Trong buổi sáng của ngày thứ tư, Gumb đã sẵn sàng cho công việc lột da.
Hắn vừa đi mua những thứ cần thiết còn lại và cố không bước xuống tầng hầm cho nhanh. Trong gian phòng làm việc, hắn bỏ hết đồ trong túi giấy ra: một dải thật dày để kẹp vào các đường may, mấy miếng lycra thun để gắn dưới các túi nhỏ, một gói muối hột. Hắn không quên thứ gì cả.
Trong xưởng, hắn trải các loại dao trên một khăn sạch để cạnh bồn rửa. Có tất cả bốn cái: một con dao cong để lột da, một con thật tinh xảo của thợ săn, áp đúng theo ngón tay cái trong các chỗ khó tới được, một dao mổ dành cho công việc tỉ mỉ và một dao lê của thời Đệ Nhất Thế Chiến. Cái cạnh tròn của dao lê là phương tiện tốt nhất để lóc một tấm da mà không sợ làm nó rách.
Hơn nữa, hắn có thêm cái cưa phẫu thuật Strycker.
Hắn thoa mỡ lên đầu một hình nhân, đổ muối hột lên đó và đặt mấy thứ đó trên một giá ráo nước không sâu. Để đùa nghịch, hắn vặn mũi cái hình nhân và hôn gió một cái.
Hắn thật khó mà cư xử như một người trưởng thành có trách nhiệm, hắn muốn nhảy tới nhảy lui như Danny Kaye. Hắn cười và đuổi một con bướm trước mặt hắn bằng cách thổi nhẹ vào nó.
Đã đến lúc cho các máy bơm hoạt động để cho nước vào trong các bồn chứa mà hắn đã thay hỗn hợp hóa chất. Ồ, có phải một cái kén rất đẹp bị chôn dưới đống mùn trong cái lồng không? Hắn đưa ngón tay sờ thử. Đúng rồi, có một cái đây.
Bây giờ đến khẩu súng.
Giết cô gái bằng cách này làm hắn băn khoăn suốt nhiều ngày liền. Không có việc treo cô ta lên vì các vết nhăn trên da ở vùng ngực, hơn nữa hắn không muốn cái nút thòng lọng làm hư vùng da cổ sau lỗ tai.
Gumb đã học được nhiều kinh nghiệm, có khi rất nhức nhối của những lần thử trước. Bằng mọi giá, hắn muốn tránh vài cơn ác mộng mà hắn phải chịu đựng. Hắn có một nguyên tắc chủ đạo: dù cho có kiệt sức bằng cái đói hoặc nỗi sợ hãi, những cô này luôn giãy giụa mỗi khi họ thấy các dụng cụ.
Trong quá khứ, hắn đã rượt đuổi các cô gái dưới tầng hầm trong bóng tối bằng cách dùng cặp kính và cây đèn pin hồng ngoại, và thật lý thú khi thấy họ mò mẫm các vách tường, ngồi chết cứng trong một góc. Hắn thích như thế, rượt bắt họ với khẩu súng. Hắn cũng thích bóp cò lắm. Cuối cùng các cô cũng mất hết phương hướng, không còn biết đến đến sự cân bằng và đụng đầu vào các chướng ngại vật. Hắn đứng im trong bóng tối dày đặc cho đến khi các cô bỏ tay ra khỏi mặt, và chỉ đến lúc đó hắn mới bắn một phát vào đầu họ. Hoặc vào chân trước, ngay dưới đầu gối để cho họ còn có thể bò được.
Những trò đùa thật ấu trĩ đó, đúng là lãng phí, vì sau đó không còn gì để sử dụng được, nên hắn không làm nữa.
Kế hoạch mà hắn đang đeo đuổi, hắn có đề nghị với ba người đầu tiên bước lên lầu tắm trước khi hắn xô họ xuống dưới cầu thang với cái nút thòng lọng quanh cổ, không có trở ngại nào cả. Nhưng với người thứ tư, đúng là một thảm họa. Đúng lý hắn phải sử dụng đến súng trong phòng tắm: hắn mất hết cả giờ đồng hồ để lau chùi. Hắn nhớ lại cô gái, mình ướt đẫm, nổi da gà với cơn run rẩy khi nghe hắn lên cò súng. Hắn rất thích lên cò súng clic-clic, và một cái đùng!, chấm dứt các tiếng la.
Hắn rất thích khẩu súng của mình, và hắn có lý vì đây là một vật rất đẹp, một khẩu Colt Python bằng thép không rỉ với cái nòng dài mười lăm phân. Hắn lên đạn và bóp cò, chụp con chó lửa lại bằng ngón cái. Hắn đặt khẩu Python lên bàn làm việc.
Gumb muốn đề nghị với cô này gội đầu để hắn nhìn cô chải tóc. Điều đó sẽ giúp cho hắn rất nhiều sau này. Nhưng cô ta to con, chắc khỏe mạnh lắm. Đây là một mẫu rất hiếm để hắn liều lĩnh làm hư tấm da cô ta bằng một viên đạn không đúng chỗ.
Không được, phải dùng đến cái tời thôi, đề nghị cô ta tắm và một khi đã cột cô ta vào trong các đai rồi, hắn sẽ kéo cô ta lên tầm giữa giếng và bắn vài phát vào bụng dưới cô ta. Khi nào cô ta bất tỉnh rồi, hắn sẽ dùng đến thuốc mê để thực hiện những công việc còn lại.
Thế đó. Hắn phải lên thay quần áo. Đánh thức Quý Báu dậy để xem phim với nó, sau đó hắn sẽ trở xuống để hoàn tất công việc làm dưới tầng hầm được sưởi ấm, trần truồng như ngày mới chào đời.
Hắn cảm thấy hơi choáng váng khi lên cầu thang. Hắn cởi hết quần áo cho thật mau và mặc áo ngủ vào. Hắn để cuộn băng vào trong máy.
- Quý Báu ơi, lại đây nào Quý Báu. Chúng ta có nhiều việc phải làm. Hãy đến đây, trái tim của ta. - Hắn phải nhốt nó trong phòng trong suốt thời gian trọng đại dưới đó, vì nó ghét tiếng ồn và làm cho nó bị bệnh. Để cho nó có công việc làm trong khi hắn đi chợ, hắn đã khui cho nó một hộp thức ăn chó rồi.
- Quý Báu! - Không nghe thấy tiếng của nó, hắn bước đến cửa, lên tiếng gọi một lần nữa - Quý Báu!, - rồi qua nhà bếp, cuối cùng xuống đến tầng hầm. - Quý Báu. - Khi hắn đứng ngay cửa hầm giam để gọi, hắn mới nghe tiếng trả lời.
- Nó đang ở dưới này đây, đồ rác rưởi - Catherine Martin nói.
Gumb muốn xỉu vì lo sợ cho con chó yêu quý. Nhưng sự tức giận làm cho hắn tìm lại sức mạnh, hắn đưa hai tay nắm ép lên thái dương, tựa trán vào thành cửa, cố trấn tĩnh lại. Một tiếng, nửa rên rỉ nửa buồn nôn, thoát ra từ miệng hắn và con chó trả lời bằng tiếng ẳng ẳng.
Hắn đi vào trong xưởng để lấy khẩu súng.
Sợi dây cột vào cái xô bị đứt rồi. Hắn không thể hiểu cô ta đã làm như thế nào. Lần cuối cùng việc này đã xảy ra làm sao, hắn nghĩ cô ta đã ngu ngốc trèo lên đó. Nhiều người khác đã thử làm như thế, họ làm những điều ngu xuẩn không thể tưởng được.
Hắn cúi xuống miệng giếng và nói bằng một giọng được định lượng thật kỹ:
- Quý Báu ơi, mày ra sao rồi, hãy trả lời cho tao đi.
Catherine nhéo cái mông mập ú của con chó. Nó kêu lên và trả thù bằng cái cắn vào tay cô.
- Cách trả lời này có thích hợp với ông không? - Catherine đáp lại.
Quả là bất thường khi Gumb phải nói chuyện với cô ta như thế, nhưng hắn phải cố nén sự ghê tởm của mình.
- Tôi sẽ thả một cái giỏ xuống, rồi cô bỏ nó vào trong đó.
- Ông phải thả một máy điện thoại xuống đây nếu không tôi sẽ vặn cổ nó. Tôi không muốn làm thế, tôi không muốn hại con chó nhỏ này. Vì thế, ông nên thả điện thoại xuống cho tôi đi.
Gumb đưa súng lên. Catherine thấy nòng súng sáng lên trong ánh đèn. Cô ngồi xuống, đưa con chó lên cao và quơ nó qua lại giữa khẩu súng và cô. Cô nghe tiếng bóp cò.
- Đồ đần độn! Nếu ông bắn, ông không được bắn trật tôi nếu không tôi bẻ cổ nó đó, tôi thề đấy.
Cô ôm con chó dưới cánh tay, bóp chặt cái mõm và kéo mặt nó ngước lên.
- Đồ chó đẻ, mày có lùi lại không - Con chó con kêu một tiếng thật dài và khẩu súng liền biến mất.
Với bàn tay còn lại, cô vén mớ tóc khỏi cái trán đẫm mồ hôi của mình.
- Tôi không muốn chửi ông. Đưa cho tôi điện thoại đi, tôi muốn một điện thoại còn sử dụng được. Ông có thể đi đâu tùy thích, tôi bất cần, tôi không hề thấy mặt ông. Tôi sẽ chăm sóc Quý Báu.
- Không được.
- Tôi sẽ lo cho nó. Hãy nghĩ đến nó chứ đừng chỉ nghĩ đến mình ông thôi. Nếu ông bắn xuống đây, nó sẽ điếc mất. Tôi chỉ muốn một điện thoại còn sử dụng được. Ông phải kiếm một sợi dây nối, kết nối năm sáu sợi lại nếu cần, chúng luôn có hai đầu để kết nối với nhau, và thả nó xuống đây. Tôi sẽ gởi con chó bằng đường hàng không tới bất cứ đâu ông muốn. Gia đình tôi cũng có nuôi nhiều chó. Mẹ tôi rất thích chó. Ông có thể trốn chạy, tôi cóc cần.
- Cô sẽ không có nước uống, không một giọt nào cả.
- Nó cũng thế và tôi sẽ không chia cho nó phần nước còn lại trong cái chai ở dưới này. Tôi rất tiếc phải nói điều này nhưng hình như nó đã bị gãy hết một chân rồi. - Đây là lời bịa đặt, con chó đã rớt xuống cùng cái xô lên người Catherine và chính cô mới bị trầy mặt vì móng chân của con chó. Cô không thả nó xuống đất vì hắn sẽ thấy ngay nó không đi cà nhắc. - Nó đau nhiều lắm. Chân nó bị quẹo qua một bên và nó đang liếm mặt tôi đây. Tôi rất khổ tâm trước tình cảnh này. - Catherine đang nói láo. - Phải mau chóng đưa nó đến thú ý thôi.
Tiếng rên lo âu và phẫn nộ của Gumb làm cho con chó sủa nữa.
- Cô nói là nó đang đau đớn, nhưng cô có biết đau đớn là như thế nào không? - Gumb nói. - Cô mà làm nó đau, tôi sẽ tạt nước sôi lên người cô đấy.
Khi nghe hắn lên cầu thang bằng bước chân nặng nề, Catherine mới ngồi xuống, tay chân cô không ngừng run rẩy. Cô không thể ôm con chó được nữa và cũng không thể kiềm được nước tiểu cứ tuôn ra từ trong người cô.
Khi con chó trèo lên đùi cô, cô vuốt ve nó, vững lòng vì hơi ấm của nó.
2
Nhiều lông chim nổi trên dòng nước lờ đờ màu nâu sẫm, những lông vũ uốn quăn từ chuồng nuôi chim câu bay theo ngọn gió làm gợn sóng mặt sông.
Các nhân viên địa ốc rêu rao trên các bảng quảng cáo nhạt màu rằng những ngôi nhà trên đường Fell, con đường của Fredrica Bimmel, nằm trên một bến cảng. Sở dĩ có điều này bởi vì sân sau của những ngôi nhà đó nhìn ra một vùng nước tù đọng thuộc dòng sông Lucking, thành phố Belvedere, Ohio, một thành phố một ngàn hai trăm dân, ở phía đông Colombus.
Đây là một khu nghèo nàn. Vài ngôi nhà to lớn và cũ kỹ được các đôi vợ chồng trẻ mua với giá rẻ và tân trang bằng sự trợ giúp của nhiều lớp sơn, mà việc này càng làm cho các ngôi nhà khác trông thảm hại hơn. Nhà của gia đình Bimmel chưa được tân trang.
Clarice đứng một hồi lâu tại sân sau nhà của Fredrica, hai tay thọc trong túi áo mưa, ngắm nhìn các lông vũ trên mặt nước. Còn lại một ít tuyết cũ trên những cây lau sậy, với ánh xanh dưới bầu trời xám xịt của một ngày êm ả mùa đông này.
Clarice nghe phía sau lưng có tiếng của người cha của Fredrica đóng đinh trên các tấm ván các chuồng nuôi chim câu, được dựng ngay mép nước, đặt sát ngôi nhà. Cô chưa hề gặp mặt ông Bimmel. Những người láng giềng thờ ơ chỉ nói là ông ta đang ở nhà.
Clarice đang lo cho chính mình. Đêm qua, khi cô quyết định bỏ ngang khóa học để truy bắt Buffalo Bill, nhiều tiếng động xa lạ với tình hình đột nhiên im bặt. Bất ngờ, một sự im lặng thuần túy chiếm lấy tâm trí của cô, một sự yên tĩnh nào đó. Nhưng ở những nơi khác của não bộ, ở vùng ngoại vi, những ánh chớp của ý thức báo rằng cô là một đứa ngu xuẩn đang bỏ lớp học.
Những sự phiền lòng nhỏ nhặt trong ngày không hề ảnh hưởng gì đến cô, ngay cả mùi hôi trên chiếc phi cơ đưa cô đến Colombus, kể cả sự lộn xộn và thiếu năng lực của văn phòng cho thuê xe hơi. Cô đã gõ muốn sưng các ngón tay để cho các nhân viên làm việc khẩn trương hơn nhưng vẫn đem lại hiệu quả nào hết.
Clarice đã phải trả một giá rất đắt cái thời giờ bỏ ra tại đây nên muốn dùng nó sao cho có hiệu quả hơn. Vì bất cứ lúc nào, những người khác có thể thắng Crawford và tước đi tấm thẻ FBI trên tay cô, được dùng để chứng minh cuộc điều tra.
Cô phải khẩn trương lên, không nghĩ đến tại sao; lo nghĩ nhiều hơn đến tình huống khốn cùng của Catherine chỉ phá hỏng cái ngày này của cô. Chỉ nghĩ đến cô ta trong một khoảnh khắc hợp lý, chứ cứ tưởng tượng đến tình trạng hiện giờ cô ta phải chịu những gì đã xảy ra với Kimberly Emberg và Fredrica Bimmel, sẽ làm rối tung dòng suy nghĩ của cô.
Cơn gió thoảng đã ngừng thổi và mặt nước phẳng lặng như cái chết. Hãy giữ vững niềm tin nghe không, Catherine!
Clarice cắn môi. Nếu hắn sử dụng súng, cô hy vọng hắn sẽ giết cô ta ngay phát đầu tiên..
Hãy dạy cho chúng con tình thương và sự siêu thoát
Hãy dạy cho chúng con làm sao được bình thản.
Cô xoay người lại và đi giữa các hàng lồng chim, trên con đường được lót ván ngay trên bùn, về hướng tiếng búa. Có hàng trăm con chim câu với kích cỡ và màu sắc khác nhau; những con to lớn với đôi chân khoèo và nhiều con khác với cái bầu diều tròn trịa. Chúng đi qua đi lại trong chuồng, đôi mắt sáng ngời với cái đầu cứ cà giật hoặc dang đôi cánh rộng trước ánh nắng mờ nhạt và gù nhẹ khi cô đi ngang qua.
Cha của Fredrica Bimmel, ông Gustav Bimmel là một người to lớn với đôi hông rộng, đôi mắt xanh biếc đầm đìa nước mắt. Chiếc mũ đan phủ xuống tận lông mày. Ông đang đóng một chuồng chim trên một con ngựa thợ mộc ngay trước căn chòi để đồ nghề. Khi ông cúi đọc tấm thẻ FBI của cô, Clarice nhận thấy hơi thở ông sặc mùi vodka.
- Tôi không còn gì để nói nữa. Cảnh sát đã trở lại đây vào đêm hôm trước. Họ đã bắt tôi khai lại, đã đọc lại cho tôi nghe - Điều này đúng không, cái kia đúng không? - Tôi có trả lời với họ - Đúng rồi, mẹ kiếp, nếu không đúng, lần đầu tôi đâu có khai như thế cho mấy ông đâu.
- Thưa ông Bimmel, tôi đang cố gắng hình dung nơi mà... tên bắt cóc có thể nhìn thấy Fredrica, nơi mà hắn có thể chú ý đến cô ta và quyết định bắt cóc cô ta.
- Con gái tôi đi làm việc tại một cửa hàng ở Colombus bằng xe buýt. Cảnh sát nói con tôi có gặp ông chủ, nhưng nó không bao giờ trở về nhà nữa. Không ai biết nó có làm gì khác không. FBI đã kiểm tra các biên nhận thẻ tín dụng của nó, nhưng ngày hôm đó thì không có. Cô biết tất cả rồi mà, có đúng không?
- Về thẻ tín dụng thì phải, tôi có biết. Thưa ông Bimmel, ông còn giữ đồ đạc của Fredrica không và chúng được cất ở đâu vậy?
- Phòng của nó ở trên tầng thượng đấy.
- Tôi có thể xem qua không?
Ông phải nghĩ một lúc để tìm chỗ đặt cái búa xuống đâu, rồi nói:
- Được thôi, cô hãy đi theo tôi.
3
Văn phòng của Crawford trong tổng hành dinh của FBI tại Washington, được sơn một màu xám nặng nề nhưng cửa sổ lại lớn.
Đứng gần đó, ông đang cố gắng giải mã cái danh sách vừa mới ra khỏi cái máy in chết tiệt mà đúng lý ra người ta đã phải vứt vào thùng rác từ lâu rồi.
Ông trở về thẳng từ nhà tang lễ và làm việc suốt cả buổi sáng, quấy nhiễu mấy người Na Uy để thúc họ gởi sơ đồ răng của người thủy thủ mất tích tên Klaus, hối thúc văn phòng San Diego hỏi cung tất cả những người tại nhạc viện đã từng quen biết Benjamin Raspail và giục giã ngành Hải Quan kiểm tra lại các danh sách nhập khẩu côn trùng sống bất hợp pháp.
Năm phút sau khi ông đến, John Golby, vị phụ tá giám đốc FBI, người chỉ huy mới của toán công tác đặc biệt liên ngành, ló đầu qua cánh cửa.
- Tất cả bọn tôi đều nghĩ đến anh đấy, Jack. Cảm ơn đã đến. Ngày tang lễ được ấn định chưa?
- Việc gác xác sẽ khởi sự vào đêm mai. Tang lễ sẽ cử hành vào chủ nhật lúc mười một giờ.
Golby gật đầu.
- Chúng tôi có làm một cuộc quyên góp cho Unicef. Anh có muốn chúng tôi điền tên Phyllis hay là Bella?
- Bella, John, anh hãy ghi tên Bella đi.
- Tôi có thể làm gì cho anh không, Jack?
Crawford lắc đầu.
- Tôi làm việc thôi. Bây giờ tôi chỉ còn biết đến công việc mà thôi.
- Tốt - Golby đáp lại và theo đúng ý nghĩ ông ta để trôi vài giây.
- Frederic Chilton yêu cầu được hưởng sự bảo vệ của cảnh sát liên bang.
- Thật phi thường, John à, thế có người nào đi gặp Everett Yow, vị luật sư của Raspail chưa? Tôi có nói chuyện này rồi mà. Có thể ông ta biết điều gì đó về các người bạn của Raspail cũng nên.
- Có rồi, họ làm công việc này hồi sáng nay. Tôi cũng vừa mới gởi một tin nhắn về việc này cho Burroughs. Ông giám đốc đã đưa tên Lecter vào danh sách bị truy nã đặc biệt. Này, Jack, nếu anh cần đến bất cứ điều gì... - Golby nhướng mày và đưa hai tay lên rồi biến mất.
Nếu anh cần đến bất cứ điều gì.
Crawford xoay mặt qua cửa sổ. Ông có một cảnh quang thật đẹp trên tòa nhà cũ của Bộ Bưu Điện, nơi ông đã trải qua thời gian thực tập, bên trái là tổng hành dinh cũ của FBI; vào ngay trao bằng tốt nghiệp, ông cùng những người khác đã diễu hành qua phòng làm việc của J. Edgar Hoover, đứng trên một cái thùng để bắt tay từng người một. Đó là lần duy nhất ông gặp mặt vị chỉ huy tối cao này, vì qua ngày hôm sau ông đã kết hôn với Bella.
Hai người quen biết nhau tại Livoume, bên Ý. Ông đang thi hành quân dịch, cô làm việc cho NATO và vào thời đó cô mang tên Phyllis. Một hôm, trong lúc họ đang dạo chơi trên bến cảng, có một thủy thủ la to “Bella”, và kể từ ngày ấy, đối với ông, cô luôn là “Bella”. Ông chỉ gọi cô bằng tên Phyllis khi nào hai người bất hòa.
Bella đã chết rồi. Điều đó đúng ra phải làm thay đổi cảnh quang trước cửa sổ. Thật không phải chút nào khi nó vẫn y như thế. Khốn nạn thật, tại sao bà lại chết trước tôi như thế chứ! Chúa ơi, con biết điều này sẽ xảy ra, nhưng nó vẫn nhức nhối quá.
Thế người ta đã nói gì về việc nghĩ hưu bắt buộc vào tuổi năm mươi lăm? Người ta đã quá si tình với Cơ quan, nhưng nó không bao giờ biết thương yêu người đâu. Ông đã là chứng nhân.
Cảm ơn Chúa. Bella đã giúp ông tránh được việc đó. Ông hy vọng là bà sẽ ở đâu đó và cảm thấy yên ổn. Ông hy vọng bà có thể đọc được những gì trong tim ông.
- Thưa ông Crawford, có một ông bác sĩ Danielson nào đó...
- Cám ơn - Ông chờ nối máy. - Jack Crawford nghe dây.
- Đường dây này an toàn không ông Crawford?
- An toàn chứ, ít ra từ phía tôi.
- Ông không cho thu băng cuộc nói chuyện này chứ ông Crawford?
- Không đâu bác sĩ Danielson, ông cứ nói mà không ngại gì cả.
- Tôi muốn xác định việc này không liên quan đến bất cứ bệnh nhân nào của John Hopkins hết.
- Hiểu rồi.
- Nếu các ông rút ra được một điều gì đó, tôi yêu cầu các ông phải nói rõ cho công chúng biết hắn không hề là một tên chuyển đổi giới tính và cũng không có mối liên quan nào với viện của chúng tôi.
- Tôi xin hứa. Ông có lời hứa danh dự của tôi đây. Tôi khẳng định điều này - Mày có nói đi không, thằng bị táo bón kia. Crawford có thể hứa cho ông ta cả cái mặt trăng cũng được.
- Hắn đã đánh gục Bác sĩ Purvis.
- Ai mới được?
- Hắn yêu cầu được phẫu thuật cách đây ba năm dưới cái tên John Grant, ở Harrisbourg, Pennsylvania.
- Hình dáng?
- Đàn ông da trắng, ba mươi mốt tuổi. Một thước tám mươi, tám mươi sáu ký. Hắn đến trình diện để làm trắc nghiệm. Kết quả rất tốt về mặt Weschler-Bellevue, chủ thể xuất sắc, nhưng về các trắc nghiệm tâm lý và các cuộc nói chuyện là một việc hoàn toàn khác. Nói cho đúng trắc nghiệm người-cây-nhà và cái TAT của hắn phù hợp với những gì trong tờ giấy mà ông đưa cho chúng tôi. Ông làm cho tôi nghĩ rằng đây là giả thuyết của Alan Bloom, nhưng đúng ra là của Hannibal Lecter có phải không?
- Ông cứ tiếp tục nói về tên Grant đó đi, bác sĩ.
- Dù sao thì ủy ban cũng đã loại bỏ hắn, nhưng khi chúng tôi họp để thảo luận về vấn đề này, sự việc đã được quyết định vì quá khứ của hắn.
- Quá khứ như thế nào?
- Chúng tôi luôn hỏi cảnh sát của thành phố mà người ứng viên đang sống. Thành phố Harrisbourg đang truy nã hắn về hai tội tấn công người đồng tính. Tên thứ hai sém chết. Địa chỉ của hắn chỉ là một nhà trọ gia đình mà thỉnh thoảng hắn mới đến ở đó. Cảnh sát đã tìm thấy dấu tay của hắn và một hóa đơn đổ xăng với số đăng ký xe hơi. Hắn không hề mang tên John Grant. Một tuần sau, hắn chờ Bác sĩ Purvis ra về và đánh gục ông ta vì tức giận.
- Thế tên hắn là gì?
- Tốt hơn để tôi đánh vần cho ông: J-A-M-E G-U-M-B.
Hết chương 17. Mời các bạn đọc tiếp chương 18!