôi! Chị cứ nhìn thấy tôi "già” nhất trong đám sinh viên này thì đủ hiểu cuộc đời tôi lận đận biết bao trên con đường học vấn...

Những từ cuối cùng của câu nói Từ Huy bị át đi bởi tiếng cười, tiếng réo gọi ơi ới của phía anh chị em công nhân làm đường và đám sinh viên. Liên Chi sực nhìn lại và cảm thấy e thẹn khi tất cả anh chị em công nhân đang tụ tập dưới bóng râm để ngồi nghỉ ngơi và chuẩn bị cơm nước, còn đám sinh viên thì lác đác đây đó ai nấy đang tìm bóng râm để ngồi nghỉ, chỉ có Từ Huy và Liên Chi cứ mải đứng ở đây hỏi nhau quê quán, gia cảnh, học hành...

Không hẹn, cả hai cùng bước về phía anh chị em công nhân đang mở những nắm cơm, gói xôi, mớ lạc luộc, muối vừng... ra để ăn trưa, bên cạnh một nồi nước chè xanh bốc hơi nghi ngút. Từ Huy đưa tay vẫy gọi các bạn sinh viên cùng đi về phía mình và nói:

- Chúng ta cùng ngồi ăn cơm trưa với các cô chú anh chị ở đây đi!

- Đúng đấy! - Anh trưởng nhóm công nhân nói: - Có mấy khi chúng tôi được gặp các cô cậu sinh viên vui vẻ như thế này!

Mọi người đều vui vẻ hưởng ứng. Đám sinh viên kéo ra từ ba lô, túi xách của mình những nắm cơm, củ khoai, quả trứng. Có cô cậu mang theo cả một con gà luộc, nhưng cũng có cậu chỉ mang gói cơm khô rang vàng... Tất cả thức ăn của công nhân và sinh viên đều dọn chung trên một tấm nilon trải rộng. Mọi người quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ. Sau bữa cơm là ca hát và kể chuyện. Vài sinh viên tranh thủ lấy giấy bút ra ký họa.

Các công nhân ai cũng muốn được tặng bức chân dung nên đám sinh viên tranh thủ phác thảo để làm quà tặng đều khắp cho mọi người.

Khi Từ Huy ký họa đến chân dung thứ ba thì một chị công nhân kéo Liên Chi đến bên Từ Huy nói:

- Anh này vẽ như thế là được rồi. Hai người đồng hương tranh thủ chuyện trò với nhau một lát để ba mươi phút nữa sẽ lại tiếp tục công việc.

Sự chân thành mộc mạc và tốt bụng của chị công nhân làm cho không những Liên Chi lấy làm cảm động mà Từ Huy cũng thấy xao xuyến cả tâm hồn. Lạ quá, người con gái này mới thoáng gặp mà lòng Từ Huy đã cảm thấy nao nức bồn chồn...

Hai người ngồi xuống một đám cỏ ở vệ đường. Từ Huy rụt rè nói về mình:

- Tôi năm nay hai mươi sáu tuổi, cầm tinh con chuột.

- Còn em hai mươi lăm tuổi - con trâu.

Liên Chi hồn nhiên thay đổi cách xưng hô làm cho Từ Huy cảm thấy phấn chấn và trở nên dạn dĩ hẳn lên. Anh nói:

- Các sinh viên cùng lớp tôi cô cậu nào lớn tuổi nhất cũng không quá hai mươi ba. Tôi là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt. Ông cụ tôi là lính lệ nhưng chưa bao giờ bắn một viên đạn, chủ yếu là hầu hạ ở nha môn, hầu hạ quan lớn và làm người sai vặt cho vợ con họ. Vốn tính hiền lành chăm chỉ nên cụ được nhiều người thương, thỉnh thoảng họ thưởng cho chút tiền, cộng với lương lính hàng tháng, chắt bóp dành dụm mãi cũng mua được hai mẫu ruộng. Thời kỳ Việt Minh chuẩn bị cướp chính quyền, cụ tự động rã ngũ, trốn về làng, chăm chỉ cày ruộng gieo cấy gặt hái. Một tay cụ tự làm và dìu dắt vợ con anh em ruột thịt trong nhà cùng làm. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định khấm khá. Trong làng ngoài xã ai cũng khen cụ hiền lành giỏi giang, ai cũng lấy cụ làm gương lao động nông nghiệp để nhắc nhủ người trong nhà. Chẳng mấy chốc cụ trở thành phú nông của làng. Hồi cải cách ruộng đất người ta ra chỉ tiêu xã nhà phải có năm địa chủ để đưa ra đấu tố. Rà đi soát lại mãi cũng chỉ được có bốn người. Cuối cùng họ tới nhà gặp cụ để thương lượng "vớt" cụ từ thành phần phú nông lên địa chủ. Họ nói trên quy định vậy thì phải hưởng ứng cho có phong trào, chứ khi đưa ra đấu tố thì chúng tôi chỉ làm nhẹ nhàng đối với cụ mà thôi. Họ nói vậy nhưng sau đó công cuộc đấu tố diễn ra không nhẹ chút nào. Cụ cũng chịu đủ các bước như bị làm nhục, bị đánh đập, bị vu cáo những việc mà cụ chưa hề làm bao giờ. Và cuối cùng là ruộng vườn bị tịch thu, đồ đạc của cải trong nhà bị người ta đến lấy đi hết. Nhà cửa thì gồm một nhà trên để thờ, nhà giữa và nhà ngang. Người ta niêm phong nhà thờ với nhà giữa rồi dồn cả gia đình vào một cái nhà ngang ấy. Những người anh em ruột thịt bên nội bên ngoại được cụ cưu mang bây giờ bỏ đi hết, chỉ còn lại vợ chồng cụ với mấy đứa con nhỏ đang tuổi học hành nay phải thôi học, bắt ở nhà để đi lao động sản xuất với nông dân. Ruộng đất không còn nữa nên cả nhà phải đi cày thuê cuốc mướn cho nông dân để kiếm hai bữa ăn hàng ngày, nhưng vẫn không đủ. Bà con nông dân trong làng thấy cảnh gia đình cụ trong phút chốc trở nên khốn cùng như vậy, ai cũng thương lắm. Đến vụ gặt mấy anh em đi mót lúa, bà con thường nhìn trước ngó sau thấy không có ai để ý liền giục mấy anh em nhà này bứt vội những vạt lúa chưa gặt. Ban đêm khi cả nhà đóng cửa đi ngủ thỉnh thoảng nghe tiếng "bịch" ngoài sân. Nhìn trước ngó sau không thấy ai theo dõi, mấy anh em liền mở cửa ra nhặt, khi thì bao thóc, khi thì bị gạo, lúc mấy củ khoai, khi quả mít, lúc một khoanh thịt lợn... Vào dịp lễ Tết bà con còn ném cả bánh chưng, bánh dầy, giò chả... vào cho. Trong nhà cứ việc nhặt ăn, nhưng không biết đích xác là của ai, nên luôn dặn nhau là phải biết ơn cả làng, thậm chí cả xã. Bởi vì chỉ có người trong làng trong xã mới hiểu hết hoàn cảnh gia đình, mới đem lòng thương mà mạo hiểm làm cái việc nhường cơm xẻ áo kia. Ông cụ tôi còn cho rằng trong số những người thường lén lút ném lương thực thực phẩm vào sân nhà chúng tôi - không loại trừ các vị trong cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, trong đội sản xuất... - những người thừa hành lệnh đấu tố. Suy nghĩ theo chiều hướng đó cũng có cơ sở. Về sau khi đã tiến hành sửa sai, gia đình cụ được trả lại một ít tài sản, quy lại thành phần gia đình là phú nông. - Cả nhà mỗi khi đi ra đường gặp ai cũng nghĩ đó là ân nhân của gia đình, những người đã mạo hiểm nhường cơm sẻ áo cho mình trong những ngày đen tối. Nhưng hỏi ai ai cũng không nhận hành động lén lút ném lương thực thực phẩm vào sân nhà cụ thân sinh Từ Huy. Lại nói về chuyện học hành. Mất mấy năm trời cả bốn anh em đều thất học. Từ Huy là anh cả. Hơn mười tám tuổi đầu mà mới chỉ học hết cấp hai. Dẫu đã sửa sai cải cách ruộng đất rồi, người ta vẫn không cho bốn anh em Từ Huy đi học trở lại. Người ta nói các cậu được ăn được học sung sướng mãi rồi, bây giờ hãy làm lụng để chia sẻ nặng nhọc với nông dân. Từ Huy nản chí quá. Rồi một hôm Từ Huy bỏ nhà trốn ra thành phố, mang theo sách vở, học bạ. Ở thành phố Thanh Hóa, Từ Huy đuợc nhận vào học cấp ba không gặp khó khăn gì. Chỉ khổ vì thiếu thốn đói khát, ăn uống thất thường, áo quần lam lũ. Nhưng rồi cuối cùng bằng sự cố gắng hết mình Từ Huy cũng thi đỗ tốt nghiệp hạng ưu. Từ Huy trở về địa phương xin làm hồ sơ dự thi đại học vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo khi phải điền vào mục cải cách ruộng đất. Dẫu sửa sai rồi thì cũng đã một thời gia đình Từ Huy bị quy là địa chủ, cha của Từ Huy từng bị đưa ra đấu tố. Điều này tối kỵ đối với hồ sơ dự tuyển. Có anh bạn của Từ Huy thuở thiếu thời mới học hết tiểu học thôi nhưng giờ đây đang giữ chức chủ tịch xã. Từ Huy trình bày nguyện vọng của mình và hỏi anh có cách gì đó để loại bỏ giai đoạn đen tối nhất ấy ra khỏi lý lịch của Từ Huy không. Anh nói không được. Hai người bàn tính mãi, cuối cùng nảy ra một sáng kiến hết sức mạo hiểm là Từ Huy viết bản lý lịch làm sao để tất cả sự kiện nhức nhối ấy nằm gọn vào tờ giữa. Khi duyệt lý lịch phải đưa đến công an. Công an duyệt xong đưa về cho chủ tịch xã đóng dấu thì giật bỏ tờ lý lịch ở giữa ra, để chỉ còn thành phần gia đình phú nông. Trong cải cách ruộng đất không thấy ghi chú gì. Nhờ sự giúp đỡ này của anh chủ tịch xã mà hồ sơ của Từ Huy được chấp nhận. Rồi Từ Huy thi đậu vào Đại học Mỹ thuật và bây giờ chuẩn bị ra trường.

Liên Chi ngồi nghe Từ Huy kể đến đoạn này thì đưa mắt đảo một vòng xem có ai nghe lọt câu chuyện không. Cái sự giật bỏ tờ giữa của bản lý lịch mà người cán bộ lãnh đạo xã đã bí mật cùng anh làm là một việc cực kỳ nguy hiểm nhưng đầy tình nhân ái, vị tha. Vị chủ tịch xã ấy biết đâu từng là một trong những người đêm đêm lén ném lương thực thực phẩm vào sân nhà Từ Huy... Bất chợt Liên Chi nghĩ đến thân phận cô và những người cưu mang cô. Chỉ vì cưu mang cô mà gia đình vú Ngần bị liên lụy. Khi phát hiện ra cô không phải là đứa bé bị lạc mất cha mẹ ở bến đò quan được bà Ngần nhặt đem về nuôi, mà là con gái đầu lòng, là đại tiểu thư của quan Tri phủ Thiệu Hóa, lập tức con gái của bà Ngần - chị Phúc bị thôi ngay chức bí thư Huyện Đoàn và bị đình chỉ công tác. Về sau, chị Phúc lấy chồng là người Công giáo rồi di cư vào Nam năm 1954. Nhà chỉ còn lại Liên Chi và em Lộc, bố mẹ vẫn cố gắng cho hai chị em ăn học hết cấp hai. Bố mẹ làm lụng vất vả một nắng hai sương, nên sức khỏe ngày càng giảm sút, rồi bố đau nặng. Liên Chi đã giấu bố mẹ lấy chiếc kiềng vàng chặt một khúc đem bán để lo thuốc thang cho bố. Nhưng bố đã không qua khỏi. Lại chặt thêm một khúc nữa lấy tiền lo đám tang cho bố. Bởi vì bố mẹ đã dành tình thương yêu cho Liên Chi khác nào với đứa con ruột thịt do mình sinh ra. Hồi bố còn khỏe mạnh, gia đình mấy phen sa sút, nhất là lần máy bay giặc Pháp ném bom làm hư hại toàn bộ nhà cửa, may mà gia đình không có ai thương vong. Lần ấy Liên Chi đề nghị bố mẹ đem chiếc kiềng vàng của cô đi bán để có tiền làm lại nhà, nhưng bố nhất quyết không chịu. Bố bảo đấy là kỷ vật của cha mẹ con để lại, con phải giữ lấy; dẫu bố có đói nghèo khốn khổ nhiều hơn thế nữa, bố cũng không đụng đến món tài sản ấy của con... Nhưng khi bố nằm xuống và Liên Chi cũng đã khôn lớn, Liên Chi xin phép mẹ cho Liên Chi được sử dụng chiếc kiềng vàng đó. Rồi em Lộc lớn lên, em Lộc xin vào bộ đội mấy lần không được, cứ trầy trật mãi vì cái lý lịch có liên quan đến gia đình Tri phủ Thiệu Hóa! Cuối cùng em Lộc phải viết đơn bằng máu chích ra từ tay mình mới được chấp thuận. Cũng như em Lộc, Liên Chi xin mãi mới được nhận vào làm công nhân cầu đường.

Liên Chi vắn tắt kể lai lịch mình, cuối cùng nói:

- Được đi công nhân và bộ đội thì vinh dự, nhưng mà nhớ nhà lắm. Em làm ở đây tuy xa nhà nhưng thỉnh thoảng còn tranh thủ về thăm u. Còn em Lộc ở xa viết thư về nhà kể chuyện thương lắm. Bây giờ em được gặp anh ở đây, em nhờ anh sau đợt đi thực tế về anh ghé thăm u giúp cho em với!

- Được. Chắc chắn anh sẽ ghé thăm u. Anh sẽ coi u em cũng như cha mẹ anh. - Từ Huy nói.

- Và đây... - Liên Chi móc trong ngực áo ra một bọc vải nhỏ trao vào tay Từ Huy nói: - Nhờ anh mang vật này về đưa cho u em, nói rằng em mang theo bên mình bất tiện, có khi bị rơi mất. Em nhờ u cất hộ. Anh mở ra xem đi!

Từ Huy mở chiếc túi nhỏ: một khúc kiềng vàng chạm đôi rồng phụng vờn nhau, phía đuôi phụng bị xắn vẹt một chút, còn phía rồng gần như còn nguyên vẹn. Con rồng thân dài thon thả, kiểu dáng rồng triều Lý.

- Đẹp quá! - Từ Huy thốt kêu rồi nói: - Nhưng anh nghĩ rằng Liên Chi đã mang theo mình, đã giữ gìn từ trước đến nay được, thì bây giờ nên tiếp tục giữ cho đến lúc nào về thăm u rồi em có muốn gửi u cất giúp cũng không muộn.

- Muộn quá chứ anh! - Liên Chi nói: - Em ở đây lao động nặng nhọc, lúc nào cũng giữ khư khư trong người, mệt lắm! Có khi nghỉ ngơi giặt giũ tắm rửa em vứt nó lung tung... sợ lắm! Nếu anh đã hiểu, đã tin em và thông cảm cho hoàn cảnh của em, thì xin anh mang về Núi Đỏ hỏi u của Liên của Lộc...

Nói rồi cô dúi gói vàng vào tay anh, giục anh cất ngay, đoạn cô đi về phía anh chị em công nhân đang chuẩn bị làm tiếp công việc của mình. Đám sinh viên cũng bắt đầu cầm lấy bút vẽ.

Buổi chiều đám sinh viên nghỉ sớm hơn công nhân. Họ tíu tít gọi nhau thu xếp dụng cụ bài vở đi về địa điểm tập kết. Lúc hai bên chào tạm biệt nhau, Từ Huy nói rất khẽ với Liên Chi:

- Anh sẽ làm theo yêu cầu của em. Hẹn gặp lại.

Khi Từ Huy cùng đám sinh viên lên xe, mấy cô công nhân đến bên Liên Chi nói lời chọc ghẹo:

- Bất ngờ được gặp đồng hương sướng nhá! Trông đẹp đôi ra phết! Hay là anh chị đã có gì với nhau từ trước, hôm nay muốn đến thăm nhau mà cứ phải đóng kịch, phải giả vờ?...

Liên Chi không nói lời đính chính hay giải thích gì, cứ lặng lẽ đứng nhìn bóng dáng các sinh viên đang mải miết đạp xe mất hút dần về cuối con đường xa tít. Cô tự hỏi lẽ nào Từ Huy với cô đã quen biết nhau đâu từ.... kiếp trước?!

Từ Huy mong cho mau kết thúc đợt đi thực tế để ghé về nhà và ghé thăm mẹ nuôi của Liên Chi. Lớp của Từ Huy chia làm ba nhóm: một đi về phía biển, một đi về phía các hầm mỏ và nhóm còn lại về các hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi nhóm đi đến các địa phương lại phân thành nhiều tốp nhỏ trải khắp địa bàn. Nhóm của Từ Huy đi về các hợp tác xã nông nghiệp - về cánh đồng bằng phẳng xứ Thanh. Bất chợt gặp tốp công nhân đang làm đường, vậy là họ chộp lấy cơ hội, ký họa mỗi bạn được chừng mười bức, cộng với nhiều bức vẽ lao động nông nghiệp trên cánh đồng hợp tác hóa.

Rồi ngày mong đợi cũng đến với Từ Huy. Anh về nhà thăm cha mẹ già và người em trai kế đang làm ruộng. Em trai Từ Huy đã lấy vợ và sắp có con. Thấy Từ Huy về cả nhà mừng lắm. Ông cụ nói:

- Tôi có bốn anh con trai mà không được mụn con gái nào! Bây giờ anh thứ đã yên bề gia thất, mẹ anh đã bớt dần gánh nặng việc nhà. Hai em đi bộ đội đã đành một nhẽ, còn anh là con trưởng, anh học ra trường là phải lấy vợ ngay để cho mẹ anh và tôi được nhờ.

Từ Huy cười:

- Con ra trường mà lấy vợ ngay thì gay quá! Chưa làm được gì báo đáp công ơn bố mẹ lại còn vơ lấy vợ thì có mà chết đói!

 

- Ai bảo anh lấy con gái thành phố? Tôi cấm anh không được đung đưa gì với các cô nữ sinh cùng học với anh đấy nhá! Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy! Ở đây mẹ anh và tôi đã ngắm mấy đám vừa đẹp nết lại đẹp người, cũng được ăn được học rồi ra làm cán bộ ở địa phương một buổi, một buổi đi làm đồng. Hoặc như các cô giáo cấp một ở trường bên cũng xinh đáo để, anh còn ngắm ở đâu
cho xa?

- Nào con đã ngắm nghía ai đâu! Con đi học bận bù đầu, lại thiếu thốn đủ bề, con còn dám nghĩ điều gì ngoài việc học?

Từ Huy trả lời cha và trong anh chợt hiện ra hình ảnh của những cô bạn cùng lớp rất gần gũi, rất thân tình, nhất là với Hoàng Oanh. Nhưng như anh đã nói với cha mình, anh thực sự chưa hề nghĩ đến ai, dẫu đã đôi lần Hoàng Oanh bóng gió chủ động ngỏ lời yêu anh, và anh đã lờ đi. Nhưng những ký ức này chợt tan biến ngay khi một khuôn mặt trái xoan làn da nâu sáng với đôi mắt tròn đen láy của Liên Chi hiện ra. Từ Huy mở tập ký họa xem lại một lần nữa, ngắm kỹ khuôn mặt và vóc dáng của Liên Chi rồi tìm đường đi thăm mẹ nuôi của cô.

Từ Huy đã tìm gặp được mẹ nuôi của Liên Chi: tóc bạc, da nâu, ánh mắt hiền từ, hàm răng đen nhánh, nụ cười phúc hậu. Điều lạ lùng là ở Liên Chi có nét gì đó phảng phất giống mẹ nuôi của cô. Khi Từ Huy đưa khúc kiềng vàng trao tận tay bà, bà rưng rưng nước mắt nói:

- Tôi thân già ở một mình cất giữ vàng bạc không tiện. Nó đã tin anh mà nhờ anh mang về cho tôi, tức là nó chọn đúng người rồi đấy! Thôi thì coi như tôi đã nhận, bây giờ tôi gửi anh cất giùm cho em nó.

 

- Ấy chết! Làm sao con dám cất giữ được ạ? Giữa cô ấy với con chưa... có gì. Vả lại con phải ra Hà Nội, phải trở lại trường để làm bài thi tốt nghiệp.

Bà cụ cầm túi nhỏ đựng vàng dúi vào tay Từ Huy nói:

- Anh hãy giữ lấy! Có đi học hay đi làm việc ở đâu cũng giữ lấy! Em nó đã trao gửi cho anh được, thì cớ sao tôi lại không gửi cho anh cất giữ được kia chứ? Anh cứ nghe lời u mà cất đi giúp cho u. Nhớ khi nào có dịp thì ghé vào chơi, ăn với u bữa cơm nhé!

Bà mẹ thay đổi cách xưng hô với Từ Huy rồi vội vàng đi sắp cơm mời anh. Từ Huy nói anh phải về ngay kẻo bố mẹ anh trông. Anh xin vâng lời u cất giữ "của tin" đó cho đến lúc nào gặp lại Liên Chi. Từ Huy không ngờ lời hứa hôm ấy về sau như một lời nguyện ước.

Từ Huy vừa nhận bằng tốt nghiệp xong thì đăng ký nguyện vọng đi chiến trường miền Nam. Nguyện vọng của anh cùng một số bạn trong lớp được chấp thuận ngay, rồi được tập trung để huấn luyện tập dượt trước lúc lên đường. Từ Huy đã mấy lần viết thư gửi về địa chỉ mà Liên Chi trao cho dạo nọ nhưng không thấy thư trả lời. Ngày lên đường anh chỉ được ghé về thăm và từ giã bố mẹ có hai tiếng đồng hồ. Anh nhờ bố mẹ tìm đến Định Hưng - Núi Đỏ thăm gia đình của Liên Chi và trao gửi cho Liên Chi một món quà.

- Bố mẹ cứ đến Núi Đỏ hỏi thăm nhà u của Liên của Lộc. - Từ Huy nói.

- Vậy hóa ra anh đã có người yêu ở huyện nhà mà bố mẹ không hề hay biết? - Bố anh nói.

Mùa hè năm 1962, Vĩnh Cơ tốt nghiệp Đại học Sư phạm trong khi Vĩnh Bảo và Tôn Thất Hiền - cháu nội của Tôn Thất Hy cùng thi trượt Tú tài toàn phần. Vĩnh Cơ chấp nhận đi quân dịch để cho em trai mình được tiếp tục đi học. Tôn Thất Hiền cũng bị bắt lính vào đợt đó. Anh được bạn bè gọi là "cây" văn chương của lớp đệ nhất C trường Quốc Học Huế, thế nhưng vẫn... thi hỏng! Tính tình Tôn Thất Hiền khiêm tốn chăm chỉ và hiền lành như cái tên của mình, nên thấy Tôn Thất Hiền vừa thi hỏng lại bị bắt lính ngay, bạn bè bà con ai cũng thương xót cho anh.

Tháng 3 năm 1963, Vĩnh Bảo cùng với người bạn thân của mình là Nguyễn Hồng Quang và một số anh em sinh viên Huế bí mật đi dự Đại hội thành lập Hội liên hiệp sinh viên học sinh giải phóng miền Trung Trung Bộ về thì phấn khởi lắm, các anh càng hăng hái tích cực tham gia phong trào thanh niên sinh viên học sinh Huế cùng đông đảo dân chúng - phần lớn là tín đồ Phật giáo đấu tranh phản đối chính phủ Sài Gòn kỳ thị tôn giáo.

Ngày lễ Phật Đản, sáng sớm tinh mơ Vinh Bảo cùng với Nguyễn Hồng Quang - sinh viên Đại học Sư phạm, là đôi bạn thân thời cùng học trường Quốc Học Huế - có mặt trong đoàn người đi rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm để dự lễ. Trước đó với chính sách kỳ thị tôn giáo, cụ thể là chống đối Phật giáo, chính phủ Sài Gòn đã ra lệnh không được treo cờ Phật giáo trên toàn miền Nam. Nơi nào treo cờ thì bọn chúng cho người đến tháo bỏ đi. Nhưng khi đoàn rước Phật vừa qua khỏi cầu Trường Tiền thì một rừng cờ Phật xuất hiện rực rỡ cùng với những biểu ngữ được dâng cao:

"Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ!"

"Yêu cầu Chính phủ thi hành chính sách tôn giáo
bình đẳng!"

"Đã đến lúc chúng tôi buộc phải đấu tranh cho chính sách bình đẳng tôn giáo!"

"Phật giáo đồ cương quyết bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh!"

"Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào!"

"Phản đối chính sách bất công gian ác!"...

Sau đại lễ ở chùa Từ Đàm, hàng vạn người tổ chức một cuộc diễu hành đi qua các đường phố lớn. Vĩnh Bảo và Nguyễn Hồng Quang bắt gặp Tâm Anh - bạn học của Vĩnh Cơ đang đi đầu, tay đưa cao biểu ngữ mang dòng chữ: "Để bảo vệ chánh pháp chúng tôi không từ chối một hy sinh nào!"

Hôm nay thứ Tư ngày 8 tháng 5 năm 1963, buổi sáng Bửu Toàn có hai tiết dạy đầu giờ và buổi chiều có hai tiết cuối giờ, nhưng nhằm lễ Phật Đản (rằm tháng Tư Quý Mão) nên trường trung học Bồ Đề cho học sinh và giáo chức nghỉ một ngày để đi dự lễ. Bửu Toàn ở nhà, buổi sáng tiếp mấy người bạn, kể chuyện đại lễ Phật Đản và đoàn người tuần hành trên các ngả đường đông nghịt. Gần cuối buổi chiều Bửu Toàn về phủ Vinh Quốc Phong gặp lúc Vĩnh Bảo đang ngồi đợi Anh Thi ăn cơm tối xong để cùng đi biểu tình.

Bửu Toàn hỏi Vĩnh Bảo để biết thêm khí thế biểu dương lực lượng sáng nay của tín đồ Phật giáo. Đây là lần đầu tiên Phật giáo công khai chính thức dóng lên tiếng kêu phản đối chính phủ Sài Gòn phân biệt đối xử tôn giáo và đỉnh cao là công điện khẩn đề ngày 6 tháng 5 năm 1963 bắt phải triệt hạ cờ Phật giáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, mà tập trung nhất là ở Huế.

 

- Thưa bác, vì sao mà cờ Phật giáo quốc tế không được treo lên trong ngày lễ Phật Đản? Mấy năm trước tuy Phật giáo đã bị chính phủ Sài Gòn kỳ thị, nhưng chưa đến mức ấy... - Vĩnh Bảo hỏi.

Bửu Toàn giảng giải:

- Là vì Ngô Tổng thống có người anh ruột làm Tổng giám mục giáo phận Huế đang muốn được phong tước Hồng y. Để đạt được điều đó trên địa phận ngài cai quản phải có đông tín đồ, chứng tỏ sự thành công của ngài trong việc đi loan báo Tin mừng, rao giảng về Nước trời. Rất không may cho đến nay dẫu đã vận dụng nhiều biện pháp nhưng con số Phật giáo đồ ở Huế vẫn rất đông chứ không phải ít như báo cáo. Vì vậy dịp này Tòa thánh Vatican mới cử quan sát viên của mình đến Việt Nam, đến Huế trong dịp lễ Phật Đản để xác thực thông tin nói trên. Việc chính phủ Sài Gòn gửi công điện khẩn bắt buộc triệt hạ cờ Phật giáo là vì thế...

Nghe Bửu Toàn giải thích xong, Vĩnh Bảo suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Thưa bác, như vậy là Tổng thống hành động vì lợi ích riêng của gia đình mình chứ không phải vì quốc dân đồng bào? Ai lại làm như thế?

- Vấn đề là ở chỗ đó. - Bửu Toàn nói: - Tổng thống vốn là người có tinh thần dân tộc rất cao, làm cho người Mỹ cũng phải gờm, nhưng rất tiếc là các thành viên trong gia đình Tổng thống vì động cơ cá nhân mà làm rối tung hết cả lên!

Anh Thi ăn cơm vội vàng rồi nhanh chóng buông đũa đi vào buồng thay áo. Một lát sau cô bước ra đến trước mặt Bửu Toàn vòng tay, đầu hơi cúi:

- Thưa ba cho con đi biểu tình.

- Ừ, con đi, đừng về muộn quá! - Bửu Toàn ngắm con gái và dặn.

- Dạ vâng ạ!

Anh Thi đáp lời ba rồi chạy tới bên bà Diệu Anh cũng với động tác vòng tay đầu hơi cúi như mọi lần cô thưa chào để đi học:

- Thưa mẹ, con đi biểu tình.

- Ừ. Con đi, nhưng cố theo kịp cậu Vĩnh Bảo nhé! - Quay qua với Vĩnh Bảo bà Diệu Anh lo lắng căn dặn: - Hai chị em nên đi bên nhau, coi chừng bị lạc!

- Dạ vâng ạ!

Anh Thi và Vĩnh Bảo cúi chào Bửu Toàn và Diệu Anh một lần nữa rồi ra đi.

Bửu Toàn nhìn theo hai người trẻ tuổi lòng đầy lo lắng, bởi vì theo nhận định của trên, chính phủ Sài Gòn với chính sách kỳ thị Phật giáo họ sẽ không dễ dàng để cho Phật giáo đồ tự do hành động, mà họ sẽ có biện pháp trừng phạt. Nhưng trừng phạt dưới hình thức nào, đến giờ phút này chưa ai có thể hình dung ra được, Bửu Toàn cũng không hình dung được, chỉ thấy trong lòng rất lo lắng, song không vì thế mà ông ngăn cản con và cháu đi biểu tình. Ông hình dung Anh Thi đang cùng Vĩnh Bảo hòa mình trong dòng thác người đi vào trung tâm thành phố tay dương cao biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu phản đối sự phân biệt đối xử tôn giáo. Hàng ngày ông nhìn thấy Anh Thi mặc áo quần dài bằng vải pôpơlin trắng - bộ đồng phục giản dị và tinh khiết của nữ sinh, nhưng Anh Thi cứ đẹp rực rỡ. Hôm nay lần đầu ông nhìn thấy con gái mình mặc áo dài màu lam - đồng phục của gia đình Phật tử - Anh Thi càng đẹp hơn. Một chút màu lam của nhà Phật mà sắc đẹp Anh Thi còn được tôn lên như thế nữa là những màu sắc sang trọng khác! Ông nhớ mùa hè năm ngoái khi Anh Thi vừa tròn mười sáu tuổi, nhìn thấy sắc đẹp lộng lẫy của con gái cứ mỗi ngày một rực rỡ hơn, ông đã bảo bà Diệu Anh không nên may sắm chưng diện gì cho Anh Thi, một chút đồ trang sức cũng không cho đeo. Suối tóc nhung mượt buông dài cắt phẳng ngang eo, đôi guốc gỗ thấp, phẳng, không sơn, bộ áo quần dài bằng vải pôpơlin trắng may hơi rộng một chút, nón lá trắng, quai nón là một sợi dây gấc trong suốt, chiếc xe đạp tuềnh toàng, tốt nhưng mà cũ kỹ... Bửu Toàn lấy những chiếc áo dài trắng của Đoan Thuận ngày xưa may theo kiểu cũ đưa cho Anh Thi mặc đi học, lập tức tuần sau một số nữ sinh bắt chước may theo kiểu đó. Mùa đông, Bửu Toàn đưa chiếc áo len của Đoan Thuận đan tặng ông ngày xưa cho Anh Thi mặc. Chiếc áo cũ đan kiểu đàn ông, rộng thùng thình so với Anh Thi, vậy mà không lâu sau đó các nữ sinh bắt chước đan áo theo kiểu áo len Anh Thi mặc... Bửu Toàn biết cổng trường Đồng Khánh và đường Lê Lợi thỉnh thoảng bị nghẽn tắc giao thông cũng vì Anh Thi. Khuôn mặt trái xoan, vầng trán trắng mịn rộng và phẳng, má lúm đồng tiền, cằm chẻ, đôi mắt bồ câu to và trong suốt được che chắn bởi đôi rèm mi dài cong vút và dày rợp, sóng mũi dọc dừa, đôi môi hình tim, đôi hàm răng trắng nõn nà và đều đặn, cổ cao ba ngấn, thân hình dong dỏng. Bửu Toàn nghĩ sau này khi cơ thể con gái phát triển hoàn thiện không biết Anh Thi còn đẹp đến mức nào nữa? Ông vừa tự hào lại vừa lo lắng vì sắc đẹp của con gái. Bà Diệu Anh đọc thấy sự lo lắng này. Bưng khay trà nóng đặt lên bàn rồi rót nước đưa mời Bửu Toàn xong, Diệu Anh hỏi:

- Ba nhìn thấy Anh Thi mặc áo dài màu lam quá đẹp nên đâm ra lo lắng, hay là lo vì việc con đi biểu tình?

- Cả hai. - Bửu Toàn đáp: Con đi biểu tình chống chế độ tất nhiên lòng cha mẹ nào mà không lo? Nhưng có được một đứa con gái sắc nước hương trời như vậy cũng phải lo chứ?!

Diệu Anh lựa lời trấn an Bửu Toàn:

- Con chúng ta được thừa hưởng vẻ đẹp của cha và mẹ như thế thật tuyệt vời! Vậy nên chúng ta chỉ lo nuôi dạy con cho thật tốt, đó là phúc phận của gia đình và dòng tộc chứ có gì mà ba phải lo? Em tin rằng Anh Thi lúc nào cũng là một đứa con ngoan hiền và hiếu thảo, làm việc gì cũng nghĩ đến cha mẹ, luôn nhớ lời cha mẹ...

Diệu Anh nói và nghĩ về Đoan Thuận. Diệu Anh luôn cảm ơn trời đất đã ban tặng cho bà đứa con gái rất mực xinh đẹp do Đoan Thuận sinh ra. Hôm Đoan Thuận về dự đám tang Ân Thụy Thái Vương, Diệu Anh đã có dịp chiêm ngưỡng sắc đẹp của Đoan Thuận. Sắc đẹp ấy ở thành phố này dễ mấy ai sánh kịp? Cha rất đẹp mẹ rất đẹp làm sao sinh con ra không sắc nước hương trời được?! Nhưng Diệu Anh vẫn nhớ lời Bửu Toàn ngày xưa rằng Bửu Toàn không phải là người đi să 20af n tìm cái nổi bật nhất, mà là tìm cái hợp với mình nhất - khi Bửu Toàn chia tay Diệu Anh để đến với bà Mộc Lan. Một điều mà người ngoài không ai hay biết đó là Bửu Toàn với bà Mộc Lan sống với nhau chưa hề có hôn lễ, chưa hề đăng ký kết hôn. Diệu Anh nghĩ nếu bà Mộc Lan không xuất hiện thì Đoan Thuận với Bửu Toàn là một đôi đẹp nhất hành tinh. Vì Đoan Thuận mới là người phụ nữ hợp với Bửu Toàn hơn ai hết. Rồi Diệu Anh để cho trí tưởng tượng của mình đi xa hơn - Nếu Đoan Thuận trở về như Bửu Toàn hằng khao khát và mỏi mắt chờ mong, chắc chắn Bửu Toàn sẽ sống với Đoan Thuận, mặc cho thiên hạ muốn nói gì thì nói. Bởi xưa nay từ các triều đại phong kiến Trung Hoa cho đến Hoàng gia Nguyễn Phước tộc Việt Nam những cuộc tình như thế không phải là chuyện hiếm, vì mục đích cuối cùng là những người đàn bà ấy có sinh ra cho vị Hoàng thân quốc thích được đứa con nào hay không, đó mới là điều quan trọng. Diệu Anh nghĩ khi Bửu Toàn và Đoan Thuận sống với nhau thì Diệu Anh chỉ xin được tiếp tục chăm sóc Anh Thi, thương yêu Anh Thi và ở với Anh Thi suốt đời mà thôi. Ôi, Anh Thi, con gái thương yêu của mẹ!

Diệu Anh ngồi tỉa xong những cành hồng thật mỏng thật khéo cho những chiếc bánh hoa hồng rồi đem vào nồi hấp, đợi lát nữa Anh Thi và Vĩnh Bảo đi biểu tình về thì dọn ra ăn cho nóng. Diệu Anh thấy chiều nay vì vội đi nên Anh Thi ăn cơm ít hơn mọi ngày. Diệu Anh ra vườn cắt nắm lá dứa thơm vào rửa sạch rồi mở nồi hấp bánh, bỏ nắm lá dứa vào và đậy nắp lại thật kín. Nhưng mùi thơm của lá dứa quyện với mùi thơm của bánh - theo hơi nước bốc lên, cứ đẩy trồi nắp nồi hấp mà thoát ra ngoài mỗi lúc một nhiều hơn, làm thơm ngát cả khu nhà. Bửu Toàn đang ngồi nghe radio bắt gặp mùi thơm của lá dứa, ông hít thở một cách thú vị, rồi nghĩ đời ông may mắn được ở gần những người phụ nữ giỏi giang khéo léo, bắt đầu từ thân mẫu của ông. Giờ đây Anh Thi ngoài chương trình học nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh, về nhà còn được Diệu Anh truyền dạy cho bao nhiêu bí quyết làm bánh trái nem chả, nấu nướng các món ăn Tây, Tàu, Việt Nam,
Nhật Bản...

Cả Bửu Toàn và Diệu Anh cùng giật mình khi thấy Anh Thi đột ngột đi chân đất bước vào nhà, áo quần tả tơi, mặt mày lem luốc mếu máo kêu:

- Ba mẹ ơi, con đi với cậu Vĩnh Bảo, nhưng con chạy thoát, còn cậu ấy...

- Vĩnh Bảo làm sao?

Cả Bửu Toàn và Diệu Anh cùng hoảng hốt đặt câu hỏi.

- Con... con không biết! - Anh Thi thở hổn hển nói: - Chúng bắn vào chúng con. Chúng cho xe tăng xông vào đoàn biểu tình...

Đất dưới chân Bửu Toàn như sụp xuống. Diệu Anh buông lời niệm Phật, nhào tới ôm chầm lấy Anh Thi và nước mắt chan đầy mặt. Bà dìu Anh Thi vào phòng để tắm rửa và thay áo.

Khi Anh Thi từ phòng trong bước ra cũng vừa lúc Vĩnh Bảo hớt hải chạy vào nhà hỏi chị Anh Thi đã về chưa. Vĩnh Bảo trông còn tả tơi lấm lem hơn cả Anh Thi.

Tìm thấy nhau rồi Vĩnh Bảo và Anh Thi rất mừng, Diệu Anh và Bửu Toàn còn mừng hơn. Diệu Anh đứng bên bếp sắp bánh từ trong nồi hấp ra những chiếc đĩa sứ trắng mà cứ lâm râm niệm Phật. Trời ơi, nếu không may Anh Thi có mệnh hệ gì thì Diệu Anh làm sao sống nổi?!... Càng nghĩ nước mắt Diệu Anh lại cứ tuôn trào.

Vĩnh Bảo vừa thở vừa nói với Bửu Toàn:

- Khi tai họa xảy ra con đang ở trong sân Đài phát thanh liền nhanh chóng thoát ra ngoài chạy đi tìm chị Anh Thi, nhưng không tìm thấy. Có mấy thiếu nữ bị xe tăng cán lên, thân xác dập nát nên rất khó nhận ra. Con chạy trong khói mù của lựu đạn cay chảy cả nước mắt nước mũi vừa gọi chị Anh Thi lạc cả giọng, với hy vọng chị đã thoát ra được và đang ở đâu đó...

- Thôi, các con đã về được đây là quý lắm rồi. Con hãy vào phòng rửa mặt, rửa tay chân rồi ra đây kể tiếp cho bác nghe. - Bửu Toàn âu yếm nhìn cháu trai, nói giọng vỗ về.

Vĩnh Bảo vâng dạ rồi đi vào phòng trong tắm rửa qua quýt để nhanh chóng trở ra kể chuyện cho bác nghe. Diệu Anh đã đặt lên bàn những đĩa bánh bông hồng nóng hổi thơm nức mùi lá dứa với chén nước mắm chua ngọt và đĩa chả lụa. Anh Thi so đũa cho mọi người rồi mời ba mời mẹ mời Vĩnh Bảo cùng ngồi ăn.

Vĩnh Bảo sôi nổi hào hứng và đầy phẫn uất khi tiếp tục câu chuyện:

- So với số lượng người trong đoàn tuần hành sáng nay từ chùa Từ Đàm tỏa về các đường phố thì tối nay còn được bổ sung thêm, đông nghịt, dày đặc. Chúng con cùng tập trung đứng trước Đài phát thanh hô vang những khẩu hiệu đả đảo sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ, phản đối việc chính quyền không cho phát thanh đại lễ Phật Đản sáng nay. Quý Thượng tọa, Đại đức và một số Phật tử đang ở chùa Từ Đàm nghe tin công chúng biểu tình trước mặt Đài phát thanh liền đến để nhập vào khối biểu tình, sau đó quý thầy và một số thanh niên Phật tử như Tâm Anh - bạn của anh Vĩnh Cơ, Hồng Quang - bạn của con... vào thẳng trong Đài phát thanh để hỏi lý do hủy bỏ buổi phát thanh nói trên. Ban đầu ông giám đốc Đài cứ quanh co viện cớ rằng vì trở ngại kỹ thuật, nhưng sau đó chịu không nổi trước những lời chất vấn đanh thép của những người đại diện cho đoàn biểu tình, ông ta buộc phải thú nhận việc không phát thanh buỗi lễ là do chính quyền Thừa Thiên thừa lệnh của chính phủ Sài Gòn... Một Phật tử nhanh chóng trở ra ngoài loan tin cho đoàn biểu tình biết nội dung của cuộc chất vấn. Tức thì những khẩu hiệu được hô to lên như xé cả bầu trời: "Đả đảo sự đối xử bất công, sự kỳ thị tôn giáo, sự độc tài gia đình trị..." Tiếng hô hét vang dậy cả một vùng trời. Bỗng đâu xuất hiện binh lính cảnh sát đeo mặt nạ, mang súng ống, tay cầm dùi cui, roi điện, cùng với xe tăng, xe cứu hỏa và lựu đạn cay... Mở đầu là xe cứu hỏa phun nước xối xả vào đoàn người biểu tình đang hô vang khẩu hiệu, sau đó chúng ném lựu đạn cay... Đoàn biểu tình giẫm đạp lên nhau chạy tán loạn, chúng liền cho xe tăng lao vào... Thật là một cảnh tượng hết sức thê thảm khi những người chạy không kịp đã bị xích xe tăng nghiến nát...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83482


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận