Những Dấu Chân Của Mẹ Chương 9


Chương 9
Chuẩn bị bước vào năm 2000 đón chào thiên niên kỷ mới,

ngay từ đầu năm 1999 lãnh đạo thành phố Huế đã đề ra nhiều kế hoạch chỉnh trang đô thị, trong đó có việc dựng tượng đài Chiến thắng ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố - nơi có Quốc lộ 1A đi qua gặp công viên An Hòa thì chia thành hai lối, một chiều đường ra và một chiều đường vào - ôm vòng quanh công viên có diện tích trên ba ngàn mét vuông với chiều dài trên sáu trăm mét và chiều rộng hơn năm mươi mét. Để thực hiện kế hoạch này, lãnh đạo thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng mở cuộc thi phác thảo tượng đài Chiến thắng và mời tất cả các nghệ sĩ điêu khắc trong nước tham dự, mặt khác mời những nghệ sĩ bậc thầy, những chuyên gia thẩm mỹ siêu hạng, những kiến trúc sư tài danh... lập nên một ban giám khảo để bình xét chọn mẫu phác thảo tượng đài Chiến thắng. Nhiều tác giả trong tỉnh và trong nước hăng hái tham gia. Từ Huy cũng tham gia. Anh âm thầm lặng lẽ làm mẫu phác thảo mỗi khi một ít với ý tưởng: Tượng đài gồm ba phần chính, phần tượng, phần bệ với phù điêu, phần các công trình chung quanh chân tượng. Riêng phần tượng là nhóm ba nhân vật chính đứng tựa lưng vào nhau quay mặt về ba phía, vút lên trên đầu họ là trụ biểu mang hình tháp bút.

Nhân vật thứ nhất là anh giải phóng quân đại diện cho các lực lượng vũ trang địa phương trong ngày toàn thắng, súng đeo vai, hai tay anh bồng em bé đưa lên cao. Em bé đang cầm hoa vẫy cười.

Nhân vật thứ hai là cô gái Huế tay đưa cao chiếc nón bài thơ vẫy gọi và tay kia chỉ đường cho quân giải phóng tiến vào thành phố.

Nhân vật thứ ba là anh lính xe tăng đại diện cho bộ đội chủ lực đang cắm cờ trên Kỳ đài trước cửa Ngọ Môn.

Toàn bộ nhịp điệu được diễn ra ở khối điêu khắc là những đường cong uyển chuyển như những dải lụa tung bay trong một điệu múa dân gian hát mừng chiến thắng.

Phần tượng và phù điêu gồm có bệ tượng mô phỏng Kinh thành Huế có gắn phù điêu Di sản văn hóa thế giới. Ba mặt của bệ tượng được đắp ba bức phù điêu gồm “Mười một cô gái sông Hương”, bức “Mùa xuân đại thắng 1975” và “Khúc khải hoàn ca”, đó là những phù điêu mà Từ Huy đã sáng tác mấy lâu nay và đưa đi tham dự nhiều triển lãm.

Trụ biểu - đỉnh của tượng đài mang hình tháp bút vút cao như đang viết lên khung trời xanh của xứ Huế những trang sử hào hùng, cũng có thể là đang đề những câu thơ... Ba mặt chân của trụ biểu chạm nổi hai mươi ba chữ của các vĩ nhân anh hùng tiêu biểu mà sự nghiệp ít nhiều đều có liên quan tới Huế. Mặt phía Đông Nam có tám chữ "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" của Phan Bội Châu, mặt Tây Nam có bảy chữ: "Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" của Quang Trung Nguyễn Huệ, và mặt phía chánh Bắc có tám chữ: "Tấn công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng riêng cho quân và dân Thừa Thiên Huế sau chiến thắng lịch sử Xuân Mậu Thân 1968.

Khi gửi mẫu phác thảo đi dự thi xong Từ Huy lại tiếp tục những công trình đang bỏ dở, trong đó có đơn đặt hàng tượng đài liệt sĩ của một huyện phía Nam thành phố, và tượng Công chúa Huyền Trân do một công ty du lịch đặt. Riêng đề tài Huyền Trân được bàn bạc nhiều quanh bàn trà chén rượu. Bửu Toàn nói:

- Đoạn Quốc lộ 1A đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nên đặt tên là Đại lộ Huyền Trân Công chúa mới đúng...

Ý kiến này cũng đã làm cho Từ Huy suy nghĩ nhiều khi thể hiện chân dung Huyền Trân.

Một ngày trước khi Từ Huy nhận được thông báo chính thức của ban tổ chức về kết quả cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Chiến thắng thì Vĩnh Bảo đã nhanh chóng đến báo tin vui mà anh vừa bắt được. Đó là mẫu phác thảo mang mã số CT10 của Từ Huy là một trong sáu mẫu phác thảo được chọn vào vòng một để tiếp tục dự thi vòng hai. Từ Huy mừng lắm. Cả nhà đều vui. Liên Chi và Sa liền chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn để chúc mừng Từ Huy. Bửu Toàn bảo Vĩnh Bảo đi gọi Kim Hồng Mai và vài người bạn nữa của Từ Huy đến để chia vui cùng anh.

- Sắp được đổi đời rồi! - Tôn Thất Hòa bất chợt reo lên khi ngồi trước bàn viết.

 

Ông xe đạp thồ Tôn Thất Hiền đang đứng nói chuyện với Kim Hồng Mai trong khoảnh sân nhỏ trước mặt nhà, nghe tiếng cậu con trai reo lên như vậy, ông phóng tầm mắt qua bức rào thưa nhìn vào chỗ cậu con trai đang ngồi. Bao lâu nay cha con ông rất ít nói chuyện với nhau chỉ trừ khi có việc hết sức cần thiết mới nói rất vắn tắt, có tính thông báo. Ông đã quá quen thuộc những lần cậu con trai lên cơn - thường là do rượu - độc thoại, oán trời trách đất, nguyền rủa cha mẹ, vớ phải cái gì thì đập phá cái ấy. Sau những lần như thế cậu nằm xuội lơ, biếng ăn nhác học đến vài ngày. Ông tìm cách xoa dịu cậu bằng những món ăn nấu thật khéo và bằng... sự im lặng chịu đựng! Từ khi cậu tốt nghiệp Đại học Quản trị Kinh doanh (mà ông đã bầm dập chèo chống bao năm!) xin được chân thử việc ở khách sạn Eden, tính khí cậu có phần dịu bớt. Số lần lên cơn độc thọai chửi rủa và đập phá ít hơn, càng về sau này càng thưa dần, mặc dù cậu đang sốt ruột mong chờ người ta cho cậu ký một hợp đồng lao động. Những lúc thấy cậu không cáu gắt Tôn Thất Hiền thường lựa lời khuyên cậu hãy kiên trì bám giữ vị trí, dẫu có phải làm việc không lương thêm một thời gian dài nữa! Bởi vì thời nay xin được một việc làm ở các cơ quan công ty của Nhà nước hay tư nhân đều rất khó...

Kim Hồng Mai nhìn Tôn Thất Hiền xót xa:

- Tôi nhiều khi muốn vẽ anh... cho thật đạt, vậy mà không được! Sự hạn chế của ngôn ngữ hội họa là ở đây. Vì thế, thời gian này tôi cứ phá phách thể nghiệm lung tung hết cả lên, không định hình một trường phái nào cả!

Kim Hồng Mai nói đến đây thì có điện thoại của Vĩnh Bảo. Ông Bửu Toàn cho gọi là cô phải đi ngay chứ đâu dám chần chừ. Kim Hồng Mai xin lỗi và cáo từ Tôn Thất Hiền để tới chỗ của ông Bửu Toàn ngay.

Tôn Thất Hiền về nhà hỏi:

- Có việc gì vậy con?

- Con sắp được thi tuyển hợp đồng rồi. - Tôn Thất Hòa ngồi nhổm dậy xoay hẳn người về phía người cha


trả lời.

- Ừ, gắng đi, cố kiếm lấy cái hợp đồng để đỡ bớt
cho ba...

Có thể nói từ khi nuôi cậu con trai mới lọt lòng mẹ đỏ hỏn cho tới nay đây là lần đầu tiên người cha yêu cầu đứa con chia sẻ trách nhiệm. Vừa dứt lời, người cha bước ra sân nhấc lấy chiếc xe đạp thồ gồng lưng đạp về phía chợ. Ông vừa đi vừa tính đếm đến ngày hôm nay thì Tôn Thất Hòa đã tròn hai mươi bảy tháng thử việc. Dịp thi tuyển hợp đồng này có tính quyết định số phận của Tôn Thất Hòa cũng như vai trò vị trí của cậu trong công ty Eden. Từ ngày có Ngà - trên danh nghĩa là công việc của thư ký giám đốc đã được chia sẻ cho đồng nghiệp mới. Nhưng trên thực tế Tôn Thất Hòa vẫn làm việc như trước đây và còn thêm việc “kèm cặp” cho Ngà. Nghiệp vụ văn phòng Ngà rất yếu, và không biết sử dụng máy vi tính đã biến Ngà thành người ở không, trong khi Tôn Thất Hòa phải làm rất nhiều việc. Sau hai tháng được “trao đổi kinh nghiệm” với Tôn Thất Hòa, nay Ngà đã có thể ngồi trước máy vi tính với những công văn giấy tờ thông thường. Lương đặc cách của Ngà bao nhiêu không ai biết, kể cả phòng Tài vụ. Bởi vì nếu tính theo sổ sách giấy tờ thì Ngà cũng chỉ được tưởng thưởng chút đỉnh hàng tháng như Tôn Thất Hòa mà thôi, nhưng sự ăn mặc chưng diện và đồ trang sức của Ngà càng về sau này làm cho người ta không hiểu thực chất mức lương của Ngà như thế nào! Nhưng có một điều mà mọi người cùng hiểu Ngà là “người nhà” của giám đốc, là “chị dâu” thứ của giám đốc. Dịp này một số anh em cùng nhiệm sở lấy làm lo lắng cho Tôn Thất Hòa. Khách sạn sẽ tuyển trong bốn mươi lao động chọn lấy hai mươi lăm người cho tất cả các bộ phận. Riêng dàn thư ký giám đốc sẽ thi hai chọn một. Ngoài giờ làm việc một số anh bạn của Tôn Thất Hòa đã làm phép
so sánh:

- Này nhá, ta thử đặt Tôn Thất Hòa và Đỗ Thị Ngà lên bàn cân để thấy: Tôn Thất Hòa tốt nghiệp Đại học Quản trị Kinh doanh, nam giới, chưa có gia đình, tuổi đời dưới ba mươi, sức khỏe tốt, chuyên môn vững, bề ngoài tương đối dễ coi; Đỗ Thị Ngà ngoài bốn mươi tuổi, sức khỏe tạm được, ngoại hình kém, biết chút ít nghiệp vụ văn phòng, không có một loại bằng cấp nào cả!...

Cứ chờ đợi, chờ đợi mãi rồi hôm nay ngày thi tuyển cũng đến. Thi xong, trong lúc chờ đợi kết quả, mọi người đều đoán già đoán non, và dư luận lại tập trung vào hai đối thủ Đỗ Thị Ngà và Tôn Thất Hòa. Có nhiều cuộc cá cược bia rượu. Nhóm thì đoán chắc người được chọn là Tôn Thất Hòa, nhóm thì bảo ngược lại. Rằng bày đặt thi cử cho vui thôi, chứ mọi việc đã được sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Làm sao ông giám đốc lại dám đẩy “tiểu nhị tẩu” của mình ra khỏi văn phòng công ty cơ chứ? Công ty dành được ưu thế như hiện nay trong đó có sự giúp sức ban đầu không nhỏ của ông anh. Một số khách sạn trên địa bàn như Phương Lan, Dạ Hương... trở thành vệ tinh của Eden, trong đó vai trò của ông anh Ngô Trần không phải nhỏ.

Bàn tiệc nhỏ trong vườn tượng của khu biệt thự chỉ thiếu một mình Kim Hồng Mai, và giờ đây Kim Hồng Mai đã tới. Mọi người nâng cốc chúc mừng Từ Huy. Cạn cốc rượu mừng, ông Bửu Toàn nói với Từ Huy:

- Lặng lẽ làm việc là một đức tính tốt. Nhưng tham gia một cuộc thi lớn như vậy mà không hề bàn bạc chia sẻ với ai hết là làm sao hở con?

- Thưa bác! - Từ Huy đắn đo nói: - Ban đầu con cũng lưỡng lự băn khoăn không biết có nên tham gia dự thi hay không. May mà các thành viên ban giám khảo phần đông là người... Trung ương nên con mới dám gửi tác phẩm dự thi. Một phần con cũng không tự tin lắm. Một con người biết tài năng mình chưa bằng ai, lại gặp sự đố kỵ ngay ở bên mình thì thử hỏi làm sao dám mạnh dạn công bố một sự khởi đầu nào?

Nghe Từ Huy nói xong, Vĩnh Bảo, Kim Hồng Mai và những người bạn đồng nghiệp của anh ngồi lặng đi, mấy phút sau một anh bưng ly rượu đến chúc sức khỏe Bửu Toàn một lần nữa rồi nói:

- Thưa bác, đúng như anh Từ Huy nói đấy ạ! Vì quá yêu vùng đất này mà chúng con phải sống ở đây và làm việc... hết sức khó khăn, không giống như bạn bè chúng con ở những nơi khác...

Nghe những người bạn trẻ bộc bạch tâm sự của mình, Bửu Toàn cảm thấy thương họ quá, nhưng ông không biết phải làm gì để giúp họ, ông nói:

- Xưa nay những tác phẩm văn học nghệ thuật lừng danh phần lớn được ra đời trong điều kiện rất khắc nghiệt...

 

Thấy không khí của bữa cơm thân mật bị chùng xuống, một họa sĩ lái câu chuyện sang đề tài khác, anh hỏi Kim Hồng Mai:

- Vừa rồi Kim Hồng Mai đi dự trại sáng tác Đà Lạt có vẽ được nhiều không?

Kim Hồng Mai thành thật nói:

- Kim Hồng Mai phác thảo được mấy bức, định đem về nhà tiếp tục thể hiện cho nó xong. Đang vẽ nửa chừng thì Kim Hồng Mai phải nghỉ, không vẽ được nữa. Vì mấy hôm nay lại muốn vẽ một cái mới khác, nhưng khó quá! Loay hoay mãi không thể bắt đầu được...

- Đề tài gì mà gay go thế?

- À... Kim Hồng Mai đang muốn vẽ một giấc mơ.

- Giấc mơ? Ồ, đẹp lắm! Tha hồ mà thể hiện...

- Chính vì chất liệu ngồn ngộn của giấc mơ đã làm cho Kim Hồng Mai cảm thấy ngột, không biết nên bắt đầu như thế nào...

Kim Hồng Mai nói rồi thẫn thờ như chìm đắm trong mộng mị sâu thẳm.

- Giấc mơ như thế nào? Kể cho mọi người nghe đi...

- Ừ để Kim Hồng Mai kể nhé...

Sau gần ba tuần đóng cửa phòng cắm cúi làm việc, buổi chiều hôm trước khi lên máy bay rời Đà Lạt trở về Huế, Kim Hồng Mai ra chợ Đà Lạt mua hoa, cây cảnh và một ít đậu ngự khô. Giống đậu quý này chỉ có Đà Lạt mới xài sang, mới đem phơi khô, chứ ở Huế, ăn tươi còn chưa đủ, nói gì đến phơi phong. Về Huế, Kim Hồng Mai chọn mấy hạt đậu mập mạp đem gieo và trông chờ. Rồi đậu đâm mầm, trổ lá, Kim Hồng Mai mừng khôn xiết. Nhưng cây vừa có được hai lá thì bị con gì ăn vào lúc nửa đêm. Kim Hồng Mai rình mãi, bắt được thủ phạm là một con sâu róm to với những lông lá lởm chởm kì dị. Mặc dầu căm giận lắm, nhưng Kim Hồng Mai đã không giết nó. Kim Hồng Mai đem nó vứt qua bên kia bức tường rào - nơi có bãi đất bỏ hoang lâu ngày cỏ mọc lút đầu. Tối hôm ấy trong mơ Kim Hồng Mai gặp con sâu róm to bằng ngón tay út, với những lông ngũ sắc tua tủa ngời lên dưới ánh trăng. Đôi lông tua như hai cái sừng trên đầu mỗi lúc một dài hơn và hai điểm mút của chiếc sừng đó có đính hai hạt tròn như hai viên bi, lóng lánh, nhấp nháy như đôi mắt. “Đôi mắt” đó chớp lấy ánh trăng và bắt đầu tỏa sáng. Bỗng một quầng sáng bao phủ lên cái đầu đầy lông lá của con sâu, quầng sáng bây giờ ngả sang màu vàng. Đúng, một dải viền vàng quấn quanh đầu con sâu như thể một chiếc khăn bằng gấm vàng mà đấng quân vương thường hay dùng. Kim Hồng Mai ngỡ ngàng bởi suốt cả đời Kim Hồng Mai chưa từng thấy con sâu nào hình dáng kì dị như thế, lại còn nhúc nhích, lung la lúc lắc có vẻ gì như là hợm hĩnh, chật chội trong thân xác của mình!

- Đúng thế, quả thật nương tử có nhận xét rất tinh tế. Ta là một con sâu róm hợm hĩnh, luôn cảm thấy chật chội trong thân xác của mình. Tuy vậy, dẫu ta có ăn uống cho tốt cho nhiều vào, để thân xác phát triển to hơn, thì cảm giác chật chội bức bối ấy cũng không thể thoát khỏi ta. Chưa kể là thời gian thân sâu được tự do đi lại nơi này nơi khác của ta cũng không lâu, ta sẽ lại phải giam mình trong những sợi tơ của chính ta kết thành vỏ kén, sau đó ta sẽ hóa thân thành bướm bay lượn đi hút nhị hoa - Ta thích nhất là hoa đậu ngự. Rồi bướm đẻ trứng, lại nở ra sâu - những con sâu nhỏ. Ta lại hóa thân trong một con sâu nhất định, và chỉ có một con sâu ấy được sống sót, những con khác nở cùng bọc trứng với ta hoặc bị chim muông gà vịt ăn, hoặc do con người bắt, giết, hoặc con người phun thuốc độc giết chết hàng loạt. Ngót trăm năm qua biết bao lần ta hóa thân làm sâu và chưa bao giờ ta bị một tai nạn giết chóc. Ta cứ ổn định chu kỳ sâu bướm - bướm sâu, không thoát ra được, vì lẽ gì ta không rõ. Chỉ có điều bấy nhiêu lần làm kiếp sâu ta chỉ có mỗi một khao khát làm sao được ăn những lá đậu ngự non. Có một thời trong cả kiếp sâu ta chưa hề biết đến mùi vị của một lá đậu ngự. Rồi một kiếp, một kiếp nữa. Thỉnh thoảng trong những lần hóa thân đó ta may mắn được gặp đậu ngự. Nhưng chưa bao giờ ta gặp được cây đậu ngự mập mạp óng ả mượt mà với vị ngon ngọt tuyệt vời như cây đậu ngự của nương tử! Và cũng từ hai hôm nay vì được thưởng thức món lá đậu ngự kỳ diệu trong vườn của nương tử mà chuỗi ký ức từ muôn kiếp trỗi dậy trong ta. Thuở ấy ta là một cậu bé chỉ thích ăn món đậu ngự do mẹ ta nấu. Chẳng hiểu trước đó ta đã thích những món gì nữa, nhưng từ sáu tuổi trở đi, ta còn nhớ rất rõ. Ta thường quanh quẩn bên mẹ ta khi bà nấu món đậu ngự dâng cho Hoàng đế. Ta không phải là con đẻ của phụ hoàng ta. Phụ hoàng ta không có con, nên nhận mấy đứa cháu ruột thịt làm dưỡng tử. Ta được giao cho mẹ ta và Hoàng quý phi nuôi dạy. Tất nhiên ta còn có nhiều bậc Thái sư hàng ngày dạy cho ta học. Việc học hành chiếm quá nhiều thời gian, ta không có đủ thời gian để vui chơi như những bạn cùng tuổi khác con nhà thường dân. Những thời khắc rảnh rỗi ít ỏi ta thường đi dạo với mẹ ta và đến thỉnh an Hoàng quý phi. Đó là hai người đàn bà gần gũi ta nhiều hơn cả, và cũng là hai người ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của ta. Ta yêu mến mẹ đẻ ra mình, nhưng ngưỡng mộ và trân trọng Hoàng quý phi. Ở Hoàng quý phi có những tư chất cao quý hơn hẳn mẹ ta. Ta coi phụ hoàng là thần tượng. Tự đáy lòng ta thấm đẫm một niềm yêu thương kính trọng và khao khát được một tài năng và nhân cách như phụ hoàng! Ta còn nhớ khi phụ hoàng xây lăng cho chính bản thân mình xong, đã dọn từ hoàng cung lên lăng ở và làm việc một thời gian khá dài mới qua đời. Ta đã theo Người lên đó cùng với Hoàng quý phi và mẫu thân ta. Ở đó ta đã được ăn món chè đậu ngự do phụ hoàng ban và do chính tay mẹ ta nấu bằng nước sương sa ướp đẫm hương sen. Hàng ngày mẹ ta dậy thật sớm, - khi mặt trời chưa mọc, một mình lên chiếc thuyền nan nho nhỏ bơi ra giữa những hồ sen ngát hương thơm, hứng lấy những giọt sương đọng trên lá sen rồi đặt vào trong một chiếc vịm bằng sứ men lam, bên trên có nắp đậy cẩn thận. Ta đứng trên bờ hồ, men theo những đường viền ốp gạch hoàng lưu ly và thanh lưu ly, nhìn thấy mẹ ta lẫn vào giữa vào vàn hoa sen đang nở rộ chen với sắc lá xanh mướt, mát lạnh, ta tưởng mẹ ta là nàng tiên vừa bước ra từ một đóa sen hồng nào đó - nếu hôm ấy mẹ ta mặc áo hồng; còn hôm nào mẹ ta mặc áo trắng, áo xanh ta lại tưởng mẹ ta bước ra từ những bông sen trắng, với những cánh mỏng trắng muốt, hoặc từ những bông sen xanh nức hương mát rượi. Mẹ ta cứ mải miết gạn những hạt sương long lanh trên những chiếc lá sen, chừng nào nước sương gần đầy chiếc vịm sứ men lam, mẹ ta mới chịu cho xuồng quay vào bờ. Mẹ thận trọng bưng chiếc vịm nước sương thơm ngát hương sen về nội thất của mình. Rồi tự tay chọn những hạt đậu ngự to, không già lắm, không non lắm, bóc lấy hết vỏ ngoài, vuột sạch lớp vỏ lụa bên trong, cạy bỏ hết mộng đậu, đặt đậu lên chiếc vỉ đan bằng những nan tre thanh mảnh, bên trên đặt mấy lá dứa, đậy kín nồi, hấp chín đậu. Mùi đậu ngự chín quyện với mùi lá dứa làm thơm nức cả một vùng. Trong lúc hấp đậu ở bếp này, thì bếp bên kia mẹ ta dùng nước sương sen nấu lên với đường phèn, gạn hết bọt cho nước đường phèn thật trong. Mẹ ta sắp khéo léo những hạt đậu ngự đã chín mềm múp vào những chén sứ trắng tinh, nhỏ nhắn, thanh mảnh và rất nhẹ, rồi tưới nước đường phèn lên cho ngập đậu, làm món tráng miệng cho phụ hoàng ta. Cũng có lúc mẹ ta làm khác đi: cho đường phèn nấu lên với nước sương ấy, đường vừa tan thì cho đậu ngự vào, sôi một lúc rồi đưa xuống, múc ra những chén nhỏ trắng và nhẹ tênh kia. Thường mẹ ta chỉ nấu ba chén, một dâng cho Hoàng thái hậu, một cho phụ hoàng và một cho ta. Lúc bưng chè lên dâng cho phụ hoàng trên chiếc khay nhỏ cạnh chiếc thìa bằng bạc chạm trổ tỉ mỉ, mẹ ta thường đặt một bông sen trắng hoặc một bông sen hồng đang hàm tiếu. Về sau một số cung nữ bắt chước mẹ ta, sáng sớm đua nhau đi hứng nước sương trên lá sen về nấu lên pha trà cho phụ hoàng ta uống. Còn ta thuở ấy đã được ăn uống bao của ngon vật lạ, riêng món chè thôi, cũng không kể hết bao loại chè cầu kỳ, quý hiếm mà người ta dâng cho phụ hoàng, phụ hoàng ban cho ta, nhưng không có món nào làm ta thích bằng món đậu ngự do mẹ ta nấu. Những người khác cũng bắt chước nấu theo cách của mẹ ta, nhưng vị giác ta vẫn phân biệt được một cách rạch ròi cái nào do mẹ ta nấu, cái nào do người khác. Mẹ ta rất chiều ta nên luôn thỏa mãn sở thích này của ta. Đến mùa đậu ngự mẹ ta thường phơi khô một ít để dành cho ta khi trái vụ. Nhưng cuộc đời thật oái ăm, về sau chính ta bị chết bởi chén chè đậu ngự do mẹ ta nấu.

Khi phụ hoàng đột ngột băng hà, triều đình bao rối ren, thù trong giặc ngoài. Linh cữu phụ hoàng vẫn còn đó, mà triều đình có biết bao việc kinh thiên động địa liên tiếp xảy ra. Người ta lần lượt đưa các hoàng huynh của ta lên ngôi chưa được bao ngày thì bị bức tử vì bị gán cho những trọng tội. Đến lượt ta, còn nhớ thuở ấy ta đang chạy nhảy vui chơi với các bạn học sau mấy tiếng đồng hồ liền miệt mài học tập, người ta đến bắt ta về để lập làm Thế tử. Ta lên ngôi đang tuổi thiếu niên, nên được Hoàng thái hậu, Hoàng quý phi và mẹ ta luôn theo sát bên mình để nhắc nhở, dạy bảo. Nhưng đó là ở hậu cung, còn ở triều chính ta luôn có hai phụ chánh đại thần của phụ hoàng để lại chuyên lo cắt đặt mọi việc. Một lần ta bị bệnh nặng, mẹ ta suốt ngày đêm túc trực bên ta. Một buổi tối nọ ta đang nằm nhắm mắt mơ màng, nghe có tiếng bước chân đi vào chỗ ta. Ta nằm bất động, không mở mắt ra, nhưng nghe giọng nói ta biết đó là một trong hai phụ chánh đại thần của ta. Họ vẫn thường xuyên đến thăm ta trong thời gian này, nhưng không mấy khi đi một mình vào ban đêm như thế này. Tưởng ta đã ngủ say, nên quan phụ chánh đại thần đã nói chuyện riêng với mẹ ta thật thân mật. Ta đâm nghi nên cố ý để tâm theo dõi. Một lần khác cũng vào lúc đêm khuya, quan phụ chánh đại thần nọ lại đến, nói là để hỏi thăm sức khỏe của ta. Một lần nữa, tưởng ta đã ngủ say, hắn buông tuồng với mẹ ta những lời ong bướm trăng hoa. Còn mẹ ta, trời đất hỡi, một con người mà từ lâu ta yêu kính muôn vàn, ta vẫn nghĩ đó là người đàn bà đức hạnh và đẹp nhất trần gian. Ai ngờ giờ phút này đây mẹ ta lộ nguyên hình là một người đàn bà đàng điếm! Họ cười cợt với nhau, và khốn nạn chưa, qua lời lẽ của họ chứng tỏ họ đã có tình ý với nhau lâu rồi mà ta không biết! Trời hỡi, linh cữu của phụ hoàng ta đang quàn ở kia... Ta đã không kìm giữ được bức xúc, bất thần mở to mắt và hét to:

- Ta sẽ trị tội các người khi ta bình phục!

Nhưng ta đã không kịp bình phục. Chén đậu ngự mẹ ta đút cho ta ăn ngay sau đó, ta giận không chịu ăn, nhưng viên phụ chánh đại thần đã cạy miệng ta mà đổ chén chè do y vừa pha thuốc độc vào. Ta chết đi với mối hận ngùn ngụt dâng ngập đất trời! Sau khi ta chết, mẹ ta mấy lần nấu cúng món chè đậu ngự cho ta, nhưng ta không cần, bởi ta không thể nào tha thứ cho mẹ được. Nhưng có lẽ với ý thích món đậu ngự nên ta đã hóa thân thành một loài sâu chuyên đi tìm ăn lá đậu ngự non. Mãi mãi ta chỉ là một loài sâu với nỗi thèm khát khôn nguôi lá đậu ngự non...

- Việc xảy ra lâu lắm rồi, cả trăm năm rồi, lẽ nào ngài cứ luân hồi mãi ở kiếp sâu? Sao ngài không chịu đi đầu thai để hóa kiếp?

- Quyền năng này không thuộc về ta. Chính ta cũng cảm thấy lạ, cũng có kẻ làm kiếp sâu như ta, ta đã gặp nhưng chỉ một lần thôi không bao giờ thấy trở lại. Và một khi đã sinh ra kiếp sâu bọ thì không phải lúc nào cũng gặp được thức ăn vừa ý. Như ta, có lúc đói quá ta đã ăn lá chuối, lá mít, thậm chí cả lá tre. Ta cám ơn và xin lỗi đã làm hại đến cây đậu ngự của nương tử. Buổi chiều hôm trước ta thấy nương tử vào ra nhiều lần bên hai mầm cây đậu ngự với nét mặt buồn phiền, vừa đưa mắt tìm kiếm kẻ phá hoại. Buổi tối nương tử lại đến viếng cây đậu ngự của mình với một ngọn đèn. Ta nằm trong chiếc hầm đất nhỏ ngay dưới gốc đậu ngự nhìn thấy nương tử rất rõ. Nương tử trở vào nhà cũng là lúc ánh trăng chan lênh láng khắp khu vườn của nương tử. Lá đậu ngự non đẫm sương và loáng ánh trăng mềm mát gọi mời làm ta thèm chảy nước miếng. Ta không thể kìm hãm sự ham muốn được nữa, ta vội vã chui ra khỏi nơi trú ẩn, leo lên cây đậu ngự non vừa tròn ba lá, cắn liền mấy miếng to ngồm ngoàm nhai và nuốt lấy nuốt để cho đỡ cơn đói, cho đã cơn thèm, nhưng mắt ta luôn cảnh giác, bởi vì ta biết nương tử chưa từ bỏ ý định truy tìm thủ phạm đâu. Đúng thế, nương tử đã xuất hiện với một ngọn đèn nhỏ. Ta vội buông mình rơi xuống đất, lủi nhanh vào hầm trú ẩn, nép mình sát vách, quan sát nương tử. Nương tử đưa tay sờ lên những thớ lá vừa bị cắn nát mất từng mảng lớn, xuýt xoa tiếc rẻ đầy thương cảm cho cây đậu ngự non. Nhưng nương tử chưa biết một điều là, cắt bỏ lá đi để cho dây leo cao hơn, nhựa sống sẽ dồn hết vào dây leo ấy, dây leo sẽ mọc ra những nhánh, những chồi, những mắt lá và những nụ hoa sẽ đơm bông kết trái.

- Thế còn cây đậu ngự kia ngài đã xơi tái một cái đọt, chưa đủ, ngài xơi luôn cả một ngọn lá mới đâm mầm!

- Ấy, nói chính xác là ta chỉ ăn một phần ba lá mà thôi. Phần còn lại vẫn còn kia. Vả lại hai việc ấy ở vào hai thời điểm khác nhau, đêm hôm trước ta ăn đọt, đêm hôm sau ta ăn lá. Ta từng là vua một nước, ngươi là kẻ sĩ của nước nhà, há chẳng lẽ ngươi tiếc với đấng quân vương của mình một cái lá đậu ngự? Một cái đọt đậu ngự ư? Ta nói vậy thôi, xin nương tử chớ giận. Giờ đây ta có là gì nữa đâu, ta chỉ còn là một loài sâu bọ chuyên gặm nhấm làm tổn thất mùa màng của thiên hạ. Cụ thể ở đây ta đã phá hoại cây đậu ngự quý báu của nương tử cất công mang giống từ Đà Lạt về. Nương tử lại trở vào nhà với vẻ thất vọng của một người chưa tìm ra được tung tích của kẻ thù không đội trời chung - và với thái độ ấy, ta biết chắc nương tử sẽ còn trở lại. Và cũng vì biết được như thế nên lần này ta tự dặn mình nhất thiết không rời khỏi hầm trú ẩn, không xuất đầu lộ diện, không bò lên mặt đất để đi kiếm bất cứ loại thức ăn nào hết, chứ nói gì đến lá đậu ngự non! Đêm đã quá khuya, trăng rằm tháng Chạp mà sáng quắc và trong vắt như trăng Nguyên tiêu. Bầu trời không một gợn mây. Năm nay thời tiết đổi thay nhiều quá, gần như không có mùa đông ở Huế. Trời ấm áp lạ! Chỉ khi vào canh ba trở đi trời mới hơi trở lạnh. Bốn bề yên lặng quá. Ta cựa mình và nghe đất thở, hay nói đúng hơn, những sợi rễ đậu ngự đang phả hơi thở ngọt ngào vào lòng đất, đến tận hầm trú ẩn của ta. Ôi chao, cái mùi đậu ngự nó mới kỳ diệu làm sao! Không thể lẫn với bất kỳ mùi của một loại đậu nào khác, kể cả giống đậu quyên học đòi hình dáng nết hạnh gần giống đậu ngự, nhưng cái mùi thơm đặc biệt này thì chỉ có giống đậu ngự mới có. Giây phút này đây cái mùi thơm ấy có một sức quyến rũ mãnh liệt, nó đánh thức ký ức sâu thẳm của ta, từ vào thỉ ta đã thích món đậu này biết nhường nào! Ta leo lên khỏi hầm trú ẩn của mình như một kẻ mộng du. Ánh trăng chan lênh láng khắp chung quanh, vườn ngào ngạt mùi thơm của các loài hoa: thập nhị độ mai, các loài hoa lan, hoa cúc và khóm trúc ta với khóm trúc Nhật Bản đang ngó nghiêng lơi lả đổ bóng vào nhau. Ta leo lên cây đậu ngự hôm qua... Xin nương tử chớ trách, lúc đó trong ta dấy lên sự biện giải rằng ta cắn đọt, nhất định nó sẽ đâm hai nhánh ngay tại mắt lá bị cắn. Ta ăn nốt lá còn lại chỉ để dồn sức cho sự đâm nhánh này nay mai. Đúng, ta chưa từng thấy ở đâu có giống cây đậu ngự lá to và mượt mà đến thế. Ta đang mãi cắn, nhai ngấu nghiến, ăn, nuốt ngon lành, bất ngờ có ánh đèn vụt lóe sáng quắc. Nương tử đến. Ta buông mình lăn đùng xuống đất định tìm cách lẩn trốn như lần trước. Nhưng không kịp nữa. Nương
tử nói:

- A, con sâu róm ranh mãnh quá! Phục mãi mấy hôm nay mới tận mắt trông thấy, mày định lủi mất hả? Cứ lủi! - Nói đoạn nương tử quay đi một phút rồi trở lại với một con dao cũ, nương tử xắn nhẹ xuống vùng đất có tầng hầm của ta. Mặt đất trên đầu và dưới chân ta rung lên. Ta cuống quýt, chưa biết mình nên làm gì thì nương tử đã hếch mũi dao, nâng bổng cả khối đất lên, đưa ra một chỗ thoáng đãng, hất khối đất đổ xuống, chiếc hầm trú ẩn của ta bị vỡ tan tành. Ta run rẩy bò lổm ngổm dưới ánh trăng và ánh nến trên tay của nương tử. Nương tử gí sát ngọn nến bên thân ta để quan sát ta, một giọt sáp nóng bỏng rơi xuống lưng ta làm ta quay quắt quằn quại tưởng không thể nào còn sống nổi, và làm sao có thể sống được trong tình cảnh này? Cái chết đang treo lơ lửng trước mắt, cái chết chỉ còn tính được bằng giây, chỉ cần một giọt sáp nóng, một cái khảy nhẹ của móng tay, vâng, chỉ một động thái nhẹ nhàng nhất của một cái móng tay nương tử thì thân xác ta cũng đã trở thành một đống máu thịt lông lá bầy nhầy... Ta nín thở chờ đợi án tử hình sắp sửa được thi hành. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng, ta không dám mong mỏi một ân huệ gì, ta không nghĩ đến ai, không nghĩ đến điều gì ngoài cái chết. Bỗng chốc từ trạng thái run sợ ta chuyển sang bình thản một cách kỳ lạ. Ta ngước nhìn bao quát pháp trường, và nhìn bàn tay nương tử với những ngón nhỏ thon dài, màu sơn móng tay hồng nhạt như màu hoa tường vi. Chốc nữa đây, trong cái chết của ta có màu hoa tường vi ấy dự phần. Vả lại, tội của ta cũng đáng chết lắm, vì ta đã không chế ngự được sự thèm khát. Ta đã thèm khát lá đậu ngự non như chính khách thèm khát quyền lực. Bỗng mũi dao của nương tử xới nhẹ lên mặt đất nhấc bổng cả thân thể ta và một ít đất bột nham nhở, nương tử bước đi mấy bước rồi tung hất ta và cả khối đất nham nhở ấy qua bên kia một bức tường cao. Ta loạng choạng rơi từ độ cao gần năm mét rồi rớt xuống nhằm một ngọn cỏ nhọn ướt đẫm sương. Ta nằm vắt ngang thân cỏ và nghe lũ dế đang tấu một bản nhạc quen thuộc. Ta biết mình vẫn còn sống và một cái gì quen thuộc đang bao phủ quanh mình. Mọi việc trở nên rõ ràng vào mờ sáng hôm sau. Xuất phát từ tấm lòng từ bi nương tử đã không giết hại kẻ thù của mình - giết hại kẻ đã phá hoại thành quả lao động của mình, phá hoại niềm vui, niềm hy vọng của mình, nương tử đã tha chết cho ta, nhưng cương quyết tách ta ra khỏi khu vực có cây đậu ngự của nương tử. Nhưng định mệnh run rủi trớ trêu sao, nương tử đã quăng ta rơi xuống đúng vào chỗ ngày xưa người ta đã chôn vùi thân xác hoàng huynh ta! Chả là hoàng huynh ta lên ngôi chưa được mấy ngày - như ta đã nói ở trên - liền bị khép tội soán nghịch, buộc phải nhận lấy tam ban triều điển. Hẳn là nương tử còn nhớ cái hình phạt khắc nghiệt dành riêng cho các bậc đế vương: hoặc là tự sát bằng một thanh gươm báu, hoặc một dải lụa hồng, hoặc một chén thuốc độc. Hoàng huynh ta đã không chấp nhận bản án đó, liền bị trói, bị cạy miệng đổ thuốc độc vào. Hoàng huynh chết xong, liền bị buộc bằng dây thừng gánh đi chôn như gánh lợn. Gánh ra khỏi kinh thành trực chỉ hướng Ngự Bình, đi chưa đến chỗ cần phải đến, bất ngờ dây bị đứt, thân xác hoàng huynh ta rơi đánh huỵch xuống đất, liền được vùi chôn ngay tại chỗ rơi ấy, không áo quan, không vải liệm, không một nghi thức bình thường như một dân thường! Về sau này các em ta có nghĩ tình mà di hài cốt của hoàng huynh ta đưa vào lăng mộ, lập đền thờ, thờ phụng hẳn hoi. Nhưng đó là những việc làm để thỏa mãn lòng người sống, để tỏ rõ hiếu đạo của vị vua mới lên ngôi. Còn trước đó số phận đã gắn bó thân xác của hoàng huynh ta với bãi đất hoang này suốt một thời gian dài! Sau cái chết của hoàng huynh không lâu thì đến lượt ta. Theo lời sàm tấu thì ta chết vì bệnh. Mặc dầu lễ tang được long trọng cử hành theo nghi thức quân vương, nhưng trong lòng một số gian thần - nhất là kẻ trực tiếp đầu độc ta, người tình của mẫu thân ta - hẳn là rất muốn chôn ta theo kiểu mà chúng đã đối xử với Hoàng huynh ta! Thương hoàng huynh xấu số, từ chỗ lăng mộ của ta, ta thường tìm đến bãi đồi hoang này để ở với hoàng huynh. Bấy giờ ta đã hóa thân thành con sâu róm rất thích ăn lá đậu ngự. Còn hoàng huynh ta thì đã biến thành một con chim, với bộ lông sặc sỡ nhiều màu, đẹp tựa như y phục của hoàng huynh thuở còn tại thế. Đây là đặc điểm của hoàng huynh. Vốn thích ăn diện chải chuốt và giao thiệp rộng nên ngay những ngày còn tiệm đế, những ngày anh em ta sống trong sự thương yêu chăm sóc của phụ hoàng và cả triều đình, thì hoàng huynh với cái vẻ bề ngoài luôn chải chuốt đã cuốn hút các cung nữ của phụ hoàng. Hoàng huynh giao du rộng với các học giả phương Tây trong đó có các giáo sĩ, cũng bởi vì thế mà khi bị khép tội, bị bức tử, ba trong bốn trọng tội là: Tự tiện đưa các giáo sĩ phương Tây vào cung cấm, trong thời gian còn tang cha mà mặc áo màu, dan díu với các cung nữ của vua cha. Riêng việc này hư thực đến đâu ta không rõ, nhưng ở đời khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo, đã sẵn mang mối hiềm tị ghen ghét hoàng huynh ta ngay từ trước thì việc gì chúng chẳng về hùa với nhau để ngấm ngầm làm hại hoàng huynh!

Hai anh em luôn ở cạnh nhau trên bãi đồi hoang rậm rạp các loài thảo mộc và chan đầy nắng gió. Hàng ngày hoàng huynh đi kiếm ăn, đi mổ hạt. Đã có lúc hoàng huynh mang về cho ta một hạt đậu ngự còn nguyên vẹn, đem vùi bên mộ của hoàng huynh, chẳng bao lâu sau, đậu nảy mầm, vươn tán lá, bò miên man. Từ đó ta luôn có lá đậu ngự để ăn, và hoàng huynh ta cũng không còn phải lo cho đứa em bé bỏng mỗi khi sải đôi cánh sặc sỡ chao lượn trên những vòm trời xa đùa giỡn và tìm kiếm thức ăn. Gần tối mịt hoàng huynh mới trở về, dùng cái mỏ nhọn màu nâu nhạt khều nhẹ hòn đất trước cửa hang, gọi đứa em sâu róm ra mà vỗ về âu yếm. Những lúc như thế hoàng huynh ta thường hỏi ở nhà có đứa nào rình rập cơ ngơi của anh không? Có ai dọa nạt em không? Ta đáp rằng không. Cũng có lúc ta đáp có. Có ông sáo sậu, có ông cà cưỡng lượn qua. Em vâng lời anh ẩn sâu trong chỗ trú của mình, nếu không thì đã vào bụng các ông đó rồi.

Tình cảm anh em thắm thiết là vậy, nhưng rồi, kiếp sâu ta một lúc nào đó phải hóa. Hóa xong một vòng lại trở về kiếp sâu và từ đó ta bị trôi dạt khắp nơi, không còn bao giờ còn được gặp lại hoàng huynh của ta nữa. Bất ngờ sao hôm nay với sự trừng phạt nhẹ tay của nương tử, ta được trở lại vùng đất kỷ niệm xưa, nhưng còn đâu nữa hoàng huynh! Hài cốt hoàng huynh đã được cải táng, giống đậu ngự đã chết từ lúc nào. Nhưng đất ấy trời này, vòm cây nọ, ngọn gió kia... sao mà giống ngày xưa quá! Ta nhớ, ta nhớ xiết bao! Nương tử ơi, xin tạ ơn người đã cho ta một cơ hội sống với những kỷ niệm dịu êm! Chắc chắn nương tử sẽ cười nhạo ta sá gì một kiếp sâu bọ, còn sống ngày nào là còn mang thân sâu bọ ngày ấy, hay hớm gì,
danh giá gì mà tiếc nuối tham lam? Hẳn nhiên ai chẳng muốn được làm người, được mang hình hài vóc dáng
con người...

- Xin lỗi, tâm hồn con người mới đáng kể, chung quanh tôi có những kẻ mang vóc dáng hình hài con người nhưng tâm hồn tính cách lối sống thì loài sâu bọ tầm thường nhất cũng không đến nỗi tồi như thế, tôi nói loài sâu bọ tầm thường có nghĩa là qua câu chuyện với ngài, tôi biết ngài bị giam hãm trong hình hài một con sâu róm, nhưng tâm hồn tính cách ngài cao quý hơn tôi tưởng.

- Cám ơn nương tử đã có cái nhìn độ lượng với ta. Thực tình ta rất muốn thoát khỏi thân phận hiện nay. Ta nghĩ chẳng lẽ chỉ vì lòng ham thích một loại thức ăn nào đó, mà đời đời kiếp kiếp ta cứ luân hồi với nỗi thèm khát bất tận này sao? Đậu ngự có lẽ đã có từ rất lâu, nếu không muốn nói là kể từ khi có đất trời cây cỏ muông thú, thì đậu ngự cũng có thể đã có mặt, và ngoài ta ra, chắc chắn những cô bé cậu bé khác cũng thích món đậu ngự chứ? Nhất là đậu ấy do mẹ nấu chín.

- Đúng thế, ngày xưa khi còn nhỏ tôi thường quanh quẩn bên chân cha tôi, nhất là mỗi khi ông đi dạo trong vườn. Thỉnh thoảng đi ngang qua giàn đậu ngự cha tôi tiện tay hái một vài trái, đưa cho mẹ, bảo hấp cơm cho tôi. Cơm vừa chín tới, mẹ tôi vớt trái đậu ngự đặt vào cái chén nhỏ xíu - dùng riêng cho tôi ăn cơm - mùi đậu ngự chín quyện với mùi cơm bốc thơm ngào ngạt. Mỗi trái đậu thường có ba hạt. Tôi vội vàng bóc ăn sau khi chúm môi phùng má thổi cho đậu mau nguội. Những hạt đậu xanh mướt mềm mại và thơm nức. Tôi nhỏ nhẹ ăn và cảm nhận vị béo vị bùi với chất bột mịn tơi của đậu ngự tan dần trên đầu lưỡi... Vậy là bản thân tôi cũng thích đậu ngự và có chút kỷ niệm dịu êm về đậu ngự, nhưng chắc chắn không bao giờ bị đầu độc bằng món đậu ngự cả, bởi tôi xa lánh tất cả những món quyền lực tước vị và tiền bạc ở chốn công môn. Tôi không có bạn hữu ở khu vực đó, và hẳn nhiên cũng không có kẻ thù, nói chi đến việc ở ngôi cao nhất trong triều đình để chuốc lấy tai ương!

- Nương tử quả là một con người hạnh phúc. Ước gì ta được một chút hạnh phúc như nương tử...

- Thật quá dễ, nếu ngài muốn. Ngay cả ngày xưa khi người ta định chọn ngài làm Thế tử, ngài có thể từ chối lên ngôi kia mà? Ngài có thể xin ra ở ngoài Hoàng cung. Ngài có thể lập phủ cách xa kinh thành, ngài sẽ tìm thấy sự yên vui, thanh thản khi đã xa lánh hoàn toàn cái lợi, cái danh mà người ta đang lùng sục mưu cầu, đang tất bật mua bán, đổi chác, sang nhượng, đang rắp tâm chiếm đoạt... Nếu lần ấy ngài không nông nổi bộc trực nói thẳng ý định trừng phạt của mình vào mặt tên gian thần và với mẹ ngài, ngài cứ nhắm mắt nằm im, thuốc men ở Thái y viện và các danh y đương thời sẽ làm cho sức khỏe của ngài sớm hồi phục. Ngài sẽ ở ngôi bao lâu không rõ, nhưng chắc chắn ngài sẽ trị vì đất nước mà không cần đến các loại gian thần, các loại quan tham, những tên võ biền mặt sắt, những đứa dâm phụ! Cho rằng đất nước của ngài bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị thì chắc gì điều đó được lâu bền? Và chắc gì là có thật? Và hẳn nhiên trong điều kiện đó ngài không thể thốt lên một niềm khao khát được làm người bình thường với một hạnh phúc bình thường giản dị như kẻ hàn sĩ này!

- Nương tử nói làm ta nhớ có lần ta tự vấn lương tâm, và nghĩ rằng nếu được làm lại từ đầu, nếu được chọn lựa, ta nhất định từ chối lên ngôi. Tất nhiên bây giờ mà nói những việc đại loại như thế thì xa vời quá, nhưng nói là để thể hiện một cách nhìn, một niềm mơ ước.

- Hiện giờ ngài đang mơ ước điều gì?

- Không phải bây giờ, mà từ nhiều kiếp sâu ta chỉ ước mơ được trở lại làm người, và giờ đây, sau khi tiếp xúc với nương tử, ước mơ ấy càng nung nấu trong ta mãnh liệt. Nhưng hỡi ơi, việc thoát kiếp, tạo kiếp, quyền năng ấy không thuộc về ta. Trước đây khi chưa gặp nương tử ta chỉ mong thoát kiếp sâu bọ, mong được sinh ra làm người, nhưng làm người rồi để làm gì ta chưa kịp nghĩ tới, chỉ một điều chắc chắn là ta không hề khao khát ở ngôi cao trong thiên hạ nữa! Giờ đây trong ta chợt lóe một dự định sáng ngời cho công cuộc làm người. Ta sẽ làm anh nông dân chuyên canh giống đậu ngự. Ta sẽ nhân cho giống đậu ngự ra ngày một nhiều, nhiều hơn, nâng lên thành món lương thực chính. Ta sẽ có một mái ấm gia đình nho nhỏ, ta sẽ có được hạnh phúc dịu êm như thân phụ của nương tử đã từng có, ta sẽ chọn những quả đậu ngự không già không non, bụ bẫm xanh mướt, bảo người bạn đời của ta (cũng là một nông dân chuyên trồng đậu với ta) hấp cơm cho những quả đậu vừa chín, rồi gắp đậu ra cái chén nho nhỏ, xinh xinh, dùng riêng cho đứa con gái bé bỏng. Đứa con gái bé bỏng lên sáu lên bảy của ta sẽ bóc ăn những hạt đậu mềm múp, tơi mịn, nức hương...

Nghe xong “giấc mơ đậu ngự” của Kim Hồng Mai, Vĩnh Bảo vỗ mạnh vào mặt bàn đá một cái rồi nói:

- Hay! Hay lắm! Nhưng qua giấc mơ này của Kim Hồng Mai, Vĩnh Bảo thấy những câu chuyện kể của Hoàng thân Bửu Toàn đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong tâm hồn Kim Hồng Mai. - Vĩnh Bảo liếc nhìn Bửu Toàn nói: - Ông bác mình thật tuyệt vời! Đời nào, thuở nào bác cũng có biệt tài làm cho những người đẹp đem lòng tin yêu, si mê đến kỳ lạ...

- Không được “nói xấu” ông của Kim Hồng Mai! - Kim Hồng Mai ngúng nguẩy giả làm mặt giận phản ứng.

- Ở đây không phải là nói xấu hay nói tốt, mà là mình thật sự bái phục trước sức lay động, khả năng hiển dụ của tâm hồn tính cách ấy ở bác. Ngay cả trong gia đình, thân tộc... không có ai là không yêu mến bác. Kể cả người bị bác làm khổ suốt một đời, nhưng không thể nào thù ghét bác được, cụ thể là bác gái... Mình tin rằng nếu bác sống thêm được vài ba chục năm nữa, chắc chắn sẽ có những chàng trai cô gái ở vào thời kỳ đó đem lòng yêu mến tin tưởng ngưỡng mộ bác không kém gì ngày hôm nay, không kém gì những ngày qua...

Bửu Toàn ngồi lặng yên nghe cháu trai và cháu gái tranh luận.

Một họa sĩ trẻ nói:

- Em thấy giấc mơ của Kim Hồng Mai rất gần với vấn đề mà lúc nãy anh em bác cháu ta đề cập. Đó là những món quyền lực tước vị tiền bạc, là cái lợi cái danh ở chốn công môn mà người ta đang lùng sục mưu cầu, đang tất bật mua bán, đổi chác, sang nhượng, đang rắp tâm chiếm đoạt... Đấy là đầu mối của mọi tai họa như trong giấc mơ Kim Hồng Mai đã đối thoại với con sâu róm - với vị quân vương thất sủng. Cũng trong giấc mơ đó Kim Hồng Mai tự xưng mình là hàn sĩ. Phải, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó, niềm mong muốn duy nhất của chúng ta là sáng tạo ra cái đẹp đích thực, cái đẹp bất tử và tôn vinh cái đẹp suốt đời. Nhưng chúng ta bị những kẻ không làm ra được những giá trị đó gây trở ngại cho chúng ta. Có thể Kim Hồng Mai chưa gặp nhiều trở ngại trên đường đời, chưa cọ xát bầm dập như một số anh em khác, như anh Từ Huy... Nhưng những vấn đề như thế là vấn đề chung của đội ngũ chúng ta chứ không phải của riêng ai. Vấn đề đã đi vào tiềm thức của người nghệ sĩ đến nỗi trong giấc mơ nó trở thành đề tài tranh luận...

Để tránh những thắc mắc không cần thiết và những phản ứng nhất thời trước sự may rủi của số phận, ban giám đốc khách sạn Eden quyết định không thông báo kết quả trúng tuyển đến từng người, mà niêm yết một danh sách lên tấm bảng ở lối đi dẫn tới phòng hành chánh vào buổi tối. Buổi sáng hôm sau khoảng 8 giờ lối đi bị tắc nghẽn chừng ba phút, sau đó dãn ra, ai vào việc nấy. Buổi trưa, lần đầu tiên trong đời đứa con bất hiếu về nhà phủ phục dưới chân người cha mà khóc nức nở:

- Hỏng hết rồi ba ơi! Họ không chọn con mà chọn người khác! Thà rằng người ta giỏi giang gì hơn con cho nó đáng, đằng này... Thôi, hết rồi ba ơi!...

Đợi cho những giọt nước mắt uất hận của con trai vơi đi, niềm đau lắng xuống, người cha đỡ con ngồi lên trên ghế nói:

- Chắc gì đã hết? Lẽ nào người ta dễ dàng để mất đi một người thử việc đã quen việc như con? Nếu không muốn nói là giỏi giang như con?

- Thật hở ba? Ba tin rằng con của ba là một người đã thạo việc? Là một người giỏi giang hở ba?

Chàng trai chồm lên nhìn sâu vào mắt người cha hỏi. Người cha nhìn thấy đôi viền mi của con mọng nước. Ông khẽ gật đầu:

- Đúng thế. Ba tin, ba tin con...

- Con cám ơn ba vì ba đã tin con. Nhưng ba ơi, giả dụ người ta đồng ý để cho con tiếp tục giữ vai trò thử việc, vậy thì con vẫn tiếp tục làm cây tầm gửi đeo bám vào cuộc đời ba vất vả già nua...

- Chỉ cần con biết nghĩ được như vậy là tốt. Ba chịu khổ nhiều rồi, bây giờ chịu thêm một chút nữa chắc cũng không sao...

- Ba nói không sao nhưng lòng con không yên ba ơi! - Chàng trai lại nói trong xúc động, nước mắt trào ra.

Tôn Thất Hiền quay mặt đi để giấu đôi giọt nóng cũng đang chực trào ra khỏi mắt mình, ông nói:

- Con hãy bình tĩnh đi làm việc như mọi ngày và thăm dò xem ý tứ người ta thế nào. Nếu con thật sự muốn tiếp tục làm người thử việc thì con hãy mạnh dạn đề nghị
với họ.

- Chắc chắn người được chọn như hiện nay - theo con thấy không thể nào hoàn thành được khối lượng công việc cần thiết. Nhưng người ta có cần đến con nữa hay không thì con không dám chắc. Hay là... ba đi nói giúp cho con với. Ba nên đến gặp ông giám đốc một lần, vì từ ngày con vào thử việc đến nay nhà mình chưa lần nào đến chào hỏi người ta một câu...

- Ba định kỳ này nếu con được hợp đồng làm việc ba sẽ đến tạ ơn.

- Bây giờ con đã bị trượt rồi thì ba cũng nên đến gặp người ta một lần. Ba xin ông giám đốc giữ con lại thử việc. Thua keo này ta bày keo khác mà ba! Chỉ cần ba xin cho con được trụ lại đó rồi con sẽ cố gắng phấn đấu...

- Con đã có ý chí như vậy thì ba sẽ ủng hộ. Được rồi, ba sẽ đi gặp ông giám đốc. Con thấy lúc nào thích hợp nhất thì nói cho ba biết để ba đi.

- Dạ! Con sẽ nắm lịch trình làm việc của ông giám đốc tuần này rồi chính thức báo cho ông biết việc ba muốn đến thăm ông.

- Kính chào ngài giám đốc! Tôi là Tôn Thất Hiền, cha của Tôn Thất Hòa!

- À, vâng, xin chào ông! Mời ông ngồi! Từ hôm nghe cậu Hòa nói chuyện, tôi cũng rất muốn được gặp thăm ông.

- Hôm nay tôi đến đây cũng vì chuyện của Hòa...

Tôn Thất Hiền nói vừa ngắm nhìn giám đốc Eden đầy nghi hoặc. Giám đốc Eden bắt gặp cái nhìn đó. Một thoáng bối rối, rồi ông lập tức lấy lại vẻ bình thản ngay. Ông chưa kịp mở lời thì Tôn Thất Hiền nói tiếp:

- Thưa ngài, tôi hỏi điều này có gì thất thố xin ngài thứ lỗi cho. Hình như trước đây ngài đã từng ở Huế?

- À, vâng... các cụ thân sinh tôi gốc đằng ngoài, nhưng anh em chúng tôi lớn lên đi khắp mọi miền, Huế cũng là nơi tôi dừng chân khá lâu.

- Xin lỗi, quý danh Việt của ngài có phải là Ngô Nhâm?

- Vâng, Ngô Nhâm hay William cũng chính là tôi cả. Hình như ngày trước chúng ta từng gặp nhau?

- Không. Tôi chưa từng được gặp ngài, nhưng tôi biết ngài và được nhìn thấy ngài qua ảnh. Năm 1975 tôi đã đi tìm ngài khắp nơi mà không gặp...

- Đi tìm tôi?

- Vâng. Tôi đi tìm ngài cho Thùy.

- Thùy!...

Ngô Nhâm mở to mắt nhìn người đối diện và kêu khẽ tên Thùy rồi lặng đi trong giây lát. Mắt ông trở nên xa vắng, giọng trở nên lạc đi, Ngô Nhâm hỏi:

- Rồi sau đó ra sao? Bây giờ Thùy ở đâu?

- Chính tôi cũng không rõ. - Tôn Thất Hiền buồn rầu kể: - Năm 1982 Thùy đã vượt biên đi qua Mỹ tìm ngài...

- Thùy đi tìm tôi?

- Vâng, đi tìm ngài. Từ đó không có tin tức gì của Thùy nữa.

- Vậy... còn đứa con? Thùy mang theo cả đứa con đi vượt biên qua Mỹ ư?

Ngô Nhâm hơi chồm người về phía trước hỏi, vẻ đau đớn tuyệt vọng hằn lên trong ánh mắt.

Tôn Thất Hiền không trả lời câu hỏi của Ngô Nhâm mà đặt câu hỏi:

 

- Ngài biết Thùy đang mang thai, tại sao dạo đó ngài bỏ Thùy mà đi, để cho một mình Thùy bụng mang dạ chửa trước bao khó khăn đau khổ?!

- Xin ông hiểu cho! - Ngô Nhâm giọng xúc động: - Vì hoàn cảnh lúc ấy không cho phép tôi được ở bên Thùy để chăm sóc Thùy lúc thai nghén... Tôi phải bỏ chạy. Mãi về sau tôi mới xây dựng gia đình với một người khác. Nhưng chúng tôi hiếm muộn. Phải chạy chữa tốn bao nhiêu công sức của cải mới sinh được một bé gái. Còn Thùy? Thùy sinh con trai hay con gái? Đứa con ấy đã vượt biên cùng với Thùy ư? Thôi, chết con tôi trên biển rồi! Trời đất ơi! - Ngô Nhâm xoay trở người trên ghế, hai tay ôm lấy đầu và rên siết như phải bỏng.

Tôn Thất Hiền dường như muốn kéo dài giây phút im lặng trừng phạt thêm chút nữa nên cứ ngồi lặng ngắm Ngô Nhâm. Một lát sau Ngô Nhâm như bừng tỉnh, ông sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi nói:

- Thảo nào về sau này tôi cố tìm cách liên lạc với Thùy bao nhiêu lần mà chẳng thấy hồi âm. Việc tôi trở về Việt Nam và chọn Huế làm nơi đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn cũng xuất phát từ nguyện ước sâu xa là sẽ tìm gặp lại mẹ con Thùy, dẫu rằng giờ đây Thùy có thể đã nên vợ thành chồng với một người đàn ông khác... Còn ông? - Ngô Nhâm lay giật bàn tay Tôn Thất Hiền hỏi: - Ông là thế nào với Thùy?

- Tôi ư? Tôi chỉ là một người bạn. - Tôn Thất Hiền đáp.

- Rất cám ơn ông đã cho tôi biết một số thông tin về Thùy. Từ nay nếu biết được một chút tin tức nào về mẹ con cô ấy xin ông làm ơn mách bảo cho.

Tôn Th 20ae ất Hiền đắn đo:

- Tôi sợ rằng nếu còn cháu bé ấy trên cõi đời này thì e nó sẽ không nhận ngài là cha của nó.

- Ý ông muốn nói là vì tôi đã bỏ bê con tôi? Quả đúng thế. Tôi đáng phải bị trừng phạt. Tôi là một người cha tồi! Một người đàn ông thiếu trách nhiệm! Tôi sẽ chịu nhận bất cứ hình phạt gì một khi tìm ra mẹ con cô ấy. Thưa ông... phải chăng ông có biết tin tức về đứa con của tôi? Nó vẫn còn sống? Nó không đi theo Thùy có phải không?

Ngô Nhâm mắt sáng rực tiến về phía Tôn Thất Hiền nói như van xin, như mê sảng.

Nhìn thấy tâm trạng ấy của Ngô Nhâm, Tôn Thất Hiền không nỡ quanh co nữa, ông nói:

- Ngài không nhận thấy Tôn Thất Hòa có nét nào giống ngài ư?

- Ông bảo sao? Cậu Tôn Thất Hòa?

- Tôi hỏi ngài không nhận thấy ở Tôn Thất Hòa có nét nào giống ngài sao?

- Tôn Thất Hòa?... Cậu Hòa là?... Ông nói gì tôi không hiểu?... Lẽ nào?... Lẽ nào cậu Hòa là?...

- Là con của Thùy!

Ngô Nhâm vịn ghế đứng lên run rẩy:

- Ông... ông bảo sao? Đó là đứa con của Thùy? Là
con tôi?

- Đúng thế! Đó là đứa con do Thùy đẻ ra sau khi Thùy nhờ tôi đi tìm ngài khắp nơi cùng chốn mà không gặp. Cuối cùng tôi phải nhận làm cha đứa bé... Nhưng Thùy còn quá nặng tình với ngài nên đã bỏ đứa con lại cho tôi với bức thư ngắn nhờ tôi nuôi...

 

- Trời đất phật thánh phải trừng phạt tôi mới phải! Vậy mà còn đoái thương tôi, cho tôi còn có được ngày nay! Ông chính là ân nhân của tôi!

Nói rồi Ngô Nhâm quỳ sụp xuống chân Tôn Thất Hiền. Tôn Thất Hiền vội đỡ Ngô Nhâm đứng lên nói:

- Xin ngài hãy bình tĩnh! Tôi nuôi con nên rất biết tính con. Tôi sợ rằng nó sẽ không chịu nổi trước sự thật này, dẫu rằng sự thật đó sẽ trả lại cho nó một người cha ruột thịt giàu sang... Nhưng từ trước đến nay nó hiểu rằng tôi là cha đẻ của nó. Nó có một người cha nghèo khổ, và nó hận mẹ nó đã bỏ hai cha con nghèo khó mà ra đi khi nó còn quá nhỏ. Lắm lúc nổi khùng nó nhiếc móc tôi là người đàn ông tồi đã không biết cách giữ chân một người phụ nữ - để cho nó mất mẹ. Những lúc như thế tôi chỉ im lặng chịu đựng... Thưa ngài, vì lẽ đó, trước mắt xin ngài hãy giữ kín chuyện này cho, bởi nó chưa chuẩn bị tinh thần. Nếu ngài có thương nó thì xin ngài hãy cho nó được giữ lại làm việc như trước đây. Nó bảo bà Ngà được tuyển chọn hợp đồng, còn nó thì không. Đấy là quyền của ngài, là việc nội bộ cơ quan ngài. Nhưng theo nó cho biết với khối lượng công việc như từ trước đến nay chắc chắn bà Ngà không thể nào làm nổi, mà phải cần có một người thạo việc. Nó bảo tôi đến xin ngài cho nó được ở lại làm việc dẫu với vai trò người thử việc. Chỉ cần ngài thỏa mãn được yêu cầu này của nó trong lúc này đối với nó đã là niềm vui, niềm hy vọng.

Ngô Nhâm rút khăn tay lau nước mắt nói trong
xúc động:

- Giờ đây ông là ân nhân của tôi. Muôn vàn lời tri ân cũng không thể nào nói hết được nỗi lòng tôi trong lúc này. Tôi chỉ còn biết nghe theo lời ông. Tôi sẽ làm đúng như ông chỉ dạy. Rất mong từ nay ông cho tôi được phép tới thăm nhà, để được tận mắt nhìn thấy nơi con tôi đã sinh ra và lớn lên như thế nào.

- Vâng, tôi sẵn sàng rước ngài tới nhà tôi chơi khi thuận tiện cho ngài và cả cho tôi. Chừng đó tôi sẽ cho ngài xem những gì Thùy để lại, trong đó có cả bức thư của Thùy nhờ tôi nuôi bé Hòa vừa lên sáu tuổi...

Trải qua hai vòng tuyển chọn rồi tới vòng chung kết, mẫu phác thảo mang mã số CT10 của Từ Huy đã đi được đến cùng và được chọn làm mẫu tượng đài Chiến thắng. Lãnh đạo thành phố liền cho đúc đồng nhóm tượng đài cao hai mươi lăm mét này để kịp đặt ở vườn hoa An Hòa tại cửa ngõ phía Bắc của thành phố. Đêm ngày 31 tháng 12 năm 1999, cả thành phố gần như không ngủ. Mọi người đổ ra đường từ đầu hôm tụ tập ở quảng trường Ngọ Môn - nơi cầu truyền hình Bắc Trung Nam đang truyền trực tiếp buổi lễ đón Giao thừa chào thiên niên kỷ mới của nhân dân thành phố Huế cùng nhân dân cả nước. Sau những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc chào thiên niên kỷ mới, các nghệ sĩ rời sân khấu, hòa mình vào khối công chúng tản bộ dạo chơi trong quảng trường Phu Văn Lâu, trên các đường phố lớn, trong vườn hoa Thương Bạc... Và sáng nay mồng 1 tháng 1 năm 2000, lúc sáu giờ ba mươi; họ lại tập trung tại vườn hoa An Hòa để dự khánh thành tượng đài Chiến thắng. Đến chiều ngày 31 tháng 12 năm 1999 mới hoàn thành phần cuối cùng kỹ thuật chân tượng và những công trình mỹ thuật chung quanh chân tượng. Từ Huy, Liên Chi, Phan Tấn, Sa, Vĩnh Bảo và một số bạn bè thân thiết của họ ở lại dưới chân tượng suốt đêm. Sáng sớm trước giờ khai mạc, Phan Tấn về nhà đón Hoàng thân Bửu Toàn tới. Khi đến nơi đã nhìn thấy trong khối dân chúng đứng dày đặc ở vườn hoa có cả Triều Linh, Anh Thi cùng mẹ con Hương Thảo, Kim Hồng Mai... đang đứng quây cụm bên nhau. Bửu Toàn ngước nhìn tượng đài Chiến thắng bất ngờ được nhìn thấy Đoan Thuận. Đoan Thuận mặc áo dài lụa màu vàng óng ả tay cầm chiếc nón bài thơ đưa cao lên như đang vẫy gọi Bửu Toàn, vẫy gọi mọi người... Mái tóc thề buông xõa ngang vai đang bay theo chiều gió, tà áo dài của Đoan Thuận chao trong gió... Bửu Toàn xúc động bàng hoàng cất tiếng gọi to:

- Đoan Thuận!...

Nhưng Đoan Thuận chưa vội đi về phía Bửu Toàn, vì cùng đi với Đoan Thuận còn có hai anh bộ đội, người cầm cờ đỏ sao vàng đang cắm vào cột cờ, người bồng em bé đưa lên cao, em bé tay cầm hoa vẫy cười...

Khối dân chúng đứng dưới chân tượng đài trong và ngoài vườn hoa nhiều người nở nụ cười xúc động rạng rỡ vừa lấy khăn tay lau mắt khi bất ngờ được gặp lại chồng con cha anh mình trong ngày đầu thiên niên kỷ mới.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83720


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận