Sicily - Miền Đất Dữ Chương 24

Chương 24
Trước khi chính quyền Rome chơi bạo bằng cách thành lập Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ, Guiliano vẫn ngang nhiên đi về Montelepre bất cứ khi nào nó muốn, coi lực lượng cảnh vệ địa phương có cũng như không.

Lúc đó hắn thường trông thấy Justina Ferra. Thỉnh thoảng cô lại nhà hắn chơi, hoặc để nhận tiền mà Guiliano gởi, giúp đỡ ông bà già của cô. Thời gian đó, thật sự, Guiliano cũng chẳng dè trước được là lúc trổ mã cô nàng lại là một thiếu nữ lộng lẫy, nẩy lửa. Cho đến một ngày kia, hắn gặp cô nàng theo ông bà già đi mua sắm ở thủ phủ Palermo để chuẩn bị lễ kính nhớ Thánh bổn mạng của thị trấn. Ở thị trấn Montelepre heo hút kia thì làm gì có những thứ ngon lành. Đã thế, giá cả lại cao ngất trời xanh. Cái gì cũng tưởng như làm bằng vàng. Hôm đó, Turi và mấy tay em cũng đi mua sắm. 


Cách hôm gặp gỡ ở Palermo sáu tháng, Guiliano không thấy lại cô nàng. Ai dè chỉ trong sáu tháng, như con nhộng lột xác thành con bướm rực rỡ, cô bé Justina trổ mã thành một cô gái đẹp rực rỡ. Thân hình dong dỏng cao, thon. So với tầm vóc trung bình của gái Sicilian vào tuổi đó thì cô nàng thuộc loại “trường túc”. Cặp giò thon, dài, dận trên đôi giày cao gót mới mua. Năm đó cô nàng mới ở tuổi trăng tròn lẻ. Nhưng cái khí hậu cận nhiệt đới của Sicily đã làm cho khuôn mặt và vóc dáng cô bé sớm trổ mã thành một cô nàng nom mơn mởn. Mái tóc đậm màu, buông xõa như dòng suối chảy gọn gàng theo ba chiếc kẹp có gắn cái gì đó nom như ba viên ngọc. Chiếc cổ cao, thon, nõn nà như cổ của bức tượng Ai Cập khắc họa trên các bình hoa. Đôi mắt to, ngây thơ, ngơ ngác con nai vàng. Bộ phận duy nhất trên khuôn mặt phản lại cái vẻ ngây thơ là cái miệng. Môi dưới hơi trề ra, nom đã thấy chất “ham muốn” rồi. Cô nàng mặc bộ đồ trắng, dải băng đỏ quấn ngang đầu. 
Lúc đó – đối với Guiliano – cô bé là vẻ yêu kiều hiện thân bằng da thịt, đến nỗi, Guiliano nhìn đến lõ mắt ra hồi lâu. Hắn đang ngồi nhâm nhi ly cà – phê tại một quán ngòai trời. Cô nàng cùng với ông bà già tình cờ đi ngang. Nhìn thấy hắn đấy chớ. Nhưng, ông già tảng lờ như không thấy. Bà già liếc nhanh, chỉ có Justina là cứ ngó đăm đăm vào anh chàng. Tuy nhiên, cô nàng cũng đủ “chất Sicilian” để ngó thì ngó chớ chào thì không. Chào, lộ hết cả còn gì! Nhưng, coi thiên hạ như củ khoai, cô nàng cứ mắt anh chàng mà đá long nheo. Còn chàng như bị hớp hồn. Chàng thấy đôi mắt kia dường như hé nở nụ cười tủm tỉm. Trong ánh nắng trên hè phố Palermo, nàng lộng lẫy, chờn vờn trong ánh hào quang. Cái vẻ đẹp dữ dội, nảy lửa, “rất Sicilian” từ thuở nào tới giờ vẫn là sản phẩm độc đáo loại này! Từ ngày lao thân vùng vẫy trong chốn giang hồ, Guiliano vẫn không dám mơ tưởng, nhất là không dám tin cậy vào tình yêu. Đối với hắn, yêu là chấp nhận sự khuất phục. Và tình yêu là mầm mống của phản trắc, của lừa lọc. Và do đó, tình yêu đối với đàn bà con gái là con đường đưa người hùng đến chỗ suy bại. Nhưng, lúc ngồi ở quán cà – phê, nhìn thấy Justina, hắn cảm thấy một cái gì đó hoàn toàn mới lạ. Một cái gì đó đột nhiên chụp lấy hắn, ùa tràn và chạy rần rật khắp toàn thân, khiến cho hắn cảm thấy không thể không tự nguyện làm nô lệ cho cô nàng. Nhưng, hắn lại không nhận ra đó là tình yêu mà hắn thường đồng nhất với bóng dáng của tử thần. 
Một tháng sau ngày gặp gỡ “dở chứng” ấy, hình ảnh của một Justina đứng chờn vờn trong vòng hào quang trên đường phố Palermo cứ lở vởn trước mắt và ám ảnh trí Guiliano. Hình ảnh ấy không mờ đi thì chớ, lại còn rõ nét thêm. Hắn tưởng đó là sự thèm khát khoái cảm nhục dục. Lâu rồi, hắn không còn được hưởng khoái cảm ấy với La Venera. Thế rồi, không những chỉ trong giấc ngủ hắn mới mơ thấy cảnh hoan lạc với nàng. Ngay lúc tỉnh thức, giữa ban ngày, ban mặt, hắn mơ được dắt nàng đi lang thang trên rặng núi, chỉ cho nàng cái hang núi này, cái khe núi kia mọc đầy hoa dại rực rỡ sắc màu, ngạt ngào hương bay, chia sẻ cùng nàng những món ăn nóng hổi trên các bếp lửa ngòai trời. Cây đàn ghi – ta còn để lại nhà. Thế mà nó vẫn mơ gẩy đàn cho nàng nghe. Hắn hình dung mình và nàng ngồi bên nhau thủ thỉ, cho nàng xem những bài thơ hắn đã làm trước kia, trong đó có bài đã được đăng báo. Hắn còn dám nghĩ đến chuyện liều lĩnh lẻn về Montelepre, đến tận nhà của nàng để được nhìn thấy nàng, mặc dầu Montelepre lúc này đầy cớm và cảnh vệ. Nhưng, hắn cũng kịp tỉnh ngộ để biết rằng hắn đang bị những hiểm nghèo vây bủa, rình rập. Và ước mơ đó thật điên khùng. 
Vào thời gian này, Guiliano chỉ còn hai con đường để lựa chọn. Một là bị bọn cảnh v bắn chết. Hai là tìm được một chỗ ẩn thân bên Mỹ hay Brazin. Nếu cứ tiếp tục mơ tưởng đến cô nàng thì chuyện đi Mỹ là không thể có được. Bởi vậy, phải gạt bỏ hình ảnh cô nàng khỏi tâm trí. Hay là… dụ cô nàng trốn đi theo sang Mỹ. Nếu vậy, hắn sẽ trở thành kẻ tử thù của ông già cô ta. Sicilian là thế đó. Cheo cưới đàng hoàng. Nếu không, xin miễn. Không thể có chuyện dụ con gái nhà người ta, rồi tiền trảm hậu tấu. Không thể có chuyện khơi khơi dắt nhau đi cho đến khi con cái đề huề, rồi quay về lạy mẹ lạy cha. Ngay chính Guiliano cũng không chấp nhận vượt quá quyền ông bà già, rất ghét chuyện dụ dỗ con nhà lành. Guiliano rất “cổ điển”, rất “truyền thống” trong quan niệm gia đình. Vợ cái, con cột. Bất di bất dịch, chính hắn đã có lần quất Aspanu một trận nên thân về tội dụ dỗ gái tơ. Và cũng đã có ba thằng tay em của hắn bị xử tử về tội hãm hiếp. Hắn muốn Justina nghĩ về hắn như một người sẽ đem lại hạnh phúc cho cô nàng, hắn sẽ ân ái với nàng và nàng phải cảm phục hắn, nhìn hắn như hắn tự nhìn mình. Hắn muốn đôi mắt cô nàng tràn ngập tin yêu đối với hắn. 
Đầu óc “chiến lược gia” của Guiliano làm gì mà chẳng giúp hắn tìm ra được giải pháp cho vấn đề. Giải pháp đó là bí mật cưới cô nàng. Không có ai ngoài cha mẹ đôi bên biết điều này. Dĩ nhiên, Aspanu và một vài tay chân thân tín nữa cũng được chia sẻ bí mật đó. Sau khi cưới nếu có cơ hội an toàn, nó sẽ “nháy” cô nàng vào trong hang núi sống với hắn vài ngày. Là vợ của Guiliano cũng có nghĩa là chấp nhận hiểm họa. Sau đó, hắn sẽ tìm cách đưa cô nàng sang Mỹ. Ở đó, cô nàng sẽ chờ đợi cho đén khi hắn trốn qua được. 
Đó, giải pháp của Guiliano là vậy. Không hiểu Justina nghĩ sao. 

Từ năm năm qua, lão Caesaro Ferra đã là thành viên bí mật trong băng của Guiliano. Tất nhiên, nhiệm vụ của lão không phải là đánh đấm, đâm chém. Lão thuộc ngành “văn”, chứ không phải ngành “võ”. Lão làm công tác tình báo. Tối ngày bí mật dò la theo dõi tin tức, rồi báo cho Guiliano. Vợ chồng lão Caesaro là chỗ quen biết với ông bà già của Guiliano. Hai nhà chỉ ở cách nhau mười căn. Guiliano là một thanh niên có học thức nhất trong số dân ở thị trấn Montelepre. Hắn không muốn thành một anh canh điền cổ cày vai bừa. Khi Justina còn là đứa con nít đánh mất tiền, nó đã cho tiền “đền” và còn viết vài hàng để con bé mang về nhà. Trong giấy ấy có hứa là cả gia đình sẽ được hắn bảo trợ. Nhận được giấy, lão Caesaro qua gặp ông bà già của Guiliano để cám ơn và tự nguyện được “giúp hắn một tay”. Lão dò la thu thập – trong và quanh vùng thị trấn Montelepre và ngay cả tại thủ phủ Palermo – những tin tức về hoạt động của bọn cớm, của các nhà giàu có máu mặt để Guiliano bắt cóc đòi tiền chuộc, phát hiện những tên làm chỉ điểm cho cớm… Mỗi lần bắt có thành công, lão cũng được chia phần “chiến lợi phẩm”. Lão mở một quán nhậu nho nhỏ. Vừa làm kế sinh nhai, vừa làm nơi moi tin và chuyển tin. 
Khi Silvio Ferra giải ngũ về nhà trở thành đảng viên xã hội, lão Caesaro đã đuổi hắn ra khỏi nhà. Chẳng phải vì lý do gì quan trọng mà lão dứt tình cha con. “Để nó ở nhà, có ngày cả gia đình mang đại họa lây vì nó”. Lão không hề có ảo tưởng về nền dân chủ của các ngài chính khách của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Khi Silvio bị sát hại, lão đã nhắc lại cho Turi lời hắn đã hứa bảo trợ cho gia đình lão, Turi hứa sẽ báo thù. 
Lão Caesaro không bao giờ phiền trách Guiliano. Lão biết vụ tàn sát ở Portella đã làm cho Guiliano rất khổ tâm, rất buồn phiền và đến bây giờ vẫn còn day dứt. Lão biết điều này qua mụ vợ của lão, khi mụ cùng bà già của Guiliano chuyện vãn với nhau. Gia đình Guiliano sung sướng biết bao trong những ngày trước khi tai họa khủng khiếp xảy ra. Tức là ngày đứa con trai cưng của họ bị cớm bắn tưởng chết. May mà sống sót. Những vụ giết chóc do Guiliano gây ra từ trước đến giờ - theo lão Caesaro – đều là chính đáng, cần thiết hoặc ít ra cũng là bất đắc dĩ cả. Nhưng bà già của Guiliano vẫn cứ áy náy về từng vụ. Khi xảy ra vụ Portella, lão Caesaro để tâm dò la manh mối, lão quyết phanh phui cho bằng được điều bí ẩn ở Portella. Phải chăng Passatempo đã điều chỉnh sai tầm súng? Phải chăng thằng đồ tể hóa sát khát máu ấy bắt chết đàn bà con nít cho sướng tay? Có thể có một bọn khác không phải là người của Guiliano đã thực hiện cái việc tàn sát ác nhân ác đức ấy để làm ô danh hắn? Nếu vậy, bọn đó là tay chân của Ông Trùm Croce hay là bọn cớm? Không ai thoát khỏi sự nghi ngờ của lão Caesaro, từ Guiliano. Bởi vì, nếu đến như Guiliano mà cũng còn như vậy nữa thì – theo lão – thế giới này hết thuốc chữa. Lão thương Guiliano như thương con mình. Lão đã nhìn thấy hắn từ lúc hắn còn là đứa trẻ ở truồng cho đến lúc hắn trở thành một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy. Chưa bao giờ lão thấy hắn tỏ ra táng tận lương tâm, xấu xa, độc ác, đểu cáng, háo sát. 
Lúc nào lão Caesaro cũng tai tỉnh mắt tinh, không để lọt một lời nói, một cử chỉ vô tình của khách nhậu. Lão cung cấp đồ nhậu cho những thủ hạ bí mật của Guiliano chưa bị đại tá Luca tống giam. Lão chăm chú ghi nhận từng chi tiết cỏn con, vu vơ, không đâu của đám “Người anh em”, tay chân bộ hạ của lão Croce vẫn thỉnh thoảng đến đây – trong lúc nhâu nhẹt, đánh bài – đã hớ hênh xì ra. Có một đêm, lão đã nghe thấy chúng cười nói bàn tán với nhau về việc thằng “súc sinh” và thằng “quỉ sứ” đã bí mật đến gặp Ông Trùm. Và thằng già “lựu đạn” này đã gạ gẫm và mua chuộc hai thằng côn đồ, cốt đột này thành tay sai, chỉ điểm cho lão. 
Lão Caesaro nghiền ngẫm về những chi tiết cỏn con ấy. Với đầu óc tinh quái và một tay Sicilian thứ thiệt, lão rị mọ chắp nối, sắp xếp những chi tiết cỏn con, vu vơ, rời rạc, vụn vặt ấy thành một câu chuyện có đầu đuôi mạch lạc. Do đó, chỉ với một vài điều bang quơ do bọn kia vô tình xì ra, lão đã suy ra thành một câu chuyện như thế này. Passatempo có hỗn danh là đồ tể thì trong câu chuyện của lũ kia, nó mang cái tên là thằng “súc sinh”, Andolini có biệt danh là “thầy dòng” thì trong câu chuyện được gọi là quỉ sứ. Có thế chứ! Villaba cách xa Montelepre như vậy thì hai tên này bí mật mò đến đó làm gì? Và chúng đã nói năng gì, thỏa thuận gì trong những lần gặp gỡ bí mật ấy? Lão đã sai thằng nhóc mười tuổi, con lão, đến nhà bà già Guiliano để nhắn cho Guiliano có tin khẩn. Hai ngày sau lão được Turi hẹn gặp trên núi. Lão đã kể cho Guiliano đầu đuôi câu chuyện mà lão đã xây dựng được. Guiliano lắng tai nghe, nhưng không tỏ ra một chút xúc động nào. Hắn chỉ thề sẽ tìm mọi cách để phát hiện cho bằng được điều bí mật ấy. 
Bẵng đi ba tháng, Ferra không nghe thấy Guiliano nhắc nhở gì đến vụ ấy. Lão đã tưởng Guiliano cũng đã bỏ qua, sau khi dò tìm không ra manh mối. Bỗng một hôm lão được Guiliano nhắn mời lên núi. Lão hồi hộp và khấp khởi mừng thầm, vì chắc đã được nghe đoạn kết của câu chuyện do chính lão bắt đầu. 
Guiliano và đồng đảng – trong giai đoạn này – phải rút sâu vào trong núi để tránh sự uy hiếp trực tiếp và thường xuyên của đại tá Luca. Caesaro phải đi ban đêm. Gặp Pisciotta tại điểm hẹn. Sau đó được dẫn tới “bản doanh” của Guiliano. Mãi đến gần sáng họ mới tới nơi. Có bữa ăn nóng chờ họ. Thức ăn ngon được bày ra trên bàn có trải khăn đàng hoàng. Bộ đồ ăn mạ bạc. Turi mặc áo lụa trắng. Quần nhung màu nâu da bò. Chân mang giày da đánh xi bóng lộn. Tóc chải sáp láng bóng. Chưa bao giờ nó diện bảnh như hôm nay. 
Pisciotta rút lui để hai người nói chuyện với nhau. Guiliano coi bộ có một cái gì đó có vẻ ngượng nghịu không thoải mái tự nhiên và thân mật như mọi lần. Hình như hắn đang ốm. 
- Cháu cám ơn bác đã cung cấp những tin tức quí báu, rất quan trọng – Guiliano trịnh trọng nói, - cháu đã theo dõi, điều tra. Và quả đúng như vậy. Rất quan trọng. Nhưng, hôm nay cháu mời bác đến để bàn một chuyện khác. Điều cháu sắp thưa với bác chắc sẽ làm cho bác ngạc nhiên và cháu mong sẽ không làm phiền lòng bác. 
Lão Caesaro giật mình, nhưng lão cũng nói một cách nhũn nhặn: 
- Anh nói quá chăng. Có bao giờ anh làm phiền tôi đâu. Tôi còn mang ơn anh thì có. 
Guiliano mỉm cười. Nụ cười cởi mở, thành thật mà lão đã nhìn thấy ở hắn từ lúc nó còn bé. 
- Bác nghe cho kỹ này. Cháu thưa với bác bước thứ nhất đã. Nếu bác không thuận thì cháu xin phép khỏi phải nói bước kế tiếp. Và cũng xin nói rõ, cháu nói chuyện này không phải trong cương vị chỉ huy. Và bác thì không phải trong tư cách thuộc cấp mà là trong tư cách người cha của cô Justina. Chính bác cũng đã biết là cô ấy rất đẹp. Và cũng đã có vô khối cậu lượn tới, lượn lui trước cửa nhà bác. Cháu cũng biết là hai bác đã dạy dỗ cô ấy rất đàng hoàng. Và cô ấy cũng là người đứng đắn, gia giáo. Phải nói, đây là lần đầu tiên cháu cảm thấy như… Cháu muốn cưới cô ấy làm vợ. Nếu như bác từ chối, cháu cam đoan với bác, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cháu đề cập đến vấn đề này với bác. Sau này, cháu không bao giờ nhắc đến nữa. Và bác vẫn cứ được cháu trọng vọng, kính nể như từ trước đến nay. Và cô ấy cũng vẫn được cháu đặc biệt bảo trợ. Nếu bác trả lời “được”, cháu sẽ tiến bước thứ hai là sẽ hỏi xem cô ấy có thuận không. Nếu cô ấy trả lời “không”, thì lại coi như không có vấn đề gì. 
Lão Caesaro nghe mà trong lòng bối rối quá chừng. Đến nỗi lão ta cứ lắp bắp mãi: 
- Để tôi nghĩ coi, để tôi nghĩ coi… 
Rồi, lão làm thinh một hồi lâu. Khi lão cất tiếng nói, thì cũng vẫn nhũn nhặn. Và có lẽ còn nhũn nhặn hơn trước nữa: 
- Em nó được anh thương đến thì còn gì bằng nữa. Cứ ý tôi thì có đến mòn con mắt ra nó cũng sẽ chẳng tìm được đâu ra một tấm chồng bằng anh. Thằng Silvio nhà tôi – nếu nó còn sống – chắc chắn nó cũng sẽ bằng lòng. – Rồi, lão lại lắp bắp: - Tôi lo là lo sự an nguy của em nó kìa. Nếu biết Justina là vợ anh, thế nào thằng cha đại tá Luca cũng tìm mọi cách bắt giam nó, hoặc dùng nó làm mồi để bẫy anh. Mà ngay cả đám Mafia – anh cũng biết hiện chúng đang thù anh đến tận xương tận tủy – cũng sẽ chẳng để nó yên thân. Phần anh – nói anh bỏ quá cho – anh chỉ có hai đường hoặc trốn sang Mỹ, hoặc bỏ xác trên núi này. Em nó còn trẻ quá mà phải cảnh góa bụa. Tôi không đành lòng. Tôi rất thành thật với anh, thương anh và thương con mà nói như vậy, mong anh bỏ qua cho. Có nó, đời anh thêm vướng víu, bận bịu. Cái đó là cái làm cho tôi lo hơn cả.

Nguồn: truyen8.mobi/t114136-sicily-mien-dat-du-chuong-24.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận