Chương 11 THỨ TƯ (SÁNG) Mitchell đã ở mấp mé bên cái trạng thái suy sụp tâm thần; hay nói khác đi, trong trạng thái mà các bác sĩ thần kinh của Cục gọi là “ngưỡng khủng hoảng” hay “tinh thần phân lập cấp 4”. Suốt sáu hôm nay, thần kinh của lão đã căng thẳng kinh người, như một chiếc lò xo nén hết cỡ. Thế mà, rốt cục, lão đã thích nghi được với trạng thái đó. Tình thế căng thẳng, đòi hỏi phải làm việc cao độ, đối với lão lại là chuyện bình thường – một tiêu chuẩn quen thuộc. Tuy nhiên, lão vẫn tiếp tục làm việc với hiệu suất cao và đưa ra những quyết định đúng đắn, chừng nào lão còn đang được sống trong những điều kiện khác thường, vốn là ngọn nguồn đưa đến cái trạng thái ấy. Bất cứ một sự can thiệp từ bên ngoài nào cũng có thể làm đổ sụp sự tập trung nội lực cao kia và đẩy lão vào trạng thái mất thăng bằng. Một trong những nguyên do khiến Mitchell căng thẳng là lão không sao hiểu đến đầu đến đũa thực chất của những biến cố vừa qua. Vì thế, lão thấy thần kinh bị kích động. Lý trí và kinh nghiệm nhắc lão là phải bình tâm và quả nhiên, lão đã có thể vượt qua được sự mỏi mệt và căng thẳng đầu óc của mấy ngày gần đây. Thành ra, mãi lúc này, mặc dù đã 4 giờ 20 phút sáng, lão vẫn thấy không buồn ngủ. Đầu tóc bơ phờ, người nhớp nháp vì đã sáu ngày trời không tắm rửa, nhưng Mitchell vẫn ngồi bên bàn làm việc, xem đi xem lại đến lần thứ một trăm những báo cáo của các nhóm điều tra gởi về. Lão lẩm nhẩm hát thầm. Lão không hề hay biết gì là có hai nhân viên mới của Cục an ninh đang ngồi trong phòng, cạnh chỗ pha cà phê, để theo dõi lão. Một người là “chỉ huy kép”, ngang hàng với lão, còn người kia là một chuyên viên tâm thần, do tiến sĩ Lofts cữ đến, vừa để theo dõi trạng thái thần kinh của lão, vừa để nghe trộm câu chuyện giữa lão với Thần Ưng.
“R-r-r-e-e-eng!”
Hồi chuông đã khiến ai nấy trong phòng lập tức bừng tỉnh. Mitchell ra hiệu cho mọi người im lặng, đồng thời nhấc máy lên nghe. Những động tác gãy gọn của lão trông chẳng khác nào những thao tác đầy tự tin của một tuyển thủ thể thao hoặc một cỗ máy vừa được tra dầu mỡ.
- 493 – 7282 đang nghe đây.
- Thần Ưng đây. Tôi sắp hoàn thành những gì tôi muốn rồi đấy.
- Tôi hiểu. Thế tại sao anh vẫn chưa…
- Tôi vừa nói “sắp” kia mà. Bây giờ, anh hãy nghe cho kỹ đây và nhớ ghi lại thật cẩn thận nhé. Maronic, Wazerby và đồng bọn của hắn đều hoạt động dưới quyền chỉ huy của một người tên là Attwood. Bọn chúng đang cố xoá sạch mọi dấu vết của một vụ làm ăn phi pháp vào năm 1967 – buôn lậu ma tuý. Chúng chuyên chở hàng hoá bằng đường dây liên lạc tuyệt mật của CIA. Chuyện này, Heidegger đã tình cờ phát giác được. Còn những diễn biến sau đó, thì anh đã biết rõ cả rồi.
Tôi đang còn phải giải quyết nốt một việc cuối cùng nữa. Nếu không thành, thì rồi anh cũng sẽ biết thôi. Dẫu sao, anh cũng nhớ rõ cho điều này: tôi đã gửi mấy lá thư về chỗ ngân khoản của tôi, tại một ngân hàng, nhờ họ chuyển đến những địa chỉ cần thiết. Anh cứ chờ, sáng nay thư thế nào cũng đến tay các anh đấy. Còn bây giờ thì hãy phái ngay một tổ điều tra đến nhà Attwood. Gấp lên! Địa chỉ của lão ta đây: phố Elwood, số 42, khu Chevy-Chase.
Viên “chỉ huy kép” của Mitchell nghe vậy tức thì đứng bật dậy, nhắc ống nghe trên chiếc máy màu đỏ lên, khẽ ra lệnh. Một nhóm nhân viên đang túc trực sẵn ở đầu nhà, liền nhanh chóng chạy ra mấy chiếc xe đang chờ họ. Một nhóm nữa cũng lập tức được một trực thăng quân sự kiểu Cobra, đậu trên nóc toà nhà, đưa ngay đến địa chỉ trên.
- Nhớ đem theo một bác sĩ nữa. Hai tên trong băng của Maronic thì đang nằm trong cánh rừng sau nhà ấy, nhưng cả hai đều đã chết cả rồi – bị chính Maronic giết. Nào, chúc tôi thành công đi chứ, anh bạn.
Malcolm bỏ máy trước lúc Mitchell kịp phản ứng. Lão đưa mắt nhìn người nhân viên dò số máy, ra cách hỏi: “Dò được không?”. Nhưng người này lắc đầu.
Căn phòng tức thì lại nhộn nhịp hẳn lên. Máy nọ máy kia thi nhau gọi đi, gọi về dồn dập. Những hồi chuông giật giọng ấy đã khiến nhiều người ở các khu vực khác trong Washington phải chồm dậy. Tiếng máy đánh chữ nổ giòn, đám liên lạc viên chuyển công văn, giấy tờ bắt đầu chạy như cờ lông công. Còn những ai không phải đảm đương một việc gì cụ thể, thì bước tới bước lui trong phòng. Nhưng sự tất bật và nhộn nhịp đó hoàn toàn chẳng tác dụng gì đến Mitchell cả. Lão ngồi bên bàn của lão, bình thản tiến hành những thao tác mà quy trình chỉ huy báo động đã ấn định. Trán lão không rịn lấy một giọt mồ hôi, hai tay lão vẫn khô không khốc. Duy ở đâu đó trong đáy mắt lão thì ngọn lửa tò mò vẫn rực cháy.
… Malcolm treo máy lên, rồi ném thêm một đồng mười xu nữa vào hộp đựng tiền. Chỉ sau hai hồi chuông ngắn, anh đã nghe có tiếng trả lời.
Cô gái đáp lại Malcolm có một giọng nói thật dịu dàng và niềm nở. Hẳn vì giọng nói đó mà cô được thu nhận vào làm tại cái công ty hàng không béo bở này.
- Chào ông. Thưa, công ty hàng không Trans World Airlines đây ạ. Ông cần giúp gì chăng?
- Tôi là Henri Cooper. Rốt cục, hôm nay anh tôi mới bằng lòng lên đường đi nghỉ phép – một dịp nghỉ mà cả nhà từng mong ngóng. Chả là anh ấy muốn dứt bỏ hoàn toàn mọi công kia việc nọ, cùng những nỗi lo toan vẫn dằn vặt suốt mấy tháng nay. Cô hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ nhỉ? Anh ấy không hề báo cho ai lấy một lời là sẽ đi đâu, vì anh ấy vẫn chưa quyết định dứt khoát. Tôi chẳng cần gì hơn là đem đến cho anh tôi một sự bất ngờ - trao một món quà nhỏ của gia đình, nhân dịp anh ấy lên đường. Anh tôi sẽ ra sân bay rất sớm. Nhưng cả nhà nghĩ là 6 giờ chuyến bay No27 mới cất cánh. Cô dò giúp sổ sách xem có phải anh ấy đã dặn giữ chỗ trong chuyến bay ấy không?
Người ở đầu máy đằng kia lặng yên một lát, rồi đáp:
- Đúng ạ, thưa ông Cooper. Anh của quý ông đã dặn giữ chỗ cho chính chuyến ấy, để bay… đến Chicago. Nhưng vé vẫn chưa thấy đến lấy.
- Tuyệt. Xin thành thật cám ơn cô. À, cô làm ơn giúp cho điều này nữa: đừng bảo gì với anh ấy là chúng tôi gọi điện đến nhé? Vì điều bất ngờ ấy sẽ chính là chị Wandy của chúng tôi. Chị ấy rất có thể sẽ đi cùng hoặc sẽ đáp chuyến máy bay tiếp theo.
- Dĩ nhiên, thưa ông Cooper. Thế tôi có phải dành chỗ cho chị ấy không ạ?
- Không đâu. Cảm ơn cô. Tôi nghĩ tốt nhất là cứ nên chờ xem những gì sẽ xảy ra trên sân bay vào sáng hôm nay. Máy bay sẽ cất cánh đúng 6 giờ chứ?
- Vâng, đúng 6 giờ ạ.
- Tuyệt. Chúng tôi sẽ đến ngay đấy. Cảm ơn cô nhé.
- Cảm ơn ngài đã có nhã ý chiéu cố đến hãng chúng tôi.
Malcolm vừa rời trạm điện thoại tự động, vừa phủi bụi bám trên ống tay áo của bộ quân phục choáng lộn. Phải nói thật rằng bộ lễ phục sĩ quan hải quân đó của Attwood cứ như là may cho chính anh vậy. Đôi giày cao cổ, tuy có hơi rộng và thỉnh thoảng vẫn khẽ “két” dài một tiếng mỗi lúc đi nhanh, nhưng bù lại đã được đánh xi bóng lộn, khi anh rời bãi đỗ xe hơi, tiến vào phòng đợi của sân bay National. Malcolm đĩnh đạc bước đi, chiếc áo mưa vắt trên tay và chiếc mũ lưỡi trai bảnh bao kéo sụp xuống gần tận mắt.
Anh nhét vào hòm thư một chiếc phong bì nhỏ, không dán tem, đề địa chỉ bên ngoài: “Gửi Cục Tình báo Trung Ương”. Trong thư, anh trình bày tường tận hết thảy những gì anh biết, kể cả chuyện Maronic định bay lên Chicago, dưới cái tên giả là James Cooper, và chuyến bay của hắn. Thần Ưng hy vọng rằng nếu bưu điện Hoa Kỳ làm ăn tắc trách với những bức thư hôm qua, thì lá thư do chính tay anh gửi này cũng sẽ mang được những tin tức cần thiết nọ về cho những người cai quản Cục Tình báo Trung Ương.
Phòng đợi mỗi lúc một đông khách dần. Đó là những hành khách đầu tiên trong số những dòng hành khách tất bật sẽ đi tới đi lui trong suốt cả ngày trời trong gian phòng không lấy gì làm rộng rãi lắm này. Người phu quét rác cố nhịn thở dồn hết những mẩu thuốc lá thừa vương vãi trên mặt tấm thảm trải sàn màu đỏ sẫm… Một bà mẹ đã hết cả hơi mới dỗ được đứa bé đâm ra trái nết vì mệt nhọc… Một cô sinh viên trẻ măng cứ nhấp nhổm đứng ngồi không yên, vì đang lo không hiểu có được mua vé ưu đãi, chỉ phải trả có phân nửa tiền không, bằng tấm thẻ sinh viên mượn được của cô bạn cùng phòng, mà kỳ nghỉ này không định đi đâu… Ba anh lính trẻ thuộc quân chủng lính thuỷ đánh bộ, được về Michigan thăm gia đình, tò mò ngắm cô gái nọ, thầm đoán non đoán già về kết cục câu chuyện… Một người đàn ông khá giả, hẳn là một nhà doanh nghiệp lớn, đã về hưu, và một anh chàng nát rượu, không một xu dính túi đang ngủ gà ngủ gật trên hai chiếc xa-lông đặt cạnh nhau, để chờ hai cô con gái ở tận trên Detroit đáp máy bay về thăm bố… Khổ sở vì mấy cốc rượu “gin” đã quá chén đêm qua, viên quản trị trưởng công ty Fuller brush cứ phải ngồi ngây như tượng trên ghế, thấp thỏm lo cho những hậu quả khó chịu sắp sửa xảy đến trên chuyến bay đường trường bằng máy bay phản lực… Một đạo diễn của một công ty truyền thanh tư nhân, chuyên phục vụ cho hành khách đi máy bay, quyết định mở đầu chương trình ca nhạc sáng bằng những bản Jazz, nên trong ống nghe đeo tai bắt đầu vang giọng một giai điệu trích từ chương trình biểu diễn của băng Beatles, do một dàn nhạc vô danh trình tấu.
Malcolm từ tốn đến bên dãy xa-lông kê ở góc phòng để từ đó có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ những diễn biến xảy ra bên các quầy bán vé của công ty hàng không Trans World Airlines… Anh ngồi bên ba chàng lính thuỷ đánh bộ, hầu như chẳng thèm để ý gì đến sự có mặt của viên sĩ quan hải quần trầm lặng, rồi với tay ra cầm lên một tờ tạp chí. Anh giở tạp chí ra, nhưng khéo léo che lấp đi đến già nửa khuôn mặt của mình, mắt vẫn nhìn chằm chằm về phía dãy ghi-sê bán vé. Tiếp đó, anh luồn bàn tay phải vào dưới vạt áo ki-tel, lôi ra khẩu súng ngắn tự động nhét vào dưới chiếc áo mưa đặt trên đùi và bắt đầu chờ…
Đúng 5 giờ 30, Maronic ung dung bước qua cổng chính, đi vào. Hắn đã nghĩ ra được một cách nguỵ trang mới, - đi bằng dáng đi hơi khập khiễng. Người ngoài nhìn vào thường thường vẫn cố làm ra vẻ không để ý gì đến cái bên chân hơi ngắn kia, nhưng thực ra toàn bộ tâm trí hầu như đều dồn cả vào cái khuyết tật tội nghiệp nọ. Dáng đi khập khiễng ấy cung cấp cho trí tưởng tượng của họ bao điều để phỏng đoán; vì thế, người ta sẽ bỏ qua đi rất nhiều chi tiết khác về diện mạo, mà lẽ ra phải để mắt đến. Bộ quân phục thật oách thường cũng gây được những hậu quả tương tự.
Ngoài ra, Maronic còn “nuôi” thêm một bộ ria mép khá rậm, mua được ở một cửa hàng bán đạo cụ sân khấu trên đường ra sân bay. Diện mạo hắn, vì thế, nom lạ hẳn đi, đến nỗi Malcolm không thể nào nhận ra ngay, khi hắn vừa dừng chân bên cửa ghi-sê bán vé. Nhưng giọng nói mềm mỏng của Maronic đã thu hút sự chú ý của anh. Anh rướn người lên, cố nghe cho rõ những gì hắn nói.
- Tôi là James Cooper. Chắc cô đã dành sẵn cho tôi rồi thì phải?
Cô gái ngồi sau quầy khẽ hất đầu, để gạt một lọn tóc màu hạt dẻ rũ xuống trán.
- Vâng, thưa ngài Cooper, chuyến No27, lên Chicago. Ngài còn những mười lăm phút nữa để thu xếp đấy ạ.
- Tuyệt. – Maronic trao tiền vé, gửi chiếc va-li độc nhất xách trên tay cho phòng hành lý, lấy phiếu gửi, rồi rời ngay ghi-sê.
Hắn đưa mắt nhìn quanh, rồi nhủ thầm: “Nhà ga gần như chưa có ai. Ổn đấy. Vài gã quân nhân – bình thường; bà mẹ với đứa con nhỏ - bình thường; hai lão say rượu – không có gì đặc biệt; một ả sinh viên non choẹt – cũng bình thường nốt… Xung quanh chẳng có một bóng đàn ông nào đứng suông, chẳng biết làm gì, hoặc vờ làm ra vẻ bận bịu. Không ai hối hả chạy đị gọi điện, kể cả cô ả tóc nâu ngồi trong ghi-sê kia. Mọi thứ đều bình thường chẳng có gì khả nghi”.
Hắn bình tĩnh hẳn, và khoan khoái đi qua gian phòng, mắt chăm chú nhìn hai bên, khẽ vung vẫy đôi chân cho thoải mái trước lúc sẽ phải chịu cảnh ngồi bó rọ suốt hàng nửa ngày trời trên máy bay. Hắn chẳng chú ý gì đến viên sĩ quan hải quân đang thận trọng theo dõi hắn, cách đó vài chục bước.
Malcolm đã toan từ bỏ ý định, khi nhìn thấy Maronic ra đi với một dáng dấp đầy tự tin và dứt khoát đến thế. Nhưng thay đổi ý định lúc này thì đã muộn mất rồi. Sự giúp sức mà anh cầu cứu lúc này biết đâu có thể không đến kịp, và thế là Maronic có thể chuồn mất. Hơn nữa, đây chính là việc anh phải tự cáng đáng lấy. Anh cố kìm giữ những sức lực thể chất đang chực trào ra, vì liều thuốc tăng lực kia, mà mãi lúc này vẫn chưa hết công hiệu. Nếu để dịp khác, thì cơ may sẽ chẳng bao giờ còn đến với anh nữa.
Sân bay thủ đô National, tuy chẳng phải là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc, nhưng vẫn có một cái gì đó đầy sức thu hút. Maronic đã tự cho phép mình buông thả trong giây lát, để ngắm những đường nét can đối của gian phòng đợi và những dãi hành lang, mà hắn đang đi qua. Những sắc màu êm dịu đẹp lạ thường, những đường nét thanh tú, uyển chuyển biết bao.
Thình lình, hắn bỗng dừng phắt lại. Malcolm vừa kịp lách người vào sau dãy sách, bày bán những tập comics. Cô hàng sách ngước mắt nhìn chằm chằm vào mặt anh, nhưng chẳng nói năng gì.
Maronic nhìn chiếc đồng hồ đeo trên tay và dường như ngẫm nghĩ gì đó trong giây lát, như thể để lượng định nó trong óc vậy. Phải, còn chán thời giờ.
Thế là Maronic lại đi tiếp, không còn giữ cái dáng ung dung của kẻ đang nhàn nhã nữa. Hắn bước vội vã hơn, dứt khoát hơn.
Malcolm theo sau ngay, cố không gây một tiếng động nhỏ nào trong mỗi bước chân, khi phải nện gót trên đoạn hành lang bằng đá hoa cương, không trải thảm.
Maronic bất thần rẽ ngoặt bên phải và biến mất sau một cánh cửa tự đóng mở, mà lúc này vẫn đang còn lay động, vì chưa hết đà.
Malcolm nhanh chóng theo vào. Tay anh vẫn lăm lăm khẩu súng giấu dưới chiếc áo mưa, bỗng ướt đẫm mồ hôi; phần vì nóng, phần vì công hiệu của thuốc và sự căng thẳng thần kinh. Anh dừng bước trước một cánh cửa sơn màu nâu. Phòng vệ sinh nam giới. Anh nhìn quanh. Không một bóng người. Thôi, quyết đi: hoặc là lúc này, hoặc là không bao giờ nữa!
Anh rút khẩu súng ra, quẳng chiếc áo mưa xuống một chiếc ghế gần ngay đấy. Tim đập đổ hồi, anh lấy vai đẩy mạnh cửa.
Cánh cửa nhẹ nhàng và êm ái hé rộng ra vài phân. Qua khe cửa, Malcolm nhìn thấy bức tường lát gạch men bóng loáng và bốn cái bồn rửa tay. Trong phòng cũng chẳng có ai hết.
Anh mở hẳn cửa ra, bước vàotrong. Cánh cửa tự động khép lại “kẹt” khẽ một tiếng rõ dài và đập vào lưng anh một cái rõ mạnh.
Phải, ở đây sáng hơn là ở ngoài đường, dù là trong một ngày xuân trong trẻo như hôm nay. Điệu nhạc trên dãy loa bên ngoài vọng vào, bị vách tường lát gạch men hất ngược trở lại, biến thành những âm thanh lạnh lẽo và chua loét.
Ở cuối phòng vệ sinh, có ba ngăn nhà xí. Dưới mép cánh cửa của ngăn đầu cùng bên trái lộ ra hai chiếc giày cao cổ đánh xi bóng lộn. Màu đen càng nổi bật trên nền gạch men trắng tinh.
Tiếng sáo vang ra từ chiếc loa gắn trên trần như thể nêu lên cho dàn nhạc một câu hỏi vui. Lập tức tiếng dương cầm thánh thót đáp lại.
Malcolm từ từ nâng súng lên. Tiếng sáo lúc này như lại nêu ra một câu hỏi nữa, bằng những tiết tấu dìu dặt hơn ban nãy.
Cái chốt an toàn trên khẩu súng ngắn vừa bật lên một tiếng “tách” khẽ, thì tiếng dương cầm liền tuôn ra một hoà âm thiết tha đáp lại.
Khẩu súng nảy nhẹ trên tay Malcolm. Cánh cửa sắt mỏng trước gian bên trái thủng ngay một lỗ. Hai bàn chân ở bên trong thoạt tiên giật giật, rồi hơi nhấc cao lên. Maronic bị thương nhẹ ở cổ, tuyệt vọng lôi khẩu súng nhét trong túi sau ra. Thường, hắn vẫn giắt súng bên hông, trong một cái bao vải riêng, hoặc đeo ngay dưới nách. Nhưng sáng hôm nay, hắn đã tính cứ vất lại, vì ngại phải chịu cảnh “rọi điện” của đám nhân viên an ninh trước giờ lên máy bay. Hơn nữa, hắn cho rằng hiện thời theo kế hoạch đã vạch, hắn sẽ không cần mó đến súng nữa, nhất là lúc ngồi trong gian phòng rộng đông người như thế này. Nhưng vì thận trọng, rốt cục, Maronic cũng giắt theo khẩu súng, nhưng nhét mãi trong túi sau, - đề phòng bất trắc, tuy biết mười mươi rằng như thế sẽ rất khó lòng xoay xở.
Malcolm lại bắn tiếp phát nữa. Viên đạn thứ hai xuyên qua cánh cửa sắt, đâm vào ngực Maronic, hất hắn ngã dúi vào tường.
Malcolm bắn thêm phát thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Vỏ đạn từ trong ổ súng văng ra, rơi lanh canh trên sàn gạch. Mùi thuốc đạn khét lẹt ngập ngụa gian phòng.
Phát đạn thứ ba của Malcolm khiến Maronic thủng bụng. Hắn khẽ rên một tiếng và bắt đầu trượt dài dọc the thành bên phải của tấm vách ngăn bằng sắt tây.
Phát thứ tư không ghim vào người Maronic, lúc này đã bất động, mà va vào vách tường, bắn ra những viên chì lụn vụn, đập rào rào vào mấy bức vách ngăn hai bên, thậm chí bắn lên cả trần nhà. Dăm ba viên chì đó bắn vào lưng Maronic, nhưng lúc này hắn đâu còn hay biết gì nữa.
Phát thứ năm ghim vào đùi bên trái, hất cái xác của Maronic xuống sàn.
Nhìn qua cái khe bên dưới cánh cửa, anh thấy chân tay hắn nằm vắt chéo trên chỗ ngồi đi đại tiện. Trên mặt sàn lát gạch men lấm tấm mấy vệt máu tươi. Rồi, cả thân người của Maronic từ từ, như thể hắn còn đang ngẫm nghĩ, lăn dài ra dưới sàn. Malcolm chỉ tin chắc là mọi chuyện đã xong xuôi, khi nào nhìn thấy khuôn mặt của Maronic. Vì thế, anh bóp cò thêm hai lần nữa, cho đến lúc không còn viên đạn nào trong ổ súng. Xác Maronic đã nằm sóng sượt trên sàn, giật khẽ mấy lần liền, rồi mới hoàn toàn bất động. Anh nhìn thấy một phần khuôn mặt tái nhợt của hắn. Cái chết đã xoá đi những nét dễ gây ấn tượng vốn có trên khuôn mặt của Maronic, biến nó thành một bộ mặt bình dị, khô khan. Đến lúc này, Malcolm mới vứt súng xuống chân. Khẩu súng nảy lên mấy lần, rồi lăn đến bên xác chết.
Phải mất đến mấy phút đồng hồ, chàng trai mới tìm thấy trạm điện thoại. Rốt cục, một cô chiêu đãi viên hàng không dễ thương, dáng dấp rất phương Đông, đã phải giúp cho viên sĩ quan hải quân hơi đãng trí. Thậm chí, anh còn phải xin cô gái ấy một đồng mười xu nữa để gọi điện.
- 493-7282 đây. – Giọng Mitchell hơi run.
Malcolm chẳng có gì để vội nữa. Anh chậm rãi lên tiếng, giọng hết sức uể oải:
- Malcolm đang ở đầu dây đây. Mọi chuyện thế là xong. Maronic chết rồi. Sao, anh có định phái người đến đón tôi không đấy? Tôi đang có mặt tại sân bay National. Cả Maronic cũng đang ở đây. Tôi cải trang trong bộ quân phục sĩ quan hải quân rất oách. Tôi ngồi chờ ở góc tây-bắc của phòng đợi.
Ba chiếc xe chở theo một tốp nhân viên CIA phóng đến sân bay. Họ đến sớm hơn xe cảnh sát hai phút. Cảnh sát chắc sẽ phải còn lâu mới hay tin về vụ án mạng, nếu ông già quét rác nọ không phát hiện thấy trong phòng vệ sinh nam giới, ngoài những cái chậu đi tiêu bẩn thỉu, còn có mấy thứ linh tinh khác nên đã hối hả chạy đi trình bào cho nhà chức trách.