ào thời kỳ mà câu chuyện này diễn ra, một trong những mỏ than quan trọng nhất của khu mỏ xứ Scotland đã bị cạn kiệt, hệ quả của một cuộc khai thác quá xô bồ. Thực vậy chính trong vùng mỏ này, trên một dải đất rộng từ mười đến mười hai dặm, lọt giữa Edimbourg và Glasgow là mỏ than Aberfoyle, nơi kỹ sư James Starr điều hành việc khai thác trong một khoảng thời gian dài.
Thế nhưng từ mười năm nay, toàn thể khu mỏ đã bị bỏ hoang. Người ta không còn tìm thấy những vỉa than mới, mặc dầu những việc khoan dò đã thực hiện đến tận độ sâu một ngàn rưỡi, thậm chí đến hai ngàn bộ, và khi James Starr rời khỏi mỏ thì chắc chắn đấy là những vỉa than cuối cùng của mỏ này.
Trong điều kiện như vậy, nếu tìm thấy những vỉa than mới trong lòng đất của xứ này thì chắc chắn đây là một sự kiện có tầm quan trọng lớn lao. Thông tin do Simon Ford gửi tới phải chăng thuộc loại sự kiện đó? Đây chính là điều mà James Starr luôn tự hỏi, đồng thời cũng là điều ông hy vọng.
Nói tóm lại, phải chăng người ta gọi ông đến để tiếp tục khai thác một mỏ than mới của vùng Ấn Độ đen ấy? Ông rất muốn điều đó là sự thực.
Đôi lúc, nội dung của lá thư thứ hai lại làm lạc hướng những suy nghĩ của ông, nhưng giờ đây ông thấy không cần quan tâm đến nó nữa. Vả lại, con trai người cựu đốc công đã có mặt ở ga và đang chờ ông. Lá thư nặc danh như vậy là chẳng còn có giá trị nào nữa.
Vào lúc người kỹ sư đặt chân lên sân ga, chàng thanh niên tiến lại gần.
- Cậu có phải là Harry Ford? - Ông James Starr hỏi ngay.
- Vâng, thưa ông Starr.
- Tôi không thể nào nhận ra cậu. À! mà đã mười năm rồi còn gì, giờ đây cậu đã thành một người đàn ông.
- Còn cháu thì nhận ngay ra ông, với chiếc mũ cầm ở tay - Chàng trai đáp - Trông ông không mấy thay đổi. Ông chính là người đã ôm hôn cháu trong ngày chia tay bên hố Dochart! Những sự việc như thế, làm sao cháu quên được?
- Này, anh phải che đầu đi chứ, Harry, - Ông kỹ sư nói - Trời đang mưa như trút nước như thế này. Đừng vì quá lễ phép mà cảm lạnh đấy.
- Ông muốn chúng ta tìm chỗ trú mưa chăng? Thưa ông Starr. - Harry lễ phép hỏi.
- Không cần, Harry ạ - Trời sẽ mưa cả ngày mà tôi thì rất vội. Chúng ta đi thôi.
- Vâng, cháu làm theo lệnh ông. - Người thanh niên nói.
- Này Harry! Cha cậu có khỏe không?
- Rất khỏe, thưa ông Starr.
- Còn mẹ cậu?...
- Cả mẹ cháu cũng rất khỏe.
- Có phải chính cha cậu viết thư hẹn gặp tôi ở Yarow?
- Không, lá thư ấy do cháu viết.
- Nhưng sau đó thì Simon Ford lại gửi cho tôi một lá thư thứ hai để hủy cuộc hẹn đó đi phải không? - Ông kỹ sư dồn dập hỏi.
- Không, thưa ông Starr. - Chàng trai đáp.
- A! - James Starr trả lời và không nói thêm gì về lá thư nặc danh nữa.
Đoạn ông nói tiếp :
- Cậu có thể cho tôi biết là cha cậu muốn gì ở tôi không?
- Thưa ông Starr, cha cháu sẽ đích thân nói chuyện đó với ông.
- Nhưng cậu cũng biết chuyện gì chứ?
- Vâng! Cháu biết rõ.
- Thôi, tôi sẽ không hỏi cậu thêm nữa. Giờ ta lên đường ngay, bởi ta rất nóng lòng được nói chuyện cùng cha cậu - À nhưng mà, bây giờ cha cậu ở đâu?
- Dạ ở trong hầm mỏ.
- Sao, ở trong vùng hố Dochart à?
- Vâng, thưa ông Starr. - Harry Ford đáp.
- Sao thế nhỉ! Sao gia đình cậu không rời khỏi khu mỏ già cỗi ấy khi không còn công việc nào để làm ở đấy?
- Dạ, không xa mỏ một ngày nào cả, thưa ông Starr. Ông biết tính cha cháu mà. Khu mỏ là nơi cha cháu đã ra đời, và cũng chính ở nơi đấy mà ông muốn được yên nghỉ.
- Tôi hiểu điều đó, cậu Harry ạ... Tôi hiểu...! Vùng mỏ là quê hương ông ấy! Và ông ấy không muốn rời xa nó! Thế cả cậu cũng thích ở đó chứ?
- Vâng, thưa ông Starr - Chàng trai trả lời - Bởi vì cả nhà cháu sống với nhau rất tình cảm và chúng cháu thì cũng chẳng có nhu cầu gì nhiều.
- Rất tốt, Harry - Ông kỹ sư nói - Giờ ta lên đường nhé!
Nói đoạn, James Starr đi theo chàng thanh niên qua những con phố của thị trấn Callander.
Mười phút sau, họ đã ra khỏi thành phố.
Harry Ford là một thanh niên cao lớn ở tuổi hai mươi nhăm, dáng nhanh nhẹn, cơ bắp săn chắc với nét mặt hơi nghiêm nghị và dáng vẻ suy tư thường xuyên. Ngay từ nhỏ, Harry Ford đã là một đứa trẻ khác biệt với đám trẻ cùng lứa tuổi. Cậu có những đường nét đều đặn với cặp mắt sâu và hiền, mái tóc rễ tre màu hạt dẻ. Tất cả những điểm đó mang lại cho cậu một sự duyên dáng riêng biệt của những cư dân vùng Hạ Scotland, một mẫu điển hình của thanh niên vùng đồng bằng xứ Scotland. Vì phải lam lũ ngay từ tuổi niên thiếu trong hầm mỏ, nên điều này đã giúp cậu trở thành một con người can đảm và có bản chất tốt. Được cha dìu dắt và do bản năng thúc đẩy, cậu đã sớm làm việc và ham học hỏi. Nên khi đã đến tuổi, cái tuổi đối với người khác thì chỉ là tuổi của một anh thợ học việc nhưng với người thanh niên này thì đây là tuổi chín chắn của con chim đầu đàn trong thế hệ của mình, cái thế hệ trong đó không còn chỗ cho những kẻ ngu dốt, và người thanh niên này đã làm tất cả để loại cho bằng được sự dốt nát.
James Starr vốn là người đi bộ giỏi, thế mà lúc này ông phải vất vả lắm mới theo kịp Harry.
Lúc này, mưa đã không còn nặng hạt. Những giọt lớn đã tan biến ra trước khi chạm đất. Được gió lạnh thổi, các giọt mưa đã tạo thành những màu nước trắng xóa giăng ngang trời.
Với bọc hành lý của ông kỹ sư trên vai, cả hai người đi dọc bên tả ngạn của con sông khoảng chừng một dặm đường. Sau khi bước lần theo bãi biển ngoằn ngoèo, họ rẽ sang một con đường dẫn tới những bãi đất, dưới những bụi cây sũng nước. Hai bên đường, xung quanh các trang trại có những bãi chăn gia súc rộng lớn. Một vài đàn gia súc lặng lẽ gặm cỏ xanh trên những cánh đồng miền Hạ Scotland. Đó là giống bò không có sừng hay những con cừu nuôi để lấy len, chúng rất nhỏ con nom giống như những con cừu đồ chơi cho bọn trẻ. Người ta không trông thấy một mục đồng nào cả, có lẽ chúng ẩn náu đâu đó, trong các hốc cây rỗng; nhưng lại có những con chó “colley” giống chó đặc biệt tinh khôn nổi tiếng của Vương quốc, đang chạy xung quanh các bãi chăn thả để tuần tra.
Giếng mỏ Yarow nằm cách thị trấn Callander khoảng bốn dặm đường. James Starr vừa bước đi vừa ngắm cảnh vật, trong lòng đầy ắp kỷ niệm. Ông chưa bao giờ trở lại chốn này kể từ khi những tấn than cuối cùng của mỏ Aberfoyle được chất lên những toa goòng của hãng hỏa xa Glasgow. Bây giờ, một nhịp sống nông nghiệp đã thay thế cho nếp sống công nghiệp ồn ào, tấp nập xưa kia. Sự khác biệt đó càng rõ nét hơn về mùa đông, đây là lúc nông nhàn. Ngày xưa thì khác, suốt bốn mùa, đám cư dân thợ mỏ hoạt động tấp nập cả ở trong hầm mỏ lẫn trên mặt đất. Những toa goòng đầy ắp than qua lại cả ngày lẫn đêm. Giờ đây những thanh ray sắt ngập chìm vào đám tà vẹt gỗ mục nát, còn các toa goòng nằm chỏng trơ đó đây. Ngày nay các con đường đá và đất đã thế chỗ các tuyến đường sắt dùng để chở than khi xưa. James Starr có cảm giác như mình đang qua một hoang mạc.
Khi ông kỹ sư dừng lại thì Harry cũng dừng lại tức thì. Chàng thợ mỏ trẻ tuổi lặng lẽ đứng chờ. Anh hình dung rất rõ những gì mà ông khách đồng hành đang suy nghĩ và anh hoàn toàn chia sẻ những cảm tưởng đó - bởi vì anh là một đứa con của vùng mỏ, một con người với cả cuộc đời mình đã qua đi cùng những xe goòng than dưới lòng đất sâu một thời rộn rã.
- Này Harry, mọi vật đều đã đổi thay - James Starr buồn rầu nói - Nhưng, nếu ta cứ khai thác mãi, thì thế nào cũng đến lúc các mỏ đều cạn kiệt. Cậu có nuối tiếc ngày xưa đó không?
- Có chứ, cháu rất tiếc, thưa ông James Starr. Công việc ngày ấy vất vả nhưng rất thú vị, giống như một cuộc đấu tranh ấy.
- Đúng thế, cháu ạ! Đấy là đấu tranh, cũng có nghĩa là cuộc sống sôi nổi!
- Cánh thợ mỏ miền Alloa được thiên nhiên ưu đãi hơn ở bên này, bác nhỉ!
- Cháu nói đúng đấy. - Ông kỹ sư trả lời.
- Đúng ra, - Chàng thanh niên nói - cháu chỉ tiếc là sao tất cả trái đất chúng ta không cấu tạo toàn bằng than cả! Nếu được thế thì ta có thể khai thác đến vài triệu năm!
- Hẳn thế rồi, Harry ạ, nhưng công bằng mà nói thì thiên nhiên cũng biết nhìn xa trông rộng để tạo ra địa cầu với đất, với đá, với vôi... để lửa không thể thiêu cháy hết được!
Hai người vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc họ lại nhịp bước nhanh. Một giờ sau khi rời Callander, họ đã tới hố Dochart.
Một người lãnh đạm đến đâu cũng cảm thấy xúc động trước quang cảnh một cơ xưởng bị bỏ quên thế này. Nó chỉ còn là bộ xương của cái cơ thể sống động ngày xưa.
Trong một vùng rộng lớn chỉ còn một vài cây khẳng khiu, mặt đất vẫn còn bao phủ bởi lớp bụi than đen, nhưng người ta không còn trông thấy những thỏi than cháy dở, cũng chẳng còn có những cục than đá. Tất cả những thứ đó đã được lấy đi và thiêu đốt từ nhiều năm qua.
Trên một ngọn đồi không cao lắm, một cái sườn nhà khổng lồ nằm trơ trụi và mưa nắng đang gặm nhấm dần dần. Trên chỏm của sườn phía bên dưới ròng rọc vẫn còn trông rõ những cái bàn tời mà ngày trước người ta cuốn dây cáp vào để kéo những cái lồng chứa đầy than từ dưới mỏ lên.
Nền nhà xưởng là nơi đặt các máy móc, nay đã gần như tan hoang. Tại đây, ngày trước, các máy hơi nước chạy xình xịch suốt ngày đêm. Ngày nay chỉ còn vài bức tường xiêu vẹo trên mặt đất, rải rác quanh đó là những cột, những rầm mục nát.
Những cái thành giếng xây bằng đá gân, giờ đây phủ đầy rêu xanh. Đó đây vẫn còn thấy dấu tích của một cái lồng than hay một cái kho, nơi người ta phân loại than tốt xấu hoặc lớn nhỏ.
- Thật là hiu quạnh! - James Starr nói qua sự ngơ ngác của chàng thanh niên.
Cả hai cùng bước vào cái nhà che miệng giếng Yarow, nơi hãy còn những chiếc thang bằng gỗ đưa xuống dưới hầm.
Ông kỹ sư nghiêng mình nhìn vào trong giếng. Ngày trước, từ những miệng giếng như thế thường có những luồng không khí do các quạt thông hơi thổi ra. Giờ đây nó chỉ còn là một cái hốc im lìm, nó làm ta có cảm tưởng như đang đứng trên miệng một núi lửa đã tắt.
James Starr và Harry đã đặt chân xuống bậc thềm nghỉ đầu tiên.
Vào thời gian còn đang khai thác, nhiều máy móc tinh xảo đã được trang bị cho những mỏ than ở Aberfoyle; đó là những lồng thang máy có trang bị bộ phận hãm tự động, chúng trượt trên những khe trượt bằng gỗ, giúp cho đám thợ mỏ có thể xuống hầm mỏ an toàn, sau đó lại lên mặt đất chẳng mấy khó khăn.
Nhưng, kể từ khi việc khai mỏ ngừng lại, thì những thiết bị hoàn hảo đó đã bị tháo dỡ đi. Giờ đây tại khu mỏ Yarow chỉ còn lại đám thang bằng gỗ, cái này phân cách cái kia bởi những thềm nghỉ hẹp cũng làm bằng gỗ. Một hệ thống gồm ba chục cái thang như thế, nối tiếp nhau, giúp ta có thể đi xuống đáy giếng Yarow cách mặt đất khoảng ngàn rưỡi bộ. Đó là con đường duy nhất nối liền mặt đất với đáy giếng Dochart. Giếng Yarow giữ vai trò ống thông hơi. Nhờ những đường hầm ngay, nó được nối thông với một cái giếng khác có miệng mở ra ở một tầng cao hơn. Nhờ cái hệ thống giếng thông nhau đó mà khí máy có thể tự động thoát ra ngoài.
- Bây giờ ta sẽ theo cháu. - Ông kỹ sư nói và giơ tay làm hiệu cho chàng thanh niên đi lên phía trước mình.
- Xin tuân lệnh, thưa ông Starr.
- Cháu có đèn soi đường chứ?
- Dạ có, và nhờ ơn Chúa, đây là loại đèn an toàn mà các thợ mỏ thường dùng ngày trước!
- Thế à, - James Starr nói - nhưng giờ đây những vụ nổ khí mỏ đâu còn nữa.
Harry thắp đèn lên. Hầm nay đã cạn kiệt than, những đám khí than tích tụ không còn nữa. Như vậy không còn lo sợ những vụ nổ khí than xảy ra. Chiếc đèn Davy, tinh xảo là thế mà ngày nay chẳng còn công dụng nữa.
Harry bước xuống những bậc thang đầu của chiếc thang trên cùng, James Starr bước theo. Cả hai người, ngay tức thì chìm vào trong bóng tối mịt mùng được soi sáng chỉ bởi ánh sáng của cây đèn Davy. Chàng thanh niên giơ cao chiếc đèn lên khỏi đầu để cho ông kỹ sư thấy rõ đường đi.
Bằng những bước chân thận trọng quen thuộc của người thợ mỏ, họ đã xuống được khoảng mười chiếc thang gỗ, những chiếc thang vẫn còn sử dụng tốt.
James Starr tò mò nhìn khung cảnh xung quanh. Nhờ ánh sáng yếu ớt của cây đèn mỏ, ông nhận ra lớp ván gỗ lót thành giếng, chúng đang mục dần.
Xuống đến thềm nghỉ thứ mười lăm, tức là đã xuống được khoảng nửa đường, cả hai cùng dừng lại nghỉ giây lát.
Nhưng, ngay vào lúc họ chuẩn bị xuống tiếp thì một giọng nói vang lên từ xa, từ đáy giếng vọng lên. Giọng nói đó vang to dần và càng lúc nghe càng rõ.
- Này, tiếng ai thế nhỉ? - Ông kỹ sư hỏi Harry.
- Cháu cũng chưa đoán được là ai. - Chàng thanh niên đáp.
- Không phải là cha cậu chứ?
- Cha cháu? Thưa ông Starr, không phải.
- Hay là một người láng giềng nào?...
- Chúng cháu làm gì có ai là láng giềng ở dưới mỏ đó - Harry trả lời - Chúng cháu là những cư dân duy nhất, vâng, duy nhất.
- Được! Vậy ta cứ để kẻ lạ mặt đó đi qua - James Starr nói - Bao giờ thì người đi xuống cũng phải nhường bước kẻ đi lên mà.
Cả hai người dừng lại chờ đợi.
Giọng nói đột ngột vang lên lanh lảnh như thể nó được cộng hưởng bởi một cấu trúc âm học, ngay sau đó là vài lời ca của một khúc dân ca Scotland vang lên rõ mồn một bên tai người thợ mỏ trẻ tuổi.
- Khúc hát bên hồ! - Harry reo lên - A! Tôi có thể đoán chắc là nó không thể phát ra từ miệng kẻ nào khác ngoài Jack Ryan.
- Jack Ryan là ai mà hát hay đến thế? - James Starr hỏi.
- Đây là một người bạn vùng mỏ của cháu. - Harry trả lời.
Nói đoạn anh ta kêu vọng xuống phía dưới :
- Này Jack!
- Cậu đấy à, Harry? - Giọng nói vọng lên - Chờ đấy, mình sẽ lên ngay.
Và bài ca tiếp tục vang lên thánh thót. Một lát sau, một chàng trai cao lớn, khoảng hai mươi nhăm tuổi, nét mặt vui vẻ, ánh mắt tươi cười, tóc vàng rậm, hiện ra dưới ánh đèn. Vừa đặt chân lên thềm nghỉ của chiếc thang thứ mười lăm là cậu ta đã siết chặt bàn tay đang chìa ra đón.
- Rất vui mừng gặp lại cậu! - Anh ta reo lên - Nhưng nếu mình biết là cậu lên mặt đất hôm nay thì có phải mình đỡ mất công xuống giếng Yarow không!
- Đây là ông James Starr. - Harry vừa nói vừa hướng chiếc đèn về phía ông kỹ sư.
- Ông Starr à! - Jack Ryan kêu lên - À, ông kỹ sư, thế mà tôi không nhận ra ông đấy. Cũng như ngày trước, cứ mỗi lần xuống mỏ là mắt tôi không thể quen với bóng tối được ngay.
- Còn tôi, tôi thì nhớ lại cậu bé có giọng ca vàng ngày trước. Mười năm qua rồi còn gì, phải không chàng trai! Bây giờ thì tôi nhận ra đúng là cậu rồi, đúng không nào.
- Chính là tôi, thưa ông Starr, và tuy đã thay đổi công việc nhưng tính tôi vẫn như xưa, như ông thấy đấy? À! Theo tôi thì cười và hát chẳng hơn là khóc lóc rầu rĩ hay sao!
- Đúng thế, Jack Ryan ạ. À mà cậu đã làm gì từ khi rời khu mỏ?
- Tôi làm ở nông trại Melrose, kế bên là Iroine, thuộc quận Renfrew, cách đây chừng bốn mươi dặm đường. Thế hôm nay ông đến thăm bác Simon à, thưa ông Starr?
- Đúng thế. - Ông kỹ sư trả lời.
- Tôi không làm mất thì giờ của ông đấy chứ?
- À này Jack, - Harry nói - có việc gì mà cậu đến tìm mình vậy?
- À, mình đến thăm cậu và tiện thể mình mời cậu đến dự hội của làng Irvine. Cậu biết đấy, mình sẽ thổi kèn túi và chúng ta sẽ cùng vui chơi và khiêu vũ.
- Cám ơn Jack, nhưng không được rồi.
- Không được ư?
- Đúng thế, chuyến viếng thăm của ông Starr có thể sẽ kéo dài, mà mình còn phải đưa ông ấy trở lại Callender.
- Nhưng này Harry! Phải tám ngày nữa mới đến ngày lễ cơ mà. Từ đây cho đến ngày ấy mình nghĩ là chuyến viếng thăm đã xong xuôi và khi đó thì còn có việc gì giữ cậu lại ở hầm nữa chứ!
- Nếu vậy thì mình nhận lời mời của cậu, Jack ạ - Harry nói - Tám ngày nữa, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Irvine.
- Thế nhé, tám ngày nữa, nhất trí rồi nhé - Jack Ryan trả lời - Bây giờ tạm biệt Harry! Kính chào ông, thưa ông Starr! Tôi rất vui vì được gặp lại ông! Tôi sẽ báo cho các bạn tôi biết tin về ông. Mọi người ở đây, chưa có ai quên ông đâu, thưa ông Starr.
Và thế là, tiếng hát tiếp tục vang lên, Jack Ryan khuất dần trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn.
Mười lăm phút sau, James Starr và Harry rời khỏi bậc thang cuối cùng để đặt chân lên mặt đất của đáy hố mỏ.
Ngay trước mặt hai người là cái bồn tròn, nơi hội tụ của nhiều nhánh hầm được dùng để khai thác vỉa than cuối cùng của mỏ Aberfoyle. Các nhánh hầm đó ăn sâu vào những khối đá phiến và đá sa thạch, chúng được chống đỡ bởi những cột gỗ đẽo vuông hoặc bởi những tảng đá phiến. Rải rác, đây đó là những bờ đắp thay thế cho những vỉa than ngày trước. Những cột chống bằng đá, ngày nay dùng để đỡ mặt đất phía trên.
- Ông có cần nghỉ ngơi một chút không, thưa ông Starr? - Chàng thanh niên hỏi.
- Không cần cháu ạ, - Ông kỹ sư đáp lời - bởi vì ta đang nóng lòng được nhìn tận mắt ngôi nhà của ông già Simon đấy.
- Vậy thì xin ông đi theo cháu, thưa ông Starr. Cháu xin dẫn đường, nhưng cháu dám đoan chắc là ông vẫn còn nhớ đường đi trong hầm tối này.
- Đúng vậy! Trong đầu ta vẫn còn nhớ như in cái sơ đồ của hố mỏ này.
Để cho ông kỹ sư đi sau mình, Harry giơ cao ngọn đèn để soi rõ lối đi, rồi anh tiến vào một ngách hầm cao ráo, giống hệt như mái vòm của một giáo đường. Bước chân của hai người, đôi lúc vẫn còn vấp phải những thanh tà vẹt gỗ dùng để đỡ những thanh đường ray được sử dụng từ khi còn khai thác trước kia.
Nhưng, hai người vừa đi được khoáng năm chục bước thì một tảng đá lớn bất ngờ rớt xuống bên chân ông James Starr.
- Hãy cẩn thận, thưa ông Starr! - Harry kêu lên, nắm lấy cánh tay ông kỹ sư.
- Một hòn đá, Harry ạ! Chà! Cái vòm cũ kỹ này không còn chắc chắn như xưa nữa, và...
- Thưa ông Starr, - Harry Ford nói - cháu có cảm tưởng như hòn đá đó đã được một bàn tay ai đấy ném đi.
- Có người ném à? - James Starr kêu lên - Ý cậu muốn nói gì, Harry?
- Dạ, dạ... chẳng có chuyện gì cả, thưa ông Starr. - Harry lơ đãng đáp lời, ánh mắt cậu trở nên nghiêm trọng, nó như muốn xuyên thủng những thành đá to lớn ở hai bên - Chúng ta tiếp tục đi. Xin ông hãy nắm lấy tay cháu và chú ý đừng có bước hụt.
- Được rồi, Harry!
Và rồi cả hai cùng tiến bước, trong khi Harry ngoái nhìn phía sau lưng và luôn chiếu ánh đèn vào phía sâu trong vách đá.
- Chúng ta sắp đến nơi chưa? - Ông kỹ sư hỏi.
- Dạ, chỉ còn không quá mười phút nữa thôi.
- Tốt.
- Nhưng, - Harry lẩm nhẩm trong miệng - điều vừa xảy ra có vẻ không bình thường. Đây là lần đầu tiên có chuyện như vậy xảy ra. Có vẻ như hòn đá đã rơi xuống đúng ngay lúc chúng ta đi qua!
- Đó chỉ là ngẫu nhiên thôi, Harry ạ!
- Ngẫu nhiên ư... - Chàng thanh niên lắc đầu nói - Ngẫu nhiên thật ư...
Harry dừng bước. Anh lắng tai nghe.
- Có chuyện gì thế, Harry? - Ông kỹ sư hỏi.
- Cháu nghe như có tiếng chân bước đằng sau mình. - Chàng trai vừa trả lời vừa lắng tai chú ý nghe ngóng.
Đoạn, anh nói tiếp :
- Không! Có lẽ cháu nhầm - Anh nói - Xin ông hãy sát vào cháu, ông kỹ sư. Ông hãy xem cháu như chiếc gậy chống vậy.
- Một chiếc gậy vững chắc, Harry ạ - James Starr cười nói - Không có gì quý giá hơn một chàng trai can đàm như con!
Hai người lặng lẽ bước đi qua cái vòm tối. Đôi lúc Harry vẫn còn bận tâm ngoái lại phía sau như thể cô bắt được một tiếng động xa, hay một chút ánh sáng chợt đến.
Nhưng cả đằng sau lẫn đằng trước anh vẫn chỉ là sự im lặng và bóng tối.