Đó là tiếng ekwe rao với thị tộc. Có một điều mà mọi người phải học là ngôn ngữ của cái nhạc khí bằng gỗ đục rỗng đó. Cách quãng lại có tiếng súng nổ: Diim! Diim! Diim!
Gà chưa gáy sáng và cả miền Umuofia còn ngủ trong cảnh đêm yên tĩnh thì tiếng ekwe bắt đầu rao và tiếng đại bác phá tan sự im lặng. Đàn ông trằn trọc trên chõng tre và ưu tư lắng tai nghe. Có ai chết đây. Tiếng súng như xé trời. Di-go-gi-di-go-di-di-go-go, những âm thanh đó chập chờn trong không khí ban đêm chứa đầy những tin tức. Tiếng than thở nhè nhẹ xa xăm của phụ nữ lắng xuống như một lớp buồn trên trái đất. Thỉnh thoảng có tiếng gào khóc nổi lên, át những tiếng than thở kia, khi có một người tới điếu tang. Người đó cất tiếng khóc bi hùng một hai lần rồi ngồi xuống với những người đàn ông khác để nghe lời rên rỉ bất tuyệt của phụ nữ và tiếng huyền bí của chiếc ekwe. Lâu lâu súng lại nổ. Tiếng khóc của đàn bà không vang ra khỏi thôn nhưng tiếng ekwe đem tin buồn truyền đi khắp chín thôn và xa hơn nữa. Mới đầu nó cho biết tên thị tộc: Umuofia obodo dike “xứ của các vị anh hùng”. Umuofia obodo dike! Umuofia obodo dike! Nó lặp đi lặp lại hoài câu đó, và càng nhấn mạnh vào thì niềm ưu tư càng dâng lên trong ngực những người thổn thức trên chõng tre đêm đó. Rồi tiếng ekwe lại gần và cho biết tên thôn: Iguedo của thứ đá vàng để nghiền! Thôn đó là thôn của Okonkwo. Người ta rao hoài tên Iguedo và người trong chín thôn đều nín thở chờ đợi. Sau cùng người ta cho biết tên người chết và mọi người thở dài: Eu-u, Ezeulu đã chết. Okonkwo ớn xương sống khi nhớ lại lần cuối cùng ông lão đó lại thăm mình bảo: “Đứa nhỏ đó gọi chú là “cha”. Đừng nhúng tay vào cái chết của nó nhé”.
*
* *
Ezenlu là một vị có danh vọng lớn cho nên cả thị tộc dự đám tang. Những chiếc trống cổ dùng trong tang lễ vang lên, súng trường, súng đại bác nổ, đàn ông chạy qua chạy lại như điên, dùng rựa hạ tất cả các cây và giết tất cả các loài vật mà họ gặp, họ phóng qua tường, nhảy múa trên mái nhà. Đây là đám ma một chiến sĩ và từ sáng tới chiều, các chiến sĩ diễu qua diễu lại tùy theo lớp tuổi. Người nào cũng bận áo bằng lá dứa hun khói, lấy phấn và than vẽ lên mình. Thỉnh thoảng một hồn thiêng tổ tiên, tức egwugwu, từ cõi âm hiện lên, toàn thân phủ bằng lá dứa, nói bằng một giọng run run, xa xăm, không phải là giọng cõi trần. Có những vị egwugwu rất hung bạo, và sáng sớm, thiên hạ đã chạy trốn khi thấy một vị đó hiện lên, tay cầm một chiếc rựa bén, phải hai người đàn ông lấy dây thừng chắc trói vị đó lại để cho khỏi gây họa. Đôi khi vị đó quay lại, đuổi những người đó đi và họ chạy thục mạng. Nhưng rồi họ lại trở lại, nắm sợi dây thừng dài lôi đi. Vị egwugwu đó hát, giọng rùng rợn, rằng Thần Ác, Ekwensu đã nhập vô mắt mình rồi.
Nhưng còn một vị ghê gớm nhất chưa tới. Vị này luôn luôn cô độc, hình thù như chiếc quan tài. Vị đó đi đâu thì ruồi nhặng bu theo mà tỏa ra một mùi lợm giọng trong không khí. Ngay các thầy bùa nổi tiếng nhất hễ thấy cũng kiếm chỗ trốn. Đã lâu lắm, có lần một egwugwu khác không chịu nhường chỗ cho vị đó và bị chôn chân suốt hai ngày tại chỗ. Egwugwu đó chỉ có một tay và cầm một cái giỏ đầy nước.
Nhưng cũng có những egwugwu hiền khô. Một vị lọm khọm và tàn tật, phải chống mạnh vào gậy, bước loạng choạng tới chỗ đặt thi hài, ngó một chút rồi trở ra về... thế giới bên kia.
Thế giới người sống không xa thế giới người chết. Có những đường đi lối về thông hai thế giới với nhau, đặc biệt những khi có hội hè, tế lễ, hoặc khi một ông già thất lộc vì ông già nào cũng gần gũi với tổ tiên. Đời người từ lúc sinh tới lúc chết chỉ có một chuỗi những nghi thức chuyển tiếp lần lần đưa ta về gần với tổ tiên đã khuất.
Ezeulu là người cao niên nhất trong làng và khi cụ mất thì cả thị tộc chỉ có ba người lớn tuổi hơn và bốn năm người nữa cùng một lớp tuổi. Mỗi khi một vị bô lão như vậy xuất hiện trong đám đông để loạng choạng múa tang vũ của bộ lạc thì mọi người nhỏ tuổi hơn phải nhường chỗ, và đương ồn ào bỗng nín thinh liền.
Đám tang này lớn vì Ezeulu là một chiến sĩ dũng cảm. Càng về chiều, tiếng hét, tiếng súng, tiếng trống và tiếng rựa vung lên càng tăng.
Sinh thời, Ezeulu đã được nhận ba chức vị. Ít ai thành công như vậy. Trong thị tộc chỉ có bốn chức vị và cả một thế hệ mới có được một hay hai người lên tới chức vị thứ tư, chức vị cao nhất. Lên được chức đó thì thành ông chúa trong xứ. Vì Ezeulu có chức vị, nên theo tục lệ phải chôn cụ ban đêm, và chỉ đốt mỗi một ngọn đuốc đỏ rực để chiếu sáng lễ hạ huyệt thiêng liêng thôi.
Lễ cuối cùng đó thật yên lặng, nhưng trước lúc đó thì sự ồn ào tăng lên gấp mười. Trống đánh vang trời và đàn ông nhảy múa cuồng loạn. Súng nổ khắp phía và các chiến sĩ vung rựa chạm vào nhau nảy lửa để chào nhau. Không khí mù cát bụi và nặc mùi thuốc súng. Lúc đó hồn thiêng cụt tay mang giỏ nước mới tới. Mọi người né ra nhường chỗ và tiếng ồn ào tắt hẳn. Ngay mùi thuốc súng cũng bị mùi hôi thối lợm giọng át hết. Hồn thiêng đó nhảy múa vài bước theo tiếng trống đám ma rồi lại coi xác chết.
Hồn thiêng cất tiếng khàn khàn gọi:
- Ezeulu! Nếu trong kiếp đã qua, anh nghèo thì ta sẽ bảo anh phải giàu có khi anh lộn lại. Nhưng bình sinh anh giàu có. Nếu trong kiếp đã qua, anh hèn nhát thì ta sẽ bảo anh kiếp sau phải can đảm lên. Nhưng bình sinh anh là một chiến sĩ không biết sợ. Nếu anh chết non thì ta sẽ bảo anh phải ráng sống lâu. Nhưng anh đã sống lâu. Vậy thì ta chỉ cầu cho anh kiếp sau được như kiếp trước. Nếu anh vì đau ốm mà chết thì chúc anh được phiêu diêu. Nếu có kẻ nào đã làm cho anh chết thì đừng để cho nó yên nhé.
Hồn thiêng lại nhảy múa vài bước nữa rồi đi.
Trống lại đánh thùng thùng, mọi người lại nhảy múa, không khí hừng hực lên. Mặt trời sắp lặn, sắp tới lúc hạ huyệt. Súng trường nổ mấy phát chào lần cuối cùng và đại bác xé trời mây. Và từ giữa đám đông nhiệt cuồng, vang lên một tiếng hấp hối thê thảm và những tiếng gào hét rùng rợn. Như bị trù ếm vậy. Mọi người nín thinh. Giữa đám đông, một đứa con trai lăn trong một vũng máu. Nó là đứa con mười sáu tuổi của người quá cố; nó với các anh nó, những anh cùng cha khác mẹ của nó đã theo tục lệ múa để vĩnh biệt cha. Khẩu súng của Okonkwo đã nổ và một viên đạn đã trúng tim đứa nhỏ. Sau đó là một cuộc hỗn độn chưa từng thấy trong miền Umuofia. Vẫn thường có sự bất đắc kì tử, nhưng có bao giờ như vậy đâu.
*
* *
Okonkwo chỉ còn mỗi một lối thoát là trốn khỏi thị tộc. Giết một người trong thị tộc là mang tội xúc phạm Nữ Thổ Thần, và kẻ phạm tội phải tức thì bỏ xứ mà đi. Tội đó có hai hạng: dương và âm. Okonkwo bị tội âm vì vô ý giết người chứ không phải cố tâm. Có thể trở về thị tộc sau bảy năm.
Đêm đó ông ta gom góp những vật quý giá nhất làm thành mấy bọc để đội trên đầu. Mấy bà vợ khóc thảm thiết, trẻ con cũng khóc theo mà không hiểu tại sao. Obierika và dăm sáu người bạn thân lại giúp đỡ và an ủi. Mỗi người đi đi về về chín mười lần để chuyển các khoai mài của Okonkwo qua gởi trong lẫm của Obierika. Và trước khi gà gáy sáng, Okonkwo trốn với vợ con qua làng của mẹ. Làng này nhỏ, tên là Mbanta, ở ngay ranh giới phía ngoài của làng Mbaino.
Khi mặt trời mới mọc, một đám đông ở xóm Ezeulu, bận áo trận, xông vào trại Okonkwo. Họ đốt nhà, phá tường rào đỏ, giết súc vật và phá lẫm của Okonkwo. Đó là cách trừng trị của Nữ Thổ Thần và họ chỉ thi hành mệnh lệnh của Ngài, chứ trong thâm tâm không oán gì Okonkwo. Obierika bạn thân nhất của Okonkwo cũng có trong đám đó. Họ đốt phá như vậy chỉ để tẩy uế trại của Okonkwo đã bị nhơ nhớp vì máu của một người trong thị tộc.
Obierika là một người hay suy nghĩ. Khi đã thi hành xong lệnh của Nữ Thần, ông ngồi trong obi mà buồn cho bạn đã gặp tai ương. Tại sao một người phải chịu nỗi đau khổ như vậy vì một lỗi vô ý. Nhưng suy nghĩ một hồi lâu mà ông vẫn không tìm được lý do. Càng suy nghĩ lòng lại thấy nhiều cái rắc rối hơn nữa. Ông nhớ lại cặp trẻ sinh đôi của vợ ông mà ông đã liệng vô rừng. Chúng có tội gì đâu? Nữ Thổ Thần bảo bị chúng xúc phạm, nên phải giết chúng đi. Và nếu thị tộc không trừng trị những tội xúc phạm Nữ Thần thì Nữ Thần sẽ nổi giận, và cả xứ sẽ mang họa, chứ không riêng kẻ phạm tội. Như các bô lão nói, hễ một ngón tay dính dầu thì nó làm dơ cả những ngón khác.
Hết chương 13. Mời các bạn đón đọc chương 14!