Mới đầu thị tộc cho rằng nó không tồn tại được lâu. Nhưng nó vẫn tiếp tục sống và lần lần vững thêm. Thị tộc bực mình đấy - nhưng không quá đỗi. Nếu một bọn efulefu quyết sống trong Rừng Ác thì mặc kệ họ. Với lại nghĩ cho cùng, bọn người không ai ưa đó, thì có chỗ nào lí tưởng để cho họ ở bằng khu Rừng Ác? Họ cứu sống những trẻ sinh đôi bỏ trong rừng, điều đó có, nhưng không bao giờ họ dắt chúng vô làng cả. Đối với dân làng, như vậy cũng chẳng có gì thay đổi vì tụi trẻ sinh đôi bị liệng bỏ ở đâu thì vẫn ở đấy. Dĩ nhiên, Nữ Thổ Thần sẽ không bắt dân làng phải chịu lấy cái tội của bọn người truyền giáo.
Nhưng có một lần, bọn người này thử vượt khỏi ranh giới. Ba người cải đạo vô làng và lớn tiếng khoe khoang rằng tất cả thần linh của làng đã hết thiêng, chết cả rồi, và họ sẵn sàng đốt các đền miếu để thách đố các thần đó.
Một thầy pháp trong làng bảo bọn họ:
- Tụi bay về đốt cái bộ phận của mẹ tụi bay đi.
Người ta túm đánh tụi đó tới xối máu. Sau vụ đó, trong một thời gian lâu không có chuyện gì xảy ra giữa giáo hội và thị tộc cả.
Nhưng đã có tiếng đồn rằng người da trắng chẳng những đem lại một tôn giáo mới mà còn lập một chính quyền nữa. Người ta bảo họ đã dựng ở Umuofia một chỗ để xử tội, chủ tâm là che chở những kẻ theo tôn giáo họ. Người ta còn nói họ đã treo cổ một người đã giết một nhà truyền giáo.
Những chuyện như vậy thường được nhiều người kể, nhưng dân chúng Mbanta vẫn coi là những chuyện hoang đường nên sự giao thiệp giữa giáo hội và thị tộc vẫn bình thường. Ở Mbanta này làm gì có chuyện giết một nhà truyền giáo, vì ông Kiaga điên khùng vậy chứ có làm hại ai đâu, cần gì mà phải giết. Còn những kẻ ông ta dụ dỗ vô đạo, thì dù bản chất đê tiện, chúng vẫn là người trong thị tộc, ai giết chúng sẽ phải bán xới đi nơi khác. Vì vậy chẳng ai quan tâm tới những chuyện về chính quyền của người da trắng, hoặc những hậu quả khi giết những tín đồ Ki Tô giáo. Nếu bọn này tỏ ra khó chịu hơn trước nữa thì tống cổ chúng ra khỏi thị tộc là êm.
Còn giáo hội nhỏ kia hồi này mải lo giải quyết những khó khăn nội bộ, nên không gây rối gì cho thị tộc cả. Tới khi họ cho bọn tiện dân vô đạo thì mọi sự lôi thôi mới bắt đầu.
Bọn tiện dân, tức osu, thấy tôn giáo mới chấp nhận những trẻ sinh đôi và nhiều cái khác mà thị tộc ghê tởm không kém, nghĩ rằng có lẽ mình cũng được giáo hội thu nhận. Thế là một chủ nhật nọ, hai tên tiện dân lại giáo đường. Ai nấy xôn xao. Nhưng tôn giáo mới đã làm được nhiều việc lớn lao nên khi bọn tiện dân vô giáo đường, những người cải đạo trước đó chưa bỏ giáo đường ngay. Người nào ngồi sát bọn tiện dân đó, chỉ đứng dậy, đi ngồi chỗ khác thôi. Thực là một phép mầu. Nhưng phép mầu này chỉ kéo dài tới hết buổi lễ. Tan lễ toàn thể tín đồ đứng dậy phản kháng, đòi đuổi bọn tiện dân đó ra, nhưng ông Kiaga ngăn họ lại và bắt đầu giảng giải:
- Trước mặt Chúa, không có sự phân biệt kẻ nô lệ và những người tự do. Chúng ta đều là con của Chúa, những người đó là anh em của chúng ta, chúng ta phải tiếp đón họ.
Một người đã cải đạo, bảo:
- Thầy không hiểu. Bọn người ngoại đạo khi hay chúng ta tiếp nhận bọn osu thì sẽ coi chúng ta ra gì? Họ sẽ cười cho.
Ông Kiaga bảo:
- Mặc cho họ cười. Chúa sẽ cười họ khi tới ngày Phán xét. Tại sao các quốc gia lại hóa điên rồ và các dân tộc lại tưởng tượng một điều vô nghĩa như vậy? Chúa ngồi ở trên cao kia sẽ cười họ.
Người cải đạo đó vẫn chưa chịu, lại nói:
- Thầy không hiểu. Thầy dạy giáo lí cho chúng tôi, có thể giảng cho chúng tôi được những điều về tôn giáo mới. Nhưng còn chuyện này là chuyện chúng tôi bi t mà.
Và người đó giảng thế nào là một osu.
Osu là một kẻ đã hiến dâng cho một thần, một vật đặc biệt, ngoại lệ - suốt đời bị ta-bu(1), cha truyền con nối. Một osu không được cưới một người tự do, mà một người tự do cũng không được cưới một osu. Họ là hạng người hạ tiện không ai được đụng tới, sống riêng biệt trong một khu rừng ở làng, gần Đền Chính. Dù họ đi đâu thì họ cũng phải giữ cái dấu hiệu của tập cấp(2) hạ tiện của họ: mớ tóc dài, rối bù, dơ dáy. Đối với họ, một con dao cạo là một ta-bu. Một osu không được phép dự một cuộc hội họp của các người tự do mà các người tự do cũng không được ở chung nhà với một osu. Họ không được mang một chức vị nào trong bốn chức vị của làng và khi chết sẽ phải chôn chung với nhau trong Rừng Ác. Làm sao một kẻ như vậy có thể là đệ tử của đấng Ki Tô được?
Ông Kiaga bảo:
- Họ cần được đấng Ki Tô nâng đỡ hơn là anh và tôi.
- Nếu vậy thì tôi xin trở về thị tộc.
Nói xong người đó đi ra. Ông Kaiga không chịu nhượng bộ, và nhờ sự cương quyết của ông mà giáo hội đứng vững được.
Những người cải đạo còn do dự, thấy lòng tin của ông không gì lay chuyển được nên noi gương ông mà giữ được đạo. Ông ra lệnh cho các osu cắt mớ tóc dài, rối bù đi. Mới đầu họ sợ cắt tóc thì sẽ chết mất. Ông bảo họ:
- Nếu các anh không chịu cắt bỏ cái dấu hiệu tà giáo của các anh thì tôi sẽ không cho các anh vô giáo đường. Các anh sợ chết. Nhưng tại sao lại chết được? Thì cũng như những người khác, họ cắt tóc họ có làm sao đâu? Các anh và họ đều do một Chúa tạo ra. Mà họ ruồng bỏ các anh như bọn cùi. Cái đó trái với ý Chúa. Ngài hứa cho tất cả những người nào tin ở Ngài, sẽ được một đời sống vĩnh cửu. Bọn tà giáo kia bảo các anh sẽ chết nếu làm việc này việc nọ, rồi các anh sợ. Họ cũng bảo rằng tôi sẽ chết nếu tôi dựng giáo đường trên khu đất này. Nhưng tôi có chết không? Họ cũng bảo rằng nếu tôi săn sóc các trẻ sinh đôi, tôi sẽ chết. Mà tôi vẫn còn sống đây. Họ toàn là nói láo. Chỉ có lời của Chúa mới đúng.
Hai osu đó cắt tóc và chẳng bao lâu thành những tín đồ trung kiên nhất của tôn giáo mới. Hơn nữa, hầu hết các osu khác ở Mbanta đều noi gương họ. Sự thực, chính một người trong bọn họ vì quá hăng, một năm sau, giết con mãng xà linh thiêng, sứ giả của Thủy Thần, mà gây một cuộc xung đột dữ dội giữa giáo khu và thị tộc.
Con mãng xà chúa này là con vật được tôn sùng nhất ở Mbanta và các thị tộc chung quanh. Nói với nó, người ta phải gọi là “Cha chúng con”, nó muốn đi đâu thì đi, có khi vô cả giường người ta nằm nữa. Nó ăn chuột, có khi nuốt cả trứng gà. Nếu một người trong thị tộc vô ý giết một con mãng xà chúa thì phải làm lễ tạ tội, rồi làm đám ma linh đình cho nó, y như đám ma một vị hào mục. Không có một lệ nào để trừng trị một kẻ cố tình giết mãng xà, vì không ai cho rằng một việc như vậy có thể xảy ra được.
Mà có lẽ từ xưa tới nay chưa hề xảy ra một chuyện như vậy. Mới đầu thị tộc quan niệm theo cách đó. Chưa thấy người nào giết mãng xà. Chính các tín đồ Ki Tô giáo đã gây ra sự thể này.
Dù sao thì các nhà cầm quyền và các bô lão ở Mbanta cũng họp nhau để quyết định phải hành động ra sao. Nhiều người hăng hái nói một hồi lâu. Họ có tinh thần muốn gây chiến rồi. Okonkwo đã bắt đầu dự vào việc làng bên quê ngoại, tuyên bố rằng cái bọn khả ố đó, mà không quất cho nên thân, đuổi ra khỏi làng, thì không yên được.
Nhưng cũng có người nghĩ khác, và sau cùng, ý kiến của bọn này thắng.
Một người trong bọn họ nói:
- Chúng ta không có cái tục chiến đấu vì các thần linh của chúng ta. Vậy bây giờ đừng nên cả gan làm việc đó. Một kẻ giết mãng xà linh thiêng trong chòi của hắn thì đó là chuyện riêng giữa hắn và thần. Chúng ta không mục kích chuyện đó. Nếu chúng ta xen vào giữa thần và kẻ có tội thì chúng ta có thể bị vạ lây, thần đập nó mà đập nhầm vào chúng ta. Có kẻ nào báng bổ thì chúng ta làm gì? Chúng ta có bịt miệng nó lại không? Không. Chúng ta bịt tai chúng ta để khỏi phải nghe. Như vậy là khôn.
Okonkwo bảo:
- Chúng ta đừng hành động như những kẻ hèn nhát! Nếu một người vô chòi tôi rồi đại tiện trong đó thì tôi làm gì? Tôi có nhắm mắt lại không? Không. Tôi lấy cây gậy đập vào đầu nó chứ. Xứng đáng làm con người thì phải hành động như vậy. Những kẻ kia ngày nào cũng trút những dơ dáy lên đầu lên cổ chúng ta, mà Okeke bảo chúng ta nên làm ngơ như không thấy.
Okonkwo phát ra một thanh âm tỏ sự ghê tởm. Ông nghĩ: Thị tộc này chỉ gồm toàn bọn đàn bà. Ở bên nội ông, ở Umuofia có bao giờ mà xảy ra chuyện như vậy được.
Một người khác bảo:
- Okonkwo nói có lí đấy. Chúng ta phải làm cái gì chứ. Chúng ta phải tẩy chay họ. Như vậy họ làm bậy, chúng ta sẽ không chịu trách nhiệm.
Mọi người đều nói rồi sau cùng người ta quyết định tẩy chay bọn theo Ki Tô giáo. Okonkwo nghiến răng, tỏ ý tởm.
*
* *
Đêm đó một người rung một cái chuông đi khắp làng Mbanta tuyên bố rằng kẻ nào theo tôn giáo mới từ nay không được dự vào sự sinh hoạt và hưởng những đặc quyền của thị tộc nữa.
Số người theo Ki Tô giáo lúc này đã tăng, họp thành một cộng đồng đủ đàn ông, đàn bà, con nít, hết thảy đều tự tin, tự phụ. Ông Brown, nhà truyền giáo da trắng, lại thăm họ đều đều, bảo họ:
- Khi tôi nghĩ rằng Hạt mới gieo lần đầu ở đây chưa đầy mười tám tháng, mà kết quả như vậy thì tôi phải ngạc nhiên về sự thành công của Chúa.
Hôm đó là ngày thứ tư trong Tuần lễ Thánh, và ông Kiaga đã bảo đàn bà đem đất đỏ, phấn và nướ c lại để tô lại tường giáo đường, chuẩn bị cho lễ Phục Sinh; đàn bà chia làm ba bọn làm những công việc đó. Họ đi từ sáng sớm, người thì đem vò xuống sông múc nước, kẻ thì vác cuốc và thúng lại hầm đất đỏ của làng, kẻ thì lại hầm phấn.
Ông Kaiga đương cầu nguyện trong giáo đường thì nghe thấy tiếng đàn bà eo éo, giận dữ. Ông vội vàng cầu nguyện cho mau để ra coi xem có chuyện gì. Bọn đàn bà đó trở về giáo đường, trong vò không có một giọt nước nào cả. Họ bảo bọn thanh niên trong làng cầm roi đuổi họ, không cho họ xuống sông. Lát sau, bọn đàn bà đi lấy đất đỏ, cũng về không. Vài người bị quất mạnh. Bọn đi lấy phấn cũng trở về kể lại như vậy.
Ông Kiaga hoang mang, hỏi:
- Thế là nghĩa gì vậy?
Một người đàn bà đáp:
- Làng đã tẩy chay tụi tôi, đặt tụi tôi ra ngoài vòng pháp luật. Người gõ chuông đã đi rao như vậy đêm qua. Nhưng đâu có cái lệ cấm người ta xuống sông lấy nước hoặc lại hầm đất, hầm phấn.
Một người đàn bà khác bảo:
- Họ muốn hại chúng mình. Muốn cấm chúng mình lại chợ. Họ đã nói vậy.
Ông Kaiga vừa tính sai người về làng kêu những người đàn ông cải đạo ra thì thấy họ ở đằng xa tới. Dĩ nhiên, ban đêm họ đã nghe lời rao của người gõ chuông, nhưng từ hồi cha mẹ sinh ra, có bao giờ họ thấy cái chuyện cấm đàn bà xuống sông múc nước đâu.
Họ nói với bọn đàn bà:
- Đi, chúng tôi sẽ đi theo các chị, để xem tụi hèn nhát đó làm gì.
Có người vác theo những cây gậy lớn, có người lại xách cả rựa đi nữa.
Nhưng ông Kiaga ngăn họ lại. Ông muốn biết tại sao họ bị dân làng tẩy chay.
Một người đáp:
- Họ bảo vì Okoli đã giết con mãng xà linh thiêng.
Một người khác bảo:
- Không đúng. Chính Okoli bảo không phải vậy.
Okoli không có ở đó để đáp. Hắn đã bị bệnh từ đêm trước, và trời chưa sáng thì hắn đã chết. Cái chết đó chứng tỏ rằng thần linh thiêng thật, có thể tự mình chiến đấu, vậy thì thị tộc không có lý do gì để uy hiếp các người theo đạo Ki Tô giáo nữa.
Hết chương 18. Mời các bạn đón đọc chương 19!