Có vẻ như hắn cũng không quá ngạc nhiên trước việc đó. Hắn đã lường trước được rằng rất có khả năng hắn trở về chỉ để nhận ra là mình đã bị mất bộ sưu tập tem, có thể chúng bị một hoặc một vài người khách không mời mà đến của hắn lấy đi. Cảnh sát có thể đã tịch thu sung công chúng, nhưng hắn nghĩ nhiều khả năng hơn là chúng đã bị Al, hoặc là ai đó mà Al phái đến lấy mất. Họ có thể bắt gặp những cuốn anbum và cũng có đôi chút hiểu biết về thị trường trao đổi những bộ sưu tập nên cũng biết được giá trị của chúng. Cho dù là ai đã lấy đi chăng nữa thì rõ ràng là họ cũng đã rất may mắn tìm thấy mười xen trên tờ đô la, nhưng nếu vậy thì người đó cũng phải chấp nhận nguy cơ mắc chứng sa ruột để lôi được mười cuốn anbum to đùng đó ra khỏi tòa nhà và rồi tìm đến một nhà buôn tem không mấy kỹ tính nào đó để thực hiện một cuộc mua bán
có lời.
Nếu đúng người của Al lấy và làm như vậy thì có nghĩa là những con tem của hắn đã ra đi mãi mãi. Còn nếu cảnh sát đang giữ chúng, thì cũng vẫn là chúng đã ra đi, kết quả đối với hắn vẫn chỉ có thế. Nhưng với cảnh sát thì có thể chúng sẽ bị giam cầm suốt hai mươi năm đâu đó trong một tủ tài liệu lưu giữ hồ sơ và bằng chứng của các vụ án, nơi mà hơi nóng, độ ẩm và sâu mọt rồi ô nhiễm không khí sẽ phá hủy chúng; và cơ hội để chúng có thể quay trở về với tư cách là tài sản của Keller, thậm chí là bằng một phép lạ nào đó khiến cho cái gã ở Des Moines bị bại lộ và sụp đổ rồi thú nhận mọi hành vi của mình, bao gồm cả việc đã giăng bẫy Keller, thậm chí là nếu điều đó có xảy ra đi chăng nữa - mặc dù hắn biết rất rõ rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra và không bao giờ có thể xảy ra, thì hắn cũng sẽ không bao giờ còn được thấy bộ sưu tập tem của mình.
Chúng đã ra đi. Sự thực là như vậy. Và Dot cũng vậy. Đó hoàn toàn là những điều mà hắn không mong muốn, hắn đã mong rằng trong phần đời còn lại của mình, hắn sẽ vẫn có Dot như một người bạn. Vì thế, hắn thực sự bị choáng váng và buồn bã khi biết sự ra đi của cô, và đến bây giờ hắn vẫn còn cảm thấy rất buồn, có lẽ là hắn sẽ vẫn còn cảm thấy như vậy thêm một thời gian dài nữa. Nhưng hắn sẽ không xử sự trước sự ra đi của cô bằng cách thu mình vào trái banh. Hắn vẫn tiếp tục sống, bởi vì đó là những gì bạn làm, và phải làm. Bạn chỉ còn cách tiếp tục sống.
Những con tem thì không thể nào chết được, nhưng chúng chắc chắn đã bị mất, không còn nghi ngờ gì nữa, và cũng chẳng có cách nào để giảm bớt ảnh hưởng của sự mất mát này đối với hắn. Chúng đã ra đi, một thời gian, và cho đến khi tất cả kết thúc. Hắn sẽ không có cách nào lấy lại được chúng, cũng như hắn không thể nào làm cho Dot sống lại. Chết vẫn là chết, và xét cho cùng thì ra đi mãi mãi vẫn là ra đi mãi mãi.
Và còn gì nữa đây?
*
* *
Máy vi tính của hắn cũng đã biến mất. Cảnh sát chắc chắn đã lấy nó đi ngay mà không cần phải đắn đo suy nghĩ gì, và thậm chí có lẽ là ngay lúc này các chuyên gia kỹ thuật vẫn đang miệt mài làm việc với cái ổ cứng của hắn, cố gắng lấy ra những thông tin trong đó nhưng chắc là sẽ chẳng có tiến triển gì. Nó là một chiếc máy tính xách tay, một chiếc MacBook, tốc độ xử lý nhanh, tiện lợi và dễ sử dụng, nhưng hắn đã luôn cố gắng để giữ sao cho không có bằng chứng buộc tội nào lưu trong đó cả, và nếu muốn thay thế nó thì hắn chỉ cần duy nhất một thứ là tiền.
Máy trả lời điện thoại tự động của hắn giờ chỉ còn là những mảnh vụn trên sàn nhà, điều đó giải thích tại sao nó lại không thể trả lời khi hắn gọi về. Hắn tự hỏi không hiểu chiếc máy này đã làm gì để người ta tức đến mức đập nát nó ra như thế. Có thể là ai đó muốn ăn trộm nó nhưng rồi nhận ra rằng nó chẳng giá trị đến mức phải làm thế và ném thẳng nó vào tường cho hả giận. Xem nào, bây giờ hắn sẽ làm gì? Hắn sẽ chẳng cần bận tâm đến việc thay một cái máy mới, vì sẽ chẳng còn cuộc gọi nào cho nó trả lời, và cũng không có ai để lại lời nhắn cho hắn nữa.
Cái máy điện thoại không phải là thứ duy nhất nằm trên sàn nhà. Còn có những thứ trong ngăn kéo và trong tủ đồ của hắn, đồ đạc trong mấy ngăn kéo đựng quần áo cũng đã bị lục tung lên, nhưng theo như hắn quan sát thấy thì hình như không có gì bị lấy đi, tất cả quần áo của hắn vẫn còn nguyên. Hắn lấy đi một vài thứ, mấy chiếc áo sơ mi, quần soóc và đồ lót, một đôi giày đế mềm, và một vài thứ mà hắn nghĩ là có thể dùng đến trên con đường đi tới bất kỳ nơi nào mà hắn sẽ đi những ngày tới. Bây giờ thì, hắn nghĩ, những con tem của hắn hoặc những con tem đã không còn là của hắn… Cuối cùng hắn đã tìm được một lý do khác để dùng đến cái túi vải len thô ngớ ngẩn đó, và quay đến chỗ tủ đồ để tìm nhưng cái thứ chết tiệt đó cũng đã biến mất.
Ừ, mà đúng là phải thế, hắn nghĩ. Mấy thằng cha chết bằm đó chắc chắn phải cần cái gì để mang những cuốn anbum đi chứ, mà chúng thì làm sao biết trước được là phải mang theo một cái túi nào đó để chứa đồ bởi vì chúng chỉ nghĩ đến việc lấy bộ sưu tập tem đó đi khi mà chúng nhìn thấy nó. Vì vậy, chúng sẽ phải tiếp tục tìm cho đến khi thấy cái túi vải để mang nó đi.
Dù sao đi nữa thì hắn cũng không còn cơ hội để nhồi nhét cái gì vào cái túi vải đó nữa. Hắn đành miễn cưỡng lấy một cái túi xách dùng khi đi mua sắm.
Hắn đặt cái túi xuống và tìm trong ngăn kéo để dụng cụ dưới nhà bếp một cái tua vít, hắn dùng nó mở một cái hộp công tắc ở tường nhà tắm. Nhiều năm về trước, khi Keller chưa chuyển đến căn hộ này, hắn biết chắc rằng đã có một bộ phận cố định dùng để lắp đèn quạt gì đó ở trên trần phòng ngủ nhưng người thuê phòng trước đó đã tìm cách tháo bỏ nó đi. Công tắc của nó ở trên tường thì vẫn còn, tất nhiên là chẳng có tác dụng gì cả, và Keller đã thường xuyên nhìn thấy nó đến mức nhiều lúc quên mất, hắn quen tay ấn cái công tắc chẳng để
Khi hắn mua lại được căn hộ đó và trở thành người chủ thực sự chứ không còn là người thuê nhà, hắn đã nghĩ đến việc thuê dịch vụ sửa nhà để cải thiện tình trạng đó, và hắn đã tháo cái hộp công tắc ra, định bụng sẽ nhồi một đống bùi nhùi thép vào trong đó rồi chít lại và sơn cho phù hợp với màu của bức tường xung quanh. Nhưng ngay khi mở nó ra hắn đã nhận ra rằng đó là một nơi cất giấu lý tưởng và kể từ đó nó trở thành quỹ tiền mặt dự phòng trong trường hợp cấp bách của hắn.
Số tiền vẫn nằm yên đó, hơn hai trăm đô la một chút. Hắn đặt lại cái hộp công tắc, tự hỏi không biết mình còn mất thời gian với việc đó làm gì. Hắn sẽ chẳng bao giờ quay lại căn phòng này nữa.
Hắn đã không mất thêm thời gian để đặt lại mấy ngăn kéo tủ quần áo hoặc dọn dẹp cái đống lộn xộn mà những vị khách không mời kia bỏ lại. Hắn cũng không xóa đi những dấu vân tay hắn vừa để lại trong phòng. Đó là căn hộ của hắn, hắn đã sống trong đó bao nhiêu năm nay, và dấu vân tay của hắn có ở khắp mọi nơi, bây giờ xóa đi thì ích gì? Có cách nào xoay chuyển được tình hình không?
*
* *
Khi Keller đến hành lang thì Neil đang đứng ở lối đi phía bên trái cửa ra vào, hai tay chắp ra sau lưng, mắt hướng về một nơi xa xăm nào đó, hình như là ở khoảng tầng bảy của tòa nhà bên kia đường. Keller thử nhìn sang đó và chỉ có một vài ô cửa sổ còn sáng đèn nhưng ánh sáng rất mờ và yếu vì thế khó mà có thể đoán được có cái gì ở đằng xa kia lại có thể hấp dẫn người đàn ông này đến vậy. Keller cho rằng vấn đề quan trọng không phải là anh ta đang nhìn cái gì mà vấn đề là anh ta đang không thèm quan tâm đến cái gì, và trong trường hợp này đó chính là Keller.
Vâng, thưa ngài sỹ quan, tôi không hề để mắt đến người đàn ông đó.
Ánh mắt của anh chàng gác cửa này tỏ vẻ không muốn nói chuyện nên Keller cũng đi qua trước mặt anh ta mà không thèm nói một lời nào, một tay xách chiếc túi mua đồ, hắn cảm nhận thấy rõ ràng áp lực của khẩu Sig Sauer tỳ lên lưng hắn. Hắn đi bộ về phía góc phố và đội chiếc mũ Homer Simpson ngay sau đó như thể từ giờ phút này hắn sẽ hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt của Neil.
Đến dãy phố tiếp theo hắn dừng lại một lúc để xem một đội tịch thu xe gồm hai người đi xe tải đang chuẩn bị lôi chiếc Lincoln Town đi. Đã không còn được bảo vệ bởi tấm biển DPL hoặc thậm chí bây giờ không có một tấm biển nào trên mình mà lại đỗ quá gần lề đường và ngay trước vòi nước cứu hỏa, chiếc xe đã trở thành một ứng cử viên sáng giá cho việc bị lôi đi, và chẳng mấy chốc nó sẽ trên đường bị dẫn giải tới bãi đỗ dành cho xe bị sung công.
Vẻ mặt hớn hở của Keller lúc này thật khó mà giải thích được. Nhưng hắn biết là có một từ tiếng Đức - Schdenfreude (cười trên nỗi đau của người khác) - có thể diễn tả đúng những cảm giác của hắn lúc này; nó có nghĩa là cảm thấy sung sướng vui vẻ trước những đau khổ bất hạnh của người khác, và Keller không dám khẳng định đó là một cảm giác đúng đắn của con người.
Nhưng hắn vẫn cứ thấy mình cười sung sướng, mãn nguyện suốt dọc đường ra xe, và mới chỉ vài phút trước đây hắn thậm chí đã tự đày đọa bản thân rằng có thể hắn sẽ không bao giờ còn cơ hội để cười nữa. Schdenfreude (cười trên nỗi đau của người khác), hắn chỉ có thể kết luận được rằng, dù sao thì cũng tốt hơn là no fredue (không cười) gì cả.
*
* *
Cây cầu và những đường hầm chỉ thu phí của những chiếc xe đi vào Manhattan. Tức là nếu muốn vào trong bạn sẽ phải mất sáu đô la nhưng khi đi ra thì bạn lại không mất gì. Điều đó sẽ giúp giảm bớt một nửa trạm thu phí cần thiết trên tuyến đường này, nhưng theo Keller thì có một nguyên nhân sâu xa ẩn sau quyết định thu phí đó. Sau khi đến thăm quan một thành phố lớn nhưng lại tồi tệ như vậy thì liệu có được bao nhiêu người khách du lịch còn đủ tiền để mua vé ra khỏi đó?
Nhưng điều quan trọng nhất với hắn lúc này là sẽ bớt đi được nguy cơ để một người khác thấy mặt hắn. Hắn rời khỏi thành phố qua đường hầm Lincoln và dừng lại ở nơi đầu tiên mà hắn cảm thấy thuận tiện nhất ở phía Jersey để tháo tấm biển DPL ra bởi vì ra khỏi thành phố này thì nó sẽ lại thu hút những sự chú ý không cần thiết. Hắn chưa thể tính trước được sẽ cần dùng nó trong trường hợp nào tiếp theo nhưng có vẻ như vứt nó đi thì cũng thật lãng phí, vì thế hắn cất nó vào thùng xe, cạnh chiếc lốp dự phòng.
Hắn tự hỏi không biết liệu người chủ của chiếc xe Lincoln Town trắng bóng kia có còn cơ hội tái ngộ chiếc xe của mình không và không biết sự biến mất của chiếc xe đó có trở thành một vấn đề mang tính quốc tế không. Nhưng có lẽ là hắn sẽ đọc được điều gì đó về việc này trên báo.
*
* *
Bây giờ hắn lái xe một cách vô định hướng, nhưng cuối cùng hắn cũng phải dừng lại để tự hỏi mình xem hắn định đi đâu. Và lúc đó nơi duy nhất hắn có thể nghĩ ra là nhà nghỉ ven đường Gujarati ở Pennsylvania mà hắn đã nghỉ đêm hôm trước. "Lại là tôi đây!" hắn sẽ nói như vậy và rồi cô gái da màu mảnh khảnh trong bộ đồng phục của một trường trung học tôn giáo kia sẽ lại cho hắn đăng ký phòng mà chẳng mấy chú ý đến hắn giống như lần đầu tiên. Nhưng hắn có thể tìm lại chỗ đó được không? Nó nằm ở ven đường 80, hắn nhớ rất rõ điều đó, và hắn có thể nhận ra được lối rẽ vào đó khi đến gần, nhưng...
Nhưng đó không phải là một ý hay, hắn chợt nhận ra.
Chính sự quen thuộc sẽ khiến người ta phải chú ý. Hắn đã nghỉ tại đó một lần, và không gặp trở ngại gì, vì vậy hắn mới cho rằng nơi đó là an toàn. Nhưng giả sử như cô gái đó - người đã không mấy chú ý đến hắn lúc đăng ký - sau đó đã bắt gặp bức ảnh truy nã của hắn sau khi hắn đi khỏi, và giả sử như điều đó sẽ gióng lên một hồi chuông trong đầu cô gái, một hồi chuông còn rõ ràng hơn tiếng kêu leng keng của chiếc rèm cửa kết bằng chuỗi hạt kia và làm thức tỉnh một điều gì đó thì sẽ thế nào. Lúc đó hẳn nhiên cô gái sẽ không mất công mà gọi cảnh sát làm gì vì dù sao thì người đàn ông kia cũng đã đi rồi, và cũng có thể cô sẽ cho rằng đó chỉ là một sự giống nhau ngẫu nhiên đến kỳ lạ giữa người khách của cô với người đàn ông trong bức ảnh. Cô cũng có thể sẽ nhắc đến việc đó với cha mẹ mình, nhưng cùng lắm mọi việc cũng sẽ chỉ diễn ra như thế.
Trừ khi hắn tỏ ra là một tên khùng không biết suy nghĩ và lại xuất hiện trước mặt cô thêm một lần nữa, cho cô gái thêm một cơ hội để được nhìn rõ mặt hắn hơn và để khẳng định chắc chắn những nghi ngờ của mình lần trước. Và có thể việc đã nhận ra hắn được biểu hiện ra trên khuôn mặt cô gái, bất chấp một điều rằng khuôn mặt của người châu Á rất ít biểu đạt cảm xúc, và trong trường hợp này hắn buộc phải làm một điều gì đó ngay lập tức. Hoặc cũng có thể khuôn mặt cô gái sẽ không biểu hiện gì cả, cô vẫn cho hắn đăng ký phòng, vẫn chúc hắn một buổi tối tốt lành nhưng cô sẽ vớ ngay lấy cái điện thoại khi hắn vừa bước ra khỏi văn phòng của cô.
Hơn nữa, bây giờ cũng đã là hai giờ sáng, và sẽ phải mất ít nhất bốn tiếng nữa hắn mới có thể đến được nhà nghỉ đó. Vẫn có những người khách lái xe suốt đêm và đăng ký phòng vào lúc sáng sớm, nhưng không nhiều người làm vậy, bởi vì như vậy họ sẽ vấp phải vấn đề thời gian trả phòng của nhà nghỉ, thường bạn sẽ phải trả phòng muộn nhất là vào lúc trưa. Vì vậy mà bất cứ ai đến đăng ký phòng vào lúc sáu, bảy giờ sáng thì đều buộc người ta phải chú ý nhiều hơn bình thường, ngoài ra còn phải mất thêm thời gian nói chuyện về thời gian trả phòng và yêu cầu trả thêm tiền cho đêm thứ hai, và ...
Thôi, bỏ qua. Đó đúng là một ý kiến tồi, không còn gì phải bàn, mà cho dù nó có là một ý hay đi chăng nữa thì bây giờ sự hấp dẫn duy nhất của nó - chính là sự quen thuộc đối với hắn - cũng đã trở nên không còn thuyết phục như trước.
Vậy hắn có nên rẽ ngay vào nhà nghỉ ven đường đầu tiên mà hắn thấy không? Bây giờ cũng muộn rồi, và hắn đã trải qua một ngày dài mệt mỏi, biết đâu hắn sẽ suy nghĩ sáng suốt hơn sau một đêm ngon lành?
Dù sao thì hắn vẫn đang ở rất gần New York. Lúc trước, khi hắn vẫn còn nhắm thẳng về hướng đông thì càng tới gần New York hắn càng cảm thấy an toàn. Nhưng bây giờ New York làm hắn cảm thấy đầy hiểm nguy và hắn sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu hắn ở càng xa New York càng tốt.
Hắn có nên ăn gì không? Hoặc hớp một vài ngụm cà phê?
Hắn đã không ăn gì kể từ sau túi bỏng ngô ở rạp chiếu phim, nhưng hắn cũng không cảm thấy đói. Hắn cũng không thấy cần hay thèm cà phê. Và khi hắn cảm thấy mệt mỏi các dây thần kinh căng ra thì hắn cũng không thể ở cái trạng thái mà người ta gọi là buồn ngủ.
Một bãi nghỉ đỗ xe hiện ra trước mắt, hắn rẽ vào và đỗ xe. Tòa nhà nhỏ đã khóa cửa lúc đêm khuya, còn khu đỗ xe thì vẫn rất vắng vẻ, hắn tiểu vào bụi cây rồi quay lại xe. Hắn ngồi thật thoái mái trước bánh lái và nhắm mắt nhưng chỉ một hai giây sau là mắt hắn lại mở thao láo. Hắn cố thử một lần nữa nhưng vẫn không kết quả gì. Hắn quyết định từ bỏ ý định đó, lại xoay chìa khóa điện, lùi xe khỏi bãi đỗ và lái đi.