Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Phụ lục 12

Phụ lục 12
Những kẻ kích động xúi bẩy.

Lời đáp trả của các tổ chức xã hội đối với kênh truyền hình số 1 và chương trình “Thời sự” cùng ông Pozner

Ngày 25 tháng 1 năm 2004, trong chương trình Thời sự kỷ niệm 80 năm ngày mất của Người sáng lập và vị nguyên thủ đầu tiên của Liên bang Nga V. I. Lenin, người dẫn chương trình V. Pozner và các vị khách mời của ông ta - những tên phản bội - A. Yakovlev và M. Zakharov đã thực hiện hành vi trái pháp luật, xuyên tạc sự kiện lịch sử và phổ biến các tin tức xâm hại tới quyền lợi và lợi ích hợp pháp cũng như xúc phạm danh dự nhân cách của các thành viên các tổ chức xã hội mà chúng tôi là đại diện.

Chúng ta hãy để cho người dẫn chương trình và những nhân vật nói trên tự vấn lương tâm về những lời công kích hằn học và dối trá theo kiểu tuyên truyền của Hitler chống lại chính quyền Xô viết mà họ căm thù. Gây cho ta sự kinh tởm đặc biệt là hành vi xấu xa của kẻ lá mặt lá trái chủ chốt, nguyên là nhà tư tưởng chủ đạo và ủy viên BCT UBTƯ ĐCS Liên Xô, ông A. Yakovlev, làm việc theo phong cách của Goebbels.

Ta nên chú ý tới tình tiết sau: trong buổi truyền hình người ta cố gắng lảng tránh các khía cạnh chủ yếu - luật pháp và đạo đức - của vấn đề quyền bất khả xâm phạm của các di tích lịch sử và nơi mai táng. Theo quan điểm đó, những lời kêu gọi thô bỉ của Pozner, Yakovlev, Zhakharov và Yerofeev (sau đây sẽ gọi là Pozner và đồng bọn) đòi dẹp bỏ không chỉ di hài Lenin mà cả Hàng mộ Danh dự đã vang lên trên sóng truyền hình đi khắp đất nước và những lời phát biểu mang tính khiêu khích và trái pháp luật như thế của họ không thể không bị đáp trả.

1. Lời khẳng định của Pozner và đồng bọn là dường như “Lenin chưa được mai táng” là một lời lừa dối thô thiển và chỉ nhằm làm cho quần chúng hiểu sai lạc. Mọi người đều biết, V. I. Lenin với tư cách là người sáng lậ p (và nguyên thủ đầu tiên) Nhà nước chúng ta - Liên bang Nga - đã được mai táng với nghi lễ quốc gia cao nhất vào ngày 27 tháng 1 năm 1924 tại Lăng trên Quảng trường Đỏ dựa trên nghị quyết của Đại hội Xô viết toàn liên bang lần thứ II - cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước. N. K. Krupskaya, vợ góa của V. I. Lenin, đại biểu dự đại hội đó cũng đã biểu quyết chấp thuận nghị quyết.

Thi hài của V. I. Lenin được ướp và quàn trong quan tài kính đặt sâu 3 m dưới mặt đất và điều này hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quy định của Luật Liên bang “Về việc chôn cất và mai táng” ban hành ngày 12/ 01/ 1996, điều 3 của luật này quy định hai hình thức chôn cất (đặt thi hài người chết vào lòng đất, vào trong huyệt mộ hay trong hầm mộ (tức là trong Lăng)).

Chúng ta không biết Pozner và đồng bọn theo tôn giáo nào, tuy nhiên cần phải nhắc nhở họ rằng, việc thi hài Lenin đã được ướp chứ không phải “xác uớp” và đặt vào quan tài không mâu thuẫn với tập tục của Chính thống giáo. Từ năm 1881, thi hài của bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng N. I. Pigorov đã được ướp để gìn giữ, theo yêu cầu của người vợ góa và được sự đồng ý của Hội đồng Tối cao của nhà thờ Chính thống giáo Nga. Thi hài ông cũng được đặt trong quan tài kính giống như thi hài của V. I. Lenin. Lăng mộ Pirogov nằm gần Vinnitsa được Tổng thống Ukraina tuyên bố là tài sản quốc gia trên phương diện là một di tích lịch sử và văn hóa. Hơn nữa chưa một ai dám đề nghị đào mộ các thánh Serafim Sarovsky, Sergei Radonezhsky và các vị thánh khác đang nằm trong các nhà thờ Chính thống giáo, hay 120 vị thánh đang yên nghỉ trong các quan tài mở nắp đặt trong các hốc hang động của tu viện Hang Kiev. Mỗi tôn giáo đều có những thánh địa và thánh tích của mình và cái thời mà những kẻ lạ có thể chui vào đền đài miếu mạo của người khác, vào nơi đặt quan quách của người ta và đưa ra những lời khuyên thật trơ tráo cùng với nhũng hành động cực kỳ vô đạo đức đã lùi sâu vào quá khứ trong tiến trình phát triển lịch sử nước Nga.

2. Lăng V. I. Lenin của kiến trúc sư nổi tiếng A. V. Shchusev là một công trình nổi tiếng của nền kiến trúc nước nhà và thế giới. Theo như Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Nga ban hành ngày 4-12-1974, Lăng Lenin và các ngôi mộ ở chân tường thành Kremli nằm dưới sự bảo hộ của nhà nước trên phương diện là di tích lịch sử. Sắc lệnh Tổng thống Liên bang Nga số 176 ban hành ngày 20-2-1995 xếp Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự vào hàng các công trình thuộc di sản lịch sử và văn hóa cấp liên bang. Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự ở chân tường thành Kremli với vai trò là một bộ phận của quần thể kiến trúc Kremli và Quảng trường Đỏ đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Đỉnh điểm thời khắc lịch sử của Lễ duyệt binh Chiến thắng ngày 24 tháng 6 năm 1945 là lúc các chiến sĩ Hồng quân ném 200 quân kỳ của các binh đoàn phát xít bị đánh tan xuống chân Lăng, như muốn báo cáo: “Thưa đồng chí Lenin! Di huấn của đồng chí về việc bảo vệ Tổ quốc đã được hoàn thành!”.

Hình Lăng Lenin được đặt ở giữa tấm Huân chương quân sự cao nhất của đất nước - huân chương Chiến thắng. Xin nhắc rằng Hiến pháp Liên bang Nga (mục 3 điều 44) nói rõ: “Mọi công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm gìn giữ di sản lịch sử và văn hoá, bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa”.

Khẳng định của Pozner và đồng bọn rằng, dường như phải tốn một triệu rưỡi rúp để duy trì hoạt động của Lăng là không đúng thực tế. Từ năm 1992, nhà nước đã thôi cấp kinh phí cho mọi hoạt động chủ yếu cũng như công tác bảo dưỡng của Lăng và hiện nay không cấp dù chỉ một xu. Các nhà bác học thuộc chuyên ngành ướp xác đã làm việc không lương một năm rưỡi. Từ năm 1993, Tổ chức xã hội từ thiện bảo tồn Lăng V. I. Lenin ra tay trợ giúp tài chính cho các nhà bác học.

3. Vì không chỉ một lần cựu Tổng thống Liên bang Nga B. Yeltsin và nhóm cận thần của ông ta mưu toan dùng biện pháp cưỡng chế để xóa bỏ Hàng mộ Danh dự nên vào năm 2000 một tổ chức xã hội đã được thành lập và đăng ký tại Sở tư pháp của thành phố Moskva. Nó được đặt tên là Hiệp hội thân nhân những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự nằm bên tường Kremli. Mục đích của hội là hợp nhất mọi nỗ lực của họ hàng thân thích và thành viên gia đình của các công dân được an táng trong Hàng mộ Danh dự để bảo vệ các quyền công dân và hiến pháp của mình (kể cả quyền được đối xử xứng đáng và quyền bất khả xâm phạm đối với các nấm mộ người thân của họ) chống lại sự phân biệt đối xử vì các nguyên nhân chính trị và tôn giáo xuất phát từ phía các quan chức, các tổ chức, các đảng phái và các phương tiện thông tin đại chứng.

Trong số các thành viên của Hội có họ hàng thân thích và con cháu của V. I. Lenin, I. V. Stalin, G. K. Zhukov, K. K. Rokossovsky, I. S. Konev, R. Ya. Malinovsky, V. D . Sokolovsky, S. K. Timoshenko, F. I. Tolbukhin, I. Kh. Bagramyan, M. V. Frunze, Yu. A. Garagin, I. V. Kurchatov, M. V. Kendysh, S. P. Korolyov, V. P. Chkalov và nhiều công dân khác mà tên tuổi của họ là niềm tự hào của nước Nga thế kỷ XX. Trong Hàng mộ Danh dự yên nghỉ 22 nguyên soái, 18 Anh hùng, 14 người hai lần Anh hùng và một người duy nhất 4 lần Anh hùng Liên Xô, những người 3 lần Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, các viện sĩ hàn lâm, phi công vũ trụ, ủy viên Dân ủy, bộ trưởng, thủ lĩnh công đoàn, nhiều người con trai và con gái quang vinh của dân tộc. Tổng cộng trong Hàng mộ Danh dự yên nghỉ hơn 400 người, trong đó có hơn 50 người là công dân nước ngoài.

Năm 2000, sau một đợt tuyên truyền điên cuồng như thường lệ với lời kêu gọi xóa bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự ở chân tường thành Kremli, các thành viên của Hiệp hội Thân nhân những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự bên tường Kremli đã gửi một bức thư ngỏ cho Tổng thống Liên bang Nga V. V. Putin đăng trên Công báo Nga (22-12-2000), Báo Nghị viện (26-12-2000) và báo Nước Nga Xô viết (23-12-2000), trong đó phản đối chiến dịch tuyên truyền đáng xấu hổ đó. Họ tuyên bố kiên quyết phản đối việc xóa bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự, phản đối việc cải táng những người ruột thịt của họ. Trong cuộc họp báo tổ chức ngay sau đó, Tổng thống Liên bang Nga tuyên bố rằng ông chống lại việc cải táng V. I. Lenin. Xin nhắc thêm rằng, theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Yelena Gagarina, con gái của Yuri Alekseyevich Gagarin - người được an táng ở Hàng mộ Danh dự - đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Khu bảo tồn Bảo tàng quốc gia Kremli Moskva.

Pozner và những kẻ phản bội do ông ta mời đến cần phải biết rằng, theo điểm 2 điều 4 của Luật Liên bang “Về công việc chôn cất và mai táng”, “những địa điểm chôn cất hiện tại sẽ không bị phá bỏ và chỉ có thể chuyển đi trong trường hợp có mối đe dọa bị ngập lụt thường xuyên, bị đất trượt, sau động đất và các thiên tai khác”. Trên Quảng trường Đỏ không xảy ra hiện tượng nào như thế.

Vì thế, xét trên quan điểm lập pháp, những lời phát biểu của những người tham gia buổi truyền hình rằng cần phải dẹp bỏ không chỉ riêng Lăng mà cả Hàng mộ Danh dự có thể xếp vào hành vi kêu gọi xóa bỏ Hàng mộ Danh dự và cưỡng chế cải táng thi hài V. I. Lenin cùng hơn 400 người khác, bất chấp ý nguyện người thân thích của họ và của các tổ chức xã hội đứng lên bảo vệ quyền công dân và quyền hiến pháp cùng những lợi ích hợp pháp của họ.

Nếu như lời kêu gọi này dành cho đám đông những kẻ thích phá hoại và đập phá vô văn hóa mang tư tưởng phát xít, giống như những kẻ đã tham gia vào hành vi tội phạm giật đổ tượng đài kỷ niệm F. E. Dzerzhinsky hồi tháng 8 năm 1991, thì có thể coi lời kêu gọi này rõ ràng là lời kêu gọi “thực hiện các hành vi côn đồ thể hiện thái độ man rợ hủy diệt gía trị văn hóa xuất phát từ các động cơ chính trị, tư tưởng... hay từ lòng thù hận tôn giáo” và nằm trong nội dung khái niệm “chủ nghĩa cực đoan” mà biểu hiện của nó được xác định rõ ràng trong bộ Luật Liên bang số 114-03 - ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2002 “Về các biện pháp đấu tranh với hoạt động cực đoan”.

Trên thực tế, Pozner và đồng bọn đã khiêu khích nhằm thực hiện các hành vi tội phạm hình sự quy định trong các điều sau đây của Bộ Luật Hình sự (BLHS LBN): điều 214 (hành vi man rợ hủy diệt giá trị văn hóa), điều 243 (phá bỏ các di tích lịch sử và văn hoá), điều 244 (xúc phạm tới thi hài người chết và chỗ chôn cất họ (trong đó có cả thi hài và mộ của những người tham gia chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít)), điều 282 (kích động thù hận dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo).

Nếu như những lời kêu gọi của Pozner và đồng bọn nhằm vào chính quyền, thì những người phát biểu tương tự trên phương tiện thông tin đại chúng đã thực hiện một hành vi không ngoài mục đích kích động xúi bẩy các quan chức của chính quyền hành pháp Liên bang Nga phân biệt đối xử với các công dân theo động cơ chính trị và thực hiện các hành vi tội phạm quy định trong điều 286 BLHS LBN (hành động vượt quá quyền hạn của mình), hành vi đó sẽ bị xử phạt (tùy theo mức độ nghiêm trọng của hậu quả) bằng hình phạt tù giam tới thời hạn 10 năm.

Chúng tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh rằng: khi Pozner và đồng bọn cho rằng Lăng Lenin và cả Hàng mộ Danh dự có thể dẹp bỏ khỏi Quảng trường Đỏ mà không vi phạm luật pháp liên bang và Hiến pháp Liên bang Nga, thì đó là sự lừa dối công luận; khi V. Pozner và đồng bọn khẳng định rằng, Lăng Lenin và toàn bộ Hàng mộ Danh dự cần phải dẹp bỏ khỏi quảng trường Đỏ thì đó là hành vi xúi bẩy kích động chính quyền hành pháp vi phạm Hiến pháp Liên bang Nga và Luật Hình sự Liên bang Nga (xem điều 30 và 33 BLHS LBN về các hình thức đồng loã với tội phạm).

Chúng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải cảnh báo Pozner cùng những kẻ đặt hàng và chuẩn bị các chương trình truyền hình khiêu khích tương tự, bộc lộ rõ sự ngu dốt về luật pháp của các tác giả dựng lên chúng: ngay khi lời kêu gọi của các ngài đòi dẹp bỏ Lăng và Hàng mộ Danh dự ra khỏi Quảng trường Đỏ được đưa lên sóng truyền hình hay xuất hiện trên các trang báo, lập tức chúng sẽ trở thành hành vi công khai, mang tính pháp lý mà tên gọi của nó là hành vi xúi bẩy kích động tạo dư luận xã hội hỗ trợ cho việc thực hiện các tội ác nói trên, biện hộ cho chúng và tạo cho chúng vẻ ngoài hợp pháp. Và nếu như “nền độc tài của pháp chế” (sau khi Yeltsin rời chức) thực sự bị đẩy lên con đường tự tung tự tác của những kẻ phiêu lưu chính trị, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi trái pháp luật của mình.

Nếu gác các Bộ luật Hình sự và Dân sự sang một bên, chúng tôi những muốn biểu lộ sự hối tiếc rằng, bất chấp thất bại của các thế lực chính trị tự do cực đoan như Liên minh các lực lượng cánh hữu, ở kỳ bầu cử mới đây vào Đuma quốc gia, kênh truyền hình số 1 mà đại diện là ông Pozner, vẫn là cái loa cho những kẻ căm thù chính quyền Xô viết và căm thù người sáng lập Liên bang Nga V. I. Lenin như trước và được sử dụng để đốt lên hận thù xã hội, lòng căm thù và để kêu gọi thực hiện các hành động cực đoan nhằm hạ thấp nhân cách các thành viên của các tổ chức xã hội chúng tôi và hàng triệu người cùng chung lý tưởng với chúng tôi, phỉ báng ký ước lịch sử của nhân dân. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để nhanh chóng tiến đến thời kỳ mà các nhân vật chính trị gian hùng chuyên phá hoại như Pozner và đồng bọn không thể giẫm đạp lên thánh địa của hàng triệu con người một mực trung thành với lý tưởng của thời kỳ Xô viết vĩ đại.

Chủ tịch Ban điều hành Tổ chức xã hội

từ thiện bảo tồn Lăng Lenin,

Phó tiến sĩ Khoa học lịch sử A. S. Abramov

Chủ tịch Ban điều hành Hiệp hội thân nhân những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự

bên tường Kremli, I. S. Bagramyan

Ngày 27 tháng 2 năm 2004.

HẾT

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t26634-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-phu-luc-12.htm...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận