đất nước hai miền Nam Bắc thống nhất ông sẽ cùng với bà Ngần - mẹ nuôi của Liên Chi đi vào miền Nam, vào Huế để tìm cha mẹ ruột cho Liên Chi. Nhưng ông đã không đợi được tới ngày đó. Giữa năm 1971 được tin cậu con trai út là Từ Nhẫn hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, đầu năm 1972 có giấy báo tử anh con trai áp út là Từ Nguyên Khiết hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, cùng thời gian này được tin Từ Huy bị thương nhẹ đang nằm điều trị ở trạm phẫu tiền phương. Tuy bề ngoài ông Từ Hiếu tỏ ra cứng rắn bình tĩnh để động viên an ủi vợ, nhưng nỗi thương tiếc đau đớn âm ỉ luôn gặm nhấm trái tim ông đến mòn vẹt và khô héo. Ông bị bệnh mất ngủ kéo dài và bị suy tim, rồi đột ngột qua đời. Bà Từ Hiếu khóc chồng khóc con đến mù lòa cả đôi mắt. Vợ chồng anh Từ Nhuệ và Liên Chi hết lòng chăm lo thuốc thang điều trị cho bà, nhưng cũng chỉ tìm thấy lại ánh sáng một cách yếu ớt cho con mắt phải, còn con mắt kia bị hỏng vĩnh viễn. Cuối năm 1972, Từ Nguyên Khiết đột ngột trở về trong tình trạng điếc liệt mù do bị chấn thương quá nặng khi ông Từ Hiếu mới mất vừa tròn một trăm ngày. Đơn vị tưởng anh đã hy sinh trong trận đọ sức quyết liệt giữa ta với địch và không tìm thấy xác của anh nên dẫn tới sự báo tin nhầm lẫn. Bà Từ Hiếu vui mừng vì đứa con từ cõi chết trở về đang được điều trị dài ngày tại bệnh viện Hà Nội, có vợ con anh ở bên chăm sóc. Bà cầu mong sao cho trường hợp của Từ Nhẫn cũng giống như Từ Nguyên Khiết, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, chỉ một mình Từ Huy khoác ba lô trở về. Mẹ anh thắp nén hương lên bàn thờ chồng và anh con út liệt sỹ, bà nói với ông mà như nói với những người đang sống, nói với cả họ cả làng rằng ông sống khôn thác thiêng, tính đến nay thì ông mới qua đời vừa tròn hai năm rưỡi, theo phong tục con trai phải đợi hết ba năm đại tang mới được phép cưới vợ. Nhưng ông ơi, tôi sợ rằng tôi không đợi thấu ngày đó được. Đạo hiếu cũng năm bảy đường, ông cho phép con trai trưởng của ông được sớm yên bề gia thất để cho tôi có đi theo ông cũng yên tâm, thỏa nguyện vui lòng... Bà khấn xong thì lư hương đột nhiên bốc cháy. Kéo vạt áo dài lau nước mắt bà nở nụ cười nhăn nheo và rạng rỡ nói:
- Như vậy là ông đã nghe lời tôi cầu xin ông. Ông đã thương con thương vợ hết lòng. Tôi biết ông mà...
Đám cưới Từ Huy và Liên Chi cũng là ngày đôi vợ chồng son xin phép gia đình họ hàng đôi bên đi vào miền Nam công tác và tìm kiếm cha mẹ ruột của Liên Chi. Trước đó, những ngày đang công tác trên chiến trường Trị Thiên Huế, Từ Huy cũng đã nhiều lần cố tìm ra dấu vết của cha mẹ Liên Chi nhưng không có kết quả. Bởi vì buổi sơ ngộ Liên Chi chỉ thông báo vắn tắt đôi điều về nhân thân nên anh chưa được biết tên tuổi của hai đấng sinh thành. Tuy vậy hơn mười năm ở chiến trường anh đã chiến đấu không mệt mỏi trên quê hương Thừa Thiên Huế yêu dấu của cô. Và anh đã yêu mến vùng đất này, đã đổ máu trên vùng đất này trong hai lần bị thương. Qua thăm hỏi anh được biết những người bà con họ hàng nhà vua và đám quan chức của triều đình ngày xưa bây giờ lui ở ẩn trên khắp các vùng miền chung quanh Kinh thành Huế, tập trung nhất là ở Nam Phổ, Vỹ Dạ, Tây Thượng, Kim Long... Dạo Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 anh đi cùng một cánh quân chủ lực tiến vào nội đô qua con đường Kim Long - Hương Trà.
Giờ đây Từ Huy dắt vợ về Huế, anh dự định sẽ tìm về Nam Phổ, Vỹ Dạ, Tây Thượng, Kim Long... để may ra có thể tìm gặp được những người thân ruột của vợ. Nhưng vào đến Huế, việc đầu tiên anh phải làm là tìm đến Ty Thông tin Văn hóa để trình giấy tờ, quyết định điều động công tác. Đây là một địa chỉ lịch sử mà dạo Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 anh rất muốn đến để tận mắt nhìn thấy, nhưng không thực hiện được. Đó nguyên là Phòng Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ đặt trên đường Lý Thường Kiệt mà năm 1966 đã bị thanh niên sinh viên học sinh Huế xông vào đập phá đốt cháy thiêu rụi hết cái mà anh em gọi là thứ văn hóa ngoại lai nô dịch!
Từ Huy vừa trình giấy tờ xong, người cán bộ tổ chức gấp hồ sơ lại nói:
- Hiện nay thành phố vừa mới được tiếp quản như anh đã biết. Mọi việc đang đi vào thế ổn định dần, cán bộ thì gồm có ba nguồn: trên núi về, ngoài Bắc vào, và tại chỗ. Số văn nghệ sĩ tại chỗ do Hội Văn nghệ quản lý. Còn anh Từ Huy danh nghĩa là từ ngoài Bắc mới vào, nhưng thực chất anh đã gắn bó với vùng đất này trên mười năm. Điều đó sẽ thuận lợi cho công tác sau này của anh.
Người cán bộ tổ chức đang nói tới đây thì thấy một thanh niên cưỡi Honda chạy vào cổng, sịch đỗ trước thềm rồi nhanh nhẹn bước vào cúi chào.
Người cán bộ tổ chức vui vẻ bắt tay anh ta:
- Chào họa sĩ Vĩnh Bảo! Xin giới thiệu với anh đây là họa sĩ điêu khắc Từ Huy vừa được trên điều về cho Ty Thông tin Văn hóa. Và đây là vợ anh ấy.
- Rất hân hạnh được biết anh! - Vĩnh Bảo nói khi bắt tay Từ Huy rồi quay sang phía Liên Chi, Vĩnh Bảo khẽ gật đầu chào.
Người cán bộ tổ chức giới thiêu thêm:
- Vĩnh Bảo là một hạt nhân trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Huế...
Từ Huy nắm chặt bàn tay Vĩnh Bảo. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng trong ánh mắt, nụ cười, giọng nói và đặc biệt là hơi ấm ở lòng bàn tay Vĩnh Bảo có chút gì thân thuộc, gần gũi.
Từ Huy chưa kịp mở lời hỏi thăm thì Liên Chi đứng bật dậy rưng rưng mắt run giọng:
- Vĩnh... Vĩnh Bảo... Có phải cậu là con trai của quan Tri phủ Bửu Tín không?
- Đúng thế ạ! Nhưng... nhưng sao chị biết? - Vĩnh Bảo ngạc nhiên hỏi.
Mặt Liên Chi trở nên xanh mét, chân tay run rẩy như chực khuỵu xuống. Từ Huy đỡ vợ ngồi xuống ghế. Người cán bộ tổ chức cũng như Vĩnh Bảo lấy làm lo lắng không biết chuyện gì đã làm cho người phụ nữ này đột nhiên xúc động vậy. Rồi linh tính như chợt mách với Vĩnh Bảo có điều gì đó rất quan trọng đang xảy ra, nhưng Vĩnh Bảo chưa kịp thốt nên lời thì Từ Huy nói:
- Nhà tôi bị lạc cha mẹ từ nhỏ. Nay chúng tôi đưa nhau về Huế cũng là để tìm cha mẹ...
- Chị... chị là Công Huyền Tôn Nữ... - Vĩnh Bảo há hốc mồm nhìn vào mặt vợ Từ Huy hỏi.
- Liên Chi! - Từ Huy nối tiếp lời Vĩnh Bảo.
- Thế thì đúng chị là chị của em rồi! Mẹ đã khóc vì thương nhớ chị mà sớm hao gầy hốc hác già nua. Suốt mấy chục năm qua không lúc nào mẹ ngớt gọi tên chị...
Liên Chi khóc rưng rức trong tay chồng. Từ Huy không ngờ cuộc tìm kiếm lại nhanh có kết quả đến thế. Nhưng Từ Huy hơi chạnh lòng bởi vì Vĩnh Bảo không tỏ chút xúc động nào khi gặp lại người chị thất lạc của mình.
- Vậy thì bây giờ phải đưa chị ấy về nhà thăm mẹ ngay chứ, còn đợi gì nữa? - Người cán bộ tổ chức nói.
Vĩnh Bảo từ tốn:
- Tất nhiên là phải đưa chị về nhà. Nhưng em phải về trước báo tin cho mẹ biết để mẹ chuẩn bị tinh thần đón chị, chứ bất ngờ chị bước vào nhà, không khéo mẹ bị ngất xỉu mất... Và nữa... để em kiếm cho chị mấy cái áo xống tử tế hơn một chút để chị thay mặc khi đi gặp mẹ.
Câu nói thật lòng của Vĩnh Bảo đã làm Từ Huy chột dạ và một chút tự ái sĩ diện nổi cộm lên trong lòng. Nhưng nhìn lại bộ cánh trên người vợ: sơ mi vải trắng, quần lụa chéo đen, mái tóc dài được kẹp lại bằng chiếc kẹp thép không rỉ, những sợi tóc nhỏ lòa xòa hai bên thái dương vờn làn da nâu sáng bóng ngày xưa giờ đây đã bị thời gian làm cho héo úa đôi phần, và những chấm tàn nhang li ti trên khuôn mặt không son phấn, không điểm trang..., lúc này quả bất lợi. Cha ông ta có câu "quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" cái vẻ bề ngoài quá chân phương quá giản dị của người chị ruột thất lạc ngót mấy chục năm qua đã làm cho cậu em trai ái ngại. Nhưng Vĩnh Bảo đã chân thành nói ra sự ái ngại đó, chỉ vì Vĩnh Bảo muốn lần gặp mặt lại của hai mẹ con sau hơn ba mươi năm xa cách không quá đột ngột, quá thương cảm - nếu như bà Phủ thấy con gái mình quá giản dị đến quê mùa! Nghĩ đến đây Từ Huy thấy lòng dịu lại, anh cố lấy giọng bình thản:
- Điều quan trọng là mẹ con sớm được gặp lại nhau để thỏa lòng mong nhớ. Còn áo xống... trong valy của vợ tôi cũng có những bộ để ăn diện mà đi ra ngoài.
Vĩnh Bảo chân thành:
- Vậy thì chị hãy thay áo rồi cùng em đi về nhà
thăm mẹ.
Liên Chi xách vali đi qua phòng bên chừng năm phút sau trở lại, cũng chiếc sơ mi vải trắng lúc nãy nhưng bây giờ đi với chiếc quần tây màu tím than cắt ống hơi loe một chút và đôi săng đan bằng da trắng ôm đôi bàn chân nhỏ nhắn với những chiếc móng chân sạch bóng ửng hồng tự nhiên. Cũng mái tóc dài kẹp bằng chiếc kẹp thép không rỉ, nhưng được chải cẩn thận, trông Liên Chi thật hiền dịu, đoan trang. Vĩnh Bảo nhận ra ngay điều đó liền vội vàng đi gọi một chiếc xích lô. Vĩnh Bảo dặn bác xích lô cẩn thận rồi anh dắt xe Honda ra nói:
- Em sẽ chạy về nhà trước để báo tin cho mẹ. Bác xích lô này sẽ đưa anh chị về sau.
Mọi người thấy cách giải quyết của Vĩnh Bảo như vậy là hợp lý nên răm rắp làm theo.
Ngồi trên xích lô với chồng đi qua các nẻo đường phố Huế, Liên Chi cảm thấy một niềm vui nao nức, một hạnh phúc ngọt ngào đang dâng lên vây bọc lấy tâm hồn cô. Chỉ sau một thời gian ngắn đất nước được hoàn toàn giải phóng, Từ Huy ở chiến trường trở về, tuy có bị thương hai lần nhưng vẫn còn sống sót mà về với Liên Chi, bõ những ngày dài trông đợi mỏi mòn day dứt, đôi lúc tưởng như đã kiệt sức! Và lễ cưới nhanh chóng diễn ra với sự vui mừng chúc phúc của hai gia đình, của bà con làng xóm. Rồi theo chồng vào Huế. Chồng đi nhận công tác nào ngờ cùng lúc nhận ra luôn cả em trai, và chốc nữa đây sẽ được gặp mẹ. Ngày chia ly Vĩnh Bảo mới có hơn hai tuổi, chưa biết gì. Có chăng về sau nghe cha mẹ nhắc nhiều nói nhiều Vĩnh Bảo mới biết mình có một người chị cả tên là Liên Chi. Vì thế không trách được Vĩnh Bảo có chút gì tỉnh táo đến lạnh lùng khi bất ngờ gặp lại người chị thất lạc mấy mươi năm. Lại còn ngại ngùng cho chị những áo xống với phục trang... Còn Vĩnh Cơ nữa - đứa em trai kế Liên Chi lúc bấy giờ đã lên năm tuổi, chắc còn nhớ chị Liên Chi ít nhiều? Em Vĩnh Cơ hiện nay ra sao? Lớn ngần nào rồi? Làm công việc gì? Đã có vợ con gì chưa?...
Chiếc xích lô chạy chậm dần, rồi bất ngờ ngoặt vào hai cánh cổng lớn dày cộp, phía trên có vòm mái che với những hoa văn và dòng chữ Hán đắp nổi.
- Đi vào lối cổng này, cổng này!
Tiếng Vĩnh Bảo ở đâu đó vang lên. Bác xích lô quay đầu xe qua đôi cánh cổng khác, mở rộng giữa hai cột trụ tròn điểm tô những cánh hoa và lá sen cách điệu. Chiếc xích lô đỗ lại. Có mấy người đang đứng ở sân đón đợi hai vợ chồng. Một bà cụ tóc bạc phơ, da nhăn nheo, thân hình gầy guộc nhỏ thó trong bộ bà ba bằng lụa trắng bước tới gần, dang rộng hai cánh tay đón Liên Chi từ trên xích lô bước xuống, bà gọi lên một tiếng "con" thống thiết rồi im lặng nghẹn ngào. Liên Chi ôm chầm lấy mẹ nhưng cô không khóc như mẹ. Cô nghếch cằm lên vai bà Phủ đưa mắt nhìn mọi người chung quanh đang lặng lẽ lau mắt, rồi cô tự hỏi lẽ nào đây là mẹ ta? Người mẹ mà ta hằng nhớ nhung trông đợi oán giận và trách móc chính là bà cụ già nua gầy guộc mong manh tội nghiệp này sao? Ấy là phu nhân của quan tri phủ Thiệu Hóa một thời sao?
Mọi người dìu bà Phủ và Liên Chi vào nhà. Một ngôi nhà gỗ bóng lộn, tường xây, cửa gương, cửa chớp, các vĩ kèo, đòn tay, rui, mè... được chạm trổ tỉ mỉ và tinh tế. Đây đó treo đầy những bức trướng, liễn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm dát vàng hoặc khảm xà cừ lóng lánh... Những bộ bàn ghế bằng gỗ mun, những sập gụ ghế bành... bằng gỗ phủ nhung màu đỏ chói. Tất cả đều sạch sẽ tươm tất và mát rượi, nói lên sự quyền quý cao sang.
Khi mọi người đã ngồi quây quần bên nhau, Vĩnh
Bảo nói:
- Để em giới thiệu cho mẹ và các anh chị làm quen với nhau: Người cùng đi với chị Liên Chi là họa sĩ điêu khắc Từ Huy, chồng của chị ấy. Anh vừa đến nhận công tác sáng nay tại Ty Thông tin Văn hóa. Còn đây là anh Vĩnh Cơ, em trai kế chị Liên Chi. Đây là chị Ngà, vợ anh Vĩnh Cơ. Đây là bác Diệu Anh, kia là Anh Thi - con gái bác Bửu Toàn và bác Diệu Anh. Bác Bửu Toàn sáng nay về thăm ngôi nhà trên cửa Chương Đức, có thể tối hoặc mai mới về. Con trai bác Bửu Toàn là anh Vĩnh Tuấn và các cháu đang ở Sài Gòn...
Đợi cho Vĩnh Bảo dứt lời, Liên Chi ngước đôi mắt ráo hoảnh lên nhìn bà Phủ:
- Mẹ! Vậy là con chỉ được gặp mẹ và những thành viên khác trong gia tộc, còn ba thì không?
Nói rồi cô nhẹ gót bước chầm chậm về phía bàn thờ quỳ sụp xuống trước ảnh thờ ông Phủ. Cô vái lạy cha và kể lể:
- Cha mẹ đã bỏ rơi con từ bấy đến nay... con những tưởng không bao giờ còn được gặp lại cha mẹ và các em!... Đến lúc giải phóng miền Nam xong con là người đi tìm cha mẹ trước, chứ cha mẹ chưa đi tìm con!... Con biết mà!... - Đôi vai Liên Chi rung lên theo tiếng nấc: - Con biết cha mẹ nghĩ rằng con đã chết bỏ thây ở xứ người rồi, nên cha mẹ không cần đi tìm con nữa, coi như cha mẹ chưa bao giờ bách thịt đẻ ra con...
Mọi người không nén được xúc động cùng khóc òa theo lời kể lể của Liên Chi.
Từ Huy đến dìu vợ trở về ngồi xuống cạnh bà Phủ, rồi anh rút khăn tay lau mắt cho vợ, dỗ dành:
- Ngày vui thì phải nói điều vui chứ, em! Mẹ đã già như thế làm sao nhanh nhẹn bằng chúng ta để chạy đi tìm như chúng ta được? Con cái với cha mẹ ai có điều kiện đi tìm trước thì đi, chứ oán trách nhau mà làm gì? Bây giờ đã được gặp mẹ rồi thì phải vui lên chứ?
Vĩnh Cơ cao gầy rắn rỏi và trầm tĩnh giờ mới lên tiếng:
- Em đã đăng báo tìm chị hai hôm nay rồi. - Nói đoạn Vĩnh Cơ vào phòng trong đem ra hai tờ báo "Sài Gòn giải phóng" mở mục "Tìm người nhà" trao cho Từ Huy và Liên Chi đọc: "Tìm con - Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi - sinh năm 1937, trước ở Phủ Thiệu Hóa Thanh Hóa. Cha mẹ thất lạc con ba mươi năm rồi. Bây giờ con ở đâu, liên lạc địa chỉ..."
Đọc đến đây mắt Từ Huy hoa lên. Cách hai hôm trước khi đang chờ lấy vé ở bến xe, chú bé bán báo đã đến mời anh mua chính số báo này, nhưng anh từ chối vì lúc đó anh bận quá, không có nhu cầu đọc báo, anh đâu biết trong tờ báo đó có mục nhắn tìm con.
Vĩnh Bảo đến bên nói:
- Anh Vĩnh Cơ hiện là phóng viên thường trú của mấy tờ báo liền. Việc đăng tìm người nhà là do anh ấy chủ xướng và tự làm lấy. Anh có nói qua với mẹ và em, nhưng thú thật chính em không tin rằng còn có thể gặp lại chị. Bởi vì mấy chục năm qua, bao nhiêu biến động, nhất là dạo tháng 8 năm 1945... ba mẹ ở trong này nghe tin Phủ đường bị tấn công, ba mẹ đã khóc hết nước mắt. Ba mẹ đã nhiều lần cử người đáng tin cậy đi tìm chị, nhưng không có kết quả... Ấy là em nghe nhiều người kể lại chứ ngày đó em còn bé quá, em đã biết gì...
Bà Phủ cảm động trào nước mắt khi nghe Liên Chi kể lại việc vú Ngần đã đưa cô thoát nạn trong đêm ấy như thế nào. Rồi sau đó gia đình vú đã đối xử tốt với cô ra sao. Cô đã được thương yêu như chính đứa con ruột thịt của vợ chồng vú sinh ra. Và điều quan trọng là vợ chồng vú Ngần đã lao động vất vả cố gắng nuôi cô ăn học cho hết bậc phổ thông cơ sở như đứa con trai yêu quý của vợ chồng vú mà Liên Chi thường gọi là em Lộc. Em Lộc đi bộ đội nay đã phục viên về sống bên mẹ.
Khi nghe đến việc gia đình vú vì cưu mang Liên Chi mà bị mắc họa: chị Phúc - một cán bộ Đoàn năng nổ bị thi hành kỷ luật, bị cách chức; em Lộc xin đi bộ đội mấy lần không được cuối cùng phải viết đơn bằng máu... mọi người lặng đi. Một lát sau bà Phủ mới lên tiếng:
- Công ơn trời biển của vú Ngần và gia đình vú đối với gia đình ta không có gì có thể đền đáp nổi! Mẹ phải dập đầu tạ ơn vú mới đúng.
Nói rồi bà Phủ khóc rưng rức.
Liên Chi đứng lên chải mớ tóc bạc phơ của mẹ, bối lại cho mẹ và nói:
- U con ngoài ấy cũng luôn nhớ công ơn của mẹ trước đây đã đối xử tốt với u con, đã giúp gia đình u qua cơn ngặt nghèo. U con luôn nghĩ tốt và nói tốt về mẹ.
- Nhưng lòng tốt của mẹ chưa đáng vào đâu so với u con. Nhất định mẹ phải sắp xếp đi một chuyến ra ngoài ấy thăm u con.
- Vâng ạ! - Từ Huy đỡ lời bà Phủ: - Để hôm nào ổn định công tác con và nhà con sẽ đưa mẹ ra xứ Thanh, trước là để thăm u con, sau nữa là để phía gia đình con được nghênh đón mẹ...
Khóc lóc chuyện trò cúng vái và cơm nước xong là trời vừa xế bóng, Vĩnh Cơ nói:
- Nhà em đã dọn phòng cho anh chị xong. Mời anh chị về phòng nghỉ.
Từ Huy đứng lên nói:
- Thưa mẹ, thưa bác và các em, được gặp lại gia đình đã thất lạc bấy lâu, giờ đây Liên Chi rất mãn nguyện. Nhưng Liên Chi còn phải đi liên hệ công tác, việc của con cũng chưa xong. Với lại Ty Thông tin Văn hóa đã bố trí cho chúng con một chỗ ở.
- Chỗ ở nào cho bằng ở đây? - Vĩnh Bảo nói: - Anh chị có đi đâu, làm việc gì xong rồi hãy về đây mà ở. Chị Liên Chi vừa mới gặp lại mẹ, làm sao mẹ để cho chị đi được?
Từ Huy nói:
- Dẫu đi đâu làm gì thì Liên Chi cũng đi về thăm mẹ và các em cùng bà con chú bác chứ. Nhưng trước mắt hãy cho phép chúng con đi liên hệ công tác ngay chiều nay kẻo không kịp.
- Anh thì làm việc ở Ty Thông tin Văn hóa, còn chị Liên Chi định xin làm việc gì?
- Liên Chi nguyên là công nhân cầu đường, sẽ liên hệ với Ty Giao thông Vận tải tùy người ta bố trí...
Nói rồi hai vợ chồng tạm biệt ra đi.
Bà Phủ tiễn con giọt vắn giọt dài.
Trở lại Ty Thông tin Văn hóa gặp cán bộ tổ chức, Từ Huy nói:
- Thực lòng chúng em không muốn ở nhà bên ấy, nên chúng em một mực thoái thác. Anh bố trí cho chúng em ở đâu cũng được, miễn có chỗ qua đêm.
Vợ chồng Liên Chi đi rồi, Vĩnh Cơ quay về phòng riêng của vợ chồng anh. Ngà nằm cho con bú xong ngủ quên đầu nghẹo sang bên, núm vú đè lên cánh mũi của con. May mà sữa tràn qua mặt chảy xuống đệm gối, chứ sữa mà chảy vào mũi bé Mỹ Thiện thì gay! Vĩnh Cơ nghĩ vậy rồi anh lật đật nâng đầu sửa gối cho con nằm ngay ngắn, kéo áo che kín ngực vợ xong, anh ngồi vào bàn mở tờ báo ra đọc. Sáng nay bận nhiều việc quá nên anh chưa đọc báo, cũng chưa viết tiếp bài phóng sự cho xong để kịp gửi in chiều nay. Vĩnh Cơ đọc lướt mấy tờ nhật báo rồi quẳng sang bên, mở bài báo ra ngồi viết tiếp. Ngà trở mình, miệng ú ớ rồi mở bừng mắt thấy Vĩnh Cơ đang ngồi viết quay lưng về phía mình, Ngà ngáp dài và nói trống:
- Khách đã về chưa?
Vĩnh Cơ nghe nhưng không muốn trả lời, anh cứ cắm cúi viết. Ngà lại ngáp dài hỏi, vẻ hằn học:
- Em hỏi khách về chưa, anh có nghe thấy không?
- Bây giờ thì có nghe. - Vĩnh Cơ vẫn giữ nguyên tư thế cũ trả lời.
- Trả lời thế, thèm mà hỏi vào!
Ngà tung chân co duỗi rồi nằm vắt mình sang phía khác, bé Mỹ Thiện thức giấc khóc thét lên.
- Ô kìa, sao con lại khóc thét lên thế? - Vĩnh Cơ hốt hoảng ngoái đầu lại hỏi.
- Một tí thôi mà! Lỡ đè lên tay nên nó đau nó khóc đấy, xong rồi! Lại ngủ tiếp! - Ngà lạnh lùng trả lời.
Đúng, bé Mỹ Thiện đã nín khóc lại ngủ tiếp. Ngà đứng lên vươn vai ngáp dài, rồi bước tới trước gương đứng ngó nghiêng soi mình nói:
- Bà ấy gần bốn mươi tuổi mới lấy chồng, nhưng xem ra ông chồng có vẻ thương yêu chiều chuộng bà lắm!
Vĩnh Cơ như không thể chịu được nữa, ném cây bút đánh "cộp" xuống bàn:
- Này, liệu mà ăn nói cư xử cho phải phép với chị gái của tôi đấy nhé!
- Ai đã làm gì bà ấy nào?
- Làm gì à? Cô là em dâu mà đến một câu chào cho phải phép cũng không có! Chú Vĩnh Bảo giới thiệu cô với chị tôi xong cô bỏ đi đâu? Thái độ cô tiếp rước chị ruột của tôi như vậy à? Lúc nãy cô còn hỏi trống "Khách đã về chưa". Tôi nói cho cô biết, đấy không phải là khách. Đấy là chủ nhân của ngôi nhà này, người chị lưu lạc của tôi ngót ba chục năm qua!
- A, anh này lạ nhỉ? Tôi đã nói lời nào, đã làm điều gì xúc phạm đến chị của anh?
- Vâng, chị của tôi nên tôi phải đi dọn phòng để mời chị nghỉ. Nhưng chị đã không thèm nghỉ lại nhà mình. Chị đi với chồng, nương nhờ ở cơ quan chồng. Tôi xấu hổ quá mà phải thưa với chị rằng vợ tôi đã dọn phòng cho chị, xin rước chị vào nghỉ. Lúc ấy cô đi đâu?
- Tôi còn đi đâu được nữa?! Phải ẵm bồng và cho con của anh bú mớm. Tôi biết gì về chuyện dọn phòng ấy? Đã gọi là người nhà thì tự kiếm chỗ mà ở, mà nghỉ ngơi nếu muốn. Việc gì phải có người hầu hạ mời mọc?
- Trời đất ơi!...
Vĩnh Cơ rít lên, đứng bật dậy bước ra khỏi phòng, đi đi lại lại ở hành lang. Vĩnh Cơ thấy cuộc đời anh sao quá nhiều gai góc. Khi anh quyết định lấy vợ là anh muốn tìm một bóng râm cuộc đời để nương tựa sau những ngày dài đi mỏi. Thế nhưng anh không ngờ cuộc hôn nhân lại gây cho anh nhiều phiền phức nhức nhối đến thế! Những lúc bế tắc cùng quẫn như thế này anh thường nhớ tới Mỹ Lệ. Mỹ Lệ là người con gái đầu tiên mà Vĩnh Cơ đem lòng yêu thương. Nhưng trước đó Mỹ Lệ đã nhận lời cầu hôn của một người con trai khác. Đến nay Mỹ Lệ và Vĩnh Cơ ai cũng đã yên phận nấy, nhưng Vĩnh Cơ được biết Mỹ Lệ sống không hạnh phúc với người mà chính cô đã lựa chọn. Còn Vĩnh Cơ sau khi không còn giữ được thế hợp pháp để tiếp tục ở lại hoạt động trong mạng lưới tình báo của Bộ Quốc phòng, anh được Tổ chức rút lên vùng hậu cứ đưa về nhận công tác ở Ban Binh vận. Tại đây anh đã góp phần kêu gọi nhiều hàng binh và tổ chức thành công nhiều mạng lưới phản chiến, rã ngũ trong quân đội Sài Gòn. Với công lao và thành tích, anh được trao tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Quyết thắng. Tháng 12 tháng 1973, Vĩnh Cơ bị sốt rét ác tính nên Tổ chức cho anh ra miền Bắc để điều trị và điều dưỡng. Lúc bấy giờ Vĩnh Cơ đã ba mươi ba tuổi. Tại vùng đồi trung du Vĩnh Phú - nơi khu điều dưỡng trú đóng - anh đã gặp Ngà, một cô gái mồ côi cha, có một tuổi thơ cơ cực. Cô đang sống với mẹ. Hằng ngày cô đến Viện điều dưỡng xin thức ăn thừa, nước vo gạo về để chăn nuôi. Cô khoảng hai mươi tuổi, người thấp nhỏ, mớ tóc vàng hoe cháy nắng thường được cột túm lại, để lộ khuôn mặt thơ ngây với làn da trắng mịn hồng và nụ cười luôn nở trên môi. Cô thường e thẹn khi cánh lính điều dưỡng lân la hỏi chuyện. Có thể do mặc cảm về thân phận nghèo hèn của mình, cũng có thể do bản tính rụt rè vì không quen tiếp xúc. Ở cô có cái gì vừa mộc mạc hoang dại lại vừa thơ ngây... Nhưng tất cả những cái đó có một sức lôi cuốn kỳ lạ đối với Vĩnh Cơ. Sinh ra trong một gia đình quan lại quý tộc, lại là hậu duệ của Hoàng gia Nguyễn Phước tộc - dẫu đã suy tàn sa sút nhưng nếp nhà vẫn không đổi. Quen sống ở các thành phố lớn, quen nhìn thấy những người đàn bà con gái đài các kiêu sa, bất chợt gặp ở đây một bông hoa dại, hương sắc tự nhiên, Vĩnh Cơ cảm thấy hay hay... Và cuối cùng anh đã đến với cô, dễ dàng, tự nhiên như người ta nhặt trong túi áo của mình ra một điếu thuốc và châm hút. Trong hoàn cảnh tứ cố vào thân đất khách quê người, Vĩnh Cơ quyết định lập gia đình với một đối tượng như thế là thuận lợi. Hơn nữa, anh vừa được trang bị nhân sinh quan mới: phải hòa mình với tầng lớp dưới để có điều kiện chia sẻ những khó khăn nặng nhọc của tầng lớp này và để củng cố lập trường giai cấp. Vua chúa đã không còn nữa, cả nền đệ nhị cộng hòa èo uột cũng sắp tan vỡ đến nơi rồi! Người chủ mới của đất nước chính là những người như cô gái này, như Ngà. Vĩnh Cơ đã kết hôn trong điều kiện đó, và bé Tôn Nữ Mỹ Thiện đã kịp sinh ra trước khi cuộc chiến tranh kết thúc. Ngày toàn thắng Vĩnh Cơ đưa vợ con về Huế. Người phản ứng ra mặt đầu tiên là Vĩnh Bảo vừa ở hậu cứ trở về:
- Người đàn bà này là tấm mề đay mà Đảng và Nhà nước đã ban thưởng cho anh về công lao chống Mỹ cứu nước ư?
Nói xong Vĩnh Bảo bật cười một tràng dài ha hả.
Vĩnh Cơ cảm thấy quá xót xa trước vẻ ngạo mạn khinh thường ra mặt của Vĩnh Bảo. Càng xót xa hơn khi đọc thấy trong mắt của bà con thân tộc ai cũng nhìn anh đầy vẻ chế giễu và nhìn vợ anh đầy vẻ coi thường. Đôi lúc anh vừa thương vợ lại vừa cảm thấy bực, bởi anh không ngờ Ngà lại đểnh đoảng vụng về đến thế! Đàn bà con gái mà đến một bữa cơm bình thường cũng không biết nấu! Biết đẻ con nhưng không biết nuôi con. Không biết may vá thêu thùa, không biết làm những thức ăn bình thường thì nói chi đến bánh trái nem chả... Vậy mà phải về làm dâu một gia đình Hoàng gia Nguyễn Phước tộc làm sao cô không ngỡ ngàng, vì mọi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt đều hoàn toàn xa lạ đối với cô. Ngay cả một thiếu nữ có học thức, được nuôi dạy hẳn hoi ở một gia đình tử tế tại thành phố lớn nếu bước vào nhà Vĩnh Cơ còn cảm thấy xa lạ ngỡ ngàng với nếp sinh hoạt ở đây, huống hồ là một người như Ngà! Vĩnh Cơ đã sớm nhận ra điều đó và anh đòi ra ở riêng, nhưng bà Phủ không cho, bà nói:
- Dẫu con có lấy ai thì đứa bé do con đẻ ra là cháu nội của mẹ. Mẹ không để cho cháu mẹ khổ. Vợ chồng con phải ở lại đây, rồi mẹ sẽ bảo ban dạy dỗ cho vợ con nó biết đằng ăn ở làm lụng. Nhưng nếu con cứ nhất định ra ở riêng thì hãy để cháu lại cho mẹ trông nom.
Đứng trước sự lựa chọn ấy Vĩnh Cơ đành ở lại với mẹ với em. Ngôi nhà của gia đình nằm trong khu vườn phía tay phải của Phủ thờ. Trong ngôi nhà đó gian phòng dành cho vợ chồng Vĩnh Cơ nằm ở đầu hồi phía bên trái. Nó ở vị trí Tây phòng. Vị trí Đông phòng là phòng riêng của bà Phủ. Còn Vĩnh Bảo khi thì nằm ở chái Tây Nam - trên chiếc sập gụ chạm trổ nhiều điển tích và khảm xà cừ, khi thì nằm ở chái Đông Bắc - trên bộ ngựa gõ bóng nhánh, khi chạy qua tiền sảnh của Phủ thờ mắc võng nằm lắc lư. Và xưởng họa của Vĩnh Bảo nằm bên phía Phủ thờ. Có khi Vĩnh Bảo mở cửa nhà Vĩnh Tuấn chất tranh vào trong. Một mảng tiền sảnh và phía sau phòng phủ là những hành lang rộng mênh mông chất đầy tranh của Vĩnh Bảo với những phác thảo dang dở, những ký họa, giá vẽ, bột màu, sơn dầu, bút vẽ... vứt ngổn ngang la liệt. Hình như tất cả không gian ấy không có chỗ nào dành cho vợ chồng Vĩnh Cơ - ngày ấy anh đã chua xót nghĩ vậy. Nhiều lúc Vĩnh Cơ thấy Ngà cũng tội nghiệp. Việc Ngà không thể thích nghi với nếp sinh hoạt của đại gia đình anh - ấy không phải lỗi của Ngà. Và không phải chỉ với gia đình mà thôi, bạn bè, đồng nghiệp anh hình như ai cũng nhìn Ngà bằng ánh mắt thương hại, nếu không muốn nói là coi thường. Nhưng tại sao độ này Ngà lại trở chứng, học đâu cái thói cách hợm hĩnh ngạo mạn và hỗn xược như vừa rồi nói về chị Liên Chi của Vĩnh Cơ như vậy là không được! Lại còn nói trống với chồng, coi thường chồng! Ôi chao phụ nữ, sao họ biến đổi nhanh vậy? Còn đâu cô gái hay thẹn thò e lệ mộc mạc ngày xưa? Tại sao Ngà không tự biến đổi mình theo chiều hướng tích cực mà lại theo chiều hướng xấu như thế? Ai chịu trách nhiệm về việc này? Vĩnh Cơ tự đặt câu hỏi rồi tự tìm thấy câu trả lời. Chẳng qua anh không dạy vợ, để cho vợ buông lung. Phải chăng đó là thái độ bất cần của Ngà khi thấy không đủ khả năng đi vào khuôn phép? Điều đó thật hết sức nguy hiểm. Có phải tất cả những cái đó đều xuất phát từ sự ít văn hóa, ít học? Đúng thế. Cha ông ta đã có câu “Nhân bất học bất tri lý”. Con người sinh ra ở đời mà không được học hành, không được dạy dỗ tử tế thì không thể hiểu được lẽ đời, không biết sống làm người, không biết ứng xử. Vậy biện pháp cấp bách là phải cho Ngà đi học. Nhưng học cách nào đây? Ở Ngà thiếu nhiều thứ quá, nên trang bị cái nào trước, cái nào sau? Ngà có ưu điểm là sức khỏe tốt, tiếng nói to, giọng cao, nên thường thích hát. Hiện giờ Ngà thích học đòi và thích chưng diện. Được, anh sẽ phát huy triệt để những sở trường đó của Ngà. Anh thở phào như vừa trút xong một gánh nặng, ném mẩu tàn thuốc vào gốc cây sứ trắng, bước trở lại chỗ của mình thì thấy Ngà đang nằm nghếch chân lên giường mắt mơ màng trống rỗng, Vĩnh Cơ nói:
- Anh sẽ rước thầy về nhà dạy học cho em!
- Học ư? - Ngà ngồi nhổm dậy: - Anh định cho em học cái gì?
- Học cái gì mà em thấy cần thiết, cần cho cuộc sống, cho em. Nói chung là học văn hóa.
- Nhưng em lớn như thế này mà bây giờ phải học như những cô cậu trẻ con, em không thích.
- Cứ phải học từ thấp lên cao chứ. Anh bận quá anh không thể dạy cho em được. Anh sẽ rước những người có kinh nghiệm.
- Em thích học hát cơ! - Ngà mạnh dạn đề nghị.
- Được. Anh sẽ cho em học nhạc, nhưng trước hết phải học văn, vì hằng ngày chúng ta nói năng ứng xử là cần văn lắm...
- Em thích học tiếng Tây để nói cho vui.
- Được, anh sẽ mời thầy dạy tiếng Pháp cho em.
- Vậy nhé! Em học hát và học nói tiếng Tây. Thế là đủ rồi! - Ngà nói.
- Chưa đủ đâu! - Vĩnh Cơ từ tốn: - Em phải học thêm một môn nữa hết sức cần thiết cho em, đó là môn nữ công gia chánh, để em còn biết nấu nướng vá may...
- Có cả môn học ấy nữa sao?
- Có chứ. Chỉ cần em chịu khó học. Anh sẽ lo được hết.
Ngà trở lại vẻ hiền hậu mộc mạc ngô nghê nhí nhảnh của ngày xưa khi cô đến bá vai Vĩnh Cơ nói:
- Em sẽ cố gắng học, chừng đó mỗi khi hai vợ chồng mình có đi ra ngoài tiếp xúc với ai em cũng không sợ bị người ta coi rẻ nữa...
Vĩnh Cơ cảm thấy chạnh lòng khi bắt gặp lại vẻ hồn nhiên chân thành của vợ. Thế đấy, cô ấy cố lên gân, cố mọc sừng mọc gai ra để cọ xát với môi trường mới, chứ thực chất Ngà không đến nỗi nào! Chẳng qua vì sớm chịu cảnh mồ côi, chịu thất học.
Từ Huy và Liên Chi được người cán bộ tổ chức hành chánh trao cho mượn chìa khóa một căn phòng nhỏ của dãy nhà sau văn phòng Ty Thông tin Văn hóa. Vừa xếp đồ đạc xong thì Vĩnh Bảo tìm đến. Vĩnh Bảo nói:
- Mẹ bảo em đi coi cho biết chỗ anh chị ở đâu để mẹ đến ở cùng anh chị...
Nghe Vĩnh Bảo nói xong Từ Huy và Liên Chi đưa mắt nhìn nhau. Làm sao bà Phủ có thể đến ở cùng vợ chồng con gái trong gian phòng hơn chục mét vuông này?
Đọc thấy sự bối rối trong mắt chị gái và anh rể, Vĩnh Bảo nói:
- Anh Từ Huy không muốn ở cùng mẹ và chúng em là vì anh không muốn... nương nhờ nhà vợ. Cái chất khí khái ấy của anh làm em thích anh và quý trọng anh, nhưng em cũng trách anh chỉ biết... nghĩ đến mình mà không nghĩ đến tình cảm của người mẹ xa cách con bao nhiêu năm.
- Anh xin lỗi! - Từ Huy nói: - Thực tình anh chị chưa ổn định công việc. Và ý mẹ muốn được ở gần con gái anh đâu dám làm trái? Anh định xong việc ở đây sẽ lại đưa Liên Chi về thăm mẹ.
- Vậy anh em mình đi ngay bây giờ. - Vĩnh Bảo đề nghị.
- Đi ngay bây giờ... hơi khó. - Từ Huy đắn đo nói. Thôi thế này, Liên Chi đi với Vĩnh Bảo về ở chơi với mẹ, đến sáng mai Vĩnh Bảo đưa chị trở lại đây để cùng anh lo một số việc. Còn anh tối nay có hẹn...
- Anh không cùng về với chị thì mẹ chưa vui lắm, nhưng như thế cũng tạm được. Vậy nhé, sáng mai anh đợi em đưa chị đến rồi anh em mình cùng đi ăn sáng luôn.
Từ Huy vui vẻ thỏa thuận với Vĩnh Bảo, Liên Chi ngoan ngoãn làm theo ý của chồng và tình cảm của em trai.
Bà Phủ rất vui mừng khi lại được ở bên con gái. Đêm hôm đó bà cứ ôm con vào lòng mà khóc và hỏi thêm về những ngày ở với gia đình vú Ngần. Càng nghe bà Phủ càng cảm phục tấm lòng của những thành viên trong gia đình vú Ngần, nhất định bà phải đi với vợ chồng Liên Chi ra thăm Thanh Hóa một chuyến. Bây giờ lại đến lượt Liên Chi hỏi thăm chuyện nhà. Bà Phủ kể hết các sự kiện của các thành viên trong gia tộc suốt ba mươi năm qua mà bà biết được. Nghe xong Liên Chi nói:
- Ba con và bác Bửu Toàn rất giống nhau về vóc dáng hình hài nét mặt phải không? Nhưng ba con chân phương hiền hậu đến mức... nhu nhược? Còn bác con thì sắc sảo đào hoa nhưng lại sống độc thân như thế trên ba mươi năm nay cũng lạ quá!
- Đào hoa lắm nên mệnh bạc nhiều chứ được gì con?! Chân phương giản dị như ba con dễ có hạnh phúc hơn. Chỉ tiếc rằng ba con không sống được tới ngày hôm nay để được gặp lại con...
Buổi sáng khi Vĩnh Bảo đưa Liên Chi trở lại chỗ Từ Huy thì gặp bác Bửu Toàn đang ngồi đợi ở đấy. Bác cháu gặp nhau mừng quá, cả hai không cầm được nước mắt. Liên Chi ngắm bác ruột của mình rồi tưởng tượng đó là ba Bửu Tín của Liên Chi. Bác rất giống bức ảnh của ba treo ở nhà. Còn Bửu Toàn thì ngắm cháu gái của mình từ đầu đến chân, lòng tràn đầy xúc động khi nhận thấy Liên Chi có những nét giống Phúc Tấn - mẹ của Bửu Toàn, bà nội của Liên Chi. Khi mọi người đã ngồi trong tiệm cao lầu mì, Bửu Toàn nói:
- Ngày xưa ba mẹ các cháu và bác đã bàn sẽ cho Liên Chi ở với bác, làm con của bác. Thật không bõ công bác chờ đợi bao nhiêu năm để bây giờ bác có thêm cả Từ Huy. Ăn sáng xong các cháu dọn ngay về chỗ bác!
Tuy mới được gặp bác lần đầu, chưa hiểu bác lắm, chưa biết nhà bác ở đâu, rộng chật sang hèn như thế nào, những thành viên trong gia đình bác ra sao... nhưng Từ Huy thấy cảm mến và tin cậy bác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ nhìn thấy ánh mắt và nghe giọng nói của bác, Từ Huy đã có thiện cảm. Giờ đây lời của bác như một mệnh lệnh khó cưỡng lại được, Từ Huy nói:
- Dạ thưa bác, nếu những thành viên trong gia đình bác cũng thương chúng con như bác đã thương thì chúng con xin vâng...
- Ồ, những thành viên trong gia đình bác ư? - Vĩnh Bảo kêu lên. - Anh chị đã gặp hôm qua ở nhà cả đấy, chỉ thiếu anh Vĩnh Tuấn đang ở Sài Gòn. Còn ngôi nhà bác muốn anh chị dọn về là ở bên đường Chương Đức kia...
Vĩnh Bảo giúp Từ Huy và Liên Chi trả phòng cho Ty Thông tin Văn hóa rồi dọn đến nhà của bác Bửu Toàn trên đường Chương Đức. Tại đây vợ chồng Phan Tấn và vợ chồng Từ Huy nhanh chóng làm quen với nhau. Chỉ trừ phòng của Đoan Thuận vẫn đóng cửa và giữ nguyên các đồ vật như xưa, còn các gian phòng khác của ngôi biệt thự giờ đây đều đã có người ở. Vĩnh Bảo nói:
- Hình như khi tậu ngôi biệt thự này bác đã thấy trước ngày đón anh chị Từ Huy Liên Chi đến ở? Trước hết bởi không gian này rất thích hợp cho công việc sáng tác của anh Từ Huy.
Bửu Toàn nắm lấy bàn tay Vĩnh Bảo vỗ nhè nhẹ rồi để yên trong hai bàn tay mình, nói giọng hết sức trìu mến:
- Cả Vĩnh Bảo và Từ Huy đều đang đầy ắp vốn sống và sức sáng tạo. Không gian nghệ thuật và các phương tiện hành nghề chỉ là vấn đề thứ yếu thôi mà con...
Vĩnh Cơ chính thức mời giáo sư họa sĩ nhạc sĩ Ngô Trần đến nhà dạy nhạc cho vợ mình. Tuy rất bận công tác lãnh đạo ở trường Đại học Mỹ thuật, nhưng Ngô Trần sốt sắng nhận lời ngay. Vĩnh Cơ đã giới thiệu bạn với vợ rất trân trọng:
- Đây là một trí thức Hà Nội chính hiệu đi tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp. Ông là bác sĩ y khoa vừa là họa sĩ, lại có năng khiếu âm nhạc.
Cũng như các trường đại học khác ở miền Nam, trường Đại học Mỹ thuật có đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu và giáo sư hiệu trưởng là một họa sĩ tài danh. Khi chế độ mới về tiếp quản đã tăng cường cho nhà trường một hiệu phó để làm công tác Đảng và công tác Tổ chức vừa khéo. Ngô Trần đến nhận nhiệm vụ vào thời điểm ấy. Vĩnh Cơ là phóng viên thường trú tại miền Trung cho vài tờ báo ở Hà Nội và Sài Gòn, anh thường đến lấy tài liệu để viết bài và đưa tin về những hoạt động của trường. Mối thâm tình giữa Vĩnh Cơ và Ngô Trần bắt nguồn từ đó. Một thầy giáo thứ hai được Vĩnh Cơ tha thiết mời về nhà đó là nhà giáo Bảo Trân, ông là cháu nội của Hoàng đế Thành Thái, là một trong những người giỏi Pháp văn vào bậc nhất của thành phố này, có nhiều kinh nghiệm dạy học cấp phổ thông. Cô giáo dạy môn nữ công gia chánh được Vĩnh Cơ tha thiết khẩn khoản mời và hứa trả lương thật hậu hĩ đó là Anh Thi. Anh Thi đang là cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế, là Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và là Phó chủ tịch Tổng Hội sinh viên. Ngoài giờ dạy học, Anh Thi còn phải dẫn sinh viên đi lao động làm sạch đẹp thành phố, đi xóa nạn mù chữ ở các xóm nghèo, các thuyền chài trên sông nước, đi trồng sắn trồng khoai, đi thăm và động viên các anh bộ đội đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn... Tuy bận nhiều việc thế nhưng Anh Thi đã sốt sắng nhận lời Vĩnh Cơ. “Mức lương hậu hĩ” mà cậu em Vĩnh Cơ hứa trả cho chị bé Anh Thi là sẽ giới thiệu cho Anh Thi một đấng nam tử tuyệt vời để chị Anh Thi có thể tuyển làm phu quân. Trước mắt Vĩnh Cơ phải tạm chi phí vật liệu học cụ, đổi lại Vĩnh Cơ xin được tham gia thiết kế chương trình. Ví dụ Vĩnh Cơ đề nghị dạy cho Ngà học làm món bánh bột lọc bọc nhân tôm thịt hoặc nhân thập cẩm trước. Tiếp đến là món bánh lá chả tôm, món chè bắp, chè đậu ngự... Học trò chưa thuộc bài buộc cô giáo phải giảng đi dạy lại, thao tác thực hành nhiều lần Vĩnh Cơ càng thích. Cả nhà thường được những bữa bánh trái no nê, lúc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, lúc không, nhưng không khí vui vẻ làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Một lần Anh Thi dạy cho Ngà nấu món canh măng chua với cá ngạnh nguồn con nào con nấy mang một bọc trứng vàng ươm, món bắp non chiên bơ và món bông lý xào với tôm thịt... Anh Thi nói:
- Một bữa cơm thường có sáu món cơ bản, gồm món chiên, món xào, món hấp, món nướng, món canh và món tráng miệng. Rau đậu củ quả cá thịt để nấu trước hết kiếm trong vườn nhà, cái nào thiếu mới đi chợ mua. Mùa nào thức ấy. Riêng các loại thủy sản thì Huế có năm nguồn cung cấp chính là biển Thuận An, đầm Cầu Hai, sông Hương, sông An Cựu và phá Tam Giang. Nhưng người Huế sành ăn thường thích loại thủy sản bắt từ đầm Cầu Hai hơn. Đây là vùng nước lợ - nhạt hơn nước biển và mặn hơn nước sông một chút. Ở đây có nhiều loại tôm cua cá ngon, nhưng đặc biệt có loài cá đối, cá hanh, cá dìa để chiên hoặc hấp cách thủy là thích hợp hơn cả. Loài cá bống thệ để kho khô hoặc nấu canh trái thơm, loài tôm rằn, tôm bạc, tôm sú... thì kho rim ăn với cơm gạo de An Cựu... Ở Địa Trung Hải có một số vùng cấu trúc địa lý thổ nhưỡng rất giống khu vực đầm phá Cầu Hai nước lợ của mình, những loài thủy sản của họ cũng giống như thế, nhưng họ không biết nấu canh cá bống thệ với trái thơm hườm chín như ở ta, lại càng không biết kho rim những con tôm rằn, tôm sú cho dòn tang, cho cong quéo và bóng nhẫy để ăn với cơm nóng như ở Huế...
Vĩnh Cơ dẫn một người bạn đồng nghiệp ghé qua nhà để lấy mấy thứ đồ dùng rồi vội vã đi lấy tài liệu để viết bài ngay cho kịp. Bất ngờ khi đi ngang qua nhà bếp ngửi thấy mùi thơm của thức ăn rồi nghe lọt “bài giảng” của Anh Thi với Ngà - người bạn của Vĩnh Cơ là Triều Linh sau đó cứ thao thức mãi. Tại chỗ qua đêm của hai người ở một huyện vùng xa, Triều Linh nói:
- Thời nay ở một số nước phát triển người ta cho rằng sở dĩ các đức ông chồng bị dài thắt lưng ra mãi là do các bà vợ nấu nướng quá ngon! Nhưng khi nghe Anh Thi giảng giải cho vợ Vĩnh Cơ mình lại nghĩ rằng một bữa cơm được nấu khéo léo tinh tế và hợp vệ sinh là nền tảng của sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
- Cảm rồi phải không? Chị bé Anh Thi là con chim hòa bình của cả gia tộc, là niềm hạnh phúc, niềm tự hào, là nguồn sống của bác Bửu Toàn và của bác Diệu Anh nữa...
- Sao nói lạ vậy? Niềm hạnh phúc và nguồn sống của hai ông bà lại nặng nhẹ khác nhau sao?
- Chị Anh Thi không phải là con đẻ của bác Diệu Anh. Trước đó hai bác đã chính thức ly hôn. Nhưng về sau khi mẹ chị Anh Thi... không còn nữa nên bác Diệu Anh thương yêu chị Anh Thi như con đẻ, coi chị Anh Thi khác nào sinh mệnh của chính mình... Chính bác Diệu Anh đã truyền lại cho chị Anh Thi bao điều giỏi giang khéo léo...
- Ồ, như vậy thì thật phúc đức cho bác Bửu Toàn của Vĩnh Cơ quá!
- Đúng thế, cuộc đời bác ấy thật lạ lùng, thật tuyệt! Người đàn bà nào cũng yêu bác hết lòng hết dạ, bác cũng hết lòng hết dạ với những người đàn bà đi qua đời mình. Nhưng những mối tình sâu nặng ấy chỉ như một tia chớp, một tia lửa điện xẹt qua thiêu rụi trái tim đa cảm của bác Bửu Toàn rồi ra đi vĩnh viễn, còn bác cứ ôm kỷ niệm mà sống mỏi mòn...
- Thế còn thái độ chính trị?
- Ồ, điều đó ở bác của mình còn lạ lùng hơn nữa! Riêng đoạn đời của bác từ một quan chức của Tòa Khâm sứ đến trở thành người của Việt Minh đã như một pho tiểu thuyết rồi. Riêng thời kỳ chống Mỹ một số cán bộ lãnh đạo được bác nuôi giấu trong nhà suốt bao nhiêu năm mà không hề bị lộ. Đôi vợ chồng trung niên hiện nay ở với bác vốn là con của người lái xe. Vợ chồng anh chị đều là cán bộ đảng viên trung kiên của cách mạng. Một thời dưới mắt mọi người quan ngài Hoàng thân Bửu Toàn hào hoa phong nhã xin cáo quan về nghỉ sớm để rong chơi. Hàng ngày người tài xế đánh xe chở quan ngài đi chơi, đánh tổ tôm, tài bàn, mạt chược... thực chất là đi hoạt động cách mạng, đi nắm bắt tình hình về cung cấp cho cán bộ lãnh đạo ở trong nhà... Bác ấy làm cách mạng mà như người ta đi chơi vậy! Nhưng mà... cậu định xin cầu hôn con gái của bác Bửu Toàn hay định viết về bác ấy mà hỏi kỹ thế?
- Mình chưa có ý định gì hết, bởi vì... làm sao một báu vật thiêng liêng như thế lại có thể cho phép mình được mơ ước?...
Triều Linh nói, cung giọng trĩu một nỗi buồn. Vĩnh Cơ châm thuốc cho bạn và cho mình rồi nói:
- Nếu bạn thật lòng, mình sẽ giúp đỡ. Nhưng nghe nói Anh Thi sắp đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
- Như vậy cũng tốt. Thế hệ chúng ta học hành vất vả quá. Thế hệ của các cô ấy có điều kiện phải biết phát huy...
- Thực ra Anh Thi không nhỏ hơn chúng ta nhiều lắm đâu. Năm nay chị đã hai mươi chín tuổi. Học hành, hoạt động trong phong trào hợp pháp ở đô thị, rồi công tác chuyên môn giảng dạy cũng đã khá nhiều năm... Thế này nhé, chúng ta có thể vận động cho chị ấy đính hôn trước khi đi nghiên cứu sinh là tuyệt!
- Có cần phải ép cô ấy như vậy không? - Triều Linh để lộ xúc động vừa băn khoăn hỏi.
- Ồ, phải “ép” chứ! - Vĩnh Cơ liếc nhìn bạn và khẽ nhún vai nói tiếp: - Đấy là thái độ trách nhiệm của gia đình chứ. Dẫu trời phú cho cái vẻ trẻ đẹp xinh tươi mơn mởn hơi bền lâu đấy, nhưng cũng đừng quên câu “Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi...”
Ở Sài Gòn được tin cô em thất lạc ba mươi năm bây giờ mới tìm về được với gia đình, Vĩnh Tuấn mừng lắm. Anh thu xếp công việc ở Sài Gòn xong liền về Huế thăm em. Tại phòng khách của chú thím mình, Vĩnh Tuấn bất ngờ nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang âu yếm nhau. Thấy Vĩnh Tuấn vào, họ lật đật rời nhau ra rồi bẽn lẽn trở về ghế ngồi. Vĩnh Tuấn nhìn người đàn ông ngờ ngợ, ký ức của anh vụt trỗi dậy khi anh bước vào phòng trong tìm bà Phủ. Hai thím cháu gặp lại nhau mừng lắm. Vĩnh Tuấn hỏi:
- Thưa thím, người đàn bà cháu vừa gặp ở phòng khách ngoài kia có phải là Liên Chi không?
- Không phải đâu con. - Bà Phủ nói. - Đó là vợ của Vĩnh Cơ. Liên Chi và chồng nó đang ở với bác Bửu Toàn trên đường Chương Đức.
- Vợ chồng em Liên Chi đang ở với ba cháu? Ồ, hay lắm! Cháu sẽ đi lên nhà ba cháu ngay. Thế còn người đàn ông đang... ở phòng khách là ai vậy thím?
- Ông ấy là ông giáo do Vĩnh Cơ rước về để dạy cho vợ nó học.
Bà Phủ vào tư trả lời trong lúc Vĩnh Tuấn kìm nén một cơn giận dữ đang dâng lên ngùn ngụt. Vĩnh Tuấn đã nhận ra khuôn mặt của kẻ lòng lang dạ sói đang ở ngoài kia. Vĩnh Tuấn run giọng hỏi:
- Hắn tên là Ngô Trần phải không ạ?
- Ừ, ông ta là Ngô Trần. Cháu quen biết ông ấy sao? - Bà Phủ lại vào tình đặt câu hỏi.
Vĩnh Tuấn không trả lời thím. Anh lặng người trong giây lát. Ký ức ùa về. Vĩnh Tuấn còn nhớ ngày ấy ở mặt trận Yên Khương anh vừa được trung đoàn 77 phiên về cho tiểu đoàn 105 bộ đội địa phương. Đơn vị anh hành quân trong đêm tiến đánh cứ điểm làng Han, đi qua đập Bái Thượng lên thượng nguồn Sông Mã - Châu Thường Xuân. Từ buổi chiều các cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã tìm những cây trúc mục có loài côn trùng bám quanh thân cây gặm nhấm, bẻ một nhánh trúc cao quá đầu dắt vào ba lô để ban đêm thân của loài côn trùng này có lân tinh phát sáng làm hoa tiêu. Đồi núi chập chùng, đèo cao lũng sâu vực thẳm, các chiến sĩ chia thành nhiều nhóm nhỏ cứ bám lấy cây lân tinh hoa tiêu phía trước mà đi. Đoàn quân đi trong đêm không được lên tiếng, chỉ nhìn thấy một vệt lân tinh kéo dài ngòng nghèo lượn trên các hẻm núi... Nhóm của Vĩnh Tuấn đi sau gồm anh Lợ 22b6 i y tá, anh Vui và Vĩnh Tuấn là hai chiến sĩ trẻ nhất của trung đoàn. Hai giờ sáng buồn ngủ quá, cả ba đứng lại chụm đầu vào nhau ngủ, một lát sau mở mắt ra không nhìn thấy vệt lân tinh ngòng ngoèo phía trước nữa, mà là một cụm lân tinh rất to. Nghĩ là anh em cũng mỏi chân và buồn ngủ quá nên dừng lại ngủ đứng như mình. Nhìn đồng hồ tay, chiếc kim dạ quang cho biết nhóm ba anh em này vừa ngủ đúng bảy phút, liền chạy tới nhập với số đông anh em kia, nào ngờ đến nơi thì thấy đó là một bụi trúc mục to tướng. Vĩnh Tuấn lo lắng nói:
- Chúng ta bị lạc mất anh em rồi! Nếu chúng ta không tìm ra ngay để bám theo sẽ mang tội đào ngũ.
- Nhưng biết đi đường nào đây? Không khéo quay lại con đường cũ hoặc giẫm phải bãi mìn của địch... - Anh Vui nói.
- Tốt nhất là tranh thủ nằm ngủ một lúc đợi trời sáng rồi đi tìm đường. - Anh Lợi nói.
- Nhưng trời sáng thì trận đánh đã bắt đầu rồi còn gì? - Vĩnh Tuấn lo lắng nói khi nghĩ chỉ vì mấy phút ngủ đứng mà các anh bị phạm quân luật.
Cả ba đành phải ngồi quây cụm bên nhau chờ trời sáng. Lạ thay lúc này không thấy buồn ngủ nữa. Bốn giờ sáng núi rừng hiện ra lờ mờ trong sương, một con suối khô vắt ngang trước mặt. Cả ba chong mắt nhìn địa hình, bắt đầu nhận ra trên đỉnh núi cao kia là đồn tiểu khu Mường Cân. Vĩnh Tuấn liền nói:
- Khi quân ta đánh đồn làng Han thế nào quân đồn Mường Cân chẳng tiếp viện? Chúng ta cứ đợi ở đây chặn đánh quân tiếp viện.
Vui và Lợi nhìn quanh nói:
- Địa bàn này không có lấy một mô đất, một hòn đá, súng đạn chúng ta có ít làm sao đánh?
- Đúng là chúng ta đang... rất khó! Chung quanh
chỉ có lau sậy và trúc mục. Chúng ta có hai khẩu
Mut-cờ-tông và một quả lựu đạn. Nhưng phải lập công thôi. Có thể chúng ta sẽ hy sinh trong trận này còn hơn là mang tiếng đào ngũ...
Vĩnh Tuấn nói đến đây thì Lợi đưa tay ra hiệu im lặng. Phía trước một lính Mường dắt con ngựa trắng cao lớn đang đi ngược lên đồi Mường Cân. Vui buông hết ba lô súng đạn, bất ngờ vọt ra đón tên lính dắt ngựa, dùng tiếng Mường hỏi:
- Chào người anh em! Tôi đi buôn bè bị lạc, nhờ người anh em chỉ đường giúp cho (Quả thật trước đây Vui từng theo cha lên nguồn buôn bè gỗ nên có biết ít tiếng Mường).
Người lính Mường nói tiếng Kinh:
- Từ đây lên sẽ gặp đồn tiểu khu Mường Cân, đi xuống sẽ gặp đồn làng Han.
- Bây giờ anh đi đâu đó? Ngồi đây nói chuyện chơi một chút đã.
- Không được đâu, tôi phải dắt ngựa lên đồn Mường Cân cho quan Tây đi kiểm tra các cứ điểm...
Nói xong người lính Mường hối hả dắt ngựa đi.
Vui quay về khóm lau. Anh em cùng nhận định vậy là chắc chắn lát nữa tên đồn trưởng người Pháp sẽ phi ngựa qua đây, chúng ta sẽ phục kích.
- Anh thấy tên lính Mường kia như thế nào? - Lợi hỏi.
Vui nói:
- Nó là dân địa phương, chuyên làm thuê chăn
dắt ngựa cho địch, được bọn địch cho mặc áo lính... Chắc là vậy.
Đúng như mọi người đã nhận định. Khoảng một giờ sau một tốp lính cả Pháp và Mường chừng một trung đội đi hàng dọc từ Mường Cân xuống, dẫn đầu là viên đại úy Pháp ngất nghểu trên con ngựa mà lúc nãy anh chàng Mường vừa dắt đến. Phía sau cùng có một lính Pháp cưỡi một con ngựa nữa - về sau mới biết tên Pháp này là một thiếu úy. Đợi cho bọn địch đến thật gần, tên dẫn đầu cách Vĩnh Tuấn chừng năm mét, anh bắt đầu nhắm ngực viên đại úy Pháp nổ súng. Súng nổ xong con ngựa cứ cắm cúi bước đi, viên đại úy cứ ngồi ngất nghểu trên lưng ngựa. Lạ nhỉ? Chỉ vì cự ly quá ngắn mà bắn trật chăng? Vĩnh Tuấn tự hỏi khi nhắm bắn tên Pháp ngồi trên lưng con ngựa ở cuối đoàn quân, cùng lúc tên đại úy ngã vật từ trên lưng ngựa xuống, đằng kia tên thiếu úy trúng đạn liền ngã xuống luôn. Bọn địch bắt đầu bắn loạn xạ. Anh Vui anh Lợi bắn và ném lựu đạn. Vĩnh Tuấn nhảy ra giật lấy cây Carbine liên thanh trên tay tên thiếu úy Pháp, rồi vừa chạy vừa quay mũi súng bắn trả bọn địch đang vãi đạn như mưa rào... Vĩnh Tuấn bị trúng đạn vào chân.
Đơn vị tìm thấy nhóm ba người này thì mừng lắm, vì các anh đã bất ngờ chặn một mũi tiếp viện quan trọng cho đồng đội đánh đồn làng Han. Viên đại úy Pháp chết ngay trên lưng ngựa do viên đạn đầu tiên của Vĩnh Tuấn, nhưng một lát sau hắn mới ngã xuống. Nhóm ba người này được biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhanh chóng chuyển Vĩnh Tuấn về hậu phương để điều trị vết thương. Tên bác sĩ muốn cắt chân Vĩnh Tuấn cho mau xong việc, Vĩnh Tuấn không thể nào quên được khuôn mặt hắn! Vậy mà giờ đây hắn đang ở đây, ở ngay trong nhà của chú thím Bửu Tín, đang cùng với con vợ của Vĩnh Cơ làm trò mèo mỡ... Ôi chao! Vĩnh Tuấn muốn hất tung mọi thứ vào cái mặt gớm ghiếc của hắn, dộng vào mặt hắn một cú đấm như trời giáng rồi vứt xác hắn ra đường cho chó sói chó ghẻ đến phanh thây... Nhưng Vĩnh Tuấn đã khựng lại, đôi tay anh run vì cố nén một động tác rất bản năng, anh biết làm thế anh sẽ giết chết tên Ngô Trần này mất! Ngô Trần đang bối rối ngượng nghịu bên bàn học của Ngà khi thấy Vĩnh Tuấn từ phòng trong bước ra cùng với bà Phủ. Vĩnh Tuấn bước tới túm lấy ngực áo của Ngô Trần xách ngược, mắt long lên:
- Này thằng đểu! Mày còn nhớ mặt tao không? Còn tao thì rất nhớ mặt mày! Năm 1953 tại trạm quân y Hà Tĩnh mày đòi cắt chân tao cho xong chuyện! Cái thứ thầy thuốc của mày hãy cho hùm beo nó ăn thịt đi! Bây giờ lại còn làm thầy giáo?! Cái thứ nhà giáo mèo mỡ của mày hãy cút khỏi nhà này ngay!...
Vĩnh Tuấn nói như hét vừa buông ngực áo và dúi Ngô Trần ra. Ngô Trần lảo đảo vì mất đà rồi kịp gượng lại được, đưa mắt lấm lét nhìn Vĩnh Tuấn từ đầu đến chân, vừa đào sâu trong ký ức để nhớ lại một lần người thương binh nghe lọt câu chuyện ông trao đổi với các đồng nghiệp... Ngô Trần giật lùi mấy bước rồi ra khỏi nhà bà Phủ như tháo chạy.
Ngà xấu hổ bỏ chạy về phòng mình ôm chặt lấy bé Mỹ Thiện.