Những Giấc Mơ Từ Cha Tôi - Hồi Ký Barack Obama Chương 4

Chương 4
Dượng tôi

Ngày nọ tôi đi học về mặt mày tím bầm vì bị bạn đánh. Thấy vậy, Lolo đã dạy tôi đánh bốc. Tôi nhìn những vết sẹo trên bắp chuối Lolo và hỏi:

- Sao dượng bị sẹo vậy?

- Đỉa cắn khi dượng ở New Guinea.

Tôi sờ tay vô những vết sẹo lủng sâu, da những chỗ đó nhẵn thín, lông không mọc được, và hỏi tiếp:

- Có đau không, dượng?


Barack Obama cùng cha dượng Lolo Soetoro, em gái Maya Soetoro và mẹ Ann Dunham

- Dĩ nhiên là đau. Nhưng đôi lúc mình không được quyền nghĩ đến cái đau mà tập trung vào nghĩ phải theo hướng nào để thoát.

Tôi liếc mắt nhìn Lolo, và bỗng nhận ra là chưa hề thấy ông tâm sự hoặc nói lên cảm xúc của mình. Và tôi buột miệng:

- Dượng có bao giờ thấy một ai bị giết chết không?

Ông liếc nhìn xuống tôi, ngạc nhiên.

Tôi lặp lại câu hỏi:

- Có không dượng?

- Có!

- Có đổ máu không?

- Có!

Tôi suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp:

- Tại sao ông ta bị giết chết?

- Tại vì ông ta là kẻ yếu!

- Chỉ vậy thôi sao?

Lolo nhún vai đáp:

- Thường chỉ thế là đủ. Kẻ mạnh thường hiếp đáp kẻ khác. Cũng như các cường quốc vậy, kẻ mạnh chiếm đất của kẻ yếu. Bắt kẻ yếu làm việc cho mình. Thậm chí cướp vợ của kẻ yếu nếu cô ta xinh đẹp.

Lolo ngừng nói, nhấp một ngụm nước, rồi hỏi tôi:

- Con thích làm kẻ nào?

Tôi không trả lời, Lolo nheo mắt nhìn trời, cuối cùng, ông đứng dạy và bảo tôi:

- Tốt hơn nên là kẻ mạnh. Nếu con không thể mạnh thì hãy sáng suốt và hoà hoãn với kẻ mạnh. Nhưng tốt nhất vẫn nên là kẻ mạnh. Luôn luôn như vậy.

Từ trong nhà, bên bàn giấy trên đầy tài liệu, mẹ tôi nhìn Lolo và tôi, bà tự hỏi chúng tôi đang nói chuyện gì. Chắc lại chuyện của đàn ông: bạo lực và máu me. Hoặc bàn về ăn uống. Bà bật cười khi nghĩ đến đó.

Nhưng bà chợt ngừng vì ý nghĩ đó không mấy công bằng. Bà thật sự cám ơn Lolo đã coi tôi như con ruột. Bà biết là bà đã may mắn gặp Lolo, một người có tâm địa tốt. Bà nhìn tôi đang tập hít đất và nghĩ: con lớn nhanh thật. Bà chợt nhớ đến ngày đầu mới đến Indonesia. Bà chỉ mới là một bà mẹ trẻ 24 tuổi có con riêng và đến đất nước này để lấy một người chồng mà quá khứ của anh ta bà không hề biết, quê hương của anh ta thì chỉ biết chút chút qua sách vở báo chí. Tất cả những gì bà có là tấm hộ chiếu công dân Mỹ, và đã nhận ra là mình đã ngây thơ biết chừng nào vào lúc đó. Ngây thơ vì không nhận ra nếu không gặp người tử tế như Lolo thì mọi chuyện sẽ tồi tệ, tồi tệ hơn nhiều. Indonesia là một nước nghèo, kém phát triển, hoàn toàn xa lạ. Những điều này bà đều biết và bà đã chuẩn bị tinh thần để sống chung với chúng. Chúng chỉ là những bất tiện thông thường trong cuộc sống. Coi yếu đuối nhưng bà có tính rất kiên cường, dù bà không biết là mình kiên cường. Ngoài ra, cũng chính những điều xa lạ này đã lôi cuốn bà đến với Lolo sau khi Barack, chồng cũ của bà bỏ đi: đó là sự hứa hẹn của một miền đất mới và quan trọng, đó là giúp chồng mình tái thiết quê hương tại một nơi mà gia đình nhỏ của bà sống độc lập, không dựa vào cha mẹ.

Nhưng điều bà không được chuẩn bị đó là sự cô đơn. Thành thật mà nói Lolo rất tốt, luôn cố gắng cung cấp cho bà những tiện nghi mà ông có thể sắm được. Nhưng ông đã trở thành một con người khác so với hồi ở Hawaii. Ông không còn kể là cha và anh mình đã chết khi còn trong đội quân cách mạng chiến đấu giành độc lập từ tay thực dân Đức. Ông không còn tâm sự là mẹ ông đã phải bán trang sức ngày cưới để mua thức ăn cho con. Ông không còn sôi nổi chia sẻ về những dự định xây dựng quê hương của mình, về việc mình sẽ trở thành một giảng viên đại học, là một phần đóng góp làm thay đổi quê hương nay đã độc lập của mình.

Sukarno, người nổi lên như một kẻ chiến đấu giành tự do và cũng là tổng thống đầu tiên của Indonesia vừa mới bị thay thế. Người ta đồn rằng đó là do một cuộc đảo chính không đổ máu, và người dân chấp nhận chuyện ấy vì Sukarno đã trở nên ngày càng tham nhũng, trở thành một nhà thuyết giáo, độc tài, thân cộng.

Tất cả những điều này, mẹ tôi biết được qua bạn bè người Indonesia của bà, qua những lời bình phẩm của những doanh nhân Mỹ trong những bữa tiệc mà họ mời Lolo và bà đến dự. Một người anh em họ của Lolo, một bác sĩ nhi khoa, khi bị bà vặn hỏi đã kể là ngay khi về đến phi trường, Lolo đã bị quân đội bắt và tra hỏi, sau đó bị chuyển đến rừng hoang vu New Guinea trong suốt một năm. Và thế còn là may mắn hơn những sinh viên và du học sinh khác bị bỏ tù. Hoặc thủ tiêu. Những chiến dịch đẫm máu được nhà nước tung ra để đàn áp khuynh hướng đổi mới, hiện đại hoá đất nước. Tham nhũng tràn lan trong giới chức chính phủ, cảnh sát và quân đội lùng sục, toàn bộ ngành công kỹ nghệ nằm trong tay gia đình nhà Sukarno và quần thần.

Một hôm, trên phố dành riêng cho các gia đình giới chức ngoại giao và các tướng lĩnh sống trong những ngôi biệt thự bảo vệ sau những hàng rào sắt, bà thấy một phụ nữ đi chân đất, quần áo rách rưới, đang xin ăn một số người ngồi trên một chiếc Mercedes. Một ai đó trong xe ném một nắm bạc cắc cho bà ăn xin. Con người khốn khổ này chạy đuổi nhặt những đồng bạc cắc trong lớp bụi mờ mà bánh xe chạy làm tung lên.

Mẹ tôi lạnh người nhận ra: quyền lực. Ở Mỹ, quyền lực thường được giấu, trừ phi ta moi nó lên khi ta đến thăm một trại định cư dành cho người da đỏ hoặc khi ta trò chuyện với một người da đen tin ta. Nhưng ở đây quyền lực hoàn toàn phơi bày ra, không che giấu, trần trụi, luôn hiện diện trong trí mọi người. Quyền lực đã chộp lấy Lolo và quăng ông vào con đường định sẵn mà ông đã từng hy vọng thoát được khi sang Mỹ, đã làm ông cảm nhận được sức mạnh của nó, đã khiến ông phải hiểu và chấp nhận cuộc đời của ông không là của ông, không do ông quyết định.

Chính vì vậy mà mẹ tôi quyết định tôi phải tiếp tục là công dân Mỹ. Vì vậy, việc đầu tiên là tôi phải có học vấn ngang bằng trẻ con Mỹ. Do kinh tế eo hẹp – Lolo làm nhà địa chất chuyên về cầu đường, mẹ tôi dạy tiếng Anh tại đại sứ quán – nên không đủ tiền cho tôi vào các trường quốc tế. Thế là sáng sáng tôi phải thức dậy sớm để hai mẹ con cùng học với nhau trước khi mẹ tôi đi làm và tôi đến trường.

Y tế cũng là một vấn đề. Có một lần tôi bị hàng rào kẽm gai cào rách da thịt chảy máu tưởng chết. Các y bác sĩ bệnh viện, tuy rất dễ thương, nhưng vẫn đủng đỉnh. Mẹ tôi nhận ra: tuy người Indonesia rất hiếu khách nhưng lại tin vào số phận, định mệnh, nên chết hay sống là do số phận chứ không phải do cấp cứu nhanh hay chậm.

Chính những vấn đề này – quyền lực và quan điểm sống – quan trọng hơn cả học vấn và y tế, đã khiến mẹ tôi luôn nhắc tôi trong giờ học: “Nếu con muốn thành nhân thì con cần phải có tư cách, có một số giá trị nhân bản”. Lương thiện: không nên trốn thuế bằng cách giấu đi các đồ đạc phải đóng thuế cho dù cả người chủ lẫn người đòi thuế đều biết chuyện giấu giếm này. Công bằng: cha mẹ giàu có không nên mua chuộc thầy cô để con mình được điểm cao. Nói thẳng: nếu mình không thích cái áo được tặng thì cứ nói thẳng ra chứ không lặng lẽ cất cái áo vào tủ. Phán đoán độc lập: không về hùa với những đứa trẻ khác đang trêu chọc một ai đó vì kiểu tóc của nó.

Như thể là sau khi đi xa cả nửa trái đất, tách biệt lối sống đạo đức giả, mẹ tôi mới kịp để các giá trị sống ở thế giới phương Tây trong quá khứ của bà trỗi dậy và nung nấu. Nhưng bà không thể lý giải cho tôi hiểu vì tôi còn quá bé. Trong việc này bà chỉ có một đồng minh duy nhất: cha ruột tôi. Vì vậy bà luôn nhắc tôi nhớ chuyện của ông, ông đã lớn lên tại một đất nước nghèo như thế nào, cuộc sống của ông rất cực khổ, ít nhất cũng cực như Lolo. Nhưng ông không hề sống khoan nhượng, lệch lạc, lợi dụng mọi thủ đoạn. Ông luôn sống ngay thẳng, tuân theo những nguyên tắc đòi hỏi một thứ gan dạ khác thường tình, những nguyên tắc hứa hẹn một quyền lực mạnh hơn, cho dù những nguyên tắc này có thể bắt ông phải trả giá. Và mẹ tôi quyết định tôi phải noi theo gương cha tôi.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t74476-nhung-giac-mo-tu-cha-toi-hoi-ky-barack-obama-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận