Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 8


Chương 8
Một lần Ngà nói:

- Hồi mới giải phóng chị Liên Chi là một công nhân cầu đường chưa có nơi nào nhận vào làm, vậy mà chồng chị ấy đã lo cho chị có chỗ học hành rồi ra làm việc, vừa thư nhàn vừa râm mát. Giờ nghe nói sắp được đề bạt lên chức phó phòng, nay mai còn lên nữa... Còn em học được chút nữ công gia chánh của chị Anh Thi để trở thành người làm bánh bột lọc bán lẻ từng đồng kiếm chút lãi để gọi là có việc làm, không ăn bám hoàn toàn vào nhà chồng... Em nghĩ mà tủi phận lắm!

Vĩnh Cơ nín nhịn, giọng nửa như dỗ dành, nửa
gay gắt:

- Em so bì với chị Liên Chi thế nào được? Chị thi vào trường Trung học Thư viện đỗ cao. Chị vừa học chuyên môn vừa học văn hóa cho hết bậc Tú tài. Thi ra trường chị đỗ đầu. Nhận công tác xong chị lại tiếp tục vừa học vừa làm. Chị phấn đấu liên tục giỏi giang đủ mọi mặt... Em có làm được như chị ấy không?

Nói rồi Vĩnh Cơ không để cho vợ kịp có phản ứng nào, anh bước đi thẳng. Nhưng kể từ hôm đó Vĩnh Cơ luôn để tâm theo dõi những công việc gì ở đâu đó vừa sức Ngà để kiếm cho Ngà một chỗ. Nhưng lúc nào anh cũng bị kẹt cứng ở cái trình độ văn hóa chưa hết lớp năm của Ngà. Đã có lúc anh nghĩ đến cái tình thân giữa anh với các cơ quan ngôn luận đóng trên địa bàn tỉnh, anh có thể vỗ vai một chánh phó tổng biên tập hoặc giám đốc một cơ quan ngôn luận mà nói thật tình trạng của Ngà, rồi xin cho Ngà một công việc lao động phổ thông nào đó, ví dụ như đóng gói sách báo để gửi phát hành, hoặc làm tạp vụ điếu đóm. Đầu lạ sau quen, chắc Ngà cũng sẽ làm được. Nghĩ vậy rồi nhưng Vĩnh Cơ vẫn ngại. Bỗng dưng hôm nay dịp may bất ngờ đến. Vĩnh Cơ đến Tòa soạn Tạp chí Vạn Xuân để nộp bài anh vừa viết xong. Đây là một tạp chí văn nghệ có uy tín thỉnh thoảng anh vẫn cộng tác ở chuyên mục “Vấn đề và Dư luận”. Vừa lúc Tạp chí nhận được công văn của trên gọi đi đào tạo từ một đến hai suất thư ký giám đốc và thư ký văn phòng, khóa học sáu tháng. Tạp chí đang thiếu người làm việc nên không thể bố trí ai đi học được. Vĩnh Cơ dè dặt nói với Tổng


biên tập:

- Nếu bỏ mất hai suất đào tạo thì uổng lắm, mình nói thế này nếu bạn thấy được thì giúp mình, không được
thì thôi.

- Được anh cứ nói! - Tổng biên tập vỗ vai Vĩnh Cơ. - Là chỗ thân thiết với nhau bao lâu nay, anh giữ ý làm gì, có gì anh cứ nói!

- Bạn có thể nhân danh Tạp chí giới thiệu cho vợ mình đi học khóa thư ký đó. Tất nhiên mọi việc sau đấy mình sẽ tự lo hết. Vợ mình chẳng có nghề nghiệp gì, từ trước nay chưa có một chỗ đứng chân nên...

- Tôi hiểu rồi! - Tổng biên tập nói, vừa pha trà mời Vĩnh Cơ uống: - Chắc cũng được thôi. Tôi sẽ lo việc này. Biết đâu sau khi học xong, ở chỗ chúng tôi cần người lại không rước chị ấy về làm việc.

- Được vậy thật quá quý! - Vĩnh Cơ nói chân thành: - Nhưng nhà tôi trình độ văn hóa quá thấp, sợ rằng không được chấp nhận. Do đó mọi việc nhờ bạn khéo léo vận động sao cho nhà tôi vào được trường này...

Đọc thấy nỗi băn khoăn lo lắng thắc thỏm trong mắt Vĩnh Cơ, Tổng biên tập Tạp chí Vạn Xuân cảm thấy vừa thương anh lại vừa nhức nhối. Công văn yêu cầu trình độ văn hóa của học viên tối thiểu tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Vậy mà một Hoàng thân, một nhà báo danh tiếng như Vĩnh Cơ lại rước bà vợ có trình độ dưới hạng ấy đến nỗi phải khổ sở hạ mình xin bạn... Ôi cuộc đời sao lại tồn tại một nghịch lý đau buốt nhường kia... Tổng biên tập nắm tay Vĩnh Cơ, giọng hết sức dịu dàng:

- Anh về bảo chị ấy đi làm cái giấy chứng nhận sức khỏe, đơn xin nhập học, sơ yếu lý lịch rồi đưa lên đây cho tôi để kịp gửi hồ sơ về ban tuyển sinh.

- Vào cùng cảm ơn bạn đã quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mình...

Vĩnh Cơ xúc động thật sự khi nói lời chia tay.

Về đến nhà Vĩnh Cơ thông báo cho vợ biết, rồi cả hai tất bật đi lo các thứ giấy tờ cần thiết. Có thể nói hơn mười năm chung sống với nhau, những ngày này không khí gia đình họ mới thật sự rộn ràng sôi động và hạnh phúc vì được chia sẻ với nhau một niềm vui, một loại công việc, một niềm hy vọng và cả những lo lắng mơ hồ mà lại có cơ sở rằng biết đâu mọi cố gắng của ông Tổng biên tập và của họ sẽ trở thành công cốc khi ban tuyển sinh không chấp nhận hồ sơ của Ngà vì thiếu một cái bằng... Nỗi lo này làm cho họ xích lại gần nhau hơn, Ngà tỏ ra biết ơn chồng và chăm lo cho chồng con hơn. Bé Tôn Nữ Mỹ Thiện thấy cha mẹ vui cũng vui theo và cố tỏ ra hết sức chăm ngoan.

- Mẹ cứ yên tâm mà đi học. Con ở nhà với ba, con sẽ nấu cơm, giặt giũ, lau chùi quét dọn nhà cửa... Và con cũng sẽ học tốt để cuối năm nay con còn thi nữa cơ mà.

- Đúng rồi, chỉ còn mấy tháng nữa là con sẽ trở thành cô học sinh trung học... - Vĩnh Cơ nói: - Ngày xưa ở miền Nam học sinh vừa thi tiểu học xong là phải mặc đồng phục áo quần dài trắng đấy. Ngày ấy học cùng lớp với ba có cô bé mới lên chín tuổi phải làm đơn xin phép được Ty giáo dục chuẩn y mới được thi tiểu học - Đậu tiểu học rồi ắt hẳn phải vào trung học. Lúc này thì trường nam trường nữ học riêng, nhưng hai trường liền kề nhau, mỗi lần thấy cô bé tí tẹo trong bộ áo quần dài trắng vào ra ở cổng trường ba và tụi bạn bè của ba gọi là bé chuột, bé chuột nhắt... Tự dưng ba hình dung con khác nào cô bé chuột nhắt ngày xưa...

- Con không chịu!... Con bắt đền ba!... Con không phải chuột nhắt...

- Ờ thì không phải chuột nhắt, thì con là cây kẹo, cây kẹo gừng vừa cay vừa thơm...

- Ứ! Con không phải kẹo gừng, không phải chuột nhắt, không gì hết!... Con muốn là con cơ... Con của ba mẹ mà thôi...

- Ừ thì con của ba mẹ... con ngoan của ba mẹ... - Vĩnh Cơ vuốt tóc con gái rồi ôm xoác con và vợ vào lòng.

Vì không có bằng cấp cũng như không có chứng chỉ học lực nên hồ sơ của Đỗ Thị Ngà không đầy đủ, nhưng với sự can thiệp tích cực của Tổng biên tập Tạp chí Vạn Xuân, cuối cùng ban tuyển sinh thông báo cho Tổng biên tập biết trường hợp của Đỗ Thị Ngà chỉ có thể học dự thính. Dự thính thì không được cấp bằng tốt nghiệp khi mãn khóa, dẫu học viên có học hành tốt và trải qua các kỳ thi đều đạt điểm cao.

- Dự thính cũng được. Vậy cũng đã quá tốt đối với Ngà. Mình vào cùng biết ơn bạn đã hết lòng giúp đỡ!

Vĩnh Cơ siết chặt tay Tổng biên tập và ra về với sự lo lắng thắc thỏm. Liệu rồi giữa ban tuyển sinh và ban giám hiệu nhà trường có thay đổi ý kiến gì không về trường hợp của Ngà?

Một ngày lập đông, gió heo may bắt đầu về trên Kinh thành Huế cũng là lúc gia đình Vĩnh Cơ có tin vui: Nhà trường gửi giấy báo gọi Ngà đi học. Cái gia đình nhỏ này lại rộn ràng chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Ngà lên đường nhập học.

Trường Trung cấp Hành chánh Quốc gia đặt ở huyện lỵ của một tỉnh vùng trung du Bắc Bộ. Khóa Thư ký giám đốc và thư ký văn phòng có cả thảy một trăm mười lăm học viên chia làm hai lớp. Trường tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải nằm cạnh tỉnh lộ, dọc dài theo những cơ quan địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Phía sau lưng là khu dân cư đông đúc, phía trước mặt là phố xá với các quán hàng điểm tâm giải khát cắt tóc thợ may... Ở ngã tư có cửa hàng bách hóa tổng hợp. Ở ngã ba có một chợ nhỏ. Phía sau các dãy phố là rừng bạch đàn xanh mướt bạt ngàn. Các học viên ngoài giờ học thường ngồi ở các quán xá, hoặc dạo chơi dọc trục phố huyện hay tản bộ trong rừng bạch đàn. Đặc biệt vào các kỳ thi - rừng bạch đàn là nơi các học viên tìm lấy một góc cho mình để mà ôn bài.

Sau một tháng nắm được sức học của mỗi học viên, thầy chủ nhiệm bắt đầu phân chia từng nhóm tổ để mọi người giúp đỡ kèm cặp nhau. Từng nhóm ba người - cứ hai học viên giỏi kèm một học viên kém. Đặc biệt Đỗ Thị Ngà được tới hai người cán bộ lớp giúp đỡ, đó là lớp phó Trần Thiên Anh và lớp trưởng Nguyễn Trọng Điểm. Thật là một sự quan tâm đặc biệt của thầy chủ nhiệm nói riêng và của Ban giám hiệu nói chung đối với học viên này. Bởi khi nghiên cứu hồ sơ của Đỗ Thị Ngà, thấy chồng Ngà là nhà báo tên tuổi Vĩnh Cơ, ai cũng lấy làm vị nể. Thế nhưng bản thân Ngà không hề ý thức được điều đó. Một thời gian sau người ta thấy Ngà hình như quên mất mình là người đàn bà đã đứng tuổi và có chồng con. Ngà học đòi cách ăn mặc như kiểu các cô thư ký trẻ, Ngà hút thuốc uống rượu như một số học viên nam, và ngoài giờ học phụ đạo Ngà còn có những buổi hẹn hò riêng với lớp trưởng. Cùng thời gian này người ta thấy Ngà có tiến bộ trong học tập. Nhưng cũng có lời đồn đãi rằng Ngà có quan hệ không bình thường với lớp trưởng. Có người hỏi thẳng lớp phó Trần Thiên Anh về điều đó, cô nói:

- Ai cũng đã lớn tuổi và có vợ có chồng cả rồi, mỗi người tự chịu trách nhiệm về bản thân mình là chính...

Dư luận lan rộng trong toàn trường. Ban giám hiệu và thầy chủ nhiệm gọi lớp trưởng lên để nhắc nhở. Riêng Ngà không ai nói gì. Nhiệm vụ kèm cặp giúp đỡ trong học tập cho Ngà cũng chấm dứt từ đây. Ngà và Nguyễn Trọng Điểm bắt đầu giữ ý tứ với nhau trước mắt mọi người, nhưng thường lén lút gặp nhau ở chỗ khác. Rừng bạch đàn được họ chọn làm nơi để quan hệ yêu đương. Ngày và đêm. Lúc nào tranh thủ gặp nhau được họ đều vào rừng bạch đàn. Khi khóa học đã học được một nửa thời gian và đánh dấu bằng kỳ thi một học kỳ thì mối quan hệ Ngà Điểm gần như công khai. Không biết có ai trong trường trong lớp tìm cách báo cho chồng Ngà biết hay sao mà vừa thi học kỳ xong là Vĩnh Cơ xuất hiện. Anh đến bất ngờ làm cho cả trường xôn xao. Điều mọi người quan tâm nhất là liệu rồi anh chàng Nguyễn Trọng Điểm và chồng Ngà sẽ đụng độ với nhau ra sao. Nhà trường bố trí phòng khách cho Ngà đón chồng. Chồng Ngà đến vào gần cuối buổi học chiều. Sáng hôm sau mọi người lên lớp sớm hơn mọi ngày. Ở hành lang và sân chơi không hẹn mà từng nhóm nhỏ quây cụm bàn tán chuyện vợ chồng Ngà.

- Có thể chuyến này sẽ có choảng nhau một trận ra trò. - Một anh nói.

- Rồi sẽ đem nhau ra rừng bạch đàn không phải giữa đêm hôm khuya khoắt, không phải chui bụi lủi bờ... Mà giữa thanh thiên bạch nhật, không xảy ra đấu súng thì cũng gậy gộc, dao phay...

- Bậy nào! Gì thì Nguyễn Trọng Điểm cũng còn danh nghĩa lớp trưởng, lại đang theo học, ai lại làm thế?

- Đúng thế, dẫu gì thì chồng Ngà cũng là một nhà báo có tên tuổi, lại con nhà hoàng tộc, quý phái, ai đi làm cái việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay...

- Nhưng mà ông ta đã có vợ kiểu đó thì ông ta chí ít cũng phải có cách đối xử cho tương ứng chứ?!

 

- Để chờ coi! Cùng lắm là họ bỏ nhau! Cỡ nhà báo Vĩnh Cơ rồi thì chẳng mấy chốc sẽ lại có vợ hay vợ đẹp, vợ ngon lành... Chỉ tiếc bà Ngà đũa mục mà được đặt lên mâm son lại còn không biết thân biết phận...

Câu chuyện nửa chừng của các học viên bỗng ngưng bặt khi ở lối đi từ nhà khách của trường xuất hiện Ngà cùng đi với chồng hướng về phía sân trường. Chồng Ngà ôm cặp sách của vợ đi sát bên vợ điềm đạm bước chậm rãi ngang qua sân trường. Gần đến cửa lớp họ đi càng chậm hơn. Vĩnh Cơ vẫn tay ôm cặp sách, còn tay kia quàng ngang eo lưng vợ, dìu vợ đi nhè nhẹ tiến vào lớp học đến bên bàn, đặt cặp sách xuống, rồi hai tay nâng nhẹ Ngà đưa vào chỗ ngồi, xong lấy cặp sách vở đặt ngay ngắn trước mặt Ngà, đoạn cúi xuống dặn dò to nhỏ đôi chút rồi hôn nhẹ lên tóc Ngà trước khi bước ra khỏi lớp. Ở cửa lớp và trên dọc hành lang gặp mấy người bạn học của Ngà, Vĩnh Cơ vui vẻ chào hỏi bắt tay hết người này đến người khác. Lớp trưởng Nguyễn Trọng Điểm xuất hiện ở cuối hành lang cũng được Vĩnh Cơ tay bắt mặt mừng. Vĩnh Cơ còn đứng nán lại chào hỏi mấy câu xã giao cùng Nguyễn Trọng Điểm và Trần Thiên Anh trước khi trở về phòng khách của nhà trường thu xếp hành lý để về Hà Nội gấp kịp dự cuộc họp báo vào lúc 10 giờ.

Sau tiếng kẻng báo giờ học, một học viên chậm rãi bước về phía cửa lớp, ném mẩu tàn thuốc vào gốc cây cọ ở hàng hiên nói với vẻ bực dọc:

- Cái bọn hoàng gia quý tộc bao giờ cũng làm cái trò sĩ diện bẩn thỉu đó! Cứ huỵch toẹt ra có phải là dễ chịu, dễ thở hơn không? Cứ cố bấm bụng nín nhịn làm dáng làm điệu, làm bộ làm tịch kiểu đó nên mới phải bầm gan tím ruột, rồi thì chảy máu dạ dày, rồi thì xuất huyết não cũng vì thế!

- Anh muốn nói gì thì cứ nói thẳng ra coi! - Một học viên bảo.

- Cậu không nhìn thấy cái tay nhà báo Vĩnh Cơ lúc nãy gần như bồng bế con vợ trời đánh thánh vật của nó vào lớp học à? Ai biết được đằng sau cái trò lịch sự rởm đó... tối hôm qua họ đã làm gì nhau? Có thể là những lời thô bỉ tệ hại nhất... nhưng trước mắt thiên hạ thì lại làm kiểu đó, cầm bằng thiên hạ là đồ ngu cả!...

- Cũng có thể tối hôm qua giữa họ không hề có cuộc xô xát hoặc đấu khẩu nào cả. Mình từng chứng kiến ở quê mình có thằng cha nọ vợ nó tằng tịu với một tay trưởng phòng. Nó đau khổ hờn ghen đến phát bệnh nặng mà chẳng hề hé răng nhiếc mắng vợ một câu! Đến lúc biết khó qua khỏi cơn bạo bệnh nó còn cố lết tới chỗ mụ vợ tay trưởng phòng kia để “minh oan” cho vợ. Rằng vợ tôi hoàn toàn trong trắng, không hề có chút quan hệ bất chính nào với chồng chị như lời thiên hạ đồn đãi kia... Nói xong nó cố lết về tới nhà để nằm chết! Con vợ nó làm đám cho chồng rõ to. Ngay trong những ngày tang lễ con đàn bà đó đã ngang nhiên ăn nằm với tay trưởng phòng. Trời đã sinh ra cái loại đàn ông như tay trưởng phòng đó, như con đàn bà nọ, thì cũng phải sinh ra cái thứ đàn ông như thằng chồng ngu đần chết dẫm kia, như tay nhà báo
Vĩnh Cơ...

Câu chuyện ngừng hẳn khi mấy học viên vào đến
cửa lớp.

Buổi trưa Ngà đi học về đảo qua phòng khách thấy trên bếp nồi cơm đã được ủ ấm. Mấy món tôm rằn cá thệ kho rim và cá thu chiên mang từ Huế ra cho Ngà ăn dần cũng đã được Vĩnh Cơ hâm nóng đậy đằn cẩn thận với một mảnh giấy nhỏ dằn trên mặt bàn:

Em hãy giữ gìn sức khỏe.

Anh và con luôn nhớ em! - Vĩnh Cơ.

Nhà báo Hoàng Giang, bạn thân của Vĩnh Cơ đi Sài Gòn ra ghé Huế thăm Vĩnh Cơ. Lúc rời Huế, Vĩnh Cơ khẩn khoản nhờ Hoàng Giang khi ra đến Hà Nội hãy cố gắng sắp xếp thời gian đi lên trường Trung cấp Hành chánh thăm Ngà, an ủi động viên Ngà lo học hành cho tử tế. Vì sợ phiền bạn nên Vĩnh Cơ không dám gửi quà cáp gì nhiều, mà chỉ gửi độc một trái thanh trà - đặc sản của đất kinh thành mà Ngà rất thích, với một bức thư của bé Tôn Nữ Mỹ Thiện. Thư Mỹ Thiện viết rằng sinh nhật lần thứ mười một vừa rồi của con nhằm dịp Quốc tế Lao động cộng với ngày lễ 30 tháng Tư, cộng với ngày Chủ nhật nữa cả thảy có hơn năm ngày nghỉ - con hy vọng mẹ sẽ về với con như đã hứa, nhưng rồi không thấy mẹ về. Rất mừng là có bác Hoàng Giang bạn của ba đi công tác ghé vào thăm, bác đã tặng con một con búp bê rất đẹp. Cả ba và bác đều nói mẹ không về được chắc là mẹ quá bận học. Con cũng nghĩ thế mà không trách mẹ nữa. Mẹ hãy cố gắng học thật giỏi nhé!...

Về đến Hà Nội hôm trước, hôm sau Hoàng Giang đã thu xếp để lên trường của Ngà. Đợt nghỉ lễ vào dịp nhà trường vừa thi học phần xong nên các học viên được nghỉ hơn một tuần. Nhiều học viên tranh thủ về thăm nhà. Khi Hoàng Giang đến thì sân trường vắng lắm. Hỏi thăm Ngà thì nghe nói Ngà đã xin về thăm nhà ở Huế.

- Tôi vừa ở Huế ra.

Hoàng Giang nói và tỏ vẻ khó hiểu, cùng lúc anh nghĩ biết đâu Ngà đi về thăm quê ngoại ở Hà Bắc. Anh nói điều đó với những người bạn học của Ngà. Nhưng một anh đã nhanh nhảu nói:

- Em không tin rằng chị Ngà đi Hà Bắc, mà đi Đồ Sơn thì đúng hơn, bởi có người nhìn thấy lớp trưởng lấy hai vé đi Đồ Sơn...

Hoàng Giang buồn bã để lại bức thư của bé Mỹ Thiện với trái thanh trà mà trên đó Vĩnh Cơ đã dùng bút dạ viết đầy khắp thân trái thanh trà những lời thương nhớ: "Anh và con nhớ thương em vào cùng!... Vĩnh Cơ."

Các bạn cùng lớp cất giữ giúp. Chiều hôm sau quả là Ngà và lớp trưởng cùng về một lúc. Họ đưa thư và trái thanh trà giao tận tay Ngà rồi nói:

- Đồ Sơn là Đồ Sơn. Còn đây là đồ nhà trong Huế gửi ra cho chị. Chị đi khỏi tụi này cất giúp. Nhìn trái thanh trà thật thích mắt! Thứ quả này chỉ xứ Huế mới trồng được. Ai không biết mới thoạt nhìn cứ tưởng là trái bưởi...

Ngà lơ đãng nhìn dòng chữ bằng bút dạ của Vĩnh Cơ viết trên trái thanh trà với chữ ký quen thuộc mà cái đuôi dài ngoằng của nó ngoặc quanh trái thanh trà tựa chiếc cầu vồng giữa nền trời xanh thẳm.

- Ai đem tới vậy?

Ngà hỏi, uể oải bóc thư của con gái.

- Có ông nhà báo ở Hà Nội vào công tác trong ấy mang ra giúp.

Ngà đọc thư con xong ngồi lặng đi một lát, rồi
đưa tay vén mấy sợi tóc thưa thớt lòa xòa hai bên thái dương nói:

 

- Ngà có hứa về thăm bao giờ đâu mà trông với ngóng! Gần mãn khóa rồi còn gì? Ít nữa lại về hẳn.

Nói rồi Ngà đi tìm con dao để gọt thanh trà.

Một bạn gái đưa tay ngăn lại:

- Mình thấy dòng chữ của anh ấy viết đẹp như thế kia, tình cảm như thế kia mà bị cắt đi thì tội lắm!

- Ôi chao, tội cái gì? - Ngà nói: - Chữ thì biết bao là chữ! Thiếu khối gì chữ! Một dòng này thì có ăn nhằm chi? - Nói đoạn Ngà đưa lưỡi dao xắn một lát dứt khoát mảng vỏ phía cuống thanh trà. Mùi thơm dìu dịu tỏa lan. Ngà tiếp tục gọt thoăn thoắt. Những mảng chữ của Vĩnh Cơ ngả nghiêng lả tả rơi lần lượt dưới lưỡi dao bén. Rồi tiếp đến lớp vỏ lụa trắng muốt đè lên những miếng vỏ xanh có đề chữ... Và cuối cùng, khi quả thanh trà được tách ra từng múi cong cong dày dày và ứ mọng nước, những người bạn học đã lần lượt bỏ đi gần hết tự lúc nào.
Khi Ngà ngẩng lên thì chỉ còn lại Nguyễn Trọng Điểm và... Ngà.

- Sao lại bỏ đi đâu hết thế? Thôi, mặc kệ họ! - Ngà nói và đặt múi thanh trà vào tay người tình: - Họ không muốn ăn thì mình ăn. Ở đó mà thương chữ với nghĩa! Cả đời ông ấy viết hàng đống! Chữ với nghĩa không biết chất vào đâu cho hết? Lại nữa, viết đâu không viết lại viết trên trái thanh trà? Há chẳng lẽ cứ để thế mà ngắm chứ không
ăn à?

Ngà hỏi và không có ai trả lời. Chỉ nghe thấy tiếng rau ráu bùm bụp của những tép thanh trà vỡ ra trong miệng.

Khóa học kết thúc đúng thời gian quy định. Hồ sơ nhập học của Ngà không hoàn chỉnh nên không được cấp bằng mà chỉ được cấp chứng chỉ.

- Thế cũng được! - Nguyễn Trọng Điểm an ủi người tình: - Có bằng cấp hẳn hoi chưa chắc đã xin được việc. Nhiều khi con người ta vào đời không cần bằng cấp mà bằng những ưu thế khác.

Họ bịn rịn chia tay nhau.

Ngà trở về Huế gặp lại chồng con. Lại vào ra ăn ở như xưa. Thời gian này Vĩnh Cơ tích cực đi thăm dò chỗ làm để xin việc cho vợ. Không có cơ quan nào chịu nhận với lý do chỗ của họ đang thừa lao động. Trở lại với Tạp chí Vạn Xuân, Vĩnh Cơ dè dặt nhắc lại ý kiến của Tổng biên tập trước đây về việc Ngà có thể đến làm việc ở Tạp chí. Tổng biên tập nói:

- Thực lòng tôi rất muốn được giúp anh chị, nhưng trên không cho phép lấy thêm một hợp đồng lao động
nào nữa...

Vậy là cùng đường rồi. Vĩnh Cơ chán nản ra về lựa lời động viên vợ hãy yên tâm chờ đợi. Trước mắt cứ ở nhà nghỉ ngơi.

Một năm, hai năm rồi ba năm trôi qua, câu chuyện Ngà cần xin việc làm gần như bị quên lãng... Rồi một hôm tình cờ Ngà gặp lại Ngô Trần trong tiệc cưới con trai của một nhà báo. Vĩnh Cơ đi công tác phía Nam chưa về kịp nên tại tiệc cưới này ai gặp Ngà cũng hỏi thăm Vĩnh Cơ. Còn Ngô Trần thì kéo Ngà đến ngồi cùng với những bậc cao niên của hai họ. Thành ra trong bữa tiệc các thành viên ít biết nhau, nên ngoài những câu xã giao rời rạc, Ngà và Ngô Trần dành cho nhau gần trọn thời gian của bữa tiệc. Khi chia tay họ hẹn nhau ở một địa điểm khác.

- Khách sạn Phương Lan. Chín giờ thứ Sáu em nhé.

- Vâng! Em sẽ đến Phương Lan...

Buổi sáng sau khi tập thể dục xong Hoàng thân Bửu Toàn thường đi dạo một vòng trong khuôn viên biệt thự, trò chuyện với hoa lá, nâng niu những búp cành mới nhú, ngắm vuốt những trái cây la đà, chống đỡ cho nó khỏi lấm bẩn rồi vào tắm rửa. Trong lúc đó vợ chồng Phan Tấn, Sa và vợ chồng Từ Huy, Liên Chi lo đun nấu dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Khi Bửu Toàn từ buồng tắm bước ra thì trên bàn đã đặt sẵn sáu phần ăn. Họ cùng ngồi vào bàn ăn uống chuyện trò vui vẻ.

Vợ chồng Phan Tấn và Sa vì lẽ nào đó mà không có con, nên khi Từ Huy và Liên Chi sinh con trai - được ông Bửu Toàn đặt tên là Từ Đại Nguyên, lập tức cu cậu trở thành con chung của hai cặp vợ chồng. Sa thường giành lấy phần lớn việc chăm sóc Từ Đại Nguyên để cho Liên Chi yên tâm phấn đấu công tác, và để cho Từ Huy rảnh tay mà sáng tác. Khi Từ Đại Nguyên đến tuổi đi học thì Phan Tấn và Sa làm nhiệm vụ đưa đón con, thỉnh thoảng Phan Tấn đưa Từ Đại Nguyên đến tham quan xưởng trường. Có lẽ vì thế mà Từ Đại Nguyên sớm nói lên mơ ước của mình là sẽ trở thành người chế tạo máy. Trong khi đó cha của cậu - nghệ sĩ điêu khắc Từ Huy ngày càng trưng bày nhiều tượng và phù điêu trong khắp khuôn viên biệt thự. Về sau này Bửu Toàn có một thú vui mới là muốn được ngồi đọc sách báo và chuyện trò với con cháu trong vườn tượng. Ngồi bên những tác phẩm của Từ Huy để uống trà, tiếp khách hoặc nghiền ngẫm một cuốn sách thật tuyệt! Vĩnh Bảo, Kim Hồng Mai và một số bạn bè khác của Từ Huy thường tìm tới với Bửu Toàn trong không gian ấy để nghe chuyện ngày xưa. Đặc biệt Kim Hồng Mai giống bà ngoại của cô ở điểm rất thích nghe kể về Hoàng gia Nguyễn Phước tộc. Trong câu chuyện bao giờ Bửu Toàn cũng dành những tình cảm ưu ái cho người bác ruột của mình là Cung Tôn Huệ Hoàng đế.

Những ngày này Từ Huy đang gấp rút hoàn thành bức phù điêu "Mười một cô gái sông Hương" để kịp dự triển lãm kỷ niệm ba mươi năm cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Thân 1968. Khi Từ Huy nghỉ tay ngồi bên chiếc bàn đá uống nước nói chuyện với Hoàng thân Bửu Toàn và các bạn, câu chuyện của họ xoay quanh tình hình sáng tác trong thành phố, trong t 5666 nh và trong nước. Hôm nay họ còn chia nhau niềm vui mới là Kim Hồng Mai vừa được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Vĩnh Bảo nhìn Từ Huy với ánh mắt đầy thân quý và ngưỡng mộ nói:

- Bây giờ chúng em đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, vậy mà anh Từ Huy vẫn chưa được kết nạp vào Hội! Em đã phát biểu về tình trạng này trong một cuộc họp gần đây. Người chịu trách nhiệm trả lời vấn đề này trước hết là ông Ngô Trần. Nhưng ông ta đã loanh quanh không dám trả lời thẳng vào vấn đề...

Cung giọng đượm buồn nhưng nụ cười tươi rói nở trên môi Từ Huy, anh nói:

- Điều quan trọng nhất đối với văn nghệ sĩ là phải sáng tác những tác phẩm có giá trị đích thực... Cha ông ta ngày xưa có vào hội vào đoàn gì đâu?

Từ Huy nói đến đây thì Liên Chi về với những bông hồng Đà Lạt đỏ tươi. Từ Huy lật đật đứng lên đón vợ.

Vườn có sẵn hoa nhưng thỉnh thoảng Liên Chi và Sa vẫn mua bông hồng tươi của Đà Lạt. Gian phòng của Đoan Thuận suốt mấy chục năm qua lúc nào cũng được lau chùi quét dọn và cắm hoa tươi. Từ bức chân dung của Đoan Thuận treo trên tường cho tới bàn viết, bàn trang điểm và những đồ vật khác trong phòng vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Dẫu biết rằng Đoan Thuận không bao giờ còn trở về nữa, nhưng Bửu Toàn và mọi người không ai muốn đặt lên bàn thờ cho Đoan Thuận một bát hương. Bửu Toàn luôn coi Đoan Thuận vẫn còn sống và muốn bạn bè con cháu của mình cũng hiểu như vậy. Những đồng chí đồng đội cũ mỗi lúc đến thăm, được mời ngắm gian phòng của Đoan Thuận, ai cũng ngầm hiểu rằng lọ hoa tươi quanh năm đặt trên bàn viết phía dưới bức chân dung của Đoan Thuận khác nào một bát hương tưởng nhớ.

Khách sạn Phương Lan là một biệt thự nằm trên con đường yên tĩnh và có nhiều biệt thự xây theo kiểu Pháp. Con đường đầy bóng cây và tiếng chim với những chùm phượng đỏ rực rỡ mùa hè và những khóm hoa hoàng hậu, hoa bằng lăng tím ngát các mùa thu đông. Kể từ hôm tình cờ gặp lại nhau, Ngô Trần đã chọn khách sạn Phương Lan làm nơi hẹn hò với Ngà. Chẳng mấy chốc họ trở thành khách quen thuộc. Chỉ cần thấy một trong hai người bước vào khách sạn lập tức nhân viên lễ tân vội vàng đứng lên ân cần tiếp đón và đưa họ đến căn phòng quen thuộc. Tiếp đó lễ tân chuẩn bị thức ăn đồ uống đưa đến tận phòng theo yêu cầu của hai người. Có thể nói khách sạn Phương Lan thường dành riêng một gian phòng cho Ngà và Ngô Trần. Những lúc có đông khách thì giám đốc khách sạn nhường phòng làm việc của ông cho hai người. Qua cung cách đối xử đó Ngà hiểu được là tầm ảnh hưởng của Ngô Trần đối với khách sạn Phương Lan không phải là nhỏ, nó không phải chỉ thuần túy là chủ hàng với khách hàng.

Ngô Trần nằm duỗi dài rít thuốc, chốc lại nghiêng người gạt tàn vào chiếc lọ đựng tàn đặt trên bàn nhỏ, một tay quờ quạng mân mê mớ tóc rối bời của Ngà. Ngà nằm bên cạnh nắm lấy bàn tay Ngô Trần bóp khe khẽ rồi giữ chặt trong bàn tay mình, nói:

- Người ta treo biển cấm hút thuốc khắp nơi, nhất là trong phòng lạnh mà anh cứ...

Ngô Trần rít một hơi dài rồi dúi nửa điếu thuốc còn lại vào chiếc gạt tàn, đoạn xoay hẳn người về phía Ngà, ghì siết Ngà trong vòm ngực xương xẩu của mình nói:

- Anh có hai tật xấu không thể nào bỏ được đó là thuốc lá và em.

- Anh chỉ biết vui với em trong chốc lát rồi lại về với gia đình anh. Còn em, em cần có việc làm để có điều kiện đi ra ngoài, để tiếp xúc, để được tự do đi gặp gỡ anh thì anh chẳng giúp...

Ngô Trần suy nghĩ một lát rồi nói:

- Không phải anh không quan tâm đến công việc làm cho em. Ngược lại, kể từ lúc gặp lại em anh luôn nghĩ đến điều đó. Nếu em có chỗ làm việc, mọi sự đi lại vào ra của em bấy giờ sẽ trở nên bình thường, và những cuộc hẹn hò của chúng ta sẽ dễ ngụy trang hơn. Anh đang nghiên cứu một chỗ thích hợp, nhưng còn ngại một điều...

Ngà ngồi bật dậy xoay hẳn người nhìn sát vào mặt Ngô Trần, hỏi dồn dập:

- Việc gì? Ở đâu? Anh nói cho em nghe đi! Anh còn ngại điều gì nữa?

 

- Anh sẽ giới thiệu em đến làm việc tại một doanh nghiệp mới thành lập do em trai anh làm giám đốc.

- Đấy là đơn vị nào? Sao anh không nói ngay đi, còn chần chừ gì nữa?

- Đó là khách sạn Eden.

Ngà tưởng mình nghe nhầm. Eden là một khách sạn lớn và hiện đại vào bậc nhất ở thành phố này, lại do em trai của anh ấy làm chủ? Bấy lâu nay Ngà vẫn nghe nói đó là một công ty liên doanh Việt Mỹ.

- Anh nói đi, anh còn lo ngại điều gì?

Ngô Trần nhếch mép cười vừa lim dim mắt nói:

- Ấy là anh sợ mất em. Anh em nhà anh vốn nòi đa tình mà!

- Vớ vẩn! - Ngà véo vào tai Ngô Trần rồi hụp mặt vào mớ chăn nệm bùng nhùng nói: - Anh thì chỉ được cái hay... ghen! Chưa gì đã lo sợ lung tung. Người ta là ông chủ giàu có từ bên Tây bên Mỹ qua đây, sá gì em?!

- Em không biết chứ ở em có những nét độc đáo mà người phụ nữ khác không có: giản dị mà nồng nàn, khôn ngoan, lắt léo tài tình trong ứng xử với mọi tình huống tưởng là khó xử nhất nhưng vẫn không làm mất đi cái chất thô mộc hoang dại... Điều đó thật sự hấp dẫn cánh đàn ông!

Ngà nằm yên nghe người tình tâng bốc ngợi ca mình bằng những ngôn từ hết sức rẻ rúng, nhưng vì trình độ quá thấp nên Ngà không nhận ra được điều đó, thậm chí trong Ngà dấy lên một sự so sánh rằng chồng Ngà chưa bao giờ nói được với Ngà những lời tương tự. Tại sao Ngà phải sống đời với người chồng ấy, mà không được sống với người đàn ông này?!...

- Nói vậy chứ rồi ra sẽ có cách... Anh sẽ ra điều kiện với chú em của anh...

Câu nói ỡm ờ của Ngô Trần kéo Ngà trở về với thực tại. Ngà lo lắng hỏi:

- Anh sẽ ra điều kiện gì?

Ngô Trần đáp:

- Anh sẽ nói thật cho chú ấy biết em là... vợ của anh. Chú ấy liệu mà cư xử với chị dâu cho phải đạo.

- Vậy từ hôm nay em chuẩn bị hồ sơ nhé?

- Hồ sơ để sau. Trước mắt anh sẽ hẹn với William rồi báo cho em biết.

- Anh đọc lại cái chữ Tây vừa rồi đi! - Ngà nũng nịu yêu cầu và nhớ lại cách đây nhiều năm Vĩnh Cơ đã mời thầy Bảo Trân đến nhà dạy Pháp văn cho Ngà. Nhưng khó quá, Ngà học không được.

- William. - Ngô Trần nói: - Từ khi được nhập quốc tịch Mỹ chú ấy đã chọn cho mình một cái tên mà khi đọc lên nó có âm hưởng gần giống với tên Việt Nam của chú ấy. William rất gần với Nhâm - Ngô Nhâm...

Ngà nhẩm đọc tên giám đốc William nhiều lần, nhưng lần nào cũng bị sai, liền được Ngô Trần chỉnh mấy lần mới đọc đúng.

Họ chia tay nhau, Ngà ra về lòng khấp khởi mừng và miệng luôn nhẩm đọc tên của giám đốc khách sạn Eden - ngài William...

Một tuần sau Ngô Trần đưa Ngà đến khách sạn Eden.

- Xin giới thiệu với Ngà đây là William - giám đốc khách sạn, còn đây là Ngà...

Trước mắt Ngà là một người đàn ông có thân hình cao to bệ vệ với hàm râu con kiến được xén tỉa cẩn thận. Nhìn kỹ ông ta có nhiều nét giống Ngô Trần, chỉ khác là Ngô Trần gầy guộc và già hơn, tóc muối tiêu để dài vuốt về phía sau và tự nó lệch ra hai bên tạo thành một đường rẽ tự nhiên. Còn William tóc đen cắt ngắn rẽ lệch và được chải láng mượt xếp nếp như bộ veston William đang mặc - màu xanh sóng biển là phẳng, cái li quần sắc cạnh chạm khẽ vào mũi giày da bóng loáng.

- Ngà đã học xong khóa thư ký giám đốc nhưng chưa có việc làm. Đề nghị giám đốc khách sạn Eden xem xét cho Ngà được đến khách sạn làm việc. - Ngô Trần nói.

- Sẵn sàng thôi. Một khi anh đã giới thiệu làm sao em từ chối được? - Quay sang phía Ngà, William hỏi: - Bà Ngà ra trường đã lâu chưa?

- Dạ cũng đã hơn năm năm rồi. - Ngà cố ý nói bớt đi một nửa thời gian.

- Tình trạng gia đình thế nào?

- Dạ gia đình ổn định. Có một con gái. Chồng là
nhà báo.

- Tốt lắm! Rất mong có dịp làm quen với ông nhà. Ngày mai bà có thể đến làm việc.

Ngà không ngờ sự việc lại dễ dàng nhanh chóng đến mức như vậy.

Khi cáo từ William để ra về, gần đến nhà mình rồi mà Ngà vẫn cứ bàng hoàng. Ngô Trần còn ở lại nói chuyện với William nên không có ai cho Ngà bày tỏ cảm giác bàng hoàng lạ lẫm này.

Được thu nhận vào làm ở khách sạn Eden quá dễ dàng và quá mau lẹ nên Ngà không tiện nói cho chồng biết. Buổi sáng đợi cho chồng đi làm việc và con đi học xong Ngà mới ăn mặc trang điểm rồi đi đến khách sạn Eden. Ngà không quên mang theo bộ hồ sơ xin việc được xếp đóng bụi từ gần chục năm nay.

Tuy đã một lần đến Eden nhưng lần này trở lại Ngà vẫn cảm thấy ngần ngại rụt rè trước vẻ huy hoàng tráng lệ của nó.

Ngà gõ cửa phòng của William. Thư ký giám đốc là một chàng trai trẻ chừng hai lăm, hai sáu tuổi mở cửa cúi đầu chào rồi mời Ngà vào. Khi Ngà bước vào, viên thư ký khẽ gật đầu chào Ngà một lần nữa và chuẩn bị quay gót thì giám đốc bảo:

- Anh hãy nán lại một chút để tôi giới thiệu. - Đoạn quay sang Ngà, William nói: - Đây là bà Đỗ Thị Ngà - nhân viên mới. Còn đây là anh Tôn Thất Hòa. Từ nay anh Hòa có bổn phận giúp đỡ bà Ngà trong công việc.

Ngà cúi chào Tôn Thất Hòa và nói lí lí trong mồm:

- Chào anh...

Tôn Thất Hòa cúi chào rồi bước qua phòng bên ngồi trước máy vi tính mà đầu óc cậu cứ mung lung không thể nào làm việc được. Tôn Thất Hòa mơ hồ lo lắng về tương lai của mình. Từ ngày tốt nghiệp Đại học Quản trị Kinh doanh - cũng là lúc khách sạn này mới thành lập - Tôn Thất Hòa liền đệ đơn xin việc. Qua ba vòng sát hạch Tôn Thất Hòa được chọn với vai trò thử việc. Không biết đến bao giờ thời gian thử việc mới kết thúc, đến bao giờ người ta mới cho Tôn Thất Hòa được ký kết một hợp đồng lao động, dù là hợp đồng ngắn ngày nhất: hợp đồng một tháng; hoặc tệ hơn: hợp đồng hai tuần, hợp đồng một tuần. Vì khi đã ký kết được hợp đồng anh chỉ cần lao động nghiêm túc, hoàn thành công việc và không có gì sai sót là có thể nhận một khoản tiền lương đã thỏa thuận trước. Còn lao động thử việc không có lương. Hoặc người ta thương tình mà ban cho đôi chút gọi là tưởng thưởng thì cũng theo kiểu nhỏ giọt. Đấy là theo sự hiểu biết của Tôn Thất Hòa sau những thực tế mà Tôn Thất Hòa thu được gần hai năm rưỡi thử việc ở đây. Biết mình thân cô thế cô, chỉ lấy năng lực chuyên môn và niềm say mê công việc của mình mà chứng minh, Tôn Thất Hòa không e ngại trước khó khăn nào. Không có công việc được giao nào mà Tôn Thất Hòa không cố gắng để hoàn thành một cách tốt nhất. Thế nhưng phòng Tổ chức cán bộ cũng như ông giám đốc luôn im ỉm dửng dưng không thấy nói gì. Như thể Tôn Thất Hòa sinh ra ở đời chỉ để được người cha già nua đau khổ chắt chiu dành dụm từng xu một, lao động bằng đủ mọi thứ nghề mà cơ bắp có thể thực hiện được, vẫn không đủ để nuôi cậu con trai duy nhất - ông đã phải đi bán máu của mình theo định kỳ để lấy tiền đóng học phí cho con, để rồi khi tốt nghiệp cậu con lại vào làm việc không lương cho một liên doanh!... Lẽ nào lại như thế? Nhiều đêm Tôn Thất Hòa trằn trọc suy nghĩ chẳng hiểu mình đã làm điều gì sai ở chỗ làm việc mà mình không biết? Không, mình không hề có việc làm nào sai trái ở chỗ làm việc, cũng như chưa bao giờ thất thố với ai điều gì. Trên đời này Tôn Thất Hòa chỉ làm sai, đối xử không đúng, không tốt, không phải đạo... chỉ với một người duy nhất đó là cha của mình! Tôn Thất Hòa nghĩ vậy. Tôn Thất Hòa chỉ có tội với cha, đã làm khổ cha rất nhiều từ bao nhiêu năm nay... Biết vậy nhưng Tôn Thất Hòa không thể nào khắc phục ngay được. Bởi vì khi đối diện với cha là cái chất cực đoan hiếu thắng và ỷ lại trong cậu lại nổi lên - như một thứ căn bệnh mãn tính. Giờ đây khi đã trở thành người lao động thử việc, phải lăn lưng ra làm tất cả mọi thứ công việc mà ai cũng có quyền sai bảo, phải làm bằng một thái độ vui vẻ hòa nhã, phải nín nhịn trước tất cả mọi thái độ coi thường ỷ lại của bọn “lính buổi mai cai lính bữa hôm”, của những kẻ ngang nhiên cướp thành quả lao động của người khác rồi tiêu xài phè phởn, ra vẻ tự tôn, tự đắc, tự mãn... Tôn Thất Hòa mới thấm dần nỗi cực nhục, và cay đắng nhận ra một điều rằng để kiếm được bát cơm tấm áo bằng con đường lao động lương thiện không phải dễ dàng! Điều này ngày trước cậu cũng đã lờ mờ nhận ra, nhưng không cụ thể không sắc nét, không tường tận cho bằng bây giờ, và cũng từ đó cậu mới bắt đầu biết thương cha - người cha cô đơn đau khổ quanh năm làm lụng vất vả đầu tắt mặt tối để nuôi lớn cậu, người cha đã hy sinh đến từng giọt máu cho cậu... Vậy mà cậu chưa làm được gì để báo đáp cho ông. Suốt gần hai năm qua tiếng là đi làm ở khách sạn Eden nhưng cha cậu - ông xe thồ Tôn Thất Hiền vẫn phải guồng lưng đạp xe kiếm những đồng tiền còm cõi về nuôi cậu... Vậy mà đã có lúc - theo thói quen như từ trước đến nay cậu dằn dỗi ông, chê cơm không ngon canh không ngọt. Rồi một lần, có lẽ đã đến lúc ông thấy không cần phải nín nhịn nữa, ông nói:

- Ba già rồi, sức ba sắp tàn lực ba sắp kiệt... Khả năng ba bây giờ chỉ lo được cho con chừng ấy mà thôi. Con cứ ăn ở đây với ba thì tốt, còn nếu như con thấy có nơi nào cơm ngon hơn, canh ngọt hơn thì con có thể bước ra khỏi nơi này mà đi tới đó để hưởng sự ngon ngọt kia, bước ra khỏi đời ba...

Lần đầu tiên nghe “ông già” nói cậu hơi ngạc nhiên rồi im lặng nghiệm lời của ông. Đúng, sức ông bây giờ chỉ có ngần ấy. Nhưng ba ơi con có nơi nào ngoài ba? Lần đầu tiên cậu cảm nhận được một điều giả sử cậu bước ra khỏi cuộc đời cha cậu thì cậu sẽ đi đâu? Về đâu? Không, không có nơi nào hết. Cuộc đời như cánh đồng hoang, như sa mạc, cậu là một kẻ bơ vơ giữa cánh đồng hoang, là lữ khách độc hành trên sa mạc ấy, và cha cậu là mái nhà duy nhất - dẫu là mái nhà tranh, mái nhà lá đã mục nát cũ kỹ chăng nữa nhưng đấy là nơi trú ngụ duy nhất của cậu dưới cơn mưa bạc ác ích kỷ lạnh lùng của cuộc đời này!...

Đang mãi miên man suy nghĩ chợt nghe tiếng động, Tôn Thất Hòa ngoảnh lại thấy Ngà từ phòng giám đốc bước qua với tập tài liệu trên tay. Tôn Thất Hòa chỉ cho Ngà một chỗ trống. Ngà ngồi xuống ghế rồi mở tập tài liệu ra trên mặt bàn. Tôn Thất Hòa liếc qua đã biết ngay đấy là công văn của Tổng cục Du lịch vừa gửi yêu cầu thống kê tình hình nhân sự. Một công văn nữa của Sở Du lịch địa phương yêu cầu báo cáo số lượng khách lưu trú trong sáu tháng đầu năm... Những việc này Tôn Thất Hòa đã làm xong, đã trình ký và gửi đi rồi, hiện còn lưu trên máy. Có thể đây là một cách thử việc của giám đốc đối với bà này - Tôn Thất Hòa nghĩ vậy.

- Anh cho tôi hỏi số lượng khách của sáu tháng cùng kỳ năm ngoái?

- Hai ngàn không trăm mười bảy lượt khách trong nước. Bốn trăm bảy mươi ba lượt khách quốc tế, trong đó một trăm sáu tám khách đến từ các nước Tây Âu, hai mươi bốn khách Bắc Âu, một trăm lẻ sáu khách Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, số còn lại là trong khối ASEAN.

- Anh thuộc nằm lòng thế ư?

Ngà hỏi vừa liếc mắt mỉm cười tỏ rõ sự thán phục.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83719


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận