Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 5


Chương 5
Tại Phủ Đầu Rồng, một ngày thượng tuần tháng 4 năm 1966, thừa lệnh của Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia,

 

Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương đáp chuyến bay đặc biệt từ Sài Gòn ra Đà Nẵng thị sát tình hình và chỉ thị một giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề vùng I chiến thuật. Các cơ quan quân sự và dân sự của Mỹ được lệnh phải rút khỏi Đà Nẵng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tiếp theo là một trung đoàn kỵ binh đổ bộ xuống Đà Nẵng để chuẩn bị đàn áp. Bộ tư lệnh Sư đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng tại đồn Mang Cá Huế liền triệu tập tất cả các sĩ quan họp và khẩn cấp ra tuyên bố phản đối Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương dùng quân đội đàn áp dân chúng tại Đà Nẵng.

Nghe xong tuyên bố này, các cố vấn Mỹ quá hoảng sợ nên đã rủ nhau trốn khỏi Huế ngay chiều hôm ấy. Cùng thời gian, tại Thương Bạc hơn ba vạn người Huế họp met tin, rồi tuần hành qua các ngả đường, sau đó một số giáo chức, sinh viên Văn khoa, Sư phạm, Mỹ thuật... trong đó có Vĩnh Bảo và Nguyễn Hồng Quang được anh em cử vào Đà Nẵng để cùng với anh em Đà Nẵng phụ trách các chương trình phát thanh trên Đài phát thanh Đà Nẵng do lực lượng đấu tranh tại Đà Nẵng vừa chiếm được, và Tâm Anh dẫn một đại đội trong trung đoàn Sinh viên Quyết tử được trang bị vũ khí đầy đủ lên đường để chi viện cho phong trào đấu tranh của Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An...

Một ngày thượng tuần tháng 5 năm 1966, đồng bào Huế được tin phong trào đấu tranh của quân nhân ly khai và nhân dân Đà Nẵng bị đàn áp. Lập tức một cuộc mét tin hình thành tại Thương Bạc có hơn hai vạn người tham gia. Đại diện của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Sài Gòn chà đạp lên nguyện vọng chính đáng của nhân dân Đà Nẵng. Liên tiếp những ngày sau đó, không ngày nào thiếu vắng những cuộc met tin biểu tình của nhân dân và quân nhân ly khai tại Huế, không thiếu vắng một cuộc hội thảo nào tại giảng đường C của trường Đại học Khoa học nhằm lên án Mỹ, Thiệu, Kỳ. Ngày 26 tháng 5 năm 1966, khi các lực lượng tranh thủ cách mạng họp met tin tại Thương Bạc xong, kéo xuống đường biểu tình tuần hành qua các đường phố lớn, qua cầu Trường Tiền, xuống đường Lê Lợi, gặp lúc cuộc hội thảo của sinh viên tại giảng đường C trường Đại học Khoa học vừa xong, họ tràn xuống, kéo nhau qua đường Lý Thường Kiệt, vào phòng Thông tin văn hóa Hoa Kỳ thi nhau đập phá, đốt cháy tất cả sách báo phim ảnh, hô to khẩu hiệu:

- Đà đảo văn hóa nô dịch! Đả đảo! Đả đảo!

Những bậc làm cha làm anh đứng ở ngoài hả hê nhìn thấy con em mình tay cầm gậy gộc hò reo đập phá rồi người bật lửa, người quẹt diêm, người cầm lá cờ Mỹ ra giữa sân xé nát xong vứt xuống đất, rồi cùng giẫm đạp lên... Ngọn lửa bốc mỗi lúc một cao, khói bụi mịt mù thiêu rụi tất cả văn hóa phẩm trong phòng Thông tin văn hóa Hoa Kỳ, thiêu rụi luôn cả ý muốn dùng văn hóa ngoại lai để mê hoặc người dân xứ Huế!

Sau khi đàn áp được phong trào đấu tranh ở Đà Nẵng, các đơn vị thiện chiến của quân đội Sài Gòn tiến quân ra Huế. Ủy ban nhân dân tranh đấu Huế được thành lập báo động cho toàn dân chuẩn bị đối phó. Đồng bào đưa những tiện nghi vật dụng trong nhà mình như bàn ghế tủ giường... ra đường để làm chướng ngại vật cản bước tiến của những đoàn quân ngụy. Một số gia đình đưa cả bàn thờ Phật ra đường... Nhưng ngày 6 tháng 6 năm 1966, một tiểu đoàn có tên gọi là “Trâu điên” do Phủ Đầu Rồng bổ sung vào lực lượng đàn áp nhằm triệt phá tất cả các chướng ngại vật trên đường. Những con “Trâu điên” cho xe thiết giáp húc đổ các bàn thờ Phật, bắn vào dân chúng và thực hiện lệnh thiết quân luật trên toàn thành phố. Sự đàn áp dã man và khốc liệt diễn ra trong suốt hai tuần lễ làm cho Huế trở nên ảm đạm bi thương.

Các lực lượng tranh đấu đi tham gia cách mạng. Người thì thoát ly lên Trường Sơn, người rút vào hoạt động bí mật ở nội thành, một số bị bắt đi tù, một số vẫn bám trụ hoạt động hợp pháp.

Đông xuân 1966-1967, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trước đây ở căn cứ địa kháng chiến trên dãy Trường Sơn, trên núi Kim Phụng, ở nông thôn và vùng ven thành phố... nay chuyển về hẳn nội thành để trực tiếp chỉ đạo phong trào và chuẩn bị cho Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Ngôi biệt thự của Bửu Toàn trên đường Chương Đức được chọn làm một trong những nơi ở và làm việc của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt này. Sau khi thống nhất và bàn bạc kỹ, Bửu Toàn cùng Phan Tấn bí mật thiết kế một chỗ ẩn nấp cho cán bộ ngay trên trần nhà. Cán bộ ban ngày cải trang nhiều dạng để đi hoạt động, ban đêm về làm việc với Bửu Toàn và Phan Tấn rồi ăn cơm và nghỉ ngơi trong biệt thự. Tín hiệu an toàn để đón cán bộ vào lúc sáu giờ rưỡi chiều là khi nhạc hiệu của Đài BBC nổi lên. Những lúc thời tiết xấu, không bắt được sóng của đài này thì bật ngọn đèn ngủ màu hồng trong phòng của Đoan Thuận. Phòng của Đoan Thuận ở phía bên trái của ngôi biệt thự nhìn từ trong ra, có một cửa sổ lớn và một cửa ra vào ở mặt trước. Những lúc mất điện thì thắp một ngọn đèn bóng màu đỏ đặt trên bàn viết của Đoan Thuận. Thời gian này địch tăng cường đánh phá trên các mặt trận, nhất là các huyết mạch giao thông hai miền Nam Bắc, chúng tăng cường công tác bình định nông thôn, giành giật từng người dân từng tấc đất để chuẩn bị cho tổ chức bầu cử tổng thống vào mùa thu. Các lực lượng vũ trang cách mạng thì lại bất ngờ đánh địch ở giữa lòng thành phố: Đánh vào khách sạn có đông quân Mỹ và chư hầu, đánh trung tâm huấn luyện và các đồn bốt làm tiêu hao nhiều sinh lực địch nên chúng phải tìm nguồn bổ sung. Đối với các quân nhân ly khai trước đây chúng không còn có ý định trừng phạt mà chỉ chiêu dụ quay về, một số không muốn làm hàng thần lơ láo nên rã ngũ về sống đời thường dân. Tướng Nguyễn Chí Thiện về sau lấy cớ sức khỏe kém nên ra nước ngoài để chữa bệnh. Ngọc Mai, vợ của Vĩnh Tuấn, đã đăng vào đội quân bình định nông thôn dưới sự khích lệ của người cha. Cũng nhờ bóng râm quyền lực của người cha mà vừa gia nhập vào đội quân này chưa đầy ba tháng, Ngọc Mai đã được phong làm Trưởng đoàn bình định. Đã từ lâu Bửu Toàn và Diệu Anh không hề có ý kiến gì với con dâu nên dịp này cả hai người cứ để mặc cho cô tự tung tự tác. Bửu Toàn hiểu rằng những cử chỉ hiền dịu chân phương trước đây của Ngọc Mai là ngụy tạo, vì bản chất của Ngọc Mai là hãnh tiến, luôn muốn chứng tỏ mình. Thì cứ để cho cô chứng tỏ! Thì cứ để cho mà hãnh tiến!...

Thời gian này Bửu Toàn cũng ít về phủ Vinh Quốc Phong. Anh Thi thỉnh thoảng đến thăm ba rồi về với mẹ. Cô đang chuẩn bị thi Tú tài toàn phần.

Anh Thi đã thi đỗ Tú tài toàn phần. Bửu Toàn bàn với Diệu Anh nên cho con du học ở Pháp. Diệu Anh cảm thấy hụt hẫng khi nghĩ đến lúc phải sống xa Anh Thi, nhưng vì tương lai của con nên Diệu Anh đành phải tỏ ra vui vẻ thuận theo ý muốn của Bửu Toàn. Khi Bửu Toàn đem việc này ra bàn với Anh Thi thì Anh Thi liền tỏ ý không muốn đi. Anh Thi nói bây giờ ở Huế đã có Viện Đại học, có hẳn năm khoa cho con chọn để theo học thì cần gì phải đi xa? Bửu Toàn nói:

- Nhưng ba thấy trước rằng học ở Huế sẽ... không thuận lợi.

Anh Thi nói:

- Thưa ba mẹ, con sợ xa ba mẹ xa nước nhà, xa


Huế, con sẽ nhớ lắm! Con muốn được ở gần nhà, gần ba mẹ thôi...

Nghe con gái nói lời mộc mạc chân thành bày tỏ ý nguyện, Bửu Toàn thấy không nỡ bắt ép con phải làm theo ý mình nữa. Diệu Anh mừng ra mặt, và Bửu Toàn lại nhớ Đoan Thuận. Ngày xưa Đoan Thuận một mực không chịu đi du học chỉ vì quá yêu ông, Đoan Thuận không thể rời xa ông. Còn Anh Thi bây giờ tuy miệng nói nhớ nước, nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ nhớ Huế, nhưng cái mà Anh Thi nhớ nhất là nhớ phong trào sinh viên học sinh Huế tranh đấu! Tuy phong trào có lúc lên lúc xuống, thậm chí bị đàn áp dữ dội như thời gian vừa qua, nhưng trong lòng tuổi trẻ Huế là một nỗi nhớ khôn nguôi. Giờ đây họ lao vào học hành thi cử nhưng lòng cứ náo nức chờ đợi thời cơ. Anh Thi không ở ngoài tâm trạng ấy. Sinh con chẳng lẽ ông không hiểu được lòng con hay sao? Ông còn biết được rằng Anh Thi tuy học giỏi đều các môn và môn nào Anh Thi cũng học với tất cả sự hứng thú, nhưng cô đang dự định thi vào Đại học Khoa học, bởi vì Anh Thi quan niệm rằng văn chương, triết học, ngoại ngữ... ở mức nào đó con người ta có thể tự học, tự nghiên cứu được, còn toán lý hóa... phải có thầy dạy mới học được.

Tháng 8 năm 1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố bản cương lĩnh với nội dung cơ bản giành chính quyền về tay nhân dân. Thành ủy Huế chỉ đạo các ngành các cấp trước mắt tập trung vào hai công tác trọng tâm, đó là đấu tranh chống bầu cử tổng thống ngụy quyền và đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Nhưng rồi với sự uy hiếp kìm kẹp và trò gian lận trong bầu cử, ngày 3 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu vẫn trúng cử Tổng thống theo ý muốn của người Mỹ.

Mấy hôm nay Phan Tấn vắng nhà luôn, ngày cũng như đêm, Bửu Toàn phải một mình lo làm nhiệm vụ cảnh giới thị sát tình hình quanh khu vực trước lúc đón vị cán bộ lãnh đạo về nhà an toàn. Phan Tấn đi tham gia vận chuyển vũ khí từ các trạm trung chuyển về cất giấu trong nội thành để chuẩn bị cho chiến dịch. Vĩnh Bảo, Nguyễn Hồng Quang và một vài sinh viên học sinh Huế được bí mật đưa lên vùng hậu cứ để tập huấn. Trước khi đi, Vĩnh Bảo đến gặp bác Bửu Toàn mượn chiếc áo choàng ấm bằng vải không thấm nước để chống lại cái lạnh ở Trường Sơn. Lúc về Vĩnh Bảo nói cháu đã mạn phép bác tặng chiếc áo đó cho một anh giải phóng quân vừa bị mất hết tư trang đồ dùng vì bom B52 đánh, may mà người còn sống. Bửu Toàn khen cháu biết nhường cơm sẻ áo, cháu làm như vậy là rất phải, bác rất vui lòng.

Hai giờ ba mươi ba phút ngày 31 tháng 1 năm 1968, nhằm đêm mồng một rạng ngày mồng hai Tết Nguyên đán Mậu Thân của miền Nam, và nhằm đêm mồng hai rạng ngày mồng ba Tết của miền Bắc, đạn đại bác của quân giải phóng đồng loạt bắn vào các đồn bốt và trung tâm huấn luyện lớn của địch - cũng là tiếng pháo phát lệnh tiến công nổi dậy trên toàn thành phố Huế. Các lực lượng cách mạng được bố trí trước đó ở hai cánh Nam và Bắc sông Hương đã tiến công các mục tiêu như vũ bão làm cho địch trở tay không kịp. Trước đó chừng một tháng, phía quân giải phóng làm động tác nghi binh khiến cho Phủ Đầu Rồng tưởng sẽ có đánh lớn ở cực Nam Trung Bộ nên đã điều một số lượng lớn quân tinh nhuệ lên phòng thủ cao nguyên Trung Phần. Về phía quân giải phóng, chiều ngày 30 tháng 1 năm 1968, tức mồng một Tết Nguyên đán Mậu Thân các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, các đội vũ trang tuyên truyền, biệt động, các đội công tác và cán bộ khởi nghĩa từ nhiều nơi khác nhau hành quân về những điểm tập kết đã được ấn định. Có cả thảy hơn mười một tiểu đoàn hành quân về mặt trận Huế. Những đơn vị từ xa mới tới Huế lần đầu chưa thuộc địa hình, lúc này mới thực sự cần đến những người dẫn đường như Vĩnh Bảo, Nguyễn Hồng Quang...

Quân giải phóng chiến đấu và làm chủ thành phố Huế đã hai mươi lăm ngày đêm, bắt sống và bức hàng gần ba vạn quân nhân và quan chức, đánh tan tác các cơ quan đầu não của Mỹ và Sài Gòn tại Thừa Thiên và thành phố Huế. Bốn giờ sáng ngày thứ hai mươi sáu, Phan Tấn về nhà báo cho Bửu Toàn biết Bửu Tín đã qua đời. Trước đó Vĩnh Bảo ghé qua nhà rồi đi ngay. Sợ rằng Vĩnh Bảo có thể rút ra khỏi thành phố cùng với quân giải phóng nên Bửu Tín mang thức ăn đồ dùng đi tìm con, nào ngờ chưa gặp được con thì đã bị bom Mỹ sát hại. Bà con lối phố nhận ra ông, đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp nữa. Họ liền đưa ông về nhà. Bửu Toàn đau đớn cùng với Phan Tấn đi dưới làn bom đạn về với em trai. Một số bà con cô bác đã tập trung ở đây. Vợ Bửu Tín khóc chồng thảm thiết. Bên cạnh bà có Diệu Anh, Anh Thi và Sa cùng với mấy người cô người thím. Không có Vĩnh Cơ, không có Vĩnh Bảo. Phan Tấn và mấy ông chú ông bác khâm liệm cho Bửu Tín xong thì Vĩnh Cơ về khóc cha một lúc rồi xin phép bác và mẹ để đi ngay kẻo không kịp.

Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo và Phan Tấn cùng rời khỏi thành phố với quân giải phóng. Bác sĩ Kim Hồng Văn tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế dịp này cũng rút theo luôn.

 

Sau đám tang của Bửu Tín nhà hoang vắng lắm. Bửu Toàn và Diệu Anh, Anh Thi thời gian này thường có mặt bên cạnh bà Phủ. Bà Phủ nói với Sa:

- Các anh rủ nhau đi hết, còn chị Sa đó sao không đi cho luôn?

Sa biết bà Phủ hờn mát trách móc các con. Cùng một lúc chồng chết, các con bỏ đi hết làm sao bà không đau buồn được? Trong thời gian qua nếu Sa không khéo giữ gìn thì đã bị lộ và giờ này cũng phải rút về hậu cứ, chứ không đợi bà Phủ phải hờn mát. Sa còn nhớ khi quân giải phóng vừa làm chủ thành phố được ba hôm thì ông Bửu Toàn nói với vợ chồng Sa:

- Lần này cách mạng có thể làm chủ thành phố Huế vĩnh viễn, buộc Nguyễn Văn Thiệu phải cắt đất và lo cố thủ từ đèo Hải Vân trở vào, nhưng cũng có thể chưa dứt điểm được. Vì thế các con phải hết sức thận trọng, bởi làm cách mạng là lâu dài và phải biết bảo tồn lực lượng...

Bây giờ nghiệm lời của ông, Sa thấy quả như thần. Tầm nhìn của ông giúp đưa ra nhận thức và đánh giá cục diện đúng mức ngay từ buổi ban đầu. Tuy nhớ lời ông dặn nhưng chỉ một mình Sa là giữ gìn được thế hợp pháp của mình, còn Phan Tấn, công việc buộc anh phải hoạt động như với con thoi.

Bửu Toàn nhìn bức ảnh em trai trên bàn thờ, lựa lời an ủi em dâu:

- Dẫu sao các cháu đã đi cùng nhau một con đường, anh em ruột thịt không bắn vào nhau là đại phúc rồi. Thím hãy gắng giải khuây việc của chú đi, để giữ gìn sức khỏe mà đợi các cháu trở về...

 

Thời gian này Sa phải một mình chăm sóc bà Phủ vừa phải chạy lên ngôi nhà trên đường Chương Đức để thu vén dọn dẹp và chăm sóc ông Bửu Toàn. Từ trước nay Bửu Toàn cảm nhận được rằng Sa đối với ông còn hiếu hạnh hơn Ngọc Mai nhiều. Diệu Anh và Anh Thi cũng nhận thấy như vậy và cả hai mẹ con đều yêu quý Sa. Giờ đây thấy Sa buồn vì phải xa chồng, lại phải thay chồng quán xuyến công việc của cả hai nhà, ai cũng khen Sa đảm đang, hiền dịu và hiếu thảo. Địch tăng cường đánh phá kìm kẹp càn quét và truy bắt tất cả những ai có liên quan với cách mạng trong Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Hương Thảo bị gọi lên hạch sách vì có chồng đi theo Việt cộng, Kim Hồng Mai bị mật vụ theo dõi thường xuyên vì có người yêu là Nguyễn Hồng Quang đi làm Việt cộng. Vĩnh Tuấn đang ở Sài Gòn thì bị bắt rồi di lý ra Huế để phạt án tù vì tội viết nhiều bài báo cho Việt cộng trong thời gian Việt cộng chiếm đóng Huế!. Nguyễn Thị Sa bị gọi lên trình diện một tuần hai lần để hạch hỏi vì tội có chồng đi Việt cộng. Trước sau Sa chỉ một mực nói:

- Họ tới bắt biểu chồng tôi đi làm chi trên phố, tôi ở dưới này làm sao biết được? Các ông muốn hỏi thì hỏi quan ngài Bửu Toàn ấy!

Bọn chúng cho mời Bửu Toàn lên trụ sở quận để hạch hỏi, Bửu Toàn nói:

- Phan Tấn là con người lái xe cũ của tôi, nó bị mất hết cha mẹ, tôi đem về nuôi kẻo tội nghiệp mà thôi, nó đã lớn làm sao tôi có thể quản lý nổi hành vi của nó...

- Thế còn cậu Vĩnh Tuấn là con trai của quan ngài, quan ngài đã dạy dỗ cậu như thế nào để cho cậu ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản vậy?

- Nó là con trai của tôi, cũng là con rể tin cậy của ngài Chánh văn phòng Tòa hành chánh tỉnh... - Bửu Toàn bình thản trả lời.

Khi Bửu Toàn bị gọi lên để đối chất thì ở phủ Vinh Quốc Phong Diệu Anh khóc sướt mướt. Anh Thi an ủi mẹ:

- Anh con chỉ bị tù hai năm, chứ có lâu gì? Lao Thừa Phủ cũng ở gần, lúc nào mẹ và con muốn đến thăm anh mà chẳng được?

- Lúc nào mà chẳng được? - Diệu Anh lau nước mắt nhìn con gái vẻ lạ lẫm. Nhà tù người ta quy định có giờ giấc để thăm nuôi tù, chứ sao lại dễ dàng như kiểu con nói?

Anh Thi không giải thích gì với mẹ. Nhưng ngày hôm sau, khi Diệu Anh đi với con gái đến lao xá Thừa Phủ để thăm con trai thì bà đã hiểu được. Bọn lính gác nhà lao sẵn sàng đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của người đẹp Anh Thi, mặc cho cấp trên của chúng có thể giáng xuống đầu chúng bất cứ hình phạt gì! Có thể nói Vĩnh Tuấn ở tù mà “sướng như tiên” - theo lời của các bạn tù. Anh được ở riêng một phòng, được ăn ngon, mặc sạch, hàng ngày có đủ sách báo để đọc, gia đình muốn vào thăm lúc nào cũng được. Nhiều người nói nhờ bóng râm của ông bố vợ và nhờ uy lực của tướng Nguyễn Chí Thiện - dẫu tướng Thiện bây giờ không có mặt ở đây nữa - nên mức phạt tù đối với Vĩnh Tuấn chỉ là tượng trưng. Có thể điều đó đúng - Bửu Toàn hiểu như vậy và lấy đó làm điều an ủi Diệu Anh.

Giờ đây ở trong tù Vĩnh Tuấn nhớ lại Sài Gòn một sáng tháng Giêng năm 1968, Vĩnh Tuấn thắng chiếc Honda từ nhà tới tòa soạn báo để gửi bài phóng sự anh vừa viết xong lúc hai giờ sáng - ưng ý lắm. Anh chuyên mảng phóng sự xã hội. Định gửi bài xong, nhận nhuận bút bài tuần trước rồi đi ăn sáng ở quán phở 86 trên đường Ngô Tùng Châu, sau đó ra ngồi nhâm nhi cà phê ở nhà hàng Lapagode với một tờ báo, gần trưa sẽ ăn cơm tại một tiệm cơm bình dân trên đường Lê Thánh Tôn, rồi về nhà ngủ một giấc cho lại sức... Thế nhưng vừa bước chân vào tòa soạn cô thư ký đã trao cho anh một phong thư, thư của Ngọc Mai. Bóc vội thư đọc lướt anh chợt bàng hoàng. Đến quán điểm tâm giải khát mở thư vợ đọc lại một lần nữa: “... Anh về thu xếp đưa mẹ con em vào Sài Gòn, kẻo ở đây Việt cộng sắp giết em rồi...”. Vĩnh Tuấn hiểu một khi Ngọc Mai đã nói vậy có nghĩa là tình thế gay go lắm rồi! Cô vốn can đảm, có năng lực, muốn chứng tỏ, lại được thân phụ khuyến khích nên năm ngoái mới được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn bình định nông thôn đặc trách hai quận Phú Vang và Phú Thứ. Tổ chức này là một biến tướng của mô hình xây dựng ấp chiến lược trước đây của Ngô Đình Nhu, nay các đoàn bình định nông thôn có nhiệm vụ xây dựng lại những vùng quê đã bị lọt về tay cộng sản, chấn chỉnh bộ máy chính quyền cơ sở. Anh còn nhớ Ngọc Mai sau mỗi chuyến đi công tác về mệt nhoài, đen đúa, nhếch nhác. Nghỉ ngơi vài hôm cho lại sức rồi cô lại kéo những thành viên trong đoàn bình định đến cùng làm món ăn dọn ra trên những chiếc bàn đặt dưới bóng cây lưu niên trong vườn, cùng ăn uống vui đùa. Tham gia vào những cuộc này còn có mấy người bạn thân của Ngọc Mai là các ca sĩ tâm lý chiến như Thiên Hương, Nhã Lan, Hoàng Oanh..., cô nào cũng trẻ măng, khá xinh, giọng ca hết sức ngọt ngào. Vợ anh tuy không đẹp bằng các ca sĩ này, nhưng ở Ngọc Mai luôn toát ra một cái uy, cái uy đàn bà đầy sức quyến rũ! Những lúc Ngọc Mai đi công tác thì các con anh là Bảo Ngọc Quỳnh và Bảo Ngọc Giao ở nhà với cô Anh Thi và bà nội. Những lần chị dâu đưa bạn bè về nhà, Anh Thi thường phụ giúp nấu nướng bưng dọn thức ăn xong liền rút về nhà lớn với mẹ, nói là bận học. Chưa một lần Anh Thi tham gia vui chơi ăn uống ca hát với đám người kia. Cũng vì Anh Thi đẹp nổi tiếng mà vẫn chân phương trong trẻo hiền dịu nên tướng Nguyễn Chí Thiện gặp là mê ngay, nhưng chẳng làm sao được, bởi Thiện đã có vợ con. Nhưng cái tình yêu dấu mê đắm đơn phương không thể cất giữ mãi trong lòng, nên có dịp là tướng Thiện bày tỏ với anh trai của Anh Thi ngay. Ngoài mối quan hệ anh em cột chèo, Vĩnh Tuấn trở thành chỗ thân thiết đặc biệt với tướng Thiện là vì thế. Ở Sài Gòn, bạn bè trong giới báo chí thấy anh thỉnh thoảng cặp kè với vị tướng trẻ hai sao này thì có phần nể phục anh lắm. Một số tin tức tài liệu moi được ở tướng Thiện đã làm phong phú thêm các bài báo của anh. Về phương diện này anh cũng cám ơn tướng Thiện lắm. Đi đâu làm gì anh cũng nói cho tướng Thiện hay. Khi đứng lên bước ra khỏi quán đụng phải một thuộc hạ của tướng Thiện, Vĩnh Tuấn nói:

- Nhờ anh thưa lại với tướng Thiện rằng tôi có việc phải ra Huế gấp.

Viên sĩ quan trẻ đứng chụm chân nói:

- Tôi e rằng ngài Thiếu tướng sẽ phàn nàn, vì lúc này an ninh của Huế không tốt.

Vĩnh Tuấn vừa dợm bước đi nói:

- Chính vì điều đó mà tôi phải ra Huế ngay để kịp lo cho vợ con tôi...

Nói xong Vĩnh Tuấn bước đi thẳng.

Về đến Huế thấy tràn ngập không khí Tết lòng Vĩnh Tuấn ấm lại. Đi trên những con đường ngát hương hoa xuân về sớm, với những sắc màu tươi mới rực rỡ của các loại bánh trái hoa quả và mứt Tết, Vĩnh Tuấn nghĩ giá như anh không canh cánh bên lòng nỗi lo tính mạng vợ bị đe dọa, thì giờ đây anh là một con người rất đỗi hạnh phúc, một đứa con xa xứ trở về giữa không khí rộn ràng đón mùa xuân mới trên quê hương yêu dấu.

Sáng mồng hai Tết từ phủ Vinh Quốc Phong, Vĩnh Tuấn vác đồ nghề đi lên phố. Vừa đến cửa Thượng Tứ bất chợt bên kia đường có tiếng gọi:

- Ê, tên ác ôn kia đứng lại không thì ăn đạn!

Nghe gọi “ác ôn” không chắc là gọi mình hay gọi một ai đó, nhưng cái hơi hưởng nghe có vẻ phía bên cách mạng. Vĩnh Tuấn chợt giật mình, chưa kịp có phản ứng gì thì một họng súng AK dương lên cách Vĩnh Tuấn chưa tới mười mét. Vĩnh Tuấn chỉ còn cách đứng thẳng người buông xuôi hai tay không động đậy. Họng súng AK tiến lại gần Vĩnh Tuấn hơn. Và ngay lập tức mọi thứ trên người anh như máy ảnh, máy quay phim, đồng hồ, bút, ví đựng các loại giấy tờ và một ít tiền bị tước mất. Khi những thứ đó chuyển từ Vĩnh Tuấn qua phía người mặc quân phục màu xanh lá cây, đi dép lốp, đội mũ tai bèo, mang súng AK xong, anh ta hô:

- Quay mặt đằng trước, bước!

Tức là bước vào cửa Thượng Tứ. Vĩnh Tuấn răm rắp làm theo và luôn cảm nhận cái nòng súng AK cách lưng mình không đầy hai mươi phân. Vừa qua khỏi cửa Thượng Tứ bỗng thấy nhiều phụ nữ tay cầm cờ sao vàng trên nền vải nửa xanh nửa đỏ, vừa đi vừa hô to:

- Huế đã được giải phóng rồi, đồng bào đừng sợ! Đừng sợ!

Đồng bào thì có thể đừng sợ, nhưng Vĩnh Tuấn vừa được phong là “tên ác ôn” thì đừng sợ thế nào được?! Nghĩ vậy rồi sực nhớ tới vợ. Vợ chồng anh đang có kế hoạch ăn Tết xong sẽ dẫn nhau vào Sài Gòn, bỏ lại cái “bình định nông thôn” cho ông Thiệu. Ai ngờ giờ đây quân giải phóng vào đến tận nơi như thế này, không chừng họ đã tới nhà bắt vợ anh giết chết mất rồi! Nghĩ đến đây lòng anh như lửa đốt. Bất chợt anh cất giọng hô to:

- Huế đã được giải phóng rồi, đồng bào đừng sợ! Đừng sợ!

Hai bên đường phố đồng bào ùa ra, quân giải phóng ùa vào. Giữa làn sóng người đông đúc đó Vĩnh Tuấn gần như quên mất cái họng súng AK sau lưng mình. Về sau này Vĩnh Tuấn vẫn không biết cái họng súng ấy biến đi từ lúc nào. Có lẽ nó biến đi khi một anh giải phóng quân nói:

- A, ông này to gi 31e2 ng, được đây!

Vậy là Vĩnh Tuấn vừa đi vừa hô hét mỗi lúc một to hơn:

- Huế đã được giải phóng, đồng bào đừng sợ! Huế đã được giải phóng...

Đoàn người mỗi lúc một đông hơn. Ngang qua chỗ Bộ học Vĩnh Tuấn đi chậm lại, vừa đưa tay chỉ về phía thư viện Bảo Đại nói:

- Trong kia có thể có địch. Hãy coi chừng...

Nghe xong mấy ông chỉ huy tỏ vẻ thận trọng bảo đồng bào và chiến sĩ hãy dừng lại. Mọi người ngồi quây cụm bên nhau khi mấy ông chỉ huy đứng bàn bạc. Những khung cửa sổ hai bên đường lấp ló nhiều khuôn mặt, và từ bên trong các cánh cổng không ngớt tuôn ra những chàng trai cô gái nhập vào đoàn người mỗi lúc một đông. Vĩnh Tuấn đi đến chỗ những nam nữ thanh niên này hỏi bâng quơ vài điều rồi lẻn vào một con hẽm nhỏ, tìm đường về nhà một người quen. Ngồi nghỉ ngơi nghe ngóng tình hình một lát anh lại tiếp tục tìm đường về thôn Vỹ, qua Nam Phổ Thượng. Vĩnh Tuấn hiểu rằng cả hai phe đều lấy làng Nam Phổ, thôn Vỹ Dạ làm địa bàn chiến lược. Phía quân giải phóng thì lấy nó làm một trong những đường rút quân thuận lợi, lại vừa là bàn đạp để tiến công Huế. Phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa thì lấy nó làm vành đai phòng thủ, bảo vệ Huế, và là nơi cho các cán bộ bình định nông thôn rút về nghỉ ngơi sau chiến dịch, là chỗ cho những ấp trưởng Xã trưởng thôn trưởng cùng cán bộ các ban ngành thuộc các xã Phú Hồ, Phú An, Phú Thanh, Phú Mậu... tìm về ngủ lại đêm sau mỗi ngày làm việc. Thế nhưng nghe nói gần đây có ông Quận trưởng ban ngày làm việc ở Hương Thủy, ban đêm về ngủ tại Nam Giao - Huế, vậy mà quân giải phóng lọt vào tận phòng ngủ để giết. Bởi thế nên Ngọc Mai mới lo lắng sợ hãi. Vừa bước vào nhà thấy vợ vẫn bình an vào sự anh rất mừng. Nhưng Ngọc Mai đã túm lấy anh mà dồn đến một góc nhà, nói trong hơi thở gấp gáp:

- Anh leo lên tra([1]) mà trốn ngay đi, lúc nãy có cậu Tâm Anh vào hỏi anh.

- Tâm Anh nào? Có phải Tâm Anh trưởng đoàn Sinh viên Quyết tử dạo nọ không?

- Đúng rồi, nó được nhóm quân nhân ly khai của tướng Thiện huấn luyện và trang bị vũ khí, sau đó nó đi Việt cộng, à quên, nó đi giải phóng, bây giờ về, coi bộ rắn rỏi cứng cáp oai vệ lắm!

Nói rồi Ngọc Mai cứ một mực bắt Vĩnh Tuấn phải leo lên tra.

Hơi lúa nóng hừng hực quyện với mùi phân mèo hăng nồng nặc. Con mèo tam thể đang ngủ vùi trong góc tối, anh bò tới cạnh con mèo và nhanh chóng chiếm lấy chỗ bóng tối ấy. Anh bồng con mèo vuốt ve và sực nhìn lên chỗ tay đeo đồng hồ mới nhớ đồng hồ không còn nữa. Anh gọi vọng xuống nhà hỏi mấy giờ rồi, đúng lúc đó Anh Thi bắc thang bưng một khay thức ăn đồ uống leo lên. Ngọc Mai trao cho anh cái chăn với tấm đắp trắng, cái gối thêu.

- Hai giờ chiều rồi. - Ngọc Mai nói. - Ủa, vậy chứ đồng hồ máy ảnh máy quay phim... của anh đâu hết rồi?

- Thôi đừng nói nữa! Anh về được tới đây là tốt rồi - Vĩnh Tuấn nói. - Ngọc Mai cũng lên đây với anh luôn để anh bàn tiếp công chuyện.

Ngọc Mai đứng ở lưng chừng thang nói:

- Để một mình cô Anh Thi và các con ở dưới này không tiện. Phải có em để có gì em còn ứng phó. Đàn ông vẫn sợ hơn chứ? Còn em, nếu họ muốn làm gì em thì họ đã làm rồi.

Nghe vợ nói xong Vĩnh Tuấn nghĩ chỉ có em đi làm cái Trưởng đoàn bình định mới đáng sợ chứ anh thì sợ gì? Bản thân anh chẳng phải là một “Vi xi” đang mai danh ẩn tích đây sao? Nghĩ vậy rồi Vĩnh Tuấn nhìn vợ lo lắng nói:

- Nhưng cậu Tâm Anh là chỗ quen biết cũ cậu còn nương tay, chứ gặp phải người khác thì em tính sao? Lúc nãy Tâm Anh đến không nói gì em à?

- Không. Cậu ấy biết anh ở Sài Gòn mới ra. Em nói anh đi chưa về. Nghe xong cậu bỏ đi ngay.

- Bây giờ em tính sao?

- Còn tính sao nữa? Chuyến này mà thoát chết thì cả nhà sẽ chuyển vào Sài Gòn hết. Đóng cửa nhà lại mà đi.

Ngọc Mai, Anh Thi tụt xuống rồi vội vàng đem cất cái thang, vừa xong thì nghe có tiếng bước chân đi vào sân. Tâm Anh hiện ra ở ngưỡng cửa với ba lô, túi xách, súng đạn cồng kềnh.

- Nhờ chị gọi anh Vĩnh Tuấn trên tra xuống cho tôi gặp, ở chi trên cho ngột? Cách mạng có việc cho anh đây. - Tâm Anh nói với Ngọc Mai.

Nằm trên đống lúa Vĩnh Tuấn lắng nghe rồi lấy làm ngạc nhiên vừa có chút gì thích thú. Chưa để cho vợ và em gái kịp có phản ứng gì, Vĩnh Tuấn đã ló mặt ra cửa tra:

- Tâm Anh đó à? Mình đây!

Nói xong Vĩnh Tuấn vin tay lên vĩ kèo lấy thế tìm điểm tựa rồi cả thân hình cao to dềnh dàng của anh nhanh nhẹn tụt xuống khéo léo và nhẹ bổng như một chú vượn con. Vĩnh Tuấn đứng giữa nhà, tay buông thỏng, tay kia đưa lên vuốt mớ tóc xổ ra trước trán. Tâm Anh vịn hai tay lên vai Vĩnh Tuấn nắm chặt và lắc lắc, vừa ngắm nghía Vĩnh Tuấn từ đầu đến chân rồi nở nụ cười tươi rói:

- Khá lắm! Là chiến sĩ Vệ quốc một thời, bây giờ cách mạng về thì phải hăng hái tham gia chứ sao lại trốn lên tra?

Vĩnh Tuấn gượng cười chưa tìm ra câu trả lời thì Tâm Anh nói tiếp:

- Anh không cần phải đi đâu xa, cứ ở địa bàn này thu thập tình hình rồi viết bài viết tin sẽ có người đến lấy.

- Nhưng... các phương tiện hành nghề của mình đã bị các ông lấy hết mất rồi! - Vĩnh Tuấn dè dặt phản ứng.

- Không lo, có đây! - Tâm Anh buông rời đôi vai vạm vỡ của Vĩnh Tuấn rồi đến bên trường kỹ đặt ba lô túi xách súng đạn xuống nói: - Anh em trẻ họ không biết, họ đưa các thứ của anh về. Nhìn thấy giấy tờ tùy thân của anh, cấp trên liền giao nhiệm vụ cho tôi đem trả về hết cho anh, đồng thời giao việc cho anh luôn. - Nói đoạn Tâm Anh mở ba lô kéo ra máy ảnh, máy quay phim, đồng hồ, bút, ví da trao cho Vĩnh Tuấn, bảo: - Anh kiểm lại tất cả xem có thiếu thứ gì không?

Vĩnh Tuấn cười rạng rỡ lật xem tấm thẻ ký giả và thẻ kiểm tra rồi nói:

- Thấy cái bộ dạng của mình qua mấy bức ảnh này chắc cấp trên của cậu ngứa mắt lắm nhỉ?

- Ờ thì... cái bề ngoài, trời phú cho mỗi người một vẻ.

Vĩnh Tuấn đút ví da vào túi quần nói:

- Dân Mác xít mà cũng nói “trời” vậy ta? - Vĩnh Tuấn cười ha hả. - Khi bị gọi là “tên ác ôn” mình hiểu ngay rằng cái vẻ bề ngoài của mình đã hại mình rồi!

- Coi vậy mà hiền khô hà! - Vợ Vĩnh Tuấn nói, dọn lên bàn các loại bánh mứt trái cây mà Anh Thi vừa mang ra.

Vợ chồng Vĩnh Tuấn không ngớt mời Tâm Anh thưởng thức những món do chính tay em gái Vĩnh Tuấn làm. Tâm Anh nhón một thỏi mứt bí đao trong veo như ngọc đưa lên miệng cắn và nói:

- Anh viết bài xong đến đâu nhờ cô Anh Thi đánh máy ngay đến đấy cho nhanh.

- Nhưng nhà không có máy, máy chữ mình để trong Sài Gòn rồi.

- Tôi lo cho anh đây rồi. - Nói đoạn Tâm Anh bước ra cửa xách vào chiếc va ly nhỏ đựng máy đánh chữ trao tận tay Vĩnh Tuấn.

Vĩnh Tuấn cười rơm rớm nước mắt:

- Như thế này là hiểu nhau lắm rồi. Tôi sẽ cố gắng
hết mình.

Tâm Anh đi rồi, Vĩnh Tuấn hăm hở bắt tay ngay vào công việc. Anh viết bài báo phản ảnh không khí sáng mồng hai Tết tại cửa Thượng Tứ và tinh thần hồ hởi của đồng bào Huế đón chào quân giải phóng, đặc biệt là giới trẻ. Buổi chiều khoảng 17 giờ bài báo vừa đánh máy xong ba bản liền có một anh lính trẻ đến lấy đem đi. Những ngày tiếp theo nhịp độ công việc mỗi lúc một tăng. Anh hăng say đi lấy tài liệu về rồi viết ngày viết đêm. Viết xong đọc cho vợ con và em gái nghe, rồi Anh Thi và Vĩnh Tuấn thay phiên nhau đánh máy. Có thể nói đó là những ngày sôi động hào hứng và thú vị nhất trong cuộc đời làm báo của anh. Anh làm để đáp lại lòng tin của cách mạng thông qua Tâm Anh, anh làm để thỏa mãn tấm chân tình của anh đối với cách mạng mà bấy lâu nay anh đã phải cất giấu, và trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức anh làm để gỡ tội một phần nào cho Ngọc Mai - vợ anh. Tưởng là quân giải phóng sẽ ở lại luôn với dân, ai ngờ ngày thứ hai mươi lăm họ rút khỏi thành phố sau nhiều trận giao tranh quyết liệt với quân đội Sài Gòn và quân Mỹ. Đau lòng nhất là máy bay Mỹ ném bom loạn xạ làm chết nhiều thường dân, giết chết người chú ruột thân yêu của Vĩnh Tuấn và tàn phá nặng nề Hoàng cung Huế. Là hậu duệ của Hoàng gia Nguyễn Phước tộc, chứng kiến những lâu đài cung điện vàng son nguy nga tráng lệ của cha ông để lại trong phút chốc biến thành những đống gạnh đá đổ nát khói bụi tiêu điều, anh rất đau đớn và căm giận. Anh đã khóc chú của mình và khóc Kinh thành bị tàn phá! Giữa cái chung và cái riêng ngổn ngang trăm mối tơ vò ấy anh thu xếp đưa vợ con vào Sài Gòn như dự tính...

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83484


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận