Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 7


Chương 7
Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, lùi xa hơn hai mươi năm rồi, những ân oán cũng lùi xa cùng với những kỷ niệm đau đớn và ngọt ngào.

Những con người được sinh ra từ vài chục năm đầu của thế kỷ XX đã lần lượt qua đời, chỉ còn sót lại một ít người. Có những sự việc họ cố quên bớt đi để nhẹ lòng đôi chút nhưng đầu óc họ cứ bắt nhớ, những việc gì họ cố nhớ thì lại quên...

Hoàng thân Bửu Toàn vẫn sống khỏe mạnh và luôn giúp đỡ mọi người chung quanh. Ông vẫn không nguôi nỗi nhớ về Đoan Thuận. Còn bà Hương Thảo cho đến giờ này vẫn chưa một lần nói cho Kim Hồng Mai - con gái của mình, nay đã là một họa sĩ tên tuổi - biết mình có một cô em con bà dì ruột đó là Anh Thi. Chưa một lần bà Hương Thảo giới thiệu hoặc tạo điều kiện cho hai chị em gặp nhau. Trước đây chỉ riêng bà mấy lần đi gặp thăm bé Anh Thi sau khi đã thỏa thuận với Vĩnh Tuấn một số điều kiện. Và cũng chưa một lần bà Hương Thảo để cho Kim Hồng Mai biết ngoài ngôi nhà của ông Bửu Toàn trên đường Chương Đức - mà Kim Hồng Mai vẫn cùng cha mẹ


đến thăm ông, ông còn một gia thất nữa ở phủ Vinh
Quốc Phong...

 

Nhưng Kim Hồng Mai chơi thân với Vĩnh Bảo. Ngày giải phóng Nguyễn Hồng Quang không trở về nên Kim Hồng Mai thường tìm đến Vĩnh Bảo - khi thì tại Hội văn nghệ - nơi Vĩnh Bảo làm việc, khi thì tại phủ Vinh Quốc Phong - để nghe Vĩnh Bảo nói về Nguyễn Hồng Quang, ôn lại những kỷ niệm với Nguyễn Hồng Quang... ngay cả khi bác sĩ Kim Hồng Văn đã định hôn cho Kim Hồng Mai với một nhà ngoại giao. Tại phủ Vinh Quốc Phong, Kim Hồng Mai đã gặp và làm quen với Anh Thi - người đẹp nổi tiếng của xứ Huế mà lâu lắm rồi Kim Hồng Mai đã nghe danh, đã ngưỡng mộ và trộm ngắm từ xa...

Khi Vĩnh Tuấn đang học đại học thỉnh thoảng đi cùng em gái đến ở chơi với ba nơi ngôi nhà trên đường Chương Đức. Nhìn thấy bức ảnh của Đoan Thuận treo trên tường, Anh Thi hỏi “Ai đó?” Vĩnh Tuấn đáp: “Dì Đoan Thuận." Khi Anh Thi trở thành một thiếu nữ, Anh Thi nhận thấy rằng dì Đoan Thuận với Anh Thi có nhiều nét giống nhau, và Anh Thi không giống mẹ, điều đó cũng bình thường thôi. Nhưng khi Anh Thi quen biết Kim Hồng Mai, rồi cùng Vĩnh Bảo đến chơi nhà Kim Hồng Mai, Anh Thi nhận thấy mẹ của Kim Hồng Mai rất giống dì Đoan Thuận và giống... Anh Thi. Từ đó Anh Thi bắt đầu âm thầm
tìm hiểu.

Giờ đây Anh Thi đã hiểu ra tất cả, dẫu rằng ba mẹ chưa một lần nói cho cô biết. Nhưng có một người rất đáng tin cậy đã nói cho cô nghe tất cả, đó là Vĩnh Tuấn - anh trai cô.

- Thịt gà sao không kho sả mà đem luộc? Rán trứng sao không rán bằng mỡ lại rán dầu? Sao không nấu canh thịt bò mà nấu canh cá? Chính ba cũng không thích cá sao độ rày ba cứ hay mua cá vậy? Lại nữa cứ mua dầu thực vật chứ không chịu mua mỡ! Sợ chết chứ gì? Sợ bị ung thư? Sợ bị dư mỡ trong máu?...

Có thể nói không bữa cơm nào Tôn Thất Hiền được ngồi ăn một bữa cho bình yên. Nhiều lúc đói quá Tôn Thất Hiền bưng chén ăn vội, lùa vội, nuốt vội để mau đứng lên - đã làm ông ứ nghẹn đau đớn vì miếng cơm cứ mắc hoài nơi cổ họng... Nhà chỉ có hai cha con, Tôn Thất Hiền thì quá bận bịu, tuy vậy cũng có lúc cơm nấu xong rồi mà ông cố ý nấn ná đứng ở bếp xào nấu thêm một món nào đó bưng ra cho cậu con trai, hoặc đi rửa mấy thứ bát đĩa xoong nồi, lau bệ bếp, giặt giũ, chùi nhà, đợi cho cậu con ăn xong Tôn Thất Hiền mới ngồi xuống bưng bát cơm lên. Trong lúc cặm cụi làm những công việc kể trên, Tôn Thất Hiền vừa nghe cậu con trai cằn nhằn, vặn vẹo hoặc đập đổ một món ăn nào đó mà cậu không vừa ý. Nếu hôm nào có những món vừa ý thì cậu ăn hết sạch, đến khi người cha ngồi vào bàn thì chỉ còn trơ chút cặn canh, chút thức ăn thừa vung vãi tựa gà bươi. Người cha nhẫn nhục tém gọn những thức ăn thừa kia, vừa xới cơm ăn và nói chuyện với con chó Ki:

- Ừ, để ba ăn xong rồi ba cho Ki, ba dành phần nước canh này cho Ki nhé, cả cục xương này nữa, rồi ba sẽ cho...

Tôn Thất Hiền vẫn thường xưng hô với chó Ki dịu dàng và thân mật như đối với đứa con nhỏ của mình. Nhưng lần này không đợi Tôn Thất Hiền ngồi vào bàn và dịu dàng nói những lời âu yếm như mọi khi, mà chó Ki đang đứng ngoài cửa bỗng chạy ùa vào ngay khi cậu quý tử Tôn Thất Hòa xô ghế đứng lên nói:

- Đem những thức này đổ hết cho con Ki ăn đi!

Nghe nhắc đến Ki nên Ki phấn khởi sà vào chân cậu chủ, liền bị cậu chủ bất ngờ dộng cho một phát ngang hông đánh “hực” một tiếng đau điếng, con chó cụp đuôi kêu nấc lên ăng ẳng, ăng ẳng... đau đớn. Tôn Thất Hiền lặng yên nhìn con chó Ki, lòng xót thương vào hạn. Đợi cho cậu con trai ngồi lên xe rú máy vọt ra đường xong, Tôn Thất Hiền mới bưng bát cơm đi ra chỗ máng chó đặt trước thềm, ông cúi xuống vuốt ve vỗ về con vật. Như hiểu được nỗi lòng của chủ, con Ki ngước đôi mắt loáng nước nhìn chủ trước khi vục mỏm vào chỗ cơm ăn nhỏ nhẻ.

Tôn Thất Hiền đậy lồng bàn cẩn thận những thức ăn mà ông đã cố gắng mua sắm và nhọc công nấu nướng, với hy vọng lát nữa đây cậu con trai sẽ trở về mở ra ăn khi vắng mặt người cha. Người cha vuốt ve con chó Ki một lần nữa rồi khóa cửa dắt xe đạp ra đường, không quên cúi xuống bóp thử vào đôi bánh xe - trước khi xuôi về bến đỗ cạnh chợ xép - đợi khách hàng. Người cha nghĩ không biết mình cần phải cố gắng đến mức nào nữa cho con vừa lòng? Hằng ngày Tôn Thất Hiền dậy từ ba giờ sáng bơm xe rồi đạp xe ra chợ rau của thành phố chở những mối quen về các chợ. Thường là chở được hai lượt khách thì trời mới bắt đầu sáng hẳn, các chợ bắt đầu đông. Tôn Thất Hiền vội mua bánh mì kẹp nhân về cho cậu con trai ăn để đi học, còn ông thì hâm lại cơm nguội rồi ăn qua quýt với chút thức ăn thừa hôm qua. Hoặc nấu nước sôi làm hai tô mì ăn liền cho hai cha con. Tô mì của con thường có một quả trứng gà, một nhánh hành, vài lát thịt. Khi con trai đến trường thì người cha rửa dọn bát đũa, quét tước, lau chùi nhà cửa rồi đạp xe ra bến bãi đợi khách. Gần trưa ghé chợ mua thức ăn về nấu cơm. Chiều cũng lại như thế. Nhiều khi Tôn Thất Hiền vừa bưng bát cơm lên, có khách gọi, vội bỏ bát xuống, xách xe chở khách đi liền. Cứ hai mươi ngày Tôn Thất Hiền bán máu một lần tại Trung tâm Huyết học truyền máu. Mỗi lần bán máu xong có một số tiền và một suất bồi dưỡng - thường là đường với sữa. Đường ông đem nấu chè hoặc làm nước chanh để uống, sữa thì đổi lấy trứng hoặc thịt cho con ăn. Cơm nước và các chi phí khác hàng ngày cho cả hai cha con đều trông vào những đồng tiền xe đạp thồ còm cõi. Riêng tiền bán máu dành dụm để trả học phí cho con. Cậu con trai thi đại học hai năm liền không đỗ, đành phải học tư. Mỗi năm đóng tiền học hai lần, mỗi lần hai triệu rưỡi - tương đương với mười hai lần rưỡi bán máu - vừa đúng một trăm ba mươi ngày - xấp xỉ một học kỳ, có thiếu chút đỉnh thì ông cố gắng đạp thêm chục cuốc xe đắp đổi cũng xong. Cậu con trai thấy được tất cả sự khó nhọc của người cha, đồng thời cũng cảm nhận được vị trí của mình trong trái tim người cha, cộng với bản chất ích kỷ đặc biệt - nên luôn vòi vĩnh bắt khoan bắt nhặt làm khổ ông đủ điều! Riêng trong tháng này cậu đã làm cho ông một phen điêu đứng quay quắt đứng ngồi không yên! Cậu cầm học phí ra khỏi nhà gặp đám bạn xấu rủ đi nhậu hết, về say mềm, nôn mửa, rồi đập phá nhà cửa suốt đêm. Ông phải chịu trận suốt đêm với nó. Gần sáng, ông dắt xe đạp ra khỏi nhà đi liêu xiêu. Đạp xe thồ người ta và thồ hàng hóa mà mấy lần ông suýt gục ngã. Một tuần sau thấy cậu con bỏ học đi chơi, hỏi ra mới biết vì không đóng học phí nên nhà trường không cho thi học phần. Khi các sinh viên khác vào phòng thi, thì con trai ông đi nhậu tiếp. Nghĩ mình đã lo cho con học được ba năm đại học rồi, ông phải gắng cho đến kỳ cùng! Ông phải chạy đi mượn của bạn bè, người quen để trả cho con kịp học kịp thi. Ông đã phải muối mặt đến vay mượn nhờ vả ở những nơi mà theo ông là không nên, là phải hết sức giữ thể diện. Nhưng không còn cách nào khác, bởi vì trong nhà ngoài chiếc xe gắn máy của cậu con đang đi, không có cái gì đáng giá cả. Để mua được chiếc xe đó ông đã phải chắt chiu dành dụm bao năm, cộng với những gì trong nhà bán được thì đem bán hết - trong đó có chiếc nhẫn cưới ngày xưa của mẹ ông để lại cho ông. Có người nói ông bị vợ bỏ, người thì bảo vợ ông chết. Ông nghe và không cần đính chính. Người ta nói thế nào ông cũng gật. Nhiều người biết ông trước đây là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn cũ, đúng ra ông nên đi Mỹ theo diện bảo lãnh H.O. Nhưng vì sao ông không đi? Có người cho rằng vì ông chưa đủ niên hạn. Bởi người Mỹ vấn đề gì cũng rạch ròi lắm! Chẳng hạn phục vụ được ba năm trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa thì được bảo lãnh cho đi định cư ở Mỹ, nhưng nếu một ai đó chỉ mới có hai năm mười một tháng hai mươi ngày thì cũng chưa được đi! Có thể Tôn Thất Hiền rơi vào trường hợp đó.

- Nói chơi chi vậy?! Lão ấy nguyên là trung úy. Này nhé, học ở quân trường Thủ Đức chín tháng ra được gắn lon chuẩn úy. Dẫu có thành tích xuất sắc liên tục chăng nữa cũng phải mất ít nhất ba năm mới bò lên được cái trung úy! Chẳng qua lão Tôn Thất này khùng vậy chứ có ai như lão? Nghe nói con vợ nó bỏ đi khi thằng con vừa lên sáu tuổi. Gần hai mươi năm sống cảnh gà trống nuôi con, lại gặp thằng con trời đánh, mà lão ấy coi bộ cưng con dữ a! Một mực không lấy vợ khác, một mực nín nhịn - ngọt ngào với con, một mực lặng lẽ sống...

Ông tổ trưởng dân phố nói với mấy người hàng xóm khi thấy Tôn Thất Hiền đạp xe qua.

Nữ họa sĩ Kim Hồng Mai đứng ở lan can lầu ngắm phong cảnh vừa nghe lọt câu chuyện của mấy người hàng xóm, cô càng thấy tội nghiệp cho ông xe thồ láng giềng. Kim Hồng Mai ở với mẹ già trên bảy mươi tuổi, có chồng Đại sứ, có con gái duy nhất đi du học ở Tây Âu. Hằng năm nữ họa sĩ thường dành một - hai tháng hè đi châu Âu sống với chồng con. Thời gian ấy bà Hương Thảo được một người bà con bên chồng đến ở cùng và trông nom. Kim Hồng Mai dạy Đại học Mỹ thuật. Sau khi ở trường về cô dành thời gian chăm sóc mẹ và vẽ tranh. Vì muốn tránh sự ồn ào nên hơn mười năm trước Kim Hồng Mai tìm về xóm vắng này mua đất làm nhà sáng tác. Về sau xóm vắng chẳng những mất dần sự vắng vẻ, mà còn ngày càng trở nên quá ồn ào, đông đúc, chật chội, đến nỗi nhà này mở cửa sổ ra có thể đụng vào cánh cửa sổ nhà kia. Do một sự tình cờ ngẫu nhiên nữ họa sĩ Kim Hồng Mai phải làm người láng giềng của ông đạp xe thồ Tôn Thất Hiền. Quanh năm suốt tháng phải hứng chịu những tiếng động khi cậu quý tử nổi cơn thịnh nộ, la hét đập phá nhà cửa hoặc mắng mỏ người cha của cậu không tiếc lời. May sao bà Hương Thảo tuy còn khỏe mạnh nhưng thời gian gần đây bắt đầu hơi bị lãng tai nên những tiếng động lớn khi đến tai bà liền trở thành tiếng động nhỏ. Riêng Kim Hồng Mai thời gian đầu rất lấy làm khó chịu, nhưng lâu dần thành quen, chỉ còn biết ngậm ngùi cho số phận của người cha khốn khổ gặp phải hoàn cảnh cay nghiệt, có đứa con bất hiếu. Chẳng bù cho cô con gái của Kim Hồng Mai là Kim Xuân Thọ. Kim Xuân Thọ vừa xinh đẹp dịu dàng, vừa ngoan hiền hiếu thuận, rất biết thương cha mẹ và chăm chỉ học hành. Phải chăng ông xe thồ Tôn Thất Hiền quá nặng tình yêu quê hương đất nước đến nỗi không thể rời bỏ quê hương để đi định cư ở Mỹ như những người khác? Ông nặng tình với người vợ đã bỏ ông mà đi đến nỗi không thể chắp mối tơ duyên với một người phụ nữ nào khác? Ông nặng tình yêu con đến nỗi hy sinh từng giọt máu cho con mà con vẫn chưa vừa lòng?... Có ai như ông hàng xóm của Kim Hồng Mai? Từ những xúc cảm trăn trở ấy, cây cọ trong tay Kim Hồng Mai đã khắc họa chân dung người cha nhọc nhằn đang gò lưng trên chiếc xe đạp thồ trong đêm đông se giá trời Huế dày đặc mù sương - phía sau là thồ người - một tiểu thương, phía trước ngực và tựa vào ghi đông xe là những bọc, những mẹt hàng rau củ quả xanh tươi chồng chất lên nhau ràng rịt, liên kết...

Kim Hồng Mai đang miệt mài bên giá vẽ thì nghe bà Hương Thảo ngỏ ý muốn ăn môn sáp vàng chấm với mật ong. Kim Hồng Mai liền gác cọ, rời giá vẽ đi mua cho mẹ. Kim Hồng Mai biết một chỗ bán môn sáp vàng rất ngon. Đó là bà già ngồi ở góc chợ Bến Ngự mé bờ sông An Cựu với nồi khoai sắn môn sáp vàng mỏng vỏ, mịn, bở tơi, luôn bốc khói. Trên đường trở về Kim Hồng Mai phải nhường lối cho một chiếc taxi rẽ vào kiệt rồi sịch đỗ trước cổng nhà mình. Kim Hồng Mai bước vội tới gần hơn. Một người đàn ông tay xách cặp da trên xe bước xuống: Ông Hiếu! Kim Hồng Mai vui mừng đón người khách bất ngờ đến từ phương Nam. Ông Hiếu ở Sài Gòn thỉnh thoảng về miền Trung thăm những gia đình cơ sở đã nuôi giấu ông những ngày còn hoạt động cách mạng bí mật. Mẹ của Kim Hồng Mai chẳng những là người nuôi giấu che chở ông mà từ bao lâu nay ông Hiếu khác nào người con cả của mẹ. Ông là một trong những người ít ỏi của đơn vị tình báo anh hùng T.65 còn sống sót sau chiến tranh chống Mỹ. Quảng Trị - Thừa Thiên Huế là những địa bàn trọng điểm trong quá trình hoạt động của ông. Ông bị địch bắt và bị đưa đi giam hết nhà tù này đến nhà tù khác, nhà tù cuối cùng là Côn Đảo. Ông bị tra tấn nhiều, nhìn bên ngoài trông ông có vẻ lành lặn, nhưng bên trong đầy thương tích. Dạo đó Kim Hồng Mai không hề biết ông là sĩ quan tình báo. Cô đi học thỉnh thoảng về nhà gặp ông, tưởng ông là cán bộ của ngành văn hóa thông tin.

Nằm ở phòng trong nghe tiếng ông Hiếu, bà Hương Thảo lật đật ngồi dậy vấn lại đầu tóc bạc phơ rồi bước ra ngoài nở nụ cười rạng rỡ. Bà Hương Thảo đưa đôi bàn tay nhăn nheo khô ráp sờ soạng lên đầu lên mặt ông Hiếu khi ông ôm chầm lấy bà rồi nép vào ngực bà như thể đứa con nhỏ lâu ngày được gặp lại mẹ.

Bày biện đồ ăn thức uống cho mẹ và mời ông Hiếu xong, Kim Hồng Mai trở lại với bức sơn dầu vẽ chưa xong của mình.

Buổi tối mọi người quây quần bên bàn ăn. Bà Hương Thảo đã tự tay nấu món canh thơm với cá bống thệ, kho rim những con tôm rằn đỏ au, cong quéo và bóng nhẫy cho ông Hiếu. Ở Quảng Trị ông Hiếu cũng có một bà mẹ nuôi - mẹ Triệu, cũng rất mực thương yêu ông Hiếu như con đẻ. Biết ông Hiếu vừa ở đó trở về, bà Hương Thảo hỏi thăm mẹ Triệu. Ông Hiếu nói:

- Mẹ Triệu sức khỏe không tốt bằng mẹ. Vừa rồi lại bị viêm khớp cấp tính phải đi nằm bệnh viện. Vậy nên con mới vội vã ra thăm.

Bà Hương Thảo tiếp thức ăn vào bát cho ông Hiếu nói:

- Sanh lão bệnh tử mà con, ai rồi cũng phải trải qua con đường ấy.

Những chữ cuối lời của bà Hương Thảo bị át đi bởi một tiếng “choang”, Kim Hồng Mai đưa tay khẽ trấn lên ngực:

- Thôi rồi, lại một tấm kính hay vật gì bên nhà ông xe thồ bị thằng con đập vỡ!

Ông Hiếu hỏi:

- Thằng con nào mà lạ dữ vậy?

- Thằng con của ông láng giềng tội nghiệp ấy mà.

- Con cái như thế thì phải có biện pháp chứ?

- Chắc cũng có nhiều biện pháp rồi mà không hiệu quả.

Kim Hồng Mai trả lời ông Hiếu và hướng câu chuyện sang đề tài khác.

Sau bữa cơm ông Hiếu ngồi nói chuyện với bà Hương Thảo bên bàn nước, còn Kim Hồng Mai bước vào phòng vẽ của mình. Trước lúc về phòng ngủ, ông Hiếu đến trước phòng vẽ của Kim Hồng Mai hỏi:

- Vậy chơ nhà bên ấy không còn ai nữa hay sao? Vợ ông ấy đâu rồi?

- Anh muốn nói vợ ông hàng xóm bên ấy ư? Ông ta bị vợ bỏ hay vợ chết sao đó, bởi vậy nên ông mới cưng chiều cậu con trai độc nhất của mình ra thế!

Thoáng thấy nỗi đau đớn hiện lên trên nét mặt ông Hiếu, Kim Hồng Mai nói:

- Thôi được rồi, anh sẽ được gặp người cha đau khổ đó vào sáng sớm mai, nếu anh chịu khó ngồi xe đạp thồ
ra ga.

 

- Xe đạp thồ ư? Được thôi, nhưng vì sao? - Ông
Hiếu hỏi.

- Là người cha đau khổ đó làm nghề đạp xe ôm. - Kim Hồng Mai giảng giải: - Thời buổi bây giờ người ta toàn cơ giới hóa cả, riêng ông này vẫn chiếc xe đạp ngược xuôi lay lắt kiếm sống qua ngày. Nghe đâu ông ta còn là người bán máu chuyên nghiệp nữa. Vậy nhé, hành lý của anh gồm một chiếc cặp da và túi bánh mẹ mới cho?

Ông Hiếu cười. Chả là Kim Hồng Mai và bạn bè luôn cười trêu ông sống giữa Sài Gòn hoa lệ không thiếu một loại bánh trái gì, vậy mà ông vẫn thích món bánh thuẫn Huế và những chiếc bánh in gói giấy ngũ sắc.

Những lần trước ông Hiếu thường đi chuyến tàu hỏa 5 giờ sáng thì 4 giờ 30 Kim Hồng Mai gọi taxi. Nhưng lần này sợ ông xe thồ sáng mai đi chợ rau sớm, nên sau lúc tiễn ông Hiếu về phòng ngủ, Kim Hồng Mai mở cổng đi qua nhà ông xe thồ dặn sáng mai đến sớm để đón ông Hiếu.

Kim Hồng Mai choàng thức dậy khi có tiếng kêu cửa. Nhìn đồng hồ thấy 4 giờ 20. Kim Hồng Mai vội ra mở cổng gặp ông Hiếu xách cặp da từ trên lầu đi xuống. Mưa rắc hạt nhỏ. Ông xe thồ mặc áo mưa màu sẫm, chiếc mũ áo mưa trùm lên chiếc mũ lưỡi trai màu trắng ngà. Ông đang cẩn thận lau chùi chỗ đệm ngồi cho khách thật khô và sạch. Kim Hồng Mai giục ông Hiếu mặc chiếc áo mưa mà bà Hương Thảo vừa đưa cho.

Ông Hiếu đi rồi, Kim Hồng Mai giục mẹ đi vào nhà nhanh kẻo ướt, rồi Kim Hồng Mai trở về phòng vùi mình trong chăn ấm ngủ tiếp. Nhưng nằm mãi không ngủ được. Gần sáng mới chợp mắt được một lúc thì nghe có tiếng gọi văng vẳng. Kim Hồng Mai mơ hồ nghĩ đấy là tiếng gọi của ông xe thồ ở cạnh nhà. Nhưng hình như đã một lần gọi và Kim Hồng Mai đã dậy đưa tiễn ông Hiếu rồi kia mà? Sao lại gọi nữa? Kim Hồng Mai vẫn mơ màng nhắm nghiền mắt và ngủ tiếp. Nhưng lại nghe có tiếng gọi. Lần này to hơn và rõ hơn, kéo Kim Hồng Mai hoàn toàn ra khỏi giấc ngủ. Cô ngồi bật dậy vừa đưa tay dụi mắt. Đồng hồ chỉ 7 giờ, cô đã ngủ quên và dậy muộn mất rồi! May sao hôm nay không có giờ lên lớp. Bỗng có tiếng ông Hiếu từ cổng vọng vào:

- Ngủ nhiều vậy cô em? Ra mở cổng cho anh nào!

Kim Hồng Mai ngạc nhiên xô cửa bước ra. Ông Hiếu tươi cười đón Kim Hồng Mai, sau lưng ông Hiếu là Tôn Thất Hiền. Ông Hiếu xách cặp da bước vào cổng và ngoái lại gọi:

- Vào đây, vào đây Hiền!

Kim Hồng Mai nhìn đồng hồ tay rồi mở to mắt nhìn ông Hiếu:

- Có việc gì vậy? Tàu trễ giờ ư? Sao anh lại quay về?

Ông Hiếu tươi cười bảo:

- Vào hết cả đây rồi anh nói cho mà nghe!

Khi mọi người ngồi quanh bàn, ông Hiếu nhìn Kim Hồng Mai nói:

- Anh Tôn Thất Hiền một thời là cán bộ trong mạng lưới tình báo của anh. Anh ấy hoạt động đơn tuyến. Sau giải phóng anh đã cất công đi tìm mãi mà không gặp. Càng về sau này anh càng thấy không còn chút hy vọng gì, nghĩ rằng do hoàn cảnh đưa đẩy có thể anh ấy đang ở đâu bên Tây bên Mỹ, hoặc đã hy sinh...

- Sao mấy lần trước anh đi qua Huế cũng ghé thăm mẹ em, cũng nghỉ lại chỗ chúng em mà không phát hiện ra? - Kim Hồng Mai hỏi.

- Tôi đi sớm về khuya, lúc nào cũng tất bật, bà con hàng xóm còn ít khi gặp nữa là... - Tôn Thất Hiền từ tốn nói. - Thôi, cái gì cũng có số kiếp cả chị ạ, trời cho giờ này tôi mới gặp lại anh Hiếu cũng còn may...

Ông Hiếu ở lại Huế thêm một tuần để đi lo làm thủ tục giấy tờ xác nhận công lao thành tích của Tôn Thất Hiền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thuở ấy Tôn Thất Hiền làm phóng viên biên tập viên cho Đài Cờ đỏ - cơ quan tâm lý chiến của chế độ Sài Gòn cũ. Ông đã cung cấp nhiều tin tức tài liệu quan trọng kịp thời giúp trên nhận định tình hình địch để đối phó. Ông Hiếu đánh giá Tôn Thất Hiền rất cao. Năm 1972 ông Hiếu bị địch bắt, từ đó Tôn Thất Hiền mất liên lạc với trên. Để tránh địch nghi ngờ, Tôn Thất Hiền phải tự ém mình một thời gian, vừa nghe ngóng động tĩnh và lúc nào cũng nơm nớp lo âu: Không biết trong lúc bị địch bắt ông Hiếu có kịp tiêu hủy tài liệu không? Chắc chắn kẻ địch sẽ tra tấn dã man, liệu ông Hiếu có giữ vững khí tiết trước đòn thù không? Sau giải phóng Tôn Thất Hiền bất ngờ được gặp lại Thùy - cô giao liên ngày nào do ông Hiếu gửi đến để chuyển tải những tin tức tài liệu của Tôn Thất Hiền về chỗ ông Hiếu. Thùy lúc này bụng mang dạ chửa. Thùy khóc kể rằng sau khi ông Hiếu bị bắt không lâu thì Thùy và toàn gia đình bị hốt vào trại tập trung. Khi nghe tin Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng Thùy trốn về Quảng Trị, nhưng bị bắt dọc đường, rồi bị giam vào lao xá Thừa Phủ Huế. Trong tù đã có lúc tinh thần Thùy bị sa sút, cô đơn và chán nản, giữa lúc đó Thùy gặp Nhâm. Ngô Nhâm là con nhà nòi âm nhạc và kịch nghệ. Ngón đàn ngọt của Ngô Nhâm đã làm cô thao thức, rồi cô đem lòng say mê Nhâm. Tuy đàn hay hát giỏi nhưng trước khi bị bắt Ngô Nhâm là chuyên viên của Ban kinh tài Khu ủy. Về sau Ngô Nhâm chiêu hồi. Được ra tù Ngô Nhâm đem theo cả Thùy. Ngô Nhâm được cấp nhà ở, lương ăn, và làm việc cho Ty chiêu hồi Thừa Thiên. Không được sự đồng ý của gia đình nên Thùy không thể kết hôn với Ngô Nhâm, nhưng vẫn lén lút quan hệ với Ngô Nhâm. Ngày giải phóng Huế, Ngô Nhâm sợ cách mạng trừng phạt nên bỏ trốn. Thùy đi tìm mãi không ra, cô nói:

- Chắc chắn Nhâm còn ẩn náu nơi nào trong nước, chứ chưa thể đi xa được, vì có người quen của Thùy vừa gặp Nhâm tại Sài Gòn cuối tháng 9 năm 1975.

Tôn Thất Hiền cất công đi Sài Gòn tìm Nhâm cho Thùy. Bản thân Tôn Thất Hiền cũng vừa mãn khóa học tập cải tạo bốn tháng ở Cồn Tiên về. Tôn Thất Hiền định bụng gặp Ngô Nhâm sẽ khuyên giải Ngô Nhâm về với Thùy và về trình diện với chính quyền địa phương. Tôn Thất Hiền có người anh con ông bác ruột Tôn Thất Hân làm chỉ huy Trưởng công an một quận ở thành phố. Dạo Hoàng thân Bửu Toàn giới thiệu chú Tôn Thất Hoan ra vùng kháng chiến để hoạt động cách mạng, về sau chú liên lạc với gia đình đem người con trai lớn của bác Tôn Thất Hân là Tôn Thất Xuân đưa ra miền Bắc để đi học. Tôn Thất Hiền đến định nhờ anh tìm giúp xem trên địa bàn có Ngô Nhâm cư trú không. Vừa thoạt nhìn thấy Tôn Thất Hiền bước vào nhà, Tôn Thất Xuân bây giờ đổi thành Nguyễn Xuân nói:

- Chú vừa đi học tập cải tạo về hả? May đấy!

Tôn Thất Hiền đứng lặng nhìn ông anh xa cách gần hai mươi năm bây giờ gặp lại nhau lần đầu, không hiểu anh muốn nói cái “may” nào? Nhưng nghĩ đến việc mình đang cần cậy nhờ anh, Tôn Thất Hiền cố giữ thái độ từ
tốn nói:

- Em muốn nhờ anh tìm giúp một người có tên là
Ngô Nhâm.

Chưa kịp hỏi cho biết Ngô Nhâm là ai, Tôn Thất Xuân hay còn gọi là Nguyễn Xuân xua tay:

- Thôi thôi, xin chú miễn cho! Gia đình tôi không muốn dây dưa với quân ngụy!

Tôn Thất Hiền đứng chết lặng trong giây lát rồi lùi dần ra khỏi cửa, chẳng nhớ mình có chào ông anh một tiếng hay không. Sau đó tự Tôn Thất Hiền tìm đến công an các quận nội thành và các huyện ngoại thành, nhưng chỉ tìm thấy dấu vết của Ngô Nhâm chứ không gặp được N 2849 gô Nhâm. Hết Sài Gòn lại Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang... Đi đâu cũng được một câu trả lời: Ngô Nhâm vừa rời khỏi đó không lâu. Cha mẹ Thùy đã mất. Anh em Thùy đều từ bỏ Thùy. Cuối cùng Tôn Thất Hiền phải cưu mang Thùy. Rồi Thùy sinh con trai. Khi đứa bé lên sáu tuổi, Thùy nghe tin Ngô Nhâm đã cùng với người tình mới sang định cư tại Mỹ. Thế rồi Thùy bỏ con vượt biên đi tìm Ngô Nhâm. Chẳng hiểu Thùy có đi đến được nơi cần đến và có tìm gặp được Ngô Nhâm hay không, nhưng bức thư ngắn của Thùy để lại nhờ nuôi bé Hòa thì Tôn Thất Hiền nhớ rất rõ. Ngày giải phóng, mệ Tôn Thất Hy - ông nội của Tôn Thất Hiền đã gạt nước mắt đặt lên bàn thờ hai bức ảnh của hai người con trai là chú Tôn Thất Hỷ trước đi lính cho Tây rồi sau đi lính Cộng hòa chết bỏ xác ở mặt trận đường 9, chú Tôn Thất Hoan đi tham gia cách mạng rồi hy sinh... Bây giờ lại buồn phiền về chuyện của đứa cháu nội là Tôn Thất Hiền nên mệ đã nhuốm bệnh rồi mất. Từ đó Tôn Thất Hiền lao động kiếm sống chủ yếu bằng cơ bắp, dành dụm được một ít rồi thu vén tư trang lên xóm vắng kiếm đất làm nhà, hai cha con ở với nhau, cắt đứt mọi liên lạc với họ hàng, người thân, tránh xa áp lực của gia đình và những lời eo sèo chê bai của hàng xóm.

- Vậy hóa ra cậu Hòa không phải là con đẻ của
ông Hiền?

- Thì đúng là như vậy. - Ông Hiếu cười nhăn nhở đáp.

Kim Hồng Mai ngửa cổ kêu lên:

- Trời đất ơi, chỉ có con trong ruột đẻ ra mới phải chịu đựng bao điều cực nhục do nó gây ra, đằng này...

- Như cô biết đấy. Ông Hiếu nói trong xúc động: - Chỉ riêng cái việc Tôn Thất Hiền im lặng chịu đựng sự ghẻ lạnh của mọi người, âm thầm chỉ mình biết tấm lòng mình đối với cách mạng mà thôi, cũng đã phi thường, đã kiên cường lắm rồi!

- Đó là lý do khiến Tôn Thất Hiền không đi Mỹ theo diện H.O?

- Cho đến phút cuối Tôn Thất Hiền vẫn không bị lộ. Giả sử Tôn Thất Hiền có đi Mỹ theo diện H.O cũng hợp pháp, hợp lý. - Ông Hiếu nói.

Ông Hiếu mấy lần đến thăm nhà Tôn Thất Hiền, gặp cậu Tôn Thất Hòa lựa lời nhắc nhủ khuyên bảo cậu. Ông Hiếu đã trở về Sài Gòn ba hôm nay. Nhịp độ sống ở nhà Tôn Thất Hiền trở về nề nếp cũ. Tôn Thất Hiền hiểu được rằng dẫu Nhà nước có công nhận công lao của Tôn Thất Hiền mà cho hưởng chế độ chính sách thì số tiền nhận được cũng khiêm tốn thôi. Và trước mắt là phải chờ đợi một thời gian cho các cấp các ngành phê duyệt xong rồi mới thực hiện được chế độ. Trưa nay đứng bên nhà mình, Kim Hồng Mai lại nghe thấy tiếng lục đục bên nhà Tôn Thất Hiền. Cậu Tôn Thất Hòa đang to tiếng la hét chê bai cơm không ngon canh không ngọt, chê Tôn Thất Hiền là kẻ hèn kém không biết đường kiếm được nhiều tiền như người ta. Đợi cho cậu con trai dằn dỗi dắt xe ra rồ máy vút lao đi, Kim Hồng Mai mới mở cổng đi qua nhà Tôn Thất Hiền. Tôn Thất Hiền pha trà mời Kim Hồng Mai uống bên chiếc bàn gỗ tạp cũ kỹ. Bưng tách trà nóng lên, Kim Hồng Mai hỏi:

- Tại sao khi chị Thùy mới có ý định bỏ đi, anh không phát hiện sớm để giữ chị ấy lại?

Tôn Thất Hiền trả lời như đã suy nghĩ kỹ từ trước:

- Không nên giữ người phụ nữ lại bên mình khi trái tim họ thuộc về người khác.

- Thế còn cậu Hòa? Trái tim cậu ấy thuộc về ai? Vì sao anh lại cưu mang cậu ta khổ sở làm vậy? Hay là trái tim anh thuộc về cậu ấy? Mãi mãi thuộc về mẹ con cậu ấy?

- Nói đúng ra ban đầu tôi cũng tưởng là như thế. - Tôn Thất Hiền đắn đo nói. - Nhưng về sau nghiệm ra không phải. Lúc này tôi còn tiếp tục cưu mang Hòa cũng giống như ngày nào tôi lặn lội đi tìm anh chàng họ Sở khắp nơi cùng chốn giúp cho Thùy, nhưng không tìm thấy. Sợ Thùy có hành động tiêu cực tổn hại đến tính mạng của cả hai mẹ con nên tôi phải cưu mang... Và cuối cùng là mấy dòng thư ngắn ngủi của Thùy để lại nhờ tôi nuôi bé Hòa khôn lớn.

- Chỉ vì mấy dòng ngắn ngủi của người đàn bà ấy để lại mà anh phải gánh một công việc tủi cực đến thế này ư?

- Cũng không hẳn hoàn toàn như thế chị ạ! Những dòng thư của Thùy để lại cho tôi chỉ có ý nghĩa thông báo. Còn việc nuôi bé, dẫu Thùy không nhờ tôi cũng làm. Tôi chỉ cảm thấy đau lòng và tủi hổ vì mọi cố gắng nuôi nấng dạy dỗ đã không đem lại kết quả như ý.

- Vậy cậu ta nghĩ mình là ai chứ? Nó có biết nó không phải là con đẻ của anh không?

- Chẳng ai nói cho nó biết. Tôi càng không nói. Nó hận mẹ nó bỏ đi khi nó còn nhỏ. Nỗi hận ấy nó trút cả vào tôi! Nó bảo tôi là người đàn ông tồi đã không biết cách giữ chân một người phụ nữ.

- Con với cái! Nó là đồ quỷ sứ! - Kim Hồng Mai không giấu sự phẫn nộ, thốt lên lời nguyền rủa.

Tôn Thất Hiền chua chát:

- Người ta bảo nhà có phước thì quỷ biến thành con, vào phước thì con hóa quỷ! Chẳng qua tôi vào phước...

Kim Hồng Mai nhìn Tôn Thất Hiền xót xa. Cùng lúc Kim Hồng Mai sực nhìn thấy ở góc nhà những mảnh bát vỡ chỏng chơ bên những lát cà chua, những nhánh hành quấn thịt băm viên nằm trong vũng nước canh màu hồng nhạt. Con chó Ki khép nép đứng ngoài cửa bếp đón đợi dòng nước canh ri rỉ chảy ra. Mắt Kim Hồng Mai như
đẫm lệ:

- Sao anh không kiếm lấy một đám tử tế mà xây dựng?

Tôn Thất Hiền e thẹn khi thấy Kim Hồng Mai phát hiện ra tô canh vừa bị đập vỡ chưa kịp dọn, ông nói giọng hết sức chân thành:

- Ôi chao! Hoàn cảnh tôi như thế này, ai người ta dám bước vào nhà?

- Nếu vậy thì cũng đã đến lúc anh hãy nói hết cho nó biết nó là ai, may ra nó có thể tỉnh ngộ, và đời anh bớt tủi cực đi!

- Tôi sợ rằng lúc đó tình hình sẽ xấu hơn... - Tôn Thất Hiền lại đắn đo nói. - Nó sẽ bị sốc và có thể nó sẽ làm liều. Tôi biết tính khí ngang ngược của nó mà, tận trong máu tủy nó là đứa ngang ngược. Và chừng đó không khéo tôi lại vào tình tạo ra một gánh nặng cho xã hội. Thôi chi bằng cứ nín nhịn cho qua, cứ lấy cái tình người mà đối với nhau...

- Thế anh định cưu mang cậu ta cho đến bao giờ? - Kim Hồng Mai rút khăn tay lau mắt hỏi.

Tôn Thất Hiền đáp giọng buồn:

- Bao giờ sức tàn lực kiệt, xuôi tay nhắm mắt thì thôi.

Kim Hồng Mai ra về mà lòng cứ thắc thỏm đau đớn day dứt về chân dung một người hàng xóm mà hôm nay cô mới định hình một cách trọn vẹn. Từ lâu thiên hạ cứ suy đoán rằng cậu Hòa là kết quả của cuộc tình ngắn ngủi tuyệt đẹp của Tôn Thất Hiền nên ông mới hết lòng thương yêu nâng niu chiều chuộng phụng thờ làm cho cậu ấy tưởng mình là thần. Hóa ra không phải như vậy mà hoàn toàn ngược lại - Tôn Thất Hiền luôn là một con người vào cùng tỉnh táo trước tất cả mọi vấn nạn, mọi bất trắc trong cuộc sống. Tôn Thất Hiền tiên liệu rằng sẩy tay ông ra có thể cậu Hòa sẽ trở thành một gánh nặng - một ung nhọt cho xã hội, nên một mình ông còng lưng gánh lấy trái núi nặng trĩu kia! Trời ơi! - Kim Hồng Mai thầm kêu lên trong tâm khảm - Ước gì cậu con trai bất nhân ấy hiểu được rằng đôi lúc con người ta phải thờ cả quỷ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83718


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận