Những Tiểu Thư Hồi Giáo Chương 1

Chương 1
Gửi: seerehwenfadha7et@yahoogroups.com Từ: “seerehwenfadha7et” Ngày: 13 tháng 2 năm 2004

Chủ đề: Tôi sẽ viết về những người bạn của tôi Thưa tất cả các quý vị: quý vị được mời tham dự cùng tôi vào một trong những vụ xì căng đan đình đám nhất và một trong những bữa tiệc thâu đêm sôi động, phóng túng nhất vùng. Hướng dẫn viên du lịch riêng của quý vị - đó chính là tôi - sẽ cho quý vị thấy một thế giới mới mẻ, một thế giới gần với quý vị hơn quý vị tưởng. Tất cả chúng ta đều sống trong thế giới này mà không thật sự trải nghiệm nó, chỉ nhìn thấy cái mà chúng ta có thể chịu đựng và bỏ qua những gì còn lại.

Gửi tới tất cả các bạn ở ngoài kia Những người đã qua tuổi mười tám, và ở một số nước là đã qua tuổi hăm mốt, mặc dù trong thế giới Ả Rập của chúng tôi thì tiêu chuẩn này là từ sáu (đúng là sáu đấy, chứ không phải là mười sáu đâu) trở lên đối với nam và sau khi có kinh đối với nữ. Gửi tới tất cả mọi người ở ngoài kia Những người có đủ can đảm từ bên trong để đọc sự thật trần trụi được phơi bày trên mạng thông tin toàn cầu và lòng quyết tâm chấp nhận sự thật đó, đương nhiên là với sự nhẫn nại thiết yếu để cùng song hành với tôi trong chuyến phiêu lưu điên rồ này. Gửi tới tất cả những người Đã phát ớn với cái thứ tiểu thuyết lãng mạn kiểu “chàng Tarzan nàng Jane” và vượt qua được quan điểm về thế giới phân biệt rõ ràng trắng đen, thiện ác. Gửi tới tất cả những ai tin Rằng 1 + 1 không nhất thiết phải bằng 2, cũng như tất cả những ai ở ngoài kia đã thôi hy vọng rằng Đội trưởng Majed(1) sẽ ghi được hai bàn thắng gỡ hòa vào giây cuối cùng của tập phim. Gửi những người giận dữ và phẫn nộ, những người nóng nảy và thù địch, những người nổi loạn và bẳn gắt, và gửi tới tất cả các bạn biết rằng mọi kỳ nghỉ cuối tuần trong suốt phần còn lại - không phải còn lại của tuần mà là còn lại của cuộc đời - sẽ hoàn toàn uổng phí. Nó là dành cho các bạn; tôi viết email này để gửi tới các bạn. Mong rằng chúng sẽ là những que diêm châm lửa cho suy nghĩ của các bạn, là chiếc bật lửa đốt lên ngọn lửa đổi thay. Đêm nay chính là thời khắc ấy. Những người hùng trong câu chuyện của tôi là những người trong số các bạn, xuất thân từ các bạn, và trong chính bản thân các bạn, bởi tất cả chúng ta đều sinh ra từ sa mạc và sa mạc cũng là nơi chúng ta trở về. Giống như cây cỏ trên sa mạc của chúng ta, các bạn sẽ thấy có loài xinh xắn dễ thương, có loài xù xì gai góc, có loài hiền lành, có loài nguy hiểm. Một vài nhân vật của tôi hiền lành dễ thương còn số khác lại gai góc, trong khi một số thì vừa thế nọ lại vừa thế kia. Thế nên hãy giữ kín những bí mật mà các bạn được nghe, hoặc như chúng tôi thường nói, “Hãy che chở cho những gì mình bắt gặp!” Và bởi vì tôi cũng khá liều lĩnh khi viết email này mà không hỏi ý kiến các cô bạn của tôi, và vì tất cả bọn họ đều sống dưới cái bóng của một người đàn ông, hoặc một bức tường, hoặc một người đàn ông là bức tường(1), hoặc đơn giản chỉ là đứng yên trong bóng tối, tôi đã quyết định đổi tên tất cả nhân vật và thay đổi một vài tình tiết, nhưng theo cách không phương hại đến độ trung thực của câu chuyện hay giảm nhẹ sự thật. Thật ra thì tôi cũng chẳng mấy quan tâm đến hậu quả của kế hoạch này. Như Kazantzakis nói, “Tôi không chờ đợi điều gì. Tôi không sợ hãi ai. Tôi tự do.” Thế nhưng có một lối sống đã đứng vững bất chấp tất cả những gì các bạn sẽ đọc được ở đây; và tôi phải thừa nhận rằng tôi không xem việc hủy diệt nó bằng một chuỗi email là chiến công.

Tôi sẽ viết về những người bạn gái của tôi,bởi trong câu chuyện của mỗi người tôi thấy câu chuyện của mình và chính mình hiển hiện, bi kịch của chính cuộc đời tôi lên tiếng.

Tôi sẽ viết về những người bạn gái của tôi,về cuộc sống của những người bạn tù kiệt khô bởi tù ngục,những trang tạp chí giết thời gian của người phụ nữ, và những cánh cửa tù chẳng chịu mở ra.

Tôi sẽ viết về những khát khao bị bóp chết khi chưa kịp trổ hoa,về căn phòng giam mênh mông, những bức tường đen kịt đau khổ,về hàng nghìn, hàng nghìn người tử vì đạo, tất cả đều là đàn bà, bị chôn vùi chẳng còn tên tuổi trong nghĩa địa của truyền thống.

Những người bạn nữ của tôi, những con búp bê quấn sa trong một bảo tàng đã khóa;những đồng xu trong nhà kho của Lịch Sử, chẳng bao giờ đượctrao đi, chẳng bao giờ được sử dụng;những con cá chen chúc và ngộp thở trong mọi chiếc chậu và bể chứa,trong khi ở những chiếc bình pha lê, những chú bướm sắp chết tụ họp.

Không sợ hãi

Tôi sẽ viết về những người bạn của tôi, về những sợi xích xoắn rớm máu những cổ chân xinh đẹp, về cơn mê sảng và nỗi ghê tởm, về lời khẩn nài vò xé màn đêm, và những nỗi khát khao vùi vào gối chiếc, trong lặng câm.

- Nizar Qabbani

Nói đúng lắm, Nizar yêu quý! Miệng lưỡi của ông thật đáng ngợi ca, cầu Đức Allah phù hộ ông và cầu cho ông được yên nghỉ. Thật ra mà nói, dù là đàn ông nhưng thật sự ông đúng là “nhà thơ của phụ nữ” và nếu có ai không thích điều tôi nói thì họ có thể đi chỗ khác mà chơi.

Tóc tôi giờ đã được cuốn phồng chải mượt, và tôi đã tô lên môi một màu đỏ rực rỡ. Bên cạnh tôi là một bát khoai tây chiên kèm ớt và chanh. Hỡi các độc giả: hãy chuẩn bị tinh thần. Tôi đã sẵn sàng phơi bày vụ xì căng đan đầu tiên! Người tổ chức lễ cưới gọi Sadeem, đang sau rèm cùng với cô bạn Gamrah. Bằng cái giọng Ả Rập Li Băng lúc trầm lúc bổng, bà Sawsan báo cho Sadeem biết băng nhạc đám cưới vẫn bị kẹt trong máy và người ta đang cố sửa.

“Bảo cô Gamrah cứ bình tĩnh! Không việc gì phải lo, sẽ không có ai bỏ về đâu. Mới một giờ sáng thôi mà! Với lại, thời nay tất cả các cô dâu sành điệu đều bắt đầu mọi thứ hơi muộn một tí để tạo hồi hộp. Có những cô còn dứt khoát không bước vào thánh đường làm lễ trước hai hoặc ba giờ sáng nữa cơ!”

Dù vậy, Gamrah vẫn sắp ngất đến nơi vì lo lắng. Cô nghe rõ tiếng mẹ và chị gái Hessah đang rít lên với gã điều hành tổ chức đám cưới ở cuối phòng khiêu vũ, và cả buổi tối có nguy cơ trở thành một nỗi sỉ nhục tày trời. Sadeem đứng bên cô dâu, lau những giọt mồ hôi trên trán bạn trước khi chúng chạm tới những giọt nước mắt được ngăn lại nhờ lớp phấn kohl dày bịch đang kéo trễ mi mắt cô xuống.

Cuối cùng thì giọng hát của ca sĩ Ả Rập nổi tiếng Muhammad Abdu cũng phát ra từ loa, vang vọng khắp căn phòng rộng mênh mông và nhắc bà Sawsan gật đầu ra hiệu cho Sadeem. Sadeem thúc Gamrah.

“Nào, đi thôi.”

Gamrah bèn thoăn thoắt đưa cả hai tay vuốt một lượt dọc khắp người sau khi nhắc lại vài câu trong Kinh Qu’ran để bảo vệ mình trước những cặp mắt đố kỵ rồi nâng cổ chiếc váy lên để nó khỏi đổ thõng xuống bộ ngực lép của cô. Cô bắt đầu bước xuống những bậc đá cẩm thạch, chậm hơn cả lúc tập với mấy cô bạn, tăng thời gian cô phải đếm giữa mỗi bậc lên thành sáu thay vì năm giây. Cô thì thầm gọi tên Đức Allah mỗi khi bước xuống một bậc, cầu sao Sadeem sẽ không giẫm lên đuôi váy cô khiến nó rách toạc ra, hoặc chính cô không vấp vào gấu váy chạm sàn mà ngã sấp mặt giống như nhân vật trong một vở diễn hài. Quả là chẳng giống lúc diễn tập tẹo nào, lúc đó không có tới cả nghìn người đàn bà theo dõi nhất cử nhất động và đánh giá từng nụ cười của cô; ở đó không có gã thợ ảnh đáng ghét cứ mấy giây lại làm cô lóa mắt. Với những ngọn đèn sáng chói và tất cả những cặp mắt săm soi đáng sợ đang chĩa vào cô, một đám cưới nhỏ trong phạm vi gia đình mà cô vẫn luôn coi khinh bỗng trở thành giấc mơ thiên đường.

Phía sau cô, Sadeem bước theo với sự tập trung tuyệt đối, cúi đầu xuống để tránh xuất hiện trong bất cứ bức ảnh nào. Ai biết được người nào ở bên nhà cô dâu hoặc chú rể sẽ xem những bức ảnh đó, và, như mọi cô gái đoan trang, Sadeem không muốn những người đàn ông xa lạ nhìn thấy cô trong chiếc đầm dạ tiệc hở hang và lớp trang điểm đậm. Cô chỉnh lại mạng trùm đầu của Gamrah và xốc nhẹ lại cái đuôi váy sau mỗi bước đi của cô dâu trong khi ra đa của cô chớp được những mẩu chuyện ở mấy bàn gần đó.

“Cô ta là ai vậy?”

“Ma shaa Allah(1), xin Người phù hộ, cầu cho cô ấy không bị ghen ghét, xinh quá đi mất!”

“Em gái của cô dâu à?”

“Nghe nói là bạn thân.”

“Trông cô ta có vẻ là con nhà tử tế - từ lúc tới đây tôi đã thấy cô ta chạy quanh sửa soạn việc nọ việc kia - trông cứ như là tổ chức cả đám cưới này vậy.”

“Cô ta xinh hơn cô dâu bao nhiêu. Bà có tin được không, tôi nghe nói là Nhà Tiên tri Mohammed thường cầu nguyện cho những cô xấu xí nhé!”

“Cầu Đức Allah phù hộ cho ngài và để ngài được yên nghỉ. E wallah(2), chắc là vậy, vì tôi thề là thời nay mấy cô xấu gái lại được chuộng ghê lắm. Chứ không phải chúng ta, rủi lạ.”

“Cô ta có lai không nhỉ? Da gì mà trắng thế.”

“Bà nội cô ta là người Siri.”

“Cô ta tên là Sadeem Al-Horaimli. Đằng mẹ cô ta có thông gia với họ nhà tôi. Nếu con trai bà có ý định nghiêm túc thì để tôi hỏi kỹ cho.”

Sadeem nghe nói là đã có ba bà hỏi thăm về cô từ lúc lễ cưới bắt đầu. Giờ thì cô tận tai nghe thấy bà thứ tư và thứ năm. Mỗi lần chị hay em của Gamrah tới bảo với cô có người này người kia hỏi han, cô chỉ khẽ đáp từ tốn, “Cầu cho bà ấy được mạnh giỏi.”

Với Sadeem, có vẻ như đám cưới của Gamrah thật ra lại là “hạt ngọc đầu tiên đứt khỏi chiếc vòng” như Um Nuwayyir nói. Có lẽ giờ thì mấy cô gái còn lại cũng sẽ được may mắn như thế. Nghĩa là, nếu họ làm theo kế hoạch mà bà cô này đã dựng lên.

Chiến lược yaaalla yaaalla, có nghĩa là “có động thái, nhưng ít thôiii” là cách chắc ăn nhất để sớm nhận được một lời dạm hỏi trong cái xã hội thủ cựu của chúng tôi. Quan niệm đó có nghĩa là cùng lúc vừa phải mạnh mẽ lại vừa e thẹn. “Còn sau đó cháu ngốc nghếch thế nào thì tùy,” Um Nuwayyir khuyên vậy. Trong các đám cưới, các buổi tiếp khách hoặc hội họp của đám đàn bà con gái, nhất là các bà các mợ đang đi ngắm nghía để làm mối (hay như bọn con gái chúng tôi thích gọi là “các quỹ đầu tư, các bà-mẹ-cùng-contrai”), bạn phải tuân thủ kế hoạch này chính xác đến từng li: “Đi lại ít thôi, nói ít thôi, cười ít thôi, nhảy múa ít thôi, tỏ ra chín chắn và khôn ngoan, luôn suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, uốn lưỡi trước khi nói và không cư xử như trẻ con.” Lời khuyên của Um Nuwayyir thì còn cả kho.

Cô dâu vào vị trí tại một cái bục trang trí lộng lẫy. Mẹ cô dâu và mẹ chú rể bước lên bậc thang tới chúc mừng cô trong lễ cưới hạnh phúc mà cô đã bước vào và chụp ảnh với cô trước khi cánh nam giới đang chúc tụng ở phòng bên ùa sang.

Trong lễ cưới Najd truyền thống này, nơi hầu hết mọi người nói giọng các vùng sâu trong lục địa thì cái giọng lơ lớ pha khẩu âm duyên hải phía Tây Hijazi của Lamees lộ rõ khi cô thì thầm với cô bạn Michelle.

“Này! Nhìn cậu ấy xem. Pharaoh sống lại kìa!” Ảnh hưởng từ bà nội gốc Ai Cập của Lamees luôn sẵn sàng bộc lộ trong giọng lưỡi sắc sảo và cử chỉ điệu bộ của cô.

Cô và Michelle săm soi lớp trang điểm dày cộp phủ trên mặt Gamrah, nhất là đôi mắt của cô bạn, giờ đã bị đỏ như máu vì phấn kohl rỉ vào. Tên thật của Michelle là Mashael, nhưng mọi người, kể cả gia đình cô, đều gọi cô là Michelle. Cô trả lời Lamees bằng tiếng Anh.

“Cậu ấy kiếm bộ váy kia ở chỗ quái nào thế không biết?”

“Tội nghiệp Gammoorah, tớ ước gì cậu ấy tới chỗ cô thợ may váy cho Sadeem thay vì cái mớ thổ tả mà cậu ấy đã tự tay chọn lấy này! Nhìn bộ váy lộng lẫy của Sadeem mà xem, ai cũng tưởng là hàng của Elie Saab.”

“Ồi, mặc kệ đi. Làm như trong cái đám người tỉnh lẻ này có bà có cô nào thấy được sự khác biệt vậy! Cậu nghĩ có ai nhận ra bộ váy của tớ là hàng của Badgley Mishka không? Mẹ ơi, cậu ấy trang điểm trông khiếp quá! Da cậu ấy đã đen lại còn đi dùng cái phấn nền trắng bốp ra. Nó làm cho mặt cậu ấy gần như xanh mét - mà nhìn xem mặt với cổ cậu ấy tương phản chưa kìa. Èo ôi... khiếp quá!”

“Mười một giờ! Mười một giờ!”

“Một rưỡi chứ!”

“Không phải, đồ ngốc ạ, ý tớ là hãy quay sang trái hướng mười một giờ - cậu sẽ chẳng bao giờ hiểu cách diễn đạt này, đúng không nào - cậu sẽ chẳng bao giờ thi đỗ nổi môn Buôn Chuyện 101! Thôi bỏ qua đi, nhìn con bé kia xem - cô ta ‘có tài’ đấy chứ!”

“ ‘Tài’ gì - đằng trước hay đằng sau?”

 

Nguồn: truyen8.mobi/t126505-nhung-tieu-thu-hoi-giao-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận