Nó chỉ là một con tem trong bộ tem Posthorn dài vô tận của Na Uy, giá của nó cũng chỉ dưới một đô la Mỹ nhưng lại khó tìm đến lạ kỳ, và tất nhiên là bộ sưu tập của hắn vẫn thiếu con tem đó. Hắn soi thật kỹ con tem, đưa ra trước đèn để chắc chắn là phần giấy chỗ dán vào cuốn album không bị mỏng đi, sau đó hắn để nó lại vào phong bì rồi bỏ sang một bên để sau đó mua.
Người chủ cửa hàng, một người đàn ông cao, khuôn mặt hốc hác, một bên mặt lúc nào cũng tỏ vẻ lạnh băng vô cảm mà theo như ông ta nói thì đó là do hậu quả của chứng liệt Bell(1), khẽ nhếch mép cười bằng một nửa khuôn mặt còn lại. "Một người khách hàng mà tôi luôn trông đợi", ông ta nói, "Là một người luôn đem theo cái kẹp tem của riêng mình. Ngay khi tôi thấy ngài làm điều đó, tôi biết là mình đã có một người khách thực thụ trong cửa hàng".
Đối với Keller, người đôi khi có mang theo cái kẹp bên mình hoặc có lúc cũng không mang thì đây chỉ là vấn đề có nhớ hay không chứ hoàn toàn chẳng nói lên điều gì. Mỗi khi đi đâu là hắn lại mang theo bản copy cuốn catalo tem Scott cổ điển, một cuốn sách dày đến 1100 trang, trong đó liệt kê và có hình minh họa của rất nhiều các con tem trên thế giới, từ con tem ra đời đầu tiên (Penny Black năm 1840 của Anh) cho đến những con tem trong thú chơi tem đầu thế kỷ, có thể kể đến bộ tem Vương quốc Anh trong đó bao gồm cả bộ cuối cùng của George VI năm 1952. Đó là những con tem mà Keller sưu tập và hắn sử dụng quyển catalo đó không phải chỉ để lấy thông tin mà còn để kiểm tra, hắn sẽ khoanh đỏ vào số hiệu của mỗi con tem mà hắn đã sưu tập được để làm dấu.
Cuốn catalo luôn luôn đi cùng với hắn, bởi vì hắn sẽ không thể vào bất kỳ một cửa hàng tem nào mà không có nó trong tay. Cái kẹp đương nhiên là rất có ích, nhưng không phải là vật bất ly thân, hắn hoàn toàn có thể mua ngay một cái mới từ người bán tem. Thế nên việc quên mang theo cái kẹp là rất bình thường, và thường thì đến phút cuối cũng chẳng mấy ai có thể nhớ đến việc nhét thêm cái kẹp vào túi quần hay dúi vội vào vali hành lý đã xếp xong. Chắc chắn là càng không ai làm vậy nếu họ sắp sửa lên máy bay vì thế nào mấy tay bảo vệ mặc đồng phục ở sân bay cũng chặn họ lại và bắt bỏ nó đi. Thử tưởng tượng ra một tên khủng bố với cái kẹp tem trong tay. Hắn sẽ làm gì nhỉ, hắn có thể tóm lấy một cô tiếp viên hàng không và đe dọa nhổ lông mày của cô ta chẳng hạn.
Thật lạ là lần này hắn lại mang theo cái kẹp, trong khi suýt nữa thì hắn đã quên mang theo quyển catalo. Hắn đã từng làm việc cho vị khách đặc biệt này một lần, trong một vụ tới Albuquerque và thậm chí hắn đã không có thời gian để dỡ hành lý ra. Hắn vẫn cẩn thận theo một cách chẳng giống ai, đặt ba phòng ở ba nhà trọ bình dân khác nhau, lần lượt đăng ký nhận phòng ở cả ba nơi rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc và bay về New York ngay trong ngày hôm đó mà không ngủ lại bất cứ phòng trọ nào. Nếu công việc lần này cũng nhanh chóng và suôn sẻ như vậy thì hắn đã chẳng có thời gian đi mua tem như thế này, thậm chí cũng không đủ thời gian chỉ để tìm hiểu xem có người buôn tem nào ở Des Moines này không?
Nhiều năm về trước, khi Keller còn là một đứa trẻ, việc sưu tầm tem chẳng bao giờ làm hắn phải tốn quá một hoặc hai đô một tuần. Lúc đó ở Des Moines này cũng có rất nhiều người buôn tem, giống như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Thú chơi tem của hắn thì không hề giảm đi nhưng những cửa hàng bán tem lẻ trên phố bây giờ lại đã nằm trong danh sách những thứ có nguy cơ bị "tuyệt chủng" mà công tác bảo tồn hình như cũng không cứu vãn được. Việc kinh doanh tem bây giờ hầu hết được thực hiện qua mạng hoặc thông qua thư từ, còn một số rất ít các nhà buôn vẫn duy trì các cửa hàng tem trên phố thì khách hàng của họ cũng chỉ là những tay buôn tem hơn là những người sưu tầm thực sự. Những người không hiểu biết hoặc không có hứng thú với tem thì chỉ ngày ngày đi qua cửa hàng, và đến khi ông chú Fred của họ qua đời để lại một bộ sưu tập cần phải đem bán chẳng hạn, thì họ sẽ biết ngay là phải đem chúng đến đâu.
Người buôn tem này, theo Keller được biết, có tên là James McCue. Cửa hàng của ông ta nằm ở tầng trệt ngay dưới ngôi nhà của mình trên đại lộ Douglas, thị trấn Urbandale, một vùng ngoại ô mà cái tên của nó làm Keller liên tưởng đến phép nghịch hợp(1) trong ngôn ngữ. Một thị trấn thung lũng? Với Keller thì nơi này có vẻ không giống một thị trấn hay một thung lũng gì cả nhưng hắn vẫn thấy đây là một nơi khá tốt để sinh sống. Ngôi nhà của McCue đã gần bảy mươi năm tuổi với kiến trúc cửa sổ xây lồi ra ngoài và cầu thang vòm. Người chủ cửa hàng ngồi trước máy vi tính, đây là công cụ mà theo Keller hầu hết các giao dịch buôn bán được thực hiện qua đó, và cái đài cát sét được bật nhỏ đang chơi một bản elevator music. Một căn phòng thật yên bình, những thứ đồ đạc khác được bày biện ngăn nắp tiện nghi thoải mái. Keller xem nốt phần còn lại bộ sưu tập tem Na Uy và tìm thêm được một bộ đôi tem nữa mà hắn muốn mua.
"Ngài nghĩ sao về tem Thụy Điển", McCue gợi ý, "Tôi có vài con tem đẹp lắm!"
"Tôi rất mạnh về khoản này đấy", Keller trả lời, "Tại thời điểm này, những con tem Thụy Điển mà tôi muốn có chỉ toàn là những cái tôi không đủ tiền mua mà thôi".
"Tôi biết chứ! Ngài nghĩ sao về các con tem từ số 1 đến
"Chà, tuyệt thật. Đó chính là những con tem mà tôi không có. Nhưng tôi còn thiếu cả con màu cam tinh tế nữa". Con tem đó được ghi trong catalo với số thứ tự là 1a, thực chất là một con tem bị lỗi về màu sắc, thay vì màu lục lam nó lại có màu da cam, và nó quả là con tem độc nhất vô nhị, một thứ hàng mẫu được truyền tay trong giới sưu tập tem vài năm trước với giá lên đến ba triệu đô la Mỹ. Hoặc cũng có thể là ba triệu Euro, Keller cũng không nhớ rõ.
"Cái đó thì tôi không có", McCue trả lời, "Nhưng tôi có từ số 1 đến số 5, giá cả cũng rất phải chăng". Thấy Keller khẽ rướn mày, ông ta nói thêm "Những con tem tái bản chính thức. Vẫn còn mới, được đặt rất cân đối và mới chỉ được dán qua qua thôi. Theo như trên sách thì giá mỗi cái là ba trăm bảy lăm đô. Ngài muốn xem chứ?"
Ông ta không cần đợi câu trả lời mà rút ngay ra một hộp tài liệu và lấy ra một cái thẻ hàng tồn kho với năm cái tem đặt dưới một tấm bảo vệ làm bằng nhựa trong suốt.
"Ngài không việc gì phải vội, cứ xem chúng thật cẩn thận. Chúng rất đẹp, phải không?"
"Ừ, rất tuyệt!"
"Ngài có thể lấp đầy những chỗ còn trống trong bộ sưu tập của mình bằng những con tem này và sẽ không bao giờ phải hối hận về điều đó".
Thậm chí nếu hắn có được bộ tem gốc, một điều gần như là không tưởng, thì những con tem tái bản này vẫn xứng đáng có được một chỗ trong bộ sưu tập của hắn. Hắn quyết định trả giá bộ tem.
"Vâng, tôi vẫn hi vọng có thể bán cả bộ với giá bảy trăm năm mươi nhưng tôi nghĩ có thể lấy ngài sáu trăm. Ít nhất thì tôi cũng đỡ được chi phí vận chuyển".
"Nếu là năm", Keller nói, "Thì tôi sẽ không cần phải suy nghĩ thêm gì cả."
"Tùy ngài thôi, ngài cứ nghĩ cho kỹ đi". McCue trả lời, "Còn tôi thì chắc chắn là không bán thấp hơn giá sáu đâu. Ngài có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng nếu thấy như vậy tiện hơn."
Tất nhiên là tiện hơn rồi, không có gì phải bàn, nhưng Keller không chắc là mình muốn thanh toán bằng cách đó. Hắn có một thẻ American Express đứng tên hắn nhưng hắn lại không sử dụng tên thật của mình trong suốt chuyến đi này, và hắn nghĩ rằng hắn nên để mọi việc diễn ra như vậy. Hắn còn có một thẻ Visa Card mà hắn đã dùng để thuê chiếc xe Nissan Sentra của Hertz, để đăng ký phòng ở Days Inn, tuy nhiên cái tên trên đó lại là Holden Blankenship, trùng với tên trên bằng lái xe của tiểu bang Connecticut mà hắn đang giữ trong ví, trên đó tên đệm của ngài Blankenship được viết tắt là J., theo Keller thì cái đó sẽ giúp phân biệt hắn với tất cả những ai khác trên thế giới này cũng tên là Holden Blankenship.
Theo như lời của Dot, người đang nắm giữ cả một kho tư liệu về thẻ tín dụng và bằng lái xe thì tấm bằng lái đó sẽ qua mặt được tất cả các cuộc kiểm tra an ninh, còn cái thẻ tín dụng thì vẫn có thể sử dụng tốt trong vòng ít nhất hai tuần. Nhưng sớm muộn gì nó cũng sẽ bị khóa vì không có ai trả tiền, điều đó cũng không làm Keller bận tâm, cho dù nó có liên quan đến Hertz, Days Inn và hãng Hàng không Mỹ, nhưng hắn thực sự thấy băn khoăn về việc sẽ lột sạch tiền của một gã buôn tem, số tiền mà danh chính ngôn thuận là của gã. Thực ra hắn vẫn có cảm giác là điều đó sẽ không thể xảy ra mà chỉ có công ty thẻ tín dụng là người duy nhất chịu thiệt trong vụ này. Nhưng dù thế nào hắn cũng không thích cái ý nghĩ đó lắm. Thú vui của hắn, sở thích của hắn phải là một phần trong cuộc đời hắn, phần đời duy nhất mà ở đó hắn hoàn toàn trong sạch và thẳng thắn. Nếu như hắn mua tem mà lại tìm cách không trả tiền cho chúng thì chẳng khác nào hắn đang đánh cắp những con tem đó, và việc này cũng chẳng đến nỗi quá nghiêm trọng nếu như hắn đánh cắp chúng theo cách này cho dù là từ McCue hay từ công ty thẻ Visa. Nhưng nếu hắn không thể có được chúng một cách trong sạch thì chẳng mấy chốc mà hắn sẽ lại phải chia tay với những con tem đó.
Dot thế nào mà chẳng gắt ầm lên khi biết việc này, hoặc ít nhất cũng sẽ trợn mắt lên với hắn. Và hắn đoán cuối cùng rồi những nhà sưu tập tem cũng sẽ nhìn ra vấn đề.
Nhưng hắn có đủ tiền mặt không nhỉ?
Hắn không muốn phải kiểm tra tiền trước mặt người khác nên đã nói phải vào nhà vệ sinh một lát, dù sao thì đó cũng là một ý tưởng không tồi, nhất là sau ly cà phê hắn đã uống trong bữa sáng. Hắn cộng tất cả các đồng bạc hắn có trong ví được gần tám trăm đô, có nghĩa là hắn sẽ chỉ còn lại dưới hai trăm đô sau vụ này.
Nhưng hắn thực sự rất muốn có những con tem đó.
Đó chính là vấn đề của những người mê sưu tập tem. Bạn sẽ không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thấy hết những con tem mà mình muốn có. Nếu hắn sưu tập một thứ gì khác, như đá chẳng hạn, hoặc là máy hát nhạc Victrola cổ điển hay những tác phẩm nghệ thuật thì sớm muộn gì hắn cũng không còn chỗ để bày chúng. Cái căn hộ một buồng ngủ của hắn cũng tương đối rộng, theo đúng tiêu chuẩn nhà ở nghiêm ngặt của New York nhưng nó cũng không có quá nhiều chỗ cho các bức tranh treo tường. Tuy nhiên, nếu là những con tem thì hắn có cả mười cuốn album lớn mà lại chỉ chiếm một chỗ không quá năm feet trên giá sách, hắn thậm chí có thể sưu tầm hết phần đời còn lại của mình, dành hàng triệu đô la vào đấy mà vẫn không thể lấp đầy được tất cả những quyển album đó.
Trong khi đó hắn hoàn toàn không phải là không có khả năng trả sáu trăm đô cho bộ tem Thụy Điển tái bản kia mà không cần phải dùng đến tiền công từ công việc lần này, cái công việc đã đưa hắn đến Des Moines này. Giá cả của McCue đưa ra lại vô cùng hấp dẫn. Hắn sắp sửa mua được chúng với giá chỉ bằng một phần ba giá trong catalo.
Vậy thì vấn đề bây giờ chỉ là liệu có chuyện gì xảy ra không khi mà hắn đang sắp cạn tiền mặt sau vụ mua bán này? Hắn sẽ rời Des Moines trong vòng một, hai hoặc cùng lắm là ba ngày nữa, và ngoại trừ việc thỉnh thoảng mua báo hay uống một tách cà phê thì hắn cũng chẳng cần tiền mặt làm gì? Năm mươi đô để đi tắc xi từ nhà đến sân bay? Chắc cũng chỉ thế là cùng.
Hắn rút sáu trăm đô trong ví ra và quay lại tiếp tục xem những con tem. Không còn nghi ngờ gì nữa, những chú nhóc này sẽ về nhà với hắn. "Tôi muốn trả bằng tiền mặt.", hắn nói, "Vậy thì tôi phải được chiết khấu đôi chút chứ nhỉ?"
"Cũng không nhiều lắm đâu", McCue tươi cười đáp lại. Một bên mặt khẽ cử động theo lời nói, phía bên kia thì vẫn lạnh như băng. "Để xem nào, chúng ta có thể bỏ qua tiền thuế, miễn là ngài hứa sẽ không tiết lộ với những nhà chức trách."
"Miệng của tôi đã bị khóa rồi".
"Tôi sẽ trừ vào tiền những con tem Na Uy mà ngài đã lấy lúc trước. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là những con tem đó ít tiền đâu đấy. Chúng đáng giá hơn mười đô đấy chứ?"
"Tôi nghĩ sáu hay bảy thì hợp lý hơn".
"Được rồi, vậy là ngài sẽ tiết kiệm đủ để mua một cái hambơgơ đấy, nếu ngài không ăn kèm với đồ chiên. Tóm lại là tròn sáu trăm đô và cả hai chúng ta đều hài lòng."
Keller đưa tiền cho ông ta. Trong lúc McCue đếm tiền thì Keller cũng kiểm tra lại xem hắn đã có đủ tất cả những con tem của hắn chưa, rồi hắn cất chúng vào túi trong của chiếc áo Jacket hắn đang mặc, không quên cất luôn cái kẹp. Hắn gấp quyển catalo lại đúng lúc McCue ngẩng lên "Ôi chúa ơi, hãy lấy tất cả đi."
Chẳng lẽ những đồng tiền của hắn là bạc giả? Hắn lạnh cả người, tự hỏi không biết đã có chuỵên gì xảy ra, nhưng McCue vẫn thản nhiên đi về phía cái đài cát sét và vặn to lên. Bản nhạc đã ngừng lại, chen vào đó là một giọng phát thanh viên rất truyền cảm với bản tin mới.
"Ôi chúa ơi", McCue lại nói, "Chúng ta đã có nó."
1. Chứng liệt Bell: Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm dây thần kinh số 7, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ mặt, các tuyến nước bọt và tuyến lệ.
1. Phép nghịch hợp: Một phép tu từ trong tiếng Anh - Bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều từ gần như đối nghĩa nhau để tạo ra một từ có nghĩa. Ví dụ: Tủ lạnh ấm.