Quê Hương Tan Rã Chương 8


Chương 8
Okonkwo không ăn uống gì hết suốt hai ngày sau cái chết của Ikemefuna, từ sáng tới tối chỉ uống rượu kè, mắt đỏ ngầu và sáng quắc như mắt một con chuột người ta cầm đuôi quật xuống đất.

Ông bảo Nwoye lại ngồi bên cạnh ông trong obi. Nhưng thằng nhỏ sợ cha và mỗi khi thấy cha thiu thiu ngủ là lẻn ra ngoài.

Suốt đêm ông trằn trọc, ráng không nghĩ tới Ikemefuna, nhưng càng ráng thì lại càng nghĩ tới. Một lần ông xuống giường muốn đi dạo khắp vườn. Nhưng chân yếu quá, đứng không vững, có cảm tưởng mình là một chú khổng lồ say rượu và chân là chân muỗi. Thỉnh thoảng thấy ớn lạnh từ gáy lan tới hết sống lưng.

Ngày thứ ba ông bảo người vợ thứ nhì chiên chuối cho ăn.

Bà ta làm theo sở thích của chồng: chiên với những lớp đậu dầu(1) và cá.

Em Ezinma bưng món đó lên, bảo ông.

- Hai bữa nay ba không ăn gì cả, ba phải ăn hết đĩa này.

Em ngồi xuống, duỗi chân ra phía trước. Okonkwo vừa ăn vừa nghĩ tới chuyện khác. Nhìn đứa con gái mười tuổi, ông nhủ thầm: “Giá nó là con trai thì phải”. Ông chia cho nó một khúc cá.

Ông sai nó:

- Đi lấy cho ba ít nước lạnh.

Ezinma vừa nhai miếng cá vừa chạy ra ngoài, lát sau trở vô, tay bưng một tô nước lạnh múc trong cái vò đặt trong chòi của má nó.

Okonkwo đỡ lấy tô nước, uống cạn, ăn thêm vài miếng chuối nữa rồi gạt cái đĩa ra.

- Đem cái đẫy cho ba.

Ezinma đi kiếm cái đĩa bằng da dê ở cuối chòi. Okonkwo tìm cái ve thuốc lá để hít. Đẫy sâu, cánh tay ông thọc gần hết vào trong đó. Đẫy còn chứa nhiều thứ khác nữa: một cái sừng để uống rượu, một cái bầu để uống, chúng đụng lách cách vào nhau trong khi ông lục lọi. Sau cùng ông lôi ra được ve thuốc hít, gõ mấy cái vào đầu gối trước khi đổ một chút thuốc vào lòng bàn tay trái. Lúc đó ông mới nhớ rằng quên không lấy cái muỗng để múc thuốc. Ông lại thọc tay vào đẫy lục lọi và kéo ra một chiếc muỗng nhỏ, nông, móc ít thuốc màu nâu đậm, đưa lên mũi.

Ezinma một tay cầm cái đĩa, một tay bưng cái tô hết nước rồi, và trở về chòi của mẹ. Okonkwo lại nghĩ bụng: “Giá nó là con trai thì phải”. Ông nhớ tới Ikemefuna mà rùng mình. Phải chi kiếm được công việc gì để làm thì có thể quên được. Nhưng mùa này là mùa nghỉ ngơi, thu hoạch đã xong rồi, đợi tới mùa gieo hạt. Hồi này đàn ông chỉ có mỗi một việc để làm là thay lớp lá kè phủ trên đầu tường. Mà công việc đó, Okonkwo đã làm xong, đúng vào cái ngày châu chấu đáp xuống, hôm đó ông làm ở phía ngoài tường còn Ikemefuna và Nwoye làm ở phía trong.

Okonkwo tự trách mình.

- Mày trước kia nổi tiếng là chiến sĩ can đảm trong chín thôn, mà sao bây giờ thành một mụ già run rẩy, sợ sệt như vậy? Một đấng nam nhi ra trận giết được năm tên địch, có thể nào tiêu ma hết chí khí chỉ vì giết thêm một đứa nhỏ nữa không? Okonkwo, quả thực mày đã thành đàn bà rồi.

Ông nhảy chồm lên, vắt chiếc đẫy da dê lên vai, đi thăm bạn thân là Obierika.

Obierika đương ngồi dưới bóng một cây cam, tết những lá kè để lợp nhà. Hai người chào hỏi nhau rồi chủ dắt khách vô obi.

Obierika vừa phủi những hạt cát dính ở đùi, vừa nói.

- Tôi tính lợp xong mái nhà này rồi sẽ lại thăm anh.

Okonkwo hỏi:

- Bên anh mọi sự như ý cả chứ?

- Vâng. Cậu thanh niên đã đánh tiếng muốn hỏi cháu gái hẹn hôm nay tới, tôi mong sẽ định đoạt xong số sính kim. Tôi muốn có anh dự.

Đúng lúc đó, Maduka, con trai Obierika, ở ngoài bước vô obi, chào Okonkwo, rồi đi ra phía vườn sau.

Okonkwo bảo nó:

- Lại bắt tay bác nào. Trận đấu vật hôm nọ của cháu làm cho bác thích lắm.

Thanh niên đó mỉm cười, xiết tay Okonkwo rồi đi ra phía sau.

Okonkwo nói với Obierika:

- Thằng cháu đó sẽ làm nên sự nghiệp. Tôi mà có được đứa con như vậy thì sướng lắm. Tôi lo lắng về thằng Nwoye của tôi quá. Mềm nhũn như khoai mài đâm nát cũng có thể vật ngã được nó. Hai đứa em có phần khá hơn. Anh Obierika này, tôi nói thật đấy, tụi con trai của tôi không đứa nào giống tôi. Khi cây chuối già chết rồi, sẽ không có chồi chuối non để thay. Nếu con cháu Ezinma mà là con trai thì tôi cũng đỡ khổ. Nó có tư cách.

Obierika bảo:

- Anh cứ lo hão. Tụi nó còn nhỏ quá mà.

- Nwoye tới tuổi lấy vợ được rồi. Tuổi đó tôi đã tự lập rồi. Không, anh ạ, nó đâu còn nhỏ quá. Một con gà mới nở, coi qua cũng biết sau có thành gà trống không. Tôi đã ráng dạy dỗ cho nó sau thành con người cương cường, nhưng nó chịu di truyền của má nó nhiều quá.

Obierika nghĩ bụng: “Nó chịu di truyền của ông nội nó thì đúng hơn”. Okonkwo cũng nghĩ vậy. Nhưng đã từ lâu ông ta đã tập trừ cái bóng ma đó rồi. Mỗi khi rầu rĩ về sự nhu nhược và thất bại của cha, thì ông nghĩ tới sức mạnh và sự thành công của mình để xua đuổi sự ám ảnh kia đi. Chính lúc đó ông đương xua đuổi nó, gợi lại hành động chứng tỏ sự dũng cảm của mình hôm nọ. Ông hỏi bạn:

- Tôi không hiểu tại sao hôm đó anh không chịu đi cùng với tôi để giết thằng nhỏ.

Obierika đáp gọn:

- Tại tôi không muốn. Làm việc khác còn hơn.

- Người ta ngờ rằng anh không tin quyền uy và lời phán của Thần Núi-Hang, Thần đã phán nó phải chết.

- Tôi tin chứ. Nhưng tại sao tôi lại phải giết nó? Thần có bảo tôi thi hành quyết định của Thần đâu?

- Thì cũng phải có người thi hành chứ. Nếu ai cũng sợ đổ máu hết thì chẳng làm được gì cả. Lúc đó Thần mới phải làm sao đây?

- Anh biết rõ rằng tôi không sợ đổ máu mà; và nếu có kẻ nào bảo anh rằng tôi sợ thì kẻ đó nói bậy. Anh thứ lỗi cho tôi nhé, tôi nói thẳng với anh này, ở vào địa vị anh hôm đó thì tôi không đi. Việc anh làm đó, Nữ Thổ Thần không ưa đâu. Chính vì những hành động như vậy mà Ngài bắt trọn một gia đình đấy.

- Thổ Thần không thể trừng phạt tôi được vì tôi đã tuân lệnh Ngài. Mẹ đặt một củ khoai mài nóng vào tay con, thì ngón tay của con đâu có bị phỏng được.

Obierika gật đầu:

- Phải. Nhưng nếu Thần Núi-Hang phán rằng con tôi phải chết, tôi sẽ không cãi, tất nhiên, nhưng tôi cũng không đích thân giết con tôi.

Họ sẽ còn tranh luận với nhau nữa nếu Ofoedu lúc đó không bước vô. Thấy cặp mắt long lanh của ông này, người ta biết ngay là có tin gì quan trọng. Nhưng nếu hỏi ngay thì vô lễ, Obierika mời Ofoedu một mảnh trái cola lúc nãy đã đập bể với Okonkwo. Ofoedu nhai chậm chạp, nói chuyện về đám châu chấu. Ăn xong rồi mới kể:

- Thời buổi này, nhiều chuyện xảy ra kỳ cục quá.

Okonkwo hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Ofoedu hỏi lại:

- Các ông có biết Ogbuefi Ndulue không?

Okonkwo và Obierika cùng đáp:

- Ogbuefi Ndulue ở làng Ire chứ gì.

Ofoedu bảo:

- Mới chết sáng nay.

Obierika bảo:

- Có gì đâu mà lạ. Ông lão đó già nhất làng Ire.

Ofoedu gật đầu.

- Phải, nhưng lạ là tại sao người ta không đánh trống báo tin cụ ấy mất cho cả Umuofia hay.

Obierika và Okonkwo đều hỏi:

- Ừ, tại sao vậy nhỉ?

- Là tại có cái gì kỳ cục trong chuyện đó. Các ông biết bà vợ cả của cụ ấy, đi đâu cũng chống gậy đấy chứ.

- Biết. Bà cụ tên là Ozoemena.

Ofoedu nói:

- Phải. Bà cụ đó già quá rồi, nên không thể săn sóc chồng lúc chồng đau được, và để cho các bà vợ trẻ săn sóc. Sáng nay, khi ông cụ tắt nghỉ, một trong số những bà vợ trẻ này lại chòi cụ bà Ozoemena để báo tin. Bà cụ đứng dậy, chống gậy tới obi chồng, quỳ xuống hai tay đặt lên bực cửa, gọi chồng lúc đó nằm trên chiếu; gọi ba lần: “Ogbuefi Ndulue” rồi quay về chòi của mình. Khi người vợ trẻ nhất lại mời cụ tới dự cuộc tắm rửa cho cụ ông thì thấy cụ nằm trên chiếu, tắt thở rồi.

Okonkwo bảo:

- Ừ, lạ thật. Thế là họ hoãn đám tang cụ ông Ndulue lại, đợi chôn cất xong cụ bà đã.

- Chính vì vậy mà người ta không đánh trống báo tin cho cả Umuofia hay.

Obierika nói:

- Người ta vẫn bảo cụ ông Ndulue và cụ bà Ozoemena chỉ là một linh hồn. Tôi nhớ hồi nhỏ được nghe một bài vè về cặp vợ chồng đó. Ông lão không hề làm một việc gì mà không cho bà lão hay.

Okonkwo bảo:

- Tôi không hay chuyện đó đấy. Tôi cứ tưởng hồi trẻ cụ ấy khỏe mạnh lắm.

Ofoedu bảo:

- Phải, khỏe mạnh lắm.

Okonkwo lắc đầu ra vẻ nghi ngờ.

Obierika nói:

- Thời đó, cụ chỉ huy các chiến sĩ Umuofia đấy.

*

*           *

Okonkwo cảm thấy bình thường trở lại rồi. Ông chỉ cần có cái gì để khuây khỏa trí não thôi. Nếu ông ta đã giết Ikemefuna vào giữa mùa gieo giống hoặc giữa mùa dỡ khoai thì ông không tới nỗi đau khổ như vậy vì trí óc ông mải bận rộn về công việc. Bây giờ đây, nhàn nhã không làm gì thì kiếm người nói chuyện là hơn cả.

Ofoedu ra về được một chút. Okonkwo lượm cái đẫy da dê, sửa soạn cáo biệt.

- Tôi phải về rạch mấy cây kè cho buổi chiều.

Obierika hỏi:

- Thế, những cây cao, ai rạch cho anh?

- Umezulike rạch cho.

- Đôi khi tôi không muốn mang cái chức ozo nữa. Thấy tụi trẻ đó rạch kè mà đau lòng, chúng giết kè chứ rạch gì đâu.

Okonkwo đáp:

- Đúng vậy, nhưng lệ làng thì mình phải tuân chứ.

- Tôi không biết do đâu mà có cái lệ đó. Trong nhiều thị tộc khác người ta có cấm một người có chức vị không được leo lên cây kè đâu. Ở làng mình, người ta bảo người có chức vị không được leo lên cây cao, nhưng có thể đứng dưới đất mà rạch những cây kè thấp được. Có khác gì thằng Dimaragana không chịu cho mượn dao để cắt thịt chó vì chó là con vật cấm kị của nó, nhưng nó lại bảo để nó lấy răng cắt đứt cho.

Okonkwo bảo:

- Thị tộc mình trọng chức ozo, tôi cho là phải. Ở các thị tộc khác, mà anh nói đó, chức ozo, thấp kém tới nỗi bất kỳ tên ăn mày nào cũng mang chức đó được.

Obierika đáp:

- Tôi nói đùa đấy mà. Ở Abame và Aninta, chức đó không đáng hai cái vỏ sò. Người nào cũng cột sợi chỉ, dấu hiệu của chức đó ở cổ chân, mà có mắc tội ăn cắp thì cũng không bị lột chức.

- Thật là họ làm nhục cái chức ozo.

Okonkwo vừa nói vừa đứng dậy bước ra.

Obierika bảo:

- Các bà con họ hàng của tôi cũng sắp tới.

Okonkwo ngẩng lên nhìn vị trí của mặt trời, đáp:

- Chỉ một lát thôi, tôi sẽ trở lại.

*

*           *

Khi Okonkwo trở lại thì trong chòi của Obierika đã có bảy người. Người tới hỏi vợ là một thanh niên khoảng hai mươi lăm tuổi, có cha và chú đi theo. Ngồi hai bên Obierika là hai ông anh của Obierika và Maduca, mười sáu tuổi, con trai của Obierika.

Obierika bảo con:

- Con thưa với má của Akueke đem cho ba vài trái cola.

Maduka chạy biến ngay vô nhà sau. Thế là mọi người đều bàn tán về cậu, khen cậu là sắc sảo như lưỡi dao cạo.

Obierika hơi khoan hồng, bảo:

- Tôi thấy nó sắc sảo quá. Nó không bước nữa, cứ lướt tới, lúc nào cũng gấp gáp hơn gió. Sai nó việc gì thì mới nghe mình nói được nửa câu, nó đã chạy vù đi rồi.

Ông anh cả bảo:

- Chính chú hồi xưa thì cũng vậy. Như câu tục ngữ: “Khi bò cái nhơi thì bò con nhìn cái mõm của mẹ”. Maduka nó đã nhìn cái miệng của chú đấy.

Ông còn đương nói thì Maduka đã trở vô với đứa em gái cùng cha khác mẹ, tên là Akueke. Em nhỏ này bưng một cái đĩa đựng ba trái cola và chút “ớt” cá sấu. Nó đưa cái đĩa cho bác cả của nó rồi e lệ bắt tay thanh niên tới hỏi nó và cha, chú của chàng. Nó khoảng mười sáu tuổi và vừa tới tuổi gả chồng. Bên đàng trai ngắm nghía thân hình son trẻ của nó bằng cặp mắt tinh đời, như muốn nhận xét kĩ xem nó có đẹp không, có non nớt quá không.

Tóc nó bới thành một cái mào ở giữa đỉnh đầu... Da nó chà bằng dầu cam, toàn thân vẽ những hình đen bằng uli. Cổ đeo một cái chuỗi đen có ba vòng thòng xuống bộ ngực nở và đẹp. Cổ tay có những vòng đỏ và vàng, mình quấn bốn năm chuỗi jigida.

Bắt tay mọi người xong - đúng hơn là chìa tay cho người ta bắt - Akuede trở về chòi của mẹ để tiếp tay trong việc bếp núc.

Khi nó đem cái chầy dựa ở tường lại gần bếp, má nó bảo:

- Hãy cởi những chuỗi jigida ra đã. Ngày nào má cũng nhắc con rằng jigida rất bén lửa, mà con không chịu nghe lời má. Tai con là để trang sức chứ không phải để nghe. Rồi lúc jigida bắt lửa, con mới biết.

Akuede đi về phía cuối chòi, cởi bỏ những chuỗi jigida. Phải nhẹ nhàng, chậm chạp, cẩn thận cởi từng chuỗi ra một, cho nó khỏi bể mà khỏi phải xỏ lại cả ngàn cái vòng nhỏ xíu. Hai bàn tay nó đỡ cho mỗi chuỗi hạ nhẹ nhẹ xuống, qua được mông rồi tuột xuống dưới chân.

Trong obi, bọn đàn ông đã bắt đầu uống rượu kè mà anh chàng đi hỏi vợ mang tới. Rượu ngon và mạnh, vì có trái kè đậy lên miệng bình rồi mà bọt trắng trong bình vẫn trào lên, tràn ra ngoài, ướt cả chung quanh miệng.

Okonkwo bảo:

- Người nào gây rượu này vào hạng khéo đấy.

Thanh niên đó, tên là Ibe, toét miệng ra cười, nói với cha: “Ba nghe thấy không?” rồi chàng nói với mấy người kia: “Ba tôi không chịu nhận rằng tôi khéo gây rượu”.

Ông thân của chàng, Ukegbu bảo:

- Nó làm chết ba cây kè tốt nhất của tôi.

Ibe bắt đầu rót rượu ra, đáp:

- Chuyện cũ từ năm năm rồi, hồi đó con chưa học được cách lấy rượu.

Chàng rót đầy cái sừng thứ nhất, đưa cho cha, rồi rót mời các người khác. Okonkwo lấy chiếc sừng lớn trong đẫy da dê ra, thổi mạnh vào cho bụi bay đi, rồi chìa ra cho Ibe rót.

Vừa uống, mọi người vừa nói về mọi chuyện, trừ chuyện chính, mục tiêu của buổi họp này. Mãi cho tới khi uống hết bình rượu rồi, ông Ukegbu mới đằng hắng trình bày sở nguyện của mình.

Obierika đưa cho ông ta một bó que ngắn. Ông đếm, rồi hỏi:

- Có ba chục cây cả thảy?

Obierika gật đầu. Ukegbu nói:

- Thế là minh bạch. (Rồi ông quay lại nói với em và con). Chúng mình ra ngoài bàn tính với nhau.

Cả ba người đứng dậy, bước ra. Khi họ trở vô, Ukegbu trả bó que cho Obierika. Ông này đếm lại: đáng lẽ ba chục thì chỉ còn mười lăm cây. Ông đưa cho người anh cả, Machi. Machi cũng đếm lại nữa, bảo:

- Chúng tôi không muốn hạ xuống dưới số ba mươi. Nhưng như con chó trong truyện cổ tích đã nói: “Nếu tôi hạ xuống cho ông mà ông cũng hạ xuống cho tôi, thì là hợp phép. Hôn nhân là cuộc trao đổi, chứ không phải là một cuộc giao chiến, vì vậy chúng tôi xin hạ xuống nữa”. Ông ta lấy mười cây que thêm vô bó mười lăm cây rồi đưa cho Ukegbu.

Cò cưa cách đó, rốt cuộc sính kim của Ukegbu được định là hai chục bao vỏ sò. Khi họ thỏa thuận với nhau thì trời đã hoàng hôn.

Obierika bảo con trai là Maduka:

- Vô thưa với má con, mọi việc xong xuôi rồi.

Tức thì các bà bưng vô một liễn lớn đầy foofoo. Bà vợ hai của Obierika theo sau với một liễn cháo, còn Maduka xách một bình rượu kè.

Vừa ăn uống, bọn đàn ông vừa nói chuyện về các tục lệ các thị tộc bên cạnh.

Obierika bảo:

- Mới sáng nay anh Okonkwo với tôi nói chuyện với nhau về các thị tộc Abame và Aninta: đàn ông của họ leo lên cây và đâm foofoo cho vợ.

- Tục lệ của họ đảo ngược hết. Họ không dùng que như chúng ta để định sính kim. Họ cò kè, trả giá như mua dê hay bò ở chợ.

Ông anh cả của Obierika bảo:

- Thế thì bậy quá. Nhưng có cái ở nơi này cho là tốt, ở nơi khác lại cho là xấu. Ở Imunso, người ta không trả giá, cũng không dùng que như mình. Anh chàng đi hỏi vợ cứ khiêng từng bao vỏ sò lại nhà gái cho tới khi cha hoặc chú bác bảo thôi mới thôi. Tục đó xấu xa vì luôn luôn gây ra một cuộc cãi lộn.

Obierika bảo:

- Thế giới mênh mông. Tôi còn nghe nói ở một số bộ lạc nào đó, con không thuộc về cha mà thuộc về mẹ và họ hàng bên mẹ.

Machi bảo:

- Không thể như vậy được. Có khác gì khi ăn nằm với nhau thì đàn bà leo lên mình đàn ông không.

Obierika nói:

- Như chuyện các người da trắng vậy. Người ta bảo họ trắng như cục phấn này nè. (Ông ta chìa một cục phấn ra mà gia đình nào cũng có sẵn trong obi để vạch vài đường trên mặt đất trước khi ăn cola). Người ta còn bảo những người da trắng đó không có ngón chân nữa.

Machi hỏi:

- Chú đã thấy họ lần nào chưa?

Obierika cũng hỏi:

- Còn anh?

Machi đáp:

- Có một người da trắng thường qua lại nơi đây. Tên hắn là Amadi.

Những người biết Amadi đều cười rộ. Amadi là một thằng cùi, mà tiếng nhã nhặn để gọi bệnh cùi là “bệnh da trắng”.

Hết chương 8. Mời các bạn đón đọc chương 9!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38166


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận