Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 4


Chương 4
Liên Chi nghỉ phép về thăm nhà, được bà Ngần kể hết việc Từ Huy đã tìm đến nhà như thế nào,

bà nói:

- U biết con có coi anh ấy là chỗ chí thân mới gửi vàng nhờ anh đem về cho u. Nhưng u lại muốn gửi lại cho anh ấy làm của tin... Mới nhìn qua con người đã thấy cái vẻ con nhà gia giáo nề nếp. Kiếm được một người như thế mà gửi thân gửi phận là phúc đức nghe con!

- Nhưng... anh ấy không còn ở miền Bắc nữa u ạ.

- Con bảo sao? Anh ấy đi vào Nam?

- Thưa vâng. Anh ấy đi B. Anh gửi thư cho con, nhưng thư nằm ở văn phòng công ty. Khi thư chuyển về tới đội công tác của con thì anh đã lên đường hơn một tháng.

Hai mẹ con làm cơm trong bếp vừa thủ thỉ kể chuyện. Ngoài cổng, một cụ già tay ôm thùng giấy cứng trước ngực vừa cất giọng trầm hỏi:

- Xin hỏi đây có phải là nhà bà cụ Lộc không ạ?

- Vâng! - Liên Chi đon đả bước ra chào: - Chào cụ, mời cụ vào trong này. Cụ hỏi thăm u cháu có việc gì không ạ?

 

Ông cụ đưa mắt nhìn lướt cô công nhân từ đầu đến chân rồi chầm chậm theo cô đi vào nhà.

Bà Ngần từ dưới bếp bước lên sốt sắng:

- Chào cụ! Mời cụ ngồi xơi nước ạ. Cụ từ đâu tới hỏi thăm già này có việc gì ạ?

Ông cụ trịnh trọng đặt chiếc hộp giấy cứng lên bàn trong lúc Liên Chi pha nước chè xanh đưa mời khách và mời mẹ. Ông cụ nói:

- Tôi là cha của Từ Huy. Trước lúc lên đường vào Nam con trai tôi chỉ tạt qua nhà có vài tiếng đồng hồ, không kịp lên thăm cụ. Anh ấy nhờ tôi lên thăm và gửi món quà này tặng cô nhà.

- Quý hóa quá! Món quà gì mà to và nặng thế, khổ thân ông! Mời ông xơi nước ạ.

Liên Chi xúc động nghẹn ngào không nói nên lời. Vậy là cô đã hiểu lòng anh hơn chút nữa. Anh đã thưa chuyện với cha mẹ và nhờ cha mẹ đến thăm nhà. Lại còn món quà gì nữa đây? Liên Chi rụt rè bước đến trong lúc ông cụ đứng lên trịnh trọng trao hộp giấy cứng - bốn bề niêm phong kín bưng - vào tay cô. Liên Chi nói lời cảm ơn rồi thận trọng bưng hộp sang chiếc bàn con bên cạnh, rồi từ từ mở hộp ra. Cô hết sức kinh ngạc khi trước mắt mình hiện ra một bức tượng bán thân bằng thạch cao - người con gái giống Liên Chi như khuôn đúc. Và đây nữa, phong thư dày với túi vải nhỏ đựng khúc kiềng vàng dạo nọ gửi cho nhau làm của tin. Giờ đây anh gửi lại cho cô. Thư anh nói anh đi rồi anh sẽ về. Hai con rồng phụng vờn nhau trên khúc kiềng vàng còn lại chứng tỏ sẽ có ngày tái ngộ, ngày ca khúc khải hoàn...

 

Trong lúc Liên Chi xúc động mê say với phong thư và món quà bất ngờ của Từ Huy, thì ở bàn nước ông cụ thân sinh của anh sau khi đưa mắt quan sát cửa nhà rồi nhìn ngắm bà Ngần đăm đăm một lát và hỏi:

- Tôi xin hỏi khí không phải, - bà có bao giờ ở Thiệu Hóa không?

Bà Ngần thành thật:

- Chẳng giấu gì ông, thuở còn trẻ tôi từng làm vú em cho gia đình quan Tri phủ Thiệu Hóa...

- Vậy bà là... bà Ngần phải không ạ?

- Vâng, sao ông biết?

- Tôi một thời làm lính bảo an nhưng chưa hề cầm súng bắn viên đạn nào. Bà còn nhớ chú lệ hàng ngày lo xới vườn hoa chăm cây cảnh cho quan phủ không?

- Tôi nhớ chứ! Vậy ra ông... ông là chú lệ đấy ư?

- Vâng, chính tôi! Tôi đã rời bỏ Phủ đường trốn về quê trước khi vỡ mặt trận... Vậy rồi sau đó bà về quê bằng cách nào? Ông bà Phủ có trở ra kịp để đón con của họ không? Tôi nhớ lúc ấy hình như có một người con của họ bị ốm nên không cùng về Huế cư tang cụ nội được.

- Ông nhớ đúng đấy. Chỉ có điều ông bà Phủ không làm sao trở ra được trong tình hình ấy. Đêm hôm Phủ đường bị đánh vào, tôi dẫn cháu bé trốn ra khỏi Phủ.

- Vậy bây giờ cô cậu ấy đâu rồi? Cậu hay là cô? Hình như cô phải không?

- Vâng, cô cả. Ông nhìn lại coi, cô cả đã sống với gia đình tôi từ bấy đến nay, chính là Liên Chi - là người mà anh Từ Huy nhà ông đem lòng thương...

Ông cụ há hốc mồm khi nhìn cô gái trong bộ áo quần công nhân, cao dong dỏng, săn chắc, hồng hào và rất xinh đẹp trước mắt mình. Lẽ nào đây là đại tiểu thư của quan Tri phủ Thiệu Hóa? Là người yêu của Từ Huy - con trai ông - và sẽ là con dâu trưởng của gia đình ông? Ông xúc động không kém bà Ngần. Còn Liên Chi, khi nghe hết câu chuyện giữa cha Từ Huy và u Ngần, cô không kìm nén được nữa, bật khóc như một đứa trẻ thơ.

Bà Ngần đến bên vuốt tóc cô dỗ dành:

- Nín đi con! Âu cũng là ân phước của trời đất. - Rồi bà quay sang với cha Từ Huy nói:

- Khi gặp Từ Huy tôi đoán cha mẹ anh ấy hẳn là người phúc đức. Nhìn thấy quả thì biết được cây cành của nó ra sao chứ? Thôi từ nay hai nhà như một. Chừng nào chưa tìm được ông bà Phủ thì con cứ coi gia đình bên cụ và bên này luôn là chỗ thân thiết của con. Từ nay nếu u có mệnh hệ gì thì u cũng an lòng...

Ở cuối câu bà Ngần không ngăn được nước mắt.

Chú lệ - người phú nông - nhà địa chủ “vớt” - ông cụ thân sinh của họa sĩ Từ Huy - ông Từ Hiếu nói:

- Rồi một ngày đất nước thống nhất, hai miền Nam Bắc được đi lại tự do, ta và mẹ nuôi của con sẽ dẫn con đi vào Nam tìm cha mẹ ruột cho con...

Mùa khô năm 1965-1966 cuộc phản công chiến lược của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam bị thất bại. Luật sư Kim Hồng Ân, Bửu Toàn và một số cán bộ đảng viên nằm vùng khác được kịp thời quán triệt tinh thần của Trung ương quyết định thừa thắng mở mặt trận đường 9 cho quân chủ lực đánh và thu hút lực lượng địch về phía ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ phát triển. Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân Trị Thiên Huế phải phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực để đưa chiến tranh vào tiếp cận với thành phố. Từng người, từng bộ phận được phân công cụ thể để chủ động đánh địch trên cả ba mặt gồm chính trị, quân sự và binh vận nhằm làm rối loạn hậu phương của quân địch. Tất cả nhận nhiệm vụ xong ra về là triển khai hành động ngay, nhịp nhàng và đồng bộ.

Và kết quả thật đúng như mong đợi. Vì thua đau ở mặt trận đường 9 và Quảng Trị - Thừa Thiên, tổn thất 978 sinh mạng lính Cộng hòa và 112 lính Mỹ, Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia Nguyễn Văn Thiệu và Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương Nguyễn Cao Kỳ đã ký lệnh cách chức Tư lệnh trưởng Vùng I chiến thuật - tướng Nguyễn Chí Thiện. Nguyễn Chí Thiện giận lắm! Quân Cộng sản tấn công như vũ bão dồn dập hết đợt này đến đợt khác, quân ông cầm cự được như vậy là giỏi lắm rồi. Nếu không phải ông, mà là một tướng khác cầm quân trong những trận đọ sức vừa qua chắc gì con số tổn thất sinh mạng binh lính chỉ dừng lại ở mức đó? Cứ thử ra đấy mà coi! Nguyễn Chí Thiện không ngờ ngày ông được triệu về đô thành Sài Gòn để báo cáo cũng là ngày ông từ giã chức Tư lệnh trưởng Vùng I chiến thuật - ngày 11 tháng 3 năm1966! Ông hình dung anh em sĩ quan binh sĩ thuộc cấp của ông ở Huế nói riêng và ở Vùng I chiến thuật nói chung khi nghe được tin này sẽ rất nhức nhối đau buồn, bởi vì họ rất hiểu ông và yêu mến ông rất mực. Ông cũng thừa biết đã từ lâu Nguyễn Cao Kỳ chẳng ưa gì ông, nhân dịp này y trút những hiềm khích cá nhân lên đầu ông! Nhưng có một điều chắc chắn là Kỳ không được anh em đồng đội yêu mến như yêu mến Nguyễn Chí Thiện.

Suốt một đêm nằm trằn trọc không ngủ, buổi sáng thức dậy Nguyễn Chí Thiện thấy mặt trời Sài Gòn rọi thẳng vào phòng ngủ của ông. Bên ngoài nhịp sống vẫn vội vàng hấp tấp. Đường phố đông đúc, xe cộ ngược xuôi, người qua kẻ lại mua bán, làm lụng, nói cười... không ai biết trong tư dinh này Nguyễn Chí Thiện đang buồn lắm. Ông uể oải bước ra phòng ngoài gieo mình trên ghế nệm, đôi mi mắt nặng trĩu và đầu đau buốt. Ngọc Quế - vợ ông - lật đật đi pha tách cà phê sữa nóng bưng tới dỗ ông uống rồi dịu dàng nói:

- Thôi đừng buồn mà sinh ra đau ốm anh ạ! Nhiều khi mất chức lại hóa hay. Từ nay anh khỏi phải đứng mũi chịu sào xông pha trận mạc. Cứ chịu khó nhẫn nhục chờ đợi một thời gian. Anh là tướng trẻ, quỹ thời gian còn dài, rồi ra tình hình sẽ khác...

- Khác là khác thế nào? - Nguyễn Chí Thiện vào cớ cao giọng với vợ: - Họa chăng tập đoàn Thiệu Kỳ chết


rấp đi thì anh em chiến hữu của anh mới có cơ ngóc
đầu dậy!...

Nói rồi Nguyễn Chí Thiện lại đổi giọng dịu dàng cám ơn vợ vì cà phê sữa hôm nay rất ngon. Ông nhấp từng ngụm nhỏ rồi nhớ lại ngày 1 tháng 11 năm 1963, người Mỹ đã mượn tay một số tướng lĩnh trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa để lật đổ Ngô triều khi họ nhận thấy nền đệ nhất cộng hòa này đã làm mất lòng dân chúng nhiều quá! Sau đó lại đến lượt nội bộ tướng lĩnh kình chống nhau và muốn thanh trừng lẫn nhau. Đúng hai tháng sau ngày lật đổ Ngô triều, ngày 1 tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lật đổ tướng Dương Văn Minh và lên làm Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, rồi y dự định thành lập Nội các. Đứng đầu các Bộ phần đông sẽ là tướng lĩnh có tham gia đảo chính Ngô triều, bây giờ phải cho họ được dự phần ăn chia! Nhưng nếu Tổng trưởng Nội các cũng là một nhà quân sự e rằng quốc dân đồng bào sẽ phản đối, sẽ gọi Nội các do Nguyễn Khánh dựng lên là một tập đoàn quân phiệt! Thấy trước được điều đó nên ngày 16 tháng 8 năm 1964, nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng Nguyễn Khánh triệu tập một cuộc họp tại thành phố Vũng Tàu. Trong cuộc họp này một Hiến chương đã ra đời bầu Nguyễn Khánh làm Chủ tịch Việt Nam cộng hòa, kiêm Chủ tịch Hội đồng quân sự, đồng thời bầu Tổng tư lệnh quân đội là tướng Trần Thiện Khiêm. Dịp này Khiêm cũng vừa được thăng quân hàm, và điều quan trọng hơn hết là từ cuộc họp này trở về, ngày 31 tháng 9 năm 1964, Nguyễn Khánh đã mời giáo sư Trần Văn Hương ra làm Tổng trưởng Nội các. Nhưng đó là việc diễn ra cuối tháng 9 năm 1964, còn bây giờ thì chưa! Bây giờ tại Huế - bao giờ cũng bắt đầu từ Huế (!), lập tức một làn sóng phẫn nộ cuồn cuộn dâng lên. Nguyễn Chí Thiện đã tận mắt chứng kiến những cuộc xuống đường đấu tranh của nhân dân Huế về “Hiến chương Vũng Tàu”, có thể nói là khi Hiến chương chưa ráo mực! Chỉ chưa đầy hai ngày sau khi Hiến chương ra đời, sinh viên Huế tuyên bố không thừa nhận Hiến chương ấy. Hôm sau tại Sài Gòn, sinh viên cũng tổ chức một cuộc hội thảo về nội dung bản Hiến chương Vũng Tàu. Nhận định rằng sinh viên Sài Gòn cũng sẽ làm như sinh viên Huế, Nguyễn Khánh liền điều động các đơn vị cảnh sát, quân đội và xe thiết giáp đến để đàn áp cuộc hội thảo. Lập tức sáng hôm sau nhằm ngày 20 tháng 5 năm 1964 tại Huế, lấy cớ kỷ niệm một năm ngày pháp nạn - ngày Phật giáo bị đàn áp dã man, hơn hai chục ngàn người dân Huế trong đó phần đông là thanh niên sinh viên học sinh và giáo chức xuống đường biểu tình chống Nguyễn Khánh. Trên tường của các trường đại học
và trung học đầy dẫy các khẩu hiệu viết bằng sơn đỏ,
sơn vàng:

"Đả đảo Nguyễn Khánh!"

"Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu!"

"Đả đảo bọn độc tài quân phiệt!"...

Kể từ hôm ấy hằng ngày vào lúc năm giờ rưỡi chiều nhân dân Huế tập trung lắng nghe buổi phát thanh của lực lượng sinh viên học sinh tranh đấu trên Đài phát thanh Huế.

Trước áp lực như trào dâng sóng dập của công chúng Huế ngày 25 tháng 8 năm 1964, Nguyễn Khánh buộc phải thay mặt Hội đồng quân sự cách mạng thu hồi Hiến chương Vũng Tàu và hứa sẽ tổ chức bầu ra một nguyên thủ quốc gia. Người Huế vẫn chưa hả giận, vẫn cho rằng những khuôn mặt trong Nội các là một tập đoàn quân phiệt! Dẫu có bày trò bầu bán gì thì cũng giữa họ với nhau mà thôi, sẽ không có khuôn mặt mới nào khả dĩ lọt vào đó, vậy nên khi nghe Nguyễn Khánh tuyên bố thu hồi Hiến chương xong, lập tức thanh niên sinh viên học sinh Huế đến chiếm Đài phát thanh, phát đi bản tuyên bố không thừa nhận quyền bầu cử nguyên thủ quốc gia của Hội đồng quân sự cách mạng và yêu cầu Hội đồng phải giải tán ngay trong vòng 24 tiếng đồng hồ! Rạng sáng ngày hôm sau nhằm ngày 26 tháng 8 năm 1964, thanh niên sinh viên học sinh cùng với thầy cô giáo và hàng ngàn công tư chức Huế biểu tình trên các ngả đường dương cao các khẩu hiệu, gọi đích danh các tướng lĩnh trong Hội đồng quân sự cách mạng ra mà đả đảo. Nguyễn Chí Thiện còn nhớ trong cuộc biểu tình ấy sinh viên học sinh Huế đã hô những câu khẩu hiệu rất hay, và rất lạ, ví dụ như tướng Đỗ Mậu được phân công phụ trách văn hóa văn nghệ, nên các sinh viên học sinh hô:

- Ai hiếp dâm văn hóa?

- Đỗ Mậu!

- Tại sao chúng ta không đả đảo Đỗ Mậu?

- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!

- Loong Trần Thiện Khiêm là loong gì?

(Vì tướng Trần Thiện Khiêm vừa mới được vinh thăng quân hàm)

- Loong sữa bò!

- Tại sao chúng ta không đạp?

- Đạp! Đạp! Đạp!...

Hàng đoàn người đạp xích lô, xe thồ, xe lam... cùng tiểu thương các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... ồ ạt diễu hành qua các đường phố cùng hô vang các khẩu hiệu với sinh viên học sinh, làm cho đoàn người biểu tình tưởng như dài vào tận. Ôi, người Huế!... Tiếp đến sinh viên học sinh Huế tổ chức đêm không ngủ để tỏ thái độ không thừa nhận chính phủ Trần Văn Hương, sinh viên Sài Gòn ra tuyên bố đòi chính phủ Trần Văn Hương phải tự giải tán, và Phật giáo Huế tuyên bố đòi Trần Văn Hương phải từ chức. Điều này cũng gây bất ngờ cho Nguyễn Khánh. Tưởng rằng khi có một khuôn mặt giáo sư xuất hiện ở vai trò Tổng trưởng Nội các sẽ làm nhòe đi cái dáng hình “tập đoàn quân phiệt”, ai ngờ dân chúng vẫn chưa vừa lòng! Nhất là dân chúng Huế! Rồi liên tiếp bao lần thay người. Trước sức ép của quốc dân đồng bào ngày 28 tháng 1 năm 1965, Hội đồng quân sự cách mạng buộc phải đưa Trần Văn Hương xuống và đưa Nguyễn Xuân Oánh lên làm quyền Thủ tướng. Ngày 16 tháng 2 năm 1965, Phan Khắc Sửu được chỉ định làm Quốc trưởng, Phan Huy Quát làm Thủ tướng, rồi đến ngày 19 tháng 6 năm 1965 được người Mỹ tích cực bảo trợ nên một chính phủ mới được thành lập, tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương. Sinh viên học sinh và các tầng lớp nhân dân Huế lại xuống đường biểu tình đòi lật đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... Dạo Trần Văn Hương còn làm Tổng trưởng Nội các, trong một cuộc họp Nội các ông than phiền rằng bây giờ trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa đời sống văn hóa bị xuống cấp ghê quá, thuần phong mỹ tục bị phá vỡ nhiều lắm, văn hóa độc hại đang lan tràn! Ngay trong trường trung học, đại học các nữ sinh và nữ giáo chức mặc váy quá ngắn làm cho các nam sinh và nam giáo sư... đi lại khó khăn (!). Trong một lần ngồi quán cà phê nghe Đài phát thanh phát đến đoạn này, Vĩnh Tuấn đã đập bàn cười phá lên nói:

- Người ta mặc váy ngắn thì mặc kệ người ta! Mắc chi mình mà mình... đi lại khó khăn?!...

Vĩnh Tuấn không đợi xe của hãng Hàng không Air Việt Nam đưa về văn phòng của hãng trên đường Hàm Nghi, mà vừa xuống sân bay anh đã gọi ngay taxi đưa thẳng về nhà Nguyễn Chí Thiện.

Sau khi nhấn nút chuông điện, một chị giúp việc đứng tuổi ra mở cổng cho Vĩnh Tuấn chứ không phải là chú lính hầu như mọi khi. Dẫu bị cách chức Tư lệnh trưởng thì tướng Thiện vẫn còn lính hầu nhưng chẳng hiểu vì sao không thấy người lính nào? Càng đi sâu vào trong nhà Vĩnh Tuấn càng cảm nhận được điều đó. Cũng có thể Nguyễn Chí Thiện vì quá bực mình nên cho lính nghỉ hết để ông được ở yên một mình mà gặm nhấm
nỗi đau.

Vừa thoạt trông thấy Vĩnh Tuấn, cả hai vợ chồng Nguyễn Chí Thiện cùng reo lên:

- A, chú Vĩnh Tuấn, chú vào thật đúng lúc!

- Em phải vào với anh chứ! - Vĩnh Tuấn đến bắt tay Nguyễn Chí Thiện rồi cả hai ngồi xuống.

Ngọc Quế xuống nhà bếp bảo làm nhanh món bánh cuốn nóng, món phở Bắc và hủ tíu Nam Vang bưng lên cho Vĩnh Tuấn và Nguyễn Chí Thiện cùng ăn sáng muộn với nhau luôn.

- Dì Ngọc Mai và các cháu có mạnh giỏi không? Ông bà có khỏe không? - Nguyễn Chí Thiện hỏi.

- Dạ ba mẹ em khỏe, Ngọc Mai và các cháu cũng thường luôn. Ngọc Mai nghe tin anh như vậy cũng lo lắm, Ngọc Mai giục em đi vào với anh nhanh đấy chứ! Nhưng việc đầu tiên anh cần phải biết là vừa hay tin anh bị cách chức lập tức ở Huế nổ ra hai cuộc met tin. Sáng hôm qua 12 tháng 3 năm 1966 là cuộc met tin của đông đảo đồng bào Phật tử tại chùa Diệu Đế. Tại cuộc met tin này đã ra đời một tổ chức lấy tên là Lực lượng tranh thủ cách mạng. Một cuộc met tin của sinh viên trong khuôn viên Đại học Sư phạm, các ban đại diện của năm khoa gồm Luật, Khoa học, Văn, Y và Sư phạm đã đề cử các đại diện của mình lập nên Hội đồng sinh viên tranh thủ cách mạng. Đấy là thời sự tươi rói ở Huế em mang vào riêng tặng cho anh nhé. Anh có biết vì sao mà cả hai tổ chức cùng ra đời một lúc - chỉ một ngày sau khi anh bị cách chức, và tổ chức nào cũng có cụm từ “tranh thủ cách mạng” không? Theo ngu ý của em thì họ đang muốn tranh thủ anh đấy! Dân Huế là nhạy cảm lắm! Lúc này hễ Thiệu Kỳ trừng phạt ai thì người đó là bạn của lực lượng tranh đấu trên đường
phố Huế...

Vĩnh Tuấn nói rồi mở túi hành lý của mình kéo ra những nem, tré, mè xửng, tôm chua... đặt lên bàn, quay qua với Ngọc Quế, nói:

- Những thứ này không phải của Ngọc Mai gửi cho chị đâu, mà là của trung úy Vĩnh Cơ và anh em sĩ
quan binh sĩ của Vùng I chiến thuật gửi cho anh chị và
các cháu...

Nguyễn Chí Thiện ngồi lặng trước thông báo của Vĩnh Tuấn về tình hình Huế hai hôm nay và những tặng phẩm do Vĩnh Tuấn cất công mang vào - tấm lòng của anh em Huế, của Vĩnh Cơ... Ôi, Huế là như thế đó! Làm sao để ông được trở về với Huế, về với anh em?...

Như đọc thấy tâm tư của Nguyễn Chí Thiện, Vĩnh Tuấn lựa lời xoa dịu:

- Cũng may mà chị và các cháu đều ở trong này hết, chứ lúc này mà gia đình ở Huế, còn một mình anh bị Thiệu Kỳ giam lỏng ở đây thì còn khổ biết bao nhiêu! Những lúc khó khăn hoạn nạn cha con vợ chồng có nhau là điều hết sức cần. Chị lúc này là điểm tựa tinh thần hết sức quan trọng đối với anh...

Tại Phủ Đầu Rồng mấy ngày qua Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia liên tiếp nhận được công điện khẩn báo cáo tình hình Huế. Có thể nói kể từ hôm công bố lệnh cách chức Tư lệnh trưởng đối với Nguyễn Chí Thiện thì ông và Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương chưa một giây phút nào được yên! Cái ngòi nổ Huế mà không khéo điều tiết thì rất mệt! Kinh nghiệm những năm 1962-1963 của nền đệ nhất cộng hòa cho ông thấy nếu lúc này mà ông không làm chủ được tình hình, để cho sự hỗn loạn ngày càng gia tăng xuất phát từ chỗ làm mất lòng dân, nhất là dân Huế, thì sớm muộn gì người Mỹ cũng sẽ xét lại vai trò Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia của ông. Lúc này mà ông không tỉnh táo khôn ngoan đi trước một bước là nguy với người Mỹ. Ông gọi viên sĩ quan cận vệ bảo văn phòng điện mời Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương tới hội ý gấp với ông - cũng vừa lúc ông Đổng lý mang đến cho ông một bức điện khẩn gửi đi từ Huế: "Hôm nay 16 tháng 3 năm 1966 có gần bảy ngàn người họp met tin tại Thương Bạc, sau met tin là diễu hành qua các đường phố chính và hô to các khẩu hiệu đòi Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương phải từ chức, đòi bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ dân sự, đòi cải thiện đời sống cho nhân dân..."

Đọc xong bức điện Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia cảm thấy vào cùng mệt mỏi. Ông ngước mắt nhìn lướt viên sĩ quan cận vệ và Đổng lý văn phòng đang đứng chờ lệnh, vừa lúc Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương xuất hiện trong sắc phục sĩ quan không quân. Ông mời ngồi và bắt đầu làm việc khi Đổng lý văn phòng lùi lại ở góc phòng, còn viên sĩ quan cận vệ bước ra phòng ngoài. Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia đi vào cuộc hội ý mà lòng đầy căm giận bởi những dòng cuối của bức điện khẩn cho biết sinh viên học sinh Huế lại bãi khóa. Tệ hại hơn, cha mẹ anh em chú bác của họ cũng hùa theo đòi bãi thị bãi công trên toàn thành phố. Con em không lo học hành thi cử mà cứ nghe lời Việt cộng xúi giục làm điều quàng xiên! Phụ huynh không răn dạy con em mình thì thôi, đằng này còn bắc thang cho chúng nó leo! Leo mãi lên tới tận trời vẫn chưa hả, còn muốn, muốn nữa!... Cái xứ Thuận Hóa này ngày xưa các vua chúa muốn hóa cho nó thuần, cho nó thuận thảo nên mới đặt tên như vậy, chứ thực ra rất khó! Con người sinh ra trên vùng đất ấy thời nào cũng thế, phải gọi là nan hóa mới đúng! Thôi thì đất không nghe trời, trời phải nghe đất vậy!...

Hơn ba ngày qua Vĩnh Tuấn dành nhiều thời gian ở bên Nguyễn Chí Thiện, chuyện trò với Nguyễn Chí Thiện, có khi còn đánh cờ với nhau nữa, đồng thời Vĩnh Tuấn cũng tranh thủ viết mỗi khi một ít, và khuya hôm qua bài phóng sự đã viết xong. Sáng nay Vĩnh Tuấn đưa bài đến Tòa soạn rồi lật đật trở về. Vừa nhìn thấy Vĩnh Tuấn vào đến nơi, Nguyễn Chí Thiện đã níu lấy vai của Vĩnh Tuấn mà reo lên báo Phủ Đầu Rồng đã cho phép Nguyễn Chí Thiện trở lại Huế, ông nói:

- Vĩnh Tuấn vừa đi khoảng mười lăm phút thì bên Bộ tổng tư lệnh điện cho anh biết, một lát sau thì Sự vụ lệnh được đưa tới. - Nguyễn Chí Thiện kéo tờ Sự vụ lệnh ra cho Vĩnh Tuấn xem rồi nói: - “Chả” giao cho mình đi làm nhiệm vụ vỗ yên dân Huế. Còn lâu! - Nói rồi Nguyễn Chí Thiện đổi giọng nửa như mỉa mai Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và cả Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, lại vừa như tự giễu cợt mình: - chắc kỳ này mình hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc thì “chả” sẽ còn lên lon cho mình nữa ấy chứ, còn hơn cả phục chức...!

Nói xong Nguyễn Chí Thiện cười vang, niềm vui sướng dâng tràn trong sóng mắt. Ngọc Quế đang đứng pha rượu cạnh đấy cũng phải bật cười quay lại nói:

- Ôi chao, mới xa miền Trung, xa Huế có mấy ngày mà anh làm như thể... Ước gì mỗi lúc chuẩn bị về với em anh cũng vui mừng như thế!

- Em là khác mà bạn bè chiến hữu của anh là khác chứ! Anh tin rằng em nói cho vui vậy thôi chứ em cũng thừa biết lần này bọn họ để cho anh đi, trước hết không phải vì anh, mà vì Huế. Họ sợ người Huế nhân cơ hội này mà nổi dậy. Nhưng anh cũng đủ tỉnh táo để nhận thấy rằng anh chỉ là cái cớ, một cái cớ rất nhỏ mà thôi. Ví như thân cò lặn lội bờ sông, năng nhặt thì chặt bị! Các lực lượng tranh đấu đang muốn tranh thủ tất cả các lực lượng đối lập. Nhưng dẫu sao sự việc diễn ra theo chiều hướng này cũng hay. Anh rất biết ơn nhân dân Huế, cám ơn Huế vào cùng!...

Vĩnh Tuấn nở nụ cưới mãn nguyện rồi cung giọng tỏ rõ sự sốt ruột:

- Theo em thì tốt nhất là mình nên đi ngay kẻo... ngộ nhỡ bọn họ đổi ý.

- Không đổi đâu! - Nguyễn Chí Thiện khẳng định. - Ví dụ máy bay đang bay trên đường Sài Gòn Huế mà nhận được lệnh quay về, thì anh sẽ cướp luôn máy bay ấy đem về tặng cho sinh viên học sinh Huế!

Cả nhà lại được dịp cười vang, rồi mọi người tất bật chuẩn bị cho Nguyễn Chí Thiện và Vĩnh Tuấn ra Huế.

 

Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng quyết định không đi máy bay quân sự mà đi máy bay Air Việt Nam.

Khi đã yên vị trên máy bay trong bộ civil chải chuốt, Nguyễn Chí Thiện nói vừa đủ Vĩnh Tuấn nghe:

- Chú cứ hình dung thử mà coi! Giả dụ máy bay của chúng ta đáp xuống sân bay quân sự ở Tây Lộc, lập tức anh em sĩ quan binh sĩ ở đấy sẽ phôn ngay cho Mang Cá biết, cho các chi khu khác biết, rồi thì anh sẽ bị vây bọc trong những vòng tay thân ái, nước mắt và nụ cười, tủi hờn và trách móc âu yếm... đủ hết! Anh sẽ dành thật nhiều thời gian cho anh em chiến hữu, nhưng anh muốn lặng lẽ về với Huế...

Hiểu ý của người anh cột chèo nên vừa ra khỏi máy bay Vĩnh Tuấn đã vội đi kiếm taxi rồi cả hai nhanh chóng lên xe và giục taxi chạy nhanh về Huế, về phủ Vinh Quốc Phong. Qua khỏi cổng phủ, Vĩnh Tuấn lại nhanh chóng đưa Nguyễn Chí Thiện về nhà riêng của mình. Ngọc Mai và các con đi vắng hết, cửa đóng then cài. Vĩnh Tuấn mở cửa cho Nguyễn Chí Thiện bước vào rồi anh mang túi xách hành lý của hai người đưa cất vào tủ. Thấy sách vở đồ dùng của ba mẹ con để vương vãi, anh đoán họ lại đưa nhau về đằng ngoại. Ngọc Mai có thói quen những lúc Vĩnh Tuấn vắng nhà thường đưa các con về ở với ngoại, vừa tiện đường đi học, vừa khỏi phải lo mua sắm nấu nướng gì. Từ khi Bảo Ngọc Giao được hai tuổi, Ngọc Mai chỉ giữ lại một người giúp trông coi con gái mà thôi. Ngọc Mai muốn tự mình đi mua sắm nấu nướng, nhưng nhiều lúc kêu mệt, muốn nghỉ xả hơi lại kéo hết qua nhà ngoại... Vĩnh Tuấn mở tủ lạnh ra thấy có một ít thịt bò, xà lách và cà chua. Đã mười một giờ rưỡi rồi, đói bụng đây. Lúc trên máy bay thấy tướng Thiện cứ ngủ gà ngủ gật ăn uống uể oải, bây giờ phải nấu cơm cho anh ăn ngay mới được. Vĩnh Tuấn liền chạy qua nhà lớn cầu cứu em gái. Anh Thi đang dọn cơm, hôm nay có cả ba ngồi ở bàn ăn. Vĩnh Tuấn chào ba mẹ rồi nói:

- Thưa ba, con đưa tướng Nguyễn Chí Thiện về ở tạm chỗ con hôm nay. Nhà con và các cháu không biết con về nên đến ở chơi đằng ngoại cả. Chắc ba biết tin tướng Thiện đã được phép trở lại Huế?

- Có biết! Ba vừa được tin cách đây ba mươi phút, không ngờ vừa có lệnh là ông ra Huế liền như thế!

- Ồ, anh ấy sốt ruột lắm ba ạ, để rồi con sẽ kể hết sự tình cho ba rõ.

Bà Diệu Anh đưa mấy con cua gạch với nắm bún tàu và mấy cây hành tươi vào tay Anh Thi rồi giục con gái hãy nhanh qua làm cơm để cho anh mời khách.

Anh Thi vâng lời mẹ nhanh chóng đi qua nhà của anh chị mình. Vĩnh Tuấn lật đật đuổi theo em gái. Vào đến nhà bếp, Vĩnh Tuấn nói:

- Có gì trong tủ lạnh em lấy ra làm vội vài món cho hai anh ăn kẻo đói. À cả em nữa là ba anh em chứ, em cũng chưa ăn mà? Hôm nay cứ để ba mẹ ngồi ăn cơm với nhau một bữa bên ấy, em cứ ở lại đây.

Anh Thi đặt nồi cơm xong liền đi làm thịt cua để xào chua ngọt. Lấy một ít gạch cua để nấu canh với bún tàu. Xà lách, cà chua và thịt bò trong tủ lạnh làm món bít Tết... Chừng ba mươi phút sau cơm được dọn lên. Nguyễn Chí Thiện đang ngồi ở phòng khách hút một điếu sì gà nhỏ, lim dim mắt mơ màng nghĩ đến anh em chiến hữu và những bạn bè thân quen ở Huế sẽ đón tiếp ông như thế nào... Bất chợt thấy một người con gái từ phòng ăn bước ra rồi đi xuống nhà bếp, Nguyễn Chí Thiện quay mắt nhìn theo, ông đứng phắt dậy và cũng đi về phía nhà bếp nơi đang có tiếng Vĩnh Tuấn nói gì đó với cô gái. Ở ngưỡng cửa bếp ông dừng lại. Cô gái đang đứng nấu bên bếp, lưng quay về phía ông, đẹp lắm. Vĩnh Tuấn đang rửa xà lách ngẩng lên nhìn thấy Nguyễn Chí Thiện, anh nở nụ cười tươi:

- Sắp có cơm rồi. Đây là em gái của em - Anh Thi, còn đây là tướng Nguyễn Chí Thiện...

Vĩnh Tuấn định nói giễu một câu “... Là người vừa để mất chức Tư lệnh trưởng vùng I chiến thuật...” nhưng anh đã kịp ghìm lại, bởi vì một lời đùa cợt không đúng lúc đúng chỗ cũng gây nên một nỗi đau. Anh Thi quay lại mỉm cười khẽ cúi đầu chào Nguyễn Chí Thiện rồi quay về với món cua xào chua ngọt đang bốc mùi thơm ngào ngạt trên bếp. Nguyễn Chí Thiện sững sờ đờ đẫn trong giây lát, ông thầm kêu lên trong tâm khảm: “Ôi, một trang quốc sắc!” và tự hỏi tại làm sao trên đời lại có một người con gái đẹp đến nhường kia?!

Vĩnh Tuấn sắp rau ra đĩa rồi bưng lên phòng ăn, Nguyễn Chí Thiện cũng dùng dằng bối rối bước lên theo. Vĩnh Tuấn kéo ghế mời Nguyễn Chí Thiện ngồi, rồi anh ngồi đối diện với người anh em cột chèo của mình. Trên bàn có hai bộ đồ ăn. Đĩa xà lách cà chua hành tây thịt bò bít Tết, đĩa tiêu muối, chén nước mắm chanh ớt tỏi, chai Rhum và hai chiếc ly cao cổ. Anh Thi bưng đĩa cua xào chua ngọt lên đặt cạnh đĩa xà lách mà Vĩnh Tuấn vừa đem thêm lên - vì anh vốn thích ăn nhiều rau, rồi lật đật quay lại để lo món canh và món tráng miệng kem Flan. Vĩnh Tuấn rót rượu ra hai chiếc ly rồi nở nụ cười tươi mời Nguyễn Chí Thiện. Hai người chạm cốc với nhau xong, Vĩnh Tuấn gắp thức ăn đặt vào bát Nguyễn Chí Thiện rồi mời ông ăn. Nguyễn Chí Thiện nói:

- Sao chúng ta không đợi cô em gái cùng ngồi
ăn luôn?

- Ồ, em gái em tính nó nhút nhát lắm, với lại nó còn bận làm món gì nữa, xong nó sẽ cùng ngồi ăn. Bây giờ anh em mình cứ ăn trước đi là vừa...

Nguyễn Chí Thiện miễn cưỡng cầm đũa, nhưng lòng ông cứ hướng về tấm nhan sắc chim sa cá lặn đang mãi nấu nướng dưới kia, ông nói:

- Vĩnh Tuấn này, tại sao chú có cô em gái đẹp đến mức ấy mà bây giờ anh mới được gặp lần đầu? Cô ấy ở đâu trong thời gian qua?

- Dạ, em nó vẫn ở Huế từ trước đến nay, nhưng những lần trước anh ghé thăm tụi em mà không gặp nó là vì nó ở trên nhà lớn với mẹ em, với... ba em.

- À, ra vậy! Anh Thi! - Nguyễn Chí Thiện lẩm nhẩm: - Anh nhớ ra rồi, trong vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng anh vẫn nghe đồn rằng ở trường Đồng Khánh có một cô Anh Thi không thua kém gì nàng Tây Thi một thuở! Nhưng anh không ngờ đó là em gái của Vĩnh Tuấn! Anh nghe rồi hình dung người đẹp Anh Thi sắc sảo mặn mà đang làm đảo điên khốn khổ bao đấng mày râu, chứ anh không ngờ Anh Thi là một thiếu nữ đảm đang hiền dịu ngây thơ trong trẻo nhường kia!

- Ồ, ba mẹ em nghiêm khắc lắm! Và em nó từ nhỏ đến giờ cứ ngoan ngoãn hiền lành như thế thôi...

 

Vĩnh Tuấn ngừng nói khi Anh Thi bưng tiếp thức ăn lên rụt rè thận trọng đặt ở bàn và chực quay gót thì bị Vĩnh Tuấn giữ lại nói:

- Em lấy chén đũa lên ngồi ăn với các anh luôn,
kẻo anh Thiện ngồi đợi em từ hồi nãy đến giờ, chưa chịu ăn gì hết.

- Dạ... dạ em mời các anh dùng cơm. Em... em làm xong em phải về ngay kẻo mẹ trông... - Anh Thi rụt rè nói.

- Ồ! Không được! - Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng phản ứng - Nếu em không cùng ngồi thì các anh không thể ăn được. Là em gái của Vĩnh Tuấn thì cũng như em gái của anh mà thôi, phải không? Em ngồi xuống đây với
các anh.

Vĩnh Tuấn đứng lên kéo em gái ngồi xuống cạnh mình, nhưng Anh Thi xoa hai bàn tay trắng muốt với những ngón thon dài hình mũi viết còn lấm lem dầu
mỡ nói:

- Dạ thưa hai anh cứ tự nhiên dùng cơm. Em về coi
lại bài vở để chuẩn bị đi học kẻo trễ. - Anh Thi một mực
từ chối.

- Trễ gì? Chẳng phải các em đang tham gia bãi khóa đó sao? - Nguyễn Chí Thiện hỏi.

Vĩnh Tuấn đỡ lời cho em gái:

- Bãi khóa chủ yếu là các trường đại học. Còn các trường trung học thì tùy nghi, có trường tham gia bãi khóa, có trường không. Riêng với gia đình em dẫu có tham gia bãi khóa, Anh Thi không đến trường thì ở nhà ba mẹ em cũng bắt học đúng như thời khóa biểu. Những lúc đó cả hai ông bà giáo sư chuyên kèm cặp một cô nữ sinh! Cũng vì bãi khóa bãi thi mà năm nay nó gần hai mươi tuổi vẫn chưa thi xong Tú tài toàn phần! Được cái là con bé học rất giỏi, ba mẹ em rất hài lòng.

Khi Vĩnh Tuấn dứt lời thì Anh Thi đã lẻn về gần
tới nhà.

Vĩnh Tuấn lại bưng ly rượu lên hô “chạm cốc” một lần nữa rồi giục Nguyễn Chí Thiện ăn. Anh nói:

- Bữa cơm chỉ có mấy món làm vội nhưng món nào cũng khá, phải không? Hai anh em mình phải ăn hết chỗ này, kẻo lát nữa thức ăn còn thừa là em gái em bị mẹ em rầy la vì tội nấu không ngon...

- Ồ ngon chứ, ngon lắm! - Nguyễn Chí Thiện nói rồi gắp thức ăn nhai nhỏ nhẻ, vừa xới cơm vào bát cho Vĩnh Tuấn và cho mình.

Thấy ông anh cột chèo đang cố gắng tỏ ra vui vẻ ngon lành cho vừa lòng mình, Vĩnh Tuấn ăn vội mấy miếng rồi đặt bát đũa xuống, bước ra ngoài, xăm xăm băng vườn đi lên nhà lớn.

Thấy Anh Thi đang ngồi ăn cơm với mẹ, còn ba ngồi xỉa răng uống nước ở bàn đằng kia, Vĩnh Tuấn cố dịu giọng nói:

- Con bảo Anh Thi cùng ăn cơm luôn, nhưng em không chịu, cứ một mực khước từ rồi bỏ về, làm cho anh Thiện con phật ý, mà con ăn cũng mất ngon.

Bà Diệu Anh lo lắng đưa mắt nhìn con gái rồi nhìn con trai nói:

- Con đừng giận em mà tội nghiệp! Em biết mẹ đang đợi nên em phải về ăn cơm với mẹ. Con hãy lựa lời xin lỗi tướng Thiện giúp cho em con nhé!

- Dạ... - Vĩnh Tuấn cố nén sự bực bội nói: - Con sẽ cố gắng làm cho ổng vui. Người ta vừa mới bị cách chức, buồn khổ không biết để vào đâu cho hết! Em con tiếc chi mà không chịu ngồi xuống cầm đũa lấy lệ cho nó lịch sự một chút? Dẫu gì người ta cũng là khách, còn mình là chủ nhà kia mà?!

Biết anh trai đang giận nhưng Anh Thi vẫn liều lĩnh buông một câu:

- Thì có anh đó được rồi...

- Anh khác, mà em... là khác! Lần đầu ổng được gặp em, ổng quý trọng biết bao nhiêu! Sao em không biết gì hết cả vậy?! Cả đời anh nhờ ổng đỡ cho biết bao nhiêu chuyện...

Bửu Toàn nói như dỗ dành Vĩnh Tuấn:

- Thôi con mau về mà tiếp tướng Thiện cho tử tế. Lát nữa ăn cơm xong ba sẽ bảo em sang ngay.

Vĩnh Tuấn vâng dạ chực bước đi, rồi chửng lại trừng mắt nhìn em gái bảo:

- Lát nữa nhớ qua mà bưng dọn đồ tráng miệng
nghe chưa?

- Dạ... - Anh Thi len lét nhìn Vĩnh Tuấn cất tiếng
nho nhỏ.

Khi Vĩnh Tuấn đi rồi, bà Diệu Anh hỏi Anh Thi:

- Con cho khách tráng miệng món chi?

- Dạ con làm hai đĩa kem Flan xong con đặt vào tủ lạnh, chắc bây giờ kem đã mát lắm rồi, ăn được rồi...

Bà Diệu Anh gật gù tỏ vẻ vừa ý về cô con gái. Bà gắp thức ăn bỏ vào bát cho Anh Thi rồi bảo:

- Thôi con ăn nhanh mà qua bên với anh con, kẻo
anh giận.

- Dạ!

 

Đợi con gái ăn xong, Bửu Toàn gọi Anh Thi đến
bên bảo:

- Người con gái ở đời như bông hoa đẹp. Ngắm nghía, ngưỡng mộ rồi ước mơ khao khát... đó là quyền của thiên hạ. Phần mình luôn giữ cho đoan trang, hòa nhã
là được.

- Dạ...

- Người ta hỏi chuyện thì mình phải trả lời, người ta mời ngồi thì mình phải ngồi chứ không được đứng, mình mời người ta ăn cơm thì mình phải ngồi tiếp cơm người
ta chứ!

- Dạ...

- Ba thấy lúc này tướng Thiện sẽ nghe con đấy! Anh em phong trào cần gì con liệu mà nói với tướng...

- Thưa ba, ba thấy con nên nói chi với ông ấy?

- À... con chỉ cần nói Thiệu Kỳ cách chức ông, nhưng về phía ông cũng nên tỏ cho Thiệu Kỳ biết là cái chức Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương là không hợp pháp hợp lý gì cả! Một chính thể không được lòng dân thì tồn tại mà làm gì. Trong lúc này nếu Nguyễn Chí Thiện công khai tuyên bố ly khai khỏi bộ máy cai trị của Thiệu Kỳ, ly khai khỏi Quân lực Việt Nam Cộng hòa là danh giá nhất...

- Ly khai hở ba?

- Ừ, ly khai khỏi sự kìm kẹp của Thiệu Kỳ, không làm tay sai cho chúng nữa! Khi tướng Thiện bị cách chức Tư lệnh vùng I chiến thuật nhưng vẫn là tướng, Thiệu Kỳ phải trả lương cho tướng. Một khi ly khai chắc chắn không được ai trả lương, sẽ gặp khó khăn. Nhưng làm cách mạng thì phải dấn thân, phải hy sinh chứ? Lật đổ xong tập đoàn Thiệu Kỳ ắt sẽ có người khác trả lương cho tướng Thiện. Lo gì! Ba tin rằng sẽ có nhiều binh lính thuộc cấp của tướng Thiện ủng hộ ông ta.

- Nghe ba nói con thấy thích. Chỉ sợ tướng Thiện không dám hy sinh. - Anh Thi hồ hởi và lo lắng nói.

- Thì con cứ thử xem... ý ông ta như thế nào?

- Dạ...

Anh Thi vâng dạ rồi lật đật đứng lên băng vườn đi qua nhà Vĩnh Tuấn.

Nhìn thấy Anh Thi trở lại, mọi giận hờn của Vĩnh Tuấn chợt tan biến hết. Anh Thi lau hai chiếc thìa bạc nhỏ xíu được chạm trổ tỉ mỉ đặt cạnh hai đĩa kem Flan rồi dùng khay nhỏ bưng lên. Vĩnh Tuấn nói:

- Em hãy đặt kem ở bàn uống nước.

- Dạ!

Anh Thi ngoan ngoãn làm theo lời anh trai rồi quay lại dọn dẹp bàn ăn, nhưng Vĩnh Tuấn đưa tay ngăn lại nói:

- Em tới pha trà và mời anh Thiện dùng món tráng miệng, để việc này cho anh. Em cũng ăn kem với anh Thiện luôn nhé!

Anh Thi ngại ngùng vâng dạ và lướt mắt nhìn thấy thức ăn thừa không nhiều, cô cảm thấy yên tâm. Cô tới bên bàn trà ngồi đối diện với Nguyễn Chí Thiện, mời ông ăn kem rồi Anh Thi cũng cầm thìa múc kem ăn.

Vĩnh Tuấn xuống nhà bếp mang lên một chiếc mâm đồng, đặt tất cả chén đũa, ly tách, chai rượu, thức ăn thừa, khăn vải, khăn giấy... đầy ắp một mâm rồi thong thả bưng xuống bếp. Một lát sau Vĩnh Tuấn trở lên, vừa đi vừa bóc ăn một trái chuối mật mốc béo múp và tròn lẳn:

 

- Ngon! Ngon lắm!... Anh thích món chuối này hơn là món kem.

Vĩnh Tuấn nói rồi bưng tách trà nóng thổi uống xong lại đi xuống nhà bếp.

Nguyễn Chí Thiện ngắm chiếc thìa xinh xắn trong những ngón tay nuột nà đang múc từng miếng kem nhỏ... Cái miệng tươi đẹp như hoa lúc ăn, lúc nói, khi im lặng, khi mím chặt môi, lúc mỉm cười và cười tươi để lộ đôi hàm răng trắng nõn đều đặn. Chỉ riêng cái miệng cười thôi, Anh Thi đã có hơn chục vẻ đẹp. Từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên Nguyễn Chí Thiện được chiêm ngưỡng một nhan sắc đúng như các cụ vẫn thường nói: "Nhất tiếu khuynh quốc, nhị tiếu khuynh thành!". Chỉ một nụ cười này thôi đã có thể làm xiêu lạc hết cả thành trì, vương quốc...

Anh Thi không biết những suy tưởng của Nguyễn Chí Thiện, cô cứ ngồi múc kem ăn nhỏ nhẹ. Bỗng Nguyễn Chí Thiện thấy trong lòng vừa dấy lên một ước muốn kỳ lạ: Giá như ông được là miếng kem Flan kia, để được bàn tay người đẹp Anh Thi dùng thìa xắn nhỏ ra, rồi múc đưa vào miệng...

Vĩnh Tuấn từ nhà bếp đi lên, uống thêm một tách trà nữa rồi đi lục túi hành lý lấy ra một trái mãng cầu Xiêm đưa cho Anh Thi. Anh Thi vui vẻ đón nhận món quà của anh trai đưa từ Sài Gòn ra, cô đặt trái mãng cầu Xiêm ở cạnh bàn. Bây giờ lại đến lượt Nguyễn Chí Thiện thầm ước muốn mình là trái mãng cầu Xiêm kia, để được bàn tay người đẹp nâng lên, đặt xuống...

Một lúc sau câu chuyện xoay quanh đề tài thời sự chính trị. Vĩnh Tuấn rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe em gái mình bày tỏ quan điểm với tướng Thiện:

- Em mà như anh Thiện thì lúc này em ly khai
khỏi ông Thiệu ông Kỳ, ly khai khỏi Quân lực Việt Nam Cộng hòa...

Nguyễn Chí Thiện vừa nói chuyện vừa ngắm mãi khuôn mặt và vóc dáng kiều diễm của Anh Thi. Khi Anh Thi nói ý này, ông ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Đúng. Em nói rất đúng. Chúng cách chức anh, rồi sau đó chúng sai phái anh ra Huế với mục đích vỗ yên dân, vỗ yên quân! Nhìn thấy được dã tâm của chúng rồi, anh sẽ không dại gì để cho chúng lợi dụng theo kiểu đó. Anh phải chứng tỏ cho chúng thấy rằng Thiện này không sá gì cái chức Tư lệnh! Khi ngồi trên máy bay Vĩnh Tuấn dự đoán rằng kỳ này mà anh làm dịu được không khí chính trị ở Huế thì bọn họ sẽ phục chức cho anh... Nhưng bây giờ thì anh nghĩ khác rồi! Giả dụ lúc này đây anh không làm gì cả, mà bỗng dưng họ gọi anh về để phục chức cho anh - anh cũng hết muốn rồi! Điều mong muốn duy nhất của anh lúc này là làm sao lật đổ cho được bọn Thiệu Kỳ! Tên du côn Nguyễn Cao Kỳ vốn có hiềm khích cá nhân với anh...

Buổi tối cùng ngày tại Sài Gòn Phủ Đầu Rồng nhận được báo cáo chiều nay ngày 17 tháng 3 năm 1966, gần năm ngàn người Huế met tin tại quảng trường Thương Bạc và Nguyễn Chí Thiện xuất hiện như một người anh hùng trên diễn đàn với tư cách là thủ lĩnh của nhóm quân sĩ ly khai, trong số đó có quân của Văn phòng Bộ tư lệnh từ Đà Nẵng ra nhập cuộc. Nguyễn Chí Thiện đã ứng khẩu một bài diễn văn hùng hồn kêu gọi đồng bào hãy cùng quân đội đứng lên làm cách mạng đánh đổ Thiệu Kỳ!

 

Phủ Đầu Rồng giận lắm! Hóa ra mình nuôi ong tay áo! Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia không kìm nén được nữa, ông ngửa mặt lên trời thốt kêu với cung giọng bi thiết và đầy phẫn nộ. Tưởng cho chả ra Huế để chả vỗ yên dân ngoài đó, nào ngờ chả làm cho tình hình thêm trầm trọng! Ông liền lệnh cho Tổng trưởng Quốc phòng phải báo cáo ngay danh sách những quân nhân đi theo Thiện tuyên bố ly khai.

Cùng thời gian đó, tại Huế nhiều sinh viên học sinh công tư chức và tiểu thương, đặc biệt là tiểu thương các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... đi quyên góp để nuôi quân sĩ ly khai. Tuy thời gian này các trường tham gia bãi khóa nên lương bổng của giáo chức tư thục không ổn định, nhưng thầy giáo Bửu Toàn vẫn đóng góp nguyên một tháng lương của mình. Vĩnh Tuấn đóng hết khoản nhuận bút của bài phóng sự vừa đăng, cô giáo Diệu Anh trích một phần trong tháng lương của mình, thầy giáo trường Kỹ nghệ thực hành Phan Tấn trích một nửa số lương tháng để đóng góp, riêng Sa - vợ anh - đi quyên góp năm mươi tiểu thương được một khoản tiền là một trăm ngàn đồng, tương đương với hai mươi lăm lượng vàng. Con số ấy thật đáng kể. Đặc biệt hơn cả, có một người đóng hết cả suất lương của mình mà không cho Sa ghi vào danh sách, đó là trung úy Vĩnh Cơ. Tuy Sa một thời làm vú nuôi Vĩnh Bảo nên Sa thương yêu Vĩnh Bảo như con, như em ruột của mình đã đành, nhưng Sa còn thương yêu Vĩnh Cơ như Vĩnh Bảo, có khi hơn cả Vĩnh Bảo. Và Vĩnh Cơ cũng rất thương chị Sa. Từ nhỏ Vĩnh Cơ đã bộc lộ bản chất hiền hòa lễ phép, sống rất có tình, luôn nhường nhịn em, nhường nhịn mọi người chung quanh, nhận sự thua thiệt về phần mình. Nhà có hai người con trai - dẫu đang bận học hành nhưng đều ở độ tuổi đăng lính. Vĩnh Cơ sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm liền chấp nhận nhập ngũ, mà không hề tìm cách trốn tránh như những người khác, với mục đích để cho Vĩnh Bảo khỏi bị bắt lính năm ấy, để cho em được tiếp tục học hành thi cử. Thế nhưng thời gian này thấy Vĩnh Bảo xao lãng việc học hành thì Sa sốt ruột lắm, nhưng vì mục đích đúng đắn của cuộc đấu tranh nên Sa không hề mở lời can ngăn. Sa còn nhớ ngày bị bắt vào quân trường Thủ Đức, Vĩnh Cơ đã viết cho Sa một bức thư cháy lòng đứt ruột nói lên lòng biết ơn sâu sắc của Vĩnh Cơ đối với người chị tuy không cùng huyết thống nhưng tình nghĩa sâu nặng biết chừng nào. Nay Vĩnh Cơ phải lâm vào thế cùng quẫn, rồi đây phải cầm súng xông pha nơi trận mạc bắn vào đồng bào mình, Vĩnh Cơ đau đớn lắm... Mỗi lần Sa mở thư em trai ra đọc là không cầm được nước mắt. Rời khỏi quân trường Thủ Đức không lâu Vĩnh Cơ đã tự gây thương tích cho mình trên bàn tay phải, ngón nặng nhất là ngón lãy cò. Sau khi điều trị ở quân y viện về, dù pháp y xác nhận là anh bị cướp cò súng nhưng Vĩnh Cơ vẫn bị phạt tù theo điều luật. Ra tù, anh không trở lại đơn vị tác chiến nữa mà làm thông dịch viên cho cố vấn Mỹ tại Đà Nẵng. Chừng hơn nửa năm sau Vĩnh Cơ lại bị điều động về công tác ở Ban tâm lý chiến, chuyên làm thông tín viên cho đơn vị và cộng tác viên đắc lực của Đài phát thanh Cờ Đỏ. Rồi một ngày nọ Sa hết sức bất ngờ khi một cơ sở đến dẫn chị đi gặp một cán bộ ở trên mới về cho hay Vĩnh Cơ là người của cách mạng, anh đang hoạt động trong mạng lưới tình báo của Bộ Quốc phòng. Vĩnh Cơ rất cần sự giúp đỡ và bảo vệ của Sa. Xúc động nghẹn ngào, Sa càng nghĩ càng thương Vĩnh Cơ gấp bội phần! Từ đó Sa được trên chọn làm một trong những đầu mối giao liên có nhiệm vụ chuyển tải những tin tức, tài liệu quan trọng từ chỗ Vĩnh Cơ về hậu cứ cách mạng.

Sa không hề biết rằng ngay từ những ngày đầu bị bắt lính, Vĩnh Cơ đã được bác Bửu Toàn bí mật giáo dục, tổ chức đưa Vĩnh Cơ vào hoạt động nội tuyến, rồi giới thiệu Vĩnh Cơ cho cán bộ chuyên trách. Giữa những ngày khí thế cách mạng của quần chúng Huế trào dâng, Vĩnh Cơ rất muốn cùng anh em ly khai chống lại tập đoàn Thiệu Kỳ. Nhưng chị Sa đã gặp Vĩnh Cơ để truyền đạt chỉ thị của Tổ chức là Vĩnh Cơ tuyệt đối không được ly khai, bởi vì cách mạng đang cần Vĩnh Cơ ở vị trí hiện nay.

Khi Vĩnh Bảo học năm thứ ba Cao đẳng Mỹ thuật thì gặp và làm quen với nữ sinh viên năm thứ nhất Kim Hồng Mai. Cô họa sĩ tương lai này thật là xinh đẹp. Nếu làm phép so sánh thì Vĩnh Bảo thấy sắc đẹp của Kim Hồng Mai chỉ thua kém chị Anh Thi của Vĩnh Bảo mà thôi. Liên tiếp những ngày sau khi tướng Nguyễn Chí Thiện tuyên bố ly khai thì Vĩnh Bảo, Kim Hồng Mai và Nguyễn Hồng Quang luôn cùng nhau tham gia tất cả những hoạt động của phong trào chống Mỹ và chống tập đoàn Thiệu Kỳ. Hôm nay cả ba lại có mặt trong khối công chúng đông ước chừng trên ba vạn người tập trung tại Thương Bạc, đặc biệt trong số đó có cả cảnh sát và lính cộng hòa, họ công khai tuyên bố gia nhập lực lượng tranh thủ cách mạng. Tiếp đó là một cuộc tuần hành qua các đường phố với sự tham gia của hơn bốn trăm xe ca, xe buýt..., trên thành xe giăng các biểu ngữ đỏ chót phản đối nhà cầm quyền Sài Gòn, tố cáo đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam... Đi trong bầu không khí đó, một lần nữa Vĩnh Bảo lại tự hỏi tại sao anh Vĩnh Cơ còn đợi chờ tiếc nuối cái gì nữa mà không chịu ly khai? Và càng đi bên nhau Vĩnh Bảo càng thấy Nguyễn Hồng Quang đã quá nặng lòng với Kim Hồng Mai. Như thế cũng vu 745 i. Riêng Vĩnh Bảo vẫn giữ một tình bạn hồn nhiên và chân thành.

Tại Sài Gòn, Phủ Đầu Rồng nhận được báo cáo cuộc biểu tình hơn ba vạn người tại Huế, có sự tham gia của lực lượng cảnh sát và quân nhân tuyên bố gia nhập lực lượng tranh thủ cách mạng. Cùng lúc nhận được báo cáo ở Huế vừa hình thành một tổ chức có tên là Sinh viên Quyết tử do Tâm Anh sinh năm 1937 - sinh viên Đại học Sư phạm cầm đầu. Các quân nhân ly khai được lệnh của tướng Thiện đang huấn luyện và trang bị vũ khí cho đoàn Sinh viên Quyết tử gồm hơn năm trăm người...

- Nó sinh năm 1937 thì bây giờ đã hai mươi chín tuổi, tại làm sao nó vẫn còn là sinh viên? - Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia bức xúc đặt câu hỏi.

Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương đang ngồi đối diện thấy không cần phải trả lời câu hỏi này, nhưng ông vẫn trả lời:

- Chúng nó cứ bãi khóa bãi thi mãi từ năm 1963 tới nay thì làm sao mà tốt nghiệp được?

- Nhưng trước năm 1963 tính ra nó đã hai mươi sáu tuổi vì sao vẫn còn học Đại học Sư phạm? Vì sao chưa chịu ra trường? Ông không nghĩ rằng chúng giả vờ thi hỏng thi trượt để ở lại mà hoạt động chống phá sao? Việt cộng rất có sở trường trong việc cài người của họ vào công sở, vào trường học...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83483


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận