Quê Hương Tan Rã Chương 14


Chương 14
Okonkwo được họ hàng bên ngoại ở Mbanta tiếp đón tử tế.

Người em trai út của thân mẫu ông, hiện là người lớn tuổi nhất bên ngoại mời ông ta về nhà mình. Tên cụ là Uchendu, chính cụ ba mươi năm trước đã tiếp đón thân mẫu Okonkwo khi người ta đưa thi hài bà từ Umuofia về đây để chôn gần phần mộ của tổ tiên. Hồi đó Okonkwo còn nhỏ và Uchendu bây giờ còn nhớ lời Okonkwo vĩnh biệt mẹ theo tục lệ: “Má ơi má, má đi bỏ con ở lại”.

Lần đó cách đây đã lâu lắm rồi. Lần này Okonkwo không đưa mẹ về để chôn gần tổ tiên, mà dắt cả gia đình gồm ba người vợ và mười một đứa con để nương náu bên quê ngoại. Khi Uchendu thấy cháu tới với cả đoàn vợ con rầu rĩ và mệt nhọc, cụ đoán được chuyện gì rồi nên không hỏi han một câu. Mãi hôm sau Okonkwo mới kể đầu đuôi câu chuyện. Cụ lặng thinh nghe tới cuối, rồi nói, lòng như nhẹ đi được một chút “Đó là tội ochu(1) âm”. Rồi cụ sửa soạn cúng lễ theo đúng nghi thức.

Cụ cho Okonkwo một khu đất để cất nhà và hai ba thửa ruộng để làm trong mùa sắp tới. Nhờ bà con bên ngoại tiếp tay, Okonkwo dựng một obi cho mình và ba cái chòi cho ba người vợ. Rồi ông lựa chỗ thờ thần bổn mạng cùng tổ tiên của ông. Cụ Uchendu có năm người con trai, người nào cũng tặng Okonkwo ba trăm hạt khoai mài để gieo vì hễ những trận mưa đầu tiên đổ xuống là phải lo trồng trọt liền.

Sau cùng, mưa đổ thình lình và lớn quá chừng. Suốt hai ba tuần trăng, mặt trời như gom hết cả sức nóng lại để thổi một luồng lửa xuống mặt đất. Đã từ lâu rồi, cỏ cháy xám, mà giẫm chân lên cát thì tưởng như giẫm lên than hồng. Loài cây nào không rụng lá thì đều như phủ một chiếc áo xám. Chim thôi không hót trong rừng, còn người thì nằm thở hổn hển trong không khí nóng nực rung rung. Rồi bỗng trời gầm. Tiếng gầm như giận dữ, khao khát, sắc như tiếng kim thuộc, khác hẳn tiếng sấm thăm thẳm và ẩm ướt trong mùa mưa. Cuồng phong nổi lên làm cho không khí bụi mù. Các cây kè lắc lư, trong khi gió chải chòm lá phất phất của nó y như chải những mớ tóc kì quái vậy.

Và khi trận đầu đổ xuống thì thành những cục mưa đá lạnh ngắt mà người ta gọi là “những hạt dẻ của trời”. Nó rớt lộp độp lên thân thể, đau điếng, vậy mà bọn thanh niên vẫn hoan hỉ chạy tung tăng, bỏ vào miệng cho nó tan ra.

Mặt đất hồi sinh và chim trong rừng bay liệng, ríu ra ríu rít. Trong không khí thoang thoảng có mùi cây lá xanh tươi. Mưa đã dịu, bây giờ là những giọt nước nhỏ hơn, trẻ con mới tìm chỗ trú, và mọi người đều mát mẻ, khoan khoái, cảm ơn trời.

Gia đình Okonkwo làm việc rất cực nhọc để dựng lại cơ nghiệp. Nhưng Okonkwo phải bắt đầu bằng hai bàn tay trắng, mà không còn lực lưỡng, hăng hái như hồi trẻ, không khác gì về già mà phải tập làm bằng tay trái. Ông làm việc không thấy thích như hồi xưa nữa, và khi nào hết công việc rồi thì ông ngồi thừ ra, im lặng như nửa ngủ nửa thức.

Đời ông chỉ ham có mỗi một điều là thành một vị chúa trong thị tộc. Cái đó là động cơ của các hoạt động của ông. Ông đã gần đạt được mục đích đó thì bỗng nhiên sụp đổ hết, bị thị tộc ruồng bỏ như một con cá người ta liệng lên, thoi thóp trên một bãi cát khô. Rõ ràng là chi của ông không hợp với những cái gì vĩ đại. Con người không thể vượt lên khỏi số phận của chi. Lời cổ nhân nói không đúng: Hễ mình bảo là “được” thì chi cũng bảo là “được”. Nhưng ông thì rõ ràng là cương quyết bảo “được” mà chi bảo “không”.

Cụ Uchendu thấy Okonkwo tuyệt vọng nên rất lo ngại. Cụ tính đợi sau lễ isa-ifi sẽ giảng giải cho cháu.

*

*           *

Người con trai út của cụ, tên là Amikwu cưới thêm một người vợ nữa. Sính kim đã nạp rồi, lễ hỏi, cưới cũng xong rồi, chỉ còn một lễ cuối cùng nữa, Amikwu và người trong nhà đã đem rượu kè lại nhà gái khoảng hai tháng trước khi Okonkwo tới Mbanta. Bây giờ tới lễ cuối cùng tức lễ isa-iji, lễ xưng tội.

Các con gái trong nhà đều có mặt, có người ở xa phải đi mấy quãng đường dài. Như người con gái lớn của Uchendu, nhà ở làng Obodo, phải đi nửa ngày đường. Con gái của các người anh Uchendu cũng tới. Thật là đủ mặt umuada, cũng như khi có tang trong gia đình vậy. Hết thảy là hai mươi hai người.

Họ ngồi thành một vòng tròn lớn trên mặt đất, và cô dâu ôm một con gà mái, ngồi ở giữa. Uchendu ngồi bên cạnh nàng, cầm cây gậy thờ tổ tiên. Tất cả các đàn ông đứng ở ngoài vòng tròn để ngó, vợ họ cũng vậy. Lúc đó mặt trời bắt đầu lặn.

Người con gái lớn của Uchendu, tên là Njide hỏi cô dâu:

- Em nên nhớ rằng nếu em không trả lời đúng sự thực thì khi sinh đẻ sẽ phải đau đớn lắm, có thể chết được nữa đấy. Từ khi em trai tôi ngỏ ý cầu hôn với em thì có bao nhiêu người đàn ông đã ăn nằm với em?

Cô dâu chỉ đáp:

- Không một người nào.

Tất cả các người đàn bà khác đều nói:

- Trả lời cho thành thực.

- Không một người nào.

Uchendu bảo:

- Con thề với cây gậy ông vải của ta này đi.

- Con xin thề.

Uchendu bèn đỡ con gà mái cô dâu đưa ra, cầm một lưỡi dao nhọn cứa cổ con vật, để cho vài giọt máu gà rơi xuống cây gậy.

Và từ hôm đó, Amikwu dắt cô dâu về chòi của mình, mà thành vợ chồng với nhau. Những người con gái của Uchendu chưa về nhà ngay mà ở chơi với cha mẹ thêm vài ba ngày nữa.

*

*           *

Hôm sau Uchendu kêu hết cả con trai, con gái và Okonkwo lại. Đàn ông mang theo những tấm nệm bằng da dê, trải xuống đất để ngồi, còn đàn bà thì trải chiếu bằng lá dừa lên trên một cái bục bằng đất. Uchendu vuốt chòm râu hoa râm và nghiến răng, rồi bắt đầu nói, bình tĩnh mà chậm rãi, cân nhắc từng tiếng. Cụ bảo:

- Hôm nay ta có chuyện muốn nói với Okonkwo trước hết, nhưng ta muốn hết thảy các con đều chăm chú nghe lời ta. Ta già mà các con đều còn trẻ cả. Ta từng trải hơn hết thảy các con. Nếu có con nào nghĩ rằng biết nhiều hơn ta thì ta cho phép nói đấy.

Cụ ngừng một chút, nhưng chẳng ai lên tiếng cả. Cụ tiếp:

- Tại sao hôm nay Okonkwo lại tới đây ở với chúng ta? Thị tộc này đâu phải là thị tộc của nó. Chúng ta chỉ là bà con bên ngoại nó thôi. Đây không phải là nhà của nó. Nó bị đày, phải sống bảy năm tại một nơi xa lạ. Vì vậy nó rầu rĩ lắm. Nhưng ta muốn hỏi nó câu này, mỗi một câu này thôi. Okonkwo, cháu có thể cho cậu biết, tại sao người ta thường dùng tên Nneka để đặt tên cho con cái không, mà tên đó có nghĩa là “Mẹ cao cả hơn hết”. Chúng ta đều biết rằng đàn ông làm chủ trong nhà, và đàn bà phải phục tùng đàn ông. Con cái thuộc về cha và gia đình bên nội, chứ không thuộc về mẹ, về gia đình bên ngoại. Vậy mà chúng ta lại bảo: “Mẹ cao cả hơn hết”, là vì đâu?

Mọi người làm thinh.

Uchendu bảo:

- Okonkwo thử trả lời cho cậu nghe nào.

Okonkwo đáp:

- Thưa cậu, cháu không biết.

- Cháu không biết ư? Vậy cháu hãy còn trẻ dại, thấy không? Cháu có nhiều vợ, nhiều con, nhiều con hơn cậu nữa, cháu là người có danh vọng trong thị tộc cháu. Nhưng cháu vẫn là một đứa bé con, đứa bé con của cậu. Nghe cậu giảng cho này. Nhưng còn câu nữa cậu muốn hỏi cháu. Tại sao mà khi một người đàn bà mất thì người ta lại đưa về nhà cha mẹ để chôn với tổ tiên bên mình, chứ không chôn ở bên chồng? Tại sao vậy nhỉ? Má cháu đã được đưa về đây và chúng ta đã chôn má cháu với tổ tiên bên đây? Tại sao vậy?

Okonkwo lắc đầu.

Uchendu bảo:

- Cái đó nó cũng không biết nữa. Vậy mà nó đau khổ khi về ở vài năm với bên ngoại nó chứ. Nó cười là cười gượng. (Cụ quay lại phía con trai con gái của cụ). Còn các con, các con trả lời được không?

Mọi người đều lắc đầu.

Cụ đằng hắng rồi bảo:

- Vậy các con nghe ta nói đây. Đúng là con cái thuộc về cha. Nhưng khi cha đánh con thì con chạy về chòi mẹ để được mẹ dỗ dành. Một người đàn ông thuộc về quê hương của cha khi mọi sự được như ý, đời sống được êm đềm, nhưng tới khi gặp cảnh đau khổ chua xót thì trốn về ở bên quê mẹ. Linh hồn má cháu ở đây để che chở cho cháu. Má cháu được chôn cất ở đây. Vì vậy mà chúng ta nói rằng: “Mẹ Cao cả hơn hết”. Này, Okonkwo lại đây mà mang cái vẻ mặt rầu rĩ, không muốn được má cháu an ủi, như vậy có nên không cháu? Coi chừng đấy, có thể làm phật ý vong linh má cháu đấy. Bổn phận của cháu là phải an ủi vợ con cháu, rồi hết bảy năm, lại đưa họ trở về quê hương của cha cháu. Nhưng nếu cháu để cho ưu sầu nó đè nặng lên cháu, giết cháu, thì chúng sẽ phải chết ở nơi đất khách. (Cụ ngừng một lát rồi trỏ các con trai con gái của cụ): Bây giờ gia đình của cháu là các em đó. Cháu tưởng cháu là người khổ nhất đời, nhưng cháu có biết rằng có những người bị trục xuất khỏi quê hương suốt đời không? Cháu có biết rằng có những người mất hết cả khoai mài, cả bày con nữa không? Có một hồi cậu có tới sáu vợ. Bây giờ cậu không còn người nào cả, chỉ còn thiếu nữ khờ dại này không biết phân biệt bên phải bên trái nữa. Cháu có biết cậu đã chôn bao nhiêu đứa con không? - những đứa sanh từ hồi còn trẻ, còn mạnh? Hai mươi hai đứa. Mà cậu đâu có tự treo cổ, cậu vẫn sống đây. Nếu cháu tưởng rằng cháu là người khổ nhất đời thì cháu hỏi Akueni, con gái cậu đây này, xem nó phải liệng vô rừng bao nhiêu cặp trẻ sinh đôi của nó. Cháu có bao giờ nghe lời thánh ca này khi có một người đàn bà chết không.

 

Có ai được vạn sự như ý, có ai được vạn sự như ý.

Không có một ai được vạn sự như ý cả.

 

Thôi cậu chỉ nói bấy nhiêu thôi.          

Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương 15!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38174


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận