Dì Dung lắng nghe kỹ những lời kể của Hà. Nghe xong, bà mất hẳn sự tự tin như thường lệ, và chợt kêu lên:
- Vậy là đúng rồi!
Bà Lệ ngạc nhiên:
- Dì nói đúng chuyện gì?
Quay sang Hà, dì nói mà giọng còn hơi run:
- Đêm qua và mấy đêm trước, đêm nào dì cũng chiêm bao thấy có một đứa con gái với cái đầu trọc lóc, cứ gào khóc, đòi dì phải trả lại tóc cho nó!
Ngọc Hà tái mặt:
- Tóc gì?
- Dì cũng đâu có biết. Chỉ thấy con nhỏ đẹp lắm, nhưng da mặt xanh xao, cái đầu không có tóc lại nham nhở còn hơn cái đầu con bữa trước! Lần nào trong mơ nó cũng khóc và đòi lại tóc, mà dì đâu nhớ ra có thể là mớ tóc mà dì đã cho con!
- Sao bữa trước dì nói đây là tóc mua từ tiệm, có giấy chứng nhận?
- Thì đó, dì đã cho con coi giấy chứng nhận hẳn hoi. Mà cái này là của ông hiệu trưởng trường Tây cho dì...
Nói tới đây, bỗng bà kêu lên:
- Đúng rồi, ông ta!
- Dì nói ông nào?
- Ông Henri, hiệu trưởng...
- Người cho dì mớ tóc?
Dì Dung hơi ngại khi nói ra:
- Ông ấy nghỉ hưu lâu rồi, hiện sống ở Sài Gòn... Vừa rồi dì nghe tin ông ấy bị tố cáo một chuyện động trời lắm, dì không tin, nhưng người ta lại quả quyết chuyện ấy có thật!
Hà tò mò:
- Chuyện gì vậy dì?
- Cưỡng bức một cô gái nhỏ hơn ông ta trên mười tuổi!
Cả bà Lệ và Ngọc Hà đều kêu lên:
- Trời ơi!
Hà còn hỏi:
- Mới đây hả dì?
Bà Dung lắc đầu:
- Chuyện cũ chứ không phải mới đây. Chuyện hồi ông ấy còn làm hiệu trưởng. Nghe nói cô gái là một nữ sinh lớp lớn...
Bà Lệ tắc lưỡi:
- Mấy ông Tây già thường sinh tật lắm!
Dì Dung kể thêm:
- Mà không chỉ cưỡng hiếp thôi đâu. Ông ta còn nhẫn tâm đẩy cô gái ấy vào chỗ quẫn trí rồi đi tìm cái chết nữa!
Ngọc Hà không thể ngồi yên:
- Có chuyện đó nữa sao dì?
Dì Dung nhìn Hà, bà hơi mất tự tin:
- Nghe câu chuyện đó dì lo. Nhất là mớ tóc này...
Hà ngơ ngác:
- Dì nói mớ tóc của con?
- Ừ... dì sợ e...
Bà quay sang bà Lệ:
- Chị không dời đám cưới lại ít tháng được sao? Thí dụ như mình nại lý do con Hà phải né ngày tháng kỵ của ông bà gì đó... Đợi cho tóc nó mọc dài dài một chút... Chứ chị tưởng tượng xem, lỡ trong đêm tân hôn mà thằng chồng con Hà phát hiện vợ mình đội tóc giả thì biết ăn nói ra sao?
Hà không lo chuyện đó bằng chuyện của ông hiệu trưởng trường Tây. Cô hỏi tới:
- Dì biết nhà ông ấy không?
- Chi vậy con?
- Tự dưng con muốn tìm hiểu chuyện ông ấy bị tố cáo!
Bà Lệ rầy:
- Con lo chuyện bao đồng chi cho mệt. Ông ta làm gì thì mặc ông ấy, hơi sức đâu...
Hà không cãi mẹ, nhưng cô vẫn không thôi suy nghĩ về chuyện ấy. Mãi cho tới chiều hôm đó khi đã trở về nhà rồi mà Hà vẫn còn thắc mắc, cô hỏi mẹ:
- Mấy người bị chết oan nghe nói linh lắm phải không má?
- Thì đã chết oan mà, hồn phách đâu siêu thoát được nên linh hiển thôi.
- Như nạn nhân của ông đốc Tây đó có phải là oan hồn không?
Sợ con hỏi linh tinh nên bà Lệ gạt ngang:
- Con quan tâm đến chuyện ấy làm gì?
Bà giục Hà đi ngủ sớm, cô nghe lời. Nhưng đến sáng hôm sau thì Hà biến mất!
Bà Lệ hốt hoảng chạy đi tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng bà bắt gặp một phong thư của Hà để lại. Đại khái cô báo cho mẹ biết là có việc phải đi Sài Gòn gấp, xin bà cứ yên tâm, đừng đi tìm và lo lắng!
Đã biết như vậy rồi, nhưng bà Lệ vẫn như ngồi trên lửa. Bà linh tính chuyện này ắt có liên quan tới vụ ông đốc Tây.
Cuối cùng vẫn không yên tâm. Bà Lệ tức tốc đi tìm con.
Rủ cả dì Dung cùng đi, bởi bà Lệ nghi Ngọc Hà sẽ tới chỗ ông đốc Tây nghỉ hưu. Và quả đúng như vậy. Khi hai bà tới nơi thì gặp lúc Hà đang tiếp xúc với chị người làm của ông Henri. Bà Tám Ni, một người giúp việc trung thực, rất bức xúc chuyện đó. Bà kể lại mà giọng vẫn còn bị kích động:
- Chuyện xảy ra đã lâu rồi, ai cũng tưởng nó đã chìm vào quên lãng, bỗng gần đây nó lại sống dậy và khiến cho ông Tây ăn ngủ không yên. Mà chính tôi cũng tận mắt...
Bà hạ thấp giọng như sợ có người nghe:
- Cách đây không lâu, tôi còn nhìn thấy một cô gái có cái đầu trọc lóc đứng giữa nhà gào khóc! Nhìn kỹ lại tôi nhận ra chính là... nó.
Hà hỏi lại:
- Nó là ai?
- Là đứa con gái, cô ấy là nạn nhân! Cô này là cô thư ký riêng của ông Henri. Ngày đó tôi còn nhớ, cô ấy đẹp lắm và cũng hiền lắm... Bỗng một hôm tôi nghe tin cô ấy mất tích. Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy yêu ai đó rồi bỏ nhà đi xây tổ ấm. Nhưng hai tháng sau thì một tin động trời đã nổ ra: Cô thư ký Mỹ Dung đó được phát hiện treo cổ chết phía sau ngôi chùa lớn gần nhà ông Henri! Mà chết trong tình trạng thương tâm lắm, ngoài nhan sắc tiều tụy ra, cô ấy còn có cái đầu nhẵn thín, không còn sợi tóc nào!
Bà Lệ ngơ ngác:
- Sao vậy?
Ngọc Hà cũng sững sờ:
- Ai đã làm gì cô ấy?
Tám Ni nói như sắp khóc:
- Cô ấy đã xuống tóc xin quy y cửa Phật trước khi chết.
Hà bị sốc dữ dội:
- Trời ơi, đã quy y rồi sao còn tìm cái chết!
- Đó là điều Làm cho ông Henri hối hận và đau khổ vô cùng!
Hà buột miệng:
- Phải chăng ông ta biết trước sự việc mà không ngăn cản được?
Tám Ni gật đầu:
- Cô nói đúng. Khi sự việc về mối quan hệ giữa ông ấy và cô Mỹ Dung xảy ra, chính ông ấy đã dàn xếp để cô ấy bỏ việc, lánh đi. Họ thuê một căn nhà để ở và dự tính chờ sau khi ông Henri làm thủ tục ly dị xong với bà vợ đầm xong sẽ chính thức cưới cô Mỹ Dung, thì đùng một cái, chẳng biết có ai tiết lộ, nên bà vợ già của ông Henri đã tìm tới tận nơi và quậy tung lên, làm nhục cô Mỹ Dung, đến nỗi cô ấy phải chạy vào chùa xin tá túc. Rồi đêm hôm đó sau khi xin quy y, cạo mái tóc dài quá lưng của mình, gói nó lại, nhờ nhà chùa gửi lại cho người yêu và sau đó cô lẻn ra ngoài phía sau chùa treo cổ tự tử!
Ngọc Hà bỗng kêu lên:
- Mái tóc này!
Rồi cô quay sang dì Dung:
- Dì nói chính ông Henri đã tặng cho dì đầu tóc này?
Dì Dung gật đầu:
- Đúng vậy. Nhưng ông ấy nói là mua ở một tiệm lớn...
Tám Ni ngạc nhiên:
- Tóc gì?
Hà vuốt lên tóc của mình và nói:
- Tóc tôi đang mang!
Nhìn kỹ rồi chị ta kêu lên:
- Đúng rồi! Hồi trước cô Mỹ Dung có mái tóc giống y như thế này!
Rồi chị tiết lộ:
- Tôi nhớ ra rồi, hồi đó có một hôm ông Henri nhờ tôi đem số tóc dài của cô Mỹ Dung ra một tiệm uốn tóc nhờ họ kết lại, rồi cho vào hộp, ông ấy nói để dành kỷ niệm...
Hà nói mà cảm giác lạnh cả người:
- Đúng rồi!
Cô nhìn sang dì Dung, run run giọng:
- Làm sao bây giờ hả dì?
Bà Lệ cũng lo sợ:
- Phải mau lột đầu tóc ra đi!
Lúc này Tám Ni mới rõ mọi việc, chị nói:
- Cô đây nếu sợ thì tôi có cách. Ở tiệm uốn tóc gần đây họ có nhiều kiểu tóc giả khác, chi bằng cô tới đó để họ thay, lấy đầu tóc này trả lại cho ông Henri.
Dì Dung cũng đồng tình:
- Hay là con làm vậy đi Hà...
Ngọc Hà đi với Tám Ni tới tiệm uốn tóc, và thật bất ngờ, người chủ tiệm khi vừa thấy Hà bước vào đã nói liền:
- Có người tới đây nhắn cô Ngọc Hà, rằng nếu cô muốn trả lại tóc thì hãy về ngay nhà chồng, có người đang đợi cô ở đó!
Hà hỏi lại:
- Người thân tôi là ai vậy?
Người chủ tiệm lấy ra một mảnh giấy nhỏ trên đó có ghi mấy chữ. Hà đọc đủ cho mấy người chung quanh cùng nghe:
- "Mỹ Dung"!
Tám Ni kêu lên sửng sốt:
- Cô ấy đây mà!
Hà lặng người đi trong nỗi sợ hãi...
Tuy nhiên cô vẫn phải thay tóc khác, bởi cô không tài nào dám mang lại mớ tóc dài mà cô rất thích kia.
Tuy vẫn còn muốn ở lại, nhưng nhớ đến lời trong mảnh giấy, Hà giục mẹ đi về.
Hà cùng với mẹ lên xe đò trở về nhà ngay, nhưng xui cho họ, chiếc xe họ đi lại gặp tai nạn, trên xe có đến gần chục người bị thương, trong số đó có Hà và mẹ. Hà lại bị thương ở vùng đầu, nên hôn mê đến hai ngày hai đêm, đến khi tỉnh lại thì cô hoảng sợ vô cùng khi thấy tóc trên đầu mình không còn sợi nào!
- Trời ơi!
Cô y tá chăm sóc cô giải thích:
- Vết thương của cô nặng lắm, nếu không vào kịp bệnh viện thì có thể đã nguy tới tính mạng! Các bác sĩ đã phải làm hết sức mình. Bây giờ thì cô hết nguy hiểm rồi, nhưng phải nằm lại bệnh viện vài tuần để theo dõi.
Hà chợt nhớ tới mẹ, liền hỏi:
- Má tôi đâu?
Cô y tá đáp:
- Bà không sao, nhưng cũng bị gãy chân, đang nằm ở một phòng khác.
Và cô y tá thắc mắc:
- Theo địa chỉ của má cô cho, bệnh viện đã cho người đi đánh điện tín về nhà, vậy mà đã hai ngày rồi chẳng thấy ai lên nuôi bệnh hết! Kể cả nhà bên chồng cô nữa...
Hà hoảng hồn:
- Sao cho bên chồng tôi hay làm gì! Cái đầu tôi...
Cô đưa tay sờ lên tóc, e ngại. Bỗng cô y tá nói:
- Khi điều trị vết thương cần phải cạo tóc để dễ phẫu thuật, lúc ấy tụi này mới biết là cô mang tóc giả. Chính tôi đã gỡ búi tóc của cô, đặt ở đầu giường này, nhưng sáng hôm sau thì chẳng hiểu sao lại biến mất!
Hà sững sờ một lúc lâu, cho đến khi cô y tá hỏi:
- Cô có tính làm lại tóc giả không? Nếu cần thì vừa rồi có người đem vào tặng cho cô một hộp tóc giả, tôi để ở đầu giường kìa...
Chị ta vừa nói vừa lấy chiếc hộp giấy lại. Vừa định mở ra thì Hà đã kêu thét lên:
- Đừng!
Trong hộp chứa một đầu tóc giả mà thoạt trông Hà đã nhận ra ngay, chính là đầu tóc mà cô đã gửi lại cho Tám Ni giao cho ông Henri!
- Sao nó lại ở đây?
Cô y tá nói:
- Tôi nghĩ có lẽ ai đó biết cô mất đầu tóc nên đem cho tóc mới.
- Người mang hộp này tới là ai vậy?
Cô y tá lắc đầu:
- Tôi cũng không biết, chỉ thấy nó nằm sẵn ở phòng trực, trên hộp có ghi nhờ chuyển cho bệnh nhân tên Ngọc Hà ở phòng số 3, nên tôi biết là gửi cho cô.
Hà sợ sệt:
- Chị làm ơn đem nó ra ngoài giùm, tôi không cần!
Chợt cô y tá nhìn thấy một mảnh giấy dưới đáy hộp, cô lấy ra đưa cho Hà, có mấy chữ: "Đừng từ chối, hãy mang nó vào khi xuất viện. Không có tóc sẽ mất luôn chồng!".
Ngọc Hà bàng hoàng, cô lẩm bẩm:
- Ai vậy?
Nhìn kỹ lần nữa thì rõ ràng đúng là tóc mình đã mang thời gian gần đây.
Hà còn đang lưỡng lự thì cô y tá giục:
- Cô nên nhận rồi bỏ vào tủ kia khóa lại, để ngoài coi chừng mất nữa!
Không còn cách nào khác nên Hà đành phải chấp nhận như vậy và một lần nữa cô lại phải canh cánh bên lòng về cái tên Mỹ Dung.
Nằm bệnh viện đến mười ngày mà vẫn không thấy ai bên nhà chồng, kể cả Tuấn lên thăm. Chính bà Lệ cũng ngạc nhiên:
- Má đã nhờ người đi đánh hai lần điện tín rồi mà sao họ vẫn không lên thăm?
Qua ngày thứ mười hai thì má con bà Lệ được xuất viện. Ngọc Hà ở thế bắt buộc nên lại phải đeo bộ tóc giả... của Mỹ Dung. Bà Lệ lo lắng khi nhớ đã qua ngày đám cưới, bà nói:
- Không liên lạc được với nhà chồng con, chẳng biết dưới đó họ tính sao, tự nhiên má thấy lo...
Hà cũng bồn chồn:
- Linh tính cho con hay hình như có chuyện gì đó...
Và điều gì đó đã xảy ra!
Khi họ về tới thì nghe người nhà báo tin:
- Đám cưới đã diễn ra rồi. Anh Tuấn đã lấy vợ, đám cưới đúng ngày quy định mà sao nhà gái mình không có má, chỉ có tụi con được rước qua bên đó cùng với chị Hà. Mà má nữa, sao ngày hôm đó má không về, để chị Hà một mình, chị ấy buồn lắm!
Bà Lệ ngơ ngác:
- Sao có vụ đó? Tao với con Hà bị tai nạn tưởng chết, nằm bệnh viện bữa nay mới về, vậy đám cưới với ai?
Ngọc Liên, em Hà, cũng ngơ ngác:
- Bữa đám cưới con thấy chị Hà mặc bộ đồ cưới lộng lẫy, con nghĩ chắc chỉ đi Sài Gòn mua về, chị Hà còn đưa tay vẫy con nữa, má nói gì kỳ vậy? Bên nhà đó còn nói do má đi đâu không biết mà lâu quá, sợ lỡ việc nên họ cử hành lễ cưới luôn. Khi nào má về sẽ tính sau!
Bà Lệ tức giận quát nên:
- Đồ quân tráo trở, bạc tình! Lợi dụng lúc người ta bị tai nạn lại đi cưới vợ khác!
Nhưng đứa em của Hà lại nói:
- Con thấy đó là chị Hà, chứ có ai khác đâu?
Hà vùng đứng dậy, cô nói giọng nghiêm trọng:
- Vụ này không đơn giản nữa rồi! Nó dính tới việc an nguy của con nữa, má để con đi qua bên đó!
Cô nói xong đi liền, bà Lệ không kịp cản, nên phải giục Ngọc Liên cùng bà đi theo sau. Khi họ qua tới nơi thì thấy nhà sạp che làm đám cưới vẫn còn đó, trong nhà tuy bớt rộn ràng, nhưng vẫn còn đông. Mọi người vừa thấy Hà bước vào đã ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, mợ Ba mới đi hưởng tuần trăng mật sao về nhanh vậy?
Ngọc Hà trố mắt:
- Tuần trăng mật của ai?
- Thì của mợ...
Vừa lúc ấy bà Sương bước ra, bà chau mày hỏi:
- Sao con về, còn thằng Tuấn đâu?
Hà vốn đã bực tức về việc Tuấn làm đám cưới mà cô dâu không phải là cô, nên xẵng giọng:
- Má còn hỏi được sao? Tuấn đi đâu hẳn má biết rõ hơn ai hết mà?
Bà Sương ngạc nhiên:
- Kìa, con sao vậy Hà?
Hà xổ ra bao nhiêu uất ức:
- Con không ngờ má là người lớn mà lại xử sự như vậy. Sao chưa hỏi rõ đầu đuôi, trong lúc con vắng nhà có mấy ngày mà má đã đi cưới vợ cho anh Tuấn! Má biết mấy bữa nay con bị tai nạn thập tử nhất sinh, suýt nữa đã không trở về được rồi không!
Bà Sương ngơ ngác:
- Con nói gì má không hiểu? Cái gì mà tai nạn, rồi cái gì là má đi cưới vợ khác cho thằng Tuấn? Vậy chớ đứa nào làm cô dâu rồi cùng thằng Tuấn đi hưởng tuần trăng mật?
Ngọc Liên cùng với mẹ chạy vừa tới, cô lên tiếng liền:
- Chị Hà con nói không phải chị là người trong đám cưới! Chị ấy với má con nằm bệnh viện hơn mười ngày mới về tới đây!
Bà Sương như từ trên trời rơi xuống, bà lắp bắp:
- Chuyện... chuyện đó... có chuyện đó sao?
Rồi bà quay vào nhà hỏi mấy người giúp việc:
- Tụi bay biết thằng Tuấn đưa vợ nó đi đâu không?
Một người nói:
- Dạ, nghe cậu Ba nói đưa mợ Ba đi Sài Gòn ở một tuần! Đây, cậu Ba có để lại địa chỉ, nói đây là nhà quen của mợ Ba.
Hà chụp lấy mảnh giấy ghi địa chỉ, cô hốt hoảng:
- Đường Hai Mươi, má có nhớ ngôi chùa Phước Hòa cũng ở đường này không? Nơi đó... cô Mỹ Dung treo cổ tự tử!
Cả mấy mẹ con đều sững sờ. Sau đó Hà vụt chạy đi trong hoảng loạn, vừa gào lên:
- Không xong rồi, anh Tuấn...
Hà chạy ra bến xe đò...
Cũng may là còn chuyến xe đêm, nên Hà không phải đợi qua sáng hôm sau.
Chuyến xe tốc hành đó đưa Hà trở lại Sài Gòn rất sớm. Vừa tới bến xe, Hà đã gọi chiếc xe kéo về đường Hai Mươi. Sợ không nhớ chỗ, Hà hỏi người phu xe:
- Chú biết chùa Phước Hòa ở đường Hai Mươi không?
Người kéo xe tỏ ra am hiểu:
- Ngôi chùa có cô gái tự tử chứ gì! Ở đây ai mà không biết chùa đó. Nhất là gần đây thiên hạ lại càng biết nó nhiều hơn, bởi cái hồn ma đêm nào cũng hiện ra nhát người qua lại, khiến ai nấy điếng hồn, thót tim luôn.
Hà tò mò:
- Chuyện đó có thật sao chú?
Người kéo xe rùng mình:
- Chuyện ma quỷ đâu phải chuyện giỡn đâu mà nói chơi! Mới hôm qua đây thôi, chính mắt tôi đây khi chở khách ngang qua đó còn nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc như một chú rể, chạy từ bên ngoài vào sân chùa, rồi từ đó bò lê ra phía sau chùa, là nơi mà trước đây nghe nói có cô gái treo cổ tự tử! Tôi không dám chạy vào coi, nhưng nghe người ta đồn là hễ đàn ông nào mà chạy vào đó thì coi như đi nạp mạng cho oan hồn con ma thắt cổ ấy! Tội nghiệp cho người đàn ông nào đó...
Hà hốt hoảng:
- Sao chú không giúp cho người ta?
Cô xuống xe trước chùa và đầu óc nghĩ tới Tuấn đang gặp nguy!
Chạy thẳng vào chùa, chẳng nhìn thấy ai, Hà đi luôn ra phía sau chùa. Ở gốc cây cổ thụ, rõ ràng là Tuấn đang quỳ gối một mình!
Hà bước tới, vừa định lên tiếng gọi thì chợt nhìn thấy trước mặt Tuấn, thòng từ cành cây xuống là thi thể của một người nữ. Nhìn kỹ hơn, Hà phát hiện người đang treo lơ lửng kia có cái đầu hầu như không có sợi tóc nào!
Tuấn thì như đang ngây dại, đôi mắt nhìn về phía thi thể kia mà như đang nhìn vào một nơi xa xăm nào đó... Thậm chí anh chẳng hề nghe tiếng bước chân rất gần của Hà. Cho đến khi Hà lên tiếng gọi:
- Anh Tuấn!
Vẫn như pho tượng gỗ, qua hai lần Hà gọi mà Tuấn chẳng có phản ứng gì. Bỗng nhiên anh ngã chúi về phía trước khi Hà gọi lần thứ ba! Tuấn vừa ngã xong thì thi thể kia cũng từ trên cây rơi xuống đất.
Hà chưa kịp có phản ứng gì thì trước mắt cô tối sầm lại, người cô lảo đảo...
***
Một người Pháp già nói tiếng Việt rất trôi chảy, reo lên khi thấy Hà và Tuấn tỉnh lại:
- May quá!
Tuấn ngơ ngác nhìn ông ta, trong khi Hà thì bật ngồi dậy liền:
- Ông là...
Giọng nói quen thuộc của Tám Ni:
- Đây là ông Henri mà lần trước tôi đã kể. Ông ấy được vong hồn cô Mỹ Dung về báo nên kịp tới đây cứu hai cô cậu đó!
Hà nhìn ông ta đang ôm khư khư một cái túi thì nghi ngờ:
- Ông này là thủ phạm gây ra cái chết cho cô Mỹ Dung, thì làm sao hồn ma cô ấy lại để cho ông ấy cứu người được?
Tám Ni chỉ tay vào chiếc túi ông Henri đang ôm bên mình nói:
- Ông ấy đã tới kịp và ôm cái xác của cô Mỹ Dung vào trong túi kia, để cô ấy không còn quấy phá ai nữa!
Chính ông Henri lên tiếng:
- Mỹ Dung là hồn ma, nhưng không phải lúc nào cô ấy cũng ác hay hại người. Bằng chứng là mới rồi, chính cái hồn thiện trong cô ấy đã không để cho anh này bị chết!
Hà gay gắt:
- Nhưng chính cô ta đã giả đóng vai tôi để gạt chồng tôi làm đám cưới với cô ấy và đưa chồng tôi về đây. Nếu tôi tới không kịp thì có phải chồng tôi đã bị cô ấy hại rồi không!
Giọng ông Henri vẫn nhẹ nhàng:
- Đúng là cô ấy có làm việc đó. Nhưng đó là cái hồn ác trong Mỹ Dung đã làm. Còn khi đã dẫn cậu này về đây rồi thì chính cái hồn thiện trong cô đã thắng được mặt ác nhờ vậy mà chồng cô mới thoát được chết, chứ nếu không thì anh ấy sẽ là người phải treo cổ trên cành cây, thay cho cô Mỹ Dung.
Hà nghe lạ, nhưng không thể tin được ngay, cô còn đang tính hỏi lại thì chợt nghe một giọng nói cũng khá quen thuộc vang lên sau lưng:
- Điều đó là đúng hoàn toàn!
Quay lại nhìn, cả hai Hà và Tuấn đều kêu lên:
- Bác sĩ!
Bác sĩ Thuần khoa tâm thần, người đã điều trị cho Tuấn vừa xuất hiện.
Ông hướng về Hà giải thích:
- Cô khó mà tin được lời ông Henri nói, nhưng đó là sự thật. Tôi nghiên cứu sách vở về tâm linh đã có biết những chuyện như ông Henri vừa nói. Trong hồn phách người chết có hai trạng thái, lúc hiện về hay nhập vào ai đó. Có lúc thiện, lúc ác!
Bây giờ Tuấn mới lên tiếng:
- Tôi đã trải qua với cô ấy vào những giai đoạn như vậy! Lúc cô ấy hiện ra trong vai của Ngọc Hà vợ tôi, thì cô ấy rất dịu dàng để tôi tin đó là sự thật. Nhưng đến khi cần khống chế tôi dẫn đi thì cô ấy đanh đá, dữ dằn đến đỗi tôi không dám cãi lời! Như lúc về đây, cô ấy bắt tôi quỳ dưới gốc cổ thụ này và bảo rằng cô ấy phải trả thù, phải tìm ra người phải chết để thế mạng cho cô ấy đi đầu thai! Đến khi vợ tôi xuất hiện thì bỗng dưng hồn ma lại biến đổi thái độ rất nhanh, chuyển sang là một oan hồn yếu đuối, ngã ra đất bất động như một người ở cõi trần!
Ông Henri vuốt nhẹ chiếc túi vải bê 1eaa n mình:
- Nhờ thế mà tôi mới có thể thu hồi hài cốt cô ấy về mai táng lại. Hy vọng từ nay hồn phách cô ấy không còn về quấy phá ai nữa cả.
Ông nói xong đứng lên bắt tay bác sĩ Thuần:
- Cám ơn ông bạn già đã không quản ngại đường xa mà tới đây giúp tôi giải tỏa được gánh nặng này.
Ông ta bước đi xiêu vẹo, ôm cứng chiếc túi như sợ có người giành lấy...
Bác sĩ Thuần chép miệng:
- Tội nghiệp họ! Người ta lên án ông ấy là không công bằng. Thật ra ông ấy yêu cô Mỹ Dung tha thiết, yêu chân thành. Và ngược lại cô ấy cũng yêu ông một cách trong sáng, bằng thứ tình yêu mà mãi đến chết vẫn không nguôi!
Hà chen vào:
- Nhưng chính ông ấy đã khiến cho cô ấy tự tử!
Bác sĩ Thuần lắc đầu:
- Tôi quen ông ta từ lâu, biết rõ mối tình của ông ấy với cô Mỹ Dung. Tôi biết chắc cô Mỹ Dung chết do quá phẫn uất chuyện bị đánh ghen, bị bôi nhọ danh dự nên bồng bột nhất thời mà tìm đến cái chết, chứ thật ra cô ấy vẫn yêu Henri tha thiết, yêu đến bứt không rời, xé không tan! Bằng chứng như chúng ta thấy đó, xác một hồn ma thì làm gì còn, vậy mà vì tình yêu, hồn phách kia đã tích tụ lại còn cho ông lấy được hài cốt kia. Ông ta hy vọng đúng, từ nay hồn phách cô Mỹ Dung sẽ không còn xuất hiện nữa!
Ông quay sang Tuấn và Hà:
- Cô cậu cũng mừng đi, từ nay đã thoát được sự quấy nhiễu rồi. Cô cậu có thể yên ổn mà sống bên nhau.
Tuấn thắc mắc:
- Tôi vẫn chưa hiểu, tại sao giữa chúng tôi và cô ấy chẳng hề có liên quan gì với nhau, thế tại sao hồn cô ấy lại đeo theo quấy phá?
Bác sĩ Thuần nhìn Hà và nói:
- Chính bởi cái đầu tóc giả kia. Tóc này nếu tôi không lầm là của cô Mỹ Dung? Hồn người chết luôn bám theo bất cứ vật gì mà khi chết mình còn để lại dương gian! Đặc biệt là tóc. Bởi tóc có liên quan tới máu của con người. Nó là một phần cơ thể của cô Mỹ Dung khi sống. Nó được cắt ra trước khi cô ấy chết, tức phần sự sống trong tóc đó vẫn còn sống. Đúng hơn là còn cái hồn sống của người đó! Cho nên khi có người khác đeo vào cơ thể họ thì sự giao thoa giữa người sống và người chết lập tức được theo nhau. Có thể gọi đây là hồn của tóc đã giúp cho Mỹ Dung bám theo cô Hà này, và từ cô Hà đã dính đến cậu Tuấn!
Những lời ông nói làm cho cả Hà và Tuấn rùng mình! Họ nhìn nhau rồi cùng siết chặt tay nhau, như sợ bị chia cắt lần nữa!
Tám Ni cũng lạnh người khi nói:
- Vậy còn ai dám dùng tóc giả nữa!
Bác sĩ Thuần lắc đầu bảo:
- Không đúng đâu. Trường hợp xảy ra hiện tượng như tôi vừa kể là khi nào người để lại tóc mà bị chết oan, bị bức tử! Chứ người chết bình thường thì có sao đâu.
Trước khi đi khỏi chỗ đó, vị bác sĩ tâm thần vỗ vai Tuấn nói thêm:
- Là một bác sĩ tây y mà nói chuyện tâm linh, hoang đường, không khéo người ta cười cho! Nhưng tôi còn là một nhà tâm linh học. Tôi nghiên cứu và biết nhiều về linh hồn, về thế giới tâm linh...
Ông ta đi lâu rồi mà Tuấn và Hà vẫn còn đứng yên. Lát sau chợt nhớ ra, Tuấn nhẹ giọng bảo vợ:
- Mình về nhà ngay kẻo má ở nhà lo.
Hà nói rất khẽ:
- Lấy vợ ma rồi bây giờ bắt người ta thế vai phải không!
Tuấn ôm chặt Hà vào lòng:
- Còn vợ này tướng tinh còn dữ hơn ma nữa, cho nên hồn ma phải nhường tình yêu lại cho! Bây giờ mời... nương nương!
Họ tay trong tay bước đi mà lòng tràn ngập hạnh phúc. Có lẽ nhờ những gì đã xảy ra mà họ cảm thấy thương yêu nhau hơn...
***
Bà Sương thấy hai con về thì mừng lắm. Có cả bà Lệ và Ngọc Liên ở đó nữa. Họ cùng nói:
- Hai người đi hưởng tuần trăng mật về có khác!
Sau đó, hai bà mẹ dè dặt nói đủ cho Hà và Tuấn nghe:
- Để tránh những rắc rối nữa xảy ra, có lẽ mình phải rước thầy về trừ khử cái vong lâu nay theo quấy phá!
Hà nghiêm giọng nói:
- Không cần đâu má!
Tuấn nói thêm:
- Chẳng những không cần rước thầy bà gì hết, mà trái lại tụi con sẽ lập một cái trang để thờ vong hồn cô ấy. Một con người đáng thương, đáng quý...
Hà cũng đồng tình:
- Con sẽ là người ngày ngày cúng vái cho cô ấy...
Không ai phản đối. Và kể từ hôm ấy, trong phòng riêng của vợ chồng Tuấn có thêm một trang thờ. Họ không có ảnh của Mỹ Dung, nên thay cho ảnh chân dung, Hà đặt lên trang thờ chính lọn tóc mà cô từng mượn một thời gian...
Một năm sau thì Hà sinh đứa con đầu lòng. Vào trước ngày sinh, Hà mơ thấy một cô gái với chiếc đầu trọc, gọi cô và nói:
- Đặt cho đứa con đầu lòng là Mỹ Hạnh, đó là tên đáng lẽ tôi đã có mà chưa kịp.
Thức dậy, Hà nói cho Tuấn nghe, anh gật đầu đồng ý ngay:
- Dẫu sao mình cũng còn nợ cô ấy. Vậy thì nên theo ý cô ấy mà lấy tên Mỹ Hạnh cho đứa bé, nếu nó là con gái.
- Em nghi nó là con gái. Cái bụng nhỏ xíu...
Quả nhiên Hà sinh một bé gái thật xinh. Con bé mang tên Mỹ Hạnh!
- Hết truyện -
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!