Quái khách muôn mặt Hồi 7


Hồi 7
Gia đình lại đoàn tụ

Mặt trời vừa mọc ở phương đông. Gió bể thổi vào thật mát dịu. Trên núi Lao Sơn đang ngắm buổi bình minh, có một thiếu niên công tử, anh tuấn tuyệt vời, đang đi lại ở trên đó. Hai mắt nhìn ra bể, tỏ vẻ buồn bực và lo âu, đôi mày cau lại, hình như đang nghĩ ngợi vì một việc gì khó giải quyết vậy.

 Không cần nói rõ quý vị đã biết chàng ta là Long Uyên rồi. Từ khi về tới núi Lao Sơn, mong được đoàn tụ với gia đình. Nhưng ngờ đâu cảnh vật vẫn như cũ mà người thì thay đổi hẳn. Chính cái lầu hồng đều nguyên vẹn nhưng người trong lầu đã dọn đi đâu?

 Lòng mong mỏi cùng hy vọng của Long Uyên đều tiêu tan hết nhưng chàng vẫn không nản chí, lục soát lại lần nữa. Rốt cuộc chàng đã tìm ra được một chút manh mối ở trong lầu thứ bảy. Manh mối đó là chàng trông thấy trong một căn phòng còn để những hành lý và chăn gối, đồ dùng, thức ăn đều có. Hiển nhiên người đó mới bỏ đi không lâu, nhưng thế nào cũng phải quay trở lại. Chàng quyết tâm ở đó đợi chờ. Chàng đoán chắc người đó, dù thân hay sơ thế nào cũng biết đôi chút tin tức về các người thân yêu của chàng.

 Nhưng chàng đợi đã ba ngày liền vẫn không thấy người nọ quay trở lại. Chàng có vẻ nản chí và cảm thấy trong lòng không yên. Chàng sống ở nơi đó từ hồi còn nhỏ, nhưng vì quá bé nhỏ nên chàng không hiểu rõ chuyện của gia đình.

 Từ năm lên sáu trở đi, chàng bị người ta bắt cóc đem đi, rồi trôi ra ngoài côn đảo. Vì vậy, chàng chưa hề được gặp lại người nhà.

 Thậm chí cả những người ở Trung Nguyên này.

 Nếu bây giờ chàng đường đột bỏ đi, trái đất rộng thênh thang như thế này, biết đi đâu mà tìm kiếm cha mẹ và các bác? Vì thế chàng mới khó xử và do dự, không sao quyết định được. Còn một việc nữa chàng ở trên đại lục này mới có ba ngày mà trong một thời gian ngắn ngủi như vậy, chàng đã cảm thấy Vân Tuệ đối với chàng quan trọng như thế nào. Chàng cần có Vân Tuệ, ở cạnh mình luôn luôn.

 Ba ngày hôm nay những bữa ăn của chàng đều có lương khô do tay Vân Tuệ làm ra. Nếu ăn hết chỗ lương khô này mà vẫn chưa tìm thấy người nhà, thì biết làm sao đây? Có lẽ chỉ có một cách là đi hái những trái cây dại mà ăn thôi, vì chàng chưa hề biết thổi cơm và giặt giũ quần áo bao giờ. Lúc này vắng Vân Tuệ, chàng mới nhận thấy khó chịu vô cùng.

 Ngày hôm thứ hai, chàng đã thử nấu cơm xem, nhưng không hiểu tại sao, nồi cơm vẫn không chín được. Quần áo giặt mãi cũng không sạch, chàng đã vò đến rách. Vì vậy chàng cứ nhìn ra ngoài khơi, nhìn về phía côn đảo lòng vọng tưởng đến Vân Tuệ. Hình bóng của Vân Tuệ đã chiếm gần hết tim chàng rồi. Tiếng nói, tiếng cười của nàng cứ hiện lên trong đầu óc chàng luôn luôn! Chàng cảm thấy lúc này nếu Vân Tuệ ở bên cạnh thì hạnh phúc biết bao!

 Nếu cô nàng ở cạnh, cái gì cũng tươi đẹp, vui vẻ. Vì thế mà chàng nhớ nhung đau khổ.

 Chàng đoán chắc khi nàng nghe Lý Thất kể cho nghe, chắc thế nào nàng cũng tới đây ngay để an ủi chàng. Nhưng sự thật đã chứng minh là không tới đây kiếm chàng, nàng không coi chàng vào đâu, và nàng không muốn gặp người nhà của chàng.

 Như vậy hiển nhiên nàng không muốn ở cạnh chàng nữa. Chàng càng nghĩ càng đau lòng. Chàng đang nghĩ vớ nghĩ vẩn thì bỗng nhiên thấy một người ở trên mỏm núi chạy xuống. Chàng nhanh nhẹ bay xuống ngăn cản lối đi của người ấy.

 Thì ra người nọ vừa lên tới đỉnh núi; bỗng thấy có một người đứng ở mép núi đang nhìn lên trên không và rú lên, khiến cho y bị đinh tai nhất óc. Y lại tưởng là ma quỷ, nên mới hoảng sợ, bỏ chạy xuống núi như vậy. Ngờ đâu, chỉ hoa mắt một chút đã thấy có một người ngăn cản lối đi rồi. Y càng kinh hãi thêm lên hoảng sợ đến mất cả hồn vía, hai chân mềm nhũn, liền quỳ ngay xuống.

 Long Uyên nhanh mắt nhận ra người đó chính là Long Ngũ, một lão bộc của gia đình mình. Chàng biết người đầy tớ già ấy quá hoảng sợ, nên chàng vừa nhìn y vừa mỉm cười, nhưng lại rất phấn khởi mà đỡ y dậy mồm thì hỏi :

 - Bác! Bác có phải là Long Ngũ không? Sao bác không nhận ra tôi? Tôi Uyên nhi đây mà!

 Người đó quả là Long Ngũ nghe hỏi liền ngửng mặt lên nhìn trông thấy thiếu niên anh tuấn này quả thật hao hao giống cậu ấm. Nhưng mười lăm năm về trước, cậu ấm bị người ta bắt cóc và từ đó đến nay biệt âm vô tăm tích, tại sao hôm nay lại xuất hiện ở nơi đây? Y không dám tin vội giơ tay lên dụi mắt.

 Y lại nghe Long Uyên hỏi tiếp :

 - Long Ngũ! Bác đừng nghi ngờ gì nữa! Tôi Uyên nhi đã về đây! Lão gia cùng thái thái mấy người ở đâu? Các người... dọn đi đâu rồi? Sao chỉ có một mình bác ở lại đây trông nom nhà cửa?

 Lúc này Long Ngũ đã trông thấy rõ rồi. Quả thật thiếu niên đứng trước mặt mình đây là Uyên thiếu gia chứ không sai. Y mừng rỡ vô cùng, ứa nước mắt ra, vì người nhà họ Long, cả chủ lẫn tớ, ai ai cũng quý trọng Long Uyên như một báu vật vậy. Chàng bị mất tích hơn mười năm nay, mà cả những đầy tớ con sen, ngày đêm cũng đều thương nhớ chàng.

 Bây giờ, Long Ngũ đột nhiên thấy tiểu chủ nhân đột nhiên xuất hiện, y không mừng rỡ và ứa nước mắt sao được!

 Long Uyên không biết cha mẹ và các bác mình sống chết ra sao, trông thấy mặt người đầy tớ này đã vội hỏi. Nhưng chàng bỗng thấy Long Ngũ ứa nước mắt ra khóc. Chàng cả kinh, lại tưởng cha mẹ và các bác mệnh hệ nào, nên chàng vội nắm chặt hai tay Long Ngũ, vội hỏi :

 - Long Ngũ, lão gia và thái thái các người đâu? Có lẽ đã có sự gì không may chăng?

 Chàng quên là mình có võ công tuyệt thế, hai tay cứ nắm chặt lấy tay của Long Ngũ, như vậy lão bộc làm sao mà chịu nổi? Chỉ thấy tiếng kêu “ối chà” mấy tiếng, mặt biến sắc, mồ hôi lạnh toát ra như mưa, mồm cứ kêu la hoài.

 - Thiếu gia buông tay!... Già này chịu không nổi!...

 Lúc ấy, Long Uyên mới phát giác, cười khì một tiếng, vội buông tay ra. Long Ngũ mặt cau có, quên cả lau mồ hôi, vội xuýt xoa hai tay, mồm kêu đau hoài.

 Long Uyên áy náy vô cùng, vội xoa bóp hộ người đầy tớ già đó và một mặt hỏi tình hình của cha mẹ và các bác mình.

 Long Ngũ thấy thái độ của Long Uyên nóng nảy như vậy không khác gì hồi còn nhỏ, nên y vừa xuýt xoa vừa kể lại tình hình của gia đình chàng trong mấy năm gần đây như thế nào cho chàng nghe.

 Thì ra từ khi Long Uyên đột nhiên mất tích, nửa năm sau quý vị lão gia đã có bảy người đau ốm. Người nào người nấy đều đau lòng hết sức vì tưởng là chàng đã chết rồi.

 Long Chí Tri là người lạc quan nhất và giỏi về tướng số y lý, biết chàng chỉ có kịch hiểm chớ không việc gì tới bản mệnh, sau này thế nào cũng làm nên. Ông vội chữa bệnh cho các người anh, và một mặt giảng giải cho các người anh đó khỏi phải đau lòng.

 Chí Dũng là một vị hiệp sĩ trong võ lâm, tuy quy ẩn ở trong gia đình, nhưng tính vẫn hào phóng như xưa.

 Tất nhiên, ông ta cũng nhớ con, nhưng ông ta biết Long Uyên cốt cách rất thanh kỳ, thế nào cũng thoát hiểm được và còn có duyên kỳ ngộ là đằng khác. Vì vậy ông ta mới yên tâm phần nào mà giúp đỡ người anh thứ bảy là Chí Tri hầu hạ trông nom các người anh đang đau ốm. Dần dần, bảy ông già họ Long đã lành mạnh hết, nhưng vì ốm một trận như vậy, người nào người nấy đều suy nhược hết.

 Chí Tri thương lượng với Chí Dũng nên dọn về nhà cũ ở thì hơn, để tránh cho các người anh già nua khỏi phải ngày ngày trông thấy những cảnh vật làm cho họ lúc nào cũng tưởng nhớ đến Uyên nhi. Hơn nữa, ở bờ bể gió bể quá mạnh làm các ông già chịu đựng không nổi.

 Chí Lễ đồng ý. Thế rồi, năm sau, tức là ngày Long Uyên đã rời khỏi gia đình chàng được hai năm, thì nhà họ Long đã dọn vào trong thành ở, chỉ để có một mình lão bộc ở lại trông nom nhà cửa thôi.

 Mấy năm gần đây, cửu lão của nhà họ Long tuổi tác đều già nua, nhưng nhờ có Chí Tri trông nom thuốc thang cho, nên người nào người nấy vẫn còn mạnh khỏe.

 Long Uyên nghe nói mừng rỡ vô cùng, liền hỏi địa chỉ ở đâu? Long Ngũ mừng rỡ, vội đáp :

 - Xin thiếu gia đợi chờ một lát, tháng này đến phiên lão bộc ở đây trông nom, để lão bộc xếp đặt đôi chút rồi đưa thiếu gia đi về đằng nhà ngay.

 Long Uyên nóng lòng sốt ruột, chỉ muốn về tới nhà ngay, nhưng thấy thái độ của Long Ngũ thành khẩn như vậy, chàng phải chịu chờ đợi y xếp đặt đồ đạc quần áo.

 Sự thực, Long Ngũ có xếp đặt gì đâu, chỉ để quần áo của mình vừa đem xuống và cất những lương thực vào trong tủ đấy thôi.

 Thế rồi hai người vội vàng xuống núi. Suốt dọc đường, chàng vừa đi vừa hỏi thăm Long Ngũ về những chuyện sau khi mình đi, rồi ở nhà các người như thế nào?

 Tha hồ cho chàng nóng lòng hỏi vội đến đâu, nhưng Long Ngũ vẫn cứ thủng thẳng đáp. Long Uyên hỏi địa của nhà ở đâu để đi một mình về trước, Long Ngũ trả lời :

 - Xa lắm, thiếu gia cứ theo lão bộc mà đi. Trưa ngày mai thế nào cũng về tới nhà. Bằng không chúng ta xuống tới dưới núi thuê một chiếc xe lừa thì may ra đến canh ba đêm nay sẽ về tới...

 Long Uyên thấy lão bộc nói như vậy càng nóng lòng sốt ruột thêm, chàng chỉ muốn vài ba bước là về tới nhà ngay. Nên chàng vừa bực mình vừa bực tức cười suy nghĩ giây lát liền hỏi tiếp :

 - Long Ngũ, thế này vậy, bác cứ nói cho tôi biết địa chỉ để tôi về trước còn bác xuống núi thuê xe tìm hai người phụ đem những hành lý của tôi để ở trên phòng lão gia xuống rồi đem cả về nhà cho tôi.

 Nói xong, chàng nhét một nén bạc vào trong tay Long Ngũ, Long Ngũ suy nghĩ một hồi rồi đáp :

 - Thưa thiếu gia, nhà của chúng ta ở phía tây thành Chức Mạc, ngay chỗ chân thành, dễ kiếm lắm, lão bộc chỉ sợ thiếu gia không biết đường lối thôi.

 Long Uyên nghe thấy mới hay Long Ngũ coi mình như đứa trẻ lên ba liền mỉm cười vội nói át giọng y liền :

 - Không sao, bác cứ nghe lời tôi mà làm nhất định không sai đâu.

 Nói xong, chàng không đợi cho Long Ngũ trả lời đã giở khinh công tuyệt học ra đi nhanh như một luồng gió tiến thẳng về phía tây tức thì.

 Long Ngũ vẫn tưởng chàng là đứa nhỏ, sợ chàng lạc lối đang định phản đối, ngờ đâu y chỉ hoa mắt một cái thì không trông thấy hình dáng bóng của chàng ta đâu nữa. Y hãi sợ vô cùng lại tưởng là ban ngày ban mặt trông thấy ma lại ngẩn người ra giây lát, nhưng y thấy thoi bạc trong lại là thoi bạc thực, y lại vội lên trên núi tức thì.

 Y chạy một hơi thẳng lên trên lầu của Chí Dũng vào tới trong phòng quả thấy trong đó có rất nhiều hành lý.

 Lúc ấy y mới bán tín bán nghi, ngồi nghĩ chốc lát rồi mới theo lời dặn bảo của Long Uyên xuống núi thuê xe và phu lên khuân hành lý...

 Hãy nói Long Uyên đã biết người nhà vô sự và biết rõ địa chỉ rồi chàng phấn khởi vô cùng. Lúc này chàng đã giở hết tốc lực của khinh công tuyệt đỉnh ra. Chàng không đi đường cái mà chỉ xuyên qua đường núi tựa như sao sa điện chớp ban ngày ban mặc dù người có trông thấy chỉ tưởng là một luồng khói chứ không tưởng là người.

 Chàng chạy một hơi thẳng về phía tây không bao lâu đã tới cánh đồng bằng và xa xa đã trông thấy một thành trì nho nhỏ rồi. Chàng nóng lòng về nhà cũng không nghĩ gì đến người đời kinh hoàng cứ tiếp tục giở khinh công ra đi tiếp, sau cùng ngày càng thấy nhiều người và cách thành trì không xa chàng mới đi chậm lại.

 Chức Mạc là một đô thị của nhà Tề xưa kia, thành trì rất cổ kính nhưng không kém hùng vĩ và nơi đó còn lại rất nhiều cổ tích.

 Tuy Long Uyên rất bác học, nhưng vì bình sinh chưa bước chân vào phố của người đời bao giờ. Bây giờ mới thấy thành cổ ở trước mặt và thấy cửa chen chúc có các thứ người một nơi chàng càng phấn khởi thêm.

 Chàng tư từ đi vào trong phố trông thấy những thương điếm ở hai bên đường nhiều như những cây ở trong rừng vậy. Những người buôn bán đi lại mỗi người làm một nghề không ai giống ai. Các người ấy thấy chàng là một thanh niên phong lưu tuấn tú như vậy ai nấy cũng đều khen ngợi và trố mắt lên nhìn. Chàng mới gặp người đời lần đầu, thấy mọi người nhìn mình như thế hổ thẹn vô cùng, hai má đỏ bừng.

 Một hồi lâu chàng mới quen dần chàng mới nhận xét thấy đi trong đám đông mình không nhìn người, người cũng nhìn mình, nhưng cái đó không lấy gì làm lạ hết. Chàng tìm một tên bán hàng rong hỏi thăm địa chỉ. Tên bán hàng rong thấy chàng hỏi thăm nhà họ Long liền chỉ cho chàng biết ngay và còn định đưa chàng đi.

 Thì ra nhà họ Long ở trong thành Chức Mạc này tuy không lâu năm nhưng vì nhà cửa đồ sộ và giàu nhất nhì trong thành hơn nữa nhà họ Long có tiếng là từ tâm ưa bố thí cho những kẻ nghèo nên hễ nói đến nhà họ Long là người trong thành ai ai cũng biết liền.

 Cho nên chàng vừa hỏi người bán hàng rong kia mới chỉ đường cho là thế.

 Chàng khiêm tốn cảm ơn, nhất định không chịu để cho người đó đưa mình đi. Chàng hỏi rõ phương hướng rồi một mình đi luôn, không bao lâu đã đến phía tây thành. Xa xa chàng đã trông thấy rõ nhà cửa của mình rồi.

 Nhà của nhà họ Long rất lớn rộng, chung quanh xây bằng tường đỏ, bên trong rất nhiều cây cối và những nhà ở trong bờ tường đều xây hai tầng.

 Long Uyên xúc động vô cùng, tay run run giơ lên gõ cửa. Chàng không đợi chờ người nhà mở cửa cho mình vào đã vội hỏi ngay :

 - Cửu lão gia có nhà không? Ông ta ở từng lầu nào thế?

 Người mở cửa đó cũng là một lão bộc của nhà họ Long, trông thấy thiếu niên gọi cửa anh tuấn vô cùng và hao hao giống Uyên thiếu gia nên y trố mắt nhìn.

 Y nghe thấy Uyên nhi hỏi Cửu lão gia nên y buột miệng hỏi :

 - Thiếu gia có phải là Uyên thiếu gia đấy không? Ủa Cửu lão gia ở bên trái, Uyên thiếu...

 Y thấy Long Uyên gật đầu nhìn nhận, y càng kinh hãi thêm và chỉ chỗ ở của Chí Dũng cho chàng, và đang định hỏi thêm thì bỗng thấy bóng người thấp thoáng một cái đã mất dạng Long Uyên ngay.

 Vì vậy, y cứ đứng đờ người ra như tượng gỗ không biết nói năng gì nữa.

 Long Uyên biết cha mẹ mình ở đâu rồi, không còn thì giờ nói chuyện với lão bộc nữa, vội chạy thẳng vào bên trong đi lên tòa lầu hồng ở về phía bên trái. Chàng vừa bước chân vào trong cửa đã lớn tiếng kêu gọi :

 - Cha, mẹ, Uyên nhi đã về.

 Chí Dũng đang cùng Chí Tri đánh cờ ở trong thư phòng. Long Uyên trông thấy một ông già râu tóc hoa râm, chàng đã nhận ra là cha mình, lâu năm cách biệt bây giờ gặp lại hai cha con đều đứng ngẩn người ra không biết làm cách gì cho phải.

 Chí Dũng thấy trong sảnh có một thiếu niên anh tuấn chính là đứa con cưng của mình mất tích đã lâu năm ông ta cứ đứng đờ người ra không biết làm gì.

 Chí Tri ở bên trong bước ra thấy vậy mừng rỡ vô cùng với giọng cảm động run run hỏi :

 - Có thực... Uyên nhi con đã về đấy không?

 Cha con Long Uyên thấy Chí Tri nói như vậy mới hoàn hồn. Long Uyên la lớn một tiếng nhảy xổ lại quỳ trước mặt bác và cha dập đầu xuống đất vái lạy lia lịa mồm thì kêu lớn :

 - Uyên nhi bái lạy cha và bá phụ.

 Chàng chưa nói dứt, nước mắt đã trào ra như mưa và không sao nói tiếp được nữa.

 Chí Dũng vội cúi người xuống đỡ chàng dậy ngắm nhìn hồi lâu và ôm chàng vào lòng :

 - Con! Mẹ con nhớ con đến chết đi được...

 Ông ta cũng quá cảm động không sao nói tiếp được nữa.

 Nhưng dù sao ông ta cũng là một vị đại hiệp hào phóng hơn người nên ông ta không nói mình mà chỉ lấy vợ ra nói mà thôi.

 Ông ta nức nở một hồi rồi kéo Long Uyên đến trước mặt Chí Tri lớn tiếng cười ha hả và nói :

 - Thất ca, tiểu đệ chịu phục bói toán thần diệu của thất ca thực, thất ca xem này, Uyên nhi của chúng ta chả bình yên trở về là gì? Chắc thế nào nó cũng có kỳ ngộ gì và đã luyện thành công môn kỳ học đó cũng nên...

 Chí Tri cũng ứa nước mắt ra nắm hai tay Long Uyên ngắm nghía một hồi khiến Long Uyên ngượng vô cùng. Chí Dũng nói xong cười ha hả và tiếp :

 - Bây đâu! Mau báo cho phu nhân biết và các vị lão gia hay là Uyên thiếu gia đã về. Một lát nữa ta sẽ đưa thiếu gia sang thăm các vị lão gia. Nếu đợi không được thì mời các vị lão gia sang đây.

 Lúc ấy những con sen và vú già đã nghe thấy tiếng cười vội chạy cả ra ngoài sảnh, ai nấy đều tươi cười và vui vẻ nhìn Long Uyên. Sau nghe chủ dặn bảo, chúng điều vâng lời, vội vàng đi báo tin ngay.

 Tuy Chí Tri không biết võ học nhưng giỏi về bói toán, xem người đã nhiều, nên ông ta trông thấy Long Uyên như vậy đã biết ngay chàng đã gặp kỳ ngộ, nên có đôi mắt sáng như hai ngọn đèn, da hồng và bóng bẩy như ngọc, thân hình nở nang rất đều đặn, bất cứ so sánh với ai chàng cũng đều đặc biệt hơn hết. Có thể nói là phượng hoàng trong đám người, nếu chàng không có một hoàn cảnh ưu tú và không học cả văn lẫn võ thì làm sao được như vậy.

 Chí Tri càng ngắm cháu càng khoái chí rồi lớn tiếng cười khen ngợi rồi lớn tiếng nói tiếp :

 - Uyên nhi quả đã học thành tài, các vị huynh trưởng thấy chắc mừng rỡ lắm. Uyên nhi, mười năm nay con ở đâu thế? Con mau nói cho bá bá và cha con nghe đi...

 Long Uyên cố mãi mới nén được tình cảm của mình xuống. Chàng đưa mắt nhìn thấy bác và cha mừng rỡ như vậy, trong lòng cũng vui. Chàng đang định trả lời thì bỗng nghe thấy cầu thang có tiếng chân người nhộn nhịp và tiếng nói quen thuộc mừng rỡ và cảm động hết sức. Tiếp theo đó có tiếng người nói vọng lên :

 - Con... Uyên nhi đó à?... Con...

 Long Uyên đã nghe tiếng mẹ mình, chàng không còn nghĩ đến chuyện trả lời câu hỏi của thất bá phụ nữa, vội gọi mẹ một tiếng rồi vội chạy ra ngoài cầu thang ôm ngay một bà cụ đã gầy gò và rất hiền lành, rồi chàng mừng rỡ quá òa lên khóc.

 Bà cụ nọ tuổi đã quá ngũ tuần, đầu tóc hoa râm đủ thấy tuổi tác của bà ta còn trẻ hơn hình dáng và thái độ của bà.

 Bà cụ ấy chính là mẹ Long Uyên vì nhớ thương con suốt ngày lấy nước mắt rửa mặt nên chóng già như vậy. Tuy nước mắt nhỏ giọt mặt bà hớn hở vô cùng, với giọng nói nghẹn ngào luôn mồm gọi :

 - Con... Uyên nhi... Con...

 Rồi cứ ôm chặt lấy cổ người con vì sợ buông ra sẽ mất nó đi.

 Long Uyên gục vào lòng mẹ gọi mẹ luôn mồm, hai tay ôm lấy ngang lưng bà mẹ khóc lóc hoài.

 Chí Dũng bình tĩnh trước liền cười ha hả nói :

 - Này phu nhân, hai mẹ con thương nhau như vậy đã đủ chưa, có mau đứng dậy đi không, đại ca tới rồi đấy.

 Mẹ Long Uyên nghe chồng nói như vậy mới cảnh tỉnh. Long Uyên cũng từ từ ngửng mặt lên nhìn mẹ lại ứa nước mắt ra. Bà mẹ hiểu lòng con gượng cười dùng khăn lau chùi mắt cho con và nói tiếp :

 - Con ngoan ngoãn, con về tới đây mẹ mừng đến chết đi được. Xem con bây giờ đã lớn khôn như thế này rồi chứ có phải là hồi con còn nhỏ ưa khóc đâu?

 Nói xong bà ta khẽ vạch vào má Long Uyên chế diễu :

 - Lớn thế này mà cũng còn khóc không biết xấu hổ!

 Long Uyên mặt đỏ bừng, hai tay ôm chặt lấy mẹ lên mấy bực thang và đặt xuống giữa sảnh. Mọi người thấy chàng khỏe mạnh như vậy đều giật mình kinh hãi, khi đặt mẹ xuống đại sảnh mới hay mình đã cao hơn mẹ một cái đầu.

 Bà mẹ giật mình đánh thót một cái, sau bà ta khẽ tát má Long Uyên một cái nữa hờn mà mừng nói tiếp :

 - Mười mấy năm nay không gặp được con, con đi đâu học được mấy miếng võ mang về đây dọa mẹ như vậy, có đáng đánh đòn hay không?

 Bà ta với Chí Dũng kết hôn mấy chục năm nay nhưng chưa hề học qua một miếng võ công nào, nhưng mắt thấy tai nghe nhiều, nên rất nhiều danh từ của làng võ. Chí Dũng nghe thấy vợ nói vậy không sao nhịn được cười. Chí Tri cũng vậy.

 Lúc này Long Uyên mới biết mình ẵm mẹ như thế là vô lễ hổ thẹn vô cùng bà mẹ thấy vậy biết ngay liền kéo tay chàng ngồi xuống cạnh bên :

 - Mấy năm nay con đi đâu thế? Con có được sung sướng không? Mẹ suốt ngày mong nhớ bắt cha con đi tìm kiếm, nhất là các bác từ khi con mất tích đến giờ ai nấy lần lượt đau ốm, may có bác bảy của con giỏi về y lý tinh tướng, bác ấy gieo một quẻ nhận thấy con không bị nguy hiểm và lúc trở về thế nào cũng có kỳ ngộ, chưa đến ngày giờ có đi tìm cũng không sao thấy đâu. Cha con tin lời của bác bảy nên nhất định không đi tìm kiếm con, dù mẹ có thúc giục đến đâu cha con cũng làm thinh, đấy con xem có tức đến chết đi được không? Ngờ đâu mười năm sau ngày hôm nay con đã ngoan ngoãn trở về thực lúc này mẹ mới chịu tài ba của bác bảy con.

 Chí Tri đứng cạnh nghe, ông đợi chờ Long Uyên lên tiếng đã xen lời nói :

 - Thím chín, không phải tôi nói khoác nếu ngày đó mà tôi nói sai không những thím chín không nghe, ngay đại ca, bác tư gái với nhà tôi thế nào cũng nói tôi đến chết mới thôi.

 Nói xong ông ta cười ha hả.

 Lúc ấy ngoài cửa sảnh đã có tiếng chân người đi vào nhộn nhịp và có một giọng già vừa cười vừa mắng chửi :

 - Lão thật không đáng nói hay sao? Nếu năm xưa không phải chú tự tiện cho nó đi chơi một mình như vậy thì làm gì có chuyện xảy ra như thế.

 Lúc ấy mọi người trong phòng biết đại ca đã tới, ai nấy vội đứng dậy nghênh đón. Long Uyên đứng ở đằng trước vừa trông thấy ông già nọ đã cúi mình vái chào :

 - Đại bá phụ.

 Chào xong chàng định quỳ xuống, nhưng ông già tuổi trạc bảy mươi tay cầm quảy tượng đầu tóc bạc phơ với ông già nữa cũng mặt mũi hao hao và tuổi xấp xỉ như vậy theo sau bước lên. Sau cùng là các bà già.

 Ông già ấy vừa trông thấy Long Uyên đã ngắt lời tiến lên đỡ chàng dậy và nói :

 - Uyên nhi...

 Nói xong, ông ta ngắm nhìn chàng hồi lâu, còn sáu ông già kia mười hai con mắt cũng đều nhìn vào mặt chàng, vẻ mặt tươi cười nhưng nước mắt ràn rụa.

 Chí Lễ cứ luôn nói :

 - Hay lắm, hay lắm...

 Ông ta vừa nói vừa kéo Long Uyên đi vào trong sảnh. Lúc ấy trong sảnh đã bày sẵn mười mấy cái ghế để cho các người ngồi. Chí Lễ vào ngồi cái ghế ở chính giữa và bắt Long Uyên ngồi ở cạnh mình, rồi các ông già kia lần lượt ngồi những ghế ở hai bên, Chí Lễ bảo Long Uyên bái kiến các người, nhưng không được quỳ lạy và ông ta nói tiếp :

 - Con ngoan ngoãn ra chào các bác đi nhưng không được quỳ lạy nhé? Bằng không con quỳ lạy từng người một đầu con đến rụng mất.

 Chín anh em họ Long người nào cũng thương đứa con duy nhất nối dòng nối dõi này nên ai nấy thấy Long Uyên đều vái chào, đều mừng rỡ khôn tả chỉ chào hỏi như vậy mà đã gần đến giữa trưa. Chí Lễ bảo người nhà sửa soạn cơm nước, cả nhà có tất cả mười chín người đều quây quần ngồi vào bàn to ở giữa khách sảnh. Long Uyên tay cầm ấm rượu rót rượu cho mọi người một tuần. Chí Trung phu nhân rất nóng lòng thúc giục Long Uyên nói cho mọi người biết bấy nhiêu năm nay y sống ở đâu?

 Vấn đề đó các ông già có mặt tại đó cũng đều muốn biết hết. Long Uyên bèn đem những chuyện của mình giản dị kể cho mọi người nghe, có nhiều đoạn kinh hiểm chàng sợ các ông bà già chịu đựng không nổi nên chỉ nói phớt qua thôi. Tuy vậy mấy ông bà già đã kinh hoàng trợn tròn đôi mắt, mồm há hốc tưởng tượng nghe như chuyện thần thoại vậy.

 Nếu không phải là Long Uyên kể thì không ai dám tin những lời nói của chàng là sự thực.

 Chí Tri tài trí hơn người và cũng kiến thức sâu rộng hơn, cho nên ông ta định thần trước ai hết liền lên tiếng nói.

 - Đại ca với các huynh trưởng chớ có kinh dị như vậy, phải biết Uyên nhi gặp gỡ như thế tuy trái thường lý thực, nhưng cũng đủ tỏ Uyên nhi của chúng ta là người phi phàm như thế nào. Trước kia quẻ của đệ đã đoán rõ Uyên nhi chúng ta không phải là đứa trẻ tầm thường ngày hôm nay mới biết quẻ thẻ đã ứng nghiệm.

 Mẹ Long Uyên như người nằm mơ mới thức tỉnh vội xen lời nói :

 - Con... Cô Vân Tuệ là ân nhân cứu con thoát chết, sao con không đưa cô ta về để cả nhà cám ơn cô ta.

 Chí Tri phu nhân là người rất cẩn thận, để ý lời nói của Long Uyên thấy chàng khen ngợi như vậy đã biết hai người thế nào cũng có một sự liên can mật thiết, vì vậy bà ta xen lời hỏi :

 - Phải, Uyên nhi tại sao không đem cô ta về để cho các bác xem nếu cô ta đẹp đẽ xứng đáng làm vợ con thì chúng ta cưới cô ấy cho con có phải là hơn không?

 Mọi người đều vỗ tay tán thành, Long Uyên hổ thẹn hai má đỏ bừng.

 Một lát sau chàng mới ngượng nghịu nói :

 - Thất bá mẫu!

 Rồi chàng lắc đầu tỏ ý nói Vân Tuệ không chịu về với mình nhưng chàng lại cho mọi người biết một năm sau sẽ gặp lại Vân Tuệ ở trên Hoàng Sơn.

 Chí Trung phu nhân là người nhanh nhẩu nhất thấy vậy vội nói đùa rằng :

 - Được, một năm sau để cha con đi Hoàng Sơn một phen xem, nếu hợp ý thì đưa cô ta về đây để hai con kết hôn. Còn con thì ở nhà chứ không đi được đi đâu hết.

 Các vị phu nhân đều tán thành ai ai cũng không muốn cho Long Uyên ra ngoài mạo hiểm nữa.

 Chí Lễ phu nhân lại còn nói, nhà mình giàu có như thế, Uyên nhi lại đẹp trai như vậy, chỉ đánh một tiếng một cái là không thiếu gì người đẹp đưa đến tận cửa liền.

 Lúc ấy câu chuyện của mọi người lại nói đến việc hôn nhân của Long Uyên, các ông bà già mặc kệ Long Uyên xấu hổ hay không ai nấy phát biểu ý kiến của mình.

 Chí Hiếu rất ít nói, lúc này cũng đứng dậy vuốt râu xen lời :

 - Các vị huynh trưởng nói rất phải, cổ nhân đã dạy “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” anh em chúng mình bất lực cũng may trời thương ban cho Uyên nhi để nối dõi cho họ Long nhà ta. Nghĩ đến năm xưa anh em ta vì việc thừa kế mà đã tranh luận một hồi rồi, sau quyết định tạm thời dẹp chuyện thừa kế sang một bên mà để sau này thừa kế con của Uyên nhi. Bây giờ anh em chúng ta tuổi sắp xỉ bảy mươi. Uyên nhi cũng lớn rồi, cho nên đệ chủ trương phải lấy ngay mấy người vợ cho Uyên nhi, trước là mong y đẻ nhiều con cái để duy trì thanh thế của nhà họ Long chúng ta được bảo tồn mãi mãi. Hai là để chúng ta được trông thấy con cháu nối dõi cho mình. Như vậy lúc chết đi mới khỏi làm ma cô độc ở dưới cõi âm.

 Long Uyên ngồi một bên, thoạt tiên chàng càng nghe càng hổ thẹn chỉ muốn dưới đất có lỗ hổng để chui xuống thôi, nhưng chàng thấy các vị bác vẻ mặt nghiêm nghị ai nấy còn rầu rĩ khôn tả. Lúc ấy chàng mới biết đó không phải là chuyện nói bông đùa.

 Chí Lễ là gia trưởng, nghe bát đệ Chí Hiếu nói như vậy, nghĩ ngợi giây lát rồi cũng lên tiếng :

 - Bát đệ nói rất có lý, ngu huynh cho là tốt hơn hết các anh em đồng tổng hợp sức mỗi nhà cưới một con dâu, bằng không sau này lại có sự tranh chấp. Ai oán ngu huynh hay Chí Dũng xử trí không được công bằng, nếu mỗi người cưới một nàng dâu nào đẻ con thì thừa kế cho người ấy, như vậy đã tránh khỏi được sự tranh chấp và con cháu nhà họ Long lại nhiều thêm.

 Lời nói đó, rất công bình và hợp lý ai nấy đều vỗ tay khen ngợi riêng có Chí Dũng, Chí Tri không tán thành mà thôi.

 Chí Dũng là người trong võ lâm biết người luyện võ tuy không phải cự tuyệt nữ sắc nhưng gần nhiều đàn bà không có ích lợi gì hết. Uyên nhi tuổi hãy còn nhỏ, nếu một lúc lấy chín vợ cho y, không những là thương y mà có ý giết hại là khác.

 Chí Tri chú ý đến mặt của Long Uyên hình như không tán thành lời nói của anh mình đồng thời ông ta còn biết rõ nữ sắc tai hại như thế nào. Uyên nhi cốt cách thanh kỳ, mắt có vẻ đào hoa trong đời y thế nào cũng có lắm chuyện tình duyên chứ không thể người khác làm giúp y được. Cho nên ông ta cũng không đồng ý chủ trương của người anh cả, nhưng ông ta với Chí Dũng thấy mọi người mừng rỡ như vậy không tiện làm cho mọi người cụt hứng, nên cứ làm thinh không nói năng gì hết.

 Long Uyên tuy không nói, nghe thấy mọi người định lấy chín vợ cho mình không những lòng kinh hãi và trong lòng cũng không muốn vì lúc này chàng chưa biết gì cả mà trong lòng chỉ có một hình bóng của Vân Tuệ thôi.

 Tuy chàng không dám vọng tưởng lấy nàng ta về làm vợ, nhưng chàng cảm thấy trong thâm tâm mình quả thực ngoài nàng ra không thể chứa đựng một hình bóng của thiếu nữ nào khác nữa. Nhưng lúc này chàng không tiện tỏ vẻ phản đối vội chỉ lẳng lặng làm thinh mà nghĩ thầm :

 - Nếu quả thực các bác lấy nhiều vợ cho ta như vậy thì ta biết đối phó sao đây?

 Trong bữa tiệc mọi người ăn uống hai tiếng đồng hồ mới giải tán. Các ông già bà già đều vui vẻ hy vọng mà về phòng của mình nghỉ ngơi, chỉ để lại cha mẹ Long Uyên với chàng chuyện trò thôi.

 Từ đó trở đi Long Uyên ở nhà, qua những ngày hạnh phúc, chàng đi qua các lầu vấn an các bác và lần lượt ăn cơm ở các gia đình của các bác.

 Ngày thứ ba Long Ngũ đã đem hành lý của chàng về tới. Chàng lấy hai túi châu báu ra lựa những thứ đặc biệt và đẹp đến biếu các bác, đồng thời chàng cũng thưởng cho các con sen, người giúp việc chút ít nên người nào người nấy đều mến chàng vô cùng.

 Ngoài ra chàng thấy sức khỏe của các bác rất suy nhược, liền lấy một viên Xích Long hoàn ra ngâm vào nước rồi chia cho các bác trai bác gái uống, nên người nào người nấy cũng khỏe mạnh hơn trước nhiều. Lúc thường không có việc gì chàng lại sang nhà thất bá phụ Chí Tri để học nghề tinh tướng còn y thuật thì chàng đem ra cùng Chí Tri nghiên cứu. Cho nên hai tháng sau y thuật của chàng tiến bộ hơn trước nhiều và tinh tướng thuật chàng cũng học được khá nhiều. Trong hai tháng đó chàng vẫn theo bác bảy đi chữa bệnh cho người, hoặc theo cha đi ra ngoài du ngoạn. Vì thế thành phố trước mặt ai ai cũng biết nhà họ Long có một công tử đẹp như tiên đồng nên có rất nhiều mai mối tự động đem bác tự của thiếu nữ dạm hỏi và đòi gả.

 Mẹ Long Uyên biết con trai mình mê Vân Tuệ vì thế chỉ một lòng muốn cưới nàng ta về nhà làm dâu thôi.

 Bà ta đã nói rõ cho Long Uyên biết mong y sớm mời được ân nhân Tuệ cô nương tới nhà để cám ơn.

 Long Uyên không rõ ý muốn của bà mẹ, nhưng chàng nhận lời một năm sau lên Hoàng Sơn gặp nàng về chơi.

 Vì thế mẹ chàng không nóng kiếm vợ cho chàng vội, nhưng còn tám vị phu nhân kia thì suốt ngày gặp bà mai, nghe bà mai để nghe thuyết con gái của địa chủ nào hay của quan lớn hồi hưu nào xinh đẹp. Nhưng các bà ấy không đường đột nghe lời nói của bà mai mà nhận lời ngay, vì bà nào bà nấy nhận thấy Uyên nhi của mình là “thần tiên” trên trời giáng xuống, các gái tầm thường không xứng làm vợ cũng vì thế mà các bà mới đặt tiêu chuẩn để kén vợ cho chàng.

 Thứ nhất là để cho bà mai đó xem trộm Long Uyên rồi để bà mai tự nói xem có tiểu thư mà bà mai định giới thiệu đó có xứng với chàng không? Vì vậy mà các bà lại trông thấy chàng anh tuấn như vậy, dù họ có tham tài đến đâu cũng không dám nói láo bảo cô con gái đó xứng với chàng nữa và cũng vì điều kiện ấy mà hai tháng liền trong hai mươi bà mai chỉ có một bà dám nói tiểu thư ấy xứng với chàng ta thôi.

 Còn những bà mai kia đều xem trộm chàng xong đều lắc đầu rút lui.

 Tiểu thư nọ là con gái của viên ngoại họ Đường và cũng là mỹ nhân số một của huyện Chức Mạc này.

 Trước khi Đường viên ngoại đã là tri phủ. Kể ra ông ta là đồng liêu với Chí Tri nữa. Ông ta đến tuổi già mới sinh được một cô gái nên ông cưng như vàng ngọc vậy.

 Sau ông ta cáo lão hồi hương ở nhà quê xây một sơn trang đặt tên là Đường gia trang. Ngày thường ông ta ở nhà dạy con học và trồng hoa. Quả thực là con người rất tao nhã.

 Đường tiểu thư tên là Tuệ Châu thông minh từ hồi còn nhỏ tài trí xuất chúng, theo cha mẹ học thêu viết chữ, nên rất giỏi về văn học và biết lễ phép, thực hiền hậu. Năm nay tuổi nàng mới mười lăm.

 Năm xưa Chí Tri phu nhân theo chồng làm quan ở trên triều, vì là đồng hương với nhau nên thường sang chơi nhà họ Đường bà cũng biết Đường phu nhân là một mỹ nữ có tiếng. Bấy lâu nay tuy chưa gặp lại, nhưng bà đoán chắc con Đường phu nhân chắc đẹp không kém gì mẹ vì thế khi nghe bà mai nói bà đã muốn cưới Đường tiểu thư cho Long Uyên.

 Nên bà chờ chồng về bàn tán một hồi rồi quyết định báo cho bà mai biết để tìm cơ hội cho hai người gặp nhau.

 Một hôm bà mai đến cho biết Đường phu nhân định mùng năm tháng sáu sẽ ra ngoài am ở ngoài thành lễ bái. Biết vậy Chí Tri phu nhân quyết định đến hôm đó sẽ đưa Long Uyên đi xem mặt Đường tiểu thư.

 Bà cho chồng biết chuyện này, Chí Tri nghe nói mỉm cười, không tán thành cũng không phản đối chỉ khẽ nói :

 - Vẫn biết hôn nhân là phải có lệnh của cha mẹ, nhưng phu nhân nên rõ bên trong còn có số trời mà sức người không thể nào cưỡng lại được, nếu ép uổng quá không những con mình không được hạnh phúc mà còn mang tai họa cho nó là khác. Việc đi xem mặt vợ như thế này, tôi không phản đối, nhưng phải xem Long Uyên nó có ưa Đường tiểu thư không, nếu không có duyên với nhau mà cứ miễn cưỡng ép chúng lấy nhau thì cũng vô ích.

 Tất nhiên Chí Tri phu nhân phải nghe lời chồng nhưng bà nhận thấy việc này không cho Long Uyên biết vội, vì người trẻ tuổi hay mắc cỡ, đa số không chịu nói rõ tâm lý của mình cho người khác hay. Nên cho chàng ta biết trước thì khó mà biết được tâm lý của chàng.

 Chí Tri nhận lời giữ bí mật chuyện đó, nhưng Long Uyên nghe những con sen nói, đã biết hết chuyện. Vì hiếu kỳ chàng muốn đi xem cho biết. Nhưng mặt khác chàng lại do dự vì chàng nhận thấy mình làm như thế là có lỗi với chị Tuệ.

 Dù vậy chàng không muốn cưỡng lời thất bá mẫu. Long Uyên bỗng nghĩ đến lời của Vân Tuệ nói lúc chia tay, nàng bảo chàng quá đẹp trai, thiếu nữ nào trông thấy cũng phải động lòng. Lúc ấy chàng đã cam kết với nàng, trong một năm chia tay chàng quyết không để cho người khác trông thấy rõ bộ mặt thật của mình, trước hết là để tránh những sự phiền phức. Hai là chàng muốn thử xem lòng người đời có phải chỉ coi trọng bộ mặt như Vân Tuệ đã nói không?

 Vì vậy từ hôm đó trở đi, Long Uyên hóa trang khiến bộ mặt cứ vàng dần tựa như đau yếu vậy. Các bác của chàng thấy thế tưởng chàng đau ốm vừa đau lòng vừa lo âu, cứ khiển trách Chí Tri không chịu thang thuốc cho chàng.

 Gần gũi chàng nhiều nên người bác thứ bảy biết chàng có nguyên nhân gì chứ không phải là đau ốm nên ông ta không lo lắng gì cả, trái lại còn an ủi mọi người. Vì ông ta thấy chàng chỉ đổi sắc mặt thôi, chứ người vẫn khỏe mạnh như thường. Sau các ông già trông quen đi rồi cũng không lo âu như trước nữa.

 Ngày xem mặt đã tới, mới sáng tinh sương trước cửa nhà họ Long đã đóng sẵn một cỗ xe ngựa để ở ngoài cửa đợi sẵn, rồi bốn con sen đỡ hai vị phu nhân là Chí Trung và Chí Tri ra cửa lên xe, Long Uyên ngồi ở trước với người phu xe.

 Những người qua đường thấy trên xe có một thiếu niên mặt vàng khè, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên vô cùng, vì họ vẫn nghe nói công tử nhà họ Long đẹp trai, sao bây giờ lại trông như ốm nặng như thế.

 Chí Tri phu nhân ngẫu nhiên ngó mặt ra nhìn trông thấy mặt của Long Uyên càng kinh hoảng thêm bà ta giật mình kinh hãi kêu ối chà một tiếng, rồi lo âu hỏi :

 - Uyên nhi con thấy khó chịu phải không? Có cần về bảo bác bảy thăm mạch hốt thuốc cho không?

 Long Uyên vừa cười vừa lớn tiếng đáp :

 - Thất bá mẫu cứ yên tâm. Uyên nhi không có việc gì cả.

 Chí Trung phu nhân cũng ló đầu ra nhìn thấy chàng như vậy cũng kinh ngạc và vội nói :

 - Uyên nhi con mau vào trong xe có lẽ vì bị trúng gió phải không? Mau vào đây.

 Bà ta vừa nói vừa giơ tay ra kéo chàng vào Long Uyên mừng thầm nhưng vẫn nghe lời vào xe ngồi ngay. Hai vị lão phu nhân đều lo âu chăm chú nhìn chàng trong lòng không sao quyết định được có nên đi không?

 Lúc ấy xe đã ra khỏi thành, phóng như bay không bao lâu đã tới cửa am. Long Uyên đỡ hai bà bác xuống, tiếp theo đó chiếc xe của bốn thị nữ cũng tới nơi. Long Uyên đứng ngắm một hồi thấy am này cũng khá lớn, tường xanh ngói ống trông rất cổ kính, chung quanh trồng rất nhiều cây cối, có vẻ âm u tĩnh mịch.

 Lúc ấy trước cửa am đã có hai chiếc xe ngựa đậu sẵn, chàng đoán chắc đó là xe nhà họ Đường và họ đã tới trước mình.

 Bốn thị nữ chia nhau ra đỡ hai vị phu nhân đi vào trong am, Long Uyên cũng theo sau.

 Khi ấy chủ am hay tin liền cho hai ni cô ra nghênh đón.

 Long Uyên thấy hai ni cô tuổi trạc ba mươi, mặt gầy gò, nhưng thái độ rất nghiêm nghị. Cả hai cùng chắp tay vài chào và mời hai vị phu nhân vào trong điện.

 Trong điện trước bàn thờ Phật hương khói nghi ngút, mấy ni cô đang tụng kinh, Long Uyên theo hai bà bác lễ Phật. Hai nữ ni phụ trách tiếp đón vội mời ba người sang phòng khách nghỉ ngơi. Từ điện chánh sang điện ngách phải xuyên qua một cái vườn hoa, một dãy phòng ngủ của ni cô chừng bảy tám gian, chưa tới nơi, trong điện ngách đã có tiếng cười khúc khích vọng ra.

 Hai lão phu nhân hiểu ý đưa mắt nhìn nhau một cái rồi lại quay đầu nhìn Long Uyên. Lúc ấy hai vị thấy cháu mình mặt càng ngày càng vàng khè thêm trong lòng lo âu vô cùng.

 Lúc ấy đã có một lão ni ở trong điện ngách bước ra tay cầm thiền trượng trông rất già nua như hai mắt lóng lánh có thần, khiến ai trông thấy cũng kính nể.

 Long Uyên biết lão ni này nội công rất tinh thâm nên đôi mắt mới sáng như vậy.

 Chí Trung phu nhân đã lên tiếng trước nói trước :

 - Đại sư vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Lâu quá không thấy đại sư tới thăm chúng tôi?

 Lão ni cô niệm câu Phật hiệu xong, mới mỉm cười đáp :

 - Gần đây bần ni bận lắm nên không có thì giờ đến thăm hai vị thí chủ, hai vị thí chủ có lòng như vậy bần ni rất cám ơn. Chắc vị công tử này là đại thiếu gia?

 Chí Tri phu nhân vừa cười vừa đáp :

 - Sư thái hay tin nhanh thực, Uyên nhi của chúng tôi mới về nhà được ít bữa, cho nên ngày hôm nay chúng tôi mới đưa cháu nó đến đây lễ Phật và thăm đại sư.

 Nói tới đó, bà ta quay lại nói với Long Uyên :

 - Uyên nhi lên chào sư thái đi.

 Long Uyên chỉ chấp tay vái lão ni một cái thôi chứ không nói năng gì hết.

 Lão ni chấp tay đáp lễ và nói :

 - Thiếu thí chủ lễ phép quá, xin mời vào trong điện dùng nước.

 Nói xong bà ta đứng sang bên để mời khách đi trước, vừa đi Chí Trung phu nhân vừa nói với Long Uyên :

 - Uyên nhi có biết sư thái đây là sư tỷ của cha con không? Nghe cha con nói võ công của sư thái cao siêu lắm. Năm xưa cũng là một nhân vật khét tiếng.

 Long Uyên nghe nói đưa mắt ngắm nhìn sư thái. Sư thái cũng đang nhìn chàng, bốn mắt va chạm nhau lão sư thái giật mình kinh hãi bảo thầm: “Sao mắt thằng nhỏ này lại sắc bén như thế?”

 Nhưng bà ta vẫn tủm tỉm cười và đỡ lời :

 - Lão thí chủ tâng bốc bần ni quá, bần ni chỉ học có mấy năm võ công thì có nghĩa lý gì đâu, huống hồ bây giờ lại già nua như thế này và đã lâu không luyện tập. Còn thiếu thí chủ đây, nếu mắt của bần ni không hoa thì thiếu thí chủ ắt phải luyện nội gia chân truyền rồi. Nhưng...

 Bà ta định nói sắc mặt của Long Uyên khó coi như vậy, chắc bị đau ốm nặng, nhưng bà ta mới nói tới đó không tiện nói nốt. Vì bà ta nghĩ Chí Dũng võ học rất xuất chúng. Chí Tri y học lại cao minh như thế nếu Long Uyên có bệnh tất nhiên họ phải biết, vì vậy bà ta chỉ nói đến đấy không dám nói nữa là thế.

 Điện ngách ấy chia ra làm hai gian, một gian sáng và một gian tối, vợ chồng Đường viên ngoại ngồi ở gian sáng, nhưng mọi người không thấy mặt Tuệ Châu, đoán chắc nàng ở trong căn tối cũng nên. Nhà họ Đường cũng biết bên nhà trai là Chí Tri phu nhân, phu nhân của đồng liêu cũ vì lâu năm không gặp nhau, nên cả hai bên đều bỡ ngỡ chỉ mang máng nhận được nhau thôi. Cho nên mọi người vừa vào tới điện ngách vợ chồng viên ngoại đã vội đứng dậy chào. Lão ni giới thiệu đôi bên.

 Chí Tri phu nhân chờ lão ni giới thiệu xong liền đỡ lời :

 - Lão sư phụ, tôi với Đường phu nhân quen biết nhau từ lâu rồi, nhưng cách biệt lâu năm không ngờ Đường phu nhân hãy còn nhớ tôi.

 Đường phu nhân tuổi đã ngoài ngũ tuần, hiển nhiên trông đã già nua. Bà ta nghe nói vội tiến lên nắm tay Chí Tri phu nhân mỉm cười đáp :

 - Sao tiểu muội lại không nhớ, năm xưa chúng ta ở trên kinh thành được quý phủ quán xuyến giúp, nên lúc nào cũng nhớ nhung bà chị, chỉ vì quá bận việc nhà và thay đổi chỗ ở luôn luôn cho nên không có dịp may tới quý phủ cảm tạ bà chị.

 Chí Tri phu nhân khiêm tốn vài câu, liền gọi Long Uyên tiến lên bái kiến thế bá phụ mẫu. Chào hỏi xong Long Uyên ngồi xuống cạnh đó không nói nửa lời, trông chàng lại càng ngớ ngẩn và khờ dại thêm, vợ chồng Đường viên ngoại thấy vậy lắc đầu chửi thầm bà mai nói dóc khen ngợi Long Uyên đẹp như thần tiên, ngờ đâu bây giờ mới được thấy tận mắt chàng ta lại là một người mặt vàng khè như kẻ ốm nặng và khù khờ như một anh chàng ngốc thế kia thì xứng sao được với con gái của mình?

 Chí Trung phu nhân cũng lo âu vô cùng, nhân không thấy Đường tiểu thư bà ta liền đánh trống lảng lên tiếng hỏi :

 - Hôm nay chỉ có viên ngoại với phu nhân đến bái Phật thôi ư?

 Viên ngoại đã biết ý, tuy không vui nhưng cũng không tiện nói dối bất đắc dĩ phải nói thực mà trả lời rằng :

 - Không tiểu nữ Tuệ Châu có đi cùng với chúng tôi hiện đang ở phòng bên. Nói xong lão viên ngoại biết không sao tránh khỏi, liền hướng sang căn phòng tối om gọi :

 - Châu nhi mau sang đây chào Long bá mẫu...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/4995


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận